Chống đối và dồn ép 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi muốn trình bày cho các bạn xem những sự biểu thị lý thuyết có ích nhất về phương diện này, nghĩa là đúng nhất để hình dung sự dồn ép bằng một hình ảnh nhất định. Nhưng muốn cho rõ ràng chúng ta phải thay nghĩa dùng để mô tả của chữ "vô thức" bằng nghĩa có tính cách hệ thống của chữ này; nói một cách khác, chúng ta phải chấp nhận rằng vô thức hay hữu thức của một đặc điểm tinh thần, chỉ là một trong các tính chất của sự hoạt động này thôi. Khi một sự hoạt động có tính cách vô thức, sự phân cách của nó đối với hữu thức chỉ là dấu hiệu về số mệnh của nó chứ không phải chính số mệnh đó. Muốn biết rõ số mệnh đó như thế nào, chúng ta phải công nhận rằng mỗi sự hoạt động tinh thần trước hết phải ở vào một giai đoạn vô thức trước khi biến thành hữu thức cũng như một hình chụp bằng máy ảnh bao giờ cũng phải qua một giai đoạn âm và chỉ trở thành tấm hình sau khi qua giai đoạn dương. Nhưng cũng không phải tấm hình nào cũng bắt buộc phải thành một hình dương, không phải bất cứ một sự hoạt động vô thức nào cũng phải biến thành hữu thức. Chúng ta chỉ có thể nói rằng mỗi hoạt động tinh thần bao giờ cũng thuộc một hệ thống tinh thần vô thức rồi có thể qua hệ thống hữu thức trong một vài trường hợp.

Hình dung tiện lợi nhất cho chúng ta là hình dung giản dị nhất của hệ thống: đó là hình dung trong không gian. Chúng ta coi hệ thống vô thức như một cái phòng to trong đó những khuynh hướng tinh thần chen chúc nhau như những người sống trong đó. Cạnh cái phòng này có một phòng nhỏ hơn như một phòng khách bên trong có ý thức tọa vị. Nhưng tại chỗ cửa thông căn phòng với phòng khách có một người gác cổng đứng kiểm soát mỗi khuynh hướng tinh thần, kiểm duyệt và không cho khuynh hướng đó vào nếu khuynh hướng này hợp ý anh gác. Dù người gác cổng đuổi một khuynh hướng không cho qua cửa phòng hay để cho một khuynh hướng qua cửa vào trong phòng, sự khác biệt giữa hai sự việc đó không có gì to lớn và kết quả vẫn như nhau. Mọi vấn đề đều phụ thuộc vào sự tinh mắt, tháo vát của anh chàng gác cổng. Hình ảnh này có lợi cho chúng ta vì giúp chúng ta mở rộng ý kiến của chúng ta. Những khuynh hướng ở lại căn phòng lớn dành cho vô thức thoát khỏi con mắt dòm ngó của ý thức trong phòng khách. Vậy những khuynh hướng đó đã bắt đầu có tính cách vô thức. Khi đi đến ngưỡng cửa phòng khách mà bị đuổi, không được vào phòng tức là khuynh hướng đó không có khả năng để trở thành hữu thức: chúng ta nói là chúng bị dồn ép. Nhưng những khuynh hướng được anh gác cổng cho phép qua cửa vào phòng không phải vì thế mà nhất thiết trở thành hữu thức: chúng chỉ trở thành hữu thức khi chúng được ý thức để mắt đến. Vậy chúng ta gọi căn phòng thứ hai này là: hệ thống tiền ý thức. Vậy việc một hoạt động trở thành hữu thức vẫn giữ nguyên nghĩa có tính cách mô tả. Đặc tính của sự dồn ép là ở chỗ một khuynh hướng bị anh gác - dan không cho bước từ vô thức sang phòng tiền ý thức. Chính anh gác cổng này chúng ta gọi là sự chống đối khi chúng ta dùng phương pháp phân tâm để chấm dứt sự dồn ép.

Các bạn sẽ bảo là những hình dung đó vừa giản dị vừa ngông nghênh không thể không có chỗ trong một bài thuyết trình về khoa học. Các bạn nói đúng, tôi cũng biết là nó không được đúng và nếu tôi không lầm thì chăng bao lâu nữa chúng ta sẽ có một cái gì hay hơn thay vào đó. Tôi không biết là sau khi sửa đổi và hoàn bị, hình dung đó có còn vẻ ngông nghênh nữa hay thôi. Trong khi chờ đợi các bạn nên nhớ rằng chúng ta đã có một hình dung như thế khi ta thấy con người của Ampère bơi trong dòng điện, và những hình dung như thế không phải là vô ích vì sao chúng cũng giúp ta hiểu được một vài sự quan sát. Tôi có thể chắc chắn rằng giả thuyết về hai căn phòng, người gác trước cửa phòng, ý thức đứng trong phòng khách cho chúng ta một hình dung rất sát thực. Tôi cũng muốn các bạn nhận thấy rằng những danh từ: vô thức, tiền ý thức, ý thức cũng có giá trị chẳng khác gì những danh từ vẫn thường dùng như: tiềm thức, cạnh ý thức (para - conscient) hay giữa ý thức (interconscient).

Tôi mong các bạn sẽ nói thêm rằng sự tổ chức của guồng máy tinh thần đúng để cắt nghĩa những triệu chứng bệnh thần kinh muốn có giá trị cần phải có tính tổng quát và giúp cho ta hiểu được những sự hoạt động bình thường. Không còn gì đúng hơn nữa, trong lúc này tôi chưa thể làm hài lòng các bạn được nhưng sự quan tâm của chúng ta về tâm lý của sự họp thành các triệu chứng bệnh thần kinh chỉ có thể tăng lên nhiều nếu, nhờ sự khảo sát các điều kiện bệnh lý, chúng ta hy vọng tìm hiểu được về sự hoạt động của hệ thống tinh thần bình thường mà từ trước tới nay chúng ta chưa hề biết gì cả.

Bài thuyết trình của tôi về hai hệ thống vô thức và hữu thức, về liên quan giữa chúng và những liên quan gắn chặt chúng với ý thức không nhắc nhở các bạn nhớ lại gì sao? Các bạn suy nghĩ đi và sẽ thấy rằng anh chàng gác cửa đứng giữa vô thức và tiền ý thức chính là sự hiện thân của sự kiểm duyệt đã cho giấc mơ rõ ràng hình thức cuối cùng của nó. Những cái gì còn sót lại ban ngày, những sự kích động trong giấc mơ là những tài liệu tiền ý thức chịu ảnh hưởng của những ham muốn vô thức bị dồn ép, liên kết với chúng, nhận sự giúp đỡ của chúng, nhờ nghị lực của chúng để họp thành giấc mơ tiềm tàng. Dưới quyền ngự trị của hệ thống vô thức, những vật liệu tiền ý thức được xây dựng bằng sự cô đọng và di chuyển rất ít khi thấy xuất hiện trong đời sống tinh thần bình thường, nghĩa là trong hệ thống tiền ý thức. Chúng ta biểu thị hai hệ thống này bằng phương tiện làm việc của chúng; tùy theo mối liên quan của nó với ý thức ra sao chúng ta có thể nói hiện tượng này hay hiện tượng nọ thuộc vào hệ thống này hay hệ thống khác. Theo quan niệm này thì giấc mơ không có gì chứng tỏ là có tính cách bệnh hoạn, giấc mơ có thể đến với bất cứ người nào bình thường trong những điều kiện biểu thị cho giấc ngủ. Giả thuyết về sự cấu tạo của guồng máy tinh thần, vừa cắt nghĩa được sự thành lập giấc mơ, vừa cắt nghĩa được sự thành lập các triệu chứng bệnh thần kinh có thể có giá trị đối với bất cứ đời sống tinh thần bình thường nào.

Vậy chúng ta phải hiểu sự dồn ép như thế nào? Sự dồn ép chỉ là một điều kiện đi trước sự thành lập một triệu chứng. Chúng ta đã thấy là triệu chứng thay thế cho một cái gì mà sự dồn ép không cho biểu lộ ra ngoài. Nhưng khi biết sự dồn ép là gì rồi chúng ta cũng chưa hiểu làm sao triệu chứng có thể thay thế được cái gì đó không biểu lộ ra ngoài. Về đầu kia của vấn đề, sự dồn ép cũng nêu ra những câu hỏi như sau: Những khuynh hướng chịu ảnh hưởng của sự dồn ép là những khuynh hướng nào? Những động lực nào đã bắt buộc phải có sự dồn ép? Sự dồn ép có mục đích gì? Để trả lời các câu hỏi đó hiện nay chúng ta chỉ có một yếu tố duy nhất. Khảo sát sự chống đối, chúng ta thấy sự chống đối chỉ là sản phẩm của những động lực và những tính chất đó đã quy định sự dồn ép hay ít nhất đã giúp cho nó xuất hiện. Còn những cái khác chúng ta chưa biết.

Nhưng ở đây chúng ta có thể dựa vào những thí nghiệm nói trên. Sự phân tích cho ta biết rõ những triệu chứng bệnh thần kinh có mục đích gì. Đối với các bạn điều đó chẳng có gì mới lạ. Tôi chẳng đã trình bày như thế trong hai trường hợp bệnh thần kinh rồi sao? Nhưng hai trường hợp đó có nghĩa gì? Các bạn có quyền đòi hỏi tôi chứng minh điều tôi khẳng định hàng trăm hay nhiều hơn nữa trường hợp khác. Tôi tiếc là không thể chiều ý được. Tôi phải yêu cầu các bạn dựa trên kinh nghiệm riêng của các bạn hay trông cậy vào sự tin tưởng của các bạn về những điều đã được tất cả các nhà phân tâm học khác khẳng định.

Chắc hẳn các bạn còn nhớ là trong hai trường hợp đó chúng ta đã dùng sự phân tích để đi sâu vào đời sống tình dục của người bệnh. Trong trường hợp thứ nhất chúng ta thấy hết sức rõ ràng mục đích hay khuynh hướng của các triệu chứng được khảo sát; trong trường hợp thứ hai có thể rằng mục đích hay khuynh hướng này bị một cái gì che lấp mất, chúng ta sẽ nói sau đến cái này. Nhưng trong những trường hợp khác chúng ta đều nhận thấy những chi tiết giống như trong hai trường hợp trên. Trong mọi trường hợp chúng ta đều đi sâu vào các biến cố tình dục, đều thấy rõ những ham muốn tình dục của người bệnh và lần nào chúng ta cũng thấy những triệu chứng đều có một mục đích như nhau. Mục đích này không gì khác hơn là sự thỏa mãn tình dục; những triệu chứng có mục đích thỏa mãn tình dục của người bệnh, thay thế cho sự thỏa mãn khi trong đời sống bình thường người bệnh không được thỏa mãn.

Các bạn hãy nhớ lại trường hợp bị ám ảnh trong người bệnh thứ nhất. Người vợ phải xa chồng, người chồng mà mình yêu quý nhưng không thể cùng sống với mình được vì những sự yếu kém của ông ta. Nàng phải trung thành với chồng, không tìm cách thay thế chồng bằng người khác. Triệu chứng bệnh của nàng hiến cho nàng những gì nàng cầu mong, nâng cao người chồng lên, phủ nhận, sửa chữa sự yếu kém của chồng, nhất là sự bất lực. Triệu chứng này chỉ là sự thỏa mãn một ham muốn như giấc mơ nhưng khác giấc mơ ở chỗ đây là sự thỏa mãn một ham muốn về tình ái. Về người bệnh thứ hai những điều nàng làm trước khi đi ngủ có mục đích trăn trở không cho cha mẹ giao hợp để tránh khỏi có một đứa em. Bằng lễ nghi này, người con gái định thay thế người mẹ. Vậy trong trường hợp này cũng như trong trường hợp thứ nhất, người bệnh muốn hủy bỏ những trở ngại cho việc thỏa mãn tình dục và ham muốn luyến ái. Chúng ta sẽ nói ngay đến những sự phức tạp nói trong phần trên.

Để biện minh cho những điều dè dặt cần có trong đề luận của tôi, tôi yêu cầu các bạn chú ý đến sự kiện là tất cả những điều tôi nói về sự dồn ép, sự thành lập và ý nghĩa các triệu chứng đều dựa trên sự phân tích ba hình thức của bệnh thần kinh: và chỉ áp dụng cho ba hình thức này thôi: náo loạn thần kinh vì lo âu sợ hãi, náo loạn thần kinh vì quy hồi, bị ám ảnh. Sự hoạt động của phân tâm học cũng chỉ giới hạn trong ba chứng bệnh này thôi, những chứng bệnh mà chúng ta gọi là chứng bệnh thần kinh khác. Tuy phân tâm học cũng có khảo cứu nhưng không đi sâu lắm. Có một loại chứng bệnh không thể trị được bằng phân tâm học nên bị gạt ra một bên. Các bạn không nên quên rằng phân tâm học là một khoa học hãy còn quá trẻ, muốn nghiên cứu cần phải để nhiều thời gian và công của, rằng mới cách đây không lâu khoa học này chỉ có mỗi một nhân viên thôi. Tuy nhiên tại khắp mọi nơi người ta đã tìm hiểu những chứng bệnh thần kinh không phải là hoán chuyển. Tôi hy vọng sẽ trình bày cho các bạn biết những giả thuyết và kết quả của chúng ta khi đem áp dụng vào những chứng bệnh mới này sẽ phát triển như thế nào, những môn học mới này không phủ nhận những giả thuyết và kết quả này mà còn xây dựng nhiều điều cao hơn nữa. Vì những vật liệu này chỉ áp dụng cho ba chứng bệnh hoán chuyển thôi, tôi tự cho phép nâng cao giá trị của các triệu chứng bằng cách cho các bạn biết một chi tiết mới. So sánh nguyên nhân gây ra ba chứng bệnh này chúng ta tiến tới một kết quả có thể tóm tắt trong công thức sau đây: những người bệnh đau khổ vì một sự thiếu sót, vì thực tế đã ngăn không cho họ thỏa mãn được tình dục. Hai kết quả này hòa hợp với nhau hoàn toàn. Cách độc nhất để hiểu những triệu chứng này là coi chúng như một sự thỏa mãn xuất hiện để thay thế điều mà đời sống tinh thần thường đã ngăn không cho thỏa thỏa mãn.

Người ta có thể đưa ra nhiều luận điệu bài bác nữa đối với đề luận là những triệu chứng bệnh thần kinh chỉ là những triệu chứng dùng để thay thế. Tôi nói cho các bạn nghe về hai luận điệu này. Các bạn có thể bảo: có rất nhiều trường hợp mà đề luận của ông không biện minh được; trong những trường hợp này những triệu chứng có vẻ như có một mục đích trái hẳn: không phải là thỏa mãn tình dục mà tìm cách gạt ra ngoài hay hủy bỏ sự thỏa mãn tình dục. Tôi không muốn phủ nhận rằng lý luận của bạn rất đúng. Trong phân tâm học nhiều khi sự việc phức tạp hơn mình tưởng. Nếu sự việc giản dị đi thì đâu có cần tới phân tâm học để diễn giảng cho rõ ràng hơn. Trong trường hợp người bệnh thứ hai của chúng ta có những cử chỉ tìm cách gạt bỏ sự thỏa mãn tình dục ví dụ như việc cất hết các tiếng tích tắc đồng hồ để tránh cho người bệnh khỏi nghĩ đến sự cương lên của cơ quan sinh dục hay việc tránh cho bình hoa khỏi rơi xuống đất, khỏi vỡ hay vọng là với việc đó người bệnh sẽ gìn giữ được trinh tiết. Trong nhiều trường hợp khác, tính cách tiêu cực này rõ ràng hơn những hành vi cử chỉ đều có mục đích tránh những kỷ niệm và sự cám dỗ về tình dục. Nhưng hơn một lần phân tâm học đã chứng minh rằng có sự trái ngược không hẳn là đã có mâu thuẫn. Chúng ta có thể mở rộng đề luận: những triệu chứng có mục đích hoặc thỏa mãn tình dục hoặc lẩn tránh nó. Tính cách tích cực rõ ràng trong sự náo loạn thần kinh, tính cách tiêu cực rõ ràng trong sự ám ảnh. Nếu những triệu chứng có thể dùng để thỏa mãn tình dục hay trái lại thì tính cách lưỡng diện này có thể được cắt nghĩa rằng sự hoạt động mà chúng ta chưa có dịp nói đến. Chúng là kết quả của sự dung hòa, của sự liên hợp của hai khuynh hướng trái ngược nhau, cũng mô tả những điều bị dồn ép cũng như những điều gây ra sự dồn ép và giúp cho sự lập thành của sự dồn ép. Sự thay thế có lợi hơn hay kém cho một trong hai khuynh hướng chứ ít khi chỉ có lợi cho một khuynh hướng thôi. Trong bệnh náo loạn thần kinh, hai mục đích thường phát biểu trong một triệu chứng; trong sự ám ảnh có hai mục đích khác nhau: triệu chứng có hai thì, phân ra hai động tác. Mỗi động tác thực hiện cái nọ trước cái kia rồi triệt tiêu nhau.

Còn một điều nghi vấn khác khó giải hơn. Chúng ta có đi hơi quá xa không khi muốn giải thích mọi trường hợp bằng sự thỏa mãn tình dục. Những triệu chứng này thực ra không thỏa mãn một yếu tố có thực nào cả, mà chỉ hâm nóng lại một cảm giác hay biểu dương cho một hình ảnh ngông cuồng của một phức thể tình dục. Ngoài ra sự thỏa mãn tình dục này thường có tính cách trẻ con không xứng đáng như sự thủ dâm hay những hành vi bẩn thỉu mà người ta thường cấm trẻ con không cho làm. Các bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy người ta coi là thỏa mãn tình dục là những hành động đáng lẽ chỉ nên coi như những sự thỏa mãn độc ác, kinh tởm có khi trái thiên tự nữa. Về những điểm này chúng ta chưa thể đồng ý với nhau được một khi chưa khảo sát sâu rộng đời sống tình dục của đàn ông và chất xác định xem như thế nào thì được coi như có tính chất tình dục.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#tâmlý