Oneshot

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

(Các bác có thể click vào tiêu để ở trên của video để sang Youtube vừa nghe vừa đọc cho trọn vẹn hơn nhá.)

--------------------

Hàng xóm trên tầng thượng.

Lúc nhỏ, tôi rất ham chơi, dù là con gái nhưng mà lại nghịch như quỷ, tôi không khoái chơi mấy trò của con gái như chơi búp bê hay chơi nhảy lò cò, tôi chỉ khoái nhất xếp hình với đá banh. Tôi đam mê xếp hình đến nổi sáng nào mở mắt dậy thì việc trước tiên là phải ngồi xếp cho xong mớ mảnh ghép còn sót lại vào khung tranh rồi mới nghĩ đến chuyện đánh răng, ăn sáng. Ngoài xếp hình ra thì tôi còn ham chơi đá bóng với mấy đứa con trai cùng xóm, chiều nào cứ hễ bốn năm giờ, chúng tôi thường tụ lại ở cái sân banh cuối xóm mà đá bóng thi với nhau rồi lết về tới nhà với cái thân thể ướt nhẹp mồ hôi, nơi chúng tôi tụ tập gọi là sân banh cho oai thế thôi chứ thật ra sân banh xóm tôi chỉ là một bãi đất trống toàn là đất đá với xi măng lổm chổm từ phía công trường thế nên mỗi lần có đứa nào chẳng may chạy theo cướp banh mà té thì thôi khỏi phải nói, cái chân của nó sẽ sưng chù vù đến mấy tuần liền mới khỏi và dĩ nhiên tôi, đứa ham hố nhất trong cái việc tranh lấy banh để làm một cú thật đẹp trong khung thành đối thủ, cũng chẳng thể tránh khỏi kiếp nạn đó. Ngày hôm đó, vì mãi đuổi theo trái banh mà tôi quên bén dưới chân còn có một cục đá chình ình ở giữa sân và rồi sau khi loại bỏ được mấy đứa hậu vệ ở xung quanh, tôi định bụng sẽ sút một cú thật đẹp thì bất ngờ té ngã nhào xuống đất một cái đau điếng, trời đất quanh tôi lúc đó cũng như tối sầm lại.

- Đau quá tụi bây ơi, cứu tao.Miệng mồm tôi sau cú lộn cù mèo đó toàn thì đất là đất, tôi nhăn mặt, tay ôm lấy đầu gối bê bết máu, miệng rên rỉ gọi mấy đứa cùng xóm. Thấy tôi té bổ nhào như vậy chúng liền nó vội vàng chạy lại, mặt đứa nào đứa nấy đều tái xanh như tàu lá chuối, chúng nó bế xốc tôi lên rồi cùng hô hào thu gọn đồ đạc dìu dắt tôi đi về nhà mặc cho tỉ số hai bên có vẻ đang gây bất lợi cho xóm của tôi đi chăng nữa.

Về đến nhà, mẹ thấy người tôi lấm lem bùn đất, đầu gối thì mảng rách da mảng thì bầm tìm liền hốt hoảng nhận lấy tôi từ tay lũ bạn, chúng nó thấy tôi đã được an toàn trong vòng tay mẹ tôi liền lủi thủi mà ra về, chắc tại lũ nó buồn vì sắp tới đây chẳng còn được thấy tôi ở sân banh nữa. Khi ra về, thằng Lân còn không quên gọi với vào.

- Mày nhớ nhanh khỏi, tụi tao sẽ thường xuyên tới thăm mày.

Và thế là chuỗi ngày dài tôi rầu rĩ nằm trên chiếc giường trong phòng mình ngỡ như kéo dài chẳng dứt, mắt tôi lúc nào cũng đăm đăm nhìn lên trần nhà, trò chơi xếp hình ở dưới sàn tôi còn chẳng buồn động vào tại vì cái chân tôi cứ âm ỉ, cái chân tôi đau làm cho tôi chơi gì cũng chẳng còn thấy vui nữa, với tôi lúc ấy việc bước chân xuống giường chỉ để chơi xếp hình mà phải đánh đổi những cơn ê nhức khắp mình thì thật là không can tâm chút nào và rồi tôi cứ nằm ì trên giường và cứ để nỗi buồn chen chúc trong lòng, nhưng nỗi buồn không kéo dài lâu vì tụi thằng Lân rất hay đến thăm tôi. Chúng nó mê đá bóng lắm nhưng lúc tôi gặp hoạn nạn thì lại không bỏ mặc tôi, biết tôi còn mệt nên lũ nó chỉ toàn đứng ngoài hành lang chơi, chỉ để mỗi mình thằng Lân vào nói chuyện với tôi thôi.

Trong chuỗi ngày tháng tôi chỉ nằm ở nhà dưỡng thương ấy, ngoài sở thích xếp hình và đá bóng ra, tôi còn học thêm được thói đọc sách. Nghĩ cũng lạ đời, có ai bao giờ hiếu động ham chơi mấy trò chạy nhảy như tôi lại tìm đến thứ như sách chứ huống hồ chi là còn dành hàng giờ ra ngồi đọc chứ.

Nguyên cớ là vì sau những ngày tôi nằm ở nhà dưỡng thương được mấy tuần thì miệng vết thương ngay đầu gối đã bắt đầu đóng vẩy rồi, nói thật lúc nó bắt đầu lành thì tôi mừng lắm nhưng mà nó cứ ngứa ơi là ngứa. Mẹ bảo tôi chăm chỉ tập đi lại dần cho quen để vẩy tróc ra sớm thì đỡ phải ngứa rồi gãi ảnh hưởng tới vết thương.

Nhà tôi có tổng cộng hai tầng tính luôn cả tầng thượng, tầng dưới cùng nhà tôi là dành cho tiếp khách với phòng ăn, ở phía sau là buồng ngủ của bố mẹ và chị của tôi, còn tầng hai và cái sân thượng phía trước ấy dĩ nhiên chính là lãnh địa của tôi rồi. Tầng hai vừa chính là phòng ngủ của tôi, ở trước là ban công có thể nhìn qua nhà hàng xóm. Tầng thượng vì hướng về gió biển thoáng mát và trong lành lắm, có mấy dạo đến đợt thi cử tôi cũng hay trốn lên đây học bài, nhưng mà bây giờ là hè rồi nên phòng kho cũng bị tôi bỏ mặc mà không dùng nữa. Bố tôi thi thoảng có lên đây sắp xếp lại đồ đạc và là nơi để bố chứa dụng cụ sửa chữa, nếu nhà tôi mà có hỏng hóc chỗ nào thì bố sẽ vào phòng kho, ngồi lục lọi trong cái hộp đồ nghề to tướng của bố. Tầng thượng nhà tôi còn thông với cả tầng thương của nhà hàng xóm, nhà của vợ chồng chú Hạnh và cô Mai. Bố tôi bảo với vợ chồng chú khi xây nhà thì cứ để tầng thượng thông nhau với hai nhà để có gì thì giúp đỡ qua lại, bởi cũng đúng, ngày hai cô chú chuyển từ dưới quê lên đây, bà con chòm xóm người mà giúp hai cô chú nhiệt tình nhất chỉ có nhà tôi, khi ấy bố tôi còn bảo với mẹ tôi:

- Tội nghiệp hai vợ chồng trẻ, nghe đâu là bỏ đứa con gái với bà ngoại dưới quê rồi lên đây ráng kiếm việc làm. Không biết khi nào đứa nhỏ mới được đoàn tụ với ba má nó.

- Dễ ợt mà bố, chỉ cần bắt xe đò cho nhỏ đó lên đây là xong rồi. Tôi nhanh nhảu đáp ngay.

- Nói như con thì dễ rồi. Bố tôi nghe tôi đáp thế, ông chỉ biết lắc đầu.

Thật ra ban đầu tôi cũng đâu có quan tâm đứa con gái ở dưới quê của vợ chồng chú Hạnh cô Mai là ai đâu, tôi chỉ lo cho sân banh thiếu tôi cả mấy tuần liền kia kìa. Cái chân sưng của tôi hai ngày nay đổ lại đã bắt đầu có dấu hiệu lành lặn trở lại, tôi thậm chí còn tập leo cầu thang để chứng minh cho bố với mẹ thấy là tôi đã hoàn toàn chạy nhảy bình thường và có thể đá bóng lại được rồi. Nhưng mà mẹ tôi cứ nằng nặc bảo tôi ở nhà chờ khi nào chân liền xẹo lại rồi hẳng đi. Thế là tôi phải đành giả vờ nghe lời mẹ nhưng mà đến buổi chiều thì lại trốn với tụi thằng Lân ra thăm sân bóng, tôi nhớ sân bóng của xóm tôi quá, tôi cũng nhớ cái cây xoài già ơi là già nằm một góc xem chúng tôi đá banh nữa, không biết là sân banh có nhớ chúng tôi không? Liệu nó có thấu tâm tình này của tôi?

Tôi trao gửi biết bao mong nhớ cho sân banh là thế ấy vậy mà sân banh lại bị người ta chiếm mất làm tôi buồn ơi là buồn, có lẽ từ sau khi chân tôi lành hẳn đến cả sau này nữa cũng chẳng thể được đi đá banh nữa ư? Nghe đâu sân banh của xóm tôi bị lấy làm nơi chứa vật tư xây dựng cho công trường mà chẳng biết khi nào mới dỡ đi được, thế là hôm đó tôi lại lủi thủi ra về trên đôi chân cà nhắc của mình, lúc đi dù chân có đau bao nhiêu tôi còn chẳng biết, vậy mà lúc về chân tôi không những nhức mỏi mà còn nặng trĩu như đeo chì hai bên. Sân banh yêu quý của tôi chắc phải xa nhau từ đây rồi, nhưng mà chỉ mấy ngày sau thôi nỗi buồn rầu của tôi một lần nữa lại nhanh chóng được khỏa lắp bởi niềm vui mà nguồn gốc chính là nhờ sự phát hiện của thằng Lân, một hôm nó qua nhà thăm tôi, thấy tôi đang tập đi từ tầng ba lên tầng bốn, thế là chúng nó mới kéo nhau hết lên tầng bốn đứng đợi tôi, thấy tôi tới nơi thằng Lân liền kéo tay tôi chạy tụt vào phòng kho rồi lôi mấy cái cái cờ lê tua vít của bố tôi ra nghịch. Sau đó, dĩ nhiên tầng bốn nhà tôi trở thành căn cứ điểm mới của một nhóm có tôi và bốn đứa kia, chúng tôi thường hay tập chơi trò hướng nghiệp bằng cách lấy dụng cụ của bố tôi ra mà khám phá, thi thoảng tụi tôi còn lôi mấy thùng cát tông ra rồi cùng lục lọi trong mớ đồ bỏ đi ấy xem thử mấy có món đồ chơi của tôi lúc dọn nhà có món nào bị lạc ở trỏng không.

Và rồi cũng trong những ngày sân banh tạm bị chiếm, tôi thì ở nhà đang dưỡng thương, tôi đã làm quen được với một con nhỏ mọt sách, nó hình như là con của chú Hạnh cô Mai từ dưới quê lên, hôm nọ khi lũ tôi kéo lên tầng thượng chơi, tôi đã thấy nó đang ngồi đọc sách từ bao giờ, tay nó lật từng trang chữ một cách nhẹ nhàng như nâng niu lắm không bằng, mái tóc nhỏ mượt và nhẹ như bông gòn, gió hay thổi từ biển vào tầng thượng nhà tôi rồi qua nhà chú Hạnh cô Mai làm thi thoảng tóc nó bay tá lả khiến tôi chẳng thấy những trang chữ kia nữa. Một đứa hiếu động như tôi thì chẳng thích sách một chút nào, thấy nó đọc như thế làm lòng tôi cứ bức rức, mà đâu phải chỉ hôm đó, ngày nào tụi chúng tôi lên tầng bốn vui chơi thì ở bên kia hàng rào đều thấy nó đang đọc sách, nhiều lúc tôi lén nhòm thử nó đang đọc gì mà chăm chú thế kia nhưng hóa ra chỉ toàn đọc cái nhảm nhỉ cả. Nhưng mà con nhỏ vẫn cứ đọc, có một hôm nhóm tụi tôi đang tụ tập cười nói vui vẻ thì tôi có lỡ lớn tiếng có một xíu mà đã thấy nhỏ đó quay đầu qua khung hàng rào nhìn tôi, ánh nhìn nó sắc lạnh, miệng ho khan vài tiếng rồi nói :

- Chị nhỏ tiếng lại đi, bộ không thấy tôi đang đọc sách hả. Nhỏ đó khó chịu ra mặt, nó vừa nói vừa chỉ tay vào trang sách đương đọc dở.

- Thì đọc đi, đâu ai làm gì mày đâu. Tôi thấy thế cũng bèn đáp trả lại.

- Nhưng chị ồn quá, tôi không đọc sách được.

- Nghỉ hè rồi, trường có cho đi học đâu mà mày lại lôi sách ra đọc làm gì, bộ ở lại lớp hả. Tôi nhanh trí liếc mắt qua bìa sách trên tay nhỏ còn tay thì vịn lên bờ rào, à hóa ra là nhỏ đang đọc sách giáo khoa .

- Cũng không phải là ở lại lớp, chỉ là học chậm hơn các bạn thôi.

Nhỏ bắt đầu ấp úng , nó thụt cái cần cổ lại và rồi như chớp được thời cơ tôi nhanh trí nói lại để làm nhỏ đuối lý.

- Vậy thì chẳng phải học chậm nên mới ở lại lớp sao, vậy thì mày buộc phải là em. Bây giờ mày nhỏ tuổi hơn tao rồi, mày phải nghe lời người lớn, mày không được đọc sách lúc tụi tao đang chơi nghe chưa.

Tôi lôi giọng người lớn để ra lệnh cho nhỏ, thế mà nhỏ làm theo thật, nó buồn rầu gật đầu rồi lủi thủi gấp tập bước vào nhà, trước khi đi còn không quên chào tôi với tụi thằng Lân một tiếng, khi ấy tôi còn để ý thấy mắt nó có chút đỏ. Sau khi nhỏ bỏ vô nhà trong, tôi mới bắt đầu đứng tầng ngần nghĩ ngợi về đôi mắt vừa mới nãy của nó, hình như tôi còn thấy có một chút ươn ướt ở khóe mắt nó, nghĩ đến đó lòng tự nhiên lại tôi chẳng hứng thú vui chơi nữa.

Rồi những ngày tháng vui vẻ trên tầng thượng ấy chẳng kéo dài được lâu, khi một ngày nọ tôi trông thấy mẹ mang về nhà một chồng sách cũ của con các cô đồng nghiệp làm chung chỗ với mẹ tôi. Mẹ bảo tôi chịu khó đọc sách trước trong hè để vô năm không bị tụt lại với bạn bè.

Sân banh bây giờ cũng chẳng còn, tầng thượng nhà tôi thì lúc nắng lúc mưa nên dần dà những cuộc đến thăm của tụi thằng Lân cũng ít dần, chắc một phần tụi nó cũng đi học hè, một phần nữa chắc hẳn những ngày hè lại thường mang cảm giác nóng đến bực cả mình. Giữa tháng bảy là khi những ngày hè nóng oi ả lên tới đỉnh điểm, tôi chẳng buồn bước chân ra ngoài đường nửa bước vì cứ sợ ra đó thì sẽ bị cái nắng lột da ngay, tôi nằm ở nhà làm bài tập, thi thoảng thì chơi xếp hình và hình ảnh đứa con gái hàng xóm đầu tựa hàng rào ngồi đọc sách ấy từ khi nào đã ám ảnh lấy tôi dù chỉ qua những ảo ảnh trong giấc mơ hay những lúc tôi học bài. Thi thoảng tôi còn nằm mơ thấy nó đang đứng trước mặt mình rồi khóc nức nở, khóe mắt nó thì đỏ âu như mới vừa bị bắt nạt. Nhiều ngày trôi qua, tôi tự hỏi không biết trên tầng thượng còn nhỏ đang ngồi đọc sách hay không, nhiều lần tôi có hỏi bố và mẹ để tìm kiếm thêm thông tin về nhỏ nhưng lần nào cũng nhận về câu trả lời y hệt.

- Nhỏ con gái đó là con của cô Mai chú Hạnh hả mẹ?

- Con hỏi cô chú thử

Thế rồi tôi lại quay sang bố tôi.

- Nhỏ đang ở nhà của cô Mai chú Hạnh tên gì vậy bố?

- Con đi hỏi bạn thử xem?

Bố mẹ toàn đáp lại tôi câu trả lời gọn lỏn như thế và đến sau này tôi mới hiểu là vì họ muốn tôi chủ động làm quen với nhỏ đó bằng những câu hỏi mà tôi hỏi bố mẹ tôi.

Thế là sau bao ngày hỏi han bố mẹ mà chẳng được gì, tôi bèn đánh bạo. Tôi quyết định bước ra khỏi cái thế giới mát lạnh trong góc nhà của nhà mình mà tiến lên nơi có vẻ xem như là nơi đang bị ánh mặt trời chiếu rọi xuống đang nóng như một cái lò lửa giữa ngày hè. Tôi xô cửa thật mạnh nhằm để báo hiệu nếu con nhỏ đó nếu có còn ngồi trên tầng thượng mà đọc sách thì sẽ biết đến sự xuất hiện của tôi và rồi nó sẽ nhăn nhó trách tôi hay ít nhất là ngưng việc đọc sách lại để ngó mắt tới tôi. Nhưng chẳng có gì sau đó ngoài tiếng xô cửa và tiếng thở hồng hộc của tôi cả, tầng thượng vẫn im lìm và nóng nực một cách khó chịu, đâu đó trong không gian, tôi còn nghe được cả tiếng ve sầu đang kêu. Lấy làm lạ tôi bèn bước tới hai ba bước tiến về phía hàng rào nhà chú Hạnh cô Mai. Tôi nom thấy nhỏ đó đang ngủ ngon lành, đầu gối lên hai ba quyển sách còn tay nó thì đang ôm quyển Ngữ Văn, nó đang ngủ trong một bộ váy màu xanh da trời dài qua đầu gối giống y hệt như cô tiên xanh trong truyện cổ tích tôi đọc được khi còn nhỏ, nó khép mi im lìm, mái tóc rũ rượi qua hai bên gò má, lên trên cần cổ và trên hai bắp tay nó, tự nhiên lúc này tôi lại thấy nó dễ thương lạ thường chứ không hề giống lần đầu nó lên tiếng rầy tôi, khi ấy tôi đã nghĩ mình mới là đứa có lỗi khi đã quấy nhiễu nó đọc sách như thế và rồi tôi lại thấy giận mình ghê gớm khi lại mang cái giọng trịch thượng đuổi nó đi vào nhà chỉ vì thói ham chơi của mình.

Rồi tôi bất giác để ý đến sự bất thường trong giấc ngủ giữa ngày hè của nó, đặc biệc là tiếng thở từ nãy giờ nghe như chẳng giống như một người đang ngủ chút nào, tôi tưởng như có thứ gì đó đang bóp nghẹn buồng phổi của nhỏ thì phải. Mặc dù là tháng bảy trời nắng hâm hâm thế này nhưng tôi lại thấy người nó trắng phờ phạc, đánh bạo tôi liền đưa tay qua hàng rào mà sờ lên má nó vỗ vỗ hai ba cái để làm nó tỉnh giấc.

- Này dậy đi, mày ngất xỉu hả. Tôi huơ huơ tay trước mặt nó.

- Chị lên đây chơi hả, vậy thôi em đi vô nhà nha. Nhỏ lờ mờ tỉnh giấc, miệng nó không ngừng lập lại mấy câu nghe vô nghĩa hết sức, cái gì mà tôi lên tầng thượng chơi thì nó lại phải đi vô nhà trong cơ chứ.

- Tao đâu có bảo mày đi vô nhà.

- Chứ em ngồi đây đọc sách thì chị không thấy khó chịu hả.

Bây giờ tôi mới để ý đến đôi mắt của nhỏ, vì trước giờ nó toàn quay lưng về phía bờ rào mà đọc sách nên bây giờ tôi mới có dịp quan sát. Nhỏ có một đôi mắt mèo, tròn như hai hòn bi ve và trong vắt. Tôi cứ ngỡ chỉ cần nhìn lâu thêm một chút thôi thì chắc hẳn là sẽ bị kéo vào trong đó lúc nào chẳng hay.

- Ừ tao hết khó chịu rồi, tại tao thấy đọc sách cũng vui. Mày đọc gì đó, cho tao xem chung với.

Nói rồi tôi chẳng đợi nó có trả lời hay không, tôi đã bước một chân qua bên nhà chú Hạnh cô Mai rồi ngồi vắt vẻo ở bậc tam cấp dưới hàng rào nhà cô chú, tôi nom thấy nó đã đọc một quyển sách khác mặc dù vẫn là sách giáo khoa thôi. Thế rồi tôi bèn lấy một trong một mớ chồng sách đang nằm rải rác xung quanh nhỏ rồi cũng bắt đầu ngồi đọc, nhưng tôi không tập trung vào cuốn sách được lâu tại vì trong đầu tôi cứ nảy ra vô số câu hỏi muốn nói với nhỏ quá nhưng mà lại không biết mở lời ra sao hết. Nhỏ thấy tôi leo rào qua cũng đành ngôi nhích qua một bên chừa cho tôi một chỗ gần mấy chồng sách, tay nó nãy giờ vẫn lật từng trang sách nhẹ nhàng còn những trang sách thì ươm vàng và nhàu nát vì bị chủ nhân xem đi xem lại đến cả trăm lần, tôi ngồi gần nó mà tâm trí cứ bỏ đi đâu đâu vì hồn tôi cứ mãi vờn đuổi theo thứ hương hoa nhài nhàn nhạt đang tỏa ra từ mái tóc nó rồi bay đâu tít tận trên cái gác lở hay có khi là ám vào những trang sách nhỏ với vừa nằm.

- Hồi nãy mày ngất xỉu hả. Tôi đánh tiến hỏi nó để phá tan đi cái không gian im ắng đến mức mi mắt tôi tưởng chừng như sắp dán keo đến nơi.

- Không có, tại đọc sách nhiều làm em buồn ngủ thôi. Nó đang đọc sách dở thì quay lên nhìn tôi.

- Mày xạo, làm gì có ai ngủ mà thở khò khè như sắp chết ngạt như mày.

- Vậy chắc là em mệt trong người thôi. Nhỏ cúi mặt xuống đọc sách, tay vô ý vén mấy sợi tóc qua mang tai. Da của nhỏ sáng tai tái nhưng mà điều đó lại không hề lu mờ đi cái má tròn phổng phao của nhỏ cũng như hàng lông mi cong vút kia, thi thoảng hàng lông mi cong như cành liễu con ấy lại hé chớp mở cứ như để ra hiệu với tôi rằng nhỏ chẳng hề buồn ngủ nữa đâu.

- Mày tên gì?

- Em tên Hải Lân.

- È, tên mày hệt như tên con trai, lại còn giống tên thằng bạn tao.

- Em thấy đâu giống.

-Sao không giống.

- Em thích đọc sách mà.

- Ừ ha mày nói cũng đúng, thằng Lân bạn tao học dốt òm.

Thế rồi tôi lại ngồi lật lật mấy trang sách, cố dí mặt vào đọc từng chữ nhưng mà chẳng thể tập trung nổi. Bởi vì một lý do hết sức củ chuối thôi, giọng Hải Lân hay quá, nó làm tôi cứ ngỡ Hải Lân với cái đứa chỉ vừa mới mấy tuần trước còn cự nự với tôi vì quấy rầy nhỏ đọc sách là hai người khác nhau cơ, nhưng mà đâu phải, bởi tôi tin chắc trên đời này chỉ có duy nhất một người sỡ hữu một đôi mắt mèo đẹp đến như vậy và người đó chỉ có thể Hải Lân mà thôi.

- Tao tên Tuệ.

- Dạ

- Mày là con chú Hạnh cô Mai hả.

- Dạ chị Tuệ

- Vậy là mày ở dưới quê một mình với bà ngoại mày hả.

- Dạ chị.

- Rồi sao mày ở lại lớp vậy. Tôi bất giác hỏi Hải Lân.

- Tại bà không có nhiều tiền nên em không dám xin bà tiền đi học thêm với lại bố mẹ em bảo sức khỏe em yếu òm nên nghỉ ngơi ở nhà thì hơn.

- Mày bệnh gì vậy, tao thấy mày có bệnh gì đâu. Mày còn ra ngoài đây ngồi học mà bệnh gì.

- Em ra đây ngồi học cho tiết kiệm điện, dù gì em cũng ở nhà có một mình, nhưng mà giờ tầng thượng là chỗ mấy anh chị chơi rồi nên em không biết sau này sẽ học ở đâu nữa. Nói đến đây Hải Lân buồn rầu cúi mặt xuống, tay vẫn lật qua lật lại mấy trang sách cũ xì, thấy nó như thế bỗng tôi áy náy vô cùng.

- Thôi bọn tao chán tầng thượng rồi, tầng thượng nóng muốn chết ai lên đây mà chơi, mày cứ lên đây đọc sách, tụi tao sẽ không làm phiền mày nữa.

- Thật hải chị ? Nhỏ tự nhiên ngẩng đầu dậy, mắt sáng rỡ. Hải Lân cầm chặt tay tôi, da nó lạnh ngắt dù trời nóng như đổ lữa

- Thật! Tôi quả quyết.

- Hải Lân cảm ơn chị nhiều lắm.

Sau lần nhìn thấy đôi mắt hạnh phúc của Hải Lân, tôi thấy mình như trút bỏ đi bớt một chút nặng nề trong lòng, thế là tôi khỏi phải ám ảnh với đôi mắt đỏ hoe ngày nào của nó nữa, thay vào đó cứ nhớ đến Hải Lân, tôi lại nhớ đến đôi mắt mèo tinh ranh của nó. Nhưng cái tinh ranh ấy chỉ hiện hữu trong đôi mắt nó, chứ Hải Lân thực chất rất ngây thơ, tôi bảo gì thì nó làm đó chứ chẳng hề cãi lại tôi một tiếng. Có một hôm chán quá, tôi bảo nó thôi đọc sách đi, thế Hải Lân liền buông sách xuống rồi nhìn tôi chăm chú.

- Sao nhìn chị dữ vậy.

- Em không biết làm câu này, chị giảng cho em với.

Hải Lân chìa ra cho tôi một trang sách với chi chít chữ là chữ, nhỏ bảo tôi giúp nhỏ giải bài tập nhưng mà nhỏ đâu có hay là tôi chỉ biết chơi đá banh thôi nên là đầu tôi làm gì có chữ nào, huống hồ chi mấy ngày nay tôi toàn ngồi với nhỏ thì làm gì còn tâm trạng để mà đọc sách, tôi hay chọn cái gì vui để làm trước và dĩ nhiên ngồi ngắm nhỏ đọc sách chính là niềm vui của tôi, mà có niềm vui đấy rồi thì tôi không thèm đọc sách nữa.

- Hải Lân, em biết chị học có giỏi đâu. Tôi bĩu môi.

- Hay là để chị cầm tập lên trường hỏi thử. Chị có quen chị Ngọc Hân học giỏi lắm.

- Em muốn chị chỉ cơ. Hải Lân tự nhiên lại cự nự, tôi nghĩ chỉ cần là có đáp án thì ai giải cho mà chẳng được.

- Thôi để chị cố đọc hết sách tham khảo rồi giảng cho em , mà nếu em chê chị giảng dở thì hè năm sau chị hứa là sẽ cho em hết sách tham khảo của chị luôn. Dù gì lớp lớn chị cũng không thèm đụng vào nữa.

- Chị nói thật hả?

Mắt Hải Lân một lần nữa lại sáng rỡ lên, một lần nữa Hải Lân khiến lòng tôi xốn xao.

- Thật! Tôi lại đáp chắc nịch.

Từ ngày hứa với Hải Lân, tôi bắt đầu chăm chỉ đọc sách một cách thần kỳ, nhiều lần bố mẹ tôi còn lo sốt vó về sự thay đổi này của tôi. Nhưng mà tôi đâu thấy có gì kỳ lạ, chỉ đơn giản là tôi muốn chỉ bài cho Hải Lân mà thôi.

Thế là vào những ngày cuối hè, buổi tối tôi ở trong phòng đọc từ sách này tới sách nọ, sáng lại lọ mọ lên tầng thượng giảng bài cho Hải Lân. Thật may là Hải Lân hiểu những gì tôi nói, nhỏ chăm chú ngồi lắng nghe tôi giảng bài say sưa, mỗi lần giải xong được một bài, tôi với Hải Lân lại ngồi hàn huyên, giờ tôi mới biết Hải Lân rất thích cười vì khi cười thì đôi mắt của nó cũng bắt chước cong lên y như bờ môi của nó và một cách thần kỳ nào đó, Hải Lân cũng biết tuốt là tôi rất thích nhìn Hải Lân cười nên hễ có chuyện gì là nhỏ lại cứ cười với tôi suốt.

- Hải Lân có biết chơi đá banh không ?

- Hồi nhỏ em cũng có đá hai ba lần nhưng mà sau này thì hết rồi.

Hải Lân vẫn trả lời tôi trong khi hai mắt vẫn đang dán chặt vào từng con chữ trên trang sách, nhưng hình như là em không đọc. Hải Lân chỉ nhìn vào những nét mực đen ngả vàng trên trang sách ấy, lòng ngực bổng em phồng lên như chờ đợi điều gì.

- Thế giờ Hải Lân còn thích đá banh không ?

- Dạ còn.

- Vậy chừng nào Hải Lân đi cùng với chị ra sân banh nha. Chị sẽ giới thiệu em cho vài đứa trong xóm.

Lời vừa dứt, tôi liền thấy Hải Lân thở ra nhẹ nhàng, đôi bàn tay cũng từ từ thả ra một trang sách đã nhàu. Tôi tự hỏi liệu điều gì đã khiến em hồi hợp đến thế nhỉ.

Những ngày sau kia, lấy cớ để dắt Hải Lân đi dạo, tôi ngày nào cũng kéo tay em ra tận sân banh để coi nhóm tụi tôi chơi. Những ngày đó, không biết vì chân tôi đã lành thương hẳn chưa mà tôi lại đá sung ghê gớm hay tại vì ở dưới gốc cây xoài kia có Hải Lân ngồi xem tôi đá nữa. Em lúc nào cũng nhìn tôi, một đôi mắt trong và long lanh.

Tôi trong sân ngó thấy Hải Lân thì bèn vẫy tay, hô lớn ơi là lớn:

- Hải Lân vào chơi chung.

- D..dạ thôi chị Tuệ.

Hải Lân thường ngày hay bảo tôi nó cũng rất thích coi đá bóng trên truyền hình vậy mà nay tôi rủ Hải Lân chơi thì em lại từ chối, lấy làm lạ nên tôi bèn chạy một mạch ra bóng cây xoài rồi kéo Hải Lân ra sân cho bằng được.

- Hải Lân ra chơi với chị nào.

Từ khi Hải Lân ra sân, đội chúng tôi chỉ có một sự thay đổi nhỏ xíu xìu xiu, đó chính là đội bóng của xóm tôi lại được thêm một đứa con gái nữa, thế là tôi lại có thêm một đồng mình, tôi sẽ tha hồ mà vui chơi chẳng lo bị mẹ rầy la nữa vì mẹ tôi thương Hải Lân lắm, nhất định mẹ sẽ không mắng em đâu.

Hải Lân nói thích xem đá banh là thế nhưng việc Hải Lân thích với việc em có đá được như vậy không lại là hai chuyện hoàn toàn khác. Trên sân Hải Lân chỉ toàn chạy theo sau lưng tôi, thi thoảng em còn nắm lấy đuôi áo tôi để không bị bỏ lại phía sau. Hải Lân tội nghiệp, dưới cái trời nắng nóng mùa hè như thế này mà em đã phải chạy tùm lum khắp cái sân đầy sỏi đá không biết bao giờ cho hết.

Tôi quay người sang thấy Hải Lân mặt đã đỏ kè liền hoảng hốt hô toáng lên nhưng Hải Lân chưa kịp đợi tôi lên tiếng trấn an thì đã bất ngờ ngã thụp xuống nền sân xi măng. Môi Hải Lân trắng bệch chẳng còn chút máu, mi mắt em nhắm tịt lại và mồ hôi thì cứ chảy ròng ròng trên cái khuôn mặt nóng rực ấy. Tay Hải Lân ôm lấy cần cổ, thở khó nhọc. Thấy em đau đớn như thế tôi cũng dần tỉnh ngộ, từ lo lắng tôi chuyển sang hoảng sợ ngay lập tức.

- Hải Lân, em ơi, tỉnh lại đi em.

- HẢI LÂN!!!

Từ sau đợt Hải Lân đột ngột té xĩu ở sân banh tôi mới biết thật ra em bị hen suyễn từ nhỏ nên không thể hoạt động mạnh được vì làm như thế rất có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của em, ấy vậy mà ngày đó tôi lại một mực kéo em ra giữa sân cho bằng được. Hôm đó vừa về tới nhà, tôi đã thấy vợ chồng chú Hạnh cô Mai đứng đợi em từ bao giờ, có lẽ đây là lần đầu tiên hai cô chú sẽ đón em về với một tình trạng khộng thể xấu hơn được nữa và thủ phạm đấy chỉ có thể là tôi chứ không ai. Bố mẹ tôi biết chuyện tôi rủ em chơi đá banh mà đã giận tôi ghê gớm. Tôi còn nhớ đó có lẽ là trận đòn lớn nhất từ trước cho đến bây giờ, tại vì cái tật lì lợm của tôi bây giờ đã ảnh hưởng lên cả em mất rồi.

Hải Lân bắt đầu trở bệnh nặng. Biết tin đó, lòng tôi vừa sợ hãi lại vừa ân hận, tôi chỉ cầu mong Hải Lân mong chóng bớt bệnh thôi còn bây giờ tôi mà có dính thêm mấy trận đòn roi có đau đớn thế nào thì tôi cũng chịu. Nhiều lần tôi đã định bụng sẽ len lén lúc bố mẹ đi làm thì sẽ liền chạy qua nhà Hải Lân để thăm hỏi bệnh tình của em. Ấy vậy mà lúc nào tôi qua cũng thấy nhà em đóng cửa kín mít. Nhớ tới em, tôi lại tình cờ nhớ đến những ngày đọc sạch trên tầng thượng nhà em và rồi chỉ vừa nghĩ tới, tôi liền ba chân bốn cẳng chạy ngay đến cái nơi mà tôi tin chắc rằng em vẫn đang ở đó.

- Hải Lân!!!

Tôi lại tung cửa thật mạnh với sự cầu mong em sẽ xuất hiện ở nơi ấy. Trước mắt tôi, bấy giờ, nơi tầng thượng nhà kế bên, vẫn em người con gái mái tóc nhẹ như bông gòn, đầu đang tựa vào tường ngồi đọc sách.

- Em chào chị Tuệ.

Vẫn là giọng nói đó, Hải Lân vẫn nhìn tôi với đôi mắt trong và long lanh. Hải Lân có vẻ gầy hơn trước dù chỉ mới có ba tuần trôi qua. Môi em nhợt nhạt và bọng mắt thì ngã màu tím tái. Thấy em như vậy, tôi chỉ thấy ân hận vô cùng.

Tôi nhẹ nhàng leo qua tầng thượng nhà mình rồi lại bước qua mấy bậc tam cấp đến chổ em, càng bước đến, mùi hương hoa nhài trên tóc em chỉ tổ làm khóe mắt tôi cay cay.

- Hải Lân, cho chị xin lỗi em nhiều.

- Có sao đâu chị. Hải Lân cũng muốn xin lỗi chị vì tại Hải Lân mà bữa hôm đó mất vui.

- Gì chứ, sao Hải Lân không lo cho sức khỏe của mình gì hết vậy.

Tự nhiên tôi thấy khóe mắt mình ươn ướt, có lẽ tôi đã khóc từ bao giờ. Nhưng Hải Lân khi ấy chỉ nhẹ nhàng nhìn tôi, em mĩm cười, mái tóc bồng bềnh dưới nắng hoàng hôn mùa hạ. Em ngồi vào nơi khuất ánh sáng. Tia nắng hồng nhạt chạm hờ hững lên bờ lưng em như chỉ muốn thuê nhờ một chổ neo tựa. Hải Lân chỉ đáp:

- Em không sao mà, vài bữa nữa em phải về cùng bố mẹ bốc thuốc hàng tháng rồi lại đi chơi với chị Tuệ.

Còn hai tuần nữa là đến ngày tựu trường, cái ngày mà chúng tôi phải tạm chia xa mùa hè để xách cặp táp đi học bù đầu bù cổ vào cả sáng trưa chiều tối. Ấy thế mới nói tôi yêu mùa hè, nhưng bấy nhiêu lý lo đó thì chưa đủ để tôi muốn níu kéo mùa hè, đặc biệt là mùa hè năm ấy tôi có Hải Lân. Trước hai tuần, Hải Lân đã về lại quê. Những ngày vắng Hải Lân nỗi buồn từ bao giờ đã tràn ra khỏi khóe mắt tôi, ngày thấy Hải Lân đeo hành lý trên vai, em đứng bên kia bờ rào nhìn tôi đang sụt sùi, bấy giờ tôi chẳng biết tôi là chị hay Hải Lân mới là chị đây. Hải Lân nãy giờ vẫn không nói gì hết, em vẫn nhìn tôi và cứ để mặc cho tôi khóc.

- Chị khóc mà Hải Lân cũng nhìn chị nữa hả? Tôi đưa tay quệt nước mắt.

- Em vẫn còn câu hỏi muốn chị trả lời. Hải Lân nhỏ nhẹ.

- Bây giờ mà cũng còn có cái để hỏi sao, em đúng là cái đồ ham học. Em muốn hỏi gì, chị thấy nãy giờ em có cầm sách đâu.

- Em đâu có hỏi trong sách đâu. Hải Lân thản nhiên đáp.

- Chứ em muốn hỏi gì.

Tôi hồi hộp vì rất lâu sau đó Hải Lân vẫn chưa lên tiếng, mãi đến khi tôi nín khóc hẵng thì Hải Lân mới nhìn tôi, một ánh nhìn mà tôi đã thấy thân thuộc từ rất lâu rồi.

- Chị đã thích ai chưa?

- Hả, em nói gì, chị nghe chưa rõ lắm? Tôi vảnh tai cố gắng nhớ lại lời vừa nãy của Hải Lân nhưng tất cả đã muộn vì Hải Lân chỉ lắc đầu rồi cười trừ.

- Thôi bỏ đi, em quên rồi. Hè năm sau em lại lên chơi với chị.

Hải Lân đưa ngón tay út của nhỏ qua khung hàng rào, thấy thế tôi cũng bèn đưa ngón tay mình tiến tới. Thế là chúng tôi đã thiết lập một lời hứa, tôi gọi đó là một lời hứa của mùa hạ năm ấy vì đó là lời hứa duy nhất mà tôi không thể nói' Thật!' một cách chắc nịch cho Hải Lân cũng như chẳng bao giờ có thể đợi Hải Lân trở lại để thực hiện được nữa.

- Hải Lân, tôi vẫn sẽ đợi em ở tầng thượng vào mùa hạ năm sau. Và mãi mãi .

Lời hứa cuối cùng của chúng tôi vào mùa hạ năm ấy đến giờ vẫn mãi chẳng thể thực hiện được vì tôi cứ đợi mãi mà Hải Lân lại chẳng về trên tầng thượng thăm tôi. Có lẽ nay Hải Lân đã lớn, em cũng đã lên cấp 3 rồi ra trường. Hải Lân có lẽ cũng biết giải những bài toán khó bởi vì em học rất nhanh lại còn thông minh. Có lẽ Hải Lân cũng lập gia đình rồi cũng nên, em là người lễ phép nhân hậu và biết yêu thương cha mẹ, chắc hẳn em đã được lòng rất nhiều chàng trai. Hải Lân có lẽ đã đi xa khỏi lời hứa mùa hạ.

Còn tôi thì vẫn ngồi đây, ngồi chờ đợi em quay trở về, chờ em ngồi phía bên kia tầng thượng, ngồi chờ hình bóng em năm nào đọc sách say sưa, nơi ấy đã cũng từng có tôi bỏ bê những trang sách để kiếm tìm niềm vui trong đôi mắt cười của em và cũng từ những trang sách ấy tôi đã cố gắng biến mình thành một con người khác, một con người hay đọc sách. Tôi đọc sách vì rất nhiều lý do, có lẽ là muốn tĩnh lặng sau những ngày tháng hiếu động của tuổi niên thiếu, hay có lẽ đó cũng chỉ là một cái cớ để chờ đợi em xuất hiện qua những ngày dài. Nhưng tôi cứ đọc mãi, tay đã gối đầu đến những trăm trang sách nhưng em vẫn chưa quay về trên tầng thượng và mùa hè em để lại trong tôi chỉ đầy day dứt.

Tôi không trách em, tôi chỉ trách mình đã quá tin vào những lời hứa thời ấu thơ.

Những ngày vắng em trên tầng thượng, tôi lại nhớ đến cái chân hôm nào còn sưng tấy lên vì những buổi chiều đầu hè đi đá banh với tụi thằng Lân. Năm ấy người tôi âm ỉ vì cái chân cứ đau, nó làm khổ tôi vì tôi chẳng đi được đâu cả. Còn bây giờ chân tôi đã lành lặn hẳn, cũng mờ cả sẹo, nhưng lòng tôi vẫn cứ tê tái, đó không phải là cơn đau của tuổi bồng bột, những cơn đau đấy một mai rồi sẽ hết. Còn em không quay về là một nỗi đau khó xóa nhòa trong tâm hồn tôi, rất lâu chẳng thể lành nữa.

Nhà chú Hạnh cô Mai bây giờ cũng đã chuyển đi, sau một tháng hè năm ấy, tôi đã mong em trở lại nhưng hiện thực lại càng đẩy tôi đi xa. Cái tin chú Hạnh cô Mai bố mẹ em phải bán nhà gấp để có tiền về quê chạy chữa cho em mà khiến tôi bàng hoàng. Hóa ra ngày ấy không phải em buồn ngủ vì đọc sách mà là vì một căn bệnh quái ác đang hành hạ em.

Căn bệnh đang hoàng hoành bên trong cơ thể em là một thứ bệnh kỳ lạ, nó là căn bệnh mà những người túng quẩn như bố mẹ em chẳng thể xoay sở nổi, căn bệnh ấy đã tước em đi trước khi màu nắng hạ mới kịp tới, trước cả khi tầng thượng nhà tôi năm ấy lại lần nữa phủ lên đôi mắt cười của em dưới một màu nắng ngã sầu.

End

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro