Hiệu Ứng Tâm Lý Quá Giới Hạn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Có lần, cháu bé học lớp tám, con của một người quen, từng tâm sự với tôi, đại ý thế này:

“Mỗi lần mẹ mắng cháu về lỗi gì đó, mẹ sẽ mắng mãi không dứt. Mỗi khi mẹ muốn cháu làm gì, mẹ lặp đi lặp lại cho đến khi cháu buộc phải làm thì thôi, dù
cháu không muốn làm, nhưng cháu phải làm để mẹ cháu đừng nói nữa. Khi mà cháu mắc lỗi, mẹ phân tích dài lắm, nói mãi nói mãi... Cháu sợ mẹ, dần tránh xa mẹ, và chẳng hiểu sao khi nghe nhiều cháu bị nhờn ý. Mỗi khi mẹ bắt đầu nói, trong đầu cháu sẽ nghĩ đến
những thứ khác, không còn để tâm xem mẹ nói gì nữa. Cháu còn bắt đầu tức và cãi mẹ. Thế là mẹ cháu bảo cháu mất dạy.”

Là một người lớn, tôi đã nghĩ rằng mẹ cháu mắng cháu nhiều thế là vì quan tâm đến con thôi, nói nhiều mỏi mồm
và mệt chứ, có ai muốn nói nhiều đâu. Cho đến một ngày tôi sang nhà cháu có việc, phát hiện ra bố mẹ cháu nói nhiều
kinh khủng. Khi đứa trẻ vừa đi học về và lên phòng, bố mẹ bé liền giục con đi tắm, giục liên tục đến khi đứa bé vào tắm thì thôi, kể cả khi đứa trẻ đã gắt lên: “Lát nữa con tắm!”

Trong thời gian tôi ngồi nói chuyện với anh chồng về công việc, chị vợ ở phòng khác vẫn luôn miệng càu nhàu con về đủ mọi thứ trên đời. Họ có hai con, và chị vợ hết nói về đứa này lại nói về đứa khác, liên tục liên tục, đến tôi là người ngoài mà còn thấy choáng váng đầu óc. Trước khi về, tôi hỏi: “Sao chị nói bọn trẻ nhiều thế? Những cái vặt vãnh
chị để bọn trẻ tự quyết đi, chứ cứ nói liên tục như vậy thực sự nghe rất mệt ấy.” Chị liền nói xối xả: “Đấy cô thấy chưa, nói nhiều như thế mà chúng nó có chịu nghe đâu, cứ là mặt chúng nó ra. Đó là chưa kể nó còn cãi cơ. Nói đến thế rồi mà không được thì chẳng biết còn phải làm thế nào, không lẽ phải cho chúng nó ăn đòn.” Anh chồng đứng cạnh gật gù: “Bọn này bướng lắm, nói chẳng chịu nghe, đến tuổi láo rồi.”

Hai anh chị ấy đều không biết đến “hiệu ứng tâm lý quá giới hạn”. Hiệu ứng quá giới hạn đề cập đến việc khi phải chịu một kích thích quá mức, quá nhiều, trong thời gian quá dài, con người sẽ cảm thấy mất kiên nhẫn, khó chịu và muốn phản kháng.

Có một câu chuyện như sau:

Có lần nhà văn Mark Twain' nghe mục sư giảng tại một nhà thờ. Ban đầu, ông cảm thấy mục sư giảng hay nên có ý định quyên góp tiền. Nhưng sau mười phút, ông cảm thấy mất kiên nhẫn dần, nên quyết định sẽ quyên ít tiền lại. Rồi thêm mười phút sau, mục sư vẫn tiếp tục bài giảng đều đều, ông cảm thấy khó chịu và quyết định không quyên góp nữa. Thậm chí, một số dị bản còn kể rằng do cảm thấy tức giận vì mục sư nói
quá nhiều, Mark Twain không những chẳng quyên góp mà còn lấy trộm hai xu từ cái đĩa!

Mark Twain đã bị kích thích trong thời gian dài, khiến ông không chịu được và thay đổi ý định của mình. Đây là cách mà hiệu ứng quá giới hạn được phát hiện. Từ đó, người ta thường giảm bớt tình trạng kích thích, nhắc lại thái quá
một vấn đề để tránh hiệu ứng này sinh ra làm ảnh hưởng đến tâm lý.

Ngay đến cả môi trường quản lý khắt khe như trong trại giam, những cán bộ và giám thị trại giam còn phải học cách nói vừa đủ, không dài dòng miên man. Tất cả các mệnh lệnh đưa ra đều phải gãy gọn, vừa đủ, không càu nhàu, lèm
bèm. Công tác giáo dục phạm nhân trong trại cũng ngắn gọn, tránh giải thích lê thê, nói thẳng vào vấn đề, tác phong nghiêm túc. Bởi nếu cán bộ cứ càm ràm hay dài dòng quá, sự giáo dục sẽ phản tác dụng.

Đến giáo dục phạm nhân đang chấp hành án tù còn phải lưu ý cẩn thận như thế, nữa là giáo dục con cái, nhất là những đứa trẻ đang ở độ tuổi nhạy cảm.

Việc giảng giải hay cằn nhằn liên tục, quá mức của cha mẹ về vấn đề nào đó là một sự kích thích đơn điệu. Đứa trẻ sẽ
từ từ khép tai lại. Lời nói của cha mẹ bắt đầu giống như tiếng ồn nền mà thôi, họ cứ thế độc thoại còn lũ trẻ thì chỉ giả vờ
nghe cho họ hài lòng, còn thực sự chúng cảm thấy chán ngắt.

Đặc biệt là trẻ vị thành niên, về lâu dài, chúng sẽ khép mình và không muốn giao tiếp với cha mẹ, thậm chí là nổi loạn.

Có những vị phụ huynh hay tự hỏi tại sao con cái cứ như “bọn tự kỷ”. Sau khi đi học về, chúng chui ngay vào phòng, đóng kín cửa và không thích nói chuyện với cha mẹ. Chúng nghe nhạc, lên mạng, xem phim, làm bài tập... và chìm đắm vào thế giới riêng của mình, cảm thấy thoải mái khi không phải nghe cha mẹ cằn nhằn. Những lời nói lan man quá mức của cha mẹ có thể làm mất đi sự tôn trọng của đứa con với họ.

Vậy, cha mẹ nên làm gì để tránh hiệu ứng quá giới hạn? Tôi đã tìm được một số lời khuyên hữu ích từ Zhudou Parenting – một thương hiệu về nghiên cứu giáo dục tại Trung Quốc:

Thứ nhất là đưa ra các yêu cầu, hướng dẫn rõ ràng và thiết thực.

Ví dụ như người mẹ bước vào phòng, thấy phòng bừa bộn, liền cằn nhằn đứa con về việc “ở bẩn”. Nói mãi phát chán thì lại lái sang việc con học kém. Nói về học tập chán rồi lại nói sang con cô X giúp bố mẹ việc nhà, con chú Y nấu
ăn ngon, con ông Z kiếm được nhiều tiền, thằng ABC bằng tuổi mày nghỉ học đi lấy vợ có con rồi kia kìa... Cứ vậy thì
làm sao đứa con kiên nhẫn nghe nổi? Thậm chí đứa con còn chẳng hiểu mẹ đang muốn nó phải làm gì!

Thay vào đó, có thể nói: “Phòng con bừa quá, hôm nay hãy dọn đi, ngày mai mẹ vào là phải gọn nhé.” Thời gian, nhiệm vụ và kỳ vọng của phụ huynh đưa ra lúc này là rõ ràng, thực tế và khả thi. Đứa con biết nó phải làm gì, khi nào phải hoàn thành.

Thứ hai là đừng phán xét và quy chụp tùy ý, đừng trút giận.

Trước hành vi có vấn đề của trẻ, cách hiệu quả nhất của cha mẹ là thảo luận vấn đề và chỉ ra lỗi sai đó. Tuy nhiên
đừng phán xét và gán nhãn tùy ý.

Ví dụ, một đứa trẻ bị phạt ở trường. Khi về nhà, đứa trẻ giấu không nói cho cha mẹ, khi nhà trường liên hệ thì phụ
huynh mới biết. Cha mẹ có thể dễ dàng nổi giận mà gào lên: “Mày trí trá à, học đâu ra cái trò giấu giếm dối gạt đấy, đồ
mất dạy!” Đứa trẻ có thể bình tĩnh để nói chuyện với cha mẹ không? Trước cơn giận và những lời công kích nặng nề, chúng càng muốn giấu giếm vấn đề mình gặp và tránh xa phụ huynh. Đến một lúc nào đó, phụ huynh không còn biết thông tin gì về con mình nữa.

Thay vào đó, cha mẹ có thể mô tả về hành vi của trẻ như sau: “Con đã không chủ động nói với bố mẹ về chuyện ngày
hôm nay.”

Tiếp theo, họ nói về cảm xúc của mình: “Bố/mẹ cảm thấy rất không vui vì con đã tước đi quyền được biết của bố/mẹ như một người cha, người mẹ. Tất nhiên, bố/mẹ cũng bối rối. Lý do gì khiến con không muốn nói với bố/mẹ? Con sợ bị
mắng hay là do vấn đề gì?”

Sau đó, người làm cha mẹ thể hiện nhu cầu của bản thân: “Hy vọng bố/mẹ sẽ là người được con tin tưởng. Có gì hãy nói với bố/mẹ nhé, chúng ta sẽ cùng giải quyết vấn đề của con.”

Mô hình giao tiếp bao gồm ba bước nêu trên là một phương pháp hòa bình và thẳng thắn, nó sẽ khuyến khích trẻ em tin tưởng, từ đó trả lời cha mẹ một cách hiệu quả. Tuy nhiên cha mẹ cần giữ uy tín, đừng hành động theo kiểu “Con nói đi, mẹ không đánh mắng đâu”, sau đó khi trẻ nói ra thì bị ăn đòn.

Thứ ba là thể hiện hành vi đúng và cho trẻ thời gian phát triển.

Nhà tâm lý học người Mỹ Jane Nelson từng chia sẻ: “Nếu cha mẹ có thể nói ít hơn và hành động nhiều hơn, 75% các vấn đề với con cái họ có thể sẽ biến mất.” Những đứa con không hề muốn phạm sai lầm để thách thức cha mẹ hay để làm cha mẹ tức giận. Có thể là do trẻ không biết hoặc không có đủ khả năng để làm tốt. Do đó, khi cha mẹ chỉ ra những hành vi sai của con cái, họ cũng nên thể hiện hành động đúng và giúp con làm chủ các hành vi đúng đắn.

Ví dụ, đối với những đứa trẻ tiêu tiền phung phí, những hành vi như vậy xảy ra do khả năng tự kiểm soát yếu, khó
chống lại cám dỗ của thế giới bên ngoài, hoặc vì đứa trẻ không có khái niệm quản lý tài chính và hành ví tiểu dùng
chưa chính xác. Điều cần thiết là cha mẹ phải liên tục hướng dẫn, để con có đủ thời gian học cách quản lý chi tiêu.

Tổng kết lại, cha mẹ nên biết điểm dừng trong các cuộc trò chuyện với con cái, đồng thời chưa ra “khoảng trống" thích hợp để chúng có thể suy nghĩ về bản thân. Nói quá nhiều có thể sẽ gây phản tác dụng, khiến việc giao tiếp trong
gia đình trở nên căng thẳng và mất đi hiệu quả.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro