- Phép tắc 29: BẢN TÍNH HOANG DÃ THỜI HIỆN ĐẠI

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mọi người thường thích dùng hình ảnh của sói và sư tử để ví với cuộc cạnh tranh giữa doanh nghiệp nước ngoài và trong nước. Nguyên nhân có lẽ là do bộ phim hoạt hình "Vua Sư Tử" mà mọi người đều thích. Nhưng cũng chính vì bộ phim hoạt hình này mà dường như mọi người đều coi đẳng cấp của sư tử cao hơn sói, còn sói là loài đầy dã tâm lại thiếu thực lực. Nhưng trong thực tế cuộc sống trên thảo nguyên, hai loài vật này có thật là có đẳng cấp cao thấp không?

Trong thế giới phải phấn đấu để sinh tồn, sẽ không có ai có tư cách để đóng vai chính diện và sói bộc lộ bản tính hoang dã trong hoàn cảnh gian khổ chính là điều đáng được tôn kính. Thảo nguyên vốn không có chủ nhân được định sẵn. Ai bảo trật tự của thảo nguyên là do Mufassa nắm giữ? Ai bảo Simba là người kế thừa nghiễm nhiên? Ai bảo sói phải làm bề tôi trong bóng tối? Trên thảo nguyên, không có kẻ thống trị, cũng như trên thương trường, không có bất cứ một doanh nghiệp nào là có đẳng cấp cao hơn. Chỉ có một vị vua vĩnh viễn, đó chính là người tiêu dùng và mọi doanh nghiệp đều chỉ là một mắt xích trong vòng tròn sinh thái. Điều chúng ta cần làm là dùng hết mọi khả năng của mình để tồn tại và phát triển trên thảo nguyên này. Vì vậy, nếu nói sư tử đáng được tôn kính thì sói cũng vậy. Hơn nữa, đối với rất nhiều doanh nghiệp, học tập bản tính hoang dã của loài sói cũng là một việc làm thiết thực. Doanh nghiệp nên không ngừng bồi dưỡng bản tính của loài sói. Một là khứu giác nhạy bén, lúc nào cũng chú ý đến cơ hội thị trường tiềm ẩn xung quanh. Cũng giống như hiểu về xu hướng hành động của một con dê, doanh nghiệp phải luôn hiểu rõ thay đổi về nhu cầu của người tiêu dùng. Hai là tinh thần phấn đấu quên mình. Một đối thủ dù có mạnh đến đâu vẫn có điểm yếu, chỉ cần kiên trì bền bỉ thì sẽ gặt hái được thành quả. Ba là phấn đấu trong quần thể. Để mở rộng doanh nghiệp thì cần phải có ba yếu tố trên.

Có lẽ khi nói đến bản tính hoang dã của loài sói, người ta lại liên tưởng đến sự tàn nhẫn và máu lạnh, nhưng bản thân của tàn khốc chính là bản chất của sự cạnh tranh trong thương trường. Đừng quên rằng thị trường không phải là người mẹ, bà ta không có tính kiên nhẫn và lòng nhân từ, chỉ hơi bất cẩn là doanh nghiệp của bạn sẽ bị rơi vào tay kẻ khác.

Sói là loài vật kiên nhẫn, vững vàng. Trên thảo nguyên rộng lớn ở Châu Phi, một con sói bụng đói cồn cào có thể ăn bất cứ thứ gì có thể nuốt được để giúp mình no bụng. Trong thực đơn của nó, một loại côn trùng có tên là mối đã chiếm đến 60%. Thức ăn chủ yếu của một động vật ăn thịt lại là côn trùng. Một ký giả khi đọc được điểm này trong sách khoa học phổ thông đã rất kinh ngạc vì sức sống ngoan cường của sói.

Sói cũng là một loài cô độc, cần giết lẫn nhau là chúng sẽ giết lẫn nhau, không cần phải làm bộ làm tịch để chứng tỏ mình. Thực tế, nhiều doanh nghiệp luôn im hơi lặng tiếng nhưng lại không ngừng phát triển. Ngược lại, một số doanh nghiệp phô trương thanh thế, nhưng cuối cùng cũng lộ rõ ra là không có thực lực.

Vào đầu thập niên 90, doanh nhân trong ngành ẩm thực của Đài Loan ào ạt tràn vào Đại Lục. Lúc đó, thị trường mì ăn liền của Đại Lục như rắn mất đầu, chất lượng sản phẩm vừa và thấp, thiếu thương hiệu nổi tiếng có thể nhất hô bá ứng. Trong lúc thương nhân Đài Loan, thương nhân Hồng Kông đều muốn nhảy vào thì tập đoàn Ting Hsin đã đi tiên phong, xung tả hữu đột và chiếm được rất nhiều thị trường ở Trung Quốc. Những thương nhân khác đành phải lắc đầu rút lui. Đây là một ví dụ điển hình nhất của việc vận dụng bản tính hoang dã của loài sói.

Từ sau cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc, mối quan hệ giữa hai bên bờ eo biển cũng ấm dần lên. Các thương nhân sáng suốt của Đài Loan đã ào ạt đầu tư hoặc chiếm cứ thị trường Đại Lục.

Tuy bức vách chính trị giữa hai bờ vẫn cao ngút nhưng sự báo đáp hậu hĩnh của đầu tư vào Đại Lục đã vượt xa nỗi sợ mạo hiểm của họ. Đặc biệt là một nơi có thị trường nhỏ, đất đai ít, lao động giá cao, thị trường cạnh tranh kịch liệt như Đài Loan, các thương nhân đều cảm thấy khó vũng vẫy, vì vậy nên thị trường Đại Lục rộng lớn đã hấp dẫn họ. Tập đoàn Ting Hsin và tập đoàn Thống Nhất là hai đội quân tác chiến vượt biển. Họ cạnh tranh ngày một gay gắt với ngành thực phẩm ở Đại Lục, đặc biệt là sản phẩm mì ăn liền. Tập đoàn Ting Hsin lại chiếm lĩnh thị trường mì ăn liền nhanh hơn một bước, dẫn đầu toàn quốc. Tập đoàn Thống Nhất tuy đứng vị trí hàng đầu ở Đài Loan nhưng lại khó đặt chân vào thị trường Đại Lục chỉ vì họ chậm hơn một bước.

Ban đầu, sản phẩm chú chốt của tập đoàn Ting Hsin là dầu ăn. Nếu xét về danh tiếng và thực lực thì tập đoàn Ting Hsin không thể đứng đầu Đài Loan. Tập đoàn này đã tìm kiếm ở thị trường Đài Loan được mấy mươi năm nhưng cảm thấy rất khó phát triển nên họ đã tiến hành khai thác thị trường Đại Lục. Vào năm 1988, Ting Hsin đã bắt đầu đầu tư vào Đại Lục. Tập đoàn này chỉ có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành sản xuất dầu ăn. Ngay từ đầu, họ đã xác định quan niệm kinh doanh phải thiết thực, uy tín. Sản phẩm của họ luôn lấy nguyên liệu tốt, chất lượng tốt, kỹ thuật cao làm tiêu chuẩn. Năm 1990, họ đầu tư nhà xưởng ở Bắc Kinh. Bằng kinh nghiệm sản xuất phong phú, kỹ thuật cao, họ đã sản xuất ra các loại dầu ăn thượng hạng và có chút ít thành công. Nhưng lúc này, Ting Hsin phát hiện họ đã chậm vì thị trường dầu ăn ở thành thị đã bị các sản phẩm dầu ăn của Hồng Kông chiếm lĩnh.

Nhắc đến tập đoàn Thống Nhất, rất nhiều người Đài Loan sẽ buột miệng thán phục. Không những người sáng lập ra tập đoàn này là một người làm thuê mà còn vì người phấn đấu đi lên từ bàn tay trắng này lại giành vị trí số một trong ngành thực phẩm. Ông Cao Thanh Nguyện, chủ tịch của tập đoàn này, đã từng làm việc tại một công ty dệt ở Đài Nam. Năm 1969, ông từ bỏ công việc mà mình đã làm hơn 20 năm và mang theo một nhóm nhân viên để mở ra xí nghiệp Thống Nhất, bắt đầu bước vào ngành thực phẩm. Ban đầu, ông tung ra sản phẩm mì ăn liền đại chúng hóa. Sau khi giành được thắng lợi, ông lại xâm nhập vào thị trường dầu ăn, thức uống, sữa, đồ hộp... sau hơn 10 năm gian khổ để gầy dựng sự nghiệp, cuối cùng, công ty ông chiếm vị trí dẫn đầu trong ngành thực phẩm. Cao Thanh Nguyện là người có ý thức quốc tế hóa rất cao. Sau khi tập đoàn Thống Nhất có được quy mô ban đầu, ông đã nhanh chóng bố trí binh đoàn tác chiến ở nước ngoài, nhằm nhảy ra khỏi thị trường nhỏ hẹp ở Đài Loan. Ông đã lần lượt đầu tư vào Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Philippin... Hiện nay, tập đoàn Thống Nhất đã là tập đoàn kinh doanh quốc tế hóa với nhiều ngành nghề như thực phẩm, điện tử, tài chính, bất động sản, thương mại, du lịch, bán lẻ. Cùng với địa vị kinh tế ngày một nâng cao, Cao Thanh Nguyện đã giành được địa vị chính trị tương đương. Năm 1994, Cao Thanh Nguyện đã trúng cử ủy viên ban chấp hành trung ương Đảng khóa 14. Có lẽ, do ảnh hưởng của địa vị chính trị nên trong cuộc chiến vượt biển, ông đã chậm hơn Ting Hsin một bước. Tuy chỉ chậm hơn một bước nhỏ nhưng lại làm cho khoảng cách giữa Ting Hsin và tập đoàn Thống Nhất rút ngắn đi rất nhiều.

Từ sau khi thị trường dầu ăn bị chậm hơn người khác, Ting Hsin quyết tâm giành lấy thị trường khác. Cuối năm 1991, tập đoàn Ting Hsin bắt đầu nhắm đến thị trường mì ăn liền. Ngành mì ăn liền ở Trung Quốc đã có lịch sử hơn 10 năm nên quy mô cũng không nhỏ. Toàn quốc có hơn 100 doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền. Chỉ riêng hai thành phố Bắc Kinh và Quảng Châu đã có hơn 50 và 60 dây chuyền sản xuất mì ăn liền. Tiếc rằng những sản phẩm không cùng nhà sản xuất, không cùng dây chuyền sản xuất này phần lớn là có chất lượng kém, mẫu mã xấu, lại không chú trọng đến marketing nên không có sản phẩm nào nổi trội. Thị trường mì ăn liền ở Trung Quốc lúc đó giống như rắn mất đầu. Ting Hsin nhìn thấy được chỗ trống này nên họ đã quyết tâm đánh một trận lớn vào thị trường mì ăn liền.

Đầu năm 1992, đây là thời điểm khá bận rộn và căng thẳng đối với lãnh đạo của Ting Hsin vì họ biết đã có rất nhiều thương nhân Đài Loan và Hồng Kông đang nhắm vào thị trường mì ăn liền ở Đại Lục, trong đó có cả tập đoàn Thống Nhất. Với những tập đoàn có thực lực hùng mạnh như tập đoàn Thống Nhất, một khi họ đánh vào thị trường Đại Lục trước thì Ting Hsin sẽ khó chen chân vào. Vì vậy, họ không ngừng hối thúc lẫn nhau, nhanh chóng đầu tư một khoản tiền lớn vào quảng cáo, tạo thương hiệu, chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bán hàng... Họ tung đòn mạnh mẽ như vậy là để đối thủ dè chừng và đẩy nhanh công cuộc chiếm lĩnh, củng cố thị trường. Chính nhờ việc tấn công ồ ạt, tập đoàn Ting Hsin đã xây dựng được vị trí bá chủ trong ngành mì ăn liền ở Trung Quốc. Có thể thấy, nhờ Ting Hsin có bản tính dũng cảm xông pha của loài sói nên họ đã có được thành công rất lớn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#kinhdoanh