Những vụ án nổi tiếng 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Săn tìm "kho báu" của tướng cướp Ấn Độ

Sau 20 năm mất ăn mất ngủ vì Koose Muniswamy Veerappan, cuối cùng, Cơ quan An ninh Ấn Độ đã bắn hạ được tên tướng cướp "lừng danh" trong một cuộc chạm súng dữ dội tại làng Paparapatti, thuộc vùng Dharmapuri vào tháng 10/2004. Tuy nhiên, cái chết của Veerappan lại phát sinh một nỗi lo khác đối với các cơ quan luật pháp.

Theo những lời đồn đại loan truyền rộng rãi, khi còn sống, Veerappan có trong tay hàng trăm triệu rupi do cướp được hoặc nhận tiền chuộc của thân nhân những người bị bắt cóc giao nộp. Hắn đã cất giấu khoản tiền khổng lồ đó cùng nhiều của quý khác như ngà voi, trầm hương... tại nhiều chỗ trong khu rừng nơi hắn lẩn trốn.

Tin đồn này đã tạo nên "làn sóng" người đổ vào khu rừng rộng 6.000 km2 với hy vọng tìm ra những nơi cất giấu tài sản của Veerappan. Tình hình ngày càng phức tạp khiến cho Cơ quan cảnh sát bang Karnakata phải tuyên bố, sẽ theo dõi sát sao cuộc săn tìm kho tàng và dọa sẽ tịch thu bất cứ món gì có được từ những hoạt động tự phát đang diễn ra.

Vợ tướng cướp Veerappan tiết lộ với phóng viên Đài BBC, Cơ quan cảnh sát đã phong tỏa tất cả tài khoản của hắn tại ngân hàng, đồng thời tịch thu cả những món tiền hắn đã gửi cho chị.

Lời khai này không được chính quyền Ấn Độ xác nhận. Riêng vụ bắt cóc diễn viên điện ảnh Rajkumar, có tin là gia đình anh đã phải trả cho Veerappan một khoản tiền chuộc lên tới 300 triệu rupi, tương đương 6,5 triệu USD, nhưng Rajkumar và gia đình anh phủ nhận điều này.

Veerappan từng nhúng tay vào hơn 100 vụ giết người, trong đó có một nạn nhân là bộ trưởng của chính quyền bang sở tại. Veerappan thường dùng hình thức bắt cóc để tống tiền, diễn viên điện ảnh nổi tiếng Rajkumar cũng đã bị hắn giam giữ suốt 108 ngày.

Các cuộc hành quân truy tìm Veerappan trong rừng sâu được tổ chức một cách quy mô từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nhưng đều không gặt hái được kết quả, vì hắn lẩn trốn rất tài và có những lối hành xử rất tàn bạo, sẵn sàng sát hại bất cứ ai cung cấp thông tin về hắn cho chính quyền Ấn Độ.

Hiện nay, cư dân trong vùng Dharmapuri cũng như nhiều nơi khác ở Ấn Độ, và cả cảnh sát vẫn rất lo sợ. Cho dù Veerappan đã chết, nhưng đồng bọn của hắn vẫn còn hoạt động, và chúng có thể trả thù cho chủ nhân bất cứ lúc nào

Kẻ sát nhân lạnh lùng ở Adelaide

Trong thời gian ngắn, 3 cô gái bị giết với cùng một thủ đoạn và thủ phạm không hề để lại dấu vết, rửa hết vết máu, không cướp tài sản, không lạm dụng tình dục. Cả thành phố Adelaide bất bình và lo sợ.

Vào chiều Chủ nhật 11/4/1999, tại thành phố Adelaide thuộc bang Nam Australia, thi thể của Janine Balding, một nữ nhân viên ngân hàng, 22 tuổi, được bà Beverly Balding, mẹ của nạn nhân phát hiện xác con gái mình nằm trong phòng ngủ sau khi trở về từ nhà một người bạn thân.

Nạn nhân đã bị đâm nhiều nhát dao vào mặt và cổ. Đáng lưu ý tại hiện trường là máu được chùi sạch trên thi thể nạn nhân, còn những chiếc khăn lông thấm máu và bộ đồ ngủ của nạn nhân được ném vào bồn nước trong phòng tắm.

Tiền bạc, nữ trang của nạn nhân không bị mất mát gì cả, cũng không có dấu vết bị xâm hại tình dục.

Cảnh sát bước đầu nhận định: đây chỉ đơn thuần là một vụ giết người lạnh lùng, không có động cơ rõ ràng. Thủ phạm phải là một tên khôn ngoan, lọc lõi. Tuy nhiên, có hai nhân chứng - một người hàng xóm và một tài xế taxi - khai báo với cảnh sát rằng, họ thấy một thanh niên để tóc dài, mặc áo thun màu trắng, quần đen bước vào căn nhà của gia đình Balding rồi bỏ đi sau đó vài giờ.

Trong khi cảnh sát thành phố Adelaide còn đang tập trung điều tra vụ án mạng, thì vào ngày 5/7/1999, người ta lại phát hiện xác của một phụ nữ 30 tuổi tên là Virginia Morse nằm chết trong bồn tắm tại căn hộ của mình ở phía tây thành phố. Trên tường phòng tắm, một dòng chữ được viết bằng son môi màu đỏ: "Hãy tin là sẽ còn những vụ như thế này nữa".

Nạn nhân cũng bị đâm nhiều nhát dao vào đầu và cổ, xác cũng được lau sạch máu và thân thể không bị xâm hại tình dục. Đây đúng là kiểu cách mà tên tội phạm đã ra tay với nạn nhân Janine Balding trước đó vài tháng. Có điều là lần này, tên sát nhân vẫn để lại một dấu khá mờ của một ngón tay trên góc trái cánh cửa phòng tắm của nạn nhân.

Lập tức, Cảnh sát thành phố Adelaide phối hợp với Cảnh sát bang Nam Australia sàng lọc và phân loại hơn 1 triệu dấu vân tay lưu trong ngân hàng dữ liệu để tìm ra sự tương thích nhưng vẫn không có kết quả.

Ngày 9/12/1999, Anita Cobby, một nữ y tá 21 tuổi, làm việc tại một bệnh viện ở Adalaide bị mất tích. Cho dù cố gắng tìm kiếm, cảnh sát vẫn không phát hiện ra dấu vết của cô y tá này.

Chiều ngày 12/12, một người câu cá phát hiện ra xác một phụ nữ nằm trong một đám cỏ lau sát bờ sông Lachlan chảy ngang qua thành phố Adelaide. Cảnh sát xác định đó chính là Anita Cobby.

Lần này, cảnh sát còn phát hiện ra dấu vết của bụi gỗ trên bàn chân và chân tóc của nạn nhân. Nhận định của cảnh sát là nạn nhân đã bị bắt cóc đem đến giam giữ tại một xưởng chế biến gỗ, rồi bị giết. Tên sát nhân đã đưa xác nạn nhân ra vất ở bờ sông để đánh lạc hướng điều tra của cảnh sát.

Sáng hôm sau, cảnh sát huy động toàn bộ lực lượng để lục soát các xưởng chế biến gỗ nằm ở ngoại ô thành phố. Tại một nhà kho bỏ hoang của một xưởng chế biến gỗ ở khu North Ryde, cảnh sát phát hiện ra một chiếc khăn tay, được xác nhận là của Anita Cobby cùng một sợi dây điện nhỏ mà họ cho rằng tên sát nhân đã sử dụng để siết cổ nạn nhân.

Trên sàn nhà đầy mạt cưa và bụi gỗ, cảnh sát tìm thấy nhiều dấu giày, mà khi được so sánh cho kết quả đúng là dấu giày của nạn nhân và dấu giày của một người khác.

Qua nhiều cuộc thẩm vấn hàng trăm công nhân, kiểm tra giờ giấc sinh hoạt và loại giày mà họ mang khi làm việc, cảnh sát vẫn không xác định được thủ phạm.

Cuối cùng, việc tóm được thủ phạm lại xảy ra hoàn toàn ngẫu nhiên khi một kẻ lạ mặt toan tính đột nhập vào một ngôi nhà trên đường Byron đã bị cảnh sát tuần tra bắt giữ vào ngày 20/12/1999.

Gã thanh niên 31 tuổi này khai tên là Stephen Jamieson, có gương mặt dữ dằn và lạnh lùng. Hồ sơ của cảnh sát cho biết, Jamieson từng bị bắt vào năm 13 tuổi khi hắn mang trong người một khẩu súng ngắn. Jamieson, sau đó, còn dính dáng đến các vụ ăn trộm, hành hung người và cả toan tính giết người.

Đôi giày của hắn ta mang được trao cho cơ quan giám định khoa học hình sự. Ngoài việc phát hiện dấu giày của Jamieson trùng khớp với những dấu giày lạ tại nhà kho chứa gỗ bỏ hoang ở khu North Ryde (nơi Anita Cobby bị giết) thì những bụi gỗ được tìm thấy bám dưới đế giày của hắn ta cũng khớp với loại bụi gỗ tìm thấy trên bàn chân và chân tóc của Anita Cobby.

Bị thẩm vấn suốt hai ngày liền, Jamieson khai nhận có tham gia vụ bắt cóc rồi giết hại Anita Cobby nhưng khẳng định hắn ta chỉ là đồng phạm, còn thủ phạm là một tên đàn anh của hắn tên là Goerges Murran. Jamieson miêu tả Murran tỉ mỉ đến nỗi cảnh sát tin là hắn ta nói thật nên liền triển khai lực lượng truy tìm Murran.

Nhưng cho dù có nỗ lực truy tìm, cảnh sát vẫn bặt tin Murran. Cho rằng đây là một trò trốn tội của Jamieson nên cảnh sát dọa sẽ sử dụng máy phát hiện nói dối để kiểm tra các lời khai của hắn ta. Sau một ngày suy nghĩ, cuối cùng Jamieson không những thú nhận đã bắt cóc rồi giết chết Anita Cobby mà chính hắn còn ra tay giết hại cả Janine Balding và Virginia Morse.

Ngày 17/8/2000, Stephen Jamieson bị kết tội sát nhân và phải lãnh mức án tù chung thân. Trong thời gian thi hành án tại nhà tù Dubbown ở thành phố Adelaide, Jamieson hay gây gổ, đánh nhau với những ai gọi hắn ta là tên sát nhân mang gương mặt quỷ. Cho đến khi bác sĩ chẩn đoán hắn ta mắc chứng bệnh thần kinh vào tháng 10/2001 nên hắn được đưa vào quản thúc tại một bệnh viện tâm thần

Những vụ cướp liều lĩnh nhất trong lịch sử các nước

Ngày 25/2/2005, hai gã đàn ông mặc đồ công nhân lái chiếc xe của KLM đột nhập vào sân bay Schiphol ở Amsterdam. Bọn chúng chặn chiếc xe tải chở kim cương đang trên đường đến chiếc máy bay Tulip Air sắp bay đi Antwerp, dùng súng ngắn khống chế hai tài xế xe tải, rồi ung dung lái chiếc xe đi. Theo ước tính, trị giá số kim cương khoảng 75 triệu euro, và nếu đúng như thế thì đây là vụ cướp kim cương quy mô chưa từng có.

Vụ cướp Ngân hàng miền Bắc Belfast, Anh

Ngày 19/12/2004, một nhóm đàn ông giả trang cảnh sát đồng loạt đột nhập vào nhà của hai viên chức ngân hàng miền Bắc Belfast là Chris Ward ở Poleglass và Kevin McMullen ở Loughin Island, bắt cóc họ và gia đình. Sau đó bọn chúng ra lệnh cho McMullen và Ward phải làm theo chỉ dẫn của chúng. Ngày hôm sau, hai viên chức ngân hàng làm việc bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Đến cuối ngày, sau khi mọi người ra về hết, McMullen và Ward mở cửa cho bọn cướp đột nhập vào ngân hàng, vơ vét tất cả tiền mặt và ngân phiếu. Số tiền bị cướp lên đến 50 triệu USD, và vụ cướp liều lĩnh này được coi là lớn nhất trong lịch sử nước Anh.

6 giờ sau khi ngân hàng bị cướp, cảnh sát mới nhận được hung tin. Một cuộc điều tra lập tức được tiến hành. Người ta cho rằng IRA dính líu đến vụ cướp liều lĩnh này, vì tổ chức này nổi tiếng với nhiều vụ cướp ngân hàng trong quá khứ. Tuy nhiên, IRA đã bác bỏ sự buộc tội này. Tháng 2/2005, 7 kẻ tình nghi (kể cả một thành viên của đảng Sinn Fein liên kết với IRA) bị bắt giữ trong các cuộc bố ráp nhằm vào các chiến dịch rửa tiền của IRA trên khắp lãnh thổ Cộng hòa Ireland. Hơn 3 triệu USD được tịch thu trong chiến dịch. Người ta nghi ngờ số tiền này được đánh cắp ở Ngân hàng miền Bắc Belfast, nhưng lúc đó cảnh sát chưa xác định được điều này.

Vụ cướp Trung tâm kim cương Antwerp, Bỉ

Ngày 16/2/2003, vụ cướp Trung tâm kim cương Antwerp nổi tiếng của Bỉ được coi là một trong các vụ cướp lớn nhất tại quốc gia này. Bọn cướp đã lấy đi số viên ngọc trị giá 100 triệu USD cùng các giấy tờ liên quan đến đá quý. Điều lạ lùng là cho đến ngày hôm sau người ta mới hay tin về vụ cướp.

Các nhà điều tra nhận thấy ngay là cửa vào trung tâm không hề bị cạy phá. Sau khi khám nghiệm hiện trường, các nhà điều tra nhận định thủ phạm vụ cướp là người làm việc trong trung tâm. Chỉ có những người đã quen với hệ thống an ninh công nghệ cao và mạng lưới cảnh giới 24/24 giờ quanh các kho hàng mới có thể ra tay một cách dễ dàng và êm xuôi như thế.

Theo linh cảm nghề nghiệp, các nhà điều tra đã có cuộc nói chuyện riêng với Ban lãnh đạo trung tâm, cũng như chủ sở hữu của các két sắt. Những cuộc tiếp xúc riêng đó cung cấp chút ít thông tin về danh tính bọn tội phạm, đồng thời thúc đẩy các nhà điều tra tìm kiếm manh mối ở một nơi khác. Và họ chẳng phải tìm đâu xa. Chưa đầy 2 tuần sau vụ án, cảnh sát tìm thấy một dấu vết mà họ tin là liên quan đến vụ cướp. Họ tìm thấy những cái túi bị vứt bỏ trong một con rãnh cạnh con đường chính bên ngoài Antwerp, trong đó đựng mẩu bánh sandwich ăn dở, các cuộn băng camera an ninh và một số giấy tờ. Cảnh sát nhận định các băng hình và giấy tờ này xuất phát từ vụ cướp.

Sau khi xét nghiệm ADN mẩu bánh sandwich ăn dở, cảnh sát lần ra dấu vết một người tên là Leonardo Notarbartolo, 51 tuổi, một nhà buôn kim cương thuê một không gian trong Trung tâm kim cương Antwerp và từng có vài dịp lui tới các kho hàng. Mặc dù không dính líu trực tiếp đến vụ cướp, song cảnh sát tin rằng ông ta là một thành viên của băng cướp. Notarbartolo và người vợ Hà Lan của ông ta, Adriana Crudo, 48 tuổi, bị bắt giữ sau đó. Nhưng trước tòa án, cả hai vợ chồng đều một mực phủ nhận tội liên quan đến vụ cướp.

Một số người mang quốc tịch Italia, bao gồm Ferdinando Finotto, Elio D'Onorio, Pietro Tavano và Antonio Falleti, cũng bị buộc tội liên quan đến vụ cướp. Dựa vào các bằng chứng và nhân chứng, các nhà điều tra có thể hình dung được cách thức bọn cướp đột nhập vào các kho hàng ngầm mà không bị phát hiện. Bọn cướp biết cách vô hiệu hóa hệ thống báo động và đã sao chép các chìa khóa chính sau khi thuê một văn phòng trong Trung tâm dưới tên một công ty ma.

Không một viên kim cương nào được tìm thấy lại sau đó, có lẽ chúng đã được bán hoặc chôn giấu ở đâu đó. Phiên tòa xét xử đã tuyên án 10 năm tù và 10.000 euro tiền phạt đối với Notarbartolo. Đồng thời, các tên Ferdinando Finotto, Elio D'Onorio và Pietro Tavano cũng lãnh mức án 5 năm tù và số tiền phạt 5.000 euro cho mỗi tên. Còn Falleti và Crudo không bị kết án vì thiếu chứng cứ buộc tội.

Vụ cướp sân bay ở Amsterdam, Hà Lan

Ngày 25/2/2005, hai gã đàn ông mặc đồ công nhân lái chiếc xe của KLM mà chúng đánh cắp được đột nhập vào sân bay Schiphol ở Amsterdam. Bọn chúng táo tợn chặn chiếc xe tải chở số kim cương trị giá đến nhiều triệu USD đang trên đường đến chiếc máy bay Tulip Air sắp bay đi Antwerp. Bọn cướp dùng súng ngắn bắt hai tài xế xe tải nằm áp xuống đất, rồi sau đó ung dung lái chiếc xe tải đi với số tài sản vừa cướp được. Theo ước tính, trị giá số kim cương vào khoảng 75 triệu euro, và nếu đúng như thế thì đây là vụ cướp kim cương quy mô chưa từng có.

Qua điều tra, cảnh sát nhận định có sự tiếp tay từ nội bộ. Bọn cướp đã biết trước là nên "ra tay" vào giờ nào và với chiếc xe tải nào trong ngày thứ sáu! Hơn thế nữa, chúng có thể xâm nhập vùng kho hàng an ninh, một nơi yêu cầu phải có thẻ ra vào đặc biệt. Sau này, người ta phát hiện chiếc xe tải bị cướp trong một khu kỹ nghệ ở Hoofdorp, một thị trấn không xa sân bay lắm. Các nhân chứng đã nhìn thấy hai tên cướp đưa xe tải vào bãi rồi bước vào chiếc Renault màu đỏ đang chờ sẵn do tên thứ ba cầm lái. Và đến lượt chiếc Renault - bị cướp ở Amsterdam trước hôm xảy ra vụ cướp ở sân bay vài ngày - được phát hiện bị đốt cháy vào một tháng sau đó ở thị trấn Dieman.

Vụ cướp cổ vật quy mô nhất ở Hy Lạp

Sáng sớm ngày 12/4/1990, 4 tên cướp đột nhập Nhà Bảo tàng Corinth của Hy Lạp, nơi bảo tồn các cổ vật vô cùng quý giá. Bọn chúng đã lấy đi 285 món đồ giá trị khoảng 2 triệu USD, cũng như số tiền khoảng 3.000 USD trước khi chuồn đi. Trong số tài sản nghệ thuật bị đánh cắp, có các cổ vật thuộc nghệ thuật Corinth được khai quật năm 1866; một tượng đầu tráng niên bằng đá hoa ở vào thế kỷ thứ V và 14 tượng đá hoa khác; thêm 40 chiếc bình cổ Athen màu đen, 85 chiếc bình Corinth và 49 tiểu tượng bằng đất nung, cũng như các cổ vật nghệ thuật quý giá khác.

Vụ cướp táo tợn này được coi là vụ cướp cổ vật lớn nhất trong lịch sử Hy Lạp. Bước đầu, cảnh sát cho phân phát ảnh chụp các cổ vật bị đánh cướp, báo động cho các sân bay, các tòa đại sứ, lãnh sự quán và các cơ quan cảnh sát khác.

Nơi cất giấu các cổ vật cướp được nằm yên trong bí mật suốt 9 năm. Đến tháng 9/1999, một thông tin đã dẫn dắt các nhà điều tra tìm đến một nhà kho ở Miami (bang Florida) và phát hiện 12 thùng giấy đựng các cổ vật nằm lẫn lộn trong đám thùng chứa cá. Tổng cộng, 174 trong số 285 cổ vật được tìm thấy. Khám phá này đã đem đến sự phấn khởi cho đất nước Hy Lạp và thế giới nghệ thuật!

FBI cho biết chủ sở hữu của bộ sưu tập này là bà Wilma Sabala. Được biết bộ sưu tập cổ vật này đang chuẩn bị chuyển đến Nhà đấu giá Christie ở New York. Mặc dù một số món đồ đã bị bán đấu giá, nhưng nhìn chung thì phần lớn cổ vật đều được thu hồi. Tuy nhiên khoảng 7 món đồ trong bộ sưu tập vẫn còn mất

Vua lừa đảo trong ngành bảo hiểm Mỹ

Theo điều tra của FBI, Martin Frankel đã cùng 3 tên đồng bọn tiến hành nhiều vụ lừa đảo tại các công ty bảo hiểm Mỹ ở 5 bang: Mississippi, Oklahoma, Tennessee, Missouri và Arkansas để chiếm đoạt 600 triệu USD, trong đó hắn được chia 1/3 tổng số tiền lừa đảo được, tức 200 triệu USD. Ngay sau khi đánh hơi thấy bị lộ, Martin Frankel đã bỏ trốn.

Ngày 5/5/1995, căn nhà của Martin Frankel ở Greenwich, bang Connecticut, Mỹ bỗng nhiên bốc cháy. Sau khi dập tắt đám cháy, cảnh sát cứu hỏa đã thu được nhiều công văn, giấy tờ (chưa cháy hết) trong hai bếp lò. Điều khiến cảnh sát điều tra chú ý là trong đống giấy tờ này có bản viết tay của thân chủ về một "kế hoạch rửa tiền và bỏ trốn", nhưng khi đó không ai thấy bóng dáng của Martin Frankel. Ngay lập tức, cảnh sát địa phương thông báo việc này cho FBI và FBI đã phát lệnh truy nã toàn quốc đối với Martin Frankel. Sau đó lệnh này được thông báo với Interpol bởi FBI cho rằng, Martin Frankel đã bỏ trốn sang một nước nào đó với hộ chiếu giả.

Cũng theo điều tra của FBI thì Martin Frankel đã sử dụng các tài khoản ngân hàng ở châu Mỹ, vùng biển Caribe và Thụy Sĩ với những tên giả khác nhau để chuyển tiền ra khỏi nước Mỹ. Nhận được thông báo của FBI, Cảnh sát Đức đã bắt được Martin Frankel cùng tình nhân của hắn ở một khách sạn tại Hamburg, Đức (tháng 9/1999).

Tại phòng ở của Martin Frankel trong khách sạn, cảnh sát thu được một khối lượng lớn tiền mặt (khoảng 60 triệu USD), 574 viên kim cương các loại cùng 9 cuốn hộ chiếu giả (2 của Anh và 7 của Hy Lạp). Martin Frankel không ngờ mình bị phát hiện nhanh tới như vậy vì chỉ sau 4 tháng bỏ trốn hắn đã bị bắt, xét xử và sau 18 tháng ngồi bóc lịch trong nhà tù của Đức, hắn đã bị dẫn độ về Mỹ (hắn bị tòa án Đức kết án 3 năm tù về tội trốn thuế nhập khẩu kim cương).

Điều tra của FBI cho biết, Martin Frankel đã dùng toàn bộ số tiền lừa đảo được để mua sắm những biệt thự đắt tiền, đồ trang sức, ôtô đời mới, đồ dùng đắt tiền, thuê người hầu và vệ sĩ. Theo Catherine Lewis, một chuyên gia tâm lý thì lòng tham, cùng ham muốn tình dục quá mức và cuộc sống sang trọng đã biến Martin Frankel trở thành một tên tội phạm đáng sợ.

Ban đầu Martin Frankel và người tình Italia của hắn tới sống tại một khách sạn sang trọng ở Roma, nhưng sau đó, cô người tình đã bỏ đi vì không thể chịu nổi cảnh sống "nhốt trong chuồng" với Martin Frankel cả ngày và biến thành vật giải trí của hắn. Sau khi người tình bỏ đi, Martin Frankel sợ bị bán đứng nên hắn đã nhanh chóng rời khỏi Italia, tới Đức và bị bắt.

Theo lời cảnh sát Đức, ngày 27/2/2001, Martin Frankel đã bất thành trong vụ vượt ngục. Khi hắn đang cưa chấn song sắt phòng giam thì bị quản giáo phát hiện. Sở dĩ Martin Frankel làm như vậy bởi hắn rất sợ bị dẫn độ về Mỹ. Bản thân Martin Frankel đã nhiều lần đề nghị phía Đức không dẫn độ hắn về Mỹ ngay từ khi mới bị bắt, nhưng không được chấp nhận. Sau đó, Martin Frankel đã làm đơn lên Tòa án châu Âu khiếu nại về việc "dẫn độ", nhưng không nhận được trả lời.

Tháng 12/2000, cơ quan tư pháp Mỹ và Đức đạt được thỏa thuận về việc dẫn độ Martin Frankel về Mỹ. Có thể nói buổi dẫn độ Martin Frankel từ Đức về Mỹ được chuẩn bị chu đáo giống như một trận đánh. Chiều 3/3/2001, hàng trăm cảnh sát cùng an ninh tại sân bay quốc tế Kennedy với máy bay trực thăng và 3 ôtô chở đầy cảnh sát, vũ trang tới tận răng đã được huy động để đưa Martin Frankel, kẻ lừa đảo khiến giới kinh doanh bảo hiểm Mỹ phải kinh hoàng, về trụ sở của FBI.

Martin Frankel bị tòa tuyên phạt 17 năm tù vì tội lừa đảo tài chính. Ban đầu, mức án dự kiến đối với hắn từ 150 năm đến 410 năm cùng khoản tiền phạt trị giá 6,5 triệu USD, nhưng chính các nguyên cáo đã đề nghị giảm nhẹ hình phạt bởi Martin Frankel đã hợp tác khá tốt với cơ quan điều tra và các bên hữu quan khắc phục hậu quả do hắn gây ra.

Theo giới kinh doanh bảo hiểm Mỹ, vụ lừa đảo do Martin Frankel chủ mưu là lớn nhất, gây tổn thất nặng nhất trong lịch sử bảo hiểm của Mỹ, cho tới nay vẫn chưa tính hết. Vụ án của Martin Frankel được coi là bài học đắt giá cho ngành bảo hiểm tại Mỹ.

Nhiều người đã đặt câu hỏi, tại sao Martin Frankel một kẻ từng bị cấm kinh doanh cổ phiếu suốt đời sau khi bị tình nghi nuốt không 1 triệu USD vào năm 1992 mà vẫn tiếp tục được hành nghề bảo hiểm để gây ra hậu quả lớn như vậy? Câu hỏi vẫn chưa có trả lời

Những "chuột chũi" trong lực lượng cảnh sát Ấn Độ

Cả đơn vị 152 thuộc lực lượng Cảnh sát dự bị trung ương Ấn Độ (CRPF) đóng tại Slinaga, thủ phủ vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát đang chìm trong giấc ngủ bỗng bị đánh thức bởi loạt tiếng súng nổ. Hạ sĩ Samarendra Deka tay lăm lăm khẩu tiểu liên đang bắn loạn xạ vào giường ngủ của đồng đội.

Khi thấy mọi người kéo đến, Samarendra Deka liền chĩa nòng súng tấn công ra ngoài. Sau khi khuyên giải không có kết quả, để tránh tổn thất, lực lượng vệ binh của Đơn vị 152 đã áp sát, bắn hạ kẻ giết người sau một cuộc đấu súng diễn ra ngắn ngủi.

Tại hiện trường đêm 27/11/2004, ngoài xác của kẻ gây án còn có 7 nhân viên CRPF xấu số bị thiệt mạng trong đó có Đại đội trưởng Đại đội 6, chỉ huy trực tiếp của Samarendra Deka. Hầu hết những nạn nhân đều là người vùng Bara Mulla Jamu Kashmir. Kẻ sát nhân Samarendra Deka (23 tuổi), được tuyển dụng vào lực lượng CRPF hơn một năm trước và từng có nhiều thành tích nổi bật.

Sau khi vụ việc xảy ra, CRPF lập tức thành lập tổ điều tra nguyên nhân và kết luận, Samarendra Deka mắc bệnh tâm thần và gây ra vụ thảm sát trong tình trạng mất điều khiển tâm lý. Đồng đội của Samarendra Deka ở Đại đội 6 cho biết, trước thời điểm xảy ra vụ án 3 ngày, Samarendra Deka bị phát hiện vắng mặt trong một buổi điểm danh thường lệ và đã bị cấp trên phạt lao động công ích 3 ngày. Mọi người cho rằng, rất có thể do bất mãn với hình phạt nên trong phút mất bình tĩnh, Samarendra Deka đã gây ra tội ác nghiêm trọng.

Tổ chức khủng bố ULFA lộ diện

Tưởng như sự việc kết thúc tại đó nhưng ngày 15/12/2004, trên tờ India Express, Paresh Barua, thủ lĩnh tổ chức khủng bố cực đoan Mặt trận thống nhất Asamu (ULFA) cho biết, Samarendra Deka chính là một điệp viên của ULFA cài cắm trong đơn vị cảnh sát quốc gia để thực hiện một vụ tấn công cảm tử.

Sau "chiến công" này, Samarendra Deka đã được ULFA truy phong là "liệt sĩ". Theo Paresh Barua thì Samarendra Deka là một thành viên chính thức của Tổ chức ULFA từ năm 1996, vào tháng 4/2003 anh ta đã thâm nhập thành công vào nội bộ CRPF và trở thành một nhân viên tình báo quân sự nằm vùng của ULFA.

Paresh Barua tiết lộ, hiện nay ULFA còn có 150 "điệp viên" như Samarendra Deka đang cài cắm ở rất nhiều đơn vị an ninh quan trọng của Ấn Độ như lực lượng An ninh biên phòng (CRPS), lực lượng Tuần tra quốc gia (IBSF). Chỉ cần nhận được mệnh lệnh của Paresh Barua, các "chuột chũi" này sẽ thực hiện các vụ tấn công cảm tử vào nhân viên an ninh cảnh sát nhà nước. Paresh Barua còn phẫn nộ cho biết, họ đã "tương kế tựu kế" thành công trước kế hoạch "dùng người Asamu trị người Asamu" của chính quyền trung ương.

Các quan chức an ninh Ấn Độ đã hoàn toàn phủ nhận những lời phát biểu trên của Paresh Barua và cho rằng, đây là một tin đồn bịa đặt nhằm làm mất uy tín của cơ quan cảnh sát vì kết luận điều tra của Cơ quan CRPF cho thấy, trước khi nổ súng bắn vào đồng đội, Samarendra Deka đã có những biểu hiện của bệnh tâm thần. Hơn nữa, việc tuyển chọn nhân viên rất kỹ càng, chỉ có những người lý lịch trong sạch mới được phép trở thành nhân viên CRPF.

Tuy nhiên, theo tờ India Express, lãnh đạo CRPF đang nghiêm túc xem xét kỹ nội vụ sự kiện này. Có nhiều dấu hiệu cho thấy lời tuyên bố của Paresh Barua là có căn cứ vì đã xảy ra hai vụ tương tự trong nội bộ CRPF vào các năm 1999 và 2001. Để đề phòng bất trắc, tất cả các đơn vị thuộc CRPF đã được lệnh rà soát kỹ lại tổ chức biên chế để phát hiện "chuột chũi".

Trước đây, nhằm thực hiện kế hoạch chống ly khai, bạo động, khủng bố ở bang Asamu và vùng Jamu Kashmir, chính quyền trung ương đã "dùng người Asamu trị người Asamu", theo đó, nhiều đơn vị an ninh, cảnh sát bang được phép tuyển chọn thanh niên địa phương vào phục vụ.

Từ năm 2000 tới nay, chỉ tính riêng CRPF đã chiêu mộ được 15.000 nhân viên là người vùng Asamu và Jamu Kashmir, trong đó đã xây dựng được 1.000 nhân viên là "nòng cốt". Nhiều khả năng các tổ chức khủng bố và chống đối vũ trang địa phương đã lợi dụng thời cơ này, cài cắm nhân viên vào chờ thời cơ chống phá.

Asamu là một bang nằm phía đông bắc Ấn Độ, nhiều năm nay liên tục xảy ra tình trạng lộn xộn như xung đột sắc tộc, bạo lực, khủng bố. Sau khi Ấn Độ giành được độc lập, nhiều nhóm vũ trang địa phương nổi lên chống chính phủ, trong đó điển hình là nhóm ULFA và "Bodo Tiger Liberation" luôn có chủ trương đòi ly khai khỏi Ấn Độ

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#history