nổi hổ thẹn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sau đây là 3 điều bạn cần biết trước tiên về nỗi hổ thẹn:

Ai cũng mang trong lòng cảm xúc đó. Hổ thẹn có mặt trên khắp toàn cầu và là một cảm xúc nguyên thủy nhất mà con người cảm nhận. Những ai không biết hổ thẹn sẽ thiếu khả năng thông cảm và gắn kết với người khác.Chúng ta đều sợ đề cập đến nỗi hổ thẹn.Càng tránh nói về nỗi hổ thẹn, nó càng trỗi dậy mạnh mẽ và chi phối đời ta.

Hổ thẹn là cảm giác đau đớn cùng cực hoặc trải qua niềm tin rằng chúng ta đầy khiếm khuyết nên không đáng được yêu thương và đón nhận.

Hổ thẹn khiến ta không cảm thấy mình xứng đáng vì nó làm ta tin rằng nếu mở lòng chia sẻ về bản thân, người khác sẽ xem thường ta. Hổ thẹn chính là sợ hãi. Chúng ta sợ người khác không thích mình nếu họ biết sự thật ta là ai, ta từ đâu đến, ta tin vào điều gì, ta từng trải qua cuộc sống khó khăn ra sao hoặc, tin hay không tùy bạn, ta đã tỏa sáng như thế nào (đôi khi sở hữu điểm mạnh cũng vất vả không thua gì đối mặt với khó khăn).

Người ta thường nghĩ chỉ những ai từng trải qua tổn thương tinh thần sâu sắc mới cảm nhận được nỗi hổ thẹn, nhưng thật ra không phải thế. Ai cũng cảm thấy hổ thẹn trong đời. Mặc dù có vẻ như hổ thẹn ẩn nấp trong những góc tối tâm hồn, nhưng trên thực tế, nó len lỏi vào khắp mọi nơi quen thuộc của ta, bao gồm ngoại hình và hình ảnh cá nhân, gia đình, vai trò làm cha mẹ, tiền tài và công việc, sức khỏe, nghiện ngập, tình dục, tuổi già và tôn giáo. Có hổ thẹn thì mới là người.

Chúng ta ai cũng cảm thấy việc thừa nhận những khó khăn trở ngại mà mình đang vấp phải không dễ dàng gì, và nếu ta cố tỏ ra mọi thứ "đều ổn" ở bên ngoài thì khi phải nói ra sự thật, cái giá phải trả sẽ rất đắt. Đó cũng là lý do nỗi hổ thẹn rất thích những người cầu toàn – bởi để bắt họ ngậm miệng rất dễ.

Ngoài nỗi sợ khiến người khác thất vọng hoặc xa lánh, ta còn sợ nếu nhắc lại những chuyện buồn trong quá khứ thì trải nghiệm đó sẽ đổ ập lên ta. Một nỗi sợ có thật rằng ta có thể bị chôn vùi hoặc bị người khác đánh giá bởi một trải nghiệm tồi tệ mà trên thực tế, nó chỉ phản ánh một phần rất nhỏ trong con người ta mà thôi.

Nếu hổ thẹn là nỗi sợ có mặt khắp mọi nơi về việc mình không đáng được yêu thương và đón nhận, và nếu con người sinh ra với nhu cầu được yêu thương, được chào đón, thì ta dễ dàng hiểu được lý do vì sao hổ thẹn thường được xem là thứ cảm xúc "mãnh liệt nhất". Chúng ta không nhất thiết phải cảm nhận nỗi hổ thẹn mới bị nó làm cho tê liệt – nỗi sợ bị mọi người xung quanh đánh giá là không có giá trị cũng đủ để ta lặng im không dám mở lòng.

Và nếu tất thảy đều biết hổ thẹn thì tin tốt lành là ai cũng có thể học cách chế ngự nỗi hổ thẹn, trong đó bao gồm khả năng nhận thức được nó, vượt qua nó một cách hiệu quả đồng thời vẫn giữ được giá trị và con người thật của mình. Việc đầu tiên ta cần hiểu về chế ngự nỗi hổ thẹn là càng tránh đề cập đến nó, ta càng thấy hổ thẹn nhiều hơn.

Hổ thẹn cần 3 yếu tố để bành trướng và thao túng cuộc đời ta: bí mật, im lặng và phán xét. Khi có điều gì đó đáng xấu hổ xảy ra và ta giữ nó trong lòng, nó sẽ ủ bệnh rồi phát bệnh. Nó nuốt lấy ta. Ta cần phải chia sẻ trải nghiệm của mình. Con người gây ra nỗi hổ thẹn cho nhau, nhưng cũng chính con người xóa bỏ cho nhau cảm giác tiêu cực đó. Nếu ta có thể tìm được một người đủ tin cậy ngồi nghe ta giãi bày, thì ta cần trải lòng mình. Khi được nói ra thì mức độ tàn phá của nỗi hổ thẹn sẽ giảm sút.

Sau một thập kỷ miệt mài nghiên cứu, tôi phát hiện ra nam giới và nữ giới nào có khả năng chế ngự nỗi hổ thẹn tốt đều có 4 điểm chung sau:

Họ hiểu về nỗi hổ thẹn và biết rõ thông điệp nào, kỳ vọng nào khơi dậy cảm xúc đó trong họ.Họ luyện tập khả năng nhận thức then chốt này bằng cách xem xét mức độ xác thực của những thông điệp và kỳ vọng ám chỉ việc không hoàn hảo tức là không đủ khả năng.Họ tìm đến người khác, chia sẻ câu chuyện của họ với những người mà họ tin tưởng.Họ nói về nỗi hổ thẹn – họ dùng chính từ hổ thẹn, họ bày tỏ cảm xúc và đề nghị được giúp đỡ.

Tôi muốn chia sẻ với bạn một trong những câu chuyện rèn luyện khả năng chế ngự nỗi hổ thẹn của chính tôi. Nhưng trước khi kể, tôi muốn giải quyết 2 câu hỏi thường gặp nhất về nỗi hổ thẹn. Tôi nghĩ nó sẽ giúp bạn hiểu và cảm nhận rõ hơn về chủ đề khó nuốt này.

Đâu là sự khác biệt giữa hổ thẹn và cảm giác tội lỗi? Phần đông các nhà nghiên cứu và điều trị về nỗi hổ thẹn đều đồng ý rằng điểm khác biệt giữa cảm giác hổ thẹn và tội lỗi chính là sự khác nhau giữa "tôi thật tồi tệ" và "tôi đã làm một điều tồi tệ."

Tội lỗi = Tôi đã làm một điều tồi tệ.

Hổ thẹn = Tôi thật tồi tệ.

Hổ thẹn hướng về bản thân, trong khi tội lỗi hướng về những hành vi của bản thân. Ta cảm thấy tội lỗi khi ta không hài lòng về một việc mình đã làm hoặc không làm. Đó là một cảm giác khó chịu nhưng hữu ích. Khi ta nhận lỗi cho điều mình làm sai, sửa lỗi, hoặc thay đổi một hành vi, thì thường cảm giác tội lỗi là động lực thúc đẩy. Cảm giác tội lỗi cũng mạnh mẽ không thua gì hổ thẹn, nhưng hiệu ứng của nó thì thường tích cực trong khi hổ thẹn đa phần tiêu cực. Thật ra, trong quá trình nghiên cứu, tôi khám phá thấy chính nỗi hổ thẹn gặm mòn cái phần trong ta tin rằng mình có thể thay đổi và làm tốt hơn.

Chẳng phải nỗi hổ thẹn giữ cho ta không làm điều xấu ư? Cũng giống như nhiều chuyên gia khác, tôi đi đến kết luận rằng hổ thẹn có nhiều khả năng dẫn đến những hành vi phá hoại và gây tổn thương hơn là mang lại giải pháp. Một lần nữa, đó là vì bản chất con người muốn cảm thấy mình xứng đáng được yêu thương và đón nhận. Khi ta hổ thẹn, ta trở nên lạc lõng và cần được cảm thấy mình có giá trị. Cảm giác hổ thẹn ê chề, hay nỗi sợ sự hổ thẹn thường gắn liền với những hành vi tự hủy hoại bản thân, rồi quay sang tấn công hoặc làm nhục người khác. Trên thực tế, hổ thẹn có liên quan mật thiết đến bạo lực, gây hấn, trầm cảm, nghiện ngập, rối loạn ăn uống và hiếp đáp người khác.

Đứa trẻ nào hay tự nhủ những câu thể hiện nỗi hổ thẹn (Mình không ngoan) hơn là những câu thể hiện cảm giác tội lỗi (Mình đã làm một việc không tốt) thường gặp vấn đề trong việc nhận thức giá trị bản thân và căm ghét chính mình. Nếu cha mẹ dùng nỗi hổ thẹn để dạy dỗ con cái, bọn trẻ sẽ cảm thấy mình không xứng đáng được yêu thương.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro