Chương 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Bồng bồng... cõng chồng đi chơi... đi đến chỗ lội á a... đánh rơi... mất chồng..." (*)

Nương vừa cất tiếng ru vừa phe phẩy chiếc quạt nan. Trên chiếc sập gụ, một đứa bé chừng ba tuổi đang ngủ ngon lành. Gương mặt non nớt, làn da hồng hào, mí mắt thi thoảng động đậy, giống như đang mơ một giấc mơ đẹp. Nương ngắm nhìn gương mặt nhỏ, nhẹ nhàng đưa tay vuốt lọn tóc mai chớm mắt cậu bé, khẽ mỉm cười, rồi lại chợt chạnh lòng. Nương là vợ của cậu hai.

***

Nương nhớ, lần đầu tiên em bị chảy máu giữa hai chân, em đã khóc nức nở, cứ tưởng mình bị bệnh gì nghiêm trọng lắm. Nhưng khi u của em nhìn thấy chiếc quần vải nâu sồng dính máu của em, đã cười tươi rạng rỡ. Bà ôm lấy em, hôn chút chít vào má, vào mặt em. Em ngỡ ngàng, chẳng hiểu tại sao. Từ nhỏ đến giờ, u em chẳng khi nào thân thiết với em như thế. Nỗi sợ hãi của em thay bằng sự băn khoăn. Việc em bị chảy máu làm u vui đến vậy sao? Vì em bị bệnh sắp chết, nên u em vui mừng? Em chực khóc.

"Khóc cái gì mà khóc!" thấy em nước mắt lưng tròng, u em quở.

"Mày chỉ có kinh nguyệt thôi! Không chết được đâu! Trái lại, lại là chuyện vui đấy!" u cười, gương mặt như vớ được vàng.

Em ngơ ngác, đực mặt ra.

"Có nghĩa là mày đã lớn, có thể lấy chồng được rồi! Gớm nữa, đã là con gái rồi cơ đấy!".

"Là con gái...?" Nương lẩm bẩm cụm từ này trong miệng. Thì vốn từ lúc sinh ra em đã là con gái rồi mà? Nếu em không phải là con gái, sao thầy em suốt ngày nói: "Đồ con gái ăn hại, chẳng được cái tích sự gì! Sau này cũng là con nhà người ta mà thôi! Giá kể mày có cái cục thịt lồi ra ở dưới thì có phải tao đã không nhục như bây giờ không!".

Năm đó, em mới mười ba tuổi.

Một hôm, em không biết u liên hệ được ở đâu một bà cô. Hôm ấy, em đang vớt bèo cho lợn ở cái ao đầu làng, u em hớn hở lôi em về nhà, trình diện trước mặt người phụ nữ kia. Dáng người bà đẫy đà, gương mặt tròn đầy đặn, tuy nụ cười của bà ta hết sức xởi lởi, nhưng lại làm em có phần e dè. Bà nhìn em một lượt từ trên xuống dưới, xoay em từ bên trái sang bên phải, rồi bình phẩm, chỗ này hơi gầy, chỗ kia cũng được, giống hệt như cái cách tay đồ tể đánh giá con lợn nhà em mỗi lần xuất chuồng. Em mơ hồ.

"Được, được." bà ta xoa xoa bàn tay, ánh mắt nhìn em lấp lánh.

"Thế đã có kinh nguyệt chưa?" bà quay sang hỏi u em.

"Rồi, tháng trước có rồi!" u em tươi cười đáp lại, gương mặt đầy sự tự hào. Nương không ngờ, việc em có kinh nguyệt lại làm u em vui mừng đến thế, còn mang đi khoe người khác nữa.

Lại một hôm, lúc em từ ngoài đồng về, thấy trong nhà bày la liệt nào cau, nào trầu, nào xôi, nào rượu,... còn có cả hẳn một cái thủ lợn được thắt vải đỏ nữa. Em tròn mắt ngạc nhiên, định hỏi thầy u, nhưng lại thấy họ bận rộn, lúi húi trong góc nhà lẩm bẩm bàn bạc gì đó, em nghe loáng thoáng vài từ "đồng... bạc... được giá..." gì đó. Em thấy họ bận rộn, nên cũng chẳng dám làm phiền, sợ họ lại mắng em.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, hạ qua thu đến, cây ổi sau vườn đã lác đác vài quả vàng chín mọng. Hương ổi thoang thoảng, thu hút nào sáo sậu, nào chào mào, ríu rít cả một góc vườn. Vào một ngày mùa thu trời trong nắng đọng, em sang sông. Chiếc đò mộc sơn son đỏ thắm tiễn em về nhà chồng. U của Nương bảo, em phải làm vợ người ta, mà người làm chồng của em vừa đầy ba tháng tuổi.

Sau khi khấn bái gia tiên bên chồng, mẹ chồng Nương dắt tay em nhìn vào chiếc nôi, nơi có một cậu bé quấn tã đang nằm ngủ say sưa, bà vuốt ve tay em, dặn dò: "Từ nay, hãy thay mẹ chăm sóc chồng con nhé!".

Nương bẽn lẽn gật đầu.

Gia đình nhà chồng Nương cũng là nhà có của ăn của để, cũng có người hầu để sai sử, nhưng việc lớn việc bé của chồng Nương đều dồn hết vào tay Nương. Trừ những lúc phải bú sữa mẹ, Nương không thể cho cậu hai bú, còn lại, tất cả thời gian của Nương đều xoay quanh cậu hai. Nương nghe bà Hạnh, quản gia của nhà kể lại, mẹ chồng của Nương sau khi sinh tính tình bỗng trở nên thay đổi hoàn toàn, lúc thì trầm mặc, lúc lại cáu gắt. Mẹ chồng của Nương vốn chỉ là vợ hai, trước bà còn một người vợ cả nữa, nhưng vì bà cả chỉ sinh được một người con gái, nhưng lại mãi không có thai tiếp theo, nên mới rước thêm bà hai về. Trước kia, bà hai là người rất dịu dàng, nhưng bây giờ, phần lớn thời gian bà thường ngồi thừ trước cửa sổ, nhìn xa xăm. Kể cả khi cậu hai đói ngấu, khóc toáng lên, bà hai cũng không thèm để ý. Chính vì thế bà cả mới quyết định cưới vợ cho cậu hai.

Từ đó, Nương phải học cách chăm sóc trẻ sơ sinh, thay tã như thế nào, ru ngủ ra sao, cách bế làm sao để cậu hai cảm thấy thoải mái, tiếng khóc như thế nào là cậu đang khó chịu, tiếng khóc như nào là cậu đang thấy đói, tiếng khóc thế nào là cậu muốn đi xi,... Một đứa trẻ vừa mới hơn mười ba tuổi như em đã bắt đầu phải học cách làm mẹ. Bà Hạnh còn đặc biệt dặn dò Nương, em không được để cậu hai khóc to, khóc dai dẳng, vì nếu để bà cả nghe được, bà sẽ cáu gắt. Bà cả rất khó chịu với những tiếng động lớn.

Hôm đó, khi Nương đang dở tay thay tã cho cậu hai, thấy Duyên đang chơi gần đó, em mới nhờ Duyên mang chậu tã bẩn để ra ngoài cửa, để tí nữa đi giặt. Nhưng không may thế nào, Duyên lại vấp vào bậc cửa, ngã sõng soài xuống thềm. Chiếc thau đồng rơi xuống sân leng keng lộp độp, cùng với tiếng khóc toáng lên của Duyên, kinh động đến bà cả.

"Thằng Nô, con Sen đâu! Chúng mày chết hết ở đâu rồi mà để cô cả bưng chậu cho chúng mày hả!" bà cả quát, phần vì xót con, phần vì bực mình.

Thằng Nô và con Sen nghe thấy thế, hốt hoảng chạy đến, thở mạnh cũng không dám, chắp tay, cúi đầu: "Bẩm bà, chúng con đây ạ".

"Còn không mau đi mời thầy thuốc đến xem cho cô cả, đứng đấy làm gì!" bà Hiền vừa đỡ con gái dậy, phủi chút bụi bám vào gấu áo của con, vừa phủi vừa nhẹ giọng dỗ: "Mẹ thương, mẹ thương, mẹ đánh chừa cái nền đất làm con đau nhé! Để mẹ xem có bị chảy máu chỗ nào không nhé. Tiên sư cái đứa chết tiệt nào làm ngã con tôi!".

Nương nghe động tĩnh, vội quấn lại cái tã cho chồng, rồi cũng nhanh chóng ôm chồng ra xem chị Duyên bị ngã như thế nào. Vừa ra đến nơi, cũng cùng lúc nghe thấy tiếng mắng của mẹ cả.

"Con chào mẹ ạ." Nương cúi đầu, giọng nói mang theo sợ sệt.

"Chị Duyên cũng đã lớn, sắp đến tuổi cập kê rồi. Tương lai sẽ gả cho ông Chánh, ông Lý, sẽ là bà chủ, chứ không phải là người hầu của con, để con sai khiến, con rõ chưa?" bà cả liếc nhìn Nương, ánh mắt sắc như dao cau. Với tầm mắt của bà, bà chỉ nhìn thấy một đứa con gái gầy gò, ốm o, còn chưa trổ mã, quần áo cũ nhăn nhúm, lúm khúm đứng một chỗ, tay còn chật vật ôm theo một đứa bé.

"D... dạ..." giọng Nương run run.

"Nhà chúng tôi bỏ bạc ra rước con về, không phải là để nuôi báo cô! Con hiểu chưa?" bà cả hạ giọng. Nương cảm giác như từng từ từng chữ rít qua cổ họng bà, như những nhát dao, cứa vào da thịt non nớt của em.

"D... dạ, con... con hiểu rồi ạ." em cố nén nước mắt, nhưng nước mắt không hiểu sao vẫn theo khóe mắt, rơi xuống gò má, một giọt không cẩn thận rơi xuống mặt cậu hai, làm cậu giật mình khóc toáng lên. Bà cả thấy thế, càng thêm khó chịu.

"Nhanh nhanh dỗ nó nín đi! Nhức hết cả đầu!" rồi bà dắt tay con gái, đi về hướng nhà chính, để mặc Nương cùng người chồng nhỏ khóc nấc lên.

Ngoài vườn, khóm ớt chỉ thiên mới hôm qua quả còn xanh như ngọc bích, hôm nay đã chín đỏ rực, ngạo nghễ vươn thẳng lên trời.

_

Chú thích (*): Một câu ca dao, cũng là một điệu ru của Việt Nam.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro