- Phép tắc 6: GIẤU MÌNH

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sói có khứu giác nhạy cảm và tầm nhìn xa. Sói nhờ vào thị giác, khứu giác và theo những manh mối như dấu chân để tìm ra con mồi. Nếu sói phát giác địa thế nơi con mồi đang đứng sẽ có lợi cho mình thì nó sẽ tìm mọi cách tiếp cận con mồi. Khi con mồi trốn chạy, sói sẽ đuổi theo phía sau. Nếu nó không thể đuổi bắt được ngay thì sẽ lập tức từ bỏ con mồi này và chuyển sang con mồi khác. Vì sói thà chờ đợi lâu mà giành được thắng lợi chứ không muốn dùng tính mạng của mình để đổi lấy thắng lợi nhỏ tạm thời. Khi sói đến rất gần con mồi, nó sẽ cắn vào nơi mà chân sau của con mồi không đá trúng được như vai, mông, cổ... Sách lược bầy sói sử dụng để đạt được mục tiêu là thiên biến vạn hóa. Đây là tính đa dạng, là phép tắc sinh tồn đầy trí tuệ của bầy sói. Bầy sói cũng nhờ vào sách lược trí tuệ này để đạt được mục đích cuối cùng.

Tính linh hoạt của bầy sói có thể chuyển hóa thành giấu mưu để đạt được mục đích. Giấu mình tức là trong tình thế bất lợi cho mình, bề ngoài sẽ tỏ ra ngờ nghệch, không gây ấn tượng mạnh cho người khác, nhưng che dấu tài năng, che giấu hoài bão chính trị trong tâm để đối thủ hoặc kẻ thù chính trị mất cảnh giác và chờ thời cơ để thực hiện hoài bão của mình. Đây cũng được coi là một phương pháp biến báo tốt. Nhiều người nói rằng như vậy chẳng phải là khiếp nhược sao? Thực ra không phải như vậy, trước thế lực xấu, nếu chúng ta chỉ biết trốn tránh, chùn chân thì sẽ không bao giờ dám dũng cảm đấu tranh, không có chí tiến thủ, như thế mới gọi là kẻ khiếp nhược. Còn nếu chúng ta nhân nhượng, tạm thời chịu áp bức, để ngấm ngầm tích lũy sức mạnh, chờ thời cơ để chuyển bại thành thắng, như thế không phải là khiếp nhược, mà là nhẫn nhịn để lo việc lớn. Đây cũng gọi là kế giấu mình, là biểu hiện của bậc đại trí đại dũng.

Ở Trung Quốc, việc ứng dụng kế giấu mình đã có lịch sử lâu đời. Nhà Chu có lịch sử và cơ nghiệp đến mấy trăm năm là bằng chứng rõ ràng nhất của kế giấu mình. Lúc đó, sự lớn mạnh về thế lực của họ Chu đã làm vua Thương ganh ghét. Vì sợ nhà Chu sẽ hình thành một lực lượng đối kháng với nhà Thương nên vua Thương giết chết Quý Lịch để ngăn chặn thế lực của nhà Chu. Sau khi lên ngôi, Cơ Xương, con của Quý Lịch, tức là Chu Văn Vương nổi tiếng trong lịch sử, lập tức báo thù cho cha. Kết quả là bị nhà Thương đánh bại. Vì vậy, bề ngoài, Cơ Xương tỏ ra cung kính thần phục nhà Thương, nhưng bên trong lại ngấm ngầm chiêu mộ hiền tài, chăm lo việc nước. Sau khi thu nạp được các hiền sĩ như Thái Điên, Hoằng Yếu, Tán Nghi Sinh..., họ đã giúp Cơ Xương lập ra kế hoạch diệt nhà Thương. Ban đầu, Thương Trụ Vương thấy Cơ Xương đã thần phục nên phong cho ông làm Tây Bá, thủ lĩnh của các bộ lạc phía Tây. Trong các nước và chư hầu, uy danh và địa vị của Tây Bá ngày một cao. Trụ Vương bèn giam Tây Bá ở Tiễn Lí (nay thuộc phía bắc Thang Âm, Hà Nam). Trụ Vương giết con trai của Tây Bá là Bá Ấp Khảo đang làm con tin ở nước Thương. Sau đó, Trụ Vương đem thịt của Bá Ấp Khảo nấu thành món canh thịt bắt Tây Bá ăn, để kiểm nghiệm xem Tây Bá có hiểu thế sự không. Tây Bá vờ như không biết, cố nén đau thương mà nuốt vào để lừa Trụ Vương. Đại thần nhà Chu lại tuyển chọn mỹ nữ, châu báu, ngựa tốt để cống cho Trụ Vương, Cơ Xương mới không bị giết. Sau khi trở về nước, Tây Bá lại gấp rút chiêu mộ hiền tài, như Khương Thượng (tức Khương Tử Nha), sau này đã lập được đại công trong việc tiêu diệt nhà Thương.

Kế giấu mình là cơ sở vững chắc cho sự cường thịnh của nhà Chu, giúp nhà Chu lôi kéo được nhiều bộ lạc, giành được hai phần ba thiên hạ lúc đó, tạo điều kiện tốt để sau này Vũ Vương tiêu diệt nhà Thương.

Vì ai ai cũng đều có dã tâm, chỗ đứng lại hữu hạn nên nếu bạn công khai mục đích của mình, thì sẽ bị người khác đề phòng và đối thủ cạnh tranh của bạn cũng coi bạn là một sự uy hiếp. Làm người thì phải lấy việc gìn giữ cái tôi làm đầu, nghĩa là phải biết cách bảo vệ cái tôi, khi cần bộc lộ thì bộc lộ, khi không cần bộc lộ thì ẩn mình đi, không nên gây xôn xao. Dù có giấu mình thì cũng không có gì xấu, người tài giỏi khi làm việc lớn, mục đích là đích đến cuối cùng, hà tất phải để ý đến việc dùng thủ đoạn gì?

Thời kỳ quần hùng tranh bá thời Xuân Thu, nước Sở hùng cứ phía Nam. Khi mới khởi nghiệp, nước Sở cũng bị chư quốc Trung Nguyên coi thường và bị coi là "kinh man" trên phương diện văn hóa, tính cách. Nhưng chính "kinh man" này lại là nơi xuất hiện nhiều bậc quân vương. Trong đó, Sở Trang Vương, một trong Xuân Thu Ngũ Bá, là người đã dùng kế giấu mình để lập nên địa vị bá chủ của mình.

Khi Sở Trang Vương kế vị, ông vẫn không phải là vị vua sáng suốt tài giỏi, ngược lại còn có biểu hiện là hôn quân. Sở Trang Vương kế vị được ba năm mà vẫn không ban ra một văn kiện nào, chỉ đắm mình trong tửu sắc và săn bắn, còn dán cáo thị lên cửa triều đình "kẻ nào dám khuyên can, giết chết không tha!" Đại thần Thân Vô Úy liền triều kiến, Sở Trang Vương, tay trái ôm Trịnh Cơ, tay phải ôm Thái Nữ, ngồi giữa đám hát xướng, hỏi "Ngươi đến làm gì?". Thân Vô Úy tâu: "Có con chim lớn ngũ sắc, đậu ở nơi cao của nước Sở, đã ba năm nay, không thấy nó bay lên, không nghe nó hót, không biết đó là loại chim gì?" Trong câu hỏi có sự mỉa mai, dám chất vấn người có quyền sinh sát trong tay rằng đó là chim gì, quả đúng là "vô úy". Sở Trang Vương thản nhiên cười đáp: "Quả nhân biết rồi. Con chim này rất phi phàm, ba năm không bay, nhưng hễ bay là lên đến tận trời, ba năm không hót nhưng hễ hót là kinh người! Ngươi hãy chờ xem!"

Vậy mà con chim lớn đó vẫn không bay, không hót. Nước Sở trong cuộc tranh hùng vẫn không có một sách lược nào. Các đại thần như Tô Tòng không thể chờ được nữa, thấy Sở Trang Vương như vậy đều khóc than, thề quyết dùng tính mạng của mình để đánh đổi vận mệnh cho nước Sở. Lúc này, Sở Trang Vương mới chuyển từ tức giận sang cung kính, bắt đầu chấn chỉnh trở lại. Thực ra, Sở Trang Vương rất mừng, vì điều ông cần là một sức mạnh xung kích xuất phát từ nội tâm của các đại thần. Sở Trang Vương một khi hành động thì rất xuất chúng. Ông trọng dụng những quan thần có chí tiến thủ, xông xáo, kiềm hãm quyền lực của phái thủ cựu. Ở nội cung, ông lập Phàn Cơ lên làm hoàng hậu, chủ trì công việc trong cung. "Sử Ký - Sở Thế Gia" chép lại rằng: lãng tử Sở Trang Vương tỉnh ngộ, bỏ dâm lạc, nghe chính sự, xử chém mấy trăm người, trọng dụng mấy trăm người, nhân dân đều vui mừng. Tiêu chuẩn dùng người được thay đổi triệt để, pháp luật nghiêm minh, khiến cho thiên hạ đều đồng lòng.

Sau khi chấn chỉnh triều cương, Sở Trang Vương đã có sức mạnh để xưng bá, chiến lược xưng bá của ông không ngừng giành được thắng lợi. Sau khi tiêu diệt các nước nhỏ, Sở Trang Vương đánh vào nước Tống, thu được năm trăm chiến xa, lập thành đội võ trang cơ giới hóa. Trong cuộc chiến với nước Tấn, quân Sở bắt được đại tướng Giải Dương. Đại thắng đã giúp cho Sở Trang Vương nhận rõ thực lực của nước Sở, hiểu được căn nguyên của các nước lớn Trung Nguyên. Từ đó, ông xác định rõ hơn kế sách, chiến lược của nước Sở. Mục tiêu của chiến lược "nhất phi xung thiên, nhất minh kinh nhân" chính là phân chia thiên hạ với nhà Chu, mỗi bên hùng cứ một phương. Ông phát động tấn công với quy mô lớn hơn, thảo phạt quân Lục Hồn. Khi đại quân đi qua Lạc Thủy, Sở Trang Vương lại bày binh bố trận ở vùng ven thủ đô của nước Chu, dùng võ lực uy hiếp. Đối với cửu định tượng trưng cho giang sơn xã tắc, Sở Trang Vương cũng ngang nhiên hỏi vua nhà Chu nặng nhẹ bao cân. Vua nhà Chu quá hoảng sợ, phải dùng thuật bói toán thiên mệnh mới lấy lại được nhuệ khí chiến đấu.

Vì muốn trả thù cũ và củng cố bá quyền nên nước Tấn đã mượn danh nghĩa cứu nước Trịnh để giao chiến với nước Sở ở đất Tấn. Sở Trang Vương lại lợi dụng sự bất đồng ý kiến của quân Tấn để đánh cho quân Tấn không kịp trở tay, giành được toàn thắng. Trận chiến này đã quyết định địa vị bá chủ của nước Sở.

Từ câu chuyện này, chúng ta có thể hiểu nhiều phép tắc có giá trị: ban đầu, trước thế cục quần hùng tranh bá, Sở Trang Vương không phải là cam chịu lép vế mà vì điều kiện đối nội đối ngoại vẫn chưa đủ chín muồi, nên ông tạm thời giấu kín mục tiêu của mình, ẩn giấu chỉ lớn trong tửu sắc, làm những người khác đều hiểu lầm ông là một vị hôn quân. Kết quả cuối cùng Sở Trang Vương không những hành động mà còn giành được địa vị bá chủ và cũng chứng tỏ được tầm quan trọng của chiến lược giấu mình đối với việc giành được địa vị của Sở Trang Vương.

Sinh mạng đối với mỗi người là rất quan trọng, bản thân mình phải tồn tại thì mới có thể lập được công trạng to lớn. Lưu Tú, người lập nên vương triều Đông Hán, chính là người đã dùng kế ẩn mình để thoát chết. Cuối triều Vương Mãn, thiên tai, đói kém diễn ra liên miên, nghĩa quân nổi dậy khắp nơi, thiên hạ đại loạn. Tháng mười, Địa Hoàng năm thứ ba (năm 22 sau Công Nguyên), anh của Lưu Tú là Lưu Yểm ở Thung Lăng, Lưu Tú ở Uyển Thành cùng dấy binh chống lại Vương Mãng. Địa Hoàng năm thứ tư (năm 23 sau Công Nguyên), quân nhân Lục Lâm tôn Lưu Huyền làm vua, Lưu Yểm làm Đại Tư Đồ. Lưu Yểm vì cậy có công, tranh quyền với Lưu Huyền nên bị Lưu Huyền mưu sát. Lưu Tú, lúc này đang chinh chiến ở bên ngoài, nghe tin huynh trưởng của mình bị giết, ông lập tức chạy đến Uyển Thành, nén đau thương, chủ động đến thỉnh tội với Lưu Huyền. Lưu Huyền thấy ông không có ý tạo phản, liền cử ông làm Phá Lỗ tướng quân, phong làm Vũ Tín Hầu, làm đại tướng quân sự, lệnh cho ông đi chinh phạt Hà Bắc. Với lời hiệu triệu tiêu diệt nền chính trị hà khắc Vương Mãng, khôi phục chế độ Hán thất và nhờ có sự hậu thuẫn của cường hào, quan liêu Hà Bắc, ông đã trấn áp được cuộc khởi nghĩa của nông dân, thu nạp một số nghĩa quân, đánh bại thế lực cát cứ của Vương Lang, bình định Hà Bắc. Cảnh Thủy phái ngự sử mang chiếu thư phong Lưu Tú làm Tiêu Vương và lệnh cho ông trở về Trường An. Ông lấy cớ vẫn chưa bình định xong Hà Bắc, từ chối không trở về Trường An. Lúc đó, chính quyền của Cảnh Thủy xảy ra nội chiến, tạo phản khắp nơi. Lưu Tú sau khi bình định Hà Bắc, lực lượng lớn mạnh nhanh chóng. Kiến Vũ năm đầu tiên (năm 25 sau Công Nguyên), Lưu Tú xưng đế ở Toại Tại (nay thuộc huyện Đồng Hương, Hà Bắc), sau đó, dời đô về Lạc Dương. Sau hơn mười năm chinh chiến, Lưu Tú trấn áp được nghĩa quân nông dân như Xích Mi và tiêu diệt các thế lực cát cứ phong kiến, thống nhất đất nước. Trong thời gian trị vì, Lưu Tú đã nhiều lần ban chiếu giải phóng cho nô tì và cấm giết hại nô tì. Lưu Tú còn lấy đất hoang cho dân lưu lạc thuê để cày cấy, khuyến khích người dân trồng trọt, xây dựng thủy lợi, giảm thuế hóa, tổ chức đồn điền quân đội; tiến hành thu gọn cơ cấu, cả nước cùng cắt giảm và sát nhập hơn bốn trăm huyện, tinh giản một số lượng lớn quan lại; bãi bỏ chức đô úy nắm quyền quân sự ở địa phương, lấy quân đội nam bắc làm trọng tâm, từng bước mở rộng quân đội trung ương; tăng cường tập quyền trung ương, củng cố vương quyền, cật lực đề phòng sự chuyên quyền của công thần, tôn thất, chư vương; tiến hành cải cách quan chế, nhằm có lợi cho việc khôi phục sản xuất và ổn định trật tự xã hội, ở một mức nhất định, cải cách này đã thúc đẩy sự phát triển toàn diện của xã hội. Những thành tựu này không những có ảnh hưởng trực tiếp đến thời đại của Lưu Tú mà còn giúp cho sách lược này được phát huy triệt để ở thời kì Tam Quốc.

Bề ngoài thì giả điếc, giả câm, ngơ ngơ ngẩn ngẩn nhưng nội tâm lại cực kỳ sáng suốt. Kế này được áp dụng trong mưu lược quân sự lại là một biện pháp hay. Câu chuyện Tào Tháo và Lưu Bị uống rượu luận anh hùng thời Tam Quốc là một ví dụ điển hình. Lưu Bị sớm đã có hoài bão đoạt thiên hạ, có điều lực lượng lúc đó quá yếu, không thể nào đối kháng được với Tào Tháo, hơn nữa, ông còn ở trong sự kiểm soát của Tào Tháo. Lưu Bị giả vờ quên đi thế sự, ngày ngày chỉ biết uống rượu, trồng rau. Một hôm, Tào Tháo mời ông uống rượu. Tào Tháo ngồi ở trên cao, hỏi Lưu Bị ai là anh hùng thiên hạ, Lưu Bị đưa ra vài tên nhưng đều bị Tào Tháo phủ định. Đột nhiên, Tào Tháo nói: "Anh hùng trong thiên hạ chỉ có ta và ngươi!" Câu nói này làm Lưu Bị giật mình, ngầm sợ Tào Tháo biết được hoài bão chính trị của mình, ông sợ đến nỗi đánh rơi đũa. May thay, lúc đó có một cơn sấm sét, Lưu Bị vội vàng che giấu, nói rằng mình bị tiếng sét làm giật mình nên rơi đũa. Tào Tháo thấy vậy, cười to không ngớt, cho rằng Lưu Bị ngay cả sấm sét còn sợ hãi thì không làm được việc lớn, nên bớt cảnh giác với Lưu Bị. Sau đó, Lưu Bị thoát khỏi sự kiểm soát của Tào Tháo, cuối cùng, đã làm nên nghiệp lớn.

Thời Tam Quốc, Quan Vũ trọng nghĩa khí, dũng cảm tuyệt luân, trừ ác cứu dân, uy chấn cửu châu, được người đời tôn kính. Nhưng đối với người đời sau, việc ông để mất Kinh Châu, cuối cùng bị giết luôn đúng là tiếc và nguyên nhân ông thất bại ở Mạch Thành ít nhiều cũng có liên quan đến kế giấu mình. Thời Tam Quốc, Kinh Châu có vị trí địa lý cực kỳ quan trọng, nên trở thành vùng đất mà các nhà quân sự cần có. Năm 217 Công Nguyên, Lỗ Túc bệnh chết. Liên minh Tôn - Lưu kháng Tào cũng kết thúc.

Khi Quan Vũ trấn thủ Kinh Châu, Tôn Quyền đã có mưu đồ đạt Kinh Châu, có điều thời cơ chưa chín muồi. Không lâu sau, Quan Vũ dẫn quân tấn công Phàn Thành thuộc quyền kiểm soát của Tào Tháo. Vì sợ có hậu hoạn, Quan Vũ để lại một lực lượng hùng hậu đóng giữ Công An, Nam Quận nhằm bảo vệ Kinh Châu. Đại tướng Lã Mông, thuộc hạ của Tôn Quyền, cho rằng thời cơ đoạt Kinh Châu đã đến, nhưng vì đang có bệnh nên ông tâu với Tôn Quyền phái Lục Tốn, một tướng lĩnh trẻ tuổi, thay vào vị trí của ông, đóng giữ Lục Khẩu.

Lục Tốn nhậm chức nhưng vẫn giấu kín. Một mặt Lục Tốn giả vờ hòa hiếu với Quan Vũ nhưng lại chuẩn bị chiến tranh. Lục Tốn viết một bức thư cho Quan Vũ. Trong thư, Lục Tốn hết lời ca ngợi Quan Vũ, cho rằng Quan Vũ có thể sánh với Tấn Văn Công, Hàn Tín. Lục Tốn tự cho mình là thư sinh, tuổi còn quá trẻ, khó đảm đương trọng trách, nên muốn Quan Vũ chỉ dạy thêm. Quan Vũ sau khi đọc xong thư của Lục Tốn, ông bèn ngửa mặt cười lớn, nói: "Không lo việc ở Giang Đông". Quan Vũ liền điều quân trấn thủ ở Kinh Châu đi tấn công Phàn Thành. Lục Tốn lại ngấm ngầm phái người đến báo tin cho Tào Tháo, ước định hai bên cùng hành động, tấn công Quan Vũ. Lục Tốn cho rằng thời cơ đoạt Kinh Châu đã chín muồi, liền phái Lã Mông đi tiên phong, tiến vào Kinh Châu. Lã Mông đem theo một đội quân tinh nhuệ, nấp trong thuyền chiến được cải trang thành thuyền buôn, tập kích bất ngờ, hạ được Nam Bộ. Quan Vũ được tin, vội quay về, nhưng đã muộn, đại quân của Tôn Quyền đã chiếm Kinh Châu. Quan Vũ đành chịu thất bại ở Mạch Thành.

Thời Tam Quốc, Ngụy Minh Đế của nước Ngụy chết, người kế vị là Tào Phương chỉ mới tám tuổi. Việc triều đình do Tư Mã Ý và đại tướng quân Tào Sảng nắm giữ. Tào Sảng là dòng dõi hoàng tộc, rất ngang ngược nên đâu thể để dòng họ Tư Mã Ý chia sẻ quyền lực. Tào Sảng dùng một số thủ đoạn chính trị để đoạt lại binh quyền từ tay Tư Mã Ý.

Tư Mã Ý từng lập nhiều chiến công hiển hách, nay lại bị mất thực quyền nên rất căm hận Tào Sảng. Nhưng vì thế lực của Tào Sảng quá lớn, ông không thể đương đầu được nên ông cáo bệnh lui về, không can dự triều chính. Tào Sảng rất vui mừng vì ông biết Tư Mã Ý là đối thủ ngầm duy nhất tranh giành quyền lực với ông. Có lần, Tào Sảng đã phái Lý Thắng đến nhà Tư Mã Ý dò la xem thực hư. Thực ra, Tư Mã Ý hiểu rất rõ tâm tư của Tào Sảng, nên đã đề phòng trước. Khi Lý Thắng được đưa đến phòng của Tư Mã Ý, ông chỉ thấy gương mặt Tư Mã Ý vàng vọt, tóc rối bù, đang nằm trên giường và có hai tỳ nữ đang hầu hạ. Lý Thắng nói: "Tại hạ đã lâu không đến viếng thăm đại nhân, không biết đại nhân bệnh nặng thế này. Nay, tại hạ được lệnh làm thích sư Kinh Châu, nên đến để từ biệt đại nhân." Tư Mã Ý vờ như không nghe rõ, nói: "Tịnh Châu là chỗ trọng yếu gần biên giới, phải phòng ngự cho tốt." Lý Thắng vội nói: "Là Kinh Châu, không phải là Tịnh Châu". Tư Mã Ý vẫn vờ như nghe không rõ. Lúc này, hai tỳ nữ cho ông uống thuốc, ông uống rất khó khăn, nước thuốc từ trong miệng cứ trào ra ngoài. Tư Mã Ý giả vờ thều thào: "Ta chỉ còn sống được trong nay mai, sau khi ta chết, xin nói lại với đại tướng quân, hãy để mắt đến các con của ta."

Lý Thắng trở về bẩm báo lại với Tào Sảng, Tào Sảng vui mừng khôn xiết, nói: "Chỉ cần lão già này chết đi, ta sẽ không còn lo gì nữa".

Sau đó không lâu, ngay 15 tháng 2 năm 249 Công Nguyên, Tào Phương đi tảo mộ, cúng tế tổ tông ở thành Tế Dương. Tào Sảng dẫn theo ba huynh đệ và thân tín để hộ giá. Tư Mã Ý biết được tin này, cho rằng thời cơ đã đến. Ông lập tức điều động gia tướng, triệu tập các vị quan cũ, nhanh chóng chiếm cứ binh cung của họ Tào. Sau đó, ông vào cung uy hiếp, buộc thái hậu phải kể tội Tào Sảng và phế truất tên gian tặc này. Thái hậu đành phải đồng ý. Tư Mã Ý lại phái người chiếm cứ kho vũ khí. Đến khi Tào Sảng biết tin và trở về thành thì mọi chuyện đã thay đổi, Tư Mã Ý lấy tội danh soán ngôi vua để giết cả nhà Tào Sảng và nắm trọn quyền hành, chính quyền Tào Ngụy thực chất đã hữu danh vô thực.

Phạm vi vận dụng của kế giấu mình thời Tam Quốc đầu tiên là từ con người sau đó mở rộng đến sự việc, đến bản thân mình. Từ giá trị của một lời khuyên thông thường phát triển đến sự trợ giúp hữu hiệu của kiến thức. Từ nguyên tắc bình thường phát triển đến những đối sách tổng thể có liên quan đến tiền đồ, vận mệnh. Từ xử lý đối tượng cá biệt đến biến đổi thành dự báo sự phát triển lịch sử, hình thế. Tóm lại, đối với chúng ta mà nói, điều này là rất có lợi.

Tuy kế giấu mình là phương pháp mà con người buộc phải áp dụng để tự bảo vệ mình dưới chế độ phong kiến áp bức thống trị nhưng các hình thức của kế giấu mình vẫn thể hiện được trí tuệ của con người. Kế giấu mình có tính hiệu quả và tính mục đích rõ ràng, có ý thức chủ quan mạnh mẽ. Kế giấu mình lại có tính tiến thủ cực mạnh, tuy bề ngoài có vẻ như rụt rè, nhân nhượng, nhưng lại bộc lộ được tính chịu đựng và khả năng nhẫn nhịn để làm việc lớn.

Sử dụng kế giấu mình thể hiện được trí tuệ của con người. Những người đa mưu túc trí lại càng hiểu rõ về phép tắc này nên kết quả là làm ít hưởng nhiều. Năm xưa, Trương Tác Lâm xuất thân từ thổ phỉ Tây Bắc đã áp dụng phép tắc này để mở một địa đạo thành công và phất lên như diều gặp gió.

Trương Tác Lâm là một người đầy dã tâm. Tuy Tác Lâm đã là đầu sỏ lớn của thổ phỉ nhưng anh vẫn nghĩ cách để làm quan triều đình. Vợ lẽ của Tăng Kỳ, tướng quân Phụng Thiên, đang từ Quan Nội trở về Phụng Thiên. Thuộc hạ của Trương Tác Lâm là Thang Nhị Hổ biết được chuyện này, bèn báo cho Trương Tác Lâm. Trương Tác Lâm vỗ đùi nói: "Đúng là lợn đưa đến cửa."

Thế là, Trương Tác Lâm dặn dò Thang Nhị Hổ phải làm thế này... thế này...

Thang Nhị Hổ phụng mệnh, mai phục ở đồn Tân Lập. Khi đoàn người ngựa đi qua đồn Tân Lập, Thang Nhị Hổ ra lệnh chặn lại rồi giải họ đến một đại viện ở đồn Tân Lập. Vợ lẽ của Tăng Kỳ và người hầu thân cận được đưa vào ở một phòng lớn, thổ phỉ tay cầm súng đứng đầy xung quanh. Lúc này, Trương Tác Lâm đã nhận được tin báo nên cưỡi ngựa đến đại viện và cố ý hỏi Thang Nhị Hổ thật to: "Ngựa ở đâu đưa đến đây?"

Thang Nhị Hổ cũng cố ý nói to: "Các anh em vừa làm một vụ buôn bán, nghe nói là người nhà của Tăng Kỳ đại nhân, nên giải về đây."

Trương Tác Lâm giả vờ tức giận, nói: "Đồ khốn! Ta đã nói với ngươi rồi, chúng ta ở đây là để bảo vệ biên giới, giữ gìn sự bình an cho dân, không được tùy tiện chặn người đi đường, chúng ta chỉ là bất đắc dĩ mới làm lục lâm thảo khấu. Sau này, nếu có cơ hội giúp ích cho đất nước, thì chúng ta còn phải nhờ đến Tăng đại nhân! Bây giờ các ngươi lại gây ra chuyện ngu xuẩn này, thì làm sao ăn nói với Tăng đại nhân? Tối nay, các ngươi phải tiếp đãi họ tử tế, sáng ngày mai đưa họ về Phụng Thiên."

Ở trong phòng, vợ lẽ của Tăng Kỳ nghe rất rõ, liền nói lại là muốn gặp Trương Tác Lâm. Trương Tác Lâm bèn cho người đến tặng vợ Tăng Kỳ loại nha phiến tốt nhất, rồi mới bước vào quỳ lạy bà ta.

Bà ta nói với Trương Tác Lâm đầy cảm kích: "vừa rồi ta đã nghe ngươi nói chuyện, sau này ắt có triển vọng. Hôm nay, chỉ cần ngươi bảo đảm cho ta về Phụng Thiên an toàn, ta sẽ tiến cử ngươi với tướng quân để ngươi được cống hiến sức mình cho Phụng Thiên."

Trương Tác Lâm rất vui mừng nên cứ quỳ mãi không chịu đứng dậy.

Ngày hôm sau, Trương Tác Lâm đến hầu hạ bà ta thật sớm, sau đó, đích thân dẫn các anh em hộ tống bà ta trở về Phụng Thiên. Sau khi trở về Phụng Thiên, bà ta lập tức kể lại chuyện bà gặp nạn giữa đường và việc Trương Tác Lâm nguyện cống hiến sức lực cho triều đình cho Tăng Kỳ tướng quân nghe. Tăng Kỳ tướng quân rất vui mừng, lập tức tấu lên triều đình, thu nạp nhóm của Trương Tác Lâm làm Tuần Phòng Doanh. Từ đó, Trương Tác Lâm từ giã cuộc sống thổ phỉ, trở thành Quản Đới của triều thành.

Trương Tác Lâm đã lợi dụng kế giấu mình để từ hắc đạo chuyển sang bạch đạo và đặt được nền móng cho tương lai.

Trong câu chuyện dưới đây, chúng ta sẽ biết được ông trưởng thôn đã vận dụng mưu trí như thế nào để thực hiện được mục đích của mình.

Một thôn nọ có đặc sản là táo rất to và ngọt, được tiêu thụ rất mạnh, chiếm được thị phần lớn. Nhưng do đường sá không tốt nên việc vận chuyển hàng hóa rất khó khăn, ảnh hưởng đến sự phát triển của nghề trồng táo. Trước tình hình đó, chi bộ thôn quyết định xin xã sửa đường. Sau mấy lần gởi đơn, chính quyền xã đều lấy lý do không đủ kinh phí, hạng mục quá nhiều để từ chối. Hiện tại, nguồn tiêu thụ táo rất tốt, nhưng khó vận chuyển. Những người trong chi bộ thôn rất lo lắng. Ông trưởng thôn bèn nảy ra một kế:

Hôm nay, trưởng thôn mang thiệp mời đến gặp chính quyền xã, mời tất cả mọi người trong chính quyền xã đến tham quan, khảo sát sự phát triển của ngành trồng táo và cử hành hội chợ triển lãm táo. Lãnh đạo xã vui vẻ đến dự. Con đường dẫn đến thôn này quá xấu, ban lãnh đạo phải rất khổ sở mới đến được thôn. Nhưng kiểu mẫu của phát triển táo của thôn này lại rất có tiềm năng, ban lãnh đạo xã đều khen ngợi không ngớt lời. Sau buổi triển lãm đó, ngành trồng táo của thôn được ban lãnh đạo huyện biết đến rất nhanh. Ban lãnh đạo huyện liền quyết định hai tháng sau sẽ tham quan thôn trồng táo nổi tiếng này. Các lãnh đạo xã khi biết được chuyện này, điều đầu tiên họ nghĩ đến là đường xá. Nếu lãnh đạo huyện lại nhìn thấy con đường như vậy, thì chắc chắn sẽ trách lãnh đạo xã làm việc không tốt. Thế là, họ gấp rút mở cuộc họp bàn về việc sửa đường. Kết quả là chỉ trong hai ngày, toàn bộ chi phí đều đã có đủ; ngày thứ ba bắt đầu khởi công. Cuối cùng, con đường đã được sửa xong trước khi lãnh đạo huyện đến tham quan.

Ông trưởng thôn có thể nói là rất thông minh. Ông không trực tiếp yêu cầu lãnh đạo xã cấp kinh phí để sửa đường, mà lại lấy cớ mời ban lãnh đạo đến tham quan, chỉ đạo và lợi dụng việc lãnh đạo huyện yêu cầu xuống tham quan để buộc chính quyền xã phải sửa đường.

Trong cuộc sống, trong sự nghiệp, chúng ta có thể dùng nhiều hiện tượng giả tạo để che giấu ý đồ thực sự của mình và dùng nhiều cách thức khác nhau để kích thích nhiệt huyết của người khác, tạo cơ sở cho sự thành công của chúng ta. Đây cũng là hiệu quả tốt nhất của kế giấu mình.

Rait là tổng biên tập của diễn đàn New York, anh đang cần một trợ thủ giỏi cho mình. Người anh nhắm đến là John. Rait cần John giúp mình thành danh. Nhưng lúc đó, John đang định trở về quê nhà để làm luật sư. Làm sao để John chịu làm việc cho tòa soạn? Rait bèn mời John đi ăn cơm, sau đó đề nghị John đến tòa soạn chơi. May thay, lúc đó, người biên tập tin quốc tế không có ở đó, điều này giúp Rait tìm được một tin quan trọng trong rất nhiều bức điện tín. Rait nói với John: "Hãy ngồi xuống đây và viết một bài xã luận về cái tin này cho tờ báo ngày mai đi."

John không thể nào từ chối được nên cầm bút lên viết. Bài xã luận rất hay, chủ tòa soạn sau khi xem xong cũng rất thích. Thế là, Rait đề nghị hãy ở đây giúp anh vài ngày nữa. Dần dần, John cảm thấy làm ký giả cho tin thời sự rất thú vị, cũng rất thích hợp, nên đã ở lại.

Từ cách xử lý khéo léo của Rait, chúng ta có thể thấy: Rait đã tránh những chuyện khiến đối phương không ưng thuận, và dùng một múc đích giả làm màn che, để đối phương chấp nhận, từ đó đạt được mục đích chính của mình.

Trịnh Trang Công chuẩn bị đánh nước Hứa. Trước chiến tranh, ông đã tổ chức thi đấu trong nước để chọn ra quan tiên hành. Các tướng rất mừng rỡ vì cơ hội lập công đã đến. Họ đều nóng lòng muốn thử, nên chuẩn bị thể hiện tài năng.

Môn thi thứ nhất là đấu kiếm. Các tướng đều dốc hết tài năng của mình, chỉ thấy đoản kiếm loang loáng, lá chắn lay động. Sau khi thi đấu luân phiên, có 6 người được chọn để tham gia vào môn thi tiếp theo.

Môn thi thứ hai là thi bắn tên. Mỗi tướng lĩnh sẽ bắn ba mũi tên, người bắn trúng hồng tâm sẽ là người thắng cuộc. Có người thì bắn trúng vòng ngoài của bia, có người bắn trúng điểm đen. Người thứ năm bước lên bắn là Công Tôn Tử Đô. Anh ta có võ nghệ cao cường, sức trẻ dồi dào, không hề coi ai ra gì. Anh ta lắp tên vào cung, bắn ba phát đều trúng hồng tâm. Anh ta hếch mặt lên, nhìn người phía sau bằng nửa con mắt và lui ra.

Xạ thủ cuối cùng là một ông lão, râu tóc đã điểm bạc, ông tên là Dĩnh Khảo Thúc. Ông đã từng khuyên Trang Vương giảng hòa với mẫu thân. Trang Vương rất coi trọng ông. Dĩnh Thảo Khúc bước lên, ung dung từ tốn, "vút", "vút", "vút" ba mũi tên bắn ra đều trúng hồng tâm.

Chỉ còn lại hai người, Trang Công sai người kéo một cỗ chiến xa đến, nói: "Hai ngươi hãy đứng cách xa một trăm bước, cùng chạy đến cướp cỗ chiến xa này, ai cướp được trước thì sẽ là quan tiên hành." Công Tôn Tử Đô nhìn đối thủ mình bằng nửa con mắt. Không ngờ, khi chạy được nửa chừng. Công Tôn Tử Đô lại bị trượt chân ngã nhào. Khi đứng dậy được thì Dĩnh Thảo Khúc đã cướp được xe. Công Tôn Tử Đô không phục, anh ta cầm lấy trường kích để đến đoạt xe. Dĩnh Thảo Khúc nhìn thấy liền kéo xe chạy. Trang Công vội vàng sai lính chặn lại và tuyên bố Dĩnh Thảo Khúc là quan tiên hành. Công Tôn Tử Đô lòng đầy oán hận.

Dĩnh Thảo Khúc quả nhiên đã không phụ lại kỳ vọng của Trang Công. Khi tấn công vào đô thành nước Hứa, Dĩnh Thảo Khúc tay cầm cờ, từ thang mây xông thẳng vào thành, thấy Dĩnh Thảo Khúc hoàn thành được nhiệm vụ, Công Tôn Tử Đô càng thêm đố kỵ. Anh ta lắp tên vào cung bắn vào Dĩnh Thảo Khúc. Dĩnh Thảo Khúc ngã từ tường thành xuống đất. Hà Thúc Doanh, một vị tướng khác, tưởng rằng Dĩnh Thảo Khúc bị quân Hứa bắn tử trận nên vội cầm cờ chiến, tiếp tục chỉ huy binh lính xông vào thành và lấy được thành.

Bởi vậy, "hoa phải nở giữa chừng, rượu phải uống dở say", hoa đương lúc nở rộ đẹp đẽ, nếu không bị người ta hái đi thì cũng lụi tàn. Đời người cũng vậy: không nên quá đề cao mình, không nên quá coi trọng mình, không nên bộc lộ mình là bậc thánh nhân quân tử cứu dân độ thế, mà hãy che giấu tài năng của mình.

Trong xã hội ngày nay, đạo lý này vẫn vậy. Nếu bạn không bộc lộ tài năng thì không bao giờ được giao trọng trách. Nếu bạn bộc lộ tài năng mình quá mức thì lại dễ bị người khác hãm hại. Tuy dễ có được thành công tạm thời nhưng lại là mồ chôn mình. Bạn thi thố tài năng của mình chính là bạn đã gieo xuống một nguy cơ. Vì vậy, bạn phải biết bộc lộ tài năng của mình đúng mực. Nhưng không phải ai cũng biết giả làm kẻ khờ khạo đúng mực. Nếu không biết nắm bắt đúng thời cơ thì sẽ biến khéo thành vụng.

Trong "Tam Quốc diễn nghĩa", sau khi Lưu Bị chết, Gia Cát Lượng hầu như không làm được việc gì lớn, không bày mưu lập kế, bộc lộ tài hoa như thời Lưu Bị còn sống. Ở dưới trướng một vị minh quân như Lưu Bị, Gia Cát Lượng không sợ bị đố kỵ và Lưu Bị không rời khỏi ông nên ông có thể mặc sức phát huy tài hoa của mình, giúp đỡ Lưu Bị. Sau khi Lưu Bị chết, A Đấu kế vị. Lưu Bị đã từng nói trước quần thân: "Nếu đứa con này còn có thể giúp được, thì khanh hãy giúp đỡ nó, nếu nó không có phẩm chất của quân vương thì khanh hãy lên làm vua." Lúc đó, Gia Cát Lượng toát mồ hôi, luống cuống quỳ xuống khóc rằng: "Thần làm sao có thể không tận lực, tận trung cho đến chết chứ?" Nói xong, Gia Cát Lượng rập đầu đến chảy máu. Lưu Bị dù có nhân nghĩa đến đâu cũng không thể giao quốc gia cho Gia Cát Lượng. Lưu Bị nói là để Gia Cát Lượng làm vua, nhưng làm sao biết được ông ta không có ý định giết Gia Cát Lượng? Vì vậy, Gia Cát Lượng một mặt hành xử rất cẩn thận, một mặt thường xuyên đi chinh chiến để đề phòng lưỡi gươm của Thiên Tử. Hơn nữa, Gia Cát Lượng còn giấu kín tài năng của mình, cố ý tỏ ra mình đã già, không còn làm được gì nữa để tránh họa sát thân. Từ chuyện xưa xét đến chuyện nay: dù là đấu tranh chính trị quyết liệt hay trong hiện thực cuộc sống, chúng ta đều nên hiểu được cách tiến thoái và kế giấu mình.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#kinhdoanh