E. TU HÀNH

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1- Tư tưởng, kiến giải, lời nói, tạo tác của chúng ta đều là hành vi. Hành vi có sai lầm thì phải y theo những giáo huấn của chư Phật, Bồ Tát mà đem những lỗi lầm đó sửa chữa lại, đây mới là thật sự tu hành... Những lời giáo huấn của các bậc đại thánh hiền, Bồ Tát đều từ tâm tánh khởi phát mà hiển lộ ra. Nói cách khác, tu hành là thuận theo tự tánh, không phải thuận theo người khác. Người được minh tâm kiến tánh thì những ngôn từ, hành vi đều từ trong tự tánh mà bộc lộ ra. Chúng ta học tập theo họ, lấy họ làm tiêu chuẩn, đó là lấy tự tánh làm chuẩn mực. Thuận thánh là chí thiện, không có gì thiện hơn!

Trước tiên, chúng ta phải biết rõ những lỗi lầm của mình. Thứ đến, phải thật sự sửa chữa triệt để những căn bệnh tập khí. Y theo sự giáo huấn trong kinh điển mà tu hành, niệm niệm cầu sanh Tịnh độ, đó mới là đệ tử bậc nhất của Phật.

Biết rõ tập khí, lỗi lầm của mình, tức là khai ngộ. Quý vị không mê hoặc, mỗi ngày đều có thể phát hiện những căn bệnh tập khí của chính mình, đó là khai ngộ hằng ngày. Tập hợp khai ngộ nhỏ thì thành đại khai ngộ, góp đại khai ngộ lại tức thành đại triệt khai ngộ. Nhưng sau khi khai ngộ rồi, điều quan trọng nhất là phải tu hành. Đem những lỗi lầm, tập khí tu chỉnh lại, đó là tu hành. Tu hành thật ra là chỉnh sửa tất cả những hành vi sai trái. Ở đâu để tu hành? Tu từ chỗ khởi tâm động niệm. Biết rõ sự sai trái của mình là giác ngộ, sửa chữa lỗi lầm của mình là chân tu... Lục Tổ nói rất hay "Nhược chân tu đạo nhân, bất kiến thế gian quá. Nhược kiến tha nhân phi, tự phi khước tương tả" (Nếu là người tu đạo chân thật thì sẽ không nhìn thấy lỗi lầm của thế gian (người khác). Nếu thấy người khác sai, tức tự mình sai, "Tả" theo hướng đọa xuống). Thời xưa ở Trung Quốc, bên phải tiêu biểu cho hướng lên, bên trái tượng trưng cho hạ xuống... Thấy sự phải trái của người khác, thì tự mình đã bị rơi xuống, vì tâm của mình không thanh tịnh, không bình đẳng, tự cho là đúng. Nhất định phải hiểu rõ đây là căn nguyên của tất cả tội ác.

2- Đến ngày nào mà lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) của chúng ta tiếp xúc với cảnh giới lục trần (sắc, thanh,hương, vị, xúc, pháp) không còn sinh phiền não thì mơi nắm chắc phần vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nếu vẫn nhìn người không thuận mắt, không thể sống chung với người khác, thì khó mà niệm Phật vãng sanh... Giả sử tự mình đem vọng tưởng, chấp trước đều buông xuống thì cảnh giới bên ngoài đều bình đẳng, không có thị phi, thiện ác. Ngẫu Ích Đại sư nói rất hay: "Cảnh duyên không tốt xấu". "Cảnh" là hoàn cảnh vật chất. "Duyên" là hoàn cảnh của mọi nhân sự. Người và vật không có tốt xấu, không có thị phi, không có thiện ác, không có tà chánh. Tất cả những tốt xấu, thị phi, thiện ác, tà chánh từ đâu đến? Là từ trong tâm của chính mình mà ra. Do đó, người biết tu hành, khi tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài, vừa khởi tâm động niệm thì họ liền hồi đầu phản tỉnh, nhận biết mình đã sai rồi.

3- Một người mỗi ngày đều phải biết được lỗi lầm của chính mình, đó là giác ngộ. Nhà Phật gọi là khai ngộ. Hôm nay cả ngày đều không có sai trái, đó là ngu muội, là hồ đồ. Làm sao mà không có lỗi lầm? Biết sai trái là khai ngộ, đem lỗi lầm sửa lại cho đúng là tu hành, là công phu.

Quý vị mỗi ngày phản tỉnh,ngày ngày giác ngộ: Nhìn lại xem chỗ nào có sai trái, cách nghĩ sai rồi, cách nhìn sai rồi, kiến giải sai rồi, lời nói sai rồi, việc làm sai rồi. Hằng ngày quý vị có thể phản tỉnh, tìm ra chỗ sai trái của mình thì người đó tức đã khai ngộ. Biết rõ lỗi sai của mình lập tức chỉnh sửa lại, ngày mai không tái phạm lỗi giống vậy nữa. Đây là tu hành thật sự, cũng là sám hối thật sự, thì nghiệp chướng tiêu trừ rồi.

4- Tôi thường khuyên mọi người, công phu sáng là nhắc nhở tự mình; công phu tối là tự nghĩ lại mình: Ngày hôm nay có lỗi về thân, khẩu, ý tam nghiệp không? Phát hiện lỗi của mình, tức là chỗ để ngộ. Sửa đi các lỗi lầm, không tái phạm những lỗi giống vậy, tức chân thật tu hành, tức là công đức.

Tôi khuyên các vị đồng tu, công phu sáng niệm 48 nguyện của kinh này. Sau khi niệm hãy nghĩ thật kỹ: Tâm của ta, nguyện của ta có giống A Di Đà Phật không? So sánh với Phật, mỗi ngày so một lần, so lâu rồi từ từ sẽ tiếp cận, như vậy sẽ được lợi ích. Công phu sáng được lợi ích là đồng tâm, đồng nguyện với Phật A Di Đà. Công phu tối niệm từ phẩm 32 đến 37, sáu phẩm này, Phật đã đem lỗi lầm, bệnh căn của chúng ta nói ra. Sau khi niệm xong hãy nghĩ đi xét lại, ta có phạm những lỗi như vậy không? Nếu có, mau mau sửa đổi, hy vọng cùng A Di Đà Phật đồng giải đồng hành.

Ngày hôm nay từ sáng đến tối, tôi đối nhân, xử thế, tiếp xúc mọi việc có khởi lên ác niệm không? Có nói lời sai không? Có làm việc sai không? Phát hiện lỗi lầm thì hãy mau sửa đổi, ngày mai không tái phạm những lỗi giống như vậy. Công phu sáng tối như thế mới thật sự có công đức, mới thật sự là làm công phu sáng tối. Nếu không có "nhắc nhở", không có "phản tỉnh" (xét lại), chỉ đem kinh văn niệm một lần cho Phật, Bồ Tát nghe, công phu sáng tối như vậy là tạo tội nghiệp. Sao lại tạo tội nghiệp? Sáng gạt Phật, Bồ Tát một lần, tối lại lừa dối thêm một lần nữa, ngày ngày gạt, tội này về sau sẽ đọa tam đồ.

5- Tất cả chư Phật tu học bắt đầu từ đâu? Đều từ tam phước mà học lên. Chúng ta không làm thì không kể là tu hành. Nhất định phải thật sự làm cho được, đem công đức thiện căn này hồi hướng cho pháp giới chúng sanh cùng hưởng thì tức là tương ưng. Tác dụng thật sự của hồi hướng là khai mở tâm lượng, khôi phục bổn tâm. Tâm lượng của bổn tâm rộng lớn vô biên. Tâm lượng hiện nay của chúng ta quá nhỏ, dùng phương pháp này mà khôi phục lại.

Không thể tu tam phước, lục hòa thì là tội nhân của Thích Ca Mâu Ni Phật, là đến để diệt Phật pháp, là con cháu của Ma Vương Ba Tuần. Hôm nay nhiệm vụ đến cửa Phật là để diệt Phật pháp, không phải hưng Phật pháp. Hưng Phật pháp phải quyết định xả bỏ sự phân biệt, chấp trước, vọng tưởng của bản thân.

Học Phật cần hội đủ hai điều kiện: Thứ nhất, độ lượng phải lớn, có thể bao dung. Thứ hai, phải biết ngoài mặt vui vẻ đón người, oán thân bình đẳng, vạn pháp như một, có thể cư xử hòa hợp với tất cả chúng sanh. Người như vậy mới có tư cách học Phật, mới có tư cách vào nhà Phật.

Tai nạn của thế giới này mỗi năm một nghiêm trọng hơn. Nếu bản thân chúng ta chịu phát tâm, thật sự đem danh văn lợi dưỡng, phân biệt, chấp trước, vọng tưởng đều buông bỏ, nguyện cùng đại chúng sống hòa hợp với nhau, thành tựu một tăng đoàn hòa hợp, không những tự mình được lợi ích lớn, Phật pháp có thể hưng vượng lên, người Đài Loan đều được lợi lạc vì chư Phật hộ niệm, Long thần Hộ pháp ủng hộ.

Cần phải biết, khi mọi người cộng tu ở một nơi mà khởi lên ý niệm, sẽ phá hoại lục hòa kính. Không biết mình đang tạo nghiệp, còn ngang nhiên tưởng mình mọi thứ đều đúng. Lý lẽ lớn lao gì đi nữa cũng đã phá hoại sự hòa hợp của tăng đoàn, nên tốt nhất lý lẽ nào cũng không nên có. Mỗi người đều không có lý lẽ, thì thiên hạ sẽ thái bình!

6- "Bất ly Phật pháp, nhi hành thế pháp. Bất phế thế pháp, nhi chứng Phật pháp". "Bất ly Phật pháp" - trong tâm thường có một câu "A Di Đà Phật", trong lòng thường tưởng niêm Phật A Di Đà. Công đức cúng dường hình Phật thật bất khả tư nghì. Quý vị thích hình Phật nào thì lễ bái cúng dường hình Phật đó... Ngày ngày cùng hình Phật đó ở một nơi, cùng A Di Đà Phật ở một chỗ, tức là "Bất ly Phật pháp"... Quý vị phải đem lòng cung kính đối với Phật Đà, sư phụ, các đạo hữu đồng tu, cung kính cha mẹ và người nhà của quý vị thì cả nhà đều vui, đó là "Nhi hành thế pháp". Quý vị đem những điều tu được trong Phật pháp, ứng dụng vào trong gia đình của mình, ứng dụng vào trong sinh hoạt của mình thì mới thật sự là thọ dụng. "Bất phế thế pháp, nhi chứng Phật pháp" câu này nói càng triệt để hơn. Mọi thứ trong thế pháp (pháp thế gian) đều làm được viên mãn, tức là Phật pháp. Không phải rời thế pháp mới tu Phật pháp được. Thế pháp và Phật pháp là cùng một việc... "Tâm tịnh ắt thổ tịnh", làm sao tịnh hóa tâm mình? Câu "A Di Đà Phật" là tịnh hóa tâm địa. Khi tất cả vọng tưởng, chấp trước, phiền não hiện lên, đều lập tức trở về một câu " A Di Đà Phật" thì tất cả mọi việc đều không còn nữa. Tất cả ý niệm đều quy về Phật A Di Đà, chỉ tưởng nhớ Phật A Di Đà, không nghĩ về các ý niệm khác. Các ý niệm khác đều tạo lục đạo luân hồi, duy chỉ có câu "A Di Đà Phật" này là chứng Phật pháp nhất. "Nhất niệm tương ưng nhất niệm Phật, niệm niêm tương ưng niệm niệm Phật", đó tức là chứng Phật pháp.

7- Chúng ta rời Phật pháp, nhất định thoái chuyển. Phải làm sao không rời Phật, không rời pháp? Tôi nói với chư vị đồng tu, mỗi ngày không thể không chiêm ngưỡng hình Phật. Xem hình Phật nhiều lần, sẽ ghi nhớ trong lòng thì không rời khỏi Phật. Mỗi ngày không thể không đọc kinh, đọc kinh tức là nghe giáo huấn của Phật. Như vậy sẽ giữ được cho mình không thoái chuyển.

Tôi khuyên các đồng tu phải học thuộc, đọc thuộc kinh văn trước, không học thuộc thì không sao làm được. Sau khi học thuộc lòng, chúng ta sinh hoạt thường ngày, khởi tâm động niệm, đối nhân, xử thế, tiếp vật, ý niệm vừa chớm dậy thì sẽ nghĩ rằng: Ý niệm có hợp với sự giáo huấn của "Kinh Vô Lượng Thọ" không? Phật dạy chúng ta làm thế nào thì chúng ta làm thế ấy; dạy chúng ta không nên làm thì chúng ta không làm. Đây mới là "nhiếp thủ thọ trì", tức là giải hành tương ưng, giải hành cùng tiến. (Hiểu và làm tương ưng, cùng tiến).

8- Quy nạp tam quy ngũ giới, không ngoài đối nhân, đối sự (việc), đối vật, đối với sự tu các Phật pháp. Ta đối với bốn cảnh giới này không mê, không tà, không nhiễm, lấy thái độ giác, chánh, tịnh mà đối mặt với bốn cảnh giới này, đây là thọ trì tam quy, là đệ tử chân chánh của Phật. Do đó, tam quy là nguyên tắc chỉ đạo tối cao của tu hành, là một con đường chính đẻ thành Phật đạo.

9- Người đoạn được phiền não, là niệm niệm tưởng nhớ chúng sinh, niệm niệm hy vọng người khác tốt, không hy vọng mình tốt. Các người đều tốt, ta thật không tốt, vậy là tốt rồi. Các người có phước, ta không có phước, vậy mới tốt. Thường ấp ủ lòng thương xót chúng sinh, người ta trước, mình thì sau, mới có thể đoạn phiền não. Loại người như vậy mới có tư cách tu hành, mới có tư cách vào cửa Phật. Niệm niệm chỉ nhớ đến mình, rồi mới nghĩ đến người khác thì dù quý vị cố gắng tinh tấn tu học thế nào đi nữa, rốt cuộc đều ở ngoài cửa Phật; quyết định bước không vô được bục cửa... Nhất định phải mở rộng tâm lượng, phải yêu thương, giúp cho người khác thành tựu bằng tấm lòng chân thật, thanh tịnh, bình đẳng và từ bi.

10- Có thể nhu thuận nhẫn đối với tất cả vạn pháp. "Hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức" mà Phổ Hiền Thập Đại Nguyện vương đã nói, đó là công phu thật sự đắc lực. Chúng ta xem công phu của một người có đắc lực hay không thì hãy xem họ có thể "định" được trong hoàn cảnh hay không. Trong thuận cảnh có thể định được, không có tâm hoan hỷ, tâm vẫn thanh tịnh; trong nghịch cảnh không có lòng sân giận, tâm vẫn là thanh tịnh. Thuận theo nghịch cảnh, không oán trời trách người, duy chỉ dụng công tinh tấn, thì đạo nghiệp của hạng người này sao có thể không thành tựu được?

Những chúng sanh ngu gì, những chúng sanh không có trí tuệ, đối với họ từ bi, họ không tiếp nhận. Không những không tiếp nhận, có khi còn ác ý phỉ báng, thậm chí còn ác ý làm tổn thương quý vị. Quý vị còn phải từ bi nữa không ? Vẫn phải từ bi! Càng phải từ bi hơn, đó là sức chịu đựng (nhẫn lực). Bạn phải biết chân tướng sự thật là họ ngu si, phiền não, tập khí của họ rất nặng. Quý vị phải hiểu mà tha thứ cho họ, quyết định không thể dùng ác ý đối xử lại.

Người học Phật nhất định phải nhớ kỹ, không kết oán thù với bất cứ ai. Đó là người thật sự thông minh, thật sự có trí tuệ. Đối với oan gia trái chủ phải hết sức nhường nhịn, nhẫn nhịn một đời người thì trả xong nợ. Do đó phải học nhường nhịn, không sợ bị thiệt thòi, không sợ mắc bẫy. Chịu thiệt là phước, không phải là tai họa, luôn luôn tiêu tai diệt tội, quyết định nhường nhịn là đúng đắn.

Khi Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, vẫn bị sáu nhóm tỳ kheo, sáu sư ngoại đạo làm nhục trước mặt, chửi bới sau lưng còn nhiều hơn nữa. Phật không so đo với họ, cũng không biện luận với họ. Chửi, cứ để họ chửi, chửi lâu lắm rồi ắt mệt thôi, thì tự nhiên không chửi nữa. Hà tất theo sự nhận thức bình thường như họ? Phải nhẫn nhịn, đây là sự tu hành của chư Phật, Bồ Tát, chúng ta nên học theo.

11- Vạn ngàn lần phải nhớ "Không khởi lên các vọng tưởng về tham, sân, si, dục", đó là tu hành thật sự. Một mật thường niệm "A Di Đà Phật", một ngày niệm mấy chục lần "Kinh Vô Lượng Thọ" nhưng trong tâm vẫn là tham, sân, si, mạn thì kể như tất cả công đức đều hết... Tụng kinh, niệm phật phải đem tham, sân, si, mạn niệm cho quên đi thì mới là công phu.

Chân tu hành thì phải đoạn tham, sân, si. Tu hành thật sự câu Phật hiệu ngày đêm không gián đoạn, đó là tinh tấn. Còn một tí tham niệm về Pháp thế gian thì không phải là tu hành chân chính.

Phật nói trong Kinh Đại Thừa: "Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai" (Một niệm sân khởi lên thì cả triệu cánh cửa chướng ngại mở ra)... Dù hoàn cảnh không như ý cũng không khởi lên tâm sân giận, cần hiểu rõ nhân quả, lý sự bên trong đó. Khởi tâm sân giận, không làm chướng ngại người khác mà thật ra chỉ chướng ngại tự mình... Người học Phật thấy kẻ khác hơn mình, trong lòng đố kỵ thì lập tức phải giác ngộ. Tâm đố kỵ của ta khởi dậy, phá hoại lòng thanh tịnh của mình, làm trở ngại Giác, Chánh, Tịnh của ta, đó là ma chướng... M của ngoại cảnh không đáng sợ, đáng sợ là ma ở trong tâm ta, nên nói "phiền não ma, ngũ ấm ma" là đáng sợ nhất. Nếu có thể đoạn dục vọng, bỏ ưu phiền, dù ma ở ngoại cảnh nhiều hơn nữa, mạnh hơn nữa, đối với người tu hành vẫn không bị tác động... Thấy việc tốt của người khác, mình phải tán thán, đồng thời hết lòng hết sức giúp đỡ đem việc tốt của họ nhân rộng ra.

12- Hôm nay có thể giảm bớt một phần hưởng thụ trong sinh hoạt của mình, đi cứu giúp những chúng sinh khổ nạn, đó cũng là "thay chúng sanh chịu khổ". Chúng ta muốn sắm thêm quần áo, nghĩ lại không thêm cũng được, dành lại tiền ấy để giúp đỡ chúng sanh. Hôm nay mình muốn ăn một bữa, cũng có thể giảm ít lại, ăn những món tàu hũ, cải xanh, đem số tiền giành dụm được để giúp đỡ họ, đều là cúng dường của "thay chúng sanh chịu khổ".

Nhà Phật thường nói: " Vạn thứ đều không đi, duy chỉ có nghiệp theo mình". Thực sự không một thứ gì là của ta cả, trước mắt nếu có cơ hội nên làm thêm nhiều việc tốt, tích thêm nhiều đức, đó là thứ duy nhất có thể mang theo.

Quý vị đọc truyện ký của Phạm Trọng Yêm, hay (Nghĩa Điền Ký) trong "Cổ văn quán chỉ", xem ông ta một đời hành trì, sự nghiệp công lao to lớn, quan to chức lớn. Khi quốc gia hỗn loạn, ông là đại tướng quân, thống soái, khi về đến triều đình, ông là phó tể tướng. Nhà Nước ban cho ông bổng lộc hậu hỷ, nhưng tự ông lại kiệm ăn kiệm dùng, lấy bổng lộc của mình nuôi sống hơn ba trăm mấy gia đình, lại mở lớp học miễn phí, thấy những con em của những hộ nghèo có thể đào tạo thì tìm đến để chu cấp cho đi học, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, không vì bản thân nên được quả báo thù thắng. Ông có năm người con trai, trong đó có hai người làm quan đến chức tể tướng, một người thì làm ngự sử đại phu, tương đương với viện trưởng viện hành chánh, viện giám sát bây giờ. Khi ông mất, không mua nổi cỗ quan tài, tiền đã đi đâu? Đều bố thí làm việc tốt cả. Vì thế gia đình họ Phạm mãi đến đầu năm dân quốc, hơn tám trăm mấy năm, gia đạo không hề suy thoái.

Trước đây khi tôi theo thầy Lý, ông quy định tiền sinh hoạt một tháng của tôi là 150 đồng. Thầy Lý nói: "Cậu xài vượt hơn 150 đồng thì không giống người xuất gia". Ông nói câu này với tôi, vì ông là người làm gương. Một ngày tôi ăn cơm hết 3 đồng, còn ông một ngày chỉ tiêu 2 đồng. Do đó, cái gì ông ấy nói, tôi đều tâm phục khẩu phục, không sao tranh luận với ông được. Tất cả khoản thu nhập của ông đều đem đi làm sự nghiệp về Phật giáo. Áo quần ông mặc là quần áo cũ của ba bốn chục năm trước. Áo lót, vớ được vá đi rồi vá lại nhiều lần. Nếu có dịp đến miền Trung Đài Loan nên đến tham quan nhà kỷ niệm của thầy Lý. Áo của ông lớn lớn nhỏ nhỏ đều vá đi vá lại. Ông không phải không có tiền, không phải không mua sắm nổi, trái lại thu nhập rất hậu hỷ. Ông lại không có gia quyến mà chỉ có một mình. Thành thật mà nói, điều kiện sống và sinh hoạt của ông có thể thoái mái hơn ai hết. Đấy là người tu hành chân chính. Có thể chịu đựng, sống một cuộc sống cực khổ thanh đạm, sống như một vị tu sĩ khổ hạnh. Ông ấy đã thật sự có thể đoạn tuyệt lòng tham.

13- Tu hành phải tu như thế nào? Miệng niệm Phật hiệu bị đứt đoạn không sao; nhưng trong lòng không thể để gián đoạn. Vì tâm mà rời khỏi câu Phật hiệu thì sanh vọng tưởng, vọng tưởng là nghiệp của lục đạo luân hồi... Câu Phật hiệu phải thật sự có sức mạnh, vọng tưởng, tạp niệm không khởi dậy thì mới nắm chắc có phần ở Tây Phương. Do đó cần nắm thật chặt câu Phật hiệu, mỗi niệm không lợi là, quyết định sẽ tới được Tây Phương. Tất cả pháp thế gian, chỉ có pháp này là thật, còn lại đều là giả.

Chúng ta cả ngày đêm niệm câu "A Di Đà Phật", từng câu nối tiếp nhau, không để vọng tưởng thâm nhập thì là đắc lực, thành công rồi! Dạy quý vị tụng "Kinh Vô Lượng Thọ", mục đích là thế đấy. Tu 3 năm, 5 năm, tâm đã thanh tịnh, tuy vọng tưởng vẫn chưa đoạn dứt, đại khái cũng được bảy, tám chục phần trăm thì vẫn sang Tây Phương Cực Lạc thế giới đã nắm chắc rồi. Vọng tưởng ít, phiền não ít rồi, trí tuệ đã tăng trưởng, lòng đã lắng đọng, đây là chân tu hành.

14- "Bố trí Ba-la-mật" là một bài quan trọng nhất trong tu hành. Buông bỏ tất cả, không chấp trước (ưng vô sở trụ), phải xả bỏ hết cho sạch sẽ, thân tâm thanh tịnh mới là pháp khí (công cụ của pháp), mới có tư cách học Phật.

Phàm đối với bất cứ phương diện nào ở thế gian này vẫn còn một chút chấp trước, lưu luyến, không thể buông bỏ, đó là chướng ngại, thì không phải thật sự muốn vãng sanh. Người muốn vãng sanh đều phải buông xả, một chút chướng ngại cũng không có.

Người thật sự cầu vãng sanh, tất cả thế giới của thân tâm đều buông bỏ, trong lòng chỉ có A Di Đà Phật. Ngoài A Di Đà Phật ra, thứ gì cũng không tưởng, không nhớ, buông bỏ vạn duyên,không những không tưởng, không nhớ pháp thế gian, hết thảy Phật pháp cũng không nhớ không tưởng. Người như vậy mới nhất định được vãng sanh.

15- Nơi thờ cúng Phật trong nhà của quý vị dù trang nghiêm đến đâu, hàng ngày đồ cúng không thiếu chi, nhưng lòng của bạn không làm theo lời Phật dạy thì bạn vẫn không được gì cả. Cái được vẫn là một thân nghiệp tội. Vì thế, Phật pháp không chú trọng hình thức. Nói thật, khi Phật , Bồ Tát trông thấy những đồ cúng dường đều có nông dược, đều bị ô nhiễm, thì đừng nói đến ăn mà cả ngửi cũng không dám. Đó chỉ là bày tỏ tấm lòng kính trọng của chúng ta, nhưng ý kính trọng thật sự là ý giáo tu hành. Niềm kính trọng thật sự không ở chỗ hình thức. Quý vị đồng tu không thể không biết.

Chúng ta mỗi ngày dùng cái gì để cúng dường Tây Phương Tam Thánh? Hoa quả? Phật, Bồ Tát đều không cần những thứ này. Hoa quả là tượng trưng một ít lòng kính trọng, cúng dường thật sự là y giáo phụng hành. Thấy hình (tượng) Quan Thế Âm Bồ Tát, tự nhắc nhở mình phải từ bi đối với tất cả chúng sanh. Một niệm từ bi này chính là cúng dường Quán Thế Âm Bồ Tát, đây là cúng dường thật sự... Cúng dường hình tượng Phật, Bồ Tát, mục đích là thời thời khắc khắc luôn nhắc nhở mình, dạy dỗ mình. Đó là cúng dường thật sự. Cúng dường Tam Thánh ở tại gia, nếu một tí tấm lòng như vậy cũng không có thì chư Phật Bồ Tát không ở nhà bạn rồi.

16- Bệnh là quả báo, có thể xoay chuyển được không? Sanh tử luân hồi còn có cách xoay sở, bệnh nhỏ thế này sao lại không xoay chuyển được? Đương nhiên là có thể xoay chuyển. Chuyển như thế nào? Cố gắng tu thiện. Quý vị xem trong "Liễu Phàm Tứ Huấn", "Cảm Ứng Thiên" và "Âm Chất Văn" đã nói. Chân tâm là thiện (thật lòng là thiện), rất nhiều tội báo của nghiệp chướng đã được xoay chuyển âm thầm, thì quý vị không phải chịu báo ứng. Chúng ta hy vọng một đời trường thọ? Trường thọ phải khỏe mạnh, trường thọ mà không khỏe mạnh thì khổ rồi... Cho dù có nhiều người săn sóc bạn, cũng không nói nên lời. Do đó, phải bằng cách tự mình cố gắng tu học.

"Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng" (Trong nhà Phật có cầu thì sẽ có đáp ứng). Quý vị thường bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, bát nhã ba-la-mật, thì có cầu tất sẽ có ứng. Làm như vậy thì cầu thành Phật còn được, cầu thành Phật là trong những việc khó cầu nhất, không dễ dàng nhất mà còn cầu được; những thứ ngoài việc thành Phật ra, thật quá đơn giản, thì có gì mà không cầu được.

17- "Công đức" đừng rêu rao khắp nơi, không nên khoe công. Phải biết một khi khoe khoang, công đức sẽ mất hết. "Tội chướng" phải nhổ bỏ, nói với người khác về những nghiệp tội của mình, nói những lầm lỗi của mình. Người ta trách mắng bạn vài câu, chửi bạn vài tiếng, thì nghiệp chướng đều được tiêu trừ.

18- Lớn như quốc gia, nhỏ như đoàn thể. Nếu lãnh đạo đoàn thể của chúng ta là La Sát, A Tu La, thì thị hiện lòng sân hận rất nặng. Đó là La Sát. Do đó, ngày nay khi chúng ta đối nhân, xử thế, tiếp vật, đâu đâu đều phải chú ý, quyết không thể đắc tội với hạng người này. Đắc tội với Phật, Bồ Tát thì không sao, vì tâm của Phật thanh tịnh, bình đẳng, không có báo phục (trả đũa). Không thể đắc tội với Ma Vương, La Sát, A Tu La, vì họ sẽ trả đũa thật nặng với ta, chúng ta sẽ không chịu thấu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro