Phao thi luật

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

PHẦN I: CÁC BÀI VIẾT THAM KHẢO TRÊN TẠP CHÍ – SÁCH – BÁO

1

Một số ý kiến về phạm vi giám đốc thẩm theo quy định tại điều 284 BLTTHS

1

2

Hoàn thiện quy định pháp luật về thủ tục phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự

4

3

Bàn về việc rút quyết định kháng nghị, quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm

10

4

Một số vấn đề về chứng cứ trong tố tụng hình sự theo luật chứng cứ của úc

16

5

Nâng cao vị thế của người bào chữa tại phiên toà hình sự

19

6

Tư pháp hình sự và yêu cầu tăng cường kiểm sát hoạt động tư pháp hình sự

22

7

Giải quyết vấn đề Dân sự trong vụ án Hình sự

27

8

Về chứng cứ và nguồn chứng cứ quy định tại điều 64 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003

29

9

Một số vấn đề hoàn thiện biện pháp ngăn chặn bắt người trong Luật Tố tụng hình sự VN

37

10

Viễn cảnh viện kiểm sát ở Việt Nam

40

11

Pháp luật Việt Nam với việc đáp ứng các yêu cầu quốc tế về thủ tục tố tụng xét xử đối với người chưa thành niên

46

12

Một số ý kiến về thành lập toà án cho người chưa thành niên ở Việt Nam

52

13

Các loại hình tố tụng hình sự và hướng áp dụng ở Việt Nam

55

14

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ THỦ TỤC RÚT GỌN TRONG BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2003

60

15

MÔ HÌNH TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM – NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

64

16

BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI TRONG VIỆC BẮT, TẠM GIỮ, TẠM GIAM

72

17

BẢN CHẤT CỦA TRANH TỤNG TẠI PHIÊN TÒA

77

18

Tìm hiểu thủ tục rút gọn theo Luật tố tụng hình sự Việt Nam

80

19

Tìm hiểu các kiểu (hình thức) tố tụng hình sự

82

20

SỰ THAM GIA BẮT BUỘC CỦA NGƯỜI BÀO CHỮA TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

85

21

BẢN CHẤT CỦA HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

88

22

Bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra

92

23

VIỆN KIỂM SÁT HAY VIỆN CÔNG TỐ?

93

24

NGƯỜI BỊ HẠI TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

102

25

CĂN CỨ ÁP DỤNG BIỆP PHÁP TẠM GIAM PHẠM KHẮC VỰC

106

26

Hướng tới hội thảo khoa học ” Bộ luật tố tụng hình sự – những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung”

108

27

THỰC TIỄN ĐIỀU TRA, TRUY TỐ, XÉT XỬ VÀ THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

111

28

NHỮNG BẤT CẬP VÀ HƯỚNG HOÀN THIỆN THỦ TỤC RÚT GỌN TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CẢI CẢI CÁCH TƯ PHÁP

115

29

Hướng tới hội thảo khoa học ” Bộ luật tố tụng hình sự – những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung”

THAM LUẬN: QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI BÀO CHỮA

118

30

QUYỀN CỦA LUẬT SƯ KHI CẦN GẶP GỠ BỊ CAN, BỊ CÁO ĐANG BỊ TẠM GIAM BỞI MỘT VỤ ÁN KHÁC – NHỮNG VƯỚNG MẮC VÀ HƯỚNG GIẢI QUYẾT

121

31

Một số ý kiến sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự 2003

122

32

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ BẢO ĐẢM QUYỀN BÀO CHỮA CỦA BỊ CÁO TRONG GIAI ĐOẠN XÉT XỬ SƠ THẨM VỤ ÁN HÌNH SỰ

126

33

NHỮNG KHÓ KHĂN VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2003 VÀ KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI BỔ SUNG

129

34

HOÀN THIỆN MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VỀ THỦ TỤC RÚT GỌN

132

35

Hủy án vì không mời người phiên dịch

135

36

Tăng cường bảo đảm các quyền tự do dân chủ của công dân trong các giai đoạn tố tụng

136

37

Giám định pháp y tâm thần – vấn đề điều trị bắt buộc

138

38

Lựa chọn và chỉ định người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo chưa thành niên trong các vụ án hình sự

141

39

Một số kiến nghị hạn chế việc phải chuyển từ thủ tục rút gọn sang thủ tục chung để giải quyết vụ án

143

40

Biện pháp ngăn chặn tạm giữ trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam

147

PHẦN II: MỘT SỐ ĐỀ THI THAM KHẢO

1

Đề thi của trường Đại học Luật TPHCM

151

2

Đề thi của trường Đại học Luật Hà Nội

154

3

Một số câu hỏi ôn tập

155

PHẦN I: CÁC BÀI VIẾT THAM KHẢO TRÊN TẠP CHÍ – SÁCH – BÁO

Một số ý kiến về phạm vi giám đốc thẩm theo quy định tại điều 284 BLTTHS

Các bản án và quyết định của toà án mang tính quyền lực nhà nước sâu sắc, được toà án tuyên nhân danh Nhà nước, thể hiện trực tiếp thái độ của Nhà nước đối với vụ án, quyết định những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của công dân và những chủ thể khác. Vì vậy, việc đảm bảo tính đúng đắn của các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án là đòi hỏi thiết yếu của nhà nước pháp quyền. Yêu cầu này đặc biệt quan trọng trong tố tụng hình sự, khi mà toà án có quyền ra bản án hình sự, quyết định những vấn đề về trách nhiệm hình sự, hình phạt và các biện pháp tư pháp đối với bị cáo, ảnh hưởng đến tự do, danh dự, tài sản, nhân thân và thậm chí cả tính mạng của con người. Việc quy định nguyên tắc xét xử vụ án theo nhiều cấp (thông lệ chung là hai cấp xét xử) và tổ chức toà án theo thứ bậc để toà án cấp trên có thể xem xét lại phán quyết của toà án cấp dưới là một trong những giải pháp về mặt pháp luật để giải quyết vấn đề này. Mặc dù đã có cơ chế để đảm bảo tính hợp pháp của các bản án hoặc quyết định trước khi có hiệu lực pháp luật nhưng những bản án hoặc quyết định này vẫn có thể không hợp pháp và đòi hỏi phải có thủ tục giải quyết. Trong luật tố tụng hình sự Việt Nam, thủ tục này được gọi là thủ tục giám đốc thẩm. Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề lí luận về giám đốc thẩm cũng như nghiên cứu, đánh giá thực tiễn giám đốc thẩm trong những năm gần đây; qua tham khảo tài liệu pháp lí và Bộ luật tố tụng hình sự của một số nước trên thế giới và trong khu vực, chúng tôi nhận thấy quy định của pháp luật về giám đốc thẩm ở Việt Nam và các quốc gia khác từ trước đến nay đều có đặc điểm chung là hạn chế việc giám đốc thẩm. Việc hạn chế này nhằm tránh tình trạng bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị hủy bỏ hiệu lực trong những trường hợp không thực sự cần thiết; đảm bảo tính ổn định của các bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đảm bảo các quan hệ pháp luật đã được thiết lập bởi các phán quyết của toà án sau khi xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm. Pháp luật mỗi nước có những quy định hạn chế riêng, phù hợp, thống nhất với các quy định khác trong một chế định pháp luật hoàn chỉnh. Luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định hạn chế về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm; thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng bất lợi cho người bị kết án; chủ thể có quyền kháng nghị giám đốc thẩm; thẩm quyền giám đốc thẩm và quyền hạn của hội đồng giám đốc thẩm… Những quy định pháp luật có tính hạn chế thủ tục giám đốc thẩm là phù hợp với lí luận và thực tiễn tố tụng. Tuy nhiên, riêng quy định về phạm vi giám đốc thẩm lại không theo xu hướng hạn chế mà lại mở rộng phạm vi giám đốc thẩm.

Điều 284 BLTTHS năm 2003 quy định về phạm vi giám đốc thẩm như sau: “Hội đồng giám đốc thẩm phải xem xét toàn bộ vụ án mà không chỉ hạn chế trong nội dung của kháng nghị”.

Hiện nay, chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải thích nên có những lí giải khác nhau về quy định này.

Có ý kiến cho rằng giám đốc thẩm là cấp cuối cùng xem xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, toà án có thẩm quyền giám đốc thẩm xem xét toàn bộ vụ án, không bị hạn chế bởi nội dung kháng nghị nhằm bảo đảm việc xét xử vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.([i])

Ý kiến khác lại cho rằng xuất phát từ tính chất và đặc điểm của giám đốc thẩm nên việc xem xét toàn bộ vụ án vừa là quyền vừa là trách nhiệm đối với hội đồng giám đốc thẩm. Toà án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải xem xét lại toàn bộ vụ án, phát hiện các vi phạm pháp luật để có biện pháp khắc phục. Nếu kháng nghị chỉ đề cập tội danh, hình phạt của một hay một số người thì hội đồng giám đốc thẩm vẫn phải xem xét tội danh, hình phạt của tất cả những người bị kết án để có biện pháp khắc phục. Phạm vi giám đốc thẩm không bị ràng buộc bởi nội dung của kháng nghị. Bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị toàn bộ hay một phần cũng không có ý nghĩa đến phạm vi xem xét của hội đồng giám đốc thẩm.([ii])

Những ý kiến trên đều đưa ra những cơ sở để giải thích cho điều luật và không bình luận về tính hợp lí của điều luật. Tuy nhiên, các tác giả cũng cho rằng xem xét và quyết định là hai vấn đề khác nhau, xem xét toàn bộ vụ án không có nghĩa là được quyền quyết định đối với mọi vấn đề của vụ án. Từ cách hiểu này lại nảy sinh vấn đề: Quyền hạn của hội đồng giám đốc thẩm khi quyết định theo hướng bất lợi và theo hướng có lợi đối với những người bị kết án có liên quan đến kháng nghị và đối với những người bị kết án không liên quan đến kháng nghị. Vấn đề này có nhiều quan điểm không thống nhất. Có quan điểm cho rằng hội đồng giám đốc thẩm có quyền quyết định theo hướng bất lợi cho người bị kết án không liên quan đến kháng nghị; có quan điểm cho rằng không được quyết định theo hướng bất lợi cho người bị kết án không liên quan đến kháng nghị…([iii])

Việc giải thích điều luật theo hướng phân biệt quyền xem xét và quyền quyết định như đã nêu trên theo chúng tôi đó là sự suy diễn có tính chủ quan. Nếu cho rằng xem xét không có nghĩa là được quyền quyết định thì rõ ràng là Điều 284 BLTTHS chưa xác định được phạm vi giám đốc thẩm là được quyết định về những vấn đề gì. Chúng tôi không nghĩ rằng các nhà làm luật đưa ra điều luật thiếu nội dung pháp lí như vậy.

Theo chúng tôi, điều luật này gồm những nội dung sau:

- Những vấn đề mà toà án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải xem xét là toàn bộ vụ án mà không chỉ hạn chế trong nội dung của kháng nghị giám đốc thẩm;

- Theo Từ điển tiếng Việt, “xem xét” là “tìm hiểu, quan sát kĩ để đánh giá, rút ra những nhận xét, những kết luận cần thiết khác”,([iv]) vì vậy, nội dung Điều 284 BLTTHS năm 2003 về phạm vi giám đốc thẩm đã bao hàm cả quyền đánh giá và ra quyết định. Điều 241 BLTTHS về phạm vi xét xử phúc thẩm quy định: “Toà án cấp phúc thẩm xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết thì toà án cấp phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án”. Trong quy định này, từ “xem xét” được dùng theo nghĩa này và không ai đặt vấn đề phân biệt quyền xem xét với  quyền quyết định.

- Việc BLTTHS quy định toà án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải xem xét toàn bộ vụ án là trách nhiệm có tính bắt buộc của toà án có thẩm quyền giám đốc thẩm.

Với những nội dung như trên, chúng tôi nhận thấy Điều 246 BLTTHS có một số bất cập sau:

Thứ nhất, Điều 284 BLTTHS quy định hội đồng giám đốc thẩm phải xem xét toàn bộ vụ án… Theo chúng tôi, “toàn bộ vụ án” là khái niệm không rõ ràng. Thông thường, trong TTHS, những giới hạn hoặc phạm vi được phép tiến hành hoạt động tố tụng được xác định cụ thể bởi các quyết định tố tụng cụ thể như quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, quyết định đề nghị truy tố, quyết định truy tố, bản án, kháng nghị v.v.. Trong một số trường hợp đặc biệt còn có thể xác định bởi những cơ sở khác, các cơ sở này mặc dù không phải là các quyết định tố tụng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng được luật tố tụng xác định giá trị pháp lí về mặt tố tụng. Những cơ sở này là đơn yêu cầu khởi tố vụ án và rút yêu cầu khởi tố vụ án của người bị hại trong trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại được quy định tại Điều 105 BLTTHS hay kháng cáo của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Như vậy, khái niệm toàn bộ vụ án trong Điều 284 BLTTHS phải được hiểu như thế nào; căn cứ vào phạm vi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; vào kết luận điều tra đề nghị truy tố của cơ quan điều tra; vào nội dung quyết định truy tố của viện kiểm sát; vào nội dung bản án sơ thẩm hay bản án phúc thẩm? Trong quá trình tố tụng, phạm vi vụ án mà các cơ quan tiến hành tố tụng phải giải quyết trong từng giai đoạn tố tụng rộng hẹp khác nhau, vì vậy, theo chúng tôi, cần phải xác định rõ văn bản tố tụng cụ thể nào là cơ sở pháp lí để xác định phạm vi giám đốc thẩm.

Thứ hai, từ “xem xét” trong Điều 284 BLTTHS cũng không rõ ràng. Nếu hiểu xem xét không có nghĩa là có quyền quyết định như cách giải thích của một số tác giả thì Điều 284 BLTTHS chưa xác định được phạm vi giám đốc thẩm được quyền quyết định vấn đề gì. Còn nếu hiểu xem xét là có quyền quyết định thì phạm vi giám đốc thẩm là quá rộng. Giả sử chúng ta xác định “toàn bộ vụ án” ở mức độ phạm vi hẹp nhất của khái niệm này là căn cứ vào nội dung bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị giám đốc thẩm thì quy định này cũng có thể dẫn đến hậu quả bất lợi cho những người không liên quan đến kháng nghị giám đốc thẩm. Nếu toà án có thẩm quyền giám đốc thẩm xem xét những vấn đề ngoài phạm vi kháng nghị thì toà án có thẩm quyền giám đốc thẩm có thể hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo hướng bất lợi cho cả những người không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Để giải quyết bất cập này, có ý kiến cho rằng nên giữ nguyên điều luật và bổ sung thêm quy định không được quyết định theo hướng không có lợi cho người bị kết án nếu không có kháng nghị theo hướng đó để đảm bảo nguyên tắc không làm xấu đi tình trạng của bị cáo tương tự như trong thủ tục phúc thẩm.([v]) Theo chúng tôi, việc bổ sung điều luật như trên chưa giải quyết hết những bất cập như đã phân tích ở trên.

Theo quan điểm của chúng tôi, Điều 284 BLTTHS cần phải sửa đổi theo hướng:

- Bỏ cụm từ “toàn bộ vụ án” vì như đã phân tích ở trên, chúng ta không xác định được thế nào là “toàn bộ vụ án”;

- Thay từ “xem xét” thành từ “xét lại” để xác định rõ thẩm quyền quyết định của hội đồng giám đốc thẩm.

- Thẩm quyền của hội đồng giám đốc thẩm cần được xác định bởi kháng nghị giám đốc thẩm bởi vì kháng nghị giám đốc thẩm chính là cơ sở phát sinh thủ tục giám đốc thẩm.

Xu hướng chung của các nước trên thế giới cũng như theo quan điểm của các nhà làm luật Việt Nam thì việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật chỉ tiến hành trong những trường hợp rất hạn chế để đảm bảo tính ổn định của các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Luật tố tụng hình sự của một số nước cũng giới hạn phạm vi giám đốc thẩm theo nội dung kháng nghị giám đốc thẩm: Điều 444 BLTTHS Hàn Quốc quy định: “Toà án tối cao sẽ chỉ điều tra những vấn đề ghi trong đơn để xem xét việc kháng án đặc biệt”.([vi]) Điều 460 BLTTHS Nhật Bản cũng quy định: “Toà án chỉ xem xét những vấn đề được nêu trong kháng nghị giám đốc thẩm”.([vii]) Việc mở rộng phạm vi giám đốc thẩm là không cần thiết và không đúng với tính chất của giám đốc thẩm là chỉ tiến hành khi có kháng nghị của chủ thể có thẩm quyền. Giả sử, nếu như bản án đã có hiệu lực pháp luật tuyên phạt bị cáo về nhiều tội, kháng nghị giám đốc thẩm chỉ đề cập việc toà án đã định tội danh sai đối với một tội thì không có lí do gì để buộc toà án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải xét lại phần bản án về tất cả các tội khác, nhất là khi bản án đã có hiệu lực pháp luật. Quy định theo hướng mở rộng phạm vi giám đốc thẩm không chỉ làm tăng khối lượng công việc cho toà án có thẩm quyền giám đốc thẩm mà còn có tính chất bao biện, làm thay toà án cấp phúc thẩm, không phát huy được trách nhiệm của toà án cấp phúc thẩm trong việc khắc phục những sai lầm trong hoạt động xét xử của toà án cấp sơ thẩm.

Cũng có ý kiến cho rằng, nếu giới hạn phạm vi giám đốc thẩm theo nội dung kháng nghị có thể dẫn đến tình trạng không khắc phục hết những sai lầm trong hoạt động xét xử và việc bản án có thể bị giám đốc thẩm nhiều lần. Để tránh tình trạng này, theo chúng tôi, khi kiểm tra tính hợp pháp của các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, toà án và viện kiểm sát phải kiểm tra toàn bộ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Khi giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, toà án và viện kiểm sát cũng phải xem xét toàn bộ bản án, quyết định mà không phụ thuộc vào nội dung của đơn đề nghị, trên cơ sở đó ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Để kháng nghị giám đốc thẩm đầy đủ, không bỏ sót vi phạm pháp luật nghiêm trọng cần phải xem xét toàn bộ bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng khi giám đốc thẩm thì phạm vi giám đốc thẩm cần phải được giới hạn trong phạm vi của kháng nghị để đảm bảo nguyên tắc phối hợp, chế ước trong tố tụng hình sự. Nếu trong khi giám đốc thẩm phát hiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng chưa có kháng nghị thì hội đồng giám đốc thẩm thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị để kháng nghị. Tuy nhiên, vấn đề này không cần thiết phải quy định trong Điều 284 BLTTHS về phạm vi giám đốc thẩm mà cần được quy định cụ thể hơn về quyền bổ sung kháng nghị tại Điều 277 BLTTHS về kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Từ những phân tích trên, chúng tôi kiến nghị sửa đổi Điều 284 BLTTHS như sau: “Hội đồng giám đồng thẩm chỉ xét lại những vấn đề được nêu trong kháng nghị giám đốc thẩm”./.

([i]).Xem: PGS.TS. Võ Khánh Vinh (chủ biên) , “Bình luận khoa học Bộ luật tố tụng hình sự”, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 769.

([ii]).Xem: Nguyễn Văn Trượng, “Giám đốc thẩm trong tố tụng hình sự”, Luận văn thạc sĩ (1996), tr. 84; Đinh Văn Quế, “Giám đốc thẩm, tái thẩm về hình sự – Những vấn đề lí luận và thực tiễn”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr. 69.

([iii]).Xem: Đinh Văn Quế, “Giám đốc thẩm, tái thẩm về hình sự – Những vấn đề lí luận và thực tiễn”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997,  tr.73.

([iv]).Xem: Trung tâm từ điển học, “Từ điển tiếng Việt”, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994, tr.1107.

([v]).Xem: Hoàng Quảng Lực, “Bàn về thời điểm phát sinh hiệu lực của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị”, Tạp chí TAND số 5/1997, tr.22;  Nguyễn Văn Trượng, Giám đốc thẩm trong tố tụng hình sự, Luận văn thạc sĩ (1996), tr.82; Đinh Văn Quế, Giám đốc thẩm, tái thẩm về hình sự – Những vấn đề lí luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.72.

([vi]).Xem: Viện khoa học kiểm sát VKSNDTC (1998), “Luật tố tụng hình sự Hàn Quốc”, (bản dịch tiếng Việt), tr.100.

([vii]).Xem: Viện khoa học kiểm sát VKSNDTC (1993), “Bộ luật tố tụng hình sự Nhật Bản”, (bản dịch tiếng Việt)., tr. 74., tr. 220, 22

Theo Tạp chí Luật học số 7/2008

Hoàn thiện quy định pháp luật về thủ tục phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự

TS. Phan Thị Thanh Mai

Khoa Luật hình sự – Đại học Luật Hà Nội

Thủ tục phiên tòa được tiến hành như thế nào phụ thuộc vào tính chất và nội dung của phiên tòa, thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức. Xét xử phúc thẩm và xét xử sơ thẩm vụ án hình sự tuy cùng là hoạt động xét xử nhưng xét xử phúc thẩm còn có những đặc trưng khác biệt so với xét xử sơ thẩm nên thủ tục phiên tòa phúc thẩm cũng phải có những khác biệt cần thiết và phù hợp. Thủ tục phiên tòa phúc thẩm theo quy định của BLTTHS năm 2003 (và hướng dẫn thực hiện Điều này trong Nghị quyết số 05/NQ-HĐTP Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ tư “Xét xử phúc thẩm” của BLTTHS ngày 8/12/2005 của HĐTP TANDTC) rất sơ sài và thiếu cụ thể. Chúng tôi xin đóng góp một số ý kiến hoàn thiện quy định của BLTTHS về thủ tục phiên tòa sơ thẩm, đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp, cụ thể là những ý kiến sau:

1. Cần sửa đổi, bổ sung Điều 247 về thủ tục phiên tòa phúc thẩm.

Theo quy định tại Điều 247 BLTTHS, thủ tục phiên tòa sơ thẩm được tiến hành như sau: “Phiên tòa phúc thẩm cũng tiến hành như phiên tòa sơ thẩm nhưng trước khi xét hỏi, một thành viên của Hội đồng xét xử phải trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung của kháng cáo hoặc kháng nghị. Khi tranh luận, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án”. Quy định này cũng đã được hướng dẫn cụ thể tại Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định chung trong Phần thứ tư “Xét xử phúc thẩm” của BLTTHS ngày 8/12/2005. Tuy nhiên, những quy định này còn chưa đầy đủ, cụ thể cần sửa đổi, bổ sung cho hợp lý hơn.

- Thứ nhất, cần bổ sung một số thủ tục phiên tòa phúc thẩm mà trên thực tế được tiến hành khác với thủ tục phiên tòa sơ thẩm và không thể áp dụng tương tự quy định pháp luật về thủ tục phiên tòa sơ thẩm nhưng chưa được quy định trong Điều 247.

- Khi bắt đầu phiên tòa, thay cho việc đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử, chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa. Thủ tục này khác với thủ tục phiên tòa sơ thẩm nên cần đưa vào điều luật.

- Phải bổ sung quy định về thủ tục kiểm tra xem người tham gia tố tụng đã được giao thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị; thông báo về việc mở phiên tòa hay chưa và giải quyết yêu cầu hoãn phiên tòa nếu họ yêu cầu vì chưa được giao những thông báo này đúng thời hạn luật định.

Cơ sở phát sinh thủ tục phúc thẩm và phạm vi xét xử phúc thẩm là căn cứ vào kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn bảy ngày bằng công văn đối với Viện kiểm sát và bằng giấy triệu tập tham gia phiên tòa đối với người tham gia tố tụng (được quy định tại Điều 236 BLTTHS và hướng dẫn cụ thể trong Nghị quyết số 05 của HĐTP TANDTC ngày 8/12/2005).[1] Việc thông báo này rất cần thiết để những chủ thể có liên quan đến kháng cáo kháng nghị có thể chuẩn bị tốt cho việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ tại phiên tòa. Họ có quyền được gửi văn bản nêu ý kiến của mình về nội dung kháng cáo, kháng nghị và ý kiến của họ được đưa vào hồ sơ vụ án. Hội đồng xét xử phải hỏi xem họ đã được thông báo về kháng cáo, kháng nghị đúng thời hạn luật định hay chưa, nếu họ chưa được giao hoặc được giao không đúng thời hạn luật định thì phải hỏi xem họ có yêu cầu hoãn phiên tòa hay không, nếu họ yêu cầu, HĐXX phải hoãn phiên tòa.

Ngoài thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị, chậm nhất là mười lăm ngày trước ngày mở phiên tòa, Tòa án cấp phúc thẩm phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng về thời gian, địa điểm xét xử phúc thẩm vụ án để họ tham gia phiên tòa phúc thẩm. Tại phiên tòa, HĐXXPT cũng phải hỏi xem họ đã được thông báo trong thời hạn luật định hay không; có yêu cầu hoãn phiên tòa nếu chưa được giao hoặc giao không đúng thời hạn hay không. Thủ tục này phải được bổ sung vào Điều 247 BLTTHS về thủ tục phiên tòa phúc thẩm.

Nội dung của thông báo tham gia phiên tòa xét xử phúc thẩm theo chúng tôi cũng chưa đầy đủ. Điều 242 BLTTHS quy định nội dung thông báo chỉ có thông tin về thời gian, địa điểm xét xử phúc thẩm vụ án. Để Viện kiểm sát có thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; bị cáo, bị cáo, đại diện hợp pháp của bị cáo và người bào chữa có thể thực hiện tốt các quyền và nhĩa vụ tố tụng tại phiên tòa, theo chúng tôi, cần phải thông báo cho những chủ thể này đầy đủ những nội dung tương tự như nội dung quyết định đưa vụ án ra xét xử ở cấp sơ thẩm. Trong nội dung của thông báo phải nêu rõ xử công khai hay xử kín; họ tên thẩm Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, họ tên thẩm phán dự khuyết, nếu có; họ tên kiểm sát viên tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên dự khuyết, nếu có; họ tên người bào chữa, nếu có; họ tên người phiên dịch, nếu có; họ tên người được triệu tập để xét hỏi tại phiên tòa; vật chứng cần đưa ra xem xét tại phiên tòa. trên cơ sở nội dung được thông báo đó, các chủ thể tham gia phiên tòa có thể xem xét có cần yêu cầu thay đổi người tiến hành và tham gia tố tụng hay không; có cần yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc cung cấp thêm tài liệu, đồ vật có liên quan hay không…

- Cần bổ sung quy định thủ tục xem xét việc bổ sung, thay đổi, rút kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa.

Điều 238 BLTTHS quy định về quyền của chủ thể kháng cáo kháng nghị có quyền bổ sung, thay đổi, rút kháng cáo, kháng nghị như sau: Trước khi bắt đầu hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo hoặc Viện kiểm sát có quyền bổ sung, thay đổi kháng cáo, kháng nghị những không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo; rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo, kháng nghị. Điều này đã được hướng dẫn tại Nghị quyết số 05. Tuy nhiên, thủ tục giải quyết việc bổ sung, thay đổi, rút kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa cần được quy định trong Điều 247 vì thủ tục này là thủ tục của phiên tòa phúc thẩm, không thể áp dụng thủ tục phiên tòa sơ thẩm, nếu không quy định trong điều luật sẽ không có căn cứ pháp lý để giải quyết. Việc xem xét, giải quyết phải được thảo luận và thông qua tại phòng nghị án. HĐXX có thể không chấp nhận việc bổ sung, thay đổi kháng cáo, kháng nghị nếu vi phạm Điều 238 BLTTHS. Nếu việc bổ sung kháng cáo dẫn đến việc phạm vi xét xử phúc thẩm liên quan đến những người tham gia tố tụng khác chưa được triệu tập thì cần phải hoãn phiên tòa để triệu tập thêm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị.[2] Trong trường hợp Viện kiểm sát, người kháng cáo rút kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa thì việc rút kháng cáo, kháng nghị phải được ghi vào biên bản. Nếu rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị thì việc xét xử phúc thẩm phải được đình chỉ. Nếu rút một phần kháng cáo, kháng nghị hoặc còn có kháng cáo, kháng nghị khác thì Tòa án cấp phúc thẩm  xét xử phần kháng cáo, kháng nghị còn lại và cả những phần đã rút theo hướng giảm nhẹ về hình sự cho bị cáo theo quy định tại Điều 241 và khoản 2 Điều 249 BLTTHS.[3]

- Thứ hai, sửa đổi nội dung Điều 247 về thủ tục trước khi tiến hành xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm.

Theo quy định tại Điều 247 BLTTHS, trước khi tiến hành xét hỏi, một thành viên của HĐXX phải tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung của kháng cáo, kháng nghị (trên thực tế, ít trường hợp tất cả các thẩm phán được phân công xét xử đều có điều kiện để nghiên cứu hồ sơ vụ án mà thường chỉ do thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa báo cáo). Quy định này có điểm giống so với quy định thủ tục phiên tòa giám đốc thẩm và tái thẩm (cơ chế thẩm phán báo cáo viên). Tuy nhiên, phiên tòa phúc thẩm là phiên tòa xét xử mà không phải là thủ tục xét lại, vì vậy, theo chúng tôi, cần phải thể hiện rõ nét hơn vai trò của các chủ thể tham gia tranh tụng tại phiên tòa. Cơ sở phát sinh thủ tục xét xử sơ thẩm là quyết định truy tố của Viện kiểm sát, vì vậy, tại phiên tòa sơ thẩm, trước khi tiến hành xét hỏi, Kiểm sát viên đọc bản cáo trạng (hoặc quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn) và ý kiến bổ sung, nếu có.  Theo lôgic như vậy, cơ sở phát sinh thủ tục xét xử phúc thẩm là kháng cáo, kháng nghị thì trước khi tiến hành xét hỏi, ngoài việc một thành viên của HĐXX phải tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm thì việc trình bày  kháng cáo, kháng nghị phải do các chủ thể đã kháng cáo kháng nghị tự mình trình bày và bổ sung ý kiến, nếu có. Nếu người kháng cáo vắng mặt, một thành viên của HĐXX trình bày nội dung kháng cáo của người đó. Việc các chủ thể kháng cáo, kháng nghị tự mình trình bày kháng cáo, kháng nghị như vậy theo chúng tôi tạo cho Viện kiểm sát và người kháng cáo (là những chủ thể của hoạt động tranh tụng) vai trò chủ động hơn, đồng thời làm cho vai trò của HĐXX (cơ quan tài phán) trở nên vô tư, khách quan hơn.

Thứ ba, nên sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự phát biểu khi tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm.

Điều 247 BLTTHS không quy định cụ thể về trình tự phát biểu khi tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm mà quy định áp dụng tương tự như thủ tục phiên tòa sơ thẩm. Trình tự đó như sau: Kiểm sát viên trình bày lời luận tội; bị cáo, người bào chữa trình bày lời bào chữa; người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự , người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền lợi của những người này trình bày ý kiến (Điều 217 BLTTHS). Quy định này là phù hợp với phiên tòa sơ thẩm, trên cơ sở buộc tội của Viện kiểm sát để tiến hành việc xét hỏi cũng như tranh luận. Nhưng nếu áp dụng tương tự vào phiên tòa phúc thẩm là không hoàn toàn hợp lý. Cơ sở cho việc xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm là kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm, vì vậy, chủ thể kháng cáo, kháng nghị phải là người trình bày ý kiến của mình bắt đầu quá trình tranh luận tại phiên tòa. Nếu Viện kiểm sát kháng nghị, Kiểm sát viên là người phát biểu đầu tiên nhưng nếu Viện kiểm sát không kháng nghị mà bị cáo kháng cáo thì bị cáo phải được phát biểu đầu tiên. Nếu có nhiều chủ thể cùng kháng cáo, kháng nghị thì trình tự phát biểu do HĐXX xem xét và quyết định. Theo chúng tôi nên theo nguyên tắc Viện kiểm sát trình bày trước người tham gia tố tụng và bên có ý kiến buộc tội trình bày trước. Trong luật tố tụng hình sự của một số nước cũng có quy định về vấn đề này với những nội dung khác nhau nhưng đều theo nguyên tắc xác định trình tự phát biểu căn cứ vào chủ thể kháng cáo, kháng nghị mà không phải luôn theo thủ tục Kiểm sát viên trình bày lời luận tội. Điều 206 BLTTHS Thái Lan quy định: nếu một bên yêu cầu được trình bày trước thì bên đó sẽ nói trước; nếu cả hai bên đều xin nói trước thì bên kháng cáo trình bày trước; nếu nếu cả hai bên đều xin nói trước và cả hai bên đều có đơn kháng cáo thì người buộc tội được trình bày trước sau đó tới lượt bị cáo.[4] Điều 377 BLTTHS Liên bang Nga năm 2002 cũng quy định: thẩm phán nghe ý kiến của bên kháng cáo hoặc kháng nghị về căn cứ đưa ra lý lẽ của mình và ý kiến phản đối của phía bên kia. trong trường hợp có nhiều kháng cáo, kháng nghị thì trình tự phát biểu do Tòa án quyết định trên cơ sở cân nhắc ý kiến của các bên.[5]

Từ những phân tích trên, theo chúng tôi, Điều 247 BLTTHS cần sửa đổi, bổ sung như sau:

1. Thủ tục phiên tòa phúc thẩm được tiến hành theo quy định tại Điều này, đồng thời theo những quy định của Bộ luật này về thủ tục phiên tòa sơ thẩm không trái với quy định của Điều này.

2. Chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa và tiến hành các thủ tục bắt đầu phiên tòa. Trong trường hợp người tham gia tố tụng chưa được thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 236 BLTTHS; thông báo về việc đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn quy định tại Điều 242 BLTTHS và nếu họ yêu cầu thì HĐXX phải hoãn phiên tòa.

3. Nếu Viện kiểm sát, người kháng cáo bổ sung, thay đổi, rút kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa, HĐXX xem xét và quyết định tại phòng nghị án. Trong trường hợp cần thiết, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa để triệu tập thêm những người có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị. Nếu rút một phần kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa thì HĐXX xét xử phần còn lại; nếu rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị thì việc xét xử phúc thẩm phải được đình chỉ nếu không có kháng cáo, kháng nghị khác.

4. Sau khi kết thúc việc xét hỏi tại phiên tòa, chủ thể đã kháng cáo hoặc kháng nghị có quyền phát biểu đầu tiên. Nếu có nhiều chủ thể cùng kháng cáo, kháng nghị thì trình tự phát biểu do HĐXX xem xét và quyết định.

2. Cần quy định thủ tục phiên tòa phúc thẩm các quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.

Điều 253 BLTTHS quy định về phúc thẩm những quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có quy định “Tòa án cấp phúc thẩm không phải mở phiên tòa những nếu xét cần thì có thể triệu tập những người tham gia tố tụng cần thiết để nghe ý kiến của họ trước khi Tòa án ra quyết định”. Quy định này là chưa cụ thể, đầy đủ, cần phải hoàn thiện thêm. Tòa án cấp phúc thẩm vừa là cấp xét xử thứ hai, vừa là một cấp giám đốc việc xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm. Khi phúc thẩm lại bản án của Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm đồng thời thực hiện cả hai chức năng này, vừa xét xử lại vụ án về nội dung vừa kiểm tra tính hợp pháp và có căn cứ của bản án sơ thẩm. Cả hai chức năng này có thể thực hiện thông qua thủ tục phiên tòa xét xử công khai, trực tiếp, bằng lời nói với thủ tục tương tự như phiên tòa sơ thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX trực tiếp xem xét đánh giá chứng cứ tại phiên tòa để giải quyết vụ án về nội dung. Đồng thời, nếu có những sai lầm trong hoạt động xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm phát hiện và khắc phục. Nếu sai lầm về mặt pháp luật, Tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét phát hiện trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ vụ án. Nếu sai lầm trong việc xác định sự thật của vụ án, Tòa án cấp phúc bằng việc xét xử tại phiên tòa, trên cơ sở những chứng cứ cũ và chứng cứ mới có thể xác định lại sự thật của vụ án. Bằng quyền sửa và huỷ bản án hoặc quyết định sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm có thể sửa chữa sai lầm cả mặt pháp luật cả về mặt xác định sự thật của vụ án. Nếu không đủ điều kiện, căn cứ để sửa án và hủy án, Tòa án cấp phúc thẩm y án và đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm. Việc phúc thẩm những quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không phải là hoạt động xét xử, không xem xét đánh giá các tình tiết về nội dung thực chất của vụ án hình sự mà là hoạt động xét lại, kiểm tra tính đúng đắn của các quyết định sơ thẩm. Điều 230 BLTTHS về tính chất của phúc thẩm cũng quy định: Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Vì vậy, theo chúng tôi, thủ tục phúc thẩm các quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm cần được tiến hành tương tự như thủ tục xét lại: không cần mở phiên tòa công khai, nếu xét thấy cần thiết có thể triệu tập những người tham gia tố tụng cần thiết. Cần bổ sung thêm vào khoản 1 Điều 253 nội dung sau: Tại phiên tòa, một thành viên của HĐXX trình bày tóm tắt nội dung vụ án, nội dung quyết định bị kháng cáo, kháng nghị, các thành viên của HĐXX phát biểu ý kiến, đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án. Nếu đã triệu tập người tham gia tố tụng thì những người này được trình bày ý kiến trước khi đại diện Viện kiểm sát phát biểu. Trong trường hợp họ vắng mặt, HĐXX vẫn tiếp tục tiến hành việc xét xử.

3. Bổ sung quy định về việc áp dụng thủ tục rút gọn trong việc xét xử phúc thẩm vụ án hình sự

Thủ tục rút gọn là thủ tục đặc biệt của tố tụng hình sự được áp dụng để giải quyết những vụ án hình sự đối với tội phạm ít nghiêm trọng, có tính chất quả tang, đơn giản, chứng cứ rõ ràng, người thực hiện hành vi phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng. Thủ tục này có sự rút ngắn về thời gian, đơn giản về thủ tục nhằm giải quyết nhanh chóng vụ án hình sự, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm nhanh chóng, hiệu quả, là một trong những giải pháp giải quyết tình trạng tồn đọng án kéo dài và các vi phạm các quy định của BLTTHS về thời hạn có xu hướng gia tăng; khắc phục tình trạng quá tải trong các trại tạm giam và những khó khăn trong tổ chức tạm giữ, tạm giam. Việc giải quyết vụ án nhanh chóng sẽ tạo điều kiện để những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra nhanh chóng được khắc phục, góp phần đảm bảo lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Thủ tục này còn tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, công sức trong việc giải quyết vụ án những vụ án đơn giản, rõ ràng, ít nghiêm trọng, tập trung vào việc giải quyết những vụ án nghiêm trọng, phức tạp hơn; đồng thời cũng tiết kiệm được thời gian và chi phí cho những người tham gia tố tụng và giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống và tham gia vào các quan hệ pháp luật khác. Thủ tục này cũng đáp ứng yêu cầu của nhân dân về việc xử lý kịp thời, nhanh chóng, chính xác các hành vi phạm tội và người phạm tội, qua đó nhanh chóng phát huy tác dụng giáo dục ý thức pháp luật trong nhân dân thông qua hoạt động xét xử, góp phần vào việc phòng ngừa tội phạm.

Tuy nhiên, ngoài những yếu tố tích cực như đã nêu trên, thủ tục rút gọn cũng tiềm ẩn những điều kiện dẫn đến hạn chế việc đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo. Vì vậy, cần phải cân nhắc, thận trọng trong việc quy định và thi hành thủ tục này cả về điều kiện và phạm vi áp dụng. Theo quy định tại Điều 318 BLTTHS năm 2003 đã xác định phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn chỉ trong việc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Tuy nhiên, việc có nên mở rộng phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn trong việc xét xử phúc thẩm hay không là vấn đề hiện nay đang được đề cập đến với những quan điểm khác nhau.

- Quan điểm thứ nhất: Không áp dụng thủ tục rút gọn trong việc xét xử phúc thẩm vụ án hình sự.

Đây là quan điểm chính thống của các nhà làm luật được thể hiện trong nội dung của Điều luật và là quan điểm của những người cho rằng quy định của pháp luật hiện hành là hợp lý. Việc quy định không áp dụng thủ tục rút gọn đối với việc xét xử phúc thẩm vì khi bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm đã bị kháng cáo, kháng nghị là đã có sự không thống nhất giữa Tòa án với Viện kiểm sát hoặc giữa Tòa án với những người tham gia tố tụng có quyền kháng cáo trong việc giải quyết vụ án. Và như vậy, tính chất “sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng” không còn nữa mà vụ án đã trở thành phức tạp, không đảm bảo đầy đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn.

- Quan điểm thứ hai: Nên quy định áp dụng thủ tục rút gọn trong việc xét xử phúc thẩm đối với các vụ án trước đó đã xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn. Tác giả quan điểm này cho rằng:

+ Việc bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị không làm cho tính chất của vụ án phức tạp thêm vì chỉ khi có đủ điều kiện luật định cơ quan điều tra mới đề nghị áp dụng thủ tục rút gọn và Viện kiểm sát đã cân nhắc kỹ càng trước và sau khi quyết định áp dụng thủ tục rút gọn;

+ Việc phúc thẩm trong trường hợp này không đòi hỏi nhiều thời gian do tính chất đơn giản, rõ ràng của vụ án; trong giai đoạn sơ thẩm, nếu có những tình tiết làm phức tạp thêm tính chất của vụ án thì các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm đã có những quyết định cần thiết để không áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án này nữa.

+ Nếu có sai lầm ở cấp sơ thẩm thì việc làm rõ để sửa chữa những sai lầm đó cũng không mất nhiều thời gian do những điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn cho phép nhanh chóng xác định các tình tiết thực tế của nó. Mặt khác, nếu có sư vi phạm nghiêm trọng quy định của BLTTHS, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể hủy bản án, quyết định sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo thủ tục thông thường.[6]

Về quan điểm thứ nhất, cũng là quy định của BLTTHS năm 2003, không cho phép áp dụng thủ tục rút gọn đối với việc xét xử phúc thẩm đối với mọi vụ án là thể hiện sự thận trọng trong việc áp dụng thủ tục rút gọn, tuy nhiên theo chúng tôi là quá hạn chế. Về mặt lý luận cũng như thực tiễn xét xử đều cho phép nhận định có những trường hợp, việc kháng cáo của bị cáo không làm cho tính chất của vụ án trở nên phức tạp. Đa số bị cáo thực hiện quyền kháng cáo (số lượng kháng cáo, trong đó có kháng cáo của bị cáo chiếm tỉ lệ rất lớn, theo số liệu thống kê của VKSNDTC, năm 2005, số vụ kháng cáo chiếm 93,32% số vụ tòa án cấp phúc thẩm thụ lý; năm 2006, chiếm 92,93%; năm 2007, chiếm 93,82%)[7] và rất nhiều trường hợp họ kháng cáo chỉ xin được khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt với tâm lý cầu may, còn nước còn tát mà không phải vì họ phản đối việc giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm, cũng không phải vì bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không đảm bảo tính hợp pháp hay không có căn cứ. Có trường hợp, người bị hại kháng cáo xin giảm nhẹ cho bị cáo chỉ vì họ có quan hệ hôn nhân, huyết thống với bị cáo hoặc vì những lý do muốn thông cảm, tha thứ cho bị cáo, muốn “làm phúc”, không muốn gây thù oán với bị cáo mà không phải vì lý do không đồng tình với phán quyết của Tòa án (đó là một trong những nguyên nhân của việc Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm chiếm tỉ lệ cao trong các quyết định của Tòa án. Theo số liệu thống kê của TANDTC, từ năm 2002 đến năm 2007 tỉ lệ này trung bình là 70,23%)[8]. Trong những trường hợp này, thực chất không có vấn đề cần xem xét thêm về các tình tiết thuộc nội dung vụ án, cũng không cần xem xét lại về việc áp dụng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm mà chỉ xem xét có thể giảm hơn nữa mức án cho bị cáo trong điều khoản đã định hay không trên cơ sở áp dụng khoản 2 Điều 46 BLHS. Vì vậy, trong trường hợp này, nếu như trước đó vụ án đã có đủ điều kiện để xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn thì những điều kiện đó vẫn được duy trì sau khi bản án bị kháng cáo, hoàn toàn có thể áp dụng thủ tục rút gọn để xét xử phúc thẩm những vụ án này mà không ảnh hưởng đến chất lượng xét xử và vẫn đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo. Việc hạn chế không áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử phúc thẩm trong những trường hợp này là không cần thiết.

Quan điểm thứ hai theo hướng kiến nghị quy định áp dụng thủ tục rút gọn trong việc xét xử phúc thẩm đối với những vụ án áp dụng thủ tục rút gọn trong giai đoạn xét xử sơ thẩm mà có kháng cáo, kháng nghị là nhằm khắc phục hạn chế về phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Điều 318 BLTTHS năm 2003. Tuy nhiên, việc tác giả cho rằng có thể áp dụng thủ tục rút gọn trong việc xét xử phúc thẩm đối với mọi vụ án đã xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn có kháng cáo, kháng nghị theo chúng tôi là quá rộng, cần cân nhắc thận trọng hơn. Việc xét xử phúc thẩm vụ án hình sự có thể phức tạp vì nhiều lý do:

Thứ nhất, việc bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thường làm cho tính chất của vụ án phức tạp thêm, nhất là trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị. Viện kiểm sát kháng nghị bao giờ cũng dựa trên những lý do mà Viện kiểm sát coi là xác đáng. Điều 32 Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự ngày 17/9/2007 của VKSNDTC quy định: Viện kiểm sát kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm khi có một trong những căn cứ sau:

- Việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm phiến diện hoặc không đầy đủ;

- Kết luận của bản án hoặc quyết định hình sự sơ thẩm không phù hợp các tình tiết khách quan của vụ án;

- Có vi phạm trong việc áp dụng Bộ luật hình sự;

- Thành phần HĐXX sơ thẩm không đúng luật định hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng.[9]

Trong trường hợp có kháng nghị của Viện kiểm sát theo căn cứ thứ nhất, thứ hai và thứ ba, thể hiện sự bất đồng quan điểm giữa Viện kiểm sát với Tòa án đối với việc xem xét đánh giá chứng cứ và giải quyết vụ án về nội dung thực chất của vụ án. Trong trường hợp này, rõ ràng vụ án không còn là “sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng” nữa mà đã có sự phức tạp, khó đánh giá các tình tiết của vụ án cũng như khó lựa chọn quy phạm pháp luật phù hợp để áp dụng nên không đủ điều kiện để xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn. Việc bất đồng giữa Tòa án cấp sơ thẩm và Viện kiểm sát có thể do diễn biến phiên tòa sơ thẩm có việc bổ sung chứng cứ mới tại phiên tòa hoặc người tham gia tố tụng thay đổi lời khai dẫn đến việc Tòa án và Viện kiểm sát có những quan điểm khác nhau khi đánh giá những chứng cứ này. Cũng có thể do Tòa án đã lựa chọn cách giải quyết khác với đề nghị của Viện kiểm sát (như xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố) và Viện kiểm sát không đồng ý với cách giải quyết của Tòa án. Việc Viện kiểm sát kháng nghị vì “thành phần HĐXX sơ thẩm không đúng luật định hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng” cũng làm cho việc xét xử phúc thẩm trở nên phức tạp vì việc đánh giá việc xét xử của Tòa án cấp dưới có vi phạm thủ tục tố tụng hay không để hủy án là việc cần tiến hành một cách thận trọng theo thủ tục chung. Vì vậy, theo chúng tôi, những trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị cần được xét xử phúc thẩm theo thủ tục chung.

Trong trường hợp kháng cáo, nếu đơn kháng cáo của người kháng cáo thể hiện sự không đồng ý với phán quyết của Tòa án cũng với những căn cứ như căn cứ kháng nghị của Viện kiểm sát thì việc cũng cần phải xét xử vụ án theo thủ tục chung vì những lý do như chúng tôi đã trình bày.

Thứ hai, nếu bản án, quyết định sơ thẩm đồng thời bị Viện kiểm sát kháng nghị và người tham gia tố tụng kháng cáo theo nhiều nội dung và hướng kháng có khác nhau cũng làm cho việc xét xử phúc thẩm phức tạp vì có những quan điểm trái chiều nhau về cách giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm. Trường hợp này không chỉ có sự bất đồng giữa Viện kiểm sát, người tham gia tố tụng với Tòa án cấp sơ thẩm mà còn có sự bất đồng giữa Viện kiểm sát với người tham gia tố tụng và giữa những người tham gia tố tụng với nhau.

Thứ ba, Tòa án cấp phúc thẩm không chỉ thực hiện chức năng xét xử mà còn thực hiện chức năng giám đốc việc xét xử của Tòa án cấp dưới. Việc xét xử có theo thủ tục rút gọn hay không tùy thuộc vào tính chất đơn giản, rõ ràng, ít nghiêm trọng của sự việc phạm tội vì xét xử lại giải quyết nội dung thực chất của vụ án, nhưng việc xét lại tính hợp pháp và có căn cứ của tòa án cấp dưới có phức tạp hay không lại không phụ thuộc vào tính chất đơn giản, rõ ràng, ít nghiêm trọng của sự việc phạm tội. Vì vậy, dù vụ án đủ điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn ở cấp sơ thẩm nhưng không có nghĩa đó là điều kiện đủ để xét xử theo thủ tục rút gọn ở cấp sơ thẩm. Theo chúng tôi, nếu đã có những kháng cáo, kháng nghị yêu cầu xem xét lại về tính hợp pháp hay tính có căn cứ của bản án, quyết định sơ thẩm thì việc phúc thẩm phải được tiến hành theo thủ tục chung do tính chất phức tạp của hoạt động này và do yêu cầu đòi hỏi chất lượng cao của hoạt động xét lại.

Thứ tư, việc Viện kiểm sát, người đã kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự bổ sung chứng cứ mới tại Tòa án cấp phúc thẩm cũng có thể làm cho chứng cứ của vụ án trở nên phức tạp hơn, không đủ điều kiện xét xử theo thủ tục rút gọn.

Hơn nữa, nếu chúng ta tiến hành áp dụng thủ tục rút gọn đối với mọi vụ án đã áp dụng thủ tục rút gọn ở cấp sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị thì có thể dẫn đến tình trạng có nhiều trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sẽ phải hủy bản án, quyết định sơ thẩm để điều tra hoặc xét xử lại theo thủ tục chung do tính chất phức tạp của vụ án, kéo dài và làm phức tạp thêm trình tự tố tụng. Vì vậy cần quy định theo hướng chỉ áp dụng thủ tục rút gọn trong giai đoạn phúc thẩm khi có đủ những điều kiện cần thiết.

Từ những phân tích trên, theo chúng tôi, cần mở rộng phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn ở giai đoạn phúc thẩm trong trường hợp có đầy đủ những điều kiện:

- Vụ án trước đó đã được xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn;

- Bị cáo đã nhận tội tại phiên tòa hình sự sơ thẩm;

- Chỉ có kháng cáo theo hướng giảm nhẹ mức hình phạt cho bị cáo của bị cáo; của ĐDHP của bị cáo chưa thành niên; của người bị hại;

- Những người tham gia tố tụng khác không kháng cáo;

- Viện kiểm sát không kháng nghị;

- Các thẩm phán được phân công xét xử phúc thẩm qua việc nghiên cứu hồ sơ hoàn toàn nhất trí là bản án sơ thẩm hoàn toàn đúng hoặc có thể giảm nhẹ mức hình phạt trong khung hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên.

- Bị cáo và ĐDHP của họ đồng ý xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn.[10]

Về việc áp dụng thủ tục rút gọn ở cấp phúc thẩm trước đây đã được quy định trong Bản hướng dẫn về trình tự tố tụng phúc thẩm về hình sự (kèm thông tư số 19-TATC ngày 2/10/1974). Theo quy định tại Thông tư này, không cần gọi bị cáo mà chỉ báo cho bị cáo biết ngày giờ, địa điểm mở phiên tòa bị cáo có thể đến những không bắt buộc phải đến, nếu họ không đến thì sự vắng mặt của họ không ảnh hưởng đến việc xét xử, cũng không cần có mặt những người tham gia tố tụng khác. Phiên tòa được xét xử công khai, chủ tọa khai mạc phiên tòa, một thành viên của Hội đồng xử án báo cáo tóm tắt nội dung vụ án, kết luận của Viện kiểm sát nếu có sẽ được trình bày hoặc đọc, Hội đồng xử án và phòng riêng nghị án và trở lại phòng xử án tuyên án. Trường hợp có bị cáo đến thì sau khai mạc, bị cáo được hỏi căn cước, được công bố thành phần Hội đồng xử án, xin thay đổi thành phần Hội đồng xử án và người phiên dịch, nếu có. Tiếp theo là báo cáo tóm tắt nội dung vụ án, sau đó bị cáo được trình bày thêm những điểm cần thiết, hội đồng xử án có thể hỏi thêm nếu xét thấy cần thiết, kết luận của Viện kiểm sát, bị cáo được nói lời sau cùng. Hội đồng xử án vào phòng nghị án và trở lại phòng xử để tuyên án.[11]

Theo chúng tôi, quy định vẫn có những điểm hợp lý cần kế thừa và phát triển thêm. Chúng tôi nhận thấy việc không cần triệu tập bị cáo và những người tham gia tố tụng khác là hợp lý cần kế thừa, tuy nhiên, không nên quy định thành hai trường hợp: nếu họ không đến xử theo thủ tục khác với trường hợp nếu họ có đến phiên tòa như quy định tại Thông tư 19 để đảm bảo thủ tục thống nhất trong mọi trường hợp. Thực chất, việc xem xét kháng cáo trong trường hợp có đủ điều kiện để phúc thẩm theo thủ tục rút gọn như đã trình bày ở trên chỉ là xem xét có thể vận dụng khoản 2 Điều 46 BLHS để giảm mức hình phạt cho bị cáo hay không chứ không phải là xét xử lại vụ án về nội dung hay có vấn đề cần xét lại về tính hợp pháp của bản án, không có vấn đề cần xét hỏi hay tranh luận. Đồng thời bị cáo (và ĐDHP của họ nếu họ là người chưa thành niên hoặc có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất) đã đồng ý xét xử theo thủ tục rút gọn nên việc xét xử vắng mặt bị cáo là không ảnh hưởng đến việc giải quyết kháng cáo. Hơn nữa, việc xét giảm án cho bị cáo chỉ liên quan đến quyền lợi của bị cáo, không liên quan đến quyền lợi của những người tham gia tố tụng khác nên cũng không cần triệu tập họ đến phiên tòa. Theo chúng tôi, không cần thiết phải mở phiên tòa công khai vì thực chất không có việc xét xử về nội dung vụ án nên có thể áp dụng hình thức như phúc thẩm quyết định sơ thẩm. Việc quyết định áp dụng thủ tục rút gọn trong việc xét xử phúc thẩm theo chúng tôi nên quy định do Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm quyết định trên cơ sở đề nghị của các thẩm phán được phân công xét xử vụ án nếu xét thấy đủ điều kiện xét xử theo thủ tục rút gọn trong thời hạn 7 ngày từ ngày nhận hồ sơ vụ án. Quyết định này phải được gửi cho Viện kiểm sát, bị cáo hoặc ĐDHP của bị cáo trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định. Phiên tòa phúc thẩm tiến hành theo trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày thông báo quyết định. Nếu không có quyết định áp dụng thủ tục rút gọn trong việc xét xử phúc thẩm thì việc xét xử phúc thẩm vụ án được tiến hành theo thủ tục chung.

Từ những phân tích trên, theo chúng tôi cần phải bổ sung Điều 318 BLTTHS về phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn gọn đối với việc xét xử phúc thẩm. Cần bổ sung Điều 324a quy định về việc phúc thẩm theo thủ tục rút gọn vào Chương XXXIV của BLTTHS với các nội dung như đã trình bày.

1] TANDTC, Nghị quyết số 05/NQ-HĐTP Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ tư “Xét xử phúc thẩm” của BLTTHS ngày 8/12/2005 của HĐTP TANDTC, mục 1, phần II.

[2] Vấn đề này chúng tôi đã đề cập trong bài “Một số ý kiến về việc bổ sung, thay đổi, rút kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm” (Tạp chí Luật học số 6/1996)

[3] TANDTC, Nghị quyết số 05/NQ-HĐTP Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ tư “Xét xử phúc thẩm” của BLTTHS ngày 8/12/2005 của HĐTP TANDTC, mục 7, phần I.

[4] VKSNDTC, Viện khoa học kiểm sát, Bộ luật TTHS Thái Lan (bản dịch tiéng Việt), Hà Nội, 1995, tr.56.

[5] VKSNDTC, Viện khoa học kiểm sát, Bộ luật TTHS Liên bang Nga, (bản dịch tiéng Việt), Hà Nội, 2002, tr.157.

[6] Ths. Vũ Gia Lâm, Hoàn thiện một số quy định của BLTTHS về thủ tục rút gọn, Kỷ yếu hội thảo “Thủ tục đặc biệt trong tố tụng hình sự”, Trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật hình sự, Hà Nội, 2008, tr.81.

[7] VKSNDTC, Thống kê kết quả hoạt động của VKSND năm 2005 và năm 2007.

[8] TANDTC, Báo cáo tổng kết công tác xét xử của TANDTC các năm từ 2002 đến năm 2007.

[9] Quy chế Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 960/2007/QĐ-VKSNDTC ngày 17/9/2007 của Viện trưởng VKSNDTC.

[10] Về vấn đề này chúng tôi đã trình bày trong bài Một só kiến nghị hạn chế việc phải chuyển từ thủ tục rút gọn sang thủ tục chung để giải quyết vụ án. Kỷ yếu hội thảo “Thủ tục đặc biệt trong tố tụng hình sự”, Trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật hình sự, Hà Nội, 2008.

[11] TANDTC, Tập hệ thống hóa luật lệ về tố tụng hình sự, Hà Nội, 1976, tr. 220, 223

Theo Tạp Chí Luật học số 04/2003

Bàn về việc rút quyết định kháng nghị, quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm

I. Việc rút quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, quyết định kháng nghị tái thẩm

1. Việc rút quyết định kháng nghị giám đốc thẩm

Theo quy định tại khoản 3 Điều 277 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) “trước khi bắt đầu phiên tòa giám đốc thẩm, người đã kháng nghị có quyền… rút kháng nghị”. Điều luật chỉ quy định chủ thể và thời điểm rút kháng nghị giám đốc thẩm. Theo chúng tôi, nói đến rút kháng nghị giám đốc thẩm còn phải đề cập đến nội dung, hình thức, thủ tục rút kháng nghị và hậu quả của rút kháng nghị.

a. Chủ thể rút kháng nghị

Chủ thể rút kháng nghị giám đốc thẩm là người đã kháng nghị. Điều 275 BLTTHS quy định các chủ thể có quyền rút kháng nghị giám đốc thẩm bao gồm:

- Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) đã kháng nghị bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án các cấp1;

- Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương đã kháng nghị bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án quân sự cấp dưới;

- Chánh án tòa án Nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng viện kiểm sát Nhân dân cấp tỉnh, Chánh án tòa án quân sự cấp quân khu, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu đã kháng nghị bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án cấp dưới.

Ngoài ra, Phó viện Trưởng viện kiểm sát, phó chánh án tòa án được uỷ nhiệm kháng nghị giám đốc thẩm (Khoản 1 Điều 36 và khoản 1 Điều 38 BLTTHS) cũng là chủ thể rút kháng nghị.

Có quan điểm cho rằng chỉ cần quy định thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm cho Viện trưởng VKSNDTC và Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự Trung ương (VKSQSTW)2 Quan điểm này phù hợp với quan hệ chế ước giữa Viện kiểm sát và tòa án, đồng thời phù hợp định hướng tổ chức lại hệ thống tòa án theo cấp xét xử được đặt ra trong Nghị quyết 49 của Bộ chính trị3.

Chúng tôi tán thành quan điểm này, việc quy định Viện trưởng VKSNDTC, Viện trưởng VKSQSTW và những người được họ uỷ quyền kháng nghị đồng thời là người rút kháng nghị được chúng tôi coi là tiền đề cho những đề xuất khác.

b. Thời điểm rút kháng nghị

Theo quy định của BLTTHS hiện hành, việc rút kháng nghị giám đốc thẩm không được thực hiện tại phiên tòa mà chỉ được thực hiện trước khi bắt đầu phiên tòa.

Chúng tôi đề nghị bổ sung quy định về việc rút kháng nghị tại phiên tòa giám đốc thẩm với lý do tại phiên tòa, sau khi nghe trình bày bản thuyết trình về vụ án, các ý kiến, quan điểm về việc giải quyết vụ án (Khoản 2 Điều 282 BLTTHS), người đã kháng nghị mới thấy kháng nghị không có căn cứ hoặc trái pháp luật. Trong trường hợp này không nên tiếp tục khiên cưỡng duy trì kháng nghị. Do đó, cần quy định quyền rút kháng nghị tại phiên tòa. Nếu người đã kháng nghị mà uỷ quyền cho người khác tham gia phiên tòa mà người được uỷ quyền thấy kháng nghị không có căn cứ hoặc trái pháp luật thì đề nghị hoãn phiên tòa để người đã kháng nghị xem xét và quyết định. Đề xuất này cũng phù hợp với hướng dẫn tại khoản 2 Điều 56 Quy chế về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 960/2007/QĐ-VKSTC ngày 17/9/2007 của Viện trưởng VKSNDTC4: “… Phó viện trưởng và kiểm sát nên tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm về những vấn đề đã được Viện trưởng cho ý kiến. Nếu phải thay đổi cơ bản quan điểm đã được Viện trưởng cho ý kiến thì đề nghị hoãn phiên tòa để báo cáo Viện trưởng xem xét và quyết định”. (Khoản 2 Điều 281 BLTTHS chỉ quy định hoãn phiên tòa trong trường hợp Hội đồng giám đốc thẩm biểu quyết đồng ý và không đồng ý với kháng nghị mà không có loại ý kiến nào được quá nửa tổng số thành viên của Uỷ ban thẩm phán, Hội đồng thẩm phán tán thành. Theo chúng tôi, cần quy định thêm trường hợp hoãn phiên theo đề nghị của người được uỷ quyền tham gia phiên tòa khi thấy kháng nghị không có căn cứ hoặc trái pháp luật để người đã kháng nghị xem xét và quyết định).

Việc hoãn phiên tòa để người đã kháng nghị xem xét, quyết định tiếp tục giữ nguyên kháng nghị (có thể bổ sung chứng cứ, lập luận) hay rút kháng nghị tuy làm cho việc giải quyết vụ án kéo dài nhưng cần thiết vì điều đó thể hiện sự cân nhắc, thận trọng trong kháng nghị và xét xử. Với định hướng tổ chức lại hệ thống tòa án theo cấp xét xử, không còn nhiều cấp giám đốc thẩm như hiện nay, thì sự cân nhắc, thận trọng càng được đòi hỏi mạnh mẽ hơn.

c. Nội dung, hình thức và thủ tục rút kháng nghị

BLTTHS không quy định nội dung, hình thức và thủ tục rút kháng nghị giám đốc thẩm.

Điều 54 Quy chế số 960 ngày 17/9/2007 quy định trước khi bắt đầu phiên tòa giám đốc thẩm Viện trưởng Viện kiểm sát đã kháng nghị rút kháng nghị có quyền rút kháng nghị bằng văn bản nêu rõ lý do. Quyết định rút kháng nghị được gửi cho Tòa án sẽ xét xử giám đốc thẩm và hồ sơ vụ án; Tòa án đã ra bản án hoặc quyết định bị kháng nghị; người bị kết án và những người có quyền và lợi ích liên quan đến việc kháng nghị; Viện kiểm sát cấp trên để báo cáo và Viện kiểm sát cấp dưới, Viện kiểm sát đã đề nghị kháng nghị, vụ (hoặc phòng) kiểm sát giam giữ cải tạo và vụ (hoặc phòng) kiểm sát thi hành án để theo dõi. Trong trường hợp Viện trưởng VKSNDTC uỷ quyền cho Phó Viện trưởng phụ trách khối ký kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp tỉnh thì quyết định rút kháng nghị phải gửi cho Viện trưởng VKSNDTC để báo cáo.

Hướng dẫn của Quy chế cần được tham khảo để pháp điển hoá nội dung, hình thức và thủ tục rút kháng nghị giám đốc thẩm.

Về hình thức, cần quy định việc rút kháng nghị giám đốc thẩm trước khi bắt đầu phiên Tòa phải làm thành văn bản; việc rút kháng nghị giám đốc thẩm tại phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa; trong trường hợp hoãn phiên Tòa giám đốc thẩm để người đã kháng nghị xem xét việc rút kháng nghị thì quyết định rút kháng nghị cũng phải làm thành văn bản.

Về nội dung, cần quy định việc rút kháng nghị phải nêu rõ lý do.

Về thủ tục, cần quy định người rút quyết định kháng nghị giám đốc thẩm phải gửi ngay quyết định rút kháng nghị cho Tòa án đã ra bản án hoặc quyết định bị kháng nghị, Tòa án xét xử giám đốc thẩm, người bị kết án và những người có quyền và lợi ích liên quan đến việc kháng nghị (tương tự như quy định tại khoản 1 Điều 277 BLTTHS); người rút quyết định kháng nghị giám đốc thẩm tại phiên tòa phải gửi ngay thông báo rút kháng nghị cho Tòa án đã ra bản án hoặc quyết định bị kháng nghị và những người có quyền và lợi ích liên quan đến việc kháng nghị không có mặt tại phiên tòa. Việc gửi quyết định rút kháng nghị và thông báo rút kháng nghị tại phiên Tòa giám đốc thẩm cho các chủ thể khác để báo cáo hoặc theo dõi không cần quy định trong BLTTHS mà có thể được quy định tại văn bản dưới luật.

d. Hậu quả của việc rút kháng nghị

BLTTHS mặc dù có quy định về thời điểm và chủ thể rút kháng nghị giám đốc thẩm nhưng lại không quy định hậu quả của việc rút kháng nghị.

Có quan điểm đề nghị bổ sung quy định về hậu quả của việc rút kháng nghị giám đốc thẩm như sau: “Trường hợp người có quyền kháng nghị rút toàn bộ quyết định kháng nghị thì việc giám đốc thẩm phải được đình chỉ nếu không có kháng nghị khác”5.

Chúng tôi đồng ý với quan điểm trên và đề nghị quy định thêm thẩm quyền quyết định đình chỉ giám đốc thẩm và việc gửi, thông báo quyết định đình chỉ giám đốc thẩm.

Về thẩm quyền, cần quy định quyết định đình chỉ giám đốc thẩm tại phiên tòa thuộc về Hội đồng giám đốc thẩm, trước khi bắt đầu phiên tòa thuộc về thẩm phán được phân công chủ toạ phiên tòa. (BLTTHS hiện hành không có quy định về thẩm phán chủ tọa phiên tòa giám đốc thẩm, nhưng thực tế, tất cả các quyết định giám đốc thẩm đều ghi rõ tên thẩm phán chủ toạ phiên tòa. Vì vậy, cần có quy định chính thức về chủ toạ phiên tòa giám đốc thẩm).

Về việc gửi, thông báo quyết định đình chỉ giám đốc thẩm cần quy định tương tự khoản 2 Điều 288 BLTTHS: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ giám đốc thẩm, Tòa án xét xử giám đốc thẩm phải gửi quyết định đình chỉ giám đốc thẩm cho người bị kết án, người kháng nghị, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan công an nơi đã xử sơ thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú hoặc làm việc.

Hội đồng thẩm phán TANDTC cũng cần ban hành mẫu quyết định đình chỉ giám đốc thẩm.

2. Việc rút quyết định kháng nghị tái thẩm

BLTTHS không quy định việc rút kháng nghị tái thẩm.

Trong thực tế có trường hợp đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa thấy kháng nghị không có căn cứ nên không thể giữ nguyên quan điểm kháng nghị nhưng cũng không thể rút kháng nghị. Ví dụ:

Vào 13h30’ ngày 22/7/1988, Vũ Văn Dũng cùng đồng bọn hiếp dâm chị Vũ Thị M tại hang đá nhà thờ Phát Diệm. Sau khi phạm tội, Dũng tự thú và khai báo gian dối họ tên là Trần Văn Dũng. Khi được tại ngoại, Dũng bỏ trốn khỏi địa phương. Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử vắng mặt và kết án bị cáo Trần Văn Dũng 6 năm tù về tội hiếp dâm. Dũng kháng cáo xin giảm hình phạt. Tòa án cấp phúc thẩm đã xét xử vắng mặt bị cáo và giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm đối với Trần Văn Dũng. Tòa án đã ra quyết định thi hành án phạt tù đối với Trần Văn Dũng. Cơ quan công an đã ra lệnh truy nã đối với Trần Văn Dũng vào các năm 1992, 1999 và 2001. Sau khi bị bắt vào ngày 09/10/2001 theo lệnh truy nã, Dũng khai họ tên thật là Vũ Văn Dũng. Qua lời khai của Dũng và các tài liệu xác minh theo thủ tục tái thẩm có căn cứ xác định Trần Văn Dũng có họ tên thật là Vũ Văn Dũng, con ông Vũ Đình Thi và bà Trần Thị Hiên, là người phạm tội hiếp dâm năm 1988 và đã bị tòa án kết án 6 năm tù.

Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm đề nghị huỷ bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm để điều tra lại với lý do bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm xác định không đúng họ của bị cáo. Tại phiên tòa tái thẩm, đại diện viện kiểm sát thấy tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm xét xử đúng người, đúng tội và đúng pháp luật; việc sai lầm của các Tòa án này về họ của bị cáo chỉ cần sửa lại bằng cách đính chính bản án, chứ không cần huỷ bản án để điều tra lại như kháng nghị tái thẩm yêu cầu. Tuy nhiên, BLTTHS không quy định Việc rút kháng nghị tái thẩm nên đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị Hội đồng tái thẩm giữ nguyên bản án phúc thẩm để Tòa án cấp phúc thẩm đính chính họ của người bị kết án theo đúng kết quả xác minh. Hội đồng tái thẩm căn cứ Điều 296 và Điều 298 BLTTHS  quyết định không chấp nhận kháng nghị tái thẩm và giữ nguyên bản án phúc thẩm; yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm đính chính bản án phúc thẩm cho đúng họ tên bị cáo và bố mẹ của bị cáo6.

Việc đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa đề nghị Hội đồng tái thẩm giữ nguyên bản án phúc thẩm là ngược lại với kháng nghị thực chất của việc đề nghị này là rút lại quan điểm trong kháng nghị. Nhưng do BLTTHS không quy định việc rút kháng nghị tái thẩm, không có cơ sở pháp lý để đình chỉ tái thẩm nên Hội đồng tái thẩm buộc phải quyết định không chấp nhận kháng nghị.

Vì vậy, BLTTHS cần quy định về rút kháng nghị tái thẩm với nội dung tương tự như quy định về rút kháng nghị giám đốc thẩm.

II. Việc rút quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm, quyết định không kháng nghị tái thẩm

Trong trường hợp có căn cứ và còn thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì người có quyền kháng nghị phải ra quyết định kháng nghị. Ngược lại, nếu không có căn cứ, hoặc có căn cứ nhưng đã hết thời hạn kháng nghị thì người có quyền kháng nghị phải trả lời cho người hoặc cơ quan, tổ chức đã phát hiện bản án, quyết định cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm biết lý do của việc không kháng nghị.

Như vậy, đa số trường hợp, việc không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thể hiện dưới hình thức “thông báo”. Duy nhất việc không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thể hiện dưới hình thức “quyết định” là trường hợp Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC khi xem xét bản án tử hình trước khi thi hành thấy không có căn cứ kháng nghị. Đoạn 2 khoản 1 Điều 258 BLTTHS quy định trong thời hạn 2 tháng, kể từ ngày nhận được bản án và hồ sơ vụ án tử hình, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC phải quyết định kháng nghị hoặc “quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm”. Quyết định không kháng nghị là cơ sở (hoặc một trong các cơ sở) để thi hành hình phạt tử hình7. Do đó, theo chúng tôi cần bổ sung từ “quyết định” vào khoản 2 Điều 258 BLTTHS như sau: “Bản án tử hình được thi hành, nếu Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC ra quyết định không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm”.

BLTTHS hiện hành, trong khi quy định về quyết định kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành nhưng lại không quy định việc rút quyết định này.

Thực tế cho thấy Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC sau khi ra quyết định không kháng nghị có thể rút lại quyết định. Ví dụ: Huỳnh Văn M bị tòa án cấp sơ thẩm phạt tử hình về tội giết người, 3 năm tù về tội hiếp dâm, tổng hợp hình phạt của cả hai tội là tử hình. tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm về tội danh và hình phạt đối với M. Hội đồng giám đốc thẩm tại Uỷ ban thẩm phán TANDTC8 cũng giữ nguyên quyết định của bản án phúc thẩm đối với M. Ngày 31/8/2001 Chánh án TANDTC có quyết định không kháng nghị và ngày 04/10/2001 Viện trưởng VKSNDTC cũng có quyết định không kháng nghị quyết định giám đốc thẩm của Uỷ ban thẩm phán TANDTC đối với M. Sau khi có các quyết định nói trên, gia đình người bị kết án có nhiều đơn khiếu nại, một số đại biểu Quốc hội và lãnh đạo một số cơ quan chức năng cũng có văn bản đề nghị TANDTC và VKSNDTC xem xét lại vụ án. Tại quyết định kháng nghị số 35/HS-TK ngày 18/8/2003, Chánh án TANDTC rút quyết định không kháng nghị số 125/TK ngày 31/8/2001 của Chánh án TANDTC, đề nghị Hội đồng thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm giảm hình phạt cho M xuống tù chung thân9. Tại phiên tòa giám đốc thẩm, Viện trưởng VKSNDTC cũng rút quyết định không kháng nghị số 130/KSXXHS ngày 04/10/2001 của Viện trưởng VKSNDTC10.

Vụ án trên được giải quyết trước khi BLTTHS năm 2003 có hiệu lực pháp luật nhưng những vấn đề pháp lý đặt ra vẫn còn nguyên giá trị: cần bổ sung vào BLTTHS hiện hành quy định về việc rút quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành trong trường hợp quyết định không kháng nghị không có căn cứ hoặc trái pháp luật.

1. Trừ quyết định của Hội đồng thẩm phán TANDTC vì đây là quyết định của cơ quan xét xử cao nhất.

2. Phan Thị Thanh Mai, “Giám đốc thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam”, Luận án tiến sỹ luật học, Hà Nội, 2007, Tr. 157-163.

3. Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ chính trị ngày 02/06/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

4. Sau đây viết tắt là Quy chế Số 960

5. Phan Thị Thanh Mai, “Giám đốc thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam”, Luận án tiến sỹ luật học, Hà Nội, 2007, Tr. 165.

6. Quyết định tái thẩm số 17/HĐTP-HS ngày 29/9/2004 của Hội đồng thẩm phán TANDTC.

7. Trường hợp người bị kết án không xin ân giảm thì bản án tử hình được thi hành nếu tòa án xử sơ thẩm đã nhận được quyết định không kháng nghị của Chánh án TANDTC và quyết định không kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC; hoặc đã nhận được quyết định giám đốc thẩm hoặc quyết định tái thẩm của TANDTC giữ nguyên bản án tử hình. Trường hợp người bị kết án xin ân giảm thì bản án tử hình được thi hành nếu tòa án xử sơ thẩm đã nhận được quyết định không kháng nghị của Chánh án TANDTC, quyết định không kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC và bản sao quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình; hoặc đã nhận được quyết định giám đốc thẩm hoặc quyết định tái thẩm của TANDTC giữ nguyên bản án tử hình và bản sao quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình.

8. Theo quy định tại Điều 248 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 1988, Uỷ ban thẩm phán TANDTC là một cấp giám đốc thẩm xét lại những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAQSTW, tòa hình sự, tòa phúc thẩm TANDTC.

9. Theo quy định tại điểm 4 Điều 254 và Điều 257 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, hội đồng giám đốc thẩm có quyền sửa bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

10. Quyết định giám đốc thẩm số 05/2004/HĐTP-HS ngày 24/02/2004 của Hội đồng thẩm phán TANDTC.

Tạp chí Tạp chí số 6/2007

Một số vấn đề về chứng cứ trong tố tụng hình sự theo luật chứng cứ của úc (1)

ThS. Nguyễn Ngọc Khanh

Giảng viên khoa Luật hình sự

Trường Đại học Luật Hà Nội

Theo luật chứng cứ của úc, chứng cứ được hiểu là những gì được dùng để chứng minh sự tồn tại của một tình tiết thực tế nào đó trong các vụ án hình sự và dân sự. Các sự kiện, tài liệu được sử dụng làm chứng cứ phải được thu thập, kiểm tra, đánh giá theo trình tự, thủ tục và những nguyên tắc nhất định theo quy định của luật chứng cứ. Trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu một số vấn đề cơ bản về chứng cứ trong tố tụng hình sự theo luật chứng cứ của úc, bao gồm: những vấn đề cần chứng minh, các phương tiện chứng minh, phân loại chứng cứ và một số nguyên tắc cơ bản khi thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ.

1. Những vấn đề cần chứng minh trong các vụ án hình sự

Những vấn đề cần chứng minh trong các vụ án hình sự là những vấn đề cần làm sáng tỏ để xác định sự thật khách quan của vụ án. Theo luật chứng cứ của úc, những vấn đề cần chứng minh bao gồm những vấn đề chính và những vấn đề bổ trợ.

Những vấn đề chính cần phải chứng minh trong các vụ án hình sự bao gồm các tình tiết được đưa ra bởi bên buộc tội và bên gỡ tội. Là người đại diện cho Nhà nước thực hiện chức năng buộc tội đối với bị cáo, công tố viên phải đưa ra các chứng cứ để bảo vệ sự buộc tội của mình, chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo. Ngược lại, là đối tượng bị buộc tội, bị cáo (cùng với luật sư bào chữa, nếu có) có thể đưa ra các chứng cứ để bào chữa cho mình. Luật chứng cứ không đề cập đến những vấn đề cụ thể mà công tố viên phải chứng minh và bị cáo cần đưa ra để bào chữa cho mình mà chỉ ghi nhận chung những tình tiết do công tố viên và bị cáo (cùng với luật sư bào chữa của mình) đưa ra để thuyết phục Toà án là những vấn đề chính mà Toà án cần phải làm sáng tỏ trong các vụ án hình sự. Đối với từng vụ việc cụ thể, việc xác định những vấn đề chính cần chứng minh dựa vào các quy định của các ngành luật nội dung (luật riêng biệt). Yêu cầu đặt ra với Toà án là phải xem xét các tình tiết do các bên đưa ra một cách khách quan, toàn diện. Các tình tiết do các bên đưa ra mà không có căn cứ vững chắc để chứng minh thì không được sử dụng làm chứng cứ.

Những vấn đề bổ trợ cần chứng minh trong các vụ án hình sự là những dữ liệu được đưa ra bởi người làm chứng hoặc những dữ liệu khác được thừa nhận là chứng cứ, chúng đơn thuần là vấn đề được điều chỉnh bằng luật chứng cứ chứ không liên quan đến luật nội dung và cũng không liên quan đến việc bào chữa. Ví dụ: nếu có căn cứ cho rằng giữa người làm chứng và người đã yêu cầu họ làm chứng (bị cáo hoặc người bị hại) có mối quan hệ với nhau mà có thể dẫn đến việc người làm chứng sẽ khai thiên vị cho người đó thì trong cuộc thẩm vấn người làm chứng sẽ được hỏi về mối quan hệ đó. Nếu người làm chứng không thừa nhận mối quan hệ với người đã yêu cầu mình làm chứng thì phía bên kia có thể chứng minh mối quan hệ đó, nếu có thể.

Một ví dụ về sự thừa nhận chứng cứ với tư cách là dữ liệu bổ trợ là khi bản gốc của một tài liệu có liên quan trong vụ án bị mất, bản photo chỉ được thừa nhận là chứng cứ nếu chứng minh được là bản gốc không còn nữa. Điều đó có thể hiểu, việc chứng minh tài liệu gốc không còn tồn tại nữa để bản photo có thể được chấp nhận là chứng cứ chỉ đơn thuần là việc xác định tài liệu đó có thể được chấp nhận là chứng cứ hay không chứ chưa xác định về nội dung và giá trị chứng minh của tài liệu đó. Nếu tài liệu đó được đưa ra bởi công tố viên hay bị cáo mà nội dung của nó liên quan đến việc buộc tội hay gỡ tội thì giá trị chứng minh của tài liệu đó lại được xác định là vấn đề chính cần chứng minh trong vụ án hình sự.

Tóm lại, luật chứng cứ của úc không quy định cụ thể những vấn đề cần chứng minh mà chỉ ghi nhận những dữ liệu công tố viên cần chứng minh để bảo vệ sự buộc tội của mình và những dữ liệu bị cáo đưa ra để bào chữa cho mình là những dữ liệu chính; những dữ liệu được đưa ra bởi người làm chứng và những dữ liệu khác được thừa nhận là chứng cứ với tư cách là những dữ liệu bổ trợ. Luật chứng cứ của úc không đề cập cụ thể đến những dữ kiện mà người bị hại đưa ra được xác định là vấn đề chính hay vấn đề bổ trợ cần chứng minh trong các vụ án hình sự. Tuy nhiên, căn cứ vào tinh thần chung, có thể hiểu những vấn đề người bị hại đưa ra thuộc nhóm những vấn đề chính cần chứng minh vì nó liên quan trực tiếp đến việc buộc tội đối với bị cáo. Có thể nó hỗ trợ cho các chứng cứ được đưa ra bởi công tố viên nhưng cũng không loại trừ trường hợp người bị hại đưa ra các chứng cứ có lợi cho bị cáo. Cho dù các tình tiết họ đưa ra có lợi hay bất lợi cho bị cáo thì Toà án vẫn cần phải xem xét và nó liên quan trực tiếp đến việc buộc tội nên cần được xác định là vấn đề chính cần chứng minh trong các vụ án hình sự. Đối với các vụ án dân sự, luật chứng cứ xác định cụ thể những tình tiết được đưa ra bởi nguyên đơn dân sự (plaitiff or applicant or petitioner) là một trong những vấn đề chính cần chứng minh.

2. Các phương tiện chứng minh

Theo luật chứng cứ của úc chứng cứ bao gồm: lời khai của người làm chứng; chứng cứ nghe kể lại; tài liệu; vật chứng; và những dữ liệu mà toà án có thể chấp nhận là chứng cứ trong những trường hợp cụ thể.

2.1. Lời khai của người làm chứng

Người làm chứng có thể đưa ra chứng cứ về những tình tiết mà họ biết về vụ án. Luật chứng cứ của úc đưa ra yêu cầu rất chặt chẽ đối với loại chứng cứ này. Lời khai của người làm chứng chỉ được coi là chứng cứ nếu họ trực tiếp nhận biết được các tình tiết đó thông qua một trong năm giác quan của mình. Tức là những tình tiết người làm chứng khai báo phải là do họ trực tiếp nhìn thấy, nghe thấy…Nếu đó là những tình tiết không được người làm chứng trực tiếp nhận biết thì về mặt nguyên tắc sẽ không được chấp nhận là chứng cứ. Ví dụ người làm chứng không trực tiếp chứng kiến (nhìn, nghe…) các tình tiết của vụ án mà nghe một người khác kể lại thì lời khai của họ không được chấp nhận là chứng cứ, trừ trường hợp đặc biệt[1].

Một vấn đề khác cần lưu ý khi xem xét lời khai của người làm chứng là lời khai của người làm chứng chỉ được chấp nhận nếu nó là bằng chứng sơ khởi (prima facie evidence) về những gì họ biết, tức là trước đó chưa có người làm chứng nào khác chứng minh về những tình tiết đó.

Ngoại lệ duy nhất cho nguyên tắc chung khi đánh giá lời khai của người làm chứng là khi xem xét các chứng cứ cần xác nhận về chuyên môn. Có thể trong lời khai của người làm chứng có chuyên môn (người được yêu cầu xác nhận một vấn đề nào đó có liên quan đến chuyên môn của mình) có những dữ liệu được trích dẫn từ sách chuyên môn hoặc từ kiến thức họ đã được đào tạo. Có nghĩa là có thể họ là người không trực tiếp chứng kiến sự việc và trước đó có thể đã có người khác khai báo về tình tiết đó, họ chỉ xác nhận tính khách quan, chính xác của lời khai đó hay của một (hay một số) tài liệu nào đó dựa vào kiến thức chuyên môn của mình. Nếu thẩm phán, hội thẩm, công tố viên hay các bên tham gia tố tụng không đồng ý với lời xác nhận chuyên môn đó thì họ có quyền chất vấn người đã đưa ra xác nhận. Người đã đưa ra xác nhận có trách nhiệm trả lời chất vấn để chứng minh tính đúng đắn, khách quan của chứng cứ mình đã đưa ra.

2.2. Chứng cứ nghe kể lại

Theo luật chứng cứ một số nước (trong đó có cả Việt Nam), lời khai của một người không trực tiếp chứng kiến sự việc mà được nghe kể lại từ một người khác, nếu phù hợp với các tình tiết khác của vụ án thì có thể được chấp nhận là chứng cứ (chứng cứ thuật lại). Luật chứng cứ của úc không thừa nhận loại chứng cứ nghe kể lại, trừ trường hợp đặc biệt.

Thông thường các bên tham gia tố tụng cố gắng chứng minh các tình tiết có lợi cho mình bằng cách trực tiếp khai hoặc yêu cầu người làm chứng cho mình nhưng trong nhiều trường hợp biện pháp hữu hiệu người tham gia tố tụng sử dụng để bảo vệ quyền lợi cho mình là tự mình hoặc yêu cầu người làm chứng bác bỏ những gì mà người khác khai là đã được nghe kể lại. Đây là nguyên tắc phản bác chứng cứ nghe kể lại. Nguyên tắc này là một nguyên tắc được thừa nhận chứ không được quy định trong bất cứ một đạo luật nào và cũng chưa bao giờ được trình bày một cách rõ ràng. Khi xem xét nguyên tắc này cần lưu ý:

- Nếu lời khai của người được nghe kể lại phù hợp với lời khai của người làm chứng mà trước đó đã bị xác định là không được chấp nhận là chứng cứ thì cho dù lời khai đó được xác nhận là đúng như những gì đã được nghe kể lại thì nó cũng đương nhiên không được chấp nhận là chứng cứ. Nếu lời khai của người được nghe kể lại không phù hợp với lời khai của người đã kể thì họ sẽ bị chất vấn xem có phải đã tự tạo ra lời khai đó hay không. Nếu đó là lời khai họ tự tạo ra thì chắc chắn sẽ bị bác bỏ. Trong trường hợp lời khai của người được nghe kể lại hoàn toàn phù hợp với lời khai của người đã trực tiếp chứng kiến sự việc mà lời khai của người trực tiếp chứng kiến sự việc đã được thừa nhận là chứng cứ thì theo nguyên tắc đánh giá lời khai của người làm chứng, những tình tiết do người được nghe kể lại đã được chứng minh bởi một người làm chứng khác sẽ không được chấp nhận là chứng cứ.

- Nguyên tắc phản bác lời khai nghe kể lại phải được áp dụng thật nghiêm ngặt. Về nguyên tắc, lời khai của người được nghe kể lại, không phải là người chứng kiến sự việc thì không được sử dụng làm chứng cứ (trừ trường hợp đặc biệt). Lý do là vì người trình bày lời khai không có hiểu biết của riêng mình về tình tiết đã khai báo mà chỉ là được nghe kể lại và thường bên phản bác lại không có cơ hội để chất vấn người đã kể tình tiết đó. Còn trong trường hợp người đã nói ra thông tin đó cũng đã cung cấp chứng cứ thì như trên đã phân tích, lời khai của người được nghe kể lại không có giá trị nữa.

Lời khai của người nghe kể lại chỉ có thể được chấp nhận nếu họ được nghe lại từ một bên đương sự trong vụ án, những trường hợp khác khó được chấp nhận vì độ tin cậy không cao. Tuy nhiên không phải mọi trường hợp lời khai của người được nghe lại từ một bên đương sự đều được chấp nhận là chứng cứ mà chỉ trong những trường hợp đặc biệt. Ví dụ: A bị truy cứu trách nhiệm hình sự vể tội giết người. Người bị hại trong vụ án này là B. Khi hấp hối B nói với X: “Tôi biết là không còn hy vọng sống được nữa. A đã bắn tôi. Anh xem A đã bị bắt chưa”. Sau đó B chết. Trong trường hợp này lời khai của X là người được nghe lời trăng trối của B khi hấp hối được chấp nhận là chứng cứ nghe kể lại. Đây là một trong những trường hợp đặc biệt của nguyên tẵc xem xét chứng cứ nghe kể lại.

2.3. Các loại văn bản, tài liệu

Theo luật chứng cứ của úc, nội dung của các văn bản, tài liệu (như bản hợp đồng, giấy khai sinh, khai tử…) cũng có thể được coi là chứng cứ trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên, chúng chỉ được chấp nhận là chứng cứ khi được kết hợp với các sự kiện khác chứ không thể được đưa ra xem xét độc lập, riêng rẽ. Ví dụ như khi xem giá trị chứng minh của bản hợp đồng, cần kết hợp với lời khai của người làm chứng. Người làm chứng phải thề là mình là người đã ký vào bản hợp đồng đó với tư cách là người làm chứng. Khi đó nội dung của bản hợp đồng được thừa nhận là chứng cứ. Hoặc trong vụ án trộm cắp giấy chứng nhận động sản, nếu trên giấy chứng nhận đó có in dấu vân tay của bị cáo thì nó được chấp nhận là chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo.

Nội dung của các bản tường trình, biên bản ghi lời khai của những người tham gia tố tụng khi được thu thập theo trình tự, thủ tục luật định cũng được coi là chứng cứ trong tố tụng hình sự.

2.4. Vật chứng (hay chứng cứ hiện vật)

Các đồ vật được coi là chứng cứ độc lập, chúng được đưa ra để Toà án tri giác và đưa ra kết luận chứ không phải để người làm chứng trực tiếp hay gián tiếp mô tả. Chúng được gọi là vật chứng. Vật chứng bao gồm:

- Đối tượng vật chất:

Đối tượng vật chất có thể được sử dụng như một phương tiện chứng minh các tình tiết của vụ án (như con dao được xác định là công cụ phạm tội theo lời khai của người làm chứng, của bị cáo…), chúng cũng có thể được sử dụng để xây dựng các tình tiết (ví dụ kẻ giết người cầm trong tay một con dao có dính các vết máu, mẫu máu trên con dao đó được đưa ra xem xét để xác định xem có phải kẻ phạm tội đã dùng con dao đó để thực hiện hành vi phạm tội hay không).

- Những đặc điểm về thể chất của con người:

Những đặc điểm về thể chất của con người cũng được coi là chứng cứ hiện vật và là phương tiện chứng minh có giá trị. Ví dụ bị cáo thuận tay trái hay tay phải, cao hay thấp, khoẻ hay yếu. Một người bị dị tật như què, cụt có thể vì lý do đó mà được tuyên là không phạm tội hiếp dâm.

- Thái độ (vẻ mặt) của người làm chứng:

Khi lấylời khai người làm chứng cần chú ý đến thái độ khai báo, vẻ mặt của người làm chứng. Nếu người làm chứng đưa chứng cứ một cách quả quyết, rành mạch trong cuộc thẩm vấn thì lời khai của họ có độ tin cậy cao hơn so với lời khai của người làm chứng khai báo mập mờ, quanh co.

- Thẩm tra: thẩm tra có thể được thực hiện bằng cách xem xét một địa điểm cụ thể nào đó hay làm thí nghiệm, thực nghiệm tại hiện trường. Chứng cứ được xác định bằng cách dựng lại sự việc thường không hữu ích nhiều như những loại chứng cứ khác nhưng khi đã được xác lập thì chúng được thừa nhận là chứng cứ. Mọi cuộc thẩm tra phải có người chứng kiến. Nếu không có người chứng kiến thì kết quả của cuộc thẩm tra đó không được chấp nhận là chứng cứ. Việc tiến hành thẩm tra do Toà án quyết định, không phụ thuộc vào việc các bên tham gia tố tụng có đồng ý hay không.

- Các loại thiết bị ghi thu:

Luật chứng cứ của úc đã thừa nhận các phương tiện truyền thông như phim, băng video và máy tính là phương tiện chứng minh. Riêng đối với giá trị chứng minh của băng ghi âm (tape-recording) vẫn còn là vấn đề đang được bàn luận.

Đối với các dữ liệu được lưu giữ trong phim, băng video và máy tính mà được chứng minh là những dữ liệu thật, không phải do các bên cố tạo ra, và có liên quan đến các tình tiết của vụ án thì chúng được xác định là chứng cứ trong các vụ án hình sự.

Ví dụ: Toà án có thể để cho người làm chứng nhận dạng bị cáo qua băng hình nếu họ đã từng biết về bị cáo, đã quan sát đặc điểm cá nhân cũng như phong cách, cách đi đứng hàng ngày của bị cáo. Việc nhận dạng của người làm chứng sẽ chính xác hơn là bồi thẩm đoàn chỉ quan sát bị cáo tại phiên toà và quan sát băng hình.

Mặc dù giá trị chứng minh của băng ghi âm vẫn đang được tranh cãi, trong một số vụ án cụ thể, chúng cũng đã được đưa ra xem xét để xác định giọng nói, xác định nguồn gốc băng… Ngay cả khi băng đó chỉ là bản sao, nếu không có bản gốc, thì cũng được đưa ra để xem xét nhưng Toà án phải thật thận trọng khi đánh giá tính khách quan của bản sao. Cho đến nay chưa có một nguyên tắc nào liên quan đến việc sử dụng băng ghi âm. Trong những tình huống cụ thể có thể áp dụng một nguyên tắc chung nào đó về sự thừa nhận chứng cứ để thừa nhận băng ghi âm là phương tiện chứng minh. Khi nghe lại băng ghi âm, nếu ngữ điệu giọng nói trong đó phù hợp với ngữ điệu giọng nói của người được đưa ra đối chiếu thì sự thừa nhận chứng cứ được đặt ra là cần thiết. Cũng cần coi là chứng cứ nếu giọng nói trong băng được thừa nhận bởi một trong các bên đương sự.

Đối với những loại thiết bị ghi thu mới lạ thì Toà án sẽ yêu cầu chuyên gia có kiến thức chuyên môn kiểm tra hoạt động, tính năng của phương tiện đó để cân nhắc, xác định giá trị chứng minh của chúng.

- Sơ đồ, bản đồ: Sơ đồ, bản đồ có thể được dùng để minh hoạ, giải thích rõ hơn về một chứng cứ nào đó. Trong những trường hợp cần thiết Toà án có thể yêu cầu chuyên gia đánh giá tính chíh xác, trung thực của bản sơ đồ, bản đồ đó. Nếu sơ đồ,bản đồ được đưa ra bởi người làm chứng để củng cố lời khai của mình mà có sai sót thì chúng sẽ không được sử dụng làm chứng cứ.

- Các văn bản, tài liệu: các văn bản, tài liệu cũng được coi là vật chứng. Loại vật chứng này đã được xem xét với tư cách phương tiện chứng minh riêng biệt ở phần trên.

2.5. Những dữ liệu mà Toà án thừa nhận là chứng cứ

Những vấn đề được đưa ra bởi công tố viên, bị cáo, người làm chứng và những dữ liệu khác được Toà án chấp nhận (đã được trình bày tại phần 1) cũng là những phương tiện chứng minh theo luật chứng cứ. Tuy nhiên, cần lưu ý, nếu những dữ liệu được Toà án chấp nhận mà thoả mãn các điều kiện của một loại phương tiện chứng minh nào đó trong số các phương tiện kể trên thì được xác định theo loại phương tiện chứng minh đó. Ví dụ: bị cáo đã khai báo về hành vi phạm tội của mình và nộp cho Toà án một số tài liệu liên quan đến hành vi phạm tội đó. Những tài liệu đó được xác định theo phương tiện chứng minh thứ 3, đó là các loại văn bản, tài liệu. Những tình tiết trong lời khai của bị cáo nếu phù hợp với các tình tiết của vụ án sẽ được xác định là những dữ liệu mà Toà án thừa nhận là chứng cứ.

3. Phân loại chứng cứ

Theo luật chứng cứ của úc, chứng cứ được chia thành: Chứng cứ  trực tiếp và chứng cứ gián tiếp; chứng cứ gốc và chứng cứ thứ cấp.

3.1. Chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp:

Chứng cứ trực tiếp được xem xét dưới 2 góc độ:

- Thứ nhất, chứng cứ trực tiếp đối lập với chứng cứ nghe kể lại, nó được định nghĩa là lời khai của người làm chứng (người trực tiếp chứng kiến sự việc phạm tội) tại toà, xác nhận tính chính xác của các tình tiết họ đã khai báo và khẳng định tình trạng thể chất và tinh thần của họ ở một thời điểm nhất định (thời điểm ghi nhận thông tin về tội phạm hoặc thời điểm khai báo sự việc phạm tội mình đã chứng kiến).

- Thứ hai, chứng cứ trực tiếp được hiểu là lời khai của người làm chứng xác nhận là họ đã ghi nhận được các tình tiết đã khai báo bằng 1 trong 5 giác quan của mình để đảm bảo độ tin cậy của lời khai. Nếu họ không chứng minh được bằng cách nào mình đã ghi nhận thông tin về tội phạm thì lời khai của họ không được sử dụng làm chứng cứ. Nếu họ thừa nhận những tình tiết mà họ khai báo không phải do họ trực tiếp ghi nhận được mà được nghe kể lại từ một người khác thì lời khai của họ được xem xét theo nguyên tẵc đánh giá chứng cứ nghe kể lại.

Chứng cứ gián tiếp là những dữ kiện không trực tiếp được dùng để chứng minh các tình tiết của vụ án mà chỉ dùng để suy luận ra sự tồn tại của những tình tiết khác. Ví dụ như tại phiên toà xét xử vụ án giết người, người làm chứng khai đã nhìn thấy bị cáo cầm con dao có vết máu ở cửa ngôi nhà nơi nạn nhân bị giết. Trên cơ sở đó công tố viên đề nghị bồi thẩm đoàn trước hết yêu cầu người làm chứng cam đoan mình đã khai sự thật, sau đó dựa vào đó và kết hợp với các chứng cứ khác để suy luận bị cáo đã gây ra cái chết cho nạn nhân.

Khi sử dụng chứng cứ gián tiếp cần phải xem xét thận trọng hơn so với chứng cứ trực tiếp để đảm bảo tính khách quan và giá trị chứng minh của loại chứng cứ này.

Theo cách phân loại trên, theo chúng tôi, chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp chưa được phân định rạch ròi, chưa thể hiện rõ sự khác biệt giữa 2 loại chứng cứ này. Theo cách phân loại này sẽ có những chứng cứ không thể xác định được chúng thuộc loại nào. Ví dụ khi bị cáo nhận tội thì lời khai của bị cáo dứt khoát không phải là chứng cứ gián tiếp nhưng nó cũng không thể là chứng cứ trực tiếp theo nghĩa đã trình bày. Tuy nhiên có thể thấy sự phân loại trên chỉ là tương đối. Theo luật chứng cứ của úc, việc so sánh giá trị chứng minh của chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp không được đặt ra. Mặc dù chứng cứ gián tiếp không chứng minh được sự việc xảy ra nhưng khi kết hợp với các chứng cứ khác thì chúng có giá trị chứng minh các tình tiết của vụ án. Ví dụ bản thân vết máu trên lưỡi dao không có giá trị chứng minh nhưng khi kết hợp với các tình tiết khác như sự thù oán của bị cáo đối với nạn nhân, bị cáo có gắng che giấu con dao… có thể cho phép xác định bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội. Do vậy, Toà án phải xem xét một cách khách quan, toàn diện các chứng cứ đã thu thập được.

3.2. Chứng cứ gốc (Primary evidence) và chứng cứ thứ cấp (Secondarry evidence)

Cách phân loại này dựa vào nguồn gốc xuất sứ của chứng cứ. Những tài liệu gốc được sử dụng để chứng minh các tình tiết của vụ án được xác định là chứng cứ gốc. Ví dụ: giấy chứng nhận động sản bị đánh cắp trong ví dụ đã nêu ở phần trên. Các bản sao của các loại văn bản, tài liệu khi được sử dụng để chứng minh sẽ là chứng cứ thứ cấp. Ví dụ khi bản gốc của tài liệu được chứng minh là không còn tồn tại nữa, bản sao của tài liệu đó có thể được chấp nhận là chứng cứ và là chứng cứ thứ cấp.

Về giá trị của chứng cứ gốc và chứng cứ thứ cấp, luật chứng cứ của úc thừa nhận chứng cứ gốc có giá trị chứng minh cao hơn chứng cứ thứ cấp vì độ tin cậy của loại chứng cứ này cao hơn.

4. Một số nguyên tắc về chứng cứ

Luật chứng cứ của úc không quy định cụ thể về các nguyên tắc của luật chứng cứ hay nguyên tắc đánh giá, sử dụng chứng cứ… Qua tìm hiểu các quy định chung có thể rút ra một số nguyên tắc cơ bản sau:

- Nguyên tắc đảm bảo tính khách quan của lời khai của người làm chứng. Nguyên tắc này đòi hỏi người làm chứng phải tuyên thề là mình sẽ nói sự thật. Các  tình tiết trong lời khai của người làm chứng phải do họ ghi nhận được bằng một trong 5 giác quan. Chứng cứ nghe kể lại chỉ được chấp nhận trong những trường hợp đặc biệt. Trước khi khai báo về các tình tiết của vụ án mà mình đã chứng kiến, bao giờ người làm chứng cũng phải thể “tôi xin thể là sẽ không nói gì ngoài sự thật (mà mình đã chứng kiến)”.

- Nguyên tắc loại trừ sự phủ nhận các tình tiết trước đó đã khai báo. Một khi người làm chứng đã viện dẫn hay phủ nhận một tình tiết nào đó thì sau đó không thể vì bất cứ một lý do gì mà họ có thể phủ nhận lời khai trước đó của mình.

- Nguyên tắc về giá trị của chứng cứ gốc và chứng cứ thứ cấp. Mặc dù luật chứng cứ không đặt ra vấn đề so sánh giá trị của chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp nhưng đối với chứng cứ gốc (Primary evidence) và chứng cứ thứ cấp (Secondary evidence) thì lại thừa nhận chứng cứ gốc có giá trị cao hơn chứng cứ thứ cấp như đã phân tích ở phần trên.

- Nguyên tắc về trách nhiệm chứng minh: cũng giống như pháp luật nhiều nước khác, luật chứng cứ của úc xác định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về công tố viên. Công tố viên phải đưa ra chứng cứ để bảo vệ sự buộc tội đối với bị cáo. Bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh là mình vô tội nhưng có quyền đưa ra các chứng cứ để bào chữa cho mình. Thậm chí bị cáo có quyền giữ im lặng không khai báo. Nếu kiểm sát viên không đưa ra được chứng cứ đủ sức thuyết phục để chứng minh bị cáo có tội thì Toà án sẽ tuyên bị cáo vô tội.

Nhiệm vụ của bồi thẩm đoàn là căn cứ vào các chứng cứ được đưa ra bởi công tố viên và những người tham gia tố tụng để xác định xem đó có thực sự là một vụ án hình sự hay không, hay nói cách khác là hành vi của bị cáo có phải là hành vi phạm tội hay không. Trên cơ sở đó thẩm phán xét xử cân nhắc, đánh giá chứng cứ, ra bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

(1) Tài liệu tham khảo: “Cross on Evidence”, David Byrne QC & I.D Heyden, 3rd Australian Edition, Butterworths 1986

[1] Xem phần 2.2.-chứng cứ nghe kể lại.

Nâng cao vị thế của người bào chữa tại phiên toà hình sự

ThS. Nguyễn Ngọc Khanh – Trường ĐH Luật Hà Nội

1. Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) đầu tiên của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 28/6/1988. Qua hai lần sửa đổi, bổ sung (ngày 22/12/1992 và ngày 26/11/2003) nhiều chế định của Bộ luật được sửa đổi, bổ sung đáng kể nhưng các quy định của Bộ luật về hoạt động của người bào chữa tại phiên toà hầu như không có sự thay đổi. Thực tế áp dụng các quy định của BLTTHS trong thời gian qua cho thấy các quy định của BLTTHS về vai trò của người bào chữa tại phiên toà([1]) chưa thực sự hợp lí và còn nhiều bất cập khi áp dụng những quy định này trong thực tiễn. Trong khoa học luật tố tụng hình sự gần đây đã có một số công trình đề cập những bất cập đó.([2]) Trong bài viết này chúng tôi tiếp cận vấn đề dưới góc độ so sánh vị trí của người bào chữa tại phiên toà theo luật tố tụng hình sự Việt Nam và trong hệ thống tố tụng hình sự của Úc với mong muốn rút ra được những bài học bổ ích và đưa ra những kiến nghị sửa đổi một số quy định của BLTTHS hiện hành về vấn đề này.

Trong BLTTHS Việt Nam hiện hành, vị trí của người bào chữa tại phiên toà hình sự sơ thẩm được quy định tại các điều luật sau: Điều 19 (đảm bảo quyền bình đẳng trước toà án), Điều 190 (sự có mặt của người bào chữa), Điều 207 (trình tự xét hỏi), các điều từ Điều 209 đến Điều 215 (quy định về thủ tục xét hỏi, xem xét vật chứng, xem xét tại chỗ…), Điều 217 (trình tự phát biểu khi tranh luận) và Điều 218 (đối đáp).

Theo quy định của Điều 19 BLTTHS, tại phiên toà, người bào chữa có quyền bình đẳng với kiểm sát viên, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và những người tham gia tố tụng khác trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước toà án. Toà án có trách nhiệm tạo điều kiện cho người bào chữa thực hiện những quyền này để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo. Tại phiên toà, vai trò của người bào chữa trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo được thể hiện trong thủ tục xét hỏi và thủ tục tranh luận.

2. Vai trò của người bào chữa trong thủ tục xét hỏi được quy định tại khoản 2 Điều 207 BLTTHS như sau:

“Khi xét hỏi từng người, chủ tọa phiên tòa hỏi trước rồi đến các hội thẩm, sau đó đến kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Những người tham gia phiên tòa cũng có quyền đề nghị với chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Người giám định được hỏi về những vấn đề có liên quan đến việc giám định”.

Có thể nói quy định tại khoản 2 Điều 207 BLTTHS là biểu hiện sinh động nhất của hệ thống tố tụng xét hỏi đã và đang tồn tại ở Việt Nam và một số nước, ví dụ như Trung Quốc. Theo quy định tại khoản 2 Điều 207 BLTTHS Việt Nam, khi xét hỏi người có quyền đặt câu hỏi đầu tiên là thẩm phán, sau đó đến hội thẩm, rồi đến kiểm sát viên. Chỉ sau khi những người tiến hành tố tụng kết thúc việc xét hỏi thì người bào chữa và người bảo vệ quyền lợi của đương sự mới có quyền đặt câu hỏi. Trên thực tế, các câu hỏi đối với người bị xét hỏi đại đa số được đặt ra bởi thẩm phán, hội thẩm và kiểm sát viên. Khi những người này tiến hành xét hỏi, thông thường chủ toạ phiên toà không khống chế về mặt thời gian nhưng khi người bào chữa đặt câu hỏi với người bị xét hỏi, họ thường bị chủ toạ phiên toà ngắt lời và hạn chế thời gian hỏi.([3]) Câu hỏi đặt ra ở đây là: Vai trò của thẩm phán (và cả hội thẩm) trong thủ tục xét hỏi nói riêng, tại phiên toà nói chung là gì? Họ là những người “trọng tài” đứng ra phân xử giữa bên buộc tội và bên gỡ tội hay họ là những người xét hỏi? Những người ủng hộ hệ thống tố tụng xét hỏi có thể biện hộ rằng tại phiên toà, thẩm phán đóng vai trò là trọng tài nhưng việc họ có quyền xét hỏi không mâu thuẫn với việc họ thực hiện vai trò của người trọng tài. Không những thế, việc xét hỏi còn có thể giúp họ đưa ra được quyết định đúng đắn về việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, quy định này chưa thực sự hợp lí.

Tham khảo quy định của pháp luật các nước có hệ thống tố tụng tranh tụng nói chung, của pháp luật Úc nói riêng có thể thấy rằng vai trò của thẩm phán tại phiên toà ở những nước này hoàn toàn khác với vai trò của thẩm phán tại phiên toà ở Việt Nam. Trong hệ thống tố tụng tranh tụng, tại phiên toà, thẩm phán thực sự là người “trọng  tài” (umpire), lắng nghe ý kiến các bên để đưa ra quyết định cuối cùng.([4]) Họ không trực tiếp tiến hành việc xét hỏi như ở Việt Nam. Theo Koppen và Penrod,([5]) trong hệ thống tố tụng tranh tụng, thủ tục tố tụng là cuộc đấu tranh giữa bên buộc tội và bên gỡ tội. Hệ thống này coi trọng sự trình bày của các bên và sự cung cấp chứng cứ của các bên tại phiên toà hơn là những chứng cứ có sẵn trong hồ sơ. Tại phiên toà, công tố viên và luật sư bào chữa bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ và kiểm tra người làm chứng của bên kia. Vì là hệ thống tố tụng hình sự tranh tụng nên thủ tục xét hỏi không được đặt ra như ở Việt Nam. Tuy nhiên, luật cho phép công tố viên và người bào chữa được đặt câu hỏi đối với bị cáo và người làm chứng được yêu cầu triệu tập bởi bất cứ bên nào. Xét dưới góc độ nhất định việc xét hỏi vẫn được tiến hành nhưng chủ thể của việc xét hỏi là công tố viên và luật sư chứ không phải là thẩm phán và bồi thẩm đoàn. Trong hệ thống này, thẩm phán được xác định là “trọng tài” thực thụ, là người kiểm tra các chứng cứ (gatekeeper for evidence), xác định những chứng cứ nào có giá trị sử dụng và hướng dẫn bồi thẩm đoàn trong việc đánh giá chứng cứ.

Có thể sẽ là khập khiễng khi so sánh vai trò của luật sư trong thủ tục xét hỏi theo quy định của pháp luật Việt Nam với vai trò của luật sư tại phiên toà theo quy định của pháp luật Úc vì hai nước này có hai hệ thống tố tụng hình sự khác nhau. Cũng không thể mang các quy định của pháp luật của một nước theo hệ thống common law như Úc để áp dụng vào thực tiễn một nước theo hệ thống civil law như Việt Nam. Tuy nhiên, qua việc nghiên cứu hệ thống tố tụng tranh tụng của Úc, chúng ta có thể nhận thấy những điểm ưu việt của hệ thống tố tụng này và rút ra bài học, cân nhắc những điểm ưu việt đó khi tiến hành sửa đổi các quy định tương ứng trong BLTTHS. Chúng tôi cho rằng điểm ưu việt lớn nhất của hệ thống tố tụng tranh tụng là vai trò của thẩm phán được xác định rõ ràng, bởi họ là người trọng tài công minh, đứng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội. Với tư cách là người trọng tài, họ không tham gia vào việc xét hỏi mà chỉ kiểm tra, đánh giá chứng cứ các bên đưa ra. Ở Việt Nam, thẩm phán vừa là người tiến hành xét hỏi vừa là người phân xử. Khi tiến hành xét hỏi, thẩm phán phải xét hỏi một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ nhưng trên thực tế thì khi xét hỏi thẩm phán cũng như kiểm sát viên thường chỉ tập trung vào các chứng cứ buộc tội đối với bị cáo. Khi nghiên cứu hệ thống tố tụng xét hỏi, các học giả phương Tây cho rằng hệ thống tố tụng này được xem như một cuộc điều tra (an inquest);([6]) nhà nước chỉ quan tâm đến kết quả của quá trình tố tụng và muốn những người làm công tác điều tra tìm ra càng nhiều sự thật càng tốt([7]) và hệ thống này quan tâm đến chứng cứ trong hồ sơ hơn là chứng cứ được đưa ra tại phiên toà.([8]) Hơn thế nữa, họ cho rằng vì truớc khi xét xử thẩm phán đã nghiên cứu hồ sơ nên dễ có cái nhìn định kiến đối với bị cáo. McEwan cho rằng trong hệ thống tố tụng xét hỏi, sự xét hỏi được định hướng bởi niềm tin rằng tội phạm (được đem ra xét xử) chắc chắn đã được thực hiện.([9]) Dường như những nhận định trên rất đúng với thực tiễn tố tụng hình sự Việt Nam.

Một sự khác biệt nữa giữa hệ thống tố tụng xét hỏi và hệ thống tố tụng tranh tụng mà sự khác biệt này dẫn đến các quy định của pháp luật về thủ tục xét hỏi tại phiên toà khác nhau, đó là sự khác nhau trong việc phân định các chức năng truy tố, xét xử và bào chữa. Trong hệ thống tố tụng tranh tụng, sự phân định này rất rõ ràng: Công tố viên giữ quyền công tố, luật sư có chức năng bào chữa và thẩm phán đóng vai trò của người “trọng tài”. Trong hệ thống tố tụng tranh tụng, thẩm phán không tham gia vào việc xét hỏi như ở Việt Nam. Sự chuyên biệt hoá vai trò của thẩm phán với tư cách là người trọng tài giúp họ thực hiện chức năng của mình tốt hơn và đánh giá chứng cứ một cách khách quan hơn. Ngược lại, trong hệ thống tố tụng xét hỏi, chức năng của thẩm phán và chức năng của kiểm sát viên dường như bị chồng chéo. Theo quy định tại Điều 10 BLTTHS Việt Nam, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng (bao gồm cơ quan điều tra, viện kiểm sát và toà án). Tại phiên toà, thẩm phán ngoài trách nhiệm của người “trọng tài” còn mang trách nhiệm chung là chứng minh tội phạm, giống như kiểm sát viên. Việc BLTTHS quy định thẩm phán là người đặt câu hỏi đầu tiên đối với người bị xét hỏi cũng phần nào thể hiện trách nhiệm của thẩm phán trong việc chứng minh tội phạm.

Gần đây, trong khoa học luật tố tụng hình sự Việt Nam, một số tác giả đã đề xuất sửa đổi các quy định của BLTTHS về thủ tục xét xử theo hướng quy định chủ thể của việc xét hỏi chỉ là kiểm sát viên và người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự.([10]) Thẩm phán và hội thẩm không tham gia xét hỏi mà chỉ đặt câu hỏi khi thấy cần thiết làm sáng tỏ các câu trả lời của người bị xét hỏi. Chúng tôi đồng ý với đề xuất này. Cụ thể, chúng tôi kiến nghị sửa đổi trình tự xét hỏi tại phiên toà (khoản 2 Điều 207 BLTTHS) theo hướng quy định khi xét hỏi kiểm sát viên hỏi trước rồi đến người bào chữa và người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Thẩm phán và hội thẩm chỉ đặt câu hỏi khi thấy cần làm rõ các tình tiết trong lời khai của người bị xét hỏi.

3. Có thể nói, vai trò của người bào chữa trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo tại phiên toà được thể hiện rõ nét nhất trong thủ tục tranh luận tại phiên toà. Theo quy định tại Điều 217 BLTTHS, sau khi kiểm sát viên trình bày lời luận tội, nếu bị cáo có người bào chữa thì người bào chữa trình bày bản bào chữa của mình cho bị cáo. Bị cáo có quyền bổ sung ý kiến bào chữa. Theo quy định của Điều 218 BLTTHS, người bào chữa có quyền trình bày ý kiến của mình về bản luận tội của kiểm sát viên và đưa ra đề nghị của mình. Họ có quyền đáp lại ý kiến của kiểm sát viên và của những người tham gia tranh luận khác. Khi kiểm sát viên, người bào chữa và những người tham gia tranh luận khác tranh luận, chủ toạ phiên toà không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện để người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến nhưng có quyền cắt những ý kiến không liên quan đến vụ án. Để đảm bảo việc tranh luận tại phiên toà, Điều 218 BLTTHS quy định chủ toạ phiên toà có quyền đề nghị kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến có liên quan đến vụ án của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được kiểm sát viên tranh luận.

Thực tiễn tố tụng hình sự Việt Nam những năm qua cho thấy, kể từ khi Nghị quyết của Bộ chính trị số 08/NQ-TW ngày 02/01/2001 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư  pháp trong thời gian tới và Nghị quyết của Bộ chính trị số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 được ban hành, thủ tục tranh tụng tại phiên toà hình sự được coi trọng hơn rất nhiều so với trước đây và người bào chữa được tạo điều kiện tốt hơn để tham gia tranh tụng với kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng khác tại phiên toà. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy việc áp dụng các quy định của BLTTHS về thủ tục tranh tụng tại phiên toà còn tồn tại một số bất cập. Cụ thể là:

Thứ nhất, khi người bào chữa trình bày bản bào chữa của mình, họ có thể bị chủ toạ phiên toà hạn chế về mặt thời gian. Ví dụ, trong phiên xử Bùi Tiến Dũng ngày 03/8/2007, chủ toạ phiên toà hạn chế mỗi người bào chữa chỉ được nói trong 10 phút. Luật sư Phạm Hồng Hải đứng dậy phát biểu: “Theo quy định, chủ toạ không được hạn chế thời gian tranh luận của các luật sư”([11]).

Thứ hai, có những trường hợp, khi người bào chữa trình bày, hội đồng xét xử tạo điều kiện cho họ trình bày nhưng sau đó tuyên bố “không chấp nhận ý kiến của người bào chữa” mà không nêu lí do không chấp nhận. Theo kết quả khảo sát năm 2006,([12]) kể từ khi Nghị quyết số 08/NQ-TW được ban hành, tình trạng này không còn nhiều song thỉnh thoảng vẫn xảy ra trong thực tế.

Thứ ba, khi người bào chữa đưa ra vấn đề yêu cầu tranh luận với kiểm sát viên, trong nhiều trường hợp kiểm sát viên không đáp lại ý kiến của người bào chữa và chủ toạ phiên toà cũng không yêu cầu kiểm sát viên đối đáp với người bào chữa.([13]) Theo quy định tại Điều 218 BLTTHS, chủ toạ phiên toà có quyền đề nghị kiểm sát viên phải đáp lại ý kiến của người bào chữa nếu ý kiến đó chưa được kiểm sát viên tranh luận. Tuy nhiên, vì đây là quyền của chủ toạ phiên toà nên chủ toạ phiên toà có thể thực hiện, có thể không. Theo chúng tôi luật nên quy định đây vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của chủ toạ phiên toà, có nghĩa là khi người bào chữa hoặc người tham gia tranh luận khác đưa ra vấn đề yêu cầu tranh luận với kiểm sát viên, nếu vấn đề đó chưa được tranh luận mà kiểm sát viên không tự nguyện tham gia tranh luận, chủ toạ phiên toà phải yêu cầu kiểm sát viên đáp lại ý kiến của người bào chữa hoặc người tham gia tranh luận khác, có như vậy mới đảm bảo việc tranh luận công khai tại phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp.

Ở Úc nói riêng và ở các nước theo hệ thống tố tụng tranh tụng nói chung, việc tranh luận tại phiên toà được thực hiện rất nghiêm túc, công khai. Bản chất của hệ thống tố tụng tranh tụng là “sự tranh cãi giữa các bên”([14]) và như đã nói ở phần trên, hệ thống tố tụng này coi trọng việc trực tiếp trình bày của các bên tại phiên toà hơn là những chứng cứ có trong hồ sơ. Bởi vậy, tất cả các tình tiết được đưa ra bởi bên buộc tội và bên gỡ tội tại phiên toà đều phải được tranh luận công khai.

Ở Việt Nam, có thể thấy các quy định của pháp luật về chủ thể tham gia và trình tự tranh luận tại phiên toà tương đối hợp lí. Tuy nhiên, luật chưa có được quy định đủ chặt để đảm bảo những quy định này được thực thi trên thực tế. Chúng tôi kiến nghị: Điều 218 BLTTHS cần sửa đổi theo hướng quy định khi người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác đưa ra các tình tiết yêu cầu kiểm sát viên tranh luận, kiểm sát viên có nghĩa vụ phải đáp lại ý kiến đó nếu những ý kiến đó chưa được kiểm sát viên tranh luận. Chủ toạ phiên toà phải có trách nhiệm đảm bảo việc đối đáp giữa kiểm sát viên, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác.

4. Kể từ khi Nghị quyết của Bộ chính trị số 08/NQ-TW được ban hành năm 2001, có thể nói rằng mặc dù các quy định của BLTTHS (2003) về thủ tục tố tụng tại phiên toà không có sự thay đổi so với trước đây song trên thực tế, vai trò của luật sư bào chữa tại phiên toà dần dần được đánh giá cao hơn. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy do nhiều nguyên nhân (như các quy định về thủ tục xét hỏi chưa hợp lí; quy định về trách nhiệm của chủ toạ phiên toà trong thủ tục tranh luận chưa chặt chẽ và do những người tiến hành tố tụng chưa thực sự triệt để tuân thủ các quy định của pháp luật…), người bào chữa chưa thực sự phát huy hết được vai trò của mình trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo. Chúng tôi đề xuất sửa đổi các quy định của Điều 207 (trình tự xét hỏi) và Điều 218 (đối đáp) nhằm đề cao hơn nữa vai trò của người bào chữa tại phiên toà và tạo điều kiện cho họ thực hiện chức năng cao cả của mình là bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo. Với sự thay đổi này, hệ thống tố tụng hình sự Việt Nam sẽ dần dần chuyển từ hệ thống tố tụng xét hỏi sang hệ thống tố tụng hỗn hợp. Hệ thống này, theo chúng tôi, về cơ bản vẫn giữ bản chất của hệ thống tố tụng xét hỏi nhưng bên cạnh đó đúc rút những điểm ưu việt của hệ thống tố tụng tranh tụng; việc tranh tụng tại phiên toà được đặt ra thành một nguyên tắc trong tố tụng hình sự. Việc thay đổi này hoàn toàn phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp. Đối với người bào chữa, hệ thống tố tụng hỗn hợp sẽ mang lại cho họ cơ hội tốt hơn để tham gia vào thủ tục xét hỏi và thủ tục tranh luận tại phiên toà để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo./.

([1]). Trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập vị trí của người bào chữa tại phiên toà hình sự sơ thẩm.

([2].Xem: Hoàng Thị Sơn, “Thực tiễn thực hiện quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa”, Tạp chí luật học số 4/2002; Hoàng Thị Sơn, “Thực hiện nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự”, Luận án tiến sĩ, 2003; Nguyễn Huy Thiệp, Một vài ý kiến về cải cách tư pháp với hoạt động của luật sư tại phiên toà, Nguồn: http://www.luatsuhanoi.org.vn/traodoi/caicach_hoatdong.asp; Lê Phú Thịnh, Cải cách tư pháp – Góc nhìn từ một phiên toà hình sự sơ thẩm – ý kiến của luật sư vẫn chưa được tôn trọng, Nguồn: http://www.luatsu hanoi.org.vn/traodoi/caicach_tuphap.asp#top; Nguyễn Văn Chiến, Nâng cao kĩ năng tranh tụng của luật sư Việt Nam bên thềm hội  nhập, Nguồn: http://www.luatsu hanoi.org.vn/vande/nangcaokynangtranhtung.asp#top.

([3]).Xem: Hoàng Thị Sơn, Thực hiện nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự, Luận án tiến sĩ, 2003.

([4]).Xem: Peter J. Van Koppen và Steven D. Penrod, So sánh hệ thống tố tụng tranh tụng và hệ thống tố tụng xét hỏi trong cuốn “Hệ thống tụng tranh tụng và hệ thống tố tụng xét hỏi – Viễn cảnh của các hệ thống tố tụng hình sự”, Nxb. Kluwer Academic/Plenum Pubishers, 2003 và  Jenny McEwan, Chứng cứ và thủ tục tố tụng tranh tụng – Luật hiện đại, Nxb. Hart Publishing, 1998.

([5]).Xem: Koppen and Penrod, Sđd.

([6]).Xem: Koppen and Penrod, Sđd.

([7]).Xem: McEwan, Sđd.

([8]).Xem: Koppen and Penrod, Sđd.

([9]).Xem: Mc Ewan, Sđd.

([10]).Xem: Nguyễn Huy Thiệp, Tlđd

([11]).Xem: http://ngoisao.net/News/Hinhsu/2007/08/ 3B9C0156/

([12]). Khảo sát được tiến hành bởi tác giả để phục vụ cho việc viết luận án tiến sĩ với đề tài: “Vai trò của luật sư bào chữa ở Việt Nam”.

([13]).Xem: Lê Phú Thịnh, Tlđd.

([14]).Xem: Koppen and Penrod, Sđd.

Theo Tạp chí Luật học số 7/2008

Tư pháp hình sự và yêu cầu tăng cường kiểm sát hoạt động tư pháp hình sự

TS Trần Ngọc Tuệ – Bộ Quốc phòng

1. Quan niệm về hoạt động tư pháp hình sự

Cho đến nay, trong khoa học pháp lý cũng như thực tiễn đời sống chính trị – pháp luật ở Việt Nam về cơ bản đã đạt được sự thống nhất chung khi quan niệm hoạt động tư pháp hình sự là hoạt động thực hiện quyền tư pháp. Tuy nhiên, khi quan niệm về phạm vi quyền tư pháp và hoạt động tư pháp hình sự, chủ thể tiến hành hoạt động tư pháp hình sự, lại đang tồn tại nhiều ý kiến khác nhau. Khái quát lại có 4 loại ý kiến sau đây:

Loại ý kiến thứ nhất quan niệm về quyền tư pháp theo nghĩa hẹp. Những người ủng hộ ý kiến này lập luận rằng quyền tư pháp là lĩnh vực quyền lực nhà nước được thực hiện thông qua hoạt động phân xử và phán xét tính đúng đắn, tính hợp pháp của các hành vi, các quyết định pháp luật khi có sự tranh chấp về các quyền và lợi ích giữa các chủ thể pháp luật. Do vậy, chủ thể thực hiện quyền tư pháp chỉ là Tòa án và hoạt động tư pháp hình sự chỉ là hoạt động xét xử.

Loại ý kiến thứ hai quan niệm về quyền tư pháp và hoạt động tư pháp hình sự theo một nghĩa rộng rãi nhất. Những người ủng hộ ý kiến này cho rằng, tư pháp là xét xử. Để giải quyết các tranh chấp pháp luật, các vi phạm pháp luật thì ngoài Tòa án là cơ quan được giao chức năng thay mặt Nhà nước ra phán quyết, còn có sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức khác. Các cơ quan, tổ chức này có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cho phán quyết của Tòa án được chính xác, khách quan. Vì vậy, việc thực hiện quyền tư pháp, tức là quyền thay mặt Nhà nước phán quyết về xung đột pháp lý, vi phạm pháp luật là của Tòa án, nhưng để đi đến phán quyết đó lại không chỉ là nhiệm vụ của riêng Tòa án. Do vậy, hoạt động tư pháp hình sự là hoạt động của các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia vào việc giải quyết vụ án hình sự. Hoạt động tư pháp hình sự là hoạt động của các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan thi hành án, các cơ quan được giao thực hiện một số nhiệm vụ tố tụng, các cơ quan bổ trợ tư pháp (giám định tư pháp, công chứng tư pháp, luật sư).

Loại ý kiến thứ ba cho rằng, hoạt động tư pháp hình sự là hình thức thực hiện những thẩm quyền tương ứng do luật định của hệ thống Tòa án mà thông qua đó, các chức năng của nhánh quyền lực thứ ba trong Nhà nước pháp quyền biến thành hiện thực. Có bốn hình thức hoạt động tư pháp hình sự tương ứng với bốn chức năng của quyền tư pháp. Hình thức hoạt động tư pháp thứ nhất là thực hiện thẩm quyền giải thích các quy phạm pháp luật (mà trước hết là giải thích Hiến pháp). Hình thức hoạt động tư pháp thứ hai là thực hiện thẩm quyền xét xử bằng hoạt động tố tụng tư pháp (tài phán). Hình thức hoạt động tư pháp thứ ba là thực hiện thẩm quyền giám sát của Tòa án đối với tính hợp pháp và có căn cứ của việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước có tính chất tố tụng, tức là thực hiện sự kiểm tra của Tòa án trong việc áp dụng các chế tài về tố tụng hình sự và hình sự của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Hình thức hoạt động tư pháp thứ tư là thực hiện thẩm quyền xác nhận chính thức các sự kiện (hành vi) có ý nghĩa pháp lý trong các lĩnh vực của đời sống xã hội hoặc hạn chế quyền chủ thể tương ứng của các công dân trong quá trình giải quyết các mối quan hệ xã hội.

Loại ý kiến thứ tư cho rằng, hoạt động tư pháp hình sự là tập hợp những việc làm cụ thể do cơ quan tư pháp thực hiện trong tố tụng hình sự liên quan trực tiếp đến việc giải quyết các vụ án và hướng tới mục đích giải quyết các vụ án một cách đúng đắn, khách quan. Do vậy, hoạt động tư pháp hình sự bao gồm hoạt động điều tra của cơ quan điều tra, hoạt động công tố của Viện kiểm sát, hoạt động xét xử của Tòa án và hoạt động thi hành án của cơ quan thi hành án.

Chúng tôi cho rằng, mỗi loại ý kiến nêu trên đều chứa đựng những nội dung hợp lý khi quan niệm về phạm vi quyền tư pháp và hoạt động tư pháp hình sự, chủ thể tiến hành hoạt động tư pháp hình sự. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ta, từ thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự thời gian qua, có thể thấy loại ý kiến thứ tư có nhiều yếu tố hợp lý hơn cả. Vấn đề mấu chốt được thừa nhận chung về hoạt động tư pháp hình sự là hoạt động gắn với việc giải quyết vụ án hình sự. Hoạt động tư pháp hình sự là một dạng hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước (ở đây là quyền tư pháp), do vậy, hoạt động tư pháp hình sự phải được thực hiện bởi những cơ quan nhà nước được giao thẩm quyền tiến hành các hoạt động tố tụng tư pháp. Xét xử là khâu trung tâm của hoạt động tư pháp. Kết quả của hoạt động xét xử là việc Tòa án ra bản án kết luận về bản chất pháp lý của vụ việc và các biện pháp chế tài áp dụng. Tuy nhiên, Tòa án cũng không thể tự mình làm phát sinh chức năng tố tụng của Tòa án – chức năng xét xử. Để chức năng xét xử vận hành được và các thủ tục tố tụng tư pháp tại Tòa án được tiến hành thì phải có các hoạt động tố tụng tư pháp được tiến hành trước đó, ví dụ hoạt động điều tra của cơ quan điều tra, hoạt động truy tố của Viện kiểm sát… Hoạt động của các cơ quan công chứng, giám định, bào chữa trong quá trình giải quyết vụ án không thuộc phạm vi của hoạt động tư pháp hình sự mà thực chất chỉ là hoạt động bổ trợ cho hoạt động tư pháp, góp phần giúp cho việc giải quyết vụ án hình sự được đúng đắn, khách quan.

Trên cơ sở những phân tích nêu trên có thể thấy hoạt động tư pháp hình sự có một số đặc điểm sau:

- Hoạt động tư pháp hình sự là hoạt động thực hiện quyền tư pháp. Do vậy, hoạt động tư pháp hình sự mang tính quyền lực nhà nước.

- Hoạt động tư pháp hình sự phải được thực hiện bởi các cơ quan tư pháp, là những việc làm cụ thể của các cơ quan tư pháp gắn với quá trình giải quyết các vụ án hình sự.

- Hoạt động tư pháp hình sự phải tuân thủ các nguyên tắc đặc thù và quy trình, thủ tục tố tụng chặt chẽ quy định trong các văn bản pháp luật về tố tụng hình sự.

- Hoạt động tư pháp hình sự phải hướng đến mục tiêu giải quyết vụ án chính xác, khách quan, bảo vệ công lý, công bằng xã hội.

Tham khảo kinh nghiệm các nước cho thấy, mỗi quốc gia cũng có cũng quan niệm không giống nhau về quyền tư pháp, hoạt động tư pháp và chủ thể thực thi quyền tư pháp. Sự khác nhau này được lý giải từ sự khác nhau về bản chất, mục đích, đặc điểm quyền lực nhà nước ở mỗi quốc gia, sự khác nhau của các yếu tố lịch sử, kinh tế, văn hoá, xã hội của mỗi nước… Theo quy định tại khoản 1 Điều III của Hiến pháp Hợp chúng quốc Hoa Kỳ thì “Quyền lực tư pháp của Hoa Kỳ sẽ được trao cho Tòa án nhân dân tối cao và những Tòa án cấp dưới mà Quốc hội có thể thiết lập trong một số trường hợp”. Điều 76 của Hiến pháp Nhật Bản quy định “Toàn bộ quyền tư pháp được trao cho Toà án tối cao và các Tòa án cấp dưới được thành lập theo pháp luật…”. Trong khi đó, thể chế hiện hành của Trung Quốc quy định quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử và quyền kiểm sát, cơ quan tư pháp gồm Tòa án và Viện kiểm sát (1).

Ở Việt Nam, ngay từ thời kỳ đầu thành lập Nhà nước cách mạng, quan niệm về quyền tư pháp, hoạt động tư pháp hình sự, chủ thể tiến hành hoạt động tư pháp hình sự đã được thể hiện theo nghĩa rộng. Điều 63 của Hiến pháp năm 1946 quy định “Cơ quan tư pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hoà gồm có Tòa án tối cao, các Toà phúc thẩm, các Toà đệ nhị cấp và sơ cấp”. Tuy nhiên, xét từ góc độ cơ cấu tổ chức và hoạt động thì hoạt động của Tòa án không chỉ bao gồm hoạt động xét xử của “thẩm phán ngồi” mà còn bao gồm hoạt động điều tra của tư pháp công an và hoạt động công tố của thẩm phán buộc tội (2).

Ở nước ta hiện nay, quyền tư pháp, hoạt động tư pháp hình sự, cơ quan tiến hành hoạt động tư pháp hình sự tiếp tục được hiểu theo nghĩa rộng; theo đó, các cơ quan tiến hành hoạt động tư pháp hình sự ở nước ta bao gồm Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan điều tra và thi hành án (3). Hiến pháp năm 1992 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) năm 2002 quy định Viện kiểm sát có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Đối tượng kiểm sát các hoạt động tư pháp hình sự của Viện kiểm sát được quy định bao gồm: hoạt động điều tra của cơ quan điều tra; hoạt động xét xử của Tòa án; hoạt động thi hành án của cơ quan được giao thẩm quyền thi hành án; hoạt động tạm giữ, tạm giam của cơ quan được giao thẩm quyền tạm giữ, tạm giam; hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp hình sự của các cơ quan tư pháp.

2. Yêu cầu và nội dung kiểm sát đối với các hoạt động tư pháp hình sự

Quyền lực nhà nước dù được tổ chức theo nguyên tắc nào, phân công hay phân quyền, đều luôn phải chịu sự giám sát chặt chẽ và toàn diện, nhằm bảo đảm không xảy ra sự lạm quyền.

Quyền lực là hiện tượng khách quan trong quan hệ xã hội và nó có xu hướng dễ bị lạm dụng. Vì vậy, cùng với sự thừa nhận quyền lực nhà nước thì phải thiết lập sự giám sát đối với quyền lực nhà nước. Giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước là vấn đề có tính tất yếu khách quan. ở đâu có quyền lực nhà nước thì ở đó cần có giám sát (4). Hoạt động tư pháp hình sự là hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước (quyền tư pháp), do vậy, hoạt động này cũng phải chịu sự kiểm tra, giám sát của nhiều cơ chế khác nhau (trong đó có cơ chế tự kiểm tra từ bên trong của mỗi hệ thống và cơ chế giám sát từ bên ngoài hệ thống).

Ở một khía cạnh khác, xuất phát từ mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của hoạt động tư pháp hình sự là xem xét, đưa ra các phán quyết chính xác, khách quan, công bằng về tính đúng đắn, hợp pháp trong các hành vi của con người, nên pháp luật trao cho các cơ quan tư pháp thực thi những thẩm quyền tố tụng mạnh mẽ, thậm chí có những thẩm quyền có khả năng gây ảnh hưởng đến các quyền cơ bản nhất của con người như thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng (biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam…). Kết quả của hoạt động tư pháp (phán quyết của Tòa án) có ảnh hưởng trực tiếp đến những quyền quan trọng nhất của con người như quyền sống, quyền tự do… Từ những đặc điểm đó, hoạt động tư pháp hình sự cần và phải chịu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của nhiều cơ chế kiểm tra, giám sát khác nhau.

Cơ chế giám sát việc thực hiện quyền tư pháp ở nước ta hiện nay được tổ chức rất đa dạng, song – tiếp cận từ quan điểm hệ thống – có thể chia thành hai nhóm: cơ chế tự kiểm tra từ bên trong của mỗi hệ thống cơ quan tư pháp và cơ chế giám sát từ bên ngoài hệ thống cơ quan tư pháp.

Cơ chế tự kiểm tra từ bên trong của mỗi hệ thống là các hệ thống kiểm tra, giám sát do chủ thể thực thi quyền tư pháp đặt ra để kiểm tra, giám sát các bộ phận thuộc hệ thống mình trong quá trình thực thi thẩm quyền tư pháp. Đó là hoạt động thanh tra, kiểm tra của bộ phận thanh tra công vụ, hoạt động kiểm tra của cơ quan tiến hành tố tụng cấp trung ương với cơ quan tiến hành tố tụng địa phương, hoạt động kiểm tra của cơ quan tiến hành tố tụng cấp trên với cơ quan tiến hành tố tụng cấp dưới… Hoạt động tự kiểm tra từ bên trong của mỗi hệ thống có mục đích bảo đảm cho các chủ thể thuộc hệ thống của mình thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật.

Cơ chế giám sát từ bên ngoài hệ thống bao gồm hoạt động giám sát của các cơ quan nhà nước đối với cơ quan thực thi quyền tư pháp, còn gọi là giám sát nhà nước (ở nước ta là hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và giám sát của Viện kiểm sát) và giám sát do các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và công dân trực tiếp thực hiện, còn gọi là giám sát xã hội.

Như đã phân tích ở trên, giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước là vấn đề có tính tất yếu, ở đâu có quyền lực nhà nước thì ở đó xuất hiện giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước. Trong điều kiện cụ thể của nước ta, xuất phát từ mục tiêu, nhiệm vụ, đặc điểm cụ thể của các hoạt động tư pháp hình sự, cần tăng cường sự kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động tư pháp hình sự thông qua các cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ khác nhau, đặc biệt là cần thiết lập cho được cơ chế giám sát trực tiếp, thường xuyên và có hiệu quả. Trong điều kiện cụ thể của Nhà nước ta hiện nay, cơ chế đó là hoạt động kiểm sát tư pháp của Viện kiểm sát.

Giám sát hoạt động tư pháp hình sự có mục tiêu bảo đảm cho các cơ quan tư pháp thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình; bảo đảm việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan; bảo đảm sự tuân thủ pháp luật của cơ quan tư pháp và cá nhân được giao thực hiện thẩm quyền tư pháp; bảo đảm các quyền con người trong các thủ tục tố tụng tư pháp do pháp luật quy định được triệt để tôn trọng. Kiểm sát hoạt động tư pháp hình sự là một hình thức của hoạt động giám sát nhà nước – theo dõi, kiểm tra việc tuân thủ hiến pháp và pháp luật của các chủ thể được giao thực hiện thẩm quyền tư pháp. Hoạt động kiểm sát tư pháp của Viện kiểm sát thực chất là việc sử dụng tổ chức nhà nước để hạn chế sự lạm quyền từ chính Nhà nước. Mục đích của kiểm sát hoạt động tư pháp là nhằm bảo đảm cho pháp luật được áp dụng nghiêm chỉnh và thống nhất trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, Viện kiểm sát có quyền áp dụng những biện pháp do pháp luật quy định để phát hiện, loại trừ những hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan tư pháp, bất kỳ cán bộ tư pháp nào.

Ở nước ta, chức năng giám sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát là vấn đề có tính lịch sử. Trước khi Viện kiểm sát nhân dân được thành lập với tư cách là một hệ thống cơ quan độc lập trong bộ máy Nhà nước, có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thì chức năng giám sát hoạt động tư pháp (giám sát hoạt động xét xử; hoạt động thi hành các bản án; hoạt động giam, giữ, cải tạo) đã được giao cho Viện Công tố đảm nhiệm, đặc biệt là từ năm 1959, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 256-TTg về việc thành lập hệ thống cơ quan công tố độc lập, tách khỏi hệ thống Tòa án và Bộ Tư pháp. Thẩm quyền giám sát tư pháp của cơ quan công tố trong thời kỳ này được lý giải bởi tầm quan trọng của hoạt động tư pháp – hoạt động quyền lực nhà nước, hoạt động có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới những quyền cơ bản của con người như quyền tự do, quyền sống…

Trải qua quá trình hoạt động, kiểm sát hoạt động tư pháp được chứng minh là cơ chế giám sát tư pháp hữu hiệu. Có thể chứng minh tính hữu hiệu, hiệu quả của cơ chế giám sát tư pháp thông qua kết quả kiểm sát tư pháp hình sự trong thời gian từ năm 2002 – 2007 như sau:

- Số vụ hình sự Viện kiểm sát các cấp đã kiểm sát điều tra là 376.892 vụ /558.759 bị can. Viện kiểm sát các cấp yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố điều tra 1.337 vụ án, trực tiếp khởi tố yêu cầu Cơ quan điều tra điều tra 202 vụ án, huỷ bỏ 551 quyết định khởi tố vụ án của Cơ quan điều tra. Các trường hợp bắt, tạm giữ chuyển khởi tố hình sự đạt tỷ lệ ngày càng cao qua các năm: năm 2002 đạt tỷ lệ 87%; năm 2003 là 89,2 %; năm 2006 là 95,3%; năm 2007 là 95,2%. Các trường hợp khởi tố điều tra sau phải đình chỉ do bị can không phạm tội giảm đáng kể qua các năm: năm 2002, đình chỉ điều tra đối với 543 bị can (tỷ lệ 0,6%); năm 2005 là 138 bị can (tỷ lệ 0,16%); năm 2006 là 163 bị can (tỷ lệ 0,17%); năm 2007 là 135 bị can (tỷ lệ 0,13%). Truy tố tội phạm đạt tỷ lệ cao qua các năm: Năm 2002, số vụ truy tố đạt tỷ lệ 96% so với số vụ đã thụ lý; năm 2003 đạt 98,3%; năm 2004 đạt 98,5%; năm 2005 đạt 98,85; năm 2006-2007 đạt 99,1%.

- Viện kiểm sát các cấp thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo thủ tục sơ thẩm là 297.965 vụ án; theo thủ tục phúc thẩm là 70.594 vụ án; theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là 1.573 vụ án. Tòa án đã xét xử 4.546 vụ án hình sự do Viện kiểm sát kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, chấp nhận kháng nghị 3.130 vụ, đạt tỷ lệ 68,8%; Tòa án xét xử 729 vụ do Viện kiểm sát kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, chấp nhận kháng nghị 653 vụ, đạt tỷ lệ 89,6%.

- Qua kiểm sát hoạt động tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành hình phạt tù, Viện kiểm sát các cấp đã quyết định trả tự do cho 239 người bị giam giữ không có căn cứ và trái pháp luật; ban hành 12.420 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu cơ quan quản lý việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù khắc phục vi phạm pháp luật và sơ hở trong việc quản lý các đối tượng.

- Viện kiểm sát các cấp đã tiến hành kiểm sát trực tiếp 6.138 lượt tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong việc thi hành án treo, thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ. Qua hoạt động kiểm sát, đã ban hành 3.633 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu cơ quan có trách nhiệm trong việc thi hành án treo, thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ, khắc phục vi phạm pháp luật.

- Qua kiểm sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp, Viện kiểm sát các cấp đã ban hành 1.160 kiến nghị, kháng nghị; đã kiểm sát việc giải quyết 6.846 vụ việc cụ thể của các cơ quan tư pháp.

Các kết quả thực tiễn nêu trên là bằng chứng sinh động chứng minh tính hiệu quả của một cơ chế giám sát tư pháp. Sở dĩ có được những kết quả như vậy là do đặc điểm về tổ chức và hoạt động của chủ thể thực thi chức năng giám sát trong quan hệ với đối tượng bị giám sát, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về yếu tố tổ chức, Viện kiểm sát là một hệ thống cơ quan độc lập trong bộ máy nhà nước, được giao thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp, nên cơ chế giám sát của Viện kiểm sát có tính độc lập nhất định với đối tượng được giám sát. Tính độc lập này bảo đảm cho hoạt động giám sát của Viện kiểm sát khách quan, trung thực và có tính khả thi.

Thứ hai, về hoạt động, Viện kiểm sát là cơ quan duy nhất trong hệ thống các cơ quan tư pháp được hiến pháp và pháp luật quy định có thẩm quyền tham gia vào tất cả các lĩnh vực tố tụng tư pháp (tư pháp hình sự, tư pháp dân sự, tư pháp hành chính…). Trong lĩnh vực tư pháp hình sự, Viện kiểm sát có thẩm quyền tham gia vào tất cả các giai đoạn tố tụng (từ giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự). Đây là điều kiện quan trọng bảo đảm cho Viện kiểm sát có khả năng giám sát toàn bộ quá trình tố tụng, giám sát toàn bộ quá trình thực hiện quyền tư pháp, là cơ sở quan trọng để phát hiện vi phạm trong hoạt động tư pháp.

Thứ ba, về mức độ và phạm vi giám sát, kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát được tiến hành cụ thể, thường xuyên, liên tục tới đối tượng bị giám sát. Đây là điều kiện để bảo đảm cho hoạt động giám sát có tính chuyên nghiệp và có hiệu quả cao.

Thứ tư, về tính chất hoạt động, do kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát là hoạt động giám sát Nhà nước, nên trong hoạt động của mình, Viện kiểm sát chỉ xem xét đối tượng kiểm sát ở góc độ có hợp pháp hay không hợp pháp, không xem xét vấn đề có hợp lý hay không hợp lý, không can thiệp vào hoạt động mang tính nghiệp vụ của các cơ quan tư pháp. Do vậy, hoạt động kiểm sát của Viện kiểm sát không thể là nhân tố cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan tư pháp và càng không thể trở thành nhân tố ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật của Tòa án như nhiều ý kiến gần đây cho rằng, cần bỏ chức năng kiểm sát hoạt động xét xử của Viện kiểm sát để bảo đảm tính độc lập trong hoạt động xét xử của Tòa án. Theo quy định của pháp luật và trên thực tế, kiểm sát hoạt động tư pháp nói chung và kiểm sát hoạt động xét xử nói riêng còn nhằm mục tiêu bảo đảm tính độc lập của hoạt động xét xử, loại trừ mọi yếu tố ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án.

Như vậy, giám sát việc thực hiện hoạt động tư pháp nói chung và giám sát hoạt động tư pháp hình sự nói riêng là hết sức cần thiết, vì thiếu nó sẽ xuất hiện sự lạm dụng quyền lực nhà nước và nguy hiểm hơn là sự lạm dụng quyền lực nhà nước trong trường hợp này sẽ gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến các quyền cơ bản của con người, ảnh hưởng đến công lý và công bằng xã hội. Trong điều kiện cụ thể ở nước ta hiện nay, về tổ chức quyền lực nhà nước, chúng ta không đặt vấn đề tạo thế cân bằng quyền lực trên cơ sở kiềm chế đối trọng mà xác định quan hệ phân công, phối hợp quyền lực trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất (5); trong điều kiện thực tiễn hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động bảo vệ công lý cho người dân nói riêng chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của nhân dân và xã hội; trong điều kiện chúng ta đang nỗ lực phấn đấu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa – Nhà nước mà trong đó đề cao hiến pháp và pháp luật, bảo đảm cho hiến pháp và pháp luật được tôn trọng và tuân thủ tuyệt đối, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người, loại bỏ mọi hành vi vi phạm quyền con người trong các hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước…; trong điều kiện chúng ta đang thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp với mục tiêu xây dựng một nền tư pháp vì dân, phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu của nhân dân, nên cần thiết phải duy trì cơ chế giám sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát. Kết quả kiểm sát các hoạt động tư pháp nói chung và kiểm sát hoạt động tư pháp hình sự của Viện kiểm sát thời gian qua đã chứng minh rằng, trong toàn bộ hệ thống các cơ chế kiểm tra, giám sát tư pháp hiện nay ở nước ta thì không có cơ chế giám sát tư pháp nào hữu hiệu và có hiệu quả hơn là tiếp tục duy trì và tăng cường chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát. Đây chính là cơ chế sử dụng tổ chức Nhà nước để hạn chế sự lạm quyền từ chính Nhà nước, là cơ chế giám sát từ bên ngoài, độc lập với đối tượng bị giám sát nhưng lại có khả năng bao quát và giám sát toàn bộ quá trình thực hiện hoạt động tư pháp.

(1) Pháp lý học hiện đại của Zheng Cheng Liang, Nxb Pháp luật 1999, tr24-26; Thuyết công bằng tư pháp của Yang Yping, Nxb Pháp luật 1999, tr24-26.

(2) Hiến pháp năm 1946, Điều 63; Sắc lệnh số 13 ngày 24/1/1946 về Tổ chức Tòa án và các ngạch Thẩm phán; Sắc lệnh số 131 ngày 20/7/1946 về Tổ chức tư pháp Công an.

(3) TS. Phạm Văn Hùng, Tòa án và vấn đề của cải cách tư pháp, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 19 (135) tháng 11/2008. tr 18.

(4) GS.TSKH. Đào Trí Úc. Quan niệm về giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước và cơ chế thực hiện giám sát. Giám sát và cơ chế giám sát thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay. Nxb Công an nhân dân. Hà Nội 2003.

(5) GS.TSKH. Đào Trí Úc. Mô hình tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nxb Tư pháp. Hà Nội 2007.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 150 – 7-2009

Giải quyết vấn đề Dân sự trong vụ án Hình sự

Cơ sở pháp lý để thực hiện vấn đề này là Bộ luật tố tụng hình sự. Điều 28 Bộ luật tố tụng hình sự quy định giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự như sau: Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự.

Trong trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Đây là điều luật mới, được bổ sung vào Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.

Điều 42 Bộ luật hình sự quy định: Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi.

1.Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.

2.Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần , Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại.

Ngoài ra khi giải quyết vụ án hình sự có vấn đề bồi thường, Tòa án còn phải áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự để quyết định.

Trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến việc thu thập các tài liệu chứng cứ để giải quyết dân sự trong các vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Phương tiện giao thông đường bộ bao gồm các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe ô tô, máy kéo, xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự, kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật. Các phương tiện giao thông cơ giới, xe ô tô, các loại xe có gắn động cơ, khi tham gia giao thông đều là những nguồn nguy hiểm cao độ. Khi giải quyết các vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, việc giải quyết bồi thường còn áp dụng Điều 623 Bộ luật dân sự để quyết định. Điều 623 Bộ luật dân sự quy định: Bồi thường do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra:

1.Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thộng vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.

2.Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểmcao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3.Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:

a)Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại

b)Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4.Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Căn cứ để xác định thiệt hại được quy định tại Điều 608 – thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, Điều 609: thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, Điều 610: thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm. Trong từng vụ án cụ thể, đối chiếu với quy định để xác định các khoản bồi thường. Có những chi phí đòi hỏi phải có hóa đơn , chứng từ và phải là chi phí hợp lý như việc bồi thường tài sản bị mất, bị hủy hoại; việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút người bị thiệt hại (hoặc trước khi người bị thiệt hại chết); chi phí hợp lý cho việc mai táng; thu nhập bị mất, bị giảm sút; chi phí cho người chăm sóc người bị thiệt hại…Có những chi phí điều luật quy định mức tối đa thì Tòa án sẽ ấn định mức tối đa hoặc mức trung bình (tổn thất tinh thần) hay tỷ lệ phần trăm so với mức tối đa. Hoặc mức cấp dưỡng đối với người mà người bị thiệt hại có trách nhiệm cấp dưỡng.

Như vậy, nếu người điều khiển nguồn nguy hiểm cao độ có hành vi vi phạm phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu họ không phải là chủ sở hữu của nguồn nguy hiểm cao độ thì chủ sở hữu hoặc người được giao chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải được triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn dân sự. Việc triệu tập họ phải được bắt đầu thực hiện trong quá trình điều tra, truy tố thì đến giai đoạn xét xử, Tòa án mới có cơ sở xác định tư cách của người tham gia tố tụng đối với họ. Cơ quan điều tra phải thu thập các tài liệu xác định ai là chủ phương tiện; tài liệu chuyển giao việc sử dụng phương tiện giao thông đường bộ kèm các văn bản thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại do phương tiện giao thông gây ra và các tài liệu liên quan khác nếu có. Trong thực tế, nhiều trường hợp Cơ quan điều tra không thu thập các tài liệu này kể cả việc triệu tập chủ phương tiện hoặc người được giao chiếm hữu, sử dụng phương tiện giao thông để ghi lời khai của họ về vấn đề bồi thường thiệt hại. Có trường hợp Tòa án trả hồ sơ để yêu cầu Cơ quan điều tra làm rõ về vấn đề thiệt hại khi xảy ra vụ tai nạn giao thông, những người thừa kế theo luật của người bị hại đã chết thì Viện Kiểm sát cho rằng trách nhiệm giải quyết dân sự thuộc về Tòa án nên khi xét xử Tòa án triệu tập họ tham gia phiên tòa để giải quyết luôn.

Ví dụ: Vụ Huỳnh Phi Đông là lái xe của Công ty TNHH Vận tải Á Mỹ, lái xe ô tô biển số 53LD-0826 để đi giao hàng. Xe ô tô do Công ty cho thuê tài chính quốc tế Việt Nam đứng tên đăng ký. Sau khi gây ra tai nạn làm chết một người và bị thương 1 người, vấn đề bồi thường chưa được giải quyết xong. Công ty cho thuê tài chính quốc tế Việt Nam giới thiệu người đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra để nhận xe về, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã trả xe ô tô cho Công ty cho thuê tài chính quốc tế Việt Nam. Trong hồ sơ chưa có tài liệu thể hiện việc bồi thường cũng như biên bản ghi lời khai người đại diện của hai công ty. Hồ sơ chỉ có các hóa đơn, chứng từ thể hiện việc ma chay táng phí và chi phí điều trị vết thương do phía bị hại cung cấp; ngoài ra cũng không tài liệu nào thể hiện người bị hại đã chết có bao nhiêu người thừa kế theo luật. Tòa án đã trả hồ sơ để yêu cầu điều tra làm rõ về phần này nhưng không được Viện kiểm sát chấp nhận với lý do các hóa đơn, chứng từ phía người bị hại đã cung cấp là căn cứ để Tòa án giải quyết phần dân sự. Trả hồ sơ lần hai, Tòa án đã chỉ rõ, Huỳnh Phi Đông là lái xe xủa Công ty TNHH Vận tải Á Mỹ điều khiển xe ô tô 53LD-0826 do Công ty nào điều động, vì sao xe của Công ty cho thuê tài chính quốc tế Việt Nam được Huỳnh Phi Đông là lái xe của Công ty Á Mỹ điều khiển, giữa hai Công ty có hợp đồng gì về việc sử dụng xe hay không, cần thu thập các tài liệu có liên quan; cần làm rõ về những người thừa kế của người bị hại để xác định đúng tư cách tham gia tố tụng của họ, trong trường hợp người chết có nhiều người thừa kế thì phải triệu tập để ghi ý kiến của họ về việc bồi thường; nếu chỉ có một người làm đại diện thì phải có giấy ủy quyền của những người khác. Thực hiện việc điều tra bổ sung lần hai, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã ghi lời khai của đại diện Công ty Á Mỹ; đại diện của công ty trình bày Công ty cho thuê tài chính quốc tế Việt Nam cho Công ty Á Mỹ mượn tiền mua xe và đứng tên đăng ký xe cho đến khi Công ty Á Mỹ trả hết tiền mua xe thì Công ty cho thuê tài chính quốc tế Việt Nam sẽ sang chuyển tên chủ phương tiện sang cho Công ty Á Mỹ. Công ty Á Mỹ sử dụng sử dụng xe, hai bên có thỏa thuận, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xe ô tô gây ra thuộc về Công ty Á Mỹ (chỉ là lời trình bày của đại diện công ty Á Mỹ, không có các tài liệu chứng minh về lời trình bày này. Riêng yêu cầu triệu tập những người thừa kế của người bị hại đã chết, Cơ quan cảnh sát điều tra không thực hiện và cho rằng thuộc trách nhiệm của Tòa án vì đây là lĩnh vực dân sự, quyền quyết định là của Tòa án.

Quan điểm của cơ quan Công an và Viện kiểm sát về vấn đề này là chưa thực hiện đúng với tinh thần “Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự.” Bởi lẽ, để giải quyết trong cùng vụ án thì khi truy tố người có hành vi phạm tội, hồ sơ phải làm rõ vấn đề thiệt hại và xác định tư cách của những người tham gia tố tụng trong vụ án từ giai đoạn điều tra; họ phải được nghe giải thích về tư cách người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự, về nguyên tắc bồi thường thiết hại theo quy định của Bộ luật dân sự là bồi thường toàn bộ; các thiệt hại được xem xét là thiệt hại do tài sản bị xâm hại; thiệt hại do tính mạng bị xâm hại, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm để họ có thể đặt ra yêu cầu hoặc thỏa thuận về mức và hình thức, phương thức bồi thường vì quyền tự định đoạt của đương sự là quan trọng. Trong trường hợp đã được nghe giải thích về các khỏan được bồi thường theo quy định của pháp luật nhưng họ tự nguyện thỏa thuận ít hơn và không yêu cầu gì thì khi xét xử Tòa án sẽ ghi nhận; vì việc thỏa thuận giữa người bị hại (đại diện người bị hại) với người phải bồi thường trong quá trình điều tra, truy tố chỉ có giá trị xác định một sự việc, không có giá trị thi hành. Trong thực tế nhiều trường hợp các bên thỏa thuận trong quá trình điều tra, truy tố nhưng đến khi xét xử, người được bồi thường yêu cầu thêm và yêu cầu này phù hợp với quy định của pháp luật nhưng người phải bồi thường chưa được triệu tập tham gia tố tụng thì Tòa án không thể giải quyết được. Những vấn đề như trên đã nêu, Tòa án không thể điều tra (không có thẩm quyền) trước khi tiến hành phiên tòa xét xử vụ án hình sự mà việc xây dựng hồ sơ thuộc về trách nhiệm của cơ quan điều tra và truy tố; khi xét xử Tòa án cần thẩm tra các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập qua các giai đọan tố tụng để quyết định trong bản án.

Vấn đề này, theo chúng tôi Liên ngành các cơ quan Trung ương có thẩm quyền cần có ý kiến chỉ đạo để việc thực hiện mang tính thống nhất.

Nguồn: Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh

Về chứng cứ và nguồn chứng cứ quy định tại điều 64 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003

Trịnh Tiến Việt – Khoa Luật – Đại học Quốc Gia Hà Nội

Việc nghiên cứu chứng cứ nói chung, nguồn chứng cứ nói riêng trong vụ án hình sự có một ý nghĩa  lớn không chỉ về mặt pháp lý, mà còn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất quan trọng. Tuy nhiên, về phương diện lập pháp tố tụng hình sự, khái niệm chứng cứ đã được nhà làm luật nước ta ghi nhận trong Bộ luật tố tụng hình sự(BLTTHS) năm 1988 và năm 2003 nhưng khái niệm nguồn chứng cứ lại chưa được ghi nhận mà mới đề cập cụ thể đến các loại nguồn chứng cứ. Mặc dù vậy, nếu khái niệm chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án (khoản 1 Điều 64), thì khái niệm nguồn chứng cứ được hiểu là nơi cung cấp những tài liệu quan trọng để rút ra được những chứng cứ có giá trị chứng minh sự thật khách quan của vụ án. Do đó, nếu không tìm được nguồn chứng cứ sẽ không thể có chứng cứ giải thích, làm sáng tỏ các tình tiết và diễn biến của vụ án, kéo theo hậu quả là các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đưa ra những kết luận không đúng, không chính xác và không đầy đủ đối với vụ án hình sự.

Chứng cứ trong luật tố tụng hình sự được sử dụng làm phương tiện duy nhất để chứng minh tội phạm, làm rõ các tình tiết của vụ án. Cho nên, chứng cứ được sử dụng trong vụ án hình sự phải bảo đảm đầy đủ ba thuộc tính quan trọng sau, đó là tính khách quan (1), tính liên quan (2) và tính hợp pháp (3)[1].

Tuy nhiên, riêng về tính hợp pháp, chứng cứ bắt buộc phải được rút ra từ một trong những nguồn và được thu thập bằng biện pháp do luật tố tụng hình sự quy định. Nguồn chứng cứ là cơ sở chứa đựng tất cả dấu vết, tài liệu, hình ảnh…[2] nói chung là những đặc điểm liên quan đến vụ án hình sự để từ đó chứng cứ được hình thành và mang giá trị chứng minh. Pháp luật tố tụng hình sự nước ta đã quy định chặt chẽ về nguồn chứng cứ, do vậy những chứng cứ mà cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra không được rút ra từ nguồn chứng cứ thì không được coi là chứng cứ, hay nói cách khác nó không có giá trị chứng minh.

Về nguồn chứng cứ, khoản 2 Điều 64 BLTTHS năm 2003 quy định:

“Chứng cứ được xác định bằng:

a) Vật chứng;

b) Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo;

c) Kết luận giám định;

d) Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác”.

Theo đó, từ những nguồn chứng cứ này mà các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử xác định được chứng cứ và sử dụng nó nhằm mục đích tìm ra sự thật khách quan để giải quyết vụ án.

Như đã nêu trên, chứng cứ trong vụ án hình sự là những gì có thật liên quan đến vụ án hình sự mà dựa vào nó, các cơ quan tiến hành tố tụng dùng làm căn cứ xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội, mức độ, tính chất hành vi và từ những tình tiết khác liên quan đến việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự. Còn nguồn chứng cứ là hình thức, nơi chứa đựng những gì có thật liên quan đến vụ án hình sự hay là “nơi, từ đó có thể tìm ra đối tượng được chủ thể sử dụng để chứng minh”[3]. Nói một cách khác, chứng cứ là nội dung phản ánh sự việc, hiện tượng vụ án còn nguồn chứng cứ là hình thức chứa đựng các nội dung bên trong nó. Ví dụ: lời khai của người bị hại, người làm chứng, nguyên đơn dân sự… là nguồn chứng cứ, còn những thông tin, tình tiết chứa trong lời khai đó mới là chứng cứ. Cho nên, nội dung không thể tồn tại độc lập riêng biệt mà nó phải được chứa đựng, nằm trong một hình thức nhất định. Do đó, việc làm rõ khái niệm chứng cứ và nguồn chứng cứ, cũng như làm sáng tỏ các loại nguồn chứng cứ có ý nghĩa lý luận-thực tiễn quan trọng để giải quyết vụ án hình sự được khách quan, chính xác và đúng pháp luật mà dưới đây chúng ta sẽ lần lượt xem xét.

1. Vật chứng. Vật chứng là một nguồn chứng cứ quan trọng đầu tiên mà thông qua nó các cơ quan tiến hành tố tụng có thể chứng minh được sự việc hoặc xác định hướng điều tra. Theo Điều 74 BLTTHS năm 2003, vật chứng được hiểu là “những vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và những vật khác có giá trị tội phạm và người phạm tội”. Với quy định trên, vật chứng có một số đặc trưng cơ bản sau:

Thứ nhất, vật chứng là vật cụ thể, tồn tại dưới dạng vật chất, nó có thể thể hiện dưới dạng thể rắn, thể lỏng và thể khí. Sự thể hiện của vật chứng rất phong phú với đủ hình dạng, kích cỡ, trọng lượng, màu sắc… song một điều cơ bản là để những vật thể đó trở thành chứng cứ thì nó phải liên quan đến vụ án hình sự.

Thứ hai, vật chứng chứa đựng và phản ánh trong mình những sự kiện thực tế liên quan đến vụ án, sự liên quan này có thể ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp nhưng quan trọng nó phải nằm trong mối liên quan tổng thể của vụ án hình sự và bao gồm những điển hình sau:

a) Vật chứng là những vật dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội. Đây là những vật mà người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội đã sử dụng chúng để hỗ trợ quá trình thực hiện tội phạm để góp phần hoàn thành nhanh chóng và thuận lợi hơn. Ví dụ: dùng dao, súng, rìu để giết người, dây thừng, dây dù để thắt cổ, thuốc độc để đầu độc…

b) Vật chứng là những vật mang dấu vết tội phạm. ở đây, vật chứng thể hiện bằng những dấu vết mà người phạm tội đã để lại trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội (hiện trường) và dấu vết này được gọi là dấu vết hình sự. Dấu vết hình sự là “những phản ánh của các sự vật, hiện tượng để lại trong quá trình thực hiện tội phạm”[4]. Ví dụ: trộm cắp tài sản để lại dấu vết phá khóa, cạy tủ hay quần áo, hung khí của người phạm tội có dính máu của nạn nhân…

c) Vật chứng là đối tượng của tội phạm mà người phạm tội tác động đến. Ví dụ: tài sản (xe máy, dây chuyền, đồng hồ…) trong các tội chiếm đoạt tài sản, hàng hóa trong tội buôn lậu…

d) Vật chứng là tiền và những vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội. Ví dụ: đồ trang sức, tiền bạc trên chiếu bạc, đồ vật mà người phạm tội đã mua sắm được bằng tài sản do chiếm đoạt của người khác, quần áo, giầy dép, mũ của người phạm tội tại hiện trường nơi xảy ra vụ án…

Thông thường, vật chứng được thu thập khi phát hiện ra tội phạm bằng những hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng (ví dụ như: khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám đồ vật, khám nhà…), nhưng nhiều trường hợp trong quá trình giải quyết vụ án hình sự việc thu thập chứng cứ có thể do bị can, bị cáo, người làm chứng, người bị hại hoặc bất kỳ cá nhân,  cơ quan, tổ chức nào cung cấp.

Vật chứng là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng, nó ghi nhận chính xác những sự kiện thực tế của vụ án nên giá trị chứng minh của nó trong vụ án hình sự có thể là rất cao “và trong nhiều trường hợp, không có gì có thể thay thế được chúng”[5]. Với đặc tính là vật duy nhất, vật chứng tồn tại một cách khách quan, nó lưu giữ các hình ảnh xảy ra trong hiện thực bởi vậy, nó không thể thay thế được bằng bất cứ vật thể nào khác. Nói một cách khác, vật chứng là chứng cứ mang tính vật chất, nó tồn tại độc lập, khách quan và không bị chi phối bởi ý thức chủ quan của con người.

Vật chứng mang dấu vết tội phạm có vai trò giúp các cơ quan tiến hành tố tụng xác định được hướng điều tra để giải quyết nhanh chóng vụ án. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự tồn tại của vật chứng chỉ mang tính chất tương đối, chỉ ở một mức độ, một thời hạn nhất định. Do đó, trong quá trình thu thập, bảo quản vật chứng, các cơ quan có thẩm quyền phải đảm bảo nguyên vẹn, không để mất mát, hư hỏng hay lẫn lộn vật chứng. “Biên bản thu thập vật chứng phải ghi nhận và mô tả tỷ mỷ đặc điểm của vật đó như: mà sắc, khối lượng, trọng lượng hình dáng, những dấu vết tội phạm để lại ở vật chứng, nơi tìm thấy vật chứng hoặc người cung cấp”[6]. Và đây có thể được coi là đặc điểm thứ ba của vật chứng, đó là nó phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu thập theo trình tự mà pháp luật tố tụng hình sự quy định, đồng thời người có trách nhiệm bảo quản phải thực hiện nghiêm chỉnh theo đúng quy định, nếu vi phạm tuỳ mức độ sẽ bị xử lý.

2. Lời khai của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan đến vụ án. Lời khai trong vụ án hình sự có thể nói cũng là một nguồn chứng cứ rất quan trọng. Cơ quan điều tra sử dụng hoạt động nghiệp vụ của mình để có được những lời khai, còn Hội đồng xét xử có vai trò thẩm định lại những lời khai đó một lần nữa tại phiên tòa. Trên cơ sở này, lời khai mang các ý nghĩa, giá trị khác nhau như: lời khai của bị can, bị cáo thể hiện thái độ thừa nhận hay phủ nhận hành vi phạm tội, lời khai của người làm chứng thể hiện sự hiểu biết của họ đối với những tình tiết liên quan của vụ án… Sự hình thành lời khai là một quá trình vô cùng phức tạp, nó bị chi phối bởi nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan khác nhau.

Dạng nguồn chứng cứ thứ hai này có sự khác biệt so với vật chứng. Theo đó, nếu vật chứng là một vật cụ thể được xác định, mang tính vật chất và nó phản ánh khách quan về vụ án, do đó không thể có một vật nào khác thay thế cho nó. Trong khi đó, lời khai của các đối tượng trên lại được hình thành từ tư duy, ý thức của con người. Ví dụ: Khi một người biết những tình tiết của vụ án và được các cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập đến với tư cách là người làm chứng, thì họ nhận thức, tri giác về nó và trên cơ sở đó, lời khai của người này là sự diễn tả lại, tạo dựng lại diễn biến vụ án thông qua lăng kính chủ quan của họ. Chính vì vậy, tính khách quan của lời khai không được đảm bảo như vật chứng, đặc biệt là trong trường hợp người khai báo lại có mối liên quan ít hay nhiều đến vụ án. Tùy từng đối tượng tham gia với tư cách nào trong vụ án như: bị can, bị cáo, người bị hại, người làm chứng, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự… và mối quan hệ của họ với nhau mà mỗi lời khai lại có những ảnh hưởng của đặc điểm tâm lý khác nhau. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu, chẳng hạn bị cáo bao giờ có tâm lý không muốn bị các cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện; người bị hại có tâm lý muốn trả thù; nguyên đơn dân sự lại mong được bồi thường thiệt hại nhiều; bị đơn dân sự lại không muốn phải bồi thiệt thiệt hại hoặc bồi thường ít; người làm chứng không thích bị phiền hà, liên lụy và họ sợ bị trả thù…

Lời khai của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan đến vụ án được xem xét là nguồn chứng cứ. So với BLTTHS năm 1988, nhà làm luật Việt Nam đã bổ sung thêm lời khai của người bị bắt cũng là nguồn chứng cứ nhằm bảo đảm quyền lợi của công dân ngay từ thời điểm bị bắt, cũng như họ được quyền trình bày về những tình tiết liên quan đến việc họ bị nghi thực hiện tội phạm (Điều 71).

2.1. Lời khai người làm chứng. Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến vụ án hình sự và được cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập đến với tư cách người làm chứng để lấy lời khai theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Lời khai của người làm chứng là lời trình bày của một người không bị người phạm tội xâm hại nhưng đã biết được những tình tiết liên quan đến vụ án. Do lời khai người làm chứng là nguồn chứng cứ phổ biến và là “một trong những nguồn chứng cứ lâu đời và phổ biến nhất”[7] nên BLTTHS có quy định về nghĩa vụ khai báo và trách nhiệm của người làm chứng về việc khai báo đó. Ngoài ra, Bộ luật còn quy định người làm chứng phải là người có năng lực nhận thức, tỉnh táo không mắc bệnh tâm thần, phải có khả năng khai báo đúng đắn và có trách nhiệm đối với lời khai đó. Những người bào chữa cho bị can, bị cáo không được làm chứng trong vụ án.

Người làm chứng trình bày những gì mà họ biết về vụ án, nhân thân của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, quan hệ giữa họ với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, người làm chứng khác và trả lời những câu hỏi đặt ra. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là, mặc dù lời khai người làm chứng là rất cần thiết nhưng để trở thành chứng cứ có giá trị chứng minh, lời khai này còn phải phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án và người làm chứng phải trả lời rõ vì sao mà họ biết được những tình tiết đó (khoản 2 Điều 67). Mặt khác, trong quá trình thu thập, đánh giá và sử dụng lời khai của người làm chứng, điều tra viên phải nắm vững được những yếu tố khách quan và chủ quan khác nhau ảnh hưởng đến lời khai và sự hiểu biết hay nhận thức của họ. Chẳng hạn:

- Các yếu tố khách quan có thể ảnh hưởng đến lời khai của người làm chứng như: thời gian để họ nhận biết sự việc, hiện tượng diễn ra quá nhanh hoặc thời gian xảy ra đã quá lâu; người làm chứng không có kiến thức về lĩnh vực đó; hiện trường nơi xảy ra tội phạm người phạm tội đã làm thay đổi, tẩy xóa; điều kiện thời tiết khí hậu xấu, nơi xảy ra tội phạm lại xa…

- Các yếu tố chủ quan cũng có thể ảnh hưởng đến lời khai người làm chứng. Theo đó, “để có thể biết được lời khai người làm chứng có khách quan hay không, điều tra viên phải thận trọng, từng bước đi sâu vào nội tâm bên trong người làm chứng có bị dao động bởi động cơ cá nhân hay không, họ có mối quan hệ thân thích hay tư thù với những người trong vụ án, quyền lợi của họ có bị thay đổi, ảnh hưởng bởi phán quyết của Tòa án không”[8]. Cho nên, luật tố tụng hình sự quy định trước khi hỏi về nội dung vụ án, điều tra viên cần xác định mối quan hệ giữa họ với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại và những người làm chứng khác (khoản 1 Điều 67 BLTTHS năm 2003).

Ngoài ra, tâm lý người làm chứng thường có ý nghĩ không dám khai báo hoặc không dám khai báo tất cả những gì họ biết về hành vi phạm tội. Lý do đa số mọi người không thích làm chứng, bởi họ sợ mất thời gian, nhiều lần phải gặp điều tra viên, kiểm sát viên, phải ra trước phiên tòa; “họ sợ bị liên lụy, bị trả thù nếu mình trình báo, tố giác hay làm chứng để người phạm tội bị phát hiện và bị bắt nên tạo ra một tâm lý nặng nề, thiếu nhiệt tình cũng như sự yên tâm, tin tưởng của người làm chứng khi tham gia thực hiện nghĩa vụ của một công dân”[9]. Thực tế đã có nhiều trường hợp các gia đình của những người phạm tội đe dọa, trả thù thậm chí còn xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người làm chứng. Sau nữa, người làm chứng tham gia tố tụng chỉ có nghĩa vụ mà chẳng hề có quyền lợi gì. Nếu người làm chứng không đến theo giấy triệu tập thì có thể bị dẫn giải, ngoài ra nếu từ chối hay trốn tránh việc khai báo thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 307 và Điều 308 Bộ luật hình sự năm 1999. Chính vì vậy, BLTTHS năm 2003 đã quy định bổ sung thêm các quyền mà người làm chứng được hưởng để bảo đảm hài hòa tối đã giữa quyền và nghĩa vụ của họ. Theo đó, người làm chứng có một số quyền như: a) Yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng; b) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và; c) Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật (khoản 3 Điều 55).

Tuy nhiên, do đây là nguồn chứng cứ có ý nghĩa rất lớn trong việc kết thúc nhanh chóng quá trình điều tra nên khi tiến hành lấy lời khai, điều tra viên phải thông báo, giải thích rõ trách nhiệm khai báo sự thật của họ. Cụ thể, nếu người làm chứng biết được đến đâu thì khai đến đó, không được suy diễn, chỉ trình bày chính xác những điều mình biết và nếu khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

2.2. Lời khai người bị hại. Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần hoặc về tài sản do bọn phạm tội gây ra. Lời khai người bị hại là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng, diễn tả lại trực tiếp hành vi phạm tội và nói lên thiệt hại mà họ phải gánh chịu. Tuy nhiên, cũng như lời khai khác, lời khai của người bị hại cũng có những yếu tố không khách quan, chẳng hạn như: “thổi phồng sự thiệt hại hoặc do căm tức người phạm tội, thần kinh bị kích động nên họ đã cung cấp thông tin không chính xác về người phạm tội cũng như diễn biến của vụ án…”[10]. Cho nên, lời khai của người bị hại về hành vi phạm tội và những tình tiết khác chỉ được sử dụng làm chứng cứ khi mà họ có thể nói rõ vì sao họ biết được, nếu họ không chứng minh được cơ sở của lời khai thì chúng không được coi là nguồn chứng cứ (khoản 2 Điều 68).

Ngoài ra, cũng cần thấy rằng lời khai của người bị hại cũng không tránh khỏi sự chi phối của những yếu tố khách quan và chủ quan nhất định nên lời khai này có những đặc điểm riêng so với lời khai của những người khác. Ví dụ: Lời khai của người bị hại do bị người khác dùng vũ lực tấn công bất ngờ làm họ ngất đi sẽ khó mô tả lại được sự việc như thế nào hoặc lời khai của người bị hại sẽ không phản ánh đúng diễn biến khách quan của vụ án (không đáng tin cậy) nếu người này lại có quan hệ họ hàng, đồng nghiệp, bạn bè… với bị can, bị cáo.

Như vậy, vai trò của người bị hại trọng vụ án hình sự là rất cần thiết, nhất là trong những vụ án chỉ khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại. “Tính theo vị trí mở đầu vụ án thì người bị hại là nhân tố đầu tiên xác định vụ án hình sự nên lời khai của người bị hại rất quan trọng, có ý nghĩa khi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và đề ra hướng điều tra”[11]. Là nhân chứng sống nên lời khai của người bị hại là cơ sở quan trọng để các cơ quan chuyên trách bảo vệ pháp luật truy lần những đầu mối của vụ án. Do đó, giá trị chứng minh của nguồn chứng cứ này cao hơn so với lời khai của những người khác, cho nên để đảm bảo tính khách quan, điều tra viên khi lấy lời khai của người bị hại cũng phải tuân thủ theo những quy định của BLTTHS (các Điều 133-137).

2.3. Lời khai nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự. Điều 52, 53 BLTTHS năm 2003 quy định về nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự cho thấy họ là những chủ thể có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến vụ án hình sự nhưng yêu cầu của những chủ thể này là giải quyết về mặt dân sự. Lời khai của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự cũng là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ các tình tiết của vụ án và giải quyết về dân sự. Là những người có liên quan, họ rất quan tâm đến kết quả vụ án hình sự và mong muốn trình bày với cơ quan tiến hành tố tụng những tình tiết của vụ án nghiêng theo hướng có lợi cho họ. Cụ thể:

- Với nguyên đơn dân sự, họ có tâm lý muốn được đền bù thiệt hại (vật chất) nhanh chóng cho mình nên khi khai báo thông thường chỉ ra thiệt hại (hậu quả) thường lớn hơn so với thiệt hại thực tế.

- Ngược lai, đối với bị đơn dân sự thì họ muốn mức đền bù được giảm ở mức thấp nhất nên khi khai báo thông thường hay phủ nhận trách nhiệm của mình hoặc đưa ra lý lẽ để giảm bớt thiệt hại.

Xuất phát từ những lý do đã nêu, trên thực tế lời khai nguyên đơn dân sự và bị đơn dân sự thường mâu thuẫn trái ngược với nhau. Cho nên, để giải quyết nhanh chóng về mặt dân sự, đồng thời tìm hiểu rộng thêm về những tình tiết liên quan đến vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chú ý đến những đặc điểm tâm lý của từng bên, đồng thời giải thích cho họ rõ hậu quả của việc sai sự thật, khai báo gian dối và trách nhiệm đối với việc khai báo đó. Xem xét nội dung này cho thấy, để tạo cơ sở pháp lý cho việc lấy lời khai của những chủ thể này trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử, BLTTHS năm 2003 bên cạnh việc ghi nhận nó là nguồn chứng cứ, còn đồng thời cụ thể hóa thành một điều luật riêng quy định về lời khai của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự (Điều 69) với nội dung như sau:

“1. Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự trình bày về những tình tiết liên quan đến việc bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra.

2. Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự trình bày, nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.”

Với việc quy định như vậy, theo chúng tôi là hoàn toàn phù hợp vì, họ đều là những người tham gia tố tụng nhằm bảo vệ quyền lợi pháp lý của mình trước các cơ quan tiến hành tố tụng, cùng với những người tham gia tố tụng khác, nguyên đơn dân sự và bị đơn dân sự cũng cung cấp các tình tiết cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.

2.4. Lời khai của người bị bắt, người bị tạm giữ, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án, bị can, bị cáo. Lời khai của người bị bắt, người bị tạm giữ, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án, bị can, bị cáo cũng là nguồn chứng cứ để đối chiếu, xem xét với những chứng cứ khác mà cơ quan điều tra thu thập được nhằm xác định sự phù hợp khách quan của hành vi phạm tội và người thực hiện tội phạm. Mục đích lấy lời khai của những người này của cơ quan tiến hành tố tụng là thu được lời khai chính xác và đầy đủ về vụ án, để trên cơ sở đó xác định được mức độ liên quan của từng chủ thể đến vụ án hình sự như thế nào.

- Lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ là sự trình bày về những tình tiết liên quan đến việc họ bị nghi thực hiện tội phạm.

- Lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là sự trình bày về những tình tiết trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

- Lời khai của bị can, bị cáo là sự trình bày của người đã bị khởi tố hình sự hoặc của người đối với họ đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử với nội dung về những tình tiết của vụ án.

Lời khai của những người này cũng là nguồn chứng cứ quan trọng vì họ có thể nhận tội, khai ra những người đồng phạm khác, hoặc đưa ra những chứng cứ chứng minh họ không phạm tội… từ đó kết hợp với nguồn chứng cứ khác để Cơ quan điều tra xác định hướng điều tra làm sáng tỏ vụ án.

Tuy nhiên, riêng lời khai của bị can, bị cáo cũng cần lưu ý đối tượng này có thể là nhận tội hoặc không nhận tội, cụ thể[12]:

Thứ nhất, về lời khai theo hướng nhận tội, có nghĩa bị can, bị cáo thừa nhận những hành vi phạm tội mà mình đã thực hiện. Trong BLTTHS nước ta, lời nhận tội của bị can, bị cáo khi phù hợp với các chứng cứ khác trong vụ án mới được coi là chứng cứ và lời buộc tội không được coi là chứng cứ duy nhất để buộc tội bị can, bị cáo. Điều 72 đã quy định rõ “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”. Việc quy định nói trên nhằm bảo đảm cho việc xử lý vụ án được chính xác vì trên thực tế xảy ra nhiều trường hợp người tiến hành tố tụng muốn kết thúc nhanh vụ án đã đe dọa, cưỡng ép hoặc hứa hẹn làm cho bị can, bị cáo khai không đúng sự thật, đồng thời qua đó ngăn ngừa những người tiến hành tố tụng thoả mãn với những lời nhận tội của bị can, bị cáo mà không chú ý thu thập những chứng cứ khác, mở rộng điều tra hoặc thậm chí còn dùng nhục hình để buộc bị can, bị cáo nhận tội.

Thứ hai, lời khai theo hướng không nhận tội. Điều luật quy định bị can, bị cáo khai về những tình tiết của vụ án nhưng về nguyên tắc, trách nhiệm chứng minh vụ án thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng (Điều 10). Các cơ quan này phải có nghĩa vụ chứng minh bị can, bị cáo có tội hay không có tội. Vì vậy, bị can, bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh, họ có thể nhận tội song cũng có thể không nhận tội hoặc chỉ nhận một tội trong số nhiều tội mà họ đã phạm. Là người có quyền lợi trực tiếp bị đe dọa, tước bỏ, họ có quyền bào chữa để bảo vệ quyền lợi của mình đồng thời họ cũng có quyền không sử dụng quyền bào chữa, không chứng minh là mình vô tội. Bị can, bị cáo có quyền trả lời là không biết gì về vụ án hoặc không nhận tội mà không phải đưa ra bất kỳ chứng cứ nào. Khi họ không chứng minh được là mình vô tội thì cũng không có nghĩa là họ có tội. Cho nên, sự hình thành lời khai bị can, bị cáo là một quá trình phức tạp, bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng lời khai của bị can, bị cáo không những là nguồn chứng cứ đối với những hành vi mà họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà còn là nguồn chứng cứ làm sáng tỏ tất cả những tình tiết của vụ án. Loại nguồn chứng cứ này có ý nghĩa quan trọng vì mọi hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng đều xoay quanh nhiệm vụ là chứng minh bị can, bị cáo có tội hay không có tội.

3. Kết luận giám định. Đây cũng một nguồn chứng cứ quan trọng về tình tiết của vụ án mà việc xem xét nó dựa trên kiến thức chuyên môn, khoa học kĩ thuật hay nghệ thuật… làm căn cứ vạch ra sự thật khách quan của vụ án hình sự. Bởi lẽ, kiến thức của những người tiến hành tố tụng là có giới hạn, do đó những vấn đề thuộc về chuyên môn, lĩnh vực chuyên ngành phải do cơ quan giám định đánh giá và cho ý kiến mới đưa ra kết luận chính xác. Kết luận giám định là một phán quyết mang tính khoa học bởi nó chỉ dựa trên cơ sở khoa học và không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người nên khi tìm ra sự thật của vụ án, giá trị chứng minh của kết luận giám định bao giờ cũng mang tính khách quan hơn các nguồn chứng cứ khác. Xuất phát từ tầm quan trọng của kết luận giám định trong vụ án hình sự mà người giám định phải chịu trách nhiệm về kết luận của mình nếu có kết luận gian dối vì động cơ cá nhân thì sẽ bị xử lý theo Điều 308 Bộ luật hình sự năm 1999. Trường hợp giám định do một nhóm người thực hiện mà kết luận không đồng nhất thì mỗi người được góp ý kiến riêng của mình vào kết luận giám định. Do đó, việc đưa ra kết luận giám định đòi hỏi đạo đức nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm cao bởi nhiều kết luận có ý nghĩa quan trọng liên quan đến tính mạng, uy tín danh dự của một con người.

Trong BLTTHS, kết luận giám định là nguồn chứng cứ quan trọng được sử dụng nhằm xác định tội phạm, đối tượng tác động của tội phạm, những thiệt hại xảy ra hay xác định năng lực hành vi hình sự của bị can, bị cáo, người làm chứng, người bị hại, cũng như khả năng nhận thức của họ. Các loại trưng cầu giám định thường gặp như: Trưng cầu giám định pháp y, trưng cầu giám định kĩ thuật hình sự, trưng cầu giám định văn hoá, nghệ thuật, trưng cầu giám định kế toán, tài chính…

Kết luận giám định là một nguồn chứng cứ có tính chất chuyên môn khoa học, nó có giá trị pháp lý và được sử dụng trong công tác điều tra, truy tố và xét xử. Ngoài ra, nó là công cụ, phương tiện tích cực giúp cơ quan điều tra có hướng xác minh, điều tra sự thật, giúp cho Tòa án xác định, kết luận về tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, về tội phạm… Cho nên, về nguồn chứng cứ này, nhằm khẳng định về mặt hình thức pháp lý của kết luận giám định, đồng thời chặt chẽ về kỹ thuật lập pháp, BLTTHS năm 2003 đã bổ sung thêm quy định là: “Kết luận giám định phải được thể hiện bằng văn bản” (đoạn 2 khoản 1 Điều 73). Ngoài ra, để bảo đảm tính độc lập và khách quan trong hoạt động tố tụng khi có nhiều người tham gia giám định, nhà làm luật còn bổ sung thêm quy định đó là “trong trường hợp có ý kiến khác nhau thì mỗi người ghi riêng ý kiến kết luận của mình vào bản kết luận riêng”.

4. Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác. Những biên bản, tài liệu, đồ vật khác cũng có thể được coi là nguồn chứng cứ khi đáp ứng các điều kiện do luật định và chúng được quy định cụ thể tại Điều 77-78 BLTTHS năm 2003.

4.1. Biên bản về hoạt động điều tra và xét xử. Biên bản về hoạt động điều tra và xét xử là một trong những biện pháp tố tụng được thực hiện trong quá trình chứng minh. Mọi thông tin về nội dung và những tình tiết liên quan đến vụ án hình sự được ghi chép lại theo quy định của pháp luật tức là lập thành biên bản. Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử không những là một nguồn chứng cứ có giá trị trong vụ án hình sự, mà còn là căn cứ kiểm tra các trình tự, thủ tục hoạt động trong quá trình tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật có được bảo đảm hay không nhằm góp phần bảo đảm tính hợp pháp và tính khách quan của chứng cứ. Biên bản ở đây có thể là biên bản bắt người, khám xét, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, biên bản phiên tòa và các biên bản khác về các hoạt động tố tụng khác tiến hành theo quy định của Bộ luật này.

Có thể khẳng định rằng, không một vụ án hình sự nào lại thiếu được biên bản, bởi vì mọi hoạt động chỉ coi là hợp pháp, công khai khi nó được ghi nhận trong biên bản. Cho nên, nguồn chứng cứ này mang ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, về thực tiễn biên bản hoạt động điều tra, xét xử không được nhìn nhận đúng vai trò của nó, Chính vì vậy, là nguồn chứng cứ quan trọng ghi nhận những sự việc mà cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện nên thông tin của nó cần đầy đủ về nội dung, chuẩn xác về hình thức và hợp lý về pháp lý. Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cho thấy một số vụ án khó khăn, vướng mắc không phải ở quá trình (khâu) điều tra, truy tố, xét xử mà là ở khâu ghi nhận những hoạt động, kết quả của quá trình đó trong biên bản. Do đó, đòi hỏi trong pháp luật tố tụng hình sự cần có quy định cụ thể hơn nữa về cách lập, ghi biên bản và xử lý những người vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Bởi vì, biên bản hoạt động điều tra, xét xử là một nguồn chứng cứ quan trọng trong vụ án hình sự và nói chung nó được dùng phổ biến nhất trong các hoạt động tố tụng hình sự.

4.2. Các tài liệu, đồ vật khác trong vụ án. Các tài liệu, đồ vật khác trong vụ án hình sự cũng được coi là nguồn chứng cứ có giá trị trong quá trình chứng minh. Đó là các tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án, không phải do cơ quan tiến hành tố tụng thu thập mà do các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân cung cấp. Tuy nhiên, quy định này theo chúng tôi còn thể hiện sự chưa rõ ràng và chính xác. Thực tế cho thấy những tài liệu, đồ vật được cung cấp từ những cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải là cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thường không bảo đảm tính hợp pháp. Hơn nữa, sự hạn chế của loại nguồn chứng cứ này ở chỗ các tài liệu, đồ vật do cơ quan, tổ chức hay cá nhân cung cấp có được cơ quan tiến hành tố tụng chuyển hóa thành chứng cứ pháp lý có giá trị chứng minh hay không. Nếu không được chuyển hóa thành chứng cứ pháp lý thì chúng không có giá trị chứng minh.

. Từ ý kiến hoàn toàn đúng đắn và đảm bảo sức thuyết phục của Giáo sư, TSKH Đào Trí úc là: “Pháp luật, dù có hoàn thiện đến mấy cũng không thể phản ánh và quy định hết được tất cả những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống…”[13], dưới góc độ lập pháp tố tụng hình sự để hoàn thiện các quy định tại Điều 64 BLTTHS năm 2003, chúng tôi có một số kiến nghị cụ thể như sau:

Thứ nhất, trong khoản 2 Điều 64 cần có một đoạn nêu khái niệm nguồn chứng cứ là gì, sau đó mới đề cập (liệt kê) đến các loại nguồn chứng cứ thì mới đầy đủ và chính xác hơn.

Thứ hai, tên gọi của Điều 64 là “Chứng cứ” theo chúng tôi cũng chưa đầy đủ và chưa chính xác. Bởi lẽ, trong nội dung điều luật này ngoài đề cập đến khái niệm chứng cứ (khoản 1), còn đề cập đến các loại nguồn chứng cứ (khoản 2). Hơn nữa, việc tên gọi của một điều luật lại trùng lặp với tên gọi của Chương (Chương V – Chứng cứ) là không logíc và bất hợp lý[14] nên cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, ví dụ: tên gọi của Điều 64 là: “Khái niệm chứng cứ và các loại nguồn chứng cứ”.

Và thứ ba, để lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Điều 70) là một trong những nguồn chứng cứ, thì cần phải quy định khái niệm như thế nào là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại Điều 54 của Bộ luật này, tiếc rằng nhà làm luật lại chưa quy định./.

[1] Xem cụ thể hơn: Nguyễn Ngọc Chí. Chương VII. Chứng cứ. Trong sách: Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam. Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tập thể tác giả do TS Nguyễn Ngọc Chí chủ biên. NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.161.

[2] Trước đây, Bản hướng dẫn về trình tự tố tụng sơ thẩm về hình sự được ban hành kèm theo Thông tư số 16/TATC ngày 27/09/1974 của Tòa án nhân dân tối cao đã đề cập đến nguồn chứng cứ: “Nguồn chứng cứ bao gồm: dấu vết, đồ vật, tài liệu có thể chứng minh việc phạm pháp; lời khai của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, người có trách nhiệm bồi thường, người có tài sản, quyền lợi liên quan đến việc phạm pháp, nhân chứng; lời kết luận của giám định viên, những tài liệu của cơ quan, đoàn thể cung cấp về nhân thân bị cáo”. Xem: Hệ thống hóa luật lệ về hình sự. Tòa án nhân dân tối cao, Hà Nội, 1976, tr.70.

[3] Xem: Trần Quang Tiệp. Chế định chứng cứ trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.49.

[4] Xem cụ thể hơn: Nguyễn Thủ Thanh (chủ biên). Giáo trình Điều tra hình sự. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999, tr.74-75.

[5] Xem: Đỗ Ngọc Quang. Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam (dành cho hệ đào tạo Sau đại học). Học viện Cảnh sát nhân dân, Hà Nội, 2003, tr.210.

[6] Xem: Nguyễn Ngọc Chí. Chương VII. Chứng cứ. Trong sách: Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam. Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tập thể tác giả do TS Nguyễn Ngọc Chí chủ biên. NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.181.

[7] Xem: Trần Quang Tiệp. Chế định chứng cứ trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.62.

[8] Xem: Lê Thanh Nga. Nguồn chứng cứ trong vụ án hình sự. Khóa luận tốt nghiệp Cử nhân Luật học. Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, tr.37-38.

[9] Xem: Trịnh Tiến Việt. Cần quy định quyền của người làm chứng. Tạp chí Kiểm sát, số 5/2001, tr.24.

[10] Xem: Nguyễn Ngọc Chí. Chương VII. Chứng cứ. Trong sách: Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam. Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tập thể tác giả do TS Nguyễn Ngọc Chí chủ biên. NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.184.

[11] Xem: Nguyễn Thị Hoàng Điệp. Chứng cứ trong vụ án hình sự – Những vấn đề lý luận và thực tiễn. Luận văn Thạc sỹ Luật học, Viện Nhà nước và pháp luật, Hà Nội, 1996, tr.25.

[12] Xem: Trịnh Tiến Việt & Trần Thị Quỳnh. Một số vấn đề về các loại nguồn chứng cứ trong Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam năm 2003. Tạp chí Kiểm sát, số 12 (tháng 6/2005), tr.46.

[13] Xem: Đào Trí Úc. Luật hình sự Việt Nam (Quyển I – Những vấn đề chung). NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2000, tr.209.

[14] Xem: Đỗ Ngọc Quang. Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam (dành cho hệ đào tạo Sau đại học). Học viện Cảnh sát nhân dân, Hà Nội, 2003, tr.219.

Nguồn: Tạp chí Nghề Luật số 2/2006

Một số vấn đề hoàn thiện biện pháp ngăn chặn bắt người trong Luật Tố tụng hình sự VN

TS. Trần Quang Thông – ThS. Trần Thảo*

Để tiếp tục thực hiện, đẩy mạnh hơn công cuộc cải cách tư pháp, ngày 02 tháng 01 năm 2002 Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 08-NQ/TƯ về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết 49-NQ/TƯ ngày 02/06/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Hiện nay, cải cách tư pháp đang được Đảng và Nhà nước ta quan tâm coi là nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Để tiếp tục thực hiện, đẩy mạnh hơn công cuộc cải cách tư pháp, ngày 02 tháng 01 năm 2002 Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 08-NQ/TƯ về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết 49-NQ/TƯ ngày 02/06/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Các nghị quyết trên đã chỉ rõ nhiều vấn đề cụ thể của tố tụng hình sự cần phải được nghiên cứu một cách toàn diện để thể chế hóa vào quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), tạo cơ sở pháp lý nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi xin nêu một số vấn đề hoàn thiện quy định về biện pháp ngăn chặn bắt người trong luật Tố tụng hình sự Việt Nam.

Bắt người là một trong những biện pháp ngăn chặn được quy định tại Chương VI, BLTTHS năm 2003. Việc bắt người luôn là vấn đề nhạy cảm trong đời sống chính trị – xã hội, bắt người đúng hay không đúng quy định của pháp luật, bắt oan sai có ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền cơ bản của công dân, liên quan đến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Việc bắt một số “đối tượng đặc biệt” về chính trị ở trong nước và các đối tượng là người nước ngoài còn ảnh hưởng đến chính sách đối nội và quan hệ đối ngoại của Nhà nước ta. Vì vậy, việc hoàn thiện quy định về biện pháp bắt người trong Tố tụng hình sự là vấn đề cấp thiết trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay.

Từ nghiên cứu thực tiễn và tham khảo ý kiến của một số chuyên gia, chúng tôi thấy cần sửa đổi hoàn thiện một số quy định bắt người trong BLTTHS hiện hành để đảm bảo tính thống nhất, tạo điều kiện cho việc áp dụng pháp luật một cách chính xác như sau: *

Một là, BLTTHS 2003 chưa có điều luật nào quy định việc bắt người là đại biểu dân cử; đảng viên; cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân; người có chức sắc trong các tôn giáo; người thủ lĩnh, người có danh tiếng, có uy tín lớn trong các dân tộc ít người; tri thức, nhân sĩ có tên tuổi, văn nghệ sĩ có tiếng tăm được trong nước và thế giới chú ý tới và người nước ngoài. Trong khi đó việc bắt những “đối tượng đặc biệt” này được quy định trong một số văn bản pháp luật của Nhà nước, văn bản của Đảng và Bộ Công an, như: Luật Tổ chức Quốc hội, luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; Công văn số 318/CV-BNV(V11) ngày 29/3/1992 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về việc xin ý kiến trước khi bắt, giam, giữ một số đối tượng đặc biệt; Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 16/3/2000 của Bộ Chính trị về phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn giữa các cấp ủy Đảng với Đảng ủy Công an, Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân trong công tác bảo vệ Đảng và xử lý tội phạm liên quan đến cán bộ, đảng viên; Hướng dẫn số 05-HD/NCTW ngày 15/01/2001 của Ban Nội chính Trung ương về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xử lý tội phạm theo tinh thần chỉ thị số 52-CT/TW ngày 16/3/2000 của Bộ Chính trị về việc bắt giữ các đối tượng đặc biệt. Vì vậy chúng tôi thiết nghĩ cần phải ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất, chi tiết việc bắt các đối tượng nêu trên cho phù hợp.

Hai là, việc bắt bị can, bị cáo để tạm giam được quy định tại Điều 80 BLTTHS, với tên gọi của chế định này là: “Bắt bị can, bị cáo để tạm giam”nên đã dẫn đến cách hiểu: “Bắt người là một biện pháp để thực hiện lệnh tạm giam”. Theo chúng tôi, cách hiểu như vậy là không đúng bởi lẽ nếu coi “bắt bị can, bị cáo để tạm giam” là một biện pháp để thực hiện lệnh tạm giam thì việc cưỡng chế bị can, bị cáo thực hiện lệnh tạm giam dựa trên căn cứ pháp lý nào? Vì vậy xác định tên gọi của chế định này là “bắt tạm giam bị can, bị cáo”.

- Thực tế cho thấy việc bắt người bị kết án để thi hành bản án mà trước đó họ chưa bị tạm giam cũng gặp nhiều bất cập. Vì vậy cần ban hành mẫu lệnh bắt thống nhất “Lệnh bắt người bị kết án để thi hành án” theo thẩm quyền của Tòa án, giao cho lực lượng Cảnh sát hỗ trợ tư pháp thực thi theo thủ tục chung.

- Về hình thức lập pháp theo quy định tại Điều 80 BLTTHS đối với trường hợp bắt bị can, bị cáo để tạm giam chưa quy định căn cứ bắt cho trường hợp này và những trường hợp không bắt tạm giam. Đối chiếu với quy định về các trường hợp bắt khác quy định như vậy là chưa thống nhất. Nên theo chúng tôi cần bổ sung quy định này vào Điều 80 BLTTHS như: “ Bắt tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong trường hợp: Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng; bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội” và “đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ những trường hợp: Bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã; bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử;bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia”.

- Trường hợp bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù dưới 2 năm thì không bị bắt để tạm giam; nhưng đối với các trường hợp bị can, bị cáo không có nơi cư trú rõ ràng hoặc có nơi cư trú nhưng ở cách xa Cơ quan điều tra hoặc có tiền án tiền sự hoặc là lưu manh chuyên nghiệp có biểu hiện trốn, cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bắt tạm giam. Mặc dù, quan điểm hiện nay nên giảm thiểu các trường hợp bắt bị can, bị cáo để tạm giam, nhưng việc quy định bắt tạm giam đối với đối tượng này là cần thiết cho hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra.

- Khoản 3 Điều 80 BLTTHS quy định “Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã quy định tại các Điều 81 và Điều 82 của Bộ luật này” theo chúng tôilà chưa chính xác, không thống nhất mà phải quy định rõ “không được bắt tạm giam bị can, bị cáo vào ban đêm”.

Với đề xuất như trên có thể sửa đổi bổ sung Điều 80 BLTTHS như sau:

“ Điều 80. Bắt tạm giam bị can, bị cáo

1. Bắt tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp sau đây:

a) Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng;

b) Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

Trường hợp bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù dưới 2 năm không có nơi cư trú rõ ràng hoặc có nơi cư trú nhưng ở cách xa Cơ quan điều tra hoặc có tiền án tiền sự hoặc có biểu hiện trốn, cản trở hoạt động điều tra thì có thể bắt tạm giam.

2. Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không bắt tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ những trường hợp sau đây:

a) Bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã;

b) Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử;

c) Bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

3. Những người sau đây có quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam:

a) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân và Viện Kiểm sát quân sự các cấp;

b) Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp;

c) Thẩm phán giữ chức vụ Chánh tòa, Phó Chánh tòa Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử;

d) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp: Trong trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện Kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

Hồ sơ vụ án phải được gửi kèm theo lệnh bắt và tạm giam bị can, bị cáo sang Viện Kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn. Sau khi nhận được những văn bản trên, Viện Kiểm sát phải nghiên cứu ngay và trong thời hạn 24 giờ phải ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn lệnh bắt và tạm giam bị can, bị cáo trong đó ghi rõ lý do phê chuẩn hoặc không phê chuẩn.

4. Lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ của người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị bắt và lý do bị bắt. Lệnh bắt phải có chữ ký của người ra lệnh và có đóng dấu.

Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt.

Khi tiến hành bắt bị can, bị cáo tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến. Khi tiến hành bắt bị can, bị cáo tại nơi người đó làm việc phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Khi tiến hành bắt bị can, bị cáo tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.

5. Không được bắt tạm giam bị can, bị cáo vào ban đêm, trừ trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc bắt người theo quyết định truy nã”.

Ba là, về khoản 4 Điều 81 BLTTHS có quy định về thẩm quyền xét phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp thuộc về Viện Kiểm sát cùng cấp. Tuy nhiên, đối với trường hợp người có thẩm quyền ra lệnh bắt khẩn cấp là “Người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới” và “Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng” quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 81 của Bộ luật này” thì rất khó xác định được Viện Kiểm sát cùng cấp như khi tàu bay đang bay trên bầu trời, tàu biển đang ở ngoài biển… Do đó, chúng tôi cho rằng cần quy định bổ sung trong khoản 4 Điều 81 với nội dung “đối với trường hợp quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều luật này, thẩm quyền để xét phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp là Viện Kiểm sát nơi có sân bay hoặc bến cảng trở về đầu tiên hoặc nơi tàu bay, tàu biển đó được đăng ký” . Quy định như vậy mới kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội, ngăn chặn hành động gây khó khăn cản trở cho việc điều tra, truy tố, xét xử.

Bốn là, BLTTHS 2003 quy định việc bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã trong cùng một điều luậttại Điều 82 BLTTHS. Việc bắt người trong hai trường hợp này quy định: “ Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất”. Về phương diện lý luận cũng như thực tiễn áp dụng quy định này cho thấy: Quy định chung việc bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã vào cùng một điều luật là không phù hợp, vì đối tượng và thủ tục áp dụng, những việc cần làm sau khi tiếp nhận người bị bắt trong hai trường hợp này không giống nhau.

Trước hết về đối tượng: Người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang chưa phải là bị can, bị cáo; còn người bị bắt trong trường hợp đang bị truy nã là người đã có lệnh bắt hoặc đã bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam hay đang chấp hành án phạt tù thì bỏ trốn mà cơ quan có thẩm quyền đã ra quyết định truy nã.

Về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn: Đối với người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang họ có thể bị giam giữ hoặc không bị giam giữ theo Điều 86 BLTTHS năm 2003; còn người bị bắt trong trường hợp đang bị truy nã thì sau khi bị bắt, Cơ quan điều tra có thẩm quyền phải áp dụng biện pháp tạm giữ hoặc tạm giam đối với họ.

Điều 82 BLTTHS hiện hành chỉ quy định thủ tục bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã mà thiếu các quy định về việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với người bị bắt, các vấn đề cần phải giải quyết sau khi tiếp nhận người bị bắt. Những nội dung này lại được quy định trong Điều 83 BLTTHS: Khoản 1 quy định những vấn đề cần phải làm sau khi tiếp nhận người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang; khoản 2 quy định những việc cần phải làm sau khi tiếp nhận người bị bắt trong trường hợp đang bị truy nã. Theo chúng tôi, nên quy định các nội dung này trong một điều luật cho rõ căn cứ bắt, thẩm quyền, thủ tục bắt trong từng trường hợp và những việc cần làm sau khi bắt. Việc làm này bảo đảm tính khoa học về mặt kỹ thuật lập pháp, góp phần hạn chế được những thiếu sót khi xây dựng pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật.

Mặt khác, khoản 2 Điều 82 BLTTHS chỉ quy định: “khi bắt người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt” , trong khi trên thực tế nhiều trường hợp người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã thường có vũ khí và rất dễ chống trả ngay nếu bị bắt giữ. Cho nên, nếu không quy định quyền này một cách chính xác, chặt chẽ thì rất khó khuyến khích quần chúng nhân dân tích cực tham gia công tác đấu tranh phòng và chống tội phạm. Vì vậy, theo chúng tôi thấy cần quy định thêm nội dung bất kỳ người nào cũng có quyền “lục soát tước vũ khí, hung khí của người bị bắt” trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, để phân biệt với biện pháp khám người theo quy định tại Điều 182 BLTTHS.

Về tên gọi trường hợp bắt người đang bị truy nã theo quy định tại Điều 82 BLTTHS, chúng tôi cho rằng nên quy định tên điều luật là “bắt người theo quyết định truy nã” sẽ chính xác hơn.

Trên đây là một số ý kiến xung quanh vấn đề sửa đổi bổ sung hoàn thiện quy định của BLTTHS về bắt người, xin được trao đổi cùng các đồng chí./.

Nguồn: www.pup.edu.vn

Viễn cảnh viện kiểm sát ở Việt Nam

Bùi Ngọc Sơn – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Viện kiểm sát là một thiết chế đặc thù của Nhà nước xã hội chủ nghĩa (XHCN). Ở Việt Nam, từ khi chế độ XHCN được xác lập chính thức, Viện kiểm sát mới ra đời.1. Kiểm sát chung thuộc bản chất của Viện kiểm sát

Viện kiểm sát là một thiết chế đặc thù của Nhà nước xã hội chủ nghĩa (XHCN). Ở Việt Nam, từ khi chế độ XHCN được xác lập chính thức, Viện kiểm sát mới ra đời. Hiến pháp Việt Nam năm 1946 không phải là Hiến pháp XHCN nên không có thiết chế Viện kiểm sát. Viện kiểm sát ở Việt Nam chính thức được xác lập trong bản Hiến pháp năm 1959 và được duy trì trong các Hiến pháp tiếp theo (1980,1992), và có sự điều chỉnh về chức năng.

Vấn đề đặt ra là, tại sao trong Nhà nước XHCN lại tồn tại thiết chế Viện kiểm sát? Ngày nay, người ta giải thích sự hiện diện của Viện kiểm sát gắn liền với hai nguyên tắc quan trọng trong việc tổ chức và vận hành quyền lực ở các Nhà nước XHCN: tập quyền XHCN và pháp chế XHCN.

Nguyên tắc tập quyền XHCN được C. Mác chỉ ra đầu tiên trên cơ sở nghiên cứu Công xã Paris và sau đó, được Lênin hoàn thiện trong tác phẩm “Nhà nước và cách mạng” (1). Cốt lõi của nguyên tắc này là quyền lực nhà nước được tổ chức tập trung vào cơ quan đại diện tối cao của nhân dân (được gọi là cơ quan quyền lực nhà nước). Sự tập trung quyền lực về thiết chế đại diện này là điểm chính yếu bảo đảm sự thống nhất quyền lực nhà nước: quyền lực có một điểm hội tụ (không phải phân tán như trong chế độ phân quyền), có sự trật tự trong hệ cấp quyền lực (không phải là các ngành quyền lực bình đẳng nhau như trong chế độ phân quyền). Sự hội tụ và sự trật tự của quyền lực sẽ làm cho quyền lực có một điểm thống nhất và không có sự kìm chế, đối trọng lẫn nhau, dẫn đến triệt tiêu nhau của các định chế quyền lực.

Trong hệ thống quyền lực này, thiết chế được coi là điểm hội tụ quyền lực chính là cơ quan quyền lực nhà nước tối cao. Để bảo đảm sự hội tụ quyền lực về thiết chế này, các định chế còn lại được tổ chức theo cách do thiết chế đại diện lập ra, ở một hệ cấp thấp hơn thiết chế này, và chịu sự giám sát tối cao của thiết chế này. Theo nguyên lý này, Quốc hội theo Hiến pháp Việt Nam là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thành lập ra các định chế quyền lực còn lại ở trung ương và thực hiện quyền giám sát tối cao đối với các định chế này gồm: Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Tuy nhiên, áp dụng mở rộng lý thuyết tập quyền XHCN, người ta cho rằng, sự thống nhất quyền lực không chỉ yêu cầu các định chế quyền lực ở trung ương phải thống nhất với Quốc hội mà còn yêu cầu địa phương phải thống nhất với trung ương. Về nguyên lý tập quyền XHCN, Quốc hội phải là người giám sát toàn bộ quyền lực nhà nước. Điều 83 của Hiến pháp Việt Nam cũng quy định: “Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước”. Tuy vậy, Quốc hội sẽ quá tải nếu thực hiện điều đó vì ngoài giám sát, Quốc hội còn phải lập pháp, quyết định những vấn đề trọng đại của quốc gia. Do đó, một sự phân cấp quyền giám sát là cần thiết. Quốc hội chỉ giám sát các định chế quyền lực ở trung ương, người đứng đầu của các định chế đó, còn ở địa phương, cá nhân, các tổ chức trong xã hội và một phần quyền lực ở trung ương như các Bộ, Quốc hội thành lập ra một thiết chế khác giúp mình thực hiện chức năng giám sát. Thiết chế đó là Viện kiểm sát. Chính vì vậy, việc thành lập Viện kiểm sát trong Nhà nước XHCN xuất phát từ nhu cầu giúp Quốc hội thực hiện chức năng giám sát, bảo đảm sự thống nhất quyền lực nhà nước.

Như vậy, có thể nói lý do chính dẫn đến sự ra đời của Viện kiểm sát với tư cách là một cơ quan độc lập, một trong bốn phân hệ quyền lực nhà nước ở Việt Nam, là để thực hiện chức năng giám sát được Quốc hội phân giao. Kiểm sát chung là nhiệm vụ chính yếu gắn với sự ra đời và lý do tồn tại của Viện kiểm sát. Kiểm sát chung vốn sinh ra từ quyền giám sát của Quốc hội được thực hiện bởi một cơ quan độc lập do Quốc hội thành lập ra – Viện kiểm sát.

Nguyên tắc pháp chế XHCN cũng là một cơ sở lý thuyết quan trọng dẫn đến sự ra đời của Viện kiểm sát. “Pháp chế chính là sự đòi hỏi các cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân phải thực hiện đúng, thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật trong hoạt động của mình” (2). Đáp ứng cho nhu cầu đó của pháp chế, Viện kiểm sát được thành lập. Viện kiểm sát, với chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của mình, sẽ đảm bảo pháp chế. Cũng cần nói thêm rằng, pháp chế cũng yêu cầu các cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước mà chủ yếu là các cơ quan hành chính, các cơ quan chính quyền địa phương, các nhân viên hành chính phải tuân thủ pháp luật. Viện kiểm sát được thành lập ra để bảo đảm pháp chế, nhưng đối tượng kiểm sát việc tuân theo pháp luật không bao gồm các hoạt động của Quốc hội, Nguyên thủ quốc gia, Chính phủ. Viện kiểm sát chỉ kiểm sát việc tuân theo pháp luật từ Bộ trở xuống. Bản chất sâu xa nhất của pháp chế là luật pháp của trung ương phải được tôn trọng: các cơ quan hành chính, các cơ quan chính quyền địa phương, mọi tổ chức kinh tế, xã hội, đơn vị vũ trang, công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật do trung ương ban hành. Viện kiểm sát là một bảo đảm cho điều này.

Như vậy, lý do chính tồn tại Viện kiểm sát là nhu cầu về một thiết chế kiểm sát việc tuân theo pháp luật để bảo đảm nguyên tắc tập quyền XHCN và pháp chế XHCN. Viện kiểm sát sinh ra để thực hiện chức năng kiểm sát chung. Từ kiểm sát chung mới sinh ra chức năng công tố, bởi lẽ, trong quá trình kiểm sát chung nếu phát hiện có vi phạm pháp luật đến mức vi phạm hình sự, Viện kiểm sát sẽ có quyền truy tố người vi phạm ra tòa. Viện kiểm sát chỉ có thể là Viện kiểm sát khi thực hiện chức năng kiểm sát chung.

Việc bỏ kiểm sát chung của Viện kiểm sát theo Hiến pháp sửa đổi năm 2001 là một bước tiến của nền lập hiến Viêt Nam trên con đường tiến tới chế độ pháp quyền. Các nhà lập hiến đã tỏ ra cởi mở khi nhận thức về lý thuyết pháp quyền và phân quyền. Họ đã nhận thấy kiểm sát chung không thích hợp với Nhà nước Việt Nam trong bối cảnh mới: bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Tuy nhiên, cải cách hiến pháp năm 2001 chưa giải quyết thấu đáo những vấn đề liên quan đến việc bỏ kiểm sát chung. Như đã nói, lý do chính dẫn đến sự ra đời và tồn tại của Viện kiểm sát là kiểm sát chung. Về nguyên lý, không còn kiểm sát chung thì không còn lý do cho Viện kiểm sát tồn tại. Kiểm sát chung là bản chất của Viện kiểm sát. Cho nên, nếu còn giữ Viện kiểm sát với tư cách là một thiết chế độc lập thì không thể bỏ kiểm sát chung. Và nếu đã bỏ kiểm sát chung, Viện kiểm sát chỉ còn chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, trong đó thực hành quyền công tố là nhiệm vụ chính yếu, thì phải chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố. Nghị quyết số 49-NQ/TƯ ngày 20/06/2005 của Bộ Chính trị đã đưa ra chủ trương: “nghiên cứu việc chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố”.

2. Phê phán sự phê phán

Hiện nay, có nhiều quan điểm ủng hộ việc chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố và cũng nhiều quan điểm cố giữ hệ thống Viện kiểm sát và hoàn thiện thêm cho phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp. Gần đây nhất, trong cuộc Hội thảo quốc tế do Viện kiểm sát nhân dân tối cao và UNDP – Dự án VIE /02/05 tổ chức, đa số các tham luận trình bày tại Hội thảo phản đối việc chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố, cố giữ hệ thống Viện kiểm sát như hiện nay, khôi phục lại chức năng kiểm sát chung của Viện kiểm sát. Lập luận chính yếu của những học giả này là Viện kiểm sát cần thiết để bảo đảm pháp chế XHCN, tập trung thống nhất quyền lực nhà nước (3).

Dù “khó” nhưng chúng tôi cũng xin đưa ra quan điểm phủ nhận quan điểm cho rằng, mô hình Viện kiểm sát thích hợp với Nhà nước Việt Nam hiện nay, một nhà nước theo “chế độ chính trị nhất nguyên, tổ chức quyền lực là thống nhất, đặt mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền”.

Trước tiên là về mối quan hệ giữa Viện kiểm sát với nguyên tắc thống nhất quyền lực ở Việt Nam. Đúng là Viện kiểm sát, với chức năng cố hữu của nó là kiểm sát việc tuân theo pháp luật, có chức năng bảo đảm sự thống nhất quyền lực nhà nước; nhưng đó là sự thống nhất của các cơ quan nhà nước cấp dưới và địa phương với trung ương (4). Trong khi đó, lý thuyết thống nhất quyền lực nhà nước chỉ đặt ra vấn đề thống nhất quyền giữa các quyền lập pháp, hành pháp, và tư pháp; tức là ba đại công quyền ở trung ương. Ngay cả trong ba cơ quan này, vấn đề thống nhất quyền lực cũng chủ yếu liên quan đến mối quan hệ giữa lập pháp và hành pháp – những ngành quyền lực chính trị, những ngành quyền lực hoạch định và điều hành chính sách quốc gia (5). Nếu trở lại những luận điểm của những người sáng lập ra lý thuyết tập quyền XHCN thì chúng ta sẽ thấy rằng, vấn đề tập quyền, thống nhất quyền lực chủ yếu liên quan đến ngành lập pháp và hành pháp, không liên quan nhiều đến tư pháp và chính quyền địa phương.

Nghiên cứu công xã Paris, Mác rút ra kết luận: “Công xã không phải là một cơ quan đại nghị, mà là một cơ quan hành động, vừa lập pháp, vừa hành pháp”. Lênin giải thích thêm: “Một cơ quan “không phải là cơ quan đại nghị, mà là một cơ quan hành động”… Hãy xem bất cứ nước nào có chế độ đại nghị, từ Mỹ đến Thụy Sĩ, từ Pháp đến Anh, Na-uy, …thì cũng thấy rằng, công tác thật sự của “nhà nước” đều làm ở hậu trường và đều do các bộ, các văn phòng, các ban tham mưu làm. Trong các nghị viện người ta chỉ chuyên nói suông với mục đích duy nhất là lừa bịp “dân thường” thôi (6).”

Như vậy, theo nhận xét của Lênin, sự phân quyền trong chế độ đại nghị dẫn đến sự hình thức của cơ quan đại nghị, tức cơ quan do dân chúng bầu lên, cũng có nghĩa là ảnh hưởng tiêu cực đến chủ quyền nhân dân. Phân quyền tạo điều kiện cho sự bình đẳng quyền lực giữa lập pháp và hành pháp. Hành pháp, với ưu thế của mình là ngành quyền lực trực tiếp điều hành xã hội, ngành quyền lực nắm các lực lượng vật chất của xã hội, sẽ có nguy cơ lũng đoạn quyền lập pháp, biến cơ quan lập pháp trở thành cái máy nói suông. Để tránh nguy cơ này, bảo đảm chủ quyền của nhân dân, cơ quan đại diện của nhân dân phải là một cơ quan hành động, vừa lập pháp, vừa hành pháp.

Mô hình chính quyền Xô viết và các Nhà nước XHCN sau này đã mềm dẻo hơn khi nhận thức và áp dụng nguyên tắc tập quyền XHCN. Thực tế cho thấy cơ quan đại nghị không thể vừa lập pháp vừa hành pháp. Các Nhà nước XHCN đều chấp nhận thành lập ra thiết chế Chính phủ để thực thi quyền lập pháp. Nhưng để tránh nguy cơ cơ quan hành pháp này lại biến cơ quan đại nghị trở thành hình thức, lũng đoạn quyền lập pháp, ảnh hưởng đến chủ quyền nhân dân, cơ quan hành pháp đó phải phụ thuộc vào cơ quan đại nghị: do cơ quan đại nghị thành lập, cơ quan đại nghị ở một hệ cấp quyền lực tối cao chứ không bình đẳng vởi cơ quan hành pháp, cơ quan hành pháp là cơ quan chấp hành của cơ quan đại nghị.

Ở Việt Nam, trong từng giai đoạn lịch sử, nhận thức về nguyên tắc này cũng có những điều chỉnh. Tập quyền XHCN theo Hiến pháp 1980 là tập quyền mạnh: Hội đồng Bộ trưởng được quy định là cơ quan chấp hành và hành chính nhà nước cao nhất của Quốc hội; cơ quan thường trực của Quốc hội (ngành lập pháp) và nguyên thủ cá nhân (một định chế hành pháp) được nhập làm một: Hội đồng Nhà nước. Hiến pháp 1992 đã linh hoạt hơn trong việc nhận thức và áp dụng nguyên tắc tập quyền XHCN: Chính phủ không còn là cơ quan hành chính nhà nước của Quốc hội, mà là của Nhà nước; Hội đồng Nhà nước được tách làm hai thiết chế: ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước.

Sửa đổi Hiến pháp Viêt Nam năm 2001 sáng tạo thêm một bước khi chính thức thừa nhận sự phân công quyền lực giữa ba ngành: lập pháp, hành pháp, và tư pháp. Điều 2 của Hiến pháp sửa đổi năm 2001 đã sáng tạo trong việc kết hợp nguyên tắc phân quyền với nguyên tắc tập quyền XHCN khi tuyên bố: quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Điều này không làm mất đi bản chất của nguyên tắc tập quyền XHCN. Tập quyền XHCN vẫn có thể dung hợp với phân công quyền lực, miễn là sự phân công không dẫn đến phá vỡ sự thống nhất quyền lực. Muốn vậy, phân công quyền lực nhưng không được dẫn đến sự độc lập quyền lực. Bởi lẽ, độc lập quyền lưc tạo ra sự bình đẳng quyền lực giữa ba ngành và khi đó quyền lực sẽ không có một điểm hội tụ. Phân công quyền lực nhưng vẫn có thứ bậc trong trật tự quyền lực: Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Để bảo đảm sự thống nhất quyền lực, phân công quyền lực cũng không được đi đến sự chế ước quyền lực. Đương nhiên, khi không có sự độc lập và bình đẳng quyền lực thì sẽ không có sự chế ước quyền lực. Sự chế ước quyền lực dẫn đến sự tương tác lẫn nhau giữa các ngành quyền lực. Sự tương tác này có nguy cơ dẫn đến bế tắc, triệt tiêu quyền lực, phá vỡ sự thống nhất của quyền lực. Như vậy, mục đích của việc gìn giữ sự thống nhất quyền lực là để bảo đảm chủ quyền nhân dân, Chính phủ không thể biến Quốc hội thành hình thức hay lũng đoạn quyền lực của Quốc hội. Để bảo đảm sự thống nhất quyền lực ở Việt Nam, những điều này là thiết yếu: Quốc hội là cơ quan có quyền cao nhất; Chính phủ phải chấp hành trước Quốc hội: phải chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, không được phủ quyết luật của Quốc hội, không được tự đặt vấn đề bất tín nhiệm trước Quốc hội, không được yêu cầu giải tán Quốc hội. Như vậy, có thể nói Viện kiểm sát, với chức năng bản chất là kiểm sát chung, không liên quan gì đến sự thống nhất quyền lực.

Với những yếu tố bảo đảm sự thống nhất quyền lực nêu trên, có thể thấy rằng, tập quyền và thống nhất quyền lực không nhất thiết phải có chức năng kiểm sát chung của Viện kiểm sát. Lý thuyết tập quyền XHCN chủ yếu nhấn mạnh đến sự thống nhất quyền lực giữa lập pháp và hành pháp, không nhấn mạnh đến sự thống nhất quyền lực giữa địa phương với trung ương. Các cơ quan hành chính, các cơ quan chính quyền địa phương – những cơ quan chấp hành chính sách quốc gia, không liên quan đến sự thống nhất quyền lực của quốc gia. Sự thống nhất quyền lực phụ thuộc vào các cơ quan có vai trò hoạch định và điều hành chính sách quốc gia, tức tác động đến sự vận hành tổng thể của quốc gia. Xét theo đó, các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan chính quyền địa phương, cơ quan tư pháp – đối tượng thuộc quyền kiểm sát chung của Viện kiểm sát  không liên quan thiết yếu đến sự thống nhất quyền lực nhà nước. Vì vậy, đặt vấn đề cần phải có Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát chung để bảo đảm sự thống nhất quyền lực nhà nước là không chính xác.

Tiếp theo, xin bàn đến lập luận cho rằng Viện kiểm sát cần thiết để bảo đảm pháp chế thống nhất. Đúng là kiểm sát tuân theo pháp luật giúp ích cho việc tuân thủ pháp luật do trung ương ban hành của các cơ quan hành chính, các cơ quan chính quyền địa phương, các tổ chức trong xã hội, và mọi công dân. Vấn đề đặt ra là trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, có nhất thiết phải đặt ra vấn đề tuân thủ pháp luật như thế không?

Khi cho rằng, kiểm sát việc tuân theo pháp luật phù hợp với “mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền” thì dường như người ta đang đánh đồng pháp chế với pháp quyền. Nếu pháp quyền và pháp chế là một thì năm 2001, Việt Nam không cần bổ sung quy định về Nhà nước pháp quyền vào trong Hiến pháp ở Điều 2 trong khi Điều 12 đã quy định rõ ràng về pháp chế. Pháp chế lấy sự tuân thủ pháp luật của trung ương làm chính yếu. Do đó, pháp chế sinh ra Viện kiểm sát với chức năng kiểm sát chung để buộc các cơ quan hành chính, các cơ quan chính quyền địa phương, các tổ chức trong xã hội và mọi công dân tuân thủ pháp luật do trung ương ban hành. Pháp quyền lấy sự giới hạn quyền lực lập pháp, hành pháp, và tư pháp – các đại công quyền ở trung ương làm chính yếu. Lý thuyết pháp quyền sinh ra trong bối cảnh của chế độ cực quyền – tức sự lạm dụng quyền lực của chính quyền, nên đặt ra vấn đề công quyền (lập pháp, hành pháp, tư pháp) phải bị giới hạn bởi luật pháp. Để giới hạn quyền lực của công quyền, lý thuyết pháp quyền chấp nhận việc người dân kiện lại các văn bản pháp luật do công quyền ban hành nếu các văn bản đó vi phạm quyền con người hoặc không có công lý. Pháp quyền, như vậy, đòi hỏi một ngành tư pháp độc lập để người dân có thể chống lại một cách hợp pháp các văn bản pháp luật của trung ương thiếu công lý hoặc vi phạm quyền con người. Điều này tồn tại ở các mô hình nhà nước pháp quyền ở Châu Âu cũng như mô hình pháp quyền ở Mỹ. Như vậy, theo lý thuyết pháp quyền, các văn bản pháp luật của trung ương như của Quốc hội, Nguyên thủ quốc gia, Chính phủ có thể là đối tượng bị kiện ra tòa bởi công dân. Do đó, kiểm sát chung của Viện kiểm sát không liên quan đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Trong khi kiểm sát chung hướng đến việc buộc người dân phải tuân theo pháp luật của trung ương thông qua Viện kiểm sát thì pháp quyền lại hướng đến việc người dân buộc trung ương phải tuân thủ pháp luật thông qua tòa án. Pháp chế cần Viện kiểm sát, còn pháp quyền cần đến Tòa án.

Không những thế, chúng tôi cho rằng, kiểm sát chung của Viện kiểm sát không thể dung hợp được với Nhà nước pháp quyền. Người ta phải lựa chọn một trong hai: hoặc là kiểm sát chung hoặc là Nhà nước pháp quyền, không thể lựa chọn cả hai. Sửa đổi Hiến pháp năm 2001 đã lựa chọn đúng khi lựa chọn nhà nước pháp quyền ở Điều 1 và bỏ kiểm sát chung ở  Điều 137. Có ba lý do cho việc kiểm sát chung không dung hợp được với nhà nước pháp quyền:

Thứ nhất, trong khi Nhà nước pháp quyền giới hạn quyền lực của trung ương thì kiểm sát chung lại củng cố quyền lực này. Thực chất của kiểm sát chung là bảo đảm cho sức mạnh của quyền lực trung ương trước những nguy cơ đi ngược với trung ương của địa phương, các tổ chức trong xã hội và mọi công dân. Tuy nhiên, lý thuyết Nhà nước pháp quyền chấp nhận việc kiện lại các văn bản của trung ương tại Tòa án để giới hạn quyền lực của công quyền vì quyền và lợi ích hợp hiến của con người.

Thứ hai, trong khi Nhà nước pháp quyền cần người dân sử dụng pháp luật thì kiểm sát chung lại buộc người dân tuân thủ pháp luật. Tuân thủ pháp luật là một thái độ thụ động của người dân, được thực hiện với sự cưỡng chế của Nhà nước. Mục đích của điều này là để bảo đảm lợi ích của Nhà nước và trật tự chung của xã hội. Lý thuyết Nhà nước pháp quyền đặt vấn đề sử dụng pháp luật của người dân và việc tuân thủ pháp luật của Nhà nước. Pháp luật trong Nhà nước pháp quyền là pháp luật hợp công lý và quyền con người, nên người dân chủ động sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền của mình. Nếu người dân thụ động tuân thủ pháp luật là vì lợi ích của Nhà nước thì việc người dân chủ động sử dụng pháp luật lại là vì lợi ích của chính người dân.

Thứ ba, trong khi Nhà nước pháp quyền cần đến Tòa án thì kiểm sát chung lại cần đến Viện kiểm sát. Trong chế độ nhà nước pháp quyền, mọi vi phạm pháp luật đều phải được giải quyết công khai tại tòa án độc lập. Nhưng kiểm sát chung dẫn đến việc giải quyết các vi phạm pháp luật một cách đơn phương từ phía Nhà nước. Trong quá trình kiểm sát chung, nếu phát hiện ra có vi phạm pháp luật (trừ vi phạm hình sự), người vi phạm không có một chốn công khai để biện minh cho mình. Điều này không chấp nhận được trong Nhà nước pháp quyền.

Tóm lại, trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, kiểm sát chung của Viện kiểm sát là không cần thiết. Bỏ kiểm sát chung của Viện kiểm sát là cắt đi lý do tồn tại của Viện kiểm sát và do đó, đồng nghĩa với việc cần phải bỏ hệ thống Viện kiểm sát tồn tại độc lập như hiện nay.

3. “Hậu” bỏ kiểm sát chung của Viện kiểm sát

Việc bỏ chức năng kiểm sát chung của Viện kiểm sát là đúng, nhưng những việc làm “hậu” bỏ kiểm sát chung của Viện kiểm sát là chưa thực sự khoa học. Bỏ kiểm sát chung của Viện kiểm sát không đồng nghĩa với việc bỏ chức năng kiểm soát việc tuân theo pháp luật của Nhà nước. Chức năng này không nên để ở Viện kiểm sát nhưng nó cần phải được bố trí một cách hợp lý ở một nơi khác trong cấu trúc nhà nước. Còn hoạt động giám sát việc tuân theo pháp luật cần phải được thực hiện hiệu quả bởi các cơ quan như các ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thanh tra, điều tra của Chính phủ.

Một thời gian sau khi Viện kiểm sát không còn đảm nhiệm chức năng kiểm sát văn bản, chức năng này đã được chuyển giao cho Bộ Tư pháp. Đây là một sự bố trí không hợp lý và chính điều này dẫn đến tình trạng văn bản pháp luật của địa phương ban hành trái với trung ương. Sự bất hợp lý nằm ở chỗ bố trí một quyền thuộc địa hạt tư pháp trong lĩnh vực hành pháp. Chức năng kiểm sát văn bản của Viện kiểm sát ở Việt Nam trước đây có phần tương hợp với chức năng bảo hiến của các tòa án ở phương Tây. Điều này xuất phát từ một học lý rằng: kiểm sát, giám sát văn bản chính là quyền lực tư pháp của tòa án. Chức năng kiểm sát văn bản của tòa án được hình thành sớm nhất ở Mỹ năm 1803 sau phán quyết của Marsall đối với vụ án Mabury /Madison. Trong bản án này, Chánh án Marshall đã đưa ra một lời tuyên bố: “Thẩm quyền và nhiệm vụ minh bạch của ngành tư pháp là giải thích luật pháp. Toà án áp dụng luật vào những trường hợp riêng biệt nên phải minh giải pháp luật. Nếu hai luật chống nhau, toà án phải ấn định cách thi hành một luật. Nếu thông luật ngược với hiến luật, nếu cả thông luật và hiến luật cùng được áp dụng cho một trường hợp nhất định, Toà án phải phán quyết là nêu theo thông luật hay hiến luật. Đó là nhiệm vụ của tư pháp. Giả sử hiến pháp được kính trọng hơn thông luật của ngành lập pháp, thì hiến luật sẽ được áp dụng (7)’’.

Nói cách khác, bản chất của tư pháp là xét xử. Để xét xử, tòa án phải áp dụng pháp luật. Trong việc áp dụng pháp luật, nếu có hai văn bản nghịch nhau (văn bản nọ trái với văn bản kia) cùng liên quan đến một vụ việc, nhiệm vụ của tòa án phải lựa chọn một trong hai. Khi lựa, chọn tòa án phải tôn trọng nguyên tắc: văn bản nào ở hệ cấp pháp lý cao hơn phải có ưu thế được lựa chọn: hiến pháp của nhân dân cao hơn luật của người đại biểu nhân dân (Quốc hội – lập pháp), luật phải cao hơn pháp quy (các văn bản do ngành hành pháp, cơ quan chính quyền địa phương ban hành…). Khi Tòa án lựa chọn văn bản ở hệ cấp pháp lý cao hơn, điều này đồng nghĩa với việc tuyên bố văn bản ở hệ cấp pháp lý thấp hơn không có hiệu lực. Chính điều này hình thành nên chức năng kiểm tra, giám sát văn bản của Tòa án. Nói ngược lại, kiểm tra văn bản thuộc địa hạt quyền tư pháp của Tòa án.

Chuyển chức năng kiểm sát văn bản của Viện kiểm sát nhân dân sang cho Bộ Tư pháp có nghĩa là chức năng kiểm tra văn bản được bố trí trong ngành hành pháp. Điều này không phù hợp với lý thuyết của hiến pháp về các ngành quyền lực vốn được thừa nhận rộng rãi trên thế giới và cũng không phù hợp với thực tiễn. Thực tế, nhiều văn bản pháp quy bất hợp hiến, bất hợp pháp được ban hành nhưng chậm được phát hiện và xử lý. Vì Bộ Tư pháp không phải là cơ quan nằm ở vị trí tất yếu có thể đón nhận các văn bản bất hợp hiến, bất hợp pháp. Giả sử, một văn bản bất hợp hiến được ban hành, ví dụ một quyết định cấm bán hàng rong trong những tuyến phố nhất định của Uỷ ban nhân dân (UBND) một tỉnh X. Nếu văn bản này không gây thiệt hại gì, không ai nghi ngờ về tình hợp hiến của nó, điều này không cần phải kiểm tra. Việc kiểm tra văn bản chỉ được đặt ra khi có thiệt hại xảy ra và có người nghi ngờ thiệt hại đó là do văn bản đó bất hợp hiến. Chẳng hạn, đối với quyết định cấm bán hàng rong nói trên, có một công dân bán hàng rong nhận thấy nhiều gia đình nghèo bị hạn chế phương tiện mưu sinh do quyết định đó. Và sở dĩ họ bị hạn chế phương tiện mưu sinh là vì quyết định nói trên không tôn trọng quyền tự do kinh doanh của họ được bảo đảm trong điều 57 của Hiến pháp và đặt ra vấn đề tính tương hợp của Quyết định cấm bán hàng rong với điều 57 của Hiến pháp. Thực ra đây là một sự tranh chấp trong xã hội giữa UBND tỉnh X với công dân cho rằng, văn bản đó bất hợp hiến. Theo logic pháp lý thông thường, phải có một người thứ ba phân xử người công dân đúng hay UBND X đúng. Người thứ ba phải là người được trang bị thẩm quyền phân xử các tranh chấp trong xã hội, độc lập với cả hai bên, không phải là UBND, không phải là cơ quan hành pháp, mà là Tòa án. Nếu Tòa án cho rằng công dân đó đúng, quyết định cấm bán hang rong sẽ không có hiệu lực. Nếu Tòa án cho rằng UBND X đúng, công dân đó phải kiếm nghề khác để mưu sinh.

Qua vụ việc giả thuyết này, chúng tôi muốn tái khẳng định rằng kiểm tra văn bản là chức năng tự nhiên của Tòa án. Vì vậy, trao chức năng này cho Bộ Tư pháp là không đúng “địa chỉ”. Do đó, cần phải chuyển cho tòa án thực hiện chức năng giám sát văn bản bằng việc chấp nhận cho tòa án quyền phán quyết tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản pháp luật, không kể đó là văn bản cá biệt hay văn bản quy phạm.

Việc bỏ kiểm sát chung của Viện kiểm sát không gây ra tình trạng “cát cứ địa phương” như một số người quan niệm, nếu chúng ta biết giám sát chính quyền địa phương một cách hợp lý bằng tòa án. Trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường, Việt Nam đã và đang phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương, tạo sự năng động cho chính quyền địa phương. Sự giám sát địa phương bằng kiểm sát chung của Viện kiểm sát không thích hợp với điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Điều này có thể làm mất đi sự chủ động, sáng tạo của địa phương. Trong nền kinh tế thị trường, địa phương được hoạt động một cách sáng tạo trên cơ sở pháp luật và phạm vi đã được phân cấp. Nếu địa phương nhận thấy quyền lợi chính đáng của mình bị trung ương vi phạm, địa phương có quyền kiện ra Tòa án. Nếu địa phương vi phạm pháp luật, vi phạm ranh giới đã được phân cấp thì không phải bị xử lý đơn phương từ phía Viện kiểm sát theo cơ chế kiểm sát chung, mà phải được xử lý khách quan và công khai tại Tòa án. Do đó, nếu địa phương ban hành văn bản pháp luật bất hợp hiến, bất hợp pháp, điều này phải được xét xử tại tòa án. Như vậy sẽ dẫn đến hệ quả pháp lý: hoặc là tiếp tục duy trì hiệu lực của văn bản đó; hoặc là tuyên bố văn bản đó không có hiệu lực nếu bất hợp hiến, bất hợp pháp, và các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể bị xâm phạm do văn bản bất hợp hiến, bất hợp pháp, cần phải được khôi phục (8).

4. Chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố

Công việc chính của Viện kiểm sát hiện nay không phải là kiểm sát mà là công tố. Nghị quyết số 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đặt ra vấn đề chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố. Như vậy, Viện kiểm sát sẽ không còn là một hệ thống độc lập với Quốc hội, Chính phủ, Tòa án như hiện nay nữa mà phải chuyển về một trong ba ngành quyền lực kia. Công tố không phải là làm luật, không phải là giám sát tối cao nên không thể nằm trong Quốc hội. Công tố là buộc tội. Tòa án là xét xử. Người buộc tội và người phán xử trong một hệ thống thì công lý sẽ không được bảo đảm. Mô hình Công tố trong Tòa án không phù hợp với yêu cầu bảo đảm công lý và quyền con người. Chỉ còn khả năng công tố sẽ nằm trong ngành hành pháp – Chính phủ. Điều này xuất phát từ một nguyên lý học thuật rằng, công tố chính là một bộ phận của quyền hành pháp.

Trong lý thuyết về hiến pháp, quyền hành pháp được hiểu là quyền hoạch định và điều hành chính sách quốc gia. Định nghĩa này nói lên hai bộ phận cấu thành của quyền hành pháp: hoạch định và điều hành. Ngành hành pháp (Chính phủ) trước tiên có nhiệm vụ hoạch định chính sách, chuyển chính sách đó thành các dự án luật rồi chuyển cho ngành lập pháp (Quốc hội) thông qua. Nếu ngành lập pháp thông qua, ngành hành pháp thực thi bộ phận thứ hai của quyền lực của mình: điều hành chính sách. Thực chất của bộ phận thứ hai này là Chính phủ điều hành việc thực thi các đạo luật trong cuộc sống. Để điều hành, Chính phủ có các công việc phải làm như: tổ chức bộ máy, nhân sự thực thi, chi tiết hóa chính sách (lập quy hướng dẫn thi hành luật), kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách. Chính phủ cũng phải có quá trình kiểm tra giám sát xem pháp luật, chính sách được thực thi như thế nào. Do đó, trong Chính phủ mới có các hoạt động như thanh tra, kiểm toán… Nếu như việc vi phạm pháp luật đến mức hình sự thì các hoạt động kiểm tra, giám sát của Chính phủ là điều tra, truy tố. Cơ quan thi hành pháp luật phải có quyền phát hiện chứng minh và đề nghị xử lý một hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, công tố, tức đề nghị xử lý một hành vi vi phạm pháp luật được coi là tội phạm, thuộc chức năng của cơ quan hành pháp. Công tố đặt trong Chính phủ phù hợp với bản chất của quyền công tố cũng như bản chất của quyền hành pháp. Hành pháp là điều hành pháp luật trong cuộc sống. Thật vô lý nếu người điều hành pháp luật lại không có quyền đề nghị xử lý một người vi phạm pháp luật đến mức tội phạm. Không có quyền truy tố trong tay, ngành hành pháp khó có thể điều hành xã hội một cách trơn tru. Người điều hành pháp luật trong xã hội tất yếu phải có quyền đưa ra tòa một người vi phạm pháp luật (hình sự). Chính vì vậy, đa số các nước trên thế giới bố trí hoạt động công tố nằm trong cơ quan hành pháp: hoặc nằm trong Bộ Tư pháp như ở Mỹ, hoặc là môt Viện Công tố thuộc Chính phủ như một số nước Châu Âu.

Việt Nam nên đi theo mô hình Viện Công tố là một cơ quan có tư cách như một bộ nằm trong Chính phủ. Một truyền thống tổ chức cơ quan công tố độc lập gần 50 năm khó có thể thích hợp với việc chuyển cả một hệ thống đó thành chỉ là một Văn phòng công tố trong Bộ Tư pháp. Mô hình của Châu Âu đem lại những kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam bởi hệ thống pháp luật của Châu Âu có nhiều điểm tương thích với Việt Nam.

Cụ thể, Viện công tố sẽ được tổ chức căn cứ theo cấp xét xử của Tòa án trong tương lai chứ không căn cứ vào đơn vị hành chính như hiện nay. Viện trưởng Viện công tố trung ương được cử ra như cách thức cử ra một Bộ trưởng: do Thủ tướng giới thiệu trong cùng danh sách với các Bộ trưởng để Quốc hội phê chuẩn, sau đó Chủ tịch nước ra quyết định công bố. Các công tố viên của Viện công tố trung ương do Thủ tướng bổ nhiệm theo sự giới thiệu của Viện trưởng; nhân sự của Viện Công tố các cấp dưới trung ương do Viện trưởng Viện Công tố trung ương bổ nhiệm.

Để bảo đảm sự liên tục và sự chỉ đạo của cơ quan công tố đối với cơ quan điều tra, cơ quan điều tra nên được thành lập là một hệ thống dọc nằm trong Cơ quan công tố, đặt dưới sự chỉ đạo của cơ quan công tố. Điều này sẽ tránh được tình trạng, cơ quan điều tra yêu cầu truy tố về Tội “cố ý gây thương tích”; Cơ quan công tố lại nhận thấy có dấu hiệu của Tội “giết người”. Người thiệt thòi trong cuộc mâu thuẫn này không ai khác hơn là người dân bị tình nghi phạm tội. Sự kết nối giữa Cơ quan điều tra và công tố trong cùng một hệ thống sẽ tránh được tình trạnh án tồn đọng, án kéo dài, thời hạn tạm giam quá lâu, ảnh hưởng đến quyền lợi của bị can. Cơ quan thi hành án cũng nên nằm trong Viện công tố. Điều này bảo đảm được tính thống nhất của quá trình điều tra, truy tố và thi hành án.

Nếu chuyển Viện Kiểm sát thành Viện Công tố, Cơ quan điều tra và Cơ quan thi hành án nằm trong Viện Công tố, thì đương nhiên hoạt động điều tra và hoạt động thi hành án chịu sự giám sát của cơ quan công tố. Còn việc giám sát xét xử của cơ quan công tố là không cần thiết. Pháp quyền yêu cầu tòa án phải độc lập xét xử trên cơ sở của pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp. Có người viện dẫn đến nguyên tắc thống nhất quyền lực để yêu cầu Tòa án cũng phải chịu sự giám sát để bảo đảm quyền lực thống nhất. Như đã nói, vấn đề quyền lực nhà nước có thống nhất hay không chủ yếu liên quan đến việc thiết kế mối tương quan giữa Chính phủ và Quốc hội, không liên quan nhiều đến Tòa án. Việc tòa án độc lập xét xử không ảnh hưởng gì đến tính thống nhất của quyền lực bởi tòa án không phải là một định chế chính trị, mà là một định chế tư pháp. Với tư cách là một định chế tư pháp, tòa án giải quyết các tranh chấp phát sinh trong xã hội chứ không đưa ra các chính sách chính trị ảnh hưởng đến sự vận hành vĩ mô của quốc gia. Do đó, sự độc lập xét xử không ảnh hưởng đến tính thống nhất của cấu trúc quyền lực.

Lại có người cho rằng, vì tòa án hoạt động còn nhiều hạn chế, còn vi phạm pháp luật tố tụng, còn án oan, sai nên phải có sự giám sát xét xử từ phía cơ quan công tố. Bản thân Tòa án đã có cơ chế tự kiểm tra: phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Nếu Tòa án vi phạm pháp luật, người giám sát tòa án chính là những người tham gia tố tụng như các luật sư, bị cáo… Họ sẽ yêu cầu xem xét lại vụ án. Tòa án cấp trên cũng có quyền kháng nghị nếu Tòa án cấp dưới xử sai pháp luật. Hơn nữa, nếu Tòa án yếu kém thì phải đổi mới chính bản thân hệ thống tòa án chứ không phải vì vậy mà cần đến một cơ quan bên ngoài Tòa án để giám sát hoạt động xét xử của tòa án. Việc đổi mới chính bản thân hệ thống tòa án có nhiều nội dung, nhưng quan trọng nhất là đổi mới đội ngũ Thẩm phán. Thẩm phán là người giải quyết các tranh chấp trong xã hội nên phải là người vừa am hiểu pháp luật, vừa am hiểu về các tranh chấp trong xã hội và bản thân xã hội. Do đó, Thẩm phán nên được tuyển chọn từ đội ngũ Luật sư thay vì từ đội ngũ thư ký tòa án như hiện nay.

(1) Cụ thể, xem tác phẩm “Nội chiến ở Pháp” của C. Mác in trong Mác và Ăng -ghen, Tuyển tập, tập IV. Nxb. Sự thật, H, 1982, tr. 57-130; tác phẩm “Nhà nước và cách mạng” của Lênin in Trong Lênin, Toàn tập, tập 33, Nxb. Tiến bộ Mat -xcơ-va. 1976.

(2) Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà nội. Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật. Nxb. Đại học quốc gia Hà nội, H, 2001, tr. 354.

(3) Nguyễn Thái Phúc. Một số ý kiến về nghiên cứu chuyển đổi Viện kiểm sát thành Viện công tố trong bối cảnh Cải cách tư pháp ở nước ta. Tài liệu Hội thảo “Viện kiểm sát nhân dân trong tiến trình cải cách tư pháp” do Viện kiểm sát nhân dân tối cao và UNDP, Dự án VIE /02/05 tổ chức, ngày 4-5/9/2008, tr. 17.

(4) Đối tượng kiểm sát chung của Viện Kiểm sát là từ Bộ trở xuống.

(5) Nói chung, tư pháp chỉ giải quyết những sự vụ, không có vai trò hoạch định chính sách, nên không phải là một định chế chính trị. Do đó, vấn đề thống nhất quyền lực không liên quan nhiều đến cơ quan này.

(6) Lênin Toàn tập 33, Nxb. Tiến bộ, Mát -xcơ-va, 1976, tr. 57.

(7) K.C. Wheare. Mordern constitutions. Oxford Uniersity Press, London, 1962.

(8) Sự kiểm sát văn bản của Bộ tư pháp không thể dẫn đến những hậu quả pháp lý này.

Theo tạp chí nghiên cứu lập pháp

Pháp luật Việt Nam với việc đáp ứng các yêu cầu quốc tế về thủ tục tố tụng xét xử đối với người chưa thành niên

Ths. Nguyễn Xuân Tĩnh

Do các nguyên nhân và điều kiện khác nhau, nên nhiều người chưa thành niên (bao gồm trẻ em và người từ 16 đến dưới 18 tuổi) phải tham gia vào các thủ tục tố tụng xét xử của Tòa án với tư cách là bị cáo (người có hành vi phạm tội bị đưa ra xét xử), người bị hại (người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra) hoặc người làm chứng (người biết những tình tiết liên quan đến tội phạm bị đưa ra xét xử). Do đặc điểm người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ, toàn diện về thể lực, trí tuệ, tinh thần; là người đang ở giai đoạn phát triển và hình thành nhân cách và chưa thể có suy nghĩ chín chắn khi quyết định hành vi của mình, nên xét xử với người chưa thành niên cần phải có thủ tục và kỹ năng tố tụng đặc biệt tạo môi trường “xét xử thân thiện” để bảo đảm rằng, sự tiếp xúc với Tòa án luôn luôn có tác dụng tích cực, để người bị hại chưa thành niên được bảo vệ, hỗ trợ để vượt qua hoàn cảnh khó khăn của mình, người làm chứng chưa thành niên thiện chí hơn trong việc trình bày những tình tiết mình biết liên quan đến tội phạm, hỗ trợ cho việc xác định sự thật vụ án, còn người chưa thành niên phạm tội được đối xử một cách công bằng, được tạo cơ hội và hướng dẫn để chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình, và được tạo cơ hội tránh mắc phải sai phạm như vậy trong tương lai để trưởng thành những người có trách nhiệm. Chính vì thế, việc nghiên cứu những yêu cầu, chuẩn mực quốc tế và những quy định của pháp luật hiện hành về thủ tục tố tụng xét xử với người chưa thành niên để hoàn thiện pháp luật về thủ tục tố tụng “đặc biệt” về xét xử với người chưa thành niên là yêu cầu hết sức cần thiết cho việc xây dựng môi trường “xét xử thân thiện” với người chưa thành niên, góp phần thúc đẩy và bảo vệ các quyền của trẻ em và người chưa thành niên.

1. Những yêu cầu cơ bản của quốc tế về thủ tục tố tụng xét xử với người chưa thành niên

Những yêu cầu quốc tế về thủ tục tố tụng với người chưa thành niên (trong đó có thủ tục tố tụng xét xử) cơ bản được thể hiện trong Công ước quyền trẻ em[1] (CƯQT) và các văn kiện quốc tế bổ sung về tư pháp người chưa thành niên, bao gồm: Bản quy tắc về các chuẩn mực tối thiểu của Liên hợp quốc về quản lý tư pháp người chưa thành niên[2] (Quy tắc Bắc Kinh); Hướng dẫn của Liên hợp quốc về phòng ngừa tình trạng phạm tội của người chưa thành niên[3] (Hướng dẫn Riyadh); Bản quy tắc của Liên hợp quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước đoạt tự do[4] (JDLs), Tuyên bố của Liên hợp quốc về các nguyên tắc tư pháp cơ bản đối với người bị hại của tội phạm và lạm dụng quyền lực[5], Hướng dẫn của Liên hợp quốc về hành động đối với trẻ em trong hệ thống tư pháp hình sự[6], Hướng dẫn về tư pháp đối với trẻ em là người bị hại và người làm chứng của tội phạm năm 2003 của Cơ quan quốc tế về quyền trẻ em….

Để bảo vệ và thúc đẩy các quyền của trẻ em và người chưa thành niên khi tham gia vào các thủ tục tố tụng xét xử của Tòa án, CƯQTE và các văn kiện quốc tế bổ sung về tư pháp người chưa thành niên đưa ra một số chuẩn mực và yêu cầu các quốc gia thành viên cần đáp ứng như sau:

1.1. Đối với người chưa thành niên phạm tội

- Yêu cầu các quốc gia thành viên ban hành các đạo luật, thủ tục, thành lập các cơ quan đặc biệt được áp dụng riêng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật, trong đó khuyến nghị các quốc gia thiết lập các Tòa án người chưa thành niên có thẩm quyền xét xử sơ thẩm đối với người chưa thành niên phạm tội, những Tòa án này cần áp dụng thủ tục tố tụng đặc biệt được thiết kế tính đến các nhu cầu riêng biệt của trẻ em.

- Phải bảo đảm cho người chưa thành niên bị buộc tội hoặc bị kết tội là đã vi phạm pháp luật hình sự có quyền được đối xử theo cách thức phù hợp với việc cổ vũ ý thức của trẻ em về phẩm cách và phẩm giá, tăng cường lòng tôn trọng của trẻ em đối với quyền con người và các quyền tự do cơ bản của người khác, cách thức đối xử cũng phải tính đến lứa tuổi của trẻ em và thúc đẩy sự tái hòa nhập của trẻ em trong xã hội.

- Việc bắt, giam, giữ người chưa thành niên trong quá trình tố tụng chỉ sử dụng khi không còn biện pháp nào khác tốt hơn và trong thời gian ngắn nhất, việc bắt, giam, giữ người chưa thành niên phải thực hiện đúng với các quy định của pháp luật.

- Việc giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên cần được giải quyết nhanh chóng, nhất là các vụ có người chưa thành niên bị tạm giam trước khi xét xử thì tòa án phải dành sự ưu tiên tối đa để giải quyết một cách nhanh nhất, nhằm rút ngắn tối đa ở mức có thể về thời hạn tạm giam.

- Trong giai đoạn xét xử cần phải bảo đảm cho người chưa thành niên phạm tội có những quyền cơ bản sau: quyền được thông báo về tội danh bị buộc tội; quyền được suy đoán vô tội cho tới khi được chứng minh là có tội, có quyền đòi hỏi vấn đề có phạm tội hay không, được cơ quan có thẩm quyền độc lập, vô tư xác định không chậm trễ tại một phiên tòa xử công bằng; quyền được nhận sự giúp đỡ về pháp lý hoặc sự giúp đỡ thích hợp khác để chuẩn bị và trình bày ý kiến bào chữa của mình, quyền có chuyên gia pháp lý của mình hiện diện tại tất cả các giai đoạn của quá trình tố tụng; quyền được có cha mẹ hiện diện trong suốt quá trình xét xử, trừ trường hợp điều đó không bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em; quyền được trình bày ý kiến của mình, được nghe trình bày trong bất cứ trình tự nào ảnh hưởng đến mình (các ý kiến của người chưa thành niên phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc và được xem xét thỏa đáng, có chú ý đến độ tuổi và mức độ trưởng thành của người chưa thành niên); quyền được thẩm vấn hoặc nhờ người thẩm vấn những người làm chứng chống lại mình, được tham gia và thẩm vấn người làm chứng có lợi cho mình trong những điều kiện bình đẳng; quyền được sự giúp đỡ không mất tiền của một phiên dịch nếu không hiểu hay không nói được ngôn ngữ được sử dụng; quyền về bảo vệ riêng tư được tôn trọng trong tất cả các giai đoạn tố tụng để tránh những tổn thương có thể gây ra cho các em do sự công khai hoặc bởi việc tống đạt lệnh của Tòa án.

- Về trình tự tố tụng phải đạt những lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên và phải được tiến hành trong bầu không khí hiểu biết, cho phép người chưa thành niên tham gia đầy đủ và tự do phát biểu ý kiến của mình.

- Về thủ tục tố tụng tại tòa án cần phải ít tính hình thức và ít xét hỏi hơn so với thủ tục tố tụng của một tòa án hình sự chuẩn. Các biện pháp cần được áp dụng khi xét xử người chưa thành niên: tiến hành xét xử tại phòng làm việc của Thẩm phán hoặc tại phòng làm việc bình thường chứ không phải phòng xử án chính thức; bố trí các đồ đạc để các bên ngồi ngang bằng nhau xung quanh một cái bàn; tất cả các bên đều mặc quần áo bình thường; cấm sử dụng còng tay hoặc các phương tiện hạn chế khác ở phòng xử án; cho phép người chưa thành niên ngồi cạnh cha mẹ hoặc luật sư của mình; yêu cầu các bên ngồi chứ không đứng khi tiến hành thẩm vấn; cho phép người chưa thành niên ngồi khi các em nói; yêu cầu thẩm phán giải thích quy trình tố tụng cho người chưa thành niên ngay khi bắt đầu xét xử và giải thích đầy đủ về hành vi phạm tội bị cáo buộc bằng ngôn ngữ đơn giản; bảo đảm rằng, tại mọi thời điểm, người chưa thành niên được hỏi, giải thích, đối đáp bằng ngôn ngữ mà người đó hiểu; bảo đảm việc giải thích thường xuyên cho người chưa thành niên trong suốt quá trình xét xử; không cho phép công chúng tham dự khi xét xử.

1.2. Đối với người chưa thành niên là người bị hại và người làm chứng

- Yêu cầu các quốc gia cần tiến hành các biện pháp để bảo đảm rằng người bị hại và người làm chứng trẻ em được tiếp cận công lý một cách thích hợp, được đối xử công bằng, được phục hồi, bồi thường và hỗ trợ xã hội. Tất cả những hoạt động có liên quan đến người bị hại và người làm chứng là trẻ em phải được tiến hành một cách thân thiện, nhạy cảm và trong môi trường phù hợp, tạo điều kiện đáp ứng những nhu cầu đặc biệt của các em, tùy theo khả năng, độ tuổi, nhận thức và khả năng phát triển của các em, việc can thiệp vào đời tư của trẻ em được hạn chế tối đa.

- Việc giải quyết các vụ án liên quan đến người bị hại, người làm chứng là trẻ em cần được tiến hành càng nhanh càng tốt; trừ khi việc chậm trễ là vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

- Phải bảo đảm cho người bị hại và người làm chứng chưa thành niên có những quyền cơ bản: quyền được bày tỏ quan điểm, ý kiến, niềm tin bằng ngôn ngữ riêng của mình; quyền được thông tin về thủ tục tố tụng, các quyền liên quan đến người bị hại, người làm chứng là trẻ em, các cơ chế hỗ trợ hiện có dành cho trẻ em khi tham gia vào quá trình xét xử, thời gian và địa điểm cụ thể mở phiên tòa, các cơ chế hiện có để xem xét lại quyết định có ảnh hưởng đến người bị hại, người làm chứng là trẻ em; quyền được hỗ trợ để thúc đẩy sự phục hồi về cả thể chất lẫn tinh thần và sự tái hòa nhập xã hội, bao gồm được tiếp cận và hỗ trợ từ các dịch vụ bảo vệ pháp lý, bảo vệ an toàn, tham vấn; quyền được bảo vệ an toàn, bao gồm bảo đảm an toàn cho người bị hại cũng như gia đình họ và người làm chứng khỏi bị đe dọa và trả thù; quyền được khắc phục thiệt hại và bồi thường tổn thất, bao gồm cả việc trả lại tài sản hoặc bồi thường thiệt hại hay tổn thất mà người bị hại đã phải gánh chịu, thanh toán chi phí phát sinh do việc bị xâm hại, và cung cấp các dịch vụ cũng như khôi phục quyền lợi; quyền được bảo vệ riêng tư, trong đó những thông tin liên quan đến sự tham gia của trẻ em vào quá trình tố tụng cần được bảo vệ để tránh việc bị đe dọa, trả thù và ảnh hưởng đến sự phục hồi, tái hòa nhập của các em.

- Yêu cầu các nhà chuyên môn cần tiến hành mọi nỗ lực để cho phép trẻ em là người bị hại và người làm chứng bày tỏ quan điểm và quan ngại của mình liên quan đến việc tham gia vào quá trình tố tụng; bằng cách: bảo đảm rằng trẻ em là người bị hại và người làm chứng trong mọi trường hợp sẽ được tư vấn; bảo đảm cho trẻ em là người bị hại và người làm chứng có thể tự do bày tỏ quan điểm theo cách riêng của mình về việc tham gia vào quá trình tố tụng, những mối quan ngại của các em về sự an toàn liên quan đến bị can, cách thức khai báo mà các em muốn và cảm xúc của các em về kết quả của quá trình tố tụng; coi trọng đầy đủ các quan điểm và quan ngại của trẻ em, nếu không thể xem xét các quan điểm, quan ngại đó thì phải giải thích lý do cho trẻ; trẻ em là người bị hại, cha mẹ hoặc người giám hộ, người đại diện hợp pháp của trẻ em cần được thông báo nhanh, kịp thời trong chừng mực có thể và thích hợp về tiến trình và kết quả vụ án, các cơ hội để đòi bồi thường từ kẻ phạm tội hoặc từ Nhà nước thông qua các thủ tục tố tụng khác.

- Bảo đảm môi trường tòa án sao cho sự tương tác giữa trẻ em và hệ thống tư pháp cần được tiến hành theo cách thức nhạy cảm với trẻ em, trong một môi trường phù hợp với nhu cầu đặc biệt của trẻ em, với khả năng độ tuổi, mức độ trưởng thành và năng lực tham gia của các em. Hiện nay, Tòa án ở nhiều quốc gia trên thế giới đã bố trí phòng xử án nơi trẻ em phải cung cấp lời khai theo những cách sau: bố trí khu chờ riêng biệt tại tòa án để trẻ em và gia đình các em có thể ngồi đợi, cách ly với bị cáo và những người ở phía bị cáo; giảm thiểu thời gian trẻ em phải đợi chờ tại tòa án; tiến hành xét xử trong văn phòng của thẩm phán hoặc một phòng làm việc bình thường chứ không phải phòng xử án chính thức; bố trí các đồ đạc để các bên ngồi ngang bằng nhau xung quanh một cái bàn, trẻ em được ngồi cách xa bị cáo; tất cả các bên đều mặc quần áo bình thường; trước khi bắt đầu thủ tục, thẩm phán tự giới thiệu mình với trẻ và cho phép em được quan sát phòng xử án; cho phép người chưa thành niên ngồi cạnh cha mẹ hoặc luật sư của mình; yêu cầu các bên ngồi chứ không đứng khi tiến hành thẩm vấn; cho phép người chưa thành niên ngồi khi các em nói; không cho phép công chúng vào phòng xử án khi trẻ em đang cung cấp lời khai.

Ngoài các yêu cầu trên, các văn kiện này còn yêu cầu các quốc gia phải đào tạo và chuyên môn hóa những người làm công tác xét xử, người được giao nhiệm vụ làm việc với người chưa thành niên trong quá trình tố tụng.

2. Pháp luật Việt Nam về thủ tục tố tụng xét xử đối với người chưa thành niên và việc đáp ứng các yêu cầu quốc tế

Các thủ tục tố tụng xét xử đối với người chưa thành niên ở Việt Nam cơ bản được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) và một số văn bản pháp luật khác. Nghiên cứu các quy định của pháp luật tố tụng cho thấy:

- Ở Việt Nam, thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên (trong đó có xét xử) về cơ bản được quy định chung trong BLTTHS. So với yêu cầu quốc tế thì chúng ta chưa có văn bản pháp luật riêng về thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên, nhưng trong BLTTHS ngoài những quy định chung (áp dụng cho cả người chưa thành niên) thì đã có một chương (Chương XXXII từ Điều 301 đến Điều 310) quy định thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên. Tuy nhiên, thủ tục tố tụng tại chương này chỉ áp dụng đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên, chưa có quy định thủ tục tố tụng áp dụng với người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên.

- Về thẩm quyền xét xử với người chưa thành niên: Theo quy định tại Điều 170 BLTTHS thì tất cả các Tòa án cấp huyện và Tòa án cấp tỉnh đều có thẩm quyền xét xử sơ thẩm với người chưa thành niên (kể cả người chưa thành niên là bị cáo, người bị hại và người làm chứng), chưa quy định có Tòa án chuyên biệt xét xử đối với người chưa thành niên. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 302 và Điều 307 BLTTHS thì thẩm phán xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội phải là người có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm của người chưa thành niên và khi xét xử sơ thẩm bị cáo là người chưa thành niên, hội đồng xét xử phải có một hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Như vậy, so với yêu cầu, khuyến nghị quốc tế thì Việt Nam chưa có Tòa án chuyên biệt xét xử với người chưa thành niên phạm tội, nhưng thủ tục tố tụng đã bắt buộc phải có hội đồng xét xử “đặc biệt” (có thẩm phán và một hội thẩm (đối với xét xử sơ thẩm) là người có những hiểu biết cần thiết về tâm lý, giáo dục… người chưa thành niên) để xét xử đối với bị cáo là người chưa thành niên.

- Về việc bắt, giam, giữ người chưa thành niên phạm tội: Theo quy định của BLTTHS thì ở giai đoạn xét xử người chưa thành niên phạm tội có thể bị Tòa án áp dụng biện pháp ngăn chặn là bắt, tạm giam (bắt để tạm giam hoặc tiếp tục tạm giam). Tuy nhiên, Điều 303 BLTTHS đã hạn chế việc bắt, tạm giam đối với đối tượng này (theo đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ có thể bị bắt, tạm giam trong những trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chỉ có thể bị bắt, tạm giam trong những trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng).

- Về thời hạn xét xử: Theo Điều 176 BLTTHS thì thời hạn xét xử phụ thuộc vào tính nghiêm trọng của tội phạm. Đối với tội ít nghiêm trọng thì thời hạn xét xử là không quá 45 ngày, tội nghiêm trọng thì không quá 60 ngày, tội rất nghiêm trọng thì không quá 2 tháng 15 ngày, tội đặc biệt nghiêm trọng thì không quá 3 tháng 15 ngày (thời hạn trên có thể được gia hạn), không có quy định “đặc biệt” nào về thời hạn xét xử đối với vụ án có bị cáo là người chưa thành niên.

- Về quyền của bị cáo chưa thành niên: Theo quy định tại Điều 50 BLTTHS thì bị cáo (không phân biệt là người thành niên hay người chưa thành niên) có những quyền sau: a) Được nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; quyết định đình chỉ vụ án; bản án, quyết định của Tòa án; các quyết định tố tụng khác; b) Tham gia phiên tòa; c) Được giải thích quyền và nghĩa vụ; d) Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch; đ) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu; e) Tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa; g) Trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên tòa; h) Nói lời sau cùng trước khi nghị án; i) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án; k) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng.

Ngoài ra, theo Điều 305 BLTTHS thì đại diện hợp pháp của bị cáo chưa thành niên có thể lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho bị cáo. Trong trường hợp bị cáo là người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ không lựa chọn được người bào chữa thì Tòa án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của mặt trận cử người bào chữa cho thành viên tổ chức mình.

Theo Điều 306 BLTTHS thì đại diện gia đình bị cáo là người chưa thành niên, thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, tổ chức khác nơi bị cáo học tập, lao động và sinh sống có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng theo quyết định của Tòa án; tại phiên tòa xét xử bị cáo là người chưa thành niên phải có mặt của đại diện gia đình bị cáo, trừ trường hợp đại diện gia đình cố ý vắng mặt…; đại diện của gia đình bị cáo, đại diện của nhà trường, tổ chức tham gia phiên tòa có quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu và đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, tham gia tranh luận, khiếu nại các hành vi tố tụng của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và quyết định của Tòa án.

Như vậy, việc quy định các quyền của bị cáo là người chưa thành niên và trách nhiệm của gia đình, tổ chức… với bị cáo là người chưa thành niên trong BLTTHS là tương đối đầy đủ so với những chuẩn mực, yêu cầu của quốc tế. Tuy nhiên, theo Điều 301 BLTTHS và hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02/10/2004 của Tòa án nhân dân tối cao thì nhưng quy định trên chỉ áp dụng đối với bị cáo là người chưa thành niên (ở thời điểm xét xử), còn trường hợp người chưa thành niên phạm tội nhưng khi xét xử đã đủ 18 tuổi thì họ không thuộc trường hợp được áp dụng các quy định này.

- Về thủ tục phiên tòa xét xử với người chưa thành niên (bị cáo, người bị hại và người làm chứng) hiện nay về cơ bản như xét xử với người thành niên, chưa có quy định về thủ tục phiên tòa cũng như phòng xét xử riêng đối với người chưa thành niên. Khi hội đồng xét xử vào phòng xử án, thì mọi người phải đứng dậy, những người được tòa án triệu tập để xét hỏi được trình bày ý kiến nhưng muốn trình bày phải được chủ tọa phiên tòa cho phép, người trình bày ý kiến phải đứng khi được hỏi (trừ trường hợp vì lý do sức khỏe được chủ tọa phiên tòa cho phép ngồi để trình bày). Tại phiên tòa, bị cáo, người bị hại, người làm chứng được giải thích quyền và nghĩa vụ của mình; chỉ có thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát viên và người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi cho đương sự có quyền hỏi, những người tham gia phiên tòa chỉ có quyền đề nghị với chủ tọa phiên tòa hỏi thêm những tình tiết cần làm sáng tỏ[7].

- Về quyền của người bị hại chưa thành niên: Theo quy định tại Điều 51 BLTTHS thì người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền: đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu; đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch; tham gia phiên tòa, trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại thì người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ được trình bày lời buộc tội); đề nghị mức bồi thường và các biện pháp đảm bảo bồi thường; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng, kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về phần bồi thường cũng như về hình phạt đối với bị cáo. BLTTHS chưa có quy định riêng nào về quyền cho người bị hại là người chưa thành niên.

- Về quyền của người làm chứng chưa thành niên: Theo quy định tại Điều 55 BLTTHS thì người làm chứng (không phân biệt là người thành niên hay người chưa thành niên) có quyền: yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng; được thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác. Đối với người làm chứng là người chưa thành niên thì chủ tọa phiên tòa có thể yêu cầu cha, mẹ, người đỡ đầu hoặc thầy giáo, cô giáo giúp đỡ để hỏi.

- Về yêu cầu bảo vệ riêng tư đối với bị cáo, người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên: Theo Điều 18 BLTTHS thì việc xét xử của Tòa án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự. Tòa án chỉ xử kín trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ, nhưng vẫn phải tuyên án công khai. Điều 307 BLTTHS về xét xử với bị cáo chưa thành niên quy định: trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể quyết định xét xử kín. Như vậy, việc xét xử của Tòa án cơ bản là công khai, người chưa thành niên chỉ có thể được xét xử kín khi được Tòa án chấp thuận, nhưng hiện nay cũng chưa có hướng dẫn cụ thể nào về xét xử kín theo yêu cầu giữ bí mật của đương sự hoặc “trường hợp cần thiết” để xét xử kín đối với bị cáo chưa thành niên, nên quy định này ít khả thi.

Theo Luật Báo chí và Nghị định số 51/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí thì báo chí không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà có chú thích không rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó, ngoại trừ ảnh và thông tin các cuộc xét xử công khai của tòa án. Như vậy, theo quy định này thì danh tính của người chưa thành niên trong các phiên tòa xét xử công khai có thể bị đăng lên báo chí.

Theo quyết định số 01/2004/QĐ-TTg ngày 5/1/2004 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 30/2004/QĐ-BCA (A11) ngày 8/1/2004 của Bộ trưởng Bộ Công an thì hồ sơ vụ án nói chung (trừ những vụ án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia) không nằm trong danh mục các tài liệu mật hoặc tối mật. Như vậy, hồ sơ vụ án liên quan đến người chưa thành niên (trừ những vụ án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia) không được bảo vệ như tài liệu mật và có thể bị tiết lộ ra ngoài.

So với yêu cầu quốc tế thì những quy định của pháp luật liên quan đến việc bảo vệ riêng tư đối với bị cáo, người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên hiện nay chưa được đảm bảo đầy đủ.

- Về đào tạo và chuyên môn hóa: Theo quy định tại khoản 1 Điều 302 BLTTHS thì thẩm phán xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội phải có những hiểu biết cần thiết về tâm lý, khoa học giáo dục cũng như hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm của người chưa thành niên, nhưng hiện nay chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, yêu cầu đào tạo đối với thẩm phán được giao nhiệm vụ xét xử bị cáo chưa thành niên.

3. Một số kiến nghị

Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc hoàn thiện pháp luật tố tụng tư pháp với người chưa thành niên, trong đó có thủ tục tố tụng xét xử với người chưa thành niên. Tuy nhiên, để tạo môi trường xét xử thân thiện, đáp ứng những yêu cầu bảo vệ và thúc đẩy các quyền của trẻ em và người chưa thành niên theo chuẩn mực quốc tế đã đưa ra thì những quy định về thủ tục tố tụng xét xử với người chưa thành niên hiện nay nhìn chung còn thiếu rõ ràng và chưa đầy đủ như đã phân tích ở trên. Để khắc phục những hạn chế trên, chúng tôi đưa ra một số kiến nghị sau:

- Trước mắt, cần xây dựng một thông tư liên tịch hướng dẫn về thủ tục tố tụng hình sự liên quan đến người chưa thành niên (bao gồm cả bị cáo, người bị hại và người làm chứng), trong đó thủ tục tố tụng xét xử cần theo hướng: bổ nhiệm hội đồng xét xử chuyên biệt để xét xử những vụ án có bị cáo là người chưa thành niên (những người tham gia xét xử phải có kiến thức về tâm lý, giáo dục… người chưa thành niên), cần quy định tiêu chuẩn cụ thể; yêu cầu thẩm phán được giao nhiệm vụ xét xử áp dụng rộng rãi Điều 18 BLTTHS để xét xử kín đối với những vụ án có bị cáo, người bị hại là người chưa thành niên (tuyệt đối không xét xử lưu động đối với những vụ án có bị cáo, người bị hại là người chưa thành niên). Khi xét xử người chưa thành niên phạm tội cần tiến hành tách biệt với việc xét xử bị cáo đã thành niên (kể cả trường hợp những vụ án có người chưa thành niên phạm tội đồng phạm với người đã thành niên); yêu cầu thẩm phán được giao nhiệm vụ xét xử, ưu tiên giải quyết nhanh chóng các vụ án có bị cáo, người bị hại là người chưa thành niên (nhất là những vụ án có bị cáo là người chưa thành niên đang bị tạm giam); xây dựng môi trường xét xử thân thiện với vụ án có bị cáo, người bị hại, người làm chứng chưa thành niên như: không xét xử ở những phòng xử quá lớn; khi hỏi bị cáo, người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên cần đặt câu hỏi đơn giản, dễ hiểu, đi thẳng vào vấn đề, cần giải thích thường xuyên cho người chưa thành niên và gia đình các em; không sử dụng còng tay đối với bị cáo là người chưa thành niên khi xét xử; cho phép luật sư, đại diện gia đình người chưa thành niên ngồi cạnh khi các em khai báo; hạn chế việc người bị hại, người làm chứng chưa thành niên phải đối diện với bị cáo khi xét xử; Tòa án cần tạo điều kiện cho người chưa thành niên có cơ hội giải thích hành động và bày tỏ quan điểm của mình về vụ án (không chỉ đơn thuần là trả lời câu hỏi), quan điểm của người chưa thành niên cần được quan tâm đúng mức trong quá trình ra phán quyết.

- Tiến tới, cần sửa đổi và bổ sung BLTTHS theo hướng:

+ Quy định hội đồng xét xử chuyên biệt để xét xử những vụ án có bị cáo là người chưa thành niên (những người tham gia xét xử phải có kiến thức về tâm lý, giáo dục… người chưa thành niên).

+ Bổ sung một chương mới về thủ tục đặc biệt áp dụng cho người bị hại, người làm chứng chưa thành niên tham gia quá trình tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử), trong đó cần quy định: khi trẻ em phải tham gia vào quá trình tố tụng với tư cách là người bị hại, người làm chứng thì lợi ích tối cao của các em phải được quan tâm xem xét trước nhất trong quá trình ra quyết định; giảm bớt thời gian đối với tất cả các bước trong quá trình tố tụng khi vụ án có người bị hại chưa thành niên; quy định thủ tục tố tụng theo hướng thân thiện với trẻ em, bao gồm danh sách các “biện pháp đặc biệt” được áp dụng để hỗ trợ sự tham gia của trẻ em vào quá trình tố tụng; cho phép các nhân viên hoạt động xã hội, đại diện cơ quan bảo vệ trẻ em hoặc tổ chức quần chúng tham gia vào quá trình tố tụng những vụ án có người làm chứng, người bị hại chưa thành niên; quy định vai trò trách nhiệm của cá nhân, gia đình và các cơ quan hỗ trợ người bị hại, người làm chứng chưa thành niên trong công tác tư vấn, phục hồi và tái hòa nhập.

+ Quy định việc xét xử kín đối với những vụ án có bị cáo, người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên; quy định quy trình tố tụng phải đảm bảo bí mật cá nhân và ngăn chặn làm lộ thông tin các vụ án có bị cáo, người bị hại, người làm chứng chưa thành niên.

+ Sửa đổi, bổ sung thủ tục tố tụng đặc biệt với người chưa thành niên phạm tội (trong đó có xét xử) theo hướng cần quy định: khi trẻ em liên quan đến quá trình tố tụng thì tất cả các quá trình ra quyết định đều phải tính đến và coi trọng quyền lợi tối cao của trẻ; thủ tục tố tụng đặc biệt được áp dụng với tất cả trường hợp bị can, bị cáo ở độ tuổi dưới 18 tính tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội chứ không phải tại thời điểm điều tra, truy tố, xét xử; quy định thời hạn tố tụng (trong đó có xét xử) trong vụ án có người chưa thành niên phạm tội ngắn hơn so với thủ tục bình thường; quy định cụ thể việc áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam với bị can, bị cáo chưa thành niên; cho phép các nhân viên hoạt động xã hội, đại diện cơ quan bảo vệ trẻ em hoặc tổ chức quần chúng tham gia vào quá trình tố tụng để hỗ trợ cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên; quy định thủ tục tố xét xử bị cáo là người chưa thành niên theo hướng thân thiện như đã nêu ở trên; quy định việc xét xử người chưa thành niên cần tiến hành tách biệt với việc xét xử bị cáo đã thành niên (kể cả trường hợp những vụ án có người chưa thành niên phạm tội đồng phạm với người đã thành niên).

[1] Việt Nam phê chuẩn năm 1991

[2] Được thông qua theo Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ ngày 29/11/1985

[3] Được thông qua theo Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ ngày 14 /12/1990

[4] Được thông qua theo Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ ngày 14 /12/1990

[5] Được Đại hội đồng LHQ thông qua trong Nghị quyết 40/34  ngày 29 /11/1985

[6] Hội đồng kinh tế và xã hội của LHQ, Nghị quyết 1997/30 ngày 31/7/1997

[7] Xem §iÒu 197, 201, 207 BLTTHS

Một số ý kiến về thành lập toà án cho người chưa thành niên ở Việt Nam

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch

Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” đề ra nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của hệ thống toà án. Một trong những vấn đề liên quan đến hoàn thiện tổ chức và hoạt động của hệ thống toà án ở nước ta hiện nay, theo chúng tôi là cần khẩn trương nghiên cứu thành lập toà án cho người chưa thành niên (NCTN).

Trong bài viết này, chúng tôi xin nêu một số ý kiến về sự cần thiết phải thành lập toà án cho NCTN, về các mô hình toà án cho NCTN trên thế giới và một số kiến nghị về vấn đề này ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

I. Sự cần thiết thành lập toà án cho người chưa thành niên tại Việt Nam

Trước hết, cần khẳng định rằng quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ trẻ em là quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Vì vậy, quan tâm giáo dục, bảo vệ trẻ em nói chung, người chưa thành niên nói riêng là một hệ thống chính sách nhất quán của Việt Nam. Ngày 20/11/1989, Việt Nam đã cùng với 193 nước và vùng lãnh thổ tham gia ký kết Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em (gọi tắt là Công ước về quyền trẻ em). Việt Nam cũng là nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước này ngay từ ngày 20/02/1990. Tham gia các điều ước quốc tế về quyền con người nói chung, quyền trẻ em nói riêng, Việt Nam ý thức sâu sắc đó là sự cam kết chính trị – pháp lý của Nhà nước ta trong sự nghiệp bảo vệ quyền con người, quyền trẻ em trước cộng đồng thế giới. Công ước về quyền trẻ em đòi hỏi các quốc gia thành viên phải có luật pháp, thủ tục, các cơ quan và cơ sở đặc biệt để giải quyết vấn đề NCTN (1) vi phạm pháp luật. Những quy định pháp luật và thủ tục đặc biệt này phải đảm bảo rằng mọi NCTN vi phạm pháp luật được đối xử phù hợp với phẩm giá của họ, củng cố thái độ tôn trọng của các em đối với quyền con người và quyền tự do cơ bản của người khác, cân nhắc đến độ tuổi và nguyện vọng của NCTN cũng như mong muốn được sớm phục hồi và tái hoà nhập cộng đồng.

Theo quy định, các quốc gia đã phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em phải báo cáo trước Uỷ ban về quyền trẻ em của Liên hiệp quốc theo định kỳ về việc thực hiện Công ước và tình trạng quyền trẻ em ở quốc gia đó. Trong các lần đối thoại với Chính phủ Việt Nam qua các báo cáo thực hiện Công ước, Uỷ ban Quyền trẻ em của Liên hiệp quốc đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị về việc cải thiện hệ thống tư pháp cho NCTN, trong đó có khuyến nghị về sự cần thiết “thành lập toà án cho NCTN” (2).

Vì vậy, thành lập toà án NCTN ở nước ta chính là một trong những biện pháp tổ chức – pháp lý đặc biệt góp phần hoàn thiện hệ thống tư pháp cho NCTN và cũng là sự khẳng định mạnh mẽ cam kết chính trị – pháp lý của Nhà nước ta trong việc thực hiện Công ước về quyền trẻ em.

Thứ hai, do các nguyên nhân và điều kiện khác nhau, nên nhiều NCTN phải tham gia vào các thủ tục tố tụng xét xử của toà án với tư cách là bị cáo, người bị hại hoặc người làm chứng v.v. Xuất phát từ đặc điểm NCTN là người chưa phát triển đầy đủ, toàn diện về thể lực, trí tuệ, tinh thần; là người đang ở giai đoạn phát triển và hình thành nhân cách và chưa thể có suy nghĩ chín chắn khi quyết định hành vi của mình, nên Nhà nước ta đã có chính sách hình sự và tố tụng hình sự “đặc biệt” áp dụng đối với NCTN phạm tội. Bộ luật hình sự năm 1999 (BLHS) đã dành một chương riêng (Chương X, từ Điều 68 đến Điều 77) để quy định đối với NCTN phạm tội, trong đó quy định nguyên tắc xử lý đối với NCTN phạm tội, các biện pháp tư pháp và các hình phạt áp dụng đối với họ chủ yếu là nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (BLTTHS) cũng xác định thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là loại “Thủ tục đặc biệt” và quy định thành chương riêng (Chương XXXII từ Điều 301 đến Điều 310), trong đó đòi hỏi: “Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán tiến hành tố tụng đối với NCTN phạm tội phải là người có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm của người chưa thành niên” (khoản 1 Điều 302 BLTTHS). Nhưng hạn chế của “thủ tục đặc biệt” này là: Một mặt, thủ tục tố tụng quy định tại Chương XXXII của BLTTHS mới chỉ áp dụng đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là NCTN, mà chưa có quy định thủ tục tố tụng áp dụng với người bị hại, người làm chứng là NCTN; Mặt khác, do chưa tổ chức toà án chuyên biệt cho NCTN, nên ở nước ta trong thực tế Thẩm phán được phân công xét xử NCTN phạm tội không có những khác biệt cần thiết so với những người thành niên phạm tội. Vì cho đến nay do chưa có quy định cụ thể nào về tiêu chuẩn, yêu cầu đào tạo bắt buộc đối với thẩm phán được giao nhiệm vụ chuyên xét xử bị cáo chưa thành niên nên thẩm phán – chủ toạ phiên toà cấp sơ thẩm, các thẩm phán của Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm là những người vừa xét xử các vụ án do người thành niên phạm tội là chủ yếu, vừa xét xử các vụ án do NCTN phạm tội, cho nên không phải họ đều là những người “có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm của NCTN” như khoản 1 Điều 302 BLTTHS hiện hành quy định.

Thứ ba, cũng do chưa có toà án cho NCTN và văn bản pháp luật tố tụng riêng tương ứng cho loại Toà án chuyên biệt này nên ở nước ta chưa có những quy định pháp luật cụ thể bảo đảm môi trường toà án và các thủ tục phiên toà, cũng như cách trang trí, các vật dụng bố trí tại phòng xử án đối với NCTN … phải khác biệt đối với người thành niên, mà cơ bản là giống nhau. Khác với Toà án vị thành niên ở nhiều nước trên thế giới, toà án nước ta không bố trí khu chờ riêng biệt để NCTN và gia đình các em có thể ngồi đợi, cách ly với những bị cáo là người thành niên; việc xét xử được tiến hành ở phòng xử án chính thức dành chung cho cả người thành niên và NCTN, chứ không phải được tiến hành xét xử trong văn phòng của thẩm phán hoặc một phòng làm việc bình thường của toà án như ở nhiều nước. Thủ tục phiên toà xét xử đối với NCTN (bị cáo, người bị hại và người làm chứng) hiện nay về cơ bản như xét xử với người thành niên: Khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án, thì mọi người phải đứng dậy, khi trình bày ý kiến phải đứng trả lời, bị cáo là NCTN cũng giống như người thành niên đều phải đứng trước “vành móng ngựa” để trả lời, không được ngồi cạnh cha mẹ hoặc luật sư của mình v.v… Tuy Điều 307 BLTTHS quy định: “Trong trường hợp cần thiết, toà án có thể quyết định xét xử kín”, nhưng cho đến nay cũng chưa có hướng dẫn cụ thể nào về xét xử kín theo yêu cầu giữ bí mật của đương sự hoặc những trường hợp cụ thể nào được coi là “trường hợp cần thiết” để xét xử kín đối với bị cáo chưa thành niên. Thực tế xét xử của toà án ở nước ta phổ biến là công khai, công chúng và phóng viên báo chí được tự do vào dự, viết bài, đưa tin nói rõ danh tính của bị cáo là NCTN, kể cả những vụ án hiếp dâm mà bị cáo và người bị hại đều là NCTN. Các toà án còn tổ chức các phiên toà xét xử lưu động các vụ án mà bị cáo là NCTN phạm tội với mục đích giáo dục, phòng ngừa chung v.v… Vì vậy, để giải quyết những vấn đề nói trên cần thành lập toà án cho người chưa thành niên và ban hành văn bản pháp luật về thủ tục tố tụng đặc biệt riêng tương ứng để áp dụng cho không chỉ bị cáo như BLTTHS hiện hành quy định mà còn cho cả người bị hại, người làm chứng là NCTN tham gia tố tụng.

Thứ tư, trong những năm gần đây, ở nước ta tội phạm do người NCTN thực hiện ngày một gia tăng về số lượng, đa dạng về loại tội, nghiêm trọng về tính chất và mức độ nguy hiểm của nó. Năm 2007, toàn quốc có 10.361 vụ, gồm 15.589 em. Sáu tháng đầu năm 2008 đã xảy ra 5.746 vụ, với 9.000 em (tăng 2% số vụ). Số vụ án do NCTN gây ra chiếm khoảng 20% tổng số vụ vi phạm hình sự, là một con số rất lớn, trong đó tội trộm cắp tài sản chiếm 38%; cố ý gây thương tích chiếm 11% và đặc biệt là giết người chiếm 1,4%. Và điều đáng lo ngại nhất là về độ tuổi của NCTN phạm tội cũng ngày một được “trẻ hoá”. Lứa tuổi thực hiện hành vi tội phạm cao nhất từ 16 đến dưới 18 tuổi chiếm khoảng 60%; từ 14 đến dưới 16 tuổi là 32% và dưới 14 tuổi là 8%. Số người chưa thành niên phạm tội bị đưa ra xét xử năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu năm 2001 chỉ là 385 NCTN thì năm 2005 đã lên đến 652 người, tăng 169,3%. (3)

Những năm qua ở nước ta đã có những công trình nghiên cứu, những hội thảo khoa học về tình hình NCTN phạm tội, nguyên nhân phạm tội, động cơ, mục đích phạm tội, các biện pháp phòng ngừa và xử lý đối với NCTN phạm tội v.v… cũng đã chỉ ra rằng một trong những hạn chế của hệ thống tư pháp đối với NCTN của nước ta là chưa có toà án chuyên biệt dành cho NCTN. (4) Cũng do chưa có toà án cho NCTN nên NCTN là bị cáo, người bị hại hay là người làm chứng đều phải phải “đối diện pháp đình” và thủ tục tố tụng dành cho người lớn. Độ tuổi, sự nhận thức, điều kiện sống, hoàn cảnh phạm tội… tất cả chỉ là những tình tiết dừng lại ở mức độ “xem xét” khi hội đồng xét xử quyết định bản án. Vì vậy, theo chúng tôi, khi xét xử những vụ án có liên quan đến NCTN, dù họ tham gia với tư cách bị cáo hay người bị hại, người làm chứng, cũng rất cần có toà án dành riêng cho họ và “thủ tục tố tụng đặc biệt” tương ứng với những thẩm phán, luật sư, công tố viên, nhà xã hội học chuyên về nhóm đối tượng xã hội đặc thù này. Có như vậy, quyền lợi của trẻ em mới được đảm bảo một cách đầy đủ, đúng đắn nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Tóm lại, những năm vừa qua, Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật tư pháp đối với NCTN, trong đó có thủ tục tố tụng xét xử đối với NCTN. Tuy nhiên, để tạo môi trường xét xử thân thiện, đáp ứng những yêu cầu bảo vệ và thúc đẩy các quyền của trẻ em và NCTN theo chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là diễn biến tình hình tội phạm NCTN, việc thành lập toà án chuyên biệt cho NCTN và ban hành văn bản pháp luật tố tụng đặc biệt riêng tương ứng cho toà án này ở nước ta hiện nay là điều hết sức cần thiết.

II. Các mô hình Toà án cho NCTN trên thế giới

Xây dựng toà án cho NCTN là một xu hướng khá phổ biến và đã được thành lập gắn liền với việc ban hành một đạo luật riêng về tư pháp NCTN ở nhiều nước trên thế giới từ nhiều năm nay. Như ở Mỹ (năm 1899), Ca-na-đa (năm 1908), Philippine (năm 2006), Ấn Độ (Luật về tư pháp NCTN năm 1986, được thay thế năm 2000 và sửa đổi năm 2006), Thái Lan (năm 1951),  Newzeland (năm 1989), Nhật Bản (năm 1949)(5), Scốt-len (năm 1971), Cộng hoà Séc (2004) v.v…

Xuất phát từ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước khác nhau, cách tiếp cận khác nhau, nên mô hình toà án cho NCTN ở mỗi nước là khác nhau. Nhưng nhìn chung có ba hướng tiếp cận chính trong việc xây dựng các hệ thống toà án cho NCTN dựa trên những lý luận khác nhau về bản chất của thời kỳ niên thiếu, về vai trò của Nhà nước trong các vấn đề về gia đình và về các nhu cầu của xã hội. Tương ứng với ba hướng tiếp cận này, có ba mô hình toà án cho NCTN như sau:

a) Mô hình toà án cho NCTN có nguy cơ cao (Mô hình An sinh phúc lợi)

Mô hình hệ thống tư pháp riêng cho NCTN được xây dựng lần đầu tiên tại Cook Country, bang IIIinois (Mỹ) vào năm 1899. Mô hình toà án cho NCTN mới mẻ này được trao quyền tài phán đối với ba nhóm NCTN: NCTN bị cáo buộc phạm tội; NCTN bị xâm hại, xao nhãng hoặc bị bóc lột; và NCTN không còn sự chăm sóc của cha mẹ đã mất, bị khuyết tật hoặc vì các lý do khác (6). Lý do để đưa tất cả những đối tượng NCTN này vào phạm vi tài phán của một hệ thống toà án chuyên biệt dựa trên quan điểm nhìn nhận tất cả những NCTN đó là những đối tượng có nguy cơ cao, dễ bị tổn hại do độ tuổi và hoàn cảnh của các em. Do đó, cần phải có sự can thiệp của Nhà nước để bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và hướng dẫn các em.

Mặc dù như định nghĩa ban đầu thì quyền tài phán của mô hình toà NCTN này bao gồm ba nhóm thanh thiếu niên có nguy cơ cao như kể trên, nhưng thực tế cho tới những năm 1970, hầu hết các vụ án mà toà NCTN xử lý là những vụ việc NCTN bị cáo buộc có những hành vi sai trái, cả hành vi phạm tội lẫn những hành vi không mang tính chất tội phạm, như bỏ nhà hoặc trốn học (7). Hướng tiếp cận này trong việc xử lý những hành vi vi phạm của thanh thiếu niên thường được gọi là mô hình “phục hồi” hay mô hình “an sinh phúc lợi”. Mô hình này tập trung chủ yếu vào việc “chẩn đoán” và “điều trị” cho thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Các phiên toà luôn được xét xử kín để bảo vệ thông tin nhận diện của trẻ em và cho phép những trẻ em này khi trưởng thành có một “lý lịch sạch”.

Toà án NCTN hoạt động mang tính không chính thức hơn so với toà án dành cho người đã trưởng thành rất nhiều, trong đó thẩm phán đóng vai trò của một “vị phụ huynh nghiêm khắc” hơn là vai trò người bảo vệ quyền năng tố tụng. Ban đầu mô hình toà án này phát huy tác dụng rất lớn và được nhiều nước áp dụng. Nhưng do xu hướng trẻ em phạm tội ngày càng gia tăng nên nhiều nước đã chuyển sang mô hình thứ hai, tức mô hình “trừng phạt”.

b. Mô hình Tư pháp người chưa thành niên (Mô hình trừng phạt)

Vào đầu những năm 1970 của thế kỷ trước, một số nước phương Tây bắt đầu chuyển dần từ mô hình “An sinh phúc lợi” sang thay thế bằng những hướng tiếp cận mang tính trừng phạt đối với tội phạm do NCTN thực hiện, tức là giảm sự tập trung vào nhu cầu của NCTN và tăng tập trung vào bản chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Lý do dẫn đến sự thay đổi này là:

Thứ nhất, sự gia tăng của tội phạm nguy hiểm do NCTN thực hiện tại những nước này trong những năm từ 1950 đến 1980.

Thứ hai, các phương tiện thông tin đại chúng đã đóng vai trò quan trọng trong việc làm dấy lên những mối lo ngại của xã hội về tình hình tội phạm do NCTN thực hiện bằng việc đưa tin đậm nét các vụ án nổi bật do NCTN thực hiện. Xu hướng thay đổi này diễn ra rõ rệt nhất là ở Mỹ, tiếp theo là ở Canada, Anh và xứ Wales (8).

Mục tiêu của mô hình này nhấn mạnh về trách nhiệm và hình phạt trong xử lý tội phạm là NCTN. Mô hình này theo hướng tiếp cận “cứng rắn” đối với tội phạm NCTN đã không đem lại hiệu quả như mong muốn. Ngược lại, tỷ lệ tội phạm nguy hiểm do NCTN thực hiện có xu hướng ngày càng gia tăng và tỷ lệ tái phạm rất cao ở những nước áp dụng mô hình này (9) .

c. Mô hình Toà gia đình

Mô hình “Toà gia đình” đã xuất hiện trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây. Đây là mô hình đặt hành vi của trẻ em trong một bối cảnh rộng hơn, đó là hoàn cảnh gia đình của các em. Các vấn đề của gia đình vốn đã hết sức phức tạp. Các vấn đề về hành vi của trẻ có thể nảy sinh vì những gì đang diễn ra trong gia đình các em, nhưng chính hành vi của các em đôi khi cũng lại là những tác nhân làm tăng mâu thuẫn trong gia đình. Và ngày càng có nhiều chứng cứ cho thấy rằng một trong những phương thức hữu hiệu nhất để hỗ trợ các gia đình và con cái họ chính là việc củng cố gia đình (10). Hay có thể nói nguyên nhân phạm tội của NCTN là do xuất phát từ gia đình của chính họ. Mục đích của mô hình này là đưa tất cả các vấn đề gia đình vào xử lý trong một quá trình tố tụng với một mô hình toà án chuyên biệt có tên gọi là “Toà án gia đình” (Family Court) và đội ngũ hỗ trợ dịch vụ xã hội. Cách tiếp cận này cho phép thẩm phán nhìn nhận một bức tranh đầy đủ hơn về những gì đang diễn ra trong gia đình, từ đó có thể thu thập thông tin và có thể đưa ra biện pháp xử lý mang tính “trị liệu” ưu việt nhất hướng vào cả gia đình lẫn bản thân trẻ phạm tội.

III. Một số kiến nghị

Xuất phát từ những điều đã trình bày trên đây, chúng tôi xin có một số kiến nghị sau:

1. Cần khẩn trương nghiên cứu và tiến tới thành lập toà án cho NCTN, coi đây là một trong những nội dung của “Chiến lược cải cách tư pháp ở nước ta từ nay đến năm 2020″. Có ý kiến cho rằng toà án NCTN sẽ chuyên xử lý NCTN phạm tội, xử lý các vấn đề về hôn nhân gia đình (bạo hành trong gia đình, trẻ em bị xâm hại, bị bóc lột, bị bỏ rơi) và những vụ việc liên quan đến NCTN… Nhưng theo chúng tôi, về lâu dài cần nghiên cứu thành lập toà án NCTN có thẩm quyền giải quyết tất cả những vụ việc liên quan đến NCTN (NCTN vi phạm pháp luật, những vấn đề gia đình ảnh hưởng đến NCTN).

Trước mắt, cần sớm thực hiện thí điểm ở một số thành phố lớn, như TP.HCM, TP. Hà Nội và một hoặc hai tỉnh có số NCTN phạm tội cao một toà chuyên trách NCTN trong cơ cấu của toà án nhân dân (TAND) cấp huyện và TAND cấp tỉnh (11)  để chuyên thực hiện xét xử các vụ án do NCTN phạm tội.

2. Cần có quy định cụ thể về tiêu chuẩn bổ nhiệm hội đồng xét xử chuyên biệt để xét xử những vụ án có bị cáo là NCTN. Những người tiến hành tố tụng (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân) đối với vụ án do NCTN phạm tội phải có kiến thức theo nội dung chương trình đào tạo hoặc bồi dưỡng chuẩn về tâm lý, khoa học giáo dục NCTN , về kỹ năng thực hành trong công tác điều tra, truy tố và xét xử  thân thiện đối với NCTN vi phạm pháp luật, nạn nhân và nhân chứng trẻ em (12).

3. Cần sửa đổi, bổ sung các quy định của BLTTHS hiện hành theo hướng: Tất cả những hoạt động có liên quan đến người phạm tội, người bị hại và người làm chứng là NCTN (chứ không phải chỉ có bị can, bị cáo như quy định hiện hành) phải được tiến hành một cách thân thiện, trong môi trường phù hợp, tạo điều kiện đáp ứng những nhu cầu đặc biệt của các em, tuỳ theo khả năng, độ tuổi, nhận thức và khả năng phát triển của các em, việc can thiệp vào đời tư của trẻ em phải được hạn chế tối đa. Cụ thể là: cách sắp xếp, trang trí phòng xử án đảm bảo tính thân thiện để tránh cho NCTN bị ám ảnh quá nhiều bởi hành vi trái pháp luật của mình, bố trí các đồ đạc để các bên ngồi ngang bằng nhau xung quanh một cái bàn, bỏ “vành móng ngựa”; tất cả các bên đều mặc quần áo bình thường; cấm sử dụng còng tay hoặc các phương tiện hạn chế khác ở phòng xử án; cho phép NCTN ngồi cạnh cha mẹ hoặc luật sư của mình; yêu cầu các bên ngồi chứ không đứng khi tiến hành thẩm vấn; cho phép người chưa thành niên ngồi khi các em nói; yêu cầu thẩm phán giải thích quy trình tố tụng cho người chưa thành niên ngay khi bắt đầu xét xử và giải thích đầy đủ về hành vi phạm tội bị cáo bằng ngôn ngữ đơn giản; bảo đảm rằng, tại mọi thời điểm, người chưa thành niên được hỏi, giải thích, đối đáp bằng ngôn ngữ mà người đó hiểu; bảo đảm việc giải thích thường xuyên cho người chưa thành niên trong suốt quá trình xét xử; không cho phép công chúng tham dự khi xét xử, không xử lưu động các vụ án có có liên quan đến NCTN phạm tội, hoặc là người bị hại v.v. Những quy định này sẽ phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về thủ tục tố tụng đối với NCTN được thể hiện trong Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em và các văn bản có liên quan mà Việt Nam đã tham gia và cam kết thực hiện (13).

4. Cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm thực tiễn tổ chức và hoạt động của Toà án NCTN (hoặc Toà án gia đình) của các nước để có thể kế thừa, tiếp thu một cách có chọn lọc cho việc xây dựng Toà án NCTN phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của nước ta.

Theo Trang Web của Đoàn LS TPHCM

Các loại hình tố tụng hình sự và hướng áp dụng ở Việt Nam

TS Nguyễn Quang Hiền – Toà án nhân dân TP. Hồ Chí Minh.

Theo Nghị quyết số 31/2009/NQ-QH 12 ngày 17/6/2009 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 và bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011) thì Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) sẽ được sửa đổi. Như vậy, hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung BLTTHS đã được đặt ra. Vì vậy, việc nghiên cứu các loại hình tố tụng hình sự (TTHS) để hoàn thiện pháp luật về TTHS là một công việc cần thiết.1. Các loại hình tố tụng hình sự

Loại hình TTHS là cách thức thể hiện, biểu hiện cũng như cách thức tiến hành các hoạt động tố tụng. Trong lịch sử và hiện tại đã và đang tồn tại bốn loại hình TTHS cơ bản sau:

1.1. Tố tụng tố cáo

Đây là loại hình tố tụng được hình thành từ thời kỳ chiếm hữu nô lệ, nhưng tồn tại và phát triển cực thịnh trong thời kỳ đầu của xã hội phong kiến. Nét đặc trưng của tố tụng tố cáo là sự công nhận vị trí đặc biệt của người buộc tội – thường là người bị tội phạm xâm hại hay còn gọi là người bị hại. Việc khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự cũng như tiến hành hay chấm dứt các hoạt động tố tụng phụ thuộc vào ý chí của người buộc tội nên gọi là tư tố. Sau này, thực tiễn cho thấy hành vi phạm tội không chỉ xâm hại đến lợi ích cá nhân người bị hại, mà còn gây thiệt hại cho cả xã hội và nhà vua. Mặt khác, để hạn chế tình trạng lợi dụng quyền tố cáo gây thiệt hại đến tính mạng, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác, loại hình tố tụng tố cáo đòi hỏi khi tố cáo tội phạm với nhà chức trách, người tố cáo phải tuyên thệ; nếu người bị tố cáo không phạm tội, người tố cáo có thể bị xử phạt. Điều này đã làm cho việc tố cáo của người bị hại giảm dần. Dần dần, trong loại hình tố tụng tố cáo, chủ thể buộc tội là cá nhân (người bị hại) được chuyển giao cho người đại diện lợi ích của nhà vua nên tư tố chuyển sang công tố.

Chủ thể thực hiện chức năng bào chữa chính là người bị buộc tội. Hơn nữa, mọi người đều có thể tham gia nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người bị buộc tội nên thời kỳ này đã xuất hiện một số người được gọi là hiệp sỹ có điều kiện và khả năng tự nguyện đứng ra bảo vệ cho người bị buộc tội. Đó chính là những người thân, bạn bè của người bị buộc tội. Bào chữa ở đây thực chất chỉ là việc thể hiện tài năng, không vụ lợi và mang ý nghĩa cao cả nhằm bảo vệ người bị buộc tội.

Chủ thể thực hiện chức năng xét xử không có sự thống nhất, ở các thời điểm khác nhau thì cơ quan xét xử cũng được quy định khác nhau. Các Tổng đốc, Đại công, Tri châu, Quan tài phán, Quan toà, Quan thu thuế kiêm cảnh sát cũng đóng vai trò là người xét xử. Hệ thống chứng cứ được quy định đơn giản, mang nặng tính chất mê tín, tôn giáo, định kiến và áp đặt. Sự nhận tội của người bị buộc tội được coi là chứng cứ quan trọng nhất, là chứng cứ vua. Trường hợp không có sự nhận tội của người bị buộc tội thì có thể sử dụng các nguồn khác để chứng minh như lời thề hoặc phán xét theo ý trời hoặc các thử thách khác. Như vậy, với một hệ thống chứng cứ được quy định, tòa án không cần biết sự việc đã xảy ra như thế nào mà chỉ quan tâm đến khả năng chịu đựng thử thách của người bị buộc tội hay họ cần phải thề như thế nào. Đây là loại hình tố tụng cổ xưa nhất và được hầu hết các nước sử dụng trong những thời điểm khác nhau.

1.2. Tố tụng xét hỏi

Đây là loại hình tố tụng cũng xuất hiện vào thời kỳ chiếm hữu nô lệ§, trong các tòa án tôn giáo và dần dần thâm nhập vào tòa án thường. Loại hình tố tụng này phát triển phổ biến vào thời kỳ chế độ quân chủ, phát triển mạnh nhất ở thời kỳ trung cổ. Tố tụng xét hỏi ra đời từ những nguyên nhân sau: thứ nhất, từ yêu cầu tăng cường quyền lực công; thứ hai, do tình hình tội phạm tăng; thứ ba, do thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm của quyền lực công đối với các quyền của con người.

Đặc điểm của tố tụng xét hỏi là hoạt động tố tụng được tiến hành bí mật và bằng văn bản. Trong tố tụng xét hỏi, các cơ quan có thẩm quyền dùng nghiệp vụ điều tra để xác định hành vi phạm tội của người bị buộc tội, nên không thể công khai rộng rãi, nhất là đối với người bị buộc tội. Tuy nhiên, để có cơ sở làm chứng cứ chứng minh thì cơ quan tiến hành tố tụng phải lập thành văn bản. Các hoạt động tố tụng không được phân biệt rõ ràng và được thể hiện ở những mức độ khác nhau. Đặc biệt, các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng tố tụng không được xác định cụ thể mà hầu như tập trung vào toà án. Người bị hại không có chức năng buộc tội mà thay vào đó là người thuộc các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng tố tụng. Người bị buộc tội bị hạn chế quyền bào chữa, họ không phải là một chủ thể trong quan hệ tố tụng mà chỉ là khách thể của quan hệ tố tụng. Thẩm phán không chỉ thực hiện chức năng xét xử mà còn thực hiện cả chức năng điều tra, chức năng buộc tội và có cả một phần của chức năng bào chữa.

Nguyên tắc cơ bản của loại hình tố tụng này là suy đoán có tội đối với người bị buộc tội. Nguyên tắc bí mật và bằng văn bản được áp dụng trong suốt quá trình giải quyết vụ án, hạn chế đến mức tối đa việc khiếu nại các bản án. Nguyên tắc sử dụng việc thừa nhận lỗi của người bị buộc tội là chứng cứ quyết định của vụ án.

Hệ thống chứng cứ đặc trưng của loại hình tố tụng này là tính hợp lệ của chứng cứ nhưng những quy định về chứng cứ lại hết sức trừu tượng. Ví dụ, lời khai của người đàn ông đáng tin cậy hơn lời khai của người đàn bà; lời khai của người giàu đáng tin cậy hơn lời khai của người nghèo; lời khai của giới học giả bao giờ cũng có giá trị cao hơn lời khai của người dân. Những tình tiết của vụ án chỉ được coi là chứng cứ khi những tình tiết đó được hai người trở lên biết. Pháp luật cho phép dùng nhục hình để thu thập chứng cứ. Trên thực tế, nhục hình được coi là cách thu thập chứng cứ có hiệu quả, quan trọng nhất.

Ngày nay, loại hình tố xét hỏi không còn duy trì tra tấn để thu thập chứng cứ. Một người làm chứng chỉ có nghĩa là nửa chứng cứ; vì nó chưa thực sự khách quan, chính xác nên nó không bảo đảm được thực chất nội dung của vụ án và người ta gọi đó là hệ thống chứng cứ hình thức. Cùng với sự phát triển của lịch sử, loại hình tố tụng xét hỏi cũng có những thay đổi. Ví dụ: hủy bỏ việc tra tấn, nhục hình, nhưng vẫn duy trì hệ thống các chứng cứ hình thức; áp dụng điều tra sơ bộ, quy định cụ thể, chặt chẽ thủ tục điều tra và xét xử; thừa nhận một số quyền cá nhân, suy đoán có tội bị bác bỏ nhưng chưa áp dụng suy đoán vô tội; trách nhiệm chứng minh có tội thuộc về bên buộc tội. Mặc dù có những thay đổi nhất định, nhưng tố tụng xét hỏi vẫn không phân chia các chức năng tố tụng theo thực chất, cho dù đã thành lập cơ quan điều tra sơ bộ, thừa nhận tính độc lập của tòa án. áp dụng nguyên tắc bí mật điều tra – xét xử và tố tụng bằng văn bản, thẩm phán vẫn giữ vai trò quan trọng, là trung tâm của hoạt động tố tụng.

Đặc trưng cơ bản của hoạt động tố tụng này là: đưa công tố của nhà vua thành một chủ thể bắt buộc của bất cứ vụ án hình sự nào, điều này thừa nhận sự quan tâm của Nhà nước đối với vụ án và tình hình tội phạm; quy định hai thẩm phán trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Phiên tòa xét xử trong loại hình này không phải là sự tranh luận giữa hai bên đối trọng mà là tiếp tục điều tra. Các bên phải cung cấp tất cả các chứng cứ cho tòa án, sự thật được đánh giá và kết luận trong quá trình xét hỏi.

1.3  Tố tụng tranh tụng

Đây là loại hình tố tụng được hình thành và phát triển từ loại hình tố tụng tố cáo và phát triển mạnh mẽ, rộng rãi ở các nước theo hệ thống án lệ, phổ biến nhất là khoảng từ thế kỷ X đến thế kỷ XIII. Theo loại hình tố tụng này, sự thật sẽ được mở ra qua sự tranh luận giữa những người có dữ liệu chính xác. Tố tụng tranh tụng dựa trên tư tưởng tố tụng là cuộc tranh tụng tại tòa án giữa một bên là người buộc tội và một bên là người bị buộc tội. Đã là cuộc tranh tụng thì hai bên đều được sử dụng các quyền và nghĩa vụ pháp lý như nhau trong việc thu thập, kiểm tra và đánh giá chứng cứ, phân tích và đưa ra các kết luận đối với những sự việc cụ thể. Về nguyên tắc, hai bên tranh tụng có khả năng và quyền như nhau trong tất cả các giai đoạn tố tụng chứ không chỉ tại phiên tòa xét xử.

Ở loại hình tố tụng tranh tụng, khi tham gia vào quá trình tố tụng, bên buộc tội và bên bị buộc tội không bắt buộc phải khách quan trong khi thực hiện quyền và nghĩa vụ. Công việc của họ là thu thập chứng cứ để buộc tội hoặc bào chữa phục vụ cho cuộc tranh tụng ở tòa án. Họ có trách nhiệm chứng minh tính có lỗi, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc tính không có lỗi, các tình tiết giảm nhẹ tránh nhiệm hình sự.

Trong giai đoạn xét xử, tòa án đóng vai trò người phán quyết, lạnh lùng quan sát sự tuân thủ quy tắc cuộc tranh tụng của hai bên. Việc đánh giá chứng cứ phụ thuộc vào niềm tin nội tâm của thẩm phán khi thẩm phán dựa vào các tiêu chí hợp lệ của chứng cứ, khuôn mẫu chứng cứ. Để bảo đảm sự bình đẳng trong tranh tụng, phải có hai điều kiện:

Một là, sử dụng việc kiểm tra chéo, đối chất để xác định tính chính xác của chứng cứ. Bên buộc tội và bên bị buộc tội tập trung chỉ ra cái mà người làm chứng biết, chứ không phải cái mà họ nghĩ rằng người làm chứng biết.

Hai là, quyền được chia đều cho các bên buộc tội và bên bị buộc tội, tòa án chỉ đóng vai trò là trọng tài để bảo đảm cho các bên có đầy đủ điều kiện, các quyền như nhau khi tham gia tố tụng.

Với quan niệm TTHS chỉ gồm có giai đoạn xét xử nên các chức năng buộc tội – bào chữa – xét xử chỉ thực sự bắt đầu tại phiên tòa. Tại đây, với sự tham gia của các bên buộc tội (công tố viên, người bị hại), bên người bị buộc tội, người bào chữa (nếu có) và các chủ thể khác (nếu có) dưới sự điều khiển của thẩm phán, sự giám sát của hội đồng xét xử, ba chức năng buộc tội – bào chữa – xét xử đều được thực hiện công khai. Còn các giai đoạn trước khi mở phiên tòa xét xử được xem là giai đoạn để các bên tiến hành một số hoạt động chuẩn bị cho việc tranh tụng tại phiên toà. Vì vậy, trong loại hình tố tụng này, chức năng giám sát việc tuân theo pháp luật thuộc về toà án. Với tư cách là trung tâm của cơ quan tư pháp, của hoạt động tố tụng, toà án có quyền và trách nhiệm bảo đảm cho các bên nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật. Mặc dù loại hình này có nhiều ưu điểm nhưng vẫn bị phê phán là việc con người bị phán xét như thế nào dường như quan trọng hơn việc xác định xem bị cáo đã làm gì trên thực tế.

Loại hình tố tụng này xuất hiện đầu tiên tại Anh, sau đó nó được phát triển ở các nước thuộc địa của Anh và cho đến nay vẫn tiếp tục được sử dụng rộng rãi ở Mỹ, Canada và nhiều nước trên thế giới.

1.4  Tố tụng hỗn hợp

Như chúng ta đã biếtN, các loại hình tố tụng nói trên đều có những ưu điểm và khiếm khuyết. Vì vậy, quá trình tiếp thu các loại hình tố tụng này của các nước cần có sự lựa chọn nhất định. Tất nhiên là các nước sẽ lựa chọn những ưu điểm của các loại hình nhưng phải phù hợp với điều kiện cụ thể của từng quốc gia. Thậm chí, cùng một hình thức tố tụng và cùng một truyền thống pháp luật nhưng mỗi quốc gia có sự vận dụng khác nhau. Đây chính là một trong những nguyên nhân ra đời hình thức tố tụng hỗn hợp.

Tuy nhiên, xét về mặt lịch sử thì tố tụng hỗn hợp lần đầu tiên xuất hiện trong truyền thống pháp luật Hồi giáo, đó là sự hỗn hợp giữa tố tụng thẩm vấn và tố tụng tranh tụng. Truyền thống luật Hồi giáo dựa trên cơ sở thần thánh nên nó không phát triển thông qua quá trình pháp điển hóa hay tiền lệ pháp. Hơn nữa, pháp luật Hồi giáo không đòi hỏi các hoạt động tố tụng phải tập trung vào một hay nhiều cơ quan. Việc xác định luật tố tụng Hồi giáo là việc làm không dễ dàng vì nó phụ thuộc hoàn toàn vào sự sáng tạo của Nhà nước. Nhờ sự sáng tạo này mà luật TTHS Hồi giáo có đặc trưng của cả loại hình tố tụng xét hỏi và tố tụng tranh tụng. Loại hình tố tụng xét hỏi chiếm phần cơ bản hơn vì không có sự tách biệt giữa thẩm phán và điều tra viên. Mặt khác, vai trò của người bào chữa không đến mức đối trọng như một bên đại diện cho các chứng cứ đảm bảo chống lại sự kết tội không đúng hoặc để giám sát phán quyết của tòa án. Trong khi đó, một số quy định của loại hình tranh tụng lại được áp dụng như quyền phản đối sự buộc tội, quyền im lặng và nguyên tắc suy đoán vô tội.

Cùng với sự phát triển cuả lịch sử, loại hình tố tụng hỗn hợp đã có những cải tiến theo hướng dân chủ, tích cực và được phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước thuộc truyền thống luật lục địa như Đức, áo, ý, Bỉ. Thực chất, tố tụng hỗn hợp là loại hình hỗn hợp giữa tố tụng xét hỏi, tố tụng tranh tụng và cả một chút của tố tụng tố cáo. ở giai đoạn trước xét xử, các hoạt động tố tụng phần nhiều được tiến hành bí mật, hạn chế sự tham gia của những người tham gia tố tụng. Mọi hoạt động đều được ghi thành văn bản, người bị buộc tội hầu như bị tách khỏi quá trình tố tụng Tuy nhiên, ở giai đoạn xét xử, phiên tòa được tiến hành công khai, quyền bình đẳng trước phiên tòa và quyền bào chữa của người bị buộc tội được đảm bảo, bên buộc tội và bên bị buộc tội có quyền và nghĩa vụ như nhau trong việc đưa ra các chứng cứ và các yêu cầu. Lúc này, tòa án đóng vai trò là người trọng tài bảo đảm cho các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

2. Hướng áp dụng cho Việt Nam

Nghiên cứu các loại hình TTHS nói trên, xuất phát từ yêu cầu bảo vệ quyền con người, chúng tôi thấy loại hình tố tụng tranh tụng là ưu việt hơn cả. Cách thức tổ chức bộ máy của các cơ quan tiến hành tố tụng, nội dung các hoạt động và hành vi tố tụng của các chủ thể trong quan hệ pháp luật TTHS, thủ tục tiến hành các họat động và hành vi đó có nhiều điểm hợp lý hơn, khoa học hơn so với các loại hình tố tụng khác.

Nghiên cứu lịch sử pháp luật TTHS Việt Nam trước năm 1945, chúng tôi nhận thấy có nhiều dấu hiệu thể hiện giai đoạn này áp dụng hình thức tố tụng xét hỏi. Những quy định của pháp luật tố tụng trong Bộ luật Hồng Đức, Bộ luật Gia Long… và thực tiễn xét xử đều phản ánh loại hình tố tụng xét hỏi với đặc điểm cơ bản là quan cai trị hành chính là thẩm phán và điều tra viên, việc điều tra tiến hành bí mật, chứng cứ chủ yếu là lời khai của người làm chứng và sự nhận tội của người bị buộc tội, việc xét xử không công khai, tra tấn, gông cùm là biện pháp chủ yếu trong hoạt động TTHS.

Sau năm 1945, cùng với việc xây dựng hệ thống pháp luật kiểu mới, pháp luật TTHS Việt Nam đã có những thay đổi cơ bản, đã loại bỏ hầu hết các quy định của loại hình tố tụng xét hỏi vì chúng không còn phù hợp với bản chất của Nhà nước ta. Yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm đặt nền móng cho việc hình thành một loại hình TTHS tiến bộ hơn, xét về mặt bản chất cũng như trình tự, thủ tục, phương thức tiến hành. BLTTHS năm 1988 được ban hành đánh dấu một bước cải cách, đổi mới pháp luật TTHS nước ta theo hướng dân chủ hóa TTHS, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng, tăng cường tính công khai, đưa ra và thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội, khắc phục những định kiến theo hướng buộc tội, bảo đảm sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của hội đồng xét xử. Quyền và trách nhiệm của viện kiểm sát được đề cao trong việc đấu tranh tội phạm. Nâng cao trách nhiệm của các điều tra viên, tăng cường các bảo đảm pháp chế trong hoạt động TTHS. Vị trí, vai trò của người bào chữa ngày càng được nâng cao trong hoạt động tố tụng theo hướng mở rộng quyền của họ ở giai đoạn điều tra và các giai đoạn tố tụng khác.

BLTTHS năm 2003 thay thế cho BLTTHS năm 1988 đánh dấu một bước phát triển mới trong cải cách hệ thống pháp luật TTHS ở nước ta. Bộ luật đã thể chế hoá quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong lĩnh vực đấu tranh tội phạm, đặc biệt là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới. Trong Bộ luật này, pháp luật TTHS nước ta có những thay đổi, bổ sung cơ bản thể hiện ở những điểm sau đây:

- Tăng cường một cách cơ bản những bảo đảm cho các quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng.

- Bên bị buộc tội có quyền sử dụng các phương tiện kỹ thuật để có được các tài liệu tố tụng, được quyền thuê người bào chữa từ thời điểm bị tạm giữ, quyền thu thập chứng cứ, quyền khiếu nại ở những giai đoạn tố tụng nhất định. Các quy định về việc khởi tố theo yêu cầu của người bị hại được quy định và mở rộng.

- Nội dung tranh luận của bên buộc tội và bên bị buộc tội đã được thể hiện trong các quy định của BLTTHS. Chức năng buộc tội – chức năng bào chữa – chức năng xét xử được phân định khá rõ ràng và được giao cho các cơ quan khác nhau và những người có thẩm quyền khác nhau. Các bên buộc tội và bên bào chữa bình đẳng trước tòa.

- Nguyên tắc suy đoán vô tội đã được ghi nhận. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan và những người tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Mọi nghi ngờ đều được giải thích theo hướng có lợi cho người bị buộc tội.

Như vậy, ở chừng mực nào đó, pháp luật TTHS nước ta đã có tính chất tranh tụng, nhưng vẫn mang đậm nét của loại hình tố tụng xét hỏi. Điều đó đánh dấu bước tiến theo hướng phát triển dân chủ của pháp luật TTHS nước ta. Mặc dù vậy, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, hiện nay pháp luật TTHS nước ta lạc hậu nhiều so với pháp luật TTHS của các nước có điều kiện kinh tế – xã hội tương tự. Quá trình hội nhập của nước ta với thế giới và trong khu vực đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiến tới xây dựng pháp luật TTHS nước ta theo loại hình tố tụng tranh tụng. Trong quá trình cải cách tư pháp và hoàn thiện pháp luật TTHS, bên cạnh những ý kiến ủng hộ quan điểm cần xây dựng pháp luật TTHS nước ta theo loại hình tố tụng tranh tụng, vẫn còn nhiều ý kiến không thống nhất với quan điểm trên. Theo quan điểm này, nước ta không có điều kiện để tồn tại loại hình tố tụng tranh tụng, tố tụng tranh tụng chỉ có thể tồn tại trong nhà nước tư sản, pháp luật TTHS nước ta như hiện nay là phù hợp. Cần phải khẳng định rằng, loại hình tố tụng không phụ thuộc vào kiểu Nhà nước mà nó phụ thuộc vào cách thức tổ chức quyền lực nhà nước, cách thức tổ chức bộ máy tố tụng và các yêu cầu trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Thực tế đã chứng minh trong Nhà nước tư sản vẫn tồn tại nhiều loại hình tố tụng khác nhau. Vấn đề quan trọng là phải xuất phát từ hiệu quả của loại hình tố tụng – điều cần được xem xét trên nhiều yêu cầu và bình diện khác nhau như: khả năng kiểm soát và đấu tranh có hiệu quả với tình hình tội phạm, bảo vệ có hiệu quả lợi ích của xã hội, của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Với yêu cầu trên, theo chúng tôi, không có loại hình tố tụng nào có khả năng đáp ứng tốt nhất, mỗi loại hình tố tụng đều có những ưu điểm và khiếm khuyết nhất định. Vì vậy, cần có sự kết hợp các ưu điểm của từng loại hình tố tụng theo hướng ưu tiên đến tranh tụng. Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rằng, thay đổi một yếu tố nào đó có thể đem lại những kết quả mong đợi và những kết quả không mong đợi. Do đó, cần thiết phải có sự nghiên cứu toàn diện, cơ bản để đánh giá đầy đủ và chính xác tất cả những yêu cầu, điều kiện, khả năng đáp ứng và những kết quả do sự thay đổi mang lại. Ví dụ: từ những năm 1930 đến năm 1989, nước ý đã áp dụng loại hình tố tụng xét hỏi có yếu tố tranh tụng; nhưng đến 1989, nước này chuyển hẳn sang loại hình tố tụng tranh tụng. Trong quá trình áp dụng, loại hình tố tụng mới không mang lại những kết quả mong đợi, đến năm 1992, ý lại đưa vào áp dụng một số yếu tố của loại hình tố tụng xét hỏi. Tương tự, pháp luật TTHS của Đức có sự kết hợp giữa loại hình tố tụng xét hỏi và loại hình tranh tụng. Pháp luật TTHS Canada – quốc gia điển hình về tố tụng tranh tụng – hiện nay cũng đã có sự kết hợp giữa các loại hình tố tụng, nhưng chú trọng đến yếu tố tranh tụng.

Đối với Việt Nam, để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, góp phần nâng cao hiệu quả của pháp luật TTHS, cần phải:

- Tiếp tục sửa đổi Hiến pháp, hoàn thiện pháp luật TTHS, Luật Tổ chức Toà án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, các quy định về tổ chức và hoạt động của cơ quan điều tra, tổ chức luật sư theo hướng phân biệt rõ ràng các chức năng buộc tội – bào chữa – xét xử.

-  Khẳng định sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên bào chữa, cần ghi nhận nguyên tắc tranh tụng, sự độc lập cuả toà án không chỉ trên bình diện pháp luật mà còn trên bình diện thực tiễn áp dụng pháp luật.

- Nâng cao dân trí, trình độ pháp luật cho những người tiến hành tố tụng để họ có đủ khả năng, bản lĩnh và độc lập khi tham gia tiến hành tố tụng.

Những yêu cầu này cần có thời gian và vật chất để bảo đảm việc áp dụng thành công. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến 2020 là mốc thời gian cần thiết để chuẩn bị. Vấn đề có tính quyết định là chúng ta phải xây dựng được lộ trình phù hợp và khoa học để nghiên cứu, triển khai vào thực tế cuộc sống.

Có thể thấy rằng, mỗi loại hình TTHS như đã trình bày đều có những nguyên nhân xuất hiện, quá trình tồn tại và phát triển khác nhau. Các nước khác nhau có những điều kiện chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hoá, trình độ dân trí khác nhau và đặc biệt là tình hình tội phạm, yêu cầu đấu tranh phòng chống khác nhau, nên bản chất, nội dung và những biểu hiện của từng loại hình TTHS cũng khác nhau. Cùng loại hình TTHS nhưng ở giai đoạn lịch sử khác nhau cũng sẽ được quy định và áp dụng khác nhau. Có loại hình TTHS có ưu điểm ở quốc gia này nhưng lại có những hạn chế khi áp dụng ở quốc gia khác. Vấn đề được rút ra ở đây là loại hình TTHS nào, trong những thời điểm, với những điều kiện nào thì nó sẽ là loại hình TTHS tối ưu. Việc tìm ra loại hình tối ưu phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam là mục tiêu chính của các nhà làm luật.

Theo tập chí nghiên cứu lập pháp

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ THỦ TỤC RÚT GỌN TRONG BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2003

ThS. Đỗ Thị Phượng

Khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội

Trong Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 có một chương mới quy định về thủ tục rút gọn (chương XXXIII gồm 7 điều từ Điều 317 đến Điều 323). Chương “Thủ tục rút gọn” nằm trong phần thứ 7 của BLTTHS là phần quy định về thủ tục đặc biệt. Do đó, các thủ tục tố tụng này không áp dụng cho tất cả các vụ án hình sự mà chỉ giải quyết theo thủ tục rút gọn đối với một số vụ án nhất định.

Thủ tục rút gọn đã được quy định ở nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội, tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp cũng như yêu cầu của công cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm mà ở các quốc gia này có những quy định về thủ tục, điều kiện, phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn khác nhau… Ở Việt Nam, các quy định về thủ tục rút gọn đã từng được thể hiện tại Thông tư số 10/TATC ngày 8/07/1974 của Toà án nhân dân Tối cao. Theo quy định này thì thủ tục rút gọn được thực hiện ở giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử với tổng số thời gian là không quá 14 ngày với những vụ án ít nghiêm trọng, đơn giản, rõ ràng. Bộ luật tố tụng hình sự 2003 đã quy định thủ tục rút gọn thành một chương riêng bao gồm những quy định về phạm vi, điều kiện, thẩm quyền, thời hạn và thủ tục áp dụng. Thủ tục rút gọn là một dạng của thủ tục tố tụng đặc biệt trong đó nhà làm luật đã giản lược nhiều thủ tục tố tụng không cần thiết nhằm giải quyết vụ án hình sự một cách nhanh chóng mà vẫn đảm bảo tính chính xác, đúng đắn. Mặt khác, các quy định về thủ tục rút gọn cũng không trái với các nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự, không trái với chức năng thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng, và vẫn đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng.

Như vậy, thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự là thủ tục đặc biệt trong đó thời hạn và các thủ tục tố tụng đã được rút ngắn và giản lược để việc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm được nhanh chóng, kịp thời nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác và đúng đắn.

Quy định về thủ tục rút gọn sẽ giúp các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết nhanh chóng một số lượng lớn những vụ án ít nghiêm trọng mà theo thủ tục tố tụng hiện hành vẫn phải giải quyết theo thủ tục thông thường. Bên cạnh đó thủ tục rút gọn sẽ góp phần vào việc giải quyết án tồn đọng, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết các vụ án hình sự, đáp ứng được một trong những nội dung của cải cách tư pháp hiện nay. Tuy nhiên qua nghiên cứu chương này chúng tôi nhận thấy vẫn còn một số quy định bất hợp lý hoặc chưa đầy đủ. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu về thủ tục rút gọn và đề cập tới một số mặt hạn chế của nó.

1. Phạm vi và điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn.

Theo tinh thần của Điều 318 BLTTHS năm 2003, khi xét xử những vụ án mà có các điều kiện quy định tại Điều 319 thì việc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm được áp dụng theo các quy định của chương này, đồng thời theo những quy định khác của Bộ luật này nhưng không được trái với những quy định của chương XXXIV.

Điều 319 quy định: Thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang;

- Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng;

- Tội phạm được thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng;

- Người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng;

Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang là người bị bắt khi người đó đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị đuổi bắt. Thông thường trong những trường hợp phạm tội quả tang, người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm có thể xác định được rõ ràng đó là hành động phạm tội và cần bắt ngay để ngăn chặn hành vi phạm tội hoặc trốn tránh pháp luật của người đang bỏ chạy ngay sau khi thực hiện tội phạm. Trong các vụ án mà người phạm tội bị bắt quả tang thường là ngay từ ban đầu đã có đủ chứng cứ, người thực hiện hành vi phạm tội thường nhận tội, các vật chứng được thu hồi cho nên rất thuận lợi cho việc điều tra. Đối với hành vi phạm tội mà họ thực hiện phải đơn giản, rõ ràng, ít nghiêm trọng. Người phạm tội thường không có sự chuẩn bị một cách kỹ càng về công cụ, phương tiện, thời gian, địa điểm trong việc thực hiện tội phạm. Như vậy không phải tất cả các tội ít nghiêm trọng đều áp dụng thủ tục rút gọn. Xuất phát từ yêu cầu là việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án phải được tiến hành một cách nhanh chóng nhưng phải đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nên cần phải cân nhắc những loại tội ít nghiêm trọng nào mà không phức tạp, khó khăn lắm khi xử lý vụ án để xét xử theo thủ tục này. Bởi lẽ, đối với loại tội ít nghiêm trọng nhưng tính chất phức tạp, khó đánh giá, thống nhất hành vi và tội danh thì cần phải có thời gian để điều tra, xác minh một cách thận trọng, thu thập chứng cứ một cách đầy đủ thì mới có thể kết luận được. Người thực hiện hành vi phạm tội phải có căn cước, lai lịch rõ ràng cũng là một trong những điều kiện để xem xét giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn. Với điều kiện này các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng sẽ không mất nhiều thời gian để xác minh độ tuổi, mức độ nhận thức hành vi phạm tội, hoàn cảnh gia đình, dân tộc, tôn giáo hay các đặc điểm nhân thân của bị can, bị cáo…, đảm bảo việc giải quyết vụ án đúng người.

Như vậy, khi giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn cần phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện trên, nếu thiếu một trong những điều kiện đó, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án sẽ rất khó có thể giải quyết vụ án một cách nhanh chóng, chính xác được. Bên cạnh đó việc giải quyết theo thủ tục rút gọn còn phải đảm bảo được các quyền lợi cho bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác cho nên trong một thời gian quá ngắn như vậy đòi hỏi các điều kiện đó phải đầy đủ. Có ý kiến cho rằng, cần quy định thêm điều kiện: “người phạm tội tự thú” trong Điều 319. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng không cần thiết phải có điều kiện đó vì khi đã có điều kiện thứ nhất là “Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang” tức là đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm bị đuổi bắt thì họ không thể bỏ trốn sau đó ra tự thú được. Nếu cho điều kiện này vào sẽ mâu thuẫn với điều kiện thứ nhất. Với các điều kiện trên đây thì việc điều tra, truy tố, xét xử sẽ không mất nhiều thời gian mà vẫn đảm bảo việc giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ.

2. Về thẩm quyền và quyết định áp dụng thủ tục rút gọn:

Về thẩm quyền áp dụng thủ tục rút gọn. Xuất phát từ điều kiện áp dụng các thủ tục rút gọn là chỉ áp dụng thủ tục này đối với những loại tội ít nghiêm trọng, đơn giản, chứng cứ rõ ràng cho nên việc điều tra, truy tố, xét xử loại án này thuộc thẩm quyền của các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án ở cấp huyện.

Về quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.

Điều 320 BLTTHS 2003 quy định:

“1.Sau khi khởi tố vụ án, theo đề nghị của Cơ quan điều tra hoặc xét thấy vụ án có đủ điều kiện quy định tại Điều 319 của Bộ luật này, Viện kiểm sát có thể ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.

2.Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn phải được gửi cho Cơ quan điều tra và bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.

3. Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn có thể bị khiếu nại. Bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại quyết định áp dụng thủ tục rút gọn; thời hiệu khiếu nại là ba ngày, kể từ ngày nhận được quyết định. Khiếu nại được gửi đến Viện kiểm sát đã ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và phải được giải quyết trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại”.

Thủ tục rút gọn được tiến hành bắt đầu từ giai đoạn điều tra vụ án sau khi được Cơ quan điều tra đề nghị hoặc Viện kiểm sát xét thấy vụ án đó có đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 319 BLTTHS, Viện trưởng Viện kiểm sát hoặc Phó viện trưởng Viện kiểm sát có thể ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn phải được gửi cho Cơ quan điều tra và bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ trong thời gian 24h.

Tuy nhiên với quy định này, chúng tôi thấy có điểm bất hợp lý như sau: Thứ nhất, với quy định ở khoản 1 Điều 319 sẽ dẫn đến cách hiểu là sau khi ra quyết định khởi tố vụ án (tức là sau khi xác định được sự việc có dấu hiệu tội phạm, Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án) thì theo đề nghị của Cơ quan điều tra hoặc xét thấy vụ án có đủ điều kiện quy định ở Điều 319 thì Viện kiểm sát có thể ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn mà chưa có quyết định khởi tố bị can. Còn trong khoản 2 Điều 319 lại quy định: “Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn phải được gửi cho Cơ quan điều tra và bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ…”. Nếu theo quy định này thì sau khi có quyết định khởi tố vụ án, Cơ quan điều tra phải có quyết định khởi tố bị can sau đó Cơ quan điều tra mới đề nghị Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Điều đó có nghĩa là phải có quyết định khởi tố bị can trước khi ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Như vậy có sự không thống nhất giữa khoản 1 và khoản 2 của Điều 319. Do đó sau khi ra quyết định khởi tố vụ án, Cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố bị can rồi mới đề nghị Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.

Mặt khác, bị can, người đại diện hợp pháp cần được giải thích rõ về thủ tục rút gọn để họ biết những quyền và nghĩa vụ của mình trong thời hạn quá ngắn của thủ tục để có khiếu nại hay không khiếu nại về quyết định áp dụng thủ tục này. Nếu họ không được giải thích đầy đủ về thủ tục rút gọn có thể dẫn đến tình trạng họ sẽ không tin tưởng vào năng lực, trình độ của người tiến hành tố tụng, hay các quyền lợi của họ sẽ không được bảo đảm như khi áp dụng các thủ tục thông thường. Bên cạnh đó, khi được giải thích về quyền và nghĩa vụ theo thủ tục rút gọn, họ sẽ phải chuẩn bị về tâm lý và vật chất cũng như người bào chữa cho mình trước toà. Vấn đề bào chữa cho bị can, bị cáo là vấn đề rất quan trọng không chỉ đặt ra ở các thủ tục đặc biệt mà ngay cả các thủ tục thông thường. Do đó áp dụng thủ tục rút gọn ngoài việc đơn giản hoá quá trình tố tụng còn phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trong đó có quyền bào chữa.

Thứ hai, Khoản 1,3 Điều 320 của BLTTHS quy định về đề nghị của Cơ quan điều tra và thẩm quyền quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thuộc về Viện kiểm sát là rất chung chung. Cần phải chỉ rõ Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng viện kiểm sát cấp nào để tránh sự nhầm lẫn, chồng chéo về thẩm quyền. (Theo quy định Điều 34, Điều 36 BLTTHS 2003 thì chỉ khi Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát vắng mặt, một phó Thủ trưởng được Thủ trưởng uỷ nhiệm hay Phó viện trưởng Viện kiểm sát uỷ nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát, do đó theo chúng tôi chỉ nên quy định là Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát là đủ).

3. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo thủ tục rút gọn.

Việc áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam theo thủ tục rút gọn cũng giống như theo thủ tục chung là một vấn đề quan trọng vì nó liên quan trực tiếp tới quyền tự do thân thể và các quyền lợi khác của bị can, bị cáo. Do đó cần phải quy định chặt chẽ về thời hạn, thủ tục tạm giữ, tạm giam. Chính vì vậy mà Điều 322 BLTTHS năm 2003 quy định:

“1. Căn cứ, thẩm quyền và thủ tục tạm giữ, tạm giam được áp dụng theo quy định của Bộ luật này.

2. Thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày, kể từ ngày Cơ quan điều tra nhận người bị bắt.

3. Thời hạn tạm giam để điều tra, truy tố không được quá mười sáu ngày.”

Về căn cứ, thẩm quyền và thủ tục tạm giữ, tạm giam để điều tra, truy tố được áp dụng theo các quy định chung trong BLTTHS. Có nghĩa là các căn cứ, thẩm quyền, thủ tục áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam theo thủ tục rút gọn này đều phải tuân thủ theo quy định tại Điều 79, khoản 2, khoản 3 Điều 86, khoản 3 Điều 88 BLTTHS. Tuy nhiên để phù hợp với thời hạn điều tra, truy tố và tính chất của thủ tục rút gọn mà BLTTHS quy định thời hạn tạm giữ, tạm giam ngắn hơn so với quy định chung. Nếu trong quy định chung thì thời hạn tạm giam để điều tra không giống với thời hạn để điều tra (vì có trường hợp chưa xác định được bị can ngay sau khi có quyết định khởi tố vụ án do đó thời hạn tạm giam ở giai đoạn điều tra ngắn hơn so với thời hạn điều tra) còn đối với thủ tục rút gọn, ngay sau khi ra quyết định khởi tố vụ án là quyết định khởi tố bị can nên thời hạn tạm giam ở trong quy định này bằng thời hạn điều tra. Một điểm bất hợp lý khi áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam theo thủ tục rút gọn là thời hạn tạm giam được rút ngắn hơn so với quy định chung trong khi đó thời hạn để Viện kiểm sát phê chuẩn hay không phê chuẩn quyết định tạm giam của Cơ quan điều tra vẫn không rút ngắn mà vẫn là 3 ngày. Nếu theo thời hạn này, Cơ quan điều tra sẽ phải chờ đợi Viện kiểm sát hoàn trả hồ sơ sau khi kết thúc việc xét phê chuẩn thì sẽ mất rất nhiều thời gian, họ không thể chủ động điều tra vụ án đó trong thời hạn tối đa chỉ có 12 ngày kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án. Đối với các biện pháp ngăn chặn khác như bắt người, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh hay đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm theo thủ tục rút gọn đều được áp dụng theo quy định chung của BLTTHS.

4. Quy định về điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục rút gọn.

* Về điều tra

Khoản 1 Điều 321 quy định thời hạn điều tra theo thủ tục rút gọn là mười hai ngày, kể từ ngày khởi tố vụ án. Như vậy, trong một thời gian rất ngắn Cơ quan điều tra phải tiến hành các hoạt động điều tra cần thiết để xác định tội phạm và người thực hiện tội phạm, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, những chứng cứ buộc tội và gỡ tội…Chúng tôi cho rằng, với quy định về thời hạn như vậy là quá ngắn, Cơ quan điều tra không thể tiến hành các hoạt động điều tra được. Việc quy định thời hạn điều tra cho thủ tục rút ngắn như thế nào cho phù hợp với khả năng thực tế, điều kiện về phương tiện, trang thiết bị, cán bộ điều tra vụ án là hết sức quan trọng, tránh tình trạng việc quy định chỉ mang tính hình thức, đảm bảo các hoạt động điều tra được nhanh chóng, kịp thời nhưng vẫn đầy đủ, toàn diện.

Khoản 2 Điều 321 quy định: “Khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra không phải làm bản kết luận điều tra mà ra quyết định đề nghị truy tố và gửi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát”. Bản kết luận điều tra, đề nghị Viện kiểm sát truy tố là văn bản pháp lý trong đó thể hiện các kết quả điều tra của Cơ quan điều tra trong giai đoạn điều tra. Căn cứ vào nội dung của kết luận điều tra này mà Cơ quan điều tra ra quyết định đề nghị Viện kiểm sát truy tố bị can. Ngược lại các nội dung của kết luận điều tra cũng sẽ là cơ sở để Viện kiểm sát có quyết định việc truy tố hay không. Tuy nhiên nếu phải làm kết luận điều tra, Cơ quan điều tra sẽ mất rất nhiều thời gian. Hơn nữa, trong khi tiến hành các hoạt động điều tra, các biên bản, tài liệu như bắt quả tang, hỏi cung bị can, lấy lời khai của những người tham gia tố tụng… đã thể hiện rất rõ và cụ thể trong hồ sơ vụ án. Chính vì vậy BLTTHS đã giản lược thủ tục làm kết luận điều tra và chỉ quy định là Cơ quan điều tra ra quyết định đề nghị truy tố, gửi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát để Viện kiểm sát xem xét và quyết định việc truy tố.

* Về truy tố.

Khoản 1 Điều 323 quy định:

“1. Trong thời hạn bốn ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phải ra một trong những quyết định sau:

a. Truy tố bị can trước toà án bằng quyết định truy tố;

b. Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;

c. Tạm đình chỉ vụ án;

   1. Đình chỉ vụ án.

2. Trong trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc tạm đình chỉ vụ án quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 1 Điều này, thì Viện kiểm sát phải ra quyết định huỷ bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và vụ án được giải quyết theo thủ tục chung”.

Khi nghiên cứu về thời hạn trong giai đoạn truy tố của Viện kiểm sát ở quy định trên, chúng ta thấy với thời hạn bốn ngày là quá ngắn cho Viện kiểm sát nghiên cứu hồ sơ và đưa ra các quyết định. Chúng tôi cho rằng nên kéo dài thời hạn trên tối đa là 7 ngày là khá hợp lý và có tính khả thi để đảm bảo cho Viện kiểm sát có đủ thời gian thực hiện được các yêu cầu của thủ tục tố tụng. Thủ tục rút gọn chỉ được tiếp tục thực hiện khi Viện kiểm sát ra quyết định truy tố bị can trước toà bằng quyết định truy tố. Nếu theo quy định tại Khoản 1 Điều 166 là điều luật quy định của thủ tục chung thì Viện kiểm sát ra quyết định: “Truy tố bị can trước Toà án bằng bản cáo trạng”, vậy bản cáo trạng trong điều luật trên và quyết định truy tố trong khoản 1 Điều 323 có giống nhau không? Bản cáo trạng là văn bản của Viện kiểm sát mà nội dung là những căn cứ để truy tố bị can trước Toà án. Phần cuối cùng của Bản cáo trạng là quyết định truy tố bị can của Viện kiểm sát. Nếu như theo khoản 1 Điều 323, Viện kiểm sát sẽ không phải trình bày toàn bộ những căn cứ áp dụng, nội dung của vụ án trong cáo trạng mà chỉ cần ra quyết định truy tố bị can trước Toà án bằng quyết định truy tố. Chúng tôi cho rằng, theo quy định của BLTTHS thì thủ tục truy tố là bắt buộc (vì đây là giới hạn của việc xét xử), Viện kiểm sát là cơ quan duy nhất có quyền truy tố bị can ra Toà án và Toà án phải dựa vào quyết định truy tố đó để đưa vụ án ra xét xử. Do vậy BLTTHS 2003 đã giản lược phần cáo trạng và giữ lại thủ tục truy tố là hợp lý, vừa đảm bảo thủ tục truy tố và xét xử tại phiên toà nhanh chóng mà vẫn đảm bảo được các quy định của thủ tục rút gọn theo đúng trình tự của BLTTHS. Trong trường hợp Viện kiểm sát ra các quyết định: tạm đình chỉ vụ án, trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát phải ra quyết định huỷ bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và vụ án được giải quyết theo thủ tục chung.

* Về xét xử

Việc xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn được tiến hành theo thủ tục chung. Tuy nhiên do trong giai đoạn truy tố BLTTHS 2003 đã lược bỏ cáo trạng chỉ còn quyết định truy tố cho nên việc xét xử theo thủ tục rút gọn sẽ khác thủ tục xét xử thông thường ở chỗ thay vì đọc cáo trạng, kiểm sát viên sẽ tóm tắt nội dung vụ việc và công bố quyết định truy tố. Có ý kiến cho rằng BLTTHS cần quy định giản lược một số thủ tục trong khi xét xử theo thủ tục này, ví dụ: Hội đồng xét xử theo thủ tục rút gọn chỉ cần một thẩm phán mà không cần có hai hội thẩm nhân dân tham gia, hay nếu trong khi xét xử bị cáo đã nhận tội thì không cần phải xét xử theo các trình tự như BLTTHS quy định mà có thể nghị án và tuyên án đối với bị cáo đó ngay. Theo chúng tôi các ý kiến này đều không hợp lý. Vì khi quy định Hội đồng xét xử chỉ có một thẩm phán thì đã vi phạm các nguyên tắc quy định tại Điều 15 (Thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm tham gia), Điều 16 (Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật), Điều 17 (Toà án xét xử tập thể)… Hoặc nếu trong khi xét xử bị cáo nhận tội thì Toà án có thể tuyên án về hành vi phạm tội mà bị cáo đã nhận là đã vi phạm nguyên tắc xác định sự thật của vụ án trong Điều 10 BLTTHS. Do đó quy định về xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn là hoàn toàn hợp lý không trái với các nguyên tắc của BLTTHS.

Về thời hạn của việc xét xử, cũng những lý do đã trình bày ở các phần trên về thời hạn điều tra, truy tố, thời hạn chuẩn bị để xét xử ở giai đoạn xét xử trong BLTTHS mới quy định là quá ngắn, Toà án không thể có đủ thời gian để chuẩn bị các công việc cần thiết như nghiên cứu hồ sơ, xem xét chứng cứ được cho nên cần kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử từ bảy ngày (theo khoản 1 và khoản 2 Điều 324) lên mười ngày ở mỗi điều khoản này.

Khoản 4 Điều 324 quy định: “Trong trường hợp cần thiết, Chánh án hoặc Phó chánh án Toà án cấp sơ thẩm quyết định tạm giam bị cáo để đảm bảo việc xét xử. Thời hạn tạm giam không được quá mười bốn ngày”. Từ sự phân tích trên, chúng tôi cho rằng cần tăng thời hạn tạm giam trong giai đoạn xét xử này là hai mươi ngày cho phù hợp.

Sau khi Toà án ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát phải ra quyết định huỷ bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và vụ án được giải quyết theo thủ tục chung. Tuy nhiên trong khoản 3 Điều 324 không quy định về việc Viện kiểm sát phải ra quyết định huỷ bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Do đó cần bổ sung cụm từ đó vào điều luật để đảm bảo sự thống nhất khi áp dụng pháp luật.

Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng nên quy định thủ tục rút gọn ở thủ tục phúc thẩm đối với loại án đã được rút gọn ở thủ tục sơ thẩm. Song theo chúng tôi không nên quy định rút gọn ở thủ tục phúc thẩm. Bởi vì phúc thẩm là thủ tục tố tụng tạo điều kiện để toà án cấp trên trực tiếp xem xét lại tính có căn cứ và hợp pháp của bản án, quyết định sơ thẩm đã được xét xử theo thủ tục rút gọn. Việc xét xử phúc thẩm trong trường hợp này cần được tiến hành theo thủ tục chung. Do đó chúng tôi cho rằng quy định như trong khoản 5 Điều 324 là phù hợp.

Tóm lại, đưa được thủ tục rút gọn vào trong BLTTHS sửa đổi, bổ sung 2003 là một điểm rất tiến bộ của các nhà làm luật. Tuy vẫn còn một số điểm thiếu sót nhưng thủ tục rút gọn này đã kế thừa các quy định về thủ tục này trong các văn bản pháp lý trước đây, trên cơ sở tham khảo quy định của các nước, có nghiên cứu tới điều kiện kinh tế xã hội, hệ thống pháp luật, tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp cũng như yêu cầu của công cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm của Việt Nam cho phù hợp.

MÔ HÌNH TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM – NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

NGUYỄN THÁI PHÚC*

*PGS.TS Luật học, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

1. Đặt vấn đề

Như bất kỳ những lĩnh vực hoạt động khác của con người, hoạt động tố tụng hình sự (TTHS) cũng chịu sự tác động của những quy luật khách quan nhất định. Những quy luật khách quan này là gì và tác động, ảnh hưởng chi phối của chúng như thế nào đến tổ chức hoạt động của TTHS trong lịch sử thế giới và lịch sử của mỗi quốc gia là một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với các nhà lập pháp. Xây dựng và hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hoạt động TTHS không thể là công việc chủ quan duy ý chí. Chỉ khi nào mà pháp luật TTHS được xây dựng trên nền tảng nhận thức của nhà lập pháp về những quy luật khách quan và những điều kiện tác động, chi phối của nó trong TTHS thì hoạt động của TTHS mới có thể đem lại những kết quả mong đợi. Chính vì nhu cầu thực tế này của cuộc sống mà từ cuối thế kỷ XIX khoa học TTHS đã có những nghiên cứu về sự đa dạng phong phú trong cách thức tổ chức hoạt động TTHS trên thế giới nói chung và ở mỗi quốc gia nói riêng trong tiến trình phát triển lịch sử hàng nghìn năm của TTHS để tìm ra những quy luật chung, những sự khác biệt và xu hướng vận động của hoạt động TTHS. Hướng nghiên cứu này trong khoa học TTHS được gọi là nghiên cứu về kiểu, mô hình TTHS hay còn gọi là mô hình hóa TTHS. Tri thức về mô hình TTHS là nền tảng giúp chúng ta có được phương pháp luận phù hợp khi đưa ra những giải pháp hoàn thiện pháp luật TTHS của mình.

2. Khoa học TTHS Xô Viết về kiểu và mô hình TTHS

Theo quan điểm của khoa học TTHS Xô Viết, TTHS cũng như các chế định pháp lý khác gắn liền với nhà nước, chịu tác động của quy luật tiến hóa, cùng vận động và phát triển với nhà nước. Tương ứng với mỗi kiểu nhà nước là mỗi kiểu TTHS nhất định. Cũng như kiểu nhà nước, kiểu TTHS là tổng hợp toàn bộ các dấu hiệu của nó đặc trưng cho một hình thái kinh tế – xã hội nhất định. Lịch sử phát triển tự nhiên của xã hội loài người đã biết đến 4 kiểu TTHS khác nhau, thay thế lẫn nhau: TTHS kiểu chiếm hữu nô lệ, TTHS kiểu phong kiến, TTHS kiểu tư sản, TTHS kiểu XHCN. Cách tiếp cận này cho chúng ta thấy mối quan hệ có tính phụ thuộc, bị chi phối về bản chất của TTHS trong quan hệ với chế độ xã hội nhà nước mà nó tồn tại, trong đó vai trò của TTHS như là một chế định công bảo vệ các quan hệ xã hội thống trị trong nhà nước. Trong cùng một kiểu TTHS có thể có những hình thức (mô hình) TTHS khác nhau (cũng giống như trong một kiểu nhà nước có thể có nhiều hình thức nhà nước khác nhau). Các điều kiện lịch sử cùng nhiều yếu tố khác như dân tộc, văn hóa, tôn giáo, kinh tế, truyền thống pháp lý… trong từng quốc gia cụ thể đã hình thành cách thức giải quyết những nhiệm vụ chủ yếu của TTHS khác nhau. Đó chính là lời giải thích sự hình thành các mô hình TTHS khác nhau ở các quốc gia có cùng một kiểu nhà nước hoặc các quốc gia có kiểu nhà nước khác nhau nhưng có thể có mô hình TTHS giống nhau. Lịch sử đã biết đến 4 mô hình TTHS tồn tại ở các kiểu TTHS trong những thời kỳ khác nhau: Mô hình TTHS buộc tội (tố cáo); Mô hình TTHS xét hỏi (inquisitio); Mô hình TTHS tranh tụng; Mô hình TTHS pha trộn (hỗn hợp).

Khoa học TTHS Xô Viết phân biệt khái niệm “kiểu TTHS” với khái niệm “mô hình TTHS” hay “hình thức TTHS”. Nếu như khái niệm kiểu TTHS được xác định bởi quá trình lịch sử thống nhất thì khái niệm mô hình TTHS bị chi phối bởi nhiều yếu tố như đặc thù văn hóa, lịch sử, truyền thống pháp lý, tôn giáo… Mô hình TTHS phản ánh những tính chất, đặc điểm của hoạt động TTHS – những yếu tố có thể thay đổi trong phạm vi của một kiểu TTHS do tác động của những điều kiện lịch sử cụ thể tồn tại ở mỗi quốc gia. Mô hình TTHS lịch sử là cách thức tổ chức hoạt động TTHS và cách thức tổ chức này quyết định địa vị tố tụng của các chủ thể tham gia hoạt động TTHS như thế nào và nguồn động lực của hoạt động TTHS là gì: là hoạt động tích cực của các bên tranh tụng hay là hoạt động tích cực của các cơ quan nhà nước mà trước hết là cơ quan Tòa án hay là sự kết hợp cả hai.

Trường phái về mô hình TTHS của khoa học TTHS Xô Viết được thừa nhận là có những hạt nhân hợp lý, có tính logic nội tại cao, làm rõ mối quan hệ giữa hoạt động TTHS với bản chất nhà nước, với các điều kiện lịch sử cụ thể… Bên cạnh đó trường phái này cũng bị phê phán là đã không phản ánh đúng trình tự hoạt động TTHS và quá trình tiến hóa của nó.

Khoa học TTHS ở Liên Bang Nga hiện nay không phân biệt các khái niệm “kiểu TTHS” và “hình thức TTHS” hay “mô hình TTHS”. Các khái niệm này được sử dụng như là đồng nghĩa với nhau. Có ba trường phái hay ba phương pháp tiếp cận về mô hình TTHS.

Trường phái thứ nhất là trường phái mô hình TTHS lý thuyết. Những người theo quan điểm này đã không hoàn toàn lệ thuộc vào tiến trình lịch sử của TTHS mà ngược lại, từ chính tiến trình lịch sử đó họ đã khái quát về mặt lý thuyết, xây dựng những đặc điểm lý luận của các mô hình TTHS cụ thể. Cơ sở phân loại các mô hình TTHS là tiêu chí: có hay không có tranh chấp – xung đột pháp lý giữa các bên tranh tụng bình đẳng với nhau trước Tòa án (TA) độc lập. Có – đó là TTHS tranh tụng. Không có – đó là TTHS thẩm vấn. Nếu như tranh chấp giữa các bên chỉ có ở một số giai đoạn của TTHS thì TTHS là mô hình pha trộn. Các mô hình TTHS này gọi là mô hình TTHS lý thuyết vì chúng chỉ tồn tại trong lý luận khoa học chứ không tồn tại ở hình thức nguyên mẫu trong lịch sử của TTHS. Có ba mô hình TTHS lý thuyết là mô hình tranh tụng, mô hình xét hỏi và mô hình pha trộn.

Mô hình tranh tụng có những đặc điểm sau đây:

+ Có hai bên tranh tụng đối trọng nhau là bên buộc tội và bên bào chữa.

+ Hai bên này hoàn toàn bình đẳng với nhau về địa vị tố tụng.

+ TA hoàn toàn độc lập đối với các bên.

Mô hình tranh tụng đòi hỏi áp dụng phương pháp điều chỉnh pháp luật là phương pháp trọng tài dựa trên tự do và độc lập ý chí của các chủ thể tham gia hoạt động tố tụng. Phương pháp điều chỉnh này dựa trên yếu tố tự định đoạt và mệnh lệnh: thừa nhận quyền tự định đoạt của các bên và quyết định có tính bắt buộc thi hành của TA (Trọng tài). Bản thân các bên không thể tự mình tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến bên tranh tụng kia. TA chỉ giải quyết vụ án trên cơ sở yêu cầu của các bên chứ không tự ý giải quyết những gì ngoài yêu cầu của các bên. TA không thể thực hiện bất kỳ hành vi nào thuộc chức năng buộc tội hay chức năng bào chữa. TA tiến hành hoạt động của mình trên cơ sở có sự buộc tội của bên buộc tội đưa ra và chỉ giới hạn hoạt động trong phạm vi buộc tội. Điều này dẫn đến hệ quả: sự tranh tụng của các bên xung quanh sự buộc tội chính là động lực làm cho hoạt động TTHS tiến triển, vận động lên phía trước. Không có buộc tội – không có tố tụng. Đây là một trong những quy tắc quan trọng của tranh tụng trên cơ sở thừa nhận vai trò độc lập của TA.

Mô hình TTHS thẩm vấn là mô hình TTHS mà trong đó các chức năng cơ bản như chức năng buộc tội, chức năng bào chữa, chức năng xét xử tập trung vào một cơ quan nhà nước. Mô hình này có các dấu hiệu đặc trưng như sau:

+ Không có các bên độc lập vì hoạt động tích cực của các bên bị thay thế bởi hoạt động của cơ quan nhà nước trong TTHS – cơ quan tiến hành tố tụng.

+ Bị cáo hoàn toàn phụ thuộc vào cơ quan tiến hành tố tụng và là đối tượng xem xét của những cơ quan này.

+ Không có tranh chấp pháp lý của các bên, thay vào đó là ý chí của nhà nước, của pháp luật và ý chí của nhà nước là động lực của TTHS.

Ở góc độ pháp lý, mô hình TTHS thẩm vấn chính là sự vận dụng phương pháp điều chỉnh mệnh lệnh hành chính vào hoạt động TTHS.

Như vậy phương pháp tiếp cận này không gắn vấn đề nghiên cứu hoạt động TTHS với tiến trình lịch sử của nó, chỉ khái quát, rút tỉa những đặc trưng, thuộc tính của TTHS tồn tại trong những quốc gia khác nhau trong những khoảng thời gian khác nhau để thấy được những gì chung nhất, điển hình nhất của mỗi mô hình TTHS. Theo cách tiếp cận này thì không có vấn đề thay thế nối tiếp nhau của các mô hình TTHS. Mô hình TTHS tranh tụng và mô hình TTHS thẩm vấn là đối lập nhau và mô hình TTHS pha trộn là sự quá độ chuyển tiếp giữa chúng. Bất kỳ hoạt động TTHS nào trong thực tế cũng là mô hình TTHS pha trộn với những biến đổi theo một trong hai hướng: pha trộn thiên về thẩm vấn hoặc pha trộn thiên về tranh tụng.

Phương pháp tiếp cận này có ưu điểm đã lấy vấn đề cốt lõi nhất – thuộc tính của TTHS – làm căn cứ phân loại. Đấy chính là tiêu chí nguyên tắc tổ chức hoạt động TTHS. TTHS cần được tổ chức theo cách nào? Theo cách của quan hệ hành chính hay theo cách của tố tụng TA? Nguyên tắc này xét cho cùng lại phụ thuộc vào việc thừa nhận vụ án hình sự có phải là một tranh chấp pháp lý giữa các bên bình đẳng với nhau hay không. Cách tiếp cận này có tính lôgic cao và đưa ra được hệ thống các mô hình TTHS hoàn chỉnh. Mô hình TTHS tranh tụng hay thẩm vấn được xem như là chuẩn mực khi nghiên cứu để tự đánh giá về TTHS của mỗi quốc gia cụ thể. Bên cạnh đó phương pháp tiếp cận này có một số hạn chế nhất định như không phản ánh được quy luật phát triển của TTHS, không thấy được sự thay thế nối tiếp nhau giữa các mô hình TTHS theo một trình tự lịch sử nhất định. Từ đó có thể dẫn đến kết luận sai lầm là người làm luật có thể lựa chọn theo ý thích chủ quan của mình mô hình TTHS tranh tụng hay thẩm vấn khi xây dựng pháp luật TTHS ở quốc gia mình. Phương pháp này chỉ nhìn thấy mối quan hệ giữa các yêu tố bên trong của TTHS, không nhìn thấy lý do, nguyên nhân hình thành hoặc thay thế các mô hình TTHS – tức là mối liên hệ bên ngoài giữa TTHS với các điều kiện lịch sử, chính trị, văn hóa, xã hội, nhà nước, dân tộc… Phương pháp này chưa cho thấy sự khác nhau giữa tranh tụng TTHS với tranh tụng TTDS.

Trường phái thứ hai là trường phái mô hình TTHS quốc gia truyền thống. Mô hình TTHS quốc gia truyền thống là cách thức tổ chức hoạt động TTHS bị chi phối bởi những đặc thù văn hóa – xã hội, tôn giáo, truyền thống pháp lý… của quốc gia và của khu vực. Trường phái này tiếp cận mô hình TTHS theo đặc thù quốc gia bằng cách nghiên cứu các mô hình TTHS đã hoặc đang tồn tại thực tế ở các quốc gia nhất định. Tiêu chí phân loại các mô hình TTHS là những dấu hiệu đặc thù của TTHS trong một số quốc gia cụ thể ở một số khu vực địa lý nhất định có đặc điểm riêng về dân tộc, tôn giáo, địa lý, truyền thống pháp lý… Phương pháp tiếp cận này phủ nhận quá trình lịch sử thống nhất đối với các mô hình TTHS bởi lẽ các mô hình TTHS quốc gia phụ thuộc vào các điều kiện xã hội, văn hóa, lịch sử của các nền văn minh khác nhau. Các mô hình TTHS không chuyển tiếp, thâm nhập nhau mà tự thân tồn tại và phát triển. Phương pháp này phân biệt:

+ Mô hình TTHS Rôman – Đức hay còn gọi là mô hình TTHS lục địa với đặc trưng về luật thành văn điều chỉnh hoạt động TTHS (Một số tác giả phân biệt mô hình TTHS của Đức với mô hình TTHS của Pháp như là hai mô hình TTHS độc lập).

+ Mô hình TTHS Anh – Mỹ hay TTHS của các quốc gia theo thông luật với đặc thù là coi trọng yếu tố thực tiễn xét xử thể hiện trong các bản án của TA (án lệ).

+ Mô hình TTHS tập quán pháp với đặc thù hoạt động TTHS chủ yếu dựa vào tư tưởng pháp luật (ý thức pháp luật) với sự ảnh hưởng của tôn giáo thí dụ như các hệ thống TTHS của các quốc gia hồi giáo.

Phương pháp này cho thấy mối quan hệ giữa các yếu tố quốc gia đặc thù với cách thức tổ chức TTHS, giữa đặc thù văn hóa – xã hội với đặc thù mô hình TTHS nhưng lại có hạn chế là không thấy được quy luật chung giữa các mô hình TTHS, không thấy được sự kế thừa giữa chúng.

Trường phái thứ ba là trường phái mô hình TTHS lịch sử. Trường phái này đưa ra khái niệm về mô hình TTHS lịch sử. Đó là cách thức tổ chức hoạt động TTHS điển hình trong từng giai đoạn phát triển lịch sử của xã hội loài người và chịu sự chi phối bởi mối quan hệ giữa tự do cá nhân và nhà nước, giữa lợi ích riêng của cá nhân và lợi ích chung của nhà nước, của xã hội. Những người theo trường phái này đã khái quát toàn bộ quá trình phát triển lịch sử TTHS để chỉ ra quy luật chung và xu hướng vận động của tiến trình lịch sử đó vì họ cho rằng chỉ có một tiến trình phát triển lịch sử của TTHS, một xu thế chung trong tiến trình phát triển của xã hội loài người. Giống như trường phái khoa học TTHS Xô Viết trước đây, những người theo trường phái này lấy tiêu chí thay thế lẫn nhau của các hình thái kinh tế – xã hội làm cơ sở phân loại các mô hình TTHS nhưng không nhấn mạnh yếu tố bản chất giai cấp của chúng. Phương pháp tiếp cận này chú trọng nghiên cứu các quy luật khách quan thay thế các mô hình TTHS. Các mô hình TTHS đều có quy luật chung trong quá trình phát triển của mình.

Trường phái này phân biệt ba mô hình TTHS lịch sử:

+ TTHS buộc tội sơ khai. Mô hình này hình thành ở thời kỳ nhà nước chiếm hữu nô lệ và tồn tại đến thời kỳ đầu của nhà nước phong kiến. Đặc trưng của mô hình này là địa vị tố tụng hết sức đặc biệt của người buộc tội. Thông thường người bị hại đồng thời là người buộc tội. Người buộc tội quyết định sự khởi đầu của vụ án – khởi tố vụ án hay không khởi tố – cũng như tiến trình của vụ án – đình chỉ hay không đình chỉ. Hệ thống chứng cứ được thừa nhận như là căn cứ giải quyết vụ án nhưng chịu sự ảnh hưởng nặng nề của các quan điểm tôn giáo, tập quán thời đó. Chân lý khách quan của vụ án được xác định bằng hình thức thách đấu, thử thách bằng lửa, bằng nước. Các bên tranh chấp phải tuân thủ những thủ tục và phải vượt qua những thách đấu thử thách như vậy trước sự chứng kiến của TA (trọng tài) để chứng minh lẽ phải thuộc về mình.

+ TTHS thẩm vấn trung cổ. Mô hình TTHS này xuất hiện trong xã hội chiếm hữu nô lệ nhưng phát triển mạnh nhất, phổ biến nhất trong xã hội phong kiến thời kỳ quân chủ – chuyên chế. Đầu tiên mô hình này tồn tại trong các luật lệ của giáo hội với hoạt động của TA dị giáo – TA xét xử những người có quan điểm khác với quan điểm chính thống của giáo hội. Về sau mô hình này được mở rộng ra xã hội dân sự thành mô hình hoạt động của TA nhà nước. Vụ án hình sự có thể được bắt đầu từ những tin đồn, mật báo. Có sự phân biệt hoạt động điều tra sơ bộ và hoạt động này không mang tính công khai đối với bị can. Các giáo chủ là người tiến hành hoạt động điều tra thu thập chứng cứ để làm rõ tin đồn về sự kiện tội phạm và chuyển vụ án ra Tòa để xét xử. Bị can luôn được suy đoán là có tội và luật lệ cho phép áp dụng tra tấn, nhục hình với bị can như là cách thức thu thập chứng cứ. Ở Đức thời kỳ đó ước tính có từ 60 đến 70 hình thức tra tấn khác nhau. Bị can hầu như bị tước đoạt khả năng bào chữa, không được thừa nhận là chủ thể tham gia hoạt động TTHS mà ngược lại, là đối tượng của hoạt động TTHS. TA có vai trò tích cực trong hoạt động tố tụng, thâu tóm vào tay mình cả ba chức năng cơ bản của TTHS: vừa buộc tội, vừa bào chữa, vừa xét xử. Hệ thống chứng cứ được xây dựng trên cơ sở những quy định chặt chẽ về cách đánh giá chứng cứ theo những chuẩn mực giá trị nhất định (đánh giá chứng cứ hình thức). Thí dụ như lời nhận tội của bị cáo là “chứng cứ vua”, lời khai của phụ nữ có giá trị chứng minh ít hơn so với lời khai của nam giới, lời khai của người giàu trung thực, đáng tin cậy hơn lời khai của người nghèo… Hệ thống chứng cứ này dù sao cũng được nhìn nhận là một sự tiến bộ vì ý chí của pháp luật cũng đã thay thế cho sự tùy tiện của thẩm phán. Mô hình TTHS này tuyệt đối hóa lợi ích nhà nước, đặt lợi ích nhà nước lên trên hết và xem thân phận của bị can như là phương tiện để đạt tới mục đích có ý nghĩa xã hội là chân lý của vụ án. Nhưng lịch sử đã cho thấy chính sự chà đạp lên quyền con người của bị can lại là yếu tố cản trở việc thực hiện mục đích đó và là nguyên nhân phổ biến của những sai lầm tư pháp.

+ Mô hình TTHS tranh tụng. Mô hình này phổ biến ở những quốc gia có truyền thống thông luật. Nó ra đời đầu tiên ở Anh, sau đó được phổ biến ở các nước vốn là thuộc địa của Anh. Mô hình này thừa nhận hoạt động TTHS là quá trình giải quyết tranh chấp pháp lý giữa một bên là đại diện nhà nước và một bên là công dân bị cáo buộc là đã thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm trước một TA – trọng tài vô tư. Đoàn bồi thẩm – đại diện cho dân chúng cũng tham gia vào việc xét xử. Trong cuộc đấu pháp lý này, hai bên tranh chấp đều có những khả năng pháp lý như nhau để bảo vệ quyền, lợi ích của mình. Tranh tụng giữa hai bên bắt đầu ngay từ giai đoạn trước xét xử. TA đánh giá chứng cứ theo nguyên tắc tự do, theo niềm tin nội tâm của mình.

So sánh hai mô hình TTHS này – theo tài liệu của Law Society of Upper Canada[1] – thì hai mô hình này đều có những bước tố tụng giống nhau (điều tra, truy tố chuyển sang tòa án để xét xử và mở phiên tòa xét xử), đều hướng đến việc tìm ra sự thật khách quan của vụ án nhưng cách thức tìm sự thật khách quan đó lại rất khác nhau. Khác nhau về cách thức tiến hành từng bước, về vai trò của các chủ thể tham gia hoạt động tố tụng, về sự kết nối giữa các bước với nhau. Thí dụ như mô hình TTHS thẩm vấn coi trọng bước điều tra. Viện công tố tham gia tích cực trong bước này, là người chỉ đạo và giám sát hoạt động điều tra của cảnh sát. Kết quả điều tra được lưu giữ và phản ánh trong hồ sơ vụ án. Viện công tố là người quyết định truy tố ra trước tòa để xét xử. Trong khi đó trong mô hình TTHS tranh tụng thì vai trò của Viện công tố rất mờ nhạt vì không có trách nhiệm trong hoạt động điều tra. Toàn bộ hoạt động điều tra do cảnh sát tiến hành. Kết quả điều tra được tổng hợp bằng nhiều phương thức khác nhau và không có hồ sơ chính thức của vụ án và không được chuyển trước cho thẩm phán trước khi mở phiên tòa xét xử. Làm như vậy là không hợp lệ. Một điểm khác biệt nữa là TA trong mô hình TTHS thẩm vấn có vai trò tích cực, trực tiếp thẩm vấn và đóng vai trò chính trong thẩm vấn công khai tại phiên tòa. Còn TA trong mô hình TTHS tranh tụng có vai trò thụ động, rất ít khi hoặc không tham gia thẩm vấn mà chỉ là người điều khiển phần thẩm vấn cũng như phần tranh luận của các bên. Do TA không biết trước hồ sơ vụ án nên sự tranh tụng giữa hai bên là nội dung chủ yếu của phiên tòa và nhiệm vụ của các bên trong quá trình tranh tụng là thuyết phục TA chấp nhận yêu cầu của mình. Trên thế giới có 48% quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng mô hình thẩm vấn trong khi mô hình tranh tụng chỉ chiếm 19%[2].

Ba mô hình TTHS này thay thế lẫn nhau như tất yếu lịch sử. Vậy thì yếu tố nào quyết định sự thay thế các mô hình TTHS này? Sự phát triển của pháp luật nói chung và của TTHS nói riêng phụ thuộc vào mối quan hệ giữa lợi ích của cá nhân và lợi ích nhà nước. Mối quan hệ này thể hiện mâu thuẫn cơ bản giữa cá nhân và tập thể trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mức độ tự do của con người là một tiêu chí cơ bản phản ánh sự phát triển của pháp luật nói chung và của pháp luật TTHS nói riêng. Tự do cá nhân được phản ánh trong địa vị tố tụng của các chủ thể tham gia TTHS. Mối quan hệ giữa nhà nước và cá nhân là yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động TTHS. Đây là căn cứ phân loại của trường phái mô hình TTHS lịch sử. Nền tảng tiến hóa các mô hình TTHS trong lịch sử chính là sự phát triển của tự do cá nhân. Mức độ quan hệ giữa tự do cá nhân và lợi ích của nhà nước khác nhau trong từng thời kỳ lịch sử và tương ứng với từng thời kỳ lịch sử đó là các mô hình TTHS khác nhau. Toàn bộ lịch sử phát triển của TTHS phân chia thành ba giai đoạn cơ bản:

+ Giai đoạn mà lợi ích nhà nước nhượng bộ trước lợi ích cá nhân. Tương ứng là mô hình TTHS tư – tranh tụng (TTHS buộc tội sơ khai).

+ Giai đoạn mà lợi ích nhà nước bao trùm toàn bộ lợi ích cá nhân, bao trùm cá nhân. TTHS là hoạt động không có lợi ích cá nhân. Tương ứng là mô hình TTHS thẩm vấn trung cổ (inquisitio).

+ Giai đoạn bảo đảm quyền và sự tham gia của cá nhân trong TTHS với sự thừa nhận lợi ích nhà nước là yếu tố tiên quyết trong TTHS. Tương ứng là mô hình TTHS công – tranh tụng.

Như vậy mô hình TTHS lịch sử được xác định bởi quan hệ giữa tự do cá nhân và nhà nước, giữa lợi ích tư và lợi ích công. Nếu tổ chức hoạt động TTHS nghiêng về lợi ích tư thì đó là mô hình TTHS tư – tranh tụng. Nếu nghiêng về lợi ích công: mô hình TTHS thẩm vấn. Nếu có sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích tư và lợi ích công: mô hình TTHS công – tranh tụng.

Ưu điểm của phương pháp tiếp cận này thể hiện ở chỗ: bất kỳ mô hình TTHS lịch sử nào cũng có thể được xem xét như là sự thể hiện quy luật thay thế các mô hình TTHS và trên cơ sở đó có thể xác định mô hình TTHS tiếp theo cần phải có là mô hình nào và cần phải sửa BLTTHS như thế nào để hoàn thiện hoạt động TTHS. Phương pháp tiếp cận này phù hợp với xu hướng chung hiện nay là thừa nhận quan hệ giữa cá nhân và nhà nước là cốt lõi của mọi hoạt động trong đó có hoạt động TTHS. Nó cho phép thấy được sự khác biệt giữa tranh tụng trong TTHS với tranh tụng trong TTDS. Tuy vậy các mô hình TTHS lịch sử này vẫn còn quá trừu tượng và dù trường phái này không muốn nhấn mạnh về bản chất giai cấp khi phân loại mô hình TTHS nhưng chính tiêu chí phân loại – mối quan hệ giữa lợi ích tư và lợi ích nhà nước – đã cho thấy sự phụ thuộc của mô hình TTHS với bản chất nhà nước ở chừng mực nhất định.

Nghiên cứu mô hình TTHS có ý nghĩa to lớn về nhận thức. Kết quả của nó cho chúng ta tri thức có tính hệ thống về các mô hình TTHS, về sự đa dạng của nó và về các quy luật chi phối sự đa dạng đó. Nó cũng cho chúng ta thấy rõ vai trò của TTHS trong đời sống xã hội, mối quan hệ của TTHS với nhà nước và pháp luật. Nghiên cứu về mô hình TTHS còn có ý nghĩa về phương pháp luận. Kết quả nghiên cứu của nó là cơ sở khoa học cho việc xác định hướng giải quyết những nội dung cụ thể của TTHS, hướng hoàn thiện BLTTHS trong mỗi nhà nước ở từng giai đoạn phát triển của mình và chính điều này là nhân tố bảo đảm hiệu quả của chúng trong thực tiễn.

Nghiên cứu vấn đề mô hình TTHS cho chúng ta một số kết luận đáng chú ý sau đây:

- Mỗi trường phái mô hình hóa TTHS đều có những hạt nhân hợp lý của nó và đều có những hạn chế không tránh khỏi. Vấn đề là chúng ta phải biết gắn nhiệm vụ cụ thể của chúng ta với hạt nhân hợp lý của từng phương pháp tiếp cận để có thể có giải pháp thuyết phục và tối ưu. Thí dụ như chúng ta muốn hoàn thiện TTHS của mình thì trước khi giải bài toán hoàn thiện TTHS Việt Nam như thế nào chúng ta phải trả lời TTHS Việt Nam có những dấu hiệu đặc trưng của mô hình TTHS nào? Mô hình TTHS thẩm vấn? Mô hình TTHS tranh tụng hay mô hình TTHS pha trộn? Quá trình hình thành và tồn tại của TTHS Việt Nam chịu sự ảnh hưởng và tác động của những yếu tố bên ngoài đặc trưng nào? Những yếu tố bên trong nào cũng có tác động chi phối hoạt động TTHS mà chúng ta không thể bỏ qua được, chẳng hạn như yếu tố bản chất nhà nước CHXHCN Việt Nam có thể có ảnh hưởng đến cách thức tổ chức và hoạt động của TTHS nước ta hay không? Bằng cách tiếp cận của trường phái mô hình TTHS lý thuyết tôi cho rằng mô hình TTHS của chúng ta hiện nay là mô hình TTHS pha trộn vì nó vừa có những đặc điểm của mô hình TTHS thẩm vấn, vừa có đặc điểm của mô hình TTHS tranh tụng. Cụ thể là sự hạn chế tranh tụng trong giai đoạn điều tra do có cách biệt về sự bình đẳng trong địa vị tố tụng của các bên, do hạn chế tính công khai của kết quả điều tra, kết quả điều tra được phản ánh trong hồ sơ chính thức và là cơ sở cho hoạt động xét xử của TA. TA nghiên cứu hồ sơ trước khi mở phiên toà xét xử và có vai trò tích cực trong quá trình xét hỏi (dấu hiệu của mô hình TTHS thẩm vấn). Bên cạnh đó không thể phủ nhận là quá trình tranh tụng đã bắt đầu từ giai đoạn điều tra mặc dù lúc này tranh tụng vẫn là tranh tụng giữa các bên chưa thật sự bình đẳng về địa vị tố tụng. Nhưng đến phiên tòa sơ thẩm thì tranh tụng đã là tranh tụng công khai giữa các bên hoàn toàn bình đẳng về địa vị tố tụng trong hoạt động chứng minh trước TA. Bên buộc tội có quyền gì thì bên bào chữa cũng có quyền tương tự. Các chức năng cơ bản trong TTHS do các chủ thể khác nhau thực hiện, sự tách bạch về chức năng này tương đối rõ ràng mặc dù chưa thật triệt để (dấu hiệu của mô hình TTHS tranh tụng). Lịch sử hình thành và phát triển TTHS ở nước ta cũng cho thấy quá trình này chịu sự ảnh hưởng to lớn của mô hình TTHS của Pháp và Xô viết mà hai mô hình này là hai mô hình TTHS lục địa đã tiếp thu nhân tố tích cực của mô hình tranh tụng nên được thừa nhận là mô hình pha trộn.

- Mỗi mô hình TTHS đều có những thế mạnh và đồng thời đều có những hạn chế của nó. Không có mô hình TTHS nào là tuyệt đối hoàn hảo. Thí dụ như mô hình tranh tụng có mặt mạnh là hoạt động tố tụng có tính tranh tụng tích cực của các bên đã tạo điều kiện cần thiết, khách quan cho hoạt động xét xử của TA, hạn chế oan sai nhưng cũng có hạn chế là thủ tục, trình tự tố tụng thường kéo dài về thời gian, phức tạp và tốn kém. Đoàn bồi thẩm với 12 thành viên tham gia xét xử làm cho nhiệm vụ bảo vệ cáo trạng của bên buộc tội khó khăn hơn nhiều so với xét xử không có đoàn bồi thẩm, chỉ có 2 hội thẩm tham gia trong Hội đồng xét xử. Điều này có lợi cho bị cáo, cho công lý. Nhưng ở khía cạnh tài chính thì đương nhiên là chi phí cho 12 thành viên đoàn bồi thẩm tốn kém nhiều hơn so với chi phí cho hai hội thẩm nhân dân.

3. Thực trạng và hướng hoàn thiện mô hình TTHS ở nước ta

Trên cơ sở xác định mô hình TTHS hiện nay của nước ta là mô hình pha trộn, chịu sự ảnh hưởng lớn của mô hình TTHS lục địa, vấn đề tiếp theo là chúng ta hoàn thiện mô hình TTHS này theo hướng nào? Có quan điểm đề xuất là tiến tới xây dựng TTHS ở Việt Nam theo kiểu tranh tụng.[3] Theo ý kiến của chúng tôi thì quan điểm này quá dễ dãi và không thuyết phục ở góc độ thực tiễn cũng như lý luận. Trên thế giới đã có tiền lệ chuyển đổi một cách máy móc từ mô hình TTHS này sang mô hình TTHS khác. Đó là trường hợp của Italy chuyển đổi từ mô hình TTHS thẩm vấn sang mô hình TTHS tranh tụng vào năm 1989 (bỏ không sử dụng hồ sơ vụ án, mọi chứng cứ chỉ được xuất trình đầu tiên tại phiên tòa…). Nhưng kết quả không khả quan, có nhiều trục trặc, nên năm 1992 Italy lại quyết định quay trở lại mô hình TTHS truyền thống của mình. Ở khía cạnh khoa học thì quan điểm về mô hình TTHS pha trộn là cơ sở lý luận về khả năng tiếp nhận và giao thoa giữa các mô hình TTHS khác nhau mà không cần phải chuyển đổi làm mất đi đặc thù vốn có của mình. Thực tiễn lịch sử TTHS thế giới cũng cho thấy xu hướng tiếp nhận, giao thoa những yếu tố tích cực giữa mô hình TTHS thẩm vấn và mô hình TTHS tranh tụng. Bản thân các mô hình TTHS này trong thực tế không còn tồn tại ở dạng nguyên mẫu mà đã có nhiều thay đổi, chỉ giữ lại những nội dung cơ bản nhất mà thôi. Thí dụ như mô hình TTHS tranh tụng đã tiếp thu chế định xét xử phúc thẩm của mô hình TTHS thẩm vấn, còn mô hình TTHS thẩm vấn đã tiếp thu và mở rộng hơn tranh tụng giữa các bên trong giai đoạn điều tra. Như vậy giải pháp đúng trong việc hoàn thiện mô hình TTHS Việt Nam là phải xuất phát từ đặc thù lịch sử, đặc thù về chế độ nhà nước – những đặc thù mà chúng ta không thể thoát ly được – như sự ảnh hưởng lớn của mô hình TTHS Pháp và Xô Viết, nhà nước pháp quyền XHCN… tiếp tục mở rộng những yếu tố tranh tụng ở phiên tòa sơ thẩm cũng như ở giai đoạn điều tra với mức độ có khác nhau. Nói một cách khác là tiếp tục hoàn thiện mô hình pha trộn theo hướng thiên về tranh tụng hơn nữa.

Cần mở rộng tối đa tính tranh tụng của phiên tòa sơ thẩm và điều này được xem là khâu đột phá. Phiên tòa sơ thẩm tranh tụng không chỉ thay đổi hoạt động của những người tham gia phiên tòa, tạo tiền đề khách quan nhất, cần thiết nhất cho bản án công minh mà còn tác động lan tỏa tích cực đến các chủ thể tố tụng khác, đến các giai đoạn tố tụng khác. Người hưởng lợi ở đây là ai? Người hưởng lợi đầu tiên ở đây là bị cáo. Tiếp theo là uy tín của các cơ quan tố tụng, của nền tư pháp nước nhà. Phiên tòa sơ thẩm tranh tụng chính là con đường duy nhất để lấy lại niềm tin của người dân về công lý, về cơ quan TA. Đó cũng chính là một trong những mục tiêu của cải cách tư pháp đang được tiến hành ở nước ta hiện nay. Tuy cải cách tư pháp đã triển khai được nhiều năm nhưng dường như chưa tạo được những thay đổi cần thiết trong hoạt động TTHS. Báo Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh cách đây không lâu đăng tải nhiều bài viết về những chuyện lạ xoay quanh việc xét xử các vụ án hình sự[4]. Không là chuyện lạ sao được khi mà Hội đồng xét xử thay vì phải là trọng tài vô tư khách quan tại phiên tòa thì lại là người “dồn ép” bị cáo theo hướng kết tội như một công tố viên thứ hai. Tòa xét hỏi bị cáo mà không khác gì đang buộc tội bị cáo. Tòa “quay” bị cáo cho ra đầu ra đũa. Còn vị công tố đích thực – người đại diện cho nhà nước buộc tội bị cáo trước tòa – lại thụ động trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của mình vì đã có Tòa “giúp”, không tranh tụng, lấy “im lặng là vàng”. Trong khi luật sư “hăng như gà chọi” thì Viện lại lạnh tanh… Một phiên tòa như vậy có đáp ứng được yêu cầu về tranh tụng mà Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị ngày 02/01/2002 đã đặt ra hay không? Tại phiên họp sáng 27/3/2007 của Quốc hội khóa XI thảo luận về các Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Viện trưởng VKSNDTC và Chánh án TANDTC, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cũng đã đặt câu hỏi “Xét xử ở TA ở ta đã thực sự là tranh tụng chưa? Có bao nhiêu phần trăm các vụ án đã diễn ra theo đúng tinh thần tranh tụng hay vẫn là nửa tranh tụng, nửa “bỏ túi”? Một nửa tranh tụng vẫn là chưa tranh tụng. Điều này giống như người ta thường nói “một nửa cái bánh mỳ vẫn là cái bánh mỳ nhưng một nửa chân lý thì chưa phải là chân lý”. Từ thời cổ đại các nhà triết học đã nói chân lý nảy sinh trong tranh luận và tranh luận lại là hình thức chủ đạo của tranh tụng. Chân lý là khách quan – tức là những gì mà chúng ta nhận thức được phù hợp với thực tại khách quan. Bản án – quyết định phán xử của TA – về nguyên tắc phải là chân lý. Chính vì lẽ đó mà chúng ta mới cần đến TA. Nếu không có nhu cầu và khát vọng về chân lý – sự thật khách quan trong các tranh chấp pháp lý như ai đúng ai sai, có tội hay không có tội – thì đã không có sự ra đời của một cơ quan có chức năng đặc thù là cơ quan TA trong bộ máy nhà nước. Nói đến TA là nói đến chức năng xét xử. Tranh tụng là một yêu cầu khách quan, cần thiết để TA thực hiện chức năng xét xử của mình một cách tốt nhất. Điều này có nghĩa khi chưa có tranh tụng tại các phiên tòa thì chưa thể nói đến chân lý, chưa thể nói đến các bản án công minh, đúng người, đúng tội, tâm phục, khẩu phục được. Cuối cùng thì ai sẽ phải trả giá cho những phiên tòa như vậy? Người phải trả giá đầu tiên đó là bị cáo. Những trả giá tiếp theo là uy tín của TA, là niềm tin của người dân về công lý trong xã hội…

Vấn đề đặt ra là vì sao lại có thực trạng đó và giải pháp khắc phục nó như thế nào? Có ý kiến cho rằng nguyên nhân của thực trạng trên là “thói quen do lịch sử để lại” và giải pháp khắc phục là phải bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho thẩm phán và kiểm sát viên. Có ý kiến khác cho rằng nguyên nhân chính là do luật. Luật chưa quy định rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ của TA, của Viện kiểm sát (VKS) khiến cho vai trò của hai bên còn nhập nhằng, trộn lẫn vào nhau. Trách nhiệm tìm sự thật của vụ án đã đặt lên vai TA và khi VKS chỉ buộc tội mà không thèm chứng minh thì TA phải thay VKS. TA cũng phải hỏi, phải xử nếu không thì vụ án sẽ bế tắc. Luật quy định chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có cả TA. Vì quy định đó mà TA đã cùng với VKS buộc tội bị cáo. Giải pháp khắc phục ở đây là phải sửa luật.[5]

Chúng tôi đồng tình với nhóm ý kiến thứ hai. Nguyên nhân đích thực của thực trạng trên là do BLTTHS nước ta chưa có đầy đủ những quy định đáp ứng yêu cầu tranh tụng. Hoạt động xét xử của TA, VKS và của những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa sơ thẩm được điều chỉnh chặt chẽ bởi các quy định của BLTTHS. Do vậy khi mà bản thân BLTTHS thiếu vắng những quy định về tranh tụng hoặc quy định không rõ ràng, mập mờ thì làm sao có thể đòi hỏi phiên tòa có tính tranh tụng. Sự yếu kém nghiệp vụ của thẩm phán, kiểm sát viên khi thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình chỉ là nguyên nhân thứ yếu. Chừng nào mà chúng ta chưa sửa BLTTHS hiện hành về vấn đề tranh tụng thì chừng đó thực trạng vẫn không thể khả quan hơn dù chúng ta có các thẩm phán, kiểm sát viên giỏi nghiệp vụ đến mấy đi nữa.

Theo đánh giá của Ban soạn thảo thì BLTTHS 2003 được sửa đổi cơ bản và toàn diện. Không thể phủ nhận một thực tế là gần 2/3 các điều luật được sửa đổi và bổ sung 36 điều mới trong BLTTHS 2003. Chúng ta có cơ sở để tin rằng khi BLTTHS 2003 có hiệu lực thì sẽ tạo ra những thay đổi có tính đột phá hay những chuyển biến đáng kể trong hoạt động TTHS. Nhưng sau hơn 3 năm, kể từ ngày Bộ luật có hiệu lực đến nay, điều đó chưa xảy ra. Tình hình thậm chí còn có chiều hướng xấu hơn. Đoàn luật sư Hà nội phải có công văn gửi ban Nội chính TW phản ánh những khó khăn của luật sư khi tham gia tố tụng nhất là ở giai đoạn điều tra. Mới đây Bộ Công an cũng phải có chỉ thị yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra các tỉnh phải tạo điều kiện cho luật sư làm việc. Còn tình hình tại các phiên tòa thì như báo chí đã phản ánh. Thực tế này buộc chúng ta phải nhìn lại sự đánh giá về BLTTHS 2003. Theo chúng tôi, BLTTHS 2003 được sửa đổi toàn diện nhưng không cơ bản. Chính vì không sửa cơ bản nên không có những thay đổi có tính đột phá hay ít nhất là những thay đổi lớn như chúng ta mong đợi trong hoạt động TTHS. Vậy phải sửa đổi như thế nào để có tính đột phá? Tại diễn đàn Quốc hội phiên họp sáng ngày 27/3/2007 vừa qua đại biểu Hoàng Văn Minh đã chỉ rõ một trong những bước đột phá quan trọng trong hoạt động xét xử là tranh tụng. Tranh tụng để bảo đảm cho việc xét xử tốt hơn, làm cho nền tư pháp thực sự dân chủ, công khai và minh bạch[6]. Đúng như vậy, nhưng điều đáng tiếc là ý kiến của những đại biểu như đại biểu Minh lại là thiểu số trong Quốc hội khóa XI vì chính Quốc hội khóa XI đã thông qua BLTTHS 2003. Trong quá trình thảo luận, góp ý cho Dự thảo BLTTHS 2003 đã có nhiều ý kiến ở nhiều diễn đàn, nhiều bài viết của những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy về sự cần thiết phải ghi nhận nguyên tắc tranh tụng như là nguyên tắc cơ bản của BLTTHS 2003 và phải hoàn thiện các nội dung của nguyên tắc này[7]. Nhưng những ý kiến đó đã không được tiếp thu và kết quả như chúng ta đã thấy: trong số những nguyên tắc cơ bản của BLTTHS 2003 không có nguyên tắc tranh tụng. Nguyên tắc cơ bản của BLTTHS chính là những quy luật khách quan có vai trò chủ đạo trong hoạt động tố tụng mà chúng ta phải tôn trọng và tuân thủ. Hoạt động tố tụng tự thân nó đã mang tính tranh tụng. Từ cổ xưa cho đến hiện nay và mãi về sau, hoạt động tố tụng luôn là hoạt động có tính tranh tụng. Vì sao vậy? Hoạt động tố tụng trong bất kỳ lĩnh vực nào (tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, tố tụng trọng tài…) xuất hiện khi có xung đột lợi ích giữa hai chủ thể trong quan hệ pháp lý nhất định mà bản thân họ không thể tự giải quyết được phải cần đến người thứ ba là trọng tài. Cuộc đấu tranh pháp lý giữa hai bên chủ thể có cơ hội ngang nhau trong việc bảo vệ lợi ích của mình (quyền và nghĩa vụ như nhau) trước trọng tài vô tư không thiên vị chính là yếu tố làm cho hoạt động tố tụng có tính tranh tụng. Lẽ tự nhiên là vậy. Chỉ có tranh tụng mới có cơ hội đạt đến chân lý. Trách nhiệm của nhà làm luật là phải nhận thức được quy luật khách quan đó, thừa nhận quy luật khách quan và thiết kế các hoạt động tố tụng phù hợp với yêu cầu của quy luật khách quan. Khi chúng ta chưa thừa nhận tranh tụng là nguyên tắc cơ bản của hoạt động tố tụng thì làm sao chúng ta có thể đòi hỏi các quy định cụ thể của hoạt động tố tụng phải thể hiện tính tranh tụng? Có thể nói một cách thẳng thắn rằng BLTTHS 2003 không thể chế hóa được yêu cầu tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị. Hãy thử phân tích và so sánh các quy định về phiên tòa sơ thẩm trong BLTTHS 1988 và trong BLTTHS 2003 ta sẽ thấy, hầu như không có thay đổi gì đáng kể nếu không muốn nói là mọi quy định vẫn như cũ. Trước kia Tòa là người xét hỏi đầu tiên và là người đóng vai trò chủ đạo trong thủ tục xét hỏi. Bây giờ vẫn vậy. Thủ tục tranh luận chỉ có bổ sung thêm ở Điều 218 quy định nghĩa vụ của VKS phải đưa ra lập luận của mình và quyền của TA đề nghị VKS phải đáp lại ý kiến chưa được tranh luận. Với những sửa đổi như vậy làm sao có thể có được phiên tòa tranh tụng như tinh thần của Nghị quyết 08 được.

Giải pháp đầu tiên có thể tạo ra sự chuyển biến tích cực trong hoạt động TTHS của nước ta là phải làm cho hoạt động đó phù hợp với quy luật khách quan vốn có của nó. Có nghĩa là phải thừa nhận tranh tụng là một trong những nguyên tắc cơ bản của TTHS và phải cụ thể hóa các nội dung của nó trong toàn bộ tiến trình tố tụng.

Tranh tụng không chỉ diễn ra ở phiên tòa sơ thẩm, nhưng cần xác định tranh tụng ở phiên tòa sơ thẩm là khâu đột phá vì xét xử sơ thẩm là giai đoạn trung tâm trong tiến trình tố tụng. Do vậy cần sửa đổi bổ sung các quy định cụ thể của BLTTHS để cho phiên tòa sơ thẩm có tính tranh tụng. Muốn có tranh tụng thì cần có sự tách bạch về chức năng của các chủ thể tố tụng. Do vậy cần sửa Điều 10 BLTTHS 2003 theo hướng xác định TA – cơ quan thực hiện chức năng xét xử – không có trách nhiệm chứng minh tội phạm. TA cũng có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật nhưng TA thực hiện nhiệm vụ đó thông qua chức năng xét xử của mình. TA không phải là người truy tố bị cáo nên TA không có nghĩa vụ chứng minh tội phạm. Nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện chức năng buộc tội (Cơ quan điều tra, VKS). TA chỉ có nghĩa vụ chứng minh trong bản án của mình lý do vì sao TA chấp nhận cáo trạng của VKS mà không chấp nhận lời bào chữa của luật sư (khi tuyên bản án kết tội bị cáo) hoặc ngược lại, vì sao TA không chấp nhận cáo trạng của VKS mà lại chấp nhận lời bào chữa của luật sư (khi tuyên bản án vô tội với bị cáo). Cụ thể cần sửa đổi một số quy định của BLTTHS 2003 theo hướng sau:

- Bỏ những thẩm quyền không phù hợp với chức năng xét xử của TA như thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự (khoản 1 Điều104 BLTTHS 2003), thẩm quyền được xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS truy tố trong cùng một điều luật theo hướng nặng hơn, làm bất lợi cho bị cáo hơn (khoản 2 Điều 196 BLTTHS 2003).

- Sửa đổi các quy định về thủ tục xét hỏi tại phiên tòa để đảm bảo tính tranh tụng theo hướng nên quy định chỉ các bên tranh tụng (Bên buộc tội là VKS và người bị hại; bên bào chữa là người bào chữa và bị cáo) mới tham gia vào thủ tục xét hỏi. Xét hỏi chính là cách thức chứng minh bằng các chứng cứ sự tồn tại (hoặc không tồn tại) của những sự kiện, tình tiết cụ thể của vụ án. Chứng minh tội phạm là nghĩa vụ của bên buộc tội và chứng minh không phải tội phạm là quyền của bên bào chữa. TA không phải là bên tranh tụng nên không tham gia xét hỏi mà là người điều khiển quá trình xét hỏi. Những câu hỏi của TA trong phần này chỉ có thể là những câu hỏi mang tính thủ tục. Bất kỳ câu hỏi nào của TA về tình tiết cụ thể của vụ án đều không đúng chức năng và đều có thể làm nghi ngờ sự vô tư khách quan của TA.

- Bỏ quy định về việc thẩm phán trả hồ sơ để điều tra bổ sung (Điều 179 và Điều 199 BLTTHS 2003). Những quy định này được xem như là “đường cứu nạn” cho VKS. Tại khoản1 Điều 179 quy định những trường hợp thẩm phán có thể trả hồ sơ để điểu tra bổ sung, nhưng khoản 2 Điều 179 lại quy định trong trường hợp VKS không bổ sung được những vấn đề mà TA yêu cầu bổ sung và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì TA vẫn tiến hành xét xử. Luật đã quy định như vậy thì Tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để làm gì? Rõ ràng là chỉ làm mất thời gian. Chỉ nên quy định trường hợp duy nhất mà thẩm phán có quyền trả hồ sơ yêu cầu bổ sung là khi phát hiện có những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và những vi phạm đó cản trở việc xét xử của TA (Thí dụ như VKS chưa tống đạt cáo trạng cho bị cáo). Còn vấn đề chứng cứ đã đủ hay chưa, có thể xét xử được hay không, chứng cứ nào là chứng cứ quan trọng của vụ án không phải là sự quan tâm của TA vì người phải quan tâm về việc này là VKS. TA chỉ cần quan tâm là VKS có chứng minh được cáo trạng của mình hay không. Ví dụ trường hợp VKS cho rằng đã đủ chứng cứ để chứng minh bị cáo nhận hối lộ là 6.000 đô la Mỹ, trong khi đó TA lại cho rằng VKS không chứng minh được (do không đủ chứng cứ) thì TA không cần phải trả hồ sơ cho VKS để thu thập thêm chứng cứ bổ vì TA không có nghĩa vụ phải chứng minh bị cáo có tội hay vô tội. Trong trường hợp này TA không có lựa chọn nào khác là phải tuyên bị cáo vô tội vì VKS không chứng minh được tội của bị cáo. Không chứng minh được tội có nghĩa là sự vô tội đã được chứng minh. Tương tự, khi TA thấy VKS chỉ chứng minh được bị cáo nhận hối lộ có 2.000 đôla chứ không phải 6.000 như cáo trạng thì TA có thể tuyên bản án kết tội bị cáo về nhận hối lộ 2.000 đôla mà không cần phải trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Chỉ có thể có phiên tòa sơ thẩm tranh tụng khi TA trở về vai trò đích thực của nó là trọng tài vô tư khách quan, chỉ xét xử chứ không buộc tội thay cho VKS hay cùng VKS buộc tội bị cáo. Và nếu như vậy thì đương nhiên VKS không còn chỗ dựa nữa, VKS sẽ không thể không tranh tụng. Khi VKS đã sẵn sàng tranh tụng có nghĩa là việc truy tố bị cáo đã được cân nhắc, xem xét thận trọng từ chứng cứ cho đến tội danh. Chứng cứ thì lại do cơ quan điều tra thu thập. Do vậy, để có thể tự tin tranh tụng bình đẳng sòng phẳng với bên bào chữa thì VKS không thể dễ dãi với cơ quan điều tra và với kết quả của hoạt động điều tra. Bất kỳ sự dễ dãi nào của VKS với cơ quan điều tra về việc tuân thủ các yêu cầu của BLTTHS trong quá trình điều tra thì sau này tại phiên tòa sơ thẩm VKS sẽ phải trả giá về sự dễ dãi đó bằng chính uy tín của ngành mình.

Như đã nói ở trên, phiên tòa sơ thẩm tranh tụng còn tác động lan tỏa tích cực đến giai đoạn điều tra. Ngoài tác động có tính dây chuyền này vẫn cần thiết mở rộng phạm vi tranh tụng trong giai đoạn điều tra. Mở rộng tính tranh tụng trong giai đoạn này chính là mở rộng phạm vi quyền bào chữa của bị can, của người bị tạm giữ và mở rộng những bảo đảm tố tụng cho quyền bào chữa. BLTTHS 2003 đã ghi nhận sự tham gia của người bào chữa ở thời điểm khi có quyết định tạm giữ và bổ sung một số quyền của người bào chữa tại Điều 58. Mặc dù có những bước tiến bộ về quy định của luật nhưng trong thực tiễn hoạt động TTHS vẫn chưa tạo được sự thay đổi như mong đợi mà thậm chí còn có dấu hiệu xấu hơn như báo chí đã phản ánh. Sự tham gia của người bào chữa theo quy định của luật trong giai đoạn này vẫn còn nhiều khó khăn. Theo ý kiến của chúng tôi nguyên nhân chính là những quy định tiến bộ này không được cụ thể hóa, không có những bảo đảm tố tụng kèm theo nên tính hiện thực của chúng rất hạn chế. Thí dụ như quy định tại khoản 4 Điều 56 BLTTHS có nhiều điểm không chặt chẽ, không rõ ràng: luật không quy định “giấy tờ liên quan đến việc bào chữa” là những giấy tờ nào nên trong thực tiễn đã có những quy định khác nhau từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng. Luật không quy định những trường hợp nào thì các cơ quan tiến hành tố tụng khi nhận được đề nghị cấp giấy chứng nhận người bào chữa có quyền được từ chối. Luật chỉ quy định nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do. Quy định này không có ý nghĩa gì hết vì vấn đề mà người bào chữa quan tâm không phải là khi từ chối có nêu lý do hay không nêu lý do mà là vấn đề lý do từ chối nào là hợp pháp và lý do từ chối nào là không hợp pháp để còn khiếu nại. Quyền bào chữa – quyền hiến định của bị can (Điều 132 Hiến pháp 1992 sửa đổi) trên thực tế có thể bị vô hiệu hóa bởi sự tùy tiện của cơ quan tiến hành tố tụng mà họ không thể khiếu nại được hoặc có khiếu nại thì cũng không giải quyết được. Theo luật thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can (Điều 58 BLTTHS 2003), nhưng quy định về thời hạn 3 ngày để nhận được giấy chứng nhận người bào chữa (Điều 56 BLTTHS 2003) đã phủ định thời điểm tham gia đó của người bào chữa. Nói một cách khác là trong mọi trường hợp, tối ưu nhất thì người bào chữa cũng chỉ có thể tham gia vào trong vụ án chậm 3 ngày so với thời điểm khởi tố bị can. Điều đáng chú ý là trong thời hạn 3 ngày này thân chủ của họ có thể đã bị hỏi cung mà không có sự tham gia của người bào chữa vì Điều 131 yêu cầu cơ quan điều tra phải tiến hành ngay việc hỏi cung bị can ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can. Và ai cũng biết rằng những lời khai ban đầu có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với bị can và đối với cơ quan điều tra. Để bảo đảm hơn nữa quyền con người của bị can, mở rộng tính tranh tụng, tạo ra sự đột phá trong giai đoạn điều tra chúng ta có thể chỉ cần bổ sung sự tham gia bắt buộc của người bào chữa trong hai thời điểm quan trọng sau đây của bị can: thời điểm tiến hành lấy lời khai đầu tiên sau khi có quyết định khởi tố bị can và thời điểm bị can nhận tội. Mọi lời khai của bị can trong hai thời điểm nói trên mà không có sự hiện diện của người bào chữa không được thừa nhận là chứng cứ. Theo quan điểm của chúng tôi, sự bổ sung này hoàn toàn có tính khả thi trong điều kiện thực tế của nước ta. Hoặc quy định người bào chữa có quyền thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa (điểm d khoản 2 Điều 58 BLTTHS) nhưng luật không quy định thu thập bằng cách nào và hình thức ghi nhận kết quả thu thập tài liệu đồ vật này như thế nào thì giá trị pháp lý của chúng đến đâu? Do vậy điểm tiến bộ này của BLTTHS 2003 không có tính hiện thực vì không đi vào cuộc sống được. BLTTHS cần có những quy định cụ thể hơn về quyền quan trọng này của người bào chữa.

Thừa nhận mô hình TTHS Việt Nam hiện nay là mô hình pha trộn và định hướng hoàn thiện là xây dựng mô hình pha trộn thiên về tranh tụng là giải pháp cần thiết và đúng đắn, phù hợp với yêu cầu của cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay và phù hợp với trào lưu chung của lịch sử TTHS trên thế giới.

[1] Donald Chiasson, So sánh pháp luật Tố tụng Hình sự, Kỷ yếu Hội thảo về Tố tụng Hình sự, Đà Lạt 9-11/9/2003.

[2] Donald Chiasson, tlđ.d

[3] Phạm Hồng Hải, Mô hình lý luận Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà nội 2003.

[4] Tòa có buộc tội thay Viện? Báo Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh, 21/3/2007.

[5] Xét hỏi bị cáo: tòa không được “cột” bị cáo, Báo Pháp luật Tp.Hồ Chí Minh, ngày 23/3//2007.

[6] Báo Sài Gòn giải phóng, số thứ tư 28/3/2007.

[7] Nguyễn Thái Phúc, Dự thảo Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) và nguyên tắc tranh tụng, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 9/2003.

TẠP CHÍ KHPL SỐ 5(42)/2007

BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI TRONG VIỆC BẮT, TẠM GIỮ, TẠM GIAM

NGUYỄN TIẾN ĐẠT *

* Đại học ANND TP. Hồ Chí Minh

1. Quyền con người và vấn đề bảo đảm quyền con người

1.1. Quyền con người là một giá trị nhân loại, đồng thời có tính lịch sử hình thành trong cuộc đấu tranh giai cấp và được bổ sung mới qua các thời đại khác nhau[1]. Theo Từ điển tiếng Việt 1992 [2] thì quyền là “điều mà pháp luật hoặc xã hội công nhận cho được hưởng, được làm, được đòi hỏi”. Như vậy, quyền con người là những điều mà pháp luật hoặc xã hội công nhận cho mỗi con người được hưởng. Quyền con người được đặt trong mối quan hệ với nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với xã hội và được giải quyết trên cơ sở đảm bảo lợí ích xã hội. Bảo đảm quyền con người là bảo đảm dân chủ, bảo đảm hiệu quả, hiệu lực nhà nước cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đây là mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta luôn hướng tới. Việc bảo đảm các quyền con người, quyền công dân phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: kinh tế, chính trị, văn hoá, tư tưởng… trong đó nhà nước bảo đảm về mặt pháp lý, các cơ quan tố tụng bảo đảm thực thi pháp luật có hiệu quả là vấn đề cực kỳ quan trọng. Trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến một số vấn đề bảo đảm quyền con người của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam ở nước ta hiện nay.

1.2. Nhằm bảo đảm quyền con người, Hiến pháp 1992 của nước ta đã ghi nhận hai nguyên tắc quan trọng: (i) các quyền về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội phải được tôn trọng[3]; (ii) Nhà nước có nghĩa vụ đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý của công dân[4]. Từ hai nguyên tắc này và để đảm bảo thực hiện trên thực tế, Hiến pháp 1992 đã quy định cơ chế thực hiện như sau:

- Quyền con người, quyền công dân được hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước đảm bảo thực hiện. Điều 6 Hiến pháp 1992 quy định: “Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất do nhân dân cả nước bầu ra, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân bằng các phương thức sau: xây dựng Hiến pháp và pháp luật, ghi nhận ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thể chế hoá các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật của các chủ thể, nhất là các chủ thể nắm giữ quyền lực nhà nước; quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước. Hội đồng nhân dân đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương, thực hiện việc giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước địa phương.

- Quyền con người, quyền công dân được đảm bảo thực hiện bởi hệ thống cơ quan hành pháp. Chính phủ và uỷ ban nhân dân các cấp là chủ thể có trách nhiệm đưa pháp luật đi vào cuộc sống, làm cho quyền và nghĩa vụ của công dân trở thành hiện thực, là cơ quan trực tiếp quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; trong đó cơ quan công an (cơ quan điều tra) có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trật tự pháp luật và pháp chế

- Quyền con người, quyền công dân còn được bảo đảm qua hệ thống cơ quan tư pháp. Toà án và Viện kiểm sát là các cơ quan bảo vệ pháp chế, quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tập thể và tính mạng, danh dự, nhân phẩm… của con người.

2. Bảo đảm quyền con người trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam

2.1. Bắt người, tạm giữ, tạm giam người là các biện pháp ngăn chặn nhằm hạn chế một số quyền của công dân, quyền con người của người bị bắt. Mục đích của các biện pháp này là để đảm bảo cho các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, đảm bảo trật tự pháp luật và pháp chế. Các biện pháp ngăn chặn nhằm bảo vệ các quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nhưng khi áp dụng chúng cũng rất dễ tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Bởi vì, một số hoạt động tố tụng có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được thông tin… của người bị bắt. Nắm vững nội dung, thẩm quyền, thủ tục bắt, tạm giữ, tạm giam sẽ bảo đảm cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng áp dụng đúng pháp luật, tránh vi phạm các quy định pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền công dân khi thực thi công vụ.

Xuất phát từ tầm quan trọng của việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân Điều 71 Hiến pháp 1992 quy định: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật. Nghiêm cấm mọi hành vi truy bức, nhục hình xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân”. Điều 72 Hiến pháp 1992 cũng nhấn mạnh: “Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh”. Những quy định trên của Hiến pháp nhằm ngăn ngừa sự vi phạm quyền con người, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được bảo vệ nhân phẩm, danh dự của công dân từ phía các cơ quan, cán bộ nhà nước. Các quy định tại Điều 71 và Điều 72 cũng là cơ sở để xây dựng Luật Tố tụng Hình sự trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong thực tiễn.

2.2. Bắt người, tạm giữ, tạm giam người là những biện pháp cưỡng chế cần thiết do các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án áp dụng đối với bị can, bị cáo. Một số trường hợp, có thể áp dụng cả đối với người chưa bị khởi tố (như người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang và trong trường hợp khẩn cấp) nhằm ngăn chặn những hành vi nguy hiểm cho xã hội của họ, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội, trốn tránh pháp luật hoặc có hành động cản trở cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành án.

Những năm gần đây bắt, giam, giữ là vấn đề thu hút sự chú ý của nhiều cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, và đông đảo quần chúng nhân dân. Việc bắt người tuỳ tiện, bắt oan người không có tội, tạm giữ, tạm giam người không có Lệnh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Có trường hợp cơ quan cấp dưới giữ người nhưng không báo cáo cơ quan có thẩm quyền, xử lý vụ việc tùy tiện, xâm hại nghiêm trọng đến quyền tự do, quyền được bảo hộ về danh dự, nhân phẩm của con người. Trường hợp của hai chị em cô Hắc Thị Bạch Tuyết và cô Hắc Thị Bạch Thủy tại tỉnh Bình Thuận mà báo chí đã phản ánh là một trong những ví dụ vi phạm pháp luật không đáng xảy ra nếu người thi hành công vụ có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng. Thật khó tin khi chỉ mới nghi ngờ cô Hắc Thị Bạch Tuyết và em gái là Hắc Thị Bạch Thủy tráo vàng giả mà chủ tiệm vàng Mỹ Kim đã dẫn giải hai cô tới công an thị trấn Chợ Lầu; và tại đây, được công an thị trấn cho phép, chủ tiệm vàng đã tự tiện “giữ” chị em cô Tuyết từ 16 giờ ngày 21/1 đến 2 giờ ngày 22/1/2006, thậm chí còn cởi hết quần áo của các cô để khám xét [5].

Một trường hợp khác xảy ra ngày 18/2/2006 tại quán bia trên đường Mạc Đĩnh Chi, Quận 1, TP.HCM. Đông đảo thực khách tại đây đã rất bất bình trước hình ảnh gây phản cảm: Khoảng ba bốn người (báo chí phản ánh là công an) dẫn giải một người bị còng tay từ trên xe (biển số xanh) bước xuống và vào quán. Mọi người ngồi vào bàn ăn, người thanh niên ngồi bên cạnh, tay phải bị còng chặt vào chân ghế gỗ [6]… Đây là trường hợp do không tôn trọng quyền lợi hợp pháp của người bị dẫn giải, không giữ đúng lề lối, tác phong công an nhân dân nên một số cán bộ, chiến sĩ khi bắt, dẫn giải người vi phạm pháp luật đã xâm hại đến danh dự nhân phẩm của con người, coi thường dư luận xã hội.

Một vụ việc thể hiện bắt người tùy tiện, không đúng trình tự thủ tục luật định đã xảy ra tại xã Thanh Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Diễn tiến của vụ việc có thể tóm tắt như sau: Bà Vuốt có hai con là anh Quý và anh Sửu. Chị Toan là vợ anh Quý bị Nguyễn Tùng Lâm trêu ghẹo và chặn đánh. Ông Chứ (chồng bà Vuốt) cũng bị Lâm hành hung. Khoảng 21h30 Lâm kéo vài chục người đến vây nhà, ném gạch đá, dùng kiếm đâm thủng cửa nhà ông Chứ. Ông Chứ ném gạch xuống không cho Lâm và đồng bọn đến gần, sau đó nhóm của Lâm bỏ chạy. Hôm sau, mẹ và chú của Lâm đến nhà ông Chứ bắt đền vì làm gẫy răng của Lâm (và phải đền mỗi cái đến hai triệu đồng). Vụ việc được đưa đến cơ quan pháp luật. Sáng ngày 25/10/2005 anh Quý đến trụ sở công an huyện Yên Mỹ theo giấy triệu tập và bị bắt giam tại trại tạm giam công an tỉnh Hưng Yên, mãi tới 22 giờ cùng ngày công an huyện mới thông báo cho gia đình bà Vuốt. Trước đó ngày 20/6/2005 anh Sửu (em trai anh Quý) đang lao động tại trại nuôi lợn của nhà thì bị ba cán bộ công an huyện mặc thường phục đến chở thẳng lên công an huyện Yên Mỹ bắt giam[7]. Trường hợp này các cán bộ công an đã vi phạm các quy định của Luật Tố tụng Hình sự về việc bắt, giam giữ người. Cán bộ thực hiện bắt người không có lệnh bắt, khi bắt không tôn trọng trình tự thủ tục bắt, bắt người không có sự chứng kiến của chính quyền, không lập biên bản khi bắt. Những việc làm này làm ảnh hưởng nghiêm trọng quyền con người, quyền công dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Bắt người, tạm giữ, tạm giam oan sai tuy chưa phải là hiện tượng phổ biến nhưng đã xảy ra ở nhiều địa phương, gây nên sự bất bình trong dư luận xã hội, có trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ, trường hợp oan sai của thầy giáo Nguyễn Minh Hoàng ở huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Một lần đi dự tiệc cưới về thầy “chếnh choáng” và bị té ngã bầm tay. Cũng đêm đó xảy ra vụ đánh nhau tại nhà vợ chồng anh Hùng, chị Đôi. Nghe tiếng lộn xộn bà Hum và con trai là anh Đức chạy sang. Một bóng đen dùng gậy phang anh Đức và bà Hum ngất xỉu. Bóng đen cùng đồng bọn bỏ chạy. Anh Hùng bị thương tật 4%, chị Đôi 10%, Bà Hum 10%, anh Đức 8%. Một tuần sau thầy giáo Hoàng được mời lên xã. “Tới nơi thấy có đủ cả công an tỉnh, công an huyện, công an xã chờ sẵn, chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì thầy nghe tiếng hô: Tên giết người, cướp của hạ vũ khí đầu hàng! Thầy choáng váng, đang nghĩ xem vũ khí của minh là gì thì họ thoăn thoắt cởi hết đồ của thầy… rồi thầy bị đưa lên xe chở thẳng về nơi giam giữ… suốt sáu tháng trong phòng giam thầy mới máng máng hiểu mình bị bắt vì có các yếu tố gần giống với những điều mà các nạn nhân kể lại một cách lộn xộn thiếu thống nhất”[8]… Tại Điều 9 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 quy định “không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”; như vậy, cơ quan công an thực hiện lệnh bắt nhưng không nói lý do bắt cho thầy Hoàng, việc công an gọi thầy là “tên giết người cướp của”, cởi hết đồ của thầy là vi phạm pháp luật, xúc phạm nghiêm trọng danh dự nhân phẩm của thầy Hoàng.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bắt người tùy tiện, bắt oan sai, không đúng trình tự thủ tục là do trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ trong các cơ quan tố tụng còn hạn chế, ý thức pháp luật chưa được đề cao. Chẳng hạn, vụ án Dương Thị Nga bị xét xử về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân” ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Theo cơ quan chức năng “căn cứ vào toàn bộ tài liệu có trong hồ sơ vụ án… thấy rằng việc điều tra, thu thập chứng cứ và xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng quận Hoàn Kiếm đã vi phạm nghiêm trọng trình tự, thủ tục tố tụng hình sự và áp dụng chưa đúng quy định của pháp luật về xử lý vụ án. Đồng thời các chứng cứ thu thập chưa đủ căn cứ kết luận Dương Thị Nga là người đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt 200.000 đồng”.[9]

Như vậy, do nhận thức không đầy đủ về tính chất, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động bắt người, tạm giam, tạm giữ cũng như các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết vụ án làm cho việc vận dụng thiếu chính xác dễ dẫn đến những hoạt động tuỳ tiện, trái pháp luật xâm hại đến quyền con người, lợi ích hợp pháp của công dân. Để bảo đảm được quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tố tụng, cần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, phải không ngừng bồi dưỡng nâng cao ý thức pháp luật, ý thức chính trị và đạo đức công vụ cho những cán bộ này; thực hiện tốt chế độ báo cáo đối với cơ quan có thẩm quyền và trước nhân dân thông qua cơ quan đại diện của họ tại địa phương (ở mức độ cho phép nếu không làm ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ án); đảm bảo cơ chế kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền và của nhân dân.

Mặt khác, để nâng cao hiệu quả công tác và bảo đảm được quyền con người, chủ thể tiến hành tố tụng phải nhận thức được rõ ý nghĩa của việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Phải hiểu rằng: áp dụng các biện pháp bắt người, tạm giữ, tạm giam là nhằm bảo vệ trật tự pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, nhưng cần chú ý bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị áp dụng. Bởi vì người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn chưa phải là tội phạm, họ mới chỉ tạm bị hạn chế một số quyền như quyền tự do đi lại, quyền tự do cư trú. Những quyền khác của người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn vẫn phải được bảo đảm và được tôn trọng. Chẳng hạn, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm[10].

Việc áp dụng tùy tiện các biện pháp ngăn chặn như việc bắt oan người vô tội, bắt không đúng thủ tục, bắt sai thẩm quyền, tạm giữ hoặc tạm giam quá hạn… đều làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Người thực hiện một trong các hành vi nói trên phải bị xử lí nghiêm khắc, thậm chí có thể bị truy tố theo pháp luật để bảo đảm sự nghiêm minh, công bằng xã hội, bảo đảm quyền con người của người bị bắt oan, sai, bị tạm giữ, tạm giam quá hạn. Những hành vi bắt oan người vô tội, bắt không đúng thủ tục, bắt sai thẩm quyền, tạm giữ hoặc tạm giam quá hạn không chỉ xâm hại hoạt động đúng đắn của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, xâm phạm quyền bất khả xâm phạm thân thể và sinh mạng chính trị của con người, của công dân mà còn làm suy giảm uy tín của Nhà nước ta, nhà nước của dân, do dân và vì dân, làm giảm sút lòng tin của quần chúng đối với các cơ quan tiến hành tố tụng. Vì vậy, việc hiểu đúng, hiểu đầy đủ và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về các biện pháp ngăn chặn sẽ nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm; qua đó cũng góp phần quan trọng và cần thiết để bảo đảm quyền con người.

Với yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, việc bắt, giam giữ cần phải được tiến hành kiên quyết, kịp thời. Tuy nhiên, không thể vì bất cứ một lý do gì mà áp dụng các biện pháp ngăn chặn tràn lan, sai tính chất, sai đối tượng, không đảm bảo các yêu cầu của pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Bắt người không phải là biện pháp trừng phạt đối với người phạm tội mà là biện pháp ngăn chặn được áp dụng để tước bỏ điều kiện gây ra tội phạm, ngăn chặn hành vi phạm tội, hành vi trốn tránh pháp luật của người thực hiện hành vi phạm tội, bảo đảm sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

2.3. Bắt bị can, bị cáo để tạm giam là biện pháp thường được áp dụng trong đấu tranh chống tội phạm. Mục đích là để ngăn chặn hành vi phạm tội và việc lẩn trốn pháp luật của bị can, bị cáo. Bắt bị can, bị cáo để tạm giam là bắt người đã bị khởi tố về hình sự hoặc người đã bị Toà án quyết định đưa ra xét xử để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự. Như vậy, đối tượng bị bắt để tạm giam chỉ có thể là bị can, bị cáo. Người chưa bị khởi tố với tư cách là bị can, hoặc người không bị Toà án đưa ra xét xử không thể bị bắt để tạm giam. Nếu người chưa bị khởi tố với tư cách là bị can, hoặc người không bị Toà án đưa ra xét xử mà vẫn bị bắt để tạm giam thì có nghĩa các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện không đúng quy định pháp luật, quyền con người, quyền công dân của người bị bắt không được đảm bảo. Bắt bị can, bị cáo để tạm giam không phải là biện pháp duy nhất để ngăn chặn, vì vậy không phải mọi bị can, bị cáo đều bị bắt để tạm giam. Khi bắt bị can, bị cáo để tạm giam phải căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân của người phạm tội và thái độ của họ khi và sau khi thực hiện hành vi phạm tội. Chỉ được bắt người để tạm giam khi có đủ căn cứ để xác định người đó đã thực hiện hành vi phạm tội và nếu xét thấy cần phải bắt để tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra, xử lý tội phạm. Khi có những điều kiện, dấu hiệu cho thấy người phạm tội không có ý trốn tránh pháp luật, không gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì không nên bắt (thậm chí không được bắt) mà có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác. Chẳng hạn, người phạm tội lần đầu, tính chất ít nghiêm trọng hoặc phạm tội do vô ý, không có hành động cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thì không cần bắt để tạm giam.

Bắt bị can, bị cáo để tạm giam có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân vì vậy chỉ những người có thẩm quyền mới có quyền ra lệnh bắt. Lệnh bắt nếu thiếu sự phê chuẩn của Viện kiểm sát sẽ bị coi là không có giá trị và công dân có quyền không chấp hành. Luật quy định sự phê chuẩn của Viện kiểm sát cùng cấp nhằm bảo đảm cho việc bắt người đúng pháp luật và chỉ bắt những người thực sự cần phải bắt để ngăn chặn tội phạm hoặc để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử, và thi hành án hình sự. Để bảo đảm quyền con người, quyền công dân, khi thực hiện bắt bị can, bị cáo để tạm giam phải đảm bảo: Lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm; họ, tên; chức vụ của người ra lệnh; họ, tên, địa chỉ của người bị bắt và lý do bắt phải thật rõ ràng, có cơ sở pháp lý. Lệnh bắt do người có thẩm quyền ký và đóng dấu (không phải cứ cơ quan công an là có quyền ra lệnh bắt, chỉ cơ quan hoặc người có thẩm quyền mới có quyền ra lệnh) nhằm tránh sự tùy tiện, giả mạo… khi thực hiện lệnh bắt người thi hành phải tôn trọng triệt để các quy định của pháp luật. Phải đọc to lệnh bắt, giải thích cho người bị bắt rõ lý do bắt, các quyền và nghĩa vụ của họ và phải lập biên bản. Biên bản phải có chữ ký của người có thẩm quyền và người chứng kiến cùng ký vào biên bản khi thi hành lệnh bắt. Khi bắt người phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền cơ sở nơi tiến hành bắt, phải tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bắt. Cần chú ý: Người bị bắt trong trường hợp nêu trên chỉ là bắt để tạm giam. Việc bắt bị can, bị cáo để tạm giam không có nghĩa là giam luôn người bị bắt. Quyết định bắt người không thể đánh đồng hay thay thế cho quyết định tạm giam.

3. Từ những phân tích trên, để bảo đảm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân chúng tôi xin kiến nghị một số vấn đề sau:

- Thứ nhất, hoàn thiện một số quy định của Luật Tố tụng Hình sự, Luật cần quy định chặt chẽ hơn nữa về một số vấn đề như đề cao trách nhiệm cá nhân của người ra lệnh bắt, người thi hành lệnh bắt để bắt đúng người phạm tội trnh oan sai, bên cạnh đó cũng cần tôn trọng và bảo đảm những quyền và lợi ích chính đáng của người bị bắt. Luật Tố tụng Hình sự năm 2003 cũng cần quy định rõ hơn về các điều:

+ Khoản 2 Điều 58: Người bào chữa có quyền: a) có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu điều tra viên đồng ý thì được hỏi người bị tạm giữ, bị can và có mặt trong những hoạt động điều tra khác. Theo chúng tôi thì Luật quy định như vậy còn chung chung, chưa rõ ràng. Vậy khi nào thì điều tra viên đồng ý, khi nào thì không? Điều này hoàn toàn phụ thuộc ý chí chủ quan của điều tra viên, do điều tra viên quyết định. Do vậy Luật cần quy định các trường hợp người bào chữa được quyền hỏi bị can, người bị tạm giữ, được quyền tham gia một số hoạt động điều tra cụ thể.

+ Khoản 1 Điều 84 Biên bản về việc bắt người quy định: Người thi hành lệnh bắt trong mọi trường hợp đều phải lập biên bản. Biên bản phải ghi rõ ngày giờ tháng năm, địa điểm bắt, nơi lập biên bản; những việc đã làm, tình hình diễn biến trong khi thi hành lệnh bắt, những đồ vật, tài liệu bị tạm giữ và những khiếu nại của người bị bắt. Biên bản phải được đọc cho người bị bắt và những người chứng kiến nghe. Người bị bắt, người thi hành lệnh bắt và người chứng kiến phải cùng ký tên vào biên bản, nếu ai có ý kiến khác hoặc không đồng ý với nội dung biên bản thì có quyền ghi vào biên bản và ký tên. Việc tạm giữ đồ vật, tài liệu của người bị bắt phải được tiến hành theo quy định của bộ luật này. Khoản 2 quy định: Khi giao và nhận người bị bắt, hai bên giao và nhận phải lập biên bản. Ngoài những điểm quy định tại khoản 1 Điều 84, biên bản giao nhận còn phải ghi rõ việc bàn giao các biên bản lấy lời khai, đồ vật, tài liệu đã thu thập được, tình trạng, sức khỏe của người bị bắt và mọi tình tiết xảy ra lúc giao nhận. Với những quy định như vậy luật đã liệt kê tương đối đầy đủ các điều kiện, nội dung, yêu cầu… của biên bản. Tuy vậy đây mới chỉ là điều kiện cần mà còn thiếu điều kiện đủ; Luật mới chỉ đề ra các quy định nhìn từ góc độ bảo đảm các quyền của Nhà nước mà chưa xem xét từ góc độ bảo đảm quyền của người bị bắt. Do vậy biên bản về việc bắt người cần bổ sung thêm “biên bản cần được lập làm hai bản và người bị bắt phải được giao một bản” để nhằm tránh sự thất lạc, mất mát sai soát, tùy tiện của chủ thể tiến hành tố tụng và thể hiện sự tôn trọng người bị bắt.

+ Điều 85 Thông báo về việc bắt quy định: Người ra lệnh bắt, cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho gia đình người bị bắt, chính quyền phường, thị trấn, hoặc cơ quan tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết. Nếu thông báo cản trở việc điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, người ra lệnh bắt, cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay. Để đảm bảo quy định pháp luật được rõ ràng, thuận tiện cho việc áp dụng và bảo đảm được quyền của người bị bắt, Luật cần quy định rõ hơn trường hợp nào bị coi là cản trở việc điều tra, trường hợp nào không cản trở điều tra để thông báo theo quy định pháp luật về việc bắt người đối với gia đình người bị bắt.

+ Khoản 2 Điều 87 quy định về thời hạn tạm giữ: “trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng khĩng qú ba ngđy; trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần hai nhưng không quá ba ngày”; những quy định này còn chưa cụ thể, dễ làm cho chủ thể tiến hành tố tụng có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, tạo ra cho chủ thể áp dụng một phạm vi khá rộng. Vậy những trường hợp nào được coi là “cần thiết”, trường hợp nào là “đặc biệt” ? Điều này hoàn toàn do chủ thể tiến hành tố tụng nhận định và thực hiện. Do vậy để đảm bảo tính chặt chẽ, đảm bảo được nguyên tắc pháp chế, luật phải quy định cụ thể từng trường hợp; không nên dùng văn bản dưới luật để quy định hoặc hướng dẫn vì dễ tạo ra sự tùy tiện và áp dụng không thống nhất.

+ Về Tạm giam, khoản 2 Điều 88 quy định: “Đối với bị can bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam”. Để thể hiện tinh thần nhân đạo, nhân văn, vì con người của chế độ XHCN, khoản 2 cần bổ sung thêm trường hợp bị can bị cáo là người đang phải nuôi, chăm sóc người thân của mình là người tàn tật nặng, ốm nặng hoặc sắp chết (gia đình neo đơn, nếu thiếu sự chăm sóc của bị can bị cáo thì những người này không thể tự mình sinh sống được) thì có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn khác (chẳng hạn cấm đi khỏi nơi cư trú), trừ những trường hợp đã nêu tại điểm a) bị can bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã; b) bị can bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử; c) bị can, bị cáo xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

- Thứ hai, về cơ chế thực hiện Quốc hội cần bám sát thực tiễn cuộc sống, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, kịp thời thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng thành pháp luật để bảo vệ các giá trị nhân văn của con người. Tiếp nhận sự phản hồi từ các cơ quan thực thi pháp luật, các nhà nghiên cứu, ý kiến đóng góp của nhân dân để sửa đổi, bổ sung cho hệ thống pháp luật ngày một hoàn thiện đảm bảo tốt các quyền con người, quyền công dân. Tăng cường công tác giám sát đối với các cơ quan nhà nước đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng. HĐND cần thực hiện tốt chức năng giám sát và hoạt động chất vấn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng tại địa phương để đảm bảo cho các cơ quan này hoạt động có hiệu quả, đúng pháp luật.

- Thứ ba, đối với cơ quan công an nói chung và các điều tra viên nói riêng, cần phải thường xuyên học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, ý thức chính trị, đề cao ý thức tổ chức kỷ luật. nắm chắc các quy định của pháp luật về bắt, tạm giữ, tạm giam; hiểu rõ tính chất, mục đích của các biện pháp tạm giữ tạm giam; đảm bảo khi thực hiện bắt người phải có lệnh và có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát, hạn chế tình trạng “tiền trảm hậu tấu” khi bắt người; tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam; phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia quá trình bắt, tạm giữ, tạm giam khi giải quyết vụ án.

- Thứ tư, đối với Viện kiểm sát chỉ phê chuẩn lệnh bắt khi đã xác định rõ căn cứ chứng tỏ bị can bị cáo sẽ gây khó khăn cho hoạt động tố tụng. Viện kiểm sát phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, nghiên cứu kỹ tài liệu vụ án, gặp trực tiếp hỏi kỹ càng điều tra viên, những người có liên quan đến vụ án, và cả người bị bắt về các tình tiết của vụ án để quyết định phê chuẩn hay không phê chuẩn lệnh bắt. Trong trường hợp bắt người không có căn cứ thì Viện kiểm sát kiên quyết không phê chuẩn lệnh bắt. Mỗi kiểm sát viên cần phải luôn đề cao trách nhiệm, ý thức pháp luật, ý thức chính trị trong quá trình thực thi công vụ của mình.

Tóm lại, bảo đảm quyền con người là vấn đề rất quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm, bảo vệ. Bằng nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự… Nhà nước đã chính thức ghi nhận và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, coi đó như những chế định quan trọng và là mục tiêu cuối cùng của chế độ ta. Bộ luật Tố tụng Hình sự của nước ta đã ghi nhận, bảo vệ quyền con người, quyền công dân qua nhiều chế định khác nhau. Các quy định về bắt người, tạm giữ, tạm giam là một trong các quy định nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân của nhân dân và của cả bị can, bị cáo, của người bị bắt. Tất cả những quy định của Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng Hình sự về bắt, tạm giữ, tạm giam đều nhằm góp phần phát huy dân chủ, tăng cường hơn nữa hiệu lực của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân để xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và giàu mạnh.

[1] Xem Trần Ngọc Đường: Bàn về quyền con người, quyền công dân, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 10 và tr. 12.

[2] Từ điển tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000

[3] Xem Điều 50 Hiến pháp 1992

[4] Xem Điều 51 Hiến pháp 1992

[5] Theo http//www2.thanhnien.com.vn/phapluat/2006/3/15/142136.tno

[6] Theo http//www.vietnamnet.vn/xahoi/2006/02/543042/

[7] Theo http//www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/index.aspx?ArticleID=27059&chanell D=12

[8] Theo http//www.vietnamnet.vn/phongsu/2003/12/41100

[9] Xem Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tài liệu tập huấn công tác kiểm sát điều tra án trị an – xã hội năm 2001. .

[10] Xem Điều 71 Hiến pháp 1992

ĐĂNG TRÊN TẠP CHÍ KHPL SỐ 3(34)/2006

BẢN CHẤT CỦA TRANH TỤNG TẠI PHIÊN TÒA

TRẦN V ĂN ĐỘ

PGS-TS, Tòa án Quân sự Trung ương

1. Trong toàn bộ quá trình tố tụng, xét xử đóng vai trò trung tâm, thể hiện đầy đủ nhất bản chất của hệ thống tư pháp của mỗi nhà nước, là giai đoạn quyết định tính đúng đắn, khách quan của việc giải quyết vụ án, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Trong xét xử, phiên tòa là giai đoạn có vai trò đặc biệt quan trọng và mang tính quyết định trong giải quyết vụ án, thực hiện các nhiệm vụ, mục đích tố tụng đặt ra. Vai trò quyết định đó của phiên tòa thể hiện ở những điểm sau đây:

- Thứ nhất, phiên tòa là nơi tòa án bằng thủ tục công khai, toàn diện thực hiện cuộc điều tra chính thức để xác định sự thật khách quan của vụ án. Tòa án ra bản án, quyết định trên cơ sở các chứng cứ được thu thập và kiểm tra công khai tại phiên tòa. Việc chứng minh (bao gồm cả quá trình thu thập, kiểm tra và đánh giá chứng cứ) được các chủ thể có quyền và lợi ích khác nhau (bên buộc tội, bên bào chữa, nguyên đơn, bị đơn) thực hiện một cách bình đẳng, dân chủ tại phiên tòa khi xét hỏi cũng như tranh luận. Việc chứng minh và từ đó xác định sự thật của vụ án được tòa án thực hiện trên cơ sở chứng cứ được thu thập, thẩm tra tại phiên tòa và cân nhắc, đánh giá của các bên tham gia tố tụng khác nhau;

- Thứ hai, phiên tòa đảm bảo sự tham gia của những người tham gia tố tụng. Hơn ở đâu hết, tại phiên tòa quyền và nghĩa vụ tố tụng của những người tham gia tố tụng được quy định và được đảm bảo thực hiện đầy đủ nhất bằng thủ tục tố tụng trực tiếp, công khai. Tại phiên tòa khó có thể xảy ra các trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng như bức cung, ép cung, dùng nhục hình v.v…;

- Thứ ba, phiên tòa là nơi có điều kiện tốt nhất để thực hiện việc áp dụng đúng đắn pháp luật. Qua phân tích nội dung các đề xuất của các bên tham gia tố tụng về áp dụng pháp luật, Tòa án lựa chọn cho mình phương án áp dụng pháp luật chính xác nhất để giải quyết đúng đắn vụ án;

- Thứ tư, phiên tòa là nơi tốt nhất thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Thông qua thủ tục tại phiên tòa, việc điều tra công khai, việc tranh luận và đặc biệt là qua việc công bố một bản án đúng đắn, hợp lý, hợp tình, tòa án giúp cho những người tham gia tố tụng cũng như những người tham dự phiên tòa nâng cao hiểu biết pháp luật, củng cố lòng tin vào pháp luật để từ đó không chỉ tự nguyện tuân thủ pháp luật, mà còn tích cực tham gia vào đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật v.v.

Như vậy, phiên tòa là giai đoạn trung tâm thể hiện đầy đủ nhất bản chất quá trình tố tụng nói chung và xét xử nói riêng. Phiên tòa có sự tham gia đầy đủ của các cơ quan tiến hành tố tụng, những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng với địa vị pháp lý được xác định. Thông qua phiên tòa, bằng thủ tục trực tiếp, công khai, qua nghe ý kiến và đề xuất của các bên tham gia tố tụng, tòa án (với tư cách là cơ quan tiến hành tố tụng quan trọng nhất) tiến hành xác định sự thật khách quan của vụ án và ra các phán quyết giải quyết vụ án một cách đúng đắn, đầy đủ, khách quan và đúng pháp luật.

Mỗi quốc gia khác nhau có các thủ tục tố tụng khác nhau mang yếu tố đặc trưng cũng như truyền thống của mình. Tuy nhiên trong xã hội dân chủ, tiến bộ hiện nay, nguyên tắc hai cấp xét xử được thực hiện ở tuyệt đại đa số các nhà nước trên thế giới. Theo nguyên tắc này, bản án, quyết định sơ thẩm bị các bên tham gia tố tụng có quyền và lợi ích liên quan kháng cáo, hoặc bị Viện kiểm sát kháng nghị trong thời hạn luật định thì phải được xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm. Vì vậy, trong tố tụng nói đến phiên tòa, tức là nói đến phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm. Thế nhưng, là phiên tòa lần đầu xem xét và quyết định về toàn bộ vụ án, phiên tòa sơ thẩm thể hiện đầy đủ nhất các yếu tố đặc trưng của phiên tòa. Ngoài ra, tuỳ theo cách tổ chức của hệ thống tư pháp, ở các nước còn có các phiên tòa khác như phiên tòa giám đốc thẩm, phiên tòa tái thẩm, phiên tòa phá án, nhưng đây là các thủ tục đặc biệt, nên những phiên tòa này cũng mang yếu tố đặc biệt, không thể thực hiện đầy đủ các yếu tố đặc trưng của một phiên tòa.

Theo chúng tôi, với vai trò cực kỳ quan trọng như vậy, việc nâng cao chất lượng phiên tòa luôn luôn là một nhu cầu, một đòi hỏi cấp thiết khách quan. Việc nghiên cứu hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng phải lấy thủ tục tại phiên tòa là tâm điểm. Việc nghiên cứu xây dựng một hệ thống tố tụng tranh tụng hay hệ thống tố tụng khác có các yếu tố tranh tụng phải được xuất phát trước tiên từ vấn đề tranh tụng tại phiên tòa.

2. Sự ra đời và phát triển của khái niệm tranh tụng trong tố tụng gắn liền với sự hình thành và phát triển của các tư tưởng dân chủ, tiến bộ trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Tranh tụng không chỉ là thành tựu pháp lý đơn thuần, mà cao hơn nó là thành tựu của sự phát triển tư tưởng, của nền văn minh nhân loại. Trong xã hội hiện đại, ở các nước dù có tổ chức hệ thống tư pháp khác nhau, dù là hệ thống luật án lệ (common law), hệ thống luật lục địa (legal law) hay hệ thống luật xã hội chủ nghĩa, thì ít hay nhiều và bằng các thể hiện khác nhau, trong hệ thống tố tụng đều có yếu tố tranh tụng. Đây là cơ chế tố tụng có hiệu quả bảo đảm cho tòa án xác định sự thật khách quan của vụ án, giải quyết đúng đắn vụ việc, đảm bảo sự công bằng và bảo vệ các quyền và lợi ích của các bên tham gia tố tụng.

Vì thế, chúng tôi không thể đồng ý với quan điểm cho rằng tranh tụng là yếu tố đặc trưng của tư pháp tư sản; rằng tranh tụng là biểu hiện của nền dân chủ tư sản hình thức; và vì vậy nó không thể có chỗ đứng trong hoạt động tư pháp xã hội chủ nghĩa; rằng trong tư pháp xã hội chủ nghĩa chỉ có tố tụng xét hỏi và kết hợp với tranh luận để giải quyết vụ án mà thôi v.v.

Theo Từ điển tiếng Việt, tranh tụng có nghĩa là kiện cáo lẫn nhau1. Còn theo nghĩa Hán Việt thì thuật ngữ tranh tụng được ghép từ hai từ “tranh luận” và “tố tụng”. Tranh tụng là tranh luận trong tố tụng. Trong tố tụng bao giờ cũng có sự tham gia của các bên có quyền và (hoặc) lợi ích trái ngược nhau yêu cầu tòa án phân xử. Để có cơ sở cho tòa án có thể phân xử, pháp luật quy định cho các bên tham gia tố tụng quyền khởi kiện vụ việc ra trước tòa án, chứng minh và tranh luận để bảo vệ yêu cầu của mình.

Như vậy, tranh tụng bao giờ cũng gắn liền với hoạt động tài phán của tòa án. Xét xử dân sự là hoạt động phân xử vụ kiện giữa các bên có quyền và lợi ích khác nhau. Tại phiên tòa, tòa án tiến hành xác định sự thật của vụ án bằng cách điều tra công khai, chính thức về vụ việc, nghe các bên tranh luận về giải quyết vụ án từ góc độ nội dung cũng như pháp luật áp dụng để ra phán quyết.

Tùy theo tính chất vụ án mà chức năng tố tụng, địa vị pháp lý của các bên cũng khác nhau. Tranh tụng trong tố tụng hình sự diễn ra giữa bên buộc tội và bên bào chữa, chủ yếu là giữa công tố với người bào chữa và bị cáo; trong tố tụng dân sự diễn ra giữa nguyên đơn với bị đơn dân sự. Để những người đó thực hiện việc tranh tụng, pháp luật tố tụng quy định cho họ các quyền và nghĩa vụ tố tụng nhất định. Vì vậy, trong khoa học pháp lý, tranh tụng được phân thành tranh tụng dân sự, tranh tụng kinh tế, tranh tụng hành chính2.

Trong tất cả các loại tranh tụng, tòa án là cơ quan thực hiện chức năng xét xử. Tòa án thực hiện chức năng như một trọng tài có địa vị độc lập với các bên để phân xử một cách khách quan, theo pháp luật. Trong tố tụng hình sự, chức năng xét xử của tòa án độc lập với chức năng buộc tội và chức năng bào chữa; trong tố tụng dân sự, kinh tế, tòa án là người đứng ra phân xử giữa bên khởi kiện và bên bị kiện để ra phán quyết về vụ án.

Cần phải khẳng định rằng với tính chất là sự tranh luận giữa các bên có quyền và lợi ích khác nhau, tranh tụng luôn luôn có mặt trong các hệ thống tố tụng khác nhau. Bởi vì, mục đích của các hệ thống tố tụng dân chủ, tiến bộ trong thế giới hiện đại là xác định được sự thật và phán quyết về vụ án trên cơ sở quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, mỗi hệ thống tố tụng lại có phương cách xác định sự thật khác nhau, cơ sở pháp lý khác nhau , nên phạm vi, tính chất và mức độ tranh tụng cũng có những điểm khác nhau. Căn cứ vào phương cách mà tố tụng được thực hiện, cơ sở pháp lý cho việc thực hiện phương cách đó, người ta phân tố tụng tư pháp, đặc biệt là tố tụng hình sự thành các hệ thống khác nhau: hệ thống tranh tụng, hệ thống xét hỏi (hay thẩm vấn) và hệ thống pha trộn. Và trong mỗi hệ thống đó, mức độ tranh tụng cũng khác nhau3.

- Hệ thống tranh tụng:

Hệ thống tranh tụng thường được sử dụng trong các nước có hệ thống luật án lệ (common law). Mục đích chính của tố tụng theo hệ thống này là phán quyết trên cơ sở thỏa mãn với sự thật pháp lý mà các bên chứng minh tại phiên tòa. Theo hệ thống này, hoạt động tư pháp thực chất được bó gọn trong hoạt động xét xử tại phiên tòa với các quy định nghiêm ngặt (nhiều khi đến mức máy móc) về thủ tục tố tụng. Tính tranh tụng trong xét xử vụ án được thực hiện một cách triệt để. Sự thật chỉ được xác lập tại phiên tòa. Các chức năng tố tụng (công tố– bào chữa– xét xử, nguyên kiện– bị kiện– xét xử) được quy định và thực hiện minh bạch và hoàn toàn chế ước, kiểm tra lẫn nhau. Tòa án đóng vai trò là người trọng tài và qua phiên tòa xác định xem “sự thật” của ai (bên nguyên và bên bị) thuyết phục hơn để qua đó phán xét. Quyết định của tòa án dường như được thực hiện không phải trên cơ sở sự thật khách quan của vụ án mà là trên cơ sở sự thật được các bên chứng minh tại phiên tòa có tính thuyết phục cao hơn.

Vì vậy, tòa án không xét hỏi, không tranh luận và cũng không gợi ý tranh luận, mà chỉ là người trọng tài điều khiển phiên tòa, đóng vai trò thụ động trong quá trình chứng minh, nhưng lại toàn quyền phán quyết về vụ án. Toàn bộ quá trình tố tụng được thực hiện bằng miệng. Vì vậy, tại phiên tòa phải có mặt tất cả những người tham gia tố tụng, đặc biệt là người làm chứng, các vật chứng phải được các bên đưa ra xem xét tại phiên tòa v.v.

- Hệ thống xét hỏi:

Hệ thống xét hỏi thường được sử dụng trong các nước theo hệ thống luật lục địa (legal law). Mục đích chính của tố tụng theo hệ thống này là cố gắng xác định sự thật khách quan của vụ án để từ đó ra phán quyết. Vì vậy, quá trình tố tụng được thực hiện bằng văn bản và bằng lời, bao gồm cả giai đoạn điều tra và xét xử tại phiên tòa. Tòa án thực hiện việc chứng minh vụ án trên cơ sở sử dụng kết quả đóng vai trò quyết định trong xác định sự thật khách quan tại phiên tòa. Vì vậy thủ tục tố tụng tại phiên tòa đơn giản hơn, ít khắt khe hơn về mặt hình thức: việc xét xử không nhất thiết phải có mặt tất cả những người tham gia tố tụng, chứng cứ thu thập chỉ cần thẩm tra lại tại phiên tòa, gánh nặng xét hỏi do tòa án đảm nhận. Phán quyết của tòa án được đưa ra trên cơ sở niềm tin nội tâm của tòa án về sự thật khách quan của vụ án, chứ không phải là kết qủa của việc ai thuyết phục tòa án tốt hơn tại phiên tòa v.v.

- Hệ thống pha trộn:

Hệ thống pha trộn được thực hiện trên cơ sở kết hợp hai hệ thống tranh tụng và xét hỏi. Nhìn từ góc độ mục đích tố tụng cũng như phương cách để đạt được mục đích đó, thì mỗi hệ thống tranh tụng (tranh tụng hay xét hỏi) đều có mặt tích cực và hạn chế nhất định. Hệ thống tố tụng pha trộn là sự kết hợp giữa hai hệ thống tranh tụng trên. Tùy theo việc quốc gia thuộc vào hệ thống tư pháp nào (án lệ hay lục địa) mà “dấu ấn” của hệ thống tố tụng trong hệ thống tố tụng pha trộn nổi rõ hơn.

Hệ thống tư pháp nước ta được tổ chức và hoạt động theo truyền thống luật lục địa. Tố tụng nước ta được thực hiện theo hệ thống pha trộn thiên về xét hỏi, tức yếu tố xét hỏi trong tố tụng nước ta rõ nét hơn. Việc nghiên cứu bản chất của tranh tụng tại phiên tòa ở nước ta phải được xem xét từ góc độ tranh tụng trong tố tụng xét hỏi.

3. Hiện nay, trong khoa học pháp lý còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung tranh tụng tại phiên tòa. Có ý kiến cho rằng tại phiên tòa các bên chỉ thực hiện việc tranh luận trong giai đoạn tranh luận, còn xét hỏi là nhiệm vụ của Hội đồng xét xử và Viện kiểm sát. Những người khác lại cho rằng tranh tụng được thực hiện trong hầu hết các giai đoạn của phiên tòa, đặc biệt là trong phần xét hỏi và phần tranh luận.

Chúng tôi cho rằng, nếu chỉ thu hẹp việc tranh tụng trong phần tranh luận thì không đạt được các mục đích tranh tụng đặt ra. Để thực sự tham gia vào quá trình chứng minh, các bên tham gia tranh tụng phải được phép đưa ra chứng cứ, thực hiện việc xét hỏi, xem xét vật chứng, để đảm bảo tính đầy đủ, toàn diện, chứng cứ phải được thu thập, kiểm tra, đánh giá từ góc độ, cách nhìn nhận khác nhau cả của bên nguyên (nguyên đơn, buộc tội) cũng như bên bị (bị đơn, bị cáo). Hơn nữa, theo tố tụng hình sự của nhiều nước, nhất là các nước theo truyền thống án lệ, phiên tòa không được phân chia rõ rệt thành phần xét hỏi, phần tranh luận thì quan điểm cho rằng tranh tụng chỉ xảy ra trong phần tranh luận là không chính xác.

Theo chúng tôi, nội dung tranh tụng tại phiên tòa bao gồm:

- Đưa ra chứng cứ mới bằng cách yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng, đưa ra vật chứng hoặc tài liệu mới. Hồ sơ, chứng cứ được xác lập trong giai đoạn điều tra là rất quan trọng cho việc xét xử tại phiên tòa. Tuy nhiên, các chứng cứ có trong hồ sơ là do các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập, nhiều trường hợp chưa thể đầy đủ và không loại trừ việc thiếu khách quan. Đặc biệt đối với vụ án hình sự, trách nhiệm chứng minh thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng; cho nên đa số các trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát chỉ thu thập chứng cứ buộc tội, không chú trọng thu thập chứng cứ gỡ tội; trong khi đó bên bào chữa (người bào chữa, bị can, bị cáo) không được quyền chủ động thu thập chứng cứ làm hạn chế khả năng tranh tụng của họ tại phiên tòa. Vì vậy, cho nên pháp luật tố tụng quy định các bên tham gia tố tụng có quyền yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng, quyền đưa ra các chứng cứ mới tại phiên tòa. Nhiệm vụ của tòa án là đảm bảo để các bên thực hiện quyền tố tụng này; tránh trường hợp sợ phiền phức, sợ phiên tòa đi chệch quỹ đạo chuẩn bị nên không chú trọng thủ tục này tại phần mở đầu phiên tòa.

- Thực hiện việc xét hỏi tại phiên tòa. Xét hỏi thực chất là cuộc điều tra chính thức tại phiên tòa để xác định sự thật khách quan của vụ án. Vì vậy, các bên tham gia tố tụng đều có quyền điều tra dưới sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa từ hỏi người khác, xem xét vật chứng, tài liệu. Việc xét hỏi này chỉ kết thúc khi tòa án thấy rằng thông qua xét hỏi sự thật khách quan, đối tượng chứng minh trong vụ án đã được xác định đầy đủ, các tình tiết liên quan đến việc giải quyết đã được làm rõ. Vì thế cho nên, thủ tục tố tụng quy định quyền thu thập chứng cứ chỉ cho các cơ quan tiến hành tố tụng, quy định gánh nặng xét hỏi cho tòa án, quy định chỉ cho phép một số ít các bên tham gia xét hỏi (đại diện Viện kiểm sát, luật sư) cần được xem xét lại từ góc độ tranh tụng;

- Phát biểu ý kiến về đánh giá chứng cứ. Qua việc điều tra chính thức, công khai tại phiên tòa, mỗi bên tham gia tố tụng đều có cách nhìn nhận, đánh giá của mình về kết qủa chứng minh. Để thực hiện chức năng tố tụng, nhiệm vụ tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các bên tham gia tố tụng phải công khai đưa ra ý kiến đánh giá của mình về sự thật khách quan của vụ án để giúp cho tòa án cân nhắc khi ra phán quyết. Các đánh giá khác nhau, phản biện nhau của các bên tham gia tố tụng tại phiên tòa sẽ giúp cho tòa án khách quan hơn, toàn diện hơn, thận trọng hơn khi đánh giá để ra phán quyết;

- Phát biểu ý kiến về pháp luật áp dụng. Thực tiễn cho thấy rằng, do nhiều lý do khác nhau như kĩ thuật lập pháp chưa tốt, quy định của pháp luật chưa rõ ràng, thiếu cụ thể, trình độ nhận thức pháp luật chưa tốt mà pháp luật được nhận thức rất khác nhau trong hoạt động tố tụng. Vì vậy, nội dung của tranh tụng trong giai đoạn tranh luận tại phiên tòa bao gồm việc các bên tham gia tố tụng đề nghị áp dụng luật để bảo vệ quan điểm của mình trong giải quyết vụ án theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Ví dụ: trong phiên tòa hình sự, đại diện Viện kiểm sát đề nghị áp dụng pháp luật hình sự để bảo vệ cáo trạng, bảo vệ việc buộc tội; người bào chữa đề nghị áp dụng pháp luật hình sự để gỡ tội, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo v.v;

- Đề nghị biện pháp giải quyết vụ án liên quan đến quyền và lợi ích liên quan. Mỗi bên tham gia tố tụng đều nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Vì vậy, nội dung không thể thiếu trong tranh tụng là các bên đề xuất ý kiến và lập luận trên cơ sở chứng cứ, quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích đó. Tùy theo tư cách tố tụng của mình mà phạm vi xét hỏi, tranh luận, đề xuất ý kiến của mỗi người tham gia tố tụng cũng có khác nhau: đại diện Viện kiểm sát bảo vệ cáo trạng, người bào chữa, bị cáo bảo vệ quan điểm không có tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nguyên đơn dân sự đòi hỏi việc bồi thường, bị đơn dân sự bác bỏ hoặc giảm mức bồi thường4 v.v

Như vậy, tranh tụng tại phiên tòa là hình thức tố tụng mà trong đó Tòa án thay mặt nhà nước xác định sự thật của vụ án trên cơ sở điều tra công khai tại phiên Tòa, nghe ý kiến của các bên tham gia tố tụng để ra quyết định phán xét giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ và đúng pháp luật.

4. Tranh tụng là nguyên tắc quan trọng trong tố tụng nói chung và xét xử nói riêng. Để đảm bảo cho nguyên tắc tranh tụng được thực hiện đầy đủ trong tố tụng nhằm giải quyết đúng đắn, khách quan vụ án, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia tố tụng, cần thiết phải có một hệ thống các bảo đảm về pháp lý, về tổ chức cũng như về cơ sở vật chất.

* Bảo đảm pháp lý:

Theo chúng tôi, bảo đảm pháp lý cho việc thực hiện tranh tụng tại phiên tòa bao gồm:

- Các quy định đầy đủ, hợp lý và khả thi về địa vị tố tụng của các bên tham gia tố tụng tại phiên tòa để họ có đầy đủ điều kiện, khả năng thực hiện các nội dung tranh tụng theo chức năng, nhiệm vụ hoặc lợi ích của mình: được chủ động thu thập vật chứng, được xét hỏi những người tham gia tố tụng, đặc biệt là người làm chứng trong giai đoạn điều tra, được yêu cầu cung cấp tài liệu;

- Quy định thủ tục tố tụng bình đẳng, nhất là tại phiên tòa; đảm bảo để các bên tham gia tố tụng được xét hỏi, tranh luận một cách khách quan, công bằng và bình đẳng; mở rộng phạm vi các vụ án có sự tham gia bắt buộc của luật sư;

- Quy định quyền khiếu nại, kháng cáo bản án, quyết định của các bên và hiệu lực như nhau của các khiếu nại đó.Ví dụ: Viện kiểm sát và bị cáo đều phải có quyền kháng cáo, kháng nghị như nhau đối với bản án, quyết định của tòa án.

* Bảo đảm về mặt tổ chức:

- Hình thành các cơ quan tiến hành tố tụng, các tổ chức bổ trợ với chức năng hợp lý phù hợp với cơ chế tranh tụng. Các vấn đề như quan hệ giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong tố tụng hình sự, Viện kiểm sát có chức năng kiểm sát tư pháp hay không, có cho phép thành lập các tổ chức thám tử tư để giúp người tham gia tố tụng thu thập chứng cứ trong giai đoạn điều tra, là những vấn đề cần được nghiên cứu thỏa đáng;

- Tăng cường các tổ chức luật sư, mở rộng phạm vi bào chữa để đảm bảo các phiên tòa có sự tham gia của người bào chữa ngày càng nhiều; nâng cao văn hoá pháp lý trong tố tụng nói chung và tại phiên tòa nói riêng;

- Nâng cao trình độ, nhận thức của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, đảm bảo cho họ có đủ năng lực về chuyên môn, về phong cách, về khả năng diễn đạt để thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa. Những trường hợp người tham gia tranh tụng không có khả năng đó thì nhất thiết phải được sự trợ giúp của luật sư;

- Bảo đảm cơ sở vật chất cho quá trình tranh tụng. Vị trí của các bên tại phiên tòa thế nào để đảm bảo không khí tố tụng bình đẳng, khách quan; tạo điều kiện cho các bên dễ dàng tiếp xúc trong quá trình tố tụng; hệ thống âm thanh, hình ảnh thuận tiện cho việc theo dõi tiến trình tố tụng là những điều kiện rất cần thiết cho tranh tụng cần được nghiên cứu v.v.

5. Tóm lại

1. Tranh tụng là hình thức tố tụng trong giải quyết các vụ án. Phạm vi và nội dung tranh tụng có khác nhau trong các hệ thống pháp luật và các loại án. Thực hiện việc tranh tụng tại phiên tòa và tòa án ra phán quyết trên cơ sở kết qủa tranh tụng tại phiên tòa là đảm bảo quan trọng cho việc xác định sự thật khách quan của vụ án, giải quyết vụ án đúng đắn, khách quan.

Tranh tụng tồn tại trong tất cả thủ tục tố tụng hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính. Tuy nhiên, mỗi loại án có những đặc trưng khác nhau về yếu tố tranh tụng. Việc tranh tụng được thực hiện trong giai đoạn điều tra và tại phiên tòa, nhưng tại phiên tòa là quan trọng nhất.

Nội dung tranh tụng tại phiên tòa được thực hiện cả trong giai đoạn bắt đầu, trong xét hỏi và trong tranh luận. Tùy theo địa vị tố tụng mà người tham gia tố tụng thực hiện nội dung tranh luận khác nhau.

Để thực hiện việc tranh tụng, cần thiết phải có một hệ thống các bảo đảm về mặt pháp lý, về mặt tổ chức phù hợp, khả thi trong điều kiện kinh tế, xã hội nước ta hiện nay.

2. Bộ luật tố tụng hình sự cần thể hiện được các tư tưởng tranh tụng trong tố tụng xét hỏi như sau:

- Quy định tranh tụng, bảo đảm sự bình đẳng của các bên tham gia tố tụng trước tòa án là các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự.

- Các nguyên tắc đó phải được thể hiện đầy đủ trong các quy định cụ thể của Bộ luật tố tụng hình sự: bình đẳng trong quá trình chứng minh (bao gồm thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ), bình đẳng trong bày tỏ quan điểm, đưa ra các yêu cầu và tranh luận trước tòa án v.v

- Quy định rõ và và đầy đủ các quyền và nghĩa vụ tố tụng của các bên tham gia tố tụng để họ có đủ cơ sở pháp lý cho việc tranh tụng được thực hiện trên thực tế;

- Mở rộng phạm vi tham gia tố tụng của người bào chữa cho bị can, bị cáo, người bảo vệ quyền lợi của đương sự để họ có thể thay mặt bị can, bị cáo, đương sự thật sự thực hiện việc tranh tụng trong tố tụng hình sự. Việc mở rộng phạm vi tham gia tố tụng của người bào chữa không đơn thuần là vấn đề người bào chữa tham gia tố tụng vào thời điểm nào như bấy lâu nay vẫn được tranh luận trong khoa học mà quan trọng là người bào chữa có địa vị pháp lý như thế nào để có thể bình đẳng trong tranh tụng với bên buộc tội.

1 Xem: Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1991, trang 1238.

2 Nguyễn Đức Mai, Vấn đề tranh tụng trong tố tụng hình sự, Luận án Thạc sĩ luật học, Hà Nội, 1996, trang 14.

3 Xem: Tư pháp hình sự so sánh, Thông tin khoa học pháp lý Bộ tư pháp, số chuyên đề, 1999, trang 177-133; Tố tụng tranh tụng và tố tụng xét hỏi, Thông tin khoa học xét xử, số 1-2003, trang 3-6.

4 Xem: Thông báo 290 ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Tòa án nhân dân tối cao kết luận hội thảo về “Tranh luận tại phiên tòa hình sự”.

ĐĂNG TRÊN TẠP CHÍ KHPL SỐ 4/2004

Tìm hiểu thủ tục rút gọn theo Luật tố tụng hình sự Việt Nam

TS. Vũ Đức Trung

Trưởng phòng_ ĐHCSND

Tại Điều 23, Sắc lệnh 51-SL quy định: Nếu việc phạm pháp quả tang có thể xử phạt từ 5 năm tù trở xuống thì Viện công tố có thể đưa ngay vụ án ra phiên tòa, không cần có cáo trạng. Đây là tiền đề cho việc ban hành hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục rút gọn sau này.

1. Thủ tục rút gọn trong Luật Tố tụng hình sự Việt Nam trước khi Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 được ban hành.

Qua nghiên cứu lịch sử lập pháp của nhà nước ta chúng tôi thấy ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời nhằm đơn giản hóa thủ tục tố tụng hình sự đối với một số vụ án, Chính phủ lâm thời đã ban hành Sắc lệnh số 51-SL ngày 17/4/1946, quy định hướng giải quyết đối với các vụ án đơn giản, phạm pháp quả tang, hình phạt tù từ 5 năm trở xuống. Tại Điều 23, Sắc lệnh 51-SL quy định: Nếu việc phạm pháp quả tang có thể xử phạt từ 5 năm tù trở xuống thì Viện công tố có thể đưa ngay vụ án ra phiên tòa, không cần có cáo trạng. Đây là tiền đề cho việc ban hành hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục rút gọn sau này.

Trong giai đoạn từ năm 1954 đến trước khi Nhà nước tiến hành pháp điển hóa Luật Tố tụng hình sự vào năm 1988, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản dưới luật quy định về thủ tục rút gọn trong khi tiến hành tố tụng hình sự. Đó là: Thông tư số 139 ngày 28/5/1974 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn về thủ tục điều tra, truy tố, xét xử, các vụ án phạm pháp quả tang. Thông tư này quy định: Đối với các vụ án phạm tội quả tang không thuộc loại trọng án, có đủ chứng cứ, bị can nhận tội, thì cơ quan Công an lập biên bản đưa sang Viện Kiểm sát nhân dân để quyết định chuyển thẳng sang Tòa án xét xử. Thông tư số 10-TATC ngày 08/7/1974 của Tòa án nhân dân tối cao quy định về thủ tục rút ngắn trong việc điều tra, truy tố, xét xử một số án hình sự ít quan trọng, phạm pháp quả tang, đơn giản, rõ ràng. Thông tư này cũng đã hướng dẫn tương đối chi tiết về điều kiện áp dụng thủ tục rút ngắn đối với những vụ án hình sự là những vụ án hình sự nhỏ có thể phân xử mà không phải mở phiên tòa. Cụ thể, chỉ những việc có đủ bốn điều kiện sau đây mới được áp dụng thủ tục rút ngắn:

Thứ nhất, có thể áp dụng thủ tục về việc đưa vụ án ra xét xử không cần có cáo trạng đối với một số vụ án thuộc các loại tội xâm phạm tài sản chủ nghĩa, làm ăn phi pháp, gây rối trật tự chung như: Trộm cắp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, tài sản riêng của công dân, lừa đảo nơi công cộng; đầu cơ tích trữ, chứa chấp trái phép các loại vật tư, lương thực, hàng hóa do nhà nước quản lý, buôn bán tem phiếu ở các cửa hàng, các chợ; nấu rượu lậu, buôn rượu lậu, lạm phát lợn, trâu bò; hành động càn quấy, gây rối trật tự chung; hành hung người khác; lăng mạ hành hung cán bộ trong khi làm nhiệm vụ. Ngoài những loại tội phạm kể trên, cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án các địa phương cũng có thể thống nhất ý kiến về đưa ra xét xử một số tội phạm khác không cần có cáo trạng.

Thứ hai, việc phạm pháp phải có tính chất quả tang, đơn giản, rõ ràng. Việc phạm pháp có tính chất quả tang là bị cáo bị bắt ngay khi phạm tội hoặc ngay sau khi phạm tội, hoặc bị cáo bị các nhà chức trách hay nhân dân đuổi bắt được ngay sau khi phạm tội. Tội phạm đơn giản, rõ ràng là vụ án không có những tình tiết phải mất thời gian điều tra, xác minh, bị cáo đã nhận tội và trong vụ án chỉ có một hoặc hai bị cáo.

Thứ ba, bị cáo phải có căn cước, lý lịch đã được xác minh rõ ràng.

Thứ tư , hình phạt tối đa mà Tòa án nhân dân có thể quyết định là từ 2 năm tù tr ở xuống.

Tiếp đó Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông tư số 01-TT ngày 28/2/1975 hướng dẫn về nội dung hoạt động của Kiểm sát viên trong công tác kiểm sát việc áp dụng thủ tục rút ngắn đối với các vụ án ít nghiêm trọng, phạm pháp quả tang, đơn giản rõ ràng

Như vậy:Thủ tục rút gọn đã được pháp luật Tố tụng hình sự nước ta quy định và áp dụng từ rất sớm; tuy nhiên trước đây những thủ tục này chỉ là thủ tục rút ngắn về thời gian tiến hành tố tụng mà chưa đơn giản hóa các thủ tục tố tụng hình sự.

2. Thủ tục rút gọn theo quy định của BLTTHS năm 2003

Theo quan niệm mới trong BLTTHS năm 2003 thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự phải là thủ tục tố tụng hình sự được rút ngắn về thời gian tố tụng. Đồng thời phải đơn giản hóa một số thủ tục nhất định đối với những vụ án nhất định nhằm giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử được nhanh chóng; góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm kịp thời, có hiệu quả, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong tố tụng hình sự. Thời gian tiến hành tố tụng phải ngắn hơn thời hạn thông thường; bỏ một số thủ tục tố tụng như không cần làm bản kết luận điều tra, cáo trạng; áp dụng đối với vụ án có đủ điều kiện do BLTTHS quy định; giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời.

Trước hết về phạm vi, điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn. Vấn đề này được quy định rất chặt chẽ trong Bộ luật. Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn được quy định tại Điều 319, Điều 320 – BLTTHS là chỉ áp dụng đối với việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự ở cấp sơ thẩm, không mở rộng sang các giai đoạn xét xử phúc thẩm hay xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Nếu vụ án bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm thì sẽ được giải quyết theo thủ tục chung.Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn cũng đ ư ợc quy định rất chặt chẽ. Chỉ khi nào vụ án hình sự hội tụ đầy đủ 4 điều kiện sau thì mới được quyết định áp dụng thủ tục rút gọn: Người thực hiện hành vi phạm tội bắt quả tang; sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng.

Tiếp theo là nội dung của thủ tục rút gọn, bao gồm: Thời hạn tiến hành tố tụng; thủ tục điều tra, truy tố, xét xử; áp dụng các biện pháp ngăn chặn; vấn đề bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo.

- Thời hạn trong tố tụng hình sự được hiểu là khoảng thời gian tối đa mà BLTTHS cho phép tiến hành tố tụng đối với vụ án. Thời hạn tiến hành tố tụng đối với các vụ án theo thủ tục rút gọn là 30 ngày, trong đó thời hạn điều tra 12 ngày; thời hạn truy tố 04 ngày; thời hạn xét xử 14 ngày.

- Thủ tục điều tra được tiến hành như sau: Lập bản phạm pháp quả tang; khởi tố vụ án, bị can; tiến hành xác minh căn cước, lý lịch bị can, trích lục tiền án, tiền sự (nếu có).Ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.Viện Kiểm sát gửi quyết định áp dụng thủ tục rút gọn cho Cơ quan điều tra hoặc bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ trong 24 giờ, kể từ ngày ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Trong trường hợp cần thiết thì tiến hành thêm một số hoạt động điều tra nhằm thu thập và củng cố chứng cứ như: Hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, bị hại, đối chất, trưng cầu giám định.v.v.. Khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra ra quyết định đề nghị truy tố ngắn gọn đề nghị Viện Kiểm sát khởi tố bị can về tội danh nào theo điều, khoản nào của Bộ luật Hình sự.

- Thủ tục trong giai đoạn truy tố: Trong thời hạn 04 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện Kiểm sát phải ra một trong những quyết định sau: Truy tố bị can trước toà bằng quyết định truy tố (không cần có bản cáo trạng); trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung. Nếu trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì vụ án tiến hành tố tụng theo thủ tục chung.

- Thủ tục trong giai đoạn xét xử sơ thẩm: Trong thời gian 07 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công làm Chủ toạ phiên tòa phải ra một trong các quyết định: Hoặc đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn, trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử vụ án. Việc xét xử sơ thẩm được tiến hành theo thủ tục chung; hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung và tạm đình chỉ vụ án. Trường hợp này Tòa án sẽ chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát và vụ án được giải quyết theo thủ tục chung; hay đình chỉ vụ án khi có căn cứ đình chỉ điều tra.

- Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn: Thứ nhất, về biện pháptạm giữ: Thủ tục rút gọn được áp dụng đối với các vụ án phạm tội quả tang nên trong thực tế tạm giữ sẽ là biện pháp được áp dụng phổ biến đối với các vụ án.Các quy định về căn cứ, thẩm quyền và thủ tục áp dụng biện pháp tạm giữ trong thủ tục rút gọn cũng được tiến hành theo thủ tục chung. Thời hạn tạm gi ữ tối đa không quá 03 ngày, kể từ ngày Cơ quan điều tra nhận người bị bắt; không được gia hạn tạm giữ. Thứ hai, vềtạm giam: Trong việc áp dụng thủ tục rút gọn, biện pháp tạm giam cũng phải tuân thủ các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền như trường hợp tạm giam thông thường. Về nguyên tắc, thời hạn tạm giam không được vượt quá thời hạn tiến hành điều tra, truy tố, xét xử. BLTTHS năm 2003 quy định thời hạn tiến hành tố tụng theo thủ tục rút gọn là 30 ngày; trong đó điều tra 12 ngày, truy tố 04 ngày; xét xử 14 ngày. Do đó, thời hạn tạm giam tối đa là 30 ngày.

-Vấn đề bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo : Theo quy định tại Điều 318 và Điều 320 BLTTHS năm 2003 thì thủ tục rút gọn đối với việc điều tra, truy tố và xét xử được áp dụng theo quy định của Chương XXXIV, đồng thời theo những quy định khác không trái với những quy định của Chương XXXIV.Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn phải được gửi cho Cơ quan điều tra và bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn có thể bị khiếu nại. Bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại quyết định áp dụng thủ tục rút gọn; thời hiệu khiếu nại là ba ngày, kể từ ngày nhận được quyết định. Khiếu nại được gửi đến Viện Kiểm sát đã ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và được giải quyết trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.

Như vậy, thủ tục rút gọn đối với một số vụ án khi đáp ứng đ ược các điều kiện mà Bộ luật hình sự đã quy định nếu được các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng sẽ có một số tác dụng nhất định, góp phần giải quyết nhanh chóng vụ án; tiết kiệm được kinh phí, lực lượng và thời gian trong quá trình tiến hành tố tụng đối với vụ án; không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử vô tư, khách quan. Đồng thời còn bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trước pháp luật ./.

Tìm hiểu các kiểu (hình thức) tố tụng hình sự

LÊ TIẾN CHÂU

ThS.GV khoa Luật Hình sự – ĐH Luật TP.HCM

Trong quá trình cải cách tư pháp nói chung, hịan thiện pháp luật tố tụng hình sự Việt nam nói riêng, việc tìm hiểu các kiểu tố tụng hình sự có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ về mặt lý luận mà còn có ý nghĩa về mặt thực tiễn. Tuy nhiên, qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy cho đến nay chưa có bài viết hay công trình nghiên cứu khoa học nào được công bố về vấn đề này. Để góp phần làm rõ về mặt lí luận, từ đó dẫn đến khả năng tiếp thu những hạt nhân hợp lí của từng kiểu tố tụng trong quá trình hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, trong phạm vi bài viết này, chúng ta tìm hiểu các kiểu tố tụng hình sự.

Căn cứ vào địa vị pháp lí của các chủ thể thực hiện và vị trí, vai trò của các chức năng buộc tội, bào chữa và xét xử, học thuyết tố tụng hình sự của nước Nga đã phân biệt bốn kiểu tố tụng hình sự cơ bản đã từng tồn tại và phát triển ở những thời kì khác nhau đó là: kiểu tố tụng tố cáo, kiểu tố tụng thẩm vấn (tố tụng xét hỏi), kiểu tố tụng tranh tụng và kiểu tố tụng pha trộn.

1. Kiểu tố tụng tố cáo

Đây là kiểu tố tụng được hình thành từ thời kì chiếm hữu nô lệ, vì vậy nó mang nhiều dấu vết dân chủ của thời kì thị tộc tan rã1. Nó tồn tại và phát triển cực thịnh trong thời kì đầu của xã hội phong kiến. Nét đặc trưng nhất trong hình thức tố tụng này là sự công nhận vị trí đặc biệt của người buộc tội mà người này thường là người bị tội phạm xâm hại. Việc khởi tố hay không khởi tố vụ án phụ thuộc vào ý chí của người buộc tội. Một công thức cổ La Mã đã khẳng định: “Không có người tố cáo thì không có quan tòa” (Memo Judex Sine Action). Ở kiểu tố tụng này vai trò của bên buộc tội và bên bào chữa quan trọng như nhau, các bên đều có các điều kiện “như nhau” khi tham gia “tranh cãi”. Bất kì người nào khi quyền lợi bị xâm hại đều có quyền tố cáo tới “cơ quan”, “ nhà chức trách” có thẩm quyền, đây là cơ quan có quyền phán xử bị cáo có tội hay vô tội2.

Do chủ thể thực hiện sự buộc tội chính là người bị kẻ phạm tội xâm hại (người bị hại), nên khởi nguyên của hình thức tố tụng này được gọi là “Tư tố”. Dần dần về sau do nhận thức rằng hành vi phạm tội không chỉ xâm hại đến lợi ích cá nhân người bị hại mà nó còn gây ra thiệt hại cho xã hội, cho nhà vua, đòi hỏi khi tố cáo tội phạm với nhà chức trách, người bị hại phải tuyên thệ và nếu bị cáo được trắng án thì người tố cáo có thể bị xử phạt… đã làm cho việc tố cáo dần dần bị ngừng trệ. Do vậy, chủ thể buộc tội được chuyển giao cho người đại diện lợi ích của nhà vua, tư tố chuyển dần sang công tố.

Chủ thể thực hiện việc bào chữa chính là người bị buộc tội, “và mọi người đều có thể tham gia nhằm bảo vệ lợi ích của người bị buộc tội”3. Vào thời kì này xuất hiện một tầng lớp người được gọi là “hiệp sĩ” có điều kiện, có khả năng tự nguyện đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người bị buộc tội. Đó là những người thân, bạn bè của người bị buộc tội, việc bào chữa thực chất là việc thi thố tài năng, bất vụ lợi và mang ý nghĩa cao cả là nhằm minh oan cho bạn bè, người thân của mình4.

Còn chủ thể thực hiện việc xét xử lại không có sự thống nhất ở các quốc gia trải qua kiểu tố tụng này, đồng thời ở các thời điểm khác nhau, cơ quan xét xử cũng khác nhau. Chẳng hạn ở nước Nga cổ đại “Công xã trong những trường hợp nhất định xuất hiện dưới hình thức Tòa án, các vị Tổng đốc, Đại công, Tri Châu, Quan tài phán, Quan tòa, Quan thu thuế kiêm cảnh sát… cũng đóng vai trò là người phân xử”5. Ở nước Pháp, mãi cuối thời kì phong kiến, cơ quan xét xử mới được thành lập và tách ra khỏi cơ quan hành pháp…6.

Điều đặc biệt lưu ý là hệ thống chứng cứ trong kiểu tố tụng này rất đơn giản. Ở đây, lời nhận tội của bị can, bị cáo được coi là chứng cứ tốt nhất, là “Vua của các chứng cứ”(Regina probationum – Theo cách diễn đạt của Luật La Mã), ngoài ra còn có các hình thức chứng minh khác như lời thề, phán xử theo ý trời hoặc các thử thách khác (thử bằng lửa, dìm xuống nước, dùng sắt đâm…). Hệ thống chứng cứ phổ biến này mang tính chất mê tín dị đoan, định kiến và thể hiện quan điểm tôn giáo. Đánh giá các hình thức chứng minh này, Giáo sư Xơlusepxki – người Nga đã viết: “Hai lực lượng ấy – lực lượng vật chất và lực lượng mê tín – đã biểu lộ tác dụng đặc thù của chúng trong con người của thời đại ấy, vì vậy rất tự nhiên là cái trí tuệ không có khả năng tư duy trừu tượng của con người đã tìm ra thủ đoạn đấu tranh chống tội phạm trong hai nguồn gốc ấy”7. Như vậy, cơ quan có quyền phán xử không cần quan tâm đến việc gì đã xảy ra mà chỉ quan tâm đến khả năng chịu đựng thử thách của người bị buộc tội hay quan tâm đến việc họ cần phải thề thốt như thế nào… Đây là kiểu tố tụng cổ xưa nhất và được hầu hết các nước trên thế giới sử dụng vào các thời điểm khác nhau.

2. Kiểu tố tụng thẩm vấn (tố tụng xét hỏi)

Đây là kiểu tố tụng xuất hiện vào thời kì chiếm hữu nô lệ, trong các Tòa án tôn giáo và dần dần thâm nhập vào Tòa án thường. Kiểu tố tụng này phát triển mạnh mẽ và phổ biến vào thời kì quân chủ, “Nó phản ánh chế độ chính trị độc đoán, tàn bạo của giai cấp phong kiến và phối hợp với chế độ Trung ương tập quyền của nền quân chủ chuyên chế”8.

Đặc điểm của tố tụng xét hỏi được tiến hành bằng hình thức viết, bí mật, không trực diện; các chức năng tố tụng không được phân định một cách rõ ràng, sự quan tâm đến các chức năng được thể hiện ở các mức độ rất khác nhau. Đặc biệt là các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng chưa được xác định cụ thể mà hầu như tập trung vào Tòa án. Người bị hại bị loại khỏi vai trò của người buộc tội và thay vào đó là một công chức, còn bị cáo thì bị hạn chế khả năng bào chữa. “Thẩm phán không chỉ thực hiện chức năng xét xử mà còn thực hiện cả chức năng điều tra, chức năng buộc tội và một phần nào đó của chức năng bào chữa. Bị cáo bị hạn chế khả năng bào chữa, họ không được coi là chủ thể của quá trình tố tụng mà là đối tượng truy cứu của tố tụng”9.

Hệ thống chứng cứ đặc trưng của hình thức tố tụng này là tính hợp lệ của chứng cứ, khi đánh giá chúng với những đòi hỏi hết sức khắt khe, nhưng nhiều quy định về chứng cứ lại hết sức trừu tượng. Chẳng hạn lời nhận tội của bị cáo được coi là “ chứng cứ vua” của mọi loại chứng cứ, lời khai của người đàn ông, của người giàu… đáng tin cậy hơn lời khai của người đàn bà và của người nghèo… pháp luật còn cho phép dùng nhục hình để thu thập chứng cứ.

Trong thời kỳ phong kiến ở Việt Nam, những quy định tố tụng trong Bộ luật Hồng Đức, Bộ luật Gia Long… và thực tiễn xét xử đều phản ánh hình thức tố tụng thẩm vấn mà đặc điểm cơ bản là: quan cai trị hành chính là Thẩm phán và Điều tra viên; việc điều tra tiến hành bí mật, chứng cứ chủ yếu là lời khai của nhân chứng và lời nhận tội của bị cáo, việc xét xử không công khai, tra tấn, gông cùm là biện pháp chủ yếu trong tố tụng hình sự.

Trải qua từng thời kì lịch sử, kiểu tố tụng này đã có nhiều thay đổi cho phù hợp với điều kiện mới, mặc dù Thẩm phán vẫn là trung tâm của quá trình thu thập dữ kiện nhưng không còn hoặc hạn chế việc tra tấn. Với mô hình đưa công tố thành một bên trong bất kì vụ án hình sự nào và sử dụng hai Thẩm phán trong quá trình điều tra, xét xử, phiên tòa cũng không phải là sự cạnh tranh giữa hai bên đối địch mà là sự tiếp tục điều tra, các bên phải cung cấp tất cả chứng cứ thích hợp cho Tòa án10. Nhưng dù biểu hiện dưới hình thức và trong giai đoạn lịch sử nào thì mô hình tố tụng này bao giờ cũng đề cao vai trò quyết định của Thẩm phán, các chức năng buộc tội và bào chữa có tồn tại, song khá mờ nhạt, tại các phiên tòa, bên buộc tội và bào chữa gần như thụ động, “vì sự thật chỉ có thể và phải được tìm ra trong quá trình thẩm vấn và điều tra”.

3. Kiểu tố tụng tranh tụng

Đây là kiểu tố tụng có nguồn gốc từ kiểu tố tụng tố cáo và phát triển mạnh mẽ ở các nước theo hệ thống luật án lệ “Ăng -lô-xắc – xông”, phổ biến nhất là khoảng từ thế kỉ thứ X đến thế kỉ thứ XIII. Tố tụng tranh tụng cho rằng: “Sự thật sẽ được mở ra qua sự tranh luận tự do và cởi mở giữa những người có dữ liệu chính xác”11.

Hình thức tố tụng này dựa trên quan điểm cho rằng: “Tố tụng là một cuộc tranh đấu tại Tòa án giữa một bên là Nhà nước (thông qua đại diện) và một bên là công dân bị nghi thực hiện tội phạm; là cuộc tranh đấu thì hai bên đều được sử dụng các quyền và nghĩa vụ pháp lí như nhau trong việc thu thập, kiểm tra và đánh giá chứng cứ, phân tích và đưa ra các kết luận đối với những việc cụ thể. Ngôn ngữ được sử dụng trong quá trình tố tụng đòi hỏi phải rất chính xác và tố tụng có vai trò đặc biệt quan trọng đến mức nhiều người cho rằng tố tụng tranh tụng là hệ thống coi trọng luật tố tụng hơn luật nội dung. Về nguyên tắc hai bên tranh tụng có khả năng như nhau không chỉ tại phiên tòa mà cả trong giai đoạn trước phiên tòa (giai đoạn điều tra), mặc dù các tư tưởng này thực chất chỉ tồn trên giấy hoặc chỉ nằm trong đầu óc của các luật sư xa rời cuộc sống mà thôi”12.

Ở hình thức tố tụng này, các bên buộc tội, bào chữa không bắt buộc phải khách quan trong khi làm nhiệm vụ. Công việc của họ là thu thập chứng cứ để buộc tội hoặc bào chữa, phục vụ cho cuộc tranh đấu ở Tòa án và họ có trách nhiệm chứng minh tính có lỗi (buộc tội) hoặc tính không có lỗi, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (bào chữa)13. Trong quá trình xét xử Tòa án đóng vai trò “người trọng tài lạnh lùng” quan sát sự tuân thủ quy tắc cuộc đấu của hai bên và quyết định bên nào sẽ chiến thắng. Việc đánh giá chứng cứ phụ thuộc vào niềm tin nội tâm của Thẩm phán khi Thẩm phán dựa vào tiêu chí hợp lệ của chứng cứ, “khuôn mẫu chứng cứ”.

Để đảm bảo sự bình đẳng trong tranh tụng, người ta đưa ra hai điều kiện:

- Sử dụng việc kiểm tra chéo, đối chất để xác định tính chính xác của chứng cứ. Bên buộc tội và bên bào chữa tập trung chỉ ra cái mà nhân chứng biết thực, chứ không phải là cái mà họ nghĩ rằng họ biết.

- Quyền lực được chia sẻ cho các bên buộc tội và bào chữa. Tòa án đóng vai trò “trọng tài” đảm bảo cho các bên có đầy đủ các điều kiện như nhau khi tham gia tranh tụng.

Với quan niệm tố tụng hình sự chỉ gồm có giai đoạn xét xử vụ án tại phiên tòa14, các chức năng buộc tội, bào chữa và xét xử chỉ thực sự bắt đầu tại phiên tòa xét xử sơ thẩm. Tại đây, với sự tham gia của các chủ thể bên buộc tội (Công tố viên, người bị hại), bên bào chữa (người bào chữa, bị cáo) và các chủ thể khác dưới sự điều khiển của Tòa án (Thẩm phán) và dưới sự giám sát của Hội đồng xét xử, ba chức năng buộc tội, bào chữa và xét xử đều được thực hiện công khai. Còn giai đoạn trước khi mở phiên tòa xét xử được xem là giai đoạn tiền tố tụng, do các bên tiến hành một số hoạt động để chuẩn bị cho cuộc tranh tụng tại phiên tòa. Vì vậy, có một điều thú vị là trong kiểu tố tụng này chức năng giám sát việc tuân theo pháp luật được giao cho Tòa án.Với tư cách là trung tâm của cơ quan tư pháp, của hoạt động tố tụng, Tòa án có quyền và có trách nhiệm đảm bảo cho các bên nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật. Điều này khác với những nước có tổ chức VKS như Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam…. Mặc dù có những ưu điểm, song kiểu Tố tụng mang tính “đối trọng” này cũng bị phê phán là xa rời thực tế, “việc con người bị phán xét như thế nào dường như quan trọng hơn việc xem họ đã làm gì trên thực tế”15.

4. Kiểu tố tụng pha trộn (hỗn hợp)

Tố tụng pha trộn là kiểu tố tụng hỗn hợp giữa tố tụng thẩm vấn và tố tụng tranh tụng. Chúng ta biết rằng kiểu tố tụng thẩm vấn và kiểu tố tụng tranh tụng đều có những ưu điểm, đồng thời cũng có những hạn chế nhất định. Vì vậy quá trình tiếp nhận các kiểu tố tụng, các quốc gia đều có sự lựa chọn. Tất nhiên là họ sẽ lựa chọn những ưu điểm, tích cực của cả hai hệ thống (và phù hợp với quốc gia của họ). Và đó chính là một trong những nguyên nhân ra đời kiểu tố tụng pha trộn.

Trong kiểu tố tụng này, ở giai đoạn trước khi xét xử (khởi tố và điều tra) các hoạt động tố tụng hầu như được tiến hành bí mật, hạn chế sự tham gia của những người có liên quan, bị can hầu như bị tách khỏi quá trình tố tụng…. Tuy nhiên, ở giai đoạn xét xử, phiên tòa được tiến hành công khai, quyền bình đẳng trước phiên tòa và quyền bào chữa của bị cáo được đảm bảo, các bên buộc tội và bào chữa có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc đưa ra những chứng cứ và những yêu cầu, lúc này Tòa án đóng vai trò là người trọng tài đảm bảo cho các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình…. Hình thức này xuất hiện lần đầu tiên trong pháp luật tố tụng hình sự của Cộng hòa Pháp 1808, sau đó được phát triển mạnh mẽ trong pháp luật TTHS của các nước theo truyền thống luật lục địa: Đức , Áo, Italia, Bỉ…16.

Qua nội dung trình bày trên đây, có thể nhận xét rằng mỗi kiểu tố tụng đều có những ưu điểm, tích cực, tất nhiên cũng có những hạn chế nhất định xét dưới các góc độ lý luận, lịch sử, điều kiện kinh tế – chính trị – xã hội, phong tục tập quán, của mỗi quốc gia. Có thể kiểu tố tụng có nhiều ưu điểm ở quốc gia này nhưng ở quốc gia khác đó lại là những hạn chế. Cho đến nay có những kiểu tố tụng không còn tồn tại (kiểu tố tụng tố cáo), có những kiểu tố tụng có nhiều ảnh hưởng đối với pháp luật tố tụng hình sự các nước. Chẳng hạn kiểu tố tụng tranh tụng rất phổ biến ở những quốc gia theo truyền thống Luật án lệ “Ăng-lô-xắc-xông” như Anh, Mỹ, Canada và các nước thuộc địa của Anh – Mỹ…. Trong khi đó kiểu tố tụng thẩm vấn lại có ảnh hưởng rất lớn ở các nước theo truyền thống luật lục địa. Do có nguồn gốc từ truyền thống luật lục địa nên pháp luật các nước XHCN cũng bị ảnh hưởng của hệ tố tụng thẩm vấn17. Tuy nhiên hiện nay, ở các quốc gia việc vận dụng mô hình tố tụng nào đã có sự lựa chọn và vận dụng linh hoạt, hầu như không có sự áp dụng cứng nhắc một mô hình tố tụng nào.

Ở Việt Nam, qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy TTHS Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều của kiểu tố tụng hỗn hợp (pha trộn) tức là đã tiếp thu lựa chọn những ưu điểm, những yếu tố hợp lý của cả hai kiểu tố tụng thẩm vấn và tranh tụng. Vì vậy, qua hơn 50 năm tồn tại và phát triển, mô hình TTHS của Việt Nam đã đem lại những kết quả rất đáng tự hào, góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, so với yêu cầu và nhiệm vụ mới thì: “Chất lượng công tác tư pháp nói chung (trong đó vai trò của pháp luật TTHS-NV) chưa ngang tầm với yêu cầu và đòi hỏi của nhân dân; còn nhiều trường hợp bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội, vi phạm quyền tự do, dân chủ của công dân, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan tư pháp”18. Vì vậy, để góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chống tội phạm trong điều kiện mới, yêu cầu đặt ra là phải tiếp tục cải cách tư pháp. Chúng ta không thể chấp nhận những thủ tục rườm rà, nhiều tầng nấc, quan liêu và bất lợi cho các bên tham gia tố tụng.

Tại Nghị quyết 08 – NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị đã xác định yêu cầu là phải: “Nâng cao chất lượng công tố của Kiểm sát viên tại Phiên tòa, bảo đảm tranh tụng dân chủ với Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác… Khi xét xử Toà án phải đảm bảo cho mọi công dân đều bình đẳng trước Pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan; Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo Pháp luật; việc xét xử của Toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo…”.

Từ nội dung định hướng trên đây, có thể nhận thức rằng TTHS Việt Nam cần tăng cường các yếu tố tranh tụng, như Mác đã nói”sự thật chỉ có thể được tìm ra thông qua tranh luận và bút chiến…”.

Muốn vậy trong quá trình hoàn thiện pháp luật TTHS, theo chúng tôi cần phải phân định rõ ràng các chức năng của tố tụng, xác định rõ phạm vi quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ thể thực hiện các chức năng tố tụng hình sự. Qua đó cần có cơ chế pháp lý (hoàn thiện qui định pháp luật đảm bảo sự công bằng trong tranh tụng, trả lại đúng chức năng của các cơ quan THTT…) và tổ chức (nâng cao trình độ, số lượng đội ngũ thực hiện chức năng tố tụng, cải cách bộ máy, nâng cao nhận thức cán bộ…) để thực hiện tốt các chức năng tố tụng, trong đó đặc biệt chú trọng đến các chức năng cơ bản, đó là chức năng buộc tội, bào chữa, xét xử….

1 Vư-sin-xki, Lý luận chứng cứ tư pháp trong pháp luật Xô viết, NXB Hà Nội, 1967, trang 37.

2 Võ Thọ, Một số vấn đề về Tố tụng hình sự, NXB Pháp lý, Hà Nội, 1985, trang 11.

3 Võ Thọ, sđd, trang 11.

4 Trần Văn Bảy, Người bào chữa trong Tố tụng hình sự, Luận văn thạc sĩ Luật học 2000, trang 31.

5 V.M. Xavitxki, Buộc tội Nhà nước tại phiên tòa, Nhà xuất bản Khoa học, Matxcơva, 1971, trang 116.

6 Vũ Mộc, Một số vấn đề lí luận và thực tiễn thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát, Kỷ yếu đề tài khoa học cấp bộ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hà Nội, 1999, trang 190.

7 Kanxtantin-Phêđơrôvich Giusencô, Giáo trình TTHS, NXB MGU, 2000, trang 19.

8 Chuyên đề “Những vấn đề lí luận về Hình sự, TTHS, Tội phạm học” của Viện thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội,1981 trang 11.

9 Kanxtantin- Phêđơrôvich Gusenco, Sđd, trang 22.

10 Chuyên đề: Tư pháp Hình sự so sánh, Thông tin Khoa học pháp lí, Viện nghiên cứu khoa học pháp lí, Số đặc biệt, trang 122.

11 Chuyên đề: Tư pháp Hình sự so sánh, Sđd, tr.123.

12 Chuyên đề: Tư pháp Hình sự so sánh, Sđd, tr.123.

13 Kanxtantin Phêđơrôvich Gusencô, Sđd, trang 22.

14 Nguyễn Đức Mai, Vấn đề tranh tụng hình sự, Kỷ yếu đề tài khoa học cấp bộ của VKSNDTC, Hà Nội 1995, trang 100.

15 Tư pháp hình sự so sánh, Sđd, trang 126.

16 V.M.Xavitxki, Buộc tội nhà nước tại phiên tòa, Sđd, trang 25.

17 Chuyên đề Tư pháp hình sự so sánh, Sđd, trang 120.

18 Nghị Quyết 08/BCT, ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới.

ĐĂNG TRÊN TẠP CHÍ KHPL SỐ 8/2002

SỰ THAM GIA BẮT BUỘC CỦA NGƯỜI BÀO CHỮA TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

NGUYỄN THÁI PHÚC*

*PGS.TS luật học, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (BLTTHS năm 2003) quy định bị can, bị cáo, người bị tạm giữ có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa (Điều 48, 49, 50). Quyền bào chữa là một quyền quan trọng của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ trong tố tụng hình sự (TTHS). Các chủ thể này được quyền sử dụng tất cả những biện pháp gì mà pháp luật không cấm để chống lại, bác bỏ, phủ nhận lời buộc tội của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của mình trong vụ án. Họ có thể trực tiếp thực hiện (tự bào chữa) hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình, và ngay cả khi họ đã nhờ người khác bào chữa thì điều này cũng không làm mất đi quyền tự bào chữa của họ. Tuy nhiên nếu nhìn từ tính phức tạp của quá trình giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề tự bào chữa là việc hết sức khó khăn. Quá trình giải quyết vụ án hình sự bao gồm nhiều vấn đề pháp lý của luật nội dung cũng như luật tố tụng như hành vi bị truy tố có dấu hiệu tội phạm hay không, nếu là tội phạm thì là tội gì, bị cáo có lỗi khi thực hiện hành vi đó hay không, lỗi cố ý hay vô ý, chứng cứ của bên buộc tội có hợp pháp hay không, việc bắt người, khám nhà có đúng luật hay không… Do vậy bào chữa thông qua sự trợ giúp của người có kiến thức pháp luật và kinh nghiệm hoạt động tố tụng là hình thức phổ biến và chủ đạo.

Quyền bào chữa được xem như là phương tiện pháp lý cần thiết để những chủ thể nói trên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Thừa nhận quyền bào chữa là thừa nhận tính tranh tụng trong hoạt động tố tụng – điều kiện không thể thiếu được cho việc xét xử khách quan, công minh. Càng mở rộng phạm vi quyền bào chữa bao nhiêu thì càng mở rộng tính tranh tụng bấy nhiêu và kết quả tương ứng là càng hạn chế khả năng làm oan sai người vô tội trong xét xử. Xu thế phát triển của TTHS nước ta đã đi theo hướng đó. Từ chỗ người bào chữa chỉ có thể tham gia vào vụ án khi kết thúc điều tra, BLTTHS năm 1988 – Bộ luật đầu tiên của nước ta thừa nhận sự tham gia của người bào chữa sớm hơn rất nhiều – từ khi có quyết định khởi tố bị can. BLTTHS năm 2003 đã có thêm bước tiến nữa khi quy định người bào chữa có quyền tham gia ngay từ khi có quyết định tạm giữ.

Thông thường sự tham gia của luật sư phụ thuộc vào ý chí của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ. Họ có thể trực tiếp mời hoặc ủy quyền cho người thân của mình mời luật sư bào chữa. Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt luật quy định sự tham gia của người bào chữa vào trong vụ án không phụ thuộc vào ý chí của bị can, bị cáo. Đó là các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 57 BLTTHS, khi những chủ thể quy định tại điều khoản này hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì các cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ yêu cầu Đoàn luật sư hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cử người bào chữa cho họ. Trong lý luận gọi đây là trường hợp bào chữa bắt buộc, còn trong thực tiễn gọi là bào chữa chỉ định. Những trường hợp này liên quan đến các bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần, hoặc bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình. Sự tham gia của người bào chữa lúc này có những khác biệt so với các trường hợp thông thường ở những điểm sau:

+ Cơ sở pháp lý đầu tiên để người bào chữa tham gia vào vụ án là sự chủ động thực hiện nghĩa vụ bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng thông qua hình thức yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền cử người bào chữa cho bị can, bị cáo.

+ Quyết định quản lý của cơ quan có thẩm quyền (Đoàn luật sư hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc là cơ sở pháp lý tiếp theo để người bào chữa tham gia vào vụ án chứ không phải là sự thỏa thuận giữa bị can, bị cáo với người bào chữa.

+ Bị can, bị cáo chưa thành niên hoặc có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa đã được cử cho họ nhưng quyền này không có tính tuyệt đối. Thí dụ, nếu chỉ có bị cáo vị thành niên từ chối người bào chữa còn người đại diện hợp pháp của bị cáo không từ chối thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử với sự tham gia của người bào chữa đã được cử. Đây là một quy định đúng đắn và tiến bộ xuất phát trước hết vì lợi ích của chính các bị can, bị cáo. Như đã nói ở trên, quyền bào chữa là quyền chủ thể của bị can, bị cáo do vậy trong các trường hợp thông thường thì ý chí của họ có tính quyết định đối với sự tham của người bào chữa vào trong vụ án và các cơ quan tiến hành tố tụng phải tôn trọng quyết định đó của chủ thể. Nhưng trong các trường hợp quy định ở khoản 2 Điều 57 BLTTHS năm 2003 thì quyền quyết định của các chủ thể này không còn tính tuyết đối mà bị phụ thuộc vào sự xem xét chấp nhận hay không chấp nhận của Tòa án. Lý do hạn chế quyền chủ thể ở đây cũng là lý do về sự tham gia bắt buộc của người bào chữa: các chủ thể là những người có khó khăn hơn so với các trường hợp bình thường khác trong việc thực hiện quyền bào chữa của mình nên cần có sự can thiệp từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng. Thí dụ như khó khăn về tâm lý khi phải đối mặt với điều luật có hình phạt tử hình, khó khăn về thể chất, về tâm thần, và kể cả khó khăn về vật chất trong việc mời người bào chữa hoặc tự bào chữa. Tuy nhiên đây mới chỉ là hướng dẫn của Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02/10/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và chỉ áp dụng đối với hai đối tượng là bị can, bị cáo vị thành niên hoặc có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần. Ý kiến của chúng tôi là cần phải luật hóa nội dung này và phải mở rộng cho cả người bị tạm giữ là vị thành niên hoặc có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thân, cho cả bị can về tội có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Như vậy càng nhấn mạnh được tính chất tham gia bắt buộc của người bào chữa và càng làm nổi bật được ý nghĩa của chế định này.

+ Chi phí cho người bào chữa do Nhà nước chịu.

Sự tham gia bắt buộc của người bào chữa trong TTHS là quy định đầy tính nhân đạo của BLTTHS năm 2003 nước ta. Quy định của luật về sự tham gia của người bào chữa vào trong vụ án không phụ thuộc vào ý chí của bị can, bị cáo như là sự nhân đôi bảo đảm quyền bào chữa cho họ.

Quyền bào chữa không chỉ cần thiết cho bị can, bị cáo mà còn cần thiết và có lợi cho chính các cơ quan tiến hành tố tụng, cho nhiệm vụ xác định sự thật khách quan của vụ án, xét xử đúng người đúng tội, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến xem sự tham gia của người bào chữa từ giai đoạn điều tra như là sự phản biện có lợi cho cơ quan điều tra.[1] Nhưng vì sáo “có lợi” mà trong thực tiễn vẫn xảy ra tình trạng các quy định của BLTTHS năm 2003 về sự tham gia của người bào chữa không được tuân thủ và người bào chữa còn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các quyền tố tụng của mình? Theo chúng tôi ở đây có thể có hai nguyên nhân: nguyên nhân về nhận thức của những người tiến hành tố tụng và nguyên nhân từ chính các quy định của luật.

Về nguyên nhân nhận thức: Ngoài trường hợp một số điều tra viên có trình độ thấp hơn luật sư nên mặc cảm rằng luật sư vào là “lắm điều nhiều lẽ” còn có trường hợp các điều tra viên không nhận thức đầy đủ về nghĩa vụ tố tụng của mình là phải tạo điều kiện thuận lợi cho bị can, bị cáo, người bị tạm giữ thực hiện quyền bào chữa. Như đã nói ở trên, quyền bào chữa có ý nghĩa quan trọng đối với bản thân bị can, bị cáo, người bị tạm giữ, đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, đối với nhiệm vụ chung của TTHS do vậy quyền này được nhà nước bảo đảm (Điều 132 Hiến pháp 1992 sửa đổi). BLTTHS năm 2003 đã cụ thể hóa nội dung này của Hiến pháp thành một trong những nguyên tắc cơ bản của TTHS – nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo (Điều 11) với quy định “Cơ quan điều tra,Viện kiểm sát, Tòa án có nhiệm vụ bảo đảm cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ theo quy định của BLTTHS”. Nguyên tắc này còn thể hiện trong các quy định về nghĩa vụ của cơ quan tiến hành tố tụng khi tống đạt quyết định khởi tố bị can và khi hỏi cung phải giải thích cho bị can, bị cáo, người bị tạm giữ về các quyền, nghĩa vụ của họ trong đó có quyền tự bào chữa và quyền nhờ người khác bào chữa (Điều 126 và Điều 131 BLTTHS năm 2003), nghĩa vụ yêu cầu Đoàn luật sư hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cử người bào chữa trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 57 BLTTHS năm 2003. Một bên có quyền bào chữa thì đương nhiên bên kia phải có nghĩa vụ tôn trọng và bảo đảm việc thực hiện quyền đó. Khi đã là nghĩa vụ do luật định thì đấy là điều mà các cơ quan tiến hành tố tụng phải tuân thủ, phải thực hiện, không có lựa chọn nào khác.

Có ý kiến cho rằng trong trường hợp vụ án đã được điều tra cẩn trọng nhưng cơ quan điều tra chỉ có vi phạm hình thức – không thực hiện nghĩa vụ bảo đảm sự tham gia bắt buộc của người bào chữa – thì vi phạm này cần rút kinh nghiệm nhưng chưa tới mức nghiêm trọng để phải điều tra lại. Dù có trả hồ sơ để điều tra lại cũng không còn ý nghĩa gì nữa[2]. Ý kiến của chúng tôi khác với ý kiến này. Chính tầm quan trọng của quyền bào chữa và nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo cho chúng ta cơ sở khẳng định vi phạm nghĩa vụ của cơ quan tiến hành tố tụng về việc bảo đảm quyền bào chữa phải được nhìn nhận là “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”, và các cơ quan này phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi cho mình mà chúng ta thường gọi là chế tài. Chế tài ở đây là những gì mà các cơ quan này đã thực hiện trong quá trình giải quyết vụ án sẽ không được thừa nhận là hợp pháp: hồ sơ vụ án bị trả lại trong các giai đoạn trước xét xử, bản án đã xử có thể bị hủy. Các hhoạt động tố tụng phải được thực hiện bổ sung hoặc thực hiện lại theo đúng quy định của luật. Cụ thể tại các Điều 168, 179, 250, 287 BLTTHS năm 2003 quy định, khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng thì Viện kiểm sát có quyền trả hồ sơ cho cơ quan điều tra, thẩm phán có quyền trả hồ sơ cho Viện kiểm sát, Tòa án cấp phúc thẩm có quyền hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại ở cấp sơ thẩm, Hội đồng giám đốc thẩm có quyền hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật để điều tra hoặc xét xử lại. Chỉ có như vậy thì các quy định của luật mới được tuân thủ. Một khi điều tra viên nhận thức được rằng nếu không bảo đảm sự tham gia của người bào chữa theo quy định của khoản 2 Điều 57 BLTTHS năm 2003 thì hồ sơ sẽ bị Viện kiểm sát hoặc Tòa án trả lại và mọi việc phải làm lại theo đúng luật thì người đó sẽ chọn phương án tối ưu là thực hiện theo đúng yêu cầu của luật ngay từ đầu. Thực tiễn xét xử cũng đi theo hướng này. Toàn bộ phiên tòa diễn ra theo đúng thủ tục, nghị án theo đúng thủ tục nhưng chỉ cần biên bản nghị án thiếu chữ ký của một thành viên Hội đồng xét xử dù chỉ là do sơ suất thì vi phạm hình thức này cũng đủ là cơ sở để tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án để xét xử lại. Toàn bộ phiên tòa diễn ra theo đúng thủ tục nhưng chỉ cần Hội đồng xét xử không đúng thành phần theo quy định của pháp luật gồm hai thẩm phán và ba hội thẩm nhân dân khi xét xử bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình (Điều 185) thì toàn bộ kết quả của phiên tòa cũng bị hủy, phải tiến hành phiên tòa mới. Chúng ta không thể chấp nhận hiện tượng vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trở thành “thói quen” trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng vì khi đó không có gì bảo đảm tính khách quan, tính hợp pháp về kết quả hoạt động của những cơ quan này. Trách nhiệm phát hiện những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng này thuộc về Viện kiểm sát và Tòa án các cấp trong từng giai đoạn tố tụng mà không phụ thuộc vào việc bị can, bị cáo có khiếu nại hay kháng cáo hay không. Thí dụ, khi xét xử phúc thẩm bị cáo không khiếu nại về việc không có luật sư tham gia bắt buộc theo quy định của luật từ giai đoạn điều tra cho đến giai đoạn xét xử sơ thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm vẫn có quyền (đồng thời là nghĩa vụ) hủy bản án sơ thẩm để điều tra hoặc xét xử lại vì theo Điều 241 BLTTHS năm 2003 Tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án. Một điều kiện duy nhất hạn chế quyền của cấp phúc thẩm trong trường hợp này là việc xem xét đó không được làm xấu tình trạng của bị cáo.

Nguyên nhân thứ hai là nguyên nhân từ chính các quy định của BLTTHS năm 2003. Chúng tôi chia sẻ với nhiều ý kiến về những bất cập, chưa rõ ràng trong các quy định của luật về vấn đề này:

Thứ nhất, về thời điểm tham gia của người bào chữa bắt buộc. Hiện nay chúng ta không tìm được câu trả lời trực tiếp trong luật về thời điểm tham gia của người bào chữa bắt buộc, về thời điểm phát sinh nghĩa vụ của các cơ quan điều tra trong việc bảo đảm sự tham gia của người bào chữa theo khoản 2 Điều 57 BLTTHS năm 2003.. Nhưng chúng ta có thể suy luận từ các quy định cụ thể của luật. Về trường hợp quy định ở điểm a khoản 2 Điều 57 thì thời điểm bị can biết mình bị truy tố về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình đồng thời là thời điểm phát sinh nghĩa vụ của cơ quan điều tra bảo đảm người bào chữa cho bị can. Thời điểm đó là thời điểm tống đạt quyết định khởi tố bị can. Có ý kiến cho rằng khi mới điều tra với chứng cứ ban đầu cơ quan điều tra chỉ có thể khởi tố bị can về tội danh chứ chưa rõ khoản nào nên chưa thể biết bị can có thuộc trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa hay không.[3] Ý kiến này không chính xác vì quyết định khởi tố bị can phải ghi rõ bị can bị khởi tố về tội gì, theo điều khoản nào của Bộ luật Hình sự (Điều 126 BLTTHS năm 2003). Do vậy cơ quan điều tra khi ra quyết định khởi tố bị can về tội có khung hình phạt là tử hình là đã phải thực hiện nghĩa vụ bảo đảm người bào chữa cho bị can. Có thể có tình huống là lúc đầu cơ quan điều tra chỉ khởi tố bị can về tội mà khung hình phạt không có tử hình nhưng sau đó trong quá trình điều tra tiếp theo xuất hiện những chứng cứ về những tình tiết tăng nặng chuyển khung hình phạt có tử hình hoặc tội khác nặng hơn có khung hình phạt tử hình thì lúc này cơ quan điều tra phải thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can. Theo luật, quyết định này phải được tống đạt ngay cho bị can (Điều 127 BLTTHS năm 2003). Và kể từ thời điểm này cơ quan điều tra có nghĩa vụ bảo đảm người bào chữa cho bị can. Toàn bộ kết quả hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra trước đó không có sự tham gia của người bào chữa được coi là hợp pháp.

Đối với các trường hợp thuộc điểm b khoản 2 Điều 57 – bị can là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần – thì nghĩa vụ của cơ quan điều tra bảo đảm người bào chữa cho những bị can này xuất hiện từ thời điểm nào? Trường hợp bị can phạm tội khi chưa thành niên nhưng đến thời điểm khởi tố bị can đã đủ tuổi thành niên thì có cần sự tham gia bắt buộc của người bào chữa hay không? Luật cũng không có câu trả lời rõ ràng, chỉ có hướng dẫn của Nghị quyết 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02/10/2004 của Hội đồng thẩm phán là, thời điểm xác định bị can có phải là người chưa thành niên hay không để áp dụng khoản 2 Điều 57 BLTTHS năm 2003 không phải là thời điểm thực hiện tội phạm mà là thời điểm khởi tố bị can. Trong quyết định khởi tố bị can phải ghi rõ ngày tháng năm sinh của bị can (Điều 126 BLTTHS 2003). Do vậy nếu tại thời điểm khởi tố bị can cơ quan điều tra có thông tin chính thức về bị can là người chưa đủ 18 tuổi thì kể từ lúc đó cơ quan điều tra có nghĩa vụ bảo đảm người bào chữa cho bị can. Cũng có thể có tình huống tại thời điểm này cơ quan điều tra không có hoặc không thể có thông tin chính xác về bị can là người chưa thành niên do vậy đã không yêu cầu người bào chữa tham gia vào trong vụ án. Chỉ đến cuối giai đoạn điều tra mới có thông tin xác thực về bị can là người chưa thành niên thì kể từ lúc này cơ quan điều tra có nghĩa vụ yêu cầu người bào chữa cho bị can. Toàn bộ kết quả điều tra trước đó được coi là hợp pháp và không phải tiến hành lại. Trường hợp nội dung lời khai của bị can trước khi có sự tham gia của người bào chữa và lời khai sau khi có sự tham gia của người bào chữa khác nhau thì đây chỉ là vấn đề đánh giá chứng cứ, còn bản thân cả hai lời khai đều là hợp pháp.

Thứ hai, về mức độ tham gia của người bào chữa bắt buộc trong các hoạt động điều tra. Hiện nay luật cũng không có quy định rõ ràng về việc người bào chữa bắt buộc có nhất thiết phải tham dự tất cả các lần hỏi cung thân chủ của mình hay không? Đối với các trường hợp thông thường thì đây là một trong những nội dung cơ bản trong thỏa thuận giữa bị can, bị cáo và người bào chữa và đương nhiên khối lượng công việc của người bào chữa có quan hệ theo tỷ lệ thuận với thù lao bào chữa. Trong trường hợp bào chữa bắt buộc thù lao do Nhà nước trả theo mức cố định do vậy luật nên quy định mức độ tối thiểu những hoạt động tố tụng cần có sự tham gia của người bào chữa. Trong giai đoạn điều tra bị can rất cần đến sự hiện diện và trợ giúp của người bào chữa ở những thời điểm như khi nhận tống đạt quyết định khởi tố bị can, khi bị hỏi cung lần đầu tiên, khi bị can có lời khai nhận tội, khi bị bắt tạm giam, bị khám xét, khi nhận tống đạt cáo trạng… Phương án tối ưu là người bào chữa cần tham gia vào tất cả các hoạt động tố tụng liên quan đến bị can trong trường hợp bào chữa bắt buộc và phương án này chỉ khả thi khi giải quyết được hai vấn đề sau: Thù lao mà Nhà nước trả phải tương xứng với khối lượng công việc của người bào chữa và ý thức trách nhiệm về đạo đức nghề nghiệp của người bào chữa.

Thứ ba, đối với trường hợp bị can là người có nhược điểm về thể chất thì luật cũng không có quy định cụ thể thế nào là người có nhược điểm về thể chất và nhược điểm đến mức độ nào thì cần có người bào chữa bắt buộc? Thí dụ như bị can bị cụt một tay hoặc chỉ bị hỏng một mắt có nằm trong trường hợp của khoản 2 Điều 57 hay không? Theo ý kiến của chúng tôi cần có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này dựa trên nguyên tắc chung sau đây: bị can có nhược điểm về thể chất nhất định và những nhược điểm này cản trở bị can tự mình thực hiện quyền bào chữa. Cơ quan tiến hành tố tụng phải trả lời và đưa ra quyết định phù hợp về bảo đảm người bào chữa cho bị can. Đối với bị can có nhược điểm về tâm thần thì khó khăn nhất là trường hợp những nhược điểm này không phải bẩm sinh mà xuất hiện trong quá trình điều tra, xét xử vụ án. Chúng tôi cho rằng khi cơ quan tiến hành tố tụng có nghi ngờ về tình trạng tâm thần của bị can thì các cơ quan này phải trưng cầu giám định theo Điều 155 BLTTHS năm 2003. Thời điểm ra quyết định trưng cầu giám định tâm thần là thời điểm các cơ quan này có nghĩa vụ bảo đảm người bào chữa cho bị can chứ không chờ kết luận giám định. Nếu kết luận giám định là bị can không có nhược điểm về tâm thần thì lúc này sự tham gia tiếp theo của người bào chữa trong vụ án sẽ được giải quyết như trong các trường hợp thông thường khác tức là trên cơ sở thỏa thuận với bị can.

Thứ tư, về quy định của luật làm hạn chế nghiêm trọng quyền bào chữa của bị cáo. Trường hợp mà thẩm phán Tòa án TP.Hồ Chí Minh Vũ Phi Long nêu ra là hoàn toàn thực tế[4]. Đó là trường hợp cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không yêu cầu cử người bào chữa vì bị can bị truy tố về tội mà khung hình phạt không phải là tử hình nhưng khi xét xử Tòa án thấy hành vi của bị cáo thuộc khung hình phạt có tử hình. Nếu Tòa án tuyên bản án kết tội bị cáo theo khung hình phạt tử hình thì có vi phạm quyền bào chữa của bị cáo hay không? Các bản cung trước đó có giá trị pháp lý hay không? Đây chính là một trong những khía cạnh quan trọng của vấn đề giới hạn xét xử – một vấn đề lý luận còn chưa có nhận thức thống nhất và còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn xét xử ở nước ta. Điều 196 BLTTHS năm 2003 cho phép Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát truy tố trong cùng một điều luật nghĩa là có thể xét xử theo hướng nặng hơn, bất lợi hơn cho bị cáo. Thí dụ Viện kiểm sát truy tố bị cáo theo khoản 2 Điều 122 (tội hiếp dâm trẻ em) có khung hình phạt là tù từ 12 năm đến 20 năm, nhưng Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản 3 của cùng điều luật và khoản 3 có khung hình phạt với hình phạt cao nhất là tử hình. Nếu luật đã cho phép như vậy thì đương nhiên toàn bộ hoạt động tố tụng trước đó phải được thừa nhận là hợp pháp. Nếu không thừa nhận là hợp pháp Tòa án không thể xét xử tuyên án được. Tuy nhiên cần phải nói một cách thẳng thắn rằng quy định này của luật đã hạn chế nghiêm trọng quyền bào chữa của bị cáo. Bị cáo bị đặt trong tình thế vô cùng bất lợi là bị xét xử theo khung hình phạt tử hình mà không có sự tham gia của người bào chữa hoặc có sự tham gia của người bào chữa – do bị cáo mời chứ không phải do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu cử – nhưng người bào chữa và bản thân bị cáo thực hiện việc bào chữa của mình chống lại cáo trạng buộc tội của Viện kiểm sát theo hướng ở khoản 2 (không có tình tiết định khung ở khoản 3). Chỉ đến khi Tòa tuyên án thì bị cáo và người bào chữa do bị cáo mời mới biết Tòa xử bị cáo theo khoản 3. Bị cáo và người bào chữa do mình mời đã không được bào chữa về tình tiết định khung ở khoản 3 vì chỉ bị truy tố và đưa ra xét xử theo khoản 2. Thực tế là bị cáo bị xét xử trong điều kiện quyền bào chữa của mình đã bị tước đoạt. Điều đáng nói hơn là người buộc tội bị cáo lúc này chính là Tòa án chứ không phải là Viện kiểm sát. Liệu bị cáo có thể tin rằng bản án của Tòa án vừa buộc tội mình vừa xét xử mình là công minh được không?

Từ sự trình bày trên chúng tôi cho rằng mặc dù BLTTHS năm 2003 mới chỉ có hiệu lực áp dụng được khoảng 3 năm nhưng việc tiếp tục hoàn thiện các quy định của nó trong đó có những vấn đề liên quan đến quyền bào chữa, ến giới hạn xét xử của Tòa án vẫn là công việc có tính cấp bách để đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp đang diễn ra ở nước ta.

[1] Hủy án vì thiếu luật sư: Có luật sư là có lợi cho cơ quan điều tra, Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh số 23/7/2007, tr. 11

[2] Hủy án vì thiếu luât sư: Từ chối xét xử nếu quyền bào chữa bị cản trở, Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh ngày 25/7/2007, tr. 11.

[3] Hủy án vì thiếu luật sư: Từ chối xét xử nếu quyền bào chữa bị cản trở, Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh ngày 25/7/2007, tr. 11.

[4] Hủy án vì thiếu luật sư: Tòa án sẽ mạnh tay hơn, Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh ngày 20/7/2007, tr. 9

TẠP CHÍ KHPL SỐ 4(41)/2007

BẢN CHẤT CỦA HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

NGUYỄN VIẾT HOẠT*

*ThS. luật học, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh

1. Điều tra là hoạt động có mục đích khám phá sự thật khách quan phục vụ nhu cầu của con người. Trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, điều tra là hoạt động khám phá, phát hiện tội phạm. Hoạt động điều tra được nhìn nhận và quy định khác nhau ở các quốc gia phụ thuộc vào quan điểm chính trị, chính sách hình sự, trình độ và cách thức tổ chức bộ máy phòng, chống tội phạm ở từng nước.

Trong khoa học pháp lý của Liên Xô trước kia và của Nga hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về hoạt động điều tra.

Quan điểm thứ nhất, cũng là quan điểm phổ biến cho rằng “hoạt động điều tra là hoạt động tố tụng nhằm thu thập, củng cố và kiểm tra chứng cứ”http://www.hcmulaw.edu.vn/mambots/editors/joomlafck2/editor/fckeditor.html?InstanceName=fulltext&Toolbar=Default - _ftn1[1]. Quan điểm này xác định rõ điều tra là hoạt động thu thập chứng cứ nhưng bỏ qua phương pháp thực hiện nên có thể hiểu rằng chứng cứ có sẵn, tồn tại trước khi thực hiện cuộc điều tra, cơ quan điều tra chỉ thực hiện hành vi thu lượm chứng cứ có sẵn về mà thôi. Quan điểm trên chưa đề cập đến chủ thể của hoạt động điều tra, và có thể coi chứng cứ là những cái có trước khi thực hiện các hoạt động điều tra, khác hẳn việc thực hiện hoạt động điều tra mang tính sáng tạo của chủ thể.

Quan điểm thứ hai cho rằng “điều tra là một dạng hoạt động phát hiện, nghiên cứu, củng cố, ghi nhận, thu giữ các chứng cứ của điều tra viên theo quy định của luật.”http://www.hcmulaw.edu.vn/mambots/editors/joomlafck2/editor/fckeditor.html?InstanceName=fulltext&Toolbar=Default - _ftn2[2] Quan điểm này không nói đến hoạt động nào đã làm xuất hiện chứng cứ. Cũng giống như quan điểm thứ nhất, thừa nhận chứng cứ có trước khi tiến hành các hoạt động điều tra và như vậy tính tích cực sáng tạo của của hoạt động điều tra không còn mà chỉ là một phương pháp kỹ thuật tìm kiếm đơn điệu. Hai quan điểm này không phân định được sự khác biệt giữa các khách thể phản ánh thông qua các hoạt động điều tra tức là các dấu vết cụ thể của tội phạm và các sản phẩm của hoạt động điều tra tức là chứng cứ. Tuy nhiên quan điểm này khác với quan điểm thứ nhất là giới hạn chủ thể của hoạt động điều tra chỉ là điều tra viên.

Quan điểm thứ ba cho rằng “hoạt động điều tra là hoạt động tố tụng có nội dung phát hiện, củng cố, thu giữ các thông tin thực tế nhằm mục đích thu thập chứng cứ“http://www.hcmulaw.edu.vn/mambots/editors/joomlafck2/editor/fckeditor.html?InstanceName=fulltext&Toolbar=Default - _ftn3[3]. So với hai quan điểm trên, quan điểm này đã phân biệt được giữa khách thể của hoạt động điều tra với kết quả thu nhận được. Tuy nhiên chưa thể hiện được nội dung của hoạt động nhận thức làm chuyển hóa thông tin. Đó là các hoạt động nhận thức như: quan sát, hỏi và các phương pháp khác do pháp luật tố tụng hình quy định.

Đặc điểm chung của các quan điểm trên đã nêu bật được nội dung bản chất của hoạt động điều tra là hoạt động phát hiện, thu thập, củng cố, ghi nhận, thu giữ những thông tin của vụ án. Điểm khác nhau giữa các quan điểm trên là quan niệm về đối tượng mà hoạt động điều tra tác động tới, thừa nhận điều tra viên là chủ thể của hoạt động điều tra. Câu hỏi đặt ra là chứng cứ có sẵn hay không, phạm vi chủ thể của hoạt động điều tra bao gồm những ai vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng.

2. Trong khoa học pháp lý Việt Nam cũng tồn tại các quan điểm khác nhau về hoạt động điều tra: Từ điển Luật học giải thích rằng, “Điều tra là công tác trong tố tụng hình sự được tiến hành nhằm xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ”http://www.hcmulaw.edu.vn/mambots/editors/joomlafck2/editor/fckeditor.html?InstanceName=fulltext&Toolbar=Default - _ftn4[4];:.

Cách hiểu phổ biến ở Việt Nam hiện nay cho rằng điều tra là hoạt động của cơ quan điều tra trong điều tra vụ án hình sự. Quan điểm này cho rằng điều tra là tổng hợp tất cả các hành vi thực hiện trong giai đoạn điều tra và do một cơ quan điều tra thực hiện. Ví dụ: Trong cuốn Tìm hiểu Luật Tố tụng hình sự, một nhóm tác giả cùng thống nhất giải thích rằng, “Điều tra là một giai đoạn của quá trình tố tụng hình sự, trong đó cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp do Luật tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội, Viện kiểm sát kiểm sát hoạt động điều tra, quyết định truy tố bị can làm cơ sở cho việc xét xử của Tòa án”http://www.hcmulaw.edu.vn/mambots/editors/joomlafck2/editor/fckeditor.html?InstanceName=fulltext&Toolbar=Default - _ftn5[5]; hoặc, “Điều tra vụ án hình sự là một giai đoạn tố tụng hình sự, trong giai đoạn này cơ quan điều tra áp dụng mọi biện pháp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm và người phạm tội”http://www.hcmulaw.edu.vn/mambots/editors/joomlafck2/editor/fckeditor.html?InstanceName=fulltext&Toolbar=Default - _ftn6[6]

Cách hiểu này thể hiện ranh giới không rõ ràng giữa chức năng của cơ quan điều tra với hoạt động điều, đồng nhất giai đoạn điều tra với hoạt động điều tra, coi hoạt động điều tra gồm mọi hoạt động tố tụng trong giai đoạn điều tra; nhìn nhận về hoạt động điều tra mang tính cục bộ, phiến diện, bó hẹp phạm vi hoạt động điều tra chỉ được tiến hành trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Trên thực tế hoạt động điều tra được tiến hành trong tất cả các giai đoạn tố tụng hình sự, điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự với những mục đích khác nhau để xác định sự thật khách quan của vụ án.

Hai ví dụ trên đây cũng chưa phải là định nghĩa hoạt động điều tra mà là định nghĩa của giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Hay nói đúng hơn đó là định nghĩa về hoạt động điều tra của cơ quan điều tra nên nó thiếu tính toàn diện, chưa nói lên được tính bản chất và nội hàm của loại hoạt động này. Quan điểm này chỉ thừa nhận cơ quan điều tra là một chủ thể duy nhất có thẩm quyền được phép thực hiện các hoạt động điều tra. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thẩm quyền thực hiện các hoạt động điều tra. Điều 65, khoản 1, Bộ luật tố tụng hình sự 2003 khi quy định thẩm quyền thu thập chứng cứ đã chỉ rõ: “Để thu thập chứng cứ, cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án có quyền triệu tập những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề có liên quan đến vụ án, trưng cầu giám định, tiến hành khám xét, khám nghiệm và các hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án”http://www.hcmulaw.edu.vn/mambots/editors/joomlafck2/editor/fckeditor.html?InstanceName=fulltext&Toolbar=Default - _ftn7[7]

Cũng trong nhóm quan điểm này, có cách nhìn nhận hoạt động điều tra là tổng hợp từ “một số hành vi điều tra như khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giữ ngay người có dấu hiệu phạm tội, khám xét…”http://www.hcmulaw.edu.vn/mambots/editors/joomlafck2/editor/fckeditor.html?InstanceName=fulltext&Toolbar=Default - _ftn8[8], chưa phân biệt hoạt động điều tra với các hoạt động tố tụng hình sự khác.

Cách hiểu thứ hai coi hoạt động điều tra là hoạt động của cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án. Điểm khác biệt lớn nhất của quan điểm này so với quan điểm thứ nhất là đã nhìn nhận chủ thể của hoạt động điều tra rộng hơn. Tuy nhiên cách hiểu thứ hai lại nhầm lẫn giữa các hoạt động của cơ quan điều tra với hoạt động điều tra; giữa chức năng của từng hoạt động điều tra với chức năng của các cơ quan điều tra và viện kiểm sát.

Về mặt luật thực định, ở Việt Nam hiện nay chưa có một khái niệm pháp lý về “hoạt động điều tra” và cũng chưa được giải thích chính thức bởi các cơ quan có thẩm quyền. Trong tất cả các Bộ luật tố tụng hình sự, chưa có điều luật nào giải thích hoặc định nghĩa về hoạt động điều trahttp://www.hcmulaw.edu.vn/mambots/editors/joomlafck2/editor/fckeditor.html?InstanceName=fulltext&Toolbar=Default - _ftn9[9]. Một số giải thích không chính thức như đã nói trên đây chưa đủ để có một nhận thức đúng về hoạt động điều tra.

Mặc dù hoạt động điều tra đã được quy định trong các văn bản pháp luật tố tụng hình sự, hoạt động điều tra được các cơ quan tố tụng hình sự thực hiện thường xuyên trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, nhưng khoa học pháp lý và thực tiễn hiện nay có những quan điểm khác nhau, chưa thống nhất nhận thức về hoạt động điều tra, vẫn có sự nhầm lẫn giữa các khái niệm điều tra, thẩm quyền điều tra vụ án và hoạt động điều tra; giữa giai đoạn điều tra với hoạt động điều tra. Chính vì vậy mà vô tình đồng nhất hoạt động điều tra với các hoạt động khác của cơ quan điều tra, bó hẹp phạm vi chủ thể, phạm vi thời gian của hoạt động điều tra. Trong khoa học pháp lý Việt Nam hoạt động điều tra chưa được tập trung sự chú ý nghiên cứu sâu sắc, mà còn đang bỏ ngỏ nên có những cách hiểu, nhận thức khác nhau về hoạt động điều tra là không thể tránh khỏi.

3. Hoạt động điều tra mang bản chất của hoạt động nhận thức. Chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định “về bản chất, nhận thức là một quá trình phản ánh tích cực, tự giác và sáng tạo thế giới khách quan vào bộ óc người trên cơ sở thực tiễn”. Cấu trúc của nhận thức rất phức tạp có thể tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau như nguồn gốc, trình độ, các vòng khâu hoặc theo các giai đoạn của quá trình nhận thức. Phép biện chứng duy vật trở thành công cụ phổ biến của nhận thức khoa học. Nhận thức thông qua một quá trình từ trực quan (cảm giác, tri giác và biểu tượng) đến tư duy trừu tượng (khái niệm, phán đoán và suy lý) dựa vào hệ thống phương pháp nhận thức lý thuyết (trừu tượng hóa và khái quát; giả định – suy diễn; tiên đề – kết luận; thuật toán; hệ thống – cấu trúc; hình thức hóa và mô hình hóa) và phương pháp thực nghiệm (thí nghiệm, quan sát, đo đạc). Kết quả nhận thức đạt tới chân lý khách quan. Trong tố tụng hình sự chân lý khách quan cần khám phá là sự thật khách quan của vụ án đã xảy ra.

Là một yếu tố của quá trình chứng minh, hoạt động điều tra được xem như là một hoạt động nhận thức nếu nhìn từ góc độ của lý luận phản ánh. Ngay giai đoạn đầu tiên của hoạt động điều tra – thu thập chứng cứ – là một dạng của hoạt động nhận thức. Nếu như toàn bộ hoạt động chứng minh nhằm phản ánh những gì thuộc quá khứ, thì hoạt động thu thập chứng cứ là sự phản ánh những khách thể đang tồn tại, đang hiện hữu. Đây là một đặc điểm rất quan trọng của thu thập chứng cứ với tư cách là một dạng của hoạt động nhận thức. Hơn nữa nếu không dựa vào lý luận nhận thức thì không thể giải thích được các quy luật hình thành chứng cứ và hiệu quả của hoạt động điều tra phụ thuộc vào yếu tố gì. Cơ quan tố tụng hình sự thu thập được chứng cứ làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án xảy ra là kết quả của hai lần nhận thức các sự kiện tội phạm.

Trước hết tội phạm được phản ánh vào môi trường xung quanh thông qua các dấu vết, hình ảnh của nó để lại trên các khách thể vật chất, trong trí nhớ của những người tham gia tố tụng trong tương lai. Dấu vết tội phạm là cơ sở thực tiễn khách quan cho hoạt động chứng minh tội phạm, cho phép các cơ quan tiến hành tố tụng nghiên cứu, xem xét, tìm ra quy luật hình thành chúng, để xây dựng nên bản đồ vụ án và từ đó kết luận về những sự kiện có liên quan đến chúng.

Tuy nhiên dấu vết tội phạm tự thân nó chưa phải là chứng cứ vì đang trong dạng tồn tại đầu tiên của nó, cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án chưa có quyền sử dụng chúng để làm cơ sở cho việc lập luận hay suy đoán của mình được. Mà muốn sử dụng, các dấu vết đó phải được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, thu thập và phản ánh nó trong hồ sơ vụ án theo đúng quy trình, thủ tục luật định nhằm phản ánh đúng sự thật khách quan đã xảy ra. Quá trình này chính là sự phản ánh thứ hai của các dấu vết tội phạm – dấu vết được phản ánh trong nhận thức của cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án. Quá trình phản ánh thứ hai này đã biến các dấu vết tội phạm thành phương tiện nhận thức nhằm mục đích chứng minh, làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Đây là quá trình hình thành chứng cứ, một quá trình đòi hỏi mang tính khách quan, tuân thủ các quy luật của hoạt động nhận thức. Như vậy không thể quan niệm thu thập chứng cứ như là “quá trình đơn giản theo kiểu thu thập chứng cứ có sẵn như kiểu người đi hái nấm trong rừng”http://www.hcmulaw.edu.vn/mambots/editors/joomlafck2/editor/fckeditor.html?InstanceName=fulltext&Toolbar=Default - _ftn10[10]. Thực tiễn không bao giờ có sẵn những lời khai, không có sẵn những biên bản hoạt động điều tra. Các vật thể mang dấu vết tội phạm đòi hỏi phải được chuyển hóa thành vật chứng theo luật định. Có thể dùng khái niệm “hình thành chứng cứ” sát nghĩa hơn khái niệm “thu thập chứng cứ” vì nó phản ánh đầy đủ hơn vai trò tích cực, sáng tạo của chủ thể của hoạt động điều tra.

Rõ ràng chứng cứ liên quan đến hai nhóm quy luật phản ánh: một là, nhóm quy luật liên quan đến quá trình hình thành dấu vết tội phạm – cơ sở khách quan của hoạt động nhận thức; hai là, nhóm quy luật liên quan đến tri giác và phản ánh dấu vết, đến việc nhận được các chứng cứ.

Với cách tiếp cận như vậy thì “thu thập chứng cứ không có cái gì khác hơn là hệ thống các hành vi đảm bảo cho chủ thể hoạt động chứng minh cảm nhận, tiếp thụ các dấu vết tội phạm tồn tại một cách khách quan, hình thành hình ảnh của chúng trong nhận thức của chủ thể hoạt động chứng minh và các hành vi bảo đảm lưu giữ hình ảnh đó thông qua các biên bản hoạt động điều tra”http://www.hcmulaw.edu.vn/mambots/editors/joomlafck2/editor/fckeditor.html?InstanceName=fulltext&Toolbar=Default - _ftn11[11].

Bối cảnh sự kiện tội phạm xảy ra theo quy luật thời gian và vật chất có ảnh hưởng đến lượng thông tin để lại trong dấu vết tội phạm. Ví dụ trên nền đất ẩm thì dấu vết chân của thủ phạm hiện rõ hơn trên nền đất khô; màu áo quần của thủ phạm không thể phân biệt được trong bóng tối. Thu thập chứng cứ là quá trình chuyển hóa thông tin từ dấu vết tội phạm vào trong hồ sơ vụ án. Thành công của quá trình này là phụ thuộc vào chỗ những thông tin lưu giữ trong các dấu vết tội phạm được các chủ thể hoạt động điều tra phát hiện, ghi nhận và củng cố trong hồ sơ như thế nào? Có đầy đủ, chính xác, toàn diện hay không? Đây chính là tiêu chí của chất lượng phản ánh vì quá trình phản ánh luôn có khả năng làm thiếu hụt, thất lạc, mất mát thông tin, chưa tính đến ý chí chủ quan của chủ thể hoạt động điều tra có thể làm sai lệch hồ sơ vụ án nên hình ảnh phản ánh và bản thân sự vật được phản ánh luôn luôn có khoảng cách nhất định. Tổng số các hoạt động điều tra cần được thực hiện nhiều hay ít, chất lượng thực hiện các hoạt động điều tra cao hay thấp sẽ ảnh hưởng đến khoảng cách giữa sự thật khách quan, sự vật có thật đã xảy, ra và sự vật được phản ánh trong hồ sơ. Để tránh sự mất mát thông tin trong quá trình phản ánh cần hạn chế tối đa các bước trung gian trong quá trình này. Chính vì vậy mà trong tố tụng hình sự có nguyên tắc xét xử trực tiếp mà nội dung của nó liên quan đến thu thập chứng cứ.

Theo sự phân tích trên đây thì hoạt động điều tra là phương thức hoạt động của chủ thể nhằm cảm thụ, tiếp nhận và phản ánh thông tin chứa đựng trong các dấu vết tội phạm. Nhưng hoạt động này diễn ra theo cơ chế nào? Thông tin về tội phạm được chuyển hóa thành chứng cứ như thế nào? Câu trả lời phải xuất phát từ mối quan hệ có tính quy luật giữa khách thể nhận thức và phương pháp nhận thức. Phương pháp nhận thức không phải do chủ thể lựa chọn tùy tiện, mà nó còn phụ thuộc vào tính chất của khách thể. Nền tảng khách quan của phương pháp nhận thức là quy luật của khách thể nhận thức.

Khách thể nhận thức trong hoạt động điều tra là các dấu vết tội phạm cho nên chủ thể cần phải biết bản chất của dấu vết. Dấu vết có thuộc tính chung nhưng cũng có những thuộc tính riêng. Đây là cơ sở, tiêu chí khách quan để phân loại dấu vết. Thuộc tính quan trọng nhất của dấu vết là bản chất tín hiệu chuyển tải thông tin của nó. Ví dụ có những dấu vết mà thông tin của nó được thể hiện, chuyển tải ra ngoài thông qua những dấu hiệu vật lý của khách thể vật chất như hình thức, dung lượng, màu sắc, nhiệt độ và mùi vị… Phương pháp nhận thức phải phù hợp từng loại dấu vết. Có loại dấu vết mà thông tin của nó không thể cảm nhận trực tiếp được. Ví dụ khi xem xét tài liệu giả, điều tra viên, kiểm sát viên hoặc thẩm phán không thể bằng mắt phát hiện được dấu hiệu giả mạo của nó. Hoặc trên những công cụ phạm tội để lại hiện trường chúng ta không thể dễ dàng nhìn thấy dấu vết vi mô. Trong các trường hợp như vậy đòi hỏi phải có những phương pháp nhận thức chuyên môn.

Mục đích của hoạt động nhận thức cho phép tách biệt trong khách thể nhận thức những mặt, thuộc tính đáp ứng yêu cầu của chủ thể hoạt động nhận thức. Mục đích đặc biệt của hoạt động điều tra là thu nhận được những dạng và nội dung thông tin nhất định từ khách thể – dấu vết tội phạm. Nói cách khác mục đích của hoạt động điều tra là thu nhận hình ảnh trung thực của thông tin về các sự kiện phạm tội thông qua những biện pháp tố tụng do luật định. Tùy thuộc vào những mục đích khác nhau và những phương pháp tương ứng, hoạt động điều tra cho phép thu nhận được những thông tin khác nhau về nội dung và hình thức từ chính dấu vết đó.

Phân tích các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự có thể thấy luật ghi nhận nhiều cách thức, biện pháp điều tra khác nhau như: quan sát, hỏi, đo đạc, so sánh, thí nghiệm, mô hình hóa, mô tả… Việc sử dụng biện pháp điều tra nào là tùy thuộc vào khách thể và mục đích điều tra. Ví dụ: muốn thu thập dấu vết tội phạm khi thực hiện hoạt động khám nghiệm hiện trường thì phải dùng những thủ thuật, phương pháp nhận thức như quan sát, kết hợp với đo đạc, so sánh, thí nghiệm để phát hiện và ghi nhận và thu giữ những thông tin phản ánh trong các dấu hiệu vật lý của địa điểm, đồ vật và tài liệu. Hoặc khi chúng ta muốn tìm hiểu khả năng thực hiện hành vi nhất định nào đó trong bối cụ thể [muốn kiểm tra sự kiện được tái hiện lại trong các điều kiện giống như điều kiện thực tế] thì sử dụng kết hợp phương pháp quan sát, mô hình hóa và thí nghiệm.

Mối quan hệ qua lại giữa khách thể, mục tiêu và phương pháp nhận thức cho phép chúng ta hiểu rõ những đặc trưng của hoạt động điều tra, làm rõ vai trò của nó trong quá trình hình thành chứng cứ. Như vậy, chứng cứ chỉ được hình thành trên cơ sở áp dụng các phương pháp nhận thức là nội dung của hoạt động điều tra. Nhưng nếu nói hoạt động điều tra là hoạt động thu thập, củng cố và kiểm tra chứng cứ thì chưa đúng hoàn toàn. Định nghĩa như vậy mới chỉ ra được mục tiêu của hoạt động điều tra [thu thập chứng cứ] nhưng không nói đến phương pháp thực hiện, có thể làm cho người ta hiểu rằng chứng cứ đã tồn tại sẵn có trước khi tiến hành hoạt động điều tra và nhiệm vụ của cơ quan điều tra là nắm bắt chúng. Trở lại với các khái niệm về hoạt động điều tra trong khoa học pháp lý của Liên xô, ta thấy, theo tác giả Bư-cốp-xki.I.E thì hoạt động điều tra được xem xét như một dạng hoạt động của điều tra viên mà nội dung của nó là phát hiện, nghiên cứu, củng cố, ghi nhận, thu giữ các chứng cứ, tác giả đã không đề cập đến hoạt động nào làm xuất hiện chứng cứ. Nếu nhất trí với quan điểm này cho rằng chứng cứ đã tồn tại trước khi tiến hành các hoạt động điều tra thì hoạt động điều tra sẽ mất đi tính tích cực sáng tạo nhận thức của mình, nó chỉ còn lại là một phương pháp kỹ thuật tìm kiếm đơn thuần mà thôi. Hạn chế chung của những định nghĩa như vậy là không phân định được sự khác biệt giữa các khách thể được phản ánh thông qua các hoạt động điều tra tức là các dấu vết cụ thể của tội phạm và các kết quả của các hoạt động điều tra tức là các chứng cứ. Hơn nữa quá trình chuyển hóa các dấu vết cụ thể của tội phạm thành chứng cứ tố tụng là chức năng quan trọng nhất của hoạt động điều tra. Trong một mức độ nào đó thì định nghĩa của Gu-xa-cốp.A.N được xem là toàn diện hơn, Tác giả này đã phân biệt được giữa khách thể của hoạt động điều tra với kết quả thu được nhưng vẫn không nói rõ được nội dung của hoạt động nhận thức là chuyển hóa thông tin. Như trên đã nói, quan sát, hỏi, và các phương pháp nhận thức khác được áp dụng trong những hình thức do luật định. Điều này đã biến chúng thành những thao tác có tính chất tìm kiếm, nhận thức và xác nhận, thông qua đó cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án phát hiện, thu giữ những thông tin chứa đựng những dấu vết tội phạm. Cần lưu ý rằng mỗi thao tác, phương pháp có mục đích riêng của mình do vậy chúng có phạm vi áp dụng hạn chế. Mỗi phương pháp để phát hiện, tiếp thu và củng cố không phải đối với bất kỳ thông tin nào mà chỉ có thể với những loại thông tin phù hợp với bản chất vật lý của nó. Thí dụ phương pháp quan sát không thể phù hợp với những thông tin phản ánh trong trí nhớ của con người. Nhưng phương pháp “hỏi” lại phù hợp cho việc nhận thông tin này. Như vậy bảy phương pháp, bảy thao tác của nhận thức là: quan sát, hỏi, so sánh, đo đạc, thí nghiệm, mô hình hóa và mô tả trong sự kết hợp với nhau đã tạo thành số lượng lớn các hoạt động điều tra được pháp luật tố tụng hình sự quy định. Thậm chí các hoạt động điều tra có chung các phương pháp, thao tác nhưng vẫn khác nhau về mức độ liên kết đặc thù giữa các phương pháp đó, khác nhau về hình thức pháp luật sử dụng cùng một phương pháp đó.? Từ giác độ bản chất nhận thức của hoạt động điều tra chúng ta có thể định nghĩa hoạt động điều tra là một sự kết hợp các thao tác có tính chất tìm kiếm, nhận thức, xác nhận phù hợp với đặc thù của các dấu vết tội phạm, phát hiện, thu giữ, củng cố một cách có hiệu quả các thông tin có giá trị chứng minh trong các dấu vết đó theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự do các cơ quan có thẩm quyền thực hiện[12] nhằm mục đích thu thập, kiểm tra và đánh giá các chứng cứ chứng minh sự kiện phạm tội [13].

Cách tiếp cận như vậy về hoạt động điều tra là cơ sở có thể cho phép chúng ta làm rõ cơ cấu bên trong của hệ thống cấu thành của hoạt động điều tra, phân loại hoạt động điều tra; phân biệt các hoạt động điều tra giống nhau nhưng có mục đích rất khác nhau [ví dụ như khám nghiệm, khám xét, khám ngườI]; làm rõ hơn khả năng phục vụ hoạt động nhận thức của từng hoạt động điều tra, cụ thể trên cơ sở xác định vị trí của nó trong hệ thống các hoạt động điều tra và cho phép thực hiện việc lựa chọn đúng hoạt động điều tra cần thiết trong thực tiễn.

Hoạt động điều tra là một công cụ, phương tiện khám phá tội phạm, có bản chất và nội hàm của hoạt động nhận thức. Để nâng cao hiệu quả thực tiễn của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm đòi hỏi chủ thể phải nhận thức đúng bản chất, tuân thủ những quy luật hoạt động nhận thức trong việc áp dụng các hoạt động điều tra trong thực tiễn.

[1]Vư-sinxki, Lý luận chứng cứ trong pháp luật Xô viết, Nxb Hà Nội, 1967.

[2]Bư-cốp-xki L.E , Sự phát triển của các quy định của Luật Tố tụng hình sự về hoạt động điều tra, Hà Nội, 1992, tr. 4.

[3] Gu-xa-cốp A.N, HĐĐT và phương pháp nghiệp vụ, Nxb Matscơva, 1973.

[4] Từ điển Luật học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999.

[5]Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Khổng Hà, Trần Minh Hưởng, Tìm hiểu Luật Tố tụng hình sự, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2000.

[6] Nguyễn Ngọc Điệp, Những điều cần biết về thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, Nxb Công an nhân dân, TP. Hồ Chí Minh 2001.

[7] Khoản 1, Điều 65, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định thẩm quyền thu thập chứng cứ là thẩm quyền thực hiện các hoạt động điều tra của cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án. Ba cơ quan này được tiến hành tất cả các hoạt động điều tra đã đuợc quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự. Như vậy ba cơ quan này theo chức năng và nhiệm vụ đã được phân định có quyền tiến hành tất cả các hoạt động điều tra. Theo tinh thần của điều luật nêu trên bình đẳng về thẩm quyền được tiến hành tất cà các hoạt động điều tra. Thực hiện hoạt động điều tra chính vì vậy không phải là độc quyền của cơ quan điều tra.

[8]Đặng Anh, Hoàn thiện các quy định hình sự nhằm nâng cao hiệu quả lấy lời khai người làm chứng, Tạp chí Công an nhân dân, số 12/2002, tr. 50-51.

[9]Trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 các hoạt động điều tra được quy định trong Chương X, Điều 131 – Hỏi cung bị can; Chương XI, Điều 135 – Lấy lời khai người làm chứng, Điều 137 – Lấy lời khai của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án; Chương XII, Điều 142 – Khám người, Điều 143 – Khám chỗ ở, địa điểm, Điều 145 – Tạm giữ đồ vật, Điều 146 – Kê biên tài sản; Chương XIII, Điều 150 – Khám nghiệm hiện trường, Điều 151 – Khám nghiệm tử thi, Điều 152 – Xem xét dấu vết trên thân thể, Điều 153 – Thực nghiệm điều tra, Điều 155 – Trưng cầu giám định. Bộ luật Tố tụng hình sự không có một chương riêng để giải thích về hoạt động điều tra.

[10] Sây- phơ. C.A , Các hoạt động điều tra – Hệ thống và hình thức tố tụng, Nxb Pháp lý, Mátxcơva, 2001.

[11]Nguyễn Viết Hoạt, Các hoạt động điều tra trong Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh, 2002.

[12]Pháp lệnh số 23/2004/PL-UBNTQH11 về tổ chức điều tra hình sự ngày 20/08/2004 quy định một số cơ quan khác có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra bao gồm: Bộ đội biên phòng, Cơ quan hải quan, Cơ quan kiểm lâm, Cảnh sát biển, Các cơ quan khác của Cảnh sát nhân dân, An ninh nhân dân và Các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân. Như vậy chủ thể hoạt động điều tra ngoài điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán còn có các chủ thể khác thuộc các cơ quan nêu trên.

[13]Theo quy định tại khoản 1 Điều 10, Điều 63 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì nhiệm vụ của cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án là phải chứng minh có hành vi phạm tội xảy ra hay không nhằm mục đích nhận thức đúng đắn sự kiện được cho là tội phạm (vì có căn cứ đã bị khởi tố và bị áp dụng các hiện các hoạt động điều tra và các biện pháp ngăn chặn). Theo tinh thần của điều luật này các cơ quan có thẩm quyền có nghĩa vụ thực hiện các hoạt động điều tra thu thập các chứng cứ để chứng minh có hành vi phạm tội xảy ra, mặt khác chứng minh không có tội phạm xảy ra, chứng minh bị can là vô tội.

TẠP CHÍ KHPL SỐ 3(40)/2007

Bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra

Quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra là một trong những quyền cơ bản của người bị tạm giữ và bị can. Đó là quyền mà người bị tạm giữ và bị can tự mình hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình nhằm chứng minh cho sự vô tội, làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp khác trong quá trình tố tụng hình sự.

Trách nhiệm bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra chủ yếu thuộc về phía Cơ quan điều tra. Để bảo đảm quyền bào chữa, Cơ quan điều tra phải tạo những điều kiện cho người bị tạm giữ và bị can tự mình hoặc nhờ người khác thực hiện quyền bào chữa. Thời gian qua, các Cơ quan điều tra đều có những hoạt động đảm bảo thực hiện các quyền này. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn có những tồn tại nhất định.

Trước hết về quy định pháp luật và thực tiễn hoạt động, các Cơ quan điều tra luôn tạo điều kiện để bảo đảm cho người bị tạm giữ và bị can thực hiện quyền bào chữa. Tuy nhiên, do nhận thức pháp luật của một số người còn hạn chế và yếu tố tâm lý e ngại nên thực tế những người này không dám thực hiện quyền tự bào chữa cho mình. Họ cho rằng tự bào chữa rất dễ bị cho là ngoan cố, chống đối, không thành khẩn khai báo và dễ bị mất đi tình tiết giảm nhẹ. Vì vậy, việc bảo đảm quyền tự bào chữa của người bị tạm giữ, bị can trong giai đoạn điều tra rất khó thực hiện. Để bào chữa cho mình người bị tạm giữ và bị can thường phải nhờ người khác như: luật sư, bào chữa viên nhân dân, người đại diện hợp *pháp. Những người này được gọi chung là người bào chữa.

Có những trường hợp tuy bị can không nhờ nhưng pháp luật quy định bắt buộc phải có người bào chữa. Đó là đối với những vụ án mà bị can phạm tội có khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình hoặc bị can là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Thực tế, Cơ quan điều tra có yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình nhưng thực tế việc tham gia này chỉ là về mặt hình thức. Người bào chữa chỉ làm thủ tục được cấp giấy chứng nhận người bào chữa còn sau đó chỉ có mặt trong một vài buổi hỏi cung một cách qua loa.

Để bảo đảm quyền bào chữa Cơ quan điều tra phải cấp giấy chứng nhận người bào chữa một cách kịp thời. Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho bị can trong thời hạn ba ngày, cho người bị tạm giữ trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do. Thực tế, nhiều địa phương thực hiện việc cấp giấy chứng nhận bào chữa chưa đảm bảo về mặt thời gian quy định trên. Nhiều người bào chữa cho rằng Cơ quan điều tra lãng tránh việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa bằng cách chỉ dẫn gặp Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra và điều tra viên một cách lòng vòng gây ra nhiều khó khăn. Về phía Cơ quan điều tra nhiều trường hợp do yêu cầu điều tra muốn từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa nhưng cũng không tìm được lý do. Từ đó đã dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian cấp giấy chứng nhận người bào chữa.

Để đảm bảo quyền bào chữa thì dù người bào chữa được mời hay được chỉ định cũng phải có sự đồng ý của người bị tạm giữ hoặc bị can. Chỉ khi có sự đồng ý của người bị tạm giữ, bị can thì Cơ quan điều tra mới cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Trong giai đoạn điều tra người bị tạm giữ, bị can thường đang bị tạm giữ, tạm giam nên việc họ lựa chọn người bào chữa cho mình là rất khó khăn. Ngược lại, người bào chữa muốn vào gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam để lấy chữ ký thể hiện sự đồng ý của họ thì lại phải có giấy chứng nhận người bào chữa. Với cái vòng luẩn quẩn trên việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa rất chậm chạp, không kịp thời dẫn đến việc hiểu lầm là Cơ quan điều tra gây khó khăn cho người bào chữa.

Việc bảo đảm thực hiện quyền bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can vẫn còn khó khăn ngay cả khi người bào chữa đã được cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Bộ luật Tố tụng hình sự quy định người bào chữa có quyền đề nghị Cơ quan điều tra báo trước về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can. Thực tế có trường hợp điều tra viên thông báo nhưng người bào chữa không đến, hoặc có đến nhưng buổi hỏi cung đã kết thúc. Vì vậy, có người bào chữa cho rằng Cơ quan điều tra né tránh không muốn cho người bào chữa có mặt trong buổi hỏi cung.

Để bảo đảm quyền bào chữa, pháp luật trao quyền cho người bào chữa được gặp người bị tạm giữ; gặp bị can đang bị tạm giam. Thực tế để bảo đảm quyền này còn có nhiều khó khăn vì chưa có văn bản hướng dẫn thống nhất: được gặp từ thời điểm nào và khoảng thời gian được gặp bao lâu. Điều này lại dễ gây ra sự hiểu nhầm là Cơ quan điều tra gây khó khăn cho người bào chữa trong việc được gặp người bị tạm giữ, bị can.

Việc bảo đảm thực hiện quyền bào chữa từ phía Cơ quan điều tra cho dù có nhiều cố gắng đến đâu nhưng số lượng, sự nhiệt tình và trình độ năng lực của người bào chữa không cao thì cũng không thể có sự bảo đảm tốt được. Thời gian qua, số lượng Luật sư tham gia bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can còn chưa cao. Năng lực bào chữa có nhiều trường hợp còn hạn chế. Việc bào chữa không tập trung vào việc chứng minh cho sự vô tội hoặc tìm tình tiết giảm nhẹ mà chỉ tập trung tìm những sai phạm về mặt hình thức thủ tục của những người tiến hành tố tụng, trong khi bản chất vụ án cũng không thay đổi. Người bào chữa thu thập được tài liệu, thông tin không cung cấp ngay cho cơ quan điều tra để làm rõ vụ án mà giữ bí mật chờ đưa ra trước phiên tòa dẫn đến việc trả hồ sơ kiểm tra lại giá trị chứng minh của chứng cứ gây lãng phí thời gian. Sự hăng say nhiệt tình của người bào chữa còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do mức phí thù lao trong bào chữa không cao và nhất là trong các trường hợp bào chữa bắt buộc.

Với những quy định pháp luật hiện hành và thực tiễn việc bảo đảm quyền bào chữa nêu trên, chúng tôi đề xuất một vài giải pháp góp phần nâng cao hơn nữa việc đảm bảo quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra như sau:

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật để góp phần nâng cao nhận thức trong người dân. Người dân phải nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia vào giai đoạn điều tra với tư cách người bị tạm giữ, bị can. Khi có tư cách đó, họ chỉ bị nghi vấn là người phạm tội nên họ có quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa cho mình. Tự bào chữa không có nghĩa là chống đối lại Cơ quan điều tra, không làm mất đi tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo.

Không ngừng nâng cao số lượng và chất lượng hoạt động của người bào chữa. Trong điều kiện phát triển kinh tế – xã hội hiện nay, số lượng người tốt nghiệp từ các trường có đào tạo luật với các hình thức khác nhau không ít. Tuy nhiên, sự tham gia của những người này vào các hoạt động bào chữa chưa cao do nhiều nguyên nhân. Để khắc phục các nguyên nhân này, trước hết chúng ta cần tuyên truyền vận động người bào chữa tham gia không chỉ vì thu nhập cá nhân mà còn vì lương tâm nghề nghiệp. Phải có những tổ chức và phong trào hoạt động làm cho những người có kiến thức pháp luật tự giác tham gia vào hoạt động bào chữa như là một phong trào. Thậm chí có thể xem hoạt động bào chữa như là sự đóng góp từ thiện trong xã hội. Từ đó có sự nhân rộng việc tham gia và sự tôn vinh hơn đối với những người bào chữa trong đời sống xã hội. Bên cạnh đó, người bào chữa cần phải không ngừng nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng chuyên môn và ý thức đạo đức.

Các cơ quan điều tra cần nghiêm chỉnh tuân thủ những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về việc bảo đảm quyền bào chữa cho người bị tạm giữ và bị can. Bảo đảm cho người bị tạm giữ, bị can tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa. Việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa đúng thời gian luật định, liên hệ cơ quan tổ chức kịp thời cử người bào chữa trong những trường hợp bắt buộc. Đồng thời phải có sự gia tăng về số lượng và chất lượng những người tiến hành tố tụng trong gia đoạn điều tra nhằm tránh đi những đánh giá là cơ quan này thường gây khó khăn cho người bào chữa. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra và điều tra viên phải không ngừng nâng cao trình độ pháp luật, kỹ năng nghề nghiệp để đảm bảo có sự tham gia của người bào chữa trong bất cứ vụ án nào và bất cứ thời điểm nào. Phải xem sự tham gia của người bào chữa là sự thuận tiện và đảm bảo tính khách quan cao trong hoạt động điều tra.

Cần có những văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thống nhất và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc bảo đảm thực hiện quyền bào chữa. Đó là những quy định cụ thể về thời gian, thời điểm và điều kiện để người bào chữa được gặp mặt người bị tạm giữ, bị can. Cần có sự mở rộng quyền cấp và từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa trong giai đoạn điều tra để đảm bảo tính công khai, kịp thời. Pháp luật nên chăng trao cho điều tra viên thẩm quyền cấp giấy chứng nhận người bào chữa trong những vụ án ít nghiêm trọng và nghiêm trọng. Cơ quan điều tra có thẩm quyền từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa trong những vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng có nhiều bị can tham gia nhưng còn có đối tượng bỏ trốn…

Để góp phần nâng cao hơn nữa việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra, đòi hỏi các chủ thể tham gia và thực hiện không ngừng tự nâng cao và hoàn thiện cho mình kiến thức pháp luật và kỹ năng nghề nghiệp. Về phía Nhà nước cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn và điều chỉnh để hoạt động bào chữa luôn được đảm bảo. Sự bảo đảm quyền bào chữa cũng chính là một trong những nội dung đảm bảo quyền dân chủ của công dân. Đánh giá sự phát triển xã hội có nhiều tiêu chí để đánh giá nhưng không thể thiếu đi sự đánh giá về mặt bảo đảm quyền bào chữa trong thực tế. Vì vậy, việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra là rất cần thiết và cần phải không ngừng nâng cao./.

Dư Hoàng Châu

(GV Bộ môn Pháp luật – Trường Đại học CSND)

Theo www.pup.edu.vn

VIỆN KIỂM SÁT HAY VIỆN CÔNG TỐ?

NGUYỄN THÁI PHÚC*

*PGS.TS luật học, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Bộ máy nhà nước ta trong đó có các cơ quan như viện kiểm sát (VKS), tòa án, công an… được hình thành và phát triển trong điều kiện của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bộ máy này đã bộc lộ nhiều hạn chế. Trong những năm gần đây song song với đổi mới kinh tế, việc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam trên cơ sở đổi mới kiện toàn tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước trên cả ba mặt lập pháp, hành pháp và tư pháp được đặt ra như một vấn đề cấp bách và tất yếu. Đây là một trong những điều kiện bảo đảm cho nhà nước với tư cách là một thiết chế quan trọng của kiến trúc thượng tầng thúc đẩy tích cực trở lại quá trình đổi mới kinh tế.

Cải cách tư pháp đang diễn ra ở nước ta không thể không đụng chạm đến VKS. Ngay từ những ngày đầu của Cải cách tư pháp đã xuất hiện hai phương án đổi mới VKS. Phương án thứ nhất là “nghiên cứu đổi mới căn bản tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân hiện nay theo hướng thành lập Viện công tố (VCT) để thực hiện tốt hơn chức năng công tố nhà nước, khắc phục tình trạng cắt khúc giữa hoạt động điều tra của cơ quan điều tra với hoạt động kiểm sát điều tra của VKS hiện nay; đồng thời khắc phục sự chồng chéo giữa hoạt động KSC của VKS với hoạt động của cơ quan thanh tra, với hoạt động kiểm tra giám sát của các cơ quan nhà nước hữu quan khác”. Phương án thứ hai là giữ nguyên mô hình VKS nhưng phải hoàn thiện nó về các mặt như tổ chức, bộ máy, phương thức hoạt động, đội ngũ cán bộ.[1] Dự thảo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII cũng đi theo hướng “điều chỉnh nhiệm vụ của VKS theo hướng VKS làm chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, còn công tác kiểm sát chấp hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân thì chuyển giao cho cơ quan thanh tra thực hiện. Việc kiểm sát văn bản của Chính phủ do UBTVQH đảm nhiệm. Việc kiểm sát văn bản pháp quy của cơ quan nhà nước các cấp từ Bộ trở xuống sẽ thực hiện theo nguyên tắc “cơ quan nhà nước cấp trên kiểm tra văn bản của cơ quan nhà nước cấp dưới”. Tuy nhiên Nghị quyết chính thức của Hội nghị vẫn chủ trương giữ nguyên chức năng của VKS như Hiến pháp 1992 quy định, chỉ xác định trọng tâm trong hoạt động của VKS là hoạt động công tố. Khi sửa đổi Hiến pháp 1992 chỉ đặt vấn đề điều chỉnh một phần chức năng của VKS mà cụ thể là sửa Điều 137, bỏ hoạt động kiểm sát tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính – kinh tế hay còn gọi là KSC. Nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị về Cải cách tư pháp ngày 02/01/2002 chỉ đặt vấn đề nâng cao chất lượng hoạt động, đề cao trách nhiệm của VKS, nhưng chỉ 3 năm sau Nghị quyết 49 ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đã xác định “nghiên cứu việc chuyển đổi VKS thành VCT…”. Như vậy lần đầu tiên kể từ khi thành lập đến nay, sau 45 hoạt động và phát triển vấn đề “tồn tại hoặc không tồn tại” của VKS đã chính thức được lên bàn nghị sự của Cải cách tư pháp chứ không còn là vấn đề học thuật nữa.

Chúng tôi cho rằng việc chuyển đổi chức năng của một hệ thống cơ quan nhà nước như VKS là một việc vô cùng hệ trọng đòi hỏi sự tỉnh táo về chính trị, nghiêm túc về khoa học và thận trọng, khôn ngoan về thực tiễn bởi lẽ nó liên quan đến vấn đề pháp chế thống nhất là nền tảng của nhà nước pháp quyền. Là người làm công tác nghiên cứu chúng tôi cho rằng vấn đề này cần được xem xét một cách toàn diện ở các khía cạnh khác nhau. Một trong những phương pháp tiếp cận là nhìn nhận vấn đề từ khía cạnh lịch sử, đánh giá thực trạng để có giải pháp đúng đắn cho tương lai.

I. Trường phái, mô hình VCT và VKS trên thế giới

Ở góc độ lý luận nếu bỏ qua một số khác biệt về chi tiết có thể cho rằng trên thế giới hiện nay có hai trường phái lý luận và hai mô hình khác nhau: Thứ nhất là trường phái lý luận và mô hình VCT; thứ hai là trường phái lý luận và mô hình VKS.

1. Trường phái và mô hình VCT

Trong lịch sử Nhà nước và pháp luật thì chế định tòa án xuất hiện sớm hơn chế định VCT hay VKS rất nhiều. Trong Nhà nước Hy Lạp và La Mã cổ, người bị hại tự mình thu thập chứng cứ và tự buộc tội trước tòa hoặc phải mời nhà hùng biện thực hiện chức năng buộc tội thay mình. Người bị hại có vai trò to lớn, tích cực và quyết định trong tố tụng hình sự (TTHS). TTHS xuất hiện và vận động phụ thuộc vào ý chí của người bị hại. Tuy nhiên do quy định người nào đưa ra lời buộc tội thì người đó có nghĩa vụ chứng minh lời buộc tội của mình là đúng nên hoạt động của người bị hại gặp nhiều khó khăn trước tòa. Thời gian sau (thế kỷ I-IV) việc truy cứu trách nhiệm hình sự do các viên chức của nhà vua tiến hành. Thời kỳ đầu của mô hình Tố tụng buộc tội (thế kỷ VII–XIII) các bên tranh tụng bình đẳng với nhau trước tòa, không có hoạt động công tố bởi lẽ tòa án tập trung các chức năng cơ bản của TTHS vào tay mình. VCT đầu tiên xuất hiện ở Pháp vào năm 1302 duới triều vua Philippe IV như là cơ quan đại diện cho lợi ích của nhà vua trong cuộc đấu tranh chống lại sự lạm quyền của các lãnh chúa phong kiến để củng cố quyền lực của mình. Thuật ngữ “công tố viên” chỉ được sử dụng vào đầu thế kỷ XVIII. Lúc đầu chức năng của VCT không hoàn toàn là chức năng pháp lý. Theo nhà sử học người Nga V.I. Veritenhicốp thì VCT được xem như là “đôi mắt của nhà vua để thông qua đó có thể theo dõi sự vận hành của toàn bộ bộ máy nhà nước có đúng hay không”. Các công tố viên thực hiện nghĩa vụ của mình mọi lúc mọi nơi để bảo vệ lợi ích của nhà vua, theo dõi hoạt động của các quan chức có đáp ứng yêu cầu của nhà vua hay không? Trọng tâm trong hoạt động của VCT Pháp là bảo vệ ngân quỹ nhà nước. Lúc đó hoạt động xét xử của tòa án là một trong những nguồn thu chính của ngân quỹ nhà nước do vậy công tố viên có nhiệm vụ phát hiện và đưa các vụ việc vi phạm pháp luật của nhà vua đến tòa án để xử lý và tác động sao cho quyết định của tòa án có lợi cho nhà nước. VCT của Pháp là mẫu hình tiêu biểu của VCT nhiều nước ở phương Tây.

Trong lịch sử đời sống xã hội đôi khi chúng ta bắt gặp những hiện tượng rất khác thường, rất độc đáo, có một không hai. Một trong những hiện tượng như vậy là VCT ở Nga xuất hiện 3 thế kỷ trước bởi thiên tài Pier Đệ nhất. Hiện nay có nhiều người Nga chỉ thích nhìn về phương Tây để tìm kiếm mô hình thích hợp về cấu trúc bộ máy nhà nước và người ta lại quên đi là có thể xem xét học hỏi từ lịch sử của chính đất nước mình. Khi nắm quyền đổi mới và cải tạo một đất nước rộng lớn bắt đầu gia nhập châu Âu được ví như hình ảnh một “con thuyền đã hạ thủy”, điều mà Pier Đệ nhất quan tâm là phải có quản lý nhà nước mạnh mẽ, phải có những điểm tựa cơ bản cho nhà nước. VCT được nhìn nhận không chỉ là một cấu trúc quản lý thuận tiện, hợp lý mà trước hết là sức mạnh gắn kết nhà nước, là nền tảng cho thống nhất pháp chế, trật tự pháp luật. Ngay từ lúc đầu Pier Đệ nhất đã có ý định thành lập VCT như là một chế định đặc biệt thanh tra hoạt động của các quan chức ở các cấp để chống lại sự lộng quyền ở địa phương. Đích thân Pier Đệ nhất đã làm dự thảo luật về VCT với ý tưởng là cơ quan giám sát tuân theo pháp luật ngay cả với các quan chức cao nhất. VCT thời Nga hoàng ra đời sau và chịu ảnh hưởng nhiều của mô hình VCT của Pháp và của Đức. Pier Đệ nhất có tham khảo kinh nghiệm của VCT Pháp nhưng không sao chép nguyên xi. VCT của Nga có một số khác biệt so với VCT của các nước đó. Hoạt động của VCT của Pháp hầu như bị chi phối bởi nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của nhà vua, nhân danh nhà vua tham gia vào hoạt động xét xử tại tòa án. Trọng tâm trong hoạt động của VCT của Pháp là tham gia trong TTHS buộc tội nhân danh nhà nước. Còn trọng tâm trong hoạt động của VCT Nga là giám sát tuân theo pháp luật. Điều này được giải thích bởi yếu tố lịch sử: nước Nga có lãnh thổ rộng lớn, nhiều dân tộc có trình độ phát triển lạc hậu, phần lớn quan chức có thiên hướng tham nhũng. Ở nước Nga đã hình thành một cơ quan nhà nước đặc thù có ảnh hưởng mạnh mẽ với chức năng giám sát, có nhiêm vụ kháng nghị các quyết định và hành vi trái pháp luật của bất kỳ cơ quan và quan chức nào, thông báo cho nhà vua về những vi phạm pháp luật được phát hiện. VCT thời kỳ này đã thực hiện các chức năng giám sát gần giống như KSC của VKS Liên xô sau này. Luật gia nổi tiếng của Nga N.V. Muraviép đã viết: VCT của Nga ngay từ khi ra đời (1772) cho đến Cải cách tư pháp của Alexandra – những năm 60 của thế kỷ XIX – chủ yếu là cơ quan giám sát tuân thủ pháp luật trong nhà nước còn hoạt động buộc tội trước tòa án chỉ là một trong những chức năng phụ của VCT, không được quy định nhiều về pháp lý và không đáng kể trong hoạt động thực tiễn. Đến cải cách tư pháp 1864 thì VCT của Nga mất chức năng giám sát tuân theo pháp luật (KSC). VCT chỉ thực hiện chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự, tham gia buộc tội tại phiên tòa hình sự. Lý do của vấn đề này không phải vì lợi ích của nhà nuớc mà vì vấn đề “quyền anh quyền tôi” giữa một số cơ quan nhà nước. Đối với cơ quan hành pháp – cơ quan nắm nhiều quyền lực – thì hoạt động giám sát tuân theo pháp luật luôn là một trở ngại ngăn chặn sự lạm quyền, tùy tiện của cơ quan này. Chính vì vậy mà nhiều nhà nghiên cứu của Nga cho rằng việc bỏ chức năng giám sát của VCT Nga trong Cải cách tư pháp 1864 là một hạn chế của nó. Sau khi Sa hoàng Alecxandr II bị ám sát (1881) và thời kỳ sau Cách mạng 1905 VCT Nga đã thực sự trở thành cơ quan trấn áp trong bộ máy nhà nước.

VCT ngay từ khi ra đời đã là công cụ củng cố quyền lực của nhà nước trung ương. Nhưng điểm nổi bật nhất trong mô hình VCT của nhiều nước trên thế giới vẫn là hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự – chức năng buộc tội trong TTHS nhằm bảo đảm sự tuân thủ Luật hình sự. Đây là lợi ích sống còn và là điều quan tâm nhất của nhà nước. Hoạt động giám sát tuân thủ pháp luật chỉ thể hiện trong quan hệ với cơ quan điều tra. VCT không thực hiện chức năng giám sát tuân theo pháp luật ở giai đoạn xét xử. Ở giai đoạn này VCT thuần túy là một bên tranh tụng bình đẳng với bên bào chữa. Giám sát việc tuân thủ pháp luật của các bên tranh tụng (trong đó có VCT) và những người tham gia phiên tòa do tòa án thực hiện. Hoạt động giám sát tuân theo pháp luật của VCT bên ngoài lĩnh vực TTHS như TTDS và một số lĩnh vực khác rất hạn chế. Tuy nhiên cũng có trường hợp cá biệt như VCT ở Nga trước 1860 và ở Thổ Nhĩ Kỳ. VCT Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò gần giống như VKS ở Liên xô cũ tức là có chức năng kiểm sát tuân theo pháp luật và chức năng này được ghi nhận trong Hiến pháp: VCT có quyền khởi tố vụ án, quyền bảo đảm sự tuân thủ pháp luật trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và công dân, trình bày kết luận về các dự thảo luật, về sự phù hợp của các điều ước quốc tế với luật pháp quốc gia, kháng nghị với bất kỳ bản án trái pháp luật nào của tòa án, kiểm sát hoạt động của cảnh sát tư pháp, soạn thảo chính sách hình sự và phòng ngừa tội phạm.

Từ thực tiễn lịch sử này đã hình thành trường phái lý luận về VCT: VCT chỉ là cơ quan nhà nước hoạt động chủ yếu trong phạm vi đấu tranh chống tội phạm, thực hiện chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự, tham gia buộc tội nhân danh nhà nước trước tòa án như là một bên tranh tụng bình đẳng với bên bào chữa. VCT thuộc về quyền lực hành pháp. Sự tham gia của VCT trong TTHS là cần thiết và không thể thiếu được. Không có sự tham gia của VCT thì tòa án không thể xét xử được. Viện trưởng VCT đồng thời là Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Ở một số nước VCT nằm trong hệ thống tòa án. Cơ sở lý luận của trường phái này là học thuyết phân chia ba quyền: hành pháp, lập pháp và tư pháp. VCT không có chức năng kiểm sát (hay giám sát) tuân theo pháp luật hoặc có nhưng ở những phạm vi rất hạn chế trong tố tụng dân sự, thủ tục phá sản khi liên quan đến lợi ích nhà nước và trật tự công cộng. Thí dụ hệ thống pháp luật của Hoa kỳ không hề biết đến chế định kiểm sát tuân theo pháp luật. Cơ quan Công tố (Attorney) có chức năng cố vấn pháp lý cho chính phủ, đại diện cho nhà nước trước tòa án khi có tranh chấp liên quan đến lợi ích của nhà nước và buộc tội nhân danh nhà nước, trong đó hoạt động buộc tội là hoạt động quan trọng nhất. Vấn đề hợp pháp hay không hợp pháp trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân do tòa án giải quyết trên cơ sở tranh chấp của các bên. Tòa án là trọng tài tối cao và là người giám sát việc tuân thủ pháp luật.

Mô hình VCT thực chất là mô hình dựa trên nền tảng phân chia quyền lực, đề cao vai trò của tòa án, đề cao nguyên tắc tự định đọat và tranh tụng giữa các bên có xung đột pháp lý. Đây là mặt tích cực của mô hình này. Nhưng để công bằng cần phải xét đến cả những hạn chế của nó. Hạn chế lớn nhất của mô hình này là trong nhà nước không có một cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng quan trọng, cần thiết cho bất kỳ nhà nước pháp quyền nào là hoạt động giám sát tuân theo pháp luật trong tất cả các lĩnh vực của quan hệ pháp luật nhằm bảo vệ pháp luật, bảo đảm pháp chế thống nhất.

Nếu tham khảo kinh nghiệm thế giới về quá trình cải cách VCT ở các quốc gia theo hướng phát triển và mở rộng dân chủ thì sẽ thấy đang có xu thế mở rộng thẩm quyền, chức năng của VCT trong nhà nước chứ không phải thu hẹp. Thí dụ ở Brazin năm 1988 đã sửa Hiến pháp theo hướng khẳng định vai trò của VCT trong nhà nước. VCT được gọi là Bộ xã hội, nó không chỉ có thẩm quyền buộc tội nhân danh nhà nước mà còn giám sát hành chính bảo đảm tuân thủ quyền tự do của công dân, bảo vệ lợi ích xã hội. Công tố viên được bổ nhiệm suốt đời và chịu trách nhiệm về bảo vệ trật tự pháp luật, nền dân chủ, lợi ích xã hội và cá nhân. Dự kiến cải cách VCT ở Hàn quốc theo hướng tách VCT ra khỏi Bộ Tư pháp. Ở nhiều nước châu Âu ngoài việc phát hiện vi phạm pháp luật, tội phạm ra thì VCT còn có một số chức năng giám sát tuân theo pháp luật và chức năng này đang có xu hướng mở rộng. VCT ngày càng có nhiều thẩm quyền can thiệp vào những vấn đề hành chính, vấn đề hải quan, vấn đề môi trường. Ở Thụy Điển có văn phòng VCT chống tội phạm kinh tế và VCT có chức năng giám sát tuân thủ pháp luật tại các nơi giam giữ. Trong Dự án cải cách VCT của Pháp theo đề nghị của Tổng thống Shirắc VCT có thể có độc lập hơn trong quan hệ với hành pháp mà trước hết là với Bộ Tư pháp.

2. Trường phái và mô hình VKS

Mô hình VKS đã ra đời ở Liên xô cũ và đang tồn tại ở Liên bang Nga hiện nay. Do vậy tìm hiểu về bối cảnh lịch sử ra đời của mô hình cơ quan nhà nước này là điều hết sức cần thiết ở góc độ phương pháp luận. Lịch sử ra đời của bất kỳ cơ quan nhà nước nào đều có thể giúp chúng ta hiểu rõ những vấn đề sau đây:

+ Vai trò lịch sử và vị trí của cơ quan đó trong hệ thống bộ máy nhà nước, mối liên hệ giữa chức năng của nó với bản chất của nhà nước mà nó tồn tại trong đó như một bộ phận hữu cơ;

+ Chức năng nhà nước mà lịch sử đã giao cho cơ quan đó thực hiện;

+ Định hướng hoàn thiện cơ quan đó trong điều kiện mới ở góc độ lập pháp và góc độ tổ chức.

Khác với một số cơ quan bảo vệ pháp luật khác như tòa án, công an ra đời ngay sau Cách mạng Tháng Mười 1917, mãi đến năm 1922 VKS Liên xô mới được thành lập. Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu đây không phải là hiện tượng ngẫu nhiên. Đây chính là thời kỳ Lênin – người sáng lập nhà nước kiểu mới – tìm kiếm mô hình cơ quan thay thế cho mô hình VCT của Nga hoàng. Chúng ta không nên quên rằng trước khi là một nhà hoạt động chính trị, một lãnh tụ cộng sản thì Lênin đã là một luật gia am hiểu sâu sắc các vấn đề về nhà nước và pháp luật. Hơn ai hết trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước Xô viết non trẻ trong hoàn cảnh thù trong giặc ngoài của những năm đầu sau cách mạng Lênin đã thấy được vai trò to lớn của pháp luật và pháp chế đối với sự tồn tại, củng cố và lớn mạnh của chính quyền Xô viết. Trong điều kiện khi đất nước chuyển sang xây dựng hòa bình và thực hiện chính sách kinh tế mới thì vấn đề tuân thủ pháp luật của nhà nước trung ương – vấn đề pháp chế – lại được đặt ra một cách thiết thực và gay gắt. Các chính quyền địa phương vừa trải qua nội chiến và chính sách Cộng sản thời chiến đã cảm thấy gò bó, chật hẹp trong khuôn khổ pháp chế luôn tìm cách bỏ qua những quy định của pháp luật do nhà nước trung ương ban hành. Cội nguồn của hiện tượng vi phạm pháp chế thống nhất, theo Lênin, chính là chủ nghĩa cục bộ địa phương, bản vị. “Ảnh hưởng của địa phương là một trong những trở ngại lớn nhất, nếu không phải là trở ngại lớn nhất, cho công cuộc thiết lập pháp chế và nền văn hóa”. Sự khác biệt của địa phương cần được tính đến trong công tác quản lý và hành chính vì nếu không sẽ rơi vào chế độ tập trung quan liêu. Bản thân pháp luật cũng phải tính đến sự khác biệt này khi đưa ra các quy định điều chỉnh những vấn đề cụ thể. Thí dụ luật có thể quy định mức thuế của các tỉnh miền núi thấp hơn các địa phương khác do khác biệt về điều kiện kinh tế – xã hội. Nhưng pháp chế – tức là chấp hành, tuân thủ pháp luật – thì phải thống nhất trong phạm vi toàn thể liên bang. Có nghĩa là khi luật được ban hành thì phải được mọi địa phương, mọi người hiểu và vận dụng thống nhất. Tỉnh A không phải là tỉnh miền núi thì không thể tự vận dụng mức thuế thấp quy định cho miền núi được. Tỉnh B là tỉnh miền núi thì không thể tùy tiện áp dụng mức thuế thấp hơn cả mức thuế do luật đã quy định được. Không thể chấp nhận hiện tượng khi mà luật của nhà nước trung ương được hiểu và giải thích “theo kiểu địa phương”, vận dụng tùy tiện cho “phù hợp với hoàn cảnh địa phương”. “Mối nguy hại to lớn nhất trong đời sống của chúng ta, cũng như trong tình trạng kém văn hóa của chúng ta là ở chỗ chúng ta dung túng quan niệm muôn thủa của nước Nga và những tập quán nửa man rợ muốn duy trì pháp chế của tỉnh Caluga cho khác với pháp chế của tỉnh Cadan”. Hình thức phổ biến vi phạm pháp chế thống nhất của các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương vì lợi ích cục bộ là không thực hiện đúng pháp luật hoặc ban hành các văn bản của mình trái với luật làm vô hiệu hóa hoặc biến dạng các quy định của luật.

Trong thời gian từ 1917 đến 1922 chức năng giám sát tuân theo pháp luật trong nhà nước Xô viết được giao cho nhiều cơ quan nhà nước khác nhau thực hiện. Điều này dẫn đến sự tản mạn, chồng chéo về hoạt động và hiệu quả thấp, không đủ mạnh trong bảo vệ pháp luật. Ở nước Nga lúc đó khi mà nhiệm vụ xây dựng và phát triển chế độ xã hội mới được đặt lên hàng đầu thì nhiệm vụ bảo vệ pháp chế thống nhất trong phạm vi cả nước trở thành nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Nhu cầu về một cơ quan nhà nước có chức năng duy nhất là giám sát tuân thủ pháp luật bảo đảm pháp chế thống nhất trong mọi lĩnh vực hoạt động nhà nước đã hình thành. Quan điểm cho rằng những người Bôn sê vích là cha đẻ của mô hình VKS là hoàn toàn không thuyết phục. Chính thực tiễn 5 năm đầu sau Cách mạng Tháng Mười đã buộc họ phải quay trở lại với mô hình VCT của Pier Đệ nhất. Mô hình VKS được Lênin tiếp thu và phát triển từ mô hình VCT của Pier Đệ nhất năm 1772 khi mở rộng phạm vi hoạt động kiểm sát tuân theo pháp luật và coi hoạt động này như là chức năng thuộc tính – chức năng nhà nước – của VKS.

Khi xây dựng mô hình VKS Lênin đã đặc biệt chú ý những nguyên tắc tổ chức đặc thù của VKS như nguyên tắc độc lập, tập trung, thống nhất, không song trùng trực thuộc để bảo đảm cho VKS có khả năng chống lại bất kỳ ảnh hưởng địa phương và cá nhân nào khi thực hiện chức năng của mình. Dự thảo thành lập VKS của Lênin lúc đầu đã gặp phải sự phản đối gay gắt. Vấn đề thành lập VKS Liên xô thực chất đã trở thành vấn đề đấu tranh chống chủ nghĩa cục bộ địa phương, thói tự do vô chính phủ lúc đó ở nước Nga.

Cơ sở nền tảng cho tổ chức và hoạt động của VKS chính là luận điểm của Lênin về pháp chế thống nhất, về vai trò của pháp luật và pháp chế trong nhà nước kiểu mới. Nội dung cơ bản của luận điểm này cũng như những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của VKS được Lênin trình bày trong tác phẩm nổi tiếng “Về chế độ song trùng trực thuộc và pháp chế”. Mô hình VKS của Lênin có những đặc điểm sau đây:

+ Hoạt động kiểm sát tuân theo pháp luật là chức năng Hiến pháp cơ bản của VKS. Hoạt động của VKS không còn bó hẹp trong khuôn khổ của hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự mà đã mở rộng ra rất nhiều, nhất là trong lĩnh vực quản lý nhà nước, lĩnh vực TTDS, thi hành án, giam giữ cải tạo, lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo, đến các bộ, các cơ quan dân cử, cơ quan quân sự. Bản thân hoạt động của các cơ quan thanh tra, kiểm tra cũng là đối tượng của kiểm sát. Nhờ vậy VKS có khả năng tác động và liên kết hoạt động của cả bộ máy nhà nước, làm tích cực hóa hoạt động thực thi pháp luật của toàn bộ máy. VKS được xem như là bảo đảm quan trọng của pháp chế thống nhất trong đất nước.

+ Hoạt động của VKS là một dạng hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước độc lập bên cạnh những hoạt động của các nhánh quyền lực nhà nước khác. VKS là cơ quan nhà nước chuyên trách duy nhất thực hiện chức năng này nên tính chuyên nghiệp cao thông qua hệ thống các cơ quan VKS từ trung ương đến địa phương. VKS được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc đặc thù cho phép nó thực hiện chức năng kiểm sát hiệu quả. Đây là lợi thế lớn nhất của VKS trong việc bảo đảm pháp chế thống nhất chống lại mọi biểu hiện của chủ nghĩa cục bộ địa phương và chủ nghĩa bản vị – những biểu hiện của xu hướng thoát ly, đối lập với lợi ích của nhà nước trung ương.

+ VKS không can thiệp trực tiếp vào hoạt động chức năng của cơ quan, tổ chức mà nó kiểm sát tuân theo pháp luật. VKS chỉ xuất phát từ góc độ hợp pháp hay không hợp pháp khi xem xét hoạt động của đối tượng kiểm sát, không can thiệp vào vấn đề hợp lý hay không hợp lý. Chính đây là sự khác biệt cơ bản với các hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra khác. Hoạt động thanh tra, kiểm tra bao hàm cả khả năng những cơ quan thanh tra, kiểm tra bằng quyền lực của mình trực tiếp loại trừ những vi phạm pháp luật được phát hiện. Còn VKS khi phát hiện vi phạm pháp luật thì không trực tiếp loại trừ vi phạm đó mà chỉ có nghĩa vụ đưa vụ việc đến tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền xem xét và giải quyết (ngoại lệ là hoạt động kiểm sát điều tra và kiểm sát giam giữ).

Có tác giả cho rằng sự ra đời của mô hình VKS phụ thuộc vào điều kiện cụ thể về kinh tế, xã hội, lịch sử và văn hóa của nước Nga. Ở quốc gia thường xuyên có xung đột giữa trung ương và địa phương, có xu hướng thoát ly, cục bộ địa phương… thì ở đó VKS là nhân tố cần thiết để hàn gắn nhà nước, hàn gắn chính quyền trung ương. Chúng tôi cho rằng điều kiện lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội cũng là nhân tố quan trọng nhưng bản chất, kiểu nhà nước mới là nhân tố quyết định việc xuất hiện, lựa chọn mô hình VKS ở mỗi quốc gia. Nhà nước kiểu mới – nhà nước dựa trên nền tảng của chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chỉ có thể tồn tại và thực hiện được nhiệm vụ của mình khi mà hệ thống pháp luật bảo vệ nền tảng kinh tế đó được tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh. Chủ sở hữu nhà nước – chủ sở hữu trừu tượng – cần đến một người đại diện cụ thể cho mình thực hiện nhiệm vụ này. Người đó chính là VKS. Pháp chế thống nhất là yêu cầu khách quan, là thuộc tính của nhà nước kiểu mới và mô hình VKS với những nguyên tắc tổ chức hoạt động đặc thù hoàn toàn cho phép khẳng định nó là cơ quan bảo đảm pháp chế thống nhất trong phạm vi cả nước. Thực tế lịch sử cho thấy sự tồn tại của mô hình VKS gắn liền với việc xây dựng nhà nước kiểu mới ở Liên xô, ở Đông Âu và ở Việt Nam. Ở những nhà nước dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất thì ở đó bản thân mỗi một chủ sở hữu là người phải tích cực bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình thực thi pháp luật và không cần đến một người đại diện nào làm thay họ cả vì đó là lợi ích sống còn của họ. Nhà nước chỉ cần đến người đại diện cho mình trong trường hợp có những hành vi vi phạm pháp luật nguy hiểm nhất mà ta gọi là tội phạm đe dọa lợi ích chung của tất cả các chủ sở hữu. Do vậy mô hình VCT là phù hợp với hoạt động chủ yếu là truy cứu trách nhiệm hình sự và thay mặt nhà nước buộc tội tại phiên tòa.

Sau khi Liên xô sụp đổ, mô hình VKS của Lênin đã phải đương đầu với nhiều thách thức có lúc tưởng chừng như không vượt qua được trong điều kiện có nhiều thay đổi diễn ra ở nước Nga. Khi xây dựng Hiến pháp 1993 ở Liên bang Nga đã có tranh luận sôi nổi trên diễn đàn khoa học và trong nghị trường về số phận của VKS. Có hai nhóm quan điểm. Nhóm quan điểm thứ nhất mặc dù thừa nhận pháp chế là giá trị xã hội bất khả xâm phạm, là một trong những nền tảng của chế độ nhà nước và chính vì vậy pháp chế phải được nhà nước bảo vệ, bởi lẽ vi phạm pháp luật, phi pháp chế không chỉ làm suy yếu nền tảng của nhà nước mà còn đe dọa an ninh của đất nước, xâm hại đến hệ thống pháp luật… Nhưng nhóm quan điểm này lại không thừa nhận vai trò của VKS trong bảo vệ pháp chế như là một trong những chức năng cơ bản quan trọng của nhà nước. Theo ý kiến của nhóm này, việc bảo vệ pháp chế trong đó có bảo vệ quyền và tự do của công dân có thể thực hiện thông qua tòa án bằng quyền khởi kiện mà không cần thiết phải có một cơ quan nhà nước chuyên trách như VKS. Cần phải bỏ chức năng kiểm sát tuân theo pháp luật của VKS, chỉ giữ lại chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự và VKS cần phải được sáp nhập vào hệ thống tòa án hoặc hệ thống hành pháp. Chức năng kiểm sát tuân theo pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước (KSC) là tàn dư của thời trung cổ tồn tại trong các nhà nước chuyên chế để thực hiện sự giám sát mọi lúc mọi nơi đối với các tổ chức và công dân. KSC chính là hình ảnh VKS “ôm cái không ôm nổi” hay nói một cách khác là VKS không có khả năng thực tế thực hiện các công việc của KSC. Ở đa số các VKS quận huyện chỉ có một kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ KSC. Hàng năm ở nước Nga khoảng 1 triệu văn bản pháp quy được ban hành, trong khi số lượng kiểm sát viên của ngành kiểm sát chỉ là 50.000 trong đó một nửa là làm việc trong lĩnh vực KSC. Kiểm sát tại chỗ của VKS thường không chuyên nghiệp, kém hiệu quả. Nhóm quan điểm thứ hai đề nghị cần giữ mô hình VKS như là một chế định nhà nước đặc thù, độc đáo riêng có của nước Nga, hoàn thiện mô hình này và tăng cường hơn nữa vai trò của VKS trong điều kiện mới. VKS ra đời trước hết vì yêu cầu bảo đảm sự thống nhất pháp chế trong nhà nước và chức năng kiểm sát tuân theo pháp luật là một định hướng chủ yếu để đáp ứng yêu cầu này. Nếu không giao cho VKS thì đương nhiên chức năng này phải chuyển giao cho một cơ quan nào đó và xuất hiện câu hỏi như vậy có hợp lý không ở một đất nước đã tồn tại chế định VKS hơn 278 năm. Trung bình một năm VKS giải quyết trực tiếp 1 triệu đơn khiếu nại trong đó có 250.000 được giải quyết theo hướng khôi phục các quyền bị vi phạm, 55.000 các văn bản pháp quy trái pháp luật của các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương bị hủy bỏ theo kháng nghị của VKS. Hàng năm VKS đã phát hiện và đưa vào đăng ký 50.000 tội phạm bị cơ quan công an bỏ lọt, 51% án sơ thẩm bị tòa án cấp phúc thẩm hủy hoặc sửa theo kháng nghị của VKS. Chúng ta có thể hình dung việc bảo đảm pháp chế thế nào nếu không có hoạt động kiểm sát của VKS? Xây dựng nhà nước pháp quyền cần phải sử dụng những kinh nghiệm cũ về tổ chức và hoạt động của VKS kết hợp với các điều kiện mới. Xây dựng nhà nước pháp quyền đòi hỏi khách quan mở rộng hoạt động kiểm sát bởi lẽ nó hoàn toàn phù hợp với những nguyên tắc của nhà nước pháp quyền: tính tối thượng của luật và nguyên tắc mọi vi phạm pháp luật do bất kỳ ai gây ra phải được phát hiện và xử lý kịp thời.

Quy định của Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993 về VKS là một sự thỏa hiệp giữa hai quan điểm trên nên có nhiều điểm không rõ ràng. VKS được quy định trong chương “Quyền lực tư pháp” ở Điều 129. Đến năm 1995 Luật Viện kiểm sát được ban hành thì chức năng của nó mới được quy định rõ hơn. Điều 1 Luật này quy định: “Viện kiểm sát Liên bang Nga là một hệ thống cơ quan liên bang tập trung thống nhất nhân danh liên bang thực hiện hoạt động kiểm sát tuân theo pháp luật hiện hành trên phạm vi lãnh thổ của liên bang.”

Về cơ bản mô hình VKS vẫn tồn tại ở nước Nga chứ không có chuyển đổi sang mô hình VCT. Các chức năng kiểm sát của VKS vẫn được duy trì trong các lĩnh vực như kiểm chung, kiểm sát điều tra và kiểm sát hoạt động trinh sát – đặc tình, kiểm sát giam giữ và chấp hành hình phạt, khởi tố vụ án dân dự vì lợi ích của liên bang, lợi ích chung của xã hội hoặc vì lợi ích của công dân khi mà vì lý do chính đáng người đó không thể tự bảo vệ quyền lợi của mình được. Bên cạnh đó mô hình này cũng có những điểm thụt lùi so với mô hình VKS của Lênin. Cụ thể như quy định Viện trưởng VKS của các chủ thể liên bang được Viện trưởng VKS Liên bang Nga bổ nhiệm trên cơ sở thỏa thuận với các chủ thể liên bang. Hoặc quy định VKS không thực hiện kiểm sát hoạt động xét xử của Tòa án. Tại phiên tòa VKS chỉ là một bên tranh tụng bình đẳng với bên bào chữa. Quyền hạn của VKS trong giai đoạn điều tra bị hạn chế hơn và tòa án là người quyết định phê chuẩn lệnh tạm giam, khám xét.

Các nước cộng hòa trong Liên xô cũ sau khi giành được độc lập đã phải bắt tay vào việc xây dựng những cơ sở mới cho hệ thống pháp luật của mình. Điều thấy rõ nhất trong quá trình hình thành hệ thống và các chế định pháp luật của những nước này là xu thế tránh xa nước Nga và trước hết là tránh xa những gì có thể gợi nhớ đến mô hình hệ thống pháp luật Xô viết. Trong bối cảnh như vậy việc tìm kiếm cho mình mô hình riêng về VKS của những nước này thường dựa trên các lý thuyết và truyền thống pháp lý của phương Tây. Nhưng thực tiễn cho thấy kết quả không hoan toàn như vậy. Một số nước đã chuyển sang mô hình VCT: bỏ chức năng KSC, VKS là cơ quan truy cứu trách nhiệm hình sự và chỉ có một số thẩm quyền kiểm sát đặc biệt liên quan đến chức năng này như kiểm sát trong hoạt động điều tra, giam giữ, chấp hành hình phạt. Hiến pháp Adecbaidan quy định VKS trực thuộc hệ thống tòa án, trở lại thời điểm của năm 1918. Một số nước vẫn giữ mô hình VKS là cơ quan thực hiện chức năng kiểm sát bảo đảm pháp chế thống nhất trong phạm vi cả nước nhưng có một số thay đổi về tổ chức. Hiến pháp nước CH Bê-la-rút, Ác-mê-ni-a, Ca-dắc-xtan ghi nhận VKS là cơ quan nhân danh nước cộng hòa thực hiện kiểm sát tuân theo luật và các văn bản pháp luật khác trong phạm vi cả nước. Hiện nay theo các hiến pháp và luật về VKS thì VKS trong các nước cộng hòa cũ có các quyền hạn sau đây:

+ Khởi đầu việc truy cứu trách nhiệm hình sự bằng quyền khởi tố bị can và truy tố bị cáo ra trước tòa án. Quyền hạn này là thống nhất với tất cả VKS các nước.

+ Trực tiếp tiến hành điều tra sơ bộ. Quyền hạn này được thừa nhận cho VKS của nhiều nước như A-déc-bai-dan, Bê-la-rút, Gru-di-a, Kiếc-ghi-xtan. Môn-đa-via, Tát-ghi-ki-xtan, U-dơ-be-ki-xtan.

+ Kiểm sát tuân thủ pháp luật trong giai đoạn điều tra và trong hoạt động trinh sát – đặc tình.

+ Chỉ đạo tố tụng đối với hoạt động điều tra.

+ Tham gia vào TTDS và những hình thức tố tụng khác như trọng tài, phá sản để bảo vệ lợi ích của nhà nước và xã hội, lợi ích của công dân.

+ Kiểm sát tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử vụ án hình sự.

+ Kiểm sát tuân theo pháp luật tại nơi chấp hành hình phạt.

+ Kiểm sát tuân theo pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước hay còn gọi là KSC (Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Kiếc-ghi-xtan, Tát-ghi-gít-xtan, Tuốc-mê-nít-xtan, U-dơ-bê-ki-xtan và U-craivna).

+ Phối hợp hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong đấu tranh chống tội phạm.

Mặc dù bị chỉ trích nhiều nhưng đa số các nước cộng hòa của Liên xô cũ vẫn tiếp thu cốt lõi của mô hình VKS Xô viết. Điều này cho thấy sự nhất trí về quan điểm cần duy trì bảo tồn và củng cố mô hình VKS truyền thống, mạnh, hiệu quả và đa chức năng trong điều kiện mới.

Hiện nay tương lai của VKS ở Liên bang Nga vẫn còn là đề tài tranh luận trong giới nghiên cứu. Có 4 nhóm quan điểm khác nhau về vấn đề này.

- Nhóm quan điểm thứ nhất: VKS là chế định trực thuộc nhánh quyền lực lập pháp và nhân danh quyền lực lập pháp thực hiện chức năng giám sát tuân thủ pháp luật trong phạm vi được cơ quan quyền lực cao nhất ủy quyền và chịu sự giám sát của cơ quan đó. Hoạt động kiểm sát như là sự nối dài tự nhiên của quyền lực lập pháp nhằm bảo đảm tính tối thượng của các đạo luật trong nhà nước.

- Nhóm quan điểm thứ hai: VKS trực thuộc nhánh quyền lực tòa án với tư cách là cơ quan thực hiện nhiệm vụ truy cứu trách nhiệm hình sự, nhân danh nhà nước buộc tội trước tòa án.

- Nhóm quan điểm thứ ba: VKS chỉ nên giới hạn bởi chức năng của hành pháp và trực thuộc Bộ Tư pháp. VKS là chỗ dựa đáng tin cậy của Tổng thống.

- Nhóm quan điểm thứ tư: VKS là một quyền lực nhà nước độc lập không trực thuộc nhánh quyền lực nào trong số ba nhánh quyền lực truyền thống và quyền lực kiểm sát có khả năng tác động đến sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực, có nhiệm vụ bảo đảm cân bằng việc tuân theo pháp luật của các nhánh quyền lực đó. Ba nhánh quyền lực chủ yếu cần được bổ sung các công cụ kiểm tra và kìm chế lẫn nhau. Trong điều kiện của nước Nga VKS có thể đóng vai trò này vì nó là cơ quan có nghĩa vụ phát hiện và loại trừ các vi phạm pháp luật do bất kỳ ai gây ra. Quyền lực kiểm sát là sản phẩm của phân chia quyền lực, có đủ các dấu hiệu của quyền lực nhà nước như các nhánh quyền lực khác, có hình thức hoạt động cụ thể.

Tác giả M.M. Mikhenco – giáo sư Trường Tổng hợp Quốc gia Kiép đề nghị thành lập hai hệ thống VKS. Hệ thống KSC trực thuộc Quốc hội (nghị viện) thực hiện chức năng giám sát hoạt động của quyền lực hành pháp và hệ thống kiểm sát tư pháp (kiểm sát hoạt động xét xử của tòa án) do Bộ trưởng Bộ Tư pháp đứng đầu. VKS này sẽ tiến hành việc truy cứu trách nhiệm hình sự, buộc tội trước tòa án, kiểm sát tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra, giam giữ.

Sự đa dạng trong quan điểm về VKS có thể giải thích bởi nhiều lý do nhưng trong đó có lý do lịch sử: VCT trước 1917 ở Nga đã có những thay đổi từ thái cực này sang thái cực khác, từ cơ quan có chức năng giám sát tuân theo pháp luật đến cơ quan trực thuộc tòa án và chỉ đơn thuần có quyền khởi tố vụ án, buộc tội trước tòa.

3. VCT – VKS – VCT ở Việt Nam: Phủ định của phủ định? Sự phát triển hay vòng tròn luẩn quẩn?

Mô hình VCT đã từng tồn tại ở Việt Nam do người Pháp du nhập vào sau khi xâm chiếm Việt Nam làm thuộc địa. Mô hình đó đã tiếp tục tồn tại sau Cách mạng Tháng Tám 1945, mặc dù hệ thống pháp luật và bộ máy nhà nước của chế độ thực dân – phong kiến bị xóa bỏ, thay vào đó là bộ máy của nhà nước kiểu mới. Do hoàn cảnh lịch sử của nước ta lúc đó Hiến pháp 1946 chỉ đề cập đến tổ chức tòa án. Trong cơ cấu của tòa án có các công tố viên làm nhiệm vụ buộc tội nhân danh nhà nước trước phiên tòa trong các vụ án hình sự. Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, năm 1958 VCT Trung ương được thành lập trên cơ sở tách các công tố viên ra khỏi tòa án, đánh dấu bước khởi đầu trong việc hình thành một hệ thống cơ quan nhà nước độc lập với tòa án nhưng VCT Trung ương vẫn trực thuộc Chính phủ. Hoạt động chủ yếu của VCT vẫn là hoạt động công tố trước tòa án nhưng đã bao hàm một số yếu tố của hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật như kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử và kiểm sát giam giữ cải tạo. Nhưng chỉ chưa đầy hai năm sau mô hình VCT đã chấm dứt tồn tại. Vào thời điểm năm 1959-1960 cách mạng nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới – giai đoạn xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật cho CNXH ở miền Bắc làm hậu thuẫn cho đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. “Nhu cầu của cuộc cách mạng XHCN đòi hỏi pháp luật phải được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, đòi hỏi một sự nhất trí về mục đích và hành động trong nhân dân, giữa nhân dân và nhà nước cũng như giữa các ngành hoạt động nhà nước với nhau. Nếu không đạt được sự thống nhất trong việc chấp hành pháp luật thì sự nghiệp xây dựng CNXH sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì lẽ trên phải tổ chức ra Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát việc tuân theo pháp luật nhằm giữ vững pháp chế XHCN, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”. Như vậy sự ra đời của mô hình VKS thay thế cho mô hình VCT ở nước ta gắn liền với yêu cầu của nhiệm vụ bảo đảm pháp chế thống nhất – điều kiện nền tảng cho việc xây dựng nhà nước kiểu mới. Yêu cầu này càng có tính khách quan nếu xuất phát từ những đặc điểm lịch sử của đất nước vào thời điểm đó: nền kinh tế lạc hậu, sản xuất nhỏ là phổ biến, tâm lý dân tộc chịu ảnh hưởng nặng nề của quá khứ hàng nghìn năm phong kiến đầy rẫy những thiên kiến về pháp luật. Trước hết phải kể đến sự ảnh hưởng của Nho giáo đề cao đức trị thay cho pháp trị. Trong xã hội phong kiến Việt Nam với cơ cấu làng xã cổ truyền luật pháp của nhà nước trung ương luôn bị đặt dưới hương ước làng xã vì luật pháp phong kiến chỉ điều chỉnh những lĩnh vực trực tiếp liên quan đến lợi ích sống còn của nhà vua và hoàng tộc, trong khi đó hương ước của làng xã do cộng đồng dân cư tự đặt ra giải quyết hầu hết những vấn đề thiết thực liên quan đến đời sống của mỗi người dân, mỗi gia đình nên được người dân quan tâm và tự nguyên chấp hành. Thực trạng đó hình thành thói quen coi thường luật pháp của nhà nước, tùy tiện trong chấp hành luật pháp. Có quan điểm còn cho rằng để chống lại chính sách đồng hóa của chính quyền đô hộ trong thời kỳ một nghìn năm Bắc thuộc khắc nghiệt, bên cạnh truyền thống anh dũng quật cường đã hình thành một truyền thống khác của dân tộc ta: truyền thống coi tục (lệ làng) là luật, coi luật pháp của nhà nước là cái đối lập với mình. Điều đó tạo nên trong người Việt một lối sống không theo pháp luật – lối sống đã giúp người Việt giữ gìn bản sắc dân tộc.

Hiến pháp 1959 là Hiến pháp lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến ở nước ta đã ghi nhận sự ra đời của một loại hình cơ quan nhà nước mới trong bộ máy nhà nước. Đó là hệ thống cơ quan VKS. Sự ra đời của VKS và các quy định của Hiến pháp về VKS đã cho thấy vị trí quan trọng của nó trong đời sống nhà nước. Hiến pháp quy định chức năng và phạm vi hoạt động của VKS: thực hiện kiểm sát tuân theo pháp luật trong phạm vi cả nước (Điều 105). Bối cảnh lịch sử ra đời của VKS đã cho thấy việc lựa chọn mô hình VKS ở nước ta là sự lựa chọn có cân nhắc, có ý thức chứ không phải sự sao chép máy móc kinh nghiệm của nước ngoài. Chỉ có VKS mới có khả năng thực hiện chức năng bảo đảm pháp chế thống nhất, bảo đảm tuân thủ pháp luật nghiêm chỉnh trong phạm vi cả nước nhờ có các nguyên tắc tổ chức và hoạt động đặc thù của nó.

Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 dành hẳn một điều ghi nhận nguyên tắc “nhà nước quản lý xã hội theo pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế XHCN”. Các Hiến pháp này có một số bổ sung nhỏ về tổ chức, hoạt động của VKS như quy định Viện trưởng VKS các cấp phải báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân địa phương về tình hình thực thi pháp luật ở địa phương và trả lời chất vấn, quy định về Ủy ban Kiểm sát có quyền hạn lớn hơn Viện trưởng. Theo đánh giá của chúng tôi thì những quy định này là bước thụt lùi so với mô hình VKS của Lênin. Mặc dù vậy các Hiến pháp này vẫn giữ nguyên chức năng nhà nước của VKS và vẫn được khẳng định VKS là cơ quan “bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”.

Có thể nói VKS theo mô hình Hiến pháp 1959, 1980, 1992 là chỗ dựa cần thiết, quan trọng và hiệu quả nhất cho Quốc hội trong hoạt động giám sát tuân thủ Hiến pháp, luật của Quốc hội so với bất kỳ cơ quan nhà nước nào. Cụ thể:

+ Quốc hội thường kỳ nhận được những thông tin đầy đủ nhất, toàn diện nhất về tình hình pháp chế trong cả nước thông qua báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC trước Quốc hội, từ tình hình tội phạm cho đến tình hình pháp chế trong các lĩnh vực quản lý nhà nước và lĩnh vực hoạt động tư pháp.

+ Quốc hội có thể có những giải pháp kịp thời, đồng bộ, mạnh mẽ nhằm tăng cường pháp chế trong một lĩnh vực cụ thể nào đó thông qua hoạt động của VKS với các ưu thế của nó. Hãy lấy thí dụ từ thực tiễn. Vào đầu những năm 1990 để ngăn chặn tình hình vi phạm Luật Đất đai lúc này đã trở nên nghiêm trọng Quốc hội đã ra nghị quyết giao cho ngành kiểm sát triển khai kiểm sát việc chấp hành Luật Đất đai trong phạm vi cả nước. Đây là lĩnh vực phức tạp vì thường gắn liền với các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Dưới sự chỉ đạo của VKSNDTC các VKSND các cấp trong cả nước (trên 500 quận huyện và 61 tỉnh thành) đồng loạt tiến hành kiểm sát việc chấp hành Luật Đất đai và đã phát hiện nhiều vi phạm từ việc ban hành văn bản trái pháp luật đến các hành vi chuyển nhượng, lấn chiếm trái phép. Các biện pháp của VKS như kháng nghị yêu cầu hủy bỏ các quyết định cấp đất trái pháp luật, kiến nghị khắc phục sửa chữa vi phạm, thu hồi đất đến quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với các vi phạm Luật Đất đai nghiêm trọng… đã góp phần tạo chuyển biến đáng kể trong việc lập lại kỷ cương pháp luật trong lĩnh vực đất đai.

+ Quốc hội cũng có thể thấy được những hạn chế trong hoạt động lập pháp của mình thông qua hoạt động kiểm sát tuân theo pháp luật của VKS vì không có hoạt động nào có thể có những thông tin đầy đủ, phong phú về vấn đề này bằng hoạt động kiểm sát.

Như đã nói ở trên trong công cuộc đổi mới ở nước ta đã xuất hiện nhiều ý kiến đề nghị xem xét lại chức năng của VKS khi xây dựng Hiến pháp 1992. Lập luận chủ yếu của những ý kiến này là sự chồng chéo chức năng giữa VKS và cơ quan thanh tra. Những ý kiến này đề nghị VKS chỉ thực hiện chức năng công tố và đổi VKS thành VCT. Quốc hội lúc đó đã không chấp nhận và Hiến pháp 1992 vẫn giữ nguyên mô hình VKS trong bộ máy nhà nước.

Hiến pháp 1992 sửa đổi đã thu hẹp phạm vi hoạt động của VKS chỉ còn “thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp”. Đương nhiên sự thay đổi này đã kéo theo sự giảm sút về vai trò của VKS trong Nhà nước. Từ chỗ được Hiến pháp nhìn nhận như là nhân tố chính “bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất “ thì bây giờ hoạt động của VKS chỉ là nhân tố “góp phần” cho quá trình đó mà thôi. VKS theo Hiến pháp 1992 sửa đổi đã tiến gần đến mô hình VCT vì hoạt động đặc trưng nhất của nó là kiểm sát tuân theo pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước không còn nữa. Sự khác biệt giữa mô hình VKS và VCT đã bị thu hẹp đáng kể.

Nếu nhìn xuyên suốt qua các sự kiện trên thì có thể thấy rõ xu hướng thu hẹp, điều chỉnh dần dần chức năng của VKS rồi đến thay thế mô hình VKS bằng mô hình VCT. Nếu điều này thực sự xảy ra thì quy luật phủ định của phủ định đã được áp dụng với VKS. VKS đã phủ định VCT và đến lượt mình giờ đây nó lại bị VCT phủ định. Nếu nhìn sự kiện ở góc độ như một quá trình thì đầu tiên là VCT (từ 1945-1959), tiếp theo là VKS (từ 1959 đến nay) và 2020 sẽ là VCT. Như vậy, sau 60 năm chúng ta lại sẽ trở lại điểm xuất phát ban đầu của mình là VCT. Vậy đây thực sự là bước phát triển – quay lại điểm xuất phát ban đầu nhưng ở tầm cao hơn như đường xoáy trôn ốc hay là vòng tròn luẩn quẩn? Câu trả lời ở đây sẽ tùy thuộc vào chỗ: VCT mà chúng ta đang tiến đến có gì khác so với VCT đã từng tồn tại ở nước ta trước 1960?

Toàn bộ quá trình thay đổi và xu hướng đang diễn ra ở nước ta liên quan đến VKS đang đặt ra một số vấn đề sau đây:

1. So sánh VCT và VKS một cách khách quan thì khó có thể nói là mô hình nào tối ưu hơn mô hình nào. Mỗi mô hình đều có những mặt tích cực và hạn chế của nó. Không có mô hình nào là lý tưởng. Việc hình thành, lựa chọn mô hình này hay mô hình khác ở mỗi quốc gia là kết quả của quá trình phát triển lịch sử lâu dài, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, điều kiện lịch sử khác nhau. Nhưng ở khía cạnh lý luận khó có thể phủ nhận mô hình VKS là mô hình thích hợp hơn với các quốc gia đặt mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền. Hoạt động của VKS chính là công cụ thực hiện tư tưởng nhà nước pháp quyền, khẳng định nguyên tắc thượng tôn pháp luật, là người bảo vệ pháp luật quan trọng nhất của quốc gia. Hiến pháp 1992 sửa đổi xác định mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta. Do vậy điều quan trọng nhất là chúng ta phải đưa ra được những lập luận để lý giải rằng VCT mới đích thực là cái mà chúng ta cần trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền chứ không phải là VKS? Những lập luận như vậy chưa có.

2. Quan điểm cho rằng hoạt động của VKS hoàn toàn trở nên thừa không cần thiết khi pháp luật đã thừa nhận quyền của công dân, tổ chức khởi kiện tại tòa án khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm là không thuyết phục. Cần thấy rằng trong xã hội dân chủ thì cần có nhiều kênh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể quan hệ pháp luật. Hình thức bảo vệ bằng tòa án không loại trừ khả năng của VKS trong lĩnh vực này. Hơn nữa trong nhiều trường hợp vi phạm pháp luật có liên quan đến lợi ích chung của xã hội, của số đông thì lúc này vai trò của cá nhân rất hạn chế và thụ động. Việc khởi kiện của cá nhân để bảo vệ lợi ích chung, trong đó có lợi ích của chính mình là điều khó khăn ở nhiều phương diện như khó khăn về tâm lý, thu thập chứng cứ, tài chính khi thưa kiện… Thí dụ như vụ nhập khẩu xăng pha acetone bán cho người tiêu dùng ở các tỉnh phía Nam vừa qua. Mỗi năm người tiêu dùng phía Nam bị móc túi 540 tỷ đồng do các hành vi gian lận thương mại của các cây xăng. Trong khi đó một trong những công ty nhập khẩu xăng dầu lớn là Petrolimex mới chỉ bồi thường tổng cộng có 14 trường hợp với tổng số tiền khoảng 14 triệu đồng[2]. Công dân có thể vì nhiều lý do khác nhau không thể tự bảo vệ bằng cách khởi kiện ra tòa án được nhưng nhờ sự can thiệp của VKS mà vi phạm pháp luật được ngăn chặn, quyền hợp pháp được khôi phục. Cần phát triển hoạt động của VKS như một hình thức bảo vệ quyền công dân hiệu quả chứ không phải phủ nhận nó.

3. Thu hẹp phạm vi hoạt động kiểm sát tuân theo pháp luật hoặc thậm chí là chuyển đổi mô hình VKS sang mô hình VCT trong điều kiện hiện nay là một quyết định chưa thực sự thuyết phục ở góc độ phương pháp luận. Trước yêu cầu đổi mới toàn diện đất nước chúng ta có hai lựa chọn đối với VKS: Hoặc là thu hẹp chức năng và tiến tới là chuyển đổi VKS thành VCT hoặc là phải đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động của VKS cho phù hợp với những thay đổi trong xã hội, trong nền kinh tế. Thực tế cho thấy dường như chúng ta chỉ đơn giản lựa chọn phương án thứ nhất mà không hề quan tâm đến phương án thứ hai. Liệu như vậy có biện chứng hay không?

Điều mà chúng ta không thể bỏ qua được là dù có những thay đổi gì đi nữa thì Nhà nước của chúng ta vẫn là nhà nước kiểu mới với những nguyên tắc tổ chức quyền lực khác với các nhà nước phương Tây. Lịch sử thế giới và lịch sử của chính nước ta cho thấy mô hình VKS luôn gắn liền với nhà nước kiểu mới này.

4. Khi chúng ta thu hẹp chức năng hay chuyển đổi VKS thành VCT thì liệu điều tốt đẹp gì sẽ xảy ra? Những chức năng mà VKS xưa nay đã và đang làm do nhu cầu của xã hội thì bây giờ được chuyển giao cho ai? Hoặc là xã hội, nhà nước không còn nhu cầu về pháp chế thống nhất hoặc là nhu cầu đó vẫn tồn tại khách quan thậm chí còn yêu cầu găy gắt hơn nhưng ai sẽ thay thế VKS để thực hiện và liệu thực hiện có tốt hơn VKS hay không? Những vấn đề như vậy chưa có câu trả lời trong Chiến lược Cải cách tư pháp. Nhưng thực tiễn thì đã trả lời phần nào. Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2001) bỏ chức năng KSC của VKS đã thực sự tạo ra khoảng trống pháp luật vì không một cơ quan nhà nước nào được chỉ định thay thế chức năng này của VKS. Và nếu có một cơ quan nào đó được Hiến pháp chỉ định thì về lý thuyết cũng khó có thể thay thế được VKS. Các đại biểu Quốc hội chuyên trách không thể thay thế cho cả hệ thống cơ quan VKSND trong hơn 600 quận huyện và 64 tỉnh thành trong hoạt động giám sát tính hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật. Các cơ quan tư pháp địa phương cũng không có khả năng đó. Trước kia chỉ tính riêng VKS thành phố Hải phòng một năm đã nghiên cứu 577 văn bản phát hiện 66 văn bản vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực phí và lệ phí, xử phạt hành chính đồng thời phát hiện 1002/2432 quyết định hành chính có vi phạm về thẩm quyền, căn cứ áp dụng.[3] Trong thời gian qua việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ và các địa phương hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của Nhà nước. Có 33 địa phương tự ý ban hành các quy định bổ sung về ưu đãi đầu tư trái với Luật Đầu tư nước ngoài vì muốn thu hút đầu tư nước ngoài về địa phương mình. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 80 về xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và yêu cầu các Bộ kê khai. Có 18 đơn vị trực thuộc trung ương không kê khai. Đã phát hiện khoảng 3 triệu m2 nhà đất sử dụng sai công năng. Mặc dù Quốc hội đã có Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, Chính phủ có định mức tiêu chuẩn cụ thể triển khai từ nhiều năm, vậy mà năm 2002 vẫn còn 13/33 bộ, ngành, 41/61 tỉnh thành chi mua ô tô vượt chuẩn định mức 33,8 tỷ đồng. Đây chính là những biểu hiện cục bộ địa phương, bản vị, thoát ly nhà nước trung ương. Trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính cũng vậy. Vì không có sự tham gia của VKS trong lĩnh vực này nên sự tùy tiện và lạm dụng quyền hạn của các cơ quan nhà nước trở nên khó kiểm soát là điều tất yếu. Kết quả của việc thu hẹp chức năng của VKS là gì? Đó là việc Nhà nước mất đi một chỗ dựa quan trọng bảo vệ pháp chế, bảo đảm trật tự kỷ cương pháp luật và người dân đã mất đi một lá chắn bảo vệ quyền, tự do của mình.

5. Trong điều kiện hiện nay khi đấu tranh chống tham nhũng là “quyết tâm chính trị của Đảng ta nhằm xây dựng một bộ máy lãnh đạo và quản lý trong sạch, vững mạnh, khắc phục một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta”[4] thì việc duy trì và đổi mới họat động mô hình VKS là hoàn toàn phù hợp chứ không phải là mô hình VCT. VCT không phải là mô hình thích ứng cho đấu tranh chống tội phạm nói chung và tham nhũng nói riêng. Mô hình VKS có nhiều ưu thế hơn hẳn VCT trong lĩnh vực này vì hai lý do sau đây:

Thứ nhất là VKS có nhiều khả năng phòng ngừa, răn đe và chủ động trong đấu tranh chống tội phạm. Khi chúng ta bỏ hoạt động KSC và sắp tới là chuyển VKS thành VCT với mong muốn để VKS (hay VCT) tập trung vào hoạt động công tố nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tội phạm thì liệu điều đó có xảy ra hay không? Về lý thuyết là không. Hoạt động của VKS trong các lĩnh vực khác nhau có mối quan hệ hữu cơ với nhau như một thể thống nhất, hoạt động này hỗ trợ cho hoạt động kia và ngược lại. Hoạt động quản lý kinh tế – hành chính là lĩnh vực diễn ra nhiều vi phạm pháp luật nhất. Trong năm 2002 chỉ mới kiểm tra ở một số địa bàn trọng điểm về quản lý sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng cơ bản đã phát hiện 175.034 trường hợp vi phạm với số diện tích sang nhượng trái pháp luật là 136.862 ha. Các vi phạm quản lý kinh tế đã làm thất thoát 2.739 tỷ đồng và 12.512 ha đất. Hoạt động KSC – kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước về kinh tế – hành chính có tính phòng ngừa, ngăn chặn, răn đe tội phạm rất cao và có mối quan hệ trực tiếp đến hiệu quả đấu tranh chống tội phạm vì khả năng phát hiện tội phạm rất lớn. Thực tiễn những năm qua cho thấy mối quan hệ gần gũi giữa vi phạm hành chính và tội phạm. Lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính luôn là chỗ “ẩn náu an toàn” cho các hành vi có dấu hiệu tội phạm. Dưới vỏ bọc “xử lý nội bộ”, “xử lý hành chính” người ta dễ dàng chạy tội, vô hiệu hóa nguyên tắc không tránh khỏi hình phạt của Bộ luật Hình sự. Kết quả hoạt động kiểm sát trong lĩnh vực quản lý nhà nước về kinh tế và hành chính là một kênh thông tin vô cùng quan trọng cho VKS quyết định khởi tố vụ án, truy cứu trách nhiệm hình sự của những người phạm tội, ngăn chặn hậu quả của tội phạm một cách kịp thời. Bây giờ kênh thông tin quan trọng này cho phép VKS chủ động trong đấu tranh chống tội phạm không còn nữa và VKS (hay VCT) chỉ còn cách thụ động ngồi chờ tin báo, tố giác tội phạm do công dân, tổ chức gửi đến. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện Luật phòng chống tham nhũng năm 2006 trong số 28 bộ, ngành và 58 tỉnh thì chỉ có 6 Bộ ngành và 18 tỉnh báo cáo có phát hiện vụ việc tham nhũng ở đơn vị, 22 bộ ngành và 40 tỉnh còn lại báo cáo không phát hiện vụ việc tham nhũng ở đơn vị mình.

Thứ hai là các nguyên tắc tổ chức và hoạt động đặc thù của VKS đã tạo cho VKS những lợi thế hơn hẳn bất kỳ cơ quan nhà nước nào trong đấu tranh chống tham nhũng. Tham nhũng thường gắn liền với sự lạm dụng quyền hạn, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của luật trong hoạt động của hành pháp và tư pháp vì động cơ trục lợi. Nếu theo mô hình VCT thì cơ quan này hoặc trực thuộc hành pháp hoặc trực thuộc tư pháp thì tính phụ thuộc của nó vào một trong hai nhánh quyền lực này sẽ hạn chế hiệu quả phát hiện, truy tố các vụ án tham nhũng. Với mô hình VKS thì ngược lại. VKS là một hệ thống cơ quan nhà nước độc lập với các cơ quan hành pháp, tư pháp. Các VKS cấp dưới trong hoạt động của mình chỉ chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng VKS cấp trên và của Viện trưởng VKSNDTC, không phụ thuộc vào bất kỳ cơ quan nhà nước địa phương nào. Viện trưởng VKSNDTC do Quốc hội bầu, chỉ chịu trách nhiệm và báo cáo hoạt động của mình trước Quốc hội.

Hai lý do này cho phép kết luận là nếu chúng ta thực sự muốn đấu tranh chống tham nhũng hiệu quả thì lựa chọn duy nhất đúng là mô hình VKS chứ không phải là mô hình VCT.

4. Kết luận

Hội thảo “VCT ở châu Âu trong thế kỷ 21” đã kết luận: nếu chỉ có lĩnh vực hình sự thì quá hạn chế do vậy nên nhìn nhận vai trò của VCT trong lĩnh vực pháp luật dân sự, thương mại và xã hội. Hơn nữa, với mục đích bảo đảm sự phản ứng hiệu quả trước hiện tượng tội phạm cần nghiên cứu khả năng hoạt động của VCT trong lĩnh vực thuế, tài chính, hành chính và các lĩnh vực khác…”. Có thể thấy sự trái ngược về tư duy ở đây giữa ta và “tây”. Ở “tây” người ta đang muốn mở rộng phạm vi hoạt động của VCT vượt ra ngoài phạm vi truyền thống của nó là TTHS tức là đã nhìn thấy những hạn chế của chính mô hình VCT và ưu việt của mô hình Viện kiểm sát. Còn ở ta thì lại đang muốn thu hẹp phạm vi hoạt động rộng lớn của VKS và chuyển đổi mô hình VKS sang mô hình VCT.

Cố phó chủ tịch Quốc hội là Phùng Văn Tửu đã nhận định về vai trò của VKS trong công cuộc bảo vệ pháp chế thống nhất như sau: “Nếu xét về thực tế cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước, chống tiêu cực trong xã hội nhất là trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh những năm vừa qua thì rõ ràng là ngành kiểm sát đã có những đóng góp tích cực, góp phần phát hiện một số vụ nghiêm trọng làm thất thoát tiền bạc, vật tư tài sản của Nhà nước… Cùng đấu tranh để lập cho được kỷ cương trong quản lý nhà nước, nhất là trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh còn diễn biến rất gay go, quyết liệt. Kinh nghiệm từ chục năm nay cho thấy cuộc đấu tranh này rất khó khăn phức tạp vì không phải đơn thuần chống bọn tội phạm hình sự ngoài xã hội mà là cuộc đấu tranh làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nâng cao sức chiến đấu của Đảng, tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước. Vậy lẽ nào trong cuộc đấu tranh gay go quyết liệt, khó khăn phức tạp này chúng ta lại tự xóa đi một trong những công cụ đấu tranh đã được thử thách và đã từng thu được những kết quả hiển nhiên”.[5]

[1] Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp ở nước ta” do tiểu ban Xây dựng Đề án Cải cách tư pháp soạn thảo ngày 12/3/1997.

[2] Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh ngày 11/10/2006 và Báo Doanh nghiệp ngày 26/11/2006.

[3] Báo Diễn đàn doanh nghiệp ngày 01/3/2001.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2006.

[5] Phùng Văn Tửu, Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước và Pháp luật của dân, do dân và vì dân ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1999.

TẠP CHÍ KHPL SỐ 2(39)/2007

NGƯỜI BỊ HẠI TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

LÊ TIẾN CHÂU*

*ThS. luật học, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng nói chung và người bị hại nói riêng là một trong những nội dung quan trọng trong định hướng cải cách tư pháp và hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng hình sự (TTHS) ở nước ta hiện nay. Bởi lẽ người bị hại là người mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm hại nặng nề nhất, là người chịu thiệt thòi nhiều nhất trong số những người tham gia tố tụng. Vì vậy, người bị hại cần phải được bảo vệ kịp thời, thậm chí ngay khi họ bị đe dọa gây thiệt hại. Một trong những công cụ pháp lý quan trọng để bảo vệ người bị hại đó là pháp luật TTHS. Thực tế cho thấy, vì nhiều lý do khác nhau mà quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại chưa được bảo vệ tốt và kịp thời; trong quá trình giải quyết vụ án hình sự dường như cơ quan có thẩm quyền chưa xem người bị hại như một bên của quá trình tố tụng để có sự quan tâm cần thiết. Thực tế trên đây bắt nguồn từ vấn đề nhận thức thế nào là người bị hại, phạm vi người bị hại, người bị hại xuất hiện từ thời điểm nào? Họ cần được bảo vệ như thế nào, quy định pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng đối với người bị hại ra sao… vẫn chưa có sự nhận thức và hành động thống nhất, dẫn đến nhiều quy định pháp luật đặc biệt là pháp luật TTHS đang còn bỏ ngỏ hoặc có quy định nhưng chưa đủ những phương tiện cần thiết để bảo vệ cho người bị hại. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi sẽ đề cập đến các khía cạnh nêu trên của vấn đề người bị hại.

1. Về khái niệm người bị hại

Pháp luật TTHS của các nước không có sự thống nhất trong việc sử dụng thuật ngữ người bị hại. Chẳng hạn luật TTHS của Cộng hòa Pháp, Liên bang Nga hay Việt nam dùng thuật ngữ “người bị hại”, trong khi đó luật TTHS Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thì dùng thuật ngữ “người tố cáo”. Ngoài ra người bị hại còn được gọi là “người bị thiệt hại”, hay gọi là “nạn nhân”, hay “dân sự nguyên cáo”. Chúng tôi cho rằng sử dụng thuật ngữ như thế nào phải thể hiện được bản chất, nội dung, các điều kiện và sự chặt chẽ của thuật ngữ, vì vậy theo chúng tôi sử dụng thuật ngữ người bị hại là phù hợp hơn cả. Vấn đề đặt ra là thế nào là người bị hại?

Người bị hại là một khái niệm quen thuộc trong khoa học pháp lý về TTHS, dường như không cần phải luận bàn. Tuy nhiên thế nào là người bị hại, phạm vi người bị hại…thì cho đến nay vẫn chưa có sự nhận thức thống nhất, các ý kiến còn khác nhau. Để có sự nhận thức đầy đủ và thống nhất về khái niệm người bị hại theo chúng tôi cần tiếp cận khái niệm này dưới những góc độ khác nhau:

- Dưới góc độ ngôn ngữ có thể hiểu người bị hại là con người cụ thể trong xã hội, chịu sự tác động tiêu cực của sự việc, hành vi hoặc bất kỳ sự tác động nào khác khác dẫn đến những thiệt thòi, mất mát hay tổn thương cho chính họ. Tất nhiên sự tác động đó là trái với ý muốn của người bị hại và họ tiếp nhận một cách thụ động. Thiệt hại gây ra cho người bị hại có thể là thiệt hại về vật chất hoặc phi vật chất và không cần phải giới hạn mức độ thiệt hại.

- Dưới góc độ ngôn ngữ pháp lý thì người bị hại là “người bị thiệt hại về thể chất, về tinh thần hoặc về tài sản do tội phạm gây ra. Người bị hại chỉ có thể là thể nhân bị người phạm tội làm thiệt hại về thể chất, về tinh thần hoặc về tài sản chứ không thể là pháp nhân”.[1]

- Dưới góc độ pháp luật thực định: Điều 51 Bộ luật TTHS Việt Nam quy định: “Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra”. Pháp luật một số nước cũng có quy định tương tự. Chẳng hạn, Điều 53 Bộ luật TTHS Liên bang Nga quy định: “Người bị hại là người bị tội phạm gây thiệt hại về tinh thần, thể chất hoặc tài sản. Người tiến hành điều tra, dự thẩm viên, thẩm phán, tòa án ra quyết định công nhận là người bị hại”. Còn khoản 1 Điều 43 Bộ luật TTHS của Tiệp khắc trước đây quy định: “Người bị hại là người bị tội phạm gây thiệt hại về sức khỏe hoặc tài sản, tinh thần hoặc những thiệt hại khác”. Bộ luật TTHS Rumani cũng có quy định tương tự. Điều đó cho thấy pháp luật các nước có sự thống nhất trong định nghĩa người bị hại: Người bị hại là con người cụ thể; thiệt hại gây ra đó là tinh thần, thể chất, tài sản hoặc những thiệt hại khác; những thiệt hại đó do tội phạm gây ra. Tuy nhiên những quy định trên chưa làm rõ những vấn đề quan trọng như: thiệt hại do tội phạm gây ra có bao hàm những thiệt hại gián tiếp? Thiệt hại đó có mối liên hệ nhân quả với hành vi phạm tội? Thiệt hại đó có phải do bất kỳ tội phạm nào gây ra? Và có xem là người bị hại không trong trường hợp hành vi phạm tội chưa gây thiệt hại gì cho người đó? Về vấn đề này có ý kiến cho rằng: trong trường hợp phạm tội chưa đạt, tức là chưa gây thiệt hại gì thì không thể công nhận một cá nhân, tổ chức là người bị hại.[2] Trong khi đó ý kiến khác lại cho rằng không chỉ khi tội phạm đã hoàn thành, mà cả trong trường hợp phạm tội chưa đạt, khi chưa gây ra thiệt hại gì do những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của kẻ phạm tội, người có nguy cơ bị xâm hại cũng được gọi là người bị hại.[3]

Về vấn đề này chúng tôi cho rằng cần căn cứ vào các loại cấu thành tội phạm cũng như tính chất của sự thiệt hại để xác định người bị hại. Trong khoa học luật hình sự, tội phạm có hai loại cấu thành cơ bản, đó là tội phạm có cấu thành vật chất và tội phạm có cấu thành hình thức.

Đối với các loại tội phạm có cấu thành vật chất bắt buộc phải có hậu quả xảy ra và hậu quả đó thường là thiệt hại về thể chất và vật chất. Trong trường hợp này sự thiệt hại gây ra cho người bị hại phải là những thiệt hại cụ thể, thiệt hại đó phải có tính hiện tại và xác định; sự thiệt hại không thể không cụ thể, chưa xác định, hoặc có tính chất mơ hồ, chưa hoặc sắp xảy ra. Sự thiệt hại đó phải là thiệt hại trực tiếp do chính tội phạm gây ra, thiệt hại đó phải có mối liên hệ nhân quả với hành vi phạm tội. Điều cơ bản khi xác định thiệt hại của người bị hại đó là sự thiệt hại do một tội phạm được Luật hình sự quy định, xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của người bị thiệt hại, các quyền đó được pháp luật bảo vệ. Đồng thời, sự thiệt hại mà người bị hại phải gánh chịu không phải có nguồn gốc từ hành vi không phù hợp pháp luật của người bị thiệt hại. Điều này cũng đồng nghĩa với việc không chấp nhận quan điểm cho rằng thiệt hại do tội phạm gây ra cũng có thể là thiệt hại gián tiếp, thiệt hại đó có thể không có mối liên hệ nhân quả với hành vi phạm tội.

Đối với các tội có cấu thành hình thức thì thiệt hại gây ra cho người bị hại thường là thiệt hại về tinh thần, vì vậy thiệt hại đó có thể không cụ thể, khó có thể định lượng được. Vì vậy chúng tôi đồng tình với ý kiến cho rằng không chỉ trong trường hợp tội phạm đã hoàn thành, mà cả trong trường hợp phạm tội chưa đạt, khi chưa gây ra thiệt hại gì do những nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của kẻ phạm tội, người có nguy cơ bị xâm hại cũng được gọi là người bị hại, người bị hại phải được coi là bất kỳ người nào khi mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ là khách thể của tội phạm cho dù tội phạm đó chưa hoàn thành do những nguyên nhân khách quan, ngoài ý muốn của họ.

Để hiểu rõ hơn khái niệm người bị hại, cần phân biệt với một số khái niệm đồng nghĩa hoặc giáp ranh như: người bị hại với nạn nhân, người bị hại với đối tượng tác động của tội phạm. Theo chúng tôi đây là những khái niệm gần nhau nhưng không đồng nhất với nhau.

Thứ nhất: Nạn nhân có phải là người bị hại không? Trả lời câu hỏi này có quan điểm cho rằng người bị hại chính là nạn nhân của tội phạm. Theo chúng tôi điều đó đúng nhưng chưa đủ. Nội dung khái niệm người bị hại có nội hàm hẹp hơn so với khái niệm nạn nhân của tội phạm. Như đã biết, hành vi phạm tội luôn gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại đáng kể cho các quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ. Để gây ra những thiệt hại cho những quan hệ này, hành vi phạm tội đã tác động gây thiệt hại cho một số cá nhân, tổ chức. Trong khi đó “Nạn nhân của tội phạm là những cá nhân, tổ chức bị hành vi phạm tội trực tiếp xâm hại, gây ra những thiệt hại về thể chất, về tinh thần, tài sản hoặc các quyền, lợi ích hợp pháp khác”.[4] Như vậy, nạn nhân của tội phạm ngoài cá nhân còn có thể là tổ chức, pháp nhân; thiệt hại của nạn nhân không chỉ về thể chất, về tinh thần, về tài sản mà còn có thể bao hàm những thiệt hại về các quyền và các lợi ích hợp pháp khác, thiệt hại đó có thể bao gồm cả những thiệt hại gián tiếp; hơn nữa nạn nhân chỉ khi tham gia quan hệ pháp luật TTHS mới được xem là người bị hại.

Thứ hai: Đối tượng tác động của tội phạm là một bộ phận khách thể của tội phạm bị hành vi phạm tội tác động đến, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại. Đối tượng tác động của tội phạm không chỉ là con người mà còn bao gồm các đối tượng vật chất khác và các hoạt động bình thường của chủ thể. Trong khi đó con người – nạn nhân bị tội phạm xâm phạm về thể chất, tinh thần và các quyền tự do dân chủ, họ chính là một trong số các đối tượng tác động của tội phạm. Như vậy có thể khẳng định rằng khái niệm người bị hại, nạn nhân, đối tượng tác động của tội phạm mặc dù có những điểm tương đồng, chồng lấn… nhưng về bản chất, đặc trưng của chúng là hoàn toàn khác nhau.

Vấn đề cần được đặt ra để luận bàn đó là: Trong trường hợp tổ chức hoặc pháp nhân bị tội phạm trực tiếp gây thiệt hại thì họ có phải là người bị hại không? Vấn đề này theo quan sát của chúng tôi đã được đưa ra tranh luận ở các diễn đàn khác nhau và đã có nhiều ý kiến khác nhau khi đề cập đến vấn đề này. Khái quát lại có hai loại ý kiến sau đây:

- Loại ý kiến thứ nhất cho rằng người bị hại chỉ có thể là thể nhân, một con người cụ thể; tổ chức hoặc pháp nhân không thể là người bị hại. Bởi lẽ khái niệm “người” ở đây là đề cập đến con người cụ thể. Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần… do hành vi phạm tội gây ra, mà thể chất và tinh thần thì chỉ có và gắn liền với con người, một thể nhân cụ thể, thiệt hại này không thể xảy ra đối với pháp nhân hay tổ chức. Đi xa hơn, ý kiến này còn cho rằng thiệt hại do tội phạm gây ra có thể gây ra những mất mát, đau đớn về tinh thần, thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản cho người thân của người bị hại nhưng cũng không thể xem người thân đó là người bị hại. Tham khảo quy định trong Bộ luật TTHS của các quốc gia như đã viện dẫn trên cho thấy các quốc gia này đều quan niệm người bị hại trong vụ án hình sự chỉ có thể là con người cụ thể chứ không phải một pháp nhân, một cơ quan nhà nước hay một tổ chức xã hội, cho dù thiệt hại gây ra là thiệt hại trực tiếp, và đây cũng là quan điểm của các nhà làm luật Việt Nam thể hiện rõ trong Điều 51 Bộ luật TTHS Việt Nam.

- Loại ý kiến thứ hai cho rằng: ngoài cá nhân là người bị hại, trong trường hợp tổ chức, pháp nhân bị tội phạm trực tiếp gây thiệt hại thì phải xem tổ chức hoặc pháp nhân đó là người bị hại. Cần phải quan niệm khái niệm người bị hại theo nghĩa rộng của từ này. Lập luận cho luận điểm của mình, những người theo quan điểm này cho rằng trong thực tế hành vi phạm tội không chỉ gây ra thiệt hại cho cá nhân, hành vi phạm tội trong thực tế còn nhắm đến để gây thiệt hại cho pháp nhân, tổ chức. Thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho pháp nhân, tổ chức là rất đa dạng, không thuần túy là thiệt hại về tài sản. Trong thực tế, tổ chức, pháp nhân có thể bị thiệt hại cả về vật chất lẫn thiệt hại về tinh thần, chẳng hạn một doanh nghiệp bị giả mạo về thương hiệu, bị vu khống làm mất uy tín trong kinh doanh… Về vấn đề này, tại khoản 1 Điều 40 Bộ luật TTHS Ba Lan quy định: người bị hại là người hoặc pháp nhân mà lợi ích hợp pháp của họ bị hậu quả của tội phạm trực tiếp xâm hại hoặc bị đe dọa. Điều 53 Bộ luật TTHS Hungary cũng có quan điểm tương tự.

Ý kiến cho rằng người bị hại chỉ có thể là cá nhân, vậy tổ chức, pháp nhân bị tội phạm trực tiếp xâm hại, pháp nhân, tổ chức đó sẽ tham gia tố tụng với tư cách gì? Theo quy định của Bộ luật TTHS Việt Nam thì trong trường hợp này pháp nhân, tổ chức sẽ tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn dân sự khi có đơn yêu cầu. Chúng tôi cho rằng quy định như vậy là chưa thật sự hợp lý, bởi lẽ:

- Thứ nhất: Đối với các tổ chức, pháp nhân mà tài sản thuộc sở hữu nhà nước khi bị tội phạm gây thiệt hại tổ chức, pháp nhân đó không có đơn yêu cầu thì họ sẽ tham gia tố tụng với tư cách gì? Tài sản của nhà nước liệu có được đảm bảo?

- Thứ hai: Đối với các doanh nghiệp mà tài sản thuộc sở hữu cá nhân, của một nhóm người cùng góp vốn kinh doanh (công ty TNHH, công ty hợp danh…) trong quá trình hoạt động lại bị kẻ phạm tội gây thiệt hại, vậy để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình chủ sở hữu tài sản đó chỉ được tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn dân sự, liệu có hợp lý? Liệu có đảm bảo sự bình đẳng trong khi về thực chất tài sản đó đều là của cá nhân?

- Thứ ba: nếu cho rằng tổ chức, pháp nhân bị kẻ phạm tội trực tiếp xâm hại về tài sản sẽ tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn dân sự thì sẽ không có sự phân biệt với thiệt hại về tài sản do hành vi phạm tội gián tiếp gây ra. Chẳng hạn khi đánh nhau với B, A đã gây ra một số thiệt hại về tài sản của C.

- Thứ tư: nếu quan niệm rằng hành vi gây thiệt hại cho pháp nhân, tổ chức là thiệt hại về tài sản như định nghĩa tại Điều 52 Bộ luật TTHS Việt Nam thì chúng ta phải giải thích như thế nào khi thiệt hại do tội phạm gây ra cho tổ chức, pháp nhân là thiệt hại về thương hiệu, về uy tín trong kinh doanh…?

Thực chất vấn đề có nên thừa nhận tổ chức, pháp nhân là người bị hại trong trường hợp họ bị tội phạm trực tiếp gây thiệt hại đã được đặt ra trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS năm 1988 vào những năm 2000. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau vấn đề này đã tạm gác lại. Chúng tôi cho rằng xã hội đã có những thay đổi lớn theo hướng tích cực, xu hướng hội nhập khu vực và thế giới đã trở thành xu thế tất yếu. Những lý do chưa đồng tình với quan điểm cho rằng nên xem tổ chức, pháp nhân là người bị hại không còn lý do để tồn tại, đã đến lúc chúng ta cần xem xét tất cả các lý lẽ để thừa nhận tổ chức và pháp nhân là người bị hại nhằm góp phần đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại.

Từ những lập luận trên chúng tôi đề xuất khái niệm về người bị hại như sau:

Người bị hại là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra”.

Khái niệm này bao hàm các đặc điểm của người bị hại như sau:

- Thứ nhất, về chủ thể, người bị hại là cá nhân, pháp nhân, cơ quan nhà nước hoặc tổ chức khác;

- Thứ hai, thiệt hại do tội phạm gây ra có thể là thiệt hại về thể chất, thiệt hại về tinh thần, thiệt hại về vật chất. Tuy nhiên, cần lưu ý là hậu quả của sự thiệt hại không phải là điều kiện bắt buộc trong tất cả các trường hợp.

- Thứ ba, thiệt hại của người bị hại phải là đối tượng tác động của tội phạm, tức là phải có mối liên hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội với hậu quả gây ra cho người bị hại. Đây là điều kiện quan trọng để phân biệt giữa người bị hại và nguyên đơn dân sự hay các đương sự khác trong vụ án hình sự.

- Thứ tư, người bị thiệt hại chỉ được tham gia tố tụng với tư cách là người bị hại khi và chỉ khi được cơ quan tiến hành tố tụng công nhận.

2. Thực trạng và một số kiến nghị góp phần đảm bảo quyền của người bị hại

Như đã biết, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, hành vi đó xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của người bị hại, đó có thể là những thiệt hại vô cùng lớn mà người bị hại phải gánh chịu, vì vậy Nhà nước cần phải có biện pháp cụ thể để bảo vệ người bị hại, khôi phục lại trạng thái ban đầu hoặc kịp thời khắc phục thiệt hại do tội phạm gây ra đối với họ. Bên cạnh đó, người bị hại là người biết được các tình tiết của vụ án nên họ cũng phải có nghĩa vụ công dân trong việc giúp các cơ quan tiến hành tố tụng tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Do vậy, khi tham gia tố tụng, người bị hại có một số quyền và phải thực hiện một số nghĩa vụ nhất định.

Hiện nay, quyền và nghĩa vụ của người bị hại được quy định tại Điều 51 BLTTHS. Theo quan sát của chúng tôi, pháp luật TTHS về quyền và lợi ích của người bị hại qua quá trình tồn tại và phát triển ngày càng được bổ sung, sửa đổi đầy đủ và hoàn thiện hơn. Chẳng hạn phạm vi kháng cáo của người bị hại không chỉ giới hạn trong phạm vi tăng nặng hình phạt mà còn cho phép người bị hại kháng cáo theo hướng giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo; hoặc chế định khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật TTHS năm 1988 và chế định này ngày càng được mở rộng… Nội dung các quyền và nghĩa vụ của người bị hại về cơ bản là phù hợp và được các cơ quan có thẩm quyền nghiêm chỉnh chấp hành, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại. Tuy nhiên qua quá trình áp dụng cũng đã bộc lộ một số bất cập trong các quy định pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng. Cụ thể là các vấn đề sau đây:

* Vấn đề liên quan đến đại diện hợp pháp của người bị hại:

- Thứ nhất, khoản 5 Điều 51 Bộ luật TTHS quy định: “Trong trường hợp người bị hại chết thì người đại diện hợp pháp của họ có những quyền được quy định tại điều này”. Như vậy trường hợp người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần, thể chất khi tham gia tố tụng thì đại diện hợp pháp của họ có được tham gia tố tụng và có được hưởng các quyền của người bị hại không? Theo tinh thần nội dung Điều 51 Bộ luật TTHS thì người đại diện hợp pháp của người bị hại trong trường hợp này được tham gia tố tụng nhưng không được thực hiện các quyền của người bị hại. Tuy nhiên, theo tinh thần của quy định tại Điều 59 Bộ luật TTHS thì người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại được tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích của người bị hại. Nội dung các quyền của người này không khác nhiều so với nội dung các quyền quy định cho người bị hại (Điều 51). Vì vậy, thực tế gặp trường hợp này cơ quan tiến hành tố tụng thường cho phép đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất sử dụng các quyền của người bị hại như tinh thần của khoản 5 Điều 51 Bộ luật TTHS. Để khắc phục bất cập này theo chúng tôi cần thiết phải bổ sung nội dung này vào Điều 51 Bộ luật TTHS.

- Thứ hai, Bộ luật TTHS chỉ quy định trường hợp người bị hại chết mà chưa quy định trường hợp người bị hại mất tích. Vậy trường hợp người bị hại được xác định là mất tích thì vấn đề người đại diện hợp pháp của họ được quy định và giải quyết như thế nào? Họ có được phép tham gia tố tụng và được thực hiện các quyền của người bị hại không? Thực tiễn giải quyết vụ án cho thấy cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết không thống nhất với nhau. Vì vậy, theo chúng tôi Bộ luật TTHS cần bổ sung trường hợp trên theo hướng thừa nhận người đại diện hợp pháp của người bị hại mất tích được tham gia tố tụng và được thực hiện các quyền của người bị hại.

- Thứ ba, trong hai trường hợp nêu trên cơ quan tiến hành tố tụng không xác định được ai là người đại diện hợp pháp, hoặc người bị hại thực tế cũng không còn ai là người đại diện hợp pháp thì giải quyết như thế nào? Người thân của người bị hại có được tham gia tố tụng không và với tư cách gì? Về vấn đề này chưa có sự nhận thức và áp dụng thống nhất. Hiện có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này: Người thân của người bị hại cũng được xem là người đại diện hợp pháp[5]; người thân của người bị hại là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan[6]; người thân của người hại trong các trường hợp trên chính là người bị hại và với tư cách đó họ cần phải tham gia vào vụ án[7]; người thân của người bị hại là người đại diện của người bị hại và là người bị hại.[8] Chúng tôi cho rằng đây là vấn đề cần được nghiên cứu bổ sung vào Bộ luật để đảm bảo sự thống nhất trong quá trình áp dụng cũng như đảm bảo các quyền của người bị hại. Theo chúng tôi người thân của người bị hại chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất được tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp, khi tham gia tố tụng họ có các quyền của người bị hại. Trường hợp người bị hại không còn ai là người thân thì cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu đoàn luật sư phân công văn phòng luật sư cử người bảo vệ quyền lợi cho họ.

- Thứ tư, trong trường hợp người đại diện hợp pháp của người bị hại có quyền và nghĩa vụ mâu thuẫn với nhau thì giải quyết như thế nào? Cho đến nay vấn đề này chưa được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể mà chỉ được thể hiện trong kết luận của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao tại hội nghị tổng kết ngành năm 1990. Ví dụ: chồng giết vợ mà người vợ còn có bố, mẹ và các con của người vợ này đã thành niên. Theo quy định pháp luật thì những người này đều là người đại diện hợp pháp của người bị hại. Tuy nhiên bố, mẹ của người vợ yêu cầu Tòa án phải tuyên mức án nghiêm khắc đối với người con rể đã giết con ruột của mình, trong khi đó những người con lại yêu cầu Toà án áp dụng hình phạt nhẹ cho bố mình. Trong trường hợp này mặc dù vẫn có ý kiến khác nhau nhưng theo chúng tôi cần xác định họ đều là những người đại diện hợp pháp của người bị hại và họ có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng như nhau. Tuy nhiên, khi tham tố tụng Tòa án cần yêu cầu những người có cùng quyền lợi cử một người tham gia, nhưng Tòa án cần quyết định riêng đối với từng người, những người không tham gia tố tụng phải làm thủ tục ủy quyền cho người tham gia tố tụng.

* Vấn đề liên quan đến việc quy định và thực hiện các quyền của người bị hại:

- Thứ nhất, phạm vi thực hiện quyền kháng cáo của người bị hại. Tại điểm e khoản 2 Điều 51 Bộ luật TTHS quy định: người bị hại có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về phần bồi thường cũng như về phần hình phạt đối với bị cáo. Như vậy, quy định này chỉ cho phép người bị hại kháng cáo trong phạm vi phần bồi thường và phần hình phạt, những phần khác trong bản án như: phần dân sự cũng như vấn đề liên quan đến tội danh, đến khung hình phạt… nếu không đồng tình với bản án và quyết định của Tòa án thì người bị hại không có quyền kháng cáo. Trong khi đó tại Điều 231 Bộ luật TTHS lại quy định: Người bị hại và người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo bản án và quyết định của Tòa án. Như vậy theo quy định này thì người bị hại có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Điều luật không thể hiện bất cứ sự giới hạn nào như tinh thần của Điều 51 Bộ luật TTHS. Như vậy phải chăng nội dung hai điều luật lại mâu thuẫn với nhau và khi gặp trường hợp trên Tòa án sẽ giải quyết như thế nào? Cho đến nay chưa có văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn áp dụng hai điều luật trên, vì vậy mỗi nơi áp theo cách hiểu riêng của mình. Để khắc phục sự mâu thuẫn, đảm bảo sự thống nhất trong quá trình áp dụng, cũng như để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người bị hại theo chúng tôi cần thiết phải sửa lại nội dung Điều 51 Bộ luật TTHS theo hướng cho phép người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định của tòa án cấp sơ thẩm.

Thứ hai, nghiên cứu các quy định trong Bộ luật TTHS hiện hành cho thấy pháp luật TTHS chưa khẳng định người bị hại là một bên trong tranh tụng, thực hiện chức năng buộc tội. Theo chúng tôi có lẽ đây cũng là một khiếm khuyết của các quy định pháp luật, thực chất cùng với các chủ thể khác như kiểm sát viên, nguyên đơn dân sự…, người bị hại cũng là một bên trong tranh tụng, hành vi tố tụng của người bị hại góp phần quan trọng trong tiến trình đi tìm sự thật của vụ án, công lý và sự công bằng của pháp luật, đặc biệt là trong những vụ án mà việc khởi tố phải do người bị hại yêu cầu. Do vậy, để khẳng định vị trí, vai trò và đảm bảo có hiệu quả các quyền của người bị hại chúng tôi đề nghị:

+ Sửa lại Điều 191 Bộ luật TTHS theo hướng khẳng định: trường hợp tại phiên tòa người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp những người này yêu cầu hoặc đồng ý để Tòa án xét xử vắng mặt họ. Sự tham gia phiên tòa của người bị hại có mục đích hoàn toàn khác với nguyên đơn và bị đơn dân sự vì vậy không thể đồng nhất sự tham gia phiên tòa của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự với người bị hại như tinh thần của Điều luật này.

+ Thực tiễn xử lý vụ án hình sự cho thấy không ít trường hợp người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ bị kẻ phạm tội hoặc những người thân của người này khống chế, đe dọa, mua chuộc, lừa dối hoặc có những thủ đoạn khác… làm cho người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ không thể tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, không thể có mặt để thực hiện việc khai báo theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và vô hình chung họ lại phạm vào tội từ chối khai báo theo Điều 308 BLHS. Để khắc phục tình trạng trên, bên cạnh quy định về bảo vệ người làm chứng, cũng cần bổ sung quy định về bảo vệ người bị hại khi người bị hại yêu cầu và cơ quan tiến hành tố tụng có cơ sở cho rằng người bị hại bị đe dọa.

+ Tại khoản 4 Điều 51 Bộ luật TTHS quy định nghĩa vụ khai báo của người bị hại và nếu người bị hại không khai báo mà không có lý do chính đáng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 BLHS. Theo quan sát của chúng tôi, cho đến nay chưa có người bị hại nào bị truy cứu trách nhiệm về tội “từ chối khai báo” theo Điều 308 BLHS; chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về trường hợp từ chối khai báo có lý do chính đáng và cũng chính vì vậy có nhiều ý kiến cho rằng quy định này là không thực tế. Mặt khác, đã là người bị hại lại còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ vì họ từ chối khai báo, trong khi đó bị can, bị cáo là người bị buộc tội từ chối khai báo lại không phải chịu trách nhiệm gì[9] như vậy liệu có công bằng? Chúng tôi cho rằng quyền công dân bao giờ cũng đi đôi với nghĩa vụ công dân, việc khai báo của người bị hại sẽ góp phần tìm ra sự thật của vụ án vì vậy khó có thể loại bỏ quy định này. Tuy nhiên, làm thế nào để một tội danh được quy định có phải tính khả thi? Việc không truy cứu trách nhiệm hình sự người bị hại nào về tội “từ chối khai báo” là do chúng ta chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là “không có lý do chính đáng” làm căn cứ áp dụng và trong thực tế gặp trường hợp này cơ quan có thẩm quyền chưa xử lý nghiêm khắc. Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn để khắc phục những bất cập như đã nêu.

- Thứ ba, cơ chế thỏa thuận nhận tội và bồi thường thiệt hại giữa người bị hại và bị can, bị cáo trong một số trường hợp là vấn đề được áp dụng khá phổ biến ở các nước. Ở đó, nhà nước cho phép một người phạm tội có thể thỏa thuận nhận tội với cơ quan có thẩm quyền và được phép thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại với người bị hại. Đây cũng là vấn đề mới ở Việt Nam, vì vậy trong tiến trình cải cách tư pháp, hoàn thiện các cơ chế bảo vệ quyền của công dân trong tố tụng hình sự, nên chăng chúng ta triển khai nghiên cứu cơ chế để tìm kiếm khả năng tiếp thu và vận dụng cho phù hợp với tình hình thực tiễn ở nước ta.

* Vấn đề liên quan đến chế định khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại.

Khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại (hay còn gọi là tư tố) là một chế định không mới, được áp dụng khá phổ biến trong pháp luật các nước. Ở Việt Nam chế định này lần đầu tiên được quy định trong Bộ luậy TTHS năm 1988. Đây là chế định thể hiện tính dân chủ, sự tôn trọng và cảm thông trước sự thiệt hại, mất mát, đau đớn của người bị hại. Mặc dù nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự Việt Nam là nguyên tắc công tố, tức là hành vi phạm tội phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, Nhà nước đã cam kết sẽ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mọi công dân bằng một văn bản pháp lý có giá trị cao nhất, đó là Hiến pháp, bằng cả hệ thống pháp luật và cơ chế đảm bảo thực hiện. Mọi hành vi phạm tội xâm hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân sẽ bị Nhà nước xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, khi xử lý hành vi phạm tội, Nhà nước còn phải quan tâm đến nguyện vọng và lợi ích chính đáng của người bị hại. Thực tế cho thấy mặc dù bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra nhưng người bị hại lại không muốn đưa ra xử lý vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, tương lai của họ, cũng có trường hợp giữa người bị hại và người gây thiệt hại có những mối quan hệ đặc biệt. Điều 51 và Điều 105 Bộ luật TTHS đã ghi nhận yêu cầu của người bị hại. Quá trình áp dụng cho thấy chế định khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại đã phát huy hiệu quả, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại được bảo vệ tốt hơn.

Tuy nhiên so với yêu cầu đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, chế định này cũng đã bộc lộ một số bất cập. Chẳng hạn: Theo quy định tại khoản 3 Điều 51 Bộ luật TTHS, trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại quy định tại Điều 105 Bộ luật này thì người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày lời buộc tội tại phiên tòa. Đây là một nội dung đã được quy định từ những năm 1988, qua các lần sửa đổi, bổ sung, Bộ luật TTHS vẫn giữ nguyên quy định này. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về việc người bị hại trình bày lời buộc tội bị cáo tại phiên tòa như thế nào. Trường hợp nếu người bị hại trình bày lời buộc tội thì kiểm sát viên tham gia phiên tòa có trình bày lời buộc tội nữa không? Lời buộc tội của người bị hại có giá trị như thế nào? Sự có mặt của người bị hại trong trường hợp này có bắt buộc như đối với kiểm sát viên không? Thực tiễn xét xử cho thấy mọi việc đều do kiểm sát viên thực hiện, còn người bị hại trong trường hợp này cũng không có gì đặc biệt so với người bị hại trong các vụ án khác. Hơn nữa, bản thân quy định này cũng chưa thật đầy đủ và phù hợp, chẳng hạn trong giai đoạn trước khi mở phiên tòa thì người bị hại có các quyền hạn cụ thể nào, cách thức thực hiện các quyền đó ra sao cũng chưa được quy định rõ. Chúng tôi cho rằng đối với vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại phải khác so với vụ án thông thường, quyền của người bị hại được thể hiện trong suốt quá trình tố tụng chứ không chỉ đơn thuần là trình bày lời buộc tội tại phiên tòa như quy định hiện nay. Từ thực trạng nêu trên chúng tôi đề nghị:

Thứ nhất, nghiên cứu để mở rộng hơn nữa phạm vi các tội mà cơ quan có thẩm quyền chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại. Theo chúng tôi nên mở rộng đối với các tội xâm phạm sở hữu, các tội xâm phạm danh dự, nhân phẩm và chỉ áp dụng đối với các tội ít nghiêm trọng.

Thứ hai, nghiên cứu để bổ sung các quyền của người bị hại trong giai đoạn trước xét xử, theo hướng cho phép người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ án nếu không thuộc bí mật nhà nước để phục vụ cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại.

Thứ ba, cần quy định cụ thể thủ tục tố tụng riêng cho trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Theo chúng tôi thủ tục này nên quy định theo hướng chỉ có người bị hại mới có quyền đưa một người ra xét xử tại phiên tòa, và tất nhiên ở đây quyền công tố không còn nữa. Sự tham gia phiên tòa của viện kiểm sát lúc này chỉ thực hiện chức năng giám sát việc tuân theo pháp luật chứ không thực hiện chức năng buộc tội. Tòa án đưa vụ án ra xét xử trên cơ sở đề nghị của người bị hại. Tại phiên tòa kiểm sát viên không đọc bản cáo trạng mà người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày lời cáo buộc của mình trước khi tiến hành xét hỏi. Kiểm sát viên cũng không trình bày lời luận tội mà sẽ do người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại trình bày. Trong trường hợp này người bị hại, đại diện hợp pháp của họ bắt buộc phải có mặt tại phiên tòa, nếu vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa, kiểm sát viên không bắt buộc phải có mặt tại phiên tòa.

Tất cả những sửa đổi trên đây nếu được chấp nhận sẽ có thể đảm bảo chế định khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại đi vào thực chất, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại mới được đảm bảo.

[1] Từ điển giải thích thuật ngữ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, 1999, tr. 198.

[2] V.M Xavitxki, Khái niệm người bị hại theo tố tụng hình sự Xô viết, Moskova, 1963, tr. 19.

[3] S.P Bekesko, Bình luận Bộ luật Tố tụng hình sự nước Cộng hòa Belorusia, Minsk, 1968, tr. 74.

[4] Trần Hữu Tráng, Nạn nhân học trong tội phạm học Việt nam – một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận văn thạc sỹ luật học, Hà Nội, 2000, tr. 8.

[5] Xem: Đinh Văn Quế, Thủ tục xét xử các vụ án hình sự, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 2003, tr. 94.

[6] Viện Nhà nước và Pháp luật, Tội phạm học, Luật hình sự và Luật TTHS Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 383.

[7] Xem: R.Đ Rakhunốp, Những người tham gia hoạt động tố tụng hình sự, Matxcơva, 1961, tr. 224 và Viện Nhà nước và Pháp luật, sđd, tr. 383.

[8] M.X Xtrôgôvich, Giáo trình tố tụng hình sự, tập 1, Nxb Văn học pháp lý, Matxcơva, 1980, tr. 258.

[9] Xem: Đinh Văn Quế, Thủ tục xét xử các vụ án hình sự, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 2003, tr. 94.

TẠP CHÍ KHPL SỐ 1(38)/2007

CĂN CỨ ÁP DỤNG BIỆP PHÁP TẠM GIAM PHẠM KHẮC VỰC

Thạc sĩ, Giảng viên chính Trường ĐH An ninh nhân dân

1. Tạm giam là một trong những biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự, đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi chính trị, quyền tự do của con người. Vì vậy, quá trình áp dụng biện pháp ngăn chặn nói chung, biện pháp tạm giam nói riêng cũng phải vì con người. Điều đó thể hiện ở chỗ việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn phải có mục đích và căn cứ chứ không thể tùy tiện, không được coi biện pháp ngăn chặn là biện pháp của điều tra. Nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải lựa chọn biện pháp ngăn chặn áp dụng cho phù hợp, có lợi cho đối tượng bị áp dụng và đạt được mục đích ngăn chặn, không nhất thiết trường hợp nào cũng áp dụng biện pháp tạm giam. Việc áp dụng biện pháp tạm giam phải dựa vào các căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn nói chung quy định tại Điều 79, được cụ thể hóa tại khoản 1, Điều 88, Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS). Các điều luật trên nêu ra hai căn cứ để xem xét khi áp dụng là: đối tượng áp dụng biện pháp tạm giam phải là bị can, bị cáo; căn cứ vào tính chất hành vi, nhân thân của bị can, bị cáo và yêu cầu của việc ngăn chặn.

Về yêu cầu của việc ngăn chặn, BLTTHS nêu ra hai trường hợp:

- Bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.

- Bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự (BLHS) quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn, cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

Để áp dụng biện pháp tạm giam trong trường hợp sau phải có hai điều kiện:

- Về tính chất hành vi, tội phạm mà bị can, bị cáo đã thực hiện phải là tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù trên hai năm.

- Có căn cứ để cho rằng bị can, bị cáo có thể trốn, cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

+ Căn cứ cho rằng bị can, bị cáo có thể trốn không được quy định trong luật. Tuy vậy, thực tiễn đấu tranh chống tội phạm đã đúc kết những căn cứ chủ yếu cần phải dựa vào đó để xem xét là: Tình trạng cư trú của bị can, bị cáo (Có nơi cư trú? Thường trú hay tạm trú? Nếu tạm trú thì dài hạn hay ngắn hạn? Có khai báo với chính quyền hay không? Nơi cư trú có ở quá xa nơi tiến hành các hoạt động tố tụng hay không?); Tình trạng nghề nghiệp (Có nghề nghiệp không? Làm việc trong cơ quan, tổ chức hay làm nghề tự do?); Tính chất hành vi đã thực hiện (cướp, trộm cắp, giết người hay lừa đảo…); Nhân thân (tiền án, tiền sự, hoàn cảnh gia đình, lịch sử bản thân…); Sự ràng buộc với gia đình, quê quán, cơ sở làm việc; Mối tương quan về lợi ích giữa việc bỏ trốn với việc chấp nhận bị xử lý trước pháp luật; Những biểu hiện cụ thể của bị can, bị cáo như liên hệ với người thân ở xa, mua vé đi xa…

Khi vận dụng các căn cứ để xét bị can, bị cáo có thể trốn cần lưu ý là không phải khi nào cũng có thể làm rõ được tất cả các nội dung trên mà tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể và phải biết căn cứ vào nội dung nào là chủ yếu. Để quyết định việc tạm giam không nhất thiết phải làm rõ tất cả các nội dung trên, có thể chỉ một nội dung cũng đã đủ để nhận định là đối tượng sẽ trốn.

+ Căn cứ cho rằng bị can, bị cáo cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử.

Cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như tiêu hủy chứng cứ, làm giả hiện trường, thông đồng với nhau về những lời khai gian dối, mua chuộc, khống chế người làm chứng, người bị hại hoặc các hình thức khác. Cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử là trường hợp “gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử” nhưng ở mức độ cao hơn mang tính đối phó lại việc tiến hành các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Việc xác định bị can, bị cáo cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử phải dựa trên những căn cứ khách quan và phải xuất phát từ yêu cầu của việc điều tra, truy tố, xét xử chứ không phải sự suy đoán chủ quan tùy tiện.

Từ thực tiễn cuộc đấu tranh chống tội phạm có thể rút ra những căn cứ cần xem xét để nhận định bị can, bị cáo cản trở việc tiến hành tố tụng thường là:

- Tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện. Những bị can, bị cáo thực hiện hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì thường tiến hành nhiều hoạt động đối phó hoạt động tố tụng.

- Nhân thân người phạm tội, như loại đối tượng lưu manh, côn đồ thường có hành động đe dọa, khống chế người làm chứng, người bị hại hoặc thông đồng với đồng bọn về những lời khai gian dối.

- Sự ràng buộc với gia đình, cơ quan, tổ chức nghề nghiệp.

- Tình trạng chứng minh là mức độ làm rõ về hành vi phạm tội của bị can, bị cáo, đối với những đối tượng mà hành vi của họ cơ bản đã được làm rõ thì hành vi đối phó hoạt động tố tụng sẽ hạn chế và ngược lại.

- Những biểu hiện cụ thể của bị can, bị cáo như tiêu hủy chứng cứ, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có…

Khi xem xét các tình tiết trên phải phân tích tổng hợp để tránh suy đoán chủ quan và không nhầm hiện tượng với bản chất.

+ Căn cứ cho rằng bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội.

Để nhận định bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội phải dựa vào nhiều tình tiết và xem xét đánh giá một cách tổng hợp. Những tình tiết đó thường là: Tính chất của tội phạm mà bị can, bị cáo đã thực hiện; Nhân thân của bị can, bị cáo; Những biểu hiện cụ thể của bị can, bị cáo như đe dọa, khống chế, mua chuộc người làm chứng, người bị hại, sử dụng thời gian bất minh, đi lại gặp gỡ bọn tội phạm.

Xuất phát từ tính nhân đạo của pháp luật xã hội chủ nghĩa nói chung và của luật tố tụng hình sự nói riêng, BLTTHS quy định một số trường hợp không áp dụng biện pháp tạm giam; các trường hợp đó là: Bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang thời kỳ nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người già yếu, người bị bệnh nặng. Những trường hợp trên phải có thêm một điều kiện khác đó là có nơi cư trú rõ ràng. Trong trường hợp không có nơi cư trú hoặc không xác định được nơi cư trú, có nhiều nơi cư trú, nơi cư trú quá xa nơi tiến hành điều tra hoặc trong trường hợp đặc biệt thì vẫn phải áp dụng biện pháp tạm giam. Những trường hợp đặc biệt nói trên theo quy định tại khoản 2, Điều 88 gồm:

- Bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;

- Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử;

- Bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

2. Nghiên cứu các quy định căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam và thực tiễn áp dụng, theo chúng tôi có thể rút ra nhận xét sau:

- Căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam được quy định trong luật làm cơ sở cho việc thống nhất trong nhận thức và thống nhất trong áp dụng pháp luật, đồng thời thể hiện sự phát triển của khoa học lập pháp tố tụng hình sự nước ta. Tuy nhiên, nội dung các căn cứ tạm giam quy định trong BLTTHS còn có những bất hợp lý, thiếu sót như căn cứ tạm giam chưa phản ánh được bản chất, mục đích của biện pháp ngăn chặn nói chung và biện pháp tạm giam nói riêng. Xét về bản chất thì tạm giam là biện pháp ngăn chặn chứ không phải là biện pháp trừng phạt. Vì vậy, việc áp dụng phải xuất phát từ yêu cầu ngăn chặn chứ không phải từ yêu cầu trừng trị; Tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi cao hay thấp, mức hình phạt mà can phạm có thể phải chịu là vấn đề cần phải làm rõ, là yêu cầu cần phải đạt được trong các giai đoạn hoạt động tố tụng.

- Thực tế áp dụng pháp luật đặt ra một số trường hợp rất khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong việc vận dụng áp dụng biện pháp tạm giam, đó là:

+ Có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo tự sát. Trường hợp bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng, không có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội trốn tránh pháp luật nhưng lại có căn cứ cho rằng bị can, bị cáo tự sát, cần phải ngăn chặn việc người đó tự sát. Việc coi bị can, bị cáo tự sát là trường hợp gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc là hành động trốn tránh pháp luật để áp dụng biện pháp tạm giam, theo chúng tôi là không hợp lý vì không phù hợp với mục đích của biện pháp tạm giam.

+ Trường hợp bị can, bị cáo phạm tội gây căm phẫn đối với người bị hại, gia đình, người thân của người bị hại hoặc gây căm phẫn trong nhân dân có thể dẫn đến việc quần chúng tự phát xử lý người phạm tội. Ví dụ như vụ Nguyễn Văn Hải, phường Tân Hưng, quận 7, TP. HCM bị tạm giam về tội cố ý làm trái, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị bắt để tạm giam, sau đó được Viện Kiểm sát nhân dân TP. HCM cho tại ngoại bị quần chúng phản đối, 1 ngày sau khi cho tại ngoại lại bắt để tạm giam1.

+ Trường hợp bị can có thái độ khai báo thành khẩn về hành vi phạm tội của mình và của đồng bọn có thể bị đồng bọn đe dọa gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng để bịt đầu mối, để răn đe bị can, bị cáo trong việc khai báo sự thật về hành vi phạm tội của chúng, theo chúng tôi cần bảo vệ bị can, bị cáo.

Có ý kiến cho rằng đối với các trường hợp trên để bảo vệ bị can, bị cáo, ngăn chặn hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của bị can, bị cáo, cần thiết phải tạm giam đối với họ. Theo chúng tôi đối với các trường hợp trên không thể tạm giam đối với bị can, bị cáo, vì nó không phù hợp quy định về biện pháp tạm giam. Tuy nhiên, đối với nước ta trong giai đoạn hiện nay vấn đề bảo vệ bị can, bị cáo đang gặp khó khăn vì chưa được quy phạm hóa, chưa có cơ chế thực hiện, thì ý kiến trên cũng có yếu tố hợp lý.

Ngoài ra đối với người bị bắt trong trường hợp đang bị truy nã, theo Điều 83, khoản 2 BLTTHS hiện hành quy định việc cơ quan điều tra nhận người bị bắt trong trường hợp đang bị truy nã, trước khi giao người bị bắt cho cơ quan đã ra lệnh truy nã nếu xét thấy không thể giao ngay người bị bắt cho cơ quan đã ra quyết định truy nã thì áp dụng biện pháp tạm giữ. Cơ quan đã ra quyết định truy nã, sau khi nhận được thông báo về việc đối tượng mà mình truy nã đã bị bắt thì phải ra lệnh tạm giam và gửi cho cơ quan điều tra đã nhận người bị bắt. Theo quy định này thì người bị bắt theo quyết định truy nã có thể bị áp dụng đồng thời hai biện pháp ngăn chặn, đó là biện pháp tạm giữ (do cơ quan điều tra nhận người bị bắt áp dụng) và biện pháp tạm giam (do cơ quan đã ra quyết định truy nã áp dụng). Theo chúng tôi đối với người bị bắt trong trường hợp đang bị truy nã, không nên tạm giữ đối với họ, vì thời hạn tạm giữ quá ngắn, trường hợp nơi họ bị bắt quá xa nơi ra lệnh truy nã họ, có thể không đủ thời gian để cơ quan điều tra nhận người bị bắt thông báo cho cơ quan ra lệnh truy nã về việc bắt và cơ quan đã ra lệnh truy nã tiếp nhận người bị bắt. Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần phải áp dụng biện pháp tạm giam đối với họ, đồng thời quy định rõ thời hạn tạm giam đối với người bị bắt trong trường hợp này. Vì họ là người đang bị truy nã nên họ phải là bị can, bị cáo hoặc người đang thi hành hình phạt theo bản án đã có hiệu lực pháp luật và việc họ bị truy nã chứng tỏ có căn cứ cho rằng cần phải cách ly họ ra khỏi xã hội trong một thời gian nhất định. Việc họ trốn, dẫn đến phải truy nã đã thể hiện căn cứ tạm giam đối với họ.°

ĐĂNG TRÊN TẠP CHÍ KHPL 2/2004

Hướng tới hội thảo khoa học ” Bộ luật tố tụng hình sự – những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung”

I.          Về qui định liên quan đến Điều 56, 57, 58, 89 và 90 BLTTHS:

1. Về qui định thủ tục và thời hạn cấp GCNNBC:

Trong thực tế, việc luật sư – Người bào chữa tham gia tố tụng để gặp gỡ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo (viết tắt là “đương sự”) đang bị tạm giữ và tạm giam gặp rất nhiều hạn chế và khó khăn ngoài lý do cơ quan tiến hành tố tụng (chủ yếu là cơ quan điều tra) không tạo điều kiện cho luật sư được chủ động gặp gỡ đương sự mà còn có hạn chế về qui định pháp luật về tạm giữ và tạm giam hiện nay về thủ tục và thời gian để cấp Giấy chứng nhận người bào chữa (viết tắt là GCNNBC).

Trong thực tế hiện nay nơi tạm giữ, tạm giam đương sự không thuộc sự quản lý trực tiếp của cơ quan quan tiến hành tố tụng nào mà thuộc quyền quản lý chung của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Việc độc lập này có tác dụng hạn chế một phần CQTHTT tùy tiện hành xử với đương sự nhưng cũng tạo ra rất nhiều khó khăn cho luật sư khi thực hiện công việc bào chữa của mình, ví dụ:

-           Theo hướng dẫn của HĐTPTANDTC về việc cấp GCNNBC thì Người bào chữa ( viết tắt là NBC) do thân nhân của đương sự (đang bị tạm giữ, tạm giam) mời thì phải được sự đồng ý của chính đương sự đó và có thể luật sư trực tiếp liên hệ với đương sự hoặc cán bộ tòa án hỏi đương sự về có đồng ý NBC hay không nên mỗi nơi thực hiện một kiểu, có nơi thì yêu cầu luật sư vào trực tiếp trại tạm giam để lấy ý kiến của đương sự, có nơi thì yêu cầu Điều tra viên (viết tắt là ĐTV), Kiểm sát viên (viết tắt là KSV) hoặc cán bộ tòa án vào trại giam để lấy ý kiến của đương sự.

+          Nhưng việc luật sư trực tiếp đến trại tạm giam để gặp đương sự là một làm cực kỳ khó khăn và rất ít trường hợp thực hiện được vì không có qui định nào cho phép. Các trường hợp gặp được chủ yếu là do quan hệ cá nhân của luật sư với lãnh đạo trại tạm giam.

+          Trường hợp do cán bộ của CQTHTT lấy ý kiến của đương sự thì đây là trường hợp quá phụ thuộc vì nếu ĐTV, KSV hoặc CBTA mà không vào trại tạm giam để hỏi ý kiến đương sự thì thời hạn cấp GCNBC không thể được đảm bảo theo qui định của BLTTHS là 03 ngày. Đó là chưa kể trường hợp những người này có thể tác động để đương sự từ chối luật sư.

Để đảm bảo thời hạn cấp GCNNBC cho luật sư, Điều 27 của Luật Luật sư đã qui định rất đầy đủ và chặt chẽ nhưng không được các CQTHTT thực hiện vì cho rằng qui định này không phù hợp với các văn bản hướng dẫn BLTTHS. Nếu luật sư có sử dụng quyền khiếu nại thì hầu như cũng không được giải quyết vì việc không trả lời khiếu nại này không thuộc trường hợp vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, hoặc sau khi khiếu nại thì luật sư có thể bị gây khó khăn hơn trong hoạt động tố tụng của mình.

Do đó đề sửa đổi bổ sung Điều 57 như sau:

Đề nghị sửa đổi khoản 4 Điều 57 theo qui định Điều 27 Luật Luật sư hoặc có Thông tư liên tịch của TANDTC – VKSNDTC – BTP – BCA và BQP hướng dẫn cụ thể về thủ tục cấp GCNNBC như qui định tại Điều 27 LLS, sau đó trong quá trình tham gia tố tụng nếu đương sự từ chối luật sư thì CQTHTT thực hiện việc thu hồi GCNNBC theo qui định pháp luật.

1.     2. Về qui định gặp gỡ trao đổi của luật sư với đương sự:

Điểm e khoản 2 Điều 58 cho phép NBC được gặp đương sự khi bị tạm giữ, tạm giam. Tuy nhiên do qui định tại NĐ 89/1998 và NĐ 98/2002 thì đương sự chỉ được gặp luật sư và thân nhân khi được sự đồng ý của CQTHTT. CQĐT thì vận dụng qui định tại điểm a khoản 2 Điều này và cho rằng luật sư chỉ được gặp đương sự khi có mặt ĐTV. Vì vậy, cơ quan tạm giữ tạm giam không cho NBC gặp gỡ riêng với đương sự trong giai đoạn điều tra mà chỉ được tham gia cùng khi có mặt ĐTV.

Việc NBC không được gặp riêng đương sự trong giai đoạn điều tra đã hạn chế rất nhiều quyền lợi của đương sự về trách nhiệm hình sự cũng như thực thi các quyền về dân sự, cụ thể:

-           Do qui định tại điểm b khoản 2 Điều 58 BLTTHS thì NBC phải đề nghị CQĐT báo trước về thời gian và địa điểm “hỏi cung” bị can, vì vậy CQĐT không có trách nhiệm thông báo cho NBC nếu như không có yêu cầu và nếu chỉ thông báo mà không phải là thông báo “hợp lệ” qua email, nhắn tin, fax hoặc chuyển văn bản qua đường bưu điện thì NBC nhiều khả năng không nhận được thông báo. Mặt khác qui định này chỉ yêu cầu thông báo về lịch “Hỏi cung” còn các hoạt động tố tụng khác thì CQĐT không phải thông báo. Ngoài ra, không chỉ có hoạt động lấy lời khai tại giai đoạn điều tra mà tại giai đoạn truy tố thì KSV cũng có thể tiến hành hoạt động lấy lời khai (phúc cung), tiến hành đối chất với đương sự nhưng BLTTHS không có qui định về việc NBC được thông báo và được quyền tham gia hoạt động tố tụng này.

-           Theo qui định tại NĐ 89/1998 và NĐ 98/2002 thì khi NBC gặp riêng đương sự chỉ được 01giờ/01 lần gặp. Qui định này cho thấy hoàn toàn không phù hợp với thực tế khách quan vì nhiều trường hợp NBC phải kiểm tra, trao đổi với đương sự về các tài liệu chứng cứ của vụ án hoặc những tài liệu chứng cứ mới thu thập được, do đó nếu một ngày NBC làm thủ tục xin gặp đến 02 lần thì cũng chỉ có 02 giờ làm việc. Cũng may, trong thực tế chỉ có một số cơ quan tạm giữ tạm giam áp dụng qui định về thời gian này đối với NBC.

-           Một vấn đề nữa cần đặt ra, là kết thúc phiên tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm thì NBC có được gặp đương sự nữa không và thủ tục giám đốc thẩm có phải là một giai đoạn tố tụng hay không (vì theo Điều 280 BLTTHS thì Tòa án có thể triệu tập NBC tham gia phiên tòa giám đốc thẩm). Theo cách hiểu hiện tại của các cơ quan tạm giữ tạm giam thì sau khi kết thúc các phiên tòa này thì NBC không được gặp đương sự đang bị tạm giam nữa. Nhưng theo qui định tại khoản 4 Điều 27 LLS thì GCNNBC có giá trị trong các giai đoạn tố tụng và việc NBC gặp gỡ trao đổi với đương sự sau khi kết thúc các phiên tòa này rất quan trọng để họ có thể quyết định kháng cáo một phần hoặc toàn bộ bản án cũng như quyết định khiếu nại đề nghị xem xét giám đốc thẩm bản án có hiệu lực pháp luật nếu nhận thấy có sự oan sai, vì trước đó hầu hết các đương sự có sự hiểu biết hạn chế về pháp luật và khi chấp nhận luật sư là họ đặt toàn bộ niền tin cũng như hy vọng của mình vào NBC để bảo chữa và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ. Vì vậy, cần có qui định là NBC vẫn được gặp đương sự ngay sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm thông qua một Thông tư liên tịch của các cơ quan hữu quan hướng dẫn Luật Luật sư và BLTTHS.

Như vậy, những qui định hiện tại của BLTTHS và các văn bản hướng dẫn thi hành có nhiều hạn chế đối với quyền của NBC về gặp gỡ trao đổi với đương sự.

Đề nghị sửa đổi như sau:

-           Khoản 1 Điều 58 được chia thành điểm a và b trong đó điểm b là phần qui định đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia.

-           Gộp điểm a, b, e  khoản 2 Điều 58 BLTTHS và qui định là NBC được gặp gỡ đương sự, tham gia tất cả các hoạt động tố tụng và được quyền đặt các câu hỏi để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án đối với đương sự … và được thông báo hợp lệ về thời gian, địa điểm sẽ diễn ra các hoạt động tố tụng này trừ giai đoạn điều tra theo qui định tại điểm b khoản 1 như đã đề nghị nêu trên

3.         Về qui định liên quan đến Điều 89 BLTTHS:

Theo qui định pháp luật, thì đương sự khi bị tạm guữ, tạm giam bị một số hạn chế về năng lực hành vi dân sự (Ví dụ:theo Điều 12 tại NĐ 139/2007 là buộc phải ủy quyền cho người khác hoặc bị thay thế về chức vụ; không được ứng cử, bầu cử) nhưng những quyền về dân sự khác của đương sự được thực hiện rất hạn chế.  Theo qui định tại NĐ 89/1998 và NĐ 98/2002 thì đương sự phải có văn bản đề nghị gửi đến Ban lãnh đạo Trại tạm giam để xem xét giải quyết và thực tế rất ít khi được thực thi vì không có văn bản hướng dẫn thực thi các quyền này như thế nào.

Đặt ra trường hợp, nếu trước khi bị tạm giữ, tạm giam mà đương sự đã tham gia một giao dịch dân sự hoặc sau khi bị tạm giữ, tạm giam là người tham gia tố tụng trong vụ án dân sự hoặc hành chính thì việc thực thi quyền và nghĩa vụ của họ rất khó được thực hiện. Đã có một số trường hợp đương sự muốn yêu cầu luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình cũng rất khó khăn nếu những người tiến hành tố tụng không ghi nhận yêu cầu này vào biên bản hoặc không thông báo cho thân thân của họ vì cho rằng nếu có luật sư tham gia thì gây thêm khó khăn trong việc chứng minh tội phạm.

Đối với các vụ án dân sự, hành chính liên quan đến đương sự thì việc lấy lời khai của đương sự do thẩm phán được phân công chủ tọa trong vụ án dân sự hoặc hành chính đối với đương sự đang bị tạm giữ, tạm giam cũng rất khó khăn, nếu tiến hành việc thực hiện đối chất hoặc hòa giải với người khác thì khó thực hiện hơn nhiều. Việc đương sự cung cấp tài liệu chứng cứ như thế nào hoặc đương sự ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình qua hợp đồng công chứng cũng rất khó khăn vì chưa có qui định cụ thể và nếu những người tiến hành tố tụng không tạo điều kiện giúp đỡ thì hầu như không thể thực hiện được.

Trong qui định tại NĐ 89/1998 và NĐ 98/2002, thì không có qui định nào về quyền của đương sự chủ động liên hệ trực tiếp với gia đình hoặc luật sư và cũng tùy từng trại tạm giam mà đương sự có thể được gặp thân nhân trước hoặc sau khi xét xử sơ thẩm. Tùy vào tính chủ động của NBC muốn gặp đương sự để thực hiện công việc mà không có trường hợp nào đương sự được quyền thông báo trực tiếp gặp NBC.

Do đó, đương sự bị tạm giữ, tạm giam phải có quyền thông báo trực tiếp cho thân nhân hoặc luật sư của họ bằng điện thoại hoặc bằng thư tín. Việc kiểm soát nội dung thư tín hoặc điện thoại của đương sự cho người thân hoặc luật sư thuộc trách nhiệm của CQTHTT hoặc của cơ quan tạm giữ, tạm giam. Nếu hạn chế việc thông cung của đương sự thì CQTHTT hoặc của cơ quan tạm giữ, tạm giam phải có phương thực nào đó để đương sự thông báo cho thân nhân hoặc luật sư để họ được chủ động thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

4.         Về qui định liên quan đến Điều 90 BLTTHS:

Theo qui định tại khoản 2 và 3 Điều này thì trong trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam có nhà hoặc tài sản khác mà không có người trông nom, bảo quản thì cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh tạm giam phải áp dụng các biện pháp trông nom, bảo quản thích đáng và thông báo cho đương sự những biện pháp đã được áp dụng.

Nếu áp dụng đúng qui định này thì việc áp dụng các biện pháp trông nom, bảo quản có thể thay đổi liên tục do CQĐT,VKS, Tòa xét xử sư thẩm và xét xử phúc thẩm đều có quyền áp dụng các biện pháp. Trong khi đó quyền về tài sản của đương sự lại không được họ tự mình quyết định. Có trường hợp, nếu đương sự có quyền định đoạt ngay những tài sản của mình để khắc phục hậu quả nhưng không được quyết định dẫn đến hậu quả không được khắc phục ngay lên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ mà vẫn buộc phải thi hành án các tài sản này khi bản án có hiệu lực pháp luật..

Vì vậy, khi NBC bị kéo dài thời gian cấp GCNNBC, bị hạn chế gặp gỡ đương sự trong giai đoạn điều tra, đương sự không được trực tiếp liên hệ với gia đình hoặc NBC và không được tự mình định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình thì ngoài trách nhiệm hình sự họ phải gách chịu thì họ còn bị hạn chế rất nhiều về quyền được có người bào chữa, bị hạn chế hoặc thiệt hại về quyền dân sự liên quan đến tài sản.

Điều đó, cho thấy qui định của Điều 90 BLTTHS không phù hợp với thực tế vì nếu trách nhiệm hình sự của đương sự liên quan đến bồi thường hoặc bị tịch thu tài sản, phạt tiền thì đã có qui định tại Điều 146 BLTTHS về kê biên tài sản. Do đó, đương sự phải được chủ động quyết định và định đoạt về tài sản của mình mà không phụ thuộc vào cơ quan tiến hành tố tụng (trừ trường hợp thuộc Điều 146 BLTTHS).

Đề nghị sửa đổi khoản 2 Điều 90 BLTTHS như sau:

Người bị tạm giữ, tạm giam có nhà và tài sản không thuộc trường hợp phải kê biên tài sản theo qui định tại Điều 146 Bộ luật này thì được quyền tự định đoạt theo qui định pháp luật dân sự hiện hành và được cơ quan tiến hành tố tụng tạo điều kiện để thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp nếu thấy cần thiết có thể bổ sung một chương liên quan đến việc giải quyết các quyền lợi và nghĩa vụ của đương sự ngoài trách nhiệm hình sự để đảm bảo thực hiện đúng và đầy đủ điều 4 và điều 7 của BLTTHS.

II.        Về qui định biên bản và hồ sơ vụ án:

1.         Về qui định liên quan đến Biên bản:

Theo qui định tại Điều 95, 125, 132, 136, 138, 139, 154, 200  qui định về Biên bản các hoạt động tố tụng thì chỉ có qui định tại Điều 132 và 200 là có qui định bổ sung về ghi âm và ghi hình nhưng không xác định việc ghi âm, ghi hình này có tác đụng gì trong hoạt động tố tụng. Ngoài ra, BLTTHS không qui định về lập biên bản tại phiên tòa phúc thẩm (chỉ có trong hướng dẫn của HĐTPTANDTC).

Trong thực tế có rất nhiều bị cáo khi ra Tòa phản cung với lý do bị ép buộc, bị dùng nhục hình, bị yêu cầu ký khống vào biên bản hoặc có vi phạm tố tụng do không có người giám hộ, NBC tham gia khi lấy lời khai nhưng tại các phiên tòa thì hầu như những lý do của đương sự không được chấp nhận vì không có gì làm bằng chứng.

Hiện nay việc ghi âm và có thể ghi hình các hoạt động tố tụng không khó khăn thì các phương tiện kỹ thuật dẫn sẵn và dễ xử dụng. Về kinh phí để mua sắn các phương tiện này cũng không lớn và trong thực tế, đã phần các tòa án đã được lắp đặt các thiết bị ghi âm và ghi hình về diễn biến phiên tòa. Hiện tại trong hoạt động tố tụng hình sự của một số nước tiên tiến cho thấy các hoạt động tố tụng của họ đầy được ghi âm bằng máy chuyên dụng để đảm bảo tính khách quan, trung thực của quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Điều đó thể hiện việc ghi âm lại toàn bộ quá trình hoạt động tố tụng là có thể thực hiện được và có tính khả thi cao.

Tại các phiên tòa xét xử, thư ký phiên tòa không thể ghi chi tiết và đầy đủ được diễn biến của phiên tòa về lời khai, lời trình bày của những người tham gia tố tụng, của KSV, của NBC và nội dung đối đáp của các bên. Thực tế có rất ít trường hợp NBC được đáp ứng về yêu cầu xem biên bản phiên tòa ngay sau khi kết thúc vì thường được chủ tọa hẹn sau thời gian vài ngày mới được xem xét và cho ý kiến.

Ở một góc độ nào đó, việc ghi Biên bản thường mang yếu tố chủ quan và định hướng của người ghi, do đó nó không thể phản ánh đầy đầy đủ và chính xác nội dung đã diễn ra. Vì vậy cần phải ghi âm lại toàn bộ diễn biến của sự kiện đã diễn ra để kiểm chứng với biên bản ghi trên giấy trong trường hợp có người tham gia không đồng ý với nội dung của biên bản và góp phần hạn chế việc tùy tiện cũng như đưa yếu tố chủ quan của người ghi vào biên bản.

Vì vậy, cần đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 95 như sau:

Khi tiến hành các hoạt động tố tụng thì cùng với việc ghi biên bản theo mẫu thì phải được ghi âm và có thể ghi hình nếu thấy cần thiết, bản ghi âm và ghi hình các hoạt động tố tụng đã diễn ra được lưu kèm với hồ sơ vụ án để đối chiếu vớicác tài liệu của vụ án khi có yêu cầu.

1.     2. Về các qui định liên quan đến lập hồ sơ vụ án:

Trong quá trình tham gia hoạt động tố tụng hình sự cho thấy đã có trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng không đưa các tài liệu thu thập được cũng như các biên bản lấy lời khai của đương sự vào hồ sơ vụ án nếu nhận thấy rằng các tài liệu này không phù hợp với định hướng buộc tội đương sự.

Để hạn chế tối đa hành vi này có thể diễn ra, cần có qui định về bìa hồ sơ của từng giai đoạn tố tụng ghi lại đầy đủ nhật trình làm việc của cơ quan tiến hành tố tụng để xác định các tài liệu trong hồ sơ vụ án được thu thập đầy đủ và đúng qui định của Bộ luật tố tụng Hình sự.

III.       Về những qui định không được thực thi:

Như trên đã trình bày, liên quan đến quyền lợi của đương sự về tài sản và các quyền khác nhưng vì lý do khác nhau họ không được thay đổi biện pháp tạm giữ, tạm giam và cũng không được áp dụng qui định tại Điều 93 về Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để đảm bảo.

Có một số lý do cho rằng nếu áp dụng qui định này dẫn tới không bình đẳng khi người có tiền thì được thay đổi biện pháp tạm giam còn người nghèo thì không thay đổi biện pháp tạm giam vì không có tiền để đảm bảo, nhưng lại không vận dụng qui định có lợi cho bị can, bị cáo và trên bình diện pháp lý thì những tài sản đặt đảm bảo để thay đổi biện pháp tạm giam đều là tài sản hợp pháp và được pháp luật bảo hộ.

Ngoài ra, cũng cần mở rộng qui định Điều 93 vì theo qui định của khoản 1 Điều này thì tiền hoặc tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của đương sự trong khi có có thể có người khác đứng ra thực hiện việc đảm bảo này. Mặt khác cần có hướng dẫn cụ thể để Điều luật này được áp dụng trong hoạt động tố tụng hình sự vì hầu như từ trước đến nay Điều luật này không được áp dụng trong thực tế.

Trên đây là một số nội dung tổng hợp ý kiến đóng góp của các luật sư, người tập sự hành nghề luật sư của Văn phòng xin kính gửi đến Ban Chủ nhiệm để đóng góp ý kiến với Hội thảo khoa học về sửa đổi bổ sung BLTTHS. Kính mong rằng những nội dung đóng góp nêu trên góp được phần nhỏ bé để các qui định của BLTTHS được sửa đổi bổ sung trong thời gian tới nhằm đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa cũng như quyền lợi hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo cũng như quyền và nghĩa vụ của luật sư được đảm bảo và tôn trọng.

Trân trọng!

Luật sư Vũ Công Dũng

Nguồn: Theo luatsuhanoi.vn

THỰC TIỄN ĐIỀU TRA, TRUY TỐ, XÉT XỬ VÀ THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

ThS. Đỗ Thị Phượng

Khoa Luật Hình sự Trường Đại học Luật Hà Nội

1. Thực tiễn thi hành các qui định về thủ tục tố tụng trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố.

Từ năm 1997 đến năm 2007, ở Việt Nam có tổng số khoảng 903.726 người bị khởi tố, trong đó có 60.346 người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi chiếm tỷ lệ 6,68%. Nhìn chung công tác khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can là người chưa thành niên ngày càng được cải thiện. Điều tra viên đã chú ý tới việc tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm, kiểm tra tin báo, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, quần chúng ở địa phương trong việc thu thập các dấu hiệu của tội phạm của người chưa thành niên. Tội phạm do người chưa thành niên thực hiện chủ yếu trong lĩnh vực xâm phạm sở hữu như: Trộm cắp tài sản, cướp tài sản, cướp giật tài sản, tàng trữ, mua bán trái phép các chất ma tuý… Điều đó khẳng định số lượng điều tra các vụ án mà bị can là người chưa thành niên ngày càng nhiều hơn. Trong quá trình điều tra, nhiều Điều tra viên cũng đã chú ý đến các thủ tục đặc biệt dành cho các em như có người đại diện hợp pháp, người bào chữa tham gia, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, giao bị can cho cha mẹ hoặc người giám hộ giám sát… So với trước đây, trình độ hiểu biết của Điều tra viên về người chưa thành niên đã được nâng lên rõ rệt. Điều tra viên đã quan tâm hơn tới quy cách làm việc, đối xử với người chưa thành niên trong quá trình điều tra như đã phân biệt được cách hỏi cung người chưa thành niên với người thành niên, đã hiểu và tôn trọng hơn các quyền trẻ em, muốn tìm ra các điều kiện để giáo dục các em. Trong giai đoạn truy tố, VKS các cấp đã thực hiện đúng thẩm quyền của mình trong việc xử lí án do người chưa thành niên thực hiện theo đúng quy định của BLTTHS năm 2003 và BLHS. Những năm gần đây, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, của các tổ chức xã hội trong và ngoài nước tới người chưa thành niên nói chung và người chưa thành niên phạm tội nói riêng nên nhìn chung chất lượng giải quyết các vụ án bị can, bị cáo là người chưa thành niên cũng đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, trên thực tế việc khởi tố, điều tra loại án này vẫn còn nhiều vi phạm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên. Các CQĐT chấp hành các quy định của pháp luật còn mang tính hình thức mà chưa chú ý đến bản chất của các quy định đó. Một số vướng mắc, hạn chế chủ yếu trong công tác khởi tố, điều tra, truy tố, đó là:

+ Điều tra viên khi tiến hành điều tra các loại án này chưa có đầy đủ những hiểu biết cần thiết về tâm lí học, về khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm người chưa thành niên.

Hiệu quả của hoạt động tố tụng trong những vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên, hiệu quả của công tác phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội chỉ có thể đạt được trên cơ sở những người tiến hành tố tụng nắm vững được những đặc điểm tâm lí, khoa học giáo dục người chưa thành niên. Hiện nay, ở Việt Nam chưa có một đội ngũ chuyên trách giải quyết những vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên. Đây là một nhược điểm rất khó khắc phục do vấn đề biên chế đội ngũ cán bộ hiện nay. Do số lượng án hình sự nói chung, án do người chưa thành niên thực hiện nói riêng mỗi năm tăng dẫn đến tình trạng thiếu người hoặc một người phải kiêm giải quyết nhiều loại việc. Do qui định của pháp luật về tiêu chuẩn của những người tiến hành tố tụng giải quyết những vụ án loại này còn quá chung chung cho nên trên thực tế nhiều CQĐT hầu như không phân biệt vụ án có người chưa thành niên hay không trong việc phân công Điều tra viên điều tra vụ án.

+ Việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết loại án do người chưa thành niên thực hiện còn hạn chế, vẫn theo thủ tục chung mà chưa chú ý đúng mức đến những thủ tục đặc biệt giành cho họ.

Vì không được trang bị kiến thức đầy đủ về tâm lí, giáo dục người chưa thành niên và phải kiêm nhiều loại việc cho nên những người được phân công giải quyết loại án này thường không xác định rõ được là đối với loại án người chưa thành niên cần phải có sự chuẩn bị kĩ càng hơn. Do vậy mà các cơ quan tiến hành tố tụng chưa có sự phối hợp tích cực. Bên cạnh đó, do BLTTHS chưa phân định rõ ràng trách nhiệm giữa các CQĐT hay giữa CQĐT với VKS nên dẫn đến nhiều trường hợp các cơ quan này cùng kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố trong cùng một vụ việc hoặc dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm không cơ quan nào khởi tố dẫn tới bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Nhiều Điều tra viên chưa chú ý đến việc điều tra về nguyên nhân, điều kiện phạm tội, điều kiện sinh sống, giáo dục của gia đình, nhà trường. Vấn đề này có tính phổ biến vì CQĐT mới chỉ quan tâm đến mặt chứng cứ, xác định có phạm tội hay không, việc bỏ thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về điều kiện sinh sống giáo dục của người chưa thành niên chưa được chú trọng. Trong quá trình hỏi cung bị can, vẫn còn những Điều tra viên chưa chú ý đến đặc điểm tâm sinh lý của người chưa thành niên nên vẫn còn xảy ra tình trạng đe doạ, quát mắng, đánh các em gây cho các em tâm lý sợ hãi, căng thẳng. Việc giáo dục, cảm hóa người chưa thành niên phạm tội phải được thực hiện ngay trong quá trình khởi tố, điều tra. Tuy nhiên không phải người tiến hành tố tụng nào cũng nhận thức rõ điều đó. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do họ phải giải quyết một lượng án lớn trong một thời gian nhất định nên họ chưa có sự quan tâm đúng mức đến tầm quan trọng trong việc giáo dục, giúp đỡ tới bị can là người chưa thành niên. Mặt khác do chưa có những hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật hỏi cung bị can chưa thành niên nên nhiều Điều tra viên không có sự phân biệt giữa hỏi cung bị can thành niên và bị can chưa thành niên khác nhau như thế nào.

+ Vẫn còn tình trạng CQĐT gây khó khăn cho người bào chữa hoặc không mời người đại diện hợp pháp, đại diện gia đình, thầy giáo, cô giáo tham gia trong các vụ án mà bị can là người chưa thành niên.

Việc người bào chữa tham gia từ khi có khởi tố bị can hoặc từ khi có quyết định tạm giữ, nhất là đối với người bị tạm giữ, bị can là người chưa thành niên, là một thủ tục vô cùng quan trọng vì nó sẽ bảo vệ được quyền lợi của người chưa thành niên, tạo cho họ tâm lí bình tĩnh, tự tin tránh những xúc động, sợ hãi. Ngoài ra có trường hợp lời khai bất lợi do bị can viết ra làm cho tình thế thêm tồi tệ thì một luật sư có mặt khi viết lời khai sẽ giúp ích trong việc trình bày vụ án. Hiện nay đã có nhiều thay đổi trong nhận thức của những người tiến hành tố tụng về những vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên, chính vì thế mà quyền lợi của người chưa thành niên cũng được tôn trọng và bảo vệ hơn, trong đó có quyền bào chữa. Một số nơi luật sư có mặt trong khi lấy cung hoặc có những luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo mà không có thù lao. Tuy nhiên, CQĐT không phải lúc nào cũng tôn trọng nhu cầu cần có luật sư của bị can là người chưa thành niên. Phần lớn các CQĐT, VKS không có danh sách Luật sư sở tại hoặc của địa phương khác đang hành nghề trên địa bàn thuộc thẩm quyền của mình để cho người bị tạm giữ, bị can chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ có thể lựa chọn, yêu cầu hoặc thực hiện quyền yêu cầu thay đổi, do đó các CQĐT và VKS thường bị động khi lựa chọn người bào chữa cho bị can chưa thành niên. Một số cán bộ điều tra cho rằng sự tham gia của luật sư rất dễ cản trở cho cuộc điều tra cho nên họ không thích có luật sư tham gia vào các buổi hỏi cung. Quy trình để có một luật sư vào trại giam cũng rất phức tạp, đòi hỏi phải có giấy giới thiệu và giấy phép của công an do đó luật sư muốn gặp bị can nhưng vì ngại các thủ tục hành chính phiền hà nên cũng không gặp được bị can. Việc cấp giấy chứng nhận cho người bào chữa cũng được mỗi địa phương thực hiện khác nhau. Có địa phương người bào chữa thông qua Điều tra viên, có địa phương người bào chữa gửi văn bản đến các trại giam nhờ lấy ý kiến của người bị tạm giữ, tạm giam. Mặt khác, đã và đang xảy ra tình trạng Điều tra viên viện cớ để trì hoãn việc cấp giấy chứng nhận hoặc gây khó khăn cho người bào chữa khi thực hiện nhiệm vụ. Chính từ thực trạng này, bên cạnh đó, để đảm bảo quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và tạo điều kiện thuận lợi cho người bào chữa thực hiện quyền và trách nhiệm của mình, Bộ Công an đã có Công văn số 45/C16(P6) ngày 26-01-2007 yêu cầu lãnh đạo các đơn vị các CQĐT, Điều tra viên phải luôn có nhận thức đúng đắn về việc đảm bảo quyền lợi của người bị tạm giữ, tạm giam theo luật định. Trong trường hợp nhân thân của người bị tạm giữ, tạm giam có đơn yêu cầu luật sư, người bào chữa thì các đơn vị có liên quan như Trại tạm giam, nhà tạm giữ, CQĐT cần hướng dẫn luật sư, người bào chữa gửi đơn của họ kèm theo các giấy tờ có liên quan đến việc xin cấp “giấy chứng nhận người bào chữa” đến cơ quan thụ lý vụ án. Điều tra viên thụ lý vụ án có trách nhiệm tiến hành ngay việc lấy ý kiến của người bị tạm giữ, tạm giam về việc đồng ý hoặc từ chối mới luật sư hoặc người bào chữa để xem xét. Công văn cũng chỉ rõ về việc Điều tra viên cần tạo điều kiện và thời gian để người bào chữa thực hiện nhiệm vụ, tránh các việc làm như: Viện cớ bị can đang bị ốm, điều tra viên đang bận việc khác, thông báo quá gấp thời gian tiến hành hỏi cung… Đối với trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa (khoản 2 Điều 57 BLTTHS), CQĐT phải chủ động thực hiện, đây là vấn đề bắt buộc. Nếu không thực hiện thì các biên bản hỏi cung sẽ không có giá trị pháp luật. Trước đây, khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vì không có người bào chữa cho bị can là người chưa thành niên từ giai đoạn điều tra thì BLTTHS năm 2003 cũng chưa có một điều khoản nào ràng buộc trách nhiệm của CQĐT, VKS. Do đó, những vi phạm loại này vẫn tiếp diễn. Có trường hợp Điều tra viên, Kiểm sát viên thuyết phục bị can là người chưa thành niên và người đại diện hợp pháp của họ “từ chối’ người bào chữa. Song không chỉ là sự nhận thức chưa đúng đắn về vị trí quan trọng của người bào chữa trong các vụ án hình sự từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng mà còn từ phía người dân. Vẫn còn nhiều người chưa có thói quen có các luật sư can thiệp trong các vụ án. Có nhiều trường hợp là do họ không biết mình có quyền được mời người bào chữa, cũng có trường hợp họ không biết được quy định của pháp luật bị can, bị cáo là người chưa thành niên thì sẽ được CQĐT yêu cầu Đoàn luật sư cử người bào chữa tham gia từ giai đoạn điều tra nếu như họ không mời. Rõ ràng trong một thời gian dài chúng ta không có những qui định chặt chẽ về trách nhiệm của người tiến hành tố tụng trong trường hợp không yêu cầu Đoàn luật sư cử người bào chữa cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên. Thực tiễn cho thấy, trong những trường hợp tại giai đoạn điều tra, CQĐT không yêu cầu Đoàn luật sư đề nghị Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ thì trong giai đoạn xét xử, TA sẽ chỉ định người bào chữa cho bị cáo. Tuy nhiên, điều này không đảm bảo được quyền bào chữa cho người chưa thành niên và vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng vẫn cứ tiếp diễn. Để khắc phục tình trạng này, TANDTC đã có Công văn 26/KHXX ngày 28-02-2007 đã có hướng dẫn như sau: Trường hợp thụ lý để xét xử sơ thẩm, thì TA căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 170 của BLTTHS trả hồ sơ vụ án cho VKS để điều tra bổ sung.

Trong những vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên thì sự tham gia của đại diện hợp pháp, đại diện gia đình và các tổ chức xã hội cũng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Do qui định về việc tham gia tố tụng của gia đình, nhà trường và tổ chức xã hội cũng còn nhiều bất cập, không cụ thể, nên dễ dẫn đến tình trạng các cơ quan tiến hành tố tụng lạm quyền, không muốn họ tham gia với lí do cần giữ bí mật điều tra. Trong một số trường hợp, người giám hộ bị cấm không được tiếp xúc với trẻ khi trẻ đang bị tạm giữ ở trụ sở công an. Một số em và người giám hộ cho biết cha mẹ khi đến thăm con mình ở trụ sở công an được cho phép tiếp tế thực phẩm, nhưng không được phép gặp và nói chuyện với trẻ. Thực tiễn cũng cho thấy, có nhiều em có bố mẹ đi cùng đến trụ sở cơ quan công an hoặc đến thăm các em ở trụ sở cơ quan công an khi các em bị bắt, nhưng cha mẹ không được phép có mặt trong buổi hỏi cung. Một số giám hộ khác ký vào biên bản hỏi cung mặc dù thực tế thì họ không hề có mặt trong buổi hỏi cung đó. Không có trẻ em nào có giáo viên hoặc đại diện tổ chức quần chúng có mặt trong quá trình hỏi cung. Hơn nữa, đối với những bị can, bị cáo sống lang thang, không có nơi cư trú thì quy định như trên chỉ mang tính hình thức. Một số cha, mẹ ký vào biên bản hỏi cung mặc dù thực tế họ không hề có mặt trong buổi hỏi cung đó. Không có người chưa thành niên nào có giáo viên hoặc đại diện tổ chức quần chúng có mặt trong quá trình hỏi cung. Do tuổi còn nhỏ và đặc tính dễ bị tổn thương, tâm lý sợ công an nên trẻ em rất nhạy cảm với việc ép buộc hơn người thành niên, do đó dễ dẫn đến những lời khai không đúng, gây bất lợi cho mình. Khi Điều tra viên vẫn sử dụng các chiến thuật hỏi cung như hỏi cung với bị can là người thành niên, lại không có đại diện gia đình của bị can chưa thành niên, sẽ gây nên sự sợ hãi, căng thẳng cho trẻ em. Điều đó không những ảnh hưởng đến quyền lợi của các em mà còn dẫn đến vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

+ Vi phạm chủ yếu trong giai đoạn truy tố là VKS truy tố người dưới 14 tuổi hoặc người dưới 16 tuổi chỉ phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng.

VKS với chức năng, nhiệm vụ vừa là cơ quan trực tiếp tiến hành tố tụng vừa là cơ quan kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình tố tụng, cho nên VKS có vai trò rất lớn trong việc giải quyết vụ án hình sự, bảo đảm việc xử lí nghiêm minh đúng người, đúng tội, nhất là đối với bị can là người chưa thành niên. Trong vòng 11 năm (từ năm 1997 đến năm 2007), ngành kiểm sát đã xử lí 44.168 bị can là người chưa thành niên (trung bình mỗi năm xử lí hơn 4000 bị can là người chưa thành niên) trong đó truy tố 42.538 bị can chiếm 96,11%, đình chỉ 1.630 bị can chiếm 3,89% (xem phụ lục số 6). Số bị can chưa thành niên bị đình chỉ có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây đã cho thấy chất lượng điều tra đã được cải thiện rõ rệt, ít có những trường hợp khởi tố không đúng người, đúng tội. Số bị can bị đình chỉ hoặc đình chỉ do miễn trách nhiệm hình sự ít hơn so với trước đây. Điều này cũng cho thấy rằng CQĐT “đã thận trọng hơn trước đây. Nếu hồ sơ được chuẩn bị không đầy đủ hoặc chứng cứ đáng nghi ngờ hoặc thiếu, công an có thể bị kỷ luật. Do đó, chỉ những vụ án đã rõ mới chuyển đi để truy tố và xét xử”. Song cũng không phải là tất cả các hồ sơ của CQĐT chuyển sang đều có đầy đủ chứng cứ hoặc được chuẩn bị một cách kỹ càng mà đôi khi VKS đã không làm tròn trách nhiệm của mình. Thực tế cho thấy, vẫn có nhiều hiện tượng những hồ sơ vụ án do CQĐT chuyển sang VKS “không điều chỉnh được tí gì”.

Có rất nhiều vụ án sau khi nhận được hồ sơ vụ án cùng với bản kết luận điều tra của CQĐT, VKS không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án mà đã ra quyết định truy tố bị can đến TA dẫn đến TA lại trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì còn thiếu những chứng cứ quan trọng đối với vụ án hoặc có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

2. Thực tiễn thi hành các qui định về thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử

Trong vòng 11 năm (1997- 2007), tổng số bị cáo là người chưa thành niên đã bị xét xử sơ thẩm trên toàn quốc là 42.293 người trong tổng số 913.870 bị cáo nói chung. Như vậy số bị cáo là người chưa thành niên bị đưa ra xét xử sơ thẩm chiếm 4,63 % trong tổng số bị cáo. Qua diễn biến số bị cáo là người chưa thành niên đã bị xét xử sơ thẩm cho thấy, có sự tăng giảm không đồng đều trong vòng 11 năm trở lại đây. Số bị cáo bị đưa ra xét xử nhiều nhất là vào năm 2005 với 6.05% và số lượng được đưa ra xét xử thấp nhất là năm 2004 với 2.75%. Cũng giống như CQĐT, VKS, TA khi xét xử sơ thẩm những vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên thì ngoài việc phải tuân thủ các quy định chung của BLTTHS năm 2003 còn phải đảm bảo cho các quy định đặc biệt đối với người chưa thành niên được thực hiện. Mặc dù BLTTHS năm 2003 quy định về các thủ tục đặc biệt như sự tham gia của người bào chữa, của gia đình và các tổ chức xã hội, về thành phần Hội đồng xét xử, hình thức xét xử… rất cụ thể, tuy nhiên trên thực tế, việc thực hiện những quy định này gặp không ít khó khăn. ở một số địa phương vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật vẫn xảy ra dẫn đến khi xét xử phúc thẩm, TA cấp phúc thẩm phải huỷ án để điều tra lại hoặc xét xử sơ thẩm lại vụ án

Một số những vướng mắc thường gặp ở các TA địa phương, đó là:

+ Vẫn còn tình trạng không có người bào chữa, người đại diện hợp pháp tham gia trong các phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm.

Bên cạnh sự thiếu hiểu biết đó còn có tình trạng làm bừa, làm ẩu dẫn đến việc xét xử bị vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của những người tiến hành tố tụng. Tình trạng không có người bào chữa cho bị cáo là người chưa thành niên tại phiên toà vẫn xảy ra ở một số địa phương trong cả nước.

Có những vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên không có người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng. Một trong những nguyên nhân chính của những vi phạm này là các qui định về người đại diện hợp pháp trong BLTTHS năm 2003 vẫn chưa cụ thể, rõ ràng cho nên khi áp dụng, các cơ quan tiến hành tố tụng đã không yêu cầu người đại diện hợp pháp tham gia để bảo vệ quyền lợi cho bị cáo là người chưa thành niên. Trong khi xét xử bị cáo là người chưa thành niên, có rất nhiều vụ án đã không có đại diện gia đình và các tổ chức xã hội tham gia tố tụng, đặc biệt là đối với những vụ án mà bị can, bị cáo sống lang thang, không rõ lí lịch. Việc tham gia phiên toà của đại diện gia đình, đại diện của nhà trường hoặc các tổ chức xã hội chủ yếu là chỉ đến xem toà xét xử và nghe toà tuyên án. Và như vậy thì việc tham gia của họ chỉ mang tính hình thức và thụ động theo quyết định của TA để hợp pháp hoá phiên toà vì nếu không sẽ vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến huỷ án. BLTTHS quy định trong khi xét xử những vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên thì Hội đồng xét xử phải có một Hội thẩm nhân dân là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên, nhưng thực tế cho thấy, cơ cấu Hội thẩm nhân dân lại không phù hợp, số lượng Hội thẩm là giáo viên, cán bộ Đoàn thanh niên còn ít hơn so với yêu cầu xét xử. Thêm vào đó, nhiều người Hội thẩm nhân dân là giáo viên, cán bộ Đoàn lại không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình và rất khó khăn cho TA khi mời các vị Hội thẩm nói trên tham gia xét xử, có thể vì bận công tác nhưng trong đó chắc chắn có nguyên nhân thiếu nhiệt tình và ý thức trách nhiệm không cao. Việc mời Hội thẩm nhân dân của TA cũng chưa đến được tất cả các Hội thẩm nhân dân, mới chỉ tập trung ở một số Hội thẩm có điều kiện thường xuyên tham dự phiên toà. Cũng chính từ những lí do trên mà việc xét xử một số vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên ở một số nơi đã có những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng dẫn đến tình trạng TA cấp trên phải huỷ án yêu cầu xử sơ thẩm lại từ đầu…

+ Vẫn còn nhiều Thẩm phán thiếu những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với bị cáo là người chưa thành niên khi xét xử.

Khi đánh giá về sự thay đổi trong nhận thức của Thẩm phán thụ lí các vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên, Báo cáo lượng giá dự án tư pháp người chưa thành niên đưa ra nhận xét: Trước đây các Thẩm phán thường có khuynh hướng rất triệt để, tuân thủ các nguyên tắc giấy tờ theo từng chữ. Bây giờ họ đối xử với trẻ em bằng tình thương lớn hơn, và chú ý đến các em hơn. Có vẻ họ thực bụng cố gắng giúp đỡ các em. Thậm chí có vẻ nhiều lúc, họ giúp các em vài manh mối để các em trình bày tình huống của mình một cách có lợi nhất. Đã có những Thẩm phán trong Hội đồng xét xử lưu ý và đặt câu hỏi đơn giản, giải thích cặn kẽ cho bị cáo là người chưa thành niên, nhưng cũng có một số thẩm phán còn thiếu những hiểu biết cần thiết về tâm lý người chưa thành niên. Đôi khi cũng khó khăn cho các thẩm phán giữ trạng thái, tinh thần phù hợp với người chưa thành niên nếu cùng ngày hôm đó thẩm phán phải xét xử những vụ án mà bị cáo là người thành niên. Có tình trạng lúng túng này là do một phần lớn số Thẩm phán được phân công xét xử những vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên không có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như hoạt động đấu tranh phòng và chống tội phạm của người chưa thành niên. Do đó, vẫn còn những Thẩm phán thể hiện thái độ nghiêm trọng và giận dữ khi thẩm vấn các em làm cho các em cảm thấy sợ hãi, căng thẳng. Có thể nhận thấy rằng, không khí trang nghiêm tại phòng xử án, thái độ lạnh lùng, quát tháo của Thẩm phán đã ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng khai báo hiệu quả và tham gia đầy đủ vào quá trình tố tụng của bị cáo là người chưa thành niên. Các phiên toà xét xử bị cáo là người chưa thành niên được diễn ra công khai, có nhiều người dân tham dự, có rất ít các vụ án được xét xử kín, trong khi đó có nhiều vụ án còn được đưa ra xét xử lưu động cũng làm tăng thêm cảm giác sợ hãi, lo lắng bị kỳ thị của các em.

3. Thực tiễn thi hành các qui định về thủ tục tố tụng trong giai đoạn thi hành án

Nhìn chung trong những năm gần đây việc quản lý, giáo dục người chưa thành niên phạm tội đã được chú ý, coi trọng hơn trước. Các cơ quan có thẩm quyền thi hành các biện pháp tư pháp, án treo, cải tạo không giam giữ đã có nhiều cố gắng trong việc phối hợp với các tổ chức, chính quyền cơ sở để có những biện pháp giáo dục phù hợp đối với người chưa thành niên phạm tội. Các trại giam đã cố gắng đảm bảo việc thực hiện các qui định của pháp luật về chế độ giam giữ như ăn uống, học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí, lao động, khám sức khoẻ định kỳ cũng như quan tâm đến công tác xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ thi hành hình phạt tù. Sau khi người chưa thành niên phạm tội trở về địa phương, chính quyền cơ sở đều có gắng tìm kiếm giải pháp tạo việc làm, ổn định đời sống cho họ. Trên cơ sở việc tổ chức tiếp nhận, trình báo, các địa phương thường phối hợp với các đoàn thể tiếp thu tâm tư, nguyện vọng của các em để từ đó có kế hoạch giúp đỡ, cụ thể như giới thiệu, bố trí việc làm, cho vay vốn để sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình. Một số địa phương cũng có hoạt động phối hợp với trung tâm dạy nghề, sở lao động thương binh- xã hội dạy nghề miễn phí cho các em. Mặc dù vậy, công tác thi hành án hình sự đối với người chưa thành niên vẫn còn những hạn chế, vướng mắc sau:

+ Công tác thi hành án treo, cải tạo không giam giữ đối với người bị kết án là người chưa thành niên có lúc, có nơi vẫn còn buông lỏng, chính quyền cơ sở ở một số địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm sát sao đến vấn đề này.

Hiện nay tỷ lệ người chưa thành niên bị các TA ở Việt Nam kết án tù cho hưởng án treo cao hơn hẳn so với việc áp dụng các loại hình phạt khác. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa có những quy định chặt chẽ, cụ thể về chế độ chấp hành án treo, do đó việc thi hành còn chưa nghiêm. Bên cạnh đó, do không nắm được các quy định của pháp luật về loại hình phạt này nên người bị kết án là người chưa thành niên và đại diện gia đình có những hiểu nhầm, hiểu sai về nội dung của án treo. Họ cho rằng án treo không phải là hình phạt cho nên dẫn đến tâm lí coi thường việc thực hiện bản án hoặc không biết thực hiện. Trong thời gian thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo, do không được giám sát chặt chẽ, giáo dục và sự quan tâm từ phía gia đình, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội, không có sự phối hợp theo dõi từ phía các cơ quan thi hành án hình sự nên người chưa thành niên lại tiếp tục phạm tội.

+ Mặc dù số người chưa thành niên chiếm tỷ lệ khá cao trong các trại giam những năm gần đây nhưng các điều kiện giam giữ, chế độ sinh hoạt của người chưa thành niên có những nơi vẫn chưa được đảm bảo.

Theo số liệu thống kê của Cục V26, Bộ Công an về số lượng người chưa thành niên đang chấp hành hình phạt tù tại các trại giam cho thấy, số người chưa thành niên bị phạt tù giam trên cả nước là rất lớn. Trong vòng 6 năm (1998-2005), trên cả nước có 17.287 bị cáo là người chưa thành niên bị xử phạt tù giam chiếm 58,97% trong tổng số bị cáo là người chưa thành niên bị đưa ra xét xử. Tuy nhiên việc giam riêng người chưa thành niên còn đạt tỷ lệ tương đối thấp. Mặc dù Nhà nước và Ban giám thị các trại giam đã có nhiều cố gắng song do điều kiện vật chất của các cơ sở giam giữ, cải tạo còn hạn chế nên việc giam riêng người chưa thành niên bị phạt tù chưa được thực hiện tốt. Chế độ ăn ở, sinh hoạt ở một số trại giam chưa thực sự đảm bảo vệ sinh nên vẫn còn tình trạng các phạm nhân mắc bệnh ngoài da, các điều kiện chăm sóc y tế còn nhiều hạn chế, nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong các trại giam khá lớn. Điều kiện vui chơi giải trí của phạm nhân là người chưa thành niên vẫn chưa được tốt, chưa có công cụ, vật dụng phục vụ giải trí nào khác (như thư viện, dụng cụ thể thao…) cho phạm nhân nói chung và phạm nhân là người chưa thành niên nói riêng. Do điều kiện cơ sở vật chất còn quá nghèo nàn, thiếu trang thiết bị để học và thực hành nghề nên ở một số trại giam vẫn chưa tổ chức được việc học nghề cho người chưa thành niên. Đa phần các trại giam mới chỉ lo được việc kiếm việc làm (chủ yếu là lao động thủ công như đóng gạch, phụ xây, đào ao hồ…) và các hoạt động tăng gia sản xuất mang tính chất tự cấp tự túc trong bản thân các trại giam như nuôi lợn, trồng rau, làm vườn… mà chưa thực hiện được việc đào tạo nghề một cách thích hợp. Việc học văn hoá nhìn chung đã được thực hiện đầy đủ cho phạm nhân là người chưa thành niên trong các trại giam theo chương trình rút gọn chỉ tập trung vào một số môn cơ bản. Về vấn đề miễn giảm án được thực hiện khá tốt. Việc chuẩn bị cho người chưa thành niên hết hạn tù tái hoà nhập cộng đồng tại các trại giam được tiến hành một cách thụ động. Một số địa phương, Ban giám thị chỉ gửi công văn cho chính quyền địa phương trước khi người chưa thành niên được trả tự do sau đó cấp tiền, tàu xe cho người chưa thành niên tự về nếu không có người đến đón. Người chưa thành niên sau khi được trả tự do không được biết về tình hình và khả năng đón nhận của địa phương nên thường có tâm lí hoang mang, lo lắng.

+ Việc áp dụng các biện pháp tư pháp còn chưa mang lại hiệu quả cao. Giữa TA với Uỷ ban nhân dân địa phương, nhà trường, tổ chức được giao nhiệm vụ giám sát và giáo dục chưa có sự phối hợp đồng bộ.

Nhiều khi việc tuyên án của TA chỉ trong bản án chưa được Uỷ ban nhân dân địa phương, nhà trường, tổ chức xã hội thực hiện hoặc có thực hiện nhưng không thường xuyên, không đều đặn, có chăng chỉ được thực hiện ở thời gian đầu. Mặt khác, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa TA và cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương, nơi có trách nhiệm giám sát, giáo dục người chưa thành niên phạm tội. Đối với biện pháp “đưa vào trường giáo dưỡng” hiện nay cũng có những khó khăn nhất định về cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt, học tập, vui chơi, giải trí cho nên cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục người chưa thành niên tại các trường giáo dưỡng. Vấn đề này đòi hỏi sự quan tâm và đầu tư hơn nữa của Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, qua những số liệu và kết quả điều tra về thực tiễn áp dụng các quy định của BLTTHS năm 2003 về khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự đối với những vụ án mà bị can, bị cáo, người bị kết án là người chưa thành niên, chúng tôi thấy, mặc dù các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều cố gắng thực hiện các quy định của BLTTHS nhưng ở một số địa phương vẫn còn những hạn chế, tồn tại, thậm chí còn vi phạm nghiêm trọng các qui định của BLTTHS.

NHỮNG BẤT CẬP VÀ HƯỚNG HOÀN THIỆN THỦ TỤC RÚT GỌN TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CẢI CẢI CÁCH TƯ PHÁP

Hoàng Thị Minh Sơn

Khoa Luật Hình sự Trường Đại học Luật Hà Nội

1. Để tránh tình trạng kéo dài không cần thiết quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự cũng như tình trạng tồn đọng án, đồng thời với mục đích bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích chính đáng của những người tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) đã quy định thủ tục rút gọn tại chương XXXIV. Về vấn đề này, Nghị quyết số 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã xác định: “Nghiên cứu để quy định và thực hiện thủ tục rút gọn đối với những vụ án đơn giản, phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng, hậu quả ít nghiêm trọng”. Với tinh thần đó, BLTTHS (Bộ luật tố tụng hình sự) năm 2003 đã khôi phục thủ tục rút ngắn trước đây được áp dụng để điều tra, truy tố và xét xử đối với những vụ án hình sự ít quan trọng, phạm tội quả tang, đơn giản, rõ ràng,( ) nay gọi là thủ tục rút gọn và giành một chương quy định về thủ tục này nhưng hiện nay ít được các cơ quan tiến hành tố tụng quan tâm, chú ý đến việc áp dụng để giải quyết vụ án hình sự. Cùng với công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước trên mọi lĩnh vực trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 48-NQ/TƯ ngày 25/5/2005 về chiến lược xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TƯ ngày 2/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã chỉ rõ việc cần phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung nhằm tiếp tục hoàn thiện BLTTHS, nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng. Những quy định của BLTTHS về thủ tục rút gọn cũng cần phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu. Nhìn chung, áp dụng thủ tục rút gọn góp phần vào việc giải quyết nhanh chóng vụ án hình sự và tránh tình trạng tồn đọng án. Quá trình tố tụng theo thủ tục rút gọn được quy định tại BLTTHS năm 2003 chỉ kéo dài ba mươi ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, giúp cơ quan tố tụng nhanh chóng giải quyết vụ án hình sự; bị can, bị cáo không phải chờ lâu, không bị tạm giam kéo dài… Mặt khác, việc áp dụng thủ tục này còn tiết kiệm được thời gian, chi phí… trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Theo quy định tại Điều 319 BLTTHS thì, thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng khi có đủ bốn điều kiện là: Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang; sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng. Tuy nhiên, thủ tục rút gọn lại chỉ được áp dụng trong quá trình điều tra và truy tố chứ không áp dụng trong quá trình xét xử. Do vậy, tại phiên toà xét xử đối với những vụ án được điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục rút gọn lại được tiến hành như đối với các vụ án tiến hành theo thủ tục bình thường.( ).. 2. Sau hơn bốn năm thi hành BLTTHS năm 2003 (từ ngày 1/7/2004 đến nay), hầu như thủ tục này ít được áp dụng, thậm chí có cơ quan tiến hành tố tụng ở một số tỉnh có năm không có một vụ án nào được điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục rút gọn. Việc áp dụng thủ tục này do vậy còn nhiều bất cập cần được khắc phục. Nguyên nhân của sự không áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án hình sự là do ngại trách nhiệm; những quy định của BLTTHS về thủ tục rút gọn chưa được rõ ràng, đầy đủ. Mặt khác lại chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng những quy định của BLTTHS về việc điều tra, truy tố theo thủ tục rút gọn. Điều này thể hiện cụ thể như sau: – Thời hạn điều tra theo thủ tục rút gọn chỉ được tiến hành trong thời hạn 12 ngày. Trong thời hạn đó cơ quan điều tra phải tiến hành một loạt các hành vi tố tụng như: Ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can; ra quyết định tạm giam, xin lệnh phê chuẩn tạm giam của Viện Kiểm sát; hỏi cung bị can; lấy lời khai của người chứng…và tiến hành các thủ tục khác như định giá tài sản, trưng cầu giám định…Chẳng hạn, để chờ kết quả định giá tài sản thì nhanh nhất cũng phải mất một tuần, chậm thì hai tuần, có khi kéo dài hơn nữa. Một trong những khó khăn đáng nói nữa, đó là việc xác minh lý lịch, tiền án, tiền sự của bị can. Nếu là người địa phương thì thường cũng mất một tuần lễ để xác minh nhân thân. Nếu là người ở tỉnh khác thì thủ tục này cố gắng lắm cũng mất khoảng một tháng. – Thời hạn truy tố theo thủ tục rút gọn theo quy định tại điều 321 BLTTHS là bốn ngày. Nếu vụ án được tiến hành theo thủ tục bình thường thì, trong thời hạn ba ngày kể từ ngày ra quyết định truy tố bị can trước toà án bằng bản cáo trạng thì Viện kiểm sát phải giao bản cáo trạng cho bị can. Trong trường hợp truy tố thì trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày quyết định truy tố bằng bản cáo trạng, viện kiểm sát phải gửi hồ sơ và bản cáo trạng đến toà án.( ) Trong thủ tục rút gọn lại không quy định về thời hạn này, nhưng nếu áp dụng theo thủ tục bình thường cũng không ổn, vì thời hạn nghiên cứu hồ sơ để ra quyết định truy tố lại quá ngắn so với thời hạn gia quyết định truy tố cho bị can và chuyển hồ sơ cho toà án. – Thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục rút gọn theo quy định tại khoản 1 Điều 324 BLTTHS là bảy ngày. Nếu vụ án được tiến hành theo thủ tục bình thường thì quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được giao cho bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ và người bào chữa chậm nhất là mười ngày trước khi mở phiên toà.( ) Đối với thủ tục rút gọn thì BLTTHS lại không quy định thời hạn này nhưng thời hạn quy định theo thủ tục thông thường thì không thể áp dụng được. Theo khoản 1 Điều 324 BLTTHS thì, trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử…chứ không quy định phải giao quyết định đưa vụ án ra xét xử cho bị cáo trong thời hạn bao nhiêu ngày kể từ ngày ra quyết định như đối với vụ án bình thường. Như vậy, toà án có thể giao quyết định đưa vụ án ra xét xử cho bị cáo bất cứ thời điểm nào miễn là trước khi mở phiên toà đều được coi là không vi phạm. Nếu giao quyết định đưa vụ án ra xét xử cận ngày quá thì bị cáo không có thời gian để mời người bào chữa. Muốn bảo vệ cho thân chủ có hiệu quả ngoài việc nghiên cứu hồ sơ, sắp xếp lịch để tham gia phiên toà, luật sư còn phải gặp gỡ, trao đổi với thân chủ, trao đổi, đề xuất với cơ quan tiến hành tố tụng khi cần thiết. Với thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục rút gọn như trên thì người bào chữa khó có thể làm thủ tục kịp để bảo vệ thân chủ. Điều này dẫn đến việc lúng túng khi thực hiện việc áp dụng thủ tục rút gọn. – Việc áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định của BLTTHS năm 2003 lại không phải là bắt buộc nên mặc dù vụ án có đủ điều kiện để áp dụng thủ tục này nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không áp dụng thì cũng không phải là vi phạm thủ tục tố tụng. Khoản 1 Điều 320 BLTTHS quy định: “Sau khi khởi tố vụ án, theo đề nghị của cơ quan điều tra hoặc xét thấy vụ án có đủ các điều kiện quy định tại Điều 319 của Bộ luật này, Viện kiểm sát có thể ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn”. Như vậy có thể nói vụ án có điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục rút gọn hay không hoàn toàn phụ thuộc vào cơ quan điều tra, Viện kiểm sát chứ không phụ thuộc vào toà án. Tuy nhiên, nếu trường hợp Viện kiểm sát trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc tạm đình chỉ vụ án theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 323 BLTTHS thì Viện kiểm sát phải ra quyết định huỷ bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và vụ án được giải quyết theo thủ tục chung. Hoặc trong trường hợp toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc tạm đình chỉ vụ án theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 324 BLTTHS thì toà án chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát và vụ án được giải quyết theo thủ tục chung. Có thể thấy rằng, do chưa có quy chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và toà án trong việc điều tra, truy tố, xét xử đối với những vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn nên việc áp dụng thủ tục này trong thực tế còn hạn chế. – Điều kiện áp dụng biện pháp ngăn chặn được quy định trong BLTTHS còn có điểm chưa hợp lí. Ngoài ba điều kiện được quy định tại điểm 1,2,3 thì điểm 4 Điều 319 BLTTHS quy định là “người phạm tội phải có căn cước, lai lịch rõ ràng”. Xác minh căn cước, lai lịch của người phạm tội là trách nhiệm của cơ quan điều tra và trong trường hợp cần thiết cơ quan điều tra có thể uỷ thác cho cơ quan điều tra khác( ) tiến hành xác minh căn cước, lai lịch của người phạm tội. Tuy nhiên, thực tiễn điều tra cho thấy, những trường hợp này thường lại rơi vào những vụ án mà người phạm tội lại không nhớ rõ quê quán, nơi cư trú hoặc họ cố tình khai không đúng quê quán, nơi cư trú “nên Cơ quan điều tra dù có tiến hành điều tra, xác minh lí lịch bị can cũng chỉ mang tính hình thức, vì đây là việc mò kim đáy bể mà không bao giờ có kết quả.( ) Do vậy, việc quy định người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng là điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn chẳng những không tạo điều kiện để cơ quan điều tra tiến hành điều tra vụ án một cách nhanh chóng mà còn là một trong những quy định làm hạn chế cơ quan tiến hành tố tụng trong việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án hình sự. – BLTTHS năm 2003 mới chỉ quy định về việc khiếu nại đối với quyết định áp dụng thủ tục rút gọn tại khoản 3 Điều 320 nhưng không quy định cụ thể hậu quả của việc khiếu nại: Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn có thể bị khiếu nại. Bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại quyết định áp dụng thủ tục rút gọn; thời hiệu khiếu nại là ba ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Khiếu nại được gửi đến Viện kiểm sát đã ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và phải được giải quyết trong thời hạn ba ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Như vậy, nếu khiếu nại được chấp nhận hay không chấp nhận thì vụ án sẽ được giải quyết theo thủ tục nào cũng chưa được quy định rõ ràng. Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng, nếu khiếu nại được chấp nhận thì vụ án phải được giải quyết theo thủ tục bình thường nhưng thời hạn điều tra, truy tố sẽ được tính như thế nào để đảm bảo cho việc tiến hành tố tụng đúng với tinh thần của BLTTHS mà không ảnh hưởng gì đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng. Thực tế, nếu quyết định áp dụng thủ tục rút gọn bị khiếu nại và việc giải quyết khiếu nại dù có kịp thời, đúng quy định của BLTTHS thì cũng mất 6 ngày, mà thời hạn truy tối đa chỉ là bốn ngày, nếu khiếu nại không được chấp nhận. – BLTTHS chưa có quy định về sự tham gia của người bào chữa. Nếu người bào chữa cứ làm thủ tục tham gia bào chữa như đối với các vụ án bình thường thì họ khó có thể bào chữa kịp thời và hiệu quả, vì thời hạn điều tra chỉ có 12 ngày mà việc bị can tiến hành mời được người bào chữa, người bào làm thủ tục xin được cấp giấy chứng nhận người bào chữa thì cũng mất mấy ngày rồi. Ngoài những lí do trên, việc cơ quan tiến hành tố tụng ngại, không áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án hình sự, kể cả trường hợp có đủ điều kiện để có thể áp dụng. Đó là, nhận thức của cán bộ điều tra trong việc áp dụng thủ tục rút gọn. Có ý kiến cho rằng, không bị áp lực về lượng án thì không việc gì phải áp dụng thủ tục rút gọn một cách gấp gáp như vậy. Họ cho rằng, nếu thời gian ngắn như vậy thì dễ dẫn đến sai sót và nếu không may lại làm oan người vô tội thì trách nhiệm rất lớn . Do đó, cứ theo thủ tục bình thường để điều tra, truy tố, xét xử cho cẩn thận vẫn tốt hơn. 3. Từ việc phân tích những bất cấp nêu trên cho thấy, thủ tục rút gọn là một trong những vấn đề cơ bản cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với xu thế hội nhập và tiến trình cải cách tư pháp, để từ năm 2007 đến năm 2010 có thể thông qua. Nếu tuyệt đối hoá điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn như hiện nay…thì hầu như không thể thực hiện được.( ) Để khắc phục những bất cập nêu trên, theo chúng tôi cần sửa đổi, bổ sung một số quy định của BLTTHS theo hướng sau: – Đối với thời hạn áp dụng thủ tục rút gọn: Để đảm bảo cho việc tiến hành các hoạt động điều tra, truy tố và xét xử theo thủ tục rút gọn theo có hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện cho những người tham gia tố tụng nhất là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của họ, cần quy định thời hạn điều tra, truy tố và xét xử theo thủ tục rút gọn là 45 ngày chứ không chỉ là 30 ngày như hiện nay. – Đối với thẩm quyền quyết định áp dụng thủ tục rút gọn: Theo quy định của BLTTHS thì, cơ quan điều tra chỉ có quyền đề nghị viện kiểm sát ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn chứ không có quyền quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Việc có áp dụng thủ tục rút gọn hay không lại hoàn toàn phụ thuộc và Viện kiểm sát. Tức là trên cơ sở đề nghị của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Điều này không những không giản lược được thủ tục mà còn phức tạp thêm. Do vậy, theo chúng tôi cần quy định theo hướng để cơ quan điều tra có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn khi vụ án có đủ điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn. Mặt khác, BLTTHS lại quy định: Khi có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định thì Viện kiểm sát cũng không bắt buộc phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn mà có thể ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn hoặc không ra quyết định. Quy định này dẫn đến tình trạng có nhiều vụ án đủ điều kiện để điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục rút gọn nhưng vẫn được tiến hành theo thủ tục thông thường. Từ sự phân tích trên, khoản 1 Điều 320 cần sửa đổi theo hướng: “Sau khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, nếu xét thấy vụ án có đủ các điều kiện quy định tại Điều 319 của Bộ luật này.” – Đối với điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn: Như đã phân tích trên, chỉ cần giữ ba điều kiện quy định tại các điểm 1,2,3 Điều 319 BLTTHS và bỏ quy định “người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng” là điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, hiện nay BLTTHS của chúng ta quy định thủ tục rút gọn chỉ áp dụng đối với tội phạm ít nghiêm trọng cũng cần phải được cân nhắc và xem xét. Điểm 3 Điều 319 quy định: Thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây: Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng. Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cho thấy, tính phức tạp của vụ án lại không phải lúc nào cũng phụ thuộc vào loại tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng. Do vậy để đảm bảo tính kịp thời và khẩn trương trong quá trình tố tụng nên bổ sung điểm 3 Điều 319 theo hướng: Thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây: Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng. – Đối với việc khiếu nại quyết định áp dụng thủ tục rút gọn: cần bổ sung thêm quy định vào Điều 320 BLTTHS trong đó quy định rõ thời hạn điều tra, truy tố, xét xử trong trường hợp khiếu nại được chấp nhận hoặc không được chấp nhận. – Đối với vấn đề tham gia tố tụng của người bào chữa trong thủ tục rút gọn: Để tạo điều kiện cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như người bào chữa tham gia tố tụng có hiệu quả, cần bổ sung thêm một điều luật quy định về vấn đề này với nội dung giản lược một số thủ tục để người bào chữa có thể tham gia một cách kịp thời như, nếu được bị can hoặc thân nhân của họ yêu cầu mời luật sư và bị can đã đồng ý thì luật sư không cần phải xuất trình giấy chứng nhận người bào chữa ngay mà chỉ cần giấy giới thiệu của Văn phòng luật sư, xuất trình thẻ luật sư là có thể tham gia tố tụng nhưng chậm nhất là 3 ngày luật sư phải xuất trình giấy chứng nhận người bào chữa. – Những người tiến hành tố tụng đối với vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn cũng cần phải được chuyên nghiệp hoá để đáp ứng yêu cầu của việc giải quyết vụ án theo thủ tục này. Hiện nay do chưa có hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng thủ tục rút gọn và trong BLTTHS còn có những quy định quá chung chung, chưa rõ ràng nên phần lớn các cơ quan tiến hành tố tụng không quan tâm đến việc áp dụng thủ tục này. Nếu có một đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán được phân công chịu trách nhiệm về thủ tục này thì họ mới quan tâm đến việc áp dụng nó trong thực tế. – Đối với thành phần hội đồng xét xử: Thủ tục rút gọn không có nghĩa là chỉ rút ngắn thời hạn điều tra, truy tố, xét xử mà nó còn giản lược một số thủ tục. Theo quy định của BLTTHS hiện hành thì, trong giai đoạn điều tra, khi kết thúc điều tra, cơ quan điều tra không phải làm bản kết luận điều tra mà ra quyết định đề nghị truy tố và gửi hồ sơ cho viện kiểm sát. Trong giai đoạn truy tố, viện kiểm sát không phải làm bản cáo trạng mà ra quyết định truy tố bị can trước toà án bằng quyết định truy tố. Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm thì ngoài việc rút ngắn thời hạn chuẩn bị xét xử, mọi thủ tục đều tiến hành như đối với các vụ án thông thường. Chúng tôi cho rằng BLTTHS nên quy định thành phần hội đồng xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn chỉ cần một thẩm phán mà không cần phải có thêm hai hội thẩm như đối với các vụ án được đưa ra xét xét xử theo thủ tục thông thường. Quy định theo hướng này vừa tạo điều kiện cho toà án chủ động trong việc sắp xếp lịch xét xử đồng thời khắc phục tình trạng thiếu hội thẩm tham gia phiên toà nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng xét xử. – Về việc giao các quyết định tố tụng cho bị can, bị cáo. Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo và áp dụng thống nhất những quy định về thủ tục rút gọn trong việc giải quyết vụ án hình sự, BLTTHS cần bổ sung quy định về thời hạn giao quyết định truy tố cho bị can, quyết định đưa vụ án ra xét xử cho bị cáo. Ngoài ra, cần có quy định để đảm bảo sự phối hợp và chế ước giữa cơ quan điều tra, viện kiểm sát và toà án trong việc áp dụng thủ tục rút gọn. Nếu vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn mà không được điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục này thì phải coi đây là trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. 4. Thủ tục rút gọn có nhiều tính ưu việt, thúc đẩy quá trình giải quyết vụ án được nhanh chóng, người phạm tội được rút ngắn thời gian bị tạm giam trong một số trường hợp, khắc phục tình trạng tồn đọng án kéo dài chính vì vậy mà BLTTHS năm 2003 đã khôi phục thủ tục này. Tuy nhiên, để việc áp dụng thủ tục này có hiệu quả, những quy định của BLTTHS năm 2003 về thủ tục rút gọn cần được tiếp tục nghiên cứu để khắc phục những bất cập và sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của việc giải quyết vụ án theo thủ tục này được nhanh chóng, kịp thời nhưng phải đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đồng thời đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay ở nước ta.

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI BÀO CHỮA TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Hướng tới hội thảo khoa học ” Bộ luật tố tụng hình sự – những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung”

THAM LUẬN

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI BÀO CHỮA

TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Luật sư. Nguyễn Văn Chiến

Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội

I. Mục Đích

Mục đích quan trọng của việc sửa đổi BLTTHS 2003 lần này là đề cao trách nhiệm và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan và người tiến hành tố tụng, nhất là xác định trách nhiệm cụ thể của từng chức danh tố tụng, phân định rõ thẩm quyền hành chính và thẩm quyền tố tụng nhằm nâng cao trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng. Đồng thời xác định rõ hơn quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng. Hay nói cách khác, cần phải tìm ra nguyên nhân những quy định này của BLTTHS vì sao đã có thực tiễn áp dụng hơn 5 năm qua nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của những Nguyên tắc cơ bản được quy định cụ thể tại Chương IV Bộ luật nhằm tìm ra giải pháp khắc phục trong lần sửa đổi lần này.

Với ý nghĩa quan trọng đó, chúng tôi rất ủng hộ cuộc tọa đàm của Ban học tập Đoàn luật sư Hà Nội về chủ đề: “Quyền và nghĩa vụ của người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng hình sự phục vụ việc góp ý sửa đổi Bộ luật TTHS 2003″. Hy vọng cuộc tọa đàm sẽ tập trung được trí tuệ, kinh nghiệm quý báu của các diễn giả luật sư để góp thêm tiếng nói quan trọng vào công tác cải cách tư pháp hiện nay của Đảng và Nhà nước ta.

II. Quyền và nghĩa vụ tố tụng của người bào chữa.

Trong tham luận này, chúng tôi xin đóng góp một vài ý kiến về quyền và nghĩa vụ tố tụng của người bào chữa.

Trong 15 điều của Chương III về Người tiến hành tố tụng, chỉ có một điều quy định về trách nhiệm của Cơ quan tiến hành tố tụng giải thích và bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng. 14 điều còn lại, nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ hơn các quyền của người tham gia tố tụng, góp phần nâng cao trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng. Từ khi những quy định này được sửa đổi bổ sung những quy định cũ còn thiếu và chưa đầy đủ của BLTTHS 1988 nhằm nâng cao vị thế và vai trò của người bào chữa trong tố tụng hình sự nhưng thực tế còn nhiều bất cập do không có cơ chế đảm bảo giám sát thực thi những quy định này của luật. Thực tế hơn 5 năm thi hành Bộ luật TTHS nhưng cho đến nay các ngành hữu quan vẫn chưa ban hành được một thông tư liên tịch để đảm bảo sự hướng dẫn thống nhất trong qúa trình thực thi luật mặc dù nhà nước cũng đã phải bỏ ra nhiều tiền bạc chi phí cho các cuộc Hội thảo để bàn về dự thảo thông tư liên tịch này nhưng không thành. Từ thực tế ấy, tiến tới góp ý cho việc sửa đổi Bộ luật lần này, cần có quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các cơ quan THTT và người THTT, theo đó quyền của luật sư và những người tham gia tố tụng khác sẽ được quy định cụ thể hơn và có tính pháp lý bắt buộc cao hơn.

1.       Các nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến người bào chữa:

Điều 56 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (BLTTHS) quy định người bào chữa có thể là: (a) Luật sư; ((b) Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; và (c) Bào chữa viên nhân dân.

Như vậy, về mặt pháp lý, bào chữa viên nhân dân và Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là một chủ thể tư pháp có tư cách của người bào chữa trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên, trong thực tiễn tố tụng hình sự ở Việt Nam, việc xem xét thủ tục chứng nhận tư cách người bào chữa, các nguyên tắc, phạm vi tham gia tố tụng lại chưa được hướng dẫn và quy định chi tiết, dẫn đến các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp gặp rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ của họ giống hay khác luật sư ở mức nào?!

Mặc dù có một số người tham gia với tư cách bào chữa viên nhân dân có những đóng góp nhất định trong việc bảo vệ quyền lợi cho bị can, bị cáo là thành viên tổ chức Mặt trận, nhưng nhìn chung chất lượng hành nghề của phần đông những người này không cao, gặp rất nhiều cản ngại, vướng mắc do những hạn hẹp về kiến thức pháp luật, lại không được đào tạo chuyên sâu về các kỹ năng hành nghề trong tranh tụng vụ án hình sự, không được tập sự trong các tổ chức hành nghề luật sư chuyên nghiệp. Thực tiễn xét xử những người này tham gia tố tụng rất hạn chế, hãn hữu mới có người được Tòa án chấp nhận tham gia. Trong giai đoạn điều tra, truy tố thì hoàn toàn vắng bóng họ, vì thực tế luật sư tham gia còn rất khó khăn. Do đó, theo quan điểm của chúng tôi, chế định bào chữa viên nhân dân và người khác đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó. Hiện nay, cùng với việc thực thi Luật Luật sư năm 2006, Liên đòan luật sư Việt Nam ra đời đã khẳng định sự lớn mạnh và vị thế của đội ngũ luật sư Việt Nam, hướng tới việc xây dựng một đội ngũ luật sư chuyên nghiệp thực hiện các phạm vi hành nghề tư vấn, tranh tụng và cung cấp các dịch vụ pháp lý phủ kín các mặt của đời sống xã hội và đời sống tư pháp, nên chăng cần xem xét lại và bỏ chế định bào chữa viên nhân dân là người bào chữa trong BLTTHS sửa đổi, bổ sung sắp tới. Các nhà lập pháp cần tập trung quy định có hiệu lực về hoạt động bào chữa trong tố tụng hình sự vào chủ thể tư pháp duy nhất có đủ phẩm chất, kỹ năng và đạo đức hành nghề là luật sư. Điều đó cũng phù hợp với xu thế phát triển khách quan của nghề luật sư và chủ trương cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay.

-         Quy định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo (Các điều 48,49, 50), cần quy định cụ thể về quyền của họ được giải thích quyền có luật sư ngay khi bị bắt và có quyền im lặng khi không có sự tham gia của luật sư bào chữa.

-         Quyền của người bào chữa được tham gia tố tụng từ khi Quyết định tạm giữ, khởi tố bị can và được ghi chép,  sao chụp tài liệu cần thiết cho việc bào chữa; xem các biên bản về hoạt động tố tụng khi có mặt của họ và xem các quyết định tố tụng có liên quan đến người mà họ bào chữa; được thông báo trước về thời gian,địa điểm lấy lời khai của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và những người thân thích của họ cũng như những cơ quan tổ chức nếu không thuộc bí mật Nhà nước hoặc bí mật công tác (các điều 56, 58, 65).

Vấn đề từ chối người bào chữa được quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 57 BLTTHS năm 2003 cần hoàn thiện thêm vì quy định như vậy còn có bất cập, không hợp lý. Việc không phân biệt quyền từ chối người bào chữa của hai nhóm đối tượng được quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 điều luật này là một sự không chặt chẽ về mặt lý luận. Đối tượng được quy định tại điểm a hoàn toàn khác với đối tượng quy định tại điểm b. Những đối tượng được quy định tại điểm a nhận thức được đúng đắn và đầy đủ hành vi từ chối người bào chữa của mình và họ biết được khả năng và hậu quả có thể xẩy ra khi họ từ chối người bào chữa. Và vì vậy để cho họ có quyền chủ quan tuyệt đối từ chối người bào chữa là hợp lý.

Còn những đối tượng được quy định tại điểm b là những đối tượng chưa đủ trình độ phát triển về thể chất cũng như tinh thần hoặc là những người bị khiếm khuyết về thể chất hoặc khiếm khuyết về tâm thần thì liệu họ có nhận thức được đầy đủ và đúng đắn về hành vi từ chối người bào chữa của mình hay không?

Với những ý kiến nói trên, tôi cho rằng cần phải sửa đổi, bổ sung đoạn 2 khoản 2 Điều 57 BLTTHS năm 2003 như sau: “Những trường hợp được quy định tại điểm a khoản 2 điều này sau khi luật sư tham gia bào chữa bị can, bị cáo vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối luật sư bào chữa. Còn đối với những trường hợp được quy định tại điểm b khoản 2 điều này thì bị can, bị cáo và đại diện hợp pháp của họ sau khi luật sư tham gia bào chữa vẫn có quyền yêu cầu thay đổi luật sư bào chữa và nếu họ từ chối luật sư thì cơ quan tiến hành tố tụng phải lập biên bản ghi rõ lý do từ chối trước khi quyết định”.

Bên cạnh đó cần mở rộng phạm vi bào chữa bắt buộc đối với bị can, bị cáo bị xử lý về tội có khung hình phạt lên đến 20 năm tù.

Về Điều 58 (quyền và nghĩa vụ của người bào chữa)

Hiện nay Bị cáo phản cung với lý do bị bức cung, ép mớm, nhục hình… là vấn đề rất bức xúc trong các phiên tòa ở Việt Nam , làm giảm uy tín của cơ quan điều tra, truy tố. Chủ tọa cắt không cho họ nói thì bị xem là mất dân chủ, không khách quan… Sở dĩ có tình trạng trên một phần là do Bộ luật tố tụng chưa có quy định cơ chế cứng tạo điều kiện cho luật sư tham gia từ giai đoạn điều tra, có mặt tại các buổi hỏi cung bị can. Hầu hết quá trình điều tra luật sư chỉ được tham gia một vài buổi lấy lệ, đa số các buổi hỏi cung khác không có mặt luật sư. Về nguyên tắc, khi luật sư tham gia đã được cấp giấy chứng nhận người bào chữa và có văn bản đề nghị được tham gia tất cả các buổi hỏi cung và các hoạt động điều tra khác thì những hoạt động này bắt buộc phải có luật sư mới có giá trị pháp lý. Nhưng thực tế Bộ luật TTHS hiện hành có quy định rất mâu thuẫn và tạo ra những rào cản. Ví dụ: Luật sư muốn hỏi bị can phải được điều tra viên đồng ý. Phiên tòa xét xử trẻ vị thành niên không có luật sư bào chữa thì phải hoãn, bản án tuyên trong điều kiện đó thì phải hủy, nhưng bản cung buộc tội ghi lời khai của bị can vị thành niên vắng mặt luật sư (mặc dù Điều 305 BLTTHS quy định cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ định luật sư) nhưng họ không thực hiện hoặc tìm cách bảo bị can viết đơn từ chối luật sư trong khi họ chưa hề thực hiện Điều luật là chỉ định luật sư thì bản cung lại được chấp nhận là hợp pháp, Bản kết luận điều tra và Bản cáo trạng vẫn có giá trị pháp lý buộc tội. Tôi nghĩ đây là lỗ hổng lớn mà lần sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự tới đây phải đặc biệt quan tâm, giải quyết thấu đáo.

Để khắc phục, tôi cho rằng luật cần chi tiết theo hướng ngoài điểm điều luật đã quy định điều tra viên thông báo cho luật sư thời gian, địa điểm hỏi cung bị can; cách thức trao đổi, liên hệ để thông báo với luật sư, những nguyên tắc và trách nhiệm bảo mật thông tin điều tra. Khi tham gia hỏi cung, luật sư được hỏi sau mỗi vấn đề, nội dung điều tra viên hỏi. Luật sư có quyền giải thích pháp luật cho bị can về quyền trả lời hoặc không trả lời vấn đề điều tra viên hỏi. Luật sư có quyền phản đối câu hỏi mớm cung, bức cung của điều tra viên; xem xét và có ý kiến về nội dung biên bản hỏi cung có đúng nội dung trả lời của bị can hay không; xác định tình trạng sức khỏe và tâm thần của bị can khi hỏi cung. Điểm e khoản 2 Điều 58 cần bổ sung theo tinh thần: luật sư có quyền gặp riêng làm việc với người bị tạm giữ,bị can, bị cáo khi cần thiết. trong trường hợp đặc biệt, một số tội cụ thể luật sư có quyền làm việc với bị can trong tầm nhìn nhưng không trong tầm nghe của cán bộ tố tụng.  Không bị hạn chế về số lượng lần gặp và thời gian gặp chứ không phải quy định chung chung là được gặp để tránh những sự gây khó khăn từ phía cơ quan và người thi hành tố tụng chỉ cho gặp một cách hình thức và hạn chế thời gian được gặp.

Cần bổ sung quy định lời khai của bị can trong quá trình điều tra, truy tố mà không có sự tham gia của luật sư thì không được công nhận là chứng cứ. Sự bổ sung này hoàn toàn khả thi trong điều kiện hiện nay của nước ta. Ở những nước có nền dân chủ tư pháp phát triển, bị can, bị cáo có quyền từ chối cung khai nếu vắng mặt luật sư. Sự có mặt của luật sư trong các buổi lấy cung có 2 ý nghĩa: giám sát, không để xảy ra việc mớm cung, bức cung, nhục hình; và không để xảy ra tình trạng phản cung, bác lời khai tại cơ quan điều tra, viện kiểm sát bởi việc lấy cung đã có người thứ ba chứng kiến.

Để quy định về nghĩa vụ của người bào chữa hoàn chỉnh hơn, tôi cho rằng cần bổ sung vào khoản 4 của Điều 58 cụm từ “nếu tiết lộ bí mật điều tra và” vào sau cụm từ “người bào chữa” nhằm đảm bảo cho việc giữ bí mật điều tra mà người bào chữa biết được khi tham gia tố tụng. Điều này dẫn tới tính khả thi của sự cho phép người bào chữa tham gia sớm hơn trong các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia và các vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Nếu vẫn quy định chung chung là không được tiết lộ bí mật điều tra mà không kèm theo quy định khả năng áp dụng chế tài nếu có sự vi phạm thì cơ quan điều tra e ngại và cho việc giữ bí mật điều tra là cái cớ để không tạo điều kiện luật sư tham gia làm cho quy định đó thiếu tính khả thi.

Luật không qui định cụ thể cơ quan tố tụng phải chịu chế tài thế nào nếu không tạo điều kiện cho luật sư hành nghề nên nhiều quyền của người bào chữa không được thực hiện và hầu như bị vi phạm. Luật cần quy định các chế tài cụ thể đối với các hành vi cản trở của ĐTV cũng như CQ ĐT đối với sự tham gia của luật sư.

2.       Một vài nhận xét

Sẽ là không quá nếu nói rằng những điều luật “chết” trong BLTTHS hiện hành về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa sẽ được làm sống lại với những sửa đổi bổ sung cụ thể hơn đo là thêm nôi dung ghi nhận tính pháp lý từ khi người bào chữa tham gia tố tụng với đầy đủ các thủ tục giấy tờ theo quy định tại Điều 27 Luật Luật sư thì việc hỏi cung bị can chỉ có giá trị pháp lý khi có luật sư tham dự. Những hoạt động tố tụng khác cơ quan Tiến hành tố tụng không được từ chối sự tham gia của lật sư khi luật sư có yêu cầu được tham gia. Như vậy NBC sẽ có “đất” ngay trong Luật để thực hiện quyền và nghĩa vụ cao cả của mình là bảo vệ pháp chế và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Tuy nhiên, một sự sửa đổi, bổ sung ” cơ bản và toàn diện ” những quy định về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa như phạm vi, mục đích, yêu cầu của người tham gia tố tụng là luật sư chúng ta dều xuất phát từ thực tiễn tố tụng nên cần phải góp ý, phân tích một cách khoa họ, đầy đủ cả về lý luận và thực tiễn để chứng minh rằng người bào chữa có vai trò rất quan trọng trong tố tụng hình sự, họ là một mắt xích quan trọng trong cơ chế giám sát hoạt động tố tụng của cơ quan và người tiến hành tố tụng, là người giúp cho chế độ dân chủ trong một xã hội văn minh, tiến bộ được thực thi, giúp cho quyền con người được tôn trọng, góp phần xây dựng thành công nhà nước pháp quyền của chúng ta. Điều này là khẳng định thống nhất ý kiến, quan điểm của giới luật sư nói chung và đường lối thống nhất xuyên suốt trong nội dung cải cách tư pháp mà Đảng và nhà nước ta đã đề ra. Nếu thực tế chúng ta chưa thấy hết được vai trò quan trọng của luật sư là tranh tụng để đảm bảo quyền cơ bản của bị can, bị cáo nhằm tránh oan sai và hạn chế vi phạm trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng thì nhiệm vụ góp phần bảo vệ pháp chế và xây dựng thành công nhà nước pháp quyền của giới luật sư chúng ta sẽ không thể hoàn thành.

Tuy nhiên còn có nhiều ý kiến cho rằng, việc mở rộng các quyền của người bào chữa sẽ gây nhiều “khó khăn” cho các cơ quan tiến hành tố tụng? Theo quan điểm của chúng tôi, điều đó chỉ đúng một phần nhỏ khi ở phương diện là người tiến hành tố tụng năng lực và trình độ còn hạn chế ở mấy năm trước khi sửa đổi BLTTHS năm 2003. Nay để đáp ứng yêu cầu cải cách đồng bộ hệ thống các cơ quan tư pháp thì đội ngũ cán bộ tư pháp đã được tăng cường về năng lực chuyên môn và nhận thức nghề nghiệp để đáp ứng xu thế hội nhập của đất nước. Đến nay phải nói rằng vấn đề này không còn là hạn chế không thể khắc phục mà chúng ta phải coi đó là những “khó khăn cần thiết” để bảo đảm một nền tư pháp trong sạch, góp phần chống oan sai trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, và chính ý nghĩa và mục đích lớn lao đó thì chúng tôi cho rằng từ việc mở rộng  quyền của người bào chữa ở lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS năm 2003 thì nay cần quy định thêm cơ chế đảm bảo quyền ngay trong luật bằng cách quy định sự tham gia của luật sư là bắt buộc. Quy định này sẽ khắc phục sự phân biệt và hướng dẫn không bình đẳng của mỗi cơ quan THTT về việc đảm bảo quyền của luật sư  trong trường hợp luật sư mời khác luật sư chỉ định. Cần phải nhìn nhận một thực tế tích cực là có sự tham gia của luật sư trong các hoạt động tố tụng thì người THTT phải thận trọng và kỹ càng hơn trong mọi hoạt động của mình. Mặt khác, luật sư là người hiểu luật, thông thạo về tố tụng nên sẽ là nhà “tư vấn” quan trọng cho cơ quan và người THTT mỗi khi họ “làm theo thói quen” hoặc do quá bận mà “lỡ quên” quy định của BLTTHS mà không thực hiện đúng trình tự bắt buộc của quy trình tố tụng. Như vậy, sự sửa đổi , bổ sung theo hướng phân tích trên sẽ là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cơ quan và người tiến hành tố tụng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình đồng thời đảm bảo quyền của người tham gia tố tụng.

Tuy nhiên, Bộ luật TTHS hiện hành vẫn còn hạn chế quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa. Quy định của luật hiện hành cho phép luật sư chỉ thu thập chứng cứ từ người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo và những người thân thích của họ; từ cơ quan, tổ chức nếu không thuộc bí mật quốc gia, bí mật công tác. Nhưng thực tế chứng cứ không chỉ tồn tại ở những người và các cơ quan, tổ chức nêu trên mà còn tồn tại ở những người khác có lưu giữ hoặc biết về những tình tiết liên quan có lợi cho họ.

Bộ luật quy định người bào chữa có quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu được điều tra viên đồng ý thì được hỏi những người này là quy định quyền nhưng không đảm bảo quyền cho luật sư. Vì vậy cần quy định luật sư tham gia hỏi cung được hỏi bị can và những người khác (nếu là đối chất) sau khi cán bộ điều tra đã hết câu hỏi như trình tự hỏi tại phiên tòa là phù hợp. Thực tế hiện nay Điều 58 BL TTHS hiện hành đã quy định quyền của người bào chữa có quyền có mặt trong các hoạt động điều tra khác ” quyền có mặt..” này của người bào chữa chỉ là người “chứng kiến” nhưng cũng không được đảm bảo. Vậy tại sao sự “chứng kiến” của luật sư lại khó khăn như vậy trong khi luật sư để sẵn sàng tham gia. Rõ ràng khi quy định cho luật sư quyền này nhà làm luật phải xuất phát từ nguyên tắc chung là đảm bảo quyền của bị can trong mọi hoạt động và mọi giai đoạn tố tụng họ đều có quyền có luật sư. Đồng thời sự có mặt của luật sư nhằm đảm bảo hạn chế sự vi phạm tố tụng của cơ quan THTT dù ở bất cứ giai đoạn nào.

Bộ luật TTHS 2003 đã mở rộng quyền của người bào chữa nhưng những quy định đảm bảo cho các quyền ấy được thực hiện trên thực tế vẫn chỉ là lý thuyết. Điều 62 quy định về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng giải thích và bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng và cả Chương XXXV quy định về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự chủ yếu vẫn chỉ là những quy định về thủ tục, chưa có những chế tài cụ thể xử lý những người tiến hành tố tụng cố ý không thực hiện các yêu cầu, kiến nghị hợp pháp đó của người bào chữa. Những quy định chế tài này không chỉ chỉ là những “quy định ngành” chỉ những người tiến hành tố tụng biết mà cần phải được quy định cụ thể trong BLTTHS để những người tham gia tố tụng cũng biết và thực hiện vai trò giám sát của mình một cách hiệu quả hơn.

Chúng ta đã có Nghị Quyết số 388 và nay đã được cụ thể hóa vấn đề bồi thường oan sai vào Luật bồi thường nhà nước. Vậy những vấn đề do cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng không thực thi đầy đủ trách nhiệm của mình dẫn đến hồ sơ phải trả đi trả lại, phiên tòa hoãn, hủy kéo dài gây tốn kém, thiệt hại đến tài sản của nhà nước, quyền lợi của bị can và luật sư thì trách nhiệm thế nào?

Tóm lại, với những nội dung nêu trên mới chỉ là một phần nhỏ những bất cập trong thực tiễn áp dụng BL TTHS trong 5 năm qua liên quan đến quyền của luật sư và trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Chúng tôi mong muốn đóng góp một số ý kiến nhằm góp phần hoàn thiện Bộ luật tố tụng hình sự của Việt Nam trong thời gian tới, đảm bảo nền tư pháp Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Xin cám ơn quý vị đã chú ý lắng nghe!

Nguồn: Theo luatsuhanoi.vn

QUYỀN CỦA LUẬT SƯ KHI CẦN GẶP GỠ BỊ CAN, BỊ CÁO ĐANG BỊ TẠM GIAM BỞI MỘT VỤ ÁN KHÁC – NHỮNG VƯỚNG MẮC VÀ HƯỚNG GIẢI QUYẾT

Luật sư Lê Trung Sơn

Văn phòng luật sư Việt Tín

Trong vụ án hình sự, luật sư tham gia với vai trò là người bào chữa cho bị can, bị cáo. Theo đó, luật sư được thực hiện những quyền theo quy định của pháp luật, trong đó có quyền: “Gặp người bị tạm giữ, gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam”. Điều này sẽ được thực hiện khi luật sư có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật như: có Giấy chứng nhận bào chữa của cơ quan tố tụng, xuất trình thẻ luật sư. Đó là trường hợp đối với bị can, bị cáo chỉ phạm một tội, bị tạm giam bởi lệnh tạm giam của cơ quan tố tụng đang tiến hành của vụ án đó. Cơ quan tiến hành tố tụng này là người ra lệnh tạm giam bị can, bị cáo và cũng là người cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư nên khi luật sư xuất trình giấy chứng nhận bào chữa cho cơ quan công an trại giam thì bộ phận nghiệp vụ sẽ dễ dàng tìm được hồ sơ của bị can bị cáo và thực hiện thủ tục cho luật sư gặp bị can, bị cáo. Tuy nhiên, trên thực tế có không ít trường hợp bị can, bị cáo phạm nhiều tội và việc bị bắt tạm giam thì chỉ có một cơ quan tố tụng tiến hành, như vậy sẽ xảy ra tình huống, bị can, bị cáo bị cơ quan tố tụng của địa phương hoặc cấp tố tụng này bắt và ra lệnh tạm giam vì tội A nhưng trong quá trình tạm giam thì bị cơ quan tố tụng của địa phương khác hoặc cấp tố tụng khác khởi tố và truy tố về tội B. Như vậy, luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo ở tội B khi được cơ quan tố tụng cấp giấy chứng nhận bào chữa có được gặp gỡ bị can, bị cáo đang bị tạm giam bởi tội A hay không?

Một ví dụ điển hình mà thực tế luật sư đã gặp phải như sau:

Phạm Văn M có hành vi “Cố ý gây thương tích” bị Công an TP H khởi tố, bắt tạm giam. Trong quá trình bị tạm giam, M bị cơ quan tố tụng quận Đ khởi tố và truy tố về tội “Mua bán trái phép chất ma tuý”. Gia đình M đã mời luật sư bào chữa cho M về tội mua bán trái phép chất ma tuý. Luật sư đã liên hệ với Toà án quận Đ để làm thủ tục bào chữa cho bị cáo và được toà án cấp giấy chứng nhận bào chữa. Sau khi có giấy chứng nhận bào chữa, luật sư đã đến liên hệ gặp bị cáo ở trại tạm giam. Tại đây, sau khi tra cứu hồ sơ, cán bộ trại giam cho biết: không có bị can, bị cáo nào tên M bị tạm giam về tội mua bán trái phép chất ma tuý cả. Sau một hồi kiểm tra thì cán bộ trại giam mới cho biết cơ quan trại giam chỉ được lệnh giam M về tội “Cố ý gây thương tích” và quyết định tạm giam được ban hành bởi VKS thành phố H và như vậy, nếu không có giấy chứng nhận bào chữa của VKS thành phố H cấp thì trại giam không thể giải quyết cho luật sư gặp được bị cáo. Đem vướng mắc này trình bày với lãnh đạo VKS thành phố H thì luật sư chỉ nhận được sự chia sẻ, cảm thông mà không có hướng giải quyết bởi “Luật không quy định và không có văn bản cụ thể hướng dẫn về vấn đề này”. Quan điểm của VKS cho rằng, theo công văn đề nghị của Toà án quận Đ thì VKS đã ra văn bản chấp thuận cho Toà án quận Đ được trích xuất bị cáo để xét xử (theo các cơ quan tố tụng thì đây là trường hợp mượn bị can, bị cáo) do vậy về nguyên tắc trong thời gian chuẩn bị xét xử của toà án, toà được toàn quyền trích xuất bị cáo để phục vụ cho công tác tố tụng, chính vì vậy, toà đã cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư thì đương nhiên luật sư sẽ được gặp bị cáo tại trại tạm giam (tuy nhiên, đây cũng chỉ là quan điểm riêng). Trong khi đó, phía trại tạm giam thì cho rằng, công văn của VKS thành phố H chỉ cho phép trích xuất bị cáo để xét xử mà thôi. Do vậy, chỉ khi nào xét xử thì trại mới thực hiện lệnh trích xuất còn luật sư thì chỉ khi nào có giấy chứng nhận bào chữa của VKS thành phố H thì mới được thực hiện quyền của mình. Tuy nhiên, VKS thành phố H chỉ thực hiện quyền tố tụng của mình đối với tội danh “Cố ý gây thương tích” còn đối với tội danh “Mua bán trái phép chất ma tuý” thì không thuộc thẩm quyền, do vậy không thể cấp giấy chứng nhận bào chữa về tội danh này cho luật sư được. Cuối cùng thì luật sư không thể gặp được bị cáo cho đến ngày xét xử…

Theo quy định của Luật Luật sư thì:

“Luật sư được cơ quan tiến hành tố tụng cấp giấy chứng nhận người bào chữa, giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự hoặc giấy chứng nhận người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính (sau đây gọi chung là giấy chứng nhận tham gia tố tụng của luật sư).

Giấy chứng nhận tham gia tố tụng của luật sư có giá trị trong các giai đoạn tố tụng, trừ trường hợp bị thu hồi, luật sư bị thay đổi hoặc không được tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

Khi cần liên hệ với cá nhân, cơ quan, tổ chức để thực hiện quyền, nghĩa vụ và các hoạt động có liên quan đến việc bào chữa, bảo vệ quyền lợi của khách hàng, luật sư xuất trình Thẻ luật sư và giấy chứng nhận tham gia tố tụng của luật sư.”

Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định rõ: “Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án, phải xem xét để cấp giấy chứng nhận bào chữa cho họ để họ thực hiện việc bào chữa…”.

Như vậy, nếu xét về mặt lý luận thì khi có giấy chứng nhận bào chữa, luật sư sẽ được thực hiện các quyền của mình theo quy định của pháp luật trong đó có việc gặp gỡ bị can, bị cáo đang bị tạm giam. Nhưng thực tế thì điều này không phải lúc nào cũng được thực hiện, như tình huống đã nêu ở trên.

Vậy, thực tế vướng mắc này cần được giải quyết như thế nào:

Theo chúng tôi, một là, cần bổ sung một điều luật trong Bộ luật tố tụng hình sự quy định rõ về vấn đề này. Hai là, phải có một văn bản liên tịch của các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó quy định rõ sự phối hợp và hợp quyền hạn giữa các cơ quan tố tụng với nhau trong trường hợp cơ quan tố tụng của vụ án này thực hiện quyền tố tụng của mình đối với bị can, bị cáo bị tạm giam về một tội khác của cơ quan tố tụng khác.

Nguồn: Theo luatsuhanoi.vn

Một số ý kiến sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự 2003

LS. Đỗ Ngọc Quang

Công ty Luật TNHH Quang Minh Nam

48 Hoàng Ngọc Phách, Đống Đa, Hà Nội

Pháp luật tố tụng hình sự nói chung và Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) nói riêng giữ vai trò rất quan trọng trong việc thể chế hoá những quy định của Hiến pháp, các văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước và phản ánh tiến trình dân chủ hoá cuộc sống xã hội theo hướng nhà nước có đáp ứng các yêu cầu của nhà nước pháp quyền thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Do vậy, việc từng bước sửa đổi, hoàn thiện BLTTHS, vốn được học tập và áp dụng theo mô hình nhà nước trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, tại điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới hiện nay là hết sức cần thiết.

Phải thừa nhận, so với BLTTHS năm 1988, BLTTHS năm 2003 đã có những thay đổi về thủ tục tố tụng theo hướng tăng thẩm quyền cho các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện, xác định chính xác hơn về quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng, mở rộng hơn quyền của cơ quan, tổ chức, công dân tham gia vào hoạt động tố tụng hình sự v.v… . Tuy nhiên, BLTTHS năm 2003 với những quy phạm pháp luật phản ánh tố tụng hình sự nước ta mang đậm dấu ấn của hình thức tố tụng thẩm vấn bằng việc xây dựng, sử dụng hồ sơ vụ án với các chứng cứ viết để xét xử là đặc trưng cơ bản; phương pháp tìm kiếm chứng cứ để buộc tội người bị nghi thực hiện tội phạm chủ yếu bằng việc bắt, tạm giữ, tạm giam để thiết lập hồ sơ vụ án chứ không phải có đầy đủ chứng cứ buộc tội rồi mới bắt, tạm giữ, tạm giam; các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền hạn lớn trong việc điều tra, truy tố, xét xử bằng việc có toàn quyền quyết định khởi tố, truy tố, xét xử người phạm tội ra trước toà án; mọi hành vi của những người tham gia tố tụng đều phải chịu sự cho phép của các cơ quan tiến hành tố tụng v.v… .

Tất nhiên, hình thức tố tụng thẩm vấn này có những ưu điểm nhất định, như tạo thế chủ động cho các cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh tội phạm và người phạm tội nhằm góp phần quan trọng trong giữ gìn an ninh, trật tự đất nước. Nhưng nhược điểm cơ bản của hình thức tố tụng này là thời gian giải quyết vụ án thường kéo dài (dẫn đến vi phạm thời hạn tố tụng); chưa tạo cơ hội để những người tham gia tố tụng đưa ra được những chứng cứ chứng minh về việc mình bị buộc tội, xét xử; vai trò của luật sư, của những người tham gia tố tụng khác chưa được tôn trọng, bảo vệ và bị chi phối bởi các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng, nhất là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo bị hạn chế; việc tranh tụng thường chưa được bảo đảm dẫn đến tình trạng, các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tiến hành tố tụng chuẩn bị trước các quyết định của mình liên quan đến quá trình giải quyết vụ án v.v… . Điều này làm cho tố tụng hình sự nước ta mang tính hình thức, chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp được thể hiện trong Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 (gọi tắt là Nghị quyết 49), như hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự và dân sự phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người;… Nhược điểm lớn nhất trong BLTTHS 2003 là thiếu vắng những quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động tố tụng bảo đảm tính công khai, dân chủ; hoặc chưa có những quy phạm pháp luật điều chỉnh sự tranh tụng giữ bên buộc tội và bên bào chữa trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo. Cho nên có thể nói, BLTTHS năm 2003 có rất nhiều nội dung cần được bổ sung, sửa đổi theo hướng mở rộng tính công khai, dân chủ trong tố tụng hình sự. Do phạm vi của một bài viết hội thảo mà tác giả chỉ đề cập một số nội dung chính sau đây.

Thứ nhất, vấn đề liên quan đến luật sư và hoạt động của luật sư.

1. BLTTHS 2003 và Luật luật sư 2006 đều quy định rất rõ, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án có nhiệm vụ bảo đảm cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (Điều 11 BLTTHS); người bào chữa do người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ lựa chọn (khoản 1 Điều 57 BLTTHS). Luật sư được cơ quan tiến hành tố tụng cấp giấy chứng nhận người bào chữa, giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự khi xuất trình đủ giấy tờ cần thiết, trong đó có giấy yêu cầu luật sư của khách hàng. Thời hạn cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng của luật sư không quá ba ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (Điều 27 Luật luật sư). Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do (khoản 4 Điều 56 BLTTHS).

Tuy nhiên trong thực tế, việc cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư không phải là điều đơn giản. Theo phản ánh của nhiều luật sư, trong đó có ý kiến của nguyên Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội Phạm Hồng Hải gửi Ban Nội chính trung ương, thì các cơ quan tiến hành tố tụng, chủ yếu là Cơ quan điều tra, cản trở hoạt động của luật sư trong tố tụng hình sự. Sự cản trở này thể hiện từ việc cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư. Gần như 100% các trường hợp không bao giờ được cấp giấy chứng nhận bào chữa đúng thời hạn 3 ngày, có trường hợp kéo dài 1 năm. Mặt khác, cơ quan điều tra đòi hỏi: giấy yêu cầu luật sư của khách hàng phải là của chính bị can chứ không phải của người đại diện hợp pháp của bị can lựa chọn. Điều này dẫn đến, trong trường bị can đang bị tạm giam để điều tra thì làm sao luật sư có thể tiếp xúc để lấy được giấy yêu cầu luật sư từ chính bị can, mà phải thông qua Cơ quan điều tra. Nhiều trường hợp, sau khi thông qua Cơ quan điều tra thì luật sư thường nhận được câu trả lời là: bị can từ chối luật sư, hoặc bị can không có ý định mời luật sư, hoặc bị can đã nhận rã tội trạng của mình nên không mới luật sư v.v…, trong khi đó có đủ căn cứ xác định bị can muốn nhờ luật sư bào chữa cho mình. Việc có người bào chữa đối với bị can đang bị tạm giam trong giai đoạn điều tra đã là khó khăn thì làm sao có được người bào chữa đối với người bị tạm giữ, khi mà thời hạn tạm giữ, kể cả 2 lần gia hạn tạm giữ chỉ có 9 ngày.

Do vậy, trong Bộ luật tố tụng hình sự cần bổ sung theo hướng mở rộng hơn thời hạn cấp giấy chứng nhận bào chữa, mà không bó hẹp chỉ 3 ngày và quy định rõ hơn việc cấp giấy chứng nhận bào chữa đối với bị can đang bị tạm giam. Ví dụ, sửa khoản 4 Điều 56 LTTHS là: “Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do”. Bổ sung khoản 1 Điều 57 BLTTHS : “Người bào chữa do bị can, bị cáo lựa chọn. Trong trường hợp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giữ, tạm giam thì người đại diện hợp pháp của họ lựa chọn”

2. Bộ luật tố tụng hình sự quy định, người bào chữa có quyền, gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam; có mặt hỏi cung bị can; có quyền đề nghị Cơ quan điều tra báo trước về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can; có mặt trong những hoạt động điều tra khác (Điều 58 BLTTHS). Tuy nhiên, việc gặp bị can đang bị tạm giam là điều không đơn giản, phụ thuộc vào Điều tra viên có thời gian đi cùng luật sư vào trại giam hay không để điều tra viên viết Giấy trích xuất bị can, trong khi đó điều tra viên thì bận quanh năm. Việc gặp được bị can đang bị tạm giam đã hiếm, nhưng nếu người bào chữa gặp được bị can đang bị tạm giam thì bao giờ cũng đều có mặt điều tra viên ngồi cạnh để giám sát cuộc gặp gỡ này, mặc dù pháp luật không quy định. Còn những quy định khác của pháp luật tố tụng hình sự như Cơ quan điều tra báo trước về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can để người bào chữa có mặt khi hỏi cung bị can; hoặc người bào chữa có quyền có mặt trong một số hoạt động điều tra khác v.v… đều chỉ mang tính hình thức và không thực hiện được. Lý do cơ bản vẫn là Cơ quan điều tra không muốn người bào chữa có mặt trong các hoạt động điều tra vì họ sợ rằng, người bào chữa sẽ có những hành vi cản trở hoạt động điều tra dưới mọi hình thức. Đây có lẽ là hạn chế lớn nhất tính công khai, dân chủ trong hoạt động tố tụng tại giai đoạn điều tra.

Việc gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam, có mặt hỏi cung bị can; đề nghị Cơ quan điều tra báo trước về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can; có mặt trong những hoạt động điều tra khác v.v…là quyền của người người bào chữa. Do vậy, để người bào chữa có thể thực hiện được các quyền của mình theo pháp luật tố tụng hình sự đã quy định, cần bổ sung, sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự theo hướng:

- Cơ quan điều tra thông báo cho người bào chữa trước 7 ngày về thời gian, địa điểm hỏi cung bị can để người bào chữa có mặt trong buổi hỏi cung bị can;

- Người bào chữa có quyền gặp bị can đang bị tạm giam chậm nhất là 10 ngày kể từ khi bị can có lệnh tạm giam; điều tra viên không được có mặt trong uổi gặp của người bào chữa với bị can;

- Giám thị trại tạm giam có trách nhiệm trích xuất bị can để người bào chữa gặp bị can tại phòng gặp của trại giam;

- Khi người bào chữa đề nghị hoặc khi thấy cần thiết, cơ quan điều tra thông báo để người bào chữa có mặt trong những hoạt động điều tra khác.

Thứ hai, vấn đề về áp dụng biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự.

Quy định của pháp luật tố tụng hình sự về những biện pháp ngăn chặn là cần thiết, bảo đảm cho hoạt động tố tụng được thuận lợi và ngăn chặn người phạm tội tiếp tục phạm tội. Để tránh sự lạm dụng, Bộ luật tố tụng hình sự không chỉ quy định chung về căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn, mà còn có những căn cứ áp dụng trong từng biện pháp cụ thể. Tuy nhiên, thực tế áp dụng các biện pháp ngăn chặn cho thấy có nhiều vấn đề cần được bổ sung, sửa đổi. Cụ thể:

- Căn cứ quy định áp dụng biện pháp ngăn chặn còn rất chung chung hiểu thế nào cũng được nên đã tạo những cơ sở cho các cơ quan tiến hành tố tụng lạm dụng biện pháp ngăn chặn. Ví dụ, hiểu như thế nào là khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội để Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án áp dụng một trong những biện pháp ngăn chặn như quy định tại Điều 79 BLTTHS. Trong khi đó lại đang có sự mâu thuẫn quy định về căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn (Điều 79) với căn cứ bắt, tạm giam (Điều 88 BLTTHS). Theo quy định tại Điều 79 BLTTHS về căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn thì khi có một trong các căn cứ (để kịp thời ngăn chặn tội phạm; hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử; hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ tiếp tục phạm tội; hoặc khi cần đảm bảo thi hành án) thì mới áp dụng biện pháp ngăn chặn. Trong khi đó, tại Điều 88 BLTTHS lại quy định, tạm giam áp dụng với bị can, bị cáo trong những trường hợp bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng. Như vậy, việc bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, mặc dù bị can, bị cáo không có biểu hiện trốn, hoặc sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử; hoặc không tiếp tục phạm tội thì vẫn có thể bị bắt để tạm giam. Rõ ràng, giữa quy định chung về căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn và quy định của thể căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam mâu thuẫn nhau. Các cơ quan tiến hành tố tụng thường lựa chọn biện pháp bắt, tạm giam để tiện cho việc điều tra, truy tố, xét xử và cũng không trái với quy định của pháp luật. Nhưng nếu thực hiện như thế thì không đạt được mục đích của việc áp dụng biện pháp ngăn chặn là biện pháp này chỉ áp dụng để phục vụ cho việc điều tra, truy tố, xét xử. Hay hiểu ngược lại là, nếu vẫn có thể đạt được mục tiêu điều tra, truy tố, xét xử thì không cần phải áp dụng biện pháp ngăn chặn.

- Các biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự đều có quy định về thời hạn tạm giữ, tạm giam. Trong trường hợp người bị kết án phạt tù thì thời hạn tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam và thời hạn tạm giam được trừ vào thời hạn phạt tù. Tuy nhiên, đối với người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú thì lại không được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù trong trường hợp họ bị kết án phạt tù.

Thực ra, nếu so sánh thì không được chính xác, nhưng tại Điều 31 Bộ luật hình sự có quy định về hình phạt cải tạo không giam giữ. Khi người bị kết án hình phạt cải tạo không giam giữ thì họ được giao cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó. Trong khi đó, bị can, bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú được giao cho chính quyền xã, phường, thị trấn để quản lý, theo dõi họ. Trong trường hợp bị can, bị cáo có lý do chính đáng phải tạm thời đi khỏi nơi cư trú thì phải được sự đồng ý của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú và phải có giấy phép của cơ quan đã áp dụng biện pháp ngăn chặn đó. Rõ ràng, bị can, bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú cũng bị hạn chế các quyền công dân gần giống như hình phạt cải tạo không giam giữ. Thế thì (Điều 31 Bộ luật hình sự quy định, người bị kết án hình phạt cải tạo không giam giữ, nếu đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ một ngày tạm giữ, tạm giam bằng ba ngày cải tạo không giam giữ), tại sao không quy định, bị can, bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, nếu kết bị kết án phạt tù lại không được trừ theo hướng: cứ 3 ngày cấm đi khỏi nơi cư trú bằng một ngày tù. Đây là điều bất hợp lý, phải chăng pháp luật tố tụng hình sự coi người bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú là bình thường, không ảnh hưởng gì đến quyền cơ bản của công dân.

Do đó, cần bổ sung trong Bộ luật tố tụng hình sự lần này theo hướng: bị can, bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, nếu kết bị kết án phạt tù được trừ: cứ 3 ngày cấm đi khỏi nơi cư trú bằng một ngày tù.

- Bộ luật tố tụng hình sự quy định về các biện pháp tạm giữ, tạm giam đều có thời hạn, tuỳ thuộc vào tính chất của tội phạm thuộc loại ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú được áp dụng với bị can, bị cáo lại không được ghi về thời hạn nên không biệt khi nào kết thúc áp dụng biện pháp ngăn chặn này. Thông thường, Cơ quan điều tra ra quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can, nhưng khi họ được chuyển sang giai đoạn truy tố, xét xử thì quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú vẫn có hiệu lực. Vì vậy, một lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú được sử dụng suốt trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Không có trường hợp nào cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng lại ra quyết định huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn này. Thực tế đã xảy ra trường hợp bị can bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú vì bị nghi phạm tội về một tội phạm ít nghiêm trọng. Nhưng đã hơn 5 năm và qua nhiều lần điều tra bổ sung, truy tố, xét xử, sau dó lại diều tra bổ sung nên cho đến nay vẫn bị áp dụng biện pháp ngăn chặn này bằng một quyết định của cơ quan điều tra.

Như vậy, cần thiết quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự về thời hạn áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú trong từng giai đoạn tố tụng (giống như thời hạn tạm giam), để khi chuyển giai đoạn tố tụng, nếu thấy cần thiết thì cơ quan tiến hành tố tụng khác quyết định có hay không áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp ngăn chặn này.

Thứ ba, vấn đề về khởi tố vụ án hình sự

1. Những vấn đề về khởi tố, điều tra vụ án hình sự và quyết định truy tố được quy định tại Phần thứ hai của Bộ luật tố tụng hình sự. Trong khoa học tư pháp hình sự phân định giai đoạn khởi tố, điều tra nằm tại giai đoạn công tố thuộc chức năng của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát. Chính Điều 23 BLTTHS quy định, Viện kiểm sát thực hành quyền công tố trong tố tụng hình sự, quyết định việc truy tố người phạm tội ra trước Toà án. Trên cơ sở kết quả công tố, Toà án tiến hành xét xử vụ án hình sự và đưa ra bản án, quyết định. Trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị còn đặt ra yêu cầu bảo đảm việc phán quyết của toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời hạn pháp luật quy định.

Như vậy, Toà án không phải là trọng tài, nhưng là chủ thể đứng giữa để xem xét tranh tụng tại phiên toà giữa kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp … trong xét xử vụ án hình sự. Điều này càng khẳng định, những hành vi tố tụng liên quan đến hoạt động công tố thuộc trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát chứ không phải của Toà án.

Tuy nhiên, tại Điều 104 BLTTHS lại giao quyền cho Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra; quyết định khởi tố của Hội đồng xét xử phải được gửi tới Viện kiểm sát để xem xét, quyết định việc điều tra. Việc quy định như thế dường như làm cho Toà án mất đi tính khách quan trong việc “đứng giữa” để xem xét kết quả tranh tụng tại phiên toà giữa kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp … trong xét xử vụ án hình sự, và Toà án dường như vượt rào sang làm công việc khởi tố vụ án của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát. Điều này đi ngược với tinh thần pháp luật liên quan đến chức năng của Toà án.

Do vậy, sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự lần này nên bỏ quy định này tại Điều 104 BLTTHS mà chỉ nên quy định: “Hội đồng xét xử yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra; yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử được gửi cho Viện kiểm sát để xem xét, quyết định việc khởi tố”.

Thứ tư, vấn đề thay đổi tội danh trong quyết định khởi tố bị can

2. Điều 127 BLTTHS quy định, khi tiến hành điều tra, nếu có căn cứ xác định hành vi phạm tội của bị can không phạm vào tội đã bị khởi tố hoặc còn hành vi phạm tội khác thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can. Tuy nhiên, việc bổ sung quyết định khởi tố bị can thì không có gì phải bàn vì bị can phạm nhiều tội chứ không phải một tội. Riêng đối với việc thay đổi quyết định khởi tố bị can thì cần phải bàn thêm.

Nếu như khởi tố vụ án hình sự là khởi tố về một sự việc, sự kiện, hành vi phạm tội nên nếu khởi tố chưa chính xác cũng không ảnh hưởng gì. Còn khởi tố bị can là khởi tố về một con người bị nghi thực hiện một tội phạm nên quyết định này liên quan đến hàng loạt các hành vi tố tụng đụng chạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị khởi tố như việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người đó; bị khám xét nơi ở địa điểm; bị phong toả thông tin liên lạc; bị tạm đình chỉ chức vụ và không được làm những công việc nhất định v.v… . Cho nên, việc khởi tố bị can phải hết sức thậm trọng làm sao để khởi tố đúng người, đúng tội. Tất nhiên, do giai đoạn điều tra vẫn là giai đoạn tìm kiếm, thiết lập chứng cứ mà có thể việc khởi tố bị can chưa thể chính xác ngay về tội danh pháp luật tố tụng hình sự cho phép, “khi tiến hành điều tra, nếu có căn cứ xác định hành vi phạm tội của bị can không phạm vào tội đã bị khởi tố thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can” là hợp lý.

Tuy nhiên, thay đổi quyết định khởi tố bị can không thể tuỳ tiện vì có nhiều loại tội phạm với tính chất, mức độ khác nhau. Việc Nguyễn Văn A bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Điều 104 BLHS) dẫn đến chết người (khoản 4), nhưng qua quá trình điều tra thấy rằng, Nguyễn Văn A phạm tội giết người chứ không phải tội danh đã khởi tố ban đầu. Trong trường hợp này, việc thay đổi tội danh là cần thiết và hợp lý vì hai tội phạm này có cùng khách thể loại mà ban đầu, cơ quan điều tra chưa xác định chính xác tội danh. Nhưng nếu Nguyễn Văn B bị khởi tố về tội buôn lậu (Điều 153 BLHS), nhưng qua quá trình điều tra thì cơ quan điều tra thay đổi tội danh thành tội tham ô (Điều 278 BLHS) thì cần phải xem lại việc thay đổi tội danh này vì hai tội này khác nhau về khách thể loại được xếp ở hai chương khác nhau của Bộ luật hình sự. Tội buôn lậu (Điều 153 BLHS) đặt tại chương XVI “Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế”. Còn tội tham ô (Điều 278) được đặt tại chương XXI “Các tội phạm về chức vụ” tại mục các tội phạm về tham nhũng. Tương tự như thế có trường hợp một bị can bị khởi tố về tội được xếp ở chương các xâm phạm trật tự quản lý hành chính, nhưng sau đó cơ quan điều tra thay đổi thành tội được xếp ở chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia v.v… .

Việc cơ quan điều tra được quyền ra quyết định thay đổi tội danh là cần thiết để phù hợp với hành vi phạm tội của bị can. Tuy nhiên, việc thay đổi tội danh chỉ nên dừng lại ở nhóm tội có cùng khách thể loại, hoặc những tội danh có những quy định về hành vi phạm tội gần nhau mà ban đầu cơ quan điều tra khó có thể định tội chính xác. Do vậy, Điều 127 BLTTHS cần sửa đổi theo hướng:

- Khi tiến hành điều tra, nếu có căn cứ xác định hành vi phạm tội của bị can không phạm vào tội đã bị khởi tố, mà phạm tội khác có cùng khách thể thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can.

Trong trường hợp xác định hành vi phạm tội của bị can không phạm vào tội đã bị khởi tố, mà phạm vào tội khác không có cùng khách thể thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can về tội danh đã khởi tố, ra quyết định khởi tố bị can về tội danh mới để tiến hành điều tra.

- Khi tiến hành điều tra, nếu có căn cứ xác định hành vi phạm tội của bị can còn hành vi phạm tội khác thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can.

Thứ năm, vấn đề về thời hạn trong các giai đoạn của tố tụng hình sự.

Thời hạn trong tố tụng hình sự là thời hạn điều tra, thời hạn điều tra bổ sung, điều tra lại; thời hạn phục hồi điều tra; thời hạn truy tố, thời hạn chuẩn bị xét xử v.v… . Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung thường vi phạm nhưng quy định về thời hạn, chủ yếu tập trung vào việc trả lại hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần.

Trong khi Điều 119 BLTTHS quy định về thời hạn điều tra, thời hạn gia hạn điều tra đối với tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng và tại khoản 6 Điều 119 quy định, khi đã hết thời hạn gia hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra, nhưng Điều 166 BLTTHS, khi quy định thời hạn truy tố, thời hạn gia hạn thời hạn truy tố đối với tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì lại không quy định, khi hết thời hạn truy tố mà không ra được một trong những quyết định: a) Quyết định truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng; b) Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, thì Viện Kiểm sát phải ra quyết định đình chỉ vụ án. Điều này dẫn đến không ít vụ án bị kéo dài quá thời hạn truy tố, mặc dù đã được gia hạnh thời hạn truy tố.

Tại Điều 121 BLTTHS quy định về thời hạn điều tra bổ sung: trong trường hợp vụ án do Viện kiểm sát trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá hai tháng; nếu do Toà án trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá một tháng. Viện kiểm sát hoặc Toà án chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung không quá hai lần. Tuy nhiên, trong Bộ luật tố tụng hình sự lại không quy định rõ Viện kiểm sát hoặc Toà án trả lại thì là Viện kiểm sát hoặc Toà án cấp nào hay Viện kiểm sát và Toà án nói chung trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung không quá hai lần. Điều này đã dẫn đến trong thực tế giải quyết vụ án, có trường hợp Toà án có 6 lần và Viện kiểm sát có 9 lần ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung làm cho vụ án hình sự về tội danh thuộc loại ít nghiêm trọng, nhưng hơn 5 năm chưa giải quyết xong, gây thiệt hại nghiêm trọng về quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo.

Bộ luật tố tụng hình sự cũng không quy định rõ, khi hết thời hạn điều tra bổ sung mà không hoàn thành được yêu cầu điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát, Toà án có quyền ra quyết định đình chỉ vụ án hình sự hay không nên vụ án thường bị đùn đẩy qua lại giữa Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Toà án và làm cho vụ án hình sự bị kéo dài không có cách giải quyết dứt điểm.

Từ điều này cho thấy cần thiết bổ sung, sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự về thời hạn trong các giai đoạn tố tụng hình sự theo hướng:

- Khi hết thời hạn truy tố mà Viện Kiểm sát không ra được quyết định: Truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng; hoặc quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát phải ra quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án;

- Trong trường hợp vụ án do Viện kiểm sát trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá hai tháng; nếu do Toà án trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá một tháng. Viện kiểm sát hoặc Toà án chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung không quá hai lần. Nếu quá thời hạn này mà mà Viện kiểm sát không ra được quyết định truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng, hoặc Toà án không ra được quyết định đưa vụ án ra xét xử thì tuỳ thuộc vào hồ sơ vụ án đang ở cơ quan nào, cơ quan đó phải ra quyết định đình chỉ vụ án.

Trên đây là mọt số ý kiến tham gia vào việc bổ sung, sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Xin chân thành cám ơn.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ BẢO ĐẢM QUYỀN BÀO CHỮA CỦA BỊ CÁO TRONG GIAI ĐOẠN XÉT XỬ SƠ THẨM VỤ ÁN HÌNH SỰ

NCS. Nguyễn Ngọc Khanh

Trường Đại học Luật Hà Nội

1. Bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự là một  nguyên tắc hiến định, được quy định tại Điều 132 Hiến pháp 1992 của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và được ghi nhận tại Điều 11 Bộ luật tố tụng hình sự là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự. Điều 11 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định:

Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án có nhiệm vụ bảo đảm cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ theo quy định của Bộ luật này”.

Mục đích của quy định này nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can và bị cáo trong tố tụng hình sự. Để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa bằng việc đưa ra các chứng cứ và yêu cầu đối với các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình. Theo quy định của Điều 56 BLTTHS, người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có thể là luật sư, người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và bào chữa viên nhân dân. Không chỉ ghi nhận quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, Điều 11 BLTTHS còn quy định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng là phải bảo đảm cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của mình theo quy định của BLTTHS.

Thực tiễn tố tụng hình sự Việt Nam những năm qua cho thấy, mặc dù quyền bào chữa của người bị buộc tội được ghi nhận trong Hiến pháp và BLTTHS, song trên thực tế, trong nhiều vụ án hình sự, quyền cơ bản này của người bị buộc tội, đặc biệt là quyền được nhờ người khác bào chữa không được đảm bảo thực hiện. Theo bà Tạ Thị Minh Lý, Cục trưởng cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp), hơn 70% phiên toà (bao gồm cả phiên toà hình sự, dân sự, kinh tế…) không có luật sư tham gia.[1] Riêng đối với các vụ án hình sự, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, số vụ án có người bào chữa tham gia chiếm khoảng “hơn 10% so với tổng vụ án mà các Toà án đã xét xử”.[2] Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo bà Tạ Thị Minh Lý là do “số vụ án nhiều, trong khi đó số luật sư hành nghề thì ít, đối tượng phải ra toà thường nghèo hoặc chưa tin cậy luật sư”.[3] Theo quan sát của chúng tôi, ngoài những nguyên nhân kể trên còn phải kể đến các nguyên nhân khác như: trình độ hiểu biết pháp luật của người dân nói chung còn thấp, trong nhiều vụ án hình sự, bị can, bị cáo không biết mình có quyền nhờ luật sư bào chữa cho mình; các quy định của pháp luật về vấn đề này còn có những bất cập; và ý thức của những người tiến hành tố tụng trong việc đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội chưa cao. Trong bài viết này chúng tôi xin đề cập đến một số vấn đề về đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo trong các giai đoạn xét xử vụ án hình sự. Cụ thể là đảm bảo sự tham gia tố tụng của người bào chữa trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và việc đảm bảo thực hiện các quyền năng tố tụng của người bào chữa tại phiên toà.

1.     Giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự được xác định từ thời điểm Toà án thụ lý hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát chuyển sang. Giai đoạn này được chia thành hai bước: chuẩn bị xét xử và xét xử tại phiên toà. Tuy BLTTHS không có quy định cụ thể về việc thời điểm tham gia tố tụng của người bào chữa trong giai đoạn xét xử sơ thẩm nhưng theo tinh thần Khoản 2, Điều 58 BLTTHS, có thể hiểu người bào chữa đương nhiên có quyền tham gia tố tụng trong suốt giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Theo quy định tại điểm g, khoản 2 Điều luật này, kể từ thời điểm việc điều tra kết thúc, người bào chữa có quyền đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa. Các cơ quan tiến hành tố tụng (bao gồm Viện kiểm sát – ở giai đoạn truy tố và Toà án – ở giai đoạn xét xử) có trách nhiệm tạo điều kiện cho người bào chữa thực hiện quyền năng này của mình. Tuy nhiên, thực tiễn những năm qua cho thấy, trong nhiều trường hợp cán bộ Toà án không tạo điều kiện cho người bào chữa tiếp xúc hồ sơ khi vụ án đang trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Lý do họ đưa ra có thể là người quản lý hồ sơ bận việc hoặc đi vắng hoặc chưa được sự đồng ý của lãnh đạo. Người bào chữa cũng có thể gặp rắc rối về thủ tục xin cấp giấy chứng nhận là người bào chữa trong vụ án hình sự. Theo tinh thần khoản 4 Điều 56 BLTTHS, muốn trở thành người bào chữa trong vụ án hình sự, người bào chữa phải gửi tới cơ quan tiến hành tố tụng “đề nghị kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa”. Đối với luật sư, “giấy tờ liên quan đến việc bào chữa” được hiểu là thẻ luật sư và quyết định của cơ sở hành nghề luật sư phân công luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa. Tuy nhiên, khi luật sư nộp cho Toà án các “văn bản liên quan” trên, trong nhiều trường hợp luật sư vẫn bị cán bộ Toà án gây khó dễ, đặc biệt là từ khi có “quyết định miệng” của Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao Đặng Quang Phương tại một Hội nghị tập huấn BLTTHS được tổ chức năm 2004. Trong bài phát biểu của mình, ông Đặng Quang Phương chỉ đạo: “Để được cấp giấy chứng nhận người bào chữa, ngoài việc có thẻ luật sư, văn bản phân công của văn phòng luật sư, các luật sư cần phải trình thêm hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa luật sư với khách hàng”.[4] Chỉ đạo này ngay lập tức được nhiều toà án địa phương “quán triệt”, gây phiền toái cho luật sư khi họ muốn tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa trong vụ án hình sự bởi thông thường, hợp đồng dịch vụ pháp lý được ký kết giữa khách hàng và cơ sở hành nghề luật sư chứ không ký trực tiếp với luật sư. Cơ sở hành nghề luật sư sẽ căn cứ vào hợp đồng dịch vụ pháp lý đó và yêu cầu của khách hàng cũng như khả năng của luật sư thành viên để phân công luật sư tham gia tố tụng. Khi luật sư xin giấy chứng nhận người bào chữa, luật sư chỉ cần nộp cho Toà án văn bản phân công của cơ sở hành nghề luật sư chứ họ không cần “trình” cho Toà án hợp đồng dịch vụ pháp lý ký kết với khách hàng nhân danh cơ sở hành nghề luật sư. Việc các toà án yêu cầu luật sư “trình” hợp đồng dịch vụ pháp lý khi xin chứng nhận người bào chữa gây bất bình trong giới luật sư. Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị số 63/ĐLS gửi Chủ tịch nước, Uỷ ban Thường vụ, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, các cơ quan Toà án, Viện kiểm sát tối cao… cho rằng “các cơ quan tố tụng hiểu chưa rõ về hợp đồng dịch vụ pháp lý, bởi hợp đồng dịch vụ pháp lý chỉ là một hợp đồng dân sự được giao kết giữa khách hàng và văn phòng luật sư, nó không nằm trong quy định tố tụng hình sự hoặc dân sự, do đó các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng không có quyền yêu cầu luật sư xuất trình hợp đồng này”.[5] Đoàn luật sư TPHCM kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét chỉ đạo và áp dụng thống nhất trong cả nước: khi tham gia tố tụng, luật sư chỉ cần xuất trình giấy giới thiệu của văn phòng luật sư và thẻ luật sư. Trên thực tế, một số cơ sở hành nghề luật sư gần đây đưa ra “phiếu yêu cầu luật sư” hoặc “giấy mời luật sư”. Khi khách hàng ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với cơ sở hành nghề luật sư, họ cũng đồng thời được yêu cầu điền thông tin vào phiếu yêu cầu luật sư hoặc giấy mời luật sư để tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia tố tụng. Chúng tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải có hướng dẫn thống nhất về vấn đề này. Để tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia tố tụng, theo chúng tôi, chỉ cần yêu cầu luật sư xuất trình thẻ luật sư và quyết định phân công tham gia tố tụng của cơ sở hành nghề luật sư. Đối với luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, theo quy định tại khoản 1 Điều  49 Luật Luật sư 2006, họ không có con dấu, cũng không thuộc sự quản lý của cơ sở hành nghề luật sư nào thì hợp đồng dịch vụ pháp lý có chữ ký của luật sư và khách hàng và thẻ luật sư được coi là những văn bản cần thiết để các cơ quan tiến hành tố tụng dựa vào đó cấp giấy chứng nhận người bào chữa.

Vấn đề thứ hai chúng tôi xin đề xuất liên quan đến sự tham gia của người bào chữa trong giai đoạn chuẩn bị xét xử đó là khi người bào chữa đã được cấp giấy chứng nhận người bào chữa, cán bộ Toà án cần phải hết sức tạo điều kiện cho người bào chữa được tiếp xúc hồ sơ vụ án, không thể nại những lý do “vô thưởng vô phạt” để ngăn cản người bào chữa thực hiện nhiệm vụ của mình như phần trên đã đề cập. Không riêng gì trong những vụ án hình sự, trong các vụ án dân sự, khi luật sư muốn tiếp xúc hồ sơ trong quá trình chuẩn bị xét xử, trong nhiều trường hợp họ cũng bị cán bộ toà án “hành”. Ví dụ như trong vụ luật sư T. tham gia bảo vệ quyền lợi của một bên trong vụ tranh chấp tại TAND thị xã B đầu năm 2007. Trong khi vụ án đang trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, vị luật sư đề nghị Toà cho phép được sao chụp hồ sơ, thẩm phán nói với luật sư “muốn chụp hồ sơ thì tự mang máy photo đến chụp chứ toà không làm thay việc cho luật sư”. Vị luật sư này về nhà mang máy photo đến toà nhưng lại bị vị thẩm phán bắt bẻ “không được sử dụng điện của toà”. Lần sau đến toà, vị luật sư đành phải mang theo chiếc máy ảnh kỹ thuật số để sao chụp hồ sơ.[6] Theo chúng tôi, ngành toà án cần phải có những hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để tạo điều kiện thuận lợi cho người bào chữa (trong tố tụng hình sự) và người bảo vệ quyền lợi của đương sự (trong tố tụng dân sự) thực hiện nhiệm vụ của mình trong giai đoạn chuẩn bị xét xử.

Một vấn đề khác liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của người bào chữa trong giai đoạn chuẩn bị xét xử đó là việc tiếp xúc với bị cáo đang bị tạm giam. Điểm e, khoản 2 Điều 58 BLTTHS quy định người bào chữa có quyền “gặp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam”. Đây là một quyền năng tố tụng của người bào chữa để họ thực hiện nhiệm vụ của mình. Ban giám thị trại tạm giam có trách nhiệm tạo điều kiện cho luật sư thực hiện quyền năng này của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, khi người bào chữa muốn gặp bị cáo đang bị tạm giam, đôi khi họ gặp phải những khó khăn gây ra bởi cán bộ trại tạm giam như không bố trí địa điểm gặp hoặc hạn chế thời gian gặp. Đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của người bào chữa trong tố tụng hình sự. Chúng tôi cho rằng ngành Công an cần có văn bản chỉ đạo cán bộ trong ngành nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ của mình đúng pháp luật, đảm bảo quyền của người bị tạm giam và tạo điều kiện cho người bào chữa thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

1.     Theo quy định của Điều 190 BLTTHS, người bào chữa có nghĩa vụ tham gia phiên toà để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo. Trong trường hợp không thể có mặt tại phiên toà, người bào chữa có thể gửi trước bản bào chữa cho Toà án. Nếu người bào chữa vắng mặt Toà án vẫn mở phiên toà. Trong trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa theo quy định tại khoản 2 Điều 57 BLTTHS mà người bào chữa vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên toà. Tại phiên toà, người bào chữa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bằng việc tham gia xét hỏi và tranh luận với Viện kiểm sát và những người tham gia tố tụng khác. Có thể nói tại phiên toà, vai trò của người bào chữa thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết. Bởi vậy, người bào chữa thường tận dụng tối đa cơ hội để được đặt câu hỏi với bị cáo và những người tham gia tố tụng khác và tham gia tranh luận nhằm làm sáng tỏ các tình tiết có lợi cho bị cáo. Tuy nhiên, trên thực tế, khi tham gia phiên toà, không phải lúc nào người bào chữa cũng được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện chức năng của mình. Họ thường vấp phải những cản trở từ phía người tiến hành tố tụng, đặc biệt là thẩm phán chủ toạ phiên toà.

3.1.    Trong thủ tục xét hỏi. Khoản 2 Điều 207 BLTTHS quy định về trình tự xét hỏi như sau: “Khi xét hỏi từng người, chủ tọa phiên tòa hỏi trước rồi đến các Hội thẩm, sau đó đến Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Những người tham gia phiên tòa cũng có quyền đề nghị với chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Người giám định được hỏi về những vấn đề có liên quan đến việc giám định”.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 207 BLTTHS,  khi xét hỏi, người có quyền đặt câu hỏi đầu tiên là Thẩm phán, sau đó đến Hội thẩm, rồi đến Kiểm sát viên. Chỉ sau khi những người tiến hành tố tụng kết thúc việc xét hỏi thì người bào chữa và người bảo vệ quyền lợi của đương sự mới có quyền đặt câu hỏi. Trên thực tế, các câu hỏi đối với người bị xét hỏi đại đa số được đặt ra bởi Thẩm phán, Hội thẩm và Kiểm sát viên. Khi những người này tiến hành xét hỏi, thông thường chủ toạ phiên toà không khống chế về mặt thời gian nhưng khi người bào chữa đặt câu hỏi với người bị xét hỏi, họ thường bị chủ toạ phiên toà ngắt lời và hạn chế thời gian hỏi.[7] Một câu hỏi đặt ra ở đây là: vai trò của Thẩm phán (và cả Hội thẩm) trong thủ tục xét hỏi nói riêng, tại phiên toà nói chung là gì? Họ là những người “trọng tài” đứng ra phân xử giữa bên buộc tội và bên gỡ tội hay họ là những người xét hỏi? Những người ủng hộ hệ thống tố tụng xét hỏi có thể biện hộ rằng, tại phiên toà, Thẩm phán đóng vai trò là trọng tài nhưng việc họ có quyền xét hỏi không mâu thuẫn với việc họ thực hiện vai trò của người trọng tài. Không những thế, việc xét hỏi còn có thể giúp họ đưa ra được quyết định đúng đắn về việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, quy định này chưa thực sự hợp lý. Theo chúng tôi, thủ tục xét hỏi tại phiên toà cần có sự cải tiến.[8] Gần đây, trong khoa học luật tố tụng hình sự Việt Nam, một số tác giả đã đề xuất sửa đổi các quy định của BLTTHS về thủ tục xét xử theo hướng quy định chủ thể của việc xét hỏi chỉ là Kiểm sát viên và người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự.[9] Thẩm phán và hội thẩm không tham gia xét hỏi mà chỉ đặt câu hỏi khi thấy cần thiết làm sáng tỏ các câu trả lời của người bị xét hỏi. Chúng tôi đồng ý với đề xuất này. Cụ thể, chúng tôi kiến nghị sửa đổi trình tự xét hỏi tại phiên toà (khoản 2 Điều 207) theo hướng quy định khi xét hỏi Kiểm sát viên hỏi trước rồi đến người bào chữa và người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Thẩm phán và Hội thẩm chỉ đặt câu hỏi khi thấy cần làm rõ các tình tiết trong lời khai của người bị xét hỏi.

3.2.          Trong thủ tục tranh luận. Có thể nói, vai trò của người bào chữa trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo tại phiên toà được thể hiện tập trung nhất trong thủ tục tranh luận tại phiên toà. Theo quy định tại Điều 217 BLTTHS, sau khi Kiểm sát viên trình bày lời luận tội, nếu bị cáo có người bào chữa thì người bào chữa trình bày bản bào chữa của mình cho bị cáo. Bị cáo có quyền bổ sung ý kiến bào chữa. Theo quy định của Điều 218 BLTTHS, người bào chữa có quyền trình bày ý kiến của mình về bản luận tội của Kiểm sát viên và đưa ra đề nghị của mình. Họ có quyền đáp lại ý kiến của Kiểm sát viên và của những người tham gia tranh luận khác. Khi Kiểm sát viên, người bào chữa và những người tham gia tranh luận khác tranh luận, chủ toạ phiên toà không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện để người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến nhưng có quyền cắt những ý kiến không liên quan đến vụ án. Để đảm bảo việc tranh luận tại phiên toà, Điều 218 BLTTHS quy định chủ toạ phiên toà có quyền đề nghị Kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến có liên quan đến vụ án của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được Kiểm sát viên tranh luận.

Thực tiễn tố tụng hình sự Việt Nam những năm qua cho thấy, kể từ khi Nghị Quyết 08/NQ-TW ngày 02 tháng 01 năm 2001 của Bộ Chính trị “về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư  pháp trong thời gian tới” và Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị “về chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020” được ban hành, thủ tục tranh tụng tại phiên toà hình sự được coi trọng hơn rất nhiều so với trước đây và người bào chữa được tạo điều kiện tốt hơn để tham gia tranh tụng với Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng khác tại phiên toà. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, việc áp dụng các quy định của BLTTHS về thủ tục tranh tụng tại phiên toà còn tồn tại một số bất cập. Cụ thể là:

Thứ nhất, khi người bào chữa trình bày bản bào chữa của mình, họ có thể bị chủ toạ phiên toà hạn chế về mặt thời gian. Ví dụ, trong phiên xử Bùi Tiến Dũng ngày 3 tháng 8 năm 2007, chủ toạ phiên toà hạn chế mỗi người bào chữa chỉ được nói trong 10 phút. Luật sư Phạm Hồng Hải đứng dậy phát biểu: “Theo quy định, chủ toạ không được hạn chế thời gian tranh luận của các luật sư. Còn nếu tình trạng này tiếp tục, chúng tôi sẽ không tham dự tiếp”.[10]

Thứ hai, có những trường hợp, khi người bào chữa trình bày, hội đồng xét xử tạo điều kiện cho họ trình bày nhưng sau đó tuyên bố “không chấp nhận ý kiến của người bào chữa” mà không nêu lý do không chấp nhận. Theo kết quả khảo sát năm 2006,[11] kể từ khi Nghị quyết 08/NQ-TW được ban hành, tình trạng này không còn nhiều song thỉnh thoảng vẫn xảy ra trong thực tế.

Thứ ba, khi người bào chữa đưa ra vấn đề yêu cầu tranh luận với Kiểm sát viên, trong nhiều trường hợp, Kiểm sát viên không đáp lại ý kiến của người bào chữa và chủ toạ phiên toà cũng không yêu cầu Kiểm sát viên đối đáp với người bào chữa.[12] Theo quy định tại Điều 218 BLTTHS, chủ toạ phiên toà có quyền đề nghị Kiểm sát viên phải đáp lại ý kiến của người bào chữa nếu ý kiến đó chưa được Kiểm sát viên tranh luận. Tuy nhiên, vì đây là quyền của chủ toạ phiên toà nên chủ toạ phiên toà có thể thực hiện, có thể không. Theo chúng tôi luật nên quy định đây vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của chủ toạ phiên toà, có nghĩa là khi người bào chữa hoặc người tham gia tranh luận khác đưa ra vấn đề yêu cầu tranh luận với Kiểm sát viên, nếu vấn đề đó chưa được tranh luận mà Kiểm sát viên không tự nguyện tham gia tranh luận, chủ toạ phiên toà phải yêu cầu Kiểm sát viên đáp lại ý kiến của người bào chữa hoặc người tham gia tranh luận khác. Có như vậy mới đảm bảo việc tranh luận công khai tại phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp.

Để nâng cao hiệu quả xét xử nói chung, hiệu quả của thủ tục tranh tụng tại phiên toà nói riêng, chúng tôi kiến nghị: Điều 218 cần sửa đổi theo hướng quy định khi người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác đưa ra các tình tiết yêu cầu Kiểm sát viên tranh luận, Kiểm sát viên có nghĩa vụ phải đáp lại ý kiến đó nếu những ý kiến đó chưa được Kiểm sát viên tranh luận và giao trách nhiệm cho chủ toạ phiên toà phải đảm bảo việc đối đáp giữa Kiểm sát viên và người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác.

4. Có thể nói rằng, thời gian gần đây, kể từ khi Nghị Quyết 08 của Bộ chính trị được ban hành năm 2001, vai trò của người bào chữa trong tố tụng hình sự nói chung, trong giai đoạn xét xử sơ thẩm hình sự nói riêng dần dần được đánh giá cao hơn. Người bào chữa được tạo điều kiện tốt hơn để tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của  bị can, bị cáo. Trong giai đoạn xét xử, nhất là trong những vụ án điểm được tiến hành theo tinh thần cải cách tư pháp, tiếng nói của người bào chữa dường như có trọng lượng hơn trước đây rất nhiều. Đó là một trong những thắng lợi của Nghị quyết 08. Tuy nhiên, thực tiễn tố tụng hình sự những năm qua cũng cho thấy, trong nhiều vụ án, khi tham gia thủ tục tố tụng tại phiên toà, người bào chữa vẫn gặp phải những trở ngại nhất định. Tình trạng đó xảy ra do nhiều nguyên nhân như các quy định về thủ tục xét hỏi chưa hợp lý, quy định về trách nhiệm của chủ toạ phiên toà trong thủ tục tranh luận chưa chặt chẽ. Và trên hết là ý thức của thẩm phán trong việc tạo điều kiện cho người bào chữa được tham gia các thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử. Chúng tôi đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bào chữa tham gia tố tụng trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và sửa đổi một số quy định của BLTTHS về thủ tục xét hỏi (Điều 207) và tranh luận tại phiên toà (Điều 2008) nhằm đề cao hơn nữa vai trò của người bào chữa tại phiên toà và tạo điều kiện cho họ thực hiện chức năng cao cả của mình là bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo.

NHỮNG KHÓ KHĂN VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2003 VÀ KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI BỔ SUNG

Đại tá, PGS, TS Nguyễn Đức Thuận – Bộ Công an 

          Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) của nước ta dành một Chương trong phần “Những quy định chung” để quy định về các biện pháp ngăn chặn (BPNC). Việc quy định các BPNC trong BLTTHS góp phần đảm bảo cho công tác điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện đạt hiệu quả đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc thực hiện quy định của BLTTHS năm 1988 về các BPNC đã gặp những khó khăn nhất định do chưa được quy định cụ thể về trình tự thủ tục tiến hành đối với một số trường hợp. Chẳng hạn, về thủ tục bắt người ở địa điểm không phải là nơi làm việc hoặc nơi cư trú của người bị bắt, về thời gian phê chuẩn của VKS, về đối tượng áp dụng và trình tự thủ tục áp dụng BPNC bảo lĩnh, cấm đi khỏi nơi cư trú, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để đảm bảo. BLTTHS năm 2003 quy định về các BPNC về cơ bản đã khắc phục được những khó khăn vướng mắc nêu trên. Nhưng qua một thời gian thực hiện, chúng tôi thấy vẫn còn có những khó khăn vướng mắc nhất định, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu để có quy định phù hợp thực tế, đảm bảo cho công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự đạt hiệu quả.

1. Trước hết là về bố cục sắp xếp các nội dung của BLTTHS có liên quan đến chế định các BPNC:

Một trong những yêu cầu đối với quy định của pháp luật là phải rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu và phù hợp thực tế để mọi công dân đều dễ dàng nắm bắt và chấp hành. Việc áp dụng BPNC, nhất là BPNC bắt người, ngoài quy định của BLTTHS, đối với một số trường hợp cụ thể còn phải căn cứ vào quy định của các đạo luật khác hoặc văn bản hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền có liên quan đến đối tượng bắt. Ngay trong BLTTHS, việc áp dụng BPNC không chỉ được quy định trong Chương “Các biện pháp ngăn chặn” mà còn được quy định ở một số điều luật thuộc các Chương khác của Bộ luật, nhưng trong Chương các BPNC không có nội dung nào chỉ dẫn về mối liên quan để người áp dụng dễ dàng thực hiện. Chẳng hạn, việc áp dụng các BPNC đối với người chưa thành niên được quy định tại Chương 32 Phần “Thủ tục đặc biệt” của BLTTHS; về thời hạn tạm giam không được quy định ở Chương các BPNC mà lại quy định tại Chương 9 “Những quy định chung về điều tra”.

Việc quy định trên đây gây khó khăn trước hết cho chính đội ngũ những người tiến hành tố tụng trong quá trình thực hiện và tất nhiên cũng sẽ là khó khăn cho tất cả những ai đang bị áp dụng chế định các BPNC trong BLTTHS. Đối với cán bộ tư pháp còn gặp khó khăn như vậy, đối với người dân trình độ hạn chế thì làm sao họ có thể hiểu rõ để thực hiện và bảo vệ quyền lợi của mình, nhất là đối với các trường hợp bị oan, sai do hành vi hoặc quyết định tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Thực tế công tác điều tra, xử lý tội phạm cho thấy vẫn còn có một số cán bộ đề xuất áp dụng BPNC chỉ căn cứ quy định của BLTTHS trong Chương các BPNC.

Để khắc phục tình trạng trên, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung BLTTHS theo hướng tất cả các chế định về BPNC phải được quy định trong Chương các BPNC, trường hợp cần phải tiếp tục cụ thể ở các điều luật khác thì trong điều luật gốc nằm trong Chương các BPNC phải có nội dung chỉ dẫn để đảm bảo tính lôgíc giữa các Chương, điều trong BLTTHS. Chẳng hạn, nên chuyển điều luật quy định về thời hạn tạm giam về Chương các BPNC ngay sau điều quy định về tạm giam như cách bố trí của BLTTHS năm 1988; trong các điều luật quy định về bắt, tạm giữ, tạm giam cần có một đoạn nêu rõ: “Việc áp dụng đối với người chưa thành niên được áp dụng theo quy định của Điều này và Điều 303 của Bộ luật này”

2. Về nội dung quy định BPNC trong BLTTHS:

Mặc dù đã có nhiều tiến bộ so với quy định của BLTTHS năm 1988, nhưng qua một số năm thực hiện chúng tôi thấy vẫn còn một số khó khăn vướng mắc và bất cập do quy định của pháp luật.

Trước hết, đối với quy định về việc bắt người, quy định của BLTTHS năm 2003 đã khắc phục được một số khó khăn vướng mắc do quy định trước đây của BLTTHS năm 1988, nhưng trên thực tế vẫn thường xẩy ra trường hợp mang lệnh bắt khẩn cấp đi bắt đối tượng nhưng không bắt được ngay vì  nhiều nguyên nhân khách quan. Đối với việc bắt bị can, bị cáo để tạm giam cũng gặp trường hợp tương tự. Mặc dù đã có lệnh bắt bị can hoặc bị cáo để tạm giam, nhưng khi triển khai bắt thì lại không bắt được vì bị can, bị cáo lẩn trốn, có trường hợp phải sau một thời gian dài mới bắt được.

Trong cả hai trường hợp nêu trên, thời hạn bắt theo lệnh không phải là vô tận mà phải có hạn định. Vậy thời hạn là bao nhiêu ngày cần phải được quy định cụ thể trong BLTTHS. Thời gian trước đây mẫu lệnh bắt bị can để tạm giam ghi rõ thời gian tạm giam tính từ ngày ra lệnh, nhưng vì không bắt được ngay đối tượng nên việc ghi thời hạn trong lệnh là không đúng thực tế, do vậy mẫu này đã được sửa đổi ghi thời hạn tạm giam bị can được tính từ khi bắt được bị can. Tuy nhiên, theo chúng tôi cần phải quy định một thời hạn nhất định chứ không thể kéo dài đến khi hết thời hạn điều tra, vì vấn đề này còn có liên quan đến chế định truy nã bị can.

Hiện nay cơ quan điều tra các cấp vẫn đang dùng mẫu lệnh bắt, tạm giam bị can để bắt bị can và trong lệnh này ghi cả thời hạn tạm giam bị can, trong khi đó “bắt bị can, bị cáo để tạm giam” và “tạm giam” là hai biện pháp ngăn chặn được lập, mặc dù có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Có ý kiến cho rằng trong trường hợp trên phải dùng 2 mẫu lệnh, đó là “ lệnh bắt bị can để tạm giam” và “lệnh tạm giam bị can”, tức là sau khi bắt được bị can mới ra lệnh tạm giam bị can. Chúng tôi thấy ý kiến trên đảm bảo tính khoa học và rõ ràng trong việc áp dụng pháp luật nhưng lại gặp khó khăn là Viện kiểm sát (VKS) không thể phê chuẩn lệnh tạm giam bị can trước khi cơ quan điều tra bắt được bị can vì không biết thời hạn tạm giam tính từ ngày nào; trường hợp bắt được bị can rồi mới ra lệnh tạm giam và xin phê chuẩn của VKS thì phải có quy định của luật TTHS về thời hạn phê chuẩn lệnh tạm giam và trong thời gian chờ phê chuẩn của VKS, bị can chưa thể bị tạm giam thì xử lý như thế nào? Do vậy, việc thực hiện lệnh “kép” như hiện nay là phù hợp thực tiễn, chỉ cần quy định thêm về hiệu lực thời gian của lệnh này.

Bắt người trong trường hợp khẩn cấp và bắt bị can, bị cáo để tạm giam là các biện pháp ngăn chặn; việc thi hành các lệnh bắt là hoạt động tố tụng nhưng nếu không có biện pháp nghiệp vụ thì nhiều trường hợp gặp rất nhiều khó khăn vì đối tượng bị bắt thường lẩn trốn và tìm cách chống trả những người thi hành lệnh bắt, nhất là những người phạm vào các tội về trật tự xã hội. Thông thường, những người thi hành lệnh bắt phải tìm cách bí mật, bất ngờ tiếp cận đối tượng, không để đối tượng kịp thời chạy trốn, thậm chí có trường hợp phải nhanh chóng sử dụng công cụ hỗ trợ như khoá số 8 để khoá tay, không để đối tượng có thời cơ chống trả, sau đó mới đọc lệnh bắt trước sự chứng kiến của những người có mặt theo luật định. Thế nhưng, trong BLTTHS chỉ quy định có tính chung nhất là “người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt”, còn đọc lệnh trước hay sau khi bắt thì không quy định rõ. Trên thực tế rất ít trường hợp đối tượng bị bắt chịu đứng im để nghe đọc lệnh bắt mà trước đó cán bộ thi hành lệnh bắt không phải áp dụng các biện pháp chiến thuật, nghiệp vụ.

Điều 80 BLTTHS quy định về bắt bị can, bị cáo để tạm giam nhưng mới chỉ quy định về thẩm quyền ra lệnh, về nôi dung lệnh bắt, về trình tự thủ tục bắt và thời điểm bắt; chưa có quy định về điều kiện đối với bị can, bị cáo bị bắt để tạm giam, có nghĩa là chưa quy định về những trường hợp cụ thể nào thì bị can, bị cáo có thể bị bắt để tạm giam. Khi áp dụng biện pháp ngăn chặn này, cơ quan tiến hành tố tụng lại phải căn cứ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 88 BLTTHS quy định về điều kiện đối với bị can, bị cáo có thể bị tạm giam, trong khi đó tại Điều 80 không có viện dẫn về điều kiện đối với bị can, bị cáo có thể bị bắt để tạm giam được quy định tại Điều 88 BLTTHS. Như vậy là không có sự liên hệ lôgíc giữa các điều luật mà buộc người thực hiện phải tự nghiên cứu tìm hiểu trong Bộ luật.

Đối với việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp, quy định tại Điều 81 BLTTHS về các trường hợp bắt cơ bản là phù hợp với thực tiễn, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn xẩy ra oan hoặc sai nên vẫn còn những trường hợp VKS không phê chuẩn. Một trong những nguyên nhân xẩy ra bắt oan hoặc sai là do không hiểu đúng đắn về quy định của pháp luật và vận dụng không đúng. Chẳng hạn, không hiểu đúng như thế nào là hành vi đang chuẩn bị thực hiện tội phạm, không đảm bảo đầy đủ các điều kiện bắt trong từng trường hợp quy định tại Điều 81 BLTTHS đã ra lệnh bắt. Để khắc phục tình trạng này cần phải có hướng dẫn cụ thể và tăng cường tập huấn nâng cao trình độ pháp luật cho điều tra viên.

Khoản 2 Điều 81 BLTTHS quy định về thẩm quyền ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp, trong đó có người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng. Khoản 3 Điều 81 BLTTHS quy định về nội dung lệnh bắt và việc thi hành lệnh bắt phải theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 80 BLTTHS, nhưng ở trên tàu bay, tàu biển thì không thể có đủ thành phần chứng kiến như khoản 2 Điều 80 BLTTHS quy định. Khoản 4 Điều 81 BLTTHS quy định thẩm quyền xét phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp là VKS cùng cấp, nhưng đối với lệnh bắt khẩn cấp của người chỉ huy tàu bay, tàu biển thì VKS cùng cấp là VKS nào cũng không được quy định rõ trong luật. Mặc dù liên ngành các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương hoặc từng ngành đã có hướng dẫn nhưng để đảm bảo tính hợp pháp và thống nhất trong việc thi hành thì phải được quy định cụ thể trong BLTTHS.

Đối với việc bắt người phạm tội quả tang, trước khi có BLTTHS, pháp luật nước ta quy định có bốn trường hợp được bắt, nay BLTTHS quy định người phạm tội quả tang là “người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt”. Về thẩm quyền, bất kỳ người nào cũng có quyền bắt người phạm tội quả tang và giải ngay đến cơ quan Công an, VKS hoặc UBND nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Quy định như vậy, về cơ bản là phù hợp, nhưng trên thực tế có một số khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cụ thể là:

- Việc xác định một người nào đó đang phạm tội quả tang hay vi phạm hành chính, đối với trình độ hiểu biết pháp luật của người dân trong nhiều trường hợp không xác định được, do vậy có trường hợp chỉ là vi phạm hành chính nhưng cũng bị đuổi bắt và giải đến cơ quan Công an, VKS hoặc UBND. Nếu cán bộ của các cơ quan này mà cũng không nhận thức đúng là phạm tội hay phạm pháp quả tang thì lập biên bản cũng không đúng. Ngược lại, nếu thực tế một người nào đó đã thực hiện hành vi phạm tội thì phải lập biên bản bắt giữ người phạm tội quả tang, sau đó mới áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ được, nếu không nhận thức đúng (hoặc thời điểm bắt giữ chưa xác định được là thực hiện hành vi phạm tội, chỉ là phạm pháp thông thường) mà chỉ lập biên bản phạm pháp quả tang thì sau đó không thể áp dụng biện pháp tạm giữ theo quy định của BLTTHS được, vì tạm giữ chỉ có thể được áp dụng đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã, không được áp dụng đối với người phạm pháp quả tang (vi phạm hành chính).

- Ở thành phố, thị xã, rất ít trường hợp công dân bắt người phạm tội quả tang và giải đến UBND nơi gần nhất, mà thường giải đến cơ quan Công an nơi gần nhất. Ở chính quyền cấp xã thì Công an xã thường nằm trong trụ sở UBND xã cho nên nếu có người giải người phạm tội quả tang đến UBND thì UBND lại giao cho Công an xã giải quyết. Mặc dù quy định cho công dân giải người phạm tội quả tang đến cơ quan Công an nơi gần nhất để đảm bảo tính nhanh chóng kịp thời, nhưng thực tế xẩy ra các trường hợp khi giải người đến cơ quan Công an, trước hết cán bộ trực ban phải hỏi về địa điểm xẩy ra vụ việc. Nếu xẩy ra ở địa bàn phường, xã khác thì thường được hướng dẫn công dân giải người đó đến cơ quan Công an hoặc VKS hoặc UBND phường hoặc xã quản lý địa bàn xẩy ra vụ việc. Lập luận về vấn đề này cán bộ làm công tác thực tế cho rằng thẩm quyền giải quyết vụ việc phải theo lãnh thổ về địa giới hành chính.

Đối với việc bắt người đang bị truy nã thì ít xẩy ra tình trạng như trên, mặc dù luật quy định thẩm quyền bắt và trình tự thủ tục bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã là như nhau và được quy định chung trong một điều luật.

Đối với quy định về biện pháp ngăn chặn tạm giữ:

Mặc dù Điều 81 BLTTHS đã quy định rõ ràng các đối tượng có thể bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, trong đó không có bị can, nhưng trong thực tế áp dụng vẫn còn có người hiểu lầm và cho rằng có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ đối với bị can trong trường hợp chỉ cần áp dụng biện pháp ngăn chặn trong một thời gian ngắn. Những người đó lập luận rằng tạm giam là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất còn có thể áp dụng đối với bị can, cho nên tạm giữ cũng có thể được áp dụng đối với bị can. Chúng tôi cho rằng quy định hiện hành của BLTTHS về đối tượng áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ là phù hợp và theo quy định của BLTTHS năm 2003 những người có quan điểm hiểu như trên là không đúng quy định của pháp luật.

Một thực tế nữa có liên quan đến biện pháp ngăn chặn tạm giữ là thời điểm áp dụng đối với người bị bắt trong từng trường hợp khẩn cấp. Mặc dù hiện nay Thông tư liên tịch số 05 ngày 07/9/2005 của VKSND Tối cao – Bộ Công an – Bộ Quốc phòng đã quy định cho Cơ quan điều tra được áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ đối với người bị bắt khẩn cấp trước khi có sự phê chuẩn của VKS. Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người có thẩm quyền ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 81 và Điều 83 của BLTTHS năm 2003, chúng tôi cho rằng việc tạm giữ chỉ được áp dụng đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp sau khi có sự phê chuẩn của VKS. Trong thời gian phê chuẩn của VKS, cơ quan điều tra vẫn có quyền quản lý và lấy lời khai của người bị bắt tại cơ quan điều tra trong vòng 24 giờ kể từ khi bắt được đối tượng và thời hạn xét phê chuẩn hoặc không phê chuẩn của VKS chỉ được phép trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đề nghị xét phê chuẩn tức là  nằm trong thời hạn 24 giờ mà cơ quan điều tra phải ra một trong hai quyết định là tạm giữ (nếu được phê chuẩn) và trả tự do cho người bị bắt (nếu không được phê chuẩn). Trường hợp theo quy định của Thông tư liên tịch số 05 nói trên, nếu cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ mà VKS không phê chuẩn việc bắt khẩn cấp thì người ra lệnh bắt không thể trả tự do ngay cho người bị bắt theo quy định tại khoản 4 Điều 81 BLTTHS được mà phải theo quy định tại khoản 3 Điều 86 BLTTHS, tức là VKS phải ra quyết định huỷ bỏ quyết định tạm giữ và sau đó người ra quyết định tạm giữ mới trả tự do cho người bị tạm giữ. Điều đó cho thấy hướng dẫn của liên ngành trong Thông tư liên tịch số 05 về thời điểm áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ đối với người bị bắt khẩn cấp đã làm chồng chéo và mâu thuẫn khi áp dụng về thẩm quyền của VKS và người có thẩm quyền ra lệnh bắt khẩn cấp được quy định tại khoản 4 Điều 81 và khoản 3 Điều 86 BLTTHS.

Về thời hạn tạm giữ, khoản 3 Điều 87 BLTTHS quy định “Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ” nhưng lại không quy định về thẩm quyền trả tự do và thủ tục trả tự do. Trường hợp sau khi đã tạm giữ hết thời hạn theo luật định mà vẫn chưa có đủ căn cứ để khởi tố bị can đối với người bị tạm giữ thì tất nhiên phải trả tự do cho người bị tạm giữ, nhưng điều luật này chưa quy định cụ thể.

Một vấn đề nữa liên quan đến việc tạm giữ là quy định thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Mặc dù luật quy định như vậy nhưng cách trừ thế nào cho đến nay vẫn có nhiểu cách hiểu. Hướng dẫn mới nhất nêu trong Thông tư liên tịch số 05 ngày 07/9/2005 đang  được các địa phương thực hiện, nhưng vẫn còn có nhiều người cho rằng hướng dẫn như vậy chưa hợp lý. Quy định trên đây còn làm phát sinh sự phức tạp thậm chí có thể làm nẩy sinh tiêu cực, vi phạm trong việc giải quyết chế độ ăn uống của người bị tạm giữ và bị can trong trại tạm giam vì có  thời gian tạm giữ nằm trong thời gian tạm giam.

Để dễ thực hiện, chúng tôi đề nghị bỏ quy định tại khoản 4 Điều 87 BLTTHS, thay vào đó cần đề xuất quy định cụ thể trong Pháp lệnh thi hành án phạt tù là thời gian bị tạm giữ và thời gian bị tạm giam được trừ vào thời gian thi hành án phạt tù.

Trường hợp không bị khởi tố hoặc đã bị khởi tố, tạm giam nhưng sau đó được đình chỉ do bị oan thì thời gian tạm giữ và tạm giam được bồi thường theo Nghị quyết 388 ngày 17/3/2003 của UBTV Quốc hội.

Đối với quy định về biện pháp ngăn chặn tạm giam, về cơ bản chúng tôi thấy phù hợp thực tế, nhưng thực hiện chủ trương cải cách tư pháp từ nay đến năm 2020, chúng tôi thấy cần chủ động nghiên cứu để sớm quy định lại theo hướng hạn chế tạm giam bị can, bị cáo trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Đối với quy định về bắt, tạm giữ, tạm giam bị can là người chưa thành niên, thực tế cho thấy quy định của BLTTHS hiện hành có nhiều bất cập, không sát thực tế và gây khó khăn trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm. Theo tâm lý học lứa tuổi thì độ tuổi từ 14 đến 16 là rất hiếu động, là một trong những nguyên nhân dẫn đến làm cho một số người có hành vi vi phạm pháp luật nói chung và phạm tội nói riêng. Qua nghiên cứu các số liệu thống kê tội phạm của các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an cho thấy số đối tượng phạm tội thuộc lứa tuổi này không những chiếm tỷ lệ cao mà còn có những hành vi phạm tội rất manh động, có trường hợp gây hậu quả thiệt hại lớn cho xã hội. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam đối với những đối tượng có hành vi phạm tội thuộc lứa tuổi này là rất cần thiết để kịp thời ngăn chặn tội phạm. Nhiều đối tượng thuộc lứa tuổi từ 14 đến dưới 16 phạm tội nghiêm trọng do cố ý nhưng theo quy định tại Điều 303 BLTTHS thì không được bắt, tạm giữ, tạm giam mà phải để tại ngoại để điều tra. Quy định như vậy sẽ tạo điều kiện cho đối tượng cản trở điều tra, che giấu tội phạm, tiêu huỷ vật chứng của vụ án. Trường hợp phải áp giải để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử cũng chỉ được diễn ra trong ngày, sau đó đối tượng không đến tiếp hoặc bỏ trốn thì cũng không được bắt và dù có bắt được cũng không được tạm giữ, tạm giam.

Do vậy, đối với các đối tượng này nếu là bị can của vụ án, chúng tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 303 BLTTHS theo hướng tương tự như quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 88 BLTTHS, có nghĩa là nếu bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc đã được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác như cho bảo lĩnh, cấm đi khỏi nơi cư trú nhưng lại tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam.

Về biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, do quy định của BLTTHS năm 1988 không quy định rõ đối tượng áp dụng cho nên trong thực tế đã có trường hợp nhầm lẫn, áp dụng đối với cả người chưa bị khởi tố về hình sự.

BLTTHS năm 2003 quy định về biện pháp ngăn chặn này đã rõ ràng hơn, nêu cụ thể về đối tượng áp dụng, thẩm quyền ra quyết định áp dụng, trình tự thủ tục áp dụng và mối quan hệ tố tụng giữa cơ quan tiến hành tố tụng với chính quyền địa phương nơi bị can, bị cáo cư trú trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn này cho nên việc áp dụng có nhiều thuận lợi, dễ dàng. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 91 BLTTHS năm 2003 mới chỉ quy định điều kiện đối với bị can, bị cáo có thể được áp dụng biện pháp ngăn chặn này là có nơi cư trú rõ ràng nhằm đảm bảo có sự quản lý của chính quyền địa phương. Trường hợp bị can, bị cáo có ý định bỏ trốn thì chính quyền địa phương nơi người đó cư trú khó có thể quản lý và ngăn chặn được, do đó cần phải lưu ý thêm về điều kiện nhân thân của bị can, bị cáo. Vì lẽ đó, chúng tôi đề nghị phải quy định cụ thể hơn về điều kiện nhân thân bị can và tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị can, bị cáo để quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn này. Khoản 3 Điều 91 BLTTHS cần quy định cụ thể hơn là “bị can, bị cáo vi phạm lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú sẽ bị áp dụng biện pháp tạm giam”, không nên quy định chung chung là sẽ bị áp dụng BPNC khác.

Đối với biện pháp ngăn chặn Bảo lĩnh, mặc dù BLTTHS năm 2003 đã quy định về điều kiện đối với bị can có thể được áp dụng biện pháp ngăn chặn này thay cho biện pháp tạm giam, đồng thời quy định về tiêu chuẩn đối với người nhận bảo lĩnh cho bị can, nhưng trên thực tế vẫn còn xẩy ra các trường hợp sau khi nhận bảo lĩnh một thời gian thì bị can, bị cáo bỏ trốn và người đứng ra bảo lĩnh cũng chỉ bị nhắc nhở, không bị kỷ luật hoặc bị xử lý nghiêm khắc. Sở dĩ có tình trạng trên, một trong những nguyên nhân là do quy định của BLTTHS còn chưa được chặt chẽ. Để khắc phục tình trạng trên, trước hết cần phải quy định chặt chẽ hơn về quy định cho bảo lĩnh, không nên quy định chung chung như trong BLTTHS hiện hành. Chẳng hạn, đối với bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì không được bảo lĩnh; đối với bị can phạm tội nghiêm trọng nhưng đã có tiền án hoặc phạm tội có tính chất côn đồ hung hãn, sử dụng bạo lực, hung khí để phạm tội… thì không cho bảo lĩnh. Khi đã quy định chặt chẽ về điều kiện cho bảo lĩnh thì phải quy định trách nhiệm đối với chủ thể có quyền ra quyết định cho bảo lĩnh trong trường hợp không đủ điều kiện theo luật định mà vẫn cho bảo lĩnh dẫn đến hậu quả bị can, bị cáo trốn. Đồng thời phải quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo trong trường hợp để bị can, bị cáo trốn gây hậu quả nghiêm trọng. Liên quan đến chế định này, đề nghị bổ sung Bộ luật hình sự thêm tội danh “thiếu trách nhiệm để người được bảo lĩnh trốn gây hậu quả nghiêm trọng”. Đối với tổ chức đứng ra nhận bảo lĩnh thì người thay mặt tổ chức nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo phải chịu trách nhiệm trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan.

Đối với bị can, bị cáo được bảo lĩnh mà bỏ trốn hoặc vi phạm nghĩa vụ mà cá nhân, tổ chức nhận bảo lĩnh đã cam đoan thì phải bị áp dụng biện pháp tạm giam chứ không nên nêu cụ thể là sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Đối với biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để đảm bảo, mặc dù đã được quy định cụ thể, rõ ràng hơn trước đây và đã có văn bản hướng dẫn thực hiện nhưng trên thực tế vẫn còn có khó khăn, vướng mắc.

Để đảm bảo tính khả thi và tránh tiêu cực, tuỳ tiện, chúng tôi đề nghị phải quy định cụ thể về các loại tội danh không được cho đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để đảm bảo sự có mặt của bị can, bị cáo. Đối với các loại tội danh mà bị can, bị cáo có thể được đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm thì phải quy định cụ thể khoảng mức tiền cho từng loại hoặc nêu rõ giao cho cơ quan chức năng nào hướng dẫn về mức tiền hoặc tài sản cần phải đặt tương ứng với từng trường hợp phạm tội.

Trên đây là một số vấn đề về thực tiễn áp dụng các biện pháp ngăn chặn phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của BLTTHS năm 2003. Trong số những khó khăn vướng mắc tồn tại nêu trên có những vấn đề thuộc về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật nhưng cũng có những khó khăn do quy định của pháp luật. Chúng tôi xin trao đổi để các đồng chí tham khảo, phục vụ công tác nghiên cứu, sửa đổi bổ sung BLTTHS năm 2003./.

 Nguồn: Tạp chí Luật học số tháng 7-2008

HOÀN THIỆN MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VỀ THỦ TỤC RÚT GỌN

 ThS. Vũ Gia Lâm

Khoa Luật Hình sự Trường Đại học Luật Hà Nội

Thủ tục rút gọn là một trong những thủ tục đặc biệt được quy định trong BLTTHS năm 2003. So với thủ tục thông thường, thủ tục này có một số điểm khác biệt, đó là: Quy định về thời hạn tiến hành tố tụng đã được rút ngắn đáng kể; một số thủ tục tố tụng đã được giản lược để việc điều tra, truy tố, xét xử được nhanh chóng mà vẫn đảm bảo cho việc giải quyết vụ án đúng đắn, khách quan.

Quy định về thủ tục rút gọn đã xác lập cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết nhanh chóng một số lượng lớn các vụ án về tội phạm ít nghiêm trọng, phạm tội quả tang, chứng cứ đơn giản, rõ ràng, việc điều tra truy tố, xét xử không mất nhiều thời gian mà từ trước đến nay vẫn được giải quyết theo thủ tục thông thường, góp phần hạn chế lượng án tồn đọng hàng năm tại các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương (chủ yếu là ở cấp huyện). Tuy nhiên, qua nghiên cứu các quy định của BLTTHS về thủ tục này, chúng tôi thấy vẫn còn một số vấn đề cần trao đổi để tiếp tục hoàn thiện chế định pháp luật rất tiến bộ này.

1. Cần sửa đổi quy định của Điều 320 và Điều 322 Bộ luật tố tụng hình sự về việc quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và việc tạm giữ, tạm giam để điều tra, truy tố

Điều 319 BLTTHS quy định thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang;

- Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng;

- Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng;

- Người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng;

Theo tinh thần của Điều 318, chương 34 BLTTHS năm 2003, khi xét xử những vụ án có các điều kiện quy định tại Điều 319 thì việc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm được áp dụng theo quy định của chương này, đồng thời theo những quy định khác của BLTTHS không trái với những quy định của chương này. Về việc quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, khoản 1 Điều 320 BLTTHS quy định:

“Sau khi khởi tố vụ án, theo đề nghị của cơ quan điều tra hoặc xét thấy vụ án có đủ các điều kiện quy định tại Điều 319 của Bộ luật này, Viện kiểm sát có thể ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn”.

Quy định như trên có nghĩa là, chỉ khi đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự, dựa vào các tài liệu đã thu thập được, Viện kiểm sát mới có điều kiện để xem xét, xác định vụ án có đủ điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn hay không? Thông thường, đối với những vụ án loại này, cùng với việc ra quyết định khởi tố vụ án, cơ quan có thẩm quyền đã có đủ căn cứ để ra ngay quyết định khởi tố bị can, do đó càng tạo điều kiện thuận lợi cho việc quyết định có áp dụng hay không áp dụng thủ tục rút gọn được chính xác. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 320 BLTTHS, chỉ cần có quyết định khởi tố vụ án là Viện kiểm sát đã có thể xem xét để quyết định áp dụng thủ tục rút gọn mà chưa cần phải có quyết định khởi tố bị can. Còn trong khoản 2 Điều 320 lại quy định: “Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn phải được gửi cho cơ quan điều tra và bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Theo quy định tại Điều BLTTHS, quyết định khởi tố bị can phải được gửi cho viện kiểm sát để xét phê chuẩn, nếu viện kiểm sát không phê chuẩn thì không thể tiến hành điều tra đối với bị can vì thực tế sẽ không có bị can. Như vậy, trong khoảng thời hạn 24 giờ từ thời điểm ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, liệu có hoàn thành được thủ tục khởi tố bị can, phê chuẩn quyết định khởi tố bị can để có thể giao quyết định áp dụng thủ tục rút gọn cho bị can, đại diện hợp pháp của họ như quy định của điều luật hiện hành không? Theo chúng tôi, điều này là khó thực hiện được hoặc không cần thiết phải làm như vậy mà nên quy định sau khi có quyết định khởi tố vụ án, cơ quan điều tra ra ngay quyết định khởi tố bị can rồi mới đề nghị viện kiểm sát áp dụng thủ tục rút gọn. Nghĩa là trước khi ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, ngoài quyết định khởi tố vụ án đã có quyết định khởi tố bị can, viện kiểm sát quyết định áp dụng thủ tục rút gọn đồng thời với việc phê chuẩn quyết định khởi tố bị can. Do vậy, khoản 1 Điều 320 cần phải được bổ sung cho rõ ràng theo hướng là sau khi ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cơ quan điều tra đề nghị viện kiểm sát ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Ngoài ra, vì thời hạn điều tra theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 321chỉ có 12 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án, chứ không phải từ ngày viện kiểm sát quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Vì vậy, cần phải quy định một thời hạn rất ngắn để Viện kiểm sát nghiên cứu để ra quyết định này, nhằm đảm bảo đủ thời gian để tiến hành các hoạt động điều tra xác định chính xác tội phạm, người phạm tội. Theo chúng tôi cần bổ sung vào Điều 320 một khoản về thời hạn Viện kiểm sát xem xét để ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn hay không áp dụng thủ tục này theo đề nghị của cơ quan điều tra, khoảng thời gian này là 24 giờ kể từ khi nhận được đề nghị của cơ quan điều tra cùng các tài liệu khác có liên quan.

Việc áp dụng thủ tục rút gọn, ngoài việc đơn giản hoá quá trình tố tụng (thủ tục tố tụng) còn rút ngắn thời hạn tiến hành tố tụng nhằm giúp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án giải quyết nhanh chóng vụ án, cho nên cũng cần thiết phải có quy định phù hợp giúp bị can, bị cáo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhất là đảm bảo quyền bào chữa. Do vậy, bị can, người đại diện hợp pháp của họ cần được giải thích rõ ràng và kịp thời về thủ tục rút gọn để họ biết những quyền và nghĩa vụ của mình. Nếu họ không được giải thích đầy đủ về thủ tục rút gọn có thể dẫn đến tình trạng không tin tưởng vào năng lực, trình độ của người tiến hành tố tụng hay các quyền lợi của họ sẽ không được bảo đảm như khi áp dụng các thủ tục thông thường, vì họ sẽ được biết rằng trong khoảng thời hạn rất ngắn của thủ tục này, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ giải quyết tất cả những vấn đề của vụ án có liên quan đến quyền lợi của họ để nếu không đồng ý hoặc đồng ý với quyết định áp dụng thủ tục tố tụng này, họ có thể thực hiện quyền khiếu nại hay không khiếu nại đối với quyết định áp dụng này. Bên cạnh đó, khi được giải thích về quyền và nghĩa vụ theo thủ tục rút gọn, họ sẽ sớm có thời gian chuẩn bị về tâm lí cũng như những điều kiện để bảo vệ quyền và lợi ích của mình trước các cơ quan tiến hành tố tụng. Vấn đề đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo là vấn đề rất quan trọng không chỉ đặt ra trong các thủ tục tố tụng thông thường mà ngay cả ở thủ tục đặc biệt này càng cần được đảm bảo. Muốn thực hiện được điều này cần bổ sung vào khoản 2 Điều 320 quy định việc khi nhận được quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, cơ quan điều tra phải giải thích cho bị can, người đại diện hợp pháp của họ các quy định của thủ tục rút gọn cũng như quyền và nghĩa vụ của bị can để họ có thể thực hiện sớm các quyền của mình nhất là quyền lựa chọn người bào chữa.

Tại chương 34 quy định về việc áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam theo thủ tục rút gọn về căn cứ, thẩm quyền và thủ tục áp dụng các biện pháp này cũng giống như theo thủ tục chung. Đây là vấn đề quan trọng vì nó liên quan trực tiếp tới quyền tự do thân thể và các quyền lợi khác của bị can, bị cáo. Do đó, quy định chặt chẽ về thời hạn, thủ tục tạm giữ, tạm giam phù hợp với đặc điểm của thủ tục rút gọn là rất cần thiết. Chính vì vậy mà Điều 322 BLTTHS năm 2003 quy định:

 1. Căn cứ, thẩm quyền và thủ tục tạm giữ, tạm giam được áp dụng theo quy định của Bộ luật này;

2. Thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày, kể từ ngày cơ quan điều tra nhận người bị bắt.

 3. Thời hạn tạm giam để điều tra, truy tố không được quá mười sáu ngày”.

 Quy định như trên có nghĩa là các căn cứ, thẩm quyền, thủ tục áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam theo thủ tục rút gọn phải tuân thủ các quy định tại Điều 79, Điều 86 và Điều 88 BLTTHS. Tuy nhiên, để phù hợp với thời hạn điều tra, truy tố và tính chất của thủ tục rút gọn mà BLTTHS quy định thời hạn tạm giữ, tạm giam theo thủ tục này ngắn hơn so với thời hạn tạm giữ, tạm giam theo thủ tục thong thường. Theo quy định chung thì thời hạn tạm giam để điều tra không đồng nhất với thời hạn điều tra vì có nhiều trường hợp sau khi có quyết định khởi tố vụ án chưa thể xác định được ngay ai là người thực hiện tội phạm để khởi tố bị can. Vì thế, thời hạn tạm giam ở giai đoạn điều tra được quy định ngắn hơn so với thời hạn điều tra, còn đối với thủ tục rút gọn, quyết định khởi tố bị can được ra ngay sau khi ra quyết định khởi tố vụ án vì người phạm tội bị bắt quả tang, chứng cứ rõ ràng, và vì bị bắt quả tang nên các đối tượng này thường bị áp dụng biện pháp tạm giữ, cho nên thời hạn tạm giam để điều tra theo thủ tục này được quy định bằng thời hạn điều tra là phù hợp. Tuy nhiên, khi khởi tố về hình sự một người nào đó, muốn tạm giam họ thì lệnh tạm giam phải được viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn, nhưng khi áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam theo thủ tục rút gọn, thời hạn mà viện kiểm sát phê chuẩn quyết định tạm giam của cơ quan điều tra là bao nhiêu lâu lại chưa được quy định rõ trong điều luật? Bởi vì thời hạn tạm giam theo thủ tục rút gọn được rút ngắn hơn so với trường hợp bình thường trong khi đó thời hạn để viện kiểm sát phê chuẩn hay không phê chuẩn quyết định tạm giam của cơ quan điều tra theo như quy định hiện hành vẫn là 3 ngày. Nếu áp dụng đúng thời hạn này, cơ quan điều tra sẽ phải chờ đợi viện kiểm sát hoàn trả hồ sơ sau khi kết thúc việc xét phê chuẩn thì sẽ mất rất nhiều thời gian, họ không thể chủ động điều tra vụ án đó trong thời hạn tối đa chỉ có 12 ngày kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án. Do đó, chúng tôi cho rằng cần có quy định cụ thể hơn về thời hạn mà viện kiểm sát phê chuẩn quyết định tạm giam theo thủ tục rút gọn là bao nhiêu giờ (hay bao nhiêu ngày). Theo chúng tôi, để việc áp dụng biện pháp này được kịp thời, chính xác cần bổ sung thêm quy định cho cơ quan điều tra nếu thấy căn cứ thì ra lệnh tạm giam đối với bị can ngay sau khi ra quyết định khởi tố bị can, đồng thời gửi cùng với quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và đề nghị áp dụng thủ tục rút gọn cho viện kiểm sát xem xét quyết định trong cùng một thời hạn là 24 giờ kể từ khi nhận được đề nghị áp dụng thủ tục rút gọn và các quyết định kèm theo. Đối với các biện pháp ngăn chặn khác như: cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh hay đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm theo thủ tục rút gọn, chúng tôi cho rằng nên tiếp tục áp dụng theo quy định chung của BLTTHS.

Từ những lý do đã phân tích trên đây và cũng để đảm bảo sự thống nhất trong các quy định pháp luật về thủ tục rút gọn, chúng tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 320 và Điều 322 BLTTHS như sau:

Điều 320. Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn

1. Sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, theo đề nghị của cơ quan điều tra hoặc xét thấy vụ án có đủ các điều kiện quy định tại Điều 319 của Bộ luật này, Viện kiểm sát có thể ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.

2. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đề nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và phê chuẩn lệnh tạm giam bị can (nếu có). Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn phải được gửi cho cơ quan điều tra và bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định.

3. Sau khi nhận được quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, cơ quan điều tra phải giải thích các quy định về thủ tục rút gọn cho bị can và người đại diện hợp pháp của bị can (nếu có). Bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại quyết định áp dụng thủ tục rút gọn trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được quyết định. Khiếu nại được gửi đến viện kiểm sát đã ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và phải được giải quyết trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.

Điều 322. Tạm giữ, tạm giam để điều tra, truy tố

1. Căn cứ, thẩm quyền và thủ tục tạm giữ, tạm giam được áp dụng theo quy định của Bộ luật này;

2. Thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày, kể từ ngày cơ quan điều tra nhận người bị bắt.

3. Ngay sau khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nếu xét thấy có căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam, cơ quan điều tra ra lệnh tạm giam đối với bị can và gửi lệnh này cùng với quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để viện kiểm sát xét phê chuẩn. Thời hạn tạm giam để điều tra, truy tố không được quá mười sáu ngày.

2. Cần tiếp tục nghiên cứu để quy định mở rộng phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn

Quy định tại Điều 318 và khoản 5 Điều 324 BLTTHS năm 2003 đã khẳng định thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng ở giai đoạn xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng thủ tục rút gọn nên được áp dụng cả ở giai đoạn xét xử phúc thẩm đối với loại án đã được áp dụng thủ tục rút gọn ở giai đoạn sơ thẩm. Theo chúng tôi, các ý kiến này cần phải xem xét, cân nhắc một cách nghiêm túc để nếu có tính khả thi thì kịp thời có sự thay đổi, bổ sung vào BLTTHS vì một số lý do sau:

Thứ nhất, việc bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị không làm cho tính chất của vụ án phức tạp thêm so với thời điểm viện kiểm sát ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, vì chỉ khi vụ án đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 319 BLTTHS, cơ quan điều tra mới đề nghị áp dụng thủ tục rút gọn và viện kiểm sát phải nghiên cứu kỹ càng trước khi ra quyết định áp dụng thủ tục này. Việc kháng cáo của bị cáo, kháng nghị của viện kiểm sát trong thủ tục này có thể sẽ ít sảy ra vì sự việc phạm tội đã rõ ràng, đa số các trường hợp bị cáo đã nhận tội hoặc có đầy đủ chứng cứ xác định tội phạm, người phạm tội, do người này bị bắt quả tang, đồng thời viện kiểm sát đã cân nhắc kỹ càng trước và sau khi quyết định áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án;

Thứ hai, việc xét xử phúc thẩm trong trường hợp này không đòi hỏi nhiều thời gian như trong các vụ án áp dụng thủ tục tố tụng thông thường ở giai đoạn sơ thẩm. Bởi lẽ, ngoài việc để được áp dụng thủ tục rút gọn các vụ án thường ít bị can, bị cáo, tình tiết vụ việc rõ ràng, trong quá trình tố tụng ở giai đoạn sơ thẩm, nếu có những tình tiết diễn biến làm phức tạp thêm tính chất của vụ án thì các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm đã có những quyết định cần thiết để không tiếp tục áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án này nữa;

Thứ ba, giả sử có những sai lầm hoặc vi phạm ở cấp sơ thẩm khiến cho vụ án bị xét xử sai thì việc làm rõ để sửa chữa những sai lầm, vi phạm ấy cũng không mất nhiều thời gian so với các trường hợp thông thường, do những điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ án cho phép nhanh chóng xác định các tình tiết thực tế của nó. Mặt khác, khi xét xử phúc thẩm, nếu toà án cấp phúc thẩm xét thấy có sự vi phạm nghiêm trọng các quy định của BLTTHS về các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn cũng như các quy định chung khác, Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định huỷ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra lại để xét xử vụ án theo thủ tục thông thường.

Từ những lý do đã phân tích ở trên, chúng tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 318, Điều 324 BLTTHS theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng thủ tục này như sau:

Điều 318. Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn

Thủ tục rút gọn đối với việc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được áp dụng theo quy định của chương này, đồng thời theo những quy định khác của Bộ luật này không trái với những quy định của chương này.

Chúng tôi cũng đề nghị bỏ quy định ở khoản 5 Điều 324 đoạn nói về “Việc xét xử phúc thẩm… đối với vụ án đã xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn được tiến hành theo thủ tục chung” và tách khoản này ra thành hai khoản khác nhau với nội dung như sau:

Điều 324. Việc xét xử

….

 5. Việc xét xử phúc thẩm đối với vụ án đã xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn được tiến hành trong thời hạn mười ngày kể từ khi nhận hồ sơ vụ án..

 6. Việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ án đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm theo thủ tục rút gọn được tiến hành theo thủ tục chung.

Hủy án vì không mời người phiên dịch

Tại phiên sơ thẩm, bị cáo nói vanh vách bằng tiếng Việt. Đến phiên phúc thẩm, bị cáo đòi hủy án vì “không hiểu tiếng việt”(!).

TAND TP.HCM vừa hủy bản án sơ thẩm xử một vụ tổ chức đánh bạc, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại vì không cử người phiên dịch cho một bị cáo người Việt gốc Hoa. Trong khi đó, cấp sơ thẩm lại khẳng định là không cần phiên dịch bởi bị cáo này nghe, hiểu và nói rất sõi tiếng Việt!

Án nhỏ hóa ra phức tạp

Tháng 7-2008, Công an quận 11 bắt quả tang Nguyễn Thị Thúy Sương đang giao phơi đề cho La Văn Nam tại một căn nhà ở phường 14. Mở rộng điều tra, công an biết Nam chỉ là “chân rết” giao phơi lại cho Trần Tị (người Việt gốc Hoa) thầu để hưởng hoa hồng. Khám xét nơi ở của Tị, cơ quan điều tra thu được năm tờ phơi đề có giá trị tổng cộng hơn 14 triệu đồng. Bị bắt, Tị khai mình chỉ thu phơi đề theo yêu cầu của một phụ nữ không rõ lai lịch để hưởng hoa hồng 1% số tiền ghi đề…

Xử sơ thẩm hồi tháng 3, TAND quận 11 đã phạt Tị ba năm tù, hai bị cáo còn lại từ một năm án treo đến một năm tù về tội tổ chức đánh bạc. Sau đó, Tị kháng cáo xin được hưởng án treo.

Đến ngày xử phúc thẩm, Tị đột nhiên yêu cầu phải có người phiên dịch vì “không hiểu tiếng Việt” dù trước đó trong suốt quá trình điều tra, truy tố lẫn xét xử sơ thẩm, Tị không hề nhắc đến việc này. Bị cáo khai với tòa phúc thẩm là mình bị oan và nại rằng tất cả lời khai tại cơ quan điều tra là do cán bộ điều tra ghi, còn ở phiên sơ thẩm thì bị cáo khai nhưng… không hiểu gì.

Cả đại diện VKS lẫn luật sư của Tị đều cho rằng việc cấp sơ thẩm không mời phiên dịch cho bị cáo đã vi phạm Điều 24 Bộ luật Tố tụng hình sự, cần phải hủy án để điều tra, xét xử lại. Tòa đồng tình nhưng cũng nhận định thêm rằng Tị là thầu đề thông qua các “chân rết” ghi đề giao lại. Cuối ngày, căn cứ vào kết quả xổ số, nếu ai trúng đề, Tị giao tiền cho các “chân rết” để họ trực tiếp chi trả. Như vậy, Tị là người trực tiếp ăn thua với người mua số đề, có dấu hiệu phạm tội đánh bạc chứ không phải tổ chức đánh bạc.

Phải làm chặt chẽ!

Vấn đề pháp lý đáng chú ý từ vụ án này là trong trường hợp nào thì cơ quan tố tụng phải mời người phiên dịch cho bị can, bị cáo?

Kiểm sát viên cao cấp VKSND tối cao Nguyễn Thanh Sơn cho biết theo luật, cơ quan tố tụng phải mời phiên dịch nếu bị can, bị cáo là người nước ngoài; người dân tộc ít người không biết tiếng Việt; người Việt bị khuyết tật câm, điếc bẩm sinh. Còn trường hợp người Việt có gốc nước khác như người Việt gốc Hoa… thì cần linh hoạt theo từng trường hợp. Một số người Việt gốc Hoa trong môi trường sống hằng ngày vẫn sử dụng ngôn ngữ tiếng gốc của họ nên khi tiến hành tố tụng cần xác định rõ họ có sử dụng tiếng Việt thành thạo hay không. Nếu không, cơ quan tố tụng phải mời phiên dịch để đảm bảo quyền lợi cho họ trong suốt quá trình tố tụng.

Theo ông Sơn, pháp luật hình sự có chế tài rất nghiêm khắc, ảnh hưởng và hạn chế rất lớn đến quyền con người nên thủ tục tố tụng cần phải được chặt chẽ để xử đúng người, đúng tội, đảm bảo các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của bị can, bị cáo. Vì thế, nếu cơ quan điều tra làm chặt chẽ ngay từ đầu thì sẽ không xảy ra trường hợp đến ngày xử phúc thẩm, bị cáo bỗng nhảy dựng lên đòi phiên dịch để rồi án bị hủy.

Dưới góc độ xét xử, Phó Chánh tòa hình sự TAND TP.HCM Vũ Phi Long nhận định trong vụ án trên cấp sơ thẩm có thiếu sót cần rút kinh nghiệm. Đó là không lập biên bản việc bị cáo không cần mời phiên dịch hay từ chối phiên dịch. Ông Long khẳng định dù khi xét xử một bị cáo người nước ngoài, họ nói mình am hiểu tiếng Việt, không cần phiên dịch thì cũng cần phải có biên bản thể hiện ý chí của họ khi mở phiên tòa. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng không có trường hợp nào là không cần thiết mời phiên dịch mà phải xác định cho bằng được là các bị cáo này có yêu cầu người phiên dịch hay không. Bởi lẽ pháp luật tố tụng hình sự nước ta cho phép các bị cáo được quyền sử dụng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình khi tham gia tố tụng.

Nguồn: Theo Pháp luật tp Hồ Chí Minh online

Tăng cường bảo đảm các quyền tự do dân chủ của công dân trong các giai đoạn tố tụng

Thẩm phán Lại Văn Trình

                                                        Phó Chánh án Tòa án nhân dân quận 10 

                                                                                     Thành phố Hồ Chí Minh

Bảo đảm quyền tự do dân chủ của công dân là một trong những nội dung và cũng là mục đích của xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chăm lo đến con người, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho con người phát triển toàn diện trong thực hiện các chính sách kinh tế xã hội, trong các hoạt động Nhà nước là những quan điểm cơ bản được thể hiện trong các văn bản của Đảng và Nhà nước ta, nhất là trong những năm gần đây.

Hoạt động tố tụng hình sự, đặc biệt là hoạt động xét xử là một mặt hoạt động của Nhà nước liên quan rất chặt chẽ với quyền tự do, dân chủ của công dân. Hoạt động tố tụng hình sự là nơi các biện pháp cưỡng chế Nhà nước được áp dụng phổ biến nhất, và vì vậy là nơi quyền tự do dân chủ của công dân có nguy cơ dễ bị xâm hại nhất. Thực tiễn tố tụng những năm qua cho thấy rằng cũng còn nhiều trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có những vi phạm các quyền công dân , nhất là trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Những vi phạm đó xảy ra là do nhiều nguyên nhân, trong đó có bất cập, hạn chế của pháp luật, có nhận thức, thái độ của người tiến hành tố tụng… Vì vậy, có thể nói, tăng cường việc bảo đảm các quyền tự do dân chủ của công dân trong tố tụng hình sự nói chung; trong xét xử vụ án hình sự ,nhất là việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn nói riêng, từ góc độ lập pháp cũng như áp dụng pháp luật có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Theo quy định của BLTTHS thì Toà án có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh và đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.

Qua nghiên cứu thực trạng áp dụng biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự, từ góc độ bảo vệ quyền tự do dân chủ của công dân, chúng tôi thấy còn một số điểm hạn chế, bất cập như sau:

      – Thứ nhất, theo chúng tôi có tình trạng quá lạm dụng biện pháp tạm giam. Tỷ lệ bị can, bị cáo bị tạm giam chiếm tỷ lệ khá cao. Căn cứ tạm giam chưa được thể hiện cụ thể. Nhìn chung trong quá trình điều tra vụ án, khi đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn quyết định tạm giam, đa số các trường hợp trong công văn yêu cầu đều ghi căn cứ chung chung như “để đảm bảo cho công tác điều tra, xử lý”, “thấy rằng cần thiết phải tạm giam bị can, không để bị can trốn”, “không để bị can tiếp tục phạm tội”, mà ít đưa ra được những căn cứ cụ thể. Cũng không loại trừ trường hợp Cơ quan điều tra sử dụng tạm giam như là biện pháp nghiệp vụ để buộc bị can khai nhận tội. Mặc dù Điều 177 BLTTHS quy định sau khi nhận hồ sơ vụ án, Chánh án hoặc Phó chánh án quyết định áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam, nhưng trên thực tế, sau khi thụ lý hồ sơ thông thường Toà án tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam mà Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã áp dụng; rất ít trường hợp Toà án thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam đã áp dụng trước đó, có thể để cho thuận tiện tiến hành tố tụng, hoặc để đảm bảo thuận lợi cho thi hành án phạt tù sau này, còn nếu không bị phạt tù thì  chờ tuyên án trả tự cho bị cáo luôn.

          Việc quá lạm dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam nhiều khi gây nên sức ép tâm lý không đáng có đối với việc xét xử của Toà án; nhất là sau khi có Nghị quyết số: 388 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc bồi thường thiệt hại cho những người bị oan do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra trong hoạt động tố tụng hình sự; chẳng hạn:

     Tình trạng tạm giam là một trong những nguyên nhân dẫn đến Toà án ngại tuyên vô tội khi xét xử mặc dù có đủ căn cứ để làm điều đó. Do sợ bị đánh giá là quyết định bắt giam oan, sai cho nên Toà án thường không dám tuyên bị cáo vô tội, mà thường trả hồ sơ để điều tra bổ sung để Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát đình chỉ -Tạm giam nhiều cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ người bị kết án bị phạt tù giam ở nước ta quá cao. Toà án rất hạn chế cho bị cáo bị tạm giam hưởng án treo hoặc áp dụng các hình phạt khác không phải tù như cải tạo không giam giữ, phạt tiền, cảnh cáo… mặc dù có đủ điều kiện theo quy định của BLHS; trong những trường hợp này Toà án thường xử phạt tù với thời hạn bằng thời hạn bị cáo đã bị tạm giam. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của người bị kết án.

Việc quá lạm dụng biện pháp tạm giam cũng thể hiện trong trường hợp áp dụng khoản 2 Điều 228 BLTTHS bắt giam bị cáo ngay sau khi tuyên án. Nhiều trường hợp Hội đồng xét xử quyết định bắt bị cáo tại ngoại bị xử phạt tù ngay sau khi tuyên án chỉ với nhận định chung chung kiểu như “xét thấy bị cáo có thể trốn”, “xét thấy để đảm bảo thi hành án”… mà không có căn cứ cụ thể;

        – Thứ hai, BLTTHS quy định chưa rõ ràng, nên các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung, Toà án nói riêng đang lúng túng trong việc áp dụng thời hạn tạm giam trong trường hợp đồng phạm mà các bị can, bị cáo phạm tội thuộc các loại khác nhau, cho nên thời hạn tố tụng cũng được quy định khác nhau. Thực tiễn hiện nay đi theo hướng thời hạn tố tụng nói chung, tạm giam nói riêng được thực hiện theo tội nặng nhất trong vụ án đó. Ví dụ: hai bị can A và B đồng phạm cố ý gây thương tích cho người khác với mức độ thương tật là 45%, B phạm tội trong trường hợp tái phạm nguy hiểm; như vậy A bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 104 BLHS (tội nghiêm trọng), B bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 104 BLHS (tội rất nghiêm trọng). Trong trường hợp này, thường thì cơ quan điều tra căn cứ vào Điều 120 BLTTHS, Toà án căn cứ vào khoản 2 Điều 176, Điều 177 BLTTHS để xác định thời hạn tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử đối với cả hai bị can trên cơ sở tội mà B thực hiện (tức là tội rất nghiêm trọng). Như vậy, A chỉ phạm tội nghiêm trọng, nhưng lại phải bị áp dụng biện pháp cưỡng chế tố tụng về tội rất nghiêm trọng. Điều này, theo chúng tôi là không hợp lý từ góc độ pháp chế cũng như bảo đảm quyền tự do dân chủ của công dân. Chúng tôi rất nhất trí với hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao là trong trường hợp này “thời hạn tạm giam đối với từng bị can không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử đối với tội phạm nặng nhất mà bị can đó bị truy tố”; 

        – Thứ ba, các biện pháp ngăn chặn không giam giữ rất ít được áp dụng trên thực tế. Biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm hầu như không được áp dụng đối với bị can, bị cáo là người Việt Nam.

Trong điều kiện tâm lý xã hội ở nước ta hiện nay, khi một người vì lý do nào đó mà bị bắt, tạm giữ, tạm giam thì sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín, danh dự, và vì vậy rất khó để có thể đạt được hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, hoạt động xã hội. Vì vậy, Theo chúng tôi việc quá lạm dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, giam giữ, tạm giam mà coi nhẹ các biện pháp ngăn chặn khác sẽ gây ra không chỉ hậu quả pháp lý, mà cả hậu quả xã hội không có lợi; ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đến sự phát triển, tiến bộ của con người;

        – Thứ tư, hầu như 100% bị can, bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn. Bởi vì BLTTHS không quy định cụ thể các điều kiện áp dụng các biện pháp ngăn chặn như bảo lĩnh, cấm đi khỏi nơi cư trú, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm về nội dung, cho nên đa số những người tiến hành tố tụng, trong đó có Chánh án, Phó chánh án, Thẩm phán quan niệm rằng đã là bị can, bị cáo trong vụ án hình sự thì phải bị áp dụng biện pháp ngăn chặn nào đó. Vì vậy, khi khởi tố, bị can luôn bị áp dụng biện pháp ngăn chặn. Sau khi thụ lý vụ án, Toà án không huỷ bỏ, mà chỉ giữ nguyên hoặc thay đổi biện pháp ngăn chặn đã được áp dụng bằng biện pháp ngăn chặn khác. Nhận thức như vậy là không đúng với tinh thần của BLTTHS. Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05-11-2004 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ ba “Xét xử sơ thẩm” của BLTTHS năm 2003 cũng đã khẳng định rằng Chánh án hoặc Phó Chánh án có thể quyết định huỷ bỏ biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo đang bị tạm giam, nhưng xét thấy không cần thiết tiếp tục tạm giam người đó và cũng không cần thiết áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Như vậy, không nhất thiết đã là bị can, bị cáo trong vụ án hình sự thì phải áp dụng biện pháp ngăn chặn.

  -Một số giải pháp tăng cường việc bảo đảm các quyền tự do dân chủ của công dân trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn ở giai đọan xét xử

      + Hoàn thiện pháp luật Tố tụng hình sự

         Qua phân tích những vấn đề lý luận và nghiên cứu thực tiễn xét xử của các Toà án, chúng tôi thấy rằng việc tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do dân chủ của công dân trong tố tụng hình sự nói chung còn có những hạn chế là do những bất cập trong các quy định của BLTTHS và hướng dẫn áp dụng thống nhất BLTTHS. Vì vậy, việc hoàn thiện các quy định của BLTTHS có liên quan và tăng cường hướng dẫn áp dụng các quy định của BLTTHS trong xét xử vụ án hình sự là một trong những giải pháp quan trọng bảo đảm cho việc xét xử của Toà án chính xác, khách quan, là những điều kiện quan trọng để thực hiện việc tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do dân chủ của công dân.

* Hoàn thiện các quy định của BLTTHS:

- Sửa đổi các Điều 38, Điều 39, Điều 177 BLTTHS theo hướng giao cho Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà thẩm quyền quyết định đối với biện pháp ngăn chặn tạm giam. Là người trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án, Thẩm phán là người hiểu rõ hơn ai hết trường hợp nào cần áp dụng, thay đổi hay huỷ bỏ các biện pháp ngăn chặn đối với bị can, bị cáo. Trên thực tế, theo quy định của BLTTHS hiện nay thì việc quyết định áp dụng, huỷ bỏ, thay đổi biện pháp tạm giam của Chánh án, Phó Chánh án cũng do Thẩm phán đề xuất. Mặt khác, giao cho Thẩm phán thẩm quyền này sẽ nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán trong chuẩn bị xét xử; tránh được tình trạng dựa dẫm, đùn đẩy nhau trong việc quyết định áp dụng, huỷ bỏ hay thay đổi biện pháp này và chịu trách nhiệm về quyết định đó. Với các điều kiện bổ nhiệm được tiêu chuẩn hoá hiện nay (có trình độ đại học luật, được đào tạo nghiệp vụ xét xử, có kinh nghiệm lâu năm trong công tác pháp luật, đáp ứng các tiêu chuẩn chính trị, đạo đức.), Thẩm phán Toà án hoàn toàn có đủ điều kiện để giao cho thẩm quyền quyết định biện pháp ngăn chặn tạm giam.

 - Sửa đổi khoản 1 Điều 88 BLTTHS về căn cứ áp dụng tạm giam theo hướng tạm giam chỉ có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo nếu có căn cứ cụ thể khẳng định rằng họ có thể tiếp tục phạm tội, có thể bỏ trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành án. Như vậy, để áp dụng biện pháp tạm giam, người có thẩm quyền phải có căn cứ cụ thể khẳng định bị can, bị cáo có thể tiếp tục phạm tội, có thể bỏ trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành án. Với sửa đổi như vậy, quy định của Điều 88 BLTTHS mới phù hợp với Điều 79 BLTTHS, tránh được sự tuỳ tiện trong áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam, những biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất trong tố tụng hình sự nước ta;

- Sửa đổi đoạn 2 khoản 2 Điều 94 BLTTHS như sau: “Đối với những biện pháp ngăn chặn do Viện kiểm sát phê chuẩn thì việc huỷ bỏ hoặc thay thế trong giai đoạn điều tra, truy tố phải do Viện kiểm sát quyết định”. Bởi vì, theo quy định của Điều 177 BLTTHS, sau khi nhận hồ sơ vụ án, Toà án hoàn toàn có quyền quyết định áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, trong đó có các biện pháp ngăn chặn do Cơ quan điều tra áp dụng. Quy định của khoản 2 Điều 94 BLTTHS là trái với bản chất sự việc và mâu thuẫn với Điều 177 BLTTHS;

- Nghiên cứu sửa đổi khoản 1 Điều 303 BLTTHS về căn cứ bắt, tạm giữ, tạm giam đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội theo hướng thu hẹp phạm vi áp dụng các biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc này đối với người chưa thành niên phạm tội, đáp ứng chính sách nhân đạo của Nhà nước ta và nguyên tắc coi trọng giáo dục, phòng ngừa đối với người chưa thành niên phạm tội. Nghiên cứu Điều 12 BLHS và Điều 303 BLTTHS, chúng tôi thấy căn cứ áp dụng bắt, tạm giữ, tạm giam đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội được quy định tại khoản 1 không có gì khác với người đã thành niên; bởi vì người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã phạm tội là có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam trong mọi trường hợp mà không có hạn chế gì. Trong khi đó, người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, nhưng theo khoản 2 Điều 303 BLTTHS họ chỉ có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;

           * Tăng cường hướng dẫn áp dụng BLTTHS:

Để bảo đảm quyền tự do dân chủ của công dân, cùng với việc hoàn thiện BLTTHS để sửa đổi những quy định còn bất cập, bổ sung những quy định mới nhằm đảm bảo cho hoạt động tố tụng được chính xác, khách quan và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cần phải tăng cường việc hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định của BLTTHS của các cơ quan có thẩm quyền.

Theo chúng tôi, trước mắt các cơ quan có thẩm quyền cần tập trung hướng dẫn một số vấn đề sau đây:

- Hướng dẫn về việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn không giam giữ như bảo lĩnh, cấm đi khỏi nơi cư trú, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm nhaốm giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung, Toà án nói riêng tăng cường áp dụng các biện pháp này. Hiện nay trong thực tiễn có quan điểm sai lầm cho rằng đã là bị can, bị cáo trong một vụ án thì phải áp dụng biện pháp ngăn chặn; quan niệm như vậy có đúng không cũng cần phải thống nhất. Cần hướng dẫn áp dụng thống nhất Điều 93 BLTTHS về mức tiền phải đặt, thẩm quyền và thủ tục sung quỹ Nhà nước số tiền đặt để các Toà án có thể tăng cường áp dụng biện pháp ngăn chặn này v.v…;

     + Nâng cao năng lực, trình độ, nhận thức của Thẩm phánm Hội thẩm.                                                             

Dù pháp luật có quy định cụ thể đến đâu thì hiệu quả của nó phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm, nhận thức của người áp dụng pháp luật trong từng trường hợp cụ thể. Đặc biệt, trong BLTTHS nhiều quy định được áp dụng hay không lại tuỳ thuộc vào đánh giá chủ quan của người có thẩm quyền. Ví dụ: căn cứ để áp dụng biện pháp tạm giam theo điểm b khoản 1 Điều 88, khoản 2 Điều 228 BLTTHS phụ thuộc vào đánh giá chủ quan (tuy nhiên trên cơ sở các tình tiết khách quan) về khả năng bỏ trốn, khả năng tiếp tục phạm tội của bị can, bị cáo. Việc áp dụng các quy định pháp luật mang tính cưỡng chế cũng phụ thuộc nhiều vào quan điểm, cách nhìn nhận của người có thẩm quyền áp dụng. Ví dụ: theo điểm a khoản 1 Điều 88 BLTTHS thì người nào phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng đều có căn cứ để tạm giam; nhưng việc có áp dụng bieọn pháp tạm giam hay không trong từng trường hợp cụ thể lại phụ thuộc vào quan điểm (nghiêm khắc hay khoan hồng) của người có thẩm quyền.

Vì vậy, có thể nói tăng cường nhận thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của Thẩm phán, Hội thẩm là giải pháp quan trọng đảm bảo cho hoạt động xét xử của Toà án đáp ứng yêu cầu tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do dân chủ của công dân. Theo chúng tôi, để thực hiện giải pháp này cần tiến hành các biện pháp sau đây:

- Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm các Toà án;

- Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, chính sách pháp luật, nhất là chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đối với người phạm tội, quan điểm bảo vệ quyền con người trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cho cán bộ Toà án các cấp;

        + Hoàn thiện chế độ trách nhiệm

Nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trước công dân là giải pháp quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện các quyền tự do dân chủ của công dân. Nhà nước không chỉ có trách nhiệm trong việc ban hành pháp luật và duy trì để pháp luật về quyền tự do dân chủ của công dân được thực hiện trên thực tế, mà còn xử lý các vi phạm pháp luật bằng các chế độ trách nhiệm khác nhau. Vì vậy, việc hoàn thiện chế độ trách nhiệm của người tiến hành tố tụng cũng là giải pháp cần thiết để bảo đảm quyền tự do dân chủ của công dân trong xét xử vụ án hình sự nói chung, trong áp dụng các biện pháp ngăn chặn nói tiêng.

 - Trước hết cần hoàn thiện các quy định về trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân trong hoạt động tư pháp. Theo chúng tôi, cần bổ sung vào Chương XXII BLHS một điều luật quy định tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong hoạt động tư pháp; bởi vì, trong BLHS mới chỉ có tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn (Điều 301);  còn nếu áp dụng Điều 285 BLHS để xử lý các hành vi thiếu trách nhiệm đó thì không thật hợp lý.

- Hoàn thiện quy định về bồi thường thiệt hại trong trường hợp oan, sai. Chúng tôi cho rằng đã đến lúc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần ban hành nghị quyết về bồi thường thiệt hại không chỉ trong trường hợp oan, mà cả trong trường hợp sai. Bởi vì, trong thực tế có trường hợp tiến hành tố tụng sai có thể gây ra thiệt hại lớn hơn, gây hậu quả nghiêm trọng hơn trường hợp bị oan. Hơn nữa, Điều 30 BLTTHS quy định bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại do cơ quan hoặc người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây là một trong những nguyên tắc của tố tụng hình sự;

- Hoàn thiện chế độ kỷ luật đối với hành vi xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân trong tố tụng hình sự. Những hành vi của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân chưa đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự thì tuỳ tính chất, mức độ phải được xử lý kỷ luật một cách hợp lý; phải được đánh giá để bãi miễn hoặc không tái bổ nhiệm các chức danh chuyên môn. Đặc biệt là những người không đủ năng lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tư pháp, đã có những vi phạm nghiêm trọng quyền tự do dân chủ của công dân thì không nên giao tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tố tụng nặng nề đặt ra.

Giám định pháp y tâm thần – vấn đề điều trị bắt buộc

              Trần Văn Cường

Tổ chức giám định pháp y tâm thần trung ương

Giám định pháp y tâm thần là một chuyên ngành sâu trong tâm thần học. Trong vai trò bổ trợ quan trọng cho việc xét xử, giám định pháp y tâm thần không những góp phần bảo vệ sự trong sáng của luật pháp và còn bảo vệ quyền lợi người bệnh tâm thần.

Để thực hiện các quy định điều trị bắt buộc luật hình sự (2006) tại điều 13, điều 43 điều 44.

Luật tố tung hình sự (2005) tại điều 311 điều 315 điều 317. Thông tư liên tịch  số 03/TTLT ngày 24/ 9/ 1997 luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân điều 29 đã có những quy định khá đầy đủ. Sau đây tôi chỉ khái quát tổng hợp và diễn giải thêm về nhận thức với tư cách một giám định viên pháp y tâm thần.

I. Đối tượng điều kiện và thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh

1.  Đối tượng bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh

Theo điều 13 và điều 43 của Bộ luật hình sự thì đối tượng áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh bao gồm:

-  Người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

-  Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án hoặc tuy bị kết án nhưng chưa thi hành bản án mà bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

-  Người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

2.  Điều kiện áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với đối tượng sau khi đã có kết luận của Hội đồng giám định pháp y tâm thần về tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của họ.

3.  Thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Trong giai đoạn điều tra và truy tố, việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh do Viện trưởng Viện Kiểm soát cùng cấp với cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án quyết định.

-  Trong giai đoạn xét xử, việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh do Chánh án, Phó chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp đang thụ lý vụ án hoặc thẩm phán Toà án nhân dân hay Toà án quân sự cấp quân khu trở lên được phân công làm Chủ toạ phiên toà quyết định.

-  Trong giai đoạn thi hành án phạt tù, việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh do Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc toà án quân sự cấp quân khu nơi người bị kết án phạt tù đang tại ngoại cư trú hoặc nơi có trại giam hay trại giam đang giam giữ người bị kết án quyết định.

II. Thủ tục áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh

1.  Giai đoạn điều tra

Khi có nghi ngờ đối tượng bất thường về tâm thần cơ quan điều tra thụ lý vụ án phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Nếu Hội đồng giám định kết luận họ không bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì vẫn tiến hành tố tụng theo thủ tục chung. Trong trường hợp Hội đồng giám định kết luận họ bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì cơ quan điều tra gửi yêu cầu áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh cùng kết luận giám định do Viện kiểm sát cung cấp. Căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định và yêu cầu của cơ quan điều tra. Viện Kiểm sát ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh phải được gửi cho cơ quan điều tra thụ lý vụ án để tổ chức hoặc phối hợp với trại tạm giam (trong trường hợp đối tượng đang bị tạm giam) đưa người bị bắt buộc chữa bệnh đến cơ sở chuyên khoa y tế nêu trong quyết định. Nhận được quyết định bắt buộc chữa bệnh của Viện kiểm soát, cơ quan điều tra thụ lý vụ án phải ra quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với bị can đã có quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh (nếu đã khởi tố).

2.  Giai đoạn truy tố

Trước khi bản cáo trạng và hồ sơ vụ án đang gửi cho Toà, nếu có nghi ngờ đối tượng có bệnh thường về tâm thần Viện kiểm sát phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Nếu Hội đồng giám định kết luận bị can không bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì vẫn tiến hành tố tụng theo thủ tục chung. Trong trường hợp Hội đồng giám định kết luận bị can mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển của hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận  của Hội đồng giám định của kết luận bị can mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định Viện kiểm soát ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh phải được gửi cho cơ quan điều tra đã điều tra vụ án để tổ chức hoặc phối hợp với trại tạm giam (trong trường hợp đối tượng đang bị tạm giam) đưa người bị bắt buộc chữa bệnh đến cơ sở chuyên khoa y tế nêu trong quyết định. Việc tổ chức đưa người bị bắt buộc chữa bệnh đến chuyên khoa y tế theo quyết định của Viện kiểm sát quân sự các cấp thực hiện theo quy định của Bộ quốc phòng.

3.  Giai đoạn xét xử

Sau khi toà án nhận được bản cáo trạng, hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát gửi đến và trong suốt thời gian chuẩn bị xét xử và xét xử cũng như thời gian bản án chưa có hiệu lực pháp luật, chưa có quyết định thi hành án. Nếu có nghi ngờ đối tượng có bất thường về tâm thần, thì toà án phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Nếu Hội đồng giám định kết luận họ không bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng theo thủ tục chung. Trong trường hợp Hội đồng giám định kết luận họ bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định, toà án ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đồng thời ra quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với người bị bắt buộc chữa bệnh (căn cứ vào từng trường hợp cụ thể quy định tại điều 13 Bộ luật hình sự). Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh để tổ chức hoặc phối hợp với trại tạm giam (trong trường hợp đối tượng đang bị tạm giam) đưa người bị bắt buộc chữa bệnh đến cơ sở chuyên khoa y tế quy định để điều trị.

4.  Giai đoạn thi hành án

-  Đối với trường hợp người bị phạt tù đang tại ngoại (bao gồm cả người chưa có quyết định thi hành án hoặc có quyết định thi hành án; người được hoãn hoặc được tạm đình chỉ thi hành án phạt tù) mà có nghi ngờ họ bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì cơ quan điều tra thuộc công an tỉnh, thành phố hoặc thuộc trung ương nơi người bị kết án đang tại ngoại cư trú trưng cầu giám định pháp y tâm thần.

- Đối với trường hợp người bị kết án đang bị tạm giam, đang thi hành án ở phân trại quản lý phạm nhân hoặc trại giam mà có nghi ngờ họ bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì giám thị trại giam, trưởng trại giam đề nghị Cục quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng của Bộ Công an trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Đối với các trại giam, trại tạm giam quân sự thì đề nghị cơ quan điều tra hình sự cấp quân khu, quân đoàn. Cục điều tra hình sự của Bộ quốc phòng quản lý trực tiếp các trại giam, trại tạm giam đó trưng cầu giám định pháp y tâm thần.

- Nếu Hội đồng giám định kết luận những đối tượng trên không mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì các cơ quan có trách nhiệm vẫn thực hiện theo các quy định trong Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự. Pháp lệnh thi hành án phạt tù để quản lý, giam giữ, giáo dục, cải tạo họ. Trong trường hợp Hội đồng giám định kết luận họ bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì cơ quan trưng cầu giám định pháp y tâm thần phải gửi yêu cầu áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và kết luận giám định của toà án nhân dân cấp tỉnh. Toà án quân sự cấp quân khu nơi người bị kết án phạt tù đang tại ngoại cư trú hoặc nơi có trại giam hay trại tạm giam đang giam giữ người bị kết án. Căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định và yêu cầu của cơ quan trưng cầu giám định pháp  y tâm thần, toà án ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Trong quyết định phải chỉ rõ cơ sở chuyên khoa gửi cho cơ quan điều tra thuộc công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người bị kết án phạt tù đang tại cư trú hoặc cho trại giam hay trại tạm giam nơi đang giam giữ người bị kết án để tổ chức đưa họ đến cơ sở chuyên khoa y tế được nêu trong quyết định.

5. Thủ tục chung

Khi đưa người bị bắt buộc chữa bệnh tới cơ sở chuyên khoa y tế (trong tất cả những trường hợp được quy định) phải có quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của Viện kiếm soát hoặc toà án, bản sao kết luận của Hội đồng giám định và hồ sơ sức khoẻ (nếu có). Cơ sở chuyên khoa y tế có trách nhiệm thi hành quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh không được từ chối tiếp nhận người bị bắt buộc chữa bệnh nếu có đủ các văn bản nói trên. Việc giao nhận phải được lập thành biên bản. Ngay sau khi tiếp nhận người bị bắt buộc chữa bệnh, cơ sở chuyên khoa y tế phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát hoặc toà án đã ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh phải thông báo ngay cho thân nhân người bị bắt buộc chữa bệnh.

Trong thời gian 5 ngày: kể từ ngày nhận được thông báo bằng văn bản của cơ sở chuyên khoa y tế hoặc đơn yêu cầu của thân nhân người bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh hoặc yêu cầu của Viện kiểm soát về việc người bắt buộc chữa bệnh đã khỏi bệnh. Viện kiểm sát hoặc toà án đã ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trưng cầu giám định pháp y tâm thần để xác định tình trạng bệnh tật của họ (trừ trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh đã chấp hành xong hình phạt tù). Nếu Hội đồng giám định kết luận người bị bắt buộc chữa bệnh đã khỏi bệnh thì trong thời gian 05 ngày kể từ ngày nhận được kết luận giám định viện kiểm sát hoặc toà án ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh ra quyết định đình chỉ thực hiện biện pháp bắt buộc chữa bệnh, đồng thời có thể quyết định phục hồi tố tụng đã bị tạm đình chỉ theo thủ tục chung do pháp luật quy định. Quyết định đình chỉ thực hiện biện pháp bắt buộc chữa bệnh và phục hồi tố tụng đã bị tạm đình chỉ phải được gửi cho cơ quan đã đưa người bị bắt buộc chữ bệnh đến cơ sở chuyên khoa y tế và các cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan để thi hành.

Trong thời gian 05 ngày kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ thực hiện biên pháp bắt buộc chữa bệnh, cơ quan đã đưa người bị bắt buộc chữa bệnh đến các cơ sở chuyên khoa y tế phải đến nhận họ lại. Sau 15 ngày kể từ ngày cơ sở chuyên khoa y tế nhận được quyết định đình chỉ thực hiện biện pháp bắt buộc chữa bệnh mà cơ quan có trách nhiệm không đến nhân người bị bắt buộc chữa bệnh đã khỏi bệnh và không có thông tin gì khác thì cơ sở chuyên khoa y tế làm thủ tục xuất viện bình thường cho người bị bắt buộc chữa bệnh.

Thủ trưởng cơ quan có trách nhiện đến nhận người, nhưng không đến hoặc không đến đúng thời hạn nêu trên, phải truy cứu trách nhiệm trước pháp luật.

III. Việc quản lý và điều trị  người bị bắt buộc chữa bệnh

1.  Theo điều 227 Bộ luật tố tụng hình sự, thì kể từ thời điểm nhận người bị bắt buộc chữa bệnh, cơ sở chuyên khoa y tế có trách nhiệm quản lý và điều trị người bị  bắt buộc chữa bệnh. Việc quản lý điều trị người bị bắt buộc chữa bệnh được thực hiện theo quy định riêng được tự do đi lại sinh hoạt trong khu điều trị nhưng không được ra ngoài gia đình có thể đến thăm nuôi nhưng dưới sự giám sát của nhân viên y tế không được đi phép.

2.  Bộ nội vụ có trách nhiệm phối hợp với bộ y tế đào tạo, xét duyệt, tuyển chọn cán bộ nhân viên bảo vệ ở các cơ sở chuyên khoa y tế, đội ngũ cán bộ nhân viên bảo vệ nằm trong biên chế của cơ sở chuyên khoa y tế.

3.  Khi  có người bị bắt buộc chữa bệnh trốn, cơ sở bắt buộc chữa bệnh phải tổ chức ngay các biện pháp để truy tìm nhưng đối với người bị bệnh tâm thần khác và báo cho cơ quan công an cấp tỉnh nơi có cơ sở chuyên khoa y tế biết để cùng phối hợp truy tìm: đồng thời báo cho viện kiếm sát hoặc toà án đã ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh biết để thông báo cho thân nhân của họ.

4.  Khi có người bị bắt buộc chữa bệnh chết, cơ sở chuyên khoa y tế phải báo ngay cho cơ quan điều tra thuộc công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương,Viện kiểm sát nơi có cơ sở chuyên khoa y tế đến lập biên bản để xác định nguyên nhân chết, làm thủ tục khai tử với chính quyền  cơ sở, đồng thời thông báo cho thân nhân  người chết biết trước khi tổ chức việc chôn cất.

Sau 24 giờ, kể từ khi nhân được thông báo về người bị bắt buộc chữa bệnh chết mà cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không đến, cũng như thân nhân hoặc gia đình người bị bắt buộc chữa bệnh không có đề nghị đưa họ về gia đình tổ chức chôn cất,thì cơ sở chuyên khoa y tế tổ chức theo quy định chung.

Sau khi tổ chức việc chôn cất, cơ sở  chuyên khoa y tế phải gửi thông báo cho Viên kiểm sát hoặc toà án đã ra quyết đinh bắt buộc chữa bệnh và cho trại tạm giam ( nếu người chết trước khi đưa vào cơ sở chuyên khoa y tế là người bị kết án đang chấp hành phạt tù).

IV. Chế độ ăn, ở, sinh  hoạt, thăm gặp

Người bị bắt buộc chữa bệnh ở cơ sở chuyên khoa y tế được nhà nước đảm bảo ăn,ở, sinh hoạt và chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế.

Thân nhân của người bị bắt buộc chữa bệnh được đến thăm, nuôi dưỡng chăm sóc người bị băt buộc chữa bệnh theo quy định của bộ y tế và cơ sở chuyên khoa y tế.

V. Tổ chức cơ sở chữa bệnh bắt buộc

1. Cơ sở chuyên khoa y tế được tổ chức tại bệnh viện tâm thần đối với các trường hợp bị bệnh tâm  thần thì đến các cơ sở tâm thần để điều trị (do Bộ y tế quy định ) gọi là cơ sở điều trị bắt buộc. 

Lựa chọn và chỉ định người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo chưa thành niên trong các vụ án hình sự

ThS. Nguyễn Hải Ninh

Khoa Luật Hình sự Trường Đại học Luật Hà Nội

1. Việc lựa chọn người bào chữa cho bị can, bị cáo chưa thành niên

Thứ nhất: Chủ thể có quyền lựa chọn người bào chữa trong trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên.

Khoản 1 Điều 57 BLTTHS quy định: “Người bào chữa do người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc đại diện hợp pháp của họ lựa chọn”.

Như vậy theo quy định trên quyền lựa chọn người bào chữa thuộc về một trong hai chủ thể: bị can, bị cáo chưa thành niên hoặc đại diện hợp pháp của họ. Tuy nhiên theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02 tháng 10 năm 2004 của Hội đồng thẩm phán TANDTC “Đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, thì họ và người đại diện hợp pháp của họ đều có quyền được lựa chọn người bào chữa”.

Như vậy, theo hướng dẫn quyền lựa chọn người bào chữa cho bị can, bị cáo chưa thành niên được quy định đồng thời cho cả hai chủ thể là bị can, bị cáo chưa thành niên và người đại diện hợp pháp của họ. Quyền này của các chủ thể là quyền độc lập (giống như quyền kháng cáo phúc thẩm của bị can, bị cáo chưa thành niên và người đại diện hợp pháp là quyền độc lập quy định tại Điều 231 BLTTHS). Với hướng dẫn nêu trên sẽ không có mâu thuẫn nảy sinh trên thực tế khi hai chủ thể này đồng thuận với nhau trong việc lựa chọn người bào chữa. Vấn đề phát sinh trên thực tế sẽ xuất hiện khi không có sự đồng thuận giữa hai chủ thể này.

Trường hợp người đại diện hợp pháp lựa chọn người bào chữa nhưng bị can, bị cáo không đồng ý và muốn lựa chọn người khác bào chữa cho mình giữa hai chủ thể có thể trao đổi và đi đến thống nhất.

Trường hợp người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo lại “lựa chọn” chính mình là người bào chữa cho bị can, bị cáo trong khi bị can, bị cáo lại không muốn người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa cho mình (có thể do không yên tâm về trình độ pháp luật của người đại diện hợp pháp, có thể do người đại diện hợp pháp có những quyền lợi đi ngược lại với chính lợi ích của bị can, bị cáo) thì Cơ quan tiến hành tố tụng có cấp giấy chứng nhận bào chữa cho người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo hay không.

Nếu bị can, bị cáo không đồng ý cho người đại diện hợp pháp bào chữa cho mình với lý do quyền lợi của họ sẽ không được bảo đảm do vấn đề mâu thuẫn về lợi ích thì trong trường hợp này có thể xác định là trường hợp bị can, bị cáo muốn thay đổi người bào chữa và cơ quan tiến hành tố tụng nên tôn trọng quyền được “lựa chọn” người bào chữa của bị can, bị cáo. Nếu bị can, bị cáo không mời được do những nguyên nhân khác nhau thì Cơ quan tiến hành tố tụng có thể chỉ định người bào chữa cho họ.

Xuất phát từ thực tế có thể người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo tham gia tố tụng không vì lợi ích của bị can, bị cáo (do họ là người đại diện theo pháp luật) mà chỉ chính bị can, bị cáo mới biết được nên ngoài trường hợp bị can, bị cáo từ chối người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa còn có thể xảy ra trường hợp bị can, bị cáo không muốn họ là người đại diện hợp pháp của mình.

Về vấn đề này trong Công văn số 117/2004/KHXX ngày 22 tháng 7 năm 2004 của TANDTC lưu ý: “Cần nghiên cứu nắm chắc các quy định tại các điều 56 và 57 BLTTHS và những văn bản có liên quan để xác định đúng trường hợp nào thì được công nhận là người đại diện hợp pháp của bị cáo và được tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho bị cáo”. Như vậy Công văn mới chỉ lưu ý để xác định “đúng” người đại diện hợp pháp của bị cáo còn chưa có giải thích, hướng dẫn cụ thể để đảm bảo khi tham gia tố tụng người đại diện hợp pháp sẽ vì lợi ích của người mà mình đại diện. Có thể tham khảo pháp luật tố tụng hình sự một số nước để nghiên cứu.

BLTTHS Cộng hoà liên bang Nga:

Khoản 1 điều 49 quy định “Luật sư được tham gia tố tụng với tư cách của người bào chữa. Theo quyết định của Toà án bên cạch luật sư thì một trong số những người họ hàng thân thích của bị can hoặc người khác theo yêu cầu của bị can có thể được chấp nhận là người bào chữa”

Điều 426 quy định: “1.Những người đại diện hợp pháp của người bị tình nghi, bị can là người chưa thành niên được tham gia vụ án trên cơ sở quyết định của Kiểm sát viên, Dự thẩm viên, nhân viên điều tra ban đầu từ thời điểm lấy lời khai người bị tình nghi lần đầu tiên với tư cách người bị tình nghi hoặc bị can. …4. Người đại diện hợp pháp có thể bị từ chối tham gia vào vụ án nếu có căn cứ cho rằng hành vi của họ gây thiệt hại cho lợi ích của người bị tình nghi, bị can là người chưa thành niên”

Khoản 2 điều 428: “Theo quyết định của Toà án người đại diện hợp pháp có thể bị từ chối tham gia vào quá trình xét xử nếu có căn cứ cho rằng hành vi của họ gây thiệt hại cho lợi ích của người bị tình nghi, bị can là người chưa thành niên”

Quy định trực tiếp nội dung này vào trong BLTTHS tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều cho Cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng vì có tính chất tập trung. Vì vậy đây cũng chính là đề xuất mà tác giả muốn đề cập nghiên cứu thêm để bổ sung cho BLTTHS 2003.

Thứ hai: Thời điểm người đại diện hợp của bị can, bị cáo chưa thành niên khi tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa.

Xác định thời người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa có ý kiến cho rằng : “Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên có thể đồng thời là người bào chữa nếu  người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên và người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa hoặc không chấp nhận người bào chữa mà văn phòng luật sư cử”[1]. Việc người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên có thể đồng thời là người bào chữa là không trái với quy định của BLTTHS. Tuy nhiên cần xác định cụ thể thời điểm họ sẽ tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa. Theo ý kiến nêu trên thì họ sẽ tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa “nếu người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên và người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa hoặc không chấp nhận người bào chữa mà văn phòng luật sư cử”. Như vậy có thể hiểu người đại diện hợp pháp sẽ có tư cách người bào chữa khi bản thân họ và người mà họ đại diện không mời người bào chữa hoặc từ chối người bào chữa do văn phòng luật sư cử. Không thể hiểu một người sẽ có tư cách người bào chữa đương nhiên khi có sự kiện pháp lý xảy ra như vậy vì theo quy định tại Điều 56 BLTTHS người được xác định tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa phải có một quyết định pháp lý hình thức là giấy chứng nhận bào chữa do cơ quan tiến hành tố tụng cấp.

Về vấn đề này có thể xác định như sau: Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên có thể yêu cầu người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa. Cơ quan tiến hành tố tụng phải cấp giấy chứng nhận bào chữa cho họ để họ thực hiện quyền bào chữa của mình. Khi đó họ sẽ tham gia tố tụng với hai tư cách: người đại diện hợp pháp và người bào chữa.

Cũng có ý kiến cho rằng “không nên quy định người bào chữa là người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo…”([2]) vì cho rằng những người này không hiểu phải vận dụng những quy định nào của pháp luật để thực hiện quyền bào chữa đồng thời các cơ quan tiến hành tố tụng cũng lợi dụng quy định này để cấp giấy chứng nhận tuỳ tiện cho người đại diện hợp pháp và là cái cớ để cơ quan tiến hành tố tụng né tránh luật sư.

Tác giả không đồng ý với lý do thứ hai trong ý kiến trên vì không thể vì việc vận dụng không đúng của người tiến hành tố tụng mà thay đổi quy định của pháp luật (trong trường hợp này để khắc phục tình trạng né tránh luật sư của cơ quan tiến hành tố tụng cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm của người tiến hành tố tụng bằng giáo dục, bằng các biện pháp chế tài…). Về lý do không nên quy định người đại diện hợp pháp là người bào chữa do họ không có kiến thức cần thiết về pháp luật không có sức thuyết phục. Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có thể mời người khác là luật sư bào chữa cho mình cùng với người đại diện hợp pháp. Trong nhiều trường hợp họ muốn người đại diện hợp pháp bào chữa cho mình vì đó có thể là người hiểu họ nhất, sự tham gia của người đại diện hợp pháp tạo tâm lý tốt cho họ trong quá trình tố tụng. Mặt khác, tư cách đại diện của họ sẽ chấm dứt khi người mà họ đại diện thành niên, khi đó họ vẫn tham gia tố tụng cùng người mà họ bảo vệ quyền lợi hợp pháp với tư cách là người bào chữa. Vì vậy để bảo vệ được người chưa thành niên phạm tội, giúp cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án được đúng đắn vẫn nên quy định người bào chữa có thể là người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Hiện nay các luật sư đang hành nghề có nhận xét khi được mời tham gia bào chữa việc xin cấp giấy chứng nhận gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy nên bỏ quy định về việc phải có giấy chứng nhận bào chữa. Về ý kiến này, tác giả có ý kiến sau: Nếu luật quy định chỉ có luật sư tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa thì việc bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa là cần thiết nhằm tạo thuận lợi cho các luật sư khi tham gia tố tụng. Tuy nhiên ngoài luật sư, còn có người đại diện hợp pháp, bào chữa viên nhân cũng được luật quy định có thể tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa, nếu không có giấy chứng nhận bào chữa, việc tham gia tố tụng của các chủ thể này sẽ gặp rất nhiều khó khăn (khi muốn gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam nếu không có giấy chứng nhận bào chữa thì phải có giấy tờ nào để họ có thể thực hiện được quyền này đồng thời không làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án).

Liên quan đến thời điểm xác định tư cách người bào chữa cần có chỉnh sửa nội dung quy định trong BLTTHS tại khoản 4 điều 56. Khoản 4 điều 56 quy định “ Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phải xem xét, cấp giấy chứng nhận bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa”, thay cụm từ “người bào chữa” trong quy định trên thành cụm từ “những người quy định tại khoản 1 của điều này” mới chính xác vì thời điểm xin cấp giấy chứng nhận họ chưa phải là người bào chữa.

2. Chỉ định người bào chữa cho bị can, bị cáo chưa thành niên hoặc có nhược điểm về thể chất, tâm thần.

Theo quy định tại điều 57 BLTTHS trong trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất nếu bị can, bị cáo hoặc đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì Cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho bị can, bị cáo.

Nếu theo quy định trên có thể hiểu Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ chỉ định người bào chữa cho bị can, bị cáo chưa thành niên khi một trong hai chủ thể trên không mời người bào chữa.

Tuy nhiên theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02 tháng 10 năm 2004 của Hội đồng thẩm phán TANDTC “trường hợp bị can, bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa và theo yêu cầu của Toà án…đã cử người bào chữa cho họ…” thì cũng có thể hiểu Cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định người bào chữa khi các chủ thể trên không mời người bào chữa.

Như vậy có thể hiểu việc bào chữa chỉ định được Cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành khi bị can, bị cáo chưa thành niên không có người bào chữa.

Khoản 2 điều 57 BLTTHS quy định “…nếu bị can, bị cáo hoặc đại diện hợp pháp không mời người bào chữa thì CQĐT, VKS, TA phải… cử người bào chữa cho họ”. Theo quy định của pháp luật “Người bào chữa do người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc đại diện hợp pháp của họ lựa chọn” như vậy bị can, bị cáo có thể mời chính người đại diện hợp pháp của mình là người bào chữa. Nếu như vậy thì trong trường hợp này có thể hiểu bị can, bị cáo không còn rơi vào trường hợp Cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa.

Tuy nhiên trong trường hợp người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo quyết định tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa (tức lựa chọn chính mình) nhưng bị can, bị cáo chưa thành niên muốn cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định người bào chữa thì Cơ quan tiến hành tố tụng có chấp nhận hay không.

Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02 tháng 10 năm 2004 của Hội đồng thẩm phán TANDTC bị can, bị cáo chưa thành niên và người đại diện hợp pháp của họ cùng có quyền lựa chọn người bào chữa. Vì vậy, nếu một chủ thể đã lựa người bào chữa, một chủ khác lại có yêu cầu bào chữa chỉ định thì trong trường hợp này theo quan điểm của tác giả, để bảo đảm quyền lợi cho bị can, bị cáo chưa thành niên hoặc có nhược điểm về thể chất tâm thần thì trong trường hợp này nếu bị can, bị cáo có yêu cầu Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ chỉ định người bào chữa cho họ. Trong trường hợp này bị can, bị cáo sẽ có nhiều người cùng tham gia bào chữa. Cách giải quyết này không trái với quy định của pháp luật, tránh được tình trạng các Cơ quan tiến hành tố tụng lợi dụng quy định của pháp luật cấp giấy chứng nhận bào chữa cho người đại diện hợp pháp và né tránh luật sư đồng thời cũng bảo đảm quyền của bị can, bị cáo có thể có nhiều người bào chữa cho mình.

([1]). Đỗ Thị Phượng , “Một số vấn đề về việc áp dụng điều 306 trong BLTTHS 2003”, Tạp chí luật học (12), Hà Nội, 2006

([2]). Phạm Minh Tuyên “Một số vần đề về bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong luật tố tụng hình sự năm 2003”. Tạp chí TAND, số 21, năm 2007

Một số kiến nghị hạn chế việc phải chuyển từ thủ tục rút gọn sang thủ tục chung để giải quyết vụ án

        TS. Phan Thị Thanh Mai

Khoa Luật Hình sự Trường Đại học Luật Hà Nội

Thủ tục rút gọn là thủ tục đặc biệt của tố tụng hình sự được áp dụng để giải quyết những vụ án hình sự đối với tội phạm ít nghiêm trọng, có tính chất quả tang, đơn giản, chứng cứ rõ ràng, người thực hiện hành vi phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng. Thủ tục này có sự rút ngắn về thời gian, đơn giản về thủ tục nhằm giải quyết nhanh chóng vụ án hình sự, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm nhanh chóng, hiệu quả; đồng thời đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong tố tụng hình sự.

Trong số các thủ tục đặc biệt được quy định trong BLTTHS Việt Nam, thủ tục đặc biệt có những đặc thù riêng. Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên và thủ tục áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc là những thủ tục đặc biệt được áp dụng đối với bị can, bị cáo là những đối tượng đặc biệt, còn thủ tục rút gọn không áp dụng đối với bị can, bị cáo là đối tượng đặc biệt mà áp dụng trong những điều kiện nhất định. Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên và thủ tục áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc là những thủ tục đặc biệt mà các thủ tục đó đều theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo; chú ý đến việc đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng đặc biệt này. Thủ tục rút gọn lại tiềm ẩn những điều kiện dẫn đến hạn chế việc đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo. Vì vậy, cần phải cân nhắc, thận trọng trong việc quy định và thi hành thủ tục này.

Thủ tục rút gọn có ý nghĩa pháp lý và xã hội sâu sắc trong tình hình hiện nay. Thủ tục này là cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết nhanh chóng, kịp thời nhiều vụ án thuộc loại ít nghiêm trọng, có tính chất quả tang, đơn giản, rõ ràng; đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm kịp thời và sắc bén, góp phần giải quyết tình trạng tồn đọng án kéo dài và các vi phạm các quy định của BLTTHS về thời hạn có xu hướng gia tăng; khắc phục tình trạng quá tải trong các trại tạm giam và những khó khăn trong tổ chức tạm giữ, tạm giam. Việc giải quyết vụ án nhanh chóng sẽ tạo điều kiện để những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra nhanh chóng được khắc phục, góp phần đảm bảo lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Thủ tục rút gọn còn tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, công sức trong việc giải quyết vụ án những vụ án đơn giản, rõ ràng, ít nghiêm trọng, tập trung vào việc giải quyết những vụ án nghiêm trọng, phức tạp hơn; đồng thời cũng tiết kiệm được thời gian và chi phí cho những người tham gia tố tụng và giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống và tham gia vào các quan hệ pháp luật khác. Thủ tục này cũng đáp ứng yêu cầu của nhân dân về việc xử lý kịp thời, nhanh chóng, chính xác các hành vi phạm tội và người phạm tội, qua đó nhanh chóng phát huy tác dụng giáo dục ý thức pháp luật trong nhân dân thông qua hoạt động xét xử, góp phần vào việc phòng ngừa tội phạm.

Tuy nhiên, mục đích và ý nghĩa của thủ tục rút gọn chỉ thực sự đạt được nếu vụ án đã áp dụng thủ tục rút gọn không phải tiếp tục áp dụng thủ tục chung để giải quyết. Nếu vụ án đã áp dụng thủ tục rút gọn, sau đó cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng thủ tục chung để giải quyết thì sẽ không rút ngắn được về thời gian, không đơn giản được về thủ tục, thậm chí còn làm cho trình tự tố tụng kéo dài và phức tạp hơn nếu chỉ áp dụng thủ tục chung để giải quyết. Vì vậy, cần phải có những biện pháp hạn chế những trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng thủ tục chung để giải quyết vụ án trước đó đã áp dụng thủ tục rút gọn.

Theo nội dung được quy định tại các Điều 318, khoản 2 Điều 322, khoản 5 Điều 324 BLTTHS năm 2003, thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng đối với việc điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm. Việc xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ án đã xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn được tiến hành theo thủ tục chung. Trong trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc tạm đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát phải ra quyết định huỷ bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và vụ án được giải quyết theo thủ tục chung. ở giai đoạn xét xử sơ thẩm, trong trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc tạm đình chỉ vụ án thì Toà án chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát và vụ án được giải quyết theo thủ tục chung. Trong những trường hợp này, những điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn không còn đầy đủ, tính chất của vụ án đã trở nên phức tạp, vì vậy cần áp dụng thủ tục chung để giải quyết. Để hạn chế những trường hợp phải chuyển sang áp dụng thủ tục chung để giải quyết đối với những vụ án trước đó đã áp dụng thủ tục rút gọn thực chất là cần hạn chế những trường hợp phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án; bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo hoặc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Để góp phần thực hiện được mục đích này, chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật về thủ tục rút gọn như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn.

Theo quy định tại Điều 319 BLTTHS, thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:

-        Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang;

-        Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng;

-        Tội phạm được thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng;

-        Người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng.

Những quy định về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn tại Điều 319 BLTTHS năm 2003 về cơ bản là thống nhất với những quy định về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong các văn bản pháp luật trước đây như Thông tư số 139-TTg ngày 28/5/1974 của Thủ tướng chính phủ hướng dẫn về thủ tục điều tra, truy tố, xét xử các vụ án phạm pháp quả tang; Thông tư số 10-TATC ngày 8/7/1974 của TANDTC về thủ tục rút ngắn trong việc điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án hình sự ít nghiêm trọng, phạm pháp quả tang, đơn giản, rõ ràng; Chỉ thị số 954-CP ngày 17/8/1974 của Bộ Công an hướng dẫn về việc áp dụng thủ tục rút ngắn đối với các vụ án hình sự ít nghiêm trọng; Thông tư liên ngành số 12/TTLN ngày 31/12/1990 của TANDTC, VKSNDTC, Bộ nội vụ hướng dẫn điều tra, truy tố, xét xử đối với một số loại tội phạm. Những quy định này đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn áp dụng, về cơ bản là hợp lý và khả thi. Tuy nhiên, theo chúng tôi, quy định về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn tại Điều 319 vẫn cần hoàn thiện hơn.

Thứ nhất, việc sử dụng thuật ngữ “người thực hiện hành vi phạm tội” tại khoản 1 và “người phạm tội” ở khoản 3 điều này là không phù hợp với nguyên tắc ‘không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật” được quy định tại Điều 10 BLTTHS. Đây không chỉ là nguyên tắc tố tụng được Việt Nam và các nước trên thế giới ghi nhận mà còn là một trong những quyền cơ bản của công dân được quy định trong các công ước quốc tế như Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền ngày 10/12/1948 (Điều 11); Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị ngày 16/12/1966 (khoản 2 Điều 14).([1]) Vào thời điểm Viện kiểm sát xem xét điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn thì người mà Viện kiểm sát áp dụng thủ tục rút gọn đối với họ chưa bị coi là người có tội. Vì vậy, để đảm bảo nguyên tắc tố tụng, đảm bảo quyền công dân, tránh những định kiến của cơ quan tiến hành tố tụng đối với bị can có thể dẫn đến những sai lầm trong việc xác định sự thật của vụ án, theo chúng tôi cần thay các thuật ngữ “người thực hiện hành vi phạm tội” tại khoản 1 và “người phạm tội” ở khoản 3 Điều 319 bằng thuật ngữ “bị can” cho chính xác và đúng tư cách tố tụng của họ.

Vấn đề kiến nghị sử dụng từ “bị can” ở Điều 319 BLTTHS như đã trình bày lại liên quan đến việc quyết định áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Điều 320 BLTTHS. Điều 320 BLTTHS quy định việc áp dụng thủ tục rút gọn được quyết định sau khi khởi tố vụ án, sau đó gửi cho bị can hoặc đại diện hợp pháp của họ trong thời hạn 24 giờ mà không đề cập đến việc khởi tố bị can trước khi ra quyết định. Theo chúng tôi, trong trường hợp phạm tội quả tang, sự việc phạm tội đơn giản, rõ ràng thì khi đã có căn cứ khởi tố vụ án cũng đồng thời có căn cứ để khởi tố bị can nên khi quyết định áp dụng thủ tục rút gọn phải là khi đã khởi tố bị can rồi, nếu chưa ra được quyết định khởi tố bị can thì không thể coi là sự việc đơn giản, rõ ràng để áp dụng thủ tục rút gọn. Mặt khác, nếu sau khi quyết định áp dụng thủ tục rút gọn mới khởi tố bị can thì sẽ khó thực hiện đúng thời hạn giao quyết định áp dụng thủ tục rút gọn trong thời hạn 24 giờ theo quy định của pháp luật dẫn đến vi phạm thời hạn tố tụng và phải chuyển sang giải quyết theo thủ tục chung. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị bổ sung khoản 1 Điều 320 như sau: “Sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, theo đề nghị của cơ quan điều tra hoặc xét thấy vụ án có đủ các điều kiện quy định tại Điều 319 của Bộ luật này, Viện kiểm sát có thể ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn”. Sau khi đã khởi tố bị can mới xem xét việc quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thì việc dùng từ bị can ở Điều 319 là hoàn toàn hợp lý.

Thứ hai, khoản 4 Điều 319 chỉ đề cập đến điều kiện người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng. Theo chúng tôi nếu chỉ quy định như vậy là chưa đầy đủ mà cần phải quy định thêm điều kiện “xác định dễ dàng, nhanh chóng”. Có những nội dung trong căn cước lý lịch của bị can là rõ ràng nhưng để kiểm tra, xác minh lại cần nhiều thời gian trong khi thời hạn điều tra, truy tố, xét xử lại rất ngắn thì cũng không khả thi để áp dụng thủ tục rút gọn. Nếu Viện kiểm sát đã quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, sau đó do việc xác minh lý lịch bị can cần nhiều thời gian nên vi phạm thời hạn điều tra, truy tố thì sẽ là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; nếu để đảm bảo thời hạn mà việc điều tra không đầy đủ thì lại có thể thiếu những chứng cứ không thể bổ sung tại phiên toà. Cả hai trường hợp đều là căn cứ để trả hồ sơ để điều tra bổ sung và phải giải quyết theo thủ tục chung, vì vậy, việc quy định bổ sung điều kiện xác định căn cước, lai lịch nhanh chóng, dễ dàng là một điều kiện pháp lý cần thiết để hạn chế việc phải chuyển từ thủ tục rút gọn sang thủ tục chung để giải quyết vụ án. Trước đây, Thông tư số 12/TTLN ngày ngày 31/12/1990 của TANDTC, VKSNDTC, Bộ nội vụ hướng dẫn điều tra, truy tố, xét xử đối với một số loại tội phạm cũng đã quy định việc “kẻ phạm tội có căn cước rõ ràng; không cần phải mất nhiều thời gian để xác minh về nhân thân của họ” là một điều kiện để áp dụng thủ tục rút ngắn về thời gian.

Thứ ba, pháp luật hiện hành không quy định điều kiện phải có sự đồng ý lựa chọn áp dụng thủ tục rút gọn của bị can mà chỉ có quy định về quyền khiếu nại của họ đối với quyết định này. Có một số ý kiến cho rằng do văn hoá pháp lý, mặt bằng hiểu biết pháp luật của nhân dân còn nhiều hạn chế nên việc đưa điều kiện này vào BLTTHS là chưa thực sự phù hợp với thực tế của Việt Nam hiện nay.([2]) Ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung điều kiện người thực hiện hành vi phạm tội đồng ý lựa chọn áp dụng thủ tục thủ tục rút gọn. Lập luận cho ý kiến này là thủ tục rút gọn với việc rút ngắn thời gian và rút gọn một số thủ tục tố tụng nên phần nào ảnh hưởng đến quyền của bị can, bị cáo, đặc biệt là quyền bào chữa. Mặt khác, sẽ là không công bằng nếu một người thực hiện hành vi phạm tội ít nghiêm trọng, tính chất đơn giản, rõ ràng lại bị xử lý theo một thủ tục ít nhiều mang tính hạn chế hơn so với những trường hợp phạm tội nghiêm trọng, phức tạp. Từ đó, có thể nói rằng việc quy định bị can có quyền lựa chọn hình thức thông thường hay rút gọn đối với vụ án của mình là hoàn toàn cần thiết, bởi quyền được xét xử với một thủ tục đầy đủ theo luật tố tụng hình sự là quyền cơ bản của công dân. Đây là yêu cầu cần thiết để đảm bảo quyền con người trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay.([3]) Chúng tôi đồng ý với quan điểm và những lập luận này và bổ sung thêm một số ý kiến để làm rõ sự cần thiết phải quy định thêm điều kiện này.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 320 BLTTHS, bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, thời hiệu khiếu nại là ba ngày, kể từ ngày nhận được quyết định. Khiếu nại được gửi đến Viện kiểm sát đã ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và phải được giải quyết trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quy định này đã phần nào đảm bảo quyền của bị can và đại diện hợp pháp của họ có quyền của mình đối với việc áp dụng thủ tục rút gọn, tuy nhiên đó là quyền có tính chất thụ động trước quyết đinh của cơ quan tiến hành tố tụng mà không phải quyền lựa chọn một cách chủ động. Vì vậy quy định này dẫn đến hậu quả pháp lý khó giải quyết thoả đáng khi có khiếu nại của bị can và đại diện hợp pháp của họ. Điều luật không quy định rõ là Viện kiểm sát phải giải quyết như thế nào nên có thể hiểu là nội dung khiếu nại của bị can hoặc đại diện hợp pháp của họ có thể được chấp nhận hoặc không chấp nhận. Trong trường hợp chấp nhận khiếu nại, Viện kiểm sát huỷ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và vụ án được chuyển sang giải quyết theo thủ tục chung. Trong trường hợp không chấp nhận khiếu nại, vụ án vẫn được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì khả năng bị can hoặc đại diện hợp pháp của họ kháng cáo bản án sơ thẩm là rất cao. Khi bị can và đại diện hợp pháp của họ đã không chấp nhận thủ tục rút gọn thì thông thường họ cũng sẽ không tin tưởng vào kết quả của việc xét xử nên họ sẽ tận dụng quyền kháng cáo của mình để phản đối kết quả xét xử nói riêng cũng như kết quả của quá trình tố tụng theo thủ tục rút gọn nói chung. Hậu quả pháp lý của việc kháng cáo dẫn đến việc phải xét xử phúc thẩm vụ án theo thủ tục chung, nếu Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm để điều tra xét xử lại thì việc điều tra xét xử lại cũng được tiến hành theo thủ tục chung. Như vậy, trong cả hai trường hợp chấp nhận hoặc không chấp nhận khiếu nại về quyết định áp dụng thủ tục rút gọn cũng đều có thể dẫn đến hậu quả vụ án phải chuyển sang giải quyết theo thủ tục chung, làm cho thủ tục giải quyết vụ án trở nên phức tạp và kéo dài hơn nếu chỉ áp dụng thủ tục chung. Sẽ là hợp lý hơn nếu như thay vì quy định cho bị can và đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại quyết định áp dụng thủ tục rút gọn bằng quy định chỉ áp dụng thủ tục rút gọn khi bị can và đại diện hợp pháp của họ đồng ý lựa chọn giải quyết vụ án bằng thủ tục rút gọn. Trước khi quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, cơ quan điều tra thông báo cho bị can và đại diện hợp pháp của họ việc vụ án thuộc trường hợp có thể áp dụng thủ tục rút gọn, giải thích rõ cho họ về thủ tục này và quyền của họ trong việc lựa chọn việc áp dụng thủ tục chung hay thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án mà trong đó mình là bị can.

Luật tố tụng hình sự của nhiều nước có áp dụng những thủ tục có tính chất rút gọn thủ tục và rút ngắn thời gian (với những tên gọi khác nhau và những quy định cụ thể cũng khác nhau) cũng coi việc bị can, bị cáo đồng ý lựa chọn thủ tục đặc biệt đó là một điều kiện không thể thiếu để áp dụng. Ví dụ, Điều 462 BLTTHS Nhật Bản quy định yêu cầu của công tố viên yêu cầu toà giản lược ra lệnh xử phạt theo thủ tục giản lược phải kèm theo văn bản đồng ý của người bị tình nghi;([4]) Điều 314 BLTTHS Liên bang Nga quy định bị can có quyền tuyên bố đồng ý với nội dung buộc tội họ và yêu cầu ra bản án mà không cần tiến hành xét xử và việc đưa ra yêu cầu là tự nguyện;([5]) thủ tục mặc cả thú tội ở Mỹ và một số nước (thực chất cũng là thủ tục đặc biệt có tính chất rút gọn theo trình tự tố tụng không đầy đủ) đòi hỏi phải có sự dàn xếp giữa bị cáo, người bào chữa với cơ quan tiến hành tố tụng; theo BLTTHS Đức quy định về quyết định xử phạt (không qua phiên toà xét xử), công tố viên có thể xoá bỏ tố tụng nếu như bị cáo đồng ý trả một khoản tiền cho một tổ chức từ thiện hay nhà nước; theo luật TTHS Italia, bị cáo có thể yêu cầu xét xử rút gọn (còn gọi là biện pháp thay thế xét xử), thẩm phán phải quyết định có xét xử theo thủ tục này hay không; theo luật tố tụng hình sự Tây Ban Nha, chỉ áp dụng thủ tục rút gọn nếu cả bị cáo và công tố viên đồng ý với thủ tục này([6])…

Từ những phân tích trên, chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 319 BLTTHS như sau:

“Điều 319. Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn:

Thủ tục rút gọn chỉ được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau:

1.     1.    Bị can bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang;

4. Bị can có căn cước, lai lịch rõ ràng, có thể xác định nhanh chóng, dễ dàng.

1.     5.    Bị can và đại diện hợp pháp của bị can đồng ý lựa chọn áp dụng thủ tục rút gọn.

2. Cần bổ sung quy định về việc cơ quan tiến hành tố tụng phải yêu cầu Đoàn luật sư cử người bào chữa cho bị can, bị cáo trong vụ án áp dụng thủ tục rút gọn nếu họ và gia đình họ không mời người bào chữa.

Khi áp dụng thủ tục rút gọn, một trong những vấn đề cần đặc biệt quan tâm, đó là việc đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo. Khi thời hạn điều tra, truy tố, xét xử rút ngắn như vậy, việc bị can, bị cáo chuẩn bị cho việc tự bào chữa hay liên hệ và mời người bào chữa cho mình là rất khó khăn và khó có thể cẩn thận, kỹ lưỡng. Quyền bào chữa của bị can, bị cáo không được đảm bảo sẽ có ảnh hưởng đến việc giải quyết đúng đắn vụ án, đồng thời làm cho bị can, bị cáo không yên tâm, không thoả mãn với kết quả giải quyết của Toà án, dễ dẫn đến việc kháng cáo phúc thẩm. Vì vậy, việc đảm bảo quyền bào chữa trong thủ tục rút gọn cần phải được quy định hợp lý. Chúng tôi đồng ý với quan điểm cho rằng, “cần coi đây (trường hợp bị can, bị cáo bị áp dụng thủ tục rút gọn) là trường hợp bắt buộc có người bào chữa tham gia vụ án”.([7]) Đây có thể coi là một trong những trường hợp mà bị can, bị cáo không có đầy đủ điều kiện để có thể thực hiện đầy đủ quyền bào chữa của mình, nếu như bị can, bị cáo chưa thành niên hoặc có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần không đầy đủ điều kiện về mặt chủ quan để thực hiện quyền bào chữa thì bị can, bị cáo bị áp dụng thủ tục rút gọn không đầy đủ diều kiện khách quan để thực hiện quyền này. Vì vậy, theo chúng tôi, cần bổ sung quy định về việc cơ quan tiến hành tố tụng phải yêu cầu Đoàn luật sư cử người bào chữa cho bị can, bị cáo trong vụ án áp dụng thủ tục rút gọn nếu họ và gia đình họ không mời người bào chữa. Về kỹ thuật lập pháp, cần bổ sung một điều riêng trong Chương XXXIV

“Điều 320b. Bào chữa

Người bào chữa do bị can, bị cáo lựa chọn. Trong trường hợp bị can, bị cáo không lựa chọn được người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình”.

Đồng thời quy định bổ sung thêm trường hợp này thành điểm c khoản 2 Điều 57 BLTTHS:

Điều 57. Lựa chọn và thay đổi người bào chữa

1. …

2. …

c. Bị can, bị cáo trong các giai đoạn tố tụng có áp dụng thủ tục rút gọn.

3. Cần nâng cao tính chuyên môn trong hoạt động xét xử, quy định chỉ cần một thẩm phán xét xử sơ thẩm, không có sự tham gia của Hội thẩm.

Theo luật tố tụng hình sự một số nước thì việc xét xử theo thủ tục rút ngắn thường do một thẩm phán tiến hành và việc xét xử rất đơn giản và nhanh chóng. Có ý kiến cho rằng phương án này là lý tưởng và rất tốt nhưng chưa thể áp dụng trong điều kiện của chúng ta hiện nay vì vi phạm nguyên tắc xét xử tập thể và điều kiện còn nhiều hạn chế, tiêu cực trong xét xử còn nhiều.([8]) Có ý kiến lại cho rằng nên quy định việc xét xử phúc thẩm chỉ do một thẩm phán xét xử với lập luận để giản lược bớt thủ tục và cho rằng quy định này cũng không vi phạm nguyên tắc xét xử có hội thẩm tham gia vì nguyên tắc này vẫn có những ngoại lệ, không quy định bắt buộc phải có Hội thẩm trong Hội đồng xét xử phúc thẩm, khi việc xét xử đòi hỏi chất lượng cao. Tuy nhiên cũng cần có những điều chỉnh hợp lý nguyên tắc này và nguyên tắc xét xử tập thể.([9]) Chúng tôi cũng đồng ý với quan điểm này và đồng thời xem xét vấn đề ở khía cạnh khác, đó là việc không có Hội thẩm tham gia xét xử theo thủ tục rút gọn sẽ nâng cao chất lượng xét xử và hạn chế bản án bị kháng cáo, kháng nghị dẫn đến việc phải chuyển sang thủ tục chung để giải quyết. Mục đích của việc quy định và áp dụng thủ tục rút gọn là nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng nhưng vẫn phải đảm bảo việc xử lý đúng đắn vụ án. Nếu không đảm bảo chất lượng, hiệu quả công tác xét xử thì việc bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm hoặc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là điều khó tránh khỏi. Để đảm bảo việc xét xử đúng, một trong những điều kiện cơ bản là những người tiến hành xét xử phải hiểu rõ pháp luật và tinh thông những kỹ năng xét xử – điều này không thể đòi hỏi ở Hội thẩm. Nếu Hội đồng xét xử sơ thẩm vẫn gồm một thẩm phán, hai Hội thẩm như thủ tục chung và biểu quyết theo đa số thì ý kiến của những người không có chuyên môn và nghiệp vụ xét xử lại chiếm đa số, khó đảm bảo chất lượng xét xử. Vì vậy, theo chúng tôI, việc quy định việc xét xử theo thủ tục rút gọn không có Hội thẩm tham gia là hợp lý, không chỉ đảm bảo xét xử nhanh chóng mà còn đảm bảo chất lượng của hoạt động xét xử.

([1]). Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trung tâm nghiên cứu quyền con người, Các văn kiện quốc tế về quyền con người, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 23 và tr. 114.

([2]). Nguyễn Văn Hiền, Thủ tục rút gọn trong pháp luật tố tụng hình sự Việ Nam, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2004, tr.45.

([3]). Chương trình KHXH cấp nhà nước, đề tài Cải cách các cơ quan tư pháp, hoàn thiện hệ thống các thủ tục tư pháp, nâng cao hiệu quả và hiệu lực xét xử của Toà án trong nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân, Hà Nội, 2006, tr.304.

([4]). Bộ luật tố tụng hình sự Nhật Bản, bản dịch tiếng Việt của VKSNDTC, Hà Nội, 1993, tr. 75.

([5]). Bộ luật tố tụng hình sự Liên bang Nga năm 2002, bản dịch tiếng Việt của VKSNDTC, Hà Nội, 2002, tr. 131.

([6]). Truyền thống luật dân sự Châu Âu, Mỹ La tinh và Châu Á, dịch từ nguyên bản tiếng Anh “the civil law tradition: europe, latin america and east asia”, bản dịch của Viện khoa học kiểm sát VKSNDTC. Hà Nội 1998, tr. 26;29;58,62.

([7]). Viện khoa học kiểm sát, VKSNDTC, Những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách của tố tụng hình sự Việt Nam, (Nguyễn Văn Hoàn, Mấy ý kiến về thủ tục rút ngắn), Hà Nội, 1995, tr. 55.

([8]). Sđd, tr. 53.

([9]). VKSNDTC, chuyên đề hội thảo luật tố tụng hình sự , Nguyễn Đức Mai, Thủ tục rút ngắn trong tố tụng hình sự, Hà Nội, 1997; Chương trình KHXH cấp nhà nước, đề tài Cải cách các cơ quan tư pháp, hoàn thiện hệ thống các thủ tục tư pháp, nâng cao hiệu quả và hiệu lực xét xử của Toà án trong nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân, Hà Nội, 2006, tr.305.

Biện pháp ngăn chặn tạm giữ trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam

1. Khái niệm chung

Xuất phát từ đặc trưng của quan hệ xã hội là đối tượng điều chỉnh của luật TTHS. Đó là những quan hệ luôn có 1 bên là quyền lực cơ quan Nhà nước có trách nhiệm và quyền hạn giải quyết các vụ án hình sự, mặt khác tội phạm là hành vi nguy hiểm không chỉ cho riêng một cá nhân nào mà hành vi nguy hiểm cho xã hội, nguy hiểm cho lợi ích chung của cộng đồng, do vậy trong tố tụng hình sự các cơ quan có thẩm quyền có quyền áp dụng các biện pháp cưởng chế để tác động tới đối tựợng. Đặc điểm chung của các biện pháp cưởng chế là sự tác động một chiều không phụ thuộc vào ý trí của bên bị tác động xuất phát từ những căn cứ điều kiện do pháp luật quy định.

Tùy thuộc vào mục đích áp dụng, đối tượng áp dụng hoặc những tiêu chuẩn khác mà các nhà làm luật phân chia các biện pháp cưỡng chế thành những nhóm khác nhau và trong mỗi nhóm lại có những biệm pháp khác nhau, vói những trình tự thủ tục khác nhau : bao gồm 2 nhóm chính. Nhóm các biện pháp ngăn chặn và nhóm các biện pháp điều tra.

Những biện pháp cưỡng chế điều tra có mục đích nhằm thu thập chứng cứ của vụ án làm căn cứ xem xét việc truy cứu THHS đối với người phạm tội, ví dụ như biện pháp khám xét có thể áp dụng đối với khám người, khám đồ vật, thư tín, khám chổ ở, địa điểm hoặc như biện pháp kê biên tài sản, tạm giữ đồ vật, tài liệu… theo Điều 79 BLTTHS 2003 bao gồm các biện pháp sau: Bắt ( bao gồ bắt người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang, bắt người bị truy nã và bắt bị can bị cáo để tạm giữ, tạm giam cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh đặt tiền hoặc tài sản để bảo đảm, như vậy tạm giữ là một trong những biện pháp ngăn chặn được quy định trong BLTTHS hiện hành. Vấn đề đặt ra là biện pháp tạm giữ được áp dụng với những trường hợp nào.

a. Đối tượng tạm giữ

Điều 86 BLTTHS 2000 quy định về đối tượng, căn cứ và thẩm quyền áp dụng Biện pháp ngặn chặn tạm giữ. Theo quy định của điều luật này thì tạm giữ là việc cơ quan và người có thẩm quyền ra quyết định tạm thời hạn chế tự do trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc trường hợp khẩn cấp.

Mục đích của BPNC tạm giữ là nhằm ngăn chặn hành vi phạm tội hoặc hành vi cản trở việc điều tra khám phá tội phạm của người bi nghi là thực hiện hành vi phạm tội, tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền đủ thời gian để xác định tính chất, mức độ của hành vi, nhân thân của người thực hiện hảnh vi nguy hiểm cho xã hội để từ đó có thể quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can hoặc không khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can hoặc các quyết định quản lý cần thiết khác như, tạm giữ áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác hay trả tự do cho người bị bắt.

Nhìn chung đối tượng bị tạm giữ là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang, tuy nhiên điều luật cũng không quy định bắt buộc trong tất cả mọi trường hợp bắt đó đều phải tạm giữ, mà trong một số trường hợp bắt người phạm tội quả tạng, nếy xét thấy hành vi phạm tội nhỏ, tính chất ít nghiêm trọng lại có nơi cư trú rõ ràng không có cơ sở để ch từng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra trong các trường hợp đó không cần thiết phải tạm giữ họ. Điều 86 BLTTHS 2003 cũng không quy định cụ thể các căn cứ áp dụng BPNC tạm giữ, mà căn cứ để tạm giữ được hiểu là nếu việc bắt khẩn cấp hoặc bắt quả tang khi có đủ căn cứ quy định tại Điều 81 và 82 BLTTHS năm 2003 thì đó cũng chính là căn cứ để áp dụng biện pháp tạm giữ. Điều luật cũng quy định những người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ là những người có quyền ra lệnh bắt khẩn cấp theo quy định tại Điều 81 BLTTHS 2003.

Khoản 1 Điều 86 BLTTHS 2003 quy định “ tạm giữ có thể áp dụng đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu tú hoắc đối với người bị bắt theo quyết đinh truy nã”. Như vậy, việc tạm giữ có thể áp dụng với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang quy định  tại các Điều 81 và 82 của BLTTHS, tức là các điều luật quy định về bắt người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang và bắt người đang bị truy nã cũng như đối với phạm tội tự thú hoặc đầu thú. Nhận thức về quy định này cho thấy biện pháp tạm giữ có thể được áp dụng với các đối tượng bị bắt khẩn cấp, bắt quả tang, bắt truy nã, người đầu thú, tự thú chứ không bắt buộc, nói cách khác, sau khi bị bắt trong các trường hợp nêu trên, người bị bắt có thể bị tạm giữ hoặc không bị tạm giữ. Tinh thần này đã được quy định tại Điều 83 của BLTTHS. Khoản 1 Điều 83 quy định “ Sau khi bắt hoặc nhận người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, hoặc phạm tội quả tang, cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay trong thời hạn 24 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt”. Như vậy, biện pháp tạm giữ là một BPNC độc lập, việc quy áp dụng biện pháp này phải có những căn cứ  nhất định chứ không phụ thuộc vào biện pháp bắt, nói cách khác, biện pháp tạm giữ không phải là biện pháp ngăn chặn bắt buộc phải áp dụng sau khi bắt người. Vấn đề đặt ra là khi nào cơ quan có thẩm quyền có thể ra quyết định tạm giữ? Còn khi nào không cần thiết tạm giữ? Do vậy nên chăng cần quán triêt mục đích của tạm giữ trong TTHS. Mặc dù trong BLTTHS không quy định rõ mục đích của việc tạm giữ nhưng qua các điều luật về tạm giữ cho thấy việc tạm giữ người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang, người tự thú, đầu thú là nhằm có điều kiện để tiếp tục xác minh thêm về hành vi phạm tội của người bị bắt, người ra tự thú, đầu thú để làm rõ thêm căn cứ của việc khởi tố vụ án cũng như khởi tố bị can đối với người họ. Tinh thần này cũng đã được thể hiện qua các quy phạm tại các Điều như Điều 83 Điều 87 của BLTTHS. Khoản 3 Điều 87 quy định: “ Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do cho người bị tạm giữ”. Như vậy sau khi bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quà tang , hoặc khi người phạm tội ra đầu thú, tự thú thì họ không thể không bị tạm giữ trong các trường hợp sau đây:

- Các cơ quan có thẩm quyền xác đinh được ngay việc bắt khẩn cấp hoặc bắt quả tang đối với họ là không có căn cứ.

- Ngay sau khi bắt người khẩn cấp hoặc bắt người phạm tội quả tang, ngay sau khi có người ra tự thú, đầu thú các cơ quan có thẩm quyền đã xác định được đầy đủ căn cứ để có thể khởi tố đối với người bị bắt, người tự thú, đầu thú nên đã ra các quyết định khởi tố cần thiết và cũng đã xác định được ngay căn cứ để có thể tạm giam đối với họ nên đã gia lện tạm giam với bị can mà không cần tạm giữ. Hoặc ngay sau khi bắt khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang, ngay sau khi có người ra tự thú, đầu thú đã xác định đầy đủ căn cứ để khởi tố vụ án và khởi tố bị can nên cơ quan có thẩm quyền không ra quyết định tạm giữ, rồi sau khi đã ra quyết định khởi tố cần thiết nhưng xét thấy không cần thiết phải tạm giam bị can nên cơ quan điều có thẩm quyền để cho bị được tại ngoại mà không cần thiết phải tạm giam bị can.

Ngoài các trường hợp nêu trên, nếu sau khi bắt khẩn cấp hoặc bắt quả tang, cơ quan có thẩm quyền đã gửi lệnh bắt cho Viện kiểm sát để Viện kiểm sát kiểm sát việc bắt và Viện kiểm sát đã không phê chuẩn việc đó thì cũng không được đưa ra quyết định tạm giữ đối với người bị bắt. Một vấn đề đặt ra về đối tượng có thể bị áp dụng biện pháp tạm giữ, đó là những trường hợp một người đang bị truy nã, bị bắt lại nhưng địa điểm bắt ở xa nơi cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền giải quyết vụ này. Trong thời gian thông báo cho cơ quan có thẩm quyền đến để nhận lại bi can, bị cáo mà họ truy nã thì cơ quan đã bắt được bị can, bị cáo có quyền ra quyết định tạm giữ hay tạm giam hay không? Về nguyên tắc thì không một ai có thể bị bắt, giữ mà không có quyết định các cơ quan có thẩm quyền. Theo hướng dẫn của Thông tư số 03 ngày 7/1/1995  giữa Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ nội vụ (nay là Bộ công an ) có những hướng dẫn điều chỉnh như sau:

Theo quyết định tại điều 64, 65 BLTTHS năm 1988 thì cơ quan công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân bắt được hoặc nhận được người bị truy nã thì phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt tới cơ quan điều tra có thẩm quyền ở địa bàn đó. Sau khi lấy lời khai, cơ quan điều tra phải thông báo ngay cho cơ quan đã ra quyết định truy nã biết và giải ngay người đó đến trại tạm giam nơi gần nhất. Ngay sau khi nhận được thông báo về việc đã bắt được người bị truy nã, cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã phải báo cho Viện kiểm sát hoặc Tòa án đã có yêu cầu truy nã biết. Viện kiểm sát hoặc Tòa án đã có trách nhiệm thực hiện theo đúng hướng dẫn tại điểm 1 hoặc điểm 2 của Thông tư này. ( Điểm 1 và Điểm 2 của Thông tư số 03 có tinh thần chung là quy định Cơ quan điều tra nơi bắt người bị truy nã phải tiến hành lấy lời khai của người bị bắt và sau đó ra lệnh tạm giữ đối với bj can và giải ngay người đó đến trại giam nơi gần nhất. Trại giam có trách nhiệm  tiếp  nhận và tạm giữ bị can. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được thông báo của cơ quan điều tra về kết quả truy nã là đã bắt được bị can thì viện kiểm sát hoặc Tòa án đã yêu cầu truy nã phải ra quyết định tạm giam đối với bị can và tiếp tục tiến hành những công việc theo thủ tục chung nhằm bảo đảm việc quy định của pháp luật ). Trong trường hợp trước ngày hết thời hạn tạm giữ ( tối đa là 9 ngày ) mà trại tạm giam vẫn không nhận được quyết định tam giam của Viện kiểm sát hoặc của Tòa án đã có yêu cầu truy nã đối với người bị bắt thì trại tạm giam cần báo ngay cho cơ quan điều tra nơi đã bắt được người bị truy nã. Ngay sau khi nhận được thông báo của trại tạm giam, cơ quan điều tra nơi đã bắt được người bị truy nã có trách nhiệm yêu cầu cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã đến nhận ngay người bị bắt hoặc tự mình áp giải người bị bắt đến cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã.

Theo tinh thần của Thông tư số 03 nói trên thị việc tạm giữ có thể áp dụng đối người bị bắt truy nã, tức là người có áp dụng đối với bị can, bị cáo, người bị thi hành án mà trốn tránh, nói cách khác, đối tượng có thể áp dụng biện pháp tạm giữ không chi là những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang mà có thể áp dụng cả đối với người bị bắt theo lệnh truy nã. Tất nhiên trong trường hợp này thì mục đích của biện pháp tạm giữ là nhằm tạo điều kiện về thời gian để cơ quan nơi đã ra lệnh truy nã đến nhận lại người bị bắt theo lệnh hoặc theo yêu cầu truy nã của họ. Rõ ràng việc tạm giữ người trong trường hợp này là cần thiết và vấn đề này đã được bổ sung vào trong quy định của BLTTHS 2003.

b. Về thẩm quyền ra quyết định tạm giữ.

Khoản 2 Điều 86 BLTTHS quy định “ Những người có quyền ra lệnh bắt khẩn cấp quy định tại khoản 2 Điều 81 của Bộ luật này, Chỉ huy trưởng vùng cảnh sát biển có quyền ra quyết định tạm giữ”. Theo khoản 2 Điều 86 quy định về thẩm quyền ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp thì có bốn nhóm người có quyền ra lệnh bắt khẩn cấp, gồm nhóm người sau đây:

- Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp ( cơ quan điều tra trong công an nhân dân, cơ quan điều tra trong quân đội nhân dân, cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao… )

- Người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương ; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới.

- Người chỉ huy tàu bay, sân bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời sân bay, bến cảng.

- Chỉ huy trưởng vùng cảnh sát biển.

Như vậy theo quy định BLTTHS 2003 thì cơ quan điều tra cấp huyện trở lên có quyền ra quyết định tạm giữ. Thực hiện quyết định này, khi nhận người bị bắt trong từng trường hợp phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã thì UBND phường, xã, thị trấn phải tiến hành lập biên bản phạm tội quả tang, biên bản bắt người đang bị truy nã và giải quyết ngay tới cơ quan thẩm quyền.

Như vậy, những người có quyền ra quyết định tạm giữ không hoàn toàn là những người đại diện của các cơ quan tiến hành tố tụng mà bao gồm cả những người của các cơ quan Nhà nước khác hoặc trong lực lượng vũ trang.

c. Về thời hạn tạm giữ

Theo Điều 87 BLTTHS, thời hạn tạm giữ không được qúa ba ngày, kể từ khi cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể ra hạn tạm giữ nhưng không được quá ba ngày. Trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng cũng không được quá ba ngày. Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do ngay cho người đã bị tạm giữ. Thời hạn tạm giữ được tính vào thời hạn tạm giam. Việc tạm giữ đối với người chưa thành niên phạm tội không có quy định khác về thời hạn tạm giữ.

Theo các quy định nêu trên, cách tính thời hạn trong TTHS đã quy định khi tính thời hạn theo ngày tháng thì thời hạn sẽ hết vào lúc 24 giờ, do vậy trong cách tính thời han tạm giữ, thời điểm ra lệnh tạm giữ chỉ có ý nghĩa để tính ngày bị tạm giữ chứ không có ý nghĩa tính giờ bị tạm giữ, nói cách khác mặc dù các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ vào lúc mấy giờ nhưng thời hạn tạm giữ chỉ hết vào lúc 24 giờ của ngày hết hạn. Việc BLTTHS quy định hai lần có thể gia hạn tạm giữ nhằm bảo đảm tính có căn cứ và cần thiết của việc tạm giữ, hạn chế hiện tượng tạm giữ tràn làn, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, do vậy đòi hỏi người áp dụng pháp luật phải nhận thức rõ vấn đề này để bảo đảm áp dụng pháp luật được tốt.

Trong quy định cũng như nhận thức về thời hạn tạm giữ cũng phát sinh một số vấn đề đòi hỏi cần có nhận thức thống nhất. Một số vấn đề cần giải thích kịp thời.

Thứ nhất: Theo quy định của Điều 87, thời hạn tạm giữ được tính từ thời điểm cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Về khái niệm chúng ta thấy rằng, trong BLTTHS chỉ dung khái niệm Cơ quan điều tra để chỉ các cơ quan điều tra sau: Cơ quan điều tra của lực lượng cảnh sát, Cơ quan điều tra của lực lượng công an nhân dân, Cơ quan điều tra trong Quân đội và Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát. Nếu thời hạn tạm giữ chỉ được tính từ khi “cơ quan điều tra” nhận người bị bắt thì sẽ phát sinh hiện tượng có những cơ quan và người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ  ( như chỉ huy đơn vi quân đội độc lập cấp trung đoàn, người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giói, người chỉ huy máy bay, tàu bay trên biển khi máy bay tàu biển đã rời khỏi sân bay bến cảng ) nhưng quyết định tạm giữ của những cơ quan và những người đó lại không được tính thời hạn, quyết định tạm giữ của họ chỉ bắt đầu khi họ được giao người bị bắt và và bị tạm giữ đó cho “Cơ quan điều tra” có thẩm quyền. Như vậy ở đây phát sinh hiện tượng có cơ quan ra quyết định tạm giữ, có người bị tạm giữ nhưng quyết định tạm giữ của họ không được pháp luật điều chỉnh về mặt thời hạn. Quy định như Điều 87 BLTTHS 1988 rõ ràng mới chỉ điều chỉnh thời hạn tạm giữ của một trong bốn nhóm người có thẩm quyền ra quyểt định tạm giữ chứ chưa bao quát hết cả bốn nhóm người ra quyết định tạm giữ.

Thứ hai: Khoản 4 Điều 87 quy định thời hạn tạm giữ được tính vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam. Quy định này có mục đích nhân đạo, do vậy cho phép nếu sau đó người bị tạm giữ bị khởi tố bị can và họ tạm giam thì được trừ đi thời hạn họ đã bị tạm giữ vào thời hạn tam giam. Tuy nhiên sau này, nếu như người phạm tội bị Tòa án kết án tù có thời hạn thì pháp luật Việt Nam vẫn cho phép trừ thời hạn tạm giữ, tạm giam vào thời hạn họ phải chấp hành hình phạt tù. Điều 33 BLHS 1999 quy định “Thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ một ngày tạm giữ, tạm giam bằng một ngày tù”. Đây là quy định mới rõ ràng hơn của so với BLHS năm 1985. Do vậy việc áp dụng luật cần được quán triệt để áp dụng đúng luật.

d. Về thủ tục tạm giữ

BLTTHS quy định muốn tạm giữ người phải có quyết định của người có thẩm quyền. Quyết định này không đòi hỏi phải có sự phê chuẩn của VKS trước khi thi hành. Trong thời hạn 12 giờ, quyết định này phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. Quyết định tạm giữ phải ghi rõ lý do tạm giữ, ngày hết hạn tạm giữ và phải giao cho người bị tạm giữ một bản.

Căn cứ những quy định tại Điều 86 BLTTHS và xuất phát từ thực tiễn áp dụng BPNC tạm giữ, đó là trên thực tế đã phát sinh thêm một số đối tượng như: những người đang bị truy nã khi bị bắt, người phạm tội ttự thú, đầu thú cũng cần phải tạm giữ để chờ xử lý, và cũng phát sinh thêm một loại chủ thể cần có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ, đó là chỉ huy trưởng vùng cảnh sát biển, cũng như nghiên cứu về thẩm quyền, thủ tục, mục đích tạm giữ thì có thể đưa ra khái niệm về BPNC này như sau: “Tạm giữ là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự, do cơ quan và người có thẩm quyền theo pháp luật áp dụng đối với những người bị bắt  trong trường hợp khẩn cấp, trường hợp phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã, người phạm tội tự thú, đầu thú nhằm ngăn chặn tội phạm, tạo điều kiện cho việc xử lý tội phạm được chính xác cao kịp thời”

Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ lệnh tạm giữ trong những trường hợp sau đây:

- Người bị tạm giữ không phải là người bị bắt quả tang trong trường hợp khẩn cấp, trường hợp phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã và không phải là người phạm tội tự thú, đầu thú.

- Người bị tạm giữ chỉ có những vi phạm nhỏ, tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, chưa đến mức phải truy cứu trách nhỉệm hình sự:

- Người bị tạm giữ trong trường hợp phạm tội quả tang nhưng sự việc phạm tội nhỏ, tính chất ít nghiêm trọng, người bị tạm giữ có nơi cư trú rõ ràng và không có biểu hiện sẽ trốn hoặc cản trở công việc điều tra.

Vậy khoản 2 Điều 86 BLTTHS 2003 đã bổ sung quy định chỉ huy trưởng vùng cảnh sát biển có quyền ra quyết định tạm giữ.

2. Những bất cập còn tồn tại trong việc quy định về biện pháp tạm giữ trong BLTTHS 2003

Tuy BLTTHS 2003 đã có sửa đổi bổ sung rất nhiều so với BLTTHS 1988, và đã có sự chặt chẽ hơn. Tuy nhiên thực tiễn áp dụng các quy định về biện pháp tạm giữ vẫn còn nhỉều bất cập, đã gây không ít khó khăn cho những hoạt động áp dụng các quy định trên.

a. Về đối tượng bị áp dụng đối với biện pháp tạm giữ.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 86 BLTTHS 2003 thì tạm giữ có thể áp dụng đối với người phạm tội tự thú, đầu thú. Mà như chúng ta đã biết, người phạm tội tự thú, đầu thú không phải là người phạm tội vì bị bắt mà họ tự nguyện trình diện khai báo hành vi phạm tội. Họ không phải là người bị bắt. Chính vì vậy, việc khoản 1 Điều 86 quy định “Tạm giữ có thể áp dụng đối với người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc người bị bắt theo quyết định truy nã”. Vô hình chung đã coi người phạm tội tự thú, đầu thú là người bị bắt, điều này là không hợp lý.

b. Về thẩm quyền ra lệnh tạm giữ:

Theo khoản 2, Điều 86 BLTTHS 2003 quy định “những người có quyền ra lệnh bắt khẩn cấp quy định tại khoản 2, Điều 81 của bộ luật này. Chỉ huy trưởng vùng cảnh sát biển có quyền ra lệnh tạm giữ”

Việc điều luật quy đinh bổ sung thêm thẩm quyền ra lệnh tạm giữ cho Chỉ huy trưởng vùng cảnh sát biển . Điều này là hoàn toàn hợp lý. Xuất phát từ đặc thù công việc và địa bàn hoạt động vì thế lực lượng cảnh sát biển trong một số trường hợp được giao thẩm quyền điều tra thì Thủ trưởng vùng cảnh sát biển có quyền ra lệnh tạm giữ. Tuy nhiên, hiện tại pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc Chỉ huy trưởng vùng cảnh sát biển có thẩm quyền quyết định tạm giữ trong những trường hợp nào? Với những đối tượng nào? Chính vì vậy, về lý luận cũng như trong thực tế áp dụng còn vướng mắc, cần sự quy định rõ ràng.

c. Về thời hạn tạm giữ

Theo khoản 1 Điều 87 BLTTHS 2003 quy định “ thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày, kể từ khi cơ quan điều tra nhận người bị bắt”

Để đạt được mục tiêu của tạm giữ, thời điểm tính thời hạn tạm giữ không phải là thời điểm bắt người. Mặt khác, để hạn chế việc giữ người trái pháp luật thì thời điểm tính thời hạn tạm giữ cũng không được tính từ khi ra lệnh tạm giữ mà được tính từ khi cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Tuy nhiên, trong thực tế áp dụng thì việc quy định như trên vẫn còn nhiều vướng mắc

Thứ nhất: Theo quy định tại khoản 1 Điều 87 BLTTHS thì thời hạn tạm giữ được tính từ khi cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Mà theo quy định tại khoản 1 Điều 86 BLTTHS thì tạm giữ có thể áp dụng đối với người phạm tội tự thú, đầu thú. Và như chúng ta đã biết người phạm tội tự thú đầu thú không phải là người bị bắt mà họ tự nguyện trình diện, khai báo hành vi phạm tội. Họ không phải là người bị bắt. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là : thời hạn tạm giữ đối với họ được tính từ thời điểm nào? Điều này chưa được pháp luật quy định.

Thứ hai: Theo quy định tại khoản 1 Điều 87 BLTTHS thì thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày. Vậy câu hỏi đặt ra là từ “ngày” trong cụm từ “ba ngày” được hiểu như thế nào? Có bao gồm cả ngày và đêm là 24 giờ hay chỉ là 12 giờ? Điều luật này chưa có quy định rõ , cần có sự quy định rõ ràng hơn.

Thứ ba: Theo quy định tại khoản 1 Điều 87 BLTTHS thì thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày kể từ ngày cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Điều này có nghĩa là thời điểm tạm giữ được tính từ ngày cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Mà theo quy định tại điểm C, Điều 81 BLTTHS thì; Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời sân bay, bến cảng mới có quyền ra lệnh bắt trong trường hợp khần cấp, và có quyền ra quyết định tạm giữ theo khoản 2 Điều 86 BLTTHS. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là : Trong trường hợp tàu bay thì có thể kịp thời hạn để giao hạn để giao người bị tạm giữ cho cơ quan điều tra, nhưng trong một số trường hợp tàu biển thì khó có thể về kịp thời hạn để giao người bị tạm giữ cho cơ quan điều tra. Vậy trong trường hợp này thời hạn tạm giữ sẽ được tính như thế nào? Điều này chưa được luật quy định.

d. Về gia hạn tạm giữ

Theo khoản 2 Điều 87 BLTTHS quy định: “ trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không được quá 3 ngày; trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ hai lấn nhưn không được quá 3 ngày…”

Quy định này sẽ giúp cho người hoạt động điều tra có hiệu quả hơn. Tuy nhiên luật cần nêu rõ: Trong trường hợp cần thiết đề ra quyết định tạm giữ là những trường hợp nào? Mức độ cụ thể ra sao? Do luật chưa có quy định rõ điều này nên trong thực tiễn áp dụng có thể dẫn tới sự áp dụng không thống nhất quy đinh nảy trong việc gia hạn tạm giữ.

Mặt khác cần quy định rõ hơn “ trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ hai lần nhưng không được quá ba ngày” . Nếu quy định như trên thì nên hiểu “ hai lần” mỗi lần không được quá ba ngày hay nên hiều “ hai lần” nhưng tổng thời gian hai lần đó là không quá ba ngày? Trong thực tế sẽ có nhỉều người hiểu sai lệch quy định của luật. Do vậy chúng ta cần có quy định rõ hơn.

e. Việc trả tự do cho người bị tạm giữ

Theo khoản 3 Điều 87 BLTTHS 2003 quy định: “ trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do cho người bị tạm giữ.”

Việc luật quy định trả tự do ngay cho người bị tạm giữ nếu không có đủ căn cứ khởi tố bị can là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên luật lại không quy định về thẩm quyền trả tự do và thủ tục trả tự do cho người bị tạm giữ. Do đó đặt ra câu hỏi là: trong trường hợp người phải trả tự do cho người bị tạm giam thì ai có thẩm quyền trả tự do cho họ?  Phải chăng là những người có thẩm quyền ra lệnh bắt tạm giữ theo khoản 2 Điều 86 thì cũng là người có thẩm quyền ra lệnh trả tự do cho người  tạm giữ hay là một chủ thể khác. Và thủ tục trả tự do luật cần có quy định rõ.

PHẦN II: MỘT SỐ ĐỀ THI THAM KHẢO

MỤC 1: ĐỀ THI CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TPHCM

Đề thi môn TTHS1

Lớp QT31B

Thời gian 60'

Được sử dụng tài liệu

Câu I (4 điểm)

Suy đoán vô tội là gì? Cho biết thực trạng đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội cho người bị buộc tội trong TTHS ở VN.

Câu 2 (6 điểm)

Nhận định

1. QHPL TTHS phát sinh từ khi phát hiện dấu hiệu tội phạm.

2. Người bị tạm giữ, bị can và bị cáo là những người ó quyền khai báo.

3. Lời khai báo của người làm chứng là nguồn chứng cứ.

4. Tòa án có quyền hủy biện pháp tạm giam do VKS áp dụng.

Đề thi môn TTHS1

Lớp QT31B

Thời gian 60'

Được sử dụng tài liệu

Câu I (4 điểm): Nhận định

1. Trong một số TH luật định người bị hại có quyền yêu cầu khởi tố VAHS.

2. Chỉ có CQĐT mới có quyền khởi tố bị can.

3. Các hoạt động điều tra chỉ được tiến hành sau khi có quyết định khởi tố vụ án.

4. Tại phiên tòa phúc thẩm người kháng cáo, kháng nghị không có quyền bổ sung kháng cáo, kháng nghị theo hướng bất lợi cho bị cáo.

Câu II (3 điểm) - Nêu hướng giải quyết và quyết định tố tụng đưa ra của VKS trong các tình huống:

1. Xác định được bị can còn phạm một tội khác.

2. Bị can bị bệnh tâm thần.

Câu III (3 điểm) - Nêu hướng giải quyết và quyết định tố tụng đưa ra của HĐXXPT trong các tình huống:

1. Có đầy đủ chứng cứ xác định bị cáo phạm tội khác nặng hơn tội đã bị tòa án sơ thẩm kết án.

2. Có đầy đủ chứng cứ xác định bị cáo còn phạm một tội khác.

Đề thi Luật Tố tụng hình sự 1.

Thời gian: 75'

Được sử dụng tài liệu

Câu I: Với những kiến thức của mình về chế định bào chữa chỉ định, anh chị hãy đánh giá thực trạng áp dụng chế định này trong thực tiễn tố tụng hình sự ở Việt Nam. (3 đ)

Câu II: Nhận định sau đây đúng hay sai, tại sao?

1. Quan hệ pháp luật tố tụng hình sự phát sinh khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ. (1 đ)

2. Chỉ Viện kiểm sát mới có quyền thay thế hoặc hủy bỏ những biện pháp ngăn chặn do họ áp dụng.

3. Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của Cơ quan điều tra phải có sự phê chuẩn của VKS trước khi thi hành.

4. Người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất không được tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng.

5. Biên bản phạm pháp quả tang do Trưởng công an phường lập là nguồn của chứng cứ.

6. Người thân thích của bị can, bị cáo được tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa.

7. Vật chứng có thể được trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp trong quá trình giải quyết vụ án

Đề thi môn Tố tụng hình sự II

Thời gian: 75'

Được sử dụng tài liệu

Câu 1: Hãy xác định nhận định sau đây đúng hay sai, tại sao?

a. Trong một số trường hợp luật định người bị hại có quyền khởi tố vụ án hình sự.

b. Tại phiên tòa phúc thẩm nếu toàn bộ kháng cáo, kháng nghị bị rút thì vụ án được đình chỉ.

c. VKS có quyền hủy các quyết định khởi tố vụ án hình sự không có căn cứ của các cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự.

d. Thủ tục xét xử phúc thẩm vụ án hình sự phát sinh khi có kháng cáo, kháng nghị.

Câu 2: Hãy nêu hướng giải quyết và chỉ rõ căn cứ pháp lý để áp dụng của VKS sau khi nhận hồ sơ và đề nghị truy tố của Cơ quan điều tra mà phát hiện:

a. Quyết định khởi tố vụ án hình sự của Cảnh sát biển không có căn cứ.

b. Có người khác đã thực hiện hành vi phạm tội trong cùng vụ án chưa bị khởi tố.

c. Điều tra viên là người thân thích của bị can.

Câu 3: Hãy nêu hướng giải quyết và chỉ rõ căn cứ pháp lý để áp dụng của Hội đồng xét xử phúc thẩm trong các trường hợp:

a. Xác định được căn cứ giảm mức bồi thường đối với bị cáo đã bị kháng cáo tăng nặng hình phạt.

b. Bị cáo bị bệnh tâm thần

C. Xác định được căn cứ giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo không kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị

Đề thi môn : Tố tụng Hình sự (học phần 1)

Lớp Công đoàn 2A (lần 1)

Thời gian : 75 phút

Được sử dụng tài liệu

Câu I - (3 đ).

Tại sao không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người làm chứng trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó?

Câu II - Nhận định đúng sai. Tại sao?

a) bảo lĩnh có thể được áp dụng đ/v bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng (1đ).

b) Người bị hại, bị can, bị cáo có quyền nhờ người bào chữa bảo vệ quyền lợi cho mình (1đ).

c) lời nhận tội của bị can, bị cáo là chứng cứ (1đ).

d) biện pháp "cấm đi khỏi nơi cư trú" không được áp dụng đ/v bị can, bị cáo là người nước ngoài phạm tội tại VN (1đ).

e) trong TTHS chỉ có VKS mới có quyền thực hiện chức năng buộc tội (1đ).

f) Thư ký tòa án phải tiến hành từ chối tố tụng hoặc bị đề nghị thay đổi nếu là người thân thích của kiểm sát viên thực hành quyền công tố trong cùng vụ án (1đ).

g) mọi tình tiết, sự kiện có thật được phản ánh trong nguồn của chứng cứ đều được coi là chứng cứ (1đ).

ĐỀ THI LUẬT TTHS (Học phần 1 - Phần chung)

Lớp Q5D - Lần 1

---oOo---

Câu I: A thực hiện hành vi cướp giật, ngay sau đó đã bị quần chúng nhân dân đuổi theo và bắt được. A bị dẫn giải đến trụ sở Công an quận vào lúc 10 giờ sáng. Hỏi:

1. Theo quy định hiện hành của Luật TTHS Việt Nam, thủ tục tạm giữ A được thực hiện như thế nào? (0,5 điểm)

2. Thời hạn tạm giữ A được tính từ thời điểm nào? A có thể bị tạm giữ tối đa là bao lâu? (0,5 điểm).

Tình tiết bổ sung thứ nhất:

3. CQĐT ra quyết định khởi tố bị can đối với A theo khoản 1 điều 136 BLHS, thì CQĐT có thể ra lệnh tạm giam A được không? (1 điểm).

Tình tiết bổ sung thứ hai:

4. Giả sử trong quá trình tạm giam, phát hiện A là người bị bệnh nặng và có người đủ điều kiện bảo lĩnh thì Thủ trưởng CQĐT có thể ra quyết định thay thế bằng biện pháp bảo lĩnh không? Tại sao? (1 điểm)

Câu II: Những nhận định sau đây là đúng hay sai? Tại sao?

1) Người thân thích của bị can, bị cáo có thể tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. (1 điểm)

2) Cơ quan có quyền ra quyết định trưng cầu giám định là cơ quan tiến hành tố tụng. (1 điểm)

3) Tạm giam không áp dụng đối với bị can, bị cáo chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng. (1 điểm)

4) Quan hệ pháp luật tố tụng hình sự phát sinh khi cơ quan có thẩm quyền ra quyeết định khởi tố VAHS. (1 điểm)

5) Trong mọi trường hợp việc thay thế hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đã áp dụng đều phải do VKS quyết định. (1 điểm)

6) Thẩm quyền xử lý vật chứng chỉ thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. (1 điểm)

7) Trong VAHS có thể không có người tham gia với tư cách là người bị hại. (1 điểm)

ĐỀ THI MÔN: LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ

KHOA KINH TẾ – ĐẠI HỌC QUỐC GIA

---&---

Câu 1: Hãy xác định những nhận định sau đây đúng hay sai? Tại sao?

a. Trường hợp bào chữa bắt buộc không áp dụng đối với người bị tạm giữ.

b. Quan hệ giữa bị can và người bị hại thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật TTHS

c. Tòa án cấp phúc thẩm chỉ sửa án sơ thẩm theo hướng tăng nặng khi có căn cứ và có kháng cáo, kháng nghị theo hướng đó.

d. Dân thường phạm tội do tòa án nhân dân xét xử.

Câu 2: Viện kiểm sát giải quyết như thế nào trong trường hợp sau:

a. Cơ quan điều tra không đảm bảo có người bào chữa cho bị can là người chưa thành niên.

b. Có căn cứ cho rằng bị can phạm tội khác.

Câu 3: Tòa án giải quyết như thế nào trong các trường hợp sau đây:

a. Phát hiện tội phạm, người phạm tội mới trước khi mở phiên tòa sơ thẩm.

b. Phát hiện tội phạm, người phạm tội mới trong khi xét xử.

ĐỀ THI MÔN: LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ

KHOA KINH TẾ – ĐẠI HỌC QUỐC GIA

---&---

Câu 1: Hãy xác định những nhận định sau đây đúng hay sai? Tại sao?

a. Trong TTHS, nghĩa vụ chứng minh chỉ thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng.

b. Trong cùng một vụ án, người tiến hành tố tụng chỉ có thể tham gia với một tư cách tố tụng.

c. Lời khai của người làm chứng là chứng cứ.

d. Trong mọi trường hợp lệnh bắy người của cơ quan điều tra phải được VKS cùng cấp phê chuẩn.

e. Thủ tục xét xử phúc thẩm phát sinh khi có kháng cáo, kháng nghị

f. Tòa án chỉ xét xử bị cáo theo tội danh mà VKS truy tố.

Câu 2: Hãy nêu cách giải quyết vụ án của tòa án cấp sơ thẩm trong trường hợp:

a. VKS rút quyết định truy tố.

b. Hội thẩm vắng mặt tại phiên tòa

MỤC 2: ĐỀ THI CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

ĐỀ THI MÔN LUẬT TTHS - ĐH LUẬT HÀ NỘI

Đề 05: ( đề xanh)

1. Phân tích địa vị pháp lý của người bị hại.

2. Phân tích quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung của tòa án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử.

Hỏi thêm:

a. Giai đoạn chuẩn bị xét xử hồ sơ vụ án nằm ở đâu?

b. đọc thuộc ( nguyên luật ) điều 107.

Đề 3 (xanh):

Câu 1: Phân tích nguyên tắc "Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật"?

Câu 2: Phân tích các căn cứ đình chỉ vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử?

Hỏi thêm:

- Nguyên tắc ở câu 1 dc quy định ở đâu (Hiến pháp, BLTTHS)? Được xây dựng dựa trên nguyên tắc nào ?

- Thẩm quyền ra quyết định đình chỉ vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử thuộc về ai?

- Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử mà Thẩm phán nhận thấy bị cáo ko phạm tội thì sẽ xử lý thế nào?

đề số 7

so sánh người bị hại và nguyên đơn dân sự trong bltths

phân tích qui định của bltths về những ngừoi cần có mặt tại phiên tòa sơ thẩm

hỏi thêm:

lấy ví dụ về trường hợp nguyên đơn ds là cá nhân bị thiệt hại về thể chất

trường hợp nào bắt buộc phải có người bào chữa

trường hợp bắt buộc có người bào chữa mà ko có người bào chữa thì thế nào

phân tích thẩm quyền điều tra của cơ quan đièu tra vks nd tc

phân tích các nguồn chứng cứ

Đề 9 (đỏ)

Câu 1: Phân tích việc khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại.

Câu 2: So sánh trình tự thủ tục của phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm.

Phụ:

1. Nếu sau khi tuyên bản án sơ thẩm, bị cáo kháng cáo, còn người bị hại rút đơn, thì tòa phúc thẩm giải quyết thế nào ?

2. Tại sao pháp luật lại quy định về cơ bản thủ tục của tòa sơ thẩm và phúc thẩm là giống nhau ?

1. Phân biệt điều tra lại và điều tra bổ sung

2.Ai có thẩm quyền ra quyết định điều tra lại và điều tra bổ sung

3. Quyền đặc thù của người bị hại

Đề 26.

Câu 1. Phân tích nguyên tắc pháp chế XHCN trong pháp luật Tố tụng hình sự Việt Nam.

Câu 2. So sánh hoãn thi hành án phạt tù và đình chỉ thi hành án phạt tù.

Câu hỏi thêm:

- Ý nghĩa của nguyên tắc pháp chế XHCN. Các biện pháp bảo đảm thực hiện nguyên tắc.

_ Có hoãn thi hành án nhiều lần được không? (có). Nếu hoãn nhiều lần mà làm hết thời hạn thi hành án thì giải quyết như thế nào? Thẩm quyền đình chỉ thi hành án?

MỤC 3: MỘT SỐ CÂU HỎI ÔN TẬP

MỘT SỐ CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Phân tích nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo

2. Phân tích nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án

3. Phân tích nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật

4. Phân tích nguyên tắc xác định sự thật vụ án

5. Phân tích khái niệm giai đoạn tố tụng hình sự và mối quan hệ giữa các giai đoạn

6. Phân tích nguyên tắc bảo đảm pháp chế XHCN trong tố tụng hình sự

7. Bị can, bị cáo tham gia vào những giai đoạn nào của tố tụng hình sự

8. Phân tích địa vị pháp lý của người bị hại trong tố tụng hình sự

9. So sánh khái niệm: người bị hại và nguyên đơn dân sự trong tố tụng hình sự

10. So sánh nghĩa vụ của người làm chứng với nghĩa vụ của người bị hại. Tại sao có sự giống, khác nhau đó

11. Phân tích các quy định của luật tố tụng hình sự về thay đổi thẩm phán

12. Phân tích địa vị pháp lý của người làm chứng

13. Phân biệt khái niệm bị can, bị cáo với khái niệm ng có tội

14. Quyền bào chữa của bị can, bị cáo được thực hiện ở những giai oạn nào của tố tụng hình sự

15. Phân tích địa vị pháp lý của ng bào chữa trong tố tụng hình sự

16. Phân tích những quy định của Luật tố tụng hình sự về vật chứng

17. Phân tích khái niệm chứng cứ và các thuộc tính của chứng cứ

18. Nêu các loại chứng cứ. Cho ví dụ về các loại chứng cứ

19. Phân tích phương tiện chứng minh: lời khai của bị can, bị cáo

20. Phân tích những vấn đề cần phải chứng minh theo quy định tại điều 63 BLTTHS

21. Phân biệt biện fáp bắt bị can, bị cáo để tạm giam

22. PT bfáp bắt bị can, bị cáo để tạm giam

23. SS bfáp ngăn chặn, bắt ng fạm tội quả tang vs bắt ng trong trường hợp khẩn cấp.

24. PT bfáp ngăn chặn tạm giam

25. PT các quy định PL về thay đổi KST tại fiên toà

26. PT bfáp tạm giữ trong TTHS

27. CM khởi tố vụ án hình sự là 1 giai đoạn tố tụng độc lập

28. PT quy định của bộ luật TTHS về việc khởi tố vụ án theo yêu cầu của ng bị hại

29. PT cơ sở khởi tố vụ án hình sự

30. PT các căn cứ k đc khởi tố vụ án hùnh sự theo quy định Đ107

31. PT quy định của bộ luật TTHS về đình chỉ điểu tra

32. PT các trường hợp bắt buộc fải trưng cầu giám định quy định tại khoản 3 Đ155

33. PT quy định của bộ luật TTHS về đình chỉ vụ án trong giai đoạn cbị xét xử sơ thẩm

34. PT hoạt động khám nghiệm hiên trường, tại sao hoạt động này diễn ra trước khi khởi tố vụ án

35. Nêu thẩm quyền điều tra vụ án của các cơ quan điều tra theo quy định bộ luật TTHS

36. Phân biệt điều tra lại vs điều tra bổ sung

37. Chứng minh điều tra vụ án là 1 giai đoạn tố tụng độc lập

38. PT các quy định PL về hỏi cung bị can

39. So sánh khởi tố vụ án vs khởi tố bị can

40. So sánh hoạt động khám ng vs hoạt động xem xét dấu vết trên thân thể

41. PT quy định PL về đình chỉ vụ án trong giai đoạn tố tụng độc lập

42. PT quy định của TTHS về điều tra bổ sung trong giai đoạn truy tố

43. PT quy định của PL về việc VKS rút quyết định truy tố

44. PT quy định PL về những ng có mặt tại fiên toà sơ thẩm

45. PT các quyết định của TA trong khi chuẩn bị xét xử sơ thẩm

46. PT thẩm quyền xét xử sơ thẩm theo sự việc của TAND cấp huyện và TAQS khu vực

47. PT giới hạn của việc xét xử D196

48. PT thẩm quyền xét sử sơ thẩm theo đối tượng và theo lãnh thổ

49. So sánh thủ tục fiên toà sơ thẩm và phúc thẩm

50. Nêu sự khác nhau về thành fần hội đồng xét xử sơ thẩm, fúc thẩm, giám đốc thẩm. Tại sao có sự khác nhau đó

51. PT quy định về những ng tham gia fiên tòa fúc thẩm

52. PT các quy định PL TTHS về kháng nghị theo thủ tục fúc thẩm

53. PT quy định PL về kháng cáo

54. PT fạm vi xét xử fúc thẩm

55. PT thẩm quyền của TA fúc thẩm

56. PT thủ tục thi hành án ử hình

57. so sánh việc hoãn thi hành án fạt từ vs tạm đình chỉ thi hành án fạt tù

58. PT quy định của PL về kháng nghị thei thủ tục giám đốc thẩm

59. PT thẩm quyền của hội đồng tái thẩm

60. PT thẩm quyền của hội đồng giám đốc thẩm

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#shmilu