Thượng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Ta từ từ nâng mí mắt, một cơn đau âm ỉ từ phần thân dưới lay ta tỉnh giấc. Một màu xanh cuốn ngay lấy tầm nhìn, chẳng phải sắc trời xanh lam hay chào ta mỗi lúc rạng đông sớm mà là một màn xanh đen không đồng nhất; ta còn lờ mờ nhận ra những nốt màu khác ẩn hiện trong không gian, thứ xanh của rêu. Mông lung và tịch mịch, cái lạnh phủ khắp toàn thân và một thứ lực ép dị thường báo ta biết rằng mình đang ngâm người trong nước. Ta khẽ rùng mình, đây là nơi nao?

- Trên đó có gì thế?

Một giọng nói vọng lên từ bên dưới, ta khẽ giật mình, những mảnh ý thức mơ hồ còn tản mác xung quanh đột ngột bị kéo về. Không như con người - mấy kẻ mà đủ sức gào lên để truyền đạt thông tin ở một quãng xa - loài sách chúng ta chạm vào nhau để trao đổi các âm thức vô hình. Tông giọng non trẻ, nghe ra thì kẻ vừa lên tiếng ban nãy là một cậu sách tuổi đời chưa trải là bao.

- Nơi đây là?

- Hồ.

- Hồ ư? Ý cậu là cái ở kề Thư viện sao?

- Hẳn là thế, tôi chẳng nhìn được gì xung quanh nhưng ban nãy thì có nghe ngóng được mấy người ở mé khác nói qua. Ông có nhớ được gì không?

Ta cố vươn tầm mắt xuyên qua lớp nước xanh đen ấy nhưng không tài nào nhận ra được dù chỉ là dấu hiệu của một mô đất gần bờ hay khung cảnh trên mặt nước, có vẻ nơi này rộng hơn ta tưởng. Chẳng hình dung được cảnh vật gì, đầu óc ta lại chuyển hướng nhớ lại lý do mà mình và những kẻ khác lại nằm ở đây - nơi mà chẳng đời nào những nhà học giả đưa ta xuống. Một chữ 'loạn' là tất cả những gì ta khơi được, nó khiến tim ta đập mạnh, nhưng ta vẫn chẳng tài nào nhớ được nguyên do.

- Cậu nói là còn mấy kẻ khác sao? Có nhiều không?

- Nhiều ư - cậu sách trẻ khẽ bật ra một câu giễu - nếu mà tôi nói có hàng ngàn, hàng vạn quyển ở đây thì liệu ông có thể dùng chữ 'nhiều' không?

- Hàng vạn sao? Ý cậu là gần như toàn bộ sách trong Thư viện? Nhưng ai lại phí công gửi chúng ta xuống hồ chứ?

Ta vẫn cố đảo mắt khắp nơi nhưng không thể nhận ra thêm thứ gì ngoài những hình thù nhấp nhô quanh mình, tất cả đều là sách sao? Cảnh tranh tối tranh sáng làm ta khẽ có ý nghĩ rằng tất cả chỉ là một thứ ác mộng kéo dài hơn thường lệ, và biết đâu khi mở mắt ra lần nữa ta lại thấy mình vẫn đang ở trong cây đại thụ ấm cúng ấy? Sau đôi phút im ắng, giọng nói kia lặp lại câu hỏi:

- Ông không nhớ gì sao?

- Ta không, gáy dưới của ta hơi đau - ta khẽ nhăn mặt - có lẽ là bị va vào đâu đó.

- Cũng phải, trong tình cảnh đó thì bọn họ khó mà xếp chúng ta cho ngay hàng thẳng lối được.

- Ohara đã xảy ra chuyện gì?

Câu hỏi này ta vừa muốn nhận được đáp án, lại e dè khi hình dạng của sự thật cứ dần trồi lên qua các tầng trí nhớ. Một cơn ớn lạnh - thứ chẳng liên quan gì tới lớp nước hồ - không biết từ đâu ập tới. Cơ thể ta vẫn tìm cách làm quen với thứ trọng lực lạ lùng nơi đây.

- Nơi này không còn tồn tại nữa - cậu sách ngập ngừng - và nhờ mấy người học giả, có vẻ như chúng ta là những thứ duy nhất còn nguyên vẹn ở hòn đảo này - ta nhận ra vẻ run rẩy trong câu nói vừa rồi - Ohara đã bị tận diệt, tất cả.

Mớ ký ức vụn vặt ban nãy dần ráp lại trong đầu ta như những mảnh ghép của trò chơi xếp hình. Khướu giác ta tưởng như ngửi lại được mùi thuốc súng, đan xen với các khuôn mặt quen lạ là những thanh âm bày tỏ mọi cung bậc cảm xúc. Ký ức bắt đầu tua ngược từ những tiếng nổ làm rung cả thân cây mẹ, khi mà ý thức ta chìm dần cùng với sự hỗn loạn không tên.

Ohara tọa lạc một góc ở Biển Tây, một hòn đảo với quy mô tương đối nhỏ với cư dân bình dị. Có lẽ nó chẳng đáng được người ta lưu tâm trên bản đồ nếu không có Cây Tri Thức nằm tại nơi trung tâm đảo. Gốc cây lớn đến nỗi mạng lưới rễ như ôm chặt từng thớ đất và tán cây khổng lồ thì che nắng mưa cho không biết bao thế hệ dân cư. Thi thoảng vẫn có những cuộc tranh luận về cái nào xuất hiện trước, nền văn minh hay là Cây Tri Thức, và dù kết quả có ra sao thì người ta cũng thống nhất với nhau rằng đã năm nghìn năm trôi qua kể từ lúc mầm cây ấy tách đất vươn lên.

Ngay dưới bóng cây là những ngôi nhà mái bằng có thân hình trụ, chúng được dựng từ một loại đá xám và nằm rải rác khắp đảo, một kiểu kiến trúc phổ biến. Thời tiết Ohara khá ôn hòa, một năm đủ bốn mùa chứ không dị thường như thứ khí hậu bất định của Đại Hải Trình kia. Mật độ dân cư thấp hơn mức trung bình nên sự nhộn nhịp cũng chẳng là bao, có ồn ào chăng cũng chỉ là những cuộc trao đổi bất tận của những con người ngụ trong thân Cây.

Tán cây khổng lồ không chỉ phủ xuống mặt đất trong hơn năm thiên niên kỷ qua mà xuyên suốt khoảng thời gian ấy nó còn cưu mang cả tri thức nhân loại. Chẳng biết là ai trong loài người - cái giống đi bằng hai chân ấy - nảy ra ý tưởng khoét thân cây để lập phòng ốc lưu trữ tài liệu, rồi số phòng cứ thế tăng dần lên để gánh lấy lượng thông tin và sách vở không ngừng đổ về. Những kẻ tự xưng là học giả ngày đêm đi lại, làm những việc lớn lao cho nhân loại mà họ hay gọi là nghiên cứu, đèn luôn được thêm dầu và những cây nến nơi đây sáng bất kể đêm ngày.

Ta còn nhớ mình đã đến đây như nào. Tầm nửa thế kỷ trước, ta nương chân đoàn thuyền cập bến Ohara, nằm lọt thỏm trong thùng sách mà một nhà thám hiểm tặng cho thư viện. Chào đón bọn sách ta là mấy khuôn mặt tươi tắn của loài người, một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp, họ phân loại khi ta mới kịp làm quen với thứ không khí âm ấm nơi đây.

- ...cuốn Hải quân chiến lược mới xuất bản viết chắc tay thật đấy, hôm nào tôi phải...à, xem nào, Lịch sử về..., Sự suy tàn của Vương triều..., cho qua phòng Lịch sử này, mục Cổ đại nhé - từ góc nhìn của mình, ta chỉ thấy những cánh tay thoăn thoắt sau lớp áo blouse trắng đang không ngừng chất đầy những chồng sách đã được phân loại sẵn - 500 mã liên lạc trên biển, hừm, cho qua phòng Hàng hải sẽ hợp hơn là phòng Mật mã, ô, đây là... - giọng nói kia xen lẫn sự thích thú, ta nghe tên mình vang lên và không khỏi tự hào - ôi cuốn này tôi nghe danh đã lâu, rồi, qua phòng...

Dù mấy học giả rảo vội chân khi đem ta tới đúng phòng được phân mục, trong chuyến hành trình ngắn ấy ta cũng đã kịp thấy qua một mô hình gồm những quả cầu đủ màu sắc đang chuyển động vòng tròn mà sau này ta mới biết người ta gọi nó là thái dương hệ, còn có một bộ xương khủng long tầm trung được trưng nơi góc phòng trung tâm. Các kệ sách cao đến nổi ta chẳng thấy được chóp của chúng, và khi ngang qua những dãy bàn gỗ thì cứ cách ba bước ta lại thấy từng nhóm người đương nghiên cứu, thảo luận. Sau khi qua hai lần cầu thang đá và ba gian phòng thì cuối cùng nhịp chân đều đặn kia đã dừng lại.

- Đây, từ giờ đây sẽ là nhà của các ngươi - người nói là một cậu thanh niên vui vẻ, y gõ gõ ngón tay lên bìa áo ta như thể ta có thể mở miệng ra đáp lời được.

Ta khẽ liếc lên bảng tên phòng, một miếng gỗ cũ mèm cùng năm tháng được khắc ngay ngắn hai chữ 'Địa lý'. Đây gọi là nhà sao?

Mấy tháng đầu, ta nghĩ nơi này thật kỳ quái. Với ta, nhà là một cái gì đó không thường được nhắc đến. Thay vì ở một nơi cố định, ta vốn đã quen với các chuyến hải trình dọc ngang bốn bể và thân thuộc với mùi rượu mạnh xen lẫn hương máu tanh nồng, các bữa tiệc thâu đêm và những cuộc truy bắt đột xuất. Trong quá khứ ta được chuyền tay trong các gian hàng hội chợ, cũng có khi ta nằm lăn lóc nơi sàn gỗ hay những lúc bị tàn thuốc rơi trên bìa ngoài. Những cá thể loài người ta từng chung sống mang bên mình sự náo nhiệt, sôi động được tính từng phút giây một. Còn ở Ohara, chiếc đồng hồ thời gian như bị kéo giãn ra, và tháng năm thì chậm rãi cúi mình trước nó.

Ở thư viện khổng lồ này, lần đầu tiên trong đời ta được đối xử trân trọng như bao cuốn sách khác nơi đây. Những ngón tay của loài người chưa bao giờ lật những trang sách nhẹ nhàng như thế, và những tri thức ta mang trong mình được khai thác triệt để. Họ có hẳn một đội bảo dưỡng sách chuyên nghiệp, cứ hai tháng ta lại thấy họ kéo theo cơ mang là đồ lề qua từng phòng, từng kệ một để sửa lại những cuốn sách chất lượng không còn tốt, và ta cũng được thắt lại những tép giấy trong một đợt như thế.

Có đôi khi ta được mượn về, trong những dịp ra ngoài hiếm hoi đó ta cũng có cái nhìn rõ hơn về Ohara. Về tự nhiên, ngoài Cây ra thì còn có những trụ đồi mọc rải rác trên đảo. Không nhiều đoàn thương nhân đến đây trao đổi dù đôi khi cũng có những con thuyền mang những học giả xuất sắc nhất rời khỏi đây cho một nhiệm vụ nào đó, ấy là những gì ta nghe những người còn lại nói với nhau.

Ta may mắn được xếp cho một chỗ cạnh cửa sổ, qua lớp kính trong veo ấy không biết bao lần ta đã kín đáo mà ngưỡng mộ áng hoàng hôn rực rỡ nơi chân trời và mỗi sớm lại thức dậy cùng nắng nhạt trong bầu không khí còn vương lại sương đêm. Khi ông trời đi ngủ, qua những ngọn đèn được thắp lên ta cũng thấy bóng mình phản chiếu phần nào qua ô cửa kính nhỏ, thấy cả sự miệt mài nghiên cứu của đám học giả, những kẻ mà ngọn lửa nhiệt huyết trong ánh mắt họ có khi làm cho những ngọn đèn kia phải xấu hổ đi. Ta đã quan sát đủ dáng vẻ của đảo, thấy tuyết trắng ngày đông, bão lúc trưa hè; nhưng có lẽ cái chuỗi sự kiện kinh hoàng kia đã xoay chiếc bánh răng đầu tiên từ trước khi ta thấy một hình hài khổng lồ dạt vào bờ biển phía Tây rồi.

- Chán thật đấy, đã chìm xuống đây rồi mà vẫn không biết tình hình như nào.

Khá phiền lòng, tiếng than thở đột ngột vang lên từ bên dưới vô tình làm ta dừng dòng hồi tưởng lại. Lớp nước đã trở nên trong hơn và ta có thể lờ mờ nhận ra những sắc màu khác trong không gian, trời đã hửng sáng, ta không nhận ra mình đã miên man lâu như vậy.

- Cậu chưa bao giờ được mượn về sao?

- Mượn về? Cái thứ như tôi người ta đem đốt còn chưa kịp huống chi là đem ra ngoài hả ông ơi, từ lúc có nhận thức tôi đã luôn ở tầng hầm rồi – cậu sách tự mỉa, không khó để nhận ra chút tiếc nuối trong mấy tiếng cuối.

- Tầng hầm ư, có phải là nơi có khối văn tự bằng đá không?

- Đúng, chính là là cái thứ con người muốn tiêu diệt kia ấy.

- Vậy cậu là...

- Tôi được viết ra để chứa một lượng thông tin về một trăm năm trống – gã đột nhiên nghiêm giọng - Ohara theo nghĩa đen là quê hương duy nhất của những kẻ như tôi, sinh diệt cùng nơi, và chúng tôi cũng chính là nguyên do đã đẩy cái đảo này đến bờ vực diệt vong. Nói đến đây tôi đồ rằng ông đã nhớ được tất cả rồi.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro