II.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Nghìn năm chẳng đặng thương hoài
Trăm năm sum họp biết ai một lòng?"

Cũng vào một ngày trời mưa như trút, có khách đến gõ cửa nhà tôi.

Người nọ xưng là bạn chiến đấu của Trương Nghĩa, đến để đưa tin dữ.

- Ông Nghĩa võ nghệ đã giỏi mà lòng nhân cũng hơn người, năm lần bảy lượt cứu tôi thoát chết. Khi quân ta rút khỏi đất Chiêm thì bị một toán tàn quân đánh úp, ông tranh cả ngọn giáo của địch với tôi... - Người đàn ông họ Nguyễn quỳ mọp, run run đưa tấm áo rách bươm lên cao quá đầu.

Tai tôi không nghe được gì thêm. Cu Đản không hiểu chuyện gì, bước đến ôm chân mẹ, tôi sụp xuống ôm chặt con trẻ vào lòng, hàm nghiến chặt, mắt vẫn ráo hoảnh. Chuyện này không thể nào là thật được, chàng biết tôi đang chờ, mẹ đang mong, con trai đang nhớ, sao nỡ lòng bỏ mà đi?

- Bác! Bác ơi! – Tiếng người kia kêu thất thanh khiến tôi sực tỉnh.

Mẹ chồng tôi nhìn tấm áo tự tay khâu cho con, nấc lên một tiếng, khuỵu xuống, từ đó không dậy nữa, mặc tôi lay gọi đến khàn giọng. Bà ốm liệt giường suốt mười ngày rồi thác.

Tôi gác hết mọi suy nghĩ trong đầu, lo hậu sự cho bà tươm tất, đắp một nấm mộ cạnh nhà hương khói cẩn thận. Khi mọi việc đã xong xuôi, tôi gửi cu Đản lại cho cậu ba Quân trông giúp ít lâu rồi khăn gói lên đường.

- Có phải cậu chưa từng thấy cái bản mặt mít ướt của mày đâu. Hồi ở phủ lý mày chẳng khóc nhè suốt đấy thôi, giờ vờ vịt kiềm chế làm gì?

- Giờ con yếu đuối cho ai xem hả cậu? – Tôi đáp, cố không để cậu thấy đôi vai đang run rẩy.

Mãi không nghe cậu trả lời, tôi bèn quay lại cúi chào:

- Con đi tìm chồng mấy tháng, dù tìm thấy hay không con cũng về đón bé Đản, không dám phiền cậu quá lâu. Ơn nghĩa cậu giúp mẹ con con, kiếp này con làm trâu ngựa cũng cam lòng.

Cậu ba đỡ tôi đứng dậy, lẳng lặng bỏ vào túi hành lý thêm ít bạc, giọng nói ít nhiều mệt mỏi:

- Nhà cậu nhiều trâu nhiều ngựa lắm rồi. Mày vác cái thân lành lặn về gặp cậu là đủ. Đi nhanh kẻo nắng lên!

Tôi đã khẽ thề trước vong linh của mẹ tôi là sẽ đưa Trương Nghĩa trở về nhà, dù chỉ là một mảnh thi hài. Không hiểu sao, linh cảm của người vợ nói với tôi rằng chồng tôi chưa chết, vì năm xưa chàng chỉ bị rựa cắt nhẹ lúc làm đồng, tôi ở nhà đã nghe nhoi nhói trong tim. Tin như thế nhưng lại không dám kỳ vọng quá nhiều, tôi cứ nhắm hướng chiến trường phía Nam, vừa đi vừa hỏi. Ròng rã ba tháng trời, bạc mang theo đã hết mà sức lực cũng mỏi mòn, nhớ thương con quặn thắt ruột gan, tôi tự nhủ sẽ tìm thêm một tháng nữa rồi trở về nhà. Không phải tôi bỏ cuộc, nhưng tôi còn có trách nhiệm lớn hơn với chồng, với mẹ chồng, với cả chính mình là nuôi đứa trẻ kia khôn lớn, nối dòng nối dõi cho họ Trương. Khi cu Đản cứng cáp hơn, mẹ con tôi sẽ cùng nhau đi tìm lần nữa!

Ngay lúc đó người nhà ông lý trưởng đến truyền tin bảo tôi lập tức quay về. Đón tôi không chỉ có cậu ba Quân, còn có người tôi mải miết kiếm tìm, Trương Nghĩa.

Nghe nói chàng đến viếng mộ mẹ trong đêm tối rồi không kiềm được xúc động mà bật khóc, người làm của cậu ba ở gần đó nghe thấy chạy đến rồi chia nhau đi tìm để báo cho tôi.

Tôi vừa đến ngõ đã thấy dáng người cao lớn thân thương, gương mặt đã đen sạm vì sương gió nhưng ánh mắt vẫn như xưa, nửa trìu mến, nửa ngập ngừng. Không kiềm được xúc động, tôi sà đến ôm chặt gối chàng nức nở.

- Em biết ông còn sống... Em biết ông sẽ về mà... – Mãi lâu sau tôi mới lắp bắp được mấy từ.

Bàn tay ấm áp phủ lên vai tôi, khẽ siết. Tôi vội lùi ra sau, cúi đầu sát đất:

- Xin lỗi ông, em không giữ được mẹ đợi gặp ông. Xin lỗi...!

Chồng tôi toan nâng tôi dậy, lừng khừng mãi rồi cũng gục xuống đất ôm chặt lấy vợ khóc òa:

- Không! Thục ơi! Tôi mới là kẻ có tội... Sao tôi không chết quách cho rồi?

- Ông chết thật thì em biết sống sao? – Tôi đưa tay che miệng không cho chàng nói gở.

Vợ chồng tôi ôm nhau mừng mừng tủi tủi hồi lâu, quên hết những người đang có mặt xung quanh. Đến khi nghe tiếng hắng giọng của cậu ba, bọn tôi mới giật mình ngẩng đầu lên:

- Mẹ cậu rất thích thằng cu Đản, thích tới nỗi mắng lây sang cậu không chịu lấy vợ để có cháu cho bà bế. Chúng mày cứ thong thả mà tình tự, để nó chơi với bà thêm vài hôm nữa rồi cậu mang đến trả.

Cậu khoát tay ra hiệu bọn hầu cận rút cả đi. Trương Nghĩa tiễn cậu ra tận cổng, cúi gập người. Tôi hơi ngạc nhiên vì trước giờ chàng vốn coi thường cậu chỉ biết cậy quyền cậy thế ăn chơi, sao hôm nay bỗng cung kính lạ thường. Rất nhanh, nỗi thắc mắc ấy bị lãng quên bởi tôi quá mừng vui vì chàng đã bình an vô sự. Đám người của cậu ba vừa khuất dạng, tôi lại nắm chặt tay chàng, định cọ dụi một phen cho thỏa nỗi nhớ mong. Chẳng ngờ chàng rụt tay lại rất nhanh, sải bước vào nhà.

- Ông Nghĩa...

- Xin lỗi Thục, tôi hơi mệt. Vả lại, đang kỳ tang mẹ.

Tôi tự trách mình vô ý rồi không dám nói thêm gì nữa, lặng lẽ giúp chàng xếp chỗ nghỉ ngơi, lại là người dưới đất, kẻ trên giường.

Trừ việc tránh chuyện vợ chồng gần gũi, chàng vẫn chu đáo như xưa. Ngày ngày giúp tôi gánh nước, chẻ củi, trồng rau, cậu ba và những người hầu của cậu cũng không cần lui tới nữa. Những ngày đầu tiên tràn ngập niềm vui sum họp, ấm áp như đôi trai gái làng mới phải lòng nhau. Tôi ngỏ ý đi đón cu Đản về cho cha con gặp mặt, chàng còn gạt đi bảo muốn tận hưởng cuộc sống hai người thêm mấy ngày nữa.

Đương nhiên không thể tránh khỏi những lúc thật buồn.

Có lẽ vì dãi dầu nơi tiền tuyến lâu ngày, mồ hôi thấm lương khô mà sống, mỗi lần đến bữa cơm chàng đều trầm ngâm, gắp một miếng thịt, miếng rau do vợ nấu cho vào mồm mà ngậm ngùi đến rơi lệ. Những lúc ấy tôi chỉ biết rót một chén chè cho chàng rồi ngồi lặng lẽ cạnh bên.

Cũng có thể, chiến trường vốn là một nơi tàn khốc. Chồng tôi bản tính thiện lương, vì bất đắc dĩ mà phải ra tay lấy mạng quân địch nên nỗi ám ảnh ấy len cả vào cơn mơ. Có nhiều đêm tôi thấy chàng ú ớ trong giấc ngủ, tay chân vung vẩy như đang đánh nhau, miệng không ngừng kêu lên:

- Tôi không biết! Tôi không cố ý!

- Ông Nghĩa! Ông Nghĩa ơi, mau tỉnh dậy! – Tôi cố lay chàng thật mạnh.

Chồng tôi choàng tỉnh, ôm chặt vợ vào lòng, người mướt mồ hôi. Hơi thở vừa chậm lại, chàng đã vội đẩy tôi ra, đập đầu vào vách nghe chan chát. Sáng hôm sau, chàng vẫn tươi tỉnh như đêm qua chẳng hề mộng mị.

Mỗi khi chiều xuống, chàng lại ra mộ mẹ, ngồi như thầm thì kể lể điều gì đó, lúc nào trở vào nhà mắt cũng hoe hoe đỏ. Tôi thầm ngưỡng mộ tình cảm của gia đình chàng, tuy chẳng máu mủ nhưng không khác gì ruột thịt. Có lần tôi đứng sau lưng chàng mãi một lúc lâu, khi thấy bờ vai rộng ấy run lên trong cơn xúc động, tôi liền bước đến vòng tay ôm chặt, thầm thì bên tai chàng:

- Mẹ luôn mong ông sống thật tốt, thật mạnh khỏe. Chúng mình sẽ sinh thêm thật nhiều con, để trong nhà luôn rộn rã tiếng nói cười cho mẹ vui lòng, ông nhé!

Người trong lòng tôi bỗng như hóa đá. Rồi chàng vỗ lên bàn tay tôi nhè nhẹ:

- Sương rơi rồi, vào nhà kẻo ốm.

***

Khi chưa tòng quân, Trương Nghĩa nổi tiếng là người nấu rượu ngon nhất vùng, bản thân chàng lại ít khi chè chén. Từ hôm trở về, không lúc nào hơi thở không phảng phất hơi men. Mọi hôm ngà ngà, hôm nay túy lúy. Tôi sợ chàng phải gió nên đỡ lên giường nghỉ, chàng tựa hẳn vào vợ, chân nam đá chân chiêu. Tôi dìu chàng một đoạn đã bở hơi tai, loạng choạng thế nào lại ngã nhào, ngẩng mặt lên đã thấy chàng kề sát, hơi thở nóng rẫy.

- Ông nằm nghỉ, để em đun nước lau người cho ông nhé! – Tôi cố đẩy chàng ra.

- Thục à... - Giọng chàng nhừa nhựa. – Lần đầu chém gã kia, tôi run sợ lắm! Thằng Trọng bảo tôi nhấp ngụm rượu để có thêm can đảm, mãi thành quen... – Đầu chàng vục vào hõm cổ tôi.

- Mọi việc qua rồi, qua cả rồi! – Tôi đưa tay xoa lưng chàng hệt như lúc ru con.

- Thục! Thục à...

Môi lưỡi chàng khiến cổ tôi ướt đẫm, tôi ngượng nghịu quay đầu tránh né, cuối cùng vùi mặt vào trong gối, đưa gáy ra cho chàng mặc sức hôn. Bàn tay chàng càng lúc càng ngông cuồng, tóc tôi bị vén cả sang một bên.

Rồi, tôi bỗng thấy lành lạnh, không phải vì váy áo xô lệch mà vì người phía trên đã rời đi, ngồi thu lu một góc nơi mép giường, đôi mắt đăm đắm nhìn vào khoảng không như chưa từng mờ mịt vì say. Lòng tôi chợt trống hoác một mảng như ngôi nhà vừa có trộm vào.

Đêm trước ngày đăng ký tòng quân, chàng cũng kỳ lạ thế này.

Đêm ấy, tôi kể chàng nghe chuyện năm xưa bị anh trai vô ý tặng cho vết sẹo dài trên gáy.

***

Mươi hôm sau, cậu ba Quân đưa cu Đản về tận nhà. Con trẻ vừa thấy tôi đã sà vào lòng ríu rít:

- Sao mẹ đi lâu quá không về với Đản? Bà lý cho Đản ăn ngon, cho Đản áo đẹp, nhưng Đản chỉ thích ăn cơm của mẹ thôi. Cậu ba cũng luôn miệng kêu nhớ món ăn mẹ nấu...

Tôi vội bịt mồm con, sợ chồng hiểu lầm thì chết dở. Hai mẹ con nựng nịu thỏa thích một hồi, tôi mới nhớ ra cậu chủ cũ vẫn đang đứng nhìn giữa trời nắng nóng, liền nhỏ giọng:

- Con vô ý quá! Cậu thưa với bà giúp con, mấy hôm nữa con làm vài món mang sang phủ đội ơn bà và cậu.

Cậu ba nhếch mép cười:

- Phủ cậu không thiếu đầu bếp giỏi. Mày ở nhà lo nấu cơm hầu chồng, đừng phiền cậu nữa, cậu mang ơn ngược lại mày.

Tôi phì cười nhìn bóng áo thư sinh ngông nghênh khuất dần trên con đê vắng. Khi tôi ôm con trở vào nhà, Trương Nghĩa đang đứng ngay cửa nhìn ra. Tôi nói nhỏ vào tai con:

- Đây là thầy của Đản đấy! Đản gọi thầy đi!

Mắt con tôi vẫn tròn xoe nhìn chăm chăm người trước mặt. Tôi biết mình không thể vội vàng vì từ lúc sinh ra đến giờ con đã được gặp thầy đâu. Chồng tôi chắc cũng nghĩ như thế, nên mãi lâu sau chàng chỉ bước đến xoa xoa đầu nó, mỉm cười rất hiền từ.

Tôi âu yếm nhìn hai cha con rồi lại nhìn về phía đồng lúa đang dập dìu như những con sóng đuổi nhau về phía chân trời, sự ấm áp trong lòng còn hơn cả cái nóng ngoài trời. Gia đình tôi cuối cùng cũng đoàn viên!

***

Vui chẳng được bao lâu, tôi lờ mờ cảm thấy nhà mình chẳng giống nhà người khác một chút nào, cả nhà mình của trước kia cũng không hề giống. Trương Nghĩa vẫn là cây bách cây tùng che nắng che mưa cho vợ cho con, nhưng trụ cột ấy chỉ có thể nương mà không thể tựa. Dù môi chàng cười, mắt chàng lấp lánh những khi gian nhà rộn ràng tiếng con thơ, tâm trí chàng vẫn còn ở đâu đó nơi miền biên ải. Tháng lại ngày qua, chồng tôi về nhà đã được nửa năm mà vẫn chưa một lần gần vợ. Tôi không phải loại đàn bà phóng đãng nhưng ba năm gối chiếc phòng không, ít nhiều cũng nhớ những lần được rúc trong lòng chàng mà cảm nhận thương yêu dịu ngọt. Đằng này, không ngủ cùng nhau là một nhẽ mà khi thức chàng cũng tránh chạm vào tôi, "thụ thụ bất thân" như khách lạ. Tôi cố dặn mình không suy nghĩ vẩn vơ nhưng nỗi tủi nhục cứ len lỏi trong lòng.

Một hôm nọ, cậu ba sang đón cu Đản qua chơi cùng bà lý, chồng tôi lại đang ở chợ chưa về, nhà chỉ còn lại mỗi tôi. Tôi cặm cụi nào giã thuốc nào nấu cơm để ủ rượu, khi xong việc thì mặt trời sắp lặn. Chiều hôm nay cũng giống như mọi chiều khác, cũng vầng dương chầm chậm khuất sau dãy núi, cũng một tôi tựa cửa ngóng về xa. Nhưng, chiều hôm nay không như những chiều năm cũ, sau lưng đã im tiếng ho khan của mẹ già, dưới gối không có con trẻ lúc nào cũng bám lấy mẹ như nguồn vui duy nhất. Hạnh phúc tôi mong đợi đã quay về hay mãi trôi xa cũng không rõ nữa. Có phải ký ức ngọt ngào thuở ban đầu đã khiến tôi hy vọng quá nhiều không? Đàn ông được bao kẻ nặng tình, mấy năm trời ở miền xa chắc gì đã không có người đàn bà nào kề cận...?

Ấy là chưa kể đến, thuở mới cưới nhau, có lần chàng còn làm giỗ cho một cô bạn thời thơ ấu. Tôi thấy chàng mang vàng mã ra sân đốt, trong số đó có cả con rối vải rất đẹp mà khi còn bé tôi hay vòi anh trai mua cho mỗi lần ngang chợ. Tôi ngạc nhiên gặng hỏi nhưng chàng chỉ đáp qua loa. Hôm ấy trùng hợp là ngày mà năm xưa anh tôi bỏ nhà đi, năm nào thầy tôi cũng buồn nhiều hơn nên tôi nhớ rõ. Trong men say hạnh phúc, tôi ngây thơ nghĩ rằng chúng tôi quả có duyên, đến cả chuyện buồn cũng chung một ngày. Giờ ngẫm lại, biết đâu chàng chẳng thương tôi vì có nhiều nét giống cô bạn nọ?

Vò rượu đã ở trên tay từ lúc nào, tôi cứ chìm vào những suy nghĩ ấy, chìm vào vị đắng, vị cay, chìm vào cái lâng lâng ngây ngất. Mơ mơ hồ hồ, tôi thấy Trương Nghĩa đứng trước mặt mình, ánh mắt phảng phất chút ngây dại. Tôi mặc kệ là thực hay mơ, đưa tay vuốt lên má chàng:

- Ông chán ghét em rồi phải không?

- Em say rồi. Ngoan nào, tôi dìu em vào nghỉ! – Chàng vẫn dịu dàng.

Tôi chưa say, tôi chỉ mượn rượu làm càn. Có lần ra sông giặt áo, tôi nghe các chị trong thôn kháo nhau rằng đàn bà lúc ngà say có một vẻ phong tình khó cưỡng. Tựa hẳn thân người mềm oặt vào lồng ngực rắn rỏi kia, tôi vòng tay qua cổ chồng, kéo mặt chàng sát lại, cất giọng nỉ non:

- Em nhớ ông! Em chỉ muốn được gần ông mãi...!

Họa có là sắt đá mới chẳng yếu lòng. Tôi ôm chặt lấy chồng, siết ghì cho thỏa bao nỗi chờ mong, bao ngày đơn lạnh. Lần này chàng đã thực sự trở về với tôi chăng?

Hơi thở còn gấp gáp, hương ân ái chưa tan, từ ngõ xa đã vang vọng tiếng người làm nhà ông lý:

- Cô Thục! Cô Thục ơi! Cậu Đản ngã cây rồi!

***

Vợ chồng tôi ba chân bốn cẳng chạy đến phủ lý, đến nơi đã thấy con tôi nằm thoi thóp trên sập, máu ướt đẫm thân hình bé bỏng. Tôi toan lao đến thì bị một cánh tay giữ chặt, cậu ba Quân ra sức trấn an:

- Thục! Bình tĩnh lại! Thầy lang đang cầm máu!

- Nó có phải là con của cậu đâu! Nó có bề gì làm sao tôi sống được!

Cậu giữ tôi bằng cả hai tay, lay mạnh, lớn tiếng quát:

- Mày câm ngay cho cậu! Cậu trông nó từ lúc mới chào đời, lẽ nào không coi nó như con? Có cậu ở đây ai cho nó chết!

Lực siết trên cánh tay tôi dần nhẹ đi, cậu lại hạ giọng vỗ về:

- Thầy nói thằng Đản tuy chảy máu nhiều nhưng không nghiêm trọng lắm, cũng may không bị đập vào đầu...

Tôi cố gắng trấn tĩnh lại, giọng nói cũng dịu dàng hơn:

- Trăm sự nhờ cậu, cứu thằng bé...

Cậu đưa tay lau nước mắt cho tôi. Tay cậu vừa chạm lên má, tôi sực nhớ đến chồng mình nên lùi lại một bước, xoay người tìm Trương Nghĩa nhưng không thấy. Có người làm đưa tay chỉ về phía gốc cây nơi con tôi nghịch ngợm trèo lên rồi té ngã. Chồng tôi không ngừng đấm mạnh vào thân cây đến tay bật máu rồi gục xuống, gương mặt chất chồng đau khổ. Tôi tiến lại gần thì nghe chàng khẽ rên xiết qua hàm răng nghiến chặt:

- Trời có giáng tội thì giáng xuống đầu tôi, sao lại phạt con tôi...

***

Tôi xin phép ông bà lý đưa con về nhà để tiện chăm sóc, cậu ba cũng nhờ thầy lang đến bốc thuốc mỗi ngày. Chẳng bao lâu, vết thương của cu Đản đã gần như khỏi hẳn. Chồng tôi tuy không nói gì nhưng tôi biết chàng thương con chẳng kém chi tôi, đêm nào cũng chong đèn thức trắng, thỉnh thoảng còn nhìn trời cao mà cầu khẩn. Khi con tôi khỏe lại cũng là lúc chàng đổ bệnh, chẳng chịu ăn uống gì mà cứ nằm mãi trên giường.

- Ông dậy xơi tí cháo rồi uống thuốc!

- Tôi không đói. – Chàng trở người, xoay mặt vào tường.

- Ông cố để mau khỏe lại, mẹ con em lo lắm!

- Cứ mặc xác tôi! – Chàng lớn giọng.

- Ông nói gì lạ vậy...

Tôi chưa dứt lời, chàng đã vung tay rất mạnh. Tôi suýt té nhào, bát cháo rơi xuống đất, vỡ tan tành.

- Không được đánh mẹ Đản! – Con tôi đang chơi ngoài sân nghe động chạy vào.

Nó thấy Trương Nghĩa vẫn nằm đưa lưng ra ngoài không thèm ngó thì trèo lên giường, lay mạnh:

- Ông xin lỗi mẹ Đản đi! Ông không được đánh mẹ Đản!

Chồng tôi lại đưa tay toan đẩy cu Đản ra, tôi vội bế con lùi lại, dỗ dành:

- Đản ngoan nào! Thầy không có đánh mẹ, tại thầy mệt thôi! Thầy yêu mẹ và Đản lắm!

Nó nhìn chăm chăm vào gương mặt đen sì ở trên giường, bỗng khóc òa rồi nói một hơi:

- Ông ta không phải thầy của Đản! Thầy của Đản chỉ ban đêm mới đến. Mẹ đi thầy cũng đi, mẹ ngồi thầy cũng ngồi. Ông ta không yêu Đản, không yêu mẹ!

Tôi ôm chặt con trẻ vào lòng, nhìn về phía Trương Nghĩa toan giải thích thì gương mặt kia đã khiến tôi sợ điếng người:

- Ra vậy. – Chàng nhếch mép cười. – Hay! Hay lắm! – Chàng cười khùng khục trong cổ họng rồi lại nằm xuống, lim dim ngủ.

Tôi muốn nói, nhưng mãi chẳng thành câu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro