- Phép tắc 36: VIỆN CỚ LÀ CHIẾC GIƯỜNG ẤM ÁP CỦA SỰ TRÌ HOÃN

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Một thi nhân người Anh từng nói: "Trì hoãn là kẻ cướp thời gian."

Trên cánh đồng của một lão nông, có một tảng đá lớn đã nằm ở đó từ nhiều năm nay. Tảng đá đó đã làm hỏng mấy lưỡi cày của lão nông này. Ông lão cũng không biết làm sao.

Một hôm, lại thêm một lưỡi cày nữa bị gãy. Cuối cùng, lão nông quyết định xử lý tảng đá này. Ông bèn lấy cây gỗ để nạy tảng đá lên. Nhưng ông lại kinh ngạc khi phát hiện phần dưới của tảng đá không sâu, không nặng như ông tưởng, chỉ cần nạy nhẹ là tảng đá đã bật lên. Ông chợt nhớ đến những khổ sở bao lâu nay do tảng đá này gây ra mà bất giác gượng cười.

Câu chuyện trên giúp chúng ta nhận ra được một nguyên tắc trong quản lý doanh nghiệp: khi gặp phải vấn đề thì chúng ta phải lập tức tìm hiểu rõ nguyên căn, có vấn đề thì phải lập tức xử lý, tuyệt đối không được trì hoãn. Trong hoạt động quản lý doanh nghiệp, chúng ta thường gặp phải những vấn đề hoặc hiện tượng không tốt xuất hiện lặp đi lặp lại. Nếu giấu bệnh sợ thuốc hoặc dây dưa trì hoãn thì chắc chắn sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí làm cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp không thể nào tiến hành bình thường. Nếu nghiêm trọng, còn có thể uy hiếp đến sự tồn vong của doanh nghiệp. Vì vậy, trong quản lý, nếu tần suất của vấn đề xuất hiện khá nhiều thì chúng ta không nên lảng tránh, mà hãy tìm ra manh mối, kịp thời điều tra để tìm hướng giải quyết. Một số người cho rằng do dự thiếu quyết đoán là biểu hiện của tính cẩn thận. Nhưng trong xã hội cạnh tranh khốc liệt như ngày nay, sẽ không có quá nhiều thời gian để chúng ta suy nghĩ một cách cẩn trọng. Chuyện gì cũng phải quyết đoán kịp thời, một khi đã hạ quyết tâm thì không nên thay đổi ý định. Đương nhiên, chúng ta vẫn thường sợ thất bại sau khi đã quyết định, nhưng chúng ta phải tự tin. Người xuất sắc không phải sẽ giành được thắng lợi trong mọi trận đánh, chỉ là họ có nhiều trận thắng hơn mà thôi. Nếu sợ thất bại, nếu cả dũng khí chiến đấu cũng không có thì cơ hội giành phần thắng sẽ không bao giờ chiếu cố đến bạn. Vì vậy, chúng ta cần phải bồi dưỡng cho mình khả năng quả đoán khi làm việc, không nên dây dưa, trì hoãn. Chỉ có như thế, chúng ta mới có cơ hội làm tốt mọi việc.

Trong học viện quân sự, quan niệm đầu tiên chính là không viện bất cứ lý do gì, không được trì hoãn, lập tức hành động! Nếu lần thứ nhất, do sơ suất hoặc do một nguyên nhân nào đó, tôi không kịp đánh bóng giày của mình, tôi lại tìm đủ mọi lý do để không bị phạt thì sẽ có lần thứ hai, lần thứ ba... Lâu dần, chí ít là trong việc đánh giày, tôi sẽ có thói quen luôn tìm cớ và những cái cớ này lại làm cho tôi vô cớ lần lữa đối với việc đánh giày. Bạn hãy thử nghĩ xem, nếu không phải là việc đánh giày, mà là trên chiến trường, trong việc xây dựng... thói quen này sẽ gây ra hiệu quả đáng sợ đến mức nào!

Không phải tôi tuyệt đối hóa vấn đề, nhưng thương trường thực sự là một chiến trường. Nếu muốn đứng vững trên thương trường, chúng ta cần phải có một đoàn thể có khả năng chiến đấu, có hiệu quả. Bất cứ một doanh nhân nào cũng đều biết không thể kỳ vọng nhiều vào những người có thói quen trì hoãn.

Việc hôm nay lại kéo dài đến ngày mai, cần gọi điện thoại ngay lập tức thì lại đợi đến một hai giờ sau mới gọi, báo cáo cần hoàn thành xong tháng này lại kéo dài đến tháng sau... Tôi không hiểu tại sao người thích trì hoãn lại có lắm lý do đến thế: công việc quá nhàm chán, quá vất vả , môi trường làm việc không tốt, đầu óc của ông chủ có vấn đề, thời gian hoàn thành quá gấp... Tôi chỉ biết, những nhân viên như vậy chắc chắn là những nhân viên không cố gắng trong công việc, hoặc ít ra là nhân viên không có thái độ làm việc tốt. Họ tìm đủ mọi lý do để lừa dối doanh nghiệp, lừa dối cấp trên. Họ là những người không có trách nhiệm.

Gác mọi chuyện lại ngày mai là biểu hiện của sự trì hoãn.

Đằng sau sự trì hoãn là tính lười biếng. Chúng ta đều đã từng trải qua những chuyện thế này: sáng sớm, chuông đồng hồ làm bạn thức giấc, bạn muốn dậy để đi làm, nhưng đồng thời cũng cảm nhận được sự ấm áp của chăn màn. Một bên thì không ngừng bảo bạn dậy, một bên thì không ngừng cho bạn một cái cớ "chờ thêm tí nữa". Thế là, bạn lại nằm thêm năm phút, thậm chí là mười phút...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#kinhdoanh