Tâm trạng Kiều trong 14 câu đầu bài "Trao duyên"

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

  Định mệnh có thể khiến con người ta trải qua luân hồi cách biệt, song thời gian không thể làm phai đi vết tích của những tác phẩm nghệ thuật mang giá trị vĩnh hằng. Sự trường tồn của tên tuổi đại thi hào Nguyễn Du và tuyệt tác văn học "Truyên Kiều" cùng với non sông nước Việt là minh chứng bất diệt cho nhận định đó. Truyện Kiều không chỉ hay về nội dung mà còn đặc sắc về nghệ thuật. Nổi bật trong đó là nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật đạt đến đỉnh cao được thể hiện qua mười bốn câu thơ đầu đoạn trích "Trao duyên". Bài thơ là lời tâm sự, gửi gắm, là nỗi lòng đau xót của Thúy Kiều khi phải trao mối tình mặn nồng giữa nàng và Kim Trọng lại cho Thúy Vân. Từng lời thơ như thấm đầy lệ làm vương vấn lòng ta:

"Cậy em em có chịu lời

...........................................

Duyên này thì giữ vật này của chung."

  "Trao duyên" là một trong những đoạn thơ cảm động nhất Truyện Kiều. Bi kịch về tình yêu tan vỡ và bi kịch cuộc đời mỏng manh của Kiều đã được ngòi bút Nguyễn Du miêu tả qua hình thái ngôn ngữ nghệ thuật đặc sắc. Sau khi Kim Trọng về quê chịu tang chú, gia đình Kiều bị oan, cha và em nàng bị bắt. Để cứu người thân khỏi những đòn roi tra tấn dã man, Kiều quyết định bán mình cho Mã giám sinh là vợ lẽ. Đêm cuối cùng trước ngày ra đi theo Mã giám sinh, Kiều nhờ Thúy Vân thay mình trả nghĩa, lấy Kim Trọng...

 Thúy Kiều mở lời nhờ cậy em một cách từ tốn trang trọng và không kém phần khéo léo, tinh tế, sắc sảo:

"Cậy em em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa."

 Qua hai câu thơ trên, ta có thể thấy Nguyễn Du là bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ. Trong dãy từ miêu tả khái niệm nhờ, người thi nhân tài hoa ấy đã dùng từ "cậy" - tuyệt vời và chính xác. Từ "cậy" ở đây hàm chứa sự tin tưởng tuyệt đối mà người được "cậy" khó lòng từ chối. Kiều đặt hết niềm kì vọng của nàng vào Thúy Vân, và Thúy Vân buộc phải "chịu lời", phải chấp nhận. Kiều muốn Vân biết rằng em chính là chỗ bấu víu, trông cậy duy nhất của chị. Cũng chính vì thế, thay bằng lối giao tiếp thông thường, Kiều quỳ xuống lạy em như lạy một ân nhân cứu mạng của đời mình. "Lạy rồi sẽ thưa" - lời nàng nói ra trang nghiêm, kính trọng như dành cho bậc trưởng bối. Ở đời, không có người chị nào lại nói với em mình bằng những từ ngữ tôn kính chỉ dùng với bề trên như "thưa, lạy". Thế nhưng, Kiều đã đặt Vân ở bối phận cao hơn, nàng hạ mình cầu xin đứa em gái ruột bởi nàng hiểu điều mình sắp nói ra đây là rất khó khăn với Vân và cũng là một việc vô cùng tế nhị:

"Giữa đường đứt gánh tương tư

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em".

 "Gánh tương tư" là của chị, tình yêu sâu nặng là của chị nhưng nay đã "giữa đường đứt gánh" rồi còn đâu. Mối tình đầu đẹp đẽ giờ đây đối với Kiều chỉ như ảo mộng xa vời. Kiều ray rứt, đau khổ khi em Vân còn trẻ tuổi chưa biết đến tình yêu nhưng phải thay mình đáp nghĩa Kim Trọng. Rồi đây, Thúy Vân sẽ phải chấp nhận lấy người mình không yêu; tình yêu ấy có thể đẹp với chị nhưng trao cho em thì nó đã trở thành "mối tơ thừa". Hai chữ "tơ thừa" như xát muối vào nỗi đau đớn của Thúy Kiều nhưng đồng thời cũng cho thấy sự tội nghiệp của nàng Vân. "Mặc em" không phải là mặc kệ, không quan tâm em, mặc cho ra sao thì ra mà đây chính là Kiều muốn phó thác, giao phó trách nhiệm cho Thúy Vân, tin tưởng tuyệt đối sự cậy nhờ của mình nơi Vân.

 Sau những lời nhờ cậy chân thành tha thiết, Kiều tâm sự với Vân về những kỉ niệm giữa nàng với Kim Trọng:

"Kể từ khi gặp chàng Kim

Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề".

 Từ "khi" được lặp lại ba lần như một ngụ ý rằng tình cảm mà Kiều dành cho Kim Trọng là tình yêu thắm thiết sâu sắc chứ không phải tình cảm một sớm một chiều. Những kỉ niệm đẹp giữa hai người như sống lại trong câu thơ "Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề". Kỉ niệm ấy hiện ra ngọt ngào chân thực như vừa mới hôm qua, mà chỉ mai đây thôi, nàng sẽ phải chôn vùi nó trong dĩ vàng hồi ức, nhường chỗ cho những truân chuyên trắc trở trong cuộc đời:

"Sự đâu sóng gió bất kì

Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai."

 "Sóng gió bất kì" nổi lên từ câu đòi hỏi "Có ba trăm lạng việc này mới xong" của tên quan xử kiện. Là người chị cả, Kiều phải hi sinh thân mình để gia đình được êm ấm.

 Người ta thường nói, khi đặt con người vào thế cảnh hiếu - tình là một vị trí khó khăn trăm vạn. Tuy nhiên, công đức sinh thành của bậc cha mẹ luôn là cao cả nhất. Thế nên dù tình yêu kia có sâu nặng đến nhường nào cũng phải lặng lẽ cúi đầu trước nghĩa phụ mẫu. Và nàng Kiều của Nguyễn Du cũng chọn chữ "hiếu" lớn lao ấy. Nàng đã bán mình để tạm tròn chữ hiếu mà dang dở chữ tình, nàng thấy kẻ phụ bạc là mình vô cùng có lỗi với Kim Trọng. Ở đời, duyên và phận là hai từ khóa gắn liền với nhau. Duyên là một thứ để cho ta gặp gỡ và yêu nhau, nếu may mắn hơn có phận thì sẽ cùng nhau đi đến trọn đời. Cái duyên cái phận ấy do chính ông Tơ bà Nguyệt dệt nên, nhưng trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du thì không phải vậy. Chính Kiều đã đoạt lấy cái quyền thiêng liêng ấy để nối sợi tơ duyên của mình cho người em. Nàng và Kim Trọng có duyên nhưng chẳng phận, thế nên để viết tiếp chữ phận cùng chàng, để hiếu - tình hai về vẹn hai, Kiều đã trao duyên cho Thúy Vân. Kiều dùng hết lí lẽ và cả sự tỉnh táo của lí trí, thậm chí lấy cái chết của mình ra để thuyết phục Vân:

"Ngày xuân em hãy còn dài

Xót tình máu mủ thay lời nước non.

Chị dù thịt nát xương mòn

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây."

 Đúng vậy, Thúy Vân còn trẻ, còn nhiều thời gian để vun đắp cho tình cảm riêng tư nên xin hãy thương xót cho người chị bạc mệnh này mà nhận lời chị kết nghĩa cùng chàng Kim. Để thêm phần thuyết phục, Kiều đã đem "tình máu mủ" ra để cầu xin Vân. Người xưa từng nói: "Máu chảy ruột mềm", còn gì thiêng liêng hơn tình chị em gắn bó ruột thịt. Bởi thế nên em hãy giúp chị "thay lời nước non" cùng chàng.

 Tuổi Vân và Kiều xấp xỉ nhau, thế nhưng với Kiều thì giờ đây, tuổi xuân của nàng đã kết thúc. Khoảng thời gian xuân xanh đẹp đẽ giữa nàng và Kim Trọng giờ chỉ còn là những kỷ niệm mà không có tương lai. "Trao duyên" cho em, nghe thật kì lạ nhưng trong hoàn cảnh của Kim, Vân, Kiều thì đây là một việc làm hết sức hợp lý. Những giọt nước mắt không thể chảy ra nhưng cứ âm ỉ phảng phất trong từng câu chữ... Nỗi đau đớn đến xé lòng nhưng vẫn phải dằn xuống kìm nén để nói những lời trao duyên cho em. Thật đau xót thay! Chữ tình đối với Kiều vô cùng quan trọng thế nhưng nàng lại từ bỏ nó để làm tròn chữ hiếu. Mất đi tình yêu đối với Kiều là mất đi tất cả thế nên khi trao duyên cho em xong Kiều đã nghĩ đến cái chết. Tải tình trong việc sử dụng thành ngữ: "Thịt nát xương mòn, ngậm cười chín suối", Nguyễn Du đã khắc họa rõ nét nỗi đau của nàng Kiều. Cuộc đời nàng sau khi báo đáp ơn nghĩa sinh thành thì coi như chấm dứt, bởi vì mất đi tình yêu là nàng đã mất đi tất cả, mất hi vọng, mất định hướng, linh hồn nàng tê dại và đông cứng trước ngưỡng cửa của cuộc đời tăm tối ngày mai. 

 Nén bi thương,  Kiều trao nốt những kỷ vật minh chứng cho tình yêu nồng nàn giữa nàng và Kim Trọng lại cho Thúy Vân:

"Chiếc vành với bức tờ mây

Duyên này thì giữ vật này của chung."

 "Chiếc vành" và "bức tờ mây" là những kỷ vật quý giá thiêng liêng, gợi tình cảm sâu nặng và lời thề nguyền đính ước dưới trăng của Kim - Kiều. Câu thơ "Duyên này thì giữ vật này của chung" cho thấy sự đau đớn của Thúy Kiều: duyên có thể trao nhưng tình thì không dứt. Kiều đau đớn, nửa muốn trao đi nửa muốn nhận lại. Tâm trạng Kiều chứa đầy mâu thuẫn giữa hành động và lời nói, lý trí và tình cảm.

 Với ngôn ngữ độc lạ sinh động, sự kết hợp của ngôn ngữ dân gian và ngôn ngữ bác học, Nguyễn Du đã miêu tả tinh tế diễn biến tâm lí nhân vật, từ đối thoại cho đến độc thoại nội tâm, qua đó khắc họa rõ nét phẩm chất cao đẹp của Thúy Kiều. Nàng đã hi sinh tất cả, hi sinh một cách trọn nghĩa vẹn tình và không chút đắn đo vì hạnh phúc của người thân. 

  Đoạn thơ khép lại nhưng vẫn còn day dứt hồn ta bởi giá trị nhân đạo sâu sắc. Nó dấy lên trong ta những xót thương cho con người tài hoa bạc phận. Một thái độ yêu thương, một tấm lòng nhân hậu cảm thông chia sẻ của nhà thơ đối với nỗi đau của Thúy Kiều đã để lại ấn tượng sâu sắc trong trái tim người đọc qua hàng thế kỉ nay:

"Tố Như ơi! Lệ chảy quanh thân Kiều." (Tố Hữu)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro