Pháo hoa trên nền trời

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng



"Con muốn làm pháo hoa."

Bé Diên thôi không nhìn về phía cửa sổ nữa, mà dời ánh nhìn về phía tôi.

"Là con muốn cô dạy con cách điều chế pháo hoa, hay con muốn trở thành pháo hoa?" – Tôi chống cằm, trêu thằng bé.

"Con muốn trở thành pháo hoa." – Đứa trẻ vẫn nhìn thẳng vào mắt tôi, cất giọng đầy nghiêm nghị.

"Ừ, vậy thì mình cùng tìm cách nhé?"

Tôi vươn tay xoa xoa đầu thằng bé. Một cách miễn cưỡng, nó cầm bút lên, tiếp tục phần phương trình điều chế thuốc nổ đang viết dở.

. . .


Một cách tình cờ, tôi trở thành gia sư của đứa trẻ này.

Bé Diên 13 tuổi, đã ngưng đến trường kể từ giữa năm lớp 6.

Những ngày đầu đến nhà dạy cho Diên, tôi hoàn toàn không thể hiểu nổi, vì lẽ gì mà người ta có thể "đình chỉ vĩnh viễn" một đứa trẻ lễ phép và nhanh nhạy như thế này? Thằng bé rất biết điều, không hề lầm lì mà cũng không ngỗ ngược. Nó cũng không hề lười biếng, mà trái lại còn rất ham học. Đặc biệt là ở đứa trẻ này có một sự nhạy bén và sáng tạo mà không một đứa trẻ nào ở tuổi nó có thể bì được. Với bất kỳ dạng bài tập nào của bất kỳ môn học nào, nó đều có thể nhanh chóng giải quyết được – không bằng những cách thức mà hàng triệu học sinh của hàng thế hệ trên cả nước đã từng làm – mà vẫn rất hiệu quả và chính xác.


Sau này tôi mới hiểu ra, là vì như thế, mà thằng bé không được đi học nữa.

Bất kỳ giáo viên nào cũng sẽ nổi nóng với "thói không biết nghe lời, luôn tự làm theo ý mình, xem thường lời dạy của thầy cô". Thằng bé trở thành mục tiêu để những người lớn đang-cần-trút-bỏ-sự-bất-mãn-trong-cuộc-sống hàng ngày chì chiết, công kích, thậm chí là sỉ nhục công khai. Mọi hành động dù là vô tình nhất đều bị nhắm đến, "vì muốn nó sửa đổi  để trở nên tốt hơn". Bạn bè yêu quý nó, một vài đứa nói đỡ cho nó, rồi cũng thành những cái bia tập bắn lý tưởng.

Thế nên, chẳng ai dám lên tiếng nữa.

Rồi thì sự cô lập biến thành bắt nạt. Bạo lực học đường sinh ra từ chính cảm giác quyền lực của mỗi giáo viên, mỗi học sinh khi chà đạp một kẻ "sai khác" nào đó, với một niềm tin rằng "nó đáng bị như vậy". Bạo lực tinh thần tàn nhẫn hơn bất cứ hình thức tra tấn nào, nó vùi dập nạn nhân trong một niềm tin về sự khiếm khuyết của bản thân, để nạn nhân phải tự tổn thương chính mình – về cả thể xác lẫn tinh thần.


Mẹ của Diên không có dịp kể lại cho tôi những hành động máu lạnh ấy một cách cụ thể, bởi mỗi khi nhắc đến việc thằng bé đã âm thầm chịu đựng chuỗi ngày ấy như thế nào, bà lại không kiềm được nước mắt.

Mỗi khi không thể chịu nổi sự nhục mạ nữa, Diên thường lánh đi, rồi tự đánh vào mặt mình, tay mình. Về sau, để không để lại vết thương ở chỗ có thể nhìn thấy được, Diên cào vào bụng, vào vai mình. Để không tổn thương bất kỳ ai, Diên làm tổn thương chính mình.


Cho đến khi thằng bé không chịu đến trường, và nhà trường cũng không nhận dạy nó nữa.


. . .


Thói tự hành hạ của Diên là một thói xấu mà tôi không cách nào khuyên nó sửa được.

Mỗi ngày, nó vẫn là một đứa trẻ điềm tĩnh, hiểu chuyện, chỉ là không thường xuyên cười đùa, nhưng vẫn rất hồn nhiên và không ngần ngại tỏ vẻ nũng nịu. Chỉ là những lúc thằng bé nhìn thấy mẹ nó len lén khóc vì lo lắng cho tương lai của đứa con duy nhất trong gia đình, khi nghe thấy ba nó gào lên trong giấc ngủ rằng "Con tao không bị điên! Con tao không hề thiểu năng! Im đi, im hết đi!", nó mới trở lại với cảm giác tội lỗi và bất ổn. Dù có cố gắng đến đâu, người làm cha làm mẹ cũng không thể che giấu sự bất lực và đau xót cho đứa con mà mình hết mực thương yêu. Và cứ sau những lần như thế, trên vai, trên bụng thằng bé lại xuất hiện nhiều vệt sẹo xấu xí hơn, thế chỗ những đường xước cũ chỉ vừa kịp liền da.

Mọi nỗ lực của tôi để giúp thằng bé thoải mái hơn – có vẻ chỉ đạt được vài phần hiệu quả.

"Sao con không thử "giả bộ" làm theo cách của thầy cô trên lớp? Sau này làm bài thi đều là trắc nghiệm, họ đâu biết được con giải kiểu gì, đúng không nè?"

"Con có cố theo chứ bộ. Nhưng mà lâu lâu con cũng quen tay làm lại kiểu của con thôi. Mà con lại cứ bị gọi lên bảng hoài."

Nếu chính vì lý do đó mà đối xử với một đứa trẻ có tố chất như vậy thì thật không hợp lý chút nào.

Tôi có nghĩ vậy, nhưng có lẽ việc nên làm bây giờ là dốc lòng dạy dỗ nó, bằng mọi kiến thức mà tôi có.

. . .


"Một quả bom không nổ là một quả bom vô dụng."

"Ừ, bom thì phải nổ chứ con. Người ta làm ra bom là để nó nổ mà." – Tôi gật gù, tay vẫn lật tìm trang sách có phương trình điều chế pháo hoa với ngọn lửa màu xanh lá mà Diên muốn.

"Nếu nó nổ, lại có rất nhiều người bị chết, đồ vật bị phá hủy, đúng không cô?"

"Ừ, đúng, nhưng chất nổ còn dùng cho nhiều mục đích hơn thế, như là xây dựng nè, khai thác mỏ nè, làm pháo hoa mà con thích nữa nè."

"Con muốn trở thành pháo hoa."

Diên lẩm bẩm, lại nhìn ra phía ngoài ô cửa sổ.


Ngoài kia, chỉ có những ngôi nhà lúp xúp, miễn cưỡng xếp thành những hàng dài, để lại những con đường nhỏ hẹp, hun hút như kéo dài đến tận đường chân trời. Chỉ có từng lọn dây đen vắt ngang dọc trên cột điện cao thế, lượn quanh từng biển hiệu, rũ xuống những mái nhà, có lúc rối xù, bết đặc, lại có lúc tuôn dài thành lọn, giăng kín cả khung trời.

Chỉ có những lọn dây đen, giăng kín cả khung trời.


Con người bị giam dưới lưới dây ấy, có cách nào vượt qua trọng lực mà bay lên?

Có lẽ, phải là một đóa pháo hoa, để vượt ra khỏi màng dây này.

Một quả bom chỉ có thể là một quả bom. Mặc cho con người sử dụng nó cho mục đích gì, nó vẫn cứ là một quả bom. Mặc cho con người chế tạo ra nó với hình thức bề ngoài như thế nào, giá trị của một quả bom chỉ được thể hiện trong vụ nổ mà nó tạo ra.

Chỉ khi nó nổ, nó mới có thể chứng minh được giá trị của mình. Dù có hủy diệt những cái gì đi chăng nữa, dù chính bản thân nó cũng lập tức trở thành tro bụi, nó phải nổ.


Pháo hoa cũng là từ chất nổ, và cũng chỉ có giá trị khi nó nổ. Nhưng có lẽ, điều đẹp đẽ nhất chính là khi đã vượt ra khỏi mặt đất, tiến vào màn trời đêm và bung ra thành những đóa hoa lửa kiều diễm, nó để lại cho những con người nhỏ bé dưới mặt đất một niềm hân hoan và an yên đến vô bờ.


Pháo hoa trên trời mới thực sự là pháo hoa



. . .



Hơn một tháng sau, Diên mất.



Chỉ một ngày trước, tôi vẫn còn cầm tay chỉ cho thằng bé cách vẽ những chùm pháo hoa trên nền bảng đen.

Chỉ một tuần trước, thằng bé vẫn còn mỉm cười chào tạm biệt tôi mỗi khi kết thúc giờ học.

Chỉ một tháng trước, Diên vẫn bảo là nó muốn trở thành pháo hoa.



Mẹ Diên chỉ thẫn thờ kể lại rằng, bằng một cách nào đó, nó đã luôn lén lút giữ những lọ hóa chất nho nhỏ trong phòng, và thứ duy nhất còn sót lại trong hộc tủ của thằng bé là một chuỗi công thức điều chế một loại chất nổ mà tôi chưa từng thấy bao giờ.


Diên có phải đã thực sự muốn trở thành pháo hoa?



Chùm pháo sáng màu xanh lá, vụt lên giữa nền trời đen sệt, rực rỡ bung ra từng cánh hoa, rồi tan ngay vào màn đêm.

Tiếng pháo nổ giữa đêm hè ấy, có làm lòng người gợn lên chút gì không?


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro