Chương 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tiếng động cơ xe bất thình lình chen ngang khoảng không gian lặng lẽ rồi dần lăn bánh. Người đàn ông từ ghế lái nghiêng đầu nhìn về sau, nhận ra ánh mắt chàng thanh niên trẻ vẫn còn quyến luyến nhìn theo bóng một ai đó gần như đã khuất hẳn sau những hàng phượng vĩ.

Ông mỉm cười, những nếp nhăn xô đẩy trên vầng trán. Hai mười năm quen biết bà Lý, mười bảy năm chứng kiến cậu Thế Nam nhà này từ đứa trẻ đỏ hỏn dần lớn khôn, cùng họ đi qua biết bao thăng trầm biến đổi, có những lúc ông nghĩ rằng mình đã hiểu cậu nhiều đến nỗi chỉ qua một hơi thở thật nhẹ nhàng, ông cảm nhận được hôm nay cậu đang vui hay buồn.

"Chú Tào."

"Sao vậy cậu ba?"

Vốn dĩ ông định hỏi thăm Thế Nam vài câu, nhưng không ngờ cậu lại là người chủ động lên tiếng trước. Bình thường những lúc trên xe, Nam không hay bắt chuyện cùng ông. Không phải vì giữa hai người có khoảng cách thứ bậc xã hội, mà chỉ vì cậu vốn khá kiệm lời mà thôi.

"Hôm nay hình như có người mới đến làm hả chú?"

Câu hỏi không nằm ngoài dự đoán, ông nhướng mày, tự khâm phục khả năng nắm bắt nhạy bén của mình rồi gật gù kể với Thế Nam bằng ngữ điệu pha nét tươi vui.

"Đúng rồi cậu. Cái ông Tư Hậu đương yên đương lành thì đòi nghỉ, nghe đâu chán Sài Gòn rồi, đòi về miệt vườn trồng vạn thọ. Mấy tuần trời ngày nào bà cũng than thở với tôi là chả biết tìm đâu ra người thế chỗ ổng. Có đàn ông thì vẫn tốt hơn. Trong tiệm giờ chỉ còn lại cô Hai Trân, bà Năm Thì, với vài đứa nhóc mới lớn phụ việc. Tội nhất là cô Hai Trân, nhồi bột làm bánh riết rồi ta nói hai bắp tay đeo theo hai con chuột bự như là võ sĩ đấu vật mà còn không đủ chỉ tiêu bà đưa ra nữa là."

Lời kể hóm hỉnh của ông khiến Nam phì cười. Chuyện buôn bán xưa giờ bà Lý không cho Nam động móng tay, nhưng chắc cậu thừa biết hiệu bánh Âu của mẹ đang gặp thời, nổi danh khắp xứ Nam Kỳ, ba bốn chi nhánh ngày nào cũng người ra kẻ vào tấp nập. Mới tuần trước, bà vừa nhờ người đánh tiếng với chính quyền xin được cấp phép mở thêm cửa hàng nữa bên Catinat, tham vọng đặt chân trên đại lộ chỉ tập trung toàn giới thượng lưu.

"Người có tay nghề làm bánh Âu ở Sài Gòn không nhiều, hơn nữa, tiêu chuẩn làm việc cho Le Pain D'amor cũng phải cao hơn những cửa hiệu khác, thế nên từ hồi bà treo biển tuyển thợ, cũng có vài người đến xin việc rồi đó chứ, nhưng chẳng ai vừa ý bà."

Ông chép miệng, để hờ một khoảng lặng không vì mục đích nào cả, hoặc muốn đếm xem có bao nhiêu hạt nắng vàng tháng tư đang lướt ngang qua gương mặt cậu trai. Chớp mắt một cái Thế Nam đã là chàng thành niên dỏm dáng nhất nhì Sài Thành. Càng lớn cậu càng giống mẹ, nhất là đôi mắt, đẹp và buồn.

"Cũng may mới hôm trước có một thằng nhỏ trông còn non choẹt đến ghi danh xin việc. Hồi mới nhìn nó, bà còn nghi ngờ lắm, người thì nhỏ thó thì biết làm ăn ra sao, định từ chối rồi. Nhưng mà chẳng rõ nó thương thảo thế nào, mấy giờ đồng hồ sau thì bà cũng ưng để nó vào làm."

Những ngón tay Nam vô thức động đậy, lướt qua bề mặt vải bộ phục trang Âu hoá đắt tiền đang mặc trên người. Cảm giác mềm mại và ấm nồng ấy khiến cậu liên tưởng đến một khoảnh khắc nào đó vào một năm trước vô tình bàn tay mình chạm phải tay người kia khi cả hai cùng đồng thời muốn lấy quyển Pride and Prejudice của Jane Austen duy nhất còn lại trên giá sách thư viện.

"Mà cái thằng nhỏ này nghe đâu trạc tuổi cậu, nom thế mà cũng khoẻ phết, từ ngày có nó, Hai Trân khoẻ hẳn ra, cũng cười nói nhiều hơn vì có người đỡ đần mọi việc. Nó... nó tên là gì nhỉ... Ừm..."

Ông vừa cho xe rẽ trái, vừa lục trong trí nhớ bắt đầu già nua một cái tên đã lẫn lộn sau những bộn bề.

"Minh." Nam đột ngột đáp, trả lại ông Tào một cơn bất ngờ không thể che đậy. "Gia Minh."

"Cậu quen thằng nhỏ đó hả cậu?"

"Dạ..." Nam rõ ràng hơi ngượng, nhưng vẫn lễ phép trả lời ông. Bà Lý là người tử tế, tay trắng làm nên sự nghiệp từ cơn bần cùng, thành ra cách dạy con của bà cũng khác với những kẻ ăn trên ngồi trước khác trong xã hội thời này.

"Nói đúng thì cũng không phải là quen, con chỉ hay gặp cậu ấy mỗi khi đến thư viện mượn thêm sách. Ngoài cái tên, con cũng chẳng biết thêm gì về cậu ấy nữa."

Cậu nói gần như dửng dưng, nhưng không qua mặt được ông Tào. Giá mà cậu nhìn thấy được dáng vẻ của mình hiện giờ, và cả những tia hạnh phúc đang sáng bừng trên gương mặt cậu khi nói về thằng nhóc nọ.

Thế Nam chưa bao giờ là người giỏi che giấu cảm xúc, thế giới của cậu đơn giản và dường như nhỏ bé tới mức ngoài mẹ và những người thân cận, cậu chưa từng được phép bước ra khỏi vòng an toàn mà mẹ thiết lập nên. Cậu cũng chẳng phải con cầu con khẩn, nhưng sinh mạng Nam hôm nay được đánh đổi từ một bi kịch trong quá khứ mà bà Lý không bao giờ muốn lặp lại. Đó là lý do bà xem Nam là tất cả: tương lai, ước vọng, và gần như muốn cậu suốt đời phải sống theo sự sắp đặt của mình.

Trong một giây, ông chợt nghĩ, chẳng biết rồi đây điều này sẽ là phúc hay hoạ.

"Bây giờ tôi đưa cậu thẳng đến trường, hay là cậu có muốn ghé lại đâu không?"

"Thưa không." Nam đằng hắng một tiếng, "Nhờ chú Tào đừng thưa chuyện này lại với má con. Chú biết tính má con rồi, chuyện gì cũng hay lo xa,..."

"Đương nhiên rồi cậu."

Ông cảm thông, vừa là cho cậu, vừa là cho bà. Người phụ nữ ấy đã vất vả một đời, sự nghiệp cố công gầy dựng cũng chỉ vì một mục đích duy nhất là mang đến cho con mình cuộc sống đủ đầy. Nhưng cuộc sống đủ đầy trong lý tưởng của bà lại là một vùng đất cằn khô, nỗi tổn thương đã dày đến mức khiến bà quên đi hình hài hạnh phúc trọn vẹn. Nam như một tấm bánh hoàn hảo mà bà Lý ngày ngày nhào nặn. Và cũng phải như bà, cho đến khi được mẹ đích thân lựa chọn, Nam không được phép rung động với bất kỳ ai.

Khi người Pháp đặt chân đến Việt Nam, ngoài chế độ thực dân cùng chính sách cai trị đầy khắt nghiệt, họ đồng thời cũng mang theo cả những nét văn hoá ẩm thực nguyên bản từ mẫu quốc. Các loại bánh làm từ lúa mì chính là một trong những thứ như thế.

Le Pain D'Amour là hàng bánh Âu chỉ mới xuất hiện khoảng mười lăm năm đổ lại, từ một lò bánh mì gạch khiêm tốn, chớp mắt đã trở thành một trong những niềm tự hào bậc nhất của người đất Sài Gòn. Sở dĩ nó nổi tiếng đến vậy, không hẳn chỉ vì từng chiếc bánh làm ra đều vừa ý những thực khách khó tính nhất, mà còn vô tiền khoáng hậu, có một thương hiệu hoàn toàn được cầm cân nảy mực bởi một người đàn bà Việt Nam, nhỏ bé, cô độc giữa thời loạn li, cả chính trị lẫn kinh tế đều bị chi phối bởi chính quyền Pháp cùng cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn.

Đến thập niên 20 thế kỷ 20, Sài thành diện tích vẫn còn rất nhỏ, nên nếu so ra, quy mô của cửa tiệm Le Pain D'Amour đã là hiếm có khó tìm. Đối tượng khách hàng của nơi này ban đầu đa phần vẫn là người Pháp, mãi đến những năm về sau, dân bản xứ mới dần quen với loại thực phẩm vốn chỉ dành cho tư bản Tây dương. Những chiếc bánh mì nhỏ hay tiếng Pháp gọi là petit pain theo đó cũng xuất hiện nhiều hơn trên đường phố, bổ sung vào danh sách những món quà sáng tiện lợi cho người bình dân Việt.

Đó là tất cả những gì Minh biết về nơi này, như một thủ tục không thể thiếu, bất cứ người chủ nào cũng mong muốn có thể tìm được những nhân công biết tự hào về nơi mình đang làm việc, và phải tuyệt đối trung thành.

Cần trung thành là vì trong lĩnh vực ẩm thực, ngoài đầu vào nguyên vật liệu cùng tay nghề thợ thầy, thành bại phần lớn chính là nằm ở công thức bí truyền. Lý do Minh được nhận, suy cho cùng cũng bởi dáng vẻ vô hại cùng đôi mắt lấp lánh này, như thể một người chưa từng biết nói dối bao giờ.

Đã là ngày thứ tư Minh bắt đầu công việc ở Le Pain D'Amour, một cái tên Tây nghe thật vui tai. Cửa hiệu cậu làm cũng là lò chính, số lượng bánh phân bổ ra ba chi nhánh khác đều xuất phát từ nơi này. Thoáng qua cũng biết khối lượng việc mỗi ngày phải làm khổng lồ đến mức nào. Đầu tắt mặt tối từ sáng sớm đến tận khuya, có khi còn chẳng có thừa chút thời gian rảnh để ngơi tay.

Nhưng bù lại thù lao hứa hẹn trả cho cậu không ít, trong điều khoản giao ước ban đầu, bà chủ còn bảo đảm chu toàn nơi ăn chốn ở. So với vất vả, thì hiện cậu cần tiền, cần một nơi chốn để dừng chân hơn.

Quần quật khi gà còn chưa gáy canh tư, lúc công việc tạm thời đi vào ngăn nắp, mặt trời đã kịp lên cao trên đỉnh ngọn cây. Mẻ bánh mới thơm nức vừa ra lò, nào là sừng trâu, pâté chaud, sandwich, hạnh nhân, champagne, bông lan, bánh mì,... Giờ trong tiệm hết thảy có hơn chục người, lần lượt mỗi người một khâu, sắp xếp ngăn ngắp từng chiếc bánh xinh xinh trên những gian hàng gỗ mộc. Suốt bao năm qua ngày này nối tiếp ngày kia, như thế mà đã thành thông lệ.

Người thời này có thói quen dậy từ rất sớm, hàng ăn hàng uống cũng buộc phải thức giấc theo họ. Tiếng rao, chen chúc trong tiếng vó ngựa xe thổ mộ lộc cộc, xe kéo, vài chiếc Model T Ford hiếm hoi của giới thượng lưu thong thả lăn bánh trên đường phố, tạo nên một bản hợp âm độc đáo, vừa bình dị, lại vừa thanh lịch rất đỗi Sài Gòn.

Đương hồi nghĩ ngợi mông lung, Minh bị tiếng nhỏ Nhàn từ ngoài gọi với vào làm cho giật mình. Cậu ngẩng lên đưa mắt nhìn nó. Con nhỏ tầm đôi tám, nước da bánh mật cùng chiếc răng khểnh rất duyên. Nhàn không nhuộm răng đen hay chít khăn thâm, tóc buông dài cột trễ, ăn mặc tân thời. Vì khá xinh xắn nên được bà chủ giao nhiệm vụ đứng quầy bán hàng và tiếp chuyện mỗi khi khách đến.

"Anh Minh, nếu anh không bận thì ra giúp em một tay."

"Sao vậy?"

Hưng nhìn quanh, có đôi phút nghỉ tay nên mọi người đã tản mát đi đâu hết, lò bánh chỉ còn một mình cậu. Bên trong này vừa nóng vừa phủ đầy bột mì, Nhàn không hay đặt chân đến, nếu không phải là những lúc tối cần.

"Ngoài kia có ông quan Tây, bảo là đến mua bánh mà cứ động tay động chân với em..."

Nhàn vừa dứt lời, Minh đã tức tốc rời khỏi vị trí đứng, nối bước đi ra phía ngoài, nhìn rõ hơn cô gái nhỏ đang lo lo lắng lắng vò nát đôi vạt áo.

"Ông ta có làm gì quá đáng với em không? Em có làm sao không?"

Cậu sốt ruột hỏi, cũng chẳng phải lần đầu gặp phải chuyện chướng tai gai mắt, nhưng mỗi lúc như thế, bụng dạ Hưng đều cồn cào như có kiến bò.

"Em không sao, anh chỉ cần giúp em đuổi khéo ổng đi thôi. Mấy ngày liên tiếp rồi, ổng cứ cố tình làm phiền em."

"Anh biết rồi. Em ở yên trong này, để anh ra tiếp ổng."

"Một mình anh được không ạ?"

"Được."

Ra đến nơi, chỉ mất vài giây để Minh nhận ra gã đàn ông Tây dương mà Nhàn nhắc đến, lướt qua cách ăn mặc, ắt phải là người có chức có quyền. Trông gã già nua, phốp pháp, gương mặt trắng nhợt bặm trợn, hàng râu kẽm vuốt cứng như rễ tre, mũ phớt rộng vành che khuất quá nửa đôi mắt xanh mờ đục đương trừng trừng nhìn cậu.

"Thưa, ngài có cần thêm gì nữa không?"

Minh phá tan đi bầu không khí gượng gạo bằng một câu hỏi mà cậu biết rằng thừa. Sự xuất hiện đột ngột của cậu tất nhiên làm gã đàn ông kia phật ý. Nhưng cậu nào quan tâm. Cậu có mặt ở đây không phải để vuốt ve chiều lòng gã.

"Thằng nhãi này từ đâu ra? Ta chỉ muốn nói chuyện với Nhàn. Nhàn đâu, cô Nhàn của ta đâu?"

"Nhàn bỗng dưng không khoẻ, ông cần mua gì xin cứ nói với tôi."

Pháp văn của cậu lưu loát và trôi chảy, bộ quần áo thợ làm bánh đã bạc màu không thể che lấp được vẻ trí thức Minh có sẵn, phong thái này ít nhiều làm gã ngạc nhiên. Nhưng trong mắt người Pháp, dân bản xứ vốn chỉ là ngọn cỏ dại ven đường, vui thì vun vén, không vui sẽ sẵn sàng dùng đế giày Tây giẫm nát.

"Xê ra."

Gã gằn giọng, giương cao gậy ba toong định quất vào người cậu, nhưng ý định đó đã bị Minh bắt kịp. Trong một giây, cậu vươn tay chộp lấy đầu gậy, bất ngờ giằng mạnh. Gã đàn ông đã cao tuổi, lại chưa từng lường được có một kẻ cùng đinh dám tay không chống đối mình, thế là dễ dàng mất đà, ngã vật ra sau.

Cú ngã khá mạnh. Đối phương mất gần phút mới hoàn hồn, mồm liền la lên oai oái. Nhưng vài người đi qua chỉ ném lại đôi ánh mắt hiếu kỳ pha lẫn hả dạ, rồi vội vã cất bước đi để tránh tai bay vạ gió.

"Mày,... mày dám hành hung tao? Có biết tao là ai hay không?"

Bị làm cho bẽ mặt, gã càng lộ ra bản chất. Minh đã bao lần gặp phải những hạng người như thế. Họ nhân danh văn minh để khai sáng vùng đất này, nhưng không thiếu kẻ lại cư xử chẳng khác gì phường vô lại.

"Là người Pháp."

"Mày..." Gã vẫn không chịu đứng lên, chỉ lùi về sau như muốn tự vệ khi Minh sải bước đến gần. Từ trên cao nhìn xuống, gương mặt gã đàn ông tóc vàng hợm hĩnh phản chiếu nơi đôi con ngươi trong sáng của cậu, kém cỏi và thấp hèn.

"Tôi sẽ không bao giờ quên, từng chút từng chút một những gì mà người Pháp các người đã mang đến cho quê hương mình."

Cậu cười như không, giọng hoà trong cay đắng.

"Mời đi cho."

Mà cũng chẳng hay, hành động của cậu từ đầu tới cuối đã kịp thu vào tầm mắt một người.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro