lạc lối

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tuổi niên thiếu vài năm cuối cấp của tôi chỉ gói vỏn vẹn trong những buổi đêm tịch mịch, cùng gió rít, tiếng động cơ motor và đương nhiên, gồm cả em nữa. Buổi đêm là khi tôi trốn ra khỏi nhà, leo lên motor và chạy lòng vòng trên những con đường Sài Gòn sáng điện, tìm kiếm cái gì đó thoải mái để bản thân chẳng cảm thấy bị ràng buộc bởi một cái hiện thực cuộc sống không mấy vui vẻ. Trên đoạn đường dài, nơi hòa cả thân thể vào khung cảnh điềm nhiên, cô đơn ôm trọn lấy những khát khao cuộc đời mà có lẽ tôi không bao giờ với đến, quá sợ mà cũng quá khó. Tôi ghét những cái bạt tai cùng tiếng quát tháo của bố, nhớ những lời ru cũ kĩ với nụ hôn yêu thương lên trán của mẹ, và tôi muốn cho mình một cuộc đời chẳng hối tiếc, ấy nhưng khi những con đường tối dần, tôi biết mình bước vào ngõ cụt.

Bà ngoại tôi bảo, tôi ngỗ nghịch, tôi mang hoài bão âm ỉ trong lòng tựa những đợt sóng cuộn trào y như mẹ tôi của một thời tuổi trẻ. Bà kể, mẹ tôi có chấp niệm với những khung tranh, với bột màu và những tờ giấy trắng, mẹ vẽ suốt ngày, dù là nhà khi ấy vốn bần cùng mẹ cũng gắng miết tờ giấy vở, xé làm hai để có cái viết, cái vẽ. Mẹ tôi có năng khiếu, nét vẽ của mẹ đẹp, mảnh mảnh theo từng nét chì đen hạ xuống nền giấy, chỉ để có tiền mua dụng cụ vẽ, mẹ tôi lam lũng đi nhận cấy thuê cho bao nhiêu người, đôi khi mệt và nản nhưng cái nét cười mỗi khi cầm lên những cây bút vẽ của mẹ khiến bà tôi như quặn cả tâm can, đứa con gái ngu ngốc của bà với cái chấp niệm đẹp đẽ. Mẹ tôi khi ấy mơ một ngày vào được đại học mỹ thuật để tiếp bước cái đam mê chẳng dứt với vẽ nhưng rồi bố tôi xuất hiện cũng là khi giấc mơ ấy được mẹ xếp gọn lại cất vào ngăn tủ cũ nơi đầu giường, khóa đi và chẳng bao giờ nhìn đến nữa. Bố mẹ tôi yêu nhau đến ngây dại, chuyện tình của họ là những buổi trưa nắng vàng giòn rụm, phủ lên hai mái đầu ngồi cạnh nhau bên hiên đình. Gia đình bố tôi giàu, khi ấy và hiện tại vẫn vậy, nhưng mẹ tôi chẳng sợ cái tiếng tham lam, mẹ bỏ lại cái làng quê hương lúa ấy, bỏ lại cái cuộc sống bần cùng, mang theo gia đình vào Sài Gòn, để rồi khi khá khẩm hơn, bố tôi đã có thể lấy mẹ tôi mà chẳng gặp những trở ngại từ nhà nội. Tuy vậy, mẹ mãi mãi bỏ quên cái giấc mơ xưa cũ cùng thanh xuân nhiệt huyết năm nào, thu mình lại làm một người phụ nữ mẫu mực của gia đình và xã hội.

Rồi tôi được sinh ra, với cái tên Lý Đế Nỗ và danh chức cậu ấm giữa nhung lụa ấm êm, gia đình tôi khoảng thời gian ấy vui vẻ nhất, nhưng cũng không ai ngờ, nó sẽ một đi chẳng trở lại. chữ "Đế" trong tên tôi là do bố đặt, nghĩa là đế vương, bố muốn tôi sau này có thể vang danh, đứng trên đống tiền mà có lẽ cái trọng trách vô hình ấy đã hiện thực được một nửa ngay từ khi bắt đầu. "Nỗ" là mẹ tôi đặt, mẹ cho tôi một điều là nỗ lực, mẹ muốn tôi có thể hết mình để giành lấy ước mơ cũng như cuộc sống tốt đẹp sau này. Nhưng cuối cùng mẹ bỏ tôi đi trong một chiều mưa buồn, bệnh ung thư của mẹ di căn dần, vào cái khoảnh khắc trước khi trút hơi thở cuối, mẹ ôm lấy tôi, thì thầm bằng cái giọng khàn khàn và hai hàng nước mắt chảy dài, mẹ dặn tôi một câu duy nhất. "Sau này, cho dù thế nào cũng đừng để bản thân bước lạc lõng giữa những lựa chọn". Ngày đưa tang mẹ, tôi quằn quại cạnh hòm chứa thi thể, mắt nhòe đi đến mức chẳng thể phân biệt được gì nữa, mười đầu ngón tay miết chặt lấy nắp hòm, tôi gào lên giữa cái tuyệt vọng tột cùng, tôi chẳng cho ai mang mẹ đi cả, đến mức họ hàng hùa nhau giữ lấy tôi để hoàn thành việc đưa tang. Quãng thời gian còn lại tôi là kẻ dở kẻ điên, rồi lạc bước dần khỏi quỹ đạo hoàn hảo mà bố mẹ đã đặt ra.

Bố đã phản bội tôi, phản bội mẹ và hơn cả là phản bội lời thế nguyện ước mười mươi năm trước bố từng nói. Tựa như chỉ mới hôm qua khi cái sự thật rằng một ả đàn bà nào đó đã dần thay thế đi cái trọng trách của mẹ đối với bố lộ ra trước mắt tôi, người ta bảo mẹ đã biết và mẹ nén chặt đi những tủi hờn, những oán trách lầm than ấy, gánh trên vai hạnh phúc của một mái ấm đáng mơ tưởng, nhưng rốt cuộc sẽ chẳng đi đến đâu cả. Cái phận đàn bà bạc bẽo tựa như đã khẽ khàng len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc đời mẹ tôi, hiện hữu dần trên từng nhịp thở, khiến một người đàn bà sắc hương phải khoác lên mình cái vẻ đượm buồn chôn sâu nơi đáy mắt. Những buổi đêm mẹ lủi thủi một mình, có lẽ mẹ cũng từng quẩn bách, mẹ cũng từng rơi nước mắt như bao người. Hổ thẹn hơn cả là tôi chỉ biết chuyện khi mẹ đã bước đến bên kia của vòng luân hồi, quan hệ bố và tôi vốn lạnh nhạt rốt cuộc đã trở thành không thể cứu vãn. Từng cú đánh dồn lên thân thể và tinh thần khiến tôi chẳng còn gì ngoài một thân xác tàn dại.

Tôi từng nghĩ có lẽ ngày nào đó tôi sẽ bỏ mạng trên một con đường quen, bên cạnh con xe của mình, để khi chết đi trong tôi chỉ còn tiếng gió cùng cái cảm giác chẳng hối tiếc, nhưng em xuất hiện, như thể một ngọn đuốc rọi xuống cuộc đời chán nản của tôi, cho tôi cái dũng khí và sức mạnh để tìm kiếm cho mình một ý nghĩa sống, em của tôi là một điều kì diệu, em quý giá hơn bất cứ thứ gì tôi từng có, em khiến tín ngưỡng đời tôi gói gọn trong ba chữ La Tại Dân.

Dân là con của một nhà bán phở ở đầu đường Trường Chinh, tôi hay đi lung tung vào những buổi khuya, kiếm gì đó ăn và rồi tôi gặp em vào một tối thứ bảy nhàn rỗi. Em cho tôi một cái ấn tượng nhàn nhạt về một thằng nhóc sáng sủa và hiền lành với cặp kính mỏng mỏng đeo ngay ngắn lên sống mũi, em ngồi ở bàn trong cùng quán, dưới cái ánh đèn trắng dã giữa buổi đêm, chúi đầu vào bộ đề cương dày cộm, em trông cứ ngốc đến lạ. Rồi em bỏ bút xuống và bê tô phở nóng hổi ra bàn tôi ngồi, khoảnh khắc mắt chúng tôi chạm nhau em khẽ mỉm cười và vội vã rụt lại ánh nhìn. Tựa như ma xui quỷ khiến, tôi kéo ghế đối diện em và ngồi xuống thản nhiên như thể quen biết. Em lặng người nhìn tôi, cây bút trên tay rơi xuống một tiếng "cạch" trên mặt bàn. Tôi bật cười và chủ động chào em, thật kì lạ khi tôi nhận ra vành tai em đỏ lên, em chỉnh cặp kính rồi gật đầu chào tôi lại.

Làm quen với Dân thực sự rất khó, em ít nói và ngượng ngùng, bức tường giữa chúng tôi không phá được trong ngày một ngày hai. Suốt hai tuần liên tục tôi đến quán phở ấy vào cái giờ khuya, gọi một tô phở và rồi trò chuyện với cậu trai kì lạ kia. Tôi nghĩ tôi chỉ là vừa tìm được cái thú vị đâu đó ở em, ở cậu nhóc ngô nghê đơn thuần và rồi tôi sẽ chán thôi, ấy vậy mà chẳng phải. Em thổ lộ với tôi vài điều nhỏ bé, em là một đứa trẻ mồ côi được nhận nuôi khi vừa lên bảy, khi đó gia đình bố mẹ nuôi của em ổn hơn hiện tại, em - một đứa nhỏ không mẹ không cha bỗng từ đầu ập đến hai chữ "gia đình", em lúc bé chẳng nghĩ nhiều, em đơn giản biết, từ nay em sẽ không nghe người ta chửi "có mẹ sinh mà chẳng có mẹ dưỡng" hay "thằng không cha không mẹ" nữa rồi. Em khi đó là lần đầu tiên biết mùi vị của cuộc sống được bảo bọc là ra sao, em được đến trường như các bạn, được bố mẹ đón đi chở về, em có một tổ ấm để tự hào. Nhưng em bảo có lẽ em chạy trời không khỏi nắng, cái cơ cực đã ăn vào máu em, vào số mệnh của em rồi. Bố nuôi của em bài bạc đến sạt nghiệp, đỏ đen trong những cuộc vui rốt cuộc đã hóa thành ván bài cuộc đời và ván này thì bố em thua sạch, thua tiền bạc, thua nhà cửa, thua luôn cả cái mạng của mình vì suy sụp. Em nghẹn lại với tiếng nấc khe khẽ, em bảo em từng có một gia đình hoàn hảo nhưng giờ không còn nữa, trước mắt em là những khoản nợ nần và mục đích mưu sinh. Em muốn thoát khỏi cái nghèo, cái khốn khó bậc tận này, em muốn sau này mẹ em, người phụ nữ lăn lộn kiếm từng đồng bạc một cho em ăn học có thể hưởng một tuổi già an yên. Con đường duy nhất để làm điều đó là học, em học bằng tất cả ý chí của mình, dường như em có một mục đích để sống, chẳng hề như tôi.

Bằng cách nào đó, em trở thành tri kỉ của tôi, những tối thứ bảy là khi tôi dựng xe ở đầu con hẻm ọp ẹp tối đen, lặng thinh chờ đợi một bóng hình gầy gò, dong dõng cao. In sâu vào tiềm thức tôi là cảnh em bước đi dưới cái bóng của những mái tôn bên đường, thứ bóng tối nuốt sâu lấy em, đổ một lớp nặng nề như cách cách cuộc đời này đổ mọi thứ lên cậu trai mười bảy ấy, nhưng em vẫn đi, bước vững từng bước chân dậm xuống nền bê tông lạnh lẽo, em như ngọn lửa bé nhỏ mà kiên cường chẳng chịu tắt. Những con đường tôi chở em đi cũng chỉ là những con đường cũ tôi chạy đến quen, nhưng cảm giác khi có em ngồi sau và vòng tay ôm chặt lấy tôi dường như khiến cho mọi cung bậc cảm xúc được đẩy lên một bậc khác. Em có một tâm hồn bay bổng, khi chúng tôi dừng lại đâu đó trên những cây cầu vắng người, em lại kể cho tôi những câu chuyện thần thoại mà em từng đọc, tôi choáng ngợp với lượng kiến thức của những nền văn hóa em tiếp cận được qua sách vở, mấy câu chuyện của em đưa tôi trở lại cái thuở thơ bé, khi còn là một đứa trẻ tò mò lắng nghe người ta kể về những giai thoại cổ xưa.

Tôi có chút năng khiếu về nhiếp ảnh, tôi bắt lại những khoảnh khắc như một thú vui nhỏ. Vào một ngày ngoại lệ khi tôi và Dân hẹn nhau dưới cái nắng chiều hanh khô, tôi cuối cùng cũng biết điều tuyệt mỹ nhất tôi từng chụp được là gì. Em đứng dưới tán cây bên đường, tay đưa lên trán che bớt đi ánh sáng gay gắt và đôi mày khẽ nhíu vì khó chịu, tôi đã chụp em từ một góc nghiêng, nắng sáng rực khiến em trở thành một cơn gió mát mẻ giữa khung cảnh oi bức, tổng thể bức hình quyện vào nhau tạo nên một Tại Dân dương quang tỏa sáng mà suốt một đời tôi chẳng quên. Tôi có quen biết một người chị, chị là chủ một local brand khá nổi, tôi thường đến chụp những mẫu mới cho chị, đương nhiên tôi cũng kiếm được chút tiền tiêu vặt. Dân đã lọt vào mắt chị khi tôi dẫn em theo đến studio, chị ngỏ lời với em rằng em có thể giúp chị chụp vài mẫu mới. Em lúc đó thật lẫn lộn, tôi thấy run sợ và bất ngờ hòa vào nhau rồi trải đều trên đôi mắt em, bỏ máy ảnh xuống và lại gần, tôi ôm em vào lòng vỗ về, rồi em cũng nhận lời. Vốn dĩ nét đẹp của em chẳng cần gì cầu kì, em đứng đó, trên người là mấy bộ đồ mới xuất xưởng, phía sau là phông nền trắng trơn, tôi chỉ sợ mình chẳng thể chụp hết được cái tinh khôi của em. Và em nhìn tôi rồi cười, ấy cũng là khi tôi vụng về vội chụp lấy tích tắc đó, tôi gọi nụ cười ấy là hoa đào nở giữa trời xuân.

Em bên tôi trải qua cái tuổi mười bảy sóng gió, em gieo cho tôi hi vọng sống, cũng chính em bảo với tôi rằng tôi cần theo đuổi đam mê của mình. Mấy ngày sát kì thi đại học, chúng tôi chẳng còn những đêm rong ruổi khắp nơi trên đất Sài Gòn này, chỉ đơn giản gặp nhau và rồi mỗi người một việc cặm cụi hoàn thiện ước mơ của mình, đôi khi nản hoặc có lẽ da diết cái hình bóng nhau, cả hai lại ngước lên một chút, thu cả hình ảnh đôi phương vào tâm trí. Tình hình nhà em đã khá hơn, em tập trung mọi nỗ lực vào kì thi này, tôi cũng vậy, tôi lo cho cả tôi và em nữa.

Ngày nhận giấy báo điểm, tôi muốn gọi cho em rồi lại thôi, cái bồn chồn chạy khắp những mạch máu nhỏ khiến tôi bứt rứt cả tay chân. Tối đến, chúng tôi lại gặp nhau, vẫn con hẻm cũ, vẫn cái dáng vẻ cũ, chỉ là lần này vô thức tôi và em đều xao động trong lòng. Em bước đến dưới ánh đèn đường nhàn nhàn, tay khẽ đan vào nhau và nhìn tôi. Bao lời nói cứ đến đầu môi rồi lại chẳng tài nào nói ra được, hai đứa trẻ mới lớn sợ hãi, rằng có lẽ kết quả không như mong đợi. Tôi nín lặng lấy hết cản đảm, vươn tay ôm lấy em thì thầm.

"Tớ... ừ trúng tuyển rồi, khoa Nhiếp ảnh báo chí của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Dân, sao rồi?"

Tôi nhận ra em run rẩy trong vòng tay tôi.

"Đậu rồi"

Em thở hắt ra một hơi dài, em đậu ngoại thương rồi.

Có lẽ rằng thời gian vẫn sẽ quay đều, xoa tròn như cách những bánh xe va chạm với mặt đường, tùy lúc mà nói, có khi là nhẵn nhụn, lúc lại gập ghềnh. Cuộc đời tôi biết đâu sẽ dừng lại ở cái tuổi mười bảy nếu chẳng gặp em, và những đêm dài chẳng ai cạnh bên. Tôi có một chàng thơ của riêng mình, một điều quý giá nhỏ nhoi tôi chôn sâu vào tim, tựa như con thuyền chỉ hướng đến một ngọn hải đăng, giữa cái chồng chênh sương gió, chúng tôi thấy nhau. Sau này có lẽ tôi và em chẳng thể bàn tới nhưng hiện tại trên những con đường vắng lặng, tôi có em ôm chặt sau lưng, chúng tôi chạy dài trên con đường đời người, chạy mãi như những kẻ lạc lối kiếm tìm lối thoát khỏi cái thống khổ đã bám riết theo thời gian, nhưng ít nhất, trong cuộc lữ hành này chúng tôi là hai cá thể chẳng cô đơn, tôi và em bên nhau.

Đêm dài, Lý Đế Nỗ có La Tại Dân.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro