CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Phân tích nhân vật Huấn Cao

          Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Nói đến Nguyễn Tuân là nói đến một nghệ sĩ tài hoa. Mỗi lời văn của Nguyễn Tuân đều là những nét bút trác tuyệt như một nét chạm khắc tinh xảo trên mặt đá quý của ngôn ngữ. Một trong những nét bút trác tuyệt đó là tác phẩm "Chữ người tử tù" trích trong tập "Vang bóng một thời". Nổi bật lên trong tác phẩm là nhân vật Huấn Cao. Từ đầu đến cuối, ông hiện ra như một con người phi thường, hội tụ những phẩm chất tài năng: tài hoa uyên bác - khí phách hiên ngang - thiên lương trong sáng.

          Ngay từ đầu tác phẩm, Huấn Cao đã hiện lên như ánh hào quang phủ kín cả tỉnh Sơn. Qua lời trò chuyện của viên quản ngục và thầy thơ lại, ta thấy tiếng tăm của Huấn Cao đã nổi như cồn. Cái tài được tô đậm nhất ở nhân vật này là tài viết chữ đẹp. Đó là nghệ thuật thư pháp - một bộ môn nghệ thuật truyền thống và cao siêu của dân tộc ở sự gửi gắm, kí thác toàn bộ những tâm nguyện sâu xa của mình. Mỗi con chữ là hiện thân của khí phách, của thiên lương và tài hoa. Chữ Huấn Cao thể hiện nhân cách Huấn Cao. Nó quý giá không chỉ vì được viết "rất nhanh, rất đẹp", "vuông lắm" mà còn vì ẩn sâu trong mỗi nét chữ là khát vọng tung hoành của một đời người. Chính vì thế mà có được chữ của ông Huấn đã trở thành tâm nguyện lớn nhất của viên quản ngục "có được chữ ông Huấn mà treo trong nhà là như có một báu vật trên đời". Để có được chữ Huấn Cao, quản ngục sẵn sàng đánh đổi tất cả, kể cả sự hi sinh về quyền lợi và sinh mệnh của mình. Chính cái đẹp, tài viết chữ của Huấn Cao đã cảm hóa con người, giúp viên quản ngục hướng thiện, làm đảo lộn mối quan hệ vốn đối nghịch giữa tử tù và viên quản ngục.

          Không chỉ là một người nghệ sĩ tài hoa, Huấn Cao còn là một con người có khí phách hiên ngang, tất cả đều được hiện lên từ cái nhìn của người khác. Cũng qua lời trò chuyện của viên quản ngục và thầy thơ lại, ngoài cái tài viết chữ "rất nhanh và rất đẹp" thì Huấn Cao còn có tài "bẻ khóa và vượt ngục". Đây không phải trò của bọn tiểu nhân vô lại đục tường khoét vách tầm thường mà hình ảnh một người anh hùng ngang tàng, một nam tử hán đại trượng phu. Thấy bất bình trước cuộc sống lầm than, khổ cực của nhân dân, ông Huấn đã lựa chọn con đường đấu tranh giành quyền sống cho người dân vô tội. Bị triều đình phán xét là kẻ tử tù phản nghịch, bị xử chém nhưng trong lòng những người lao động chân chính ông lại là một vị anh hùng. Tuy chí lớn của ông không thành nhưng ông vẫn hiên ngang bất khuất, lung linh tỏa sáng giữa cuộc đời.

          Trước uy quyền của nhà lao, con người ấy càng tỏa sáng. Hình ảnh: "Huấn Cao lạnh lùng, chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thang gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái..." hay thái độ khinh thường, lạnh lùng trước lời đe dọa của bọn lính lệ khiến chúng ta càng thêm nể phục. Đối với Huấn Cao, mọi sự trói buộc, tra khảo, giam cầm đều vô nghĩa. Khi được viên quản ngục biệt đãi, ông "thản nhiên nhận rượu thịt, coi như đó là một việc vẫn làm trong hứng bình sinh lúc chưa bị giam cầm", đây là một thái độ thản nhiên đến kinh ngạc. Rồi khi quản ngục khúm núm hỏi han, người tử tù khinh bạc đáp lại: "Ta chỉ muốn một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây". Lời nói của ông có thể là nguyên cớ khiến ông bị trả đũa nhưng một khi đã nói ông không hề run sợ, không hề quy phục trước cường quyền và bạo lực. Huấn Cao sừng sững suốt cả thiên truyện, như một khí phách kiên cường bất khuất.

          Huấn Cao không chỉ là một đấng tài hoa, sâu xa hơn, ông còn có một tấm lòng - đó là tấm lòng biết quý trọng thiên lương của con người. Tấm lòng biết trọng thiên lương là gốc rễ của nhân cách Huấn Cao. Ông có lúc suy nghĩ về sự tươm tất của viên quản ngục: "Hay là hắn muốn dò đến những điều bí mật của ta?". "Không, không phải thế, vì bao nhiêu điều quan trọng, ta đã khai bên ti Niết cả rồi". Những trăn trở kia chứng tỏ ông không phải là một con người vô tình, không hề hờ hững như bao người lầm tưởng. Khi nhận ra viên quản ngục là "một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ" thì Huấn Cao rất ân hận. Bằng tất cả sự xúc động, Huấn Cao đã nói: "Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các ngươi... Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ". Câu nói ấy đã hé mở cho chúng ta thấy phương châm của một nhân cách sống là phải xứng với những tấm lòng.

          Cảnh cho chữ - một cảnh tượng xưa nay chưa từng có là sự biểu hiện sống động rực rỡ của tài hoa, thiên lương và khí phách của Huấn Cao. Toàn bộ câu chuyện xoay quanh một tình huống hết sức đặc biệt. Bởi trước hết lẽ ra nó phải diễn ra ở nơi sang trọng, đàng hoàng thì nó lại diễn ra trong căn buồng giam chật hẹp, tối tăm, hôi hám, bẩn thỉu. Và người cho chữ, đáng lẽ ra phải thuộc thế giới tự do nhưng lại là tử tù sắp bị hành hình. Huấn Cao, người tưởng trừng mất đi quyền sống, "cổ đeo gông, chân vướng xiềng" đã trở nên đầy uy quyền khi "đậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh" và cho quản ngục những lời khuyên trước sự khúm núm, lun run trước viên quản ngục và thầy thơ lại. Thiên lương của Huấn Cao đang tỏa sáng, soi đường dẫn dắt quản ngục - một kẻ lầm đường lạc lối. Qua đây tác giả cũng khẳng định rằng cái đẹp có thể tồn tại ở mọi lúc, mọi nơi, chiến thắng mọi cái xấu, cái ác. Cái đẹp có thể cứu rỗi linh hồn con người, giúp con người hiểu nhau hơn, xích lại gần nhau hơn. Đó chính là giá trị nhân văn của tác phẩm.

 

        Tác phẩm thể hiện tài năng nghệ thuật của Nguyễn Tuân trong việc tạo dựng tình huống truyện độc đáo; trong nghệ thuật dựng cảnh, khắc họa tính cách nhân vật, tạo không khí cổ kính, trang trọng; trong việc sử dụng thủ pháp đối lập và ngôn ngữ giàu tính tạo hình. Tất cả đã tạo nên thành công của tác phẩm, để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người đọc.

          Trong truyện ngắn "Chữ người tử tù", Nguyễn Tuân đã khắc hoạ thành công hình tượng Huấn Cao - một con người tài hoa, có cái tâm trong sáng và khí phách hiên ngang bất khuất. Đây là tác phẩm ca ngợi chiến thắng của khí phách, tài hoa và nhân cách đối với cái xấu xa thấp hèn, là bài ca đầy cảm hứng động viên con người gắng gìn giữ "thiên lương" dù trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc đời.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro