phân tích tác phẩm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Nhật kí trong tù" là một tập thơ nổi tiếng của chủ tịch HCM trong những ngày người bắt giam. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, người không nghĩ mình sẽ trở thành một nhà thơ nhưng với tình yêu thiên nhiên, con người và cuộc sống, HCM đã thực sự trở thành một người nghệ sĩ - chiến sĩ với nhiều tác phẩm giá trị. Và một trong những bài thơ tiêu biểu của tập thơ là bài "Chiều tối" được viết trên đường người bị giải từ nhà lao này sang nhà lao khác. Bài thơ mang đến cho người đọc một nét đẹp cổ điển và hiện đại, thể hiện tâm hồn của một người nghệ sĩ và bản lĩnh, ý chí sắt đá của một chiến sĩ.

Trong suốt 13 tháng ở tù, HCM đã sáng tác được 134 bài thơ và bài thơ "Chiều tối" là bài thứ 31 của tập thơ. Tác phẩm được sáng tác vào chiều cuối thu 1942, trong khoảng 3 tháng đầu của thời gian người bị cầm tù. Chỉ với 4 câu thơ ngắn gọn nhưng Bác đã mang tới cho người đọc cảnh thiên nhiên vào thời điểm chiều tối, rực sáng hình ảnh con người, thể hiện tình yêu, niềm lạc quan mãnh liệt, cuộc sống và tinh thần nhân đạo bao la của người chiến sĩ cách mạng HCM.

Mở đầu bài thơ là 2 câu thơ chỉ bức tranh thiên nhiên lúc chiều tối nơi chốn rừng núi.

"Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không"

Bằng bút pháp chấm phá, Hồ Chí Minh đã chọn hai hình ảnh quen thuộc trong thơ xưa để bắt đầu bài thơ của mình. Cánh chim lẻ loi bay về rừng, về tổ để ngủ, có một chòm mây trôi nhè nhẹ giữa những tầng không bao la. Hình ảnh cánh chim và chòm mây vốn là những thi liệu quen thuộc trong thơ văn. Có thể nói chúng ta đã nhiều lần bắt gặp một cánh chim bay giữa những vần thơ. Từ ca dao VN "chim bay về núi" đến trong các bài thơ Đường nổi tiếng như của Vương Bột - nhà thơ Trung Quốc "Lạc hà dữ cô lộ tề phi". Hay "chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa"(Huy Cận). Mỗi cánh chim đều mang trên mình môt sắc thái biểu cảm khác nhau. Nhưng hình ảnh này đều đi cùng buổi chiều tối, gợi thời gian lúc hoàng hôn. Cánh chim trong thơ Bác vừa mang tâm trạng của người tù trong những ngày tha hương nhưng cũng là cánh chim đang hối hả quay về tổ ấm. Cánh chim và con người như cùng mang chung một tâm trạng, gợi sự hòa quyện giữa cảnh và tình. Người tù dường như cũng luôn khát khao được quay về với Tổ quốc, được sống với đồng bào, đồng chí của mình. Phải chăng, chính vì thế mà Người không sợ những gian nan vất vả? Câu thơ thứ hai cũng mang đậm nét Đường thi. Hình ảnh chòm mây cô độc trôi giữa bầu trời đã trở thành một mô tuýp quen thuộc trong thơ xưa, nó thường gợi lên cái cô độc thanh cao, sự phiêu diêu, thoát tục và nỗi khắc khoải của con người trước cõi hư không. Còn trong bài "Chiều tối" của Bác, hình ảnh chòm mây cô độc trôi nhè nhẹ qua bầu trời chỉ là một nét vẽ tạo nên cái không gian cao rộng của cảnh trời chiều nơi miền rừng núi. Bầu trời hôm ấy phải thật cao, thật trong xanh ta mới thấy được hình ảnh chòm mây gợi nên hình ảnh cô độc nơi đất khách, quê người của Bác. Có thể nói ngoại cảnh cũng là tâm cảnh. Nguyễn Du viết "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" thật đúng với HCM trong hoàn cảnh này, mỗi một chi tiết đều nhuốm màu tâm trạng. Cánh chim mỏi tìm về tổ ấm, còn người tù thì mệt mỏi sau một ngày đường mà vẫn chưa có được chỗ dừng chân. Chòm mây lẻ loi trôi lững lờ trên tầng không, còn người tù thì cô đơn giữa một buổi chiều nơi đất khách. Hai câu thơ đạt đến mức vi diệu của lối tả cảnh ngụ tình. Ở đó ta bắt gặp một tâm hồn giàu cảm xúc trước thiên nhiên và sự sống. Từ đó ta thấy được một nghị lực phi thường và đó cũng chính là chất thép trong thơ của Bác.

Nếu như ở 2 câu thơ đầu Bác đã tạo nên một phông nền cho bức tranh thì 2 câu thơ sau Bác làm nổi bật hình tượng trung tâm của bức tranh. Đó là bức tranh sinh hoạt của con người nơi xóm núi. Từ bút pháp cổ điển Bác chuyển sang bút pháp hiện đại.

"Cô em xóm núi xay ngô tối,

Xay hết, lò than đã rực hồng."

Ở đây, từ hình tượng nghệ thuật đến tư tưởng luôn vận động một cách nhất quán, tự nhiên, hướng về sự sống, ánh sáng, tương lai. "xóm núi" là hình ảnh giản dị biểu tượng cho sự sống bình yên của con người. Xóm núi như đẹp hơn, ấm áp hơn với hình ảnh người thiếu nữ. Vẻ đẹp trẻ trung đầy sức sống của người thiếu nữ với tư thế lao động trở thành tâm điểm của bức tranh thiên nhiên buổi chiều. Điều đáng lưu ý ở đây là khi xưa hình tượng người phụ nữ luôn được so sánh như "Liễu yếu đào tơ". Còn người phụ nữ trong thơ Bác thì gắn liền với công việc lao động bình dị, đời thường, khỏe khoắn đầy sức sống. Phải chăng chính hình ảnh ấy lại mang đến cho bức tranh chiều hoàng hôn càng thêm lung linh, thể hiện nét đẹp của người lao động trong xã hội xưa và nay. Trong thơ xưa, hình ảnh con người đều gắn liền với sự cô đơn, lẻ loi, mang trong mình niềm hoài cổ, sầu muộn:

"Lom khom dưới nưới tều vài chú,

Lác đác bên sông chợ mấy nhà." (Qua Đèo Ngang- Bà Huyện Thanh Quan)

còn trong thơ Bác lại tràn đầy sức sống lao động. Cô gái miệt mài xay ngô mà không để ý đến không gian xung quanh mình. Cối cứ xoay "ma bao túc" rồi "bao túc ma" và khi hoàn thành thì cô mới thấy "lò than đã rực hồng". Hình ảnh "lò than đã rực hồng" hiện lên trong đêm tối càng làm nổi bật hình ảnh người thiếu nữ. Toàn bộ cảnh thiên nhiên đang chìm trong màu xám nhạt chuyển sang màu tối. Cũng vì thế hình ảnh lò than rực hồng có sức lôi cuốn đặc biệt. Bài thơ kết thúc bằng chữ "hồng", có thể nói đó chính là chỗ đẹp nhất của bài thơ. Đó chính là ánh lửa hồng của cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc gia đình, ánh lửa hồng của sự sống, của niềm lạc quan. Chữ "hồng" đặt ở cuối bài thơ soi rõ vẻ đẹp của người thiếu nữ, toả ánh sáng và hơi ấm xua đi cái buồn vắng của bức tranh chiều tối nơi rừng núi. Khi đọc 2 câu đầu tâm trạng người tù từ buồn về sự cô đơn, đến 2 câu sau thì hòa mình vào niềm vui của con người lao động nơi xóm núi. Bác đã quên đi cảnh ngộ riêng tư của mình, hòa mình vào niềm vui của người lao động. Đây là sự bản lĩnh, lòng nhân đạo bao la đến quên mình của Bác, toát lên vẻ đẹp của tinh thần hiện đại.

Bài thơ "Chiều tối" là sự kết hợp hài hòa giữ bút pháp cổ điển và hiện đại. Vẻ đẹp cổ điển là cảm hứng thiên nhiên, không tả mà chỉ gợi, mượn cảnh tả tình và miêu tả tâm trạng mình thông qua những vần thơ, không gian xung quanh. Sử dụng bút pháp chấm phá, lấy điểm tả diện. Còn khi nói đến vẻ đẹp hiện đại, nó có sự vận động của cảnh, của tư tưởng hướng về sự sống, ánh sáng, tương lai. Nhân vật trữ tình hiện ra giữa trung tâm bức tranh và làm chủ hoàn cảnh.

"Chiều tối" là một tác phẩm đậm đà màu sắc cổ điển mà cũng rất hiện đại, thể hiện một cách tự nhiên và phong phú vẻ đẹp của hình ảnh người tù - thi sĩ, người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh. Bài thơ đã thể hiện tình yêu thiên nhiên tha thiết của Bác. Điều đặc biệt ở đây là cảm quan thiên nhiên của Bác gắn liền với cảm quan nhân đạo, cảm quan về sự sống. Đúng như Tố Hữu đã viết:

"Bác ơi, tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông mọi kiếp người".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#chieutoi