- Phép tắc 4: DÁM LÀM DÁM CHỊU

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Loài sói rất thích sống trong rừng rậm, nhưng chúng ta vẫn phát hiện thấy có loài sói trên sa mạc, đồng bằng và vùng đất băng giá. Sói rất thông minh. Chúng dùng mùi vị, ngôn ngữ của mặt và cơ thể, tiếng kêu để giao tiếp với nhau. Tiếng kêu có thể giúp chúng tìm được nhau, xây dựng địa bàn, chống lại những tấn công từ bên ngoài. Đôi lúc, chúng cũng kêu lên vì vui mừng. Ngoài thính giác, sói còn có khứu giác nhạy bén và có thể phát giác ra con mồi ở cách chúng 2km. Khi thất bại, chúng cũng biết gầm gừ giận dữ. Khi sói bị những con vật khác tấn công, chúng không hề sợ hãi hay nhát gan. Chúng biết, một con sói chân chính sẽ không trốn chạy, mà phải chiến đấu. Chiến đấu mới có hy vọng sống, có trốn chạy thì chỉ có chết. Đây là phép tắc của loài sói.

Chỉ có con sói sinh ra để chiến đấu chứ không có con sói sinh ra vì sợ chiến đấu. Cuộc sống của chúng là chiến đấu, dù có chết cũng phải chết ở chiến trường. Can đảm chính là phép tắc để loài sói luôn sinh tồn.

Mạnh Tử cho rằng, đạo đức nhân, nghĩa, lễ, trí là thứ cố hữu trong tâm, là lương tri, lương năng của con người, là đặc trưng bản chất để phân biệt con người với cầm thú. Ông nói: "Cái gốc của nhân nghĩa lễ trí là ở tâm", "nhân nghĩa lễ trí không phải do rèn luyện ở bên ngoài, bản thân ta đã có". Do loài người có "thiện đoan", tức là lòng trắc ẩn, lòng xấu hổ và căm ghét, lòng khiêm tốn, lòng thị phi được gọi là "tứ đoan". Có người có thể mở rộng nó, tăng cường tu dưỡng đạo đức; có người lại cam chịu, sa ngã vì hoàn cảnh, điều này sẽ tạo ra nhân cách khác nhau. Vì vậy, Mạnh Tử rất coi trọng tính tự giác tu dưỡng đạo đức. Mạnh Tử cho rằng dù hoàn cảnh có tồi tệ đến đâu, cũng phải hăng hái vươn lên, biến hoàn cảnh tồi tệ đó thành công cụ để rèn luyện mình. Chúng ta nên thực hiện "giàu sang không được phóng túng, nghèo khó không được thay đổi, uy vũ không được khuất phục", trở thành một đại trượng phu chân chính. Nếu gặp thử thách nghiệt ngã, chúng ta nên xả thân vì nghĩa, thà hy sinh tính mạng mình chứ quyết không từ bỏ nguyên tắc sống. Như thế, chúng ta mới có thể bồi dưỡng được lòng can đảm.

Thời Xuân Thu, Thôi Trữ, đại phu nước Tề giết chết Tề Trang Công. Thái Sử không hề giấu giếm, viết thẳng vào sách là: "Thôi Trữ giết vua Tề". Thôi Trữ thẹn quá hóa giận, giết chết Thái Sử. Em trai của Thái Sử vẫn theo sự thật mà viết vào sách và lại bị giết chết. Một người em trai khác của Thái Sử vẫn kiên quyết không thay đổi, Thôi Trữ không còn cách nào khác, đành phải nghe theo. Nam Sử Thị, một vị quan sử khác, nghe thấy anh em Thái Sử bị giết, nhưng không hề sợ hãi, ông cầm thẻ tre đi thẳng đến triều đình, phải tiếp tục viết lại sự thật này. Trên đường đi, ông nghe nói chuyện Thôi Trữ giết vua đã được ghi lại đúng như sự thật, ông mới chịu quay về.

Nếu nói đến người nói thẳng mà không sợ cường quyền thì Ngụy Trưng là một điển hình. Sau biến cố Huyền Vũ Môn, có người tố giác với Tần Vương Lý Thế Dân: Đông Cung có một quan viên tên là Ngụy Trưng. Người này từng tham gia và nghĩa quân của Lý Mật và Đậu Kiến Đức. Sau khi Lý Mật và Đậu Kiến Đức thất bại, Ngụy Trưng đã đến Trường An, làm thủ hạ cho thái tử Kiến Thành và từng khuyên Kiến Thành giết Tần Vương.

Tần Vương nghe xong, lập tức phái người đi tìm Ngụy Trưng. Ngụy Trưng gặp Tần Vương. Tần Vương nghiêm mặt hỏi ông ta: "Tại sao ngươi lại khiêu khích ly gián huynh đệ ta?"

Quần thần nghe Tần Vương hỏi như vậy, cho rằng Tần Vương sắp luận tội Ngụy Trưng nên không khỏi lo lắng cho ông. Nhưng Ngụy Trưng trả lời rất điềm tĩnh: "Chỉ tiếc là lúc đó, thái tử không nghe lời tôi. Nếu không thì cũng không có những chuyện như thế xảy ra."

Tần Vương nghe xong, cảm thấy Ngụy Trưng nói rất thẳng thắn, rất can đảm, nên Tần Vương không những không trách tội Ngụy Trưng mà còn nói rất vui vẻ: "Đây là những chuyện của quá khứ, không cần phải nhắc đến nữa."

Sau khi lên ngôi, Đường Thái Tông phong cho Ngụy Trưng làm chức Gián Nghị Đại Phu, còn cất nhắc cho những thuộc hạ của Kiến Thành, Nguyên Cát lên làm quan. Những quan viên cũ của Tần Vương đều không phục, họ bàn tán sau lưng: "Chúng ta theo hoàng thượng bao lâu nay. Bây giờ, hoàng thượng lại để cho người của Đông Cung, Tề Vương Phủ được hưởng lợi, còn ra thể thống gì nữa?"

Tể tướng Phòng Huyền Linh tâu lại với Đường Thái Tông. Đường Thái Tông cười nói: "Triều đình thiết lập ra quan viên là để cai quản đất nước, nên tuyển chọn hiền tài, làm sao có thể dùng mối quan hệ để làm tiêu chuẩn được. Nếu người cũ không có tài, người mới lại có tài thì không thể gạt bỏ người mới để dùng người cũ được." Mọi người nghe xong mới không còn bàn tán gì nữa.

Đối với những chuyện đại sự của triều đình, Ngụy Trưng đều suy nghĩ rất thấu đáo, có ý kiến gì là sẽ nói thẳng trước mặt Đường Thái Tông. Đường Thái Tông cũng rất tin tưởng ông, thường gọi ông vào cung để nghe ý kiến của ông. Do Ngụy Trưng dám nói thẳng nên ông đã được lưu danh sử sách, được người đời sau khen ngợi.

Không sợ hãi, sự thật lịch sử mới là chân thật, chúng ta mới có thể lấy lịch sử làm tấm gương soi và tinh thần can đảm càng làm chúng ta xúc động.

Gian ác chắc chắn sẽ bị tiêu diệt. Chống tham quan, trừ ác bá là công trạng nổi trội nhất và được người đời sau ca ngợi của Bao Công. Lịch sử đã từng lưu lại rất nhiều vở kịch nổi tiếng về Bao Công. Những vở kịch này không những miêu tả Bao Công là một vị quan thanh liêm mà còn miêu tả Trương Long, Triệu Hổ, Vương Triều, Mã Hán, Triển Chiêu cùng đoàn kết một lòng, thần thông quảng đại, trảm hoàng thân, trảm quốc cựu, trảm tất cả tham quan ô lại. Bao Công tay cầm Thượng phương bảo kiếm, thậm chí cả thánh chỉ của hoàng đế cũng chống lại. Cẩu đầu trảm, hổ đầu trảm, long đầu trảm, kính âm dương, cả Diêm Vương cũng phải nhượng bộ, yêu ma quỷ quái cũng không là vấn đề gì. Những tình tiết mang nét thần kì này là sáng tạo của dân gian. Người đời xem xong thì tâm trạng sảng khoái, hả lòng hả dạ, tham quan ô lại xem xong thì kinh hoàng khiếp sợ. Những tình tiết thần kì này không hoàn toàn là sự thật, đều là do hình tượng nghệ thuật tô vẽ thêm. Bao Công chân thực không có quyền lực lớn như thế, cũng không có thần thông quảng đại như thế; nhưng tất cả những điều này không phải là không có căn cứ, có nghĩa là những sáng tạo nghệ thuật này đều dựa trên sự thực lịch sử. Trong hơn 30 năm Bao Công nhậm chức, những đại thần quan trọng bị giáng chức, bãi quan, bị xử theo pháp luật dưới sự tố cáo của Bao Công không dưới 30 người. Đây là một con số đáng nể, rất hiếm thấy. Vì một người, một án kiện, Bao Công thường tấu lên ba bản, năm bản, bảy bản, thậm chí tấu liên tục nhiều bản như pháo liên thanh được tập trung toàn bộ hỏa lực, quyết đạt được mục đích mới thôi. Những người bị tố cáo này đều là những người có quyền có thế, có người nâng đỡ. Trong đó, một số người còn có tước vị cao hơn Bao Công, dưới một người trên vạn người. Bao Công dám hành xử theo lý, không sợ quyền thế. Tinh thần can đảm này là xuất chúng trong mắt của rất nhiều người.

Ngày xưa có Bao Công trừ gian diệt ác, ngày nay cũng có Trần Gia Canh dám nói thẳng. Năm 1957, Trần Gia Canh tham gia vào Đại hội toàn quốc lần thứ tư, là thành viên của đoàn chủ tịch. Lúc đó, người phát ngôn của hội nghị lên đến hàng trăm người, nội dung toàn là "chống Thạch". Trần Gia Canh đã phát biểu trong hội nghị ngày 2 tháng 7. Đầu tiên, ông khẳng định: "Nhân dân có thể tự do nói lên ý kiến của mình...". Tiếp đó, ông đưa ra mười sáu ý kiến, dài đến năm ngàn từ nhưng không có một chữ nào nhắc đến việc "chống Thạch", mà chỉ phê bình chủ nghĩa quan liêu, chủ quan, kiêu căng, tự mãn lười nhác... của Đảng viên. Sau khi Trần Gia Canh trở về Phúc Kiến, ông lại có một bài phát biểu dài trên nhật báo Phúc Kiến. Nội dung vẫn là mười sáu ý kiến của ông đối với Đảng viên, phê bình chủ nghĩa quan liêu, chủ nghĩa chủ quan. Có người khuyên Trần Gia Canh không nên tiếp tục hô hào nữa, nhưng ông trả lời rằng: "Cả cuộc đời tôi theo đuổi sự thật, bất bình thì lên tiếng. Làm người phải thành thực, chính trị càng phải thành thực, tuyệt đối không thể nói dối, chỉ hươu bảo ngựa." Câu trả lời rất ngắn gọn nhưng thái độ lại rất kiên định. Thái độ không sợ hãi đã giúp Trần Gia Canh có dũng khí và sức mạnh để dám nói lên sự thật. Chỉ riêng thái độ thành thật của ông đã cho thấy ông là một nhà yêu nước chân chính.

Do tài sản của tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành đứng đầu thế giới người Hoa và do ông hào phóng góp tiền xây dựng tổ quốc nên tên tuổi của ông từ lâu đã quen thuộc với người dân đại lục.

Lý Gia Thành sinh ra trong một gia đình dòng dõi Nho học ở huyện Triều An (nay là Triều Châu), tỉnh Quảng Đông. Cha ông, Lý Vân Kinh, là hiệu trưởng của một trường tiểu học, gia cảnh thanh bần. Lý Gia Thành từ nhỏ vốn thông minh, hiếu học, chưa tròn 5 tuổi đã bắt đầu đọc sách. Năm 11 tuổi, gót giày xâm lược của Nhật đã tiến vào Trung Quốc, giày xéo quê hương ông. Cha ông đưa cả nhà đi lánh nạn ở Hồng Kông. Cuối năm 1940, Lý Vân Kinh, một người lo cho nước cho dân, đã mắc bệnh phổi do tâm lực suy kiệt. Vì không có tiền để trang trải viện phí, Lý Vân Kinh đã qua đời khi chỉ mới 45 tuổi. Cậu thiếu niên Lý Gia Thành đau đớn vô hạn, cậu bắt đầu quên tuổi trẻ của mình, tìm cách để thoát khỏi chữ nghèo, đầy đau đớn và tủi nhục. Không những là chữ nghèo, mà còn là pháp luật, một thứ pháp luật tàn khốc nhất, hiện thực nhất, hà khắc nhất. Vì nghèo, có thể sẽ mất đi quyền làm chủ; vì nghèo, có thể đánh mất đi sự tôn nghiêm; vì nghèo, có thể đánh mất đi sự sống. Nghèo có nghĩa là thất bại, có nghĩa là tiêu vong...

"Không! Tôi không muốn nghèo!" Lý Gia Thành gào to những tiếng từ đáy lòng. Bản thân là con trưởng, Lý Gia Thành phải đảm đương trách nhiệm chăm sóc mẹ, nuôi nấng các em. Do đó, Lý Gia Thành rời khỏi nhà trường, bước đi trên con đường đời dài đằng đẵng. Như một con bê con không biết run sợ trước hổ dữ, Lý Gia Thành gia nhập vào giới kinh doanh Hồng Kông hiểm ác và đầy ảo mộng. Lúc đó, Lý Gia Thành chỉ mới 14 tuổi.

Công việc đầu tiên mà Lý Gia Thành tìm được là làm nhân viên bán hàng cho một xưởng sản xuất đồ chơi. Mỗi ngày, ông làm đến 16 giờ. Do ông làm việc cần cù, nghiêm túc, mẫn cán nên được ông chủ tăng lương rất nhanh. Khi Lý Gia Thành được 20 tuổi, ông được đưa lên làm giám đốc của xưởng này. Lý Gia Thành không vì vậy mà thỏa mãn. Ban ngày, ông làm việc, buổi tối ông theo học lớp học ban đêm. Ông sống rất tiết kiệm. Sau 8 năm nỗ lực, ông đã tích lũy được một số tiền. Đến năm 1950, ông dùng 50 ngàn đô la Hồng Kông mở ra một xưởng sản xuất nhựa Trường Giang, chuyên sản xuất đồ chơi và đồ gia dụng, sau đó lại đổi tên thành công ty thương nghiệp Trường Giang.

Vài năm đầu, Lý Gia Thành đã phải vất vả ngày đêm. Ông vừa làm kế toán, vừa làm quản lý xưởng, vừa đốc thúc sản xuất, vừa liên hệ khách hàng, vừa bán hàng. Mỗi ngày, ông đều làm việc đến 17, 18 giờ. Sau khi nếm trải vô số khó khăn, gian khổ, Lý Gia Thành bắt đầu vươn lên! Trong lịch sử dựng nghiệp huy hoàng của ông, có một số chuyện khiến người khác phải đặc biệt chú ý:

Sau thập niên 50, khi kinh tế Hồng Kông khởi sắc, Lý Gia Thành là người đầu tiên bước vào thế giới hoa nhựa. Trong cơn sốt hoa nhựa, công ty Lý Gia Thành liên tục độc chiếm vị trí "hoa khôi" trên thị trường quốc tế. Cuối thập niên 50, Lý Gia Thành lại tiến vào thị trường bất động sản. Thập niên 60, Lý Gia Thành bắt đầu phất lên trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Cuối thập niên 70, Lý Gia Thành trở thành ông chủ mới của bất động sản, trở thành tỷ phú. Bằng khả năng dự đoán chính xác và khả năng ứng biến nhạy cảm, quả đoán, Lý Gia Thành đã viết nên bài ca "Trường Giang". Trong hồ sơ của Lý Gia Thành, có những sử kiện nên đưa vào sử sách: tạp chí Forbes của Mỹ bầu chọn ông là người đứng đầu trong 10 nhà tỷ phú người Hoa của thế giới. Năm 1980, Lý Gia Thành được đài truyền hình Hồng Kông bầu chọn làm nhân vật quan trọng của năm. Năm 1990, ông lại giành được giải thưởng thành tựu kinh doanh của năm. Là một nhân vật vĩ đại trong giới doanh nhân, Lý Gia Thành có một linh cảm: "Từ nay đến khi bước sang thế kỷ 21, chúng ta có thể phát triển đến thời đại của người Châu Á, cũng là thời đại của người Trung Quốc."

Bằng tinh thần can đảm, Lý Gia Thành đã dũng cảm khiêu chiến với cuộc sống và giành được thành công trong sự nghiệp.

Trong lịch sử cách mạng thế giới, Pavel Corsaghin đã được lưu danh sử sách nhờ vào tinh thần hy sinh dũng cảm của mình. Có thể nói, khi nhắc đến Pavel Corsaghin, người ta đều không khỏi nhắc đến câu nói nổi tiếng: "Đời người phải sống như thế...". Pavel Corsaghin đã từng nếm trải nhiều đau khổ trong cuộc sống, đã tôi luyện được tính cách phản kháng và tinh thần cách mạng. Sau khi Cách Mạng Tháng Mười nổ ra, Pavel Corsaghin đã gia nhập vào Hồng Quân khi mới 16 tuổi. Dù là trong trận chiến đầy lửa khói hay trong thời kỳ khôi phục kinh tế quốc dân, Pavel Corsaghin đều bộc lộ tinh thần can đảm, ý chí thép, chủ nghĩa yêu nước mạnh mẽ và lòng trung thành vô hạn đối với nhân dân. Anh có một tình yêu vô hạn đối với cuộc sống, trung thành với sự nghiệp, hiến dâng vô tư, dũng cảm chiến đấu với khó khăn, coi khinh sự đê hèn và nhỏ mọn, nên anh đã có được sự tôn kính và tình yêu của mọi người. Những điều này cũng đã giải thích cho chúng ta biết nội hàm của anh hùng, giúp chúng ta nhớ cách làm thế nào để viết nên cuộc đời.

Những doanh nhân kiệt xuất của thể giới như Jack Welch của ngành điện máy, Bill Gates của Microsoft, cũng thường gặp những chuyện không như ý, như đôi lúc dù họ có vắt kiệt sức thì cũng không thể mang lại giá trị lớn cho doanh nghiệp. Vậy họ đã đối mặt những vấn đề này như thế nào? Đó chính là lòng can đảm. Nếu bạn khuất phục trước áp lực của nỗi sợ hãi, thì nó sẽ gây ra ảnh hưởng rất lớn đối với bạn. Từ đó, hậu quả của nó thường khiến bạn trở tay không kịp. Ví dụ, bạn sợ bị người khác từ chối, thì bạn sẽ có thái độ hạ mình, khúm núm, mà điều này thường khiến người khác khó chịu. Khi bạn sợ thất bại, bạn sẽ có những biểu hiện kém cỏi do mất tự tin. Trước khi bạn nhận thức đầy đủ về năng lực của bản thân, bạn cần phải đối mặt, khắc phục tâm lý sợ hãi. Can đảm mới có thể làm cho những vấn đề này tránh xa chúng ta.

Những trường hợp mất đi thời cơ tốt do tâm lý sợ hãi cũng không phải hiếm. Năm 1967, trung tâm nghiên cứu của công ty đồng hồ đeo tay Thụy Sĩ đã phát minh ra đồng hồ thạch anh điện tử, nhưng họ lại từ chối đề nghị sản xuất loại đồng hồ này. Ai lại đeo một thứ đồng hồ không có dây cót chứ? Nhưng mười năm sau, quyết định này lại làm cho tỉ lệ chiếm hữu thị trường của đồng hồ đeo tay Thụy Sĩ từ 65% tụt xuống dưới 10%. Nguyên nhân là do công ty của Nhật đã lợi dụng phát minh này của công ty Thụy Sĩ để sản xuất đồng hồ điện tử với quy mô lớn; và cuối cùng, công ty Thụy Sĩ đã không thu được gì.

Vì vậy, chúng ta cần phải khiêu chiến với chữ "dám" trong chúng ta. Dám đi trước mọi người, dám làm dám chịu, dám thất bại. Đây cũng chính là tiền đề của lòng dũng cảm, mạnh dạn đi về phía trước.

Có một câu chuyện như sau: chàng trai trẻ nọ một lòng muốn trở thành anh hùng, nhưng lại không biết làm thế nào để trở thành anh hùng chân chính. Thế là, anh ta quyết định đến thỉnh giáo một nhà thông thái ẩn cư nơi núi cao. Chàng trai trẻ này trèo đèo lội suối ròng rã ba tháng trời, cuối cùng cũng tìm được nhà thông thái đang sống trong một căn nhà nhỏ. Chàng trai này đã gõ cửa nhà ông đến 5 lần, nhưng lần nào ông cũng đều viện lý do: ngươi đến quá muộn rồi, ngươi đến quá sớm rồi, ngươi đến quá trễ rồi, ngày mai hãy đến... để không gặp mặt chàng trai. Khi chàng trai đến gõ cửa lần thứ sáu, nhà hiền triết lại nói: "Ta cần nghỉ ngơi, ngày mai ngươi hãy đến!" Anh ta nổi giận, lớn tiếng nói: "Lần nào ông cũng một mực từ chối, vậy thì đến lúc nào tôi mới trở thành anh hùng chân chính?" Nói xong, anh ta đạp tung cánh cửa, hùng hổ xông vào nhà. Nhà thông thái cười, hé mắt nhìn anh thanh niên, nói: "Ta chờ đến sáu ngày rồi, để xem ngươi có dám mở cửa không. Để trở thành người anh hùng chân chính, đầu tiên là phải dám phá vỡ những cánh cửa che chắn xung quanh mình. Mọi chuyện trên đời này đều được ẩn giấu ở sau cánh cửa. Hành động này đã chứng tỏ ngươi đã đặt được bước chân đầu tiên lên con đường đi đến thành công."

Đúng vậy, khi chúng ta làm một việc gì thì cần phải có lòng can đảm, dám mạo hiểm. Rụt rè, do dự, sợ bóng sợ gió thì vĩnh viễn không nhìn thấy được phong cảnh đẹp nhất. Không dám mở cánh cửa đang đóng chặt thì chỉ có thể loanh quanh bên ngoài cửa, không bao giờ biết được trở thành anh hùng thực sự là như thế nào, cũng không bao giờ được đặt chân lên con đường thành công.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#kinhdoanh