Ông già và chiếc túi thổ cẩm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ông lão tầm khoảng 60-70 tuổi đeo khẩu trang đứng ở một quầy hàng thổ cẩm thủ công giữa hội sách đông đúc náo nhiệt với bao quanh là lớp lớp những người trẻ. Ông đi một mình, và tôi tình cờ bắt gặp ông đang giương ánh mắt già nua ngắm nghía từng chiếc túi treo trên giá đỡ. Thế là, sau một lúc đắn đo chẳng biết thế nào, ông cầm lên một chiếc túi có quai, thổ cẩm hình con chim cú bắt mắt. Người bán hàng ướm thử lên vai ông, một cách đầy khó khăn, vì chiếc túi chỉ dành cho trẻ con hoặc lứa tuổi nhăng nhít như chúng tôi nên dù rằng dáng người ông có nhỏ thó thế nào cũng phải mất khá nhiều thời gian và sức lực để khoác được vào chiếc túi bé tí ấy.

Tôi chợt thấy nụ cười của ông lão khi lớp khẩu trang đã gỡ xuống. Một khuôn mặt đầy phúc hậu, nhăn nhuốc, hao gầy và đương nhiên không thiếu những đường nét già cỗi hằn rõ. Ông cười rất hạnh phúc như đứa trẻ nhỏ vừa nhận được một món quà. Rút ra tờ 100 nghìn, ông mua chiếc túi thổ cẩm kia cộng thêm một cái nón vành rộng nhiều màu sắc.

Ông lão rời quầy bán hàng, đội trên đầu cái mũ mới mua ấy và trên vai vẫn còn đeo chiếc túi trống rỗng. Chiếc túi tuy không lớn nhưng lại che phủ gần như toàn bộ tấm lưng ông lão. Mang theo dáng vẻ gầy guộc lòm khòm, ông bước đi khập khiễng rời khỏi chốn phồn hoa náo nhiệt. Ông băng qua đường xá đông đúc xe, lật đật đi về phía con đường nhỏ xíu tối thui chỉ lác nhác ánh đèn.

Không hiểu sao kể từ lúc đứng trông từng hành động của ông lão lúc mua hàng, trong lòng tôi lại cồn cào những cảm giác vừa lạ lẫm vừa ngột ngạt. Tôi nhìn nụ cười ông len lỏi sự hạnh phúc, cả ánh mắt cười nhíu cả nếp nhăn; tôi thấy bàn tay ông run rẩy cầm chiếc túi thổ cẩm trong tay và nâng niu nó như thứ gì đó thật quý giá. Tôi nhìn người người vui đùa nói cười xung quanh, họ toàn là những thành niên trẻ tuổi với tương lai còn rộng mở đầy chông gai nhưng cũng lắm thú vị, chợt nhận ra chỉ có riêng ông đứng đó, riêng một thế hệ đã chứng kiến bao đời thế hệ ngày càng trưởng thành, đơn độc với chiếc túi nhỏ trong tay cùng nét vui vẻ không tả xiết hiện hữu quá rõ trên gương mặt. Tôi không hiểu sao lúc ấy tôi lại đứng chết lặng ở đấy, ngắm nhìn hình hài người đàn ông đã quá ngưỡng thanh niên mà khoé mắt đọng đầy nước.

Tôi bắt đầu nảy sinh sự tò mò. Thế là tôi đã lén đi theo phía sau ông lão. Tôi muốn tìm hiểu một thứ gì đó mà ngay cả bản thân cũng không rõ. Tôi muốn biết, muốn thấy, bất cứ điều gì có mối liên hệ với ông. Có thể bạn sẽ nói tôi điên hay đại loại vậy. Tôi cũng không hiểu, tại sao tôi lại cố bám theo ông lão. Và tại sao lòng tôi lại cảm thấy xót xa trông theo bóng lưng gầy hao ấy dần khuất khỏi tầm mắt. Tại sao tôi lại muốn khóc và tại sao tôi lại nghẹn ngào khi trong đầu loé ra một câu hỏi: ông lão mua chiếc túi thổ cẩm cho ai?

Xe cộ quá đông làm tôi không kịp qua đường đuổi theo ông. Nhưng điều đó không khiến tôi bỏ cuộc. Mà bỏ cuộc cái gì chứ. Tôi có theo đuổi cái gì đâu? Tôi chỉ muốn yên tâm hơn nếu được tận mắt thấy ông về đến nhà. Tôi muốn biết câu chuyện đằng sau chiếc túi ấy. Tôi đã vẽ ra viễn cảnh trong đầu, về một ông lão vì thương cháu gái mà gắng sức làm việc để có tiền mua cho cháu một chiếc túi đi học. Tôi rất sợ viễn cảnh này có thật, nó bi thương lắm. Bi thương một cách không hiểu nổi. Mà tôi lại dễ bị xúc động bởi những câu chuyện tương tự như vậy. Tình cảm thiêng liêng giữa những người chung huyết thống hoặc có quan hệ thân thuộc dễ khiến tôi xao lòng. Vì tôi cảm thấu thứ tình cảm ấy đặc biệt và sâu sắc hơn so với bất kỳ ý nghĩa nhân văn nào khác tồn tại đầy rẫy trong xã hội. Và thế là tôi lại chập chờn rơi nước mắt, khi bản thân đang bước đi thật nhanh vào con đường nhỏ vắng bóng đèn, dáo dác kiếm tìm bóng hình ông lão. Nhưng đến cuối cùng, tôi đã lạc mất ông.

Cho đến tận bây giờ, khi nhớ về hình ảnh ông lão hạnh phúc bên chiếc túi thổ cẩm vừa mua được, tôi lại không khỏi cảm giác thổn thức, rung động. Không có gì để lý giải. Tôi cũng không hiểu nổi chính mình.

Bạn biết không. Tôi là một đứa suy nghĩ cực nhiều. Tôi hay đi một mình và độc lập đến mức khó chịu khi có ai đó quan tâm tôi một cách thái quá. Tôi nghĩ bạn sẽ có lúc như tôi, đi lang thằng mình ên giữa phố phường tấp nập người qua lại mà chẳng cần mục đích. Những người trẻ như tôi với bạn ngày nay, ít nhiều sẽ có lúc nhốt tâm hồn cách li với thế giới, tìm cho mình một khoảng lặng đủ để suy ngẫm, đắn đo về cuộc đời. Tôi hay có những lúc như thế, tôi đi hội sách lớn một mình và chú ý quan sát người khác thay vì tìm những quyển sách hay ho để đọc. Người khác sẽ nghĩ rằng tôi thật cô đơn, lẻ loi đơn chiếc. Nhưng không phải, tôi hoàn toàn không sao. Bạn có năng động thân thiện đến mức nào thì cũng có lúc bạn trầm lặng riêng biệt. Tôi đã quá quen với cảm giác bị cho là cô độc đó. Nhưng lại vô cùng xót xa khi thấy một hoàn cảnh tương tự.

Như ông lão lúc nãy, lòng tôi lại quặn thắt không sao cho hết. Đằng sau bờ vai úa tàn
yếu ớt ấy, liệu có là một mái ấm hạnh phúc đang đợi ông ở nhà cùng với đứa cháu nhỏ đang mong ngóng món quà từ ông nó? Hay là chốn tù túng chật hẹp chỉ có mình ông với những món đồ lạ lẫm chẳng hợp với người già? Tôi không biết. Tôi cũng muốn biết. Nhưng không sao biết được.

Mỗi ngày trôi qua, tôi bắt gặp những sự "cô độc" giăng mắc xung quang cuộc sống vốn chật vật của mình. Bao lần xúc động. Bao lần nghẹn ngào. Bao số phận khác nhau làm tôi vừa thương vừa sợ - sợ vì nước mắt bỗng dưng rơi giữa đường và người khác trông vào sẽ nghĩ là tôi đang điên. Nhưng ngày hôm nay tôi nhận ra một điều, có những sự thật ẩn sâu nơi những con người "đơn độc" ấy, mãi mãi chẳng ai có thể nhúng tay vào giải quyết trừ chính bản thân họ. Cũng có những câu chuyện không lối thoát, suốt cuộc đời vẫn không có lối thoát. Lối thoát duy nhất là nên tập chấp nhận, và nhìn nhận ở một hình hướng khác tích cực hơn.

Chiếc túi thổ cẩm ấy đương nhiên phải có chủ nhân. Nhưng chủ nhân thực sự của nó là ai. Tôi không biết. Và hẳn là cũng không nên biết. Dẫu sao thì, tôi vẫn mong ông lão sống cuộc sống hạnh phúc.

Tôi vẫn chưa nguôi ngoai được cảm giác xót xa trong lòng. Còn bạn thì sao? Bạn có bao giờ xúc động khi vô tình chứng kiến một số phận đang "cô độc" bên đường?

Tôi thì không sợ bản thân mình cô đơn. Chỉ sợ thấy người khác cô đơn. Đương nhiên không phải ở những bạn trẻ. Vì các bạn một phần giống tôi. Đôi khi chỉ muốn ở yên một mình.

Hãy yêu thương ông bà và cha mẹ mình nhiều hơn nữa. Bây giờ có thể bạn còn thương gia đình, nhưng đến một ngày chính bạn gầy dựng nên một gia đình mới. Họ sẽ trở thành những thế hệ đứng sau. May rủi thế nào còn tuỳ từng người. Nhưng xét cho cùng, họ đều không đáng để phải cô độc ở những năm tháng sau cuối của cuộc đời.

Làm ơn, hãy thương yêu họ. Đừng lệch lạc. Họ cần bạn, những đứa cháu chắt tuy chưa hiểu lẽ đời nhưng tình yêu vẫn còn vô tận. Trong khi con họ, có người, còn chẳng mảy may quan tâm đến họ như ngày trước. Số ít chỉ cung phụng họ như để hoàn thành trách nhiệm làm con (ở đây tôi không nói những người con hiếu thảo, tốt lòng).

Vì vậy, yêu thương ông bà bạn, hay những người già khác, trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn.

À...tôi lại làm quan trọng hoá vấn đề lên nữa rồi. Tôi như vậy cũng khó có cách trị.

Xin lỗi nhé.

Thương các bạn.

Cảm ơn vì đã đọc những dòng tâm sự luộm thuộm của tôi.

Chúc ngủ ngon.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro