Câu 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hãy phân tích mâu thuẫn của công thức chung của tư bản? Vì sao hàng hóa sức lao động là chìa khóa để giải quyết mâu thuẫn này?

1. Phân tích công thức tư bản và mâu thuẫn của nó
a. Định nghĩa tư bản: Tư bản thể hiện ra trước hết là một số tiền, nhưng không phải mọi thứ tiền đều là tư bản và tư bản không phải chỉ là tiền.
Tư bản là tiền hay các hình thức giá trị khác được sử dụng nhằm mục đích thu về một số tiền lớn hơn, một lượng giá trị lớn hơn, bằng cách bóc lột sức lao động của người công nhân làm thuê.
b. Công thức tư bản:
Tư bản có hai thuộc tính là sinh lợi và vận động. Sự vận động, lưu thông của tư bản được thể hiện qua công thức chung của nó là: T - H - T'.
c. Mâu thuẫn của công thức tư bản:
Trong công thức chung của tư bản, do mục đích của lưu thông tư bản là giá trị và giá trị lớn hơn, nên phải có T’ > T, △T = T’ - T được C.Mac gọi là giá trị thặng dư và ký hiệu là m.
Mâu thuẫn của công thức tư bản thể hiện ra là dường như m có được là nhờ lưu thông, nhưng lưu thông không tạo ra giá trị mà chỉ phân phối lại nó mà thôi.
Lý giải cho mâu thuẫn này là trong số những hàng hóa mà nhà tư bản mua về, có một thứ hàng hóa đặc biệt có khả năng làm gia tăng giá trị, tạo ra giá trị mới lớn hơn giá trị bản thân nó. Đó là hàng hóa sức lao động.

2. Hàng hoá sức lao động là chìa khoá để giải quyết mâu thuẫn trong công thức chung của tư bản:
a. Sức lao động: là toàn bộ các thể lực và trí lực ở trong cơ thể một con người, trong nhân cách sinh động của con người, thể lực và trí lực mà con người phải làm cho hoạt động để sản xuất ra những vật có ích.
Sức lao động chỉ trở thành hàng hóa khi: Người lao động phải được tự do về thân thể, làm chủ được sức lao động của mình và có quyền bán sức sức lao động của mình như một hàng hóa; Người có sức lao động phải bị tước đoạt hết mọi tư liệu sản xuất và tư liệu sinh hoạt trở thành “vô sản”, để tồn tại anh ta buộc phải bán sức lao động của mình để kiếm sống.
Sức lao động biến thành hàng hóa là điều kiện quyết định để tiền biến thành tư bản. Nhưng trước CNTB thì hàng hóa sức lao động chưa xuất hiện. Chỉ dưới CNTB thì hàng hóa sức lao động mới xuất hiện và trở thành phố biến.
b. Hai thuộc tính của hàng hóa sức lao động: Giá trị hàng hóa sức lao động cũng do thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất và tái sản xuất sức lao động quyết định. Muốn sản xuất và tái sản xuất ra sức lao động người công nhân phải tiêu dùng một lượng tư liệu sinh hoạt cần thiết về ăn, ở, mặc, học nghề... Ngoài ra họ còn phải thỏa mãn những nhu cầu của gia đình và con cái.
Giá trị của hàng hóa sức lao động được đo gián tiếp bằng giá trị của những tư liệu sinh hoạt cần thiết để tái sản xuất ra sức lao động. Giá trị ấy được hợp thành bởi: Giá trị những tư liệu sinh hoạt về vật chất và tinh thần cần thiết để tái sản xuất sức lao dộng, duy trì đời sống của bản thân người công nhân; Phí tổn đào tạo người công nhân; Giá trị những tư liệu sinh hoạt về vật chất và tinh thần cần thiết cho con cái người công nhân. Sự biến đổi giá trị hàng hóa sức lao động một mặt tăng lên do sự tăng lên của nhu cầu trung bình của xã hội về hàng hóa, dịch vụ, học tập, học nghề... mặt khác lại bị giảm xuống do sự tăng năng suất lao động xã hội.
Giá trị sử dụng của hàng hóa sức lao động cũng chỉ thể hiện ra trong quá trình tiêu dùng sức lao động. Nhưng khác với hàng hóa thông thường, quá trình tiêu dùng hàng hóa sức lao động lại là quá trình tạo ra một giá trị mới lớn hơn giá trị của bản thân hàng hóa sức lao động.
Nhà tư bản đã tìm thấy trên thị trường một loại hàng hoá đặc biệt, đó là hàng hoá sức lao động, mà giá trị sử dụng của nó có tính chất đặc biệt là nguồn gốc sinh ra giá trị, tức là nó có thể tạo ra giá trị mới lớn hơn giá trị của bản thân nó. Phần lớn hơn đó là giá trị thặng dư mà nhà tư bản sẽ chiếm đoạt. Chính đặc tính này đã làm cho hàng hoá sức lao động trở thành điều kiện để tiền tệ chuyển thành tư bản. Do đó việc tìm ra và lý giải phạm trù hàng hoá sức lao động được coi là chìa khoá để giải quyết mâu thuẫn trong công thức chung của tư bản. Nếu “T” của tư bản  không dùng để bóc lột sức lao động của công nhân thì không thể có “T'=T+∆T”.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro