Chương 4: Tôi muốn đến kinh thành

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đến sáng hôm sau, Tàn Nguyệt vẫn là người dậy sớm.

Cô vẫn chuẩn bị đồ đi săn như thường lệ, nhưng sợ làm ồn đến Hàn Phong, nhất cử nhất động đều nhẹ nhàng hết mức có thể.

Do Tàn Nguyệt chỉ sống một mình nên không ai biết, thật ra ngoại trừ lúc đi săn rất thận trọng ra thì cô là một người hành sự không có chừng mực, nhất là với mấy chuyện vặt vãnh. Ví như việc sinh hoạt thường ngày ở nhà, dù chỉ là quét dọn sơ sài Tàn Nguyệt cũng gây ra một loạt âm thanh lớn nhỏ khác nhau, hoặc là mới dọn dẹp sạch sẽ đến chiều lại bày bừa trở lại. Tính cách này là do bị cha cô ảnh hưởng, nói chung là với những chuyện mà cô cho là không quá quan trọng, cô sẽ làm rất qua loa. Nếu một người muốn sống cùng với Tàn Nguyệt e là phải nhẫn nhịn bao dung, gọn gàng một chút. Còn không thì sẽ cảm thấy khá bực mình.

Tàn Nguyệt rón rén lấy cái rương trong góc nhà ra. Cái rương bằng gỗ được điêu khắc khá đẹp, là một trong số ít những đồ có giá trị trong nhà của Tàn Nguyệt. Cô lấy trong rương ra một cái gương đồng, mặt gương bóng loáng, giá gương khắc hình phượng vật này nhìn có giá trị hơn cái rương gỗ nhiều, nhưng để người khác nhìn thấy thì người ta sẽ cho rằng cái gương không hợp với Tàn Nguyệt. Cô sẽ cho người ta cảm giác thứ trên tay cô nên là một món vũ khí, chứ không phải chiếc gương mỹ miều thế này. 

Kèm theo gương đó là một cái lược bằng đồng cùng bộ. Nói không hợp với Tàn Nguyệt cũng phải thôi vì đây vốn là kỉ vật của mẹ cô để lại.

Mẹ của Tàn Nguyệt tên Lưu Bảo Hoa, năm xưa là hoa khôi của làng, không phải mỗi trong làng mà ở những làng khác người ta ít nhiều cũng biết đến mẹ cô. 

Người ta cứ nhắc mãi cái nét đẹp dịu dàng như sớm mùa xuân, từng cử chỉ đều duyên dáng vô cùng.

Ai cũng mong sao có được cô về quán xuyến chuyện gia phong. Cuối cùng nàng lại ưng một thợ săn sớm đã không còn cha mẹ. Mặc cho lời nói ra vào mẹ cô vẫn quyết theo cha cô lên núi. Người ta cứ tưởng hoa khôi phận như hoa nhài nhưng thực chất không phải vậy. Dẫu cho có không bằng những thiếu gia công tử từng dạm hỏi nàng, người thợ săn ấy vẫn mặc lên cho nàng hoa khôi được cái sắc áo màu trời bằng thứ lụa tốt nhất nhì bấy giờ. Cứ tưởng nàng không sẽ quen cảnh rừng núi hoang sơ mà tiều tụy đi nhiều nhưng trái lại hoa khôi trở nên ngày càng rạng rỡ vì lúc nào cũng được chăm bẵm bằng chính thứ tình yêu mà nàng mong muốn.

Như cái gương đồng và chiếc lược này đều là những vật đáng giá lúc bấy giờ mà cha đã tặng mẹ cô dù cho bà không mảy may đòi hỏi. 

Tàn Nguyệt không có kỉ niệm gì với mẹ, tất cả đều được cha kể lại cho cô. Từ nhỏ cô vẫn luôn thấy cha mình thật sự rất bản lĩnh, những chuyện ông làm không phải chuyện gì kinh thiên động địa, nhưng vẫn  rất ít người có thể làm được như ông. 

Tóc Tàn Nguyệt dài đến nửa lưng. Mái tóc đen óng xõa ra được chải lại gọn gàng rồi dùng khăn vấn lên. 

Hôm nay là ngày đi săn, thấy Hàn phong vẫn còn ngủ, cô viết một bức thư nói trước giờ cơm trưa mình sẽ về sau đó chuẩn bị thêm một phần thức ăn sáng. Tàn Nguyệt vẫn muốn đi sớm về sớm để chẳng may thầy Trung có đến sớm chút thì mình còn tiếp thầy được.

Tàn Nguyệt xách ống tên lên đeo lên vai bước ra khỏi cửa, nắng sớm đã lên. Tàn Nguyệt lại tràn trề cái khí phách của một đứa con gái lớn lên giữa chốn núi rừng. Cứ nhìn Tàn Nguyệt người ta lại hiện lên được cái hình ảnh mênh mông xanh ngắt của cỏ cây.

Tàn Nguyệt vừa bước ra khỏi cửa Hàn Phong đã mở mắt.

Anh đã tỉnh lại từ lúc nào, chỉ là không biết khi mở mắt ra thấy Tàn Nguyệt thì nên nói gì.

Hàn Phong thấy trên bàn có một bức thư, giấy màu ngà. Tàn Nguyệt ít học, chữ biết chữ không nên không viết quá dài dòng chỉ có hai câu: “Em ra ngoài, trưa về. Đồ ăn trong tủ.”

Anh bước ra sau nhà nhìn xung quanh. Phía sau như một trang trại thu nhỏ, cái gì cũng có. Một cái chuồng gà được rào chắn kĩ càng, bên trong một đàn gà con mới nở lon ton chạy theo mẹ. Gần đó có một mảnh đất được cáy xới để trồng sau, có chỗ đã xanh um tươi tốt, có chỗ vừa mới nhú lên mấy mầm non. Còn có một cái hồ to to nữa, trong hồ có mấy con cá chép đang bơi, có cả cua tôm. Một góc hồ mấy cụm lục bình đã nở hoa màu tím nhìn rất hút mắt.

Tất cả những thứ này ngoài miếng đất trồng rau do cha cô để lại thì tất cả đều do Tàn Nguyệt tự làm. Cô sống một mình trên núi rất rảnh rỗi, mà tính cô không chịu ngồi yên một chỗ quá lâu, cứ phải kiếm gì làm mới chịu nổi. Vậy là cứ vác xẻng vác búa đi đóng chuồng đào hồ, cuối cùng thành quả như giờ đây. Chỗ Tàn Nguyệt ở tuy đơn sơ nhỏ bé, nhưng có vẻ là những thứ cô cần không thiếu thứ gì cả. Hàn Phong đi một vòng tham quan, cảm giác cô gái này thật sự có thể một mình làm tất cả mọi chuyện sao?

Đúng vậy, từ nhỏ Huỳnh Dũng đã không cho cô học thói ỷ lại vào bất kỳ ai, ông muốn con gái sống cuộc sống tự do không ràng buộc bất cứ thứ gì. Tàn Nguyệt cũng đã quen, rất biết cách tự chặm sóc chính mình, cô còn biết tự làm mình vui, vậy nên trông cô lúc nào cũng rạng rỡ.

Hàn Phong thì hoàn toàn trái ngược. Anh lúc nào cũng ưu phiền, có khi còn không hiểu chính mình muốn gì, trong lòng lúc nào cũng hàng tá chuyện để lo, cảm xúc hỗn loạn. Xuất thân cao quý cũng không khiến anh sung sướng như nhiều người vẫn nghĩ. 

Từ trước đến nay Hàn Phong vẫn cho rằng, nghèo thì khó mà hạnh phúc được, không quyền không thế thì lại càng dễ bị áp bức,thiếu thốn đủ điều, cuộc sống sao mà dễ dàng cho được? Nhưng điều này không đúng với Tàn Nguyệt, cô có thể sống một mình không dựa dẫm ai, vẫn có thể vui vẻ vô lo như vậy, tên đời này có mấy người được vậy đây?

Rồi sau này Hàn Phong sẽ rõ, trên đời này chuyện hồ đồ nhất là đánh giá cuộc sống người khác dựa trên kinh nghiệm của chính mình, dựa vào việc sang hèn mà cho rằng người khác bất hạnh thì lại càng không đúng. Ở trong chăn mới biết chăn có rận, chắc gì địa vị, cao sang mới khiến người ta vui vẻ. Hạnh phúc hay không nằm trong tâm mình mới phải.

Tàn Nguyệt săn bắt nữa ngày cũng thu được một con lợn rừng nhỏ. Cô chưa có ý định quay về mà đi dạo một lần qua con đường hôm đó cõng Hàn Phong để tìm lại thứ đồ kia giúp anh. 

Cô vừa đi vừa nhớ lại hôm đó mình đã đi qua những chỗ nào vừa nhìn kĩ từng tấc lá từng tấc đất, cô còn mô phỏng lại động tác hôm đó để xem nếu may mắn có thể sẽ tìm được. Nhưng một nén nhang trôi qua mà vẫn không thấy thứ cần tìm đâu dần dần  cô cũng hơi bất lực, cảm thấy tuyệt vọng.

Sáng hôm nay dậy sớm Tàn Nguyệt cũng đã thử tìm lại một vòng quanh nhà rồi, nhưng vẫn không thấy gì hết. Bây giờ chỉ có duy nhất ngôi miếu kia là chưa đi tìm.

Cô có nghe ngóng một chút, trên quan huyện cũng có đi xem tình hình con hổ kia nhưng vẫn chưa đuổi nó đi, nó vốn sống rất sâu trong rừng mà giờ lại mò ra đây sợ là sẽ làm nguy hiểm đến mọi người. Hổ cũng là loài có linh tính, mọi người đều không muốn đụng chạm gì nó, chỉ hy vọng nó trở về trong Hòn Trơn sinh sống là được. 

Mấy hôm nay dưới chợ cũng có một số tin đồn cho rằng có người đã chọc ông cọp giận nên mới bị trừng phạt như vậy, họ thuê mấy tên pháp sư gì gì đó cúng kiến cả buổi. Không biết có tác dụng gì hay không, chỉ thấy khói nhang mù mịt, ầm ĩ cả ngày.

Tìm mãi không thấy Tàn Nguyệt đành từ bỏ mà quay về, dù gì cũng sắp đến trưa rồi. Còn món đồ kia, tìm được hay không còn phải dựa vào may mắn, mà đây lại là thứ mà cô không có.

Đi một đoạn gặp ngay thầy Trung với học trò của thầy đến, Tàn Nguyệt gọi: “Thưa thầy, con đây.”

Thầy Trung thấy Tàn Nguyệt thì mỉm cười, biết ông định hỏi gì Tàn Nguyệt nhanh trí trả lời luôn: “Con mới đi săn về, thầy vào nhà ngồi đi. Anh ấy vừa tỉnh tối qua.”

Thầy Trung gật đầu vào trong nhà, nhưng không thấy ai. Tàn Nguyệt cất cung xong vào trong cũng không thấy Hàn Phong thì chạy ra sau vườn tìm.

Sau vườn cạnh mấy chum nước dùng để tưới cây, Hàn Phong cầm một ít hạt trong tay, dưới chân anh là một bầy sóc tầm sáu bảy con đang rất vui vẻ tranh nhau. Thấy Tàn Nguyệt đến anh thả xuống mấy hạt cuối cùng rồi đứng dậy, đám sóc này ở đây đã lâu, cũng quen với Tàn Nguyệt nên vẫn tập trung ăn hạt, không vì sự xuất hiện của cô mà bỏ chạy.

Hàn Phong: “Về rồi à?”

Tàn Nguyệt: “Chân anh hết đau chưa?”

Tàn Nguyệt hỏi vậy là vì lúc thầy Trung kiểm tra cho anh cô thấy rõ chân anh có lẽ cho chạy đường xa đã vậy còn leo lên mấy con dốc như thế nên bị sưng phù lên. 

Hàn Phong: “Đỡ rồi.”

Tàn Nguyệt: “Thầy Trung đến rồi, anh vào đi, để thầy xem cho anh.”

Hàn Phong theo Tàn Nguyệt vào nhà, thấy anh thầy Trung có hơi sững lại. Hôm đó cả người Hàn Phong nhếch nhác đã vậy vết thương trên người cũng không ít, mặt mũi cũng có máu, còn bầm xanh bầm tím. Hôm nay vết thương vẫn chưa đỡ hơn là bao nhiêu nhưng nhìn sáng sủa hơn nhiều, tóc anh hơi dài được buộc gọn gàng. Thứ bắt mắt nhất là nước da trắng vẫn làm người ta chú ý.

Hàn Phong cúi chào thầy Trung. Ông bắt mạch sau đó kiểm tra lại mấy vết thương cũ.

Thầy Trung: “Không có gì đáng lo. Hôm trước bị sốt mà khỏi được coi như không còn gì lo nữa rồi.”

Hàn Phong nghe xong nghĩ thầm 

Mình bị sốt sao?

Tàn Nguyệt: “Vậy thì tốt rồi.”

Tàn Nguyệt lại hỏi: “Anh ấy muốn đến kinh thành gặp người quen, không may xảy ra chuyện như vậy. Thầy biết từ đây đến kinh thành mất bao lâu không?”

Tàn Nguyệt chỉ biết trong làng mấy anh học trò lên kinh thi Hội thì phải chuẩn bị trước một hai tháng liền, không để ý thời gian cụ thể.  

Thầy Trung: “Đường xá xa xôi, mất tầm hơn một tháng, tranh thủ lắm thì ít nhất một tháng. Thương tích không nhẹ thì nên đợi khỏi hẳn rồi đi.”

Hàn Phong hơi đắn đo, anh hỏi: “Không giấu gì thầy, chẳng may gia đình có chút việc gấp, con phải đi càng sớm càng tốt.”

Thầy Trung: “Đừng ỷ thanh niên có sức khỏe mà không tịnh dưỡng thân thể cho tốt. Không gọi là nặng nhưng phải có thời gian phục hồi. Nếu cứ gắng sức đến lúc không chịu được nữa thì thuốc tiên cũng khó trị.”

Ông vừa nói vừa ghi đơn thuốc: “Phải hạn chế đi lại, bôi thuốc ngoài da, uống thuốc đầy đủ mới mong mau khỏe, phàm cái gì trên đời mà vội quá cũng khó thành. Có thể viết thư cho thân nhân để đỡ lo.”

Hàn Phong: “Con cảm ơn thầy.”

Thầy Trung: “Ta có làm gì đâu, con cảm ơn thì nói với Tàn Nguyệt, là nó cõng con ra khỏi chỗ chết, ta chỉ làm đúng trách nhiệm thôi.”

Thấy Tàn Nguyệt lại định nói mấy câu khiêm tốn như: “Không có đâu thầy đừng nói quá như vậy.” hoặc “Do may mắn thôi thầy.” Thầy Trung nói xong lập tức chặn miệng cô bằng cách đưa đơn thuốc cho Tàn Nguyệt rồi dặn dò vài câu. Sau đó thu dọn đồ đạc để Tàn Nguyệt tiễn về một đoạn. 

Tàn Nguyệt vào nhà thấy nét mặt Hàn Phong ôm không biết bao tâm sự, đôi mắt vốn rất đẹp nhưng lại đeo ưu sầu nên người khác nhìn vào cứ thấy khó mà vui cho được.

Tàn Nguyệt: “Hay em mượn bút với mực cho anh viết thư cho gia đình nha?”

Hàn Phong: “Không cần đâu, cảm ơn.”

Tàn Nguyệt: “À. Vậy giờ em đi nấu cơm. Anh cứ nghỉ ngơi đi, cần gì cứ gọi em.”

Tàn Nguyệt lại xuống bếp loay hoay một hồi. Lúc sau lại thấy Hàn Phong đi xuống nhìn mình.

Hàn Phong: “Có cần tôi giúp gì không?”

Tàn Nguyệt bất ngờ: “Ấy, sao anh lại xuống đây? Chân anh chưa khỏi hắn mà?”

Tàn Nguyệt lấy một cái ghế cho Hàn Phong ngồi.

Hàn Phong nhìn Tàn Nguyệt, không ai nói chuyện. Lát sau Hàn Phong lại lên tiếng: “Tối qua tôi bị sốt sao?”

Tàn Nguyệt không nhìn anh, vẫn tập trung nhặt rau: “Đúng đó, lúc thầy Trung xem cho anh có nói anh bị côn trùng đốt nên tối hôm đó bị sốt. Nhưng giờ anh thấy khỏe nhiều rồi đúng không?”

Hàn Phong “Ừm” một tiếng lại hỏi: “Hôm đó một  mình cô đánh bọn chúng bỏ chạy sao?”

Tàn Nguyệt hả một tiếng rồi lại nói: “À, chuyện hôm đó ấy hả.”

Cô im lặng một chút để sắp xếp từ ngữ.

Tàn Nguyệt: “Không phải đâu, em thế này sao đánh lại sáu bảy tên như vậy. Sau này có xuống núi cũng đừng nghe bọn trẻ với người trong làng nói linh tinh.”

Người trong làng ai cũng tốt bụng nhiệt tình, thật thà chất phác, nhưng trong những chuyện “kịch tính” thế này chỉ có nhiệt tình chứ không có thật thà. Tàn Nguyệt không dám chắc nhưng đoán chừng chuyện hôm đó của cô đã bị xào nấu thổi phồng thành một mình cô tống băng cướp hơn mười người lên quan cũng là chuyện có khả năng xảy ra lắm.

Tàn Nguyệt kể lại từ lúc mình đi săn cho đến khi nghe tiếng bọn cướp rồi tìm cách hạ bọn chúng.

Tàn Nguyệt: “Cuối cùng em định một chọi hai, nhưng tự nhiên lại nghe tiếng cọp. Xưa giờ ở đây không có cọp, không ngờ hôm đó lại gặp. Em cũng không biết xử lý sao, chỉ biết đường cũ không đi được nên dẫn anh đi đường khác.”

Hàn Phong nghe đến đoạn Tàn Nguyệt hạ bốn tên cướp thì hỏi: “Cô không sợ sao?”

Tàn Nguyệt: “Sợ chứ, bọn chúng cả sức mạnh lẫn số lượng đều hơn em mà. Nhưng không thể thấy chết không cứu được đúng không? Em cũng nghĩ nếu đánh không lại thì nhờ người đến giúp rồi. Bọn chúng không thạo đường bằng em, đuổi không kịp đâu. Thật ra em cũng không phải kiểu người quá liều mạng, em cũng có tính toán của mình rồi mới hành động”

Hàn Phong: “Cảm ơn, sau này có dịp tôi sẽ trả.”

Tàn Nguyệt: “Trả gì?”

Hàn Phong im lặng không đáp, Tàn Nguyệt nghĩ một lúc mới ra, cô nói: “Bèo nước gặp nhau thôi mà. Anh không cần nghĩ vậy đâu.”

Tàn Nguyệt hỏi lại: “Nhưng sao anh lại chạy lên núi? Đường đến kinh thành đều được khai phá rồi mà?

Hàn Phong: “Tôi muốn đến suối lấy chút nước thì gặp bọn chúng.”

Tàn Nguyệt hiểu nên gật gù

Tàn Nguyệt: “Anh đừng lo, ban đầu em còn sợ chúng tìm mình trả thù nhưng hôm qua nghe nói chúng bị quan lớn bắt hết rồi.”

Tàn nguyệt như nhớ ra gì đó: “À. Sáng nay em có tìm thứ kia cho anh, nhưng mà không thấy, cũng không rớt trong nhà. Chỉ còn khu có hổ là chưa tìm thôi.”

Hàn Phong: “Nó sống ở đó sao?”

Tàn Nguyệt: “Em không chắc, nhưng nơi đó nguy hiểm. Quan lớn cũng đang tìm cách đuổi nó đi, đợi mọi chuyện ổn rồi em lại tìm giúp anh. Có điều không chắc sẽ tìm thấy.”

Hàn Phong biết là việc khó nên chuyển chủ đề: “Nhà tôi kinh doanh vải lụa, nhưng năm nay có dịch tằm, không đủ vải đưa đi. Bọn họ đến đòi tiền đền bù. Cha mẹ bảo tôi lên kinh thành tìm người nhà họ Lý xin giúp đỡ. Hầu trong nhà tôi đều bị bán sang nhà khác không còn ai vậy nên tôi mới phải đi một mình.”

Tàn Nguyệt: “Nhà họ Lý có phải là nhà bán đồ gốm cho triều đình không?”

Hàn Phong: “Đúng vậy. Cha mẹ tôi là bạn cũ của gia chủ họ Lý, năm xưa gia đình họ Lý không giàu có, cha mẹ tôi giúp họ kinh doanh nghề truyền thống. Cuối cùng được một đại thần trong triều chú ý đến, từ đó kinh doanh mới khởi sắc.”

Nhà họ Lý là một gia tộc quyền cao chức trọng, họ đã chuyên làm đồ gốm, sứ cho triều đình hơn mười năm nay, sản phẩm làm ra đắt đỏ vô cùng. Tàn Nguyệt từng trông thấy một món đồ gốm của nhà họ Lý từ chỗ tiểu thư con gái của bá hộ họ Nguyễn.

Tàn Nguyệt không ngờ bây giờ mình lại gặp được người quen của một gia đình làm cho hoàng tộc, tự thấy hãnh diện không nguôi. Còn được nghe đầu đuôi chuyện xưa của họ.

Hàn Phong nói tiếp: “Lúc gia đình mới gặp chuyện, cha tôi có gửi một phong thư đến kinh thành, nhưng mãi không có hồi âm. Nên buộc tôi phải đi.”

Hàn Phong rũ mi, bếp lửa cháy lách tách, cuộc trò chuyện lại rơi vào im lặng. Tàn Nguyệt vừa cho củi vào vừa suy nghĩ. Vốn dĩ gia đình khá giả, nhưng khi rơi vào khốn cảnh cũng không có ai phải nương nhờ. Không biết nhà họ Lý bị lạc mất phong thư thật hay là cố ý không muốn giúp. Một khi trắng tay, bao nhiêu quan hệ đều mất sạch. Cha cô từng nói phải rơi vào lúc đường cùng mới biết ai thật lòng với mình, dạy cô không nên quá trọng vật chất, cuộc sống này không chỉ có mỗi tiền. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro