Bài Làm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nhà phê bình văn học Hegel đã từng nói: "Thi ca là thứ nghệ thuật chung của tâm hồn đã trở nên tự do, không trói buộc vào nhận thức giác quan về vật chất bên ngoài. Thay vì thế nó diễn ra riêng tư trong không gian và thời gian bên trong cảm xúc, tâm hồn của tác giả". Đúng thế. Văn chương đích thực phải là thứ văn chương "chín đủ cảm xúc", cũng là văn học khi đọc lên mà ta như thấy được cả thế giới tâm hồn, tình cảm của người cầm bút. Nhất định phải là thứ văn thơ mà sau khi gấp lại, người đọc vẫn bân khuâng mãi khôn nguôi. Thi phẩm "Tự tình" (II) của Hồ Xuân Hương là một kiểu văn chương như thế. Nó khiến ta xúc động nghẹn ngào trước những tâm sự đắng cay của người phụ nữa Việt Nam thời phong kiến. Đồng thời, "Tự tình" còn khắc họa cuộc đời lận đận tình duyên của thi sĩ họ Hồ:
"Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn
Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đêm toạc chân mây đá mấy hòn
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con."

Tác phẩm "Tự tình" (II) thuộc chùm thơ "Tự tình" gồm ba bài của Hồ Xuân Hương. Đây là chùm thơ nữ sĩ viết để tự kể nỗi lòng, tâm tình của mình. Tác phẩm được viết bằng chữ Nôm, thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật nhằm bộc lộ tâm tình của tác giả một cách hàm súc, cô đọng. "Tự tình" (II) được sáng tác khi bà chúa thơ Nôm gặp phải những éo le, bất hạnh trong đường tình duyên. Bài thơ thể hiện thái độ, tâm trạng vừa đau đớn, vừa phẫn uất đã cố gắng vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch của Xuân Hương.

Mở đầu bài thơ là hình ảnh người phụ nữ không ngủ, ngồi một mình cô độc giữa đêm khuya:
"Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non."
Giữa đêm khuya, người phụ nữ thao thức không ngủ được và nàng nghe âm thanh tiếng trống canh dồn dập. "Đêm khuya" là hình ảnh thời gian con người dẹp những lo toan đời thường để có thể tự nhìn lại mình, nhưng người phụ nữ lại thổn thức lo âu. Từ láy "văng vẳng" khắc họa âm thanh từ xa vọng lại của trống canh. Với biện pháp lấy động tả tĩnh, độc giả cảm nhận được không gian đêm khuya tĩnh lặng, im lìm và người phụ nữ thật cô đơn. Ở "Tự tình" (I), hình ảnh "Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom" đã buồn, thì ở bài thơ "Tự tình" (II), sự gấp gáp, liên hồi của tiếng trống vừa là sự cảm nhận, vừa thể hiện bước đi dồn dập của thời gian và sự rối bời của tâm trạng. Trước không gian hoang vắng, thời gian nghiệt ngã trôi đi, nữ sĩ nhận ra tình cảnh cô đơn, trơ trọi của mình. Hình ảnh "hồng nhan"-một người phụ nữ đẹp và tài năng lại kết hợp với từ "cái" tạo nên một sự mỉa mai, không có giá trị. Càng ý thức được giá trị nhân cách của mình bao nhiêu thì nữ sĩ càng cay đắng chua chát về thân phận bấy nhiêu. Nhà thơ sử dụng biện pháp đảo ngữ từ "trơ" để lên đầu nhấn mạnh nỗi lòng lẻ loi, cô độc. Nhịp thơ 1/3/3 "Trơ/cái hồng nhan/với nước non" như đay nghiến, mỉa mai cho số phận hẩm hiu, bẽ bàng. Đặt "cái hồng nhan" bên cạnh "nước non" ta phần nào thấy được sự đối lập giữa một bên nhỏ bé, một bên bao la rộng lớn; một bên yếu ớt, một bên bao phủ choáng ngợp bốn phương. Tuy nhiên, sự đối lập ở đây không những không làm hình ảnh hồng nhan bị che khuất, bị lu mờ mà trái lại, nó càng tô đậm cho mối sầu vạn kỉ, mệt mỏi. Chữ "trơ" còn hàm chứa trong đó sự thách thức. Ta bắt gặp chữ "trơ" trong thơ Bà Huyện Thanh Quan: "Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt" (Thăng Long thành hoài cổ). Đó là sự bướng bỉnh, ngang sức ngang tàng với cuộc đời, với nước non. Đó chính là bản lĩnh của người phụ nữ họ Hồ.

Trong hoàn cảnh khổ đau, kiếp người đó tưởng như đã hóa đá, nhưng thẩm sâu trong trái tim con người ấy là một tâm trạng bồn chồn không yên:
"Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn."
Càng tìm kiếm điểm tựa, sự đồng cảm thì càng thất vọng. Như thách thức số phận, nữ sĩ muốn mượn rượu giải sầu. Cụm từ "say lại tỉnh" như một vòng luẩn quẩn không lối thoát của tâm trạng. Chẳng biết tình yêu mà nhà thơ nhận được bao nhiêu mà giờ đây hương tình lẫn men rượu hòa quyện vào nhau, khiến người con gái lúc tỉnh lúc say. Rốt cuộc là say tình hay say rượu? Là tỉnh, hay mê? Cuộc đời người phụ nữ chỉ chìm đắm trong chuỗi ngày tẻ nhạt cùng với tâm trạng u uất. Chợt ta nhớ đến Thúy Kiều đáng thương, nàng cũng từng bị giam cầm trong chuỗi thời gian vô vị đó:
"Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng."
(Truyện Kiều)
Hai con người ấy, hai thân phận khác nhau nhưng cùng chung một số phận, một hoàn cảnh. Mong muốn tìm được chút niềm an ủi từ thiên nhiên cảnh vật, nhà thơ đã tìm đến ánh trăng - người bạn muôn thuở của thi nhân. Hình ảnh "vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn" có lẽ là hình ảnh ẩn dụ hơn là hình ảnh tả thực. Trăng thường gợi tả kỉ niệm, gợi sự viên mãn chả hạnh phúc lứa đôi, bao cuộc tình thủy chung nồng thắm đều diễn ra dưới án trăng:
"Vầng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai miệng một lời song song."
(Truyện Kiều)
Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình ở câu thơ tạo nên sự đồng cảm giữa con người với thiên nhiên. Tuổi xuân của con người trôi qua nhưng tình duyên không trọn vẹn cũng như ánh trăng sắp tàn mà vẫn chưa tròn đầy. Thế mới nói, mượn rượu tiêu sầu, sầu thêm sầu; mượn cảnh tả tình, tình càng đau. Có lẽ, đó chính là tâm trạng của Xuân Hương lúc bấy giờ.

Sự đau khổ càng khiến cho nữ sĩ càng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết:
"Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn."
Cảnh tượng thiên nhiên được miêu tả rất sinh động. Những sinh vật nhỏ bé như "rêu" cũng không chịu mềm yếu, khuất phục mà phải "xiên ngang mặt đất" trỗi dậy mạnh mẽ. Hình ảnh "đá" vốn đã rắn chắc nay còn cứng cỏi hơn khi đang nhô lên để xé rách bầu trời. Hai câu thơ đã được tác giả sử dụng biện pháp đảo ngữ đưa "xiên ngang, đâm toạc" lên đầu câu nhằm nhấn mạnh trạng thái của thiên nhiên cũng như tâm trạng phẫn uất của con người. Các động từ mạnh "xiên ngang, đâm toạc" được tác giả sử dụng đã khắc họa sự bướng bỉnh, ngang ngạch muốn vạch trời vạch đất để hờn oán. Thiên nhiên ấy đã miêu tả rất rõ tâm trạng của Bà Chúa thơ Nôm, nó có nét tương đồng với thiên nhiên trong thơ Nguyễn Du:
"Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ."
(Truyện Kiều)
Đấy không chỉ là phẫn uất mà còn là phản kháng không chịu khuất phục trước số phận đau khổ, muốn vươn lên bằng chính sức sống của mình. Đằng sau sự phản kháng mạnh mẽ ấy là khát khao sống, khát khao hạnh phúc lứa đôi mãnh liệt của nữ sĩ. Người đọc thật sự khâm phục trước bản lĩnh cứng cỏi, không chịu đầu hàng số phận của con người phụ nữ cá tính này.

Phẫn uất trước duyên phận, nàng cố gắng vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch:
"Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con."
Hồ Xuân Hương đã bộc bạch nỗi cay đắng của đời người. Nàng đã phát ngán với vòng xoáy của số phận, mùa xuân của vũ trụ sẽ tuần hoàn. Nhưng khi "mùa xuân" tươi đẹp đến cũng là lúc tuổi xuân của con người bị mất đi, nhan sắc cũng tàn phai theo. Cụm từ "lại lại" như một sự thở dài ngao ngán trước sự trôi chảy tàn nhẫn của thời gian. Với biện pháp tăng tiến theo chiều giảm dần "mảnh-san sẻ-tí-con con", Xuân Hương đã nhấn mạnh cái bi kịch xót xa của nữ sĩ và cảm thương cho con người tài hoa bạc mệnh. Tình yêu của nàng vốn dĩ mỏng manh, bé nhỏ, không phải là "khối tình" mà là "mảnh tình", thế còn phải "san sẻ", chia năm sẻ bảy thật tội nghiệp. Bởi vậy mà nó chỉ còn lại "tí con con". Cũng chính vì thế, nữ sĩ họ Hồ cũng từng đau đớn:
"Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng,
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung."
(Làm Lẽ)
Cũng như Xuân Hương, Xuân Diệu - ông hoàng thơ tình chẳng hào hứng gì với mùa xuân:
"Hỡi xuân hồng: ta muốn cắn vào ngươi."
(Vội Vàng)
Cả Xuân Diệu lẫn Xuân Hương đều khát khao một tình yêu trọn vẹn nhưng tình yêu của Xuân Hương là tình yêu lứa đôi, đòi hỏi tình cảm của đối phương. Còn Xuân Diệu là tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, ông muốn hưởng thụ tình yêu của mình bất kỳ lúc nào cũng được. Bởi thế, Xuân Hương đã liên tục rơi vào cảnh buồn tủi, bẽ bàng khi không đạt được thứ mình muốn. Bài thơ khép lại vẫn còn dư âm xao xuyến về kiếp người tài hoa bạc mệnh, đường tình duyên trắc trở của thi sĩ. Sau tiếng thở dài ngao ngán ấy là niềm ao ước mãnh liệt của nhân vật trữ tình về tình yêu và hạnh phúc. Đó cũng chính là vẻ đẹp của Hồ Xuân Hương. Nữ sĩ càng là đại diện cho thân phận người phụ nữ lận đận, đáng thương ở xã hội bất bình đẳng xưa kia.

Với ngôn ngữ thơ Nôm giản dị, tự nhiên nhưng cũng sắc nhọn, với các biện pháp nghệ thuật đảo ngữ, đối lập, dùng động từ mạnh, tăng tiến,... tác giả thể hiện tâm trạng vừa đau đớn, vừa phẫn uất trước duyên phận, nhưng vẫn cố gắng vươn lên với khao khát sống, khao khát hạnh phúc mãnh liệt nhưng vẫn rơi vào bi kịch.

Tóm lại, độc giả không chỉ cảm thông, trân trọng trước một cuộc đời, một bi kịch, một tâm hồn nhiều khao khát mà còn ao ước về một sự đổi thay để có thể đem đến hạnh phúc cho Hồ Xuân Hương nói riêng và cho người phụ nữ thời xưa nói chung. Vượt qua ý nghĩa là một bài thơ giãi bày tâm sự, "Tự tình" (II) của Hồ Xuân Hương đã trở thành một thi phẩm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ánh sáng lan tỏa từ khát khao hạnh phúc đến khát khao sống tự do của Hồ Xuân Hương sẽ len lỏi đến trái tim độc giả muôn đời.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro