- Phép tắc 3: MẠNG SỐNG VÀ Ý CHÍ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Một con sói mẹ sinh được mấy con sói con. Khi những con sói con có thể đi được, sói mẹ sẽ đuổi chúng ra khỏi hang, để cho chúng tự đi tìm thức ăn. Vào mùa đông tuyết trắng, gió lạnh như cắt da, chúng có thể sẽ bị những loài động vật khác tấn công. Có thể tưởng tượng được những khó khăn và nguy hiểm mà chúng phải đối mặt. Có con sói con sẽ cố chịu đựng, chống lại cái đói và giá rét, dũng cảm đi về trước; nhưng cũng có con đi không nổi, phải chạy trở về cái hang ấm áp của nó. Sói mẹ sẽ không động lòng vì con sói con đáng thương đang run cầm cập. Nó vẫn tiếp tục đuổi con sói con đi một cách lạnh lùng. Sói mẹ biết, nếu hôm nay không để cho chúng ra ngoài chịu lạnh, chịu đói, không học cách thích ứng với hoàn cảnh khó khăn và nguy hiểm thì ngày sau, chúng sẽ không thể tự lập được, sẽ bị chết rét, chết đói, bị sư tử, hổ báo ăn thịt.

Để duy trì mạng sống, thử thách mà chúng phải tiếp nhận ngay từ ngày đầu tiên chúng biết đi đó là học cách tự kiếm thức ăn. Điều sói mẹ suy nghĩ là sự sinh tồn của những con sói con. Vì vậy, khi con của nó biết đi, sói mẹ sẽ đuổi chúng ra khỏi cái hang ấm áp, để cho chúng tự đi kiếm ăn. Điều này là một dạng luyện tập đối với những con sói con. Chỉ có trải qua hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm, được tôi luyện trong nghịch cảnh, sức sống của loài sói mới mạnh mẽ hơn, ý chí cũng sẽ kiên cường hơn.

Trong truyện ngắn "Bức Chân Dung", Gogol có kể một câu chuyện đầy ý vị như sau:

Tchartkov là một họa sĩ đầy tài năng và có tiền đồ xán lạn. Giáo sư của anh ta từng nhắc nhở rằng: phải trân trọng tài năng của mình, không nên gặp sao hay vậy, không nên chỉ biết làm thế nào để hấp dẫn sự chú ý của người khác... Nhưng, anh ta không cưỡng nổi sự hấp dẫn của đồng tiền và hư vinh. Để làm vừa ý các cô gái trong xã hội thượng lưu, anh ta đã đi ngược lại với chân thực cuộc sống, cố biến những bức ảnh chân dung thành hình tượng mà bản thân họ mong muốn. Thế là, danh tiếng của anh ta nổi như cồn. Những người mời anh ta vẽ đều khen ngợi anh ta là tài năng hiếm có. Anh ta trở nên giàu có và bắt đầu sống xa hoa. Nhưng tranh của anh ta lại rất nhạt nhẽo, không sinh động. Đúng vào năm thịnh vượng nhất, tài năng anh ta đã lụi tàn. Lúc này, học viện mỹ thuật mời anh ta đi bình phán một tác phẩm mới. Đây là một bức kiệt tác chân chính. Tác giả là một người bạn rất quen thân của anh ta. Anh ta run lên cầm cập! Anh ta nhớ lại mình cũng đã từng có tài năng... Anh ta cảm thấy tức giận và đố kỵ. Anh ta quyết tâm dùng gia tài kếch xù của mình để mua bức tranh với giá cao, rồi xé nát vụn bức tranh đó. Trong một lần tức giận, anh ta đã kết thúc cuộc đời của mình.

Sự sống, từ cái ngày được ban cho chúng ta, đã nói với chúng ta rằng: phải trân trọng nó; và phải viết ra những bản nhạc bất hủ dựa theo ý chí sinh tồn của chính mình.

Một người thợ săn đã kể cho tôi nghe câu chuyện như sau: một lần nọ, trong lúc đi săn, anh ta phát hiện một con sói con vừa mới sinh trong một cái hang. Sau khi đã xác định là không có bất cứ nguy hiểm gì anh ta mới đem con sói con về nhà và quyết định thuần phục nó. Khi con sói này lớn lên một chút, nó bắt đầu không chịu an phận. Nó thường cắn sợi xích buộc trên cổ và cố chịu đau đớn để vật lộn với sợi xích đó. Nó đang muốn thoát khỏi sự trói buộc để về với rừng. Máu ứa ra từ cổ nó, nó vẫn không ngừng lại. Liên tục mấy ngày sau, con sói cuối cùng cũng ngã xuống. Nó biết sự sống của nó không phải dựa vào sự sắp xếp của người khác để tồn tại; cho dù nó chưa từng được những con sói khác dạy dỗ, nhưng nó vẫn có giới hạn căn bản giữa sói và chó, giữa sói và sư tử, hổ, gấu, giữa sói và đại bộ phận con người. Trong núi rừng hoang dã, không có một con sói nào vượt qua giới hạn này để đầu hàng loài người. Cự tuyệt phục vụ là phép tắc chuẩn mực của một con sói chân chính. Nó có quá nhiều sức mạnh tinh thần khiến con người cảm thấy xấu hổ và kính phục. Không có bao nhiêu người có thể sống theo ý chí của mình một cách kiên cường như loài sói, để phản kháng lại sức mạnh bên ngoài gần như là không thể chống lại được; thậm chí, nhiều người còn không tiếc sự sống của mình vì đồng tiền.

Vào cuối đời Minh, có một người tên là Đàm Thiên. Sau khi đọc rất nhiều sách lịch sử, ông quyết tâm viết một bộ Minh sử. Nhưng nhà ông rất nghèo, không mua nổi sách. Thế là, ông bèn đi mượn, sau đó tiến hành chỉnh sửa từng quyển một. Năm rộng tháng dài, tư liệu được tích lũy càng ngày càng nhiều hơn. Sau hơn hai mươi năm nỗ lực, ông đã viết ra được bản thảo. Không ngờ, một đêm nọ, kẻ trộm đột nhập vào nhà ông, nhưng hắn thấy không có thứ gì đáng lấy nên đã lấy đi bộ bản thảo này. Sau khi phát hiện ra, Đàm Thiên khóc than đau đớn. Trước cú sốc nặng nề này, ông vẫn không nản lòng, ông quyết tâm viết lại từ đầu. Ông tự nhủ với mình rằng: "Chẳng phải mình vẫn còn đây sao? Chẳng phải tay mình vẫn còn đây sao? Vậy thì hãy làm lại từ đầu!" Thế là ông quyết không chùn bước, viết ra toàn bộ tâm tư của mình. Trải qua hơn mười năm vất vả nghiên cứu, cuối cùng, ông đã viết ra được một bộ "Quốc Dác" với hơn năm triệu chữ, để lại một tài liệu phong phú về triều Minh cho người đời sau.

Trong câu chuyện dưới đây, chúng ta sẽ thấy: những thử thách mà người thiếu ý chí phải đương đầu.

Một cuộc thí nghiệm rất nổi tiếng xảy ra và giai đoạn Đại Chiến Thế Giới lần hai. Người thí nghiệm là một quân y và đối tượng được thí nghiệm là một tù binh sắp bị đưa ra xử tử. Người quân y bịt hai mắt của tù binh này và trói anh ta vào giường. Người quân y cắm một đầu mũi tiêm có nối một cái ống dẫn vào tĩnh mạch ở cổ tay người tù binh. Anh ta đặt một cái chậu bên cạnh giường và nói với người tù binh: "Chúng tôi sẽ lấy máu của anh cho đến khi chảy hết máu thì thôi!". Người tù binh liền nghe thấy tiếng máu nhỏ tanh tách vào trong cái chậu. Một giờ qua đi, hai giờ qua đi... người tù binh bắt đầu hoảng loạn. Sau đó, thần trí cũng không thể nào tỉnh táo được, người tù binh này bắt đầu hôn mê... Hai ngày sau, khi người quân y này lại đến quan sát người tù binh thì phát hiện anh ta đã chết.

Thực ra, người quân y không hề lấy máu của người tù binh, một đầu của ống dẫn đã được bịt kín. Âm thanh tanh tách đó là nước từ đồ đựng có thủng một lỗ nhỏ ở đáy xuống cái chậu. Người tù binh chết là do trong dục vọng và ý chí muốn được sống của mình, anh ta đã nhầm tưởng rằng máu của mình đang chảy liên tục vào cái chậu.

Đây chính là tác dụng được phát huy từ sức mạnh của ý chí. Chúng ta không thể nhìn thấy nó, không thể sờ được nó, cũng không thể đong đếm được nó, nhưng thành bại, tương lai của bạn lại không thể thiếu nó. Vì vậy, chúng ta phải rèn luyện ý chí của mình và ngưng tụ nó, làm cho nó bộc phát để đưa chúng ta lên đến đỉnh cao của sự nghiệp.

Tháng 12 năm 1950, vào một đêm tuyết rơi, tại một gò đất phía nam hồ Chosin ở Triều Tiên, một chiến sĩ bị thương do lựu đạn đang dần hồi tỉnh. Mảnh đạn cắt vào má trái của anh, xuyên qua mắt trái. Trong lúc hôn mê, anh lại bị lính Mỹ đâm trúng bụng, ruột bị lộ ra ngoài. Sau khi tỉnh lại, ý nghĩ duy nhất của anh là không thể để bị bắt làm tù binh. Anh bò men theo bờ về phía Bắc, nhưng bị trượt rồi bị lăn xuống triền dốc đến mấy mươi mét, anh lại hôn mê. Khi tỉnh lại, anh vục đầu xuống tuyết, ngoạm lấy tuyết, cảm giác như lửa đốt ở bụng đã biến mất. Chiếc quần đã bị rách đến đầu gối, đôi giày và chân anh đã bị đông cứng lại với nhau. Anh chính là Chu Ngạn Phu, người quân nhân tàn tật.

Vết thương hành hạ đau đến thấu xương, Chu Ngạn Phu lúc mê lúc tỉnh. Khi bò được đến bờ sông, anh không thể bò thêm được nữa. Không biết bao lâu, hai trinh sát đã phát hiện ra anh. Họ đục băng lấy nước để rửa vết thương cho Chu Ngạn Phu. Họ nhét ruột vào trong ổ bụng, băng bó vết thương rồi cõng anh đến nơi có thể cứu sống anh được. Sau đó, họ để lại cho anh một ít bột mì và một bộ quần áo rồi bỏ đi. Sau hai đêm một ngày, một lão nông Triều Tiên phát hiện ra anh, ông liền cõng anh vào trong nhà và đặt bên lò sưởi. Bị đông cứng quá lâu, tay và chân anh coi như đã tàn phế. Mười mấy ngày sau, Chu Ngạn Phu được đưa đến bệnh viện đại học quân y Trường Xuân. Trong 93 ngày hôn mê, Chu Ngạn Phu đã trải qua 47 lần phẫu thuật, anh bị cắt mất hai tay và hai chân. Anh sống trở lại như một kỳ tích. Khi anh tỉnh dậy, nhìn thấy thân thể tàn phế của mình, anh rất suy sụp. Anh vẫn chưa tròn 20 tuổi, thời thanh xuân mới bắt đầu, ngày tháng sau này còn rất dài, làm sao vượt qua được?

Một hôm, Chu Ngạn Phu định tìm cái chết để kết thúc cuộc sống dài đằng đẳng của mình. Anh lăn từ trên giường xuống đất, định bò lên bàn, rồi từ bàn sẽ lăn qua cửa sổ. Anh gắng sức đến nỗi người đầm đìa mồ hôi, miệng vết thương cũng bị rách ra, nhưng không thành công. Gia nhập quân đội vào năm 14 tuổi, từng tham gia nhiều chiến dịch, người quân nhân trẻ từng đánh hơn trăm trận này mới phát hiện ra: ngay cả khả năng tự sát, mình cũng không có. Sau khi xuất viện, anh ta lại được đưa vào khu điều dưỡng thương binh. Một quân nhân tàn phế như anh thì chỉ có thể ở đây để người khác phục vụ cả đời. Nhưng đến năm 1956, anh kiên quyết yêu cầu được về quê nhà. Anh không muốn để người khác chăm sóc mình, anh muốn tự lập. Một chiếc xe cút-kít và một tờ giấy chứng nhận thương binh theo anh trở về quê nhà đã cách biệt 9 năm ròng. Người đón anh là mẹ anh, người thân còn lại duy nhất của anh.

Một khi đã xác định một mục tiêu nào đó, nếu không chết trong phấn đấu thì cũng sẽ thành công trong phấn đấu. Chu Ngạn Phu chính là người như thế. Anh trở về từ khu điều dưỡng thương binh, anh lại muốn học cách tự lập. "Đối với tôi lúc đó, điều gì là hạnh phúc? Một bữa cơm, bất kể là bằng cách nào, chỉ cần có thể nuốt được vào bụng là hạnh phúc rồi; trong toa-lét, không bị rơi xuống từ bồn cầu là hạnh phúc. Hạnh phúc lớn nhất là mọi thứ đều không cần người khác giúp đỡ, tôi tự làm lấy!" Nhưng mẹ anh vẫn phải giúp anh. Cuối cùng, anh đành phải hành động. Anh giấu mẹ mình để thực hiện kế hoạch tự giam mình. Anh mang theo bên mình 10 cân khoai lang khô, nửa vò nước, thìa, bát. Anh chia thìa và bát thành ba, đặt chúng trên giường, trên bàn và dưới đất, anh phải luyện tập việc ăn uống ở ba tư thế. Khó khăn nhất vẫn là sử dụng thìa, thìa rất trơn, không kẹp được. Càng tệ hại hơn nữa là nơi vết cắt, khi đụng vào rất đau đớn. Anh lặp lại một động tác ăn suốt ngày suốt đêm. Còn việc gắn chân giả, cũng không phải là chuyện dễ làm. Khi lần đầu tiên quấn băng, dải băng đã rơi xuống giường hơn 100 lần. Chụp cái chân giả vào thì khá dễ nhưng làm thế nào cũng không thể cài được cái móc. Anh đành phải dùng răng ngậm cái chân giả lên giường, dùng chăn bông cố định cái chân giả, sau đó, anh dùng đầu lưỡi liếm, dùng miệng hút, dùng răng cắn. 20 ngày sau, khoai lang khô đã hết, nước cũng cạn, cuối cùng anh cũng gắn được cái chân giả thứ hai. Chu Ngạn Phu vui sướng chống cây nạng, dùng hết sức để đứng dậy. Keng! Anh bị ngã, rồi lại ngất đi. Trời mưa to. Nước mưa theo kẽ tường, khe cửa chảy vào phòng, Chu Ngạn Phu bị ướt nên tỉnh dậy. Anh kê miệng xuống đất, uống lấy uống để. Anh tập dùng thìa xúc đất bùn bỏ vào trong bát và ăn. Anh biết muốn tự lập thì phải kiên quyết không được gọi người đến giúp, chết đói cũng không! Hoặc là luyện tập thành công và ra khỏi phòng, hoặc là chết đói ở đây...

Khi cục trưởng cục dân chính và mẹ của anh phát hiện ra anh, mọi người đều tưởng anh đã chết, họ vội đưa anh đến bệnh viện. Anh vẫn chưa chết, các bác sĩ ở đây cũng phải kinh ngạc vì sức sống của anh.

Năm 1958, Chu Ngạn Phu đã có thể tự ăn, tự chăm sóc cho mình và còn kết hôn với một cô gái đáng yêu. Mỗi tháng, anh được nhận 42 đồng tiền cấp dưỡng, cũng đủ sống. Nhưng anh cảm thấy không thể suốt đời chỉ biết ăn và đi tiểu tiện, như thế chẳng khác nào động vật bậc thấp. Anh phải làm cái gì đó ở ngay thôn làng của mình. Anh dùng số tiền cấp dưỡng mua mấy trăm đầu sách, mở ra một nhà sách gia đình. Nhà sách của anh càng ngày càng đông khách, không lâu sau, anh được bầu làm bí thư chi bộ đảng của thôn.

Bí thư chi bộ thôn này đã làm được 25 năm. Anh còn làm được nhiều việc lớn cho thôn: thứ nhất, phát triển cây ăn quả, xây dựng vườn dâu, vườn tiêu, vườn táo. Thứ hai, cải tạo đất đai. Thứ ba, sửa chữa đường dẫn nước. Thứ tư, dựng trụ điện. Đừng xem thường những trụ điện này. Bắt đầu từ năm 1971, anh đã chạy liên tục trong 7 năm, hành trình hơn mấy mươi ngàn dặm, mới có đủ 20 trụ điện để mang ánh sáng đến cho thôn làng. Mười một thôn xóm lân cận cũng đã kết thúc cuộc sống không có điện nhờ nỗ lực của anh. Tại nơi giao thông không mấy phát triển này, hành trình mấy mươi ngàn dặm đối với một người không tay không chân sẽ có ý nghĩa như thế nào? Có một lần, Chu Ngạn Phu cưỡi lừa đi qua núi Tùng Tiên, anh bị ngã đến mười mấy lần. Nhưng anh không muốn người khác thương hại anh, chăm sóc anh. Việc mình có thể làm thì anh sẽ tự làm. Anh từng nói với con gái mình: "Nhà chúng ta đã có một người tàn tật, tuyệt đối không để chữ tàn thứ hai xuất hiện - công dân tàn phế". Anh dạy con gái mình như thế và cũng là khích lệ mình. Năm 1982, Chu Ngạn Phu bãi nhiệm. Anh bị mắc bệnh gan, bệnh dạ dày, bệnh tim. Anh phải nghỉ ngơi. Nhưng anh vẫn không chịu nghỉ! Người không được đi học ngày nào này lại có một mục tiêu mới: viết sách! Anh dồn tất cả 40 năm cuộc đời mình vào đầu bút. Khi ở khu điều dưỡng thương binh, Chu Ngạn Phu có học lớp cấp tốc mấy ngày, sau đó anh tự học đọc và viết. Anh không bao giờ dám viết trước mặt người ngoài, vì anh không biết nét nào nên viết trước, nét nào nên viết sau.

Khi anh nói viết sách, ban đầu, người nha đều không nghĩ rằng anh sẽ làm thật. Nhưng Chu Ngạn Phu làm thật, nói viết là viết. Anh nhốt mình trong phòng, viết một mạch trong 7 năm. Viết sách cũng khó như việc luyện ăn uống năm xưa. Khi bắt đầu, Chu Ngạn Phu dùng miệng cắn vào bút để viết; nhưng khoảng cách giữa mắt và giấy quá gần, viết chưa được bao lâu đã chóng mặt. Mặt bên trái của anh đã từng bị thương, thỉnh thoảng, cơ lại co giật, không thể khống chế được miệng. Những chữ mà anh đã khổ công viết ra cũng bị nước bọt từ cán cây bút chảy xuống làm nhòa đi. Một lúc sau, anh lại luyện viết chữ bằng tay. Từ những chữ to như nắm tay đến những chữ nhỏ như sợi dây đồng, cuối cùng chúng cũng nằm trong khuôn khổ một ô li. Đó là một quá trình dài. Chu Ngạn Phu đem những gì mình viết được cho những người làm văn thơ trong huyện xem. Mọi người xem xong bèn nói với con của Chu Ngạn Phu: "Về nói với ông ấy đừng làm khổ mình nữa, dù có viết hay gấp mười lần thì cũng không thể in thành sách được đâu. Nếu không viết về những chủ đề yêu đương, nhảy nhót thì ai mà đọc?" Không có người đọc thì cũng vẫn viết! Không xuất bản được thì để lại cho gia đình, nếu không được nữa thì làm di chúc. Anh đặt tên cho tác phẩm của mình là "Huyết Khâu" (con giun). "Con giun là động vật bậc thấp, cũng không có tay chân, nhưng nó vẫn có thể giúp cho đất tơi xốp, màu mỡ! Tôi có máu, có thịt, có tình cảm, tôi phải là một con giun trong tư tưởng cằn cỗi của con người." Chu Ngạn Phu tự mình mang theo tác phẩm viết tay với hơn 40 ngàn chữ đến Tế Nam. Tháng 8 năm 1996, "Huyết Khấu" được xuất bản với tên mới là "Cuộc đời vô hạn". Tác phẩm này đã bán rất chạy.

Những ví dụ ở hai mặt tương phản nhau này đã cho chúng ta thấy: "Ý chí là sức mạnh vô tận cho thành công của chúng ta" và sự hình thành ý chí này lại dựa vào mục tiêu đáng để chúng ta theo đuổi. Khi có mục tiêu đang chờ đợi chúng ta, chúng ta sẽ cảm thấy có lý do để khởi động bản thân mình.

Khi một hạt giống đã có đủ sức sống mạnh mẽ, thì dù nó có bị khối đá nặng đến đâu đè lên trên, nó vẫn sẽ tìm được khe đất để vươn lên. Nếu một người thực sự có ý chí kiên cường và tố chất cá nhân toàn diện thì dù hoàn cảnh có bất lợi đến đâu, anh ta cũng sẽ tìm được cơ hội thuộc về mình. Vì vậy, rất nhiều người chỉ có thể loanh quanh trước cánh cửa kho báu mà không thể tiến vào được là do chính bản thân họ đã đánh mất đi câu thần chú của Alibaba.

Thành công hiển nhiên là không thuộc về những người này, trước đã không, sau này cũng không. Chỉ có ý chí bất khuất, thì mới không sợ thất bại. Dù thất bại bao nhiêu lần, dù thời gian sớm hay muộn, thành công luôn là việc có thể. Đối với một người không đánh mất đi lòng can đảm, ý chí, tự trọng và tự tin, chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về họ. Nếu bạn là một kẻ mạnh, nếu bạn có sự dũng cảm và sự dẻo dai, bạn hãy để phép tắc của ý chí đánh thức hùng tâm của bạn, để cho bạn càng lớn mạnh hơn! Hãy lắng nghe tiếng lòng của Chu Ngạn Phu: chúng ta sẽ không chọn làm con người tầm thường, nếu chúng ta có thể làm được, thì chúng ta có quyền trở thành một người vĩ đại. Tôi tìm cơ hội, nhưng tôi không tìm sự yên ổn. Tôi không muốn được sinh ra trong sự che chở của nhà nước để trở thành một thị dân được bảo bọc. Như thế, tôi sẽ cảm thấy rất đau buồn vì bị người khác coi thường.

Tôi phải thực hiện một cuộc mạo hiểm có ý nghĩa. Tôi phải ước mơ, tôi phải sáng tạo, tôi phải thất bại, tôi càng phải thành công.

Tôi quyết không đem nhân cách ra để đổi lấy sự bố thí. Tôi thà chiến đấu với cuộc sống chứ không muốn sống trong sự bảo bọc. Tôi thà bị khuấy động để đạt được mục tiêu, chứ không muốn sự bình yên không có sức sống. Tôi sẽ không đổi chác tự do của mình với sự từ thiện, cũng không đem tự trọng của mình ra để đổi lấy thức ăn. Tôi quyết không run rẩy trước bất cứ một ông thầy nào, cũng không khuất phục trước bất cứ một nỗi sợ hãi nào. Kẻ thù của chúng ta mãi mãi chỉ có một, đó là bản thân chúng ta.

Bẩm sinh của tôi là vươn vai đứng thẳng, kiêu hãnh, can đảm, dũng cảm đối mặt với thế giới này, xin hãy tin chúng tôi, tin vào bản thân mình, tin rằng thế giới này sẽ thay đổi vì chúng ta.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#kinhdoanh