KHỔ 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

PHÂN TÍCH KHỔ 1 TÂY TIẾN

"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

...Mai Châu mùa em thơm nếp xôi."

Cảm xúc chủ đạo của toàn bài thơ chính là nỗi nhớ của Quang Dũng. Hình ảnh dòng sông Mã là điểm khởi đầu của toàn bài thơ Tây Tiến. Có lẽ khi ngắm nhìn con sông Đáy tại Phù Lu Chanh, tác giả đã bất chợt nhớ về con sông Mã. Đó là sự kết hợp của dòng sông hiện tại và dòng sông trong kí ức của ông. Sông Mã như một người bạn thủy chung đã đồng hành, gắn bó cùng đoàn quân trên những chặng đường hành quân gian khổ. Nó đã chứng kiến, chia sẻ những mất mát, đau thương, niềm vui, hạnh phúc cùng với những người lính. Hơn hết, sông Mã không chỉ là chứng nhân lịch sử, mà đối với Quang Dũng nó còn là biểu tượng của tình yêu dành cho quê hương đất nước. Rồi nhà thơ lại chợt bồi hồi, luyến tiếc trước sự "xa rồi" giữa mình và trung đoàn Tây Tiến. "Xa rồi" không chỉ thể hiện sự xa cách về địa lý mà còn là khoảng cách giữa hiện tại và quá khứ. Nhà thơ nhớ lắm, nhớ về những chặn đường hành quân, về khung cảnh nơi núi rừng Tây Bắc và tình quân dân đầy ấm áp. Chính những nỗi nhớ trào dâng, không kiềm nén được mà tiếng gọi "Tây Tiến ơi!" được bật lên một cách thân thương như một phản xạ tự nhiên. Tây Tiến ở đây không chỉ riêng về địa danh mà là danh từ chung để chỉ đoàn quân Tây Tiến. Câu thơ như là một tiếng gọi chân thành trìu mến xuất phát từ chính trái tim và tâm hồn của người thi sĩ. Người đọc có thể cảm giác được như chính QD đang gọi Tây Tiến như một người bạn tri âm tri kỉ của mình. Câu thơ đầu tiên đã khơi gợi nên mạch nguồn cảm xúc cho toàn bộ bài thơ, nỗi lòng thương nhớ Tây Tiến không thể che giấu được của người thi sĩ, đó cũng chính là ngôn ngữ đặc biệt của trái tim.

Để diễn tả nỗi nhớ thiết tha của chính mình, QD đã sử dụng điệp từ "nhớ" kết hợp cùng từ láy "chơi vơi" và vần "ơi" ở câu thơ đầu để nhấn mạnh nỗi nhớ về núi rừng Tây Bắc. Khung cảnh rừng núi miền Tây hiện ra cùng với nỗi nhớ cồn cào chất chứa của QD đã bao trùm cả không gian lẫn thời gian. QD nhớ về "Sài Khao", "Mường Lát", "Pha Luông", "Mường Hịch", "Mai Châu" là những địa danh tưởng chừng như xa xôi hẻo lánh với người đọc nhưng đó lại là nơi vô cùng quen thuộc đã gắn bó sâu nặng với tác giả. Với bút pháp hiện thực, Sài Khao đã hiện lên trước mắt người đọc với khung cảnh sương mù giăng lối mờ ảo. Tuy rằng với địa hình hiểm trở của vùng núi cùng với sương dày xuất hiện sẽ làm con đường trên vùng núi Tây Bắc nguy hiểm hơn nhưng đó cũng là một lợi thế để đoàn quân Tây Tiến lúc ẩn lúc hiện hành quân trong màn sương để tránh bị kẻ địch phát hiện. Cũng miêu tả về sương, tác phẩm "Tiếng hát con tàu" của Chế Lan Viên cũng có viết:

"Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ

Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?

Khi ta ở, chi là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!"

Con đường hành quân vất vả gian lao, những người lính đầy mỏi mệt nhưng họ vẫn tiếp tục hành quân cùng với ý chí vững vàng. Dù cho có khó khăn thế nào cũng không thể làm lung lay được tinh thần của những người bộ đội cụ Hồ. Những bó đuốc giúp người lính soi sáng con đường hành quân, qua ngòi bút của tác giả nó đã trở thành một khung cảnh lãng mạn "hoa về trong đêm hơi". Ánh lửa rực rỡ từ những bó đuốc như những bông hoa khiến cho người đọc liên tưởng được khung cảnh nhẹ nhàng thơ mộng, lung linh huyền ảo trong màn sương mờ. Nó cũng soi sáng cho ước mơ của những người lính Tây Tiến về một tương lai tương sáng, mượn gió của hoa thổi vào đó niềm hi vọng về một ngày đất nước ta được độc lập và tự do.

"Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi"

QD đã vẽ lại bức tranh về địa hình vùng núi miền Tây đầy khó khăn nguy hiểm. Địa hình vừa "dốc" lại vừa "ngàn thước", đường hành quân của những người lính vô cùng hiểm trở. Cùng với từ láy "khúc khuỷu", "thăm thẳm" đã cho độc giả cảm nhận được sự quanh co, gập gềnh, trắc trở. Tác giả đã khéo léo đảo ngữ câu thơ "heo hút cồn mây" để nhấn mạnh độ cao, sự cô đơn quạnh vắng nơi núi rừng. Hình ảnh đối lập trong câu thơ "ngàn thước lên cao" và "ngàn thước xuống" bằng thanh trắc đã thể hiện rất rõ ràng độ nguy hiểm nơi núi rừng Tây Bắc, chỉ cần sơ suất một chút thôi thì sinh mạng của những người lính có thể bị cướp đi bất cứ lúc nào. Câu thơ chỉ có bảy chữ thôi nhưng chiếm trong đó là năm thanh trắc, gợi lên cảm giác con đường hành quân của người lính đầy sự gian lao và khó khăn. Họ vừa phải chiến đấu với giặc, vừa phải cẩn thận khi vượt đèo qua dốc. Những người chiến sĩ đai trên lưng là cây súng hướng về phía bầu trời mà qua cách nói dí dỏm tinh nghịch của QD đã trở thành hình ảnh "súng ngửi trời". Tác phẩm "Đồng chí" của Chính Hữu cũng từng có hình ảnh tương tự:

"Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo."

Sau những câu thơ nặng nề mệt nhọc, câu thơ tiếp theo lại được viết bằng toàn bộ thanh bằng:

"Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi"

Những trận mưa miên man nơi Pha Luông như một sự giải tỏa khỏi sự ngột ngạt của những câu thơ trước. Người lính Tây Tiến sau những chặng đường hành quân như đang dừng chân ở đâu đó, nhìn ngắm núi rừng chìm trong mưa. Hình ảnh những ngôi nhà thấp thoáng mơ hồ dưới cơn mưa lại tạo một cảm giác sâu lắng trong lòng người đọc. Cả câu thơ chỉ có duy nhất một từ "nhà" mang thanh huyền như một thoáng trầm lắng, suy tư của những chàng trai chiến sĩ. Khiến cho lòng những người lính trào dâng nỗi nhớ nhung xao xuyến về quê hương và những ngôi nhà nơi có gia đình đang chờ đợi họ trở về. Đó cũng chính là thứ đã tiếp thêm sức mạnh cho những người lính vững vàng ý chí hành quân.

Nỗi nhớ về đồng đội và tình quân dân ấm áp đã được tác giả khắc họa qua bốn câu thơ tiếp theo:

"Anh bạn dãi dầu không bước nữa

...Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu ngươi"

Hình ảnh những anh chiến sĩ hiện lên trong đoạn thơ đã khiến cho người đọc phải nể phục. Những cuộc hành quân vẫn tiếp tục diễn ra, dù mỏi mệt gian lao đến thế nào thì người lính vẫn phải tiếp tục bước đi. Nhưng đôi khi mỏi mệt quá, họ buộc phải dừng chân lại trong phút chốc vì đã vượt quá sức chịu đựng của con người. Và cũng tiếc thương thay, khi những người bộ đội cụ Hồ đã phải nằm xuống và hi sinh, chẳng thể bước tiếp cùng đồng đội của mình. Thế nhưng tư thế của các anh không mang nét bi thương mà lại vô cùng hùng dũng. Các anh gục trên súng và mũ, những thứ đã đồng hành cùng anh trong suốt cuộc đời kháng chiến, là những thứ mà các anh đã dùng để bảo vệ non sông đất nước. Với các anh, đó là một niềm tự hào về sứ mệnh thiêng liêng của mình. QD đã làm giảm đi sự mất mát đau thương về sự ra đi của những người lính, ông không sử dụng từ "chết" mà dùng "bỏ quên đời". Cái chết này không phải điều gì quá to tát với các anh, bởi trước mắt các anh là quê hương Tổ quốc, sau lưng các anh là gia đình người thân. Có những thứ quan trọng hơn cần các anh bảo vệ chứ không phải là sinh mạng của mình. Mà đôi khi, "bỏ quên đời" cũng chỉ là những giấc ngủ vội vàng không an giấc, để có thể tiếp thêm năng lượng cho những chặng đường kế tiếp của những lính. Chính cách diễn tả này của QD đã làm cho hình ảnh những người lính càng thêm anh hùng và cao cả.

Trên con đường hành quân của những người lính, hiểm nguy không chỉ có trong địa hình mà còn có ở cả thiên nhiên và sinh vật nơi chốn rừng thiên nước độc. "Chiều chiều" và "đêm đêm" chính là hai khoảng thời gian bộc lộ rõ nhất sự đáng sợ và nguy hiểm nơi núi rừng. Nó là khung cảnh diễn ra hằng ngày, với tiếng thác gào thét và cọp trêu người luôn xuất hiện một cách rất thường xuyên. Nhưng với lối hành văn dí dỏm của QD, hình ảnh cọp ở Mường Hịch không đáng sợ mà nó chỉ là đang trêu đùa và thử thách sự gan dạ những người lính làm giảm nhẹ đi sự nặng nề cho cả đoạn thơ. Núi rừng nguyên sơ tiềm tàn biết bao ẩn chứa về sự bí mật và khắc nghiệt mà có lẽ những con người bình thường sẽ bị dọa sợ. Nhưng với những người lính Tây Tiến thì không như thế, họ vẫn mạnh mẽ với tinh thần thép, ngang tàn hành quân qua núi rừng hiểm nguy.

"Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"

Với QD, nỗi nhớ về Tây Tiến vẫn luôn âm ỉ trong trái tim ông, để rồi câu thơ tiếp theo ông lại thốt lên "nhớ ôi Tây Tiến". Chỉ với bốn từ, nó đã thể hiện được tình cảm dạt dào trào dâng của nhà thơ đối với những người đồng đội cũ như để nói lên nỗi nhớ về những ngày cùng nhau đồng hành vượt qua khó khăn, những ngày dừng chân vì mỏi mệt ở những bản làng mà được những người dân nơi đó tiếp tế lương thực. Thương cho các anh chiến sĩ vì bảo vệ cuộc sống cho đồng bào mà chịu đói chịu khát, những con người nơi bản làng đã gửi đến tay các anh những món "cơm lên khói" và "thơm nếp xôi". Tuy rằng chẳng phải sơn hào hải vị, nhưng nó đã giúp cho các anh được ấm bụng và có thêm sức lực để tiếp tục nhiệm vụ của mình. Qua đó ta mới thấy được tình quân dân thật ấm áp và keo sơ giữa những anh bộ đội cụ Hồ và người dân Tây Bắc. QD đã gửi gắm vào trong câu thơ tình thương chứa chan gần gũi qua cụm từ " mùa em". Nghĩa tình sâu nặng mà người dân thân yêu đã dành cho đoàn quân sẽ mãi là kí ức xinh đẹp mãi khắc sâu trong tâm hồn của QD nói riêng và những người lính nói chung.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro