Phân tích bài thơ "Đất Nước" (phần đầu) - Nguyễn Khoa Điềm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

ĐẤT NƯỚC (Phần đầu)

     Đất nước vốn không phải là một từ ngữ qua xa lạ đối với chúng ta và cũng là một đề tài được đề cập trong rất nhiều tác phẩm văn học. Mỗi nhà thơ, nhà văn đều có một cảm nhận riêng của mình về đất nước, Tổ quốc nhưng hầu hết đều chọn những hình ảnh mang tầm vóc kì vĩ, những kì tích lớn lao của dân tộc để trình bày cảm nhận. Riêng Nguyễn Khoa Điềm, ông lựa chọn một cách diễn đạt khác và đã đưa đất nước từ một khái niệm trừu tượng trở thành một phần rất quen thuộc trong đời sống, trong nhận thức của mỗi người dân. Cách cảm nhận độc đáo ấy được ông thể hiện sâu sắc trong bài thơ “Đất Nước”. Phần đầu đoạn trích “Đất Nước” chính là những khám phá mới mẻ của nhà thơ trên các phương diện khác nhau, cũng là lời nhắn gửi đến mỗi con người Việt Nam:

(trích thơ)

     Nguyễn Khoa Điềm là một gương mặt tài năng, trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Ông tốt nghiệp khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau đó vào Nam tham gia chiến đấu rồi hoạt động văn nghệ ở Huế. Sở trường của ông là đề tài quê hương đất nước và con người Việt Nam. Thơ của ông bao giờ cũng có sự kết hợp hài hòa giữa chất trữ tình và chính luận giàu suy tư, xúc cảm dồn nén của người trí thức tham gia cách mạng. Năm 2000, ông được trao tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Đoạn trích “Đất Nước” thuộc phần đầu chương V của trường ca “Mặt đường khát vọng”, được hoàn thành ở chiến khu Trị Thiên năm 1971 và in lần đầu năm 1974. Đoạn thơ trên nằm ở phần đầu của đoạn trích, tiêu biểu cho phong cách thơ cũng như cái nhìn mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm.

     Phần đầu của đoạn trích nói chung giống như một bài cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm, trình bày những suy nghĩ cá nhân rất đỗi mới mẻ, sáng tạo về hình tượng đất nước trên nhiều bình diện khác nhau. Và chín dòng thơ đầu tiên chính là cảm nghĩ của nhà thơ về cội nguồn của đất nước:

                                                    “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

                                                    Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể

                                                    Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

                                                    Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

                                                    Tóc mẹ thì bới sau đầu

                                                    Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối măn

                                                    Cái kèo, cài cột thành tên

                                                    Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

                                                    Đất Nước có từ ngày đó…”

     Đầu tiên, tác giả cảm nhận đất nước ở khía cạnh chiều sâu văn hóa. Đại từ “ta” được sử dụng không chỉ trong đoạn trích này mà trong toàn bộ chương V của trường ca “Mặt đường khát vọng”. “Ta” ý chỉ chủ thể trữ tình hay là đại diện cho cả một thế hệ có ý thức tìm hiểu về cội nguồn của đất nước. Lời thơ mang sắc thái khẳng định: “…Đất Nước đã có rồi” cho thấy giang sơn ngày nay có được là kết quả của công cuộc xây dựng, giữ gìn và bảo vệ trong suốt hơn 4000 năm qua. Để nói về sự khởi nguyên của đất nước, tác giả không nói một cách khô khan về địa lí, thời gian,… mà dùng mô típ của truyện cổ tích “ngày xửa ngày xưa”. Dường như đối với tác giả, đất nước hiện ra diệu kì như trong truyện cổ tích, ẩn chứa nhiều điều quý báu. Không dừng lại ở đó, Nguyễn Khoa Điềm còn cho rằng đất nước có từ những phong tục tập quán lâu đời. Hai từ “bắt đầu” và “bây giờ” tuy mang nghĩa đối lập nhưng lại liên kết chặt chẽ với nhau về thời gian như khẳng định tập tục ăn trầu của dân tộc Việt Nam vẫn được duy trì từ xa xưa cho đến ngày nay. Trầu cau là biểu tượng cho phẩm chất, cốt cách cao đẹp của người Việt Nam, là phương tiện trong giao tiếp: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, là sợi tơ duyên kết nối đôi lứa:

“Miếng trầu ăn ngọt như đường

Đã ăn lấy quả thì thương lấy người”

                                                                                                   (Ca dao)

     Bên cạnh đó, nhà thơ còn đề cập đến tập tục bới tóc của người phụ nữ Việt Nam. Do công việc trồng lúa nước, phải lội xuống ruộng nên người phụ nữ phải bới tóc để cho gọn gàng. Lâu dần điều đó trở thành nét đẹp mang đậm tính truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, rất thanh lịch và thùy mị. Cội nguồn của đất nước cũng được tác giả khám phá qua những tên gọi “Cái kèo, cái cột thành tên”. Ngôn ngữ Việt Nam có từ lâu đời, bắt nguồn từ việc đặt tên cho những vật dụng quen thuộc trong đời sống sinh hoạt thường ngày. Đề cập đến ngôn ngữ trong cội nguồn của đất nước, Nguyễn Khoa Điềm đã khẳng định ngôn ngữ chính là một bản sắc văn hóa, không thể tách rời khỏi dân tộc ta. Bên cạnh đó, chủ thể trữ tình còn đưa ra những cảm nhận của cá nhân về đất nước trong quá trình đấu tranh và xây dựng bền bỉ của dân tộc: “Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”. Hai chữ “lớn lên” giúp người đọc hình dung một cách sinh động quá trình phát triển của đất nước. Để có thể giữ vựng sự tồn tại, phát triển của đất nước trong suốt hơn 4000 năm, nhân dân ta đã trải qua không biết bao nhiêu cuộc đấu tranh, trong mỗi cuộc chiến ấy lại có biết bao nhiêu người ngã xuống hi sinh. Và sự hi sinh đó đã không trở thành vô ích, ngày nay đất nước chúng ta rất thanh bình, không còn bóng ngoại xâm. Hình ảnh “trồng tre mà đánh giặc” gợi nhắc chúng ta về câu chuyện huyền thoại của Thánh Gióng – người đã nhổ tre đánh đuổi giặc Ân. Tre từ lâu đã trở thành một vật liệu gắn liền với đời sống con người Việt Nam. Gậy tre, chông tre, mũi tên tre,… là những vũ khí lợi hại của dân ta trong chinh chiến. Vì thế mà tre cũng được ca ngợi biết bao trong văn học:

                                                    “Tre anh hùng lao động, tre anh hùng chiến đấu”

                                                                                                   (Thép Mới)

     Cùng với quá trình chiến đấu đầy gian khổ ấy, đất nước có được như ngày nay còn phải kể đến công sức lao động của thế hệ ông cha, hay nói cách khác là quá trình dựng nước. Trong số biết bao ngành nghề, công việc, Nguyễn Đình Thi chọn ra cái đặc trưng nhất của dân tộc ta – nghề trồng lúa nước: “Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng”. Bằng thành ngữ “một nắng hai sương” kết hợp với một loạt động từ “xay, giã, giần, sàng” đã diễn tả rất cụ thể công việc của nhà nông, kèm theo đó là nỗi vất vả, nặng nhọc. Lời thơ của Nguyễn Khoa Điềm như phảng phất lời ca dao, cũng là lời khuyên răn:

“Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”

     Đất nước tồn tại được đến ngày nay còn nhờ vào tình cảm gắn bó giữa người với người. Nguyễn Khoa Điềm đã cảm nhận điều này ở khía cạnh của sự thủy chung: “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”. Muối và gừng vốn là những gia vị quen thuộc trong bữa ăn của người Việt Nam. Vị mặn của muối và vị nồng cay của gừng được ông cha ta xem như là biểu tượng cho tình yêu lâu dài, nồng thắm, thủy chung. Đoạn thơ khép lại bằng một lời tổng kết: “Đất Nước có từ ngày đó…”. Cách nói đầy chất thơ đã kết thúc cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm về nguồn cội của đất nước vốn xuất phát từ những điều rất bình dị, giản đơn trong đời sống thường ngày. Nhìn lại bao quát đoạn thơ, chúng ta thấy Nguyễn Khoa Điềm sử dụng cấu trúc tổng-phân-hợp rất chặt chẽ. Đoạn thơ có sự hài hòa giữa yếu tố chính luận – làm cho nội dung tư tưởng sâu sắc – và yếu tố trữ tình – làm cho đoạn thơ có sức lay động, truyền cảm. Chúng ta cũng dễ dàng nhận ra tất cả từ “Đất Nước” được viết hoa ý chỉ sự kính trọng của nhà thơ đối với Tổ quốc của mình. Chỉ với chín câu thơ ấy, tác giả đã khám phá ra những điểm mới mẻ của đất nước trên phương diện cội nguồn với nếp sống nếp nghĩ, lịch sử đấu tranh và xây dựng, chiều sâu văn hóa,…

     Cùng với sự khám phá đất nước ở bình diện cội nguồn, nhà thơ đi tìm lời lí giải cho câu hỏi: đất nước là gì? Đoạn thơ tiếp là những khám phá mới mẻ của tác giả ở phương diện không gian và thời gian:

                                                    “Đất là nơi anh đến trường

                                                    Nước là nơi em tắm

                                                    Đất Nước là nơi ta hò hẹn

                                                    Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm

                                                    Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”

                                                    Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”

                                                    Thời gian đằng đẵng

                                                    Không gian mênh mông

                                                    Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ

                                                    Đất là nơi Chim về

                                                    Nước là nơi Rồng ở

                                                    Lạc Long Quân và Âu Cơ

                                                    Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng

                                                    Những ai đã khuất

                                                    Những ai bây giờ

                                                    Yêu nhau và sinh con đẻ cái

                                                    Gáng vác phần đời người đi trước để lại

                                                    Dặn dò con cháu chuyện mai sau

                                                    Hằng năm ăn đâu làm đâu

                                                    Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ.”

     Điều đầu tiên mà chúng ta nhận thấy ở đoạn thơ này là chủ thể trữ tình đã có những cảm nhận độc đáo về đất nước từ chiều rộng của không gian. Để trả lời cho câu hỏi: “Đất Nước là gì?”, Nguyễn Khao Điềm đã tách ra và láy lại nhiều lầu các từ “Đất là”, “Nước là” tạo nên cấu trúc trùng điệp, gây ấn tượng mạnh với người đọc về phép chiết tự. Từ đó, nhà thơ tách đất nước thành hai yếu tố cụ thể: đất và nước để rồi nhập lại “Đất Nước là” thật độc đáo, thú vị. “Đất là nơi anh đến trường”, “Nước là nơi em tắm”, dường như trong suy nghĩ, quan niệm của nhà thơ, đất nước chẳng phải một cái gì đó lớn lao, kì vĩ mà hiện hữu ngay trong cuộc sống bình dị. Đất nước chính là nơi chứa đầy ắp những kỉ niệm khó phai của một thời cắp sách đến trường. Đất nước gắn liền với không gian sinh hoạt gần gũi như dòng sông, giếng nước,… Đất nước còn là nơi ươm mầm, nuôi dưỡng tình yêu đôi lứa “Đất Nước là nơi ta hò hẹn”. Trong quan niệm của người Việt Nam xưa, chiếc khăn là phương tiện để thổ lộ tình yêu. Tứ thơ trong “Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm” được lấy ý từ bài ca dao quen thuộc:

                                                    “Khăn thương nhớ ai

                                                    Khăn rơi xuống đất

                                                    Khăn thương nhớ ai

                                                    Khăn vắt lên vai…”

     Qua những điều trên, dường như ta thấy rằng đất nước vừa là cái hữu hình nhưng cũng là cái vô hình. Đất nước chẳng xa xôi mà tồn tại ngay trong từng nhịp đập con tim, trong những cái hết sức gần gủi và giản dị. Và rộng lớn hơn, đất nước còn được nhà thơ nhắc đến là không gian sinh tồn của người Việt qua biết bao thế hệ. Tác giả đã lựa chọn hai câu hò đặc trưng của xứ Huế “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc” và “con cá ngư ông móng nước biển khơi”. Lời thơ vì thế mà ngọt ngào, da diết hơn và không kém phần súc tích khic chỉ với hai câu mà nhà thơ đã gợi và vùng không gian địa lí rộng lớn của nước ta, từ đồng bằng đến núi cao, từ miền xuôi đến miền ngược, đâu đâu cũng là nơi dân mình đoàn tụ. Những câu thơ tiếp theo dễ dàng gợi cho chúng ta nhớ lại truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” của dân tộc ta. Theo quan niệm xưa, bà mẹ Âu Cơ đã sinh ta bọc trăm trứng, nở thành trăm người con. Âu Cơ đem năm mươi con lên rừng dạy con các nghề trồng dâu nuôi tằm, phát nương làm rẫy… Lạc Long Quân đem năm mươi con xuống ven biển dạy nghề chài lưới, đánh cá,… Thời gian trôi qua, dân tộc Việt Nam sinh sôi rộng thêm, tạo thành làng mạc, xây thành đắp lũy… và trở thành một quốc gia độc lập như hiện nay.

     Bên cạnh đó, Nguyễn Khoa Điềm còn tìm những điểm mới mẻ của đất nước trên bình diện thời gian, cụ thể ở đây tác giả đề cập đến thời gian huyền thoại và thời gian lịch sử. Từ câu chuyện huyền thoại về bọc trăm trứng cùng các từ ngữ “dân mình”, “đồng bào ta”, chủ thể trữ tình đã khẳng định tất cả người dân Việt Nam đều chung một nguồn cội, đều mang dòng máu Rồng, Tiên. Nếu như Rồng là biểu tượng cho sức mạnh biến hóa đầy uy dũng, tung hoành trong thế vươn lên của cả dân tộc thì Tiên lại là tượng trưng của lòng nhân từ và hạnh phúc lâu bền. Qua đó, người dân Việt Nam từ xa xưa vừa khẳng định mình là dòng dõi cao quý, vừa khuyên răn mọi người phải biết đoàn kết với nhau thì đất nước mới có thể vững bền. Để có được đất nước ngày nay, chúng ta không thể không nhắc đến công lao của “những ai đã khuất” và đặt ra nhiệm vụ cho “những ai bây giờ”. Điệp ngữ “những ai” ấy vang lên đầy kiêu hãnh, gợi chúng ta liên tưởng đến cuộc chạy đua tiếp sức của nhiều thế hệ để xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc. Cặp từ “đã khuất” và “bây giờ” tuy đối lập nhưng được sắp xếp song hành nên lại gợi ra mối liên kết giữa quá khứ và thực tại. Các động từ “yêu nhau”, “sinh con”, “gánh vác” và “dặn dò” đã cụ thể hóa trách nhiệm và nghĩa vụ đối với giang sơn gấm vóc của dân tộc. Lời thơ có vẻ đơn giản nhưng cô đúc và giàu chất suy tưởng. Ngoài ra, cách cảm nhận thời gian còn được đề cập trong lời thơ về ngày giỗ Tổ vua Hùng. Câu mang cái tứ của câu ca dao thân thuộc:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”

     Lời thơ giàu cảm xúc những vẫn mang sắc thái trang nghiêm khi nhắc về tiên tổ. Ngày nay, lễ hội Đền Hùng đã trở thành Quốc lễ, được nhân dân cả nước thành tâm hưởng ứng. Đó cũng chính là việc làm thể hiện đạo lí “uống nước nhớ nguồn” có từ lâu đời của dân tộc Việt Nam. Qua đoạn thơ, chúng ta cảm nhận rằng đất nước chưa hẳn phải là những anh hùng hào kiệt, các triều đại phong kiến thịnh suy mà luôn gắn liền với chiều rộng của không gian, chiều dài của thời gian và chiều sâu của văn hóa.

     Ở những dòng thơ trên, Nguyễn Khoa Điềm đã khẳng định đất nước thiêng liêng mà rất gần gũi. Đất nước hóa thân trong những thứ bình dị, trong cả mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng:

                                                    “Trong anh và em hôm nay

                                                    Đều có một phần Đất Nước

                                                    Khi hai đứa cầm tay

                                                    Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm

                                                    Khi chúng ta cầm tay mọi người

                                                    Đất Nước vẹn tròn, to lớn

                                                    Mai này con ta lớn lên

                                                    Con sẽ mang đất nước đi xa

                                                    Đến những tháng ngày mơ mộng

                                                    Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

                                                    Phải biết gắn bó và san sẻ

                                                    Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở

                                                    Làm nên Đất Nước muôn đời…”

     Bằng lối sử dụng đại từ nhân xưng “anh” và “em” cùng kiểu câu khẳng định, nhà thơ đã lí giải đất nước không chỉ tồn tại khách quan qua không gian và thời gian mà còn tồn tại trong sự sống của mỗi con người. Mỗi người đang sống trong thời đại ngày hôm nay đều mang trong mình một phần của đất nước, hay nói cách khác là những giá trị vật chất và tinh thần mà người đi trước để lại. Đất nước không chỉ là cái hữu hình mà còn là cái vô hình trong cốt cách, tâm hồn con người Việt Nam. Qua những thăng trầm của lịch sử, tình yêu vẫn ươm mầm, đạo lí truyền thống được hình thành và bản sắc văn hóa được đúc kết. Đất nước là sự thống nhất giữa cá thể và cộng đồng, trong đó có cả tình yêu đôi lứa. Cụm từ “hai đứa cầm tay” kết hợp tính từ “hài hòa nồng thắm” gợi lên tình cảm gắn bó trong tình yêu đôi lứa. Đất nước tồn tại trong mỗi cuộc đời, trong hạnh phúc riêng tư thầm kín. Tình yêu lứa đôi của anh, em được ươm mầm từ tình yêu đất nước nên mãi mãi xanh tươi. Vì thế, phải đặt tình yêu của cá nhân trong tình yêu rộng lớn của cộng đồng, nhân loại. Và khi sợi dây tình cảm được hình thành giữa hai con người tiếp tục dài thêm, kết nối thêm thì đất nước sẽ lớn mạnh, hùng cường. Các tính từ “vẹn tròn, to lớn” đặt trong cấu trúc tăng tiến đã nhấn mạnh tác dụng của tinh thần đoàn kết gắn bó để xây dựng đất nước vững bền. Soi chiếu vào lịch sử Việt Nam trong những đêm trường nô lệ, chính nhờ tinh thần đoàn kết “tướng sĩ một lòng phụ tử; hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” (Nguyễn Trãi) mà dân tộc Việt Nam mới có thể “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi). Muốn sự phát triển vững bền được tiếp tục thì thế hệ sau phải có những nhiệm vụ gì? Nguyễn Khoa Điềm đã gửi gắm kì vọng của mình qua lời thơ, cách dùng đại từ “con ta” vừa trìu mến vừa nhắn nhủ vào thế hệ tương lai. Câu thơ “Con sẽ mang Đất Nước đi xa” chất chứa bao niềm tin của tác giả vào những người chủ của đất nước mai sau. Họ sẽ là những người phát huy thành quả của cha ông, tiếp thu cái mới bằng sức mạnh nội lực để đưa đất nước càng thêm giàu mạnh – những “tháng ngày mơ mộng”. Câu thơ vừa chứa chan tình cảm, vừa có chiều sâu chính luận, có tác dụng giáo dục thế hệ trẻ ý thức làm rạng danh Tổ quốc. Đoạn thơ khép lại bằng lời tâm niệm cao đẹp ở ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với đất nước. Lời thơ từ chỗ thủ thỉ, tâm tình trong tiếng gọi của tình yêu “Em ơi em” bỗng rắn rỏi, mạnh mẽ trong lời thơ khẳng định “Đất Nước là máu xương của mình”. Ý thơ như được nâng cao thêm, nếu như ban đầu chủ thể trữ tình chỉ nói trong mỗi người “đều có một phần Đất Nước” thì ở đây lại khẳng định “Đất Nước là máu xương” – máu và xương là hai yếu tố không thể thiếu cho sự sống. Điều đó gợi nhắc cho chúng ta nhớ lại câu thơ nổi tiếng của Hoàng Cầm khi chứng kiến kẻ thù tàn phá quê hương:

                                                    “Sao xót xa như rụng bàn tay”

     Phép điệp cấu trúc và điệp ngữ “phải biết” vang lên như một mệnh lệnh, cùng với các động từ “gắn bó”, “san sẻ”, “hóa thân” trong cấu trúc tăng tiến đã cụ thể trách nhiệm của mỗi người đối với đất nước. Đặc biệt, hai chữ “hóa thân” gợi ra nhiều ý nghĩa. Khi đất nước vất vả, gian khó hãy cùng nhau san sẻ, gánh vác. Khi đất nước bị xâm lăng, hãy gác lại tình riêng, biết dâng hiến tuổi thanh xuân, sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Như vậy, đất nước trường tồn nhờ sự hi sinh thầm lặng, cao quý của những con người đất Việt, bao gồm cả những chiến sĩ hữu danh và những con người vô danh, họ đều cống hiến cả cuộc đời mình cho đất nước dài lâu.

     Qua đoạn thơ trên, bằng sự kết hợp giữa cảm xúc và suy ngẫm, tác giả đã cảm nhận đất nước trên các phương diện cội nguồn, không gian – thời gian và khám phá đất nước trong nhiều mối quan hệ: cá nhân với cộng đồng, cá nhân với đất nước, hiện tại với tương lai…. để khơi gợi ý thức trách nhiệm của mỗi người về đất nước. Về mặt nghệ thuật, đoạn thơ tiêu biểu cho phong cách trữ tình chính luận của Nguyễn Khoa Điềm, lời thơ tâm tình mà vẫn có chiều sâu của triết lí kết hợp tài hoa với các biện pháp tu từ như điệp ngữ, các động từ tăng tiến…

     Nói tóm lại, phần đầu của đoạn trích “Đất Nước” là một sự cảm nhận rất mới mẻ, rất riêng của nhà thơ về đất nước Việt Nam của mình. Và qua đoạn thơ, tác giả cũng gửi gắm bao kì vọng, niềm tin vào một thế hệ tương lai sẽ tiếp tục sự nghiệp 4000 năm của cha ông, tiếp tục dựng xây và phát triển đất nước ngày càng bền vững, giàu mạnh. Xin viết một đoạn thơ nói về nghĩa vụ người dân của Chế Lan Viên thay cho lời kết:

                                                    “Ôi! Tổ quốc ta yêu như máu thịt

                                                    Như mẹ cha ta, như vợ như chồng

                                                    Ôi! Tổ quốc nếu cần ta chết

                                                    Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi dòng sông”

                                                                                                   (“Sao chiến thắng” – Chế Lan Viên)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro