Nụ Cười Anh Nhặt Ve Chai

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tiếng máy cán tôn " ầm ầm", tiếng quạt gió " vù vù", những âm thanh ồn ào gắt tai ấy tưởng chừng kéo dài như vô tận.

"Nghỉ thôi anh em, tới giờ cơm rồi".

Tiếng gọi của Duy từ đầu xưởng vọng xuống. Tâm vội móc chiếc điện thoại cũ kĩ, đen xì trong túi ra xem thử, quả là đúng 11h30, giờ nghỉ giải lao như thường lệ. Cậu uể oải đứng dậy, lê từng bước đến chỗ vòi nước, rửa qua quýt cho sạch những vết bụi dầu bám hằn nơi lòng bàn tay. Thấy Tâm dáng vẻ rũ rượi mệt nhoài, Duy hoài nghi hỏi :

"Chắc đêm qua thức khuya cày game chứ gì ?".

Vẻ mặt Tâm hơi nhăn lại nhưng rồi cũng nhanh chóng giãn ra như lúc đầu.

"Đêm qua không biết sao cứ thấy bứt rứt trong người, trằn trọc mãi đến 1h khuya mới ngủ được". Tâm uể oải đáp lại câu hỏi của Duy một cách miễn cưỡng.

"Chứ không phải tương tư em nào nên mới đến nông nỗi đó à! ". Duy lém lỉnh đáp trả lại Tâm.

"Ai mà rỗi thời gian giây vào mấy cái chuyện rắc rối đó mày ơi ! thôi đi ăn cơm nhanh nào, đói muốn xỉu rồi đây này".

"Biết rồi cha nội". Duy nhíu mày nhìn Tâm với nụ cười gian manh trên miệng.

Bước xuống xe, Tâm tiến thẳng đến quầy bán thức ăn, đứng xem sơ qua một lượt rồi gọi món ăn và không quên gọi luôn cho Duy. Đứng nhìn xung quanh một lượt, Tâm đi thẳng đến chiếc bàn ghế đá kê sát góc tường nơi có chiếc quạt treo to tướng đang thổi vù vù những làn gió hậm hực và oi bức. Kế bên là chiếc máy phun sương nhỏ thó đang nhả ra từng chùm khói trắng nhợt ẩm ướt. Phải công nhận là cái thời tiết tháng sáu này thật khắc nghiệt, đó cũng là giai đoạn chuyển mùa đặc trưng của khí hậu miền nam. Trời trở nên oi bức, nóng ẩm, ngột ngạt làm cho con người ta cảm thấy khó chịu, bức rứt, rồi dần đổ bệnh. Ấy thế cũng là mùa làm ăn thuận lợi của thầy thuốc, bác sĩ.
Đang trầm ngâm theo những dòng suy tư hỗn tạp, bỗng :

"két..."

tiếng thắng xe gấp gáp của chiếc xe Ben chở đất, kéo theo phía sau đám bụi mịt mù, vàng đục của đất đá, khiến Tâm bị cắt đứt dòng suy tư dài dẵng để quay lại với hiện thực chán trường.

"Mấy thằng âm binh...xém tí nữa làm tao đứng tim". Duy mắng gã tài xế với giọng hằn học, bức xúc.

"Mặc kệ mấy thằng đo đi, bản tính của tụi nó là thế mà". Tâm nói với giọng hết sức bình thản.

"Ừ! thì mặc kệ, đói quá ăn cơm đây, ai thích làm gì thì làm". Duy vừa nói vừa xúc cơm ăn ngấu nghiến.

Ngày thường vào khoảng giờ này, đám tài xế xe Ben kéo đến quán ăn rất đông, có lẽ cơm nơi đây ngon và hợp khẩu vị với họ, vả lại giá cả còn rẻ hơn so với những quán cơm xung quanh. Khách hàng quán này đủ mọi thành phần tầng lớp từ công nhân bốc vác, phụ hồ, thợ máy cho đến cả công nhân viên chức nhà nước..., chứ không chỉ riêng đám tài xế là khách hàng chính ở đây. Đang cắm cúi ăn cơm, bỗng Tâm cảm thấy ngạc nhiên khi nghe thấy một giọng cười rất giòn giã và quen thuộc của một người nào đó ở bàn đối diện. Ngước đầu lên nhìn xem thử là ai :

" Ồ, đây không phải là anh nhặt ve chai vẫn hay quanh quẩn gần xưởng mình sao ?. Chà! hôm nay cũng đi ăn cơm quán nữa hả ta?, lại còn ngồi chung với nhiều bạn bè nữa cơ đấy ! ".Tâm tự hỏi với vẻ ngạc nhiên, lạ lẫm.

Anh chàng ngồi bàn đối diện với giọng cười giòn giã đặc biệt ấy, thì ra chính là gã nhặt ve chai vui tính vẫn thường hay dạo ngang qua xưởng tôn nơi Tâm làm việc. Nói là vui tính vậy thôi, bởi vì miệng anh ta lúc nào cũng cười cả, không phải anh là người thích cười mà thực ra đó là một khuyết tật phổ biến của những người mắc bệnh thiểu năng. Trường hợp của anh Ve Chai thuộc diện bệnh lý nhẹ, vẫn có khả năng nhận thức rõ ràng, nhưng chỉ có điều tư duy chậm hơn người bình thường một bậc mà thôi !. Hôm nay anh ngồi ăn chung với 2 người khác và nói chuyện cười đùa rất vui vẻ, trông có vẻ giống như giữa bọn họ rất là thân thiết. Nhưng có lẽ không phải như vậy, bởi vì trông dáng vẻ 2 người kia rất lam lũ cực nhọc, hẳn họ là dân bốc vác hay thợ hồ xây dựng chứ không phải dân làm nghề nhặt ve chai. Mặt khác trong lúc trò chuyện, chủ yếu là anh Ve Chai nói và cười chứ hai người kia chỉ biết nghe rồi đáp lại một cách qua loa, sơ xài, kèm với nụ cười gượng gạo, miễn cưỡng. Thực tế, bọn họ chẳng phải là bạn bè thân thiết của nhau gì cả, đơn thuần họ chỉ là người dưng qua đường, rồi góp mặt chung bàn với nhau trong quán ăn. Anh Ve Chai rất ít bạn bè, mà có lẽ bạn của anh chủ yếu là những người cùng nghề như anh. Xã hội từ buổi sơ khai đã khắc nghiệt trong vấn đề phân chia giai cấp giàu nghèo. Xã hội tiên tiến ngày nay cũng vẫn vận động dựa trên quy luật đó. Có chăng là kha khá hơn đôi chút bởi sự ràng buộc của vấn đề nhân quyền và bình đẳng giải cấp. Trong xã hội ngày nay, nghề nhặt ve chai bị xem là nghề hạ đẳng thứ hai sau nghề xin ăn. Cái nghề rẻ rúng luôn bị xã hội coi khinh và xa lánh. Chính vì thế những người nhặt ve chai có rất ít bạn bè là điều bình thường và dễ hiểu.

Cười là hành vi hết sức bình thường của con người, khi họ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc hay thỏa mãn về một điều gì đó. Thế nhưng nụ cười của anh Ve Chai lại khiến cho Tâm cảm thấy một điều gì đó rất lạ lùng, khác thường và rất nhiều điều đáng suy gẫm. Trong lúc bình thường, khuôn mặt của anh Ve Chai cũng như bao người bình thường khác, chỉ có điều đôi mắt của anh ta hơi to và lồi hơn người bình thường khác. Nhưng có lẽ cái điều đặc biệt nhất nơi anh, đó chính là nụ cười của anh. Nụ cười mà khiến cho phần môi trên dường như mất đi khả năng che chắn phần lợi đỏ tái kín đáo, để rồi răng và lợi cùng phô bày một lượt và kéo theo hàng tá vết chân chim bám quanh mắt, khiến đôi mắt híp lại như muốn che khuất đi con ngươi to tròn kia. Đó thật sự là một nụ cười chân thật, nụ cười khi người ta đạt đến ngưỡng cao nhất của cảm xúc, nụ cười ấy khác xa với những nụ cười khả ố của đám tài xế với những câu chuyện tục tằn vô nghĩa, càng vượt trên nụ cười nhếch mép, bạc bẽo khinh đời của mấy gã thợ hồ. Và nó cao quý lên trên nụ cười nửa miệng, nham hiểm, che dấu đằng sau biết bao nhiêu điều gian manh, xảo quyệt của nhóm nhân viên văn phòng. Nụ cười ấy khiến Tâm cảm thấy ganh tị. Phải, ganh tị vì nụ cười ấy rất thanh thoát nhẹ nhàng, chứ không nặng nề gánh nặng với hàng trăm suy tư, lo âu, dự định công việc..., như nụ cười nhạt nhẽo của Tâm. Đôi khi con người ta cũng mong ước đầu óc mình trở nên đơn giản để không phải suy nghĩ phức tạp, căng thẳng, nặng nề..., để cho tâm hồn mình có những phút giây thư thái, an nhiên. Nhưng cuộc đời là khổ ải. Con người từ khi còn trong bào thai thì đã phải đấu tranh với tự nhiên để sinh tồn và cuộc chiến đó càng trở nên cam go hơn khi con người ta đạt đến tuổi trưởng thành. Nhưng đổi lại, do được rèn luyện trong môi trường khắc nghiệt như thế, vô hình chung đã giúp cho bộ não của con người phát triển vượt bậc lên trên mọi loài sinh vật khác.

Đối với anh Ve Chai, cuộc sống của anh thật là bất ổn. Nay no mai đói, làm việc tất bậc không ngơi nghỉ cả ngày. Nhưng với anh, những điều đó không khiến cho anh phải cảm thấy bận tâm, lo lắng. Anh vẫn lao động bằng tất cả sức lực của mình. Anh vẫn miệt mài, cần cù, chăm chỉ và vẫn cười đấy thôi; " ngày mai cứ để ngày mai lo, ngày nào có cái khổ của ngày ấy! ". Và có lẽ đây chính là điều mà Tâm cảm thấy khâm phục nhất nơi anh.

Trong xã hội ngày nay, chắc hẳn có nhiều con người sinh ra đã mang trên mình những khuyết tật, dị tật bẩm sinh. Điều đó là nỗi buồn phiền, sầu khổ lớn lao đối với những bậc sinh thành nên họ, và cũng là nỗi buồn khổ lớn nhất ở chính nơi bản thân những người khuyết tật ấy. Hằng ngày họ vẫn luôn mang trong mình cảm giác tủi thân, ganh tị, oán trách cuộc đời : " Tại sao tôi sinh ra lại không được lành lặn và bình thường như người ta; đáng lý ra tôi cũng phải được làm việc trong công ty kia và có nhiều bạn bè như anh hàng xóm cơ mà,...", và muôn vàn lí do khác nữa. Chính sự mặc cảm về bản thân ngày càng khiến cho họ trở nên thất vọng và mất niềm tin vào cuộc sống. Và từ đó lòng tự trọng và danh dự bản thân đối với họ giống như một khái niệm mơ hồ, xa vời và không cần thiết nữa, "Danh dự đã không còn quan trọng thì việc gì phải nỗ lực, phấn đấu vì nó nữa!, đơn giản bây giờ chỉ cần lo cho cái bụng no, đủ sống qua ngày là ổn rồi!".
Những suy nghĩ tiêu cực ấy làm cho họ trở nên thụ động trong cuộc sống, dần dà họ trở nên biếng nhát và lười lao động chân chính. Họ chủ yếu sống dựa dẫm vào chút lòng thương hại của những người tốt bụng nơi đầu đường xó chợ thông qua việc xin ăn. Hoặc chỉ trông chờ vào lòng nhân đạo của những tổ chức từ thiện ít ỏi, và họ cứ sống dưới tầng đáy của xã hội ngày qua ngày cho đến khi kết thúc cuộc đời bi thương.
Những người khuyết tật ấy, dường như họ tự tạo ra cho mình một cuộc sống thê lương, tẻ nhạt và họ hầu như hài lòng về nó. Vậy trong thâm tâm sâu thẳm, liệu họ có biết rằng trên đời này còn có rất nhiều người khác có số phận hẩm hiu như họ không ?. Cụ thể như anh nhặt Ve Chai vẫn hồn nhiên tươi cười với cuộc đời nghiệt ngã hay những anh thanh niên khiếm thị, hàng ngày vẫn kéo lê chiếc xe tự chế, trên xe là chiếc loa thùng cũ kĩ và giỏ tăm tình thương. Và họ dùng lời ca tiếng hát của mình đánh động vào trái tim những người xung quanh, nhằm bán được những gói tăm bé nhỏ kia!. Vậy họ vẫn sống, vẫn lao động, vẫn tin tưởng vào cuộc đời đó thôi!. Bởi vì họ tin rằng tạo hóa vẫn luôn công bằng với con người, chẳng qua những người khuyết tật tiêu cực kia chưa phát hiện ra được sự "công bằng" tàng ẩn nơi mỗi con người, và nếu những người kia mạnh mẽ đặt niềm tin vào cuộc sống thì chắc chắn họ sẽ tìm thấy nó mà thôi!.

Trời đã bắt đầu kéo mây, dự đoán sẽ có cơn mưa rất lớn chiều nay. Cơn mưa đầu mùa ngột ngạt mùi bụi đất. Cơn mưa gột rửa mọi dấu vết khắc nghiệt của mùa nắng và đem đến sức sống mới cho vạn vật. Dòng khách ra vào quán cơm vẫn đều đặn. Ngoài đường dòng xe cộ vẫn tấp nập qua lại từng hàng dài vô tận, để lại phía sau từng ngọn khói đen xì nghi ngút, chập chùng trong gió. Còn Tâm vẫn ngồi thờ thẫn theo những dòng suy tư tưởng chừng như bất tận !!!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro