Sự hoán chuyển

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vì những bài học này sắp đến thời kỳ chấm dứt nên chắc các bạn đang chờ đợi một sự gì mà nó không được phép trở thành một mối thất vọng. Các bạn sẽ tự nhủ là nếu tôi hướng dẫn các bạn đi vào một chi tiết lớn nhỏ trong phân tâm học, chắc không phải để từ biệt các bạn mà không nói gì đến cách trị liệu làm nền tảng cho mọi hoạt động của phân tâm học. Tôi không thể lẩn tránh vấn đề đó bởi lẽ làm như thế tức là không cho các bạn biết về một sự kiện mới giúp cho các bạn bổ túc những điều đã học.

Tất nhiên các bạn không chờ đợi tôi hiến cho các bạn cách áp dụng kỹ thuật, cách phân tích với mục đích trị liệu. Các bạn chỉ muốn biết một cách tổng quát về phương sách hoạt động của môn tinh thần trị liệu trong phân tâm học thôi và kết quả của nó ra sao. Các bạn có quyền đó, không ai phủ nhận được nhưng tôi không muốn nói cho các bạn biết gì hết, muốn để các bạn tự tìm ra phương sách đó và kết quả của nó bằng phương tiện riêng của các bạn.

Các bạn thử nghĩ xem các bạn biết hết nhưng điều cần biết của chứng bệnh, những yếu tố áp dụng phương sách đối với người bệnh. Có vẻ như một phương pháp trị liệu chẳng cần có mặt làm gì nữa. Trước hết đây là sự di truyền, chúng ta không nói đến sự việc này luôn, người khác đã nói đến một cách cương quyết rồi và chúng ta không có gì mới để thêm vào những điều họ nói. Các bạn đừng cho rằng tôi phủ nhận tầm quan trọng của nó! Chúng ta sở dĩ biết đến sức mạnh của tính di truyền chính là với tư cách của một người chuyên trị liệu. Chúng ta chẳng thay đổi được gì vào đó cả: bao giờ sự di truyền này đối với chúng ta cũng như một điều đã có sẵn, như một động lực đưa ra những giới hạn cho sự cố gắng của chúng ta. Rồi những ảnh hưởng của những biến cố trong thời thơ ấu đầu tiên mà chúng ta đã quen dành cho một chỗ ngồi tốt nhất cho việc phân tích; chúng thuộc về quá khứ và chúng ta không thể coi như không có chúng được. Sau cùng chúng ta có tất cả những cái gì mà chúng ta gọi chung là "một sự từ bỏ thực sự" mọi sự đau khổ trên đường đời bắt buộc con người phải từ bỏ tình ái, gây ra biết bao điều đau đớn, bao sự bất hòa trong gia đình, bao cuộc hôn nhân không cân xứng đó là chưa nói đến những điều kiện khó khăn trong xã hội và những sự đòi hỏi khắt khe về luân lý mà ai cũng phải chịu áp lực. Tất nhiên đó cũng là con đường mở rộng để đưa lại một sự trị liệu hữu hiệu, nhưng là trị liệu theo lối của hoàng đế Joseph, theo như một huyền thoại ở thành Vienne; một sự can thiệp của một con người có uy quyền cực mạnh bắt mọi người khuất phục trước ý chí của mình và san bằng mọi khó khăn. Nhưng chúng ta là người như thế nào để có thể đưa ra một phương pháp trị liệu như thế? Chúng ta là những người nghèo không có một uy quyền gì trong xã hội, phải hành nghề mà sống, chúng ta không thể không chữa chạy không công cho những người nghèo trong khi những bác sĩ khác theo lối chữa chạy khác lại đủ phương tiện để giúp đỡ người nghèo trong khi chúng ta không làm được. Lối trị liệu của chúng ta là một lối trị liệu lâu dài, phải mất nhiều thì giờ làm mới có hiệu quả. Có thể khi duyệt lại những yếu tố đã kể các bạn có thể đặc biệt chú trọng đến một yếu tố nào đó và cho rằng yếu tố đó có thể dùng làm địa điểm áp dụng phương pháp trị liệu của chúng ta. Nếu xã hội bắt buộc con người phải ở trước một giới hạn nào đó về luân lý và chính cái giới hạn đó làm cho người bệnh đau khổ, thì tại sao chúng ta lại không chữa chạy bằng cách khuyến khích họ rũ bỏ những sự giới hạn này, tìm cách thỏa mãn và lấy lại sức khỏe mà không thèm để ý gì đến sự theo đuổi một lý tưởng mà xã hội đặt ra trong khi chính xã hội cũng không theo. Điều đó có nghĩa là người bệnh sẽ khỏi bệnh nếu sống hoàn toàn từ đầu đến cuối đời tình dục của mình. Nếu sự chữa chạy phải đi đến chỗ đó thực thì người ta sẽ trách là nó đã đi trái lại con đường luân lý tổng quát của xã hội vì nó đã cho cá nhân con người cái mà nó đã lấy đi của tập thể.

Nhưng các bạn đã lầm. Việc khuyên người ta sống hoàn toàn đầy đủ cuộc đời tình dục của mình không liên can gì hết sự trị liệu trong phân tâm học và dù rằng tôi đã có lần nói rằng trong người bệnh luôn luôn có xung đột giữa khuynh hướng khát dục và sự dồn ép tình dục, giữa khía cạnh tình dục và khía cạnh luân lý của người bệnh. Chúng ta không giải quyết cuộc xung đột bằng cách giúp cho bên nọ thắng bên kia. Đối với những người tinh thần bất an thì là luân lý đã thắng với hậu quả là khuynh hướng tình dục sẽ được đền bù bằng sự xuất hiện triệu chứng bệnh thần kinh. Trái lại, nếu khía cạnh tình dục của con người thắng trận thì khía cạnh luân lý sẽ bị dồn ép và cũng sẽ tìm cách tự đền bù bằng sự xuất hiện của các triệu chứng. Hai giải pháp này đều không thể chấm dứt cuộc xung đột vì thế nào cũng có một bên không thỏa mãn. Những trường hợp trong đó cuộc xung đột yếu đến nỗi chỉ cần có sự cam thiệp của bác sĩ là giải quyết được ngay rất hiếm, và nói thực ra những trường hợp như thế thì không cần đến sự chữa chạy của phân tâm học. Những người có thể dễ dàng chịu ảnh hưởng như thế của bác sĩ có thể đạt được kết quả mà không cần đến bác sĩ. Khi một người bị thiếu sót tình dục đi tìm sự thỏa mãn bằng đủ mọi cách, họ đâu có cần xin phép ông bác sĩ hay nhà phân tâm học.

Người ta thường không chú trọng đến một điểm quan trọng cần thiết trong vấn đề này, đó là một xung đột gây bệnh thần kinh không thể đem so sánh với sự xung đột thường có giữa các khuynh hướng tinh thần, đối với những người bệnh thần kinh thì sự xung đột xảy ra giữa những động lực trong đó một vài động lực đã tiến đến giai đoạn tiền ý thức và ý thức trong khi những động lực khác chưa ra khỏi giai đoạn vô thức. Chính vì thế nên cuộc xung đột không thể tiếp xúc bằng một giải pháp được. Hai bên đối thủ không dàn mặt nhau như con gấu trắng và con cá voi trong thí dụ mà tất cả các bạn đều biết. Một giải pháp thực sự chỉ có thể đạt được khi cả hai bên đối thủ đều ra mặt trận. Tôi cho rằng phương pháp trị liệu duy nhất là làm sao cho họ dàn mặt ra với nhau để gặp mặt nhau.

Các bạn sẽ lầm nữa nếu tin rằng phân tâm học có thể thành công được bằng cách khuyên bảo và hướng dẫn. Trái lại chúng ta chỉ muốn có một điều là làm sao cho người bệnh tự quyết định lấy. Vì thế cho nên chúng ta khuyên người bệnh hãy chờ đến khi khỏi bệnh hãy quyết định về những vấn đề quan trọng như chọn nghề buôn bán, làm ăn cưới xin hay ly dị. Các bạn phải công nhận rằng các bạn hẳn không nghĩ đến điều đó. Chỉ khi nào người bệnh rất trẻ, không biết tự bảo vệ, chưa chắc chắn, chúng ta mới đóng vai trò của ông bác sĩ hay nhà giáo dục. Nhưng lúc đó chúng ta vì ý thức được trách nhiệm của mình nên càng phải cẩn trọng hơn nhiều.

Khi thấy tôi, trong việc trị liệu, không muốn thúc đẩy người bệnh sống đầy đủ cuộc đời tình dục của họ, các bạn đừng cho rằng tôi bênh vực luân lý xã hội. Công việc này cũng như công việc trên, chúng ta không hề muốn làm. Thực ra chúng ta không phải là những người muốn cải cách mà chỉ là những người biết quan sát thôi. Nhưng cũng không thể chỉ quan sát mà không phê bình chỉ trích: vì thế nên chúng ta không thể bênh vực nền luân lý của xã hội về tình dục, tán thành phương cách mà xã hội đưa ra để giải quyết vấn đề đời sống tình dục. Điều xã hội gọi là luân lý của xã hội đòi hỏi nhiều sự hy sinh không đưa lại những kết quả cân xứng, xã hội thiếu cả không ngoan lẫn thành thực. Chúng ta không ngần ngại gì mà không nói cho người bệnh nghe những điều vừa nói, làm cho họ quen dần với sự suy nghĩ về những sự kiện tình dục mà không có thành kiến cũng như đối với mọi sự kiện khác, để rồi sau khi chữa chạy xong, nếu họ trở nên độc lập và chọn một giải pháp dung hòa giữa một đời sống tình dục buông thả và một đời sống khổ hạnh tuyệt đối thì chúng ta chẳng có gì đáng hổ thẹn trong lương tâm. Kẻ nào, sau khi đã chống lại chính mình, tiến đến sự thực của cuộc đời, kẻ đó sẽ tránh được hết mọi hiểm nguy của mọi sự vô luân và hiến cho mình một bậc thang giá trị về luân lý khác với bậc thang thường áp dụng vai trò của sự kìm hãm tình dục trong việc phát sinh ra bệnh thần kinh. Chỉ trong rất ít trường hợp là chúng ta có thể chấm dứt tình trạng bệnh hoạn do sự thiếu thốn tình dục và tích luỹ khát dục gây nên bằng cách thỏa mãn những đòi hỏi tình dục bằng giao cấu.

Vậy các bạn không thể cắt nghĩa tác dụng trị liệu của phân tâm học bằng cách nói rằng phương pháp này cho phép người ta sống hoàn toàn và đầy đủ đời sống tình dục. Các bạn hãy tìm một cách cắt nghĩa khác. Biết đâu khi giải các điều sai lầm của các bạn tôi lại chẳng đã đặt các bạn lên một con đường tốt. Các bạn nghĩ rằng phân tâm học sở dĩ có ích bởi vì đã tìm cách thay thế vô thức bằng hữu thức, diễn tả vô thức bằng hữu thức đúng đắn. Đưa vô thức vào hữu thức chúng ta huỷ bỏ được sự dồn ép, bỏ được những điều kiện phát sinh ra triệu chứng, biến cuộc xung đột gây bệnh thành một cuộc xung đột bình thường dù sao cũng có thể giải quyết được bằng cách này hay cách khác, chúng ta không làm gì hơn là làm cho người bệnh có sự thay đổi trong tinh thần mà khi đạt được kết quả đó thì người bệnh sẽ khỏi. Khi không huỷ bỏ được sự dồn ép hay những diễn biến tinh thần cùng loại thì phương pháp trị liệu của chúng ta thất bại.

Chúng ta có thể diễn tả mục tiêu của chúng ta dưới nhiều hình thức: chúng ta có thể nói chúng ta muốn làm cho vô thức thành hữu thức, hay huỷ bỏ sự dồn ép hay lấp chỗ trống trong bệnh mất trí nhớ, tất cả mọi hình thức này đều có giá trị như nhau. Nhưng lời xác nhận này không làm cho các bạn hài lòng. Các bạn hiểu người bệnh theo một ý khác, có bạn muốn nói rằng sau khi khỏi bệnh họ trở thành một người khác hẳn; vậy mà tôi lại bảo rằng họ sở dĩ khỏi bệnh chỉ vì họ có thêm một vài ý thức, mất đi một vài vô thức hơn trước thôi. Các bạn cho rằng thay đổi như thế chẳng có lợi gì. Người bệnh sau khi khỏi bệnh trở thành một người khác, cố nhiên, nhưng thực ra anh ta vẫn như trước, nghĩa là trước khi bị bệnh với những điều kiện khả quan hơn thôi. Thế là nhiều lắm rồi. Các bạn cho rằng thay đổi chút ít thế thì ăn thua gì nhưng các bạn sẽ không còn nghi ngờ về tầm quan trọng của sự khác nhau chút ít đó trong tinh thần người bệnh một khi thấy chúng ta phải mất bao nhiêu cố gắng, làm biết bao nhiêu chuyện mới đạt được kết quả đó.

Tôi muốn hỏi các bạn có biết gì về một phương pháp mà người ta gọi là trị liệu bằng cách huỷ các nguyên nhân gây bệnh không. Phương pháp này không đánh thẳng vào cách phát sinh của bệnh mà tìm cách huỷ bỏ những nguyên nhân gây ra bệnh. Phương pháp trị liệu trong phân tâm học có tìm cách huỷ bỏ nguyên nhân gây ra bệnh hay không? Câu trả lời không giản đơn tí nào nhưng sẽ giúp chúng ta thấy câu hỏi đó đặt ra thực không đúng lúc. Khi phương pháp trị liệu phân tâm học không đặt cho mình mục tiêu gần nhất là phải huỷ bỏ ngay tức khắc những triệu chứng thì phương pháp này quả có tìm cách huỷ bỏ nguyên nhân gây bệnh nhưng dưới một khía cạnh khác phương pháp này lại không có tính cách đó. Từ lâu chúng ta đã theo dõi sự liên tục của các nguyên nhân từ sự dồn ép đến những tính di truyền và bản năng, từ những cường độ tương đối của chúng trong người bệnh đến những đường đi sai lạc của chúng trong quá trình phát triển bình thường. Bây giờ giả dụ như chúng ta có thể dùng một chất hóa học gì can thiệp vào cấu tạo con người, làm tăng lên hay giảm đi chất lượng khát dục trong một lúc nào đó, tăng cường một bản năng này làm yếu đi một bản năng khác: đó chính là một môn trị liệu tận gốc, đi từ các nguyên nhân theo nghĩa đen của những chữ này, một phương pháp mà phân tâm học đã dùng trong giai đoạn tìm hiểu đầu tiên cần thiết. Vậy mà các bạn hẳn biết rằng lúc này không phải là lúc mình tìm cách ảnh hưởng tới sự hoạt động của khát dục; phương pháp của chúng ta đánh vào một vòng nhỏ trong xâu chuỗi nguyên nhân đó; nếu cái vòng nhỏ này không phải là thành phần của những cội rễ của các hiện tượng mà chúng ta có thể nhìn thấy được, không phải vì thế mà không rất xa vời đối với các triệu chứng và sở dĩ chúng ta biết được chính là nhờ những trường hợp hết sức thuận tiện.

Điều chúng ta biết về vô thức không trùng hợp với điều mà người bệnh biết về vô thức khi ta cho người bệnh biết những điều ta biết, người bệnh không hề thay thế vô thức bằng những điều vừa được cho biết mà chỉ đặt những điều vừa biết cạnh vô thức thôi và như thế là không có thay đổi gì cả. Chúng ta phải gán cho cái vô thức này một hình ảnh cụ thể bên ngoài, tìm vô thức trong những điều nó nhớ lại trong khi nó được thành lập sau khi xảy ra một sự dồn ép. Chúng ta chỉ cần huỷ diệt sự dồn ép là vô thức lập tức được thay thế bằng hữu thức. Nhưng làm thế nào để huỷ diệt được sự dồn ép? Giai đoạn thứ hai trong công việc của chúng ta bắt đầu. Trước hết phải tìm xem có sự dồn ép không rồi sau đó mới tìm cách huỷ diệt sự đề kháng giúp cho sự dồn ép được tồn tại. Làm thế nào huỷ diệt được sự đề kháng? Cũng bằng cách vén màn bí mật đặt nó trước mắt người bệnh, nghĩa là sự đề kháng cũng bắt nguồn ở một sự dồn ép, hoặc sự dồn ép mà ta đang tìm hoặc một sự dồn ép xuất hiện đột ngột trước đó. Sự đề kháng phát sinh ra một hoạt động phản công có mục đích dồn ép khuynh hướng tục tĩu. Vậy trong lúc này chúng ta lại làm công việc lúc đầu: giải thích, khám phá, cho người bệnh biết rõ những điều khám phá này nhưng lần này làm đúng chỗ hơn lần trước. Sự phản công hay sự đề kháng không thuộc vô thức mà thuộc cái tôi, ngay cả khi sự đề kháng không có trong ý thứ. Ở đây thực ra hai chữ "vô thức" có hai nghĩa: vô thức như một hiện tượng, và vô thức như một hệ thống. Điều này có vẻ khó hiểu, không rõ ràng, nhưng thực ra nó không phải là hai thứ giống nhau sao? Chúng ta đã chuẩn bị từ lâu rồi. Chúng ta hi vọng rằng ngay khi đặt trước mắt người bệnh sự đề kháng, sự phản công này thì lập tức cả hai phải biến mất ngay. Trong những trường hợp đó chúng ta làm việc với những động lực nào? Chúng ta trông mong vào chỗ chính người bệnh cũng muốn khỏi bệnh và vì muốn thế nên mới nhờ chúng ta chữa; chúng ta trông mong vào trí thông minh của anh ta trong khi chúng ta can thiệp để nâng đỡ trí thông minh đó. Nếu có chúng ta giúp vào tất nhiên trí thông minh của người bện sẽ nhận ra ngay sự đề kháng và tìm được xem cái gì đã bị dồn ép. Nếu tôi bảo các bạn: "Hãy nhìn lên trời sẽ thấy một cái phi cơ!", tất nhiên bạn sẽ tìm thấy rõ ràng phi cơ đó hơn là nếu tôi chỉ bảo bạn nhìn lên trời không thôi mà không nói rõ phải tìm thấy gì. Người sinh viên lần đầu tiên nhìn vào kính hiển vi sẽ không thấy gì cả nếu không được ông thầy cho biết phải nhìn gì.

Rồi chúng ta lại có những sự kiện trong nhiều bệnh như bệnh náo loạn thần kinh, bệnh lo sợ, bệnh bị ám ảnh, những tiền đề của chúng ta đã được chứng nghiệm. Bằng cách khảo cứu về sự dồn ép, khám phá ra sự đề kháng, tìm ra cái gì đã bị dồn ép, chúng ta đã giải quyết được vấn đề, thắng được sự đề kháng, huỷ diệt được sự dồn ép, biến vô thức thành hữu thức, chúng ta thấy rõ ràng mỗi khi cần thắng một đề kháng, trong tâm hồn người bệnh thường diễn ra một sự tranh đấu ghê gớm, một sự đấu tranh về tinh thần bình thường, trên phương diện tâm lý giữa những động lực trái ngược, một đằng muốn giữ cho sự phản công được tồn tại, một đằng muốn huỷ diệt nó. Những động lực trên là những động lực cũ kỹ gây ra sự dồn ép; những động lực dưới là những động lực đột nhiên xuất hiện mới đây có vẻ như phải quyết định cuộc xung đột theo ý chúng ta muốn vì thế chúng ta đã thành công trong việc đánh thức dậy cuộc xung đột cũ đã gây ra sự dồn ép và xét lại một vấn đề tranh chấp có vẻ như đã giải quyết xong từ lâu. Những sự kiện mới xuất hiện để bênh vực sự xét lại này là chúng ta nhắc cho người bệnh biết rằng trước khi đã có một quyết định nào đó làm cho bệnh phát ra, muốn khỏi bệnh cần có một quyết định khác và từ khi bệnh phát ra cho tới bây giờ, các điều kiện đã thay đổi rất nhiều. Vào thời kỳ bệnh phát ra cái tôi ốm yếu, ấu trĩ và đã có đủ lý do để từ khước những đòi hỏi của khát dục vì sợ xảy ra nguy hiểm. Ngày nay cái tôi khỏe hơn, có kinh nghiệm hơn và nhất là được bác sĩ hỗ trợ một cách trung thành và tận tâm. Vì thế cho nên chúng ta có quyền chờ đợi cuộc xung đột ngày xưa được đặt lại trên bàn mổ sẽ được giải quyết thỏa đáng hơn ngày xưa lúc mới phát sinh và gây ra sự dồn ép, những sự thành công của chúng ta trong lĩnh vực bệnh náo loạn thần kinh, bệnh lo sợ và bệnh bị ám ảnh đã chứng minh sự chờ đợi của chúng ta.

Tuy nhiên có những bệnh tuy cũng có điều kiện giống như bệnh trên mà chúng ta chưa bao giờ thành công cả. Vậy mà trong đó cũng có một sự xung đột sơ khai giữa cái tôi và khát dục, cũng đưa đến một sự dồn ép, mặc dù bề ngoài ra sao chăng nữa; chúng ta cũng tìm thấy trong đời người bệnh những điểm phát khởi sự dồn ép y như trong bệnh khác; chúng ta cũng dùng phương pháp như nhau, cũng hứa hẹn người bệnh những hứa hẹn đó, cũng giúp đỡ họ như thế, nghĩa là cũng hướng dẫn họ bằng những hình dung chờ đợi, và giữa lúc sự dồn ép phát khởi và lúc này có một thời gian thuận tiện cho việc gạt ra ngoài một sự đề kháng cũng như huỷ diệt được sự dồn ép. Những người bệnh này, hoặc vọng tưởng, hoặc uất, hoặc điên sớm phát đều tỏ ra trơ như đá vững như đồng trước lối chữa chạy của phân tâm học. Lý do tại sao nhỉ? Tất nhiên không phải vì người bệnh kém thông minh. Chúng ta thường cho rằng người bệnh có một trình độ trí thức nào đó và trình độ này không phải là không có trong người bệnh vọng tưởng là những người rất khéo léo trong việc xếp đặt sự việc. Cũng không phải là thiếu một yếu tố nào đó. Trái lại với những người vọng tưởng, bọn người uất thường biết rằng mình bị bệnh và đau đớn rất nhiều, nhưng không phải vì thế mà họ có thể khỏi bệnh bằng phân tâm học được. Chúng ta đứng trước một sự kiện mà chúng ta không hiểu nổi, thành ra nhiều khi chúng ta tự hỏi không biết chúng ta đã biết rõ những điều kiện thành công trong những bệnh khác không?

Nếu chỉ kể đến những bệnh náo loạn thần kinh và lo sợ thôi, chúng ta cũng thấy hiện ra một sự kiện mới mà chúng ta không hề biết trước để chuẩn bị. Chỉ một ít lâu là chúng ta thấy những người bệnh này có thái độ rất kỳ lạ đối với chúng ta. Chúng ta tưởng đã duyệt lại hết mọi yếu tố cần thiết cho việc chữa chạy, tưởng đã làm cho lập trường của chúng ta đối với người bệnh thực rõ ràng như một con tính; nhưng không ngờ trong con tính đó nó len lỏi vào một yếu tố mà ta không để ý đến. Yếu tố bất ngờ này xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau nên tôi chỉ mô tả cho các bạn xem những hình thức đẽ hiểu nhất và xảy ra nhiều nhất.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#tâmlý