Phân tích tình yêu cuộc sống của Xuân Diệu qua 13 câu đầu bài "Vội Vàng".

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Không phải chìm trong nỗi sầu vạn kỉ như Huy Cận, chẳng tìm về những giây phút bình dị nông thôn như Nguyễn Bính, cũng khác biệt với một  Lưu Trọng Lư "mơ màng", Chế Lan Viên "kì dị", Xuân Diệu đem đến thơ ca Việt Nam một hồn thơ "tha thiết, rạo rực, băn khoăn". Hồn thơ ấy có lẽ xuất phát từ chính tình yêu cuộc sống cùng những nhận thức mới mẻ về quy luật thời gian. Do đó, ở Xuân Diệu, ta bắt gặp những ước muốn kì lạ, những đam mê khác thường và cả những giây phút tiếc nuối ngay trong thời khắc huy hoàng nhất của thời xuân. Tình yêu, ước muốn, đam mê, tất cả đều được thể hiện rõ nét qua bài thơ "Vội vàng" của Xuân Diệu, đặc biệt là mười ba câu thơ đầu.

Xuân Diệu được mệnh danh là nhà thơ của tình yêu, mùa xuân, tuổi trẻ, ông luôn đắm mình trong dòng nước của tình yêu ngọt ngào, trong bữa tiệc của sự sống, trong cái hoàn hảo, tràn trề hạnh phúc của cảnh vật thiên nhiên. Các tác phẩm tiêu biểu của ông như tập thơ "Thơ thơ", "Gửi hương cho gió",... khiến Xuân Diệu được mệnh danh là " Ông hoàng thơ tình". Mãnh liệt và sôi động nhất phải nói đến "Vội Vàng"- được viết năm 1938, in trong tập "Thơ thơ", khi thi sĩ đang ở độ tuổi đôi mươi.

Mười ba câu đầu thể hiện bức tranh thiên nhiên, cuộc sống tuyệt đẹp qua lăng kính tình yêu ngọt ngào của Xuân Diệu. Mùa xuân với tháng giêng hiện ra với những dấu hiệu đặc trưng "nắng", "gió". Thế nhưng, tác giả lại không đắm chìm với ánh nắng tháng giêng tinh khiết, thả hồn cùng ngọn gió đầu mùa mà lại có những ước muốn táo bạo, muốn chế ngự thiên nhiên, vĩnh cửu hóa quy luật của tạo hóa. Những quy luật này là những điều đã được định sẵn, không thể thay đổi được, ấy vậy mà Xuân Diệu muốn " tắt nắng", " buộc gió" để lưu giữ những hương vị, màu sắc tinh túy nhất của thiên nhiên, tránh khỏi sự phai tàn của thời gian "nhạt" và "bay". 

                                             "Tôi muốn tắt nắng đi
                                               Cho màu đừng nhạt mất

                                               Tôi muốn buộc gió lại

                                                Cho hương đừng bay đi".

Khổ thơ ngũ ngôn được viết lên thể hiện mong muốn của tác giả nghe có vẻ rất ngông, những quy luật là bất biến, thế nhưng, trái tim nhạy cảm trước cuộc sống lại ban phát cho Xuân Diệu một quyền năng được " tắt nắng", buộc gió" để thi nhân sống mãi với vẻ đẹp kì diệu nhất của cuộc sống. Ước muốn của Xuân Diệu rất mạnh mẽ nên tác giả phải điệp lại hai lần " tôi muốn" để vừa khẳng định mong ước của mình, vừa nhấn mạnh cái " tôi" riêng của bản thân - thứ mà ở thơ văn Trung Đại không có.

"Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã tràn đầy" (Tố Hữu).Vì vậy, chính nhờ có tình yêu cuộc sống, nhờ có "cặp mắt xanh non biếc rờn" của mình" cảnh vật thiên nhiên  như được nhuộm một lớp áo của tình yêu, lớp áo ấy khiến cho cảnh vật thường ngày bình dị bỗng trở nên tươi tắn, hạnh phúc trong " tuần tháng mật", " khúc tình si", giống như một " thiên đường trên mặt đất".

                                           "Của ong bướm này đây tuần tháng mật

                                             Này đây hoa của đồng nội xanh rì

                                             Này đây lá của cành tơ phơ phất

                                            Của yến anh này đây khúc tình si

                                            Và này đây ánh sáng chớp hàng mi.


                                            Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa"

Từ thể thơ ngũ ngôn năm chữ bó hẹp, tác giả phóng cảm xúc mình tạo thành những dòng thơ 8 chữ, giúp thi nhân dễ dàng giãi bày cảm xúc và vẽ lên bức tranh tuyệt đẹp của thiên nhiên. Một mâm cỗ thịnh soạn được bày ra với vô số thực đơn "ong bướm", "hoa của đồng nội xanh rì", "lá của cành tơ phơ phất", " yến anh",...Người đọc cũng không thể chần chừ trước một thiên đường của cảnh vật, một công viên của sự sống khi tác giả như đang mời gọi với điệp từ"này đây".

Những cảnh vật xuất hiện trong bài thơ này là những cảnh ngày thường đấy, chính là cuộc sống quanh ta đấy, nhưng với Xuân Diệu, qua con mắt của ông, mùa xuân lúc nào cũng đẹp, tràn đầy hạnh phúc và tình yêu của "tuần tháng mật" và " khúc tình si", bởi lẽ, với thi sĩ "Tình không tuổi và xuân không ngày tháng".

Bức tranh mà Xuân Diệu vẽ ra có đầy đủ ánh sáng, âm thanh, màu sắc và cả cảnh vật. Trên nền cỏ xanh bao la của " đồng nội xanh rì" cùng với những tia nắng len lỏi của buổi sáng sớm, âm thanh trong trẻo của cuộc sống" yến anh", "thần Vui gõ cửa" , sự vật và thiên nhiên như đang tràn trề nhựa sống, đang vui tươi và sống động, tất cả đang ở độ đẹp nhất thế nên không thể kìm nén cảm xúc của mình trước thiên nhiên mùa xuân, Xuân Diệu phải thốt lên: 

                                                 " Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần".

Nếu thơ cổ lấy thiên nhiên làm chuẩn mực vẻ đẹp cho con người thì Xuân Diệu lại khác, ông lấy con người làm chuẩn mực cho thiên nhiên. Một nét nghệ thuật rất mới, tự bao giờ, một đơn vị thời gian như " tháng Giêng" lại được so sánh bên nét duyên dáng nhất của người con gái trinh nữ là "cặp môi gần". Cặp môi ấy gợi cảm giác tình yêu nam nữ, đôi lứa, một cách so sánh chuyển đổi cảm giác thần tình khiến cho câu thơ được đánh dấu như một sự mới lạ đặc biệt trong bài thơ của Xuân Diệu.

Cảnh vật đều ở trạng thái căng tràn nhất, đều đạt đến ngưỡng độ của sự hoàn hảo, thế nhưng nhà thơ cũng không được chìm trong men say sung sướng một cách hoàn toàn mà sống cùng với sự vội vàng nhanh trôi:

                                                 " Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa

                                                     Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân".

 Nhà thơ buồn nhất trong cái vui nhất. Cuộc sống đáng yêu đáng sống như thế nhưng sự hưởng thụ chỉ đến với thi sĩ trong chốc lát. Câu thơ chứa hai vế đối lập nhau hoàn toàn, "sung sướng" - "vội vàng", dấu chấm đặt giữa dòng thơ như một sự kết thúc cho sự sung sướng mà chảy vào cảm xúc tiếc nuối và níu kéo mùa xuân. Ở độ tuổi đôi mươi như tác giả, độ tuổi của sống sự lạc quan của tuổi trẻ, sự ngây thơ của những dại khờ, nhà thơ lại sống vội vàng, không cần phải chờ đến tuổi trung niên " nắng hạ" mới tiếc rẻ những giây phút tuổi hai mươi. Ta nghe như thi sĩ đang rất vội, vội vì nhận ra được những sự thật, quy luật nghiệt ngã của cuộc sống: "Tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại". Thời gian tuyến tính, một đi không trở lại, cảm nhận của thi nhân đầy mất mát và tiếc nuối. Đó có thể là lí do giải thích vì sao, trong thơ của mình, Xuân Diệu sống rất vội vã như chạy đua với thời gian để giành giật sự sống: "Mau với chứ, vội vàng lên với chứ./ Em, em ơi, tình non đã già rồi". Qua đây, ta thấy một thái độ sống tích cực của nhà thơ, sống là trân trọng từng phút giây của cuộc sống, sống là cháy hết mình với vẻ đẹp tuyệt vời quanh ta, sống là:
                                                 " Sống toàn tâm, toàn trí, toàn hồn

                                                   Sống toàn thân và thức nhọn mọi giác quan".

Để thể hiện tình yêu của mình, Xuân Diệu đã khéo léo kết hợp các thủ pháp nghệ thuật độc đáo. Thể thơ tự do, khi ngũ ngôn khi lại tám chữ để thể hiện cảm xúc dào dạt, phóng khoáng, sôi nổi của tác giả nên "ý thơ xô đẩy làm cho khuôn khổ câu thơ cũng phải lung lay." (Hoài Thanh). Sử dụng những biện pháp nghệ thuật như : điệp từ, so sánh, nhân hóa,... được tác giả khai thác một cách triệt để. Hình ảnh thơ trong trẻo, táo bạo, những ý thơ rất " Tây" ảnh hưởng từ nền văn học tượng trưng Pháp đã góp phần tạo nên hồn thơ Xuân Diệu và cả bài thơ " Vội vàng" đặc sắc này.




Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro