Đau thương tan biến

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Xin chào, tôi là học sinh giỏi. Năm tuổi đã thuộc lòng bảng chữ cái, luyện thành thục nét móc ngược, móc xuôi; sáu tuổi đọc vanh vách những đoạn trích ngắn trong sách giáo khoa; tám tuổi là người đầu tiên đàn hoàn chỉnh một bài nhạc trong lớp, được mọi người tung hô ca ngợi; mười ba tuổi đạt giải nhất tiếng Anh cấp tỉnh; mười bảy tuổi tham gia cuộc thi tìm kiếm tài năng, thành công thu hút sự chú ý của truyền thông bằng những nốt nhạc trầm bổng; mang cái danh "con người ta" suốt mấy năm trung học. Tương lai của tôi tưởng chừng chỉ toàn một màu hồng, người ta cho rằng thiên tài như tôi con đường rộng mở không chút gập ghềnh.

Và cuộc đời tôi hoàn toàn khép lại bằng một cái nắp quan tài như bao người khác ở năm mười tám tuổi. Tôi tự sát, đằm mình xuống con sông yên ả để dòng nước ấm áp ấy gột rửa áp lực bủa vây tôi. Khuôn mặt tôi vốn đã trắng bệch, lúc đó trông càng nhợt nhạt hơn. Cái chết đến với tôi thật dễ dàng, biết thế tôi đã không đắn đo giữa việc cắt tay và uống thuốc ngủ, chết đuối là một sự lựa chọn hoàn hảo.

Mẹ tôi khóc rất lớn, ruột gan quặn thắt vì đau khổ. Bà ấy đã mất đi con gái, người mà bà đã vô cùng kì vọng, tự hào và cũng là một con vật chịu sự điều khiển của bà suốt bao nhiêu năm. Bà gào lên trong vô vọng, từ nay có lẽ không còn ai khiến cho bà nở mày nở mặt nữa rồi.

Tôi hóa thành hồn ma, chăm chú nhìn bác sĩ khênh xác mình đi. Mẹ nắm chặt đôi tay lạnh ngắt của tôi, muốn truyền chút hơi ấm nhưng vô dụng. Cha đã mất từ khi tôi còn rất nhỏ, nhỏ đến mức khi ông ra đi tôi vẫn còn nằm trong lồng ấp. Vì thế mà trong nhà chỉ có tôi với mẹ và nó khá là cô quạnh.

Nhà tôi không dư giả gì, mẹ phải làm hai công việc cùng lúc mới có thể đủ tiền cho tôi ăn học. Sáng bà đi dạy học, chiều về lại ngồi vào máy may thâu đêm suốt sáng. Đừng tưởng làm giáo viên sẽ khấm khá, trông chờ vào đồng tiền lương bèo bọt đó với cường độ học thêm dày đặc của tôi, hai mẹ con chỉ có hít gió Tây để sống.

Mà lương công nhân cũng chẳng nhiều hơn là bao, may nghìn cái váy mới kiếm được vài trăm bạc, khỏi nói khổ cực tới mức nào. Thế nhưng mẹ sẵn sàng cho tôi đi học bất cứ lớp nào mặc kệ học phí trên trời, sẵn sàng bỏ ra chục triệu mua một cây đàn và bắt tôi đến lớp học thêm hàng ngày.

Tôi là một cô bé có đầu óc cực kỳ bình thường nhưng chẳng hiểu sao trong mắt mẹ, tôi trở thành đứa trẻ có thiên phú ở mọi mặt. Mỗi ngày tôi đều có lịch học thêm, không Toán thì Anh, không Hóa thì Lý. Mệt nhoài cả ngày nhưng đến tối, bài tập các môn lại đè bẹp ham muốn nhảy lên chiếc giường mềm mại của tôi. Tôi thường xuyên phải nuốt vội cái bánh mì không rồi vội vàng đi học, đồ ăn còn chưa trôi xuống dạ dày thì tôi đã yên vị nghe giảng trong lớp. Hơn một giờ mới học xong khiến tôi không còn tâm trạng xử lý cơn đói mà đã chìm vào giấc ngủ. Chính vì thế mà mẹ tôi tiết kiệm được một miệng ăn.

Ban đầu, mẹ hướng tôi theo Toán để phát triển toàn diện. Nhưng chẳng biết dũng khí ở đâu ra, tôi một mực bước chân lên con đường Hóa học. Bà cay nghiệt, chì triết tôi không hiểu chuyện, không nghe lời, cấm tôi đến lớp học ôn Hóa. Tôi trốn được, thành công ghi tên trong danh sách học sinh giỏi. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôi đứng lên đấu tranh vì quyền lợi của bản thân, bắt con người kia phải thỏa hiệp.

Cạnh nhà tôi là một gia đình khá giả có đứa con chạc tuổi tôi, đó là một cực hình kinh khủng mà đến lúc chết tôi vẫn ước bản thân không còn được thấy cái cổng to lớn kia mỗi khi đi học. Sự miệt thị, so sánh đã khiến tự tin trong tôi mất dần, từng chút từng chút để bà nắm trong lòng bàn tay.

Với người ngoài, mẹ luôn miệng khoe khoang con bà tài năng ra sao, ngoan ngoãn thế nào nhưng khi trở về nhà, bà cho rằng tôi vô cùng kém cỏi, cần phải cố gắng hơn nhiều. Bà đặt tôi và con người ta lên bàn cân, đong đếm xem tôi có thua họ phân nào không để biết đường mà chửi rủa cho tôi khắc phục.

Thật nực cười làm sao!

Bà cô nhà bên sống như một tiểu thư, mười ngón tay thon gọn, trắng bóc khác hẳn với đôi bàn tay chai sạn, đầy vết thương của mẹ tôi. So sánh thế này thật là kệch cỡm, tuy vậy bà vẫn không ngừng tìm sự tương ứng giữa mình và người ta, bụng đầy đố kị.

Tôi không thể đấu lại bà, con tôi có thể!

Bỗng chốc những đứa trẻ như chúng tôi biến thành vũ khí của các bà mẹ trên bàn trà, công danh thành tích phù phiếm có thể cân đo được nhân cách con người, chỉ cần học giỏi thì trong mắt người lớn đều là đứa bé ngoan, hiểu chuyện.

Đôi khi tôi vô tình nhìn thấy người bạn nhà bên. Ánh mắt lờ đờ, thiếu sức sống ấy không nên có ở cậu ấy, tôi nhớ nụ cười như gió xuân của cậu trong lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau, tôi tiếc thương con người hồn nhiên, tinh nghịch ấy bị chèn ép bởi nền giáo dục nặng nề. Tôi muốn khuyên nhủ cậu nhưng bất giác ngắm mình trong gương, quầng mắt thâm đen khiến tôi chẳng thốt nên lời.

Mỗi khi mẹ từ căn hộ giàu có đó về nhà trở thành nỗi ám ảnh vô hình của tôi. Bà nghe lời giới thiệu, mua hàng tá sách tham khảo về. Nếu tôi không làm hết, đòn roi sẽ là hình phạt. Nếu như tôi hoàn thành, sách lại tiếp tục đập vào mặt, tôi dần quen với cái mùi hóa học của sách mới.

Sau khi đỗ thủ khoa vào trường chuyên, mẹ hãnh diện lắm. Bà đi khắp nơi nhận lời chúc, chỉ hận không thể cho toàn thế giới biết con bà tài năng tới mức nào. Để đổi lại phút giây vui vẻ ấy là bao đêm thức trắng, những lần ngủ gục trên bàn học đến trẹo cổ, và cả nước mắt khốn khổ chảy ngược vào trong tim.

Làm người đứng đầu không hề sung sướng như chúng ta tưởng tượng. Lần đầu tiên chập chững bước chân vào cấp ba, bao ánh nhìn đều đổ dồn vào tôi. Họ tán thưởng, đố kị, soi mói đời tư. Cái mác "học sinh nghèo vượt khó" được gắn lên đầu tôi, dường như họ quên hẳn tên thật mà gọi tôi bằng thứ danh ấy. Chỉ cần rớt hạng là trở thành chủ đề đàm tiếu, họ dùng bộ não nông cạn phán đoán rằng tôi tự kiêu với kết quả đạt được, chểnh mảng học hành, thủ khoa cũng chỉ đến thế.

Tôi biết nếu bản thân lơ là một chút, hàng chục con người ở phía sau sẽ nhảy lên cướp giật vị trí số một này. Họ hóa thú vật để kiếm niềm vui thỏa mãn sĩ diện của người thân. Tôi cũng vậy mà thôi, chẳng khác gì họ!

Ánh mắt thất vọng cùng đòn roi vắt kiệt sức lực, thế mà trong lòng tôi lại thất day dứt vì phụ sự kì vọng của mẹ, của bạn bè. Ha, tôi quên mất bản thân đến một người tâm sự cũng không có, lấy đâu ra tri kỉ để tin tưởng?

Chà, mỗi mảng học hành chưa đủ làm vừa lòng mẹ. Một con người hoàn thiện cần thêm yếu tố âm nhạc, lịch học đàn xuất hiện trên thời gian biểu của tôi. Lúc đầu tôi cảm thấy trời đã độ mình một lần, tôi yêu những nốt nhạc, tiếng đàn sẽ là thứ giải tỏa căng thẳng sau một ngày học tập mệt mỏi.

Nhưng có vẻ tôi lầm.

Tôi vốn chẳng thích nhạc cổ điển chút nào, hiện đại và nhạc đệm mới là thứ tôi say mê. Nhưng khi nghe thầy nói rằng khi tham gia cuộc thi lớn, một bản sonata nhẹ nhàng sẽ chiếm ưu thế rất lớn, mẹ thẳng tay gạt bỏ ý kiến tôi sang một bên và quyết định cho tôi theo chân âm nhạc của Beethoven hay Mozart.

Mu bàn tay tôi khá nhỏ, ngón tay cũng không được dài. Khổ luyện một thời gian dài tôi mới có thể lên được quãng tám. Khi tôi tập thử bản "Sonata Ánh Trăng", thầy giáo phàn nàn rằng tay tôi không đủ to lên được quãng chín, chưa thể hiện được cái hay của bản nhạc. Một lời nói bâng quơ đó khiến tâm mẹ lại nhức nhối, bà đưa tôi về nhà và thực hiện biện pháp thô sơ nhằm khiến bàn tay tôi dài hơn.

Nếu như thầy tôi biết sự việc này, chắc sẽ đau lòng chết mất. Dù gì thì tôi vẫn là con cưng của thầy mà. Thầy từng khuyến cáo tôi chọn lựa những bản nhạc phù hợp và có ý định đổi thể loại học vì thấy tôi không hứng thú với nhạc cổ điển. Thầy nói tiếng đàn của tôi không có điểm riêng biệt, giống như hoàn toàn sao chép lại bản nhạc chứ chưa cảm nhận nó bằng trái tim mình. Mỗi nốt nhạc cất lên đều không có cảm xúc, vô hồn như một con rối.

Nhưng mẹ vẫn nhất quyết từ chối thầy! Tay tôi bị rạn xương, đau nhức rất lâu. Thầy biết tôi không khỏe liền cho nghỉ dưỡng sức tại nhà, giá như lúc đó tôi cầu xin ông ấy cho tôi đi học tiếp thì đã không phải vào viện chỉnh hình.

Mẹ tôi xót lắm, nhưng không phải xót con gái mà là sợ đôi tay hỏng rồi, tiền đồ bị ảnh hưởng thì giấc mơ thoát nghèo mà bà hằng tâm niệm sẽ trôi vào dĩ vãng. May sao cuối cùng tay tôi cử động được trở lại nhưng, trái tim đang dần chết đi.

Tôi nhìn khuôn mặt già nua theo năm tháng, vết chân chim hiện rõ trên mặt mẹ, những lời từ chối nơi đầu môi bật không thành tiếng. Mẹ đã vì tôi làm nhiều rồi, tôi vì cớ gì mà không hi sinh?

Năm lớp mười hai, một chàng trai đã theo đuổi tôi. Cậu ta khiến tôi nhớ tới người bạn năm xưa, giờ đây cậu ấy đã khác nhưng dấu ấn của mối tình đầu vẫn chưa hề phai nhạt. Tôi tìm kiếm bóng hình cậu ở người khác, ngộ nhận rằng đó là mẫu người hoàn hảo mà tôi muốn.

Cậu bạn cùng lớp ấy dễ thương đến mức tôi phải ghen tị. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, qua đó tôi có thể thấy được sự thanh khiết và chân thật của cậu. Tôi yêu những con người trong trắng, không bị muộn phiền cuộc sống bủa vây. Chỉ khi ở cạnh họ mới thanh tẩy phần nào bùn đen xung quanh tôi.

Cậu vô tư mỉm cười, mỗi giờ ra chơi đều chạy tới bên pha trò chọc tôi cười, cùng tôi gồng gánh áp lực học tập. Giữa tôi và cậu dần nảy sinh tình yêu nam nữ, một tình yêu hoàn toàn thuần khiết không nhiễm chút dục vọng.

Chúng tôi đơn thuần như thế, tình cảm học trò đẹp đẽ như vậy bị mẹ lạnh lùng bóp nát thành mảnh vụn.

Khi đột nhiên đến đón tôi sau giờ tan tầm, bà thấy con gái cùng một thanh niên lạ tựa đầu vào nhau, tức giận hét lớn. Tôi lúc ấy chỉ vì kiệt sức mới mượn bờ vai cậu chợp mắt vài phút nhưng trong mắt mẹ, chúng tôi đang làm loại chuyện ô nhục không thể nêu tên. Con thú trong nhân cách bà trỗi dậy, chẳng nghe lọt lời giải thích mà túm tóc tôi lôi về nhà.

Tôi vừa phẫn nộ vừa nhục nhã, thầy giáo và cậu ấy vẫn còn ở đó, chứng kiến tất cả!

Thế nhưng, tôi chưa kịp bày tỏ sự phản đối thì những cú bạt tai như trời giáng xuống mặt tôi. Dường như mẹ trút hết sức bình sinh, miệng tôi tỏa ra mùi tanh nồng. Nhân lúc cơn giận lên đến đỉnh điểm, bà tuôn ra mọi lời cay độc nhất để chửi rủa con gái mình. Lời nói còn sắc hơn dao, từng chiếc đâm vào trái tim tôi.

Thường ngày, tôi vẫn luôn nghe những lời chê bai nên tưởng rằng bản thân đã sớm quen, luyện thành không cảm xúc. Vốn cho rằng bản thân đã tạo thành vỏ bọc tránh khỏi đau thương, nào ngờ trái tim tôi vẫn rỉ máu bởi lời sỉ vả.

Hồi ức ùa về trong tâm trí, không gian quanh tôi bỗng ngưng đọng...

Ngày bé, tôi thích chơi búp bê nhưng đổi lại yêu cầu của tôi là cuốn sách dày cộp.

Ngày bé, tôi từng mơ thấy một con thú hoang bị cầm tù trong lồng giam. Nó cố vùng vẫy và chết đi trong vô vọng. Giấc mơ ấy như tạc vào tâm trí khiến tôi luôn nhớ mãi.

Ngày bé nhìn lũ bạn chơi đùa, tôi khao khát được cùng chúng nó tắm dưới ánh mặt trời. Nhưng "cuộc sống tốt đẹp và nghề nghiệp ổn định" đã níu giữ bước chân tôi. Mẹ nói rằng khi làm xong bài tập sẽ thả tôi đi nhưng những trang giấy chằng chịt chữ ấy như có phép thuật bất tử vô hạn, tôi chẳng thể kết thúc được nó.

Còn vô vàn điều tôi muốn nói, khép lại bằng một câu hỏi: "Mẹ có từng hiểu con không?"

"Tao quá hiểu mày rồi. Con ch* lười biếng, mày chỉ biết thỏa mãn thú vui nhất thời mà quên đi tương lai. Mày bắt đầu sa đọa, phản nghịch rồi phải không? Có phải tao răn đe chưa đủ? Hả?"

Mỗi từ thốt ra đều kèm theo cú tát vang dội, tôi lặng im nhìn chăm chú vào mẹ. Tôi muốn nhìn thật kĩ, khắc sâu hình ảnh người này vào tâm trí để đến khi lên thiên đàng, bằng mọi giá tôi sẽ cầu xin thượng đế thương xót đừng cho tôi gặp lại bà nữa.

Không cần giàu sang, không cần quyền quý cũng chẳng muốn được bao bọc thái quá, tôi chỉ cần tự do, làm những điều bản thân yêu thích. Tôi muốn hóa thành chú chim, sải cánh trên trời cao, có thể đi đến bất cứ đâu, làm bạn với bất kì ai mà không phải chịu kìm hãm của xiềng xích.

Cái chết có phải là một sự giải thoát?

Trời mưa tầm tã, tôi lao ra ngoài với ý nghĩ kia trong đầu. Hạt mưa làm nhòe mắt tôi, bỗng chốc tôi chưa xác định được phương hướng. Ngoài kia có thứ gì đó tôi ước ao, tôi cảm giác được điều ấy. Băng qua mọi nẻo đường, tôi không biết bản thân đang đi đâu. Đôi chân không hề dừng lại mặc tiếng gọi trở về văng vẳng bên tai, tôi cứ chạy mãi, chạy đến lúc sức cùng lực kiệt, trượt dài trước cây cầu quen thuộc.

Tôi biết mẹ sẽ không đuổi theo. Vô số lần tôi muốn bỏ nhà đi bụi nhưng đều trở về sau hai ba ngày, riết thành quen nên bà chẳng hề nao núng hay lo sợ, quyết không nhượng bộ mà bắt tôi theo ý bà.

Cây cầu hôm nay vắng vẻ lạ thường. Những chiếc đèn vẫn hoạt động như thường, tỏa ra ánh sáng lung linh soi tỏ con người đang nhầm lẫn bước vào con đường đen tối. Tôi mặc nước mưa rửa trôi nước mắt, tự hỏi nếu bây giờ tôi trở về, mọi chuyện vẫn sẽ đi vào guồng quay như trước, cuộc sống của tôi lại tiếp tục chịu sự quản thúc của mẹ?

Tôi muốn chết!

Tôi thật ích kỷ. Nhưng chỉ lần này nữa thôi, lần cuối cùng tôi được tự chủ cuộc đời, lần cuối cùng tôi vì chính mình mà làm một cái gì đó.

Đứng trên lan can, một cơn gió mạnh quật xuống cơ thể nhỏ bé của tôi. Dường như, ông trời đang khuyên tôi hãy nhảy xuống, hãy về với ông ấy, ông sẽ che chở cho tôi chăng?

Tai tôi ù đi, tay buông thõng để rơi tự do giữa không trung. Trước khi bị nhấn chìm bởi dòng nước lạnh lẽo kia, tôi nghe thấy tiếng thét vang dội khắp một khung trời.

[...]

Tôi sống lại trong hình dáng linh hồn, phiêu đãng mọi nơi. Được nhìn thấy những văn hóa độc lạ, thiên nhiên kì bí khiến tôi nhận ra lúc còn là người, hiểu biết của mình quá ít. Tôi có thể len lỏi khắp ngóc ngách mà không ai phát hiện, coi cấm địa là một chuyến phiêu lưu kì thú.

Đất nước phồn thịnh, hào nhoáng là vậy nhưng ở nơi tối tăm khác, ánh đèn rực rỡ chẳng thể chiếu tới những con người nghèo hèn. Họ sống lay lắt trong khu ổ chuột, cạnh ống cống hôi thối và làm bạn cùng rác rưởi. Lúc ấy tôi mới nhận ra thời đại này vẫn có người chết vì đói khát.

Thỉnh thoảng tôi nhìn thấy các cụ già neo đơn tụ thành một đám dìu dắt nhau vượt qua đêm đông giá rét. Hoặc là những kẻ ăn mày côi cút ngửa tay xin từng đồng, thế nhưng con người vì bộn bề cuộc sống mà lạnh lùng lướt qua họ, không chút vướng bận. Hay mấy gã nghiện hút, sa vào tệ nạn xã hội. Chúng phục sẵn ở hẻm nhỏ, chờ đợi con mồi là các cô gái trẻ trung sa vào bẫy rồi tóm gọn. Đôi bàn tay dơ bẩn của chúng đã hủy hoại biết bao tương lai tươi sáng, vậy mà tôi chỉ có thể đứng đó và nhìn, chẳng thể hét lên cầu cứu hay giải thoát cô ấy khỏi nghịch cảnh.

Tôi muốn trao họ cái ôm, tiếc rằng tôi là linh hồn.

Có đôi lúc, tôi quay trở về ngôi nhà ấy. Mẹ vẫn vậy, vẫn phải mưu sinh, vẫn phải sống. Chỉ là trong mắt chẳng còn ánh cười nữa, bà của hiện tại giống như tôi của quá khứ - một con robot hoạt động theo lập trình từ trước. Mỗi khi tôi theo chân bà lúc tan ca, bóng đêm phủ lên bóng hình cô độc, bỗng dưng tôi lại cảm thấy xót xa vô cùng.

Tôi quên mất, mẹ đã già rồi...

Đối mặt với căn phòng yên ắng, bà vuốt ve di ảnh của tôi, khóc không thành tiếng.

Chợt nhận ra, mẹ cũng như bao người tôi gặp, gánh nặng kinh tế đè lên đôi vai nhỏ gầy, vì sinh tồn mà không ngần ngại bán đi sức khỏe.

Chợt nhận ra, đám học sinh kia không ngoan ngoãn như tôi tưởng. Chúng coi thường môn phụ, không học mà chỉ mải chơi đùa. Mẹ hét khàn cổ cũng chẳng kéo lại một phút yên lặng trong lớp học. Bà bất lực.

Chợt nhận ra, công nhân ở nhà máy chèn ép mẹ, bà chỉ có thể nhận hàng tồn đọng về nhà làm, giá cả bèo bọt.

Chợt nhận ra, mẹ đã giúp tôi che chắn giông bão cuộc đời, bà đã làm rất tốt.

Thế nhưng, nếu như bà không coi trọng thành tích học tập, không quan tâm đến lời bình phẩm của người khác, không để đố kị che mờ mắt, có lẽ tôi sẽ chẳng đi tới bước đường này.

Chúng tôi có thể nắm tay nhau cùng về nhà, cùng nấu cơm, san sẻ nỗi niềm như những người bạn, yên bình trải qua những ngày tháng hạnh phúc. Bà ngắm nhìn tôi trưởng thành mỗi ngày, nắm tay tôi bước lên lễ đường, nghe lời hẹn ước một đời của mục sư.

Một luồng sáng bao bọc lấy tôi, tiếng nói thân thuộc vang lên: "Con gái, đến lúc về nhà rồi."

[End]

29/07/2021
#Lean

---

Đôi lời của tác giả: Tôi đặc biệt dành tặng oneshot này cho EirlysAgnes . Cô ấy đã giúp tôi rất nhiều và tôi nghĩ bản thân cần có gì để đáp lại cô ấy.

Tôi muốn gửi đến em một nụ cười đẹp nhất và vài dòng yêu thương: 

Đừng giống cô bé trong truyện nhé! Cô còn rất nhiều người bên cạnh, tui chẳng hạn, sẵn sàng nghe cô tâm sự về những chuyện khùm đin trong cuộc sống. Tui với cô tính ra quen nhau cũng không lâu lắm nhưng cảm ơn vì những việc cô làm cho tui. Oneshot không mang tính động viên, chỉ là ngẫu hứng tui muốn tặng cô thôi. Văn còn phèn trúa, mong cô không chê. Mỉm cười đón nhận những điều đẹp đẽ nhất, đừng để lời bình phẩm của người ngoài ảnh hưởng đến cô. Hãy làm việc mình thích, cho phép bản thân nghỉ ngơi, thành tích chỉ là thứ phù du, người ngoài cũng vậy. Cô rất giỏi ý, cùng thời điểm bắt đầu tập design với tui mà bây giờ cô đã hơn tui rất nhiều luôn rồi. Zui zẻ hong bao giờ quạo ngheee :3 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro