Những xu hướng tài chính quốc tế

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI NGỮ

------O0O-----

 MÔN HỌC: KINH TẾ HỌC QUỐC TẾ

CHUYÊN ĐỀ

CÁC XU HƯỚNG CHỦ YẾU TRONG HỆ THỐNG

 TÀI CHÍNH QUỐC TẾ HIỆN NAY

   Nhóm 5 – QH2009.E16

Nguyễn Thùy Linh

Nguyễn Thị Hải Ly

Trần Thị Mai

Nguyễn Thị Bảo Ngọc

Nguyễn Thị Cẩm Nhung

Lý Thị Bích Thủy

Phan Thị Mai Trang    

Hà Nội, 22/3/2012

BẢN CHÚ GIẢI NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT

FDI                                          : Đầu tư trực tiếp nước ngoài  

FPI                                          : Đầu tư gián tiếp nước ngoài 

GDP                                        : Tổng sản phẩm quốc nội      

IDA                                         : Hiệp hội Phát triển Quốc tế  

IMF                                         : Quỹ Tiền tệ Thế giới   

M&A                                       : Sáp nhập và mua lại

NHNN                                     : Ngân hàng Nhà nước

NHTM                                     : Ngân hàng Thương mại        

NHTW                                     : Ngân hàng Trung ương         

TCQT                                      : Tài chính quốc tế        

TMCP                                     : Thương mại cổ phần

WB                                        : Ngân hàng Thế giới     

MỤC LỤC

PHẦN 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN

1.1            KHÁI NIỆM TÀI CHÍNH QUỐC TẾ…………………………………....5

1.2     NHỮNG THÀNH PHẦN CẤU THÀNH…………………………….…..5

1.2.1  Tỷ giá hối đoái……………………………………………………………5

1.2.2  Đầu tư quốc tế………………………………………………………...…..6

1.2.3  Các thiết chế tài chính quốc tế...……………………………………….....7

1.3     SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TÀI CHÍNH QUỐC TẾ………………………..7

1.3.1  Cơ sở hình thành tài chính quốc tế………………………………………..7

1.3.2  Quá trình phát triển của tài chính quốc tế ……..……………………..…..8

PHẦN 2: NHỮNG XU HƯỚNG CHỦ YẾU CỦA HỆ THỐNG TÀI CHÍNH QUỐC TẾ HIỆN NAY

2.1 XU HƯỚNG TRONG TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI……………………….………..9

2.1.1 Xu hướng chuyển dịch mạnh từ chế độ hai (nhiều) tỷ giá (dual or multiple exchange rates) sang chế độ tỷ giá thống nhất (unified exchange rate)…………9

2.1.2 Xu hướng dịch chuyển về hai thái cực chế độ tỷ giá…………………..…10

2.1.3 Xu hướng mất dần vị thế độc tôn của đồng Đô- la Mỹ như là đồng tiền dự trữ quốc tế…………………………………………………………...……...…..11

2.2 XU HƯỚNG TRONG ĐẦU TƯ QUỐC TẾ………………………………14

2.2.1 Xu hướng tự do hóa đầu tư quốc tế…………………................................14

2.2.2 Xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)…………………………….15

2.3 XU HƯỚNG CỦA CÁC THIẾT CHẾ TÀI CHÍNH…………………...….18

2.3.1 Xu hướng sáp nhập các ngân hàng để trở thành những thiết chế tài chính khổng lồ và tái cơ cấu theo định hướng toàn cầu………………………………18

2.3.2 Những thiết chế tài chính quốc tế như IMF, WB cũng đang được tăng cường các nỗ lực hoạt động trên phạm vi toàn cầu………………………….…20

2.3.3 Vai trò của các ngân hàng và các công ty đầu tư tăng lên………………..23

PHẦN 3: NHỮNG XU HƯỚNG TRONG HỆ THỐNG TÀI CHÍNH Ở VIỆT NAM GẦN ĐÂY

3.1 TỔNG QUAN VỀ NỀN KINH TẾ VÀ HỆ THỐNG TÀI CHÍNH VIỆT NAM…………………………………………………………………………....24

3.2 NHỮNG XU HƯỚNG CHỦ YẾU TRONG TÀI CHÍNH Ở VIỆT NAM...25

3.2.1 Xu hướng chính trong trong tỷ giá hối đoái……………………………...25

3.2.2 Xu hướng trong đầu tư quốc tế…………………………………………...28

3.2.3 Xu hướng cơ cấu lại hệ thống tài chính, trọng tâm là hệ thống ngân hàng…………………………………………………………………………….29

TÀI LIỆU THAM KHẢO

PHẦN 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN

1.1  KHÁI NIỆM TÀI CHÍNH QUỐC TẾ

Tài chính quốc tế:là hoạt động tài chính diễn ra trên bình diện quốc tế. Đó là sự di chuyển các luồng tiền vốn giữa các quốc gia gắn liền với quan hệ kinh tế về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quân sự, ngoại giao,… giữa các chủ thể của các quốc gia và các tổ chức quốc tế thông qua việc tạo lập, sử dụng các quỹ tiền tệ ở mỗi chủ thể nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của các chủ thể đó trong các quan hệ quốc tế.

1.2 NHỮNG THÀNH PHẦN CẤU THÀNH

1.2.1 Tỷ giá hối đoái

- Khái niệm: Tỷ giá hối đoái là giá của đồng tiền này được tính theo một đồng tiền khác. Tỷ giá hối đoái cũng được hiểu là tỉ lệ trao đổi giữa hai đồng tiền của hai quốc gia khác nhau. Tỷ giá hối đoái xuất hiện và phát triển cùng với sự ra đời, phát triển của thương mại quốc tế, nó được giải thích bởi một hiện tượng đơn giản, hàng hoá không có biên giới quốc gia trong khi tiền chỉ được chấp nhận trên lãnh thổ quốc gia phát hành ra nó.

Ví dụ: Hiện nay, tỷ giá hối đoái giữa Đồng Việt Nam và Đô-la Mỹ là 20 833 VND/USD (tại ngày 15/3/2012), giữa Yên Nhật và Đô-la Mỹ là 83,3680701 JPY/USD (tại ngày 15/3/2012).

- Các chế độ tỷ giá hối đoái:

          + Tỷ giá hối đoái cố định (tỷ giá hối đoái neo): là một kiểu chế độ tỷ giá hối đoái trong đó giá trị của một đồng tiền được gắn với giá trị của một đồng tiền khác hay với một rổ các đồng tiền khác, hay với một thước đo giá trị khác, như vàng chẳng hạn. Khi giá trị tham khảo tăng hoặc giảm, thì giá trị của đồng tiền neo vào cũng tăng hoặc giảm.

          + Tỷ giá hối đoái thả nổi, tự do (tỷ giá linh hoạt):  là một chế độ trong đó giá trị của một đồng tiền được phép dao động trên thị trường ngoại hối. Chế độ tỷ giá thả nổi được quyết định dựa trên cung cầu của thị trường ngoại hối.

+ Tỷ giá hối đoái thả nổi có điều tiết: là một chế độ tỷ giá hối đoái nằm giữa hai chế độ thả nổi và cố định. Hầu hết các đồng tiền trên thế giới sử dụng chế độ tỷ giá thả nổi, nhưng chính phủ sẽ can thiệp để tỷ giá không hoàn toàn phản ứng theo thị trường.

1.2.2 Đầu tư quốc tế

- Khái niệm: Đầu tư quốc tế là một quá trình trong đó có sự di chuyển vốn từ quốc gia này sang quốc gia khác để thực hiện các dự án đầu tư nhằm đưa lại lợi ích cho các bên tham gia.

- Các loại hình đầu tư:

         + Hình thức đầu tư trực tiếp:  là hoạt động đầu tư dài hạn trong đó chủ đầu tư trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động sử dụng vốn. Đây dòng vốn có tính ổn định cao, thời gian đầu tư thường dài, do chủ đầu tư trực tiếp quản lý.

+ Hình thức đầu tư gián tiếp nước ngoài: là loại hình di chuyển vốn giữa các quốc gia, trong đó người chủ sở hữu vốn không trực tiếp quản lý và điều hành các hoạt động sử dụng vốn. Nó phụ thuộc vào trình độ quản lý và tổ chức kinh doanh của bên nhận đầu tư, hiệu quả đầu tư thường không cao.

+ Hình thức tín dụng thương mại quốc tế: là hình thức đầu tư quốc tế thông qua hình thức đi vay và cho vay với lãi suất thị trường giữa hai chủ thể khác quốc gia.

+ Hình thức hỗ trợ phát triển chính thức ODA: là hoạt động hợp tác phát triển giữa nhà nước hoặc chính phủ một nước với các chính phủ nước ngoài, các tổ chức liên chính phủ hoặc liên quốc gia.

1.2.3 Các thiết chế tài chính quốc tế

- Khái niệm:  Một nhóm các tổ chức thương mại và công cộng tham gia vào việc trao đổi, cho vay, đi mượn và đầu tư tiền tệ. Thuật ngữ này thường được sử dụng để thay thế cho thuật ngữ “trung gian tài chính”.

- Các loại hình tổ chức tài chính chủ yếu:

         + Các tổ chức tài chính chấp nhận tiền gửi và cho vay, bao gồm các ngân hàng, quỹ thế chấp, các công ty quản lý các tài sản ủy thác hay vốn đầu tư (trust company), quỹ nhà ở (building society).

         + Các công ty bảo hiểm và các quỹ hưu trí.

         + Các công ty môi giới chứng khoán, quỹ đầu tư ủy thác.

Ví dụ: Các thiết chế tài chính thế giới lớn như là Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF),…Các thiết chế tài chính vùng: Inter-American Development Bank (Ngân hàng Phát triển liên Mỹ), Asian Development Bank (Ngân hàng Phát triển Châu Á), African Development Bank (Ngân hàng Phát triền Châu Phi), European Bank for Reconstruction and Development (Ngân hàng Phát triển và Tái thiết Châu Âu),…

 1.3 SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TÀI CHÍNH QUỐC TẾ

1.3.1 Cơ sở hình thành tài chính quốc tế

- Các quan hệ quốc tế giữa các quốc gia về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, quân sự, ngoại giao,... đòi hỏi phải có và làm xuất hiện quan hệ tài chính quốc tế.

- Cùng với sự xuất hiện của tiền tệ như một vật trao đổi trung gian, tiền tệ dần có đầy đủ các chức năng trong trao đổi, thanh toán, trong dự trữ và chức năng tiền tệ thế giới. Chính chức năng trao đổi, thanh toán quốc tế của tiền đã là cơ sở cho việc hình thành và thực hiện các quan hệ TCQT.

- Thương mại quốc tế ra đời và phát triển làm thúc đẩy các khoản thanh toán và tín dụng giữa các quốc gia trong lĩnh vực đầu tư quốc tế và nhiều lĩnh vực khác.

- Sự phát triển của khoa học công nghệ và xu thế hội nhập kinh tế, phương tiện giao thông ngày càng phát triển, nảy sinh quan hệ đầu tư quốc tế, hợp tác lao động, hoạt động du lịch quốc tế giữa các quốc gia làm cho các hoạt động TCQT trong lĩnh vực này ngày càng sôi động.

1.3.2 Quá trình phát triển của tài chính quốc tế

- Thời kì chiếm hữu nô lệ gắn liền với Nhà nước chủ nô: Những hình thức sơ khai của quan hệ TCQT như việc trao đổi, buôn bán hàng hóa giữa các quốc gia, cống nộp vàng bạc, châu báu giữa nước này với nước khác đã xuất hiện. Cùng với sự phát triển của các quan hệ kinh tế quốc tế, thuế xuất nhập khẩu ra đời để điều chỉnh các quan hệ buôn bán giữa các quốc gia và tín dụng quốc tế đã xuất hiện do có các quan hệ vay nợ giữa các nước.

- Với sự xuất hiện của Chủ nghĩa tư bản: những hình thức cổ truyền của quan hệ TCQT như thuế xuất nhập khẩu, tín dụng quốc tế vẫn tiếp tục tồn tại và ngày càng phát triển đa dạng thích ứng với những bước phát triển mới của các quan hệ kinh tế quốc tế và thái độ chính trị của các nhà nước. Với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế hàng hóa - tiền tệ, kinh tế thị trường, những diễn biến phức tạp của cục diện chính trị thế giới, cũng như cách tiếp cận của chính phủ các nước trong quan hệ quốc tế, bên cạnh các hình thức cổ truyền, đã xuất hiện những hình thức mới của quan hệ TCQT như đầu tư quốc tế trực tiếp, đầu tư quốc tế gián tiếp với các loại hình đa dạng, viện trợ quốc tế không hoàn lại, hợp tác quốc tế tài chính – tiền tệ thông qua việc thiết lập các tổ chức kinh tế khu vực và quốc tế.

PHẦN 2 : NHỮNG XU HƯỚNG CHỦ YẾU CỦA HỆ THỐNG TÀI CHÍNH QUỐC TẾ HIỆN NAY

2.1 XU HƯỚNG TRONG TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI

2.1.1 Chuyển dịch mạnh từ chế độ hai (nhiu) tỷ giá (dual or multiple exchange rates) sang chế độ tỷ giá thống nhất (unified exchange rate)

Kể từ những năm 1990 trở lại đây, xu hướng chuyển sang chế độ tỷ giá thống nhất đã trở thành xu hướng mang tính toàn cầu. Hình 1 (phía dưới) đã thể hiện xu hướng này. Từ tỉ lệ 38% các nước trong danh mục quan sát của Quỹ Tiền tệ Quốc tế áp dụng chế độ hai hoặc nhiều tỷ giá, con số này đã giảm xuống còn khoảng 7% vào năm 2001. Nghiên cứu của Rogoff et al. ( 2004) cho thấy rằng các chế độ hai tỷ giá là nguyên nhân khiến cho nền kinh tế bị méo mó nặng, kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế, và gây ra lạm phát cao. Trong giai đoạn 1970-1999, nhóm các nước áp dụng chế độ hai tỷ giá có mức tăng trưởng kinh tế trên đầu người chỉ có 0,6%/năm, trong khi đó nhóm các nước áp dụng chế độ tỷ giá thống nhất, tỷ lệ này khoảng 1,8%. Tương tự, mức lạm phát hằng năm ở nhóm các quốc gia áp dụng chế độ hai tỷ giá thường rất cao, lên đến 175%; trong khi ở nhóm các quốc gia áp dụng chế độ tỷ giá thống nhất chỉ khoảng 22%.

Nguồn: Rogoff at al. (2004)

2.1.2 Dịch chuyển về hai thái cực chế độ tỷ giá

- Trong hai thập kỉ gần đây là việc các quốc gia có xu hướng dịch chuyển về hai cực chế độ tỷ giá: cố định và thả nổi: Xu hướng này củng cố giả thuyết “không có chỗ đứng bền vững cho các chế độ tỷ giá “đứng giữa””. Số lượng các nước đứng giữa hai thái cực có xu hướng giảm dần trong thập niên 1990. Đến 2008, số nước thuộc nhóm này chỉ chiếm chưa đến 7%. Hơn nữa, mặc dù có sự dịch chuyển sang hai thái cực nhưng xu hướng dịch về hướng cơ chế tỷ giá thả nổi tỏ ra mạnh hơn.

- Chế độ tỷ giá tương đối cố định dường như phù hợp cho các nước đang phát triển với độ mở của nền kinh tế thấp hoặc các nước có nền kinh tế nhỏ, phụ thuộc mạnh vào một quốc gia lớn:Chế độ tỷ giá này có thể giúp chính phủ của các quốc gia đang phát triển duy trì được tín nhiệm của mình, nhờ đó giúp nền kinh tế có được mức lạm phát thấp hơn với mức hi sinh tăng trưởng thấp hơn và ngăn chặn khủng hoảng tốt hơn. Nó cũng được một số nước lớn có quỹ dự trữ ngoại hối lớn, như Trung Quốc trong những năm gần đây, áp dụng để thúc đẩy tăng trưởng thông qua xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đối với các nền kinh tế mới nổi (emerging economies), với độ mở của nền kinh tế lớn, chế độ tỷ giá cứng nhắc là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc khủng hoảng ngân hàng và khủng hoảng cán cân thanh toán. Hơn nữa chế độ tỷ giá cứng nhắc cũng không chứng tỏ được là có thể giúp cho nền kinh tế có lạm phát thấp và tăng trưởng cao. Đây là lí do chủ yếu khiến các nền kinh tế mới nổi chuyển dịch sang chế độ tỷ giá linh hoạt hơn.

- Đối với các nền kinh tế phát triển (advanced economies):chế độ tỷ giá thả nổi mang lại tăng trưởng và không gây ra lạm phát. Với hệ thống tài chính tương đối hoàn thiện, tỷ giá thả nổi đóng vai trò quan trọng trong việc giảm các tác động của các cú sốc kinh tế trong nước cũng như từ nước ngoài.

2.1.3 Đồng USD có xu hướng mất dần vị thế độc tôn của đồng tiền dự trữ quốc tế

- Trong nhiều năm qua, USD vẫn vững chắc ở vị trí độc tôn trong thanh toán quốc tế. Sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua, giới đầu tư nhận ra rằng hệ thống tài chính toàn cầu đang quá coi Mỹ là trung tâm và quá phụ thuộc vào đồng USD. Tình trạng này đã làm phát sinh quá nhiều vấn đề và được coi là một nguyên nhân dẫn đến suy thoái kinh tế.

- Ba nguyên nhân chủ chốt dẫn đến việc cần phải thay đổi cán cân tiền tệ quốc tế hiện nay là :

+ Vị thế thống trị của đồng USD với tư cách đồng tiền dự trữ và cách Mỹ điều hành đồng tiền của mình: đa số giao dịch và dự trữ ngoại hối là dưới dạng USD, cho dù Mỹ chỉ chiếm có 24% GDP toàn cầu. Thương mại quốc tế đa phần được thanh toán bằng USD. Điều đó không những phản ánh sai tình hình kinh tế thế giới mà còn khiến các nước khác dễ bị ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ của bản thân nước Mỹ.

+ Hệ thống ấy đã tạo ra những kho dự trữ ngoại hối khổng lồ, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi: dự trữ toàn cầu đã tăng từ 1,3 nghìn tỷ USD (5% GDP toàn cầu) năm 1995 lên 8,4 nghìn tỷ USD (14% GDP toàn cầu) hiện nay. Trong đó, các nền kinh tế mới nổi nắm 2/3 mà phần lớn là được tích trữ trong vòng 10 năm trở lại đây. Kho dự trữ khổng lồ ấy đi ngược lại logic kinh tế vì các nước nghèo đáng lẽ rất cần vốn đầu tư tại nước mình lại đang cho các nước giàu, mà chủ yếu là Mỹ, vay với lãi suất rẻ mạt. Những khoản cho vay ấy đẩy lãi suất dài hạn tại Mỹ xuống thấp khiến khủng hoảng tài chính càng dễ nổ ra hơn. Ngày nay, khi người Mỹ tiết kiệm nhiều hơn chi tiêu và thế giới cần thêm sức cầu, kho dự trữ ấy chính là những khoản tiết kiệm không cần thiết.

+ Quy mô và sự bất ổn của các dòng vốn: ba thập kỷ qua, khủng hoảng tài chính nổ ra thường xuyên hơn. Nhiều chính trị gia cho rằng một hệ thống tài chính trong đó các nền kinh tế mới nổi có thể bị tổn hại bởi dòng vốn ngoại ào ạt đổ tới hoặc đột ngột khô cạn (như hồi 1997 - 1998 hay năm 2008) không thể là nền tảng tốt nhất cho tăng trưởng dài hạn.

- Với những tác động mạnh mẽ của thị trường tài chính toàn cầu, các đồng tiền chủ chốt có những biến động mạnh trong năm 2011:

         + Đồng Euro (EUR):  mặc dù bao phủ một liên minh kinh tế lớn nhất thế giới và có xu hướng tiếp tục bành trướng thì đồng Euro vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Mặc dù khả năng liên minh tiền tệ châu Âu tan rã là rất thấp, cơ chế ràng buộc kinh tế hiện tại của liên minh này vẫn quá lỏng lẻo để các nước đặt niềm tin lâu dài vào các khoản dự trữ ngoại tệ bằng đồng Euro. Một điều kiện quan trọng để Liên minh châu Âu bước lên một tầm cao mới là sự hợp nhất tài khóa, điều mà không một nhà kinh tế nào tin rằng có thể thành hiện thực trong một thập kỉ tới. Tiến trình phục hồi của tỷ giá giữa đồng EUR/USD bất ngờ quay ngược đầu trong tháng 10/2011 khi mà cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu bước sang một giai đoạn mới, khiến nền kinh tế khu vực có xu hướng chuyển sang khủng hoảng tín dụng thay vì khủng hoảng tiền tệ. Điều này là do thị trường nhận thấy những dấu hiệu đắn đo của ECB (European Central Bank – Ngân hàng Trung ương châu Âu) trong mua trái phiếu hoặc giảm lãi suất. Tỷ giá đồng EUR/USD sụt giảm là do sự phục hồi của GDP quý 3/2011 của Mỹ, đẩy giá đồng USD tăng lên. Hiện nay, tỷ giá này đang ở mức 1,33. Nhiều quốc gia đã rơi vào vòng xoáy nợ nần khó vãn hồi và biến khu vực này thành một hố đen tài chính, điều này làm cho đồng EUR năm 2011 và dự báo trong tương lai sẽ giảm. Tuy nhiên, một số yếu tố cần xem xét, đó là các nhà đầu tư đều bán khống EUR và sẽ mua lại nếu cuộc khủng hoảng nợ công bình ổn hơn.

        + Đồng Yên Nhật: Đồng Yên Nhật cách đây 20-30 năm đã từng được hi vọng trở thành một đối thủ cạnh tranh của đồng USD. Tuy nhiên nền kinh tế Nhật rơi vào một cuộc suy thoái dài từ thập kỉ 1990 đã ngăn cản sự phổ biến của đồng tiền này. Mặc dù bị suy thoái, Nhật vẫn tiếp tục là nước có thặng dư mậu dịch lớn và tiếp tục xuất khẩu vốn ra bên ngoài. Nhưng về lâu dài khi cơ cấu dân số quá già và nếu Nhật không có thay đổi lớn về chính sách nhập cư, cán cân thương mại có thể đổi chiều và đồng Yên sẽ suy yếu dần theo quy luật kinh tế chung. Năm 2011, đồng Yên Nhật đã có nhiều biến động. Nếu trong tháng 8/2011 tỷ giá đồng Yên Nhật chạm đỉnh 80,24 thì trong tháng 10/2011, Ngân hàng Trung ương Nhật đã tăng tỷ giá USD/JPY một lần nữa ở mức 79,53 sau một thời gian dao động ở mức 75,35. Đến 31/12/2011, tỷ giá USD/JPY ở mức 76. Có thể thấy xu hướng chính của tỷ giá USD/JPY là giảm nhẹ trong quý 1/2012 và sẽ duy trì ổn định tại mức 76 cho đến cuối năm.

         + Đồng bảng Anh và Franc Thụy Sỹ: là hai đồng tiền lớn tiếp theo sẽ ngày càng gắn chặt vào đồng Euro mặc dù hai nước này chưa cho thấy khả năng sẽ tham gia liên minh tiền tệ này.

Những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mexico, Brazil, Nga nhiều khả năng sẽ thấy đồng tiền của mình lên giá so với các đồng tiền lớn. Đây là điều tất yếu khi cán cân thương mại quốc tế cân bằng trở lại và các dòng chảy vốn quốc tế suy giảm.

        + Đồng Nhân dân tệ (CNY) : đã và đang chịu nhiều sức ép lên giá, cho dù Trung Quốc cố can thiệp trong ngắn hạn nhưng về lâu dài tỉ giá CNY cần phải được điều chỉnh để Trung Quốc cơ cấu lại nền kinh tế và điều chỉnh chiến lược tăng trưởng.

2.2 XU HƯỚNG TRONG ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

2.2.1 Xu hướng tự do hóa đầu tư quốc tế

Các quan chức tham dự Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) ngày 20/4/2010 nhận định chính sách đầu tư của các nước trong năm 2010 sẽ tiếp tục hướng tới việc mở cửa và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư nước ngoài.

- Trong quý 1/2010, có tới 62 nền kinh tế trên thế giới đã triển khai các biện pháp mới tác động đến khuôn khổ chính sách đầu tư của nước ngoài và 73 nền kinh tế thực hiện những biện pháp đầu tư quốc tế, tiếp tục xu hướng ký kết nhanh các hiệp định mới về đầu tư.

- Ước tính trong quý đầu năm nay, khoảng 37 hiệp định như trên đã được ký kết.

- Báo cáo giám sát đầu tư của UNCTAD cho biết khoảng 28 nền kinh tế đã thông qua những biện pháp chuyên về đầu tư nhằm tự do hóa, thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu vực kinh tế từ lâu vẫn đóng kín.

          + Australia và Canada: đã tự do hóa dịch vụ vận tải hàng không.

+ Ấn Độ: tự do hóa dịch vụ truyền hình trên mạng điện thoại di động.

+ Malaysia, Syria, Cameroon: tự do hóa dịch vụ ngân hàng hoặc sở hữu nhà ở.

+ 9 nền kinh tế, trong đó có Nga, Mexico, Libya, Peru: đã triển khai các chính sách đầu tư nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài như thiết lập các khu kinh tế tự do, khuyến khích những dự án năng lượng tái sinh.

- Các nước còn áp dụng 10 biện pháp thúc đẩy đầu tư nước ngoài nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư nước ngoài.

Ví dụ:  Nam Phi đã loại bỏ mọi hạn chế đối với việc chuyển dịch vốn nội địa và ra nước ngoài. Một số nước như Thái Lan, Nam Phi, Madagascar… đã thực hiện các biện pháp ưu đãi ngoại hối, nới lỏng các điều kiện đầu tư để khuyến khích đầu tư ra nước ngoài.

- Tuy nhiên, UNCTAD cũng nhấn mạnh những thách thức tiềm tàng đối với đầu tư nước ngoài bao gồm sở hữu nhà nước, việc tăng cường kiểm soát các công ty trong thời kỳ khủng hoảng tiếp tục tác động đến dòng vốn đầu tư nước ngoài; sự thất bại của chính sách thương mại cũng đã tác động đến hệ thống sản xuất trên quy mô toàn cầu của các công ty xuyên quốc gia và dây chuyền giá trị toàn cầu của các công ty này.

2.2.2 Xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI)

Hình 2. Chỉ số FDI toàn cầu tính theo quý của UNCTAD

Q1/2007 – Q1/2011

Nguồn: UNCTAD

- Dòng vốn FDI có xu hướng phục hồi và đang trên đà phát triển:

+ Theo đánh giá của Tạp chí The Economist (Anh), cũng như Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), sau đỉnh điểm đạt tới 2.080 tỷ USD của năm 2007, dòng FDI thế giới đã giảm 17% trong năm 2008 (còn 1.720 tỷ USD) và tiếp tục giảm 41% (còn 1.000 tỷ USD) trong năm 2009. Nhưng sự đảo chiều của dòng FDI thế giới đã được ghi nhận trong năm 2010, với dự báo dòng vốn này sẽ tăng trưởng chậm theo sự phục hồi kinh tế toàn cầu, với mức bình quân 2,5% GDP toàn cầu trong giai đoạn 2010 – 2014.

+ Có nhiều yếu tố tích cực đối với FDI: lãi suất vẫn ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế của các thị trường đang nổi vẫn tốt. Giá nguyên liệu tương đối cao sẽ củng cố dòng FDI chảy vào các thị trường đang nổi. Các tập đoàn đa quốc gia có dự trữ tiền mặt lớn và động cơ tăng doanh thu thông qua hoạt động mua bán doanh nghiệp.

+ Vẫn còn những yếu tố rủi ro lớn tác động đến triển vọng trên. Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu phủ bóng đen lên sự phục hồi toàn cầu và có thể gây bất ổn thị trường vốn toàn cầu. Sự tin tưởng vẫn còn mong manh. Các công ty lo ngại về tính không ổn định của sự phục hồi khi lực đẩy của chu kỳ tích hàng mất đi và chính sách tài chính bị thắt chặt. Sự không ổn định này trầm trọng thêm bởi các yếu tố rủi ro như những căng thẳng tiền tệ quốc tế hay sự leo thang của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, có thể sẽ tác động nghiêm trọng đến FDI.

- Dòng vốn FDI có sự chuyển dịch mới về cơ cấu, tăng cường đổ vào các nền kinh tế mới nổi và củng cố hơn vai trò động lực chủ đạo thúc đẩy kinh tế thế giới phục hồi của các nền kinh tế này:

Các nền kinh tế mới nổi đóng vai trò chủ đạo thúc đẩy kinh tế thế giới phục hồi trong năm 2010 và sự gia tăng dòng FDI đổ vào các nền kinh tế này càng góp thêm xung lực tích cực cho động thái mới đó. Năm 2008, trong khi dòng FDI vào các nền kinh tế phát triển giảm 1/3, thì FDI vào các nền kinh tế mới nổi lại tăng 11%. Năm 2009, lần đầu tiên các nền kinh tế mới nổi thu hút FDI nhiều hơn các nền kinh tế phát triển, với các con số tương ứng là khoảng 532 tỷ USD, so với khoảng 488 tỷ USD. Dù vậy, FDI vào các thị trường đang nổi dự báo giảm từ mức 4% GDP xuống còn 3% GDP của các nước này trong giai đoạn 2010 – 2014. Xu hướng mới của dòng FDI thế giới trong năm 2009 và 2010 là hệ quả tổng hợp của việc trầm lắng các giao dịch mua bán và sáp nhập doanh nghiệp ở các nước phát triển (từng chiếm 80% số vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp xuyên quốc gia trên thế giới năm 2008); sự chuyển hướng của các nhà đầu tư quốc tế trước sức hấp dẫn của các thị trường mới nổi cả về môi trường và cơ hội kinh doanh…

Ví dụ: Ngân hàng Deutsche Bank của Đức ngày 17/3/2010 công bố báo cáo điều tra hàng năm về các hoạt động đầu tư vốn cho biết, châu Á (trừ Nhật Bản) là khu vực có biểu hiện xuất sắc nhất trong năm 2010, còn Trung Quốc là quốc gia biểu hiện tốt nhất trong khu vực này. Hãng tư vấn quốc tế A.T. Kearney về Chỉ số niềm tin FDI (FDI Confidence Index) cũng đã xếp loại Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới của vốn FDI trong năm 2010 lần lượt là: Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Germany, Ba Lan, Australia, Mexico, Canada, Anh…

2.3 XU HƯỚNG CỦA CÁC THIẾT CHẾ TÀI CHÍNH

2.3.1 Xu hướng sáp nhập các ngân hàng để trở thành những thiết chế tài chính khổng lồ và tái cơ cấu theo định hướng toàn cầu

Mua lại, sáp nhập, hợp nhất để hình thành những định chế hoặc những tổ hợp tài chính lớn hơn, mạnh hơn thông qua việc tăng cường hiệu quả kinh tế nhờ quy mô, đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh nhờ việc gia tăng thị phần hoạt động là một xu thế phổ biến và diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, và cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng tại nhiều quốc gia.

- Các ngân hàng trên thế giới đang nỗ lực mở rộng hoạt động bằng cách thúc đẩy tăng trưởng hoặc thông qua hoạt động sáp nhập và mua lại (M & A):

          + Trung Quốc: các ngân hàng đang thoát khỏi sự kiểm soát của nhà nước bằng cách bán cổ phần cho người nước ngoài và các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

          + Mỹ: Từ năm 2008 đến 2010, Mỹ đã diễn ra 308 ngân hàng mua bán, sáp nhập. Và trong năm 2011, Mỹ sáp nhập gần 200 ngân hàng. Ngoài ra,có 92 ngân hàng bị phá sản khiến cho số ngân hàng, tổ chức tiết kiệm giảm mất 301 (Theo số liệu của Tập đoàn bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ). Đặc biệt, đây cũng là năm đầu tiên sau nhiều thập kỷ, Mỹ không thành lập ngân hàng mới do thời điểm này quá dễ dàng để mua lại một ngân hàng vỡ nợ. Hơn nữa, năm 2012 là một năm mà hoạt động sát nhập trong ngành ngân hàng Mỹ diễn ra khá mạnh mẽ. Đầu năm vừa qua, tập đoàn ngân hàng Anh HSBC đã bán 3 chi nhánh Mỹ cho ngân hàng Columbia Davivienda. Trong 5 năm tới, Mỹ tuyên bố cắt tiếp 800 ngân hàng nữa. Hồi tháng 6 vừa qua, hai vụ thâu tóm lớn của hai ngân hàng Mỹ đã cho thấy sự trở lại của xu hướng các ngân hàng có thế lực bỏ tiền ra mua lại tài sản của các đối thủ yếu hơn sau một khoảng thời gian ngắn gián đoạn.

+ Nhật Bản: 3 siêu ngân hàng mới ở Nhật Bản đã mua lại 11 ngân hàng cũ và hiện đang sắp xếp lại hoạt động của các ngân hàng này.

+ Trung Âu: các nhà đầu tư nước ngoài đã mua hoặc thành lập 80% số ngân hàng hàng đầu trong nước kể từ khi các nước này chuyển đổi thể chế chính trị.

+ Một số thương vụ sáp nhập lớn nhất trong lịch sử ngành tài chính ngân hàng: đầu tiên là việc sáp nhập của hai ngân hàng ABN AMRO của Hà Lan và Barclays PLC của Anh, hình thành nên tập đoàn ngân hàng hàng đầu thế giới tính theo số vốn thị trường. Sau đó là vụ sáp nhập của Ngân hàng Hoa Kỳ (Bank of America) với Merrill Lynch, giúp Ngân hàng Hoa Kỳ đạt tham vọng đứng đầu ngành ngân hàng nội địa của Mỹ xét theo tiêu chí tiền gửi và lượng vốn hóa thị trường. 

          + Tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương: Ngược về châu Á, ngày 3/10/2005, ngân hàng lớn nhất thế giới đã chính thức được thành lập và đi vào hoạt động. Đó là tập đoàn ngân hàng Mitsubishi UFJ, kết quả của vụ sáp nhập 2 ngân hàng Nhật Bản là Mitsubishi Tokyo và UFJ Holdings. Mitsubishi UFJ giờ trở thành một trong những tập đoàn tài chính mạnh nhất thế giới có số vốn lên tới 1,6 ngàn tỷ USD với 40 triệu khách hàng, vượt qua ngân hàng Citigroup của Mỹ có khoảng 1,3 ngàn tỷ USD về giá trị tài sản. Các nhà phân tích cho rằng việc sáp nhập này thể hiện sự hồi phục của ngành ngân hàng Nhật Bản sau thời gian nợ nần chồng chất. Hiện nay, Mitsubishi UFJ kiếm lợi bằng việc kết hợp mạng lưới chi nhánh ở nước ngoài của Mitsubishi Tokyo và sức mạnh của UFJ trong việc phục vụ các khách hàng cá nhân, đặc biệt là ở miền Tây Nhật Bản.

2.3.2 Những thiết chế tài chính quốc tế như IMF, WB cũng đang được tăng cường các nỗ lực hoạt động trên phạm vi toàn cầu

Dự kiến trong năm 2012 và quãng thời gian tới, các thiết chế tài chính quốc tế sẽ tăng cường nỗ lực hoạt động trên phạm vi toàn cầu và cố gắng giải quyết phần nào khủng hoảng, khó khăn của nền kinh tế thế giới. Cụ thể:

- Ngân hàng thế giới (WB): đã có những động thái hoạt động mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu:

          +Đầu tư phát triển giao thông: Ngày 30/8, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết trong thập kỷ qua, cơ quan này đã tăng gấp 3 lần nguồn tài chính đầu tư phát triển các dự án giao thông và dịch vụ vận tải trên thế giới. Tổng đầu tư của WB vào các dự án vận tải trên thế giới trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 lên tới 9,3 tỷ USD. Các cơ quan của Ngân hàng Thế giới gồm Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) với phạm vi hoạt động và kinh nghiệm toàn cầu, đã đặt nền tảng hợp tác với các ngân hàng phát triển và các nước tài trợ, các chính phủ và các tổ chức khu vực để huy động các nguồn tài chính đầu tư vào các dự án giao thông và dịch vụ vận tải nhằm tạo động lực thiết yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói nghèo và đạt các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ ở các nước đang phát triển.Các dự án của Ngân hàng Thế giới cũng hỗ trợ các nước đang phát triển tăng cường buôn bán, tăng sức cạnh tranh trong buôn bán và phát triển nguồn nhân lực hiệu quả hơn thông qua giao thông vận tải thông suốt và cơ động hơn.

          + Tăng cường hoạt động trong lĩnh vực giáo dục: Ngày 29/3, Ngân hàng Thế giới đã công bố chiến lược hỗ trợ giáo dục thực hiện trong thập kỷ mới (2010-2020) nhằm giúp các nước giảm đói nghèo và làm chủ được tri thức và công nghệ mũi nhọn, phát huy được tiềm năng tăng trưởng kinh tế xã hội dài hạn và quy mô rộng. Tài trợ của Ngân hàng Thế giới cho giáo dục trong năm tài chính 2010 đạt gần 4,4 tỷ USD trong đó 2 tỷ USD là các khoản tín dụng không lãi dành cho các nước nghèo nhất ở châu Phi, Nam Á và các khu vực khác; 2,4 tỷ USD còn lại sẽ dành cho các nước có thu nhập trung bình trên thế giới.

          + Tăng cường hoạt động chống biến đổi khí hậu: Ngày 2/3, Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thế giới đã phê chuẩn nguồn tín dụng chính sách phát triển trị giá hơn 300 triệu USD nhằm hỗ trợ các nước nghèo nâng cao hiệu quả phản ứng xã hội đối với biến đổi khí hậu. Nguồn tín dụng này sẽ giúp các nước thúc đẩy thể chế hóa các chính sách nhằm tăng cường sức bật xã hội trước các tình huống cực đoan cũng như thúc đẩy các chương trình hành động chống biến đổi khí hậu cấp quốc gia, giảm nguy cơ xảy ra thảm họa, thực hiện chương trình phát triển đất đai, quản lý rừng bền vững ở cấp cộng đồng dân cư, tăng cường quyền tiếp cận các thông tin thích hợp và sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự vào phát triển các chính sách thích nghi với biến đổi khí hậu, ngăn ngừa các hiểm họa xuất phát từ cơ sở hạ tầng, quản lý dịch vụ, phục hồi rừng, các vùng đất ướt và các hệ sinh thái khác nhằm bảo vệ người nghèo trước thiên tai cũng như góp phần nâng cao phúc lợi cho họ.

- Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF): Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phải chịu tác động của những biến động ở châu Âu, tình hình chính trị căng thẳng tại Trung Đông và những dấu hiệu mới về tăng trưởng nóng tại các nền kinh tế mới nổi, một số nội dung chính của chương trình hoạt động của tổ chức này nhằm tiếp tục cải thiện và nâng cao tính hiệu quả trong các hoạt động của quỹ ở bất cứ nơi nào có thể và cần thiết:

+ Cải thiện hoạt động ổn định của hệ thống tiền tệ quốc tế, thúc đẩy lưu thông các dòng vốn và tăng cường hỗ trợ các nước có thu nhập thấp. 

          + Xây dựng chính sách hài hoà hóa các lợi ích: Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã tiến hành các nghiên cứu phân tích sâu sắc các mối quan hệ kinh tế và rủi ro giữa các nước thành viên, về tác động của 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới tới các nước khác(bao gồm: Trung Quốc, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Euro Zone), Nhật Bản, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ). Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế hy vọng sẽ thiết lập được các chính sách giúp đảm bảo lợi ích của mỗi quốc gia và lợi ích chung toàn cầu. 

+ Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ thực hiện rà soát hoạt động thanh tra giám sát định kỳ 3 năm một lần (TSR), đi đôi với việc rà soát lại các qui định về thanh tra, giám sát: Quỹ Tiền tệ Quốc tế có vai trò quan trọng trong việc phối hợp với chính phủ các nước giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước và toàn cầu, ở cả phương diện tư vấn và phân tích chính sách, cũng như thúc đẩy sự phối hợp chính sách trên toàn thế giới. Do đó, để giúp các nước đối phó tốt hơn với những tác động này. Bên cạnh việc xây dựng chính sách hài hoà hoá các lợi ích, Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ thực hiện rà soát hoạt động thanh tra giám sát định kỳ 3 năm một lần (TSR), đi đôi với việc rà soát cũng như thay đổi lại khuôn khổ các quy định về thanh tra, giám sát.

          + Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã thực hiện các bước quan trọng để tăng cường quản lý hoạt động cho vay của Quỹ, như xây dựng quy định về “Tín dụng linh hoạt” áp dụng đối với các nước có nền tảng kinh tế mạnh và chính sách hiệu quả và “Tín dụng thận trọng” dành cho các nước có nền tảng kinh tế lành mạnh nhưng còn tiềm ẩn sự bất ổn định. Trong thời gian tới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ tiếp tục cải tiến các quy định, quy trình cho vay để có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu của các nước thành viên, nắm bắt sâu sắc hơn nhu cầu thanh khoản trên toàn cầu trong những thời điểm có khó khăn mang tính hệ thống, xem xét kỹ càng hơn nguyên nhân các rủi ro và khả năng ứng phó với sự thiếu hụt thanh khoản nhằm tìm ra những khoảng trống trong qúa trình cung cấp các khoản vay của Quỹ. 

+ Quỹ Tiền tệ Quốc tế tăng cường phối hợp giữa Quỹ và các tổ chức tài chính khu vực, nhằm đảm bảo rằng Quỹ luôn có đủ năng lực để giải quyết các cú sốc mang tính hệ thống. Quỹ Tiền tệ Quốc tế và nhóm các nền kinh tế lớn (G20) đã rất tích cực thảo luận về các biện pháp cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng có sự phối hợp với Ngân hàng Thế giới gần đây.

2.3.3 Trong cơ cấu thể chế của thị trường tài chính cả ở cấp toàn cầu lẫn cấp quốc gia, vai trò của các ngân hàng và các công ty đầu tư tăng lên nhờ việc giảm vị trí của các ngân hàng thương mại

- Chuyển đổi các thiết chế ngân hàng truyền thống thành các công ty tài chính: với mục đích cung ứng các loại dịch vụ khác nhau(các ngân hàng đang tích cực lao vào các dạng hoạt động mới, thâu tóm hoặc thành lập các chi nhánh để thực hiện các tác nghiệp đầu tư và bảo hiểm trên thị trường này, quản lý các tài sản chính).

-Cạnh tranh gay gắt giữa các thiết chế tài chính ngân hàng và phi ngân hàng: để thu hút và phân phối các nguồn tiền nhàn rỗi→ thay đổi sâu sắc về cơ cấu trên thị trường tài chính thế giới.

+ Ở cấp toàn cầu: nhiều các ngân hàng thương mại chuyểnthành các ngân hàng đầu tư(Merrill Lynch, Morgan Stanley, Dean Witter, Goldman Sach…) hoặc ngân hàng tổng hợp(J.P.Morgan). Các ngân hàng này đã giành được uy tín khi tư vấn và tiến hành tư nhân hóa, sát nhập và thôn tính, cơ cấu lại. Hướng chuyển đổi này ngày càng chiếm ưu thế, tạo cơ sở để ngân hàng tham gia đầu tư.

+ Ở cấp quốc gia: các ngân hàng thương mại truyền thống vẫn tiếp tục đóng vai trò trung gian quan trọng(ngoại trừ thị trường Mỹ). Tỷ trọng của các ngân hàng trong tổng khối lượng vốn gửi của tư nhân chiếm 18%. Các ngân hàng trung ương sẽ tăng cường giám sát và điều tiết hoạt động của các ngân hàng thương mại.

PHẦN 3: NHỮNG XU HƯỚNG TRONG HỆ THỐNG TÀI CHÍNH Ở VIỆT NAM GẦN ĐÂY

3.1 TỔNG QUAN VỀ NỀN KINH TẾ VÀ HỆ THỐNG TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Những biến động khó lường của kinh tế thế giới trong thời gian vừa qua đang tác động tiêu cực đến Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục thống kê vừa công bố, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 9 tháng đầu năm của Việt Nam năm 2011 chỉ tăng có 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng thấp thứ hai trong năm năm trở lại đây (chỉ cao hơn mức 4,6% của năm khủng hoảng kinh tế 2009). Cuộc khủng hoảng nợ đang ngày càng trầm trọng ở châu Âu đang có nguy cơ đẩy thế giới vào một đợt suy thoái mới, trong khi kinh tế Hoa Kỳ vẫn chưa có dấu hiệu sáng sủa còn Nhật Bản vẫn đang chống chọi với những hậu quả của thảm họa động đất sóng thần hồi tháng ba năm nay.

Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản đều là những đối tác thương mại và đầu tư chủ chốt của Việt Nam.Đối với một đất nước mà nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu cũng như đầu tư nước ngoài như Việt Nam thì sức khỏe của kinh tế thế giới có tác động rất lớn đối với tình hình kinh tế trong nước. Từ năm 2000 đến nay, kinh tế thế giới luân trải qua nhiều biến động. Bước sang năm 2010, tuy ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế đã tạm lắng nhưng vẫn còn tiểm ẩn nhiều biến động, điển hình là khủng hoảng nợ công của Hy Lạp, các nước châu Âu như Tây Ban Nha, Ý và Bồ Đào Nha cũng đang đứng trước nguy cơ tương tự và bong bóng tài sản ở Trung Quốc.

Trong các thể chế tài chính, thị trường chứng khoán (TTCK) là nơi phản ánh một cách rõ ràng nhất những biến động của nền kinh tế, chính vì vậy việc am hiểu tình hình kinh tế là rất quan trọng, giúp nhà đầu tư có chiến lược đúng đắn. Việt Nam thuộc nhóm các nước đang phát triển, mặc dù không bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự sụp đổ của hệ thống tài chính thế giới, nhưng với việc gia nhập WTO, trở thành một phần không thể tách rời của kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn phải chịu những hậu quả gián tiếp nặng nề từ suy thoái kinh tế. Mọi biến động của nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây có mối tương quan chặt chẽ với biến động kinh tế thế giới.

3.2 NHỮNG XU HƯỚNG CHỦ YẾU TRONG TÀI CHÍNH Ở VIỆT NAM

3.2.1 Xu hướng chính trong trong tỷ giá hối đoái

- Việt Nam tích cực chuyển sang cơ chế tỷ giá thả nổi có kiểm soát của nhà nước, được điều chỉnh linh hoạt và theo hướng thị trường hơn.

+ Việt Nam đang trong quá trình mở cửa và hội nhập, việc cam kết thực hiện các điều kiện của tự do hóa thương mại đòi hỏi phải cắt giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan, cùng với sự nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Khi tham gia vào thị trường quốc tế, các nhà sản xuất của Việt Nam sẽ gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà cung ứng nước ngoài. Với tư cách là nước đi sau, mới tham gia vào thị trường quốc tế, nhiều doanh nghiệp có thể đứng trước nguy cơ phá sản nếu như không có một sự bảo hộ cần thiết để thích ứng dần với điều kiện mới. Do vậy, tỷ giá phải được điều chỉnh để phát huy vai trò tích cực trong việc bảo hộ một cách hợp lý các doanh nghiệp trong nước.

Hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi các chính sách nói chung và chính sách tỷ giá nói riêng phải điều chỉnh linh hoạt thích ứng với môi trường quốc tế thường xuyên thay đổi, giảm thiểu các cú sốc bất lợi bên ngoài tác động đến nền kinh tế nội địa, đồng thời hướng tới một tỷ giá thị trường, là sản phẩm của quan hệ cung cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối. Việc tăng tính linh hoạt của tỷ giá sẽ giúp đối phó được với các cú sốc từ bên ngoài và có được sự kiểm soát tốt hơn đối với các điều kiện tiền tệ trong nước. Quan điểm chung trong việc điều hành chính sách tỷ giá hối đoái là cần phải đẩy mạnh quá trình tự do hóa tỷ giá hối đoái, tiến tới tỷ giá hối đoái sẽ phải do thị trường quyết định.

+ NHNN tiếp tục và nhất quán thực hiện chủ trương điều hành tỷ giá linh hoạt, theo hướng thị trường, chủ động can thiệp khi cần thiết.Với vai trò là NHTW, hiện nay NHNN quản lý thị trường ngoại tệ chủ yếu thông qua can thiệp mua bán, công bố tỷ giá bình quân giao dịch liên ngân hàng, quy định trần tỷ giá giao ngay, tỷ lệ % gia tăng của tỷ giá kỳ hạn và các biện pháp quản lý ngoại hối. Trong giai đoạn trước mắt thì các biện pháp này còn cần thiết, nhưng cần phải nới lỏng từng bước vì các biện pháp này không phải lúc nào cũng hiệu quả, đôi khi lại trở thành lực cản cho sự phát triển thị trường ngoại hối. Nhà nước không thể thay được vai trò của thị trường ngoại hối trong xu thế hội nhập, mà Nhà nước chỉ can thiệp bằng các công cụ, nghiệp vụ của mình, tránh xảy ra các cú sốc cho nền kinh tế.

- Thực hiện chính sách đa ngoại tệ.

+ Hiện nay, ngoài đôla Mỹ, trên thị trường có nhiều loại ngoại tệ có giá trị thanh toán quốc tế như Euro, JPY, CAD,... Điều này tạo điều kiện cho Việt Nam có thể thực hiện chính sách đa ngoại tệ trong thanh toán quốc tế và điều hành chính sách tỷ giá. Việt Nam cần xây dựng một cơ chế ngoại tệ hợp lý trên cơ sở đa dạng hóa rổ ngoại tệ mạnh, làm căn cứ cho việc ấn định tỷ giá VND. Cơ chế ngoại tệ đa dạng tạo điều kiện cho các NHTM cung ứng bảo hiểm rủi ro về lãi suất, tỷ giá hối đoái, cho phép các ngoại tệ mạnh trên lãnh thổ Việt Nam được tự do chuyển đổi làm cho vai trò của đồng Đô-la Mỹ sẽ dần hạn chế hơn. Đặc biệt chú ý đến đồng Euro và đồng Yên Nhật vì châu Âu là một thị trường lớn, và Nhật Bản có hệ thống tín dụng, ngân hàng hàng đầu thế giới. Đồng thời, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích các công ty XNK đa dạng hoá cơ cấu tiền tệ trong giao dịch thưng mại quốc tế để nâng cao sự cân đối cung, cầu ngoại tệ, qua đó góp phần đa dạng hóa tiền tệ của nền kinh tế một cách cân đối hơn.

+ Chính sách tỷ giá của Việt Nam cũng sẽ theo hướng tách rời sự neo buộc vào đồng đô la Mỹ để gắn kết vào một số ngoại tệ khác. Việt Nam sẽ lựa chọn nhiều ngoại tệ, qua đó tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại cung ứng bảo hiểm rủi ro về lãi suất, tỷ giá hối đoái, cho phép các ngoại tệ mạnh trên lãnh thổ Việt Nam được tự do chuyển đổi.

Như vậy vai trò của đồng Đô-la Mỹ sẽ dần hạn chế hơn và thị trường có thể sử dụng rất nhiều đồng tiền trên nền tảng là các đồng tiền đó đã được bảo hiểm bằng các dịch vụ hối đoái do các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại cung ứng trên thị trường. Tuy nhiên thì đồng đô la Mỹ vẫn đóng vai trò quan trọng trong các giao dịch ở Việt Nam.

3.2.2 Xu hướng trong đầu tư quốc tế

        Xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam hiện nay

Trong số các nước Đông Nam Á lọt vào Top 25 của xếp hạng Chỉ số niềm tin FDI 2010, Việt Nam đứng trên Indonesia (vị trí 21), Malaysia (vị trí 20) và Singapore (vị trí 24).

Mới đây, Tập đoàn tài chính đầu tư Goldman Sachs (Hoa Kỳ) đã xếp Việt Nam nằm trong nhóm 11 nước (N-11) có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2010, mở ra những cơ hội cho các nhà đầu tư và là địa chỉ đầu tư tốt cho các nhà đầu tư thế giới trong các năm tiếp theo

-                     Trong năm 2008, đầu tư trực tiếp nước ngoài tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến.

Theo thống kê, ngành công nghiệp đạt 912 dự án cấp mới với 35,6 tỷ USD (chiếm 58,6% và 53,4% tổng số dự án và vốn cấp mới), trong đó ngành công nghiệp chế biến đạt mức cao nhất với 764 dự án cấp mới và 35 tỷ USD (chiếm 49% tổng số dự án và 52,7% tổng số vốn cấp mới).

-                     Bước sang năm 2009, dòng vốn tập trung vào các ngành dịch vụ, đặc biệt là kinh doanh bất động sản và lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Số dự án cấp mới ngành dịch vụ năm 2009 đạt 498 dự án với 13,2 tỷ USD (tương ứng chiếm 59,3% và 81,2% tổng số dự án cấp mới và vốn FDI), trong khi ngành công nghiệp chỉ đạt 325 dự án với 3,0 tỷ USD (tương ứng chiếm 38,7% và 18,3%).

-                     Còn trong năm 2010, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam sẽ chọn lọc để hướng dòng vốn FDI vào những lĩnh vực quan trọng, ưu tiên, như công nghiệp phụ trợ, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, chế biến nông sản, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, các ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn….

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung quý I/2010, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 14 tỷ đô la Mỹ, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2009, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt hơn 8 tỷ đô la Mỹ, tăng 29,3%, nhập khẩu khoảng 7,1 tỷ đô la Mỹ. Còn nếu không kể dầu thô, trong 4 tháng đầu năm 2010, khối các doanh nghiệp FDI xuất khẩu 4,13 tỷ USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ 2009 và nhập siêu khoảng 60 triệu USD…

-               Tuy nhiên,trước mắt và trung hạn, Việt Nam cần khắc phục căn bản những nút thắt gây nghẽn mạch và lệch hướng dòng vốn FDI thu hút, nổi bật là tình trạng thủ tục hành chính rườm rà, quan liêu; hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực yếu kém, chi phí đầu vào cao; công tác xúc tiến đầu tư thiếu tính chuyên nghiệp.

3.2.3 Xu hướng cơ cấu lại hệ thống tài chính, trọng tâm là hệ thống ngân hàng

Trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu, thực tế cho thấy, khi kinh tế phát triển ngoài tầm kiểm soát, cơ cấu phức tạp và khó hệ thống hóa, thì nhu cầu cấp thiết cần đặt ra với Chính phủ mỗi quốc gia là phải tái cơ cấu nền kinh tế. Lúc này, mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) được coi là giải pháp cứu cánh hữu hiệu cho tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó tái cấu trúc hệ thống tài chính ngân hàng được quan tâm hơn cả.

- Nguyên nhân:

+ Nhu cầu của các ngân hàng Việt Nam tìm kiếm các đối tác chiến lược thông qua các thương vụ bán cổ phần cho các ngân hàng khu vực và toàn cầu.

+Theo Ngân hàng Nhà nước, mặc dù đạt được nhiều thành tựu phát triển quan trọng, song đánh giá một cách khách quan, hệ thống ngân hàng Việt Nam còn nhiều tồn tại, hạn chế về khả năng cạnh tranh, năng lực tài chính, quản trị, công nghệ và nhân lực cần phải khắc phục, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới.

- Thực trạng việc tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính theo hướng sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính nhỏ:

+ Thứ nhất, các ngân hàng có cùng chủ sở hữu và có cùng các cổ đông lớn chi phối có mối quan hệ với nhau sẽ có thể hợp nhất lại với nhau trở thành một ngân hàng duy nhất.

+ Thứ hai, các ngân hàng nhỏ có một ngân hàng lớn hoặc thành viên Hội đồng quản trị của ngân hàng lớn nắm tỷ lệ chi phối. Những ngân hàng nhỏ này có thể sẽ có xu hướng hợp nhất vào ngân hàng lớn, giúp cho vấn đề về thanh khoản được giải quyết và đảm bảo tốt hơn.

Ví dụ:Hiện tại Ngân hàng Á Châu (ACB) là cổ đông lớn tại các ngân hàng như ngân hàng Kiên Long, ngân hàng Đại Á và ngân hàng Việt Nam Thương Tín.

+ Thứ ba, các ngân hàng nhỏ sẽ bị các tổ chức khác ở bên ngoài mua lại để nắm cổ phần chi phối. Những tổ chức này sẽ tiến hành cải tổ hoạt động của hệ thống ngân hàng, bơm thêm vốn để những ngân hàng này để vượt qua giai đoạn khó khăn và hoạt động lành mạnh hơn. Xu hướng thứ ba này sẽ diễn ra theo hai hướng. Một là các ngân hàng tăng vốn bằng cách phát hành riêng lẻ cho cổ đông mới bên ngoài. Hai là các cổ đông lớn của ngân hàng trên sẽ thoái vốn và bán cho cổ đông bên ngoài khác. Điều này sẽ diễn ra mạnh trong các năm từ nay đến 2015, khi mà nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước phải thoái vốn khỏi các khoản đầu tư ngoài ngành, đặc biệt là ngân hàng, để tập trung cho hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Ví dụ: Ngân hàng Gia Định được đổi tên thành ngân hàng Bản Việt. Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex, nơi Petrolimex nắm giữ 40% cổ phần; ngân hàng Đại Dương, nơi PetroVietnam nắm giữ 20% cổ phần; ngân hàng An Bình, nơi tập đoàn điện lực nắm giữ 24% cổ phần; và ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội, nơi tập đoàn Than và khoáng sản và tập đoàn Cao su đều nắm giữ 15% cổ phần.

Trong năm 2011, với sự tham gia của một số quỹ đầu tư và các ngân hàng nước ngoài, một số ngân hàng Việt Nam đã thực hiện thành công việc mua bán cổ phần của mình, giúp tăng nguồn vốn kinh doanh và cải thiện tình hình quản trị và ứng dụng công nghệ, điển hình như: Standard Chartered và Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải (HSBC) và Techcombank, Deutsche Bank và Habubank, Ngân hàng Singapore (UOB) và Ngân hàng TMCP Phương Nam (PNB), Maybank và ABBank....

Tuy vậy, hoạt động M&A ngành ngân hàng chỉ thực sự khởi động và trở thành điểm nóng khi Chính phủ ra chỉ thị "cấu trúc lại hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính theo hướng sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính nhỏ", mở đầu công cuộc bằng việc hợp nhất 3 ngân hàng: Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank) và Ngân hàng TMCP Tín Nghĩa, dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với vai trò là đại diện vốn Nhà nước tại ngân hàng mới sau sáp nhập.

Cho đến thời điểm này của năm 2012, xu hướng sáp nhập trong các ngân hàng diễn ra tương tự như năm 2011. Trong đó 2 vụ sáp nhập thành công và 7 vụ đã được công bố, các thương vụ mua lại của các ngân hàng nước ngoài vẫn chiếm phần lớn. Giá trị sáp nhập tính đến nay tương ứng với 1-1. 8 lần giá trị sổ sách  các so với các vụ sáp nhập bình thường khác.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt

1.                 PGS.TS Kim Ngọc (2001), Kinh tế thế giới thế kỉ XX và triển vọng những thập kỉ đầu thế kỉ XXI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội

2.                 PGS.TS Kim Ngọc (2005), Triển vọng kinh tế thế giới 2020, Nxb Lí luận chính trị, Hà Nội

3.                 PSG.TS Đinh Trọng Thịnh (2006), Giáo trình Tài Chính Quốc Tế, Nxb Tài Chính, Hà Nội

4.                 PGS.TS Nguyễn Văn Tiến, Giáo trình Tài Chính Quốc Tế, Nxb Thống kê

5.                 Nguyễn Ngọc Trân (2002), Một số vấn đề kinh tế toàn cầu hiện nay, Nxb Thế Giới, Hà Nội

Tiếng Anh

6.       Bradley R.Schiller, The economy today, Mc.Graw-Hill Higher Education

7.       Gabriele Camera, Recent Developments on Money and Finance, Sringer Publisher

8.       http://www.baomoi.com

9.       http://www.cafef.vn

10.     http://www.cpv.org.vn

11.     http://www.gafin.vn

11.     http://www.nld.com.vn

12.     http://www.tapchicongsan.org.vn

13.     http://www.thongtinphapluatdansu.wordpress.com

14.     http://www.vccinews.vn

15.     http://www.vidgroup.com.vn

16.     http://www.vise.com.vn

17.     http://www.voer.edu.vn

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro