dctlhpt

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CÂU 1: PHÂN TÍCH KHÁI NIỆM VỀ SỰ PHÁT TRIỂN TÂM LÍ TRẺ EM.

● Một số khái niệm liên quan:

- Lượng: Lượng là phạm trù triết học dùng để chỉ tính quy định vốn có của sự vật về mặt số lượng, quy mô, trình độ, nhịp điệu của sự vận động và phát triển cũng như các thuộc tính của sự vật, biểu hiện bằng con số các thuộc tính, các yếu tố cấu thành nó.
Sự biến đổi về lượng chính là sự biến đổi của các thuộc tính (kích thước dài hay ngắn, số lượng nhiều hay ít, quy mô lớn hay nhỏ, trình độ cao hay thấp, nhịp điệu nhanh hay chậm...) và có thể xác định bằng con số.

- Chất: Chất là phạm trù triết học dùng để chỉ tính quy định khách quan vốn có của sự vật, hiện tượng, đó là sự thống nhất hữu cơ của những thuộc tính, những yếu tố cấu thành sự vật, hiện tượng, nói lên sự vật, hiện tượng đó là gì, phân biệt nó với các sự vật, hiện tượng khác.
Biến đổi về lượng đến một mức nhất định sẽ dẫn đến biến đổi về chất, chính là thay đổi về nội dung, bản chất của sự vật hiện tượng.

- Tăng trưởng: sự biến đổi theo chiều hướng tăng lên về lượng của một cấu trúc đã có.

- Chín muồi: khi sự tăng trưởng đạt đến mức độ đỉnh và tại đó xảu ra sự biến đổi về chất.

- Phát triển: quá trình vận động tiến lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn của một sự vật. Quá trình vận động đó diễn ra vừa dần dần, vừa nhảy vọt để đưa tới sự ra đời của cái mới thay thế cái cũ. Sự phát triển là kết quả của quá trình thay đổi dần về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất.

● Khái niệm về sự phát triển tâm lí trẻ em:

Sự phát triển tâm lí trẻ em là quá trình biến đổi tâm lí của trẻ từ thấp đến cao, đơn giản lên phức tạp, quá trình tích lũy dần về lượng dẫn đến sự nhảy vọt về chất làm nảy sinh những nét tâm lí mới trên nền những nét tâm lí cũ do sự đấu tranh giữa các mặt đối lập trong chính bản thân đứa trẻ.

● Phân tích:

- Bản chất của sự phát triển tâm lí chính là quá trình tích lũy về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất trong các hoạt động tâm lí và nhân cách của trẻ. Sự phát triển tâm lí tuân theo quy luật phủ định của phủ định, gắn liền với sự xuất hiện của những cấu tạo tâm lí mới ở những giai đoạn lứa tuổi khác nhau.

- Sự phát triển tâm lí diễn ra không phẳng lặng mà có tính khủng hoảng và đột biến; có tính liên tục, kéo dài suốt cả đời và tuân theo một quy luật tuần tự với những giai đoạn nối tiếp nhau theo một trật tự nhất định.

- Sự phát triển tâm lí trẻ em là một quá trình trẻ tích cực thông qua hoạt động hoạt động, giao tiếp để có thể lĩnh hội, sử dụng và sáng tạo những sản phẩm văn hóa và tinh thần của xã hội loài người.

--------------------------------------
CÂU 2: MÂU THUẪN LÀ ĐỘNG LỰC CÚA SỰ PHÁT TRIỂN.

● Động lực của sự phát triển tâm lí trẻ em:
Phần dài dòng không nhất thiết học (Động lực của sự phát triển tâm lí nằm ngay trong bản thân quá trình sống, trong những điều kiện cụ thể của mối liên hệ qua lại của con người với thực tại và đặc biệt là động lực của sự phát triển nằm ngay trong chính hoạt động của bản thân đứa trẻ. Hoạt động tích cực của đứa trẻ nhằm chiếm lĩnh những kinh nghiệm xã hội lịch sử thông qua quan hệ với người lớn chính là động lực thúc đẩy sự phát triển tâm lí, ý thức, thúc đẩy sự hình thành nhân cách ở trẻ.

Sự phát triển tâm lí phải dựa trên sự đấu tranh giữa các mặt đối lập giữa các mâu thuẫn hay đó chính là sự giải quyết mâu thuẫn biện chứng giữa cái mới và cái cũ. Sự giải quyết mâu thuẫn này được thực hiện bởi chính bản thân chủ thể - đó chính là đứa trẻ mà đặc biệt là dưới sự hướng dẫn giúp đỡ của người lớn thông qua các hoạt động dạy học và giáo dục.)

***
Theo L.X Vygotsky, động lực của sự phát triển tâm lý chính là hoạt động tích cực của cá nhân để giải quyết các mâu thuẫn. Nói một cách cụ thể hơn, chính những mâu thuẫn xuất hiện bên trong bản thân đứa trẻ trong quá trình sống và hoạt động có tác dụng thúc đẩy đứa trẻ tích cực hoạt động để giải quyết những mâu thuẫn đó và kết quả là dẫn đến sự phát triển tâm lý.

● Mâu thuẫn ở trẻ được chia làm 2 nhóm: Mâu thuẫn nội tại (trong chính bản thân trẻ) và mâu thuẫn bên trong trẻ với mối quan hệ bên ngoài.

1. Mâu thuẫn nội tại (bao gồm trình bày nội dung mâu thuẫn, cho ví dụ và kết luận)

a. Mâu thuẫn giữa khả năng cũ với những nhu cầu mới được nảy sinh do hoạt động của cá nhân.

Đơn cử như mâu thuẫn giữa khả năng ngôn ngữ và nhu cầu giao tiếp; mâu thuẫn giữa khả năng kiềm chế, khả năng thực hiện hành động với nhu cầu trở thành người lớn. Mâu thuẫn giữa khả năng sử dụng đồ vật và nhu cầu khám phá đồ vật.

Ví dụ: trẻ mẫu giáo bắt đầu đi học, chúng muốn giao thiệp rộng rãi hơn, chúng muốn mọi người hiểu được chúng nhưng ngôn ngữ còn nghèo nàn, vốn từ quá ít ỏi dẫn đến trẻ phải tích cực hoạt động để có thể lĩnh hội ngôn ngữ được nhiều hơn, kết quả là cuối tuổi mẫu giáo hầu hết các trẻ đều biết sử dụng tiếng mẹ đẻ một cách thành thạo trong sinh hoạt hằng ngày.

=> Mâu thuẫn này thôi thúc đứa trẻ nỗ lực, cố gắng và khi mâu thuẫn được giải quyết thì sự thay đổi về chất trong tâm lý xuất hiện.

b. Mâu thuẫn giữa hình thức cũ và hình thức mới.

- Hình thức cũ của mâu thuẫn: Chưa biết viết nhưng muốn viết.

- Hình thức mới của mâu thuẫn : Viết chưa đẹp nhưng muốn viết đẹp.

Ví dụ: ở lứa tuổi mẫu giáo thì các bé có một trò chơi chủ đạo là “Đóng vai theo chủ đề”: ban đầu trẻ chỉ có một mình sẽ sử dụng búp bê, gấu bông rồi tự mình bày ra một vài chủ đề để chơi, đến khi đi học thì phát triển thành phối hợp cùng bạn bè chơi trò phân vai. Trò chơi này vừa giúp bé khám phá nhiều hơn về thế giới xung quanh mình, phát huy trí tưởng tượng của bé, phát huy khả năng ngôn ngữ vừa rèn được một số kĩ năng như làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề.
=> Những mâu thuẫn được giải quyết sẽ dẫn đến việc phát triển tâm lý lứa tuổi của trẻ mà cụ thể là sự hình thành những tri thức, kĩ năng, kĩ xảo mới và đặc biệt là dẫn đến sự sáng tạo của đứa trẻ trong hoạt động.

2. Mâu thuẫn bên trong trẻ với mối quan hệ bên ngoài

a. Mâu thuẫn giữa khả năng (tinh thần thể lực) của trẻ đang phát triển với những hình thức cũ của các mối quan hệ đã được hình thành.

Trong quá trình phát triển, nhu cầu trẻ muốn tự ăn cơm, tự mặc quần áo mâu thuẫn với quan niệm của người lớn do thực tế khả năng của trẻ vẫn chưa có. Hay việc trẻ muốn tự đi học mâu thuẫn với người lớn cho rằng trẻ còn quá bé, không thể tự đi học dẫn đến khủng hoảng tuổi lên ba, đòi “con tự làm”.

Ví dụ: trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3, trẻ có xu hướng tách mình ra khỏi người khác và ý thức về những khả năng của chính mình, nảy sinh nguyện vọng được độc lập. Nhu cầu này rất lớn, nhằm khẳng định chính mình. Điều đó thể hiện sự trưởng thành hơn của đứa trẻ. Mặt khác, cũng từ nhu cầu muốn độc lập này mà trẻ có phản ứng cảm xúc mạnh mẽ và thái độ tiêu cực đối lập với người lớn. Trẻ có thể có một số biểu hiện như liên tục đặt rất nhiều câu hỏi, nói chuyện trống không, hỗn hào, hay đòi hỏi, phản kháng với yêu cầu của người lớn, hay ăn vạ, khóc lóc và nhất là ở nơi đông người thì trường hợp này càng trở nên khó xử hơn với bậc làm cha làm mẹ.

=> Tất cả tạo ra những mâu thuẫn lúc đầu, nhưng nó chính là cơ sở cho sự phát triển diễn ra.

b. Mâu thuẫn giữa hình thức và nội dung.

Đây chính là mâu thuẫn giữa những đòi hỏi đang phát triển của xã hội, tập thể và những người trưởng thành với trình độ ban đầu của sự phát triển tâm lý.

Ví dụ: khi trẻ bắt đầu đi mẫu giáo, giáo viên đòi hỏi trẻ phải tuân theo những yêu cầu của trường mầm non nhưng trẻ chưa quen, chưa có khả năng thực hiện điều đó, khả năng hiện có chưa đáp ứng được với những đòi hỏi mới của hoàn cảnh, nên trẻ phải tích cực hoạt động để đáp ứng yêu cầu của giáo viên. Cụ thể là trẻ có một vài thói quen không phù hợp, cần có thời gian để thích nghi như không chịu đặt đồ đúng nơi qui định, không chịu ngủ trưa hoặc quá kén ăn.

=> Khi mọi vấn đề được cân bằng hay được giải quyết từ hướng đứa trẻ có sự thay đổi đặc biệt thì sự phát triển sẽ diễn ra. Nói cách khác đi, mâu thuẫn đã chuyển thành động lực dẫn đến sự phát triển.

--------------------------------
CÂU 3: DẠY HỌC VÀ SỰ PHÁT TRIỂN (làm theo cái thầy gửi)

● Một số quan niệm khác nhau về mối quan hệ giữa dạy học và phát triển tâm lý trẻ em - Tâm lý lứa tuổi.

a. Nhóm quan niệm: Dạy học đi sau sự phát triển (J.Peaget)

Sự phát triển trí tuệ của trẻ nằm ở bên trong, dạy học là một quá trình bên ngoài. Dạy học phải phục tùng các quy luật của sự phát triển , phải ăn khớp với sự phát triển của trẻ, không ảnh hưởng gì đến phát triển và cũng chẳng sử dụng các thành tựu của quá trình phát triển, không thúc đẩy và cũng không thay đổi phương hướng phát triển.

=> Quan điểm này đã loại bỏ khả năng đặt vấn đề về vai trò của việc giảng dạy trong tiến trình phát triển và sự chín muồi của các chức năng được tích cực hóa trong tiến trình giảng dạy.

b. Nhóm quan niệm: Dạy học chính là phát triển (Thorrndike, J. Ginxon...)

Dạy học và sự phát triển tồn tại song song và bằng nhau (dạy học chính là sự phát triển). Quan điểm này khẳng định rằng mỗi một bước trong dạy học tương ứng với một bước phát triển do đó các quy luật dạy học quy luật của sự phát triển như việc hình thành các tri thức, kĩ năng, kĩ xảo, v.v...

=> Với quan điểm này, bản chất của dạy học nếu chỉ dừng ở mức song hành với sự phát triển mà vẫn không thể thúc đẩy sự phát triển theo nghĩa kéo theo thì quan điểm này vẫn bộc lộ rất nhiều hạn chế.

c. Nhóm quan niệm: Thuyết nhị nguyên về việc dạy học và sự phát triển (Koffka)

Xuất phát từ ý định khắc phục cực đoan của 2 lý thuyết trên nên đã hợp nhất hai quá trình đơn giản với nhau: Một mặt coi quá trình phát triển là một quá trình không phụ thuộc vào giảng dạy. Mặt khác coi giảng dạy là một quá trình tiếp thu một loạt hình thái hành vi mới, đồng thời đồng nhất với phát triển.

=> Với quan niệm này, về cơ bản, mối quan hệ giữa dạy học sự phát triển vẫn chưa được nhìn nhận.

Tóm lại: Các quan điểm trên vẫn chưa giải thích một cách thỏa đáng mối quan hệ giữa dạy học và sự phát triển.

● Hai khái niệm vùng phát triển:
Vygotsky cho rằng dạy học đi trước sự phát triển, kéo theo sự phát triển và trong quá trình phát triển của trẻ em thường xuyên diễn ra theo hai mức độ: Trình độ hiện tại và Vùng phát triển gần nhất.

Mức 1: trình độ hiện tại (hiện thời) là những gì trẻ tự làm được với khả năng và sức lực về mặt tinh thần của mình mà chưa cần sự hỗ trợ nào từ người khác.

Mức 2: vùng phát triển gần nhất (trình độ phát triển tương lai) là những gì trẻ sẽ có thể làm được dưới sự hướng dẫn, tác động phù hợp của người lớn (bố mẹ, thầy cô, Nhà giáo dục...) dựa trên sự nỗ lực và tự thực hiện của bản thân trẻ (không vượt quá khả năng của trẻ).

Khi trẻ hoàn thành được những mục tiêu, yêu cầu của vùng phát triển gần nhất thì nó sẽ trở thành trình độ hiện tại và xuất hiện vùng phát triển gần nhất mới. Cứ thế, trẻ luôn vận động trong sự phát triển không ngừng.

Này là kết luận (Tóm lại, việc dạy học nào đi trước sự phát triển mới là việc dạy học tốt. Dạy học không được ép trẻ làm những việc quá sức, không phù hợp với trình độ đang có và khả năng gần nhất của trẻ. Cần xác định, định hướng được vùng phát triển gần nhất ở trẻ. Biết sử dụng phương pháp, phương tiện dạy học phù hợp với nội dung dạy học, đối tượng học. Tổ chức hoạt động phù hợp để thúc đẩy tính tích cực ở trẻ.)

-------------------------------------
CÂU 4. CÁC TIÊU CHÍ PHÂN KÌ LỨA TUỔI

Tâm lý học Marxit phân chia lứa tuổi thành các giai đoạn:

- Sơ sinh (từ 0 đến 2 tháng tuổi).
- Hài nhi (từ 2 tháng tuổi đến 1 tuổi).
- Ấu nhi (từ 1 đến 3 tuổi).
- Mẫu giáo (từ 3 đến 6 tuổi).
- Nhi đồng (từ 6 đến 11 tuổi).
- Thiếu niên (từ 11 đến 15 tuổi).
- Đầu thanh niên (từ 15 đến 18 tuổi).
- Trưởng thành (từ 18 đến 60 tuổi).
- Tuổi già (sau 60 tuổi trở đi).

Tình huống xã hội của sự phát triển.

Mối quan hệ giữa chủ thể (sự phát triển bên trong: thể chất, tri thức, kỹ năng...) với hiện thực (môi trường, nhất là môi trường XH - các mối quan hệ) được thay đổi mới => mâu thuẫn này tạo tình huống – động lực cho sự phát triển TL.

Cấu tạo mới của tâm lý lứa tuổi.

Là thể loại mới trong cấu tạo hoạt động của nhân cách, đó là những thay đổi về mặt tâm lý xã hội mà lần đầu tiên được xuất hiện ở giai đoạn lứa tuổi đó mà ở giai đoạn trước chưa có. Mỗi giai đoạn lứa tuổi có thể có hơn 1 cấu tạo TL mới được hình thành, nên cần chú ý đến cấu tạo TL đặc trưng nhất, nổi bật nhất có ảnh hưởng đặc biệt đến đời sống TL lứa tuổi

Hoạt động chủ đạo

Là hoạt động gắn liền với sự xuất hiện những tạo lập mới về phương diện tâm lí rất quan trọng trong giai đoạn phát triển cụ thể.
Là hoạt động mà sự phát triển của nó quy định những biến đổi chủ yếu nhất trong các quá trình tâm lí và trong các đặc điểm tâm lí của nhân cách đứa trẻ ở giai đoạn phát triển nhất định của nó.

Đặc điểm của hoạt động chủ đạo:

- Là hoạt động có đối tượng mới mẻ, chưa hề có trước đó.
- Là hoạt động có khả năng chi phối toàn bộ đời sống tâm lí của trẻ thông qua việc cải tổ, tổ chức lại các quá trình tâm lí.
- Là hoạt động có khả năng chi phối các hoạt động khác cũng diễn ra đồng thời và tạo ra những nét đặc trưng trong tâm lí của trẻ ở mỗi giai đoạn phát triển.
--------------------------

CÂU 5. CÁC QUY LUẬT CỦA SỰ PHÁT TRIỂN TÂM LÝ.

1.Qui luật về tính không đồng đều của sự phát triển tâm lí trẻ em – tâm lí lứa tuổi

a.Sự phát triển tâm lí của cá nhân xét trong tiến trình phát triển của mỗi cá thể

Sự phát triển của trẻ ở các mặt riêng biệt không thể diễn ra đồng đều như: trí tuệ, đạo đức, quan hệ xã hội...

• Ví dụ: có trẻ học giỏi nhưng đạo đức chưa tốt, các mối quan hệ bạn bè hạn hẹp, trẻ thụ động, ít giao tiếp.

Trong tiến trình phát triển tâm lý trẻ có những giai đoạn trẻ phát triển với tốc độ nhanh, có những giai đoạn trẻ phát triển chậm.

Trong năm đầu đời , thể trọng trẻ tăng gấp 3 lúc mới lọt lòng mẹ, chiều cao tăng gấp rưỡi. Hiện tượng này sẽ giảm dần khi trẻ lớn lên.
Trong tiến trình phát triển có những giai đọan phát cảm của một vài chức năng tâm lý.

• Ví dụ: 2-5 tuổi là thời kỳ phát cảm chức năng ngôn ngữ. (trẻ lên 3 cả nhà tập nói)

- Phát cảm là những thời kì tuổi có những điều kiện thuận lợi nhất để phát triển các phẩm chất tâm lí và các thuộc tính tâm lí theo một xu hướng nào đó.

- Phát cảm là giai đoạn có nhiều điều kiện thuận lợi nhất , đặc biệt là sự chín muồi của hệ thần kinh khiến cho một chức năng tâm lí nào đó phát triển rất nhanh.

- Phát cảm là giai đoạn tăng cao khả năng tiếp thu của đứa trẻ đối với những tác động bên ngoài, đối với những điều kiện đặc biệt  của dạy học và giáo dục.

-  Phát hiện ra hiện ra những thời kì phát cảm để giúp nhà giáo dục tìm mọi cách phát triển một chức năng tâm lí nào đó thật đúng lúc .Nếu để chậm hoặc sớm quá thì sự phát triển khó thực hiện.

• Ví dụ: Ở tuổi mẫu giáo, xúc cảm thẩm mĩ ở trẻ phát triển khá nhanh, còn sau 10 tuổi phần lớn không nhạy cảm vể mặt này nữa.

b.Sự phát triển tâm lý cá nhân xét trong quan hệ giữa trẻ này và trẻ khác

Bên cạnh phát triển theo các giai đoạn nhất định thì mỗi trẻ phát triển theo cách thức, mức độ và khuynh hướng riêng.

Tốc độ nhịp độ phát triển của mỗi trẻ là không giống nhau về thể chất, tinh thần, phẩm chất tâm lý.

• Ví dụ: trong lớp vẽ, có trẻ rất hăng say với vẽ tranh có trẻ vẽ được những bức tranh đẹp, có trẻ thì tỏ ra thờ ơ với việc vẽ tranh...
Sự không đồng đều này còn thể hiện ở tính cách, khả năng hứng thú... làm cho trẻ có nét đặc trưng so với trẻ khác.

• Ví dụ: Có trẻ thích tạo hình, có trẻ thích những trò chơi mang tính khoa học...

Nguyên nhân: điều kiện sinh học, môi trường sống, giáo dục, khuynh hướng tiếp nhận ấn tượng từ môi trường, mức độ tích cực tham gia hoạt động của trẻ....

Ứng dụng: Trong dạy học cũng như giáo dục cần mang tính phù hợp, tránh rập khuôn, áp đặt, cần tôn trọng cá tính riêng của trẻ.

Tóm lại:  Sự phát triển của trẻ ở các mặt diễn ra không đồng đều, trong quá trình phát triển trẻ có những thời kỳ phát triển tối ưu, sự phát triển giữa trẻ này và trẻ khác là không giống nhau

2. Quy luật về tính toàn vẹn trong sự phát triển tâm lí trẻ em – tâm lí lứa tuổi

Sự phát triển đầy đủ các mặt tâm lý – các đặc điểm tâm lý.

Sự thống nhất các mặt nhận thức – tình cảm – hành động.

Sự bền vững trong các quá trình tâm lý mà đặc biệt là các thuộc tính tâm lý.

Vì vậy tâm lí người có tính trọn vẹn, thống nhất và bền vững

• Ví dụ : Khi nhỏ - nhận thức non nớt, càng lớn thì nhận thức càng đầy đủ hơn

Đặc điểm tâm lý cá nhân:

Mối quan hệ giữa tính cách – xu hướng... luôn có liên quan chặt chẽ với nhau.

Đặc điểm thể chất – tinh thần lại liên quan tới nhau cho nên sự thay đổi nếu có luôn là sự thay đổi mang tính chất 2 mặt (tác động, chi phối – kéo theo) => tâm lý được biến đổi toàn vẹn.

Tính TOÀN VẸN phụ thuộc khá nhiều vào động cơ của hành vi ,động cơ thực sự được ý thức thì sự phát triển tâm lý luôn bị chi phối.

• Ví dụ: Trẻ ấu nhi thường hành động vì muốn thỏa mãn một điều gì đó, và động cơ đó thay đổi hàng ngày, hàng giờ. Trong khi đó, thanh thiếu niên thường hành động do động cơ cá nhân hoặc động cơ xã hội thúc đẩy và những động cơ đó cũng ổn định hơn.

3. Tính mềm dẻo và khả năng bù trừ.

Tính mềm dẻo và sự bù trừ diễn ra như một quy luật tất nhiên

Tính mềm dẻo:

Trẻ em có hệ thần kinh rất mềm dẻo, linh hoạt. Dựa trên cơ sở đó, những yếu tố từ môi trường, giáo dục có thể tác động làm thay đổi tâm lí trẻ theo hướng tích cực. Những nghiên cứu tâm lí cho thấy có thể điều chỉnh, thậm chí làm mất một hành vi nào đó đã được hình thành. Đây là một minh chứng cho thấy có thể thay đổi, thay thế được các hành vi trong quá trình phát triển.

Qua đó ta thấy, giáo dục có lợi thế trong việc hình thành nhân cách trẻ khi trưởng thành.

• Ví dụ: Đứa trẻ bị tổn thương do bạo hành gia đình dẫn đến mặc cảm, tự ti sẽ hạnh phúc, tự tin hơn nếu được thầy cô và bạn bè quan tâm, giúp đỡ bên cạnh đó thấy được sự cải thiện theo chiều hướng tích cực từ gia đình mình.

Khả năng bù trừ:

- Một chức năng tâm lí hoặc sinh lí nào đó yếu hoặc thiếu thì các chức năng tâm lí khác được bù trừ bằng cách tăng cường hoặc phát triển mạnh hơn. Điều này thể hiện rất rõ đối với sự phát triển tâm lí trẻ em bình thường và càng thể hiện rõ hơn nữa với trẻ em đặc biệt.

- Chính sự mềm dẻo cũng đã tạo ra khả năng bù trừ. Xét trên phương diện chức năng, chức năng trội ở một bộ phần nào đó sẽ góp phần khắc phục những chức năng bị hạn chế. Xét trên bình diện cá nhân, khi cá nhân ý thức được sự thiếu hụt, yếu kém của mình thì chính sự tự ý thức sẽ thôi thúc con người hoạt động một cách tích cực để khắc phục, bù trừ những khiếm khuyết đó.

• Ví dụ: Những trẻ khiếm thị có thể học nhạc cụ và làm gốm dựa trên khả năng về xúc giác và thính giác của mình.

• Ví dụ: Người tự ti về ngoại hình, sức khỏe thường có xu hướng nỗ lực học thật tốt hoặc cư xử tốt để được mọi người công nhận.



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#tamlihoc