IV.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Những người mang mệnh biệt ly
Nhân duyên nào hẹn đúng kỳ mà mong?"

Một hôm, người nhà ông lý đến báo với tôi rằng cậu ba Quân ở kinh đô gặp nạn. Nghe nói việc buôn bán của cậu ở Thăng Long rất thuận lợi, sắp mở được một cửa hiệu to. Không ngờ, ông huyện trước theo đuổi tôi giờ đã thành quan lớn, vô tình thấy tượng cậu khắc rồi điều tra ra đến hình người hóa đá trên mỏm núi năm xưa, biết cậu đặt điều dối trá nên vu cho tội khác rồi giam vào ngục. Tôi vội chạy đến phủ lý, chỉ có bà lý trưởng mẹ cậu ở nhà, thầy cậu sớm đã lên kinh tìm cách cứu con. Tôi cũng là một người mẹ, nhìn bà lý hốc hác, mắt thâm quầng vì thương con, tôi chỉ biết sụp xuống lạy:

- Thục à! – Bà nâng tôi dậy. – Ông bà thương mày như con gái nên mới lo việc cưới gả đàng hoàng. Ông bà cũng biết cậu thương mày nên bấy lâu nhắm mắt làm ngơ. Nhưng ông bà chỉ có một mụn con trai... - Bà bật khóc. – Nó có việc gì, chắc bà không sống nổi...

- Tất cả cũng chỉ vì cậu muốn giúp con. Con xin được chịu tội với quan trên để đón cậu về! – Tôi gục đầu sát đất.

- Ông mày đã đi gặp quan lớn, chắc sẽ không sao... - Bà liên tục lau nước mắt. – Nhưng khi cậu mày về, mày làm phước khuyên cậu lấy vợ, để ông bà còn có cháu ẵm bồng.

Lời bà nói như tiếng sấm nổ ngang tai.

Thời gian qua tôi chỉ nghĩ đến nỗi khổ của mình, cảnh ngộ của mẹ con mình mà nhận sự quan tâm của cậu như một lẽ dĩ nhiên. Tôi tự nhủ rằng cậu chỉ lấy tôi làm cái cớ để có nơi tập trung mà luyện nghề cho tinh xảo. Thậm chí, đã có lúc tôi nghĩ nếu cậu bắt tôi đền ơn bằng cách làm tì thiếp cho cậu cũng không sao, lòng tôi sớm đã chết rồi! Tôi đã quên mình cũng là người, tim cũng là máu thịt, cũng từng vì sợ phải chịu cảnh chồng chung mà kiên quyết xem cậu như người anh lớn. Cậu thông minh như thế, trông chừng tôi nhiều năm như thế, cớ gì không hiểu được tâm sự của tôi? Đã hiểu rồi, cậu làm sao nỡ để tôi cam phận lẽ? Bấy lâu nay tôi yên tâm để cậu ở cạnh mình chẳng phải vì cậu ấm phong lưu ngày nào đã luôn rất đường hoàng giữ lễ với tôi sao?

Càng nghĩ tôi càng thấy lòng bức bối. Trong những nguyên nhân khiến cậu kiên quyết tạo dựng xưởng nghề cho riêng mình, không chấp nhận làm đứa con ngoan suốt đời vâng lời thầy mẹ, có lý do nào mang tên con ở khốn nạn tôi không?

Tôi ở lại phủ lý vài ngày đợi tin và thay cậu chăm sóc mẹ. Cũng ngôi nhà này, cũng mái ngói nọ, cũng khoảng sân kia, ngày nào vô tư nói nói cười cười, giờ mỗi phận đời đã trôi sang hướng khác. Hai người đã bên nhau từ lúc ấu thơ rồi có người kia trong mỗi thăng trầm ngày khôn lớn, nhưng khoảng cách giữa chúng tôi càng lúc càng xa. Tôi từ con ở thấp hèn thành kẻ bị chồng chê đèo bòng con mọn, cậu từ công tử trác táng thành trang râu mày đĩnh đạc vững chãi như bách như tùng. Thục, mày đã nghĩ gì mà tự cho mình cái quyền quấn chân làm mất thì giờ của cậu bấy lâu nay?

Bà lý đi chùa lễ Phật xin cho con trai được tai qua nạn khỏi, tôi cũng theo hầu, không quên đội khăn che kín mặt để người làng khỏi nhận ra. Nhìn lên đấng Thế tôn, tôi thầm khấn xin đổi mười năm tuổi thọ mình lấy sự bình an cho cậu. Tai vạ này cũng vì tôi, chỉ cần cậu trở về, tôi nguyện đưa con đi thật xa, không làm lụy đến những người quan tâm tôi.

Về đến đầu thôn, bà lý muốn mua ít ô mai nên dừng ở hàng chợ ven sông. Tôi biết cậu ba Quân rất thích món này, hẳn là bà mua sẵn đợi con về. Trước tôi có tự tay làm cho cậu và cu Đản nhưng đến non nước này, tôi chỉ dám im lặng đứng đợi bà. Gánh hàng cạnh bên, có cô gái đang mặc cả. Lúc cô quay lại, tôi thoáng sững sờ vì gương mặt ấy rất quen. Bà lý vừa mua hàng xong, bước ra đã thấy cô gái nọ, bà lên tiếng gọi:

- Mận!

- Ơ... thưa bà! – Cô kia thoáng ngạc nhiên. – Bà đi đâu mới về ạ?

- Bà đi chùa xin Phật Trời phù hộ cho cậu mày. – Bà lý thở dài.

- Chết chửa? Cậu con bị làm sao?

Tôi đứng một bên, mắt nhìn bâng quơ mây trời nhưng câu chuyện của bà lý và cô Mận cứ trôi cả vào tai. Hóa ra cô ta trước cũng là kẻ ăn người ở trong phủ lý, sau được cậu ba làm mối cho một anh học trò ở làng bên. Mẹ cậu gặp được người quen cũ, bao nhiêu âu lo muộn phiền mang ra trút hết nhưng tuyệt nhiên không nhắc gì đến ngôi sao xấu tôi đây. Mãi đến khi chúng tôi và cô gái kia đã đi về hai hướng, tôi mới xin phép bà quay lại mua ít đồ khi nãy đãng trí nên quên. Bóng người chủ cũ vừa khuất sau mái đình, tôi ba chân bốn cẳng chạy như ma đuổi về hướng cô ả tên Mận đã đi.

Đời này tôi chẳng bao giờ quên được gương mặt đó!

Cô ta không nhận ra tôi, phần vì chưa gặp bao giờ, phần khác vì tôi đang che kín mặt. Ngược lại, tôi vừa nhìn đã biết đó chính là nụ cười tôi từng thấy khi nép mình sau bụi tre nhìn về căn nhà cũ, nụ cười rực rỡ như ánh nắng khi đón nhận ánh mắt long lanh tình ý của chồng tôi. Tôi cứ chạy mãi một hồi thì thấy dáng người mảnh mai đang bước nhanh trên con đê dài trước mặt. Bất giác tôi chẳng biết phải làm gì nữa, cứ đứng chôn chân nhìn theo cô ả. Cuối con đê bên kia là hàng rào tre nhỏ, từ trong nhà, một người đàn ông sải bước ra đỡ lấy chiếc rổ nặng đầy những rau củ, thịt cá. Đầu tôi như có ai đó giáng mạnh một cú, mơ mơ hồ hồ chẳng hiểu gì, cô gái này không phải là tình nhân của Trương Nghĩa hay sao?

Cứ ngỡ tim đã sắt đá khi nghĩ đến chuyện xưa, chẳng ngờ chỉ chút hoài nghi thế này đã khiến bụng tôi ngứa ngáy như có nghìn con kiến đang bò rồi cắn phá lung tung. Nếu như cô gái nọ không như tôi nghĩ, biết đâu gia đình tôi vẫn còn cơ may sum họp? Tôi vừa đi vừa cố nghĩ, thoắt cái đã trở về nhà cũ, cái mừng vụn trộm, cái lo chính đáng cứ đánh nhau đến rối tung beng. Đã đến đây rồi chả nhẽ không vào, mà vào thì biết ăn làm sao, nói làm sao cho xuôi? Tôi tiến rồi lùi, lùi rồi tiến ngoài đầu ngõ hết cả một ngày. Cuối cùng tôi chợt nhận ra Trương Nghĩa vắng nhà, vì trước sau không thấy bóng người, cửa lại đóng kín im ỉm. Nghĩ thế, gan tôi bỗng to ra, tôi bèn tự lẻn vào nhà mình thuở trước, biết đâu sẽ tìm thấy câu trả lời cho nỗi thắc mắc đang cào xé trong lòng.

Đồ đạc trong nhà vẫn nguyên vị trí cũ. Tôi đưa mắt tìm xem chồng mình có thờ cúng mình chu đáo không nhưng chẳng thấy gì. Cái sự vui mừng len lén bị ai tạt cho một gáo nước lạnh, tắt ngúm.

Đến bây giờ mày vẫn còn ngu lắm, Thục à, dù không phải cô gái kia thì cũng sẽ là người đàn bà khác, người ta sớm đã quên rồi.

Rồi tôi chợt nhớ đến thầy tôi. Không có tôi ở nhà, biết thầy có được hương khói đủ đầy hay chịu cảnh bụi bám nhện giăng? Tôi đưa mắt nhìn lên bàn thờ, há hốc mồm vì thấy nén hương vừa lụi, cạnh bên còn có một ít hoa. Tôi kiễng gót nhìn kỹ bài vị thầy, đập vào mắt tôi là một vật vừa lạ vừa quen. Trái tim bỗng đập thình thịch trong lồng ngực, tôi nín thở, run run cầm lên xem thử. Vật ấy màu đen bóng, phía trên đầu có chạm nổi một gốc cây tùng uốn lượn, lá sum sê, bên cạnh là một mái cổ đình thấp thoáng dưới mây trời. Mấy ngón tay của tôi như không còn sức, mãi mới xoay được phần đáy lên xem. Vết nứt năm xưa do tôi bất cẩn đánh rơi làm thầy và anh trai tôi giận dữ vẫn còn nguyên vẹn.

"Tùng à, đây là nghiên mực thầy đổi bằng chục đấu gạo đấy, cố mà học cho hay chữ nhé!"

"Thục, lại mài mực giúp anh nào!"

"Khi nào thấy nó về thầy mới yên tâm nhắm mắt..."

Góc nghiên bị mẻ như mũi dao cắm vào tim, càng lúc càng sâu, tôi tưởng như ai đang siết chặt cổ mình, không thở nổi. Đây là món quà mà anh trai tôi quý nhất, lúc trốn khỏi nhà anh đã mang theo, sao giờ lại...

Có tiếng nói cười văng vẳng, tôi hoảng hốt đặt nghiên mực vào chỗ cũ, vội vội vàng vàng trốn khỏi nhà. Tuy không rõ tại sao nhưng tôi không dám đối mặt với chồng ngay lúc này, tôi cứ bịt chặt hai tai, lắc mạnh đầu, đi mãi. Trời bắt đầu nổi cơn giông, gió và mưa quất vào mặt tôi đau điếng.

Có lẽ vì thói quen thấy bóng quan là chạy bay biến của năm xưa, tôi vô thức đi đến chỗ mỏm đá có bức tượng cậu ba Quân đã tạc. Trước mặt không còn đường để đi nữa, tôi ngồi thụp xuống, mặc bao ý nghĩ trong đầu thi nhau làm loạn.

Năm ấy, Trương Nghĩa sắm vàng mã cho cô bé mất cùng ngày anh tôi bỏ trốn.

Sau lần thấy vết sẹo ở gáy tôi, chồng tôi đã một mực tòng quân, lên đường rồi đi mãi chẳng chịu về nếu như không bị người làm của cậu ba bắt gặp, thậm chí còn nhờ người đến báo tử khiến mẹ tôi không chịu nổi mà qua đời.

Từ lúc trở về, chàng nhất quyết không gần vợ, cư xử khi này khi khác, nhìn thấy con trai của chúng tôi cứ như thấy vật gì ghê tởm đáng khinh.

Chỉ vì một mối nghi ngờ nhỏ, chàng lớn tiếng xua đuổi vợ, tìm đủ mọi cách để tôi không chịu được mà bỏ đi.

...

Những điều xưa kia tôi cho là vô lý giờ bỗng nhiên trở nên rõ ràng, từng việc từng việc một nối tiếp nhau, phơi bày một sự thật trời đất khó dung tha. Tôi cắn chặt răng, tay đấm mạnh xuống nền sỏi đá, nhớ lại dáng vẻ bất lực ngày nào của chồng tôi. Cái đau quặn từng cơn ở bụng, lan lên ngực rồi nghẹn lại thành cục nơi cuống họng. Tôi ngước mặt nhìn lên ông Trời, hét lớn.

Sấm đùng đoàng. Chớp sáng choang từng tia như rạch bầu trời thành ngàn mảnh.

Trời không dung, đất không tha!

Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh cu Đản ngã từ cây xuống, máu me bê bết; Trương Nghĩa ôm đầu rên rỉ như van xin Trời đừng trách tội con tôi.

Tôi không biết mình đã gào thét bao lần, chỉ thấy càng lúc nỗi uất hận càng dâng cao. Ông có giỏi thì đánh xuống đầu tôi một nhát đây này, đừng hù dọa nữa, đừng trêu cợt nữa!

Đúng lúc tôi thấy hẫng hụt dưới chân, cả người tôi bị ai đó ôm siết, kéo mạnh vào trong. Người ấy không buông ra, tôi cũng không giãy giụa, giữa cái lạnh giá thấu xương, hơi ấm kia bỗng trở nên quý giá. Nhưng rồi, tôi cố hết sức đẩy mạnh cậu ra:

- Đừng đụng vào tôi, bẩn lắm!

Tôi ngồi bó gối thu lu vào một góc, cảm nhận từng giọt nước mưa quất vào người. Nỗi nhục trái luân thường đạo lý này tôi biết rửa mấy cho sạch được.

Cậu ba Quân loay hoay một đỗi cũng tìm được cách kéo tôi lại gần, tay cậu ngập ngừng vuốt nước mưa trên mặt tôi, khẽ nói:

- Yên nào, cậu biết lâu rồi. – Dừng một chút, cậu nói tiếp. - Cậu về nhà nghe bà nói mày đã gặp con Mận nên chạy đi tìm.

Câu nói của cậu là lời xác nhận, cũng là lời định tội nặng nề nhất. Chút hy vọng cuối cùng tan biến, tôi cười gằn từng tiếng, rồi cười dài một tràng, thanh âm vang vào đá vọng giữa gió mưa.

- Tôi là trò cười cho cậu phỏng? Các người thấy thế là vui lắm phỏng?

Cậu mặc tôi dùng hết sức đấm vào ngực cậu, im lặng nhận hết mọi lời nhiếc mắng của tôi. Từ trên trán tôi rơi xuống một giọt nước mưa âm ấm.

Khóc mệt, trách mệt, tôi thều thào hỏi:

- Cậu biết từ lúc nào, sao không nói ra để con ngu ngốc mãi?

Người kia không đáp, tôi bèn hỏi tiếp:

- Ông Nghĩa trở về là do bị cậu ép phải không?

Ánh mắt đang nhìn tôi liền lảng đi nơi khác. Cậu cúi mặt, quai hàm siết chặt mấy lần mới thốt được nên câu:

- Cậu tự cho mình thông suốt, bảo Trương Nghĩa là thằng đàn ông phải có trách nhiệm với việc mình làm, nó có bỏ mẹ con mày chạy đến phương trời nào thì cũng không thay đổi được sự thật. Chi bằng cứ vờ như không biết gì cả, tiếp tục sống bên nhau, ít nhất thằng Đản còn có đủ cha mẹ. Lúc đó, nó quyết tâm lắm, còn vừa khóc vừa thề với cậu sẽ mang hạnh phúc đến cho mày, cậu cứ nghĩ mọi việc thế là ổn thỏa.

Tôi nghe từng lời cậu nói, nước mắt cứ chảy dài.

- Cậu và nó đều không ngờ rằng quyết tâm trong lúc xúc động dâng cao là một lẽ, ngày qua ngày đối diện và chịu đựng hậu quả của quyết tâm ấy lại là lẽ khác...

Tôi đưa tay ngăn cậu đừng nói nữa, đầu lắc không ngừng.

Kẻ đến giờ mới rõ mọi sự như tôi còn đau đến nát lòng thì người tỏ tường mọi việc từ lâu nay đã sống thế nào?

Đối mặt với tôi và con trai một năm ròng.

Người đã sống thế nào...?

***

Tôi từ biệt gia đình ông lý, dẫn con trai đến một nơi thật xa thấm thoát đã bốn năm. Cậu ba Quân hiểu ý nên không giữ cũng không đi tìm tôi nữa. Bây giờ tôi chỉ có một ao ước là con tôi cứ hồn nhiên mà khôn lớn, mãi mãi không biết gì đến nỗi đau của thầy mẹ. Do vậy, tôi buộc mình không được ủ ê, phải bắt đầu cuộc sống mới ở một nơi chẳng ai quen biết. Ngày ngày tôi mang hàng lên chợ bán, chiều về lại tất bật làm nem, ủ rượu cho đến tối nên cũng chẳng có nhiều thời gian nghĩ ngợi vẩn vơ.

Những năm đầu tiên, đêm dài là quãng thời gian khó khăn nhất, cứ nhắm mắt lại, gương mặt đau đáu nhớ con của thầy tôi lại hiện ra, thầy trách tôi sao lại để anh tôi đi mất rồi vô tình gây cảnh trái ngang, để thầy trông cháu mà ngập ngừng không biết nên gọi cháu nội hay cháu ngoại. Tôi có mọp lạy đến sưng vêu cả trán, thầy cũng chẳng thứ tha, quyết không nhìn cháu vì tủi hổ. Có hôm tôi mơ thấy đi giữa chợ làng bị người vây quanh phỉ nhổ thân mình nhơ bẩn, giữa đêm vùng chạy ra giếng dội nước lên người, báo hại sáng hôm sau đổ bệnh khiến con tôi lo sốt vó. Nhìn bàn tay thơ trẻ run run bưng siêu thuốc cho mẹ mà suýt bỏng, tôi giận mình yếu bóng vía, lo những chuyện không đâu mà làm khổ con thơ. Giữa nơi tứ cố vô thân, tôi là chỗ dựa duy nhất của con, tôi không thể ngã xuống được. Từ ấy, con Thục vốn nhu nhược yếu hèn dần mặt dạn mày dày ngay cả trong giấc mộng, bỏ ngoài tai mọi lời sỉ vả, sống lưng mỗi ngày một thẳng. Đến khi nhìn lại, ở nơi này chẳng ai biết về tôi để mà lời ra tiếng vào, tôi cười mình đã lo chuyện không đâu. Cuối cùng những giấc mơ chỉ còn lại cơn giận của thầy tôi, nhưng tôi sớm đã quen rồi nên không còn giật mình thức giấc.

Ngày ra đi, tôi xin cậu ba giữ kín chuyện tôi đã biết sự thật, nhờ cậu báo với Trương Nghĩa rằng tôi giận chồng bạc bẽo nên đồng ý theo cậu về làm lẽ. Ban đầu cậu không đồng ý:

- Cậu nghĩ nếu không thể quên thì bọn mày cứ đối mặt với nhau nói thẳng hết mọi việc một lần. Việc gì cứ phải quanh co rồi dằn vặt nhau mãi?

- Anh em ruột thịt mà lấy nhau, có cả con, phải nói gì mới xuôi được hở cậu? Giá không có thằng Đản, con đã chết đi cho đỡ nhục rồi!

Thấy cậu ba không nói lại, tôi tiếp tục:

- Nếu biết con đã hay chuyện mà đau khổ cả đời, chắc ông Nghĩa sống chẳng bằng chết. Giờ việc duy nhất con làm được là để ông ấy tin con đã có hạnh phúc mới, để ông ấy ít nhiều thanh thản, rồi năm qua tháng lại ông ấy sẽ nguôi. Con tin ông ấy đã vui, con cũng sẽ nhẹ nhõm phần con. Đó mới là cái kết có hậu nhất cậu à...

Cậu ba nhìn mông lung, gật gật đầu tỏ vẻ đã hiểu ý tôi. Tôi gọi con đến, hai mẹ con cúi chào cậu đến đầu sắp chạm đất mới quay đi.

Sau này, thảng hoặc trong những cơn mộng mị, tôi nghe văng vẳng lời cậu hỏi nhẹ như gió ngày hôm ấy:

- Có hậu, cho ai...?

***

Thời gian quả nhiên là phương thuốc thần kỳ, dẫu không thể chữa lành mọi vết thương nhưng cơn đau ngày một giảm, dù không đáng kể gì nhưng chắc chắn ngày hôm sau đã ít đau hơn hôm trước.

Một hôm nọ, đương bán nem ở chợ, có người nhà của ông lý tìm đến báo tôi tin Trương Nghĩa qua đời. Tôi vội vàng dọn hàng rồi bảo cu Đản mau xếp đồ về chịu tang thầy. Nó trầm ngâm một lúc rồi ngoan ngoãn làm theo, tôi thở phào nhẹ nhõm.

Những năm qua tôi không ngừng to nhỏ rằng thầy rất yêu con, nhưng thầy có những tâm sự riêng không thể giãi bày được nên mới cộc cằn như thế, thật ra thầy rất đáng thương, mẹ con mình không thể ở cạnh để chia sẻ thì cũng không nên oán trách làm gì. Ban đầu nó không đồng ý, nhưng nghe tôi nói mãi, nó dần chấp nhận, có khi còn khoe với bạn bè rằng nó có một người thầy từng ra trận giết giặc rất anh hùng, rất yêu thương nó.

Đứng trước mộ người mình từng gọi là chồng, nước mắt tôi chảy dài thấm vào tấm khăn che mặt. Lần này là thật rồi...!

- Này. – Trước mặt tôi có ai chìa đến một chiếc khăn tay.

Tôi nhìn cậu, khẽ gật đầu rồi lấy khăn chùi nước mắt.

- Ông ấy còn trẻ như thế làm sao mà mất, cậu có biết không?

- Ốm. Nghe nói do khi đi lính từng trúng độc ở rừng, khi về lại không chăm sóc cẩn thận nên phát bệnh.

Khóe mắt vừa khô lại ướt đẫm, tôi đến xoa xoa đầu con trai rồi kiếm cớ vào nhà dọn dẹp. Gian nhà xưa mỗi lúc một đơn sơ, bàn thờ của thầy tôi tro tàn giá lạnh. Tôi mở tủ quần áo toan lấy y phục của ông Nghĩa mang đốt, không ngờ thấy những chiếc áo cũ năm nào của tôi vẫn nằm ở một góc, trên đó còn có chiếc rương nhỏ, tôi chợt nghe nghèn nghẹn.

Ngón tay tôi chạm vào rương mấy lần rồi rụt lại vì hơi gỗ lạnh. Mãi một lúc, tôi mới mở được chốt, nắp rương bật ra, bên trong có mấy thỏi vàng và món đồ chơi cũ của con tôi. Phía dưới cùng là một mảnh giấy nhỏ và một phong thư.

Thời gian qua, tối tối tôi thức đợi con đọc sách, được nó bày cho nên cũng biết được nhiều chữ hơn xưa. Mảnh giấy kia viết cho con trai của chúng tôi, bảo rằng đây là bổng lộc khi tòng quân thầy dành lại cho con. Tôi cầm phong thư lên xem, tay run lẩy bẩy. Nghe tiếng bước chân ở sau lưng, tôi chậm chạp xoay lại, đưa nó cho cậu ba Quân, cố kiềm nén để không òa lên khóc:

- Cậu hay chữ, cậu xem giúp con, đây có phải là thư từ hôn không hả cậu...?

Cậu ba cũng sững sờ, đón lấy bức thư, khẽ khàng mở ra đọc. Hồi lâu, cậu thả mình ngồi phịch xuống giường:

- Hóa ra bấy lâu nay nó lừa cả cậu.

Hóa ra, ông Nghĩa chẳng hề tin câu chuyện của tôi với cậu ba. Hóa ra, những năm qua ông chưa một ngày yên ổn, nhưng đã giả vờ, cũng giống như tôi, với hy vọng rằng người kia có thể nhẹ lòng hơn.

Cu Đản vào nhà tự bao giờ. Nó thấy mẹ khóc nên bước đến ôm chân tôi như an ủi. Tôi sụp xuống ôm con vào lòng thật chặt, không ngừng nói với nó:

- Đản ơi, thầy yêu Đản lắm, Đản không được quên thầy nhé!

***

Ba năm cư tang, tôi và con ở lại ngôi nhà cũ. Ông bà lý cũng lần lượt qua đời mà chưa kịp nhìn con trai thành gia lập thất. Thuở bà lý lâm trọng bệnh, tôi từng tìm lời khuyên nhủ cậu ba:

- Cậu chóng lấy vợ sinh con, biết đâu bà sẽ vui mà khỏe lại.

Cậu chỉ ậm ừ, bảo rằng mình đã lo liệu xong rồi, mẹ cậu cũng đã đồng tình.

Trong thoáng chốc, tôi nghe tim mình hẫng đi một nhịp.

Không ngờ bà chẳng gắng gượng được đến ngày vui. Trong đám tang bà, tôi thấy cậu ba Quân bơ vơ chẳng khác gì đứa trẻ, đôi mắt luôn lấp lánh vẻ cợt đùa mọi ngày giờ đỏ vằn lạc lõng. Cô gái mà cậu bảo rằng đã hẹn ước chẳng thấy đâu. Tôi mủi lòng bèn ở cạnh trông nom để cậu không quá đau lòng mà sinh bệnh.

Con trai tôi mọi ngày vẫn xin mẹ lên phố tìm cậu, những ngày này lại càng quấn quít không rời. Nó thừa lúc xung quanh chẳng có ai, khe khẽ an ủi cậu:

- Cậu đừng buồn, mẹ cậu mất rồi, Đản cho cậu mượn mẹ của Đản, cậu đừng khóc nữa!

Cậu ba gập người ho đến đỏ mặt. Tôi đứng sau lưng hai người, mặt méo xệch.

Rồi cu Đản cũng tìm cớ ở lại cho cậu ba đỡ buồn, kế hoạch ra đi của tôi cứ thế dài ra mãi. Sau ngày mãn tang bà, cậu ba đến nhà lúc tôi đang dở tay thu xếp hành lý.

- Cậu ba nói giúp Đản đi, mẹ không chịu ở lại, Đản phải đi theo mẹ, Đản buồn lắm! – Nó kéo tay cậu, người chưa đến đầu ngõ giọng nói đã vọng khắp nơi.

- Sao mày không làm loạn lên, kiên quyết không đi? – Cậu vẫn hay dạy con trai tôi những thứ vớ vẩn như thế, dẫu cả hai đều đã lớn cả rồi.

- Đản mà quấy thì mẹ sẽ buồn, Đản không muốn mẹ buồn. – Nó nói bằng thứ giọng nhão nhoét, giương đôi mắt ươn ướt nhìn về phía tôi.

Đẩy được cậu ba Quân vào trong nhà, nó chạy bay biến ra sân.

- Cậu ngồi chơi đợi con một chút. – Tôi bảo cậu.

- Đừng đi! – Cậu nói, như vô thức, lại như đã chuẩn bị rất lâu.

Tôi sững người một chốc rồi tiếp tục thu xếp quần áo, cười cười trêu:

- Cái cô tiểu thư kia hẹn ước với cậu rồi đi đâu mãi chẳng về, báo hại con không kịp uống rượu mừng của cậu rồi!

- Cô nào? – Cậu tròn mắt hỏi.

- Cô mà bà lý cho phép cậu cưới về làm vợ ấy. – Tôi ngẩng lên nhìn, thoáng ngạc nhiên.

Khóe môi của cậu bỗng cong lên thành một nụ cười:

- Vậy ra... - Nụ cười mỉm của cậu giờ toe toét. – Cậu quên chưa giới thiệu cho mày nhỉ? Cô đó tên Thục, nhà bán rượu...

Chiếc áo trên tay rơi xuống, tôi vẫn chẳng hiểu gì. Cậu thở dài rồi nói tiếp:

- Cậu nói với bà là ngoài con Thục nấu ăn rất ngon ra, chẳng có đứa con gái nào chịu cho cậu suốt ngày đẽo đá thay vì làm cậu ấm con quan ăn sung mặc sướng, thế mà mẹ cậu vô tâm gả cho người khác, khiến nó lận đận một đời. Vậy nên cậu đã âm thầm trông nom mẹ con nó, mỗi ngày nhờ một đứa ở khác nhau đến mua hàng giúp nó, đợi đến khi nó mãn tang chồng cũ, đợi đến ngày nó chịu tin cậu không phải là kẻ trăng hoa...

Cái giọng của cậu vẫn đanh đá như xưa, nhưng gan ruột tôi theo từng lời cậu nói cứ mềm rũ rượi. Tôi ngước mắt lên trần nhà ngăn nước mắt rơi, cố giữ vẻ bình thản mà bảo cậu:

- Nhưng cái thân con nhơ nhuốc lắm, chính con còn chán ghét mình, thầy mẹ con ở suối vàng còn thấy nhục, cậu cố chấp làm gì?

Cậu ngoái nhìn ra cửa, chắc mẩm cu Đản đã bỏ đi chơi mới ngông nghênh nói:

- Mày lấy cậu thì khi chết đi chẳng còn là vợ của anh trai mày nữa, có gì đáng xấu hổ đâu?

Tôi không giữ được nước mắt không rơi nữa.
Đầu óc trống rỗng, tôi cố tìm mãi chẳng ra cớ để từ chối cậu:

- Nhưng mà... nhưng mà...

Cậu bước đến ngồi xuống cạnh tôi, nói rất chân thành:

- Thục, xem như mày giúp cậu lần này. Mày mà không lấy cậu, cậu tìm mãi chẳng được đứa dễ tính giống mày, ở giá đến già. "Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại", chừng xuống suối vàng ông mày lại vác gậy đuổi đánh cậu khắp diêm phủ thì mất mặt lắm!

Tôi nghe cậu nói mà tức đến vừa cười vừa khóc.

Cậu cười tít mắt, đưa tay véo má tôi đau điếng rồi hớn hở chạy ra ngoài.

- Đản! Đản ơi! Vào dọn đồ đến phủ cậu ở nào!

Tiếng con trai tôi lanh lảnh vọng lại từ xa:

- Mẹ con không đi nữa hở cậu!

- Ừ! Từ nay sẽ ở với cậu luôn.

Tôi cười khổ, thở dài bước ra sân. Nắng lấp lánh trên giậu tre giờ đã leo đầy những nhánh mồng tơi. Cậu ấm ngày nào đang công kênh con trai tôi trên con đường đê, vừa đi vừa hò hét inh ỏi. Gió thổi làm những nhánh lúa non đuổi nhau rờn rợn về phía chân trời, lăn tăn như sóng. Tôi mỉm cười nhìn vào nhà nơi bàn thờ thầy tôi đang nghi ngút khói hương. Đoạn, tôi bước ra khoảnh đất sau nhà, mẹ chồng tôi giờ đã có con trai nuôi của bà nằm cạnh bên bầu bạn.

Tôi đưa tay vuốt lên tấm bia đề cái tên tôi từng ngày đêm mong nhớ, những chuyện đã qua lướt nhanh trong đầu, tôi lại thấy mắt cay cay. Trở vào nhà thắp một nén hương mang ra cắm trước mộ người rồi hít một hơi thật sâu, tôi quỳ xuống mọp đầu sát đất, trăm nghìn lời muốn nói suốt bao năm giờ chạm đến môi bỗng dưng nghẹn lại, sau cùng bật ra như tiếng khóc:

- Lạy anh, em đi lấy chồng!

HẾT.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro