Đây thôn VĨ Dạ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất trong phong trào Thơ mới tuy cuộc đời của ông có nhiều bi thương. Ông làm thơ từ rất sớm, bắt đầu bằng thơ cổ điển Đường luật, sau chuyển sang sáng tác theo khuynh hướng thơ mới lãng mạn. Qua diện mạo mới hết sức phức tạp và đầy bí ẩn của thơ HMT, người ta vẫn thấy rõ một tình yêu đến đau đớn hướng về cuộc đời trần thế. "Đây thôn Vĩ Dạ" (lúc đầu có tên Ở đây thôn VD) sáng tác năm 1938, in trong tập Thơ Điên (về sau đổi thành Đau thương). Bài thơ được khởi hứng từ bức bưu ảnh mà Hoàng Cúc – người thiếu nữ ở VD, "người tình trong mộng của nhà thơ" – gửi tặng. Bài thơ là bức tranh đẹp về một miền quê đất nước, là tiếng lòng của một con người tha thiết yêu đời, yêu người: trích thơ.

Khổ 1 là cảnh thôn Vĩ và hi vọng hạnh phúc của thi nhân:

" Sao anh không về chơi thôn Vĩ?"

Câu thơ mở đầu khổ 1 là một câu hỏi tu từ phản phất chút tình riêng của thi nhân. Có lẽ đây vừa là lời trách móc nhẹ nhàng của người con gái thôn Vĩ vừa là lời tự vấn "sao không về thôn Vĩ" và là lời mời gọi tha thiết. Tác giả đã sử dụng từ ngữ rất tinh tế, không dùng "về thăm" nghe có vẻ xa lạ nhường nào mà dùng "về chơi" rất tự nhiên, chân tình. Dường như tác giả tự phân thân để bộc lộ lời nhắc nhở ấy ra bên người và cũng là niềm khao khát thôi thúc mãnh liệt từ trong nhà thơ. Đó là được trở về thăm thôn Vĩ - vùng quê ngoại thành Huế, có vẻ đẹp thanh tao, trầm lắng. Ta từng gặp hình ảnh thôn VD trong câu thơ của Bích Khê:

"VD thôn, VD thôn

Biết che cần trúc, không buồn mà say"

Đối với nhà thơ, VD thân quen đã trở thành mảnh đất thơ, mảnh đất tâm hồn mình cho nên câu mở đầu đã hé mở tình cảm của nhà thơ đối với người và cảnh nơi thôn Vĩ rất sâu nặng.

Sau câu hỏi mang nhiều sắc thái cảm xúc, nét đặc sắc riêng của thiên nhiên VD buổi sớm mai và người thôn Vĩ được mở ra trong tâm thức:

"Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc "

Câu thơ thứ hai xuất hiện từ "nắng" hai lần gợi liên tưởng đến tính chất nhiều nắng của miền Trung. Từ "nắng" đầu tiên được miêu tả là "nắng hàng cau", cau là cây cao nhất trong vườn nên sớm nhận được những tia nắng đầu tiên của một ngày. Vì thế, "nắng hàng cau" là nắng thanh tân, tinh khôi. Còn từ "nắng" trong "nắng mới lên" là hình ảnh nắng đầu tiên của một ngày mới mẻ, ấm áp. Không phải là nắng ban mai hay nắng mai... như cách nói thông thường. Từ "mới" tô đậm cái trong trẻo, tinh khiết của những tia nắng đầu tiên trong ngày. Đó là những tia nắng đầu tiên của một vùng quê mà trước đó nó chiếu vào những hàng cau làm cho hạt sương đêm còn đọng lại sáng bừng lên như những viên ngọc được đính trên chiếc áo choàng nhung xanh mướt. Từ "mướt" ánh lên vẻ mượt mà, óng ả, đầy sắc xuân, một màu xanh mỡ màng, tràn đầy nhựa sống. Thủ pháp gợi tả và so sánh vô cùng tinh tế của nhà thơ được thể hiện qua "xanh như ngọc" là màu xanh long lanh, ngời sáng. Sự so sánh độc đáo gợi đúng thần thái của một cảnh vườn thôn Vĩ từng quen nay thật tinh khôi, trong trẻo đến lạ.

Trong hoài niệm của nhà thơ,thiên nhiên thôn Vĩ đã đẹp bởi sự trù phú của cây cối thì giờ đây vẻ đẹp ấy được tôn lên hơn khi có sự xuất hiện của con người, hơn nữa đó lại là hình ảnh thấp thoáng của một giai nhân xứ Huế:

"Lá trúc che ngang mặt chữ điền."

Hình ảnh "mặt chữ điền" được xem là biểu tượng của khuôn mặt đẹp, phúc hậu. Ẩn mình sau nét đẹp ấy là chi tiết "lá trúc che ngang" gợi sự e ấp, kín đáo, dịu dàng của người con gái thôn Vĩ. Chỉ bằng nét cách điệu tài hoa, thi nhân đã gợi tả được vẻ đẹp hài hòa giữa con người và thiên nhiên xứ Huế với nhau trong một vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng bằng hai hình dạng đối lập giữa mặt chữ điền vuông vức với những lá trúc mảnh mai thanh nhã. Tóm lại, trong khổ 1 bức tranh thiên nhiên thôn Vĩ đẹp, tươi sáng, trong trẻo, gợi cảm và đầy sức sống.

Nếu ở khổ thơ đầu cho chúng ta ấn tượng về cảnh thôn Vĩ và hi vọng hạnh phúc của thi nhân thì khổ thơ thứ hai cho ta thấy được cảnh xứ Huế và dự cảm hạnh phúc chia xa của thi nhân:

"Gió theo lối gió, mây đườg mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay"

Một bức tranh không gian được mở rộng ra ngoài khung cảnh thôn Vĩ. Đó là trời, mây, sông nước xứ Huế. Thiên nhiên ban ngày xứ Huế hiện lên trữ tình, thơ mộng trong sự hài hòa, cân đối giữa "gió" và " mây", giữa "dòng nước" và "hoa bắp". Thế nhưng ta vẫn cảm nhận được nỗi buồn phảng phất, cô tịch. Cứ ngỡ gió và mây không thể tách rời, nhưng ở đây gió thổi một đằng, mây bay một nẻo, lạc điệu với nhau. Tác giả kết hợp cách ngắt nhịp 4/3 với hai vế tiểu đối gợi tả một không gian gió, mây chia lìa, đôi đường, đôi ngả như một nghịch cảnh đầy ám ảnh. Cảnh được nội tâm hóa, nhuốm màu chia xa. Nhà thơ đã nhân hóa dòng sông Hương thành một sinh thể có tâm trạng để giải bày tâm tư của chính mình. "Buồn thiu" – một nổi buồn nhẹ nhàng nhưng lại dai dẳng, nó len lỏi và thấm dần vào tâm hồn của thi nhân và lan sang cả những thứ vô tri vô giác: dòng nước, hoa bắp. Để rồi, dòng nước ấy lại trôi đi một cách lững lờ, hoa bắp kia lại lay động, đong đưa thật chậm, thật nhịp nhàng theo từng nhịp đưa của gió. Động từ "lay" tự nó không vui cũng không buồn nhưng trong hoàn cảnh này, nó gợi lên sự hiu hắt, thưa vắng. Dường như nỗi buồn của thi nhân hòa quyện dần vào nỗi buồn của thiên nhiên làm cho bức tranh thiên nhiên ảm đạm, nhuốm màu chia lìa, sự sống mệt mỏi và yếu ớt.

Đến hai câu thơ tiếp theo vẫn là dòng sông Hương, là Huế mộng mơ nhưng nó không còn nắng, không còn xanh của Vĩ Dạ mà trước mắt là không gian về đêm tràn ngập ánh trăng: sông trăng:

"Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?"

Trăng vốn là hình ảnh quen thuộc trong thơ HMT. Trăng là nơi để con người ta gửi gắm chút tình cảm, tâm tư sâu lắng thế nhưng ở đây là "sông trăng" là dòng sông chở đầy trăng. Dòng sông như dát bạc, ánh lên, lộng lẫy. Nếu "thuyền ai" gợi lên bao ngỡ ngàng, bâng khuâng, vừa quen, vừa lạ thì hình tượng sông trăng như một nét vẽ thơ mộng, chất chứa "linh hồn" của cảnh thiên nhiên xứ sở. Sự kết hợp này gợi nên một hình tượng thi vị, gợi tả vẻ đẹp lãng mạn, thơ mộng. "Thuyền", "bến", "trăng" là biểu tượng về người con trai, con gái và hạnh phúc lứa đôi. Trăng là nhân chứng cho đôi lứa nguyện thề. "Bến trăng" là bến bờ hạnh phúc. Liệu con thuyền tình yêu có vượt thời gian để kịp cập bến bờ hạnh phúc hay không? Câu hỏi chất chứa bao niềm khắc khoải, sự chờ đợi mòn mỏi tình yêu, hạnh phúc của thi nhân. Ẩn trong đó có sự mông lung, hồ nghi và thất vọng.

Với khổ thơ thứ hai mở ra cảnh xứ Huế và dự cảm hạnh phúc chia xa thì khổ ba là thiếu nữ Huế và sự tuyệt vọng của thi nhân:

"Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra"

Trước thực tại quá đớn đau nghiệt ngã thi nhân đành tìm niềm an ủi trong cõi mộng. Bao trùm khổ thơ thứ ba là một màu sắc hư vô. Tình yêu với con người và thiên nhiên xứ Huế sâu đậm, ám ảnh nhà thơ đến những giây phút cuối đời. Căn bệnh hiểm nghèo, quái ác đôi khi làm nhà thơ như không còn tỉnh táo, không phân biệt được đâu là hiện thực đâu là giấc mơ. "Khách đường xa" có thể là người đang sống ở VD cũng có thể chính là nhà thơ. Điệp từ "khách đường xa" lặp đi lặp lại hai lần bằng một giọng điệu tha thiết kết hợp với nhịp thơ 4/3 gợi lên khoảng cách xa xôi, sự cách trở. Còn "áo em" là áo của người con gái xứ Huế, có lẽ áo là áo của người thôn Vĩ. "Trắng quá nhìn không ra" – thi nhân đang sống trong ảo giác. Cho nên, có thể cho rằng đây là sự ngỡ ngàng của tác giả trong tình cảm của người con gái thôn Vĩ. Thiên nhiên nhường chỗ cho sự hiện diện của con người.

Câu 3,4:

"Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?"

Hai chữ "ở đây" chỉ khoảng cách xa xôi giữa Quy Nhơn và Huế. Sương khói cuộc đời đang giăng kín khiến nhà thơ cảm thấy đầy mặc cảm trước những cách trở, chia lìa của số phận. "Sương khói mờ nhân ảnh" thể hiện cảnh vật và con người trở nên mờ ảo chìm vào sương khói, nơi tác giả đang đắm chìm trong đau thương, tuyệt vọng đến cùng cực để rồi thốt lên một câu tự hỏi mà chẳng có câu trả lời "ai biết tình ai có đậm đà?". Một câu hỏi tu từ chứa đựng sự khắc khoải, khát khao tình yêu, hạnh phúc của chủ thể trữ tình. Cảnh vật càng lúc càng chìm dần vào cõi mộng. Thi nhân càng cảm nhận rõ nét khoảng cách xa xôi, hư ảo của tình yêu, hạnh phúc.

Về nghệ thuật, bài thơ được viết ở thể thơ thất ngôn và ngôn ngữ tinh tế, giàu liên tưởng làm cho bài thơ thêm sinh động. Bên cạnh đó, bài thơ có sự hòa điệu giữa nhiều bút pháp: tả thực, tượng trưng, lãng mạn, trữ tình. Cùng với các câu hỏi tu từ ở mỗi khổ thơ mang nỗi niềm da diết khắc khoải. Biện pháp tu từ nhân hóa, phép điệp, phép so sánh cùng nhịp điệu thơ không theo quy luật nào mà bị chi phối bởi mạch cảm xúc và nội tâm chính tác giả thể hiện sâu sắc nỗi lòng tác giả muốn gửi gắm.

Tóm lại, nếu hồn thơ Xuân Diệu là cái tình rạo rực dào dạt thì hồn thơ bút danh Hàn Mặc Tử lại là cái tình đau thương da diết. Cái hồn thơ ấy luôn khắc khoải trong ta một nỗi quan hoài khó phôi phai. Mà có lẽ hơn bao giờ hết hồn ta bị hồn thơ " Đây thôn vĩ dạ " làm cho ta nhớ mãi khôn nguôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro