Phân tích chiều tối

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

   Nguyễn Đình Thi đã từng nhận định rằng: "Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của con người khi đụng chạm vào cuộc sống". Bao giờ cũng thế, người nghệ sĩ dường như đã được phú cho cái thiêng lương cao đẹp là niềm rung cảm mãnh liệt trước những biến thái của cuộc đời để rồi từ đó, chuyển được nhịp đàn muôn điệu ấy vào thi ca. Hồ Chí Minh đến với thơ ca cũng vậy, đặc biệt qua bài thơ "Chiều tối" đã cho ta thấy tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống,‎ ý chí vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt đầy phi thường của Người.

     Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc đồng thời là một nhà văn hóa kiệt xuất, nhà văn, nhà thơ với nhiều tác phẩm có giá trị. Sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước nên ngay từ độ hoa niên, Hồ chủ tịch đã nung đúc quyết tâm vượt vạn dặm trùng dương để tìm đường cứu nước, trải nghiệm những nền văn minh mới và nhận thức xu thế phát triển của lịch sử. Cũng vì lẽ đó mà nổi bật trong thơ Người là sự thấm đượm tinh thần hiện đại hòa điệu với màu sắc cổ điển sẵn có, được truyền tải bằng ngôn ngữ thơ giản dị. "Mộ" được Bác lấy cảm hứng từ khung cảnh miền sơn cước vào một buổi chiều trên đường chuyển lao từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo cuối tháng 10 năm 1942. Được coi là một trong những thi phẩm đặc sắc trích từ tập "Ngục trung nhật kí", bài thơ góp phần làm nổi bật cốt cách "đại trí, đại nhân, đại dũng" của người tù cách mạng.

Mặc dù vướng vào hoàn cảnh tù đày vô lý, người chiến sĩ Cách mạng vẫn đặt điểm nhìn hướng lên dõi theo bầu trời tự do phiêu bồng:

"Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không"

Sử dụng bút pháp lấy điểm tả diện và cấu trúc đăng đối, bức tranh thiên nhiên hiện lên với hai thi liệu cánh chim và áng mây mang màu sắc cổ thi rõ nét, tạo nên bầu không gian khoáng đãng, cao rộng. Trong bài thơ "Độc tọa Kính Đình san" Lý Bạch đã từng viết rằng:

"Chúng điểu cao phi tận

Cô vân độc khứ nhàn"

Nếu như trong thơ cổ, cánh chim thường bay về chốn vô định phiêu dạt thì cánh chim trong thơ Bác lại hướng mình về tổ ấm. Câu thơ kết hợp giữ bút pháp tả thực và ước lệ tạo nên sự dung hợp hai tuyến thời gian thực tại và tâm lý của buổi chiều, báo hiệu cho thời khắc nghỉ ngơi của vạn vật trái ngược với hoàn cảnh cất bước đường xa, "năm mươi ba cây số một ngày" của người tù. Vô hình trung, hình ảnh thơ có phần ẩn dụ cho nỗi nhớ quê hương, mong ước đoàn viên của Bác. Cái hay nằm ở chỗ, phải nhạy cảm đến nhường nào mới nhìn thấu sự vận động nội tại, mường tượng được trong dáng bay có sự mỏi mệt? Tương tự như thế với khách thể "cô vân", giữa những nét vẽ ngoại cảnh xuất thần, ta bỗng thấy một thoáng hiện hữu của tâm cảnh trong thơ Bác. Có thể nói rằng, hội tụ thẳm sâu trong người nghệ sĩ không chỉ là biệt tài dùng chữ, làm chữ, mà còn là cái tâm, là đầu óc quan sát tinh tế, là nêm nếm gia vị làm sao cho món ăn tinh thần của mình vừa phải nhất. Đến đây, ta lại càng nể phục tình yêu thiên nhiên, vạn vật tha thiết và nghị lực phi thường của chủ tịch Hồ Chí Minh. So sánh với bản dịch thơ của Nam Trân, ta thấy rằng từ "cô" đã bị bỏ qua cũng như "mạn mạn" không được dịch sát nghĩa làm phần nào hao hút tính tưng phản giữa điệu bộ khoan thai của chòm mây với trạng thái chuyển lao gấp bước. Tuy nhiên, không thể phủ nhận cụm từ "trôi nhẹ" đã làm bật lên nét thư thái, nhàn tản như chính tâm hồn Người bị giải tù mà như đang thưởng ngoạn cảnh trời chiều, thể hiên rõ nét tinh thần thép của vị lãnh tụ.

Nhìn chung, cảnh chiều tà nơi vùng sơn cước thoáng gợi lên cái bâng khuâng man mác trong lòng người đọc nhưng sự biến chuyển của hai câu sau nhanh chóng xóa đi cái hiu hắt vốn có của núi rừng.

"Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng"

Ngòi bút chỉ có thể cất lên một cách đẹp đẽ nhất, lộng lẫy nhất khi nhà thơ đem cái lòng yêu phổ vào cảnh vật, phổ vào sự sống. Ở đây, có thể nói thời gian và không gian là những chi tiết phụ trợ, xoay quanh cái trục chính là tình yêu con người. Khác hoàn toàn với thơ xưa khi hình ảnh người phụ nữ thường chịu sự chi phối của ngoại cảnh, cô thiếu nữ thôn quê hiện lên là trung tâm của bức tranh cảnh vật như thổi vào ý thơ luồng gió hiện đại. Càng đặc biệt hơn khi cũng như nhiều bài thơ khác của tác giả, Người thường hướng điểm nhìn về nhân loại cần lao, cụ thể trong bài thơ là trạng thái xay ngô vất vả mà tràn đầy sức sống của người con gái. Đó chính vừa là động lực, vừa là mục đích cho sự nghiệp CM, là niềm yêu nung nấu ý chí nội tại của Bác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuyển được nhịp chảy trôi của thời gian vào âm hưởng bài thơ bằng sức mạnh lạ lùng của chữ nghĩa mà ở đây là điệp ngữ vòng "ma bao túc" và "bao túc ma". Dù không hề sử dụng từ ngữ chỉ thời gian nhưng nó vẫn hiện lên rõ nét trong thơ Bác nên có thể nhận thấy rằng bản dịch đã phần nào làm mất đi sự thi vị, độc đáo. Đó là sự chuyển dời từ buổi chiều sang tối, sự vận động từ bóng tối ra ánh sáng theo từng vòng quay đều đặn của cối xoay ngô mà nhịp điệu từ phép điệp gợi ra để rồi khi vòng quay vừa chấm dứt thì lò than cũng rực hồng.

Chữ "hồng" là một điểm sáng nghệ thuật đem lại giá trị thẩm mĩ cao được xem là "nhãn tự" của toàn bài thơ. Ánh lửa hồng xuất hiện bất ngờ không chỉ thắp lại sinh khí cho bóng đêm lạnh lẽo, tối tăm mà còn cháy lên niềm tin, hi vọng về tương lai tươi sáng hơn. Phải chăng Bác đang khẳng định chỉ có con người mới tạo nên sự thay đổi kì diệu đến thế, khiến người đọc cảm nhận ánh hồng không chỉ được tỏa ra từ bếp lửa mà còn tỏa ra từ tấm lòng nhân hậu thấu suốt của người tù cách mạng. Ngọn lửa ấy đã làm bừng sáng chất thép và chất tình trong thơ Hồ Chí Minh, đó là sự hòa quyện lạ thường của những tình cảm lớn lao, của niềm tin và nghị lực đáng khinh ngạc như Hoàng Trung Thông từng viết rằng:

"Vần thơ của Bác, vần thơ thép

Mà vẫn mênh mông bát ngát tình"

"Mộ" là bức tranh núi rừng phản ánh rõ nét tình yêu Bác dành cho thiên nhiên và con người cũng như là chất tình và chất thép, tinh thần lạc quân, nhân ái của vị lãnh tụ. Tất cả tinh túy ấy được thể hiện qua sự hòa quyện giữa cổ điển và hiện đại, hình ảnh thơ giàu sức gợi, từ ngữ cô đọng và quan niệm thẩm mỹ hiện đại, một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của Bác với nền thi ca Việt Nam.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#văn11