Ngẩn ngơ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trong căn nhà nhỏ ven sông vùng ngoại ô hẻo lánh, có cậu thiếu niên ngẩn ngẩn ngơ ngơ, hay lẩm bẩm nói chuyện một mình, hay ngồi dưới gốc tử đằng mà ngâm nga. Đôi khi có người tò mò lại hỏi, cậu chỉ cười không đáp, lại cứ thế ngẩn ngẩn ngơ ngơ.

Cậu thiếu niên từ đâu đến, không ai hay biết. Chỉ biết một ngày mưa sa gió giật, tưởng như trời đất chuyển dời, người ta thấy bóng dáng một người cúi gằm lê bước trong đêm, cả người không có gì che chắn, tay nắm chặt một vật gì đó. Người đó bước đi dường như không biết điểm dừng, cứ đi cho đến khi kiệt sức mà ngã gục, dân làng thương tình cứu giúp. Đến sáng hôm sau, trời quang mây tạnh, người đó tỉnh lại, người ta mới nhìn rõ là một cậu thiếu niên khôi ngô hoạt bát, thế nhưng hỏi gì cũng không nói, cả người ngơ ngẩn, chỉ thốt được ra hai từ "Cảm ơn!". Làng nhỏ vốn vắng người, dân làng cũng không nỡ bỏ mặc cậu lang thang, bèn để cậu ở trong căn nhà nhỏ lụp xụp ven bờ sông, vốn từng là chòi câu của một ông lão. Cậu thiếu niên cũng không chối từ, cứ thế ở lại trong làng, bình thường đều chạy qua chạy lại giúp đỡ mọi người, chăm chỉ hiền lành, nhưng nét mặt lúc nào cũng ngờ ngệch như kẻ ngốc. Người ta hỏi tên cậu, chỉ nhận được một chứ "Điềm", nên mọi người gọi cậu là Tiểu Điềm. Các bà các dì thôn quê chân chất, hay trêu chọc muốn gả con gái cho, Tiểu Điềm mỉm cười lắc đầu, tay chỉ vào ngực, nói "Có rồi!". Chẳng ai hiểu cậu nói gì, lại cười nói bỏ qua.

Trong căn nhà Tiểu Điềm ở, chỉ có chiếc giường đơn ghép từ mấy tấm gỗ cũ thành chỗ nằm, chỗ ngồi, chỗ ăn, còn chẳng có bàn có ghế. Nhưng có một chiếc bàn nhỏ được cậu tỉ mẩn chăm chút đóng thành, đặt trong góc nhà, trên đặt một bát hương cùng hai ly rượu, không có bài vị, không có di vật hay lọ tro cốt. Người ta có hỏi, cậu cũng không nói gì, đành chỉ đoán là bàn thờ cha mẹ. Tiểu Điềm khi lưu lạc đến đây, trên người chẳng có gì, chỉ có một chiếc lược gỗ chạm khắc đơn giản, trông không có gì quý giá, nhưng lúc nào cũng mang bên mình, trân trọng vô cùng, không cho ai đụng vào.

Thời gian cứ thế trôi đi, năm mới lại đến, sắp đến Tết Nguyên Tiêu, người người nhà nhà nô nức chuẩn bị đèn lồng, pháo đốt, ngay cả Tiểu Điềm cũng hào hứng làm một cái đèn lồng treo trước nhà. Đàn bà con gái trong làng ngắm nghía không thôi, bởi không ngờ Tiểu Điềm khéo tay đến vậy, chiếc đèn lồng thực sự rất đẹp. Có người ngỏ ý muốn cậu làm cho, Tiểu Điềm chỉ cười hì hì lắc đầu, lặp đi lặp lại "Một cái, chỉ có một cái".

Đêm ấy, Tiểu Điềm không ngủ, ngồi trước nhà ngẩn ngơ nhìn ngắm chiếc đèn lồng treo lơ lửng, sáng rực sắc đỏ, tựa như đôi môi người ấy, người mà cậu vẫn luôn nhớ nhung.

Vùng ngoại ô hoang vắng, có chăng thêm đèn lồng rực rỡ cũng chỉ thêm thắt chút ánh sáng leo lét, nhưng vậy cũng đủ để thắp sáng mộng tưởng đẹp đẽ trong tâm trí một người.

..........

Năm ấy có một cậu thiếu niên, từ quê lên kinh thành, làm tạp dịch ở một quán trọ. Năm cậu lên 18, kinh thành mở hội hoa đăng, lần đầu cậu nhìn thấy nhiều người đến thế, lần đầu nhìn thấy nhiều ánh sáng rực rỡ đến thế, cũng là lần đầu cậu gặp được người ấy, đó là ánh sáng rực rỡ nhất trong cuộc đời cậu.

Người ấy là người của một đoàn hát, hai người gặp nhau qua một ánh nhìn trong hội đèn hoa, lại ngồi cùng nhau qua một đêm ngắm trăng tròn vạnh, trải qua những ngày ngắn ngủi nhưng dịu dàng, cũng cùng nhau nhen nhóm một đoạn tình cảm trái ngang. Bởi vì cả hai đều là nam nhân.

Tên thật của cậu là Vương Nhất Bác, người ấy tên Tiêu Chiến, năm 18 tuổi gặp người, người đã 24. Cái gì gọi là vừa gặp đã yêu, nhất kiến chung tình, một đời che chở, cậu thiếu niên dương quang năm ấy, chỉ một ánh nhìn đã đem đặt cả tấm chân tình vào một người.

Thật may mắn, người ấy cũng đáp lại cậu. Hai người cứ âm thầm ở bên nhau qua những ngày tháng êm đềm ngắn ngủi, xây rất nhiều mộng tưởng, chờ rất nhiều tương lai.

Nhất Bác vốn là trẻ mồ côi, không rõ sinh thần, thế nên Tiêu Chiến chọn Tết Nguyên Tiêu làm sinh thần cho cậu, vừa đón không khí năm mới, vừa đón tuổi mới. Đến ngày ấy, Tiêu Chiến sẽ làm một chiếc đèn lồng đỏ rực rỡ tặng cho Nhất Bác. Cậu nhóc ngốc ngếch kia lại tặng cho ca ca một cây lược gỗ, tuy không quý giá cao sang, nhưng tinh xảo tỉ mẩn vô cùng. Ca ca cười hỏi:

- Sinh thần của mình, sao lại tặng quà cho người khác?, cậu thiếu niên ngại ngùng

- Đây là quà Nguyên Tiêu, sau đó lại lí nhí - Cũng là vật định tình.

Tiêu Chiến nghe xong ngẩn ra một lúc, sau đó nụ cười nở rộ, gương mặt đều là hạnh phúc, đặt lên môi cậu nhóc nhà mình một nụ hôn nhẹ như chuồn chuồn lướt.

Hai người cứ thế bình yên bên nhau, cũng bình yên mộng tưởng, Nhất Bác muốn làm việc thêm vài năm, gom góp một số tiền, cùng người trong lòng về nơi thôn dã sống cuộc đời bình đạm. Tiêu Chiến muốn ca xướng thêm mấy lần, cũng góp một số tiền, về chung một nhà với người thương. Thế mà trời chẳng thương kẻ có tình, mộng tưởng tốt đẹp của đôi tình nhân, lại cứ thế vỡ tan.

Tết Nguyên Tiêu năm nọ, hoàng đế cải trang vi hành, thị sát dân tình, bắt gặp một thân ảnh thướt tha trên sân khấu một đoàn hát nọ, say đắm không rời. Hoàng đế nhìn trúng Tiêu Chiến rồi, ngay đêm ấy người được mời lên thuyền rồng ca xướng, lại được ngỏ ý bồi đấng chí tôn kia một đêm, để một bước lên mây, về cung thánh sủng. Tiêu Chiến khi biết thân phận người trước mắt, biết không thể tránh khỏi số mệnh, xin người cho lui về một đêm, đêm sau nhất định phụng bồi.

Tiêu Chiến trở về, làm cho Nhất Bác chiếc đèn lồng cuối cùng, trao lại vật định tình, đưa cho cậu cả phần tiền dành dụm gom góp bấy lâu, nói rằng đoàn hát nhận được một buổi diễn cho nhà giàu nọ, thù lao rất hậu hĩnh, phải chuẩn bị kĩ càng, muốn cậu cất giữ hộ những món đồ này. Sau cùng còn dặn lại một câu "Dù có chuyện gì xảy ra, cũng nhất định phải sống thật tốt". Nhất Bác nghe không hiểu, nhưng nhất định rất nghe lời.

Đêm hôm sau, trên thuyền rồng đàn ca hòa xướng, mỹ nhân áo trắng thướt tha trên đài trước mũi thuyền, đến khúc cao trào, thuyền ra giữa sông, đàn ca cất lên cao vút, mỹ nhân để lại một ánh nhìn nuối tiếc, xoay người trầm mình xuống dòng nước tối đen. Ngay lập tức, dù vô vàn lính tráng đuổi theo cũng không thể tìm thấy một bóng dáng nào, cứ như thể bị dòng nước nuốt chửng.

Nguyên Tiêu năm ấy, trời đổ mưa tầm tã, đèn lồng đỏ bị ướt đến biến dạng, một chàng thiếu niên dầm mưa gương mặt trắng bệch, hai hốc mắt đỏ hoe, trái tim bị bóp nghẹt, bàn tay nắm chặt một chiếc lược gỗ đến chảy máu, bước đi lê thê, vô định.

Qua mấy ngày, người trên thuyền rồng vẫn ra lệnh tìm kiếm thi thể mỹ nhân, nhưng như mò kim đáy bể, người chết không thấy xác, cuối cùng từ bỏ ý định. Cậu tạp dịch trong quán trọ của ông chủ Lưu bỗng nhiên xin nghỉ, hiếu kính ông chủ một bộ áo mới, cảm tạ ông đã chiếu cố thời gian qua, sau đó mua một khoảng đất trống thật đẹp, thuê người dựng một nấm mồ khang trang, bia đá không đề tên, chỉ chép lại câu thơ:

"Thử tình khả đãi thành truy ức,
Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên."

              (Tình này đã sớm trở thành nỗi nhớ nhung
                về dĩ vãng
Cho đến bây giờ chỉ còn lại nỗi đau thương.)

Sau đó, cậu ta cũng đi mất, đi đâu chẳng biết.

..........

Trong căn chòi lụp xụp ven sông, có một chàng trai ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Chàng đến trong cơn mưa thét gió gào, không biết từ đâu đến, cũng chẳng biết là ai. Người ta gọi chàng là Tiểu Điềm, cả ngày chỉ cười cười thơ thẩn hát ca, tay ôm khư khư chiếc lược cũ, chiếc lược từng chải mái tóc cố nhân.

Một năm ngày dài lê thê, người ta chỉ thấy chàng cười vào Tết Nguyên Tiêu, vừa cười vừa nhìn mãi vào chiếc đèn lồng đỏ đầy say mê, màu đỏ rực tựa đôi môi cố nhân.

Chàng ngốc, nhưng chàng nhớ rất rõ mình năm nay đã 24 tuổi rồi, lần đầu gặp cố nhân, người ấy cũng 24 tuổi. Người ấy lớn hơn cậu, chững chạc hơn cậu, người ấy thích thơ ca, cũng hay dạy cậu đọc thơ, người ấy thích hoa tử đằng, thích nhìn cánh hoa bay, người ấy thích gọi cậu là Tiểu Điềm, vì nụ cười của cậu sáng như ánh mặt trời. Người ấy rất yêu cậu, cậu cũng rất yêu người ấy.

Nguyên Tiêu năm ấy tại ngôi làng nhỏ, trời bỗng nhiên đổ mưa, nhưng cơn mưa chẳng âm u gào thét, lại nhẹ nhàng mềm mại, như thể dòng suối êm đang vỗ về nhân thế. Có một chàng trai ngồi dưới gốc tử đằng, nắm chặt chiếc lược gỗ ôm khảm vào lồng ngực, gương mặt mỉm cười hạnh phúc, để mặc mưa thấm ướt cả thân thể.

Sáng hôm sau, người dân làng thấy chàng trai ấy, trên người không còn hơi ấm, có mấy người khẽ nhỏ giọt nước mắt tiếc thương.

Chàng trai ngốc có nụ cười rực rỡ đi rồi, đi tìm người cậu yêu. Để người ấy chờ bên cầu Nại Hà lâu như vậy, cậu thật sự phải đi rồi, hai người cùng nhau đi qua kiếp khác, hoàn thành đoạn duyên lỡ dở kiếp này.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro