nói dối: đáng ghét và đáng yêu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cuộc sống luôn tồn tại nghịch lý tốt và xấu. Dù dân gian đúc kết "Thật thà là cha dối trá" song không phải lúc nào và ai cũng cần và muốn nghe lời nói thật. Dẫu thế, con người vẫn mải miết kiếm tìm sự thật và mong muốn nói dối không thuộc về mình. Vì sao có thực tế này?

- Trong con mắt của nhà tâm lý, nói dối được hiểu thế nào? Khi nào nói dối xuất hiện?

Theo tôi, nói dối là hành vi cố tình cung cấp thông tin sai sự thật về vấn đề nào đó để người nói dối đạt được mục đích mà họ mong muốn - thường là không chính đáng. Người nói dối luôn tạo môi trường giống như thật, tạo mọi cử chỉ, hành động để đối tượng tin vào những gì họ đang nói. Còn với người bị nói dối thì họ thường để lộ những cảm xúc tiêu cực, không ít người nhận thấy mình bị đem ra làm trò đùa. Trong trường hợp họ bị nói dối mà không phát hiện ra thực tế phũ phàng, thì họ rất quan tâm đến hậu quả của sự nói dối sẽ xảy ra ra sao. Vậy là khi người thông tin mong muốn người khác hiểu lệch lạc về một vấn đề, sự kiện, hoặc mong muốn đạt được điều gì đó (thường là quyền lợi vật chất, vị trí công tác, biện minh cho việc làm xấu cho của mình, cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh...) nhờ thông tin sai sự thật, bịa chuyện thì nói dối xuất hiện. Người nói dối nhiều lần, không quan tâm hoặc bất chấp hậu quả xấu có thể xảy ra cho nhiều người khác thì thường được gọi là trí trá. Xã hội, cộng đồng thường tỏ ý khinh ghét, xa lánh những người nói dối kiểu này.

- Nhưng trong đời thường vẫn không thiếu những lời nói dối vui vẻ, đáng yêu, không gây hại cho người nghe. "Phán xét" ra sao với lời nói dối kiểu này, thưa chị?

Nói dối vui vẻ đáng yêu. Kiểu nói dối đó xuất hiện nhiều trong ngày Cá tháng Tư. Ngay trong ngày mồng 1 tháng 4 ở Việt nam, tất cả mọi người đều được quyền nói dối thỏa thuê. Người nói dối mà "lừa" được nhiều người tin vào điều mình đang thông tin sai sự thật thì xem như đã gặt hái được "danh hiệu" người khôi hài. Người có khả năng hài hước có thể gặt hái được nhiều thành công trong công việc, cuộc sống, đặc biệt là giữ hạnh phúc. Những lời nói dối với mục đích để mọi người xả stress, vui vẻ để tiếp tục làm việc... là cần thiết. Có lẽ chính vì thế mà ngay trong ngày thường, những lời nói dối kiểu này vẫn phát huy tác dụng. Tôi từng tư vấn cho một chiến sĩ cảnh sát, anh phải nói dối trong tình huống khá gay cấn và trớ trêu.

Người chiến sĩ này trong khi làm nhiệm vụ đã bị nhiễm HIV. Anh ấy đã nói dối mẹ trong rất nhiều năm về căn bệnh thế kỷ mình mắc phải. Thậm chí, anh còn phải nhờ bác sĩ ngụy tạo hồ sơ về một căn bệnh khác chỉ mong sao mẹ mình yên tâm, không thúc giục người con trai duy nhất lấy vợ nữa. Anh day dứt, còn chúng tôi trong lòng rất ủng hộ. Tôi phân tích thực tế này để bạn hiểu rằng, phải can đảm lắm mới nói dối được như thế và không nên nói ra sự thật gây tổn thương cho người khác. Nói dối không gây hại, chỉ mang lại niềm vui cho người khác, trong khi nếu nói sự thật sẽ gây buồn đau thì tại sao lại phải nói thật.

- Theo chị, phái mạnh hay phái yếu nói dối nhiều hơn, vì sao như vậy?

Chưa có con số thống kê hay điều tra cụ thể về thực tế. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nam giới nói dối nhiều hơn phái nữ, người có tuổi càng cao nói dối có cân nhắc hơn. Nam giới nói dối nhiều hơn có lẽ do đặc tính của họ phải như thế. Dân gian có câu "Là trai cứ nước hai mà nói", trong khi đó, họ lại bang giao nhiều và có nhiều cơ hội để thể hiện. Cứ nói nước đôi mãi thì họ phải nói dối nhiều hơn, đặc biệt là nói dối để chiều lòng phái đẹp. Với phái nữ, có chăng họ nói dối cũng chỉ là để làm đẹp, làm vừa lòng cho người khác mà thôi.

Trong gia đình, bố, mẹ, người lớn thường thống nhất ý kiến là không nên nói dối, nhất là với con trẻ. Phải chăng nói dối là "vùng cấm", còn với các thành viên khác, nói dối mà giữ được hạnh phúc thì cần được xem là hành vi đáng yêu.

- Nói dối không có "vùng cấm", sao con người vẫn yêu thích và mải miết đi tìm sự thật thà, ngay thẳng?

Trung thực vốn là bản chất của con người, đức tính tốt đẹp đó cũng là cái đích mà con người hướng đến. Xã hội phong phú và phức tạp, quá trình sống buộc con người phải nói dối, dù đó là nói dối đáng yêu hay nói dối để đạt mục tiêu không mong muốn. Dù đổi thay thế nào thì ai cũng phải thừa nhận: thật thà, ngay thẳng là những giá trị đáng quý và vì thế nên số đông trong chúng ta mới mải miết đi tìm, giữ gìn nó. Hạn chế nói dối được càng nhiều đường đến tương lai tốt đẹp, hạnh phúc bền lâu càng rộng mở.

- Xin cảm ơn chị.

Cá tháng tư "bơi" vào Việt Nam khi nào?

Người ta cho rằng, quê hương của cá tháng tư là ở nước Pháp. Ngày cá tháng tư được "khai sinh" từ thế kỷ 16. Theo cách giải thích này, vào thời kỳ đó, năm mới ở Pháp được tổ chức từ ngày 25/3 đến ¼. Đến năm 1562, công lịch mới được giáo hoàng Gregory đưa ra với ngày đầu tiên của năm mới là 1/1 và 2 năm sau công lịch này được hoàng đế Henry IX thông qua. Tuy nhiên, có một số người không biết lịch mới mà vẫn tiếp tục tổ chức đón mừng tất niên vào ngày ¼. Những người này bị bạn bè trêu đùa bằng cách gửi những món quà nghịch ngợm, nói dối họ và thuyết phục họ tin vào những chuyện đó. Những người bị lừa trở thành "April fool" (Kẻ ngốc tháng 4 - Cá tháng tư). Ở Việt Nam, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, ngày cá tháng tư đã được chấp nhận và nhanh chóng trở thành cơ hội để mọi người cùng chia sẻ các bất ngờ thú vị.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#tinh#yeu