đứt gánh tương tư.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

♪ câu chuyện buồn - thanh nguyễn ♪

×

×

Công tử Hựu nổi danh một vùng. Nhà gã sở hữu nhà băng, lại có quan hệ với nhiều quan Tây, đâm ra người đời có chút e dè nể sợ. Gã có nhiều tiền, lúc nào trong túi cũng dư dả giấy bạc, đấy là lẽ tất nhiên. Nhưng ba má công tử Hựu cũng được nhờ, vì may mắn làm sao, gã không có thói đốt tiền như những công tử nhà khác. Gã học bên Tây về, tuy vẫn mang chút ngông cuồng tuổi trẻ chưa được mài giũa bởi thời gian, nhưng cứ dính đến tiền bạc là hắn trở nên khó tánh khó nết.

Ấy vậy mà từ ngày gặp chàng Huyễn ở Trúc quán, gã bỗng thành khách quen của mấy cửa hàng bán đồ đắt đỏ. Nào những hột xoàn trân quý, nào những quần là áo lượt, nào những đôi giày cách tân bóng bẩy, gã mua chẳng thiếu món nào. Nhưng Huyễn phụ lòng gã, chàng phẩy tay chẳng đoái hoài, cứ xếp thùng xếp hộp trong một góc Trúc quán.

Chàng Huyễn da dẻ trắng nõn mịn màng chẳng kém đàn bà con gái, lại cao ráo thơm tho. Mái tóc đen nhánh mềm mượt được cắt tỉa gọn gàng sạch sẽ. Huyễn chuộng mặc quần âu bằng vải thô bạc màu. Áo sơ mi có hai ba cái đổi qua đổi lại. Hầu hết là màu sắc ấm áp đơn giản như cam, đỏ, nâu. Hàng cúc luôn đóng kín lên tận cổ, tay áo xắn gọn vài ba nếp chạm phần khuỷu để lộ ra cẳng tay xinh đẹp. Chân đi giày vải, khoe khéo cổ chân nhỏ xinh gầy yếu.

Trông vậy mà tướng tá cũng đô con. Tuy rằng không thể đem ra so bì với mấy tên mặt mày bặm trợn ở xó xỉnh bất lương, nhưng cũng chẳng kém cạnh công tử Hựu ăn sung mặc sướng từ thuở còn thơ là bao. Đúng là khéo nuôi.

Khéo nuôi khéo dạy, Huyễn từ nhỏ đã nghe lời chỉ bảo của ba, đồ của người lạ cho thì không nên nhận, tự tay làm ra mới ăn chắc mặc bền được. Thế là buồn thay, Hựu tặng chàng cái gì chàng cũng không lấy. Mà không chỉ thế, Hựu gọi tên chàng chàng cũng chẳng thưa, có khi nào gã nhắc đến chuyện muốn mướn phòng ở thì may ra Huyễn mới miễn cưỡng hé răng nói vài lời. Hựu mang quà bánh đến thì xem ra khả quan hơn, vì Huyễn thích ngọt, Huyễn thích lai rai ăn vặt. Nhưng mang nhiều quá lại bị dúi trả. Chàng than ăn nhiều ngấy, còn tốn tiền tốn bạc, tốt nhất đừng đem đến nữa. Thực chất là chàng sợ mập. Mặt chàng từ ngày gặp Hựu cứ phúng phính như em bé.

Hựu cười trêu, "Mập mập mới yêu em ơi."

Huyễn hờn, lông mày nhăn tít, đuổi khéo, "Công tử về cho, tui còn có công chuyện."

Công tử Hựu đến Trúc quán mười hôm thì hết chín là bị vời về. Kể cũng tội, nhưng con đường theo chân mỹ nhân thì đâu thể thiếu dăm ba thử thách?

Nhưng cái thử thách nào cũng không ứa gan bằng công tử Kiện.

Kiện cũng như Hựu, trúng tiếng sét đùng đoàng với Huyễn. Nhưng Kiện khác Hựu, Kiện nhỏ tuổi, hẵng còn mắc học hành nên chẳng có nhiều giấy bạc mà đem đi biếu cho người đẹp.

Hựu thì dồi dào tài chánh đấy, nhưng Huyễn lại không chuộng cái thế ấy của Hựu.

Thế mới đau.

Có lần Hựu ghé chơi, mặt mày hăm hở đi bang bang qua cửa. Trên tay Hựu là bó hoa tươi được người làm lựa cho từ cái vườn sau nhà.

Ấy mà khác với lẽ thường, Trúc quán không chỉ có Hựu. Mà còn có Kiện.

Kiện đang ngồi trên cái ghế trúc con con, bên chiếc bàn gỗ sậm màu. Bữa ấy Kiện được trường học cho nghỉ, vừa thức dậy đã ôm ngay trái thơm từ nhà đem sang Trúc quán nịnh nọt chàng Huyễn.

Thời ấy ăn được trái cây như vầy là khó lắm, huống chi nhà Huyễn lại chẳng khá giả gì, nhìn thấy trái thơm vỏ màu cam cam lại sần sùi nhiều mắt, phần lá xanh cưng cứng, chàng còn thấy cả mấy cái gai tí ti xung quanh lá nữa cơ. Chàng cũng là lần đầu được trông thấy thơm, lần đầu được nếm thử thứ trái lạ ấy.

Huyễn chuyên trách chuyện bếp núc trong quán trọ, nhưng bảo chàng gọt thơm thì chàng lắc đầu bó tay. Có ai chưa từng chạm vào xe đạp mà lại biết đạp xe đâu hở trời.

Kiện được dịp trổ tài, vỗ ngực nghe đồm độp, "Cứ để em."

So với vị bơ sữa của thứ bánh bích quy mà Hựu hay mang đến thì Huyễn vừa lòng cái chua chua ngọt ngọt mọng nước của thơm hơn.

Kiện đã được ba má ở nhà cho ăn chán chê, nay chỉ cắn một miếng lấy lệ. Nó nhường cả cho Huyễn. Thơm thì ngon đấy, nhưng ăn nhiều cũng không tốt. Hệ quả sau đấy là Huyễn bị rát lưỡi hai hôm trời.

Công tử Hựu mặt mày khó đăm đăm sinh lòng ghen. Nhân dịp ấy xỏ xiên Kiện đôi ba câu. Nào ngờ trời chẳng thương gã, ở nhà là quý tử, bước vào Trúc quán liền biến thành kẻ nhỏ mọn.

"Cậu đừng nói Kiện như vậy. Kiện có lòng có dạ, nào có tội tình chi."

Từ lúc gặp Huyễn, chẳng bao giờ Hựu được Huyễn gọi bằng tên. Lúc nào cũng gọi cậu xưng tui, không thì khách khí một tiếng công tử. Thế mà nhóc Kiện chậm chân, chỉ bằng một trái thơm đã được Huyễn thân mật gọi em, xưng là Huyễn.

Công tử Hựu nghiến răng kèn kẹt, lòng ghen lại được dịp cháy âm ỉ như ngọn đuốc tẩm dầu.

Có đợt nhà băng bận rộn công chuyện, công tử Hựu phải chạy đôn chạy đáo, ăn cơm không ngon, ngủ cũng không yên. Đừng nói đến chuyện ghé thăm Huyễn, ngay cả mặt má ruột cũng ít thấy.

Tạm quên chàng Huyễn xinh đẹp hay đứng coi số sách đằng sau quầy, lòng Hựu thấy cứ trông trống. Gã biết rõ là trống cái gì và cần cái gì để lấp vào đấy nhưng thời cuộc gấp rút, gã đành lực bất tòng tâm. Thôi thì coi như lạt mềm buộc chặt, đợi qua một thời gian, có khi Huyễn lại thấy nhớ nhung gã cũng nên.

Thực tình Huyễn cũng thấy nhơ nhớ mấy câu bông đùa của công tử Hựu, nhưng Kiện hay ghé qua vừa uống chén trà sen vừa ngâm mấy vần thơ mà nó học được trên trường, nghe bùi tai quá thành ra Huyễn cũng quên quên.

Những ngày vắng mặt công tử Hựu, Kiện được dịp quấn quít bên Huyễn nhiều hơn. Dần dà ánh mắt Huyễn bắt đầu thay đổi.

Ba Huyễn, tức chủ trọ Trúc quán, đã quá tứ tuần. Thế mà Huyễn đã ngấp nghé tuổi băm. Dĩ nhiên ba Huyễn không thể đẻ ra Huyễn đương tuổi mười mấy cho được. Bởi lẽ Huyễn là con nuôi.

Chuyện kể ra thì dài, nói cho gọn gẽ thì là như vầy. Ba Huyễn và má Huyễn ở với nhau hạnh phúc lắm nhưng ngót nghét ba bốn năm trời mà lại chưa có mụn con. Ai ai cũng sốt ruột. Ba Huyễn cũng ráng động viên vợ, "Thôi mình ạ. Cái gì đến thì nó cũng đến." Ba Huyễn hồi nhỏ đi ở đợ cho nhà giàu có, được cậu chủ nhà bên ấy yêu mến nên dạy cho vài ba con chữ làm vốn liếng. Ba Huyễn mang ơn người ấy rất nặng, vì người ấy không chỉ dạy ông chữ mà còn giúp đỡ ông nhiều điều khác. Nếu không có người ấy vun vén cho thì chắc đến mút chỉ cũng chẳng rước được má Huyễn về nhà.

Má Huyễn là con gái nhà nông, chân tay lấm bùn, ít chữ. Gả cho ba Huyễn cũng chẳng oán thán gì, vì ở với ba Huyễn tuy nghèo nhưng cũng gọi là sướng hơn ở với tám đứa em thơ lúc nhúc trong mái nhà tranh.

Hồi ấy Trúc quán vẫn chỉ là giấc mơ viển vông của ba Huyễn. Mãi đến tận khi má Huyễn mất, nhờ lòng bác ái thương người của cậu chủ năm xưa, ba Huyễn mới có cơ may gầy dựng Trúc quán.

Má Huyễn mất năm Huyễn tròn mười bốn tuổi, cũng là tròn tám năm Huyễn được sống trong cảnh đủ ba đủ má.

Huyễn bị bỏ trong một cái giỏ tre, cùng mấy đồng bạc lẻ và một tờ giấy nhàu nát. Huyễn khóc thét lên vì đói, vì lạnh, vì khó chịu với cái tã ướt sũng. Rồi may thay, Huyễn được một người đàn bà góa bụa nuôi từ tấm bé, nhưng đến năm sáu tuổi thì người đàn bà ấy mất, Huyễn từ đó lưu lạc. Ba má Huyễn đang hiếm con, thấy đứa bé bị bỏ thì lấy làm vui. Nhà tuy nghèo nhưng thêm một miệng ăn thì cũng đủ.

Tên Huyễn được đề rõ trong tờ giấy nhàu nát, Hoàng Mân Huyễn. Phía sau là những lời nhờ cậy chân thành.

Phải gần chục năm sau thì Huyễn mới có em, một đứa con mang dòng máu ruột thịt với ba má Huyễn. Nhưng chẳng vì thế mà Huyễn bị cho ra rìa. Huyễn vẫn luôn là đứa con quý báu của ba má mà.

Má Huyễn khó sanh, sanh được em thì mất. Em Huyễn là em trai, tên họ đầy đủ là Bùi Trân Ánh, thường gọi là Ánh. Ánh rất ngoan, ngoan hơn cả Huyễn hồi nhỏ. Dù Ánh lớn lên trong vòng tay của hai người đàn ông, nhưng nhà này vốn khéo nuôi cơ mà, cả Ánh cả Huyễn đều ra dáng lắm. Tính đến nay em Ánh của Huyễn đã tròn mười sáu.

Huyễn và ba Huyễn đỡ đần nhau nơi quán trọ để gom góp tiền cho Ánh đi học trên phố. Hai ba con ăn dè tiêu xẻn thì cũng đủ. Chỉ mong ít nhất trong nhà có một người được ăn học đường hoàng với người ta.

Ánh và Kiện là bạn đồng học. Học chung một lớp cũng được ít lâu. Trong một lần Ánh vời Kiện đến nhà chơi mà Kiện phải lòng Huyễn.

Hựu cũng chỉ vì một nụ cười của Huyễn mà đắm chìm trong tương tư.

Âu cũng là cái duyên cái số.

Huyễn luôn coi cảm xúc Hựu dành cho mình là hứng thú nhất thời, cũng không trông ngóng quá nhiều.

"Hổm rày không thấy công tử ghé. Còn tưởng tui làm gì phật lòng công tử."

Huyễn vừa châm trà vừa khẽ trách gã. Giọng điệu hờn dỗi này của chàng gã nghe mãi vẫn không biết chán là gì. Nếu chàng còn biết làm nũng giống mấy cô tiểu thơ nhà giàu nữa thì hết sẩy. Nhưng đấy chỉ là suy tưởng của gã mà thôi. Gã biết mà. Chờ Huyễn nũng nịu với gã còn khó hơn hái sao.

"Em nhớ ta đấy ư?"

Gã bận công chuyện của nhà băng cũng phải hai tháng. Hai tháng là sáu mươi ngày ròng. Gã nhớ Huyễn đến phát điên, giải quyết xong tất tần tật là liền nói sếp phơ lái thẳng đến Trúc quán.

Từ lúc ngồi vào bàn đến giờ, đôi mắt gã chưa từng bỏ lỡ bất kì hành động nào của Huyễn. Gã nhớ, gã thương, gã không thể nào dứt ra cho được.

"Tui nào dám. Người như cậu phải đi với mấy cô tiểu thơ ngoại quốc mới xứng."

Huyễn bĩu môi. Lời nói cứ tuôn tuồn tuột ra khỏi miệng. Công tử Hựu bật cười ha hả. Trong hai tháng không ghé Trúc quán, gã phải đi bàn chuyện với mấy ông quan Tây. Mấy ông quan Tây có đón mấy cô con gái rượu từ bên bển sang chơi, nên có gửi gắm nhiệm vụ dẫn đoàn du ngoạn cho gã. Đã có lời nhờ cậy, gã cũng không tiện từ chối. Đành theo.

Không ngờ chuyện gã đi với mấy cô gái Tây lại lan đến tận tai Huyễn.

Gã có cảm giác như mình là tay chồng xỏ lá bị vợ bắt gian. Bên cạnh ấy là có tí vui sướng vì thái độ của Huyễn.

Hạt gã gieo cuối cùng cũng ươm mầm.

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang.

Chuyện hắn đi với mấy cô gái Tây kín như thế mà còn xểnh ra ngoài. Thế thì cái chuyện hắn tán tỉnh chàng Huyễn làm sao mà giấu nổi bậc phụ mẫu tỏ tường của gã. Cậu sếp phơ Hoan chuyên lái xe đưa công tử Hựu tới Trúc quán bị ba gã đuổi việc. Gã cảm thấy có lỗi không thôi. Phải len lén lo lót công việc mới cho người ta.

Ngay cả gã cũng không ngờ ngày hôm nay lại tới.

"Ta cho con đi học bên Tây không phải là để con dính chặt lấy một tên đờn ông nghèo rúng."

Má gã ngồi thút thít, khăn mùi soa thấm đẫm nước mắt. Gã trông mà xót. Ba gã nổi trận lôi đình, tay thì chống cây ba toong chạm trổ hình rồng uốn lượn, tay thì chắp ra sau lưng. Gã có phần dè chừng. Gã biết rõ người thân mình chứ, mẹ gã thì hiền khô nhưng ba gã là hổ dữ.

Hổ dữ không ăn thịt con.

Hựu thì chẳng sao đâu, cùng lắm bị phạt quỳ mấy canh là cùng. Nhưng Huyễn thì khác. Ba gã coi khinh Huyễn. Ba gã làm được gì Huyễn thì gã đã tỏ.

Cứ nhìn cô tình cũ của anh trai gã mà coi.

Cũng vì thân phận nghèo hèn không thể trèo cao mà đành đứt gánh tương tư.

Lúc ấy anh gã có chút lòng tin vào sự mềm lòng của ba. Anh gã sai, ba gã cũng sai. Người chịu thiệt lại là chị ta. Bị tiệt đường bán buôn ở thị thành, bị đuổi về chốn thôn quê, còn bị ép gả cho một tay nát rượu. Đời chị ta thế là xong. Quẩn quanh trong mưu sinh và đau khổ.

Nhớ đến Huyễn, mắt gã rưng rưng.

Huyễn là vì sao tươi đẹp trong lòng gã. Nếu Huyễn rơi vào tay ba gã thì sao? Lúc ấy gã hối hận chẳng kịp.

"Bỏ nó đi. Ta đã sắp xếp cho con ngày mốt gặp gỡ tiểu thơ nhà quan thông ngôn rồi."

Từ đầu đến cuối Hựu chẳng hé răng nửa lời. Chẳng phản đối cũng chẳng đồng thuận.

"Huyễn." Được thả về phòng, hay đúng hơn là bị giam lỏng, Hựu cứ lặp đi lặp lại một cái tên.

Huyễn đã quen với sự bận bịu của Hựu. Nên cứ đinh ninh trong dạ là lần này Hựu bận việc ở nhà băng. Hựu không tới ngày thứ ba, mặt chàng buồn xo. Kiện đến thấy thế xót lòng xót dạ, đòi vời chàng về nhà mình chơi một buổi.

"Thôi, Huyễn xuất thân tầm thường, đến nhà em chơi thì có hơi..."

Huyễn vẫn mang chút mặc cảm tự ti. Nhà chàng nghèo, chàng lại thất học, may mắn lắm mới được ba dạy cho mấy con chữ để hoàn thành công việc sổ sách. Được quen biết hai công tử có tiếng nơi thị thành đã là phước của chàng. Huyễn không có ý định nào quá phận hơn nữa.

"Vậy em đưa anh đi dạo phố? Nhé? Cả Ánh nữa, chúng ta đưa cả Ánh đi nữa."

Ánh có số tốt, thầy tử vi nói vậy, mà đúng thật. Lúc trước công tử Hựu mua cho Ánh biết bao đồ quý để nịnh Ánh, hòng nhờ vả Ánh giúp đỡ công tử nói với anh Huyễn một tiếng. Trước là công tử Hựu, sau là Kiện. Kiện thường xuyên vời Ánh đến nhà chơi xơi nước. Nói là xơi nước chứ thực chất là đút lót bằng mỹ vị, gì chứ lộc ăn thì Ánh kiềm lòng sao đặng, còn được mang về nhà một ít cho ba và Huyễn, tính thế nào cũng thấy có lợi. Ngoài ra Kiện còn hấp dẫn Ánh bằng sách Tây đắt tiền. Ánh vun cho mỗi người một ít, Huyễn nghe mà cứ ừ ừ gật gật. Ánh hoàn thành nhiệm vụ rồi, Ánh mặc kệ.

Ánh nghe thấy dạo phố thì hứng khởi lắm. Cứ ru rú ở Trúc quán mãi cũng có chút tù túng.

"Kiện đã nói vậy thì con cứ đi đi. Đưa em đi nữa. Cho khuây khỏa."

Ba Huyễn thình lình đi từ trong buồng ra.

Nếu ba Huyễn đã nói thế, cộng thêm cái níu tay của Ánh, Huyễn không thể từ chối được nữa. Trở vào buồng sửa soạn để đi dạo phố.

Ánh được đi học trên phố nhưng ít khi được đi dạo phố, đây chắc là là lần thứ hai hay thứ ba. Ánh tuổi còn nhỏ, thấy những thức quà mới lạ thì đều dừng chân. Hôm ấy Kiện đã chuẩn bị nhiều giấy bạc, hào phóng mua hết tất thảy những gì mà ba người ghé xem. Ánh một phần, Huyễn một phần.

Huyễn từ chối mãi không đặng, đành nhận. Chẳng hiểu sao Huyễn sẵng giọng phũ phàng công tử Hựu thì được. Nhưng cứ nhìn vào đôi mắt cún con long lanh của Kiện là Huyễn lại mềm lòng.

Ánh và Kiện đương bận xem ít sách vở trong chiếc sạp nhỏ của một ông cụ. Còn Huyễn đứng bên đường chờ đợi. Có sang xem cùng cũng chỉ hoa mắt, tốt nhất là đứng ở đây cho lành. Nhưng Huyễn hối hận rồi. Đứng bên này chẳng tốt chút nào.

Chỗ Huyễn đứng là một hàng quán kiểu Tây phương. Quán sơn màu đỏ nổi bật, được trang trí bằng đèn chùm nhập ngoại. Rồi trên tường thì treo những bức tranh sơn dầu tuyệt mĩ, bàn ghế thì được trải khăn sang trọng. Huyễn còn nhìn thấy cả kệ rượu Tây đắt tiền nơi góc phòng và cả những chiếc ly đế dài sáng bong.

Công tử Hựu đúng là chỉ hạp với những điều tuyệt vời như thế này. Công tử Hựu và Trúc quán quá khập khiễng. Công tử Hựu và Huyễn cũng thật mắc cười. Công tử Hựu, chung quy cũng vẫn là công tử con nhà giàu. Còn Huyễn. Huyễn chỉ là dân đen ngày ngày lo lắng đến chuyện mưu sinh.

Kiện dùng bàn tay to lớn của mình để che đi đôi mắt đượm buồn của Huyễn.

"Huyễn đừng nhìn nữa. Nhìn nữa sẽ đau lòng."

Kiện thấy lòng bàn tay mình ươn ướt. Lặng lẽ từ biệt Ánh ở bên kia đường, kéo tay Huyễn đi khuất bóng.

Công tử Hựu nghe lời ba má, đúng ngày mốt đi gặp cô tiểu thơ con nhà ông thông ngôn. Tiểu thơ Trang, cũng từng đi học bên Tây, biết nhiều hiểu rộng. Hai bên nói chuyện với nhau rất hạp. Nhưng nếu phải nói đến chuyện mai mối cưới xin, công tử Hựu chịu thôi. Giữa nói chuyện hợp rơ và yêu đương là một quãng trời rộng mênh mông.

"Chúng ta hợp làm bạn hơn là làm vợ chồng."

Xem ra tiểu thơ Trang cũng có cùng ý kiến với gã.

"Phải đấy, tui đã có người trong lòng rồi. Tui đoán tiểu thơ chắc chắn cũng như tui."

Chắc do ảnh hưởng từ văn hóa Tây mà cả hai đều rất cởi mở.

"Là một cô gái. Chỉ tiếc rằng ba tui..."

Hựu hiểu mà.

Ngay tại đây, hai con người đồng điệu về hoàn cảnh cùng tâm tình, cũng không đến nỗi nào. Thế nhưng gã vẫn mong hiện giờ gã đang ở Trúc quán, nếm trong miệng chén trà sen Huyễn pha, sau đó sẽ chọc Huyễn giận dỗi xù lông nhím. Xong Huyễn sẽ lại đuổi khéo gã về.

Ôi những hồi ức tốt đẹp cứ giày vò gã.

Chắc cô tiểu thơ Trang cũng chẳng khá khẩm gì hơn đâu.

Kiện đưa Huyễn đến một đầm sen thơm ngát.

"Kiện."

Huyễn gọi bằng giọng nghẹn ngào. Và Kiện phải thừa nhận là nó chả thích cái giọng này của Huyễn đâu.

"Huyễn. Em hiểu mà."

Hôm ấy Huyễn gục khóc trên bờ vai rộng vững chãi của cậu thiếu niên mười sáu tuổi Khang Nghĩa Kiện. Chàng khóc ướt nhòe một bên vai áo của người ta. Kiện thì vẫn cứ kiên nhẫn vỗ nhẹ vào tay chàng an ủi.

Kiện đưa Huyễn lại nhà lúc chập tối. Nó phải về nhà sớm kẻo ba má lo, nếu không thì nó cũng muốn ở lại với Huyễn thêm chút rồi về.

"Mai em lại ghé."

"Kiện." Huyễn gom hết can đảm, "Cho Huyễn xin lỗi."

Nói rồi Huyễn chạy vội vào Trúc quán. Thú thực chàng không đủ can đảm để chứng kiến nụ cười buồn của Kiện. Huyễn đã phụ lòng Kiện. Dù Huyễn chẳng muốn.

Ánh chẳng kể câu nào cho ba. Vậy mà ba Huyễn vẫn biết cả.

"Huyễn này."

Ánh có thói quen ngủ sớm. Trúc quán cũng đã đóng cửa nghỉ. Khách trên lầu cũng tắt điện tối om cả rồi.

"Đừng nghĩ đến cậu Hựu nữa con ạ."

Con gái gặp trắc trở chuyện tình cảm thường tìm đến má hoặc chị em gái, nếu không thì là bà ngoại. Con trai thì cứ âm thầm chịu đựng.

Nhưng ba Huyễn biết hết rồi. Chiều nay có khách ghé Trúc quán mà.

"Sao ba biết ạ?"

Trong ánh đèn dầu leo lắt, Huyễn kinh ngạc hỏi ba mình một câu.

"Ba của cậu Kiện là... cậu chủ hồi đó của ba."

Ba Huyễn cũng không biết nói sao cho phải. Sớm muộn gì Huyễn cũng cần biết chút ít nhưng để mở miệng thì cũng hơi khó. Ông cũng già rồi, đề cập đến chuyện yêu đương tuổi trẻ thì hơi ngượng.

Hồi đó do nhà túng thiếu, ông bị má dứt ruột bán làm người ở cho gia đình họ Khang.

Lúc ấy ba Huyễn tròn sáu tuổi, đúng bằng tuổi Huyễn khi chàng mất người má nuôi góa bụa. So ra thì ba Huyễn phải chịu khổ hạnh nhiều hơn Huyễn. Vì lúc ấy ông thường phải giúp khiêng những vật dụng nặng cho nhà bếp. Một đứa trẻ sáu tuổi đã phải lam lũ. Cũng may trong một lần hầu cơm trên nhà chính do thiếu người làm, cậu chủ Khang vừa mắt ông, gọi lên làm người hầu cận.

Cậu chủ Khang năm ấy mười tuổi.

Từ đó thì việc của ông nhẹ nhàng hơn, lương bổng cũng cao hơn gọi là chút đỉnh.

Ba Huyễn chỉ có việc đánh thức cậu chủ dậy đúng giờ, hầu cậu sửa soạn, hầu cậu dùng điểm tâm sáng. Sau đó cậu chủ Khang sẽ được bà chủ cử sếp phơ đưa tới trường học. Từ lúc ấy đến ban chiều cậu về thì ba Huyễn chỉ phải làm việc lặt vặt như dọn phòng, đem đồ dơ của cậu Khang đi giặt giũ phơi phóng. Cậu về thì hầu cậu tắm rửa, ăn tối, hàn huyên đến khi cậu ngủ.

Đến năm mười sáu tuổi thì ba Huyễn bị ông bà chủ đuổi.

Vì lẽ gì ư? Vì ông và cậu chủ Khang nảy sinh tình cảm trái với luân thường.

Cậu chủ Khang là con độc đinh, phải thừa kế tư nghiệp của ông chủ. Dĩ nhiên không thể có quan hệ bất chính với một đứa người làm bần hàn như ba Huyễn.

Ba Huyễn vẫn còn nhớ cái lúc cậu chủ Khang bị hai tên người làm khỏe mạnh kéo lên xe gửi đi Tây. Cậu vừa khóc vừa gào tên ông. Ông không thể trái ý ông bà chủ, chỉ có thể quỳ bất động ở khoảnh sân nắng gắt. Nếu ông dám chạy theo cậu chủ, chắc chắn sẽ nhừ đòn. Lúc ấy ông chẳng nhỏ ra được giọt nước mắt nào. Chỉ thấy lòng mề nặng trĩu như treo đá.

Cậu chủ đi Tây, ông về làm nông.

Mãi tận năm, sáu năm sau, khi thị thành đã trở nên sầm uất hơn nhiều, bấy giờ cậu chủ Khang mới được ông chủ chấp thuận cho quay về quê nhà. Cậu chủ Khang vừa về liền cưới tiểu thơ Trà, hiện tại là má của cậu Kiện. Đám cưới linh đình lắm. Ba Huyễn cũng chỉ biết có thế, vì lúc bấy giờ ông làm nông ở ngoại thành, hoàn toàn không có ý định lên phố thị nữa.

Cậu chủ Khang cưới trước cả ông thế mà lại lạnh nhạt với vợ, chẳng có con cái, nhà cửa lạnh lẽo.

Lục tỉnh Nam Kì bự là thế, ấy vậy mà cậu chủ Khang chẳng mất bao lâu để tìm được ba Huyễn. Cậu chủ Khang mang nét tri thức mới, vẫn vẻ giàu sang quyền quý sẵn có, khoác lên mình bộ đồ Tây màu trắng tinh. Ba Huyễn dạo đầu giả vờ không quen để đuổi cậu về nhưng cậu cứ đến hoài, ba Huyễn nản.

Đám cưới của ba má Huyễn là cậu chủ Khang cho tiền vun vén. Đến lúc nhận nuôi Huyễn cũng là cậu chủ Khang gởi tiền về giúp chút ít. Sau này má Huyễn mất, Ánh mồ côi má, vẫn là cậu chủ Khang nhượng lại Trúc quán cho ba Huyễn làm ăn. Ba Huyễn nợ cậu chủ Khang rất nhiều. Tình cũng nợ, tiền cũng nợ. Cả đời này không thể hoàn trả.

Sự ra đời của Kiện làm giảm đi cảm giác tội lỗi trong lòng ba Huyễn.

Khi ông biết Ánh và Kiện là bạn bè, ông rất hốt hoảng. Bây giờ thì cậu Kiện lại đem lòng thương Huyễn. Nợ ông chưa thể trả cho cậu chủ Khang càng lúc càng to.

"Ba..." Rõ ràng đây là chuyện đời ba Huyễn, ba Huyễn chẳng khóc tí nào, Huyễn thì lại khóc như mưa.

"Ba của cậu Kiện kể cho ba biết, chứ thực tình ba không rành chuyện riêng tư của mấy đứa trẻ tụi bây đâu." Ba Huyễn cười hiền, xoa đầu Huyễn, "Ba chỉ có thể khuyên con, dù là cậu Hựu hay cậu Kiện, cũng đều nên quên đi. Đừng để như ba, dù trái tim đã lạnh nhưng lòng vẫn còn day dứt."

Dù là cậu Hựu hay cậu Kiện, Huyễn đều động lòng yêu. Nhưng vốn chàng cũng không hề có ý định tiến tới xa hơn.

"Vậy còn ba và ba của Kiện?"

Huyễn hít hít cái mũi nghèn nghẹt, đưa tay quệt sạch nước mắt tèm lem trên mặt.

"Cứ để mặc ông ấy đi."

Huyễn biết ba mình vẫn chưa nguôi ngoai chuyện năm xưa. Tình cảm là điều khó nói. Có thể ba đã yêu má thật lòng đấy, nhưng có lẽ cái yêu mà ba dành cho ba của Kiện cũng chưa dứt hẳn.

Sớm hôm sau Kiện lại ghé, vì là cuối tuần nên nó không phải đi học. Nhưng Kiện không đến một mình. Huyễn thấy bóng dáng người ngồi trong xe mà cả kinh. Chẳng phải ông chủ khách sạn lớn nhất vùng đấy ư?

Ba Huyễn vẫn còn nằm bên trong buồng, có gia nhân chạy tới xin phép Huyễn để được vô trong gửi gắm ba chàng đôi câu. Chẳng biết gia nhân bên ấy nói gì, chỉ biết sau đấy ba Huyễn ăn mặc chỉnh tề đi ra. Vỗ nhẹ lên vai Huyễn, "Trúc quán cứ để cu Ánh với cu Huy trông tạm, ba con ta đi."

Sếp phơ rời khỏi xe, Kiện liền ngồi thế vào. Huyễn có chút ngỡ ngàng, tại Kiện còn nhỏ tuổi, thế mà lại biết cầm lái xe hơi.

Huyễn cúi đầu chào ba cậu Kiện một cái cho phải phép. Ba cậu Kiện khuôn mặt dễ chịu, cười mím chi gật đầu đáp.

Xe có bốn chỗ, Kiện ngồi ghế lái, Huyễn ngồi phó lái. Còn ba Huyễn và ba cậu Kiện ngồi chung trên băng ghế sau. Huyễn nhòm lén qua cái kiếng nhỏ trên trần xe, thấy ba Huyễn nhăn mày rầy la ba cậu Kiện, vậy mà mặt ba cậu Kiện lại chả có tí nào gọi là tức tối, còn vui vẻ cười cười,

"Em tưởng cậu bỏ thuốc rồi. Ra là vẫn còn."

Xe hơi để mở cửa sổ, cái chính là để ba cậu Kiện phì phèo điếu thuốc.

"Được rồi. Em không thích thì thôi." Giọng ba cậu Kiện dịu dàng như nước, chẳng khác Kiện là bao. Ông dụi điếu thuốc đang hút dở vào trong một chiếc hộp thiếc con, đóng hộp lại, nhét vào túi áo khoác ngoài.

Đúng là cha nào con nấy, chẳng chệch một li.

Ba Huyễn cũng là lần đầu trở lại căn nhà khi xưa từng sống suốt mười năm tuổi thơ cùng đứa con trai cả, không lấy làm vui. Nghĩ đến chuyện phải giáp mặt má ruột cậu Kiện, tiểu thơ Trà, là ông thấy họng mình nghèn nghẹn.

Má cậu Kiện còn ngồi trong nhà chính, dù đã trên bốn mươi nhưng vẫn mang nét thanh tao quý phái thời còn con gái. Trên người bà đeo nhiều hột xoàn quý, bà không mặc áo Tây mà mặc bộ bà ba màu tím làm bằng lụa. Nhác thấy bóng ba Huyễn và Huyễn, mặt bà nhăn lại tỏ rõ vẻ khó chịu, bỏ xuống sau nhà.

Ai cũng biết ba cậu Kiện sống lãnh cảm với má cậu, đợt ấy may mắn có được cậu Kiện là phải nhờ đến rượu. Một người đàn bà đài các lại phải chôn chân trong căn nhà lạnh lẽo như vầy, ba Huyễn càng nghĩ càng thấy thương. Nhưng tiểu thơ Trà thì ghét ông ra mặt, ấy cũng là điều khó tránh khỏi.

Ba cậu Kiện dắt ba Huyễn vào một buồng riêng, khóa trái cửa, bỏ lại hai đứa con ngẩn tò te ở ngoài.

"Vậy vời Huyễn đi thăm thú nhà em."

Nhà công tử Hựu có vườn hoa hồng lấy giống từ bên Tây, nhà Kiện thì có vườn hoa mười giờ hồng rực. Ba Huyễn thích nhất loài ấy, chẳng trách.

Còn sớm nên có nắng, người làm phải mắc một tán dù rộng thì Huyễn và Kiện mới thư thả ngồi chơi được. Huyễn thích thú ngó trái rồi ngó phải. Nom ngố tàu không chịu được. Đương lúc ấy, Huyễn bắt gặp ánh mắt thù hằn của bà phu nhân Trà. Bà đứng trên lầu cao, nhìn xuống dưới vườn một chốc rồi thôi.

"Kiện."

Kiện đang chăm chú ngắm Huyễn, nghe gọi tên có chút chột dạ.

"Dạ?"

"Em không để bụng chuyện ba Huyễn hở?"

Dù ra sao, người ta cũng không thể nhân danh tình yêu để phá hoại gia can một người.

"Chuyện của ba em và bác Sáu là chuyện của người lớn. Ta không thấu rõ ngọn nguồn thì cũng không nên vội phán xét. Huống hồ, đến tận bây giờ, ba em vẫn thương ba Huyễn."

Kiện vừa hiểu chuyện là đã nhận ra ngay cái không khí âm u bao trùm lên gia đình nó. Má nó rất nghiêm với nó, như thể đang trút những giận hờn lên đứa bé con là nó đây. Ba nó thương nó lắm, nó ở nhà bị má đánh là ba nó nổi trận lôi đình, nhiếc móc má nó một hồi lâu. Mỗi lần như thế má nó lại đem chuyện xưa của ba nó ra, nói như vặt thịt. Nhưng cuối cùng người vừa khóc vừa bỏ chạy khỏi sương phòng là má, còn ba chỉ châm một điếu thuốc lên hút, mắt ánh nước.

Sau đấy ba Kiện thuê vú nuôi về chăm sóc riêng cho nó, nó cũng ít phải chịu những cái bạt tại trời giáng của má nó hơn. Chuyện nó học chung với Ánh là ba nó cố tình sắp xếp. Vì người đứng ra xin học cho Ánh là ba nó mà.

Thực ra nó gặp ba Huyễn từ lúc còn nhỏ rồi cơ, chứ chẳng phải lần Ánh vời đến chơi mới gặp. Tại vì mỗi lần nó bị má đánh, ba má nó cự cãi xong thì má nó đi đánh bạc với mấy dì phu nhân nhà khác. Má nó vắng nhà, ba nó sẽ gọi sếp phơ tới đón ba Huyễn ghé chơi.

Nó còn nhỏ, nhưng đã hiểu chuyện, tình cảnh gia đình rối ren, nó cũng không muốn ngang ngạnh làm loạn. Huống hồ ba Huyễn là một người dịu dàng. Bàn tay tuy từng làm qua nhiều công việc nặng nhọc nhưng vẫn mềm mại như một tấm vải lụa đắt tiền. Ba nó thường để cho nó chơi với ba Huyễn một lát, sau đó mới gọi vú nuôi tới đưa nó đi. Còn ba nó sẽ dẫn ba Huyễn vào buồng riêng trò chuyện.

Có lần nó xài mánh, trốn được vú nuôi xuống định bụng vòi chơi với ba Huyễn. Cửa buồng hôm ấy không khóa, nó còn đang vui mừng thì nó nghe thấy tiếng ba Huyễn khóc thút thít. Ba nó ôm ba Huyễn vào lòng vỗ về y như mỗi lần ba nó dỗ nó nín thuở nhỏ.

"Cậu tha em đi, em xin cậu. Tiểu thơ Trà mà biết sẽ rất đau lòng. Rồi cậu Kiện sẽ chẳng được nhận yêu thương vui vầy từ má nữa. Cậu nghĩ đến em, đến cậu Kiện, đến tiểu thơ Trà mà tha cho em."

Nếu Kiện không lầm, thì lúc ấy má Huyễn đã mất rồi. Ba Huyễn kinh doanh Trúc quán cũng khấm khá lắm. Ba Kiện thường xuyên đưa ba Huyễn đi ăn hàng ăn quán, không thì dắt về nhà chơi. Toàn bộ những lần ấy ba Kiện đều công khai, bị má Kiện hỏi động đến cũng dễ dàng thừa nhận. Ba nó cũng bị má nó cho một bạt tai chứ chẳng vừa. Nhưng ba nó chịu hết, vì ba nó biết ba nó sai. Ba nó đi ngoại tình, ba nó tệ bạc với má nó. Nó chẳng trách gì ba, cũng chẳng trách gì má. Vì con người ta khi bị đẩy vào chân đường thì sao mà chín chắn cho nổi.

Đấy cũng là lần duy nhất nó thấy ba Huyễn khóc. Kiện còn thấy ba nó hôn lên môi ba Huyễn nhưng bị ba Huyễn tránh đi không cho. Nó biết ba nó hụt hẫng nhường nào. Sau đấy nó bị bà vú bế đi, dặn dò không được qua buồng ấy khi chưa được ba cho phép.

Nó gật đầu dạ thưa. Từ đó không dám trái lời.

Tính ra từ nhỏ nó đã ít gần gũi với má. Má nó chỉ thích đi mua sắm, đi đánh bạc. Không thì lại kiếm cớ đánh đập người làm. Má nó nhìn mọi thứ với con mắt thù hằn, kể cả nó, đứa con do má dứt ruột sanh ra.

Cả thị thành biết chuyện nhà họ Khang không ấm êm, nhưng lại chẳng dám lời qua tiếng lại về chuyện ba Huyễn.

Thói đời là thế đấy.

"Ba em thương ba Huyễn cũng giống như em thương Huyễn."

Kiện cụp mắt. Nó biết dẫu nó có nói bao nhiêu thì Huyễn cũng chẳng thuộc về nó hoàn toàn được.

Huyễn im lặng làm lòng nó run rẩy.

"Huyễn có thương em không?"

Nó không rành rọt mấy trò đánh bạc cá cược cho lắm, nhưng nó biết câu hỏi này của nó chẳng khác mấy trò ăn thua may rủi kia nhiều lắm đâu.

"Thương."

Huyễn chưa từng nói thương ai, cả Kiện lẫn Hựu. Vì chàng biết chuyện sẽ chẳng được tốt đẹp, vậy thì tốt nhất đừng nói chi cho thêm sầu. Nhưng lần này thì không. Huyễn nghĩ đến ba Huyễn, nghĩ đến ba cậu Kiện. Nếu lúc này chàng thẳng thừng từ chối, có phải sẽ lại có cô tiểu thơ nào chịu cảnh như bà phu nhân Trà? Hay chính vì cái thói dùng dằng của chàng, mà lại gián tiếp đẩy một người vào cảnh cô liêu?

Chuyện mai này, khó nói.

Cuối buổi, ba cậu Kiện mở cửa buồng, dắt tay ba Huyễn ra. Hiếm khi gặp mặt, chuyện để nói không ngớt. Hầu hết là ba cậu Kiện nói, ba Huyễn dạ vâng.

Không thể chấm dứt, nên mới đành tiếp tục. Ba Huyễn cũng không biết ba cậu Kiện còn hứng thú với mình đến lúc nào.

Kiện đưa Huyễn đi thăm thú nhà cửa cả buổi, cười vui mỏi cả miệng. Đến lúc tạm biệt lại quyến luyến.

"Mai mốt em bận thi cử, không thể ghé Trúc quán thường xuyên được, anh đừng giận em nhé."

Cậu Kiện cúi đầu trông đáng thương lắm. Huyễn thấy chẳng nỡ trách móc. Chỉ dịu dàng xoa xoa cái đầu tròn lẳng.

"Huyễn chờ em."

Kiện cười tươi rói, động lực học tập nhờ vậy mà dâng cao.

Huyễn từng tin rằng Hựu chỉ hứng thú nhất thời, kìm lòng không ôm nhiều tâm tư. Cuối cùng thất bại ê chề. Bị công tử Hựu bỏ rơi. Nay chàng đặt lòng tin vào Kiện, chỉ mong rằng mọi chuyện ập đến đừng quá tàn nhẫn.

Công tử Hựu và tiểu thơ Trang đã định sẵn là phải cưới. Hai bên cũng chỉ gật đầu cam chịu, thế nên chuyện chuẩn bị rình rang này kia đều rơi vào tay ba má và người làm. Hai nhân vật chính mỗi người hướng về một phương. Hựu và vị hôn thê vin vào cớ gặp mặt vun đắp tình cảm để ra ngoài. Tiểu thơ Trang trốn lên xe đò về ngoại thành thăm cô thôn nữ. Công tử Hựu cuốc bộ đến Trúc quán.

"Công tử ghé chơi."

Huyễn có chút bất ngờ khi thấy bóng hình thân quen. Cũng phải mấy tháng trời không gặp Hựu rồi cơ mà.

Nghe đâu nhà ông thông ngôn kết sui gia với nhà họ Ung. Thương mến trong Huyễn cũng theo đó mà lụi tàn dần. Nào ngờ nhìn thấy người bằng xương bằng thịt, trong lòng lại nổi sóng dữ.

Công tử Hựu kéo người thương vào bên trong buồng hôn ngấu hôn nghiến. Để mặc cho cu Huy trông quán nước. Gã nhớ Huyễn như con nghiện lâu ngày không được đụng tới thuốc. Dẫu biết là sai, thế mà cứ vồ vập vào. Gã xé cả cái áo sơ mi màu nâu đất của Huyễn, đẩy Huyễn xuống tấm nệm mỏng, hôn lên từng tấc da thịt trắng mịn. Hựu đòi làm tới nhưng Huyễn không cho, chàng nói chàng có người thương rồi, không thể để Hựu làm bậy, "Là thằng Kiện đúng không?" Hựu nổi đóa lên. Siết chặt lấy cổ tay nhỏ gầy của Huyễn.

Nhưng rồi gã lại buông thõng, đưa tay lên bưng mặt. Gã sắp đi lấy vợ, cũng chưa từng được Huyễn trao lời hẹn ước, vậy thì lấy cớ gì mà bực với tức?

Cả hai cứ bất động như thế mất một lúc.

Hôm ấy Hựu chỉ ôm rịt lấy Huyễn trong lòng, thủ thỉ tâm tình những điều mà gã chưa thế nói. Huyễn không khóc, chỉ vuốt ve lấy khuôn mặt tiều tụy của Hựu. Còn hôn chóc lên cái cái cằm lún phún râu của gã.

Gã khóc, khóc rưng rức. Từ lúc lên trung học đến giờ đây là lần đầu hắn khóc.

Hựu và Huyễn vĩnh biệt nhau lần cuối khi trời chập tối. Huyễn mặc chiếc áo sơ mi màu xanh lam Hựu tặng cho trước đây.

"Hứa với Hựu, mỗi lần em nhớ Hựu phải mang đồ Hựu mua ra mặc đấy."

Huyễn gật đầu.

"Còn nữa, thằng nhãi Kiện mà làm em khóc thì gởi thơ cho Hựu. Hựu cho người xử đẹp nó."

Huyễn bật cười khúc khích.

"Chỉ vậy thôi..."

Cả hai lại rơi vào trầm mặc.

"Hựu thương em."

Hựu miết lấy cái má phính của người thương. Nhớ đến những ngày tháng trước đây lại càng thêm đau.

"Em cũng thương Hựu."

Lần cuối rồi, Huyễn cũng chẳng tiếc chi với gã.

"Nhưng em thương cả thằng Kiện nữa phải không?"

Huyễn chỉ biết bẽn lẽn gật đầu, gã thở dài.

Đến giờ phút này ghen tuông phỏng có ích chi? Gã không đem lại được hạnh phúc cho Huyễn, vậy thì có người khác đem lại hạnh phúc cho Huyễn chẳng phải gã nên vui ư? Chỉ tiếc gã làm không được, xem ra gã thực sự là kẻ nhỏ mọn.

Đám cưới của công tử Hựu và tiểu thơ Trang là vào ngày mồng mười tháng sáu. Mùa hè, thời tiết nóng bức. Huyễn mặc chiếc áo màu trắng tinh khôi, quần Tây may kiểu màu be. Chân xỏ đôi giày da bóng loáng. Chàng được ba cho phép ra đường xem cảnh rước dâu nhà họ Ung.

Nhà họ Ung sở hữu nhà băng, đám cưới của con trai thứ Ung Thánh Hựu không thể nào sơ sài. Mới cả, đối tượng hôn nhân là tiểu thơ danh giá của quan thông ngôn. Dễ gì mà không có quan Tây xuống chung vui.

Từ xa Huyễn đã thấy dàn xe hơi xịn đét chuẩn bị đi qua. Trên xe trang trí hoa tươi thơm lừng, sắc đỏ sắc trắng quyện vào nhau rất hạp. Rước dâu còn đem theo đội kèn trống xôm tụ lắm.

Tiểu thơ Trang là một người đàn bà đẹp. Mặc bộ soa rê mang từ tận bên Pháp về, từng đường kim mũi chỉ đều được gia công tỉ mỉ. Hột xoàn đeo trên người cũng trị giá đến cả cây vàng. Tóc tiểu thơ dài, được vấn lên gọn gẽ. Tấm vải voan mỏng khéo léo phủ lên.

Xứng đôi vừa lứa với công tử Hựu lắm.

Nay công tử mặc bộ complê màu trắng, đeo chiếc nơ đỏ như hoa phượng. Tóc được xịt keo, vuốt phần mái ra sau, khoe trọn gương mặt đẹp trai thu hút ánh nhìn.

Huyễn thấy tim mình đập thình thịch khi chiếc xe chở công tử Hựu và tiểu thơ Trang đi lướt qua mình. Tay chàng khẽ siết, nhưng ngay lập tức được một bàn tay khác nởi lỏng ra. Hay bàn tay chạm vào nhau khẽ khàng.

"Mình về thôi anh."

Huyễn tiếc nuối ngoái lại nhìn. Vô tình bắt gặp ánh mắt của công tử Hựu cũng đương ngoảnh mặt lại. Huyễn cười. Một nụ cười thật tâm. Thế mà mặt công tử Hựu cứng nhắc, khóe miệng chẳng buồn nhếch lên.

Huyễn và Kiện dắt díu nhau len qua đám đông, ra về.

Chắc cái vận nhà họ Khang ám lên nhà họ Ung. Công tử Hựu và tiểu thơ Trang chẳng mặn nồng gì nổi, dĩ nhiên cũng chẳng con cái. Tiểu thơ ngày ngày đều xuống ngoại thành thăm thú. Ít lâu sau còn mang về nhà một cô gái quê nhỏ nhắn, vịn cớ hợp ý nên mang về làm kẻ hầu người hạ thân tình. Nhưng thực chất ấy là người thương của tiểu thơ, tiểu thơ Trang phải nài ép lắm mới đón được người kia lên thị phố.

Ung Thánh Hựu biết rõ mọi sự, chả ý kiến ý cò gì. Ngày ngày chỉ có từ nhà đến nhà băng, rồi lại từ nhà băng về nhà. Lâu lâu thì đi gặp quan Tây, không thì gặp anh em bè bạn. Nhưng tuyệt nhiên chẳng ghé Trúc quán nữa.

Mấy lá thơ tình mà công tử Hựu gởi đến Trúc quán đều bặt vô âm tín. Nhưng công tử Hựu không hề nản lòng, gã biết là Huyễn có đọc nhưng không hồi âm. Thế nên hắn cứ viết cứ viết. Viết đến khi nào hết chuyện thì mới tạm ngưng.

Ba Huyễn sau đợt ấy tự nhiên lâm bệnh, lại phải nhờ cậy đến ba cậu Kiện mới có tiền chạy chữa. Khỏi bệnh rồi được ba cậu Kiện đón về nhà chính ở hẳn. Thấy bảo ba cậu Kiện và má cậu đang chuẩn bị giấy tờ ly hôn rồi. Tuy rằng hơi muộn, nhưng có còn hơn không.

Kiện cũng đã đến tuổi lấy vợ nhưng vẫn ở vậy chờ một người, xem ra là đã quyết chí không đi vào vết xe đổ của ai kia.

"Gởi em,

Huyễn thương mến của Hựu.

Nếu em đọc được những dòng này, vậy thì chắc em không giận Hựu nữa nhỉ?

Em có nhớ Hựu chăng? Hựu thì nhớ em lắm. Hằng đêm Hựu vẫn mở tấm ảnh chụp mà Hụue chụp lén em thuở ấy ra coi. Ảnh cũng cũ rồi nhưng chắc độ này em trông không khác mấy đâu ha?

Hựu có gởi một ít món ngọt em thích đến Trúc quán. Mong em không vì giận Hựu mà thí cho người khác. Xin em đấy, ăn một miếng thôi cũng được, vì đó là tấm lòng chân thành muốn quan tâm chăm sóc của Hựu đến em.

Cu Ánh dạo này học hành thế nào hở em? Thằng Kiện thì sao? Nó có tốt với em không? Bác Sáu thế nào rồi?

Còn em?

Huyễn của Hựu có ốm đau bệnh tật gì chăng?

Hựu mong em khỏe.

Nếu có dịp, em cho Hụue đến thăm em có được hay không?

Ý em sao? Hở Huyễn?

Thân ái,

Hựu của Huyễn."

Đúng thật là thơ công tử Hựu gửi Huyễn đều đọc hết thảy nhưng chàng không hồi đáp. Chàng đã quyết cắt đứt, một lòng với Kiện, thế nên đành làm ngơ với tấm chân tình của Hựu. Tuy vậy món ngọt thì Huyễn không nỡ bỏ, đều là mang ra chia cho cu Ánh và cu Huy ăn cùng.

Huyễn nhìn mấy lá trúc phe phẩy đằng trước cửa nhà. Tay lại chạm đến con ve được Kiện đan bằng lá trúc trong túi áo. Huyễn cười mỉm, hôn cái chụt vào má thiếu niên đang chăm chú đọc sách bên cạnh.

"Huyễn thương Kiện."

Và cả Hựu nữa.


hết.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro