So sánh hai đoạn thơ trong Tây Tiến - Quang Dũng và Việt Bắc - Tố Hữu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

  Trong cuộc đời ai cũng có ít nhất một niềm thương nỗi nhớ. Có lẽ vì thế mà nỗi nhớ đã trở thành đề tài quen thuộc được các nhà văn, nhà thơ ưu ái nói đến. Nếu như trong "Tây Tiến", Quang Dũng nhớ da diết thiên nhiên và con người miền Tây thì đến với "Việt Bắc", nhà thơ không chỉ nhớ về con người và thiên nhiên hùng vĩ thơ mộng, nhớ về những ngày tháng kháng chiến gian khổ, hào hùng mà hơn thế nữa là những dấu ấn tươi nguyên về những ngày chiến thắng. Trong rất nhiều nỗi nhớ đó nổi bật lên là những kí ức của Quang Dũng và Tố Hữu về những vùng đất, những địa danh đã làm nên lịch sử. Và điều đó được thể hiện rõ nhất qua hai đoạn thơ sau:
"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi."
Và:
"Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về."
II. Thân bài
1. Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm:
– Quang Dũng là một người nghệ sĩ tài hoa, vẽ đẹp, hát giỏi, thơ hay. Ông gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam vào ngày Cách mạng tháng Tám thành công, trở thành phóng viên tiền phương của báo "Chiến đấu". Năm 1947, ông được điều đi học Trường bổ túc trung cấp quân sự Sơn Tây. Sau khóa học, ông đảm nhận chức vụ Đại đội trưởng ở tiểu đoàn 212, Trung đoàn Tây Tiến. Ông tham gia chiến dịch Tây Tiến đợt hai, mở đường qua đất Tây Bắc. Cuối năm 1948, sau chiến dịch Tây Tiến, ông làm Trưởng tiểu ban tuyên huấn của Trung đoàn 52 Tây Tiến, rồi làm trưởng đoàn Văn nghệ Liên khu III.
Quang Dũng viết rất nhiều truyện ngắn và sáng tác kịch, tham gia nhiều triển lãm tranh sơn dầu cùng với nhiều họa sĩ nổi danh...nhưng thành công nhất vẫn là thơ ca. Các tập thơ tiêu biểu của Quang Dũng được bạn đọc biết đến nhiều như "Mây đầu ô", "Mùa hoa gạo"...Nhưng tên tuổi của Quang Dũng có lẽ đã gắn liền với bài thơ "Tây Tiến". Bài thơ được viết vào năm 1948, khi ông tham dự Đại hội toàn quân ở Liên khu III tại làng Phù Lưu Chanh. "Tây Tiến" là một bài thơ mang đậm nét hào hùng, bi tráng pha chất lãng mạn, hào hoa.
– Tố Hữu là lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng, với phong cách trữ tình chính trị. "Việt Bắc" là bài thơ tiêu biểu nhất của ông, thể hiện tình cảm cách mạng sâu nặng của nhân dân với cách mạng, của người cán bộ về xuôi với người ở lại và những kỉ niệm kháng chiến gian khổ mà hào hùng.
2. Cảm nhận hai đoạn thơ:
2.1. Phân tích đoạn thơ: "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!..... Mường Lát hoa về trong đêm hơi."
– 2 câu thơ đầu: gọi tên cho cảm xúc chủ đạo của toàn bộ thi phẩm. Đó là nỗi nhớ và những hoài niệm.
+ Câu thơ thứ nhất với nhịp 2/2/3, vừa như đứt quãng, vừa như liền mạch. Khi Quang Dũng nhớ về sông Mã thì ngay lập tức lại thấy nó xa rồi nên "Tây Tiến ơi" vừa như một lời gọi thiết tha, lưu luyến vừa như một cảm xúc dâng trào và nỗi nhớ đã nổi hình, nổi khối. Vì sao khi nhớ về Tây Tiến, Quang Dũng lại gọi tên sông Mã? Vì dọc con đường hành quân của họ, dòng sông Mã như một địa danh đồng hành, từng chứng kiến bao kỉ niệm, đau thương, mất mát.
+ Câu thơ thứ hai, tác giả nói rõ hơn về nỗi nhớ của mình, nỗi nhớ rừng núi và mang cảm xúc chơi vơi. Vì địa bàn hoạt động của người chiến binh chủ yếu là núi rừng hiểm trở nên hình ảnh núi, rừng đã ăn sâu vào tâm khảm những người chiến binh cho dù đã xa Tây Tiến. Còn nỗi "nhớ chơi vơi", đó là trạng thái cảm xúc mông lung, không định hình rõ rệt. Nhất là hai chữ "chơi vơi" ấy phối hợp với chữ "rồi", "chữ "ơi" ở câu trên tạo nên một thứ hòa âm của nỗi niềm thao thức, nó cứ lan tỏa mênh mông. Những tình cảm này cũng từng được cha ông ta nói đến trong ca dao như là nỗi nhớ chơi vơi, sự bâng khuâng, xao xuyến: "Ra về nhớ bạn chơi vơi".
+ Cả hai câu thơ cùng kết lại trong vần "ơi", "chơi vơi". Nó vẽ lên điều gì đó như xa xôi, như mất mát. Cảm xúc của tác giả như hụt hẫng, chới với vì Tây Tiến lúc này chỉ là quá khứ. Từ nỗi nhớ và tiếng vẫy gọi của tác giả làm cho Tây Tiến như một sinh thể có hồn, đang chuyển tải cảm xúc của nhà thơ Quang Dũng.
– 2 câu thơ tiếp theo:
+ Sài Khao, Mường Lát là những địa danh rất quen thuộc của Tây Bắc góp phần gợi nỗi nhớ chơi vơi. Hình ảnh Tây Bắc hiện lên trong câu thơ mịt mù và cả mệt mỏi, gian khó của đoàn quân như lẫn vào sương. Bên cạnh cái gian khổ lại pha một chút rất thơ, có vẻ như huyền hoặc mà có thật:
"Mường Lát hoa về trong đêm hơi."
+ Câu thơ rất độc đáo, "hoa về" chứ không phải là hoa nở, "đêm hơi" chứ không phải là đêm sương. Vì nhìn từ xa, đoàn quân Tây Tiến hành quân về Mường Lát mang theo những ngọn đuốc giống như một dòng sông hoa lung linh, ẩn hiện trong đêm sương mờ ảo. Đọc đến đây, cái "mỏi" của đoàn quân dường như tan biến. Quang Dũng thật tài tình khi viết một câu thơ hầu hết là thanh bằng, lâng lâng, chơi vơi như sương, như hoa, như hồn người. Bên cạnh cái khắc nghiệt của núi rừng, nguy hiểm của chiến tranh là những giây phút người lính thả hồn đầy lãng mạn. Đó cũng là chất thơ toát lên từ hiện thực cuộc chiến, rất đặc trưng cho hồn thơ tài hoa của Quang Dũng.
2.2. Phân tích đoạn thơ: "Nhớ gì như nhớ người yêu..... Sớm khuya bếp lửa người thương đi về."
– Nỗi nhớ đằm thắm, sâu nặng của người cán bộ kháng chiến dành cho Việt Bắc, trong đó chan hòa tình nghĩa riêng chung.
– Đoạn thơ là nỗi nhớ người, nhớ cảnh Việt Bắc – mảnh đất gắn bó máu thịt với người cách mạng. Không phải thể hiện một cách chi tiết nỗi nhớ, Tố Hữu sử dụng hình ảnh so sánh hết sức độc đáo "nhớ gì như nhớ người yêu". Nhà thơ đã lấy nỗi nhớ trong tình yêu làm thước đo giá trị để cắt nghĩa, lí giải cho tình cảm cán bộ đối với nhân dân. Vì thế, đó không phải là nỗi nhớ của ý thức, của nghĩa vụ mà là nỗi nhớ của hai trái tim yêu, của tình cảm chân thành.
– Câu thơ "Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương" thể hiện hai nửa thời gian của nỗi nhớ: vế đầu là thời gian đêm trăng, vế sau là thời gian buổi chiều lao động. Thời gian như chảy ngược, nỗi nhớ đi từ gần tới xa. Để rồi tình yêu như chuyển thành nỗi nhớ trong tình cảm gia đình. Toàn không gian núi rừng Việt Bắc được gói gọn trong không khí gia đình ấm áp tình thương:
"Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về."
Hiện lên trong nỗi nhớ là một Việt Bắc thân thương, đẹp bình dị mà thơ mộng với nhịp sống êm đềm. Hình ảnh "bếp lửa" là một hình ảnh nhiều sức gợi. Nó cho thấy con người Việt Bắc ấm áp, giàu yêu thương đồng thời thể hiện tình cảm chứa chan, nồng nàn mà người cán bộ cách mạng dành cho con người nơi đây mỗi khi nhớ về. Tình cảm quân dân kết tinh trong ngọn lửa thiêng liêng bất diệt ấy.
3. So sánh – đối chiếu:
– Điểm giống nhau:
+ Đều thể hiện nỗi nhớ gắn với một vùng đất cụ thể.Nếu như nỗi "nhớ chơi vơi" của Quang Dũng gắn với địa danh Tây Tiến thì nỗi "nhớ người yêu" của Tố Hữu gắn chặt với không gian Việt Bắc.
+ Ngôn ngữ thơ giản dị, mộc mạc, đầy ý nghĩa.
– Điểm khác nhau:
+ "Tây Tiến": sử dụng một loạt các tên địa danh để cụ thể hóa nỗi nhớ, sử dụng khéo léo bút pháp lãng mạn khi viết về hiện thực. Thể thơ 7 chữ điêu luyện.
+ "Việt Bắc": nêu rất nhiều không gian (đầu núi, lưng nương, bản, bếp lửa), thời gian khác nhau (trăng lên đầu núi, nắng chiều, sớm khuya), thể thơ lục bát làm cho nỗi nhớ đậm chất dân gian.
– Nguyên nhân của sự khác biệt:
+ Lí giải từ hoàn cảnh sáng tác và phong cách nghệ thuật của từng nhà thơ.
III. Kết bài
– Hai đoạn thơ đều diễn tả những nỗi nhớ rất sâu đậm về một địa danh cụ thể gắn với một vùng đất chan chứa kỉ niệm. Dù là nỗi nhớ chơi vơi hay nỗi nhớ người yêu thì chúng ta đều nhận thấy mức độ sâu nặng trong tình cảm nhớ thương của hai nhà thơ. Họ không chỉ nhớ về một nơi cụ thể mà đó còn là nơi cất giấu những kỉ niệm, những ân tình kháng chiến, những gian khổ đã từng trải qua và hơn thế nữa còn là tình cảm quân dân gắn bó. Từ đó, có thể coi "Tây Tiến" của Quang Dũng và "Việt Bắc" của Tố Hữu là hai bài thơ trữ tình đặc sắc trong nền thi ca cách mạng. Thông qua cách thể hiện nỗi nhớ rất riêng biệt của từng nhà thơ, chúng ta thấy được cá tính sáng tạo đặc biệt của họ và điều đó tạo nên dấu ấn lâu bền trong lòng người đọc.  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#văn12