Nơi Cội Nguồn Của Sóng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


     Tiếng sóng ngoài xa vẫn ì ầm. Biển động. Đêm nay lại là một đêm mất ngủ của cả nhà.

Thu không ngủ được. Em trằn trọc vì tiếng nước nhỏ lách tách trên mái lá, chảy tong tong xuống mấy chiếc chậu nhôm méo mó đặt lộn xộn dưới nền đất để hứng dột. Bố vẫn chưa về, chưa có ai leo lên lợp thêm vài tàu lá khô, buộc chặt lại bằng những sợi dây lạt, vậy nên nước vẫn men theo những kẽ lá hở để chảy xuống. Giường của em cũng bị ướt mất một mảng.

Em nằm co chân, tránh vạt nước lạnh căm đọng thành vũng ở chân giường. Bên cạnh, chị Liên, mẹ em vẫn thở khó nhọc. Chị cũng chưa ngủ được. Mấy hôm nay trời chuyển rét, bệnh suy hô hấp cấp của chị lại trở nặng. Chị phải bỏ cả buổi chợ sớm. Điều đó đồng nghĩa với việc hai mẹ con chỉ biết nuốt cháo loãng qua ngày.

Thu đắp lại chăn cho mẹ. Em không dám xoay người mạnh, chỉ mở mắt nhìn đăm đăm vào bóng đêm vô định. Hơi muối mặn mòi của biển thấm vào gió, thấm vào nước mưa rồi ùa vào đầy ngập, len lỏi qua cả lớp chăn bông lâu ngày bị xẹp xuống chẳng giữ nổi hơi ấm. Căn nhà trống trải đến cô quạnh. Thu nhớ bố quá!

Nhà Thu nằm rất gần bãi biển. Ngôi nhà ọp ẹp bé xíu, vừa đủ kê một chiếc giường gỗ để ba người chen chúc nhau, mùa đông còn ấm chứ mùa hè mồ hôi mồ kê nhễ nhại dù có gió biển thổi vào lồng lộng. Giữa trần nhà có chăng một bóng đèn tròn, bố Thu phải chụp thêm chiếc lồng bằng nhựa để tránh nước dột chảy vào. Rồi góc nhà có cái bếp ga du lịch mua lại của một du khách, còn một khoảng trống vừa trải một manh chiếu cỏn con. Nằm khuất sau những rặng phi lao, ngôi nhà nhỏ tách biệt với làng chài, tường đắp bằng đất và mái nhà lợp đủ thứ lá.

Thu nghe vài cô bác đi chợ sớm nói chuyện với nhau, rằng nhà Thu không có đất nên phải lợp tạm nhà ở đây. Có thể sắp tới còn bị phá đi nữa!

Thu không biết họ nói có đúng không. Nhưng em sợ lắm! Nếu ngôi nhà bị phá, gia đình Thu sẽ phải lênh đênh trên biển, ở trong một chiếc thuyền có mui bé tẹo. Thu còn chưa được đi học nữa, mặc dù em đã bảy tuổi. Bố em dạy cho em được vài con chữ và em đã biết viết tên mình. Bố đã hứa khi nào có tiền sẽ cho em đi học. Nhưng Thu biết, cho em được đến trường là cả một niềm ước mơ không chỉ của Thu mà còn của bố mẹ, hơn nữa còn là một ước mơ xa vời.

Bố em là một ngư dân, làm việc trên một tàu đánh cá nhỏ chuyên đánh bắt xa bờ. Mỗi lần bố cùng đoàn đi đánh cá xa bờ cũng phải hơn một tháng mới về nhà. Nghe bố kể, để đến được ngư trường đánh bắt cũng phải mất ba, bốn ngày, vượt qua bao con sóng bạc đầu. Đến đó rồi thì khi đêm xuống, trăng lên tròn và sáng lơ lửng giữa trời, các ngư dân bật đèn sáng choang để hút luồng cá tới. Họ sẽ đánh bắt đến khi thấy có lãi mới trở về.

Hôm bố và các ngư dân khác ra khơi, Thu cũng chạy đến phụ vài việc lặt vặt. Đây là chuyến ra khơi cuối cùng trong năm, ai cũng hi vọng được mẻ cá lớn trang trải dịp Tết. Bác Hiếu trưởng đoàn, dáng người thấp nhưng chắc nịch, nước da rám nắng, luôn miệng cười nói, hẹn ngày hai mươi lăm âm sẽ trở về. Bác nói mùa này gió biển thổi hướng Tây – Bắc nên tàu đi rất khó khăn, nhưng bù lại có nhiều loại hải sản. Bố Thu bế bổng Thu lên, bàn tay chai sạn vỗ vỗ vào đôi vai bé nhỏ của em:

- Con ở nhà ngoan, giúp đỡ mẹ. Bố về sẽ mua quà cho con! Thế Thu của bố thích gì nào?

- Con thích có một cành đào tươi như của cô Ba!

Thu reo lên. Buổi sáng qua em theo mẹ ra chợ, thấy cành đào của cô Ba bán gạo đẹp mê ly. Đó là lần đầu tiên em nhìn thấy một cành đào thật, lại ở khoảng cách gần như vậy. Những loại cây em hay thấy chỉ có dừa và phi lao. Đến tận bây giờ em mới được thấy một cành đào! Chao ôi, một cành đào! Nhiều nhà trong làng chai cũng chẳng có cành đào chơi Tết. Em thích thú lại gần, chỉ định mân mê những cánh hoa mịn màng nhưng lập tức bị cô quát tháo:

- Cái con kia, đi ra chỗ khác! Cành đào tao mua năm trăm ngàn để cho mày sờ à?

Thu sợ quá. Em sợ vì cô Ba mắng, em cũng sợ vì cành đào đắt quá, lỡ có làm hỏng cô Ba bắt đền. Em cũng tủi thân nữa. Vài người đi chợ sớm nhìn em, chỉ trỏ. Em đứng đó sụt sịt, nước mắt lăn dài trên gò má bỏng rát.

Mẹ em vừa mua rau xong, vội vàng kéo em đi. Môi mẹ mím chặt, càng làm hằn lên những vết chân chim khắc khổ trên má. Mớ rau lèo tèo vài cọng, còn lại toàn rễ. Chắc bà Sáu bán rau thương tình bán rẻ cho mẹ em. Thu chực khóc to hơn, đằng sau vẫn nghe tiếng lanh lảnh của cô Ba:

- Gớm, mẹ nó không kéo đi chắc nó còn định ăn vạ trước cửa nhà em đấy! Mới sáng sớm đã phải vạ. Đốt vía ngay không cả ngày lại ế ẩm mất!

Có cành đào, nhà em sẽ rất đẹp. Em sẽ cắm trên cát, trước cửa nhà vì nhà em không có bình. Em sẽ treo lên những vỏ sò, vỏ ốc nhặt trên bãi cát. Em sẽ hãnh diện trước những người đi ngang qua nhà. Em sẽ áp má vào cánh hoa mềm như cánh bướm mà không sợ bị mắng mỏ. Thích ơi là thích! Đứng trước cành đào đẹp đẽ ấy, em thấy mình như một cô công chúa của khu vườn cổ tích. Em sẽ ra dáng một vị công chúa, đi đứng nhẹ nhàng này, xoay vòng uyển chuyển dưới những cánh hoa này,... Nghĩ thôi cũng đã thấy hạnh phúc như trong mơ vậy!

Nhưng em chợt nhận ra, cành đào giá năm trăm ngàn đó có thể lo tiền ăn cho cả tháng. Năm trăm ngàn, món tiền lớn quá! À, năm trăm ngàn còn có thể mua thuốc tốt cho mẹ, để mẹ không ốm bệnh nữa.

Nghĩ vậy, em kéo kéo vai áo màu xanh thủy thủ của bố:

- Thôi bố ạ, bố không mua đào nữa mà mua thuốc cho mẹ bố nhé! Khi bố về, bố vào làng mua cho con chiếc bánh chưng bố nhé, nhỏ thôi cũng được. Năm ngoái nhà mình đã không có bánh chưng rồi, con thèm quá!

Bố em lặng người, đặt em xuống. Thu thấy ánh mắt bố có gì đó xao động, đỏ quạch mà ráo hoảnh. Anh bất ngờ ôm chặt đứa con gái bé bỏng vào lòng:

- Bố sẽ mua cho con! Bố hứa sẽ mua cho con...

Tiếng còi tàu ngân dài trong không gian vắng lặng. Thu còn đứng nhìn theo bóng con tàu đi xa, xa mãi, đến khi chỉ còn thấy những đầu sóng trắng mới quay về. Mẹ đi bán hàng phụ người ta ở chợ, chỉ còn mình em ở nhà. Thu ngồi nghịch cát. Em định làm một chiếc bánh chưng bằng cát. Những viên sỏi này là thịt mỡ, những vốc cát này là nhân đỗ, vỏ ốc nhỏ là gạo. La liệt trên nền cát là chiếc bánh chưng trong tưởng tượng của em. Chơi chán, em lấy que vẽ cành đào. Những nét nguệch ngoạc dần thành hình hoa năm cánh trên nền cát vàng ươm. Cát dính trên tay em mát lạnh.

Một người đàn bà đẫy đà dẫn đứa con gái xúng xính váy áo đi tắt qua khu nhà em để ra chợ. Bà kéo tay cô con gái:

- Đấy, con thấy chưa, không học, ham chơi thì chỉ có đi nghịch bẩn, không có quần áo đẹp diện Tết kia kìa!

Tiếng thở nặng nhọc của mẹ vẫn vang lên đều đều. Hôm nay đã là hai mươi chín Tết mà bố em vẫn chưa về. Em nghe mọi người nói Tết năm nay lạnh vì gió lớn, biển động mạnh. Vài cành phi lao quanh nhà bị gió đánh gãy răng rắc, quét một đường dài trên nền cát. Em lo cho bố quá. Biển động. Con tàu của đoàn ngư dân đã lâu không được sửa chữa, nhiều chỗ bong tróc sơn hết cả. Phần động cơ thì em không biết, nhưng em nghe mấy bác ngư dân nói chuyện với nhau, rằng con tàu này chỉ cần sóng lớn một chút tạt qua là đủ đánh tan, mất cả chì lẫn chài.

Trong nhà Thu không có điện thoại, tivi, hay bất cứ thứ gì để có thể biết được tin tức, tình hình của bố. Em thấp thỏm chờ đợi từ ngày hai lăm Tết đến giờ. Ngày nào em cũng chạy ra bờ biển, trông về phía xa, mong được nhìn thấy dấu hiệu của con tàu nhưng trước mắt em lúc nào cũng chỉ có trời tù mù tối và những đợt sóng trào gầm thét. Thu bắt đầu thấy lo. Ngày Tết đã cận kề, nhà cũng sắp không còn gạo, bệnh tình của mẹ ngày một trở nặng, Thu chẳng biết phải làm gì cho đúng. Em cứ đi đi lại lại, khi thì hỏi han, đắp chăn cho mẹ, khi thì hì hục bên nồi cháo càng ngày càng loãng dần. Em cũng ít ra biển hơn. Em sợ một ngày biển không đưa về những mẻ cá đầy mà ập đến bao tin dữ.

Một đêm nặng nề không ngủ trôi qua. Thu khẽ khàng lách dậy, bước xuống dưới nhà. Mấy chiếc chậu nhôm gần đầy nước, cơn mưa đêm qua lớn thật! Không cần bước ra ngoài, em cũng hình dung ra cảnh tan tác sau cơn mưa. Cái lạnh len lỏi qua những lớp áo cộc mỏng dính, nhưng đó là tất cả những gì em có thể mặc lên người. Hơi cát ẩm ngai ngái, mùi mặn mặn của biển lại dậy lên. Thùng gạo đã cạn đến đáy, chỉ đủ một hai bữa cháo loãng lõng bõng nước. Thu đong một phần nửa bát gạo, còn tiếc nuối bỏ ra một nắm nhỏ, đem đi vo.

Cô bé nhỏ xíu, gầy còm khệ nệ bê chiếc nồi lớn – chiếc nồi duy nhất trong nhà – bên trong chỉ có một ít gạo, còn lại đầy nước, vừa đi vừa tránh những chậu nước mưa dột. Vừa đến góc nhà, chỗ để chiếc bếp ga du lịch cũ mèm, em nghe tiếng gọi thất thanh của mấy cô trong làng, lanh lảnh nhất là giọng cô Ba:

- Chị Liên, chị Liên ơi, chị ra xem có phải anh nhà không?

Thu đánh rơi chiếc nồi xuống đất thành một tiếng động lớn chói tai, gạo và nước văng tung tóe. Mẹ em trên giường nhổm dậy, vội vàng bước chân xuống giường, lần tìm đôi dép đã mòn đế. Chị kéo Thu, Thu kéo chị, hai mẹ con líu ríu chạy ra ngoài cửa.

Đám đông xôn xao ngoài bãi cát. Cô Ba cuống quít:

- Tàu của chú Hùng bị sóng đánh tan tành, cứu hộ đưa một xác về kia kìa! Không nhận diện được mặt, nhưng dáng dấp giống anh nhà lắm!

Chị Liên ngã vật xuống cát. Gió ù ù thổi qua rặng phi lao. Trời bắt đầu tối sầm. Lại sắp có một cơn mưa nữa đổ xuống. Các cô bác xúm xít lại, người cạo gió, người lay, người gọi,... nhưng chị đã bất tỉnh. Thu mếu máo gọi mẹ, tiếng em bé xíu bị gió cuốn đi mất. Có cô nhà có xe máy, đưa chị lên trạm xá huyện.

Thu muốn đi theo mẹ nhưng không có xe. Em chẳng biết mình phải làm gì, cứ đứng gào khóc, gọi tên bố, tên mẹ. Em sợ quá! Sợ bệnh tình mẹ quá nặng, sợ bố em bỏ em đi... Một đứa trẻ mới bảy tuổi cùng một lúc hứng chịu bao tin dữ. Nước mắt em tuôn như suối, gió thổi qua lạnh đến tái tê. Cô bé gầy còm liêu xiêu như sắp ngã, gào khóc đến lạc cả giọng, mặt mũi tím tái vì lạnh.

Cô Ba lườm em, quát:

- Mày khóc cái gì? Đi xem có phải bố mày không!

Bà Sáu bán rau thương em, ôm em vào lòng, mắng cô Ba:

- Cháu nó còn nhỏ, cô nói gì mà ghê gớm thế! Vừa nãy nhờ cái miệng của cô mà cô Liên hoảng quá ngất xỉu rồi đấy!

Cô Ba bĩu môi. Những người còn lại kéo nhau ra đầu bãi cát, nơi có xuồng cứu hộ. Bà Sáu nắm tay Thu dắt đi, em vừa đi vừa nức nở khóc. Mọi người nhìn em, lắc đầu, có người thương cảm, có người lạnh lùng. Đi biển là nghề bạc bẽo, nay sống mai chết chẳng biết đường nào mà lần. Nhiều người phất lên nhờ biển, lắm gia đình tan tác cũng vì nó.

Bà Sáu dắt em đến chỗ các chú cứu hộ. Các chú lúc đầu không đồng ý để em nhận diện vì em còn nhỏ quá, nhưng do không còn người thân nào khác, họ đành đưa em đến chỗ lều dựng tạm trên bở biển. Một chú mở cửa lều, một chú bế em. Bên trong có tấm vải trắng phủ lên một dáng người.

Thu khóc thét! Người nằm im lặng vô hồn dưới tấm vải kia mà là bố em sao? Chẳng hề giống với người đàn ông khỏe mạnh ăn sóng nói gió, vui vẻ xởi lởi ngày thường. Chú cứu hộ vội vàng bế em ra. Chú lẩm bẩm: "Biết ngay mà, đã bảo rồi, trẻ con làm sao mà dám nhìn!". Em càng khóc dữ. Bà Sáu chạy lại đỡ lấy em. Em la lên những câu không đâu vào đâu:

- Con không đói đâu, con không thèm bánh chưng đâu! Con cũng không cần hoa đào đâu! Hoa đào xấu lắm! Con cần bố cơ, mẹ cơ. Huhuhu...

Mọi người im lặng nhìn nhau. Cô Ba rơm rớm nước mắt. Thu tuột khỏi người bà Sáu, cứ cào cát mà khóc. Người em dính đầy cát và rác bẩn. Biển vẫn động ì ùng đằng xa. Nơi cội nguồn của những đầu sóng trắng kia có từng mảnh vỡ của con tàu là nguồn sồng của gia đình em, là ước mơ nhỏ bé của em. Biển đã chôn vùi tất cả, cuốn phăng đi tất cả. Biển đem cả dịp Tết đoàn viên đi mất rồi!

Tiếng chuông điện thoại vang lên từng hồi dài giục giã. Chú cứu hộ đang đứng ngây người vội vã đi đến chỗ tĩnh lặng nhất để bắt máy. Một lát sau, chú chạy lại, vội vã hơn cả lúc đi.

- Thu cháu ơi! Bố cháu còn sống! Bố cháu đang ở trên tàu cứu hộ II. Bố cháu đang trở về!

Rồi chú nhấc bổng Thu lên, xoay một vòng. Chú cười đến độ có những giọt nước ứa ra trên khóe mắt. Mọi người thở phào nhẹ nhõm, ùa đến ôm lấy cô bé gầy gò vào lòng để san sẻ. Thu vẫn chưa nín khóc. Em khóc đến rạc người đi, chỉ còn phát ra những âm thanh nhỏ xíu gần với tiếng mèo con. Nhưng trong đáy mắt em đã ánh lên những tia lấp lánh. Bố em đã về! Bố em đã về! Em muốn hét lên thật to cho mọi người biết. Không sao cả rồi, bố em đã về!

Thu ngồi bên giường bệnh trắng xóa, líu lo hát cho bố nghe. Bố em chỉ bị gãy chân do va vào một mảnh tàu vỡ, may mắn đã được cứu hộ phát hiện ngay sau đó. Cả mẻ cá trả lại với biển, tay trắng lại hoàn tay trắng. Nhưng còn giữ được tính mạng, thế là mừng rồi. Mẹ em cũng qua cơn nguy kịch, vẫn đang được chăm sóc tại trạm xá nhưng đã khá hơn rất nhiều.

- Bố ơi! Từ nay bố đừng ra biển nữa, con sợ lắm! – Thu đột ngột lên tiếng. Em ôm tay bố, sợ bố lại một lần nữa gần như biến mất.

Bố em lặng người. Một vết thương từ đâu đó trên cơ thể lại nhói lên. Có lẽ không phải từ khớp xương chưa lành, cũng chẳng phải vài vệt trầy xước. Vết thương ở tận sâu trong tim, mang hình hài một cô gái bé bỏng.

Cái nghèo đã cướp đi của cô bé rất nhiều thứ. Ước mơ được học hành, ước mơ được có một ngôi nhà đúng nghĩa,... có lẽ vẫn chỉ là một giấc mơ xa xôi.

Anh đã nghĩ, rồi anh sẽ kiếm một công việc làm thêm trên bờ. Tuy khó khăn, tuy vất vả, thu nhập chẳng là bao,... nhưng anh vẫn sẽ cố gắng. Anh không muốn để cái nghèo cướp đi của con gái anh bất cứ thứ gì nữa, nhất là khi đó lại là một người bố. Cô bé mới có bảy tuổi, cái tuổi ăn, tuổi chơi, không phải tuổi để chịu những sóng gió của cuộc đời.

Mỉm cười với con gái, những dấu vết của thời gian hằn lên đôi gò má đen sạm của người đàn ông làng chài dãi nắng dầm sương. Anh chợt thấy trên chiếc tủ đứng nhỏ cạnh giường bệnh, rực rỡ những bông hoa đào nở xòe như những vạt nắng hồng nhẹ nhàng đậu lại. Cành đào của cô Ba! Cô Ba sáng sớm nay có ghé qua, đem theo cả cành đào đẹp đẽ tặng bố con anh.

Các chú trong đội cứu hộ cũng tới, đem đến hai chiếc bánh chưng lớn, thoảng mùi thơm mộc mạc, dân dã mà bình yên.

Tết đã theo ngọn gió dài vượt biển, thổi ùa đến lay động những căn nhà còn đắm mình trong cái rét. Trời vẫn còn u ám, biển vẫn động, lòng người còn ngổn ngang, nhưng mùa xuân đã chạm ngõ.

Nhìn đứa con gái thích thú với những niềm vui bé nhỏ, anh chợt nghĩ: "Dường như nơi cội nguồn của sóng không chỉ có bão gió mà còn có cả tình người.".


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro