Đêm thứ ba

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đêm thứ ba.
10:06 pm

Tôi đã từng muốn chạm vào An Dao.

Không chỉ một lần.

Tất nhiên lúc đó mọi sự chỉ ở thời điểm bắt đầu, chưa có một biến cố nào xảy ra và tôi mới vừa phát hiện ra tôi yêu em. Việc nhận ra mình yêu em đã đủ làm tôi có những khao khát. Đến gần hơn, gần đến mức tôi có thể ôm lấy em chỉ bằng cách đưa tay ra. Đi bên cạnh em, từ con đường này sang con đường khác, bằng bất cứ phương tiện nào, mùa nắng hay mưa, quán cà phê hay tiệm mì sủi cảo nằm trong hẻm nhỏ, kẹt xe khi đèo em qua giao lộ hay phóng đi thật thanh trên đường cao tốc. Uống cùng em một ly rượu, đọc cùng một quyển sách thiên văn học, vào rạp xem Blade Runner 2049 hay ở nhà em mở phim Hàn Quốc dài tập. Kịch, múa rối nước, công viên, đêm diễn ca nhạc. Bất kỳ đâu. Bất kỳ lúc nào. Tôi muốn ôm lấy em, thì thầm với em rằng tôi không muốn mất đi người con gái này. Một cái ôm, nhiều cái ôm, không bao giờ đủ.

An Dao không hay biết gì.

Dĩ nhiên là tôi đã không tiến tới. Thật kỳ lạ khi nghĩ đến việc tiến tới. Có ích lợi gì không khi dấn thân mình vào hòng nắm lấy một con người? Không, hoàn toàn không ích lợi gì hết. Chẳng những gây mệt mỏi cho bản thân mà còn làm phiền hà đối phương vô cùng. Xét cho cùng, tự do của con người là một tình trạng quá đỗi mong manh. Dù thế nào, tôi không nên can thiệp để làm nó tan biến đi. Tự do lẽ ra nên được tôn thờ theo nghĩa đích thực của nó: tình trạng không giao kèo, không khế ước, không quan hệ xã hội (đồng nghĩa với không yêu đương gì cả). Khi ấy, khi chỉ có ta với ta, tự do mới có thể gọi là trọn vẹn. Cả sự đau buồn của nó cũng trọn vẹn.

Tôi đã không tiến tới. Tôi đã nguỵ biện bằng những lý lẽ buồn cười như trên. Có lẽ vì tôi đã yêu không đủ. Hoặc thực ra tôi chỉ là một thằng hèn không thích gánh vác trách nhiệm. Tôi luôn nói với người ta về dấn thân và cái giá phải trả. Trong khi chính tôi lại không muốn dấn thân và không muốn trả cái giá nào hết.

Có những hôm An Dao ở gần tôi, rất gần. Nếu vươn người ra một chút, mũi tôi có thể chạm đến tóc em. Được dụi mũi vào tóc người con gái mình yêu là một giấc mơ say đắm. Nhưng tôi đã ngồi yên đó, ở đúng vị trí cũ, nhìn vào bờ vai em trong bất động. An Dao không hay biết gì . Tôi là một kẻ giả trang khéo léo, hoặc cảm xúc của tôi không thể truyền nổi lên gương mặt. Không có bất cứ gì được biểu hiện. Những khoảnh khắc đó dài lâu như hàng thế kỷ. Mọi loại thời tiết đã thét gào và đổ xuống thế gian trong sự im lặng đó. Rồi cuối cùng tôi cười phá lên, có khi cười đến trào nước mắt.

An Dao hỏi có sao không anh, còn tôi thì trả lời không có gì đâu.

11:45 pm


Tôi muốn dành lúc này để viết về Ryuichi Sakamoto.

Tôi nói với An Dao và tất cả mọi người rằng mình vô thần. Có nghĩa là xét theo tôn giáo, tôi không có đức tin nào.

Nhưng tôi có một vài đền đài riêng tư, những nơi chốn để úp mặt vào mà ân hận về những phiền nhiễu đáng trách và gây tổn hại mà tôi đã tạo ra - chỉ bởi vì tôi cố tình lựa chọn không làm gì. Ở những góc nhỏ ấy, tôi có cảm giác - dù ngắn ngủi và toàn toàn vô căn cứ - rằng tôi có thể nhắm mắt, được quên lãng, được bao dung.

Mấy tháng gần đây, Ryuichi Sakamoto là một trong những nơi hiếm hoi kỳ cục đó.

Thật ra, ngày trước tôi không quá thích ông cụ. Ừ thì tôi vẫn mở Solitude và Tango những lúc nghĩ về chuyện lẽ ra tôi nên bày tỏ với An Dao và quyết định "không phải hôm nay". Ừ thì tôi vẫn nghe đều các album nhạc phim mà ông cụ cần mẫn viết từ Đông sang Tây và vui khi nghe tin ông cụ đoạt những danh hiệu lớn. Tôi vẫn thấy nhẹ nhàng và được xoa dịu nếu Amore hay The Sheltering Sky đang mở ở volume mười bảy từ trong máy tính, trong một buổi sáng không làm gì, chưa kịp nhớ đến ai, chưa kịp hình dung ra trách nhiệm nào đang đợi mình trong một ngày phía trước. Nhưng, từ sâu thẳm trong mình, tôi hiểu rằng thứ mình muốn là cảm giác đắng chát, hoang mang, đau buồn, tuyệt vọng trong âm nhạc, để lấy đó nói lên tiếng lòng mình. Ông cụ Sakamoto quá "lành", quá đáng mến, để cho tôi thứ tiếng lòng bồng bột đó. Vài năm liền, tôi không chủ động theo dõi, cập nhật gì về ông cụ. Tôi nghĩ Ryuichi Sakamoto với tôi giống như cành bằng lăng ngoài cửa sổ. Dễ thương, mát mắt, thỉnh thoảng gợi lên vài cảm giác mông lung, nhưng không gì khác.

Điều quan trọng là dường như âm nhạc tạo ra cảm giác về sự bất tử. Khi tôi giữ những album của ông cụ trong danh sách phát, ông cụ luôn sống ở đó, trong một quầng xanh chàm mềm mại, ít khi tôi đoái hoài, nhưng vẫn luôn sống.

Cho đến khi tôi hay tin ông cụ chết.

Trong đời, bao nhiêu lần chúng ta đi qua cái chết của một người nhạc sĩ, mà chúng ta không bao giờ hình dung rằng họ có thể "chết"?

Tôi dành một ngày, từ bốn giờ sáng lúc vừa đọc thấy tin, đến tận hơn một giờ sáng hôm sau, để truy lùng mọi thứ về ông cụ, kể từ album cuối cùng tôi lưu trong danh sách. Tôi nghe Async, album đầu tiên cụ viết sau khi tạm vượt qua ung thư vòm họng (nhưng cuối cùng, ung thư đã làm cụ gục ngã). Khi những tiếng nhiễu điện tử chìm dưới lớp dương cầm tràn khắp phòng, trong đèn đường đổ nghiêng, tôi dường như hiểu mình chạm tới điều gì. Andata, Fullmoon, LIFE, LIFE là những lời độc thoại giữa bản thân và cái chết. Tôi xem những bản ghi hình gần hơn của ông cụ, những thước phim trắng đen, chứng kiến sức khoẻ ông rời dần cơ thể. Sự mỏi mệt đè lên vai và gáy ông. Thời gian không buông tha ông. Ryuichi Sakamoto là hữu hạn. Tôi đã sai, sai biết bao nhiêu.

Điều mỉa mai là, tôi hiểu Ryuichi Sakamoto hơn khi ông cụ sắp lìa đời. Mười bốn năm trước, tôi nghe Merry Christmas Mr Lawrence như là một bản nhạc phim lãng mạn hơi buồn bã, đôi khi buồn chán vì phải nghe quá hiều lần. Mười bốn năm sau, trong bản ghi diễn tấu cuối cùng, từng nốt nhạc của bản nhạc rơi xuống không gian dành riêng cho nó bằng thứ sức nặng làm tôi chết lặng. Năm chín lăm nốt. Tám mươi sáu khuông. Giờ đây tôi mới hiểu những giai điệu lặp đi lặp lại của bản nhạc, như một chiếc phi cơ hạ dần độ cao mãi mà không bao giờ tiếp đất, như một thứ tình cảm dở dang, sắc ngọt, xốn xang, vĩnh viễn không kết thúc.

Khi ông cụ mất rồi, tôi mới hiểu, thứ tiếng lòng tôi cứ mãi tìm kiếm, ông cụ đã để sẵn bên cạnh tôi suốt bao nhiêu tháng năm.

Tôi không nghĩ Ryuichi Sakamoto là tôn giáo của mình. Nhưng trong những lúc cần ăn năn và thức tỉnh, dù thoáng chốc, dù khờ dại, tôi biết mình sẽ tìm thấy ở đâu.

00:52 am

An Dao nghe những gì tôi nghe, còn Nguyên ngược lại, cậu ta không nghe gì cả.

"Mình không hứng thú lắm với âm nhạc." Nguyên từng nói với tôi như vậy.

"Mỗi người một sở thích."

"Không, đó không phải là thích hay không thích. Mình chỉ đơn thuần không tin vào những thứ sức mạnh chữa lành hay đồng điệu cảm xúc mà người ta hay nói về nhạc. Mình có thể tìm hiểu bất cứ gì về âm nhạc, miễn là có sách vở hay tài liệu mạng để mà tham khảo. Mình cũng có thể nghe rất nhiều – đó không phải việc khó hay đòi hỏi kiên nhẫn. Chỉ là mình không tin vào việc có thể để một phần cuộc đời mình vào âm nhạc, thế thôi."

"Em thích Quốc Bảo, em thích Dương Thụ, em thích Trần Tiến, em thích The National và Phoebe Bridges. Em có lẽ không sống được mất nếu em không có loại nhạc em thích trong nhà hay trong xe mình."

"Đó là sở thích của em."

"Phải."

Tôi tự hỏi làm sao họ có thể yêu nhau được.

Dĩ nhiên đó là một câu hỏi vớ vẩn. Bạn không thể hỏi người ta tại sao lại yêu thương một con người, ghét bỏ một người khác. Cũng không thể hỏi lý do cho sự khinh khi thế gian, sự kiêu ngạo cô độc và tự ti xã hội. Không, tất cả trạng thái cảm xúc đó dẫu cho có khó hiểu đến mức nào thì cũng không cần bất cứ lý do nào để giải thích. Tôi có một niềm tin chắc chắn, rằng một cơ chế khó hiểu nào đó bên trong mỗi người đã định hình tình cảm của họ đối với bên ngoài. Không phải là vì quanh họ như thế nào, mà là họ cảm thấy quanh họ thế nào. Cảm thấy, đó là một vấn đề riêng tư tuyệt đối, mà lại không thể giải thích được. Cho nên, chuyện yêu thương hay căm ghét, hoặc vừa yêu thương vừa căm ghét, chỉ có thể nói là tự thân mỗi người đã lựa chọn cho mình, vậy thôi.

Nguyên đã lựa chọn An Dao, An Dao cũng lựa chọn Nguyên. Trên thế gian bao la này, kiểu lựa chọn như vậy làm sao có lý do?

Nguyên không tin vào âm nhạc. Hẳn nhiên để bù trừ, cậu ta có những niềm tin khác. Như xe chẳng hạn. Cậu ấy đặc biệt có lòng say mê tuyệt đối với loại chuyển động của những động cơ V6,V8, sự khát xăng dầu cuồn cuộn của những cỗ máy dung tích lớn. Nguyên ngay từ đầu đã chọn xe cho An Dao, như thể cậu ta tin rằng đó một trăm phần trăm là những gì An Dao cần và sẽ có. Một chiếc coupé màu xanh dương sẫm, mui kín, động cơ 3.0 hoặc 3.5, vừa đủ để đi đến tận cùng thế giới, nhưng với một tốc độ không quá chóng mặt như Aston Martin DB9 hay Mansory Bel Air. Nguyên nói, chuyện coupé chỉ hợp với nam là nhảm nhí. Thực ra nhiều loại coupé với sự mềm mại hiếm có của đường nét, mới là sự quyến rũ tuyệt đối của cái đẹp nữ tính. Cái mui thanh mảnh kéo dài đến tận đuôi xe như tấm lưng trần hoàn hảo. An Dao hẳn nhiên sẽ có một chiếc coupé màu xanh dương tuyệt đẹp, nếu em cứ ở bên cạnh Nguyên từ giờ đến hết đời. Không chắc là năm nay, năm sau, hay một thời gian xác định nào đó trong tương lai. Nhưng hẳn nhiên sẽ có. Niềm tin đó của Nguyên khiến tôi vừa buồn cười vừa ngưỡng mộ.

"E350 chẳng hạn. Thanh lịch và bí hiểm."

"Ý anh thế nào?" An Dao quay sang tôi.

"Anh không biết."

"Em thì, xe nào cũng thế thôi, chẳng phải đều hao xăng và chi phí bào trì cả sao."

Nguyên lên tiếng, hơi lớn giông. "Không, em không hiểu gì cả."

"Em không có niềm tin vào xe, giống như anh không có niềm tin vào âm nhạc. Nên em hiểu mà." An Dao mỉm cười.

"Rồi em sẽ thấy."

Tôi tự dưng biết rằng đó là những điềm báo.

Những rạn nứt nhỏ xíu rồi sẽ nứt toác thành tất cả xung đột trên thế gian, mọi loại chiến tranh và thương tổn, những hố sâu ngăn thế giới này thành nhiều tòa thành cách biệt. Trong đó, những con người cố tìm cách để hiểu nhau, đến gần nhau, cố gắng hé mở cổng thành hay đào những lỗ chui nhỏ ra ngoài. Nhưng tiếc là từ khi tháp Babel sụp đổ, chúng ta không còn khả năng phi thường đó nữa. Bây giờ ai cũng đóng kín cửa vào lòng mình, đồng thời sợ hãi đối phương cũng đóng cửa như vậy. Trái tim con người nhỏ bé quá đỗi, chỉ đủ chứa một vài thứ hiếm hoi. Nên phải chặn lại không cho ai nhìn thấy, bằng tường cao hào sâu, bằng nỗi cô đơn muôn đời. Như để bảo tồn di tích của tình yêu tuyệt chủng.

Giả như trong thế giới ví von ấy, một thanh niên cùa tòa thành này định cưới một cô gái ở tòa thành nọ làm vợ. Anh ta thả tung hàng trăm con bồ câu gửi đi thông điệp của yêu thương. Nhưng không con nào bay đủ cao qua khỏi cổng thành. Anh ta gửi thư cột trên lưng những con chuột chũi. Nhưng không con nào được qua chân thành bằng đá tảng của tòa thành của cô gái. Cuối cùng anh và người yêu cùng lên tháp canh để đốt lửa nói với nhau những tiếng câm lặng trong bóng tối. Hai đốm lửa nhỏ và màn đêm xa xôi, nghĩ tới thôi cũng đủ thấy phiền lòng.

4:00 am

"Anh này, em yêu Nguyên."

"Vậy à?"

"Chiều hôm qua em bộ từ trường về nhà. Không xa mấy, và em cũng đang trong thời kỳ rảnh rỗi sau kỳ thực tập, nên em muốn thứ cảm giác buông mình ra một chút. Nên em đi bộ, qua năm con đường, năm ngã tư để về nhà."

"Em siêng thật. Ước gì anh cũng vậy."

"Em còn đang tập đi cao gót trở lại nữa. Chưa đến mức cao như các chị văn phòng, nhưng em đang cố. Em đang thử mang tầm năm phân, đế vuông. Em nghĩ vậy là vừa vặn để điệu đà, nhưng không quá chông chênh. Anh còn nhớ năm ngoái lúc em bị nứt xương do mang gót nhọn nên ngã không? Em đã thề là em không động đến những thứ điệu đàng đó nữa. Cái gì càng đẹp thì càng dễ gây thương tổn, theo nhiều cách, nhiều nghĩa. Có thể hôm nay em chỉ nứt xương. Nhưng mai em sẽ bị đứt dây chằng, mốt có thể bị dập gót. Không chừng, nếu em xui rủi, có thể em sẽ chết vì lỡ đi cheo leo trên một đôi giày cao gót. Ngày xưa, em nhớ đã từng có một nhân vật trong một bộ shoujo nói rằng "một đôi giày đẹp là để mang ta đi khắp thế giới". Em đã không tin, em thà mang dép kẹp còn hơn. Nhưng em quả thực đã lại xỏ chân lên một đôi cao gót và đi hết những đoạn đường dài."

"Sao em biết nguy hiểm mà còn dại dột?"

"Chắc do giày thì đẹp, còn em thì khờ dại. Em đã nghĩ mình sẽ cởi ra ngay sau khi thử giày trong cửa tiệm. Nhưng rốt cuộc em đã mua và đi cả ngày hôm qua."

"Đau không?"

"Em không cảm thấy đau mấy. Nhưng có một cảm giác khác, rất kỳ cục. Ban đầu em không để ý lắm, cho đến khi em nhận ra mình đang nghe thấy tiếng bước chân của chính mình. Dẫu trong ồn ào của xe máy, tiến còi ô tô inh ỏi, tiếng nhạc từ quán ca phê, tiếng máy hàn ken két từ dãy hàng tiện... em đã nghe thấy tiếng chân của chính em. Đế giày cứng gõ đều đặn trên vỉa hè, âm vang từ gót chân đến tận bụng, khiến em giật thót. Thật kỳ lạ. Dường như em chưa bao giờ nghe thấy tiếng chân của chính mình. Em sợ hãi. Tiếng chân này dường như không phải mình. Dường như chỉ bằng việc đi một đôi giày cao, em không còn là em. Nghe đáng sợ phải không?"

"Thôi nào, em, thôi nào."

"Giữa phố giữa xá, em khóc."

"Em đừng như vậy."

"Em biết mình rất kỳ cục, rất uỷ mị. Bản thân em luôn ghét bản thân mình điệu đàng yếu đuối, em nghĩ mình không bao giờ là đứa mít ướt cả. Nhưng giữa phố đông người, chợt em nhận ra mình chỉ giả vờ thôi. Lớp ngụy trang của em giống mặt nạ đột ngột tự cởi dây, rơi xuống và để lại gương mặt em ướt dầm nước mắt. Ngay lúc đó, chính ngay cái khoảnh khắc bàng hoàng đó, em nhận ra rằng em cũng có một loại bản năng như bao người con gái khác: muốn một người đàn ông chứng kiến sự yếu đuối của mình, để anh ta chiếm hữu và bao bọc lấy mình, để được an ủi và ích kỷ. Quỷ tha ma bắt làm sao, người mà em nghĩ đến, người mà em muốn anh ấy ôm em vào lòng, là Nguyên."

"Anh hiểu rồi."

"Sự săm soi của Nguyên, sự nguy hiểm của Nguyên, sự dịu dàng của Nguyên. Nguyên. Nguyên. Nguyên. Nguyên. Nguyên. Nguyên. Rượu vang đỏ, cái bấu vào tay rất chặt. Ngay từ đầu, em muốn Nguyên thấy những điều yếu đuối trong em, muốn Nguyên nắm giữ phần ích kỷ nhất trong em, muốn Nguyên sở hữu em."

"Anh hiểu."

"Anh này, em nhận ra em yêu Nguyên như thế đấy. Hỏi có buồn cười không?"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro