- SỰ LIÊN KẾT CỦA BẦY SÓI LÀ KHÔNG GIỚI HẠN

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nếu xét ở một ý nghĩa nào đó, sói không có ngôn ngữ. Phương thức liên lạc của chúng có thể sẽ rất giới hạn, những tiếng gầm gừ, tiếng tru chỉ có thể biểu đạt tình cảm đơn giản nhất. Nhưng chúng có nhiều phương pháp khác để biểu đạt ý tưởng, còn có một phương pháp truyền tin rất đặc biệt – điện thoại của sói. Trong phạm vi hoạt động của chúng, rất nhiều "trung tâm" được phân bố khắp nơi. Những "trung tâm" này có thể là tảng đá, là một góc của con đường nhỏ giao nhau, hoặc là một cái xương đầu của con trâu nước. Thực ra, bất cứ một vật gì khá rõ ràng ở trên đường đều có thể được dùng làm "trung tâm". Khi một con sói cất tiếng kêu ở đó, có nghĩa là nó đang lưu lại mùi của cơ thể nó và căn cứ vào tình hình của nơi này để hiểu được có những con vật nào đã từng đi qua đây và đã làm gì... Nó sẽ biết được chúng đến từ lúc nào, đi đâu, còn có thể phán đoán được tình hình của chúng lúc đó như có bị săn đuổi hay không, có bị đói không, đã ăn no chưa, hoặc có bị bệnh không. Nhờ hệ thống đăng ký này, một con sói có thể biết được bạn nó đang ở đâu, cũng biết được kẻ thù của nó đang ở nơi nào.

Trên đây là một đoạn ghi chép của Seton chuyên gia nghiên cứu về loài sói. Chúng ta đều biết, sói không chỉ dựa vào một phương thức trao đổi đơn nhất, mà là sử dụng tùy ý nhiều phương pháp. Chúng không những chỉ dùng tiếng kêu để truyền đạt thông tin, mà còn biết cách vận dụng ngôn ngữ của cơ thể cực kỳ phong phú để tiến hành giao tiếp. Đối với sói, kỹ thuật liên lạc chính là sự tập trung. Chúng để ý đến mọi hình thức liên lạc, đặc biệt là ngôn ngữ của thân thể.

Sói thích cọ mũi vào nhau, dùng lưỡi liếm để biểu đạt tình cảm. Sói thích dùng tư thế của cơ thể để biểu thị sự phục tùng và tôn kính; thích dùng ngôn ngữ tinh tế, phức tạp của thân thể, bao gồm môi, mắt, mặt và đuôi để biểu đạt những tin tức khác. Trong ngôn ngữ của thân thể này, cũng giống như con người, sở trường của loài sói vẫn là dùng ánh mắt để truyền đạt những điều sâu xa hơn.

Mỗi một người đều có thể đọc được những điều khác nhau từ ánh mắt của bầy sói như cô độc, hiu quạnh, khát vọng... Thực ra, đôi mắt là công cụ liên lạc hữu hiệu nhất của bầy sói. Sói có thể thay đổi sự to nhỏ của con ngươi để biểu đạt niềm vui sướng, đồng tình, sợ hãi, kinh ngạc... Khi bầy sói giao tiếp với con của chúng, chúng sẽ bộc lộ sự hiền từ của mình. Chúng sẽ không xét đến vai vế thứ bậc, chúng muốn cho sói con có cảm giác bình đẳng. Lúc này, sói con sẽ cào lên lưng chúng, thậm chí còn cắn xé chúng và dù cho sói con có làm bất cứ một cử chỉ quá đáng nào, chúng cũng không nổi giận. Đối với bầy sói, liên lạc và giao tiếp chính là bảo vệ cho sự sinh tồn của chúng. Bầy sói có tổ chức xã hội và chế độ đẳng cấp nghiêm ngặt; là động vật đoàn kết nhất trên thế giới. Để có được những điều này, loài sói cần phải có hệ thống liên lạc hoàn thiện. Đây chính là ưu thế sinh tồn của bầy sói.

Trong công việc, rất nhiều mâu thuẫn, hiểu lầm, xung đột đều bắt nguồn từ những vướng mắc tồn tại trong quá trình giao tiếp giữa mọi người.

Một phòng làm việc bị phát hỏa. Người quản lý nói với nhân viên vừa mới chạy ra khỏi cửa: "Mau đem thùng nước lại đây!" Anh nhân viên này vừa đi vừa nghĩ: "Vòi nước ở đâu? Thùng chứa nước ở đâu?" Cuối cùng, anh ta cũng nhớ ra ở trong nhà ăn gần đây có thùng nước. Anh ta suy tính: "Lấy thùng chứa nước trước, sau đó đến vòi nước gần nhất để lấy nước, như thế sẽ đỡ tốn sức". Nhưng khi anh ta quay lại, thì hỡi ôi, lửa ở phòng làm việc đã bốc cao!

Hóa ra, khi người quản lý phát hiện thấy cháy, lại thấy anh nhân viên này bèn gọi anh ta đi lấy nước. Anh nhân viên này không hiểu có chuyện gì. Anh nhân viên trách móc: "Nếu biết là có hỏa hoạn thì gần đó có bình chữa cháy, đâu cần phải chạy thật xa để lấy nước?"

Nếu ngay từ đầu, người quản lý nói với anh nhân viên: "Có cháy, cậu mau đem nước đến đây cho tôi dập lửa!" thì anh nhân viên sẽ nghĩ: "Muốn chữa lửa, phải nhanh chóng! Chữa lửa thì không nhất thiết là phải dùng nước! Gần đó đã có bình chữa cháy rồi mà!" Như vậy, chỉ trong vòng một vài phút, ngọn lửa sẽ được dập tắt.

Đây là một ví dụ điển hình cho việc có những vướng mắc trong quá trình giao tiếp.

Trong công việc hàng ngày, tại sao nhiều người khi thảo luận về một vấn đề nào đó, họ to tiếng với nhau, thậm chí dẫn đến nhiều tình huống tệ hại hơn? Chỉ vì họ không phải đang thảo luận quan điểm mà đơn giản chỉ là biểu đạt quan điểm, hàm hồ, lại còn cố gắng gây áp lực đối với người khác, để cho họ đồng ý với quan điểm của mình. Như thế, một điều chắc chắn là cuộc giao tiếp giữa họ sẽ không thành công. Giao tiếp không có hiệu quả sẽ không thể nào hiểu được ý của đối phương và việc cần làm sẽ khó tiến hành thuận lợi, sẽ có những bế tắc trong công việc.

Sa Sa phụ trách những công việc bên ngoài xí nghiệp. Một hôm, ông chủ hỏi cô có thể làm những hạng mục phức tạp hơn không? Sa Sa nói một cách khiêm tốn: "Chắc là tôi sẽ làm không tốt". Ý của cô là: "Hãy cho tôi thử xem sao?" Sa Sa chờ đợi ông chủ giao hạng mục này cho mình trong hy vọng. Nhưng chờ đến ngày thứ hai thì đã có một đồng nghiệp khác làm rồi. Cô rất thất vọng, thầm oán trách ông chủ không cho cô cơ hội.

Sau đó, có người nói với Sa Sa rằng: ông chủ mong đợi sự tự tin của cô, chứ không phải là sự khiêm tốn. Nếu cô nói "có thể" thì hạng mục đó chắc chắn sẽ thuộc về cô. Sa Sa rất hối hận. Ở đây, ông chủ đã không hiểu ý nghĩa thực sự trong câu nói của Sa Sa. Trong thực tế, đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc ông chủ và nhân viên không có được sự trao đổi tốt.

Trong công việc, chỉ có gạt bỏ những vướng mắc trong giao tiếp thì mới có thể hóa giải được mâu thuẫn, hiểu lầm và đạt được mục đích.

Đại Áo là quản lý nghiệp vụ trong một công ty. Cô sắp được đưa lên làm giám đốc bộ phận. Do tổng giám đốc, người cất nhắc cô đã bị điều đi xa và đổi lại là một người mới, nên việc bổ nhiệm của cô bị gác lại. Đại Áo ngầm hiểu được, có một số người trong công ty đang đặt điều nói xấu cô và tổng giám đốc trước. Họ nói tổng giám đốc trước đề bạt cô là vì cô và tổng giám đốc trước có tình cảm đặc biệt. Những lời đặt điều này đã đến tai tổng giám đốc mới, làm cho cấp trên có ấn tượng xấu về cô. Đại Áo cảm thấy rất uất ức, nhưng chuyện này lại không thể trình bày trực tiếp với tổng giám đốc mới được. Chỉ có tăng cường giao tiếp thì mới giải tỏa được hiểu lầm.

Một lần, nhân lúc nghỉ trưa Đại Áo đã chủ động bắt chuyện với cấp trên. Trong lúc nói chuyện, cô đã báo cáo lý lịch và tình hình công việc của mình cho tổng giám đốc mới nghe và nói rõ mình vẫn chưa có đủ kinh nghiệm làm việc, hy vọng cấp trên thẳng thắn phê bình và chỉ dẫn.

Sau lần nói chuyện đó, cấp trên bắt đầu lưu ý đến cô và phát hiện ra cô đúng là một người có năng lực nên cũng thay đổi thái độ đối với cô. Sau đó, cứ mỗi lần cùng đi công tác với tổng giám đốc, cô luôn gọi điện thoại về nhà và cho bạn trai trước mặt tổng giám đốc, để chứng tỏ mình rất quan tâm đến gia đình và bạn trai. Trong những lần nói chuyện đó, tổng giám đốc cảm thấy cô không phải là cô gái dễ dãi, hành vi, cử chỉ lại rất đứng đắn và rất chân thành, khả năng nghiệp vụ cũng rất tốt nên đã ký quyết định bổ nhiệm cô.

Trong công việc, chúng ta khó tránh khỏi bị người khác hiểu lầm. Có những hiểu lầm là do người khác tạo ra, có những hiểu lầm là do mình vô tình tạo thành. Trong những trường hợp này, chúng ta không nên có thái độ tiêu cực, càng không nên phản kháng mà hãy giao tiếp, nói chuyện để giải quyết hiểu lầm.

Giao tiếp không những giải quyết được những hiểu lầm của người khác đối với bạn mà còn làm cho họ hiểu bạn hơn. Mỗi một người đều phải phá bỏ những vướng mắc trong giao tiếp, cố gắng xây dựng mối quan hệ đoàn thể. Sau khi mối quan hệ đoàn thể được giải quyết tốt thì trí tuệ của mọi người sẽ được phát huy!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#kinhdoanh