Chap 5

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trợn mắt nhìn bộ dạng mỉm cười trìu mến của Kỷ Nghiêm, tôi cảm thấy mắt mình sắp rớt ra ngoài, ấp úng nói: 

"Anh... anh bằng lòng diễn vai đức vua thật sao?" 

"Đúng thế! Cho nên em hãy đi sửa kịch bản ngay lập tức cho anh, anh muốn ngày mai được nhìn bản cuối cùng khiến anh hài lòng." 

Nói rồi, anh ta quay lưng đi thẳng. Cầm bản thảo trong tay, mãi một lúc lâu sau nét mặt tôi vẫn còn trong trạng thái ngạc nhiên tột độ. Thời gian một ngày có hạn, sau khi tan học về nhà, tôi ngồi trước màn hình máy tính tra cứu tài liệu, sửa chữa nội dung, bận rộn bù đầu cho đến tận khuya.

May mà sự cố gắng của tôi cuối cùng cũng không uổng phí, nhìn kịch bản sau khi sửa chữa, Kỷ Nghiêm rốt cuộc đã gật đầu:

"Tạm được, ngày mai bắt đầu casting tìm diễn viên". 

Ác ma sai bảo người ta không để cho người ta kịp thở... Tôi nghiến răng nghiến lợi thầm nguyền rủa anh ta từ trên xuống dưới một hồi rồi cầm bản thảo ra đi, nước mắt chan hoà. Thực ra lúc đầu tôi muốn diễn kịch đơn thuần vì thấy hay ho, ai mà biết được khi làm thật thì lại phức tạp thế này. Sớm biết một mình tôi phải kiêm luôn cả biên kịch, casting, diễn viên chính, có đánh chết tôi cũng không đề nghị diễn kịch diễn cọt gì hết!

May mà trường điểm vốn là một nơi đầy rẫy nhân tài, lại thêm danh nghĩa của hội Học sinh nên công cuộc tuyển chọn diễn viên có thể coi là thuận buồm xuôi gió. Tôi chạy đôn chạy đáo túi bụi suốt mấy ngày, về cơ bản tất cả diễn viên đã lựa chọn xong xuôi. Nhà trường đồng ý cho chúng tôi mượn hội trường lớn trong nhà làm nơi tập kịch, từ đó có thể thấy được mức độ coi trọng của trường đối với hội diễn lần này lớn thế nào. 

Tranh thủ thời gian rảnh giữa trưa, cuối cùng tôi cũng được nghỉ ngơi chốc lát. Ngồi phịch giữa hội trường, vừa mới thở ra được mấy hơi phía sau lưng bỗng có người đưa tay vò đầu tôi lạo xạo. Khỏi cần nhìn tôi cũng biết đó là ai, vội vàng quay lại cười nịnh bợ: 

"Hội trưởng!". 

Kỷ Nghiêm khẽ gật đầu, giọng điệu nhẹ nhàng hiếm thấy: 

"Thái Thái, thực ra em làm việc thường không để tâm để trí, không thúc ép em là em không chịu tiến lên, em thấy chưa, giờ chẳng phải em đã làm tốt thế còn gì". 

Có câu vết thương đã lành thì cũng quên cả đớn đau, lòng hư vinh của tôi tức thì trỗi dậy. Tôi gật đầu lia lịa:

"Hội trưởng nói đúng lắm, sau này nhất định em sẽ tiếp tục cố gắng, tích cực phát huy tinh thần lùa vịt về chuồng". 

"Lùa vịt về chuồng?" 

Kỷ Nghiêm chau mày hỏi. Tôi vội vã chữa lời: 

"À không, là tinh thần tích cực hướng về phía trước". 

Kỷ Nghiêm nhìn tôi, gật đầu rồi hỏi: 

"Chưa ăn cơm đúng không?". 

Tôi sững người, không nhận ra giọng điệu của Kỷ Nghiêm là câu nghi vấn chứ không phải câu trần thuật, vội bước lên nịnh bợ theo phản xạ: 

"Hội trưởng vì hội Học sinh mà quên ăn quên ngủ, em đi mua cơm cho anh ngay đây ạ". 

Hình như anh ta còn định nói điều gì đó nữa, tôi cướp lời nói trước, hai mắt lấp lánh như sao: 

"Sức khoẻ của Hội trưởng vô cùng quan trọng, nhất là trong thời khắc mấu chốt này, vì thế mấy chuyện lặt vặt như mua thức ăn cứ giao cho em là được". 

Kỷ Nghiêm hơi khựng lại, hỏi tôi:

"Em rất quan tâm đến sức khoẻ của anh sao?". 

Tôi tiếp tục nắm lấy cơ hội nịnh đầm: 

"Đương nhiên rồi, Hội trưởng mà không khoẻ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng vở kịch do mọi người cùng diễn xuất, mà vở kịch có thành công hay không lại liên quan đến vinh dự của cả trường, nhà trường mà truy cứu ra, em sẽ là đứa đầu tiên bị phạt. Vì thế nhất định em phải chăm sóc thật chu đáo cho sức khoẻ của Hội trưởng". 

Tôi đỏ mặt nhìn nụ cười hài lòng trên khuôn mặt Kỷ Nghiêm, lòng vui như mở hội. Tôi lướt nhanh ra ngoài như một làn khói, chẳng đến nửa giờ sau đã xách túi lớn túi nhỏ quay về. Kỷ Nghiêm nhắm mắt, một tay chống lên trán, có vẻ như đang nghỉ ngơi. Có điều chân mày anh ta thể hiện sự tiều tuỵ. Nhìn kỹ hơn chút nữa, anh ta gầy đi không ít.

Trong lòng tôi bỗng dấy lên một cảm xúc lạ lùng. Tôi bất chợt thấy không nỡ lòng cắt ngang giây phút nghỉ ngơi hiếm có của anh ta, cho dù chỉ là mấy phút ngắn ngủi. Tôi khẽ khàng đặt đồ ăn lên bàn, đang định rời đi thì nghe thấy tiếng Kỷ Nghiêm: 

"Em đi đâu đấy?". 

Tôi chậm rãi quay đầu lại, phát hiện Kỷ Nghiêm đã mở mắt tự lúc nào, thần thái trên mặt đã trở lại bình thường.

"Chẳng phải em nói ăn cơm sao?" 

Ngoài cửa sổ trời yên gió lặng, lá cây vắng gió im lìm, chỉ cần ngước mắt nhìn lên là bắt gặp ngay một khoảng không bao la. Không khí buổi trưa khiến tôi cảm thấy ánh mắt Kỷ Nghiêm nhìn mình sao mà nóng bỏng. Tôi cúi đầu khẽ nói:

"Hội trưởng, trông anh có vẻ mệt nên em định lát nữa sẽ quay lại gọi anh dậy ăn cơm". Anh ta tế nhị vẫy tay với tôi: 

"Thái Thái, lại đây ăn cùng anh". 

Do dự trong giây lát, cuối cùng tôi vẫn ngoan ngoãn nghe lời bước đến. Kỷ Nghiêm mở hết các hộp đồ ăn, tôi ngồi xuống đối diện anh ta, hai mắt nhìn Kỷ Nghiêm đầy mong đợi. Mãi không thấy Kỷ Nghiêm động đũa. Chẳng lẽ anh ta chê thức ăn tôi mua khó nuốt hay sao? Tôi nơm nớp hỏi: 

"Hội trưởng, có phải chỗ thức ăn này không hợp khẩu vị của anh không?".

Anh ta chỉ vào thịt bò khô, cá chua cay, đậu hũ ma bà, ngẩng đầu hỏi tôi: 

"Đây đều là những món em thích ăn sao?". 

Vì Kỷ Nghiêm không nói anh ta muốn ăn gì nên tôi cứ mua theo những món mình thích, dù sao thì nếu anh ta không ăn đã có tôi ăn, không đến nỗi lãng phí. Tôi gật đầu, rón rén mở một chiếc bát đậy kín: 

"Hội trưởng, em còn mua riêng canh cho anh nữa đây này". 

Kỷ Nghiêm nhìn tôi thật sâu, ánh mắt dường như đượm một tầng sương mù. Trái tim tôi bỗng hoảng hốt mà không hiểu tại sao. Kỷ Nghiêm thoáng chau mày nhưng không nói gì thêm nữa, chỉ bảo: 

"Ăn cơm thôi".

Anh ta gắp một miếng thức ăn đưa lên miệng nhai thật khẽ. Trong tích tắc, dường như tôi thấy trên mặt anh ta thoảng qua một tia tội nghiệp. Sợ anh ta bất thình lình phát hoả, tôi vội vã cúi đầu. Dù sao tôi ăn cũng thấy khá ngon mà, bận suốt cả buổi sáng, đúng là đói thật. Thế là tôi không thèm để ý anh ta nữa, lao vào đánh chén cho thoả thích. Đến khi tôi ăn no căng bụng mới phát hiện ra ngần ấy thức ăn phần lớn toàn một mình tôi ăn, Kỷ Nghiêm ăn rất ít. 

Tôi ngước nhìn anh ta, anh ta đang uống nước canh, mặt mày tái nhợt. Mới uống được hai ngụm anh ta đã ho sặc sụa, tôi vội vàng bước đến vỗ lưng cho anh ta, lo lắng hỏi: "Hội trưởng, sao anh uống nhanh như vậy chứ? Anh có sao không?". Cơn ho dịu xuống, mồ hôi lạnh trên trán túa ra, anh ta ngồi im bất động nhìn tôi, nghiến răng nghiến lợi: 

"Đây là canh gì?". 

Tôi thấp giọng đáp: 

"Canh cá chua cay ạ!". 

"Cái gì?"

Sắc mặt Kỷ Nghiêm càng thêm khó coi, anh ta bỗng dưng đứng dậy, tay chầm chậm đưa đến mặt tôi, mỗi lúc một gần. Anh ta... anh ta định làm gì đây? Muốn hôn tôi sao? Tôi nín thở, ngồi bất động, hai mắt nhắm nghiền, rồi... bịch một tiếng, tôi mở mắt ra và thấy Kỷ Nghiêm đã ngã gục xuống sàn. Tôi hoảng hốt gọi to: 

"Hội... Hội trưởng, anh sao thế?". 

Đầu óc tôi lập tức rối tung rối mù, vừa lo vừa sợ. May mà gặp được mấy người đi qua, dưới sự giúp đỡ của cả đám, Kỷ Nghiêm cũng được đưa đến phòng y tế. Thấy bác sĩ đã khám xong xuôi, tôi lập tức xông lên ôm lấy tay bác sĩ: 

"Bác sĩ ơi, cứu Hội trưởng của chúng cháu với! Nếu anh ta chết cháu cũng không sống được nữa đâu, nhất định anh ta có làm ma cũng sẽ không buông tha cho cháu". 

Mặt bác sĩ co giật một hồi, nói: 

"Không nghiêm trọng đến mức đó đâu, cậu ấy chỉ tạm thời bị sốc chút thôi". 

Thì ra không chết được... Bây giờ tôi mới yên tâm, rồi lại hỏi: 

"Nếu không nghiêm trọng thì tại sao Hội trưởng của chúng cháu vẫn chưa tỉnh lại? Rốt cuộc anh ta bị bệnh gì vậy ạ?". 

Bác sĩ lắc đầu nhìn tôi nói:

"Viêm dạ dày cấp tính, cậu bạn này bị ngất do ăn phải đồ ăn kích thích, cần phải truyền dịch".

Viêm dạ dày cấp tính... Tôi bừng tỉnh. Toi rồi! Toi rồi! Lần này tôi không chết thì cũng bị lột da! Khi anh ta tỉnh lại phát hiện ra mình bị khiêng đến phòng y tế trong bộ dạng cực kỳ thê thảm, mà ngọn nguồn tai hoạ lại chính là tôi... Tôi không kìm được thoáng rùng mình. Đáng sợ quá đi mất! Tôi chẳng dám ở lại đợi Kỷ Nghiêm tỉnh lại, vội vàng chuồn ra khỏi phòng y tế. Ngày hôm sau, khi tôi hoàn toàn bình tĩnh lại thì đã không còn dũng khí, càng không có mặt mũi nào đến gặp Kỷ Nghiêm. 

Tôi cố tình lởn vởn quanh khu nhà có phòng y tế nhưng không dám lại gần. Hội trưởng hôm nay vẫn phải đến truyền dịch sao? Tôi nghĩ bụng, trốn sau một gốc cây to nhìn từ xa một chốc rồi sẽ chạy, ai ngờ bị người ta gọi lại: 

"Thái Thái, em lén lén lút lút trốn ở đây làm gì thế?". 

Tôi cứng đờ hết cả người, không biết nên giấu mặt vào đâu cho đỡ ngượng. Có tật giật mình, tôi quay đầu lại thấy Triển Tư Dương đang nhìn tôi vẻ trêu chọc. Ngẩn ngơ một thoáng tôi mới tỉnh ngộ, liền hét to một tiếng: 

"Dương Dương, anh về rồi à?".

Triển Tư Dương đút tay vào túi quần, cười nói: 

"Ừ, Bắc Kinh vốn không phải là chỗ thích hợp với anh, anh định về ngay khi cuộc thi kết thúc, không ngờ lại gặp một người anh em về nước nên mới ở thêm một ngày. Anh vừa về đã nghe tin Hội trưởng nằm viện, nhóc con Thái Thái đúng là càng lúc càng lợi hại rồi". 

Tôi không hiểu anh ta nói gì, thế nên ngẩng đầu hỏi tiếp: "Anh nói Hội trưởng hiện không ở trong phòng y tế truyền dịch mà đã nằm viện sao?". Triển Tư Dương lắc đầu: "Không nằm viện mà được à? Dạ dày Hội trưởng rất mẫn cảm, vốn đã phải kiêng ăn mấy món chua cay, lần này coi như gục hẳn dưới tay em rồi. Ha ha, người mạnh mẽ đến mấy cũng có khắc tinh, đúng là một vật hàng một vật". Hả? Té ra Hội trưởng không thể ăn cay sao? 

Thế mà tôi hoàn toàn không để ý! Chả trách hồi hè dạy phụ đạo cho tôi, mỗi lần tôi giúp anh ta mua đồ ăn sáng, anh ta đều nhắc đi nhắc lại bữa sáng ăn ngọt không ăn cay, tôi còn tưởng anh ta cố ý làm khó tôi nữa chứ! Ừm, nghĩ kỹ lại thì những lúc ở lại nhà tôi ăn cơm, anh ta đều cố lựa gắp những món thanh đạm ít cay. Nói như vậy, lần này Kỷ Nghiêm bị viêm dạ dày cấp tính là nhờ "công lao" của tôi rồi.

Có lòng tốt mà lại làm hỏng chuyện đã đành, có khi còn phải đền tiền viện phí nữa ấy chứ... Càng nghĩ càng thấy gay, mắt tôi đỏ lên, tôi cắm đầu bỏ chạy. "Em đi đâu đấy?" Triển Tư Dương gọi với theo. Tôi quay đầu, khóc không ra nước mắt: "Tranh thủ giờ giải lao giữa trưa, em phải đeo gông đi nhận tội đây". Triển Tư Dương ngẩn người rồi bật cười ha hả: "Được rồi, dù sao thì dạo này hội Học sinh cũng không nhiều việc lắm, chiều nay anh xin phép hộ em, em không cần về vội đâu". Tôi cảm kích nhìn Triển Tư Dương, đang chuẩn bị đi thì lại bị anh ta gọi: "Thái Thái!". 

Tôi quay đầu lại hỏi: "Có chuyện gì không?". Triển Tư Dương không cười nữa, trên khuôn mặt xuất hiện vẻ nghiêm túc hiếm thấy: "Lần trước lúc đi ăn cá hấp ấy, cô bạn của em tên là gì nhỉ?". Tôi dừng bước nghĩ một lát rồi hỏi lại: "Anh nói La Lịch Lệ hả?". Anh ta cúi đầu cười: "Ồ, không còn chuyện gì nữa, em mau đi thăm Hội trưởng đi, anh ấy ở phòng bệnh số 428 bệnh viện Nhân dân đó". Chả hơi đâu mà để ý đến anh ta nữa, tôi chạy vọt ra khỏi cổng trường. 

Triển Tư Dương gửi tin nhắn nói rằng đã xin phép cho tôi, giờ thì tôi chẳng phải e dè điều gì nữa, về nhà nấu một nồi cháo trắng đựng trong hộp giữ nhiệt rồi mới bắt xe đến bệnh viện. Nhưng khi đứng trước toà nhà trắng xoá của bệnh viện Nhân dân, tôi lại do dự suốt một tiếng đồng hồ rồi mới nhẩn nha đến trước cửa phòng bệnh số 428. 

Tôi đi đi lại lại trước cửa, hành lang vắng vẻ và yên tĩnh, chỉ có tiếng bước chân tôi vang vọng. Đang băn khoăn không biết có nên đẩy cửa bước vào hay không, bất thình lình có ai đó vỗ vai tôi. Tôi quay đầu lại, cô y tá hảo tâm nhắc nhở: "Bạn gì ơi, nhà vệ sinh ở bên tay trái ấy". Tôi toát mồ hôi hột, tay giơ cặp lồng cháo lên cao giải thích: "Chị y tá ơi, em đến thăm bệnh nhân mà". Cô y tá nghe tôi nói đến thăm người bệnh thì lấy làm lạ: "Em đang tìm phòng nào?". "428", tôi lí nhí. Vẻ nghi ngờ trong mắt cô y tá càng tăng lên, cô ta chỉ tay sang phòng kế bên: "Đây chính là phòng 428 mà". 

Tôi gượng cười mấy tiếng: "Vâng, chính là phòng này. Ha ha ha, thì ra nó ở đây". Nói xong, tôi liền đẩy cửa bước vào. Khép cửa lại, tôi đưa tay lau mồ hôi trên trán, nụ cười giả tạo trên mặt cũng biến mất luôn. "Em đến rồi!" Giọng nói lạnh lùng của Kỷ Nghiêm vang lên rõ ràng và mạch lạc khiến tôi không kịp đề phòng, cứ như thể anh ta đã sớm biết rằng tôi sẽ đến. 

Tôi phát hiện ra không ngờ mình rất nhớ giọng nói của anh ta... Nghe giọng anh ta có vẻ không hề tức giận, thế nên nỗi sợ hãi trong lòng tôi nhanh chóng được thay thế bằng niềm vui sướng. Tôi cười hì hì nói: "Hội trưởng!". Trên đời này hiếm có người nào mặc quần áo bệnh nhân mà vẫn đẹp trai được như Kỷ Nghiêm. Chiếc áo kẻ sọc rộng rãi càng làm nổi bật khuôn mặt vốn đã trắng trẻo, gầy gò. Anh ta đứng tựa lưng bên cửa sổ, quay đầu lại, vẻ mặt tuy vẫn còn nét mệt mỏi sau trận ốm nhưng trông đã nhẹ nhõm hơn đôi chút. 

Liếc nhìn tôi một cái, anh ta chỉ vào chiếc cặp lồng giữ nhiệt tôi đang cầm trên tay: "Cái gì đây?". Tôi cẩn thận đặt chiếc cặp lồng lên trên nóc tủ cạnh giường, hào hứng như đang khoe của báu. Tôi dùng giọng thành khẩn hết mức có thể để nói lời xin lỗi Kỷ Nghiêm: "Kỷ Nghiêm, em không biết chyện dạ dày anh bị mẫn cảm, lần này hại anh bị ốm, trách nhiệm của em chiếm tới tám phần...". Tôi còn chưa nói xong đã bị Kỷ Nghiêm cắt ngang: "Còn hai phần nữa thì sao?". Tôi do dự chốc lát nhưng vẫn nói: "Anh không chịu nói dạ dày mình mẫn cảm, chỉ bảo em là bữa sáng ăn đồ ngọt, thế thì làm sao em biết anh không ăn được cay? Hơn nữa, nếu như anh không ăn được thì anh hoàn toàn có thể không ăn những thứ hôm đó em mua về. 

Vì thế... cũng không thể trút hết trách nhiệm lên đầu em được". Anh ta nhếch mép nói: "Vậy sao? Vậy ra ý em muốn nói anh ra nông nỗi này hoàn toàn là do anh tự chuốc lấy?". Tôi bỗng thấy mình hơi có khuynh hướng mua rắc rối vào người, vội lắc đầu nói: "Không phải, đương nhiên là không phải". Kỷ Nghiêm nhướng mày hỏi: "Thế mục đích đến đây của em là gì?". Vòng vo một hồi cuối cùng vẫn quay về chủ đề chính, tôi đáp: "Em đến để xin lỗi. Em biết hiện giờ dạ dày của anh chắc chắn đang rất yếu, chỉ có thể ăn những thứ dạng lỏng, vì thế em đã về nhà nấu cháo trắng mang đến". Nói rồi, tôi mở nắp cặp lồng ra. Nhìn làn khói trắng mờ từ trong cặp lồng bốc lên, vẻ mặt Kỷ Nghiêm thoáng qua một tia kinh ngạc, hỏi: "Em biết nấu cháo sao?". 

Tôi đắc ý cười: "Đương nhiên, em để lửa nhỏ ninh cho nhừ đấy, cực kỳ mềm luôn". Cơn gió nhẹ nhàng thổi bay tấm rèm cửa sổ bên cạnh chúng tôi, tấm rèm chốc chốc lại bay bay tạo thành từng làn sóng. Tôi múc cháo ra một chiếc bát con, trong phòng lập tức thoang thoảng mùi cháo thơm, mùi cháo thơm cùng nụ cười khẽ nở trên môi Kỷ Nghiêm như hoà tan ra trong không khí thành một làn hương ngọt ngào. Khoé miệng Kỷ Nghiêm khẽ nhếch lên thành một đường cong hoàn mỹ: "Cũng thơm đấy chứ".

Tôi bỗng thấy tay chân luống cuống, mắt liếc qua liếc lại, cố trấn tĩnh nói: "Hội trưởng, anh có khai trừ em khỏi hội Học sinh, không cho phép em tiếp tục trộm rau quả nữa vì chuyện lần này không?". Thực ra tôi còn muốn hỏi vấn đề tiền viện phí, nhưng nhìn vào mắt anh ta, tôi đã nuốt hết những lời này lại. Ánh mắt anh ta vẫn sâu thẳm, chỉ có điều nơi đáy mắt lấp lánh một thứ hào quang kỳ lạ. Anh ta nói với giọng khẳng định: "Không đâu". Mắt tôi đỏ lên: "Thật chứ?". Anh ta có thể buông tha cho tôi dễ dàng thế sao? Tôi không dám tin vào tai mình nữa. Anh ta vẫn giữ nụ cười trang nhã: "Thật!". 

Nỗi kích động trong lòng không sao che đậy được, hai mắt tôi ngời sáng, tôi hỏi thêm: "Thế anh không tức giận sao?". "Anh tức giận khi nào chứ?" Sắc mặt Kỷ Nghiêm hơi biến đổi. Tôi bắt đầu được voi đòi tiên: "Thế có nghĩa là từ nay về sau em sẽ không còn phải đắm chìm trong ăn năn, day dứt nữa đúng không?". Kỷ Nghiêm nhẩn nha húp một miếng cháo, cười nói: "Không cần, mỗi ngày em bồi thường cho anh một chút là được". Miệng tôi giật giật, tôi yếu ớt kêu: "Hội trưởng...". "Đây là em nợ anh. Em có ý kiến gì sao?" Kỷ Nghiêm ngẩng đầu nhìn tôi, ánh mắt lấp lánh. 

Tôi cúi đầu cam chịu, thở dài: "Được, coi như em nợ anh một lần vậy". Cuối cùng trên mặt Kỷ Nghiêm cũng xuất hiện vẻ nhẹ nhõm, anh ta nghiêm túc nghĩ ngợi một hồi rồi nói: "Sai rồi, em không chỉ nợ anh có một lần thôi đâu". Tôi ngẩn người: "Hả?". Anh ta nhếch miệng cười: "Lúc chơi trò thử thách lòng can đảm em đã hôn trộm anh, lần đó anh còn chưa tính sổ với em đâu đấy. Với cả...". Mặt tôi đỏ bừng đến tận mang tai, tôi vội vã kêu lên: "Em biết rồi, anh bảo gì em sẽ làm cái đó". Kỷ Nghiêm vừa cười vừa ăn hết cả bát cháo trắng. Tôi lặng lẽ ngắm Kỷ Nghiêm bình tĩnh ăn cháo, thầm nguyền rủa mớ cháo anh ta húp sẽ biến thành thuốc độc khiến anh ta thủng ruột gan. 

Ngồi thêm lúc nữa, tôi cúi đầu nhìn đồng hồ, giờ này ở trường có lẽ cũng đã sang tiết thứ hai. Kỷ Nghiêm thấy bộ dạng tôi cứ như hồn lìa khỏi xác, liền lên tiếng: "Em có chuyện gì à?". Tôi gật đầu đáp với vẻ tâm sự trùng trùng: "Hôm nay vốn định tập kịch, nhưng giờ Hội trưởng lại đang nằm viện chiến đấu với bệnh tật, làm sao em nỡ bỏ anh lại một mình ở nơi nồng nặc mùi thuốc tiêu độc thế này!".

Kỷ Nghiêm không bình luận gì về những lời trung thành son sắt của tôi, anh ta không vui nói: "Em về trước đi". Đuổi tôi đi sao? Tôi kích động nhìn Kỷ Nghiêm: "Hội trưởng, anh thực sự không cần em chăm sóc ư?". Anh ta hờ hững nói: "Không cần". Nhận được câu trả lời của anh ta, tôi cố hết sức để tâm trạng vui mừng không bộc lộ ra ngoài, bước chân ra khỏi cửa với vẻ mặt trầm ngâm nhưng trong lòng thì vui phơi phới. 

Tay tôi vừa chạm tới tay nắm đấm cửa thì giọng nói của Kỷ Nghiêm đã vang lên sau lưng: "Đợi một lát". Lẽ nào anh ta hối hận rồi? Tôi thất vọng quay đầu, bắt gặp nụ cười trên mặt anh ta: "Hội trưởng đại nhân, anh còn sai bảo gì nữa không ạ?". "Em nhớ ngày nào cũng phải đến phục vụ anh đấy." Anh ta cười cực kỳ gian tà, từ cuối cùng còn kéo lê thật dài, giọng đầy ám muội. Tôi vòng tay ôm lấy ngực, kinh hoàng nói: "Em sẽ không bán thân thể của mình đâu". 

Mặt Kỷ Nghiêm tối sầm, anh ta khinh bỉ liếc nhìn tôi: "Ai thèm thân thể của em! Anh nói bồi thường là muốn em hằng ngày sau khi tan học đến báo cáo tình hình tập kịch, những chuyện anh giao phó em cũng phải nhanh chóng hoàn thành cho đến khi anh ra viện, đã hiểu chưa hả?". Vì bị anh ta sai bảo quen rồi nên tôi gật đầu không chút phản kháng. Anh ta xua tay: "Được rồi, em ra đi". Tôi nhanh chóng chuồn ra khỏi toà nhà bệnh viện, một tay đưa lên che ánh nắng mặt trời để khỏi chói mắt. 

Lau mồ hôi, lúc ấy tôi mới choàng tỉnh ngộ ra: quả nhiên, tôi không thể nào thoát nổi kiếp đời nô lệ... Trời nóng quá, tôi đội nắng đi đến trạm xe buýt, đầu óc quay cuồng, hai mắt không mở ra được nữa. Dòng người ngược xuôi bất tận, những luồng xe cộ đan vào nhau, giữa những tiếng ồn ào huyên náo, chân tôi bước lâng lâng như đạp trên mây vậy, không có lấy một chút cảm giác chân thực. Một giây trước khi chiếc xe buýt tuyến 112 đi đến cổng trường dừng ở bến, tôi trông thấy ở bên kia đường một dáng người thân quen đang tiến vào bệnh viện. Trần Tử Dật sao? 

Anh ta đeo chiếc ba lô Nike màu đen sẫm, cái đầu khẽ lắc lư, mái tóc màu hạt dẻ dưới ánh nắng trông rất rực rỡ. Chắc do chơi bóng nên làn da trắng trẻo đã trở nên ngăm đen, thế nhưng dáng vẻ vẫn phóng khoáng và bất kham. Dưới ánh mặt trời chói lọi, chai Coca mát lạnh trong tay anh ta toả ra ánh sáng màu xanh lam, giống hệt như mặt biển bao la dưới bầu trời trong xanh đầy nắng. Trái tim tôi lạnh dần từng chút một, lòng bàn tay cũng lạnh băng. Tôi nhìn theo bóng lưng thẳng tắp kia từ đầu đến cuối, cho đến khi anh đi mỗi lúc một xa. 

Chiếc xe buýt đỗ xịch trước mặt tôi trong giây lát, bóng dáng chàng thiếu niên trong ký ức của tôi theo đó liền mất hút. Những tán cây đại thụ ven đường uể oải đung đưa, mặt đất khô rang bốc lên một luồng hơi nóng bỏng. Ngẩng lên nhìn trời, tôi có cảm giác cả người mình cứ lâng lâng, trái tim nhói đau. Tôi nhắm mắt rồi lại mở mắt ra, trước mặt chỉ còn cảm giác trắng loá, quay cuồng chóng mặt. Lắc đầu thật mạnh, tôi nhảy lên chiếc xe buýt đang chuẩn bị cuộc hành trình. Giây phút cánh cửa xe khép lại, tôi vô thức ngoái đầu liếc nhìn về phía cổng bệnh viện. 

Ngoại trừ mấy người đi ra đi vào, tôi không tìm thấy bóng người vừa nãy nữa. Đưa tay lên trán, tôi trút một hơi bức bối đã kìm nén trong lòng từ nãy tới giờ. Dạo gần đây bận bù đầu với việc tập kịch, cộng thêm hai ngày nay lo âu thấp thỏm vì đã khiến Kỷ Nghiêm nằm viện, xem ra tôi mệt quá nên sinh ra ảo giác đây mà. Tất bật ở trường mãi đến tối mịt tôi mới lết được tấm thân mệt mỏi rã rời về nhà. Tắm rửa xong nằm vật trên giường, tôi ngủ mê đi lúc nào không biết. 

Đêm đó, miệng tôi mỉm cười mà mắt thì đẫm lệ, cứ mơ mãi giấc mộng về hồi ức xa xôi. Ai đã nói: "Cái không có được luôn là cái tốt đẹp nhất"? Quanh quẩn với câu nói này, tôi ngủ mê mệt, cho đến khi điện thoại reo nhiều lần, tôi mới mơ màng tỉnh lại nhấn nút nghe. "A lô!" "Thái Thái, em đang làm gì đấy?" "Đang ngủ." Tôi vẫn còn đang đắm chìm trong bầu không khí sáng tinh mơ. "Em biết anh là ai không?" "Tôi chả thèm quan tâm anh là ai, tất cả những đứa làm ồn không cho bà đây ngủ đều phải cút hết." 

Tôi nóng nảy đang định cúp máy thì nghe thấy phía bên kia hít một hơi thật mạnh, rồi giọng nói trầm trầm vang lên: "Điền Thái Thái, em dám cúp điện thoại của anh à?". Giọng nói này khiến tôi không rét mà run. Tôi ngồi bật dậy theo phản xạ vô điều kiện, giọng run run: "Hội... Hội trưởng, vừa nãy em nghe không rõ, anh có chuyện gì xin cứ sai bảo ạ". Phía bên kia trầm ngâm một hồi lâu, cuối cùng chỉ nói hai từ đầy bá đạo: "Đến đây". 

Tuy là qua điện thoại nhưng tôi vẫn cảm thấy vô cùng áp chế. "Nhưng thưa Hội trưởng, hôm nay là thứ Bảy mà." Ngữ khí của anh ta không vui vẻ chút nào: "Anh cho em một tiếng. Một tiếng sau anh muốn thấy em mang đồ ăn sáng tới đây". Cuối cùng anh ta còn không quên bổ sung một câu: "Anh muốn ăn thức ăn em nấu". Nói rồi, anh ta lập tức cúp máy không thèm đợi tôi trả lời, để lại cho tôi một chuỗi những âm thanh tút tút.

Nhìn điện thoại, tôi tức quá ném bịch nó xuống giường, rủa xả: "Em ngủ cũng không được yên giấc, dựa vào đâu mà bắt em phải làm bữa sáng cho anh? Không có em thì anh không tự ăn sáng được chắc? Đã thế để anh chết đói luôn đi!". Tôi vừa thở than vừa lồm cồm bò dậy, đánh răng rửa mặt bằng tốc độ nhanh nhất có thể rồi ngáp ngắn ngáp dài đi nấu cháo đậu đỏ cho anh ta, vừa làm vừa nguyền rủa anh ta thật độc ác. 

Tôi tức lắm, thế nên lúc cho đường tôi đã hạ độc thủ, đổ toàn bộ một cân đường mẹ mới mua hôm qua vào nồi. Để tiết kiệm thời gian, tôi nấu bằng nồi áp suất. Chỉ cần hai mươi phút món cháo đậu đỏ đã chín nhừ. Liếc nhìn đồng hồ thấy vẫn còn hai lăm phút nữa, từ nhà đến bệnh viện mất đúng hai lăm phút... Quả là đồ gian trá, chắc chắn anh ta đã âm mưu từ trước rồi. Trên đường đến bệnh viện, tôi xui xẻo bị kẹt xe. Nhìn thời gian từng phút trôi đi, tôi xách cặp lồng cháo xuống xe, chạy thục mạng xông vào phòng bệnh. Tôi đứng trước cửa phòng bệnh 428, tay xách cặp lồng, thở hổn hển. Nhìn vào bên trong, tôi lập tức thộn mặt ra. 

Kỷ Nghiêm không có ở đó, mấy cô y tá đã thu dọn hết ga giường, đang đẩy chiếc giường bệnh màu trắng ra ngoài. Tôi thất thểu bước đến chặn một cô y tá lại: "Chị ơi, bệnh nhân nằm phòng này đâu rồi ạ?". Cô y tá lắc đầu: "Thật đáng thương, do dạ dày bị nhiễm trùng nặng quá nên đã biến chứng thành ung thư, sáng nay cấp cứu vô ích, mới mất rồi". "Cái gì? Mất rồi sao?" Sau một phút bàng hoàng, mắt tôi đỏ lên, cổ họng nghẹn ngào, nhét cặp lồng cháo vào trong tay cô y tá rồi chạy ùa vào phòng bệnh gào lên: "Hội trưởng, là em đã hại anh! Sao anh không đợi em đến mà lại ra đi như thế! Anh muốn em ân hận cả đời sao? Hội trưởng!". Mấy cô y tá sợ hết hồn, vội bước đến kéo tôi. T

ấm ga trắng trải giường vẫn còn hơi ấm của Kỷ Nghiêm, tôi ôm ghì lấy tấm ga sống chết không chịu buông, nỗi bi thương từ sâu thẳm trong tim cuộn lên, cảm giác đau đớn tấn công trái tim tôi, nước mắt trào ra mà tôi không hề hay biết. Tôi đưa tay lên bưng lấy mặt mình hòng ngăn nỗi bi thương lại, thế nhưng qua kẽ ngón tay, tôi phảng phất trông thấy vẻ mặt nghiêm nghị của Kỷ Nghiêm, vẻ giận dữ hiện lên rõ mồn một. "Điền Thái Thái, em định làm ồn ở đây đến khi nào nữa?" Tôi dụi mắt ngẩng đầu hết nhìn Kỷ Nghiêm đang đứng cạnh mình rồi lại nhìn tấm ga giường màu trắng. Chỉ tay vào anh ta, tôi lắp bắp: "Hội... Hội trưởng, anh... anh chưa chết sao?". Kỷ Nghiêm trừng mắt nhìn tôi: "Nói linh tinh cái gì đấy, anh chỉ chuyển phòng bệnh thôi". Anh ta lạnh lùng "hừ" một tiếng: "Em mong anh chết lắm à?". 

Tôi lắc đầu thật mạnh, khoé mắt vẫn còn ngấn lệ: "Không, không đâu, Hội trưởng nhất định sẽ không có việc gì đâu! Nhưng mà lúc nãy em thực sự sợ lắm...". Nhìn bộ dạng kinh sợ quá độ của tôi, cơn giận của anh ta cũng tiêu tan hết. Chân mày anh ta dãn ra như vừa mới thổi qua một làn gió ấm áp dịu dàng, nơi khoé miệng cũng xuất hiện một nụ cười thật nhẹ. Anh ta bước đến xoa đầu tôi rồi nói bằng giọng nhẹ nhàng: "Đồ ngốc!". Mới có mấy giây mà đã chuyển từ tức giận sang vui vẻ được, con người này đúng là hỷ nộ vô thường, khiến tôi không sao nắm bắt được... 

Tôi cứ có cảm giác Kỷ ác ma càng ngày càng khó chiều. Thấy tôi mãi vẫn không có phản ứng gì, anh ta lại nhướng mày: "Còn ngẩn ra đó làm gì nữa? Mau ra đây cho anh". Nói rồi, anh ta lôi tôi ra khỏi phòng 428 không khác gì xách cổ một con gà con. Lúc sắp ra khỏi cửa, tôi không quên đoạt lại cặp lồng cháo đậu trong tay mấy cô y tá vẫn còn đang sững sờ không hiểu rốt cuộc có chuyện gì. Tôi cúi đầu lầm lũi bước theo anh ta, khi anh ta đẩy cửa căn phòng bên cạnh, tôi hỏi: "Hội trưởng, đang yên đang lành anh đổi phòng bệnh làm gì?". Anh ta không thèm nhìn tôi, nói: "Ồ, tối qua có một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy cấp, phòng đó lại chỉ có mình anh nằm nên anh đã nhường lại cho ông ta". Tôi gật đầu thành khẩn nói: "Hội trưởng, anh thật tốt bụng". 

"Được rồi, bữa sáng của anh đâu?" Liếc nhìn đồng hồ, sắc mặt Kỷ Nghiêm lại sa sầm: "Em đến muộn mười phút". Tôi khúm núm đưa cặp lồng cháo cho anh ta, sau đó nghe thấy một giọng nữ nhẹ nhàng vang lên bên cạnh: "Kỷ Nghiêm, đây là em lớp dưới của cậu à?". Giọng nói đê mê thế này có thể khiến người ta tan ra mất! Tôi ghen tức nghĩ ai vậy nhỉ? Giọng nói hay thì sao chứ, ai cũng biết rằng đằng sau những sát thủ âm thanh này là một bộ mặt khủng long! Tôi ngẩng đầu quay lưng lại, trong bụng đang ôm suy nghĩ xấu xa. 

Tôi liếc một lượt từ đầu xuống chân cô nàng vừa lên tiếng, tức thì chết sững. Trên khuôn mặt sáng sủa và lanh lợi của cô ấy hoàn toàn không thể tìm ra một khuyết điểm nào, đôi mắt sáng ngời, mông lung như nước hồ mùa thu, mỗi khi cười trông cực kỳ duyên dáng. Một cô gái thế này thì nói gì tụi con trai, ngay cả tôi cũng không đành lòng rời mắt. Tôi tức thì xẹp xuống như một quả bóng xì hơi. Tại sao cũng là con gái mà có người lại quyến rũ xinh tươi đến thế, chẳng có lấy một chút sương khói trần tục nào, còn tôi thì hệt như một mớ lá xanh tầm thường, kém cỏi. Tại sao, tại sao chứ? 

Cảm giác thất bại khiến tôi hận đến mức chỉ muốn đâm đầu vào tường. Tôi vội rời mắt khỏi khuôn mặt cô ta, nghi hoặc nghĩ: sao trong phòng bệnh của Kỷ Nghiêm lại có một cô nàng xinh như tiên nữ thế này? Trước câu hỏi của cô gái, Kỷ Nghiêm chỉ giới thiệu một cách cực kỳ vô cảm: "Ồ, đây là Điền Thái Thái". Tôi mỉm cười gật đầu với cô ta, ngoài mặt đang cười nhưng trong lòng thì thoáng thất vọng bởi lời giới thiệu chẳng mấy mặn mà của Kỷ Nghiêm. Lúc Kỷ Nghiêm giới thiệu tôi, tại sao không giải thích thêm một chút quan hệ giữa anh ta và cô gái đó? Tôi liếc Kỷ Nghiêm, giả vờ như tiện miệng hỏi: "Cô ấy là...". Cô gái hào hiệp chìa tay ra nói với tôi: "Thái Thái, chào bạn, mình là Nhan Khanh Khanh, tối qua mình mới chuyển sang phòng bệnh này". 

Nhan Khanh Khanh ư? Nụ cười đông cứng trên mặt tôi ngay tức khắc. Tay tôi run rẩy, tôi ngẩng đầu hỏi: "Chữ Khanh nào thế?". Cô nàng từ tốn trả lời: "Chữ Khanh trong Khanh Khanh Giai Nhân". Một cơn gió thoảng qua ngoài cửa sổ, những gợn sóng ký ức theo đó lan ra. Rồi đột nhiên hết thảy những đau đớn tôi cất giấu tận đáy lòng trào lên cuồn cuộn. Đờ đẫn nhìn Nhan Khanh Khanh đang cười vui vẻ, khoé miệng tôi nhếch lên một nụ cười chua chát. Khanh Khanh... Một Khanh Khanh Giai Nhân mới thú vị làm sao!... 

Chỉ hai chữ ngắn ngủi đó thôi cũng đủ khơi lên chiếc gai sắc nhọn đâm sâu trong ký ức. Một làn sương trắng phủ mờ trước mắt tôi. Yêu một người rốt cuộc cần bao nhiêu dũng khí? Ngày hè đó, khi Trần Tử Dật nói lời chia tay tôi, tôi sống đờ đẫn dật dờ như một hồn ma, ngày nào cũng điên cuồng tìm kiếm bóng dáng anh ta, không ăn không nghỉ, không thèm nghe mọi người khuyên nhủ. Cuối cùng, không còn cách nào khác, tôi đã ngồi sụp xuống trước cửa nhà Trần Tử Dật đợi anh ta về, doạ anh ta chết khiếp. Có lẽ do chìm đắm quá lâu trong đau khổ, tôi thẫn thờ hỏi anh ta: "Trần Tử Dật, tại sao phải chia tay?". 

Vẻ mặt Trần Tử Dật thoáng qua một tia khổ sở, anh ta cúi đầu nói: "Thái Thái, Khanh Khanh trở về rồi, anh không thể không quan tâm tới cô ấy". Tôi cắn môi bật cười nhìn anh ta: "Cô ấy là Khanh Khanh của anh, giai nhân của anh, thế còn em thì sao? Anh đã nói anh và cô ấy chỉ là thanh mai trúc mã thôi mà!". Anh ta áy náy nhìn tôi, nói: "Anh xin lỗi, Thái Thái". Tôi hít sâu một hơi, lấy hết can đảm hỏi anh: "Nếu như không có cô ấy, anh sẽ ở bên em chứ?". Ánh mắt Trần Tử Dật ngập tràn nỗi quyến luyến, anh ta nhìn tôi thật lâu rồi mới gật đầu: "Nếu như không có cô ấy, trong lòng anh mãi mãi chỉ có mình em". Suy cho cùng thì tôi chính là người đến muộn... 

Tôi bước lùi một bước, cố nặn ra một nụ cười bằng tất cả sức lực còn sót lại của mình: "Nếu đã vậy thì em nên chúc mừng anh, cuối cùng anh đã đợi được người mà anh yêu thực sự". Tôi đã cố kìm chế để nước mắt mình không rơi xuống. "Thái Thái, em có sao không?" Trần Tử Dật nhíu chặt chân mày, vẻ mặt đầy lo lắng. Anh ta bước lên định kéo tay tôi nhưng bị tôi gạt phăng không chút do dự. Hôm đó, trời đổ mưa như trút, lúc La Lịch Lệ tìm thấy tôi, toàn thân tôi ướt sũng, tôi quỳ sụp trên đường, không ngừng lặp đi lặp lại: "La Lịch Lệ, tớ không buông được, thực sự không buông được...". 

La Lịch Lệ tát tôi một cái thật mạnh, lớn tiếng mắng: "Đồ óc heo, cậu định vì một thằng con trai mà chà đạp bản thân mình thế này sao? Cậu nhìn bộ dạng người không ra người ma chẳng ra ma của cậu bây giờ đi! Anh ta không cần cậu nữa, cho dù cậu có khóc chết trên phố thì Trần Tử Dật cũng không cần cậu!". Nó vừa mắng vừa cố sức lôi tôi đến dưới mái hiên. Mưa hắt lên người nặng trịch khiến tôi không còn chút sức lực nào. Nỗi đau đớn ấy ngay cả người bạn thân nhất của tôi cũng không thể làm dịu được. Cuối cùng, nó bỏ cuộc không kéo tôi nữa mà ngồi xuống ôm tôi, dầm mưa khóc cùng tôi. Tuy La Lịch Lệ ngoài miệng ăn nói chẳng chịu kém ai điều gì, nhưng nó chưa bao giờ tức giận như thế. Tôi biết lần này nó thực lòng buồn cho tôi lắm.

Nước mưa chan hoà cùng nước mắt làm mờ mắt tôi. Mất một lúc lâu sau tôi mới bình tĩnh lại, mở lời: "La Lịch Lệ, tớ đau lòng lắm, vì thế tớ đã tự nhủ rằng lần này là lần cuối cùng tớ đi tìm anh ấy, coi như cho bản thân mình một lý do để tuyệt vọng luôn". Tôi khóc đến khi khàn giọng, kiệt sức, La Lịch Lệ ôm tôi mà hai mắt cũng đỏ ngầu. Hai đứa con gái đi trên phố hệt như hai chú gà con bị thương không biết phải làm sao để bảo vệ mình, mặc cho nước mưa xối lên con tim tê tái. 

Trần Tử Dật si tình đã chạy về phía người con gái mà anh ngưỡng mộ bấy lâu, cuối cùng cũng có được tình yêu mà anh trông chờ bao năm tháng, còn tôi chỉ có thể trốn trong một góc tự nhấm nháp vết thương của mình. Sau khi khóc một trận đã đời, tôi hoàn toàn hiểu ra rằng không thể yêu một người đến độ mất cả lòng tự trọng, vì thế tôi mới dứt khoát bước ra từ bóng tối. Tôi cứ tưởng cái tên Trần Tử Dật sẽ dần dần bị lãng quên theo thời gian, không ngờ hôm nay lại gặp Nhan Khanh Khanh. 

Nực cười nhất là tôi đã từng mất đi một mối tình vì sự xuất hiện của cô ta, thế mà cô ta hoàn toàn không biết tôi là ai cả. "Kỷ Nghiêm, trường trung học số 1 của chúng tớ chắc chắn sẽ đoạt giải trong hội diễn văn nghệ lần này. Tớ rất tò mò không biết trường điểm các cậu năm nay định diễn tiết mục gì?" Khi tôi choàng tỉnh khỏi dòng hồi ức, thì thấy Nhan Khanh Khanh đang ghé sát bên Kỷ Nghiêm nói những câu mà tôi nghe không hiểu. Nét mặt Kỷ Nghiêm không còn vẻ nghiêm túc thường ngày, anh ta khẽ cười rồi nói: "Ồ, sáng tạo của bọn mình cũng thú vị lắm". 

Ánh mắt anh ta lướt qua người tôi giây lát rồi dừng lại trên mặt Nhan Khanh Khanh. Nhan Khanh Khanh nhướng mày che miệng cười: "Xem ra các cậu cũng tự tin nhỉ, tớ rất kỳ vọng đó". Trước câu nói hơi ám muội của Nhan Khanh Khanh, Kỷ Nghiêm không ngờ lại chẳng hề né tránh, anh ta chỉ đáp: "Hiếm khi chủ tịch câu lạc bộ văn nghệ trường trung học số 1 có hứng thú với tiết mục của bọn mình, nếu không ngại thì hãy đến trường mình xem sao, nhân tiện chỉ đạo cho đôi chút?". 

Giác quan thứ sáu mách bảo tôi rằng nụ cười lúc này của Kỷ Nghiêm có đến tám phần âm mưu trong đó. Thế nhưng lời hai người đó nói tôi cũng chỉ đoán ra đại khái bảy, tám phần. Bọn họ hình như đang bàn về hội thi văn nghệ lần này giữa các trường trung học trong thành phố. Cô nàng Nhan Khanh Khanh này có lẽ là chủ tịch câu lạc bộ văn nghệ trường trung học số 1, phụ trách tổ chức tiết mục dự thi lần này của trường đó. Thế thì cô ta chính là đối thủ cạnh tranh của trường điểm chúng tôi rồi! 

Không ngờ Kỷ Nghiêm lại ở cùng phòng bệnh với đối thủ, mà trông còn có vẻ như đã thành bạn bè rồi. Thật là buồn cười! Nghe cuộc đối thoại giữa hai người bọn họ, tôi có cảm giác hai người đó không giống như đang so bì cao thấp, Nhan Khanh Khanh rõ ràng là đang nháy mắt với Kỷ Nghiêm, còn Kỷ Nghiêm không ngờ lại chẳng hề để ý, vẫn lái câu chuyện theo lời cô ta nói. Hai người đó đang bàn luận sôi nổi, tôi thì bị bỏ sang một bên không chêm vào được câu nào. Tôi thấy rất khó chịu. 

Tôi bưng bát cháo đậu đỏ đến đứng chen giữa hai người, cười ha ha: "Hội trưởng, ăn sáng nào". Nhan Khanh Khanh sốt sắng nói: "Kỷ Nghiêm, thì ra cậu chưa ăn sáng. Biết thế lúc nãy tớ đã bảo bạn trai mua luôn cho cậu một suất". Giọng cô ta gọi Kỷ Nghiêm nghe sao mà âu yếm khiến toàn thân tôi nổi cả da gà. Tôi nhìn vẻ vồn vã của Nhan Khanh Khanh, bắt đầu thấy cô nàng tiên nữ này chẳng qua cũng chỉ có thế mà thôi, gặp Kỷ Nghiêm vẫn không thoát được vận mệnh trở thành một nàng "mê trai" trần tục. Kỷ Nghiêm nói với thái độ thân thiết chưa từng có: "Nếu cậu cũng chưa ăn thì ăn cùng mình luôn". 

Tôi rất muốn ném ngay cái cặp lồng xuống đất. Dựa vào đâu mà tên Kỷ Nghiêm kia lúc nào cũng lạnh mặt sai bảo tôi hết chuyện nọ đến chuyện kia, trong khi với người khác anh ta lại đối xử tốt đến thế? Giờ anh ta còn dám mang đồ tôi nấu cho người ta nữa! Nhưng tôi chỉ dám giữ ý nghĩ này trong bụng thôi, Kỷ Nghiêm nheo mắt nhìn tôi, tôi liền ngoan ngoãn múc cho Nhan Khanh Khanh một bát cháo đậu đỏ. 

Nhớ đến vụ đổ đường quá liều, tôi không khỏi thầm đắc ý: ăn đi, ăn đi, đáng đời hai người cùng nhau xui xẻo! Nhìn Nhan Khanh Khanh bưng bát cháo lên, tôi khẽ bĩu môi chờ xem kịch hay sắp diễn. "Khanh Khanh, anh mua bún về cho em rồi này." Giọng nói ấm áp, thân quen bất chợt vang lên, lướt qua nơi yếu đuối mỏng manh nhất trong trái tim tôi, khiến tim tôi quặn thắt. T

ôi bỗng thấy không khí trong phòng trở nên ngột ngạt vô cùng, tôi không sao thở nổi. Nhan Khanh Khanh ngoảnh mặt cười: "Tử Dật, anh lề mề thật đấy, em lớp dưới của Kỷ Nghiêm đã đến rồi này. Ồ, đúng rồi, đây là Điền Thái Thái". 


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro