Phân tâm học và thần kinh học 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thế môn phân tâm học có làm được gì hơn không? Tất nhiên là có. Ngay cả trong trường hợp khó khăn này chúng ta cũng có thể đưa ra những sự kiện giải thích được. Chúng ta cần để ý đến chi tiết nhỏ nhặt có vẻ không quan trọng là chính người đàn bà đã là nguyên nhân gây ra bức thư nặc danh đó: chính bà ta hôm trước đã phàn nàn với mụ hầu phòng là mình sẽ khổ sở vô cùng khi biết chồng có nhân tình. Nói câu đó chính bà ta đã gợi ý cho mụ hầu phòng gửi bức thư nặc danh. Vậy sự ám ảnh không hề dính dáng gì đến bức thư cả, nó đã có từ trước trong tình trạng một mối lo âu (hay một sự ham muốn). Thêm vào đó một vài sự kiện do tôi tìm ra sau hai giờ đồng hồ phân tích. Sau khi nghe kể chuyện xong, tôi hỏi bà ta một vài điều nhưng bà ta không sẵn sàng trả lời. Bà nói rằng, bà chẳng có điều gì cần nói nữa và sau hai giờ nói chuyện bà tuyên bố là bà khỏi bị ám ảnh rồi, thấy trong người khỏe khoắn dễ chịu. Tất nhiên bà nói như thế vì cuộc nói chuyện tiếp tục. Nhưng trong hai giờ đó bà khách đã để lộ một vài điểm giúp cho ta hiểu rõ tình trạng của bà. Bà có cảm tình đặc biệt với một chàng trẻ tuổi, người con rể đã nhờ đến tôi săn sóc bà. Bà không hề có ý thức gì về cảm tình đó, vì là mẹ vợ và chàng rể nên mối cảm tình biến thành một tấm lòng âu yếm rất dễ hiểu. Chúng ta đủ kinh nghiệm để đi sâu vào cuộc đời tinh thần của người đàn bà rất tốt này. Cảm tình của bà đối với con rể kinh khủng quá nên không thể có trong ý thức bà ta được, nhưng nó vẫn tiềm tàng trong vô thức và thúc đẩy mạnh mẽ ghê gớm. Bà cần có một cái gì để thoát khỏi sự ám ảnh đó, chính sự di chuyển đề tài đã giúp bà giải quyết được vấn đề. Bà lý luận là trong khi mình có thể yêu một chàng trẻ tuổi được thì không có lý do nào khiến cho chồng mình lại không yêu một cô gái. Do đó bà không còn hối hận về tình yêu của mình nữa. Việc chồng phụ tình mình như một liều thuốc an thần dán trên một vết thương nóng bỏng. Vì không ý thức được tình yêu của mình nên bà bị ám ảnh bởi hình bóng của tình yêu này, một bóng dáng mà bà cho là rất có lợi cho mình. Mọi lý lẽ đưa ra đều không có hiệu quả gì vì chúng đâu có nhằm đúng mục tiêu, chỉ nhằm vào cái mẫu của mục tiêu đó thôi, chính cái mục tiêu này nấp trong vô thức truyền cho cái mẫu bên ngoài sức mạnh của mình.

Chúng ta hãy tóm tắt lại những dữ kiện thu lượm được trong việc phân tích này rồi dựa vào đó tìm hiểu trường hợp của bà khách. Dữ kiện thứ nhất: ý cố định không phải là một thứ gì vô lý, không hiểu được, ý đó có ý nghĩa, có lý do, lệ thuộc vào một biến cố tình cảm trong đời sống người bệnh. Dữ kiện thứ hai ý cố định này là một sự kiện cần thiết, phản ứng chống lại một sự hoạt động tinh thần vô thức mà chúng ta đưa ra ánh sáng được nhờ một vài dấu hiệu khác. Chính vì có dây liên lạc với vô thức mà ý đó mới có tính cách ám ảnh, mới chống lại mọi lý luận hợp lý, đúng với sự thực. Ý đó còn là một niềm an ủi đối với người bệnh nữa. Dữ kiện thứ ba: nếu hôm trước người bệnh kể lể tâm tình với mụ hầu phòng chính là vì bà ta đã bị thúc đẩy bởi tình yêu thầm kín đối với con rể, tình yêu này chính là bức phông che lấp hậu trường căn bệnh. Trường hợp này giống triệu chứng được phân tích trong phần trên ở nhiều điểm, vì ở cả hai nơi chúng ta đều tìm ra được ý nghĩa hay ý muốn của sự biểu thị tinh thần, những liên quan giữa chúng ta và một yếu tố vô thức.

Tất nhiên chúng ta chưa giải quyết được một thắc mắc trong vấn đề trên. Còn nhiều vấn đề chưa tìm ra được giải pháp. Có những vấn đề không giải quyết nổi vì một vài điều kiện đặc biệt khó khăn. Tại sao người đàn bà được chồng chiều chuộng này lại đi yêu con rể? Tại sao niềm an ủi lại không có một hình thức khác hơn là bóng dáng, là sự di chuyển về phía người chồng một tình trạng đặc biệt của người bệnh? Những vấn đề đó có phải là những vấn đề gai góc không? Chúng ta có nhiều tài liệu để trả lời những câu hỏi đó. Người đàn bà này có thể đã đến tuổi hồi xuân và cần được thỏa mãn tình dục: riêng một sự kiện này có lẽ cũng đã giải thích được nhiều. Có thể là ông chồng không có đủ sức cung phụng cho bà vợ về phương diện sinh lý. Những người chồng như thế thường tỏ ra âu yếm đối với vợ và rất khoan dung đối với tính nết cáu kỉnh của vợ. Việc người bệnh yêu con rể không phải là không có ý nghĩa. Chính vì quá yêu con gái, yêu một cách say mê như người con trai yêu con gái. Nên tình yêu đó đã biến thể thành tình yêu người con rể. Tôi tưởng chẳng cần nhắc lại các bạn rằng những sự giao hợp giữa mẹ và con rể thường bị phê phán thực gắt gao trong xã hội, ngay cả trong thời cổ những sự loạn luân này cũng bị trừng trị ghê gớm. Sự loạn luân này vượt quá mức luân lý mà xã hội có thể chịu đựng được. Vì không thể tiếp tục khảo sát sau hai giờ nói chuyện nên tôi không thể nói rõ trong ba yếu tố nói trên, yếu tố nào đã giữ phần quan trọng quyết định, một trong ba yếu tố đó, hay hai, hay cả ba cùng một lúc.

Đó là những điều mà tôi chưa sửa soạn kỹ càng cho các bạn hiểu. Tôi chỉ có ý so sánh giữa hai môn thần kinh học và phân tâm học thôi. Các bạn có thấy hai môn này phản đối nhau trong điểm nào không? Thần kinh học không áp dụng phương pháp kỹ thuật của phân tâm học, không để ý đến ý tưởng cố định, chỉ cốt chứng minh rằng di truyền chính là nguyên nhân gần hay xa của căn bệnh chứ không tìm những nguyên nhân đặc biệt và gần hơn. Nhưng đó có phải là điều trái ngược không? Các bạn không thấy rằng hai môn đó không hề trái ngược nhau mà còn bổ túc cho nhau nữa sao? Hai yếu tố di truyền và biến cố tinh thần cũng thế, không hề xa nhau, trái lại, lại cộng tác với nhau chặt chẽ để đạt cùng một mục đích. Thần kinh học không thể đưa ra một lý lẽ gì để phản đối phân tâm học hết. Chính nhà chuyên môn về thần kinh học chứ không phải môn thần kinh học chống đối với môn phân tâm học. Đối với thần kinh học, phân tâm học ở vào địa vị của môn học đối với giải phẫu học: một đằng khảo cứu về hình thể bên ngoài của cơ quan, một đằng khảo cứu mô và tế bào cấu thành các cơ quan. Không thể có mâu thuẫn giữa hai môn này được vì môn này tiếp tục công việc của môn kia. Hiện nay giải phẫu học là môn căn bản của khoa học y khoa nhưng có một thời người ta đã cấm không cho mổ xẻ xác chết để khảo cứu về sự cấu thành các cơ quan bên trong cơ thể, cũng như bây giờ người ta đang kết án những người muốn khảo cứu về phân tâm học để tìm hiểu sự hoạt động của tinh thần. Nhưng mọi sự đều có vẻ hướng về một tương lai gần đây, trong đó muốn khảo cứu hữu hiệu về thần kinh học chúng ta phải biết rõ về những sự hoạt động bên trong và vô thức của đời sống tinh thần.

Môn phân tâm học thường bị chỉ trích ghê gớm, có thể gây được cảm tình của một số các bạn vui mừng nhìn thấy ở đó một phương pháp trị bệnh. Nhưng phương tiện hiện thời của môn thần kinh học không có tác dụng gì đối với những ý cố định. Môn phân tâm học có thành công hơn về phương diện này không? Không, phân tâm học cũng như mọi môn trị liêu khác không có tác dụng đối với những ý kiến này. Hay ít nhất cũng trong tình trạng hiện thời chúng ta có thể dùng phân tâm học tìm hiểu những sự gì xảy ra ở người bệnh, nhưng không có tác dụng đối với những ý kiến này. Hay ít nhất cũng trong tình trạng hiện thời, chúng ta có thể dùng phân tâm học tìm hiểu những sự gì xảy ra ở người bệnh, nhưng không có phương tiện nào làm cho người bệnh hiểu được chính mình. Trong trường hợp nói trên tôi đã không thể đi quá sâu sau hai giờ nói chuyện. Có phải là sự phân tích vì không đưa đến kết quả gì cụ thể nên phải bỏ đi không? Tôi không nghĩ thế. Chúng ta có quyền và có bổn phận tiếp tục, công việc dù chưa đạt được mục đích gì hữu ích ngay trước mắt. Sau cùng chúng ta không biết khi nào và tại đâu những điều hiểu biết rất ít ỏi của chúng ta biến thành một phương pháp điều trị. Dù môn phân tâm học bị bó tay trước những chứng bệnh thần kinh khác cũng như trước những ý kiến cố định, môn đó vẫn tỏ ra không có gì thay thế được trong công cuộc khảo cứu khoa học. Chúng ta chưa có đủ điều kiện hoạt động. Ngay chính những người chúng ta đang tìm hiểu, những người còn sống hẳn hoi và có lý do cần giúp đỡ, chúng ta cũng từ chối không chịu cộng tác. Vì thế cho nên tôi không muốn chấm dứt những bài học này mà không nói cho các bạn biết rằng, có nhiều loại rối loạn thần kinh mà chúng ta có thể trị được sau khi tìm hiểu rõ ràng hơn và môn phân tâm học, với một vài điều kiện có thể thu lượm được những kết quả khả quan chẳng kém gì những kết quả thu lượm được trong các môn khoa học khác.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#tâmlý