- THƯƠNG TRƯỜNG - KHU RỪNG ĐẦY NGUY HIỂM

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Không biết ai đã ví thương trường như một "khu rừng nhân tạo", nhưng cách ví von này rất đúng.

"Khu rừng nhân tạo" này cũng như rừng nguyên sinh Châu Phi. Trong rừng, không chỉ có cây cối rậm rạp xanh tốt, mà còn có các loài động vật hoang dã sinh sống. Chúng sống với quy luật kẻ mạnh nuốt kẻ yếu, kẻ thích nghi thì tồn tại, nhằm duy trì sự cân bằng sinh thái. Tương tự, trong khu rừng thương trường cũng có các loài "động vật" khác nhau như sư tử, hổ, voi, sói, cáo, thỏ... mỗi người đều dốc sức và không từ thủ đoạn vì lợi ích của mình..

Người thiếu nhận thức đối với nguy cơ thì ý thức sinh tồn của họ cũng kém, mong muốn thay đổi cũng nhỏ, động lực sang tạo yếu và dễ gặp thất bại trong cơn lốc cạnh tranh khốc liệt.

Về điểm này, chúng ta có thể học được rất nhiều từ loài sói. Sói là loài động vật luôn có tinh thần cảnh giác trước nguy hiểm. Những con sói già sống được đến 8, 9 năm đều phải trải qua rất nhiều cuộc chiến tồn vong và không ít lần chúng phải vật lộn với cái chết để sinh tồn. Những vết thương mà kẻ thù đã để lại trên người chúng đã chứng tỏ sức sống ngoan cường của chúng. Trong bầy sói, có rất ít những con sói chết do già, tỉ lệ này chỉ chiếm 1 - 1,5%. Từ đó, chúng ta có thể mường tượng được môi trường sống của loài sói ác liệt đến mức nào. Loài sói phải luôn giữ tinh thần cảnh giác cao độ, vì nguy hiểm luôn đe dọa rình rập xung quanh chúng. Chỉ cần hơi lơ là, chúng sẽ bị thợ săn bắn chết hoặc bị loài động vật ăn thịt khác nuốt chửng.

Người Trung Quốc có câu: "Sống bởi gian nan, chết bởi an nhàn", nghĩa là "con người phải ý thức được nguy cơ!"

Một quốc gia nếu không nhận biết được nguy cơ, thì sớm muộn gì cũng nảy sinh vấn đề. Một công ty nếu không nhận biết được nguy cơ thì sớm muộn gì cũng bị phá sản. Một cá nhân nếu không nhận biết được nguy cơ, chắc chắn sẽ gặp tai họa khôn lường. Tương lai không thể đoán trước được, và không phải lúc nào con người cũng luôn gặp may mắn. Vì thế, chúng ta cần có ý thức nhận biết nguy cơ, để có tâm lý chuẩn bị và ứng phó với những thay đổi đột ngột. Nếu không có sự chuẩn bị, thì chỉ riêng việc bị tác động tâm lý, bạn đã cảm thấy lúng túng, chứ đừng nói đến tìm cách đối phó. Nếu có nhận thức về nguy cơ, thì dù không thể giải quyết được vấn đề, bạn vẫn có thể giảm nhẹ tổn thất, tìm lối thoát cho mình!

Có câu chuyện ngụ ngôn như sau: Một chú heo rừng đang mài nanh vào một cành cây khô, một con cáo trông thấy bèn hỏi nó tại sao không nằm nghỉ ngơi hưởng thụ, vì lúc này không có thợ săn. Chú heo trả lời rằng: Đợi khi thợ săn xuất hiện mới mài răng thì không còn kịp nữa!

Chú heo rừng này có "ý thức về nguy cơ" giống như loài sói!

Bill Gate chủ tịch hội đồng quản trị công ty Microsoft nói, Microsoft chỉ còn cách bờ vực phá sản 180 ngày. Trương Thụy Mẫn chủ tịch tập đoàn Haier nói: "Phải thận trọng như đi trên băng mỏng"; chủ tịch tập đoàn Huawei luôn nói đến việc quản lý rủi ro. Đây hoàn toàn không phải là lời nói thất thiệt, vì chỉ người thật sự nhìn thấy mối nguy hiểm của doanh nghiệp mới có thể tồn tại. Nếu không nhận biết được nguy cơ mà mình đang đối mặt, thì sự phá sản của doanh nghiệp sớm muộn cũng sẽ xảy ra.

Điều này khiến người ta nghĩ tới loài cá ngoài đại dương. Tại sao cá mập lại là chúa tể của biển cả? Thực ra, ngoài hàm răng sắc nhọn, cá mập không còn ưu thế gì khác. Cá mập không có bong bong cá, không có vảy, nhưng cá mập bơi lội suốt ngày nên chúng rất khỏe, và có thể bắt được rất nhiều cá. Nếu cá mập ngừng bơi lội, thì chắc chắn nó sẽ trở thành thức ăn cho kẻ khác.

Tương tự, là một nhân viên của doanh nghiệp, bạn cần ý thức được sự tồn tại của nguy cơ. Nhân viên của doanh nghiệp là một phần của doanh nghiệp, nhân viên và doanh nghiệp có quan hệ "có vinh cùng hưởng, có họa cùng chịu", da chẳng còn thì lông bám vào đâu? Nếu nhân viên của doanh nghiệp bằng lòng với hiện tại, bằng lòng với thành tích trước mắt, doanh nghiệp sẽ mất đi sức trẻ, trở nên trì trệ, sớm muộn gì cũng sẽ bị lịch sử đào thải. Không lâu trước đây, sự kiện tập đoàn Lenovo giảm biên chế đã gây hiệu ứng lan tỏa khắp nước. Nhiều người không hiểu hành động của Lenovo. Thậm chí, có người còn bàn luận trên mạng internet rằng: "Lenovo không phải là nhà tôi". Thực ra, không có gì đáng phải kinh ngạc như thế vì nếu suy nghĩ sâu hơn một chút, bạn sẽ thấy chọn lựa này là rất bình thường.

Sau tết năm 2004, các nhân viên trong công ty đều nhận được một bức thư mang tên "lời kêu gọi của sói". Đây là bài hịch phát động văn hóa Lenovo của Dương Nguyên Khánh. Đến tháng 3 năm 2004, trên mạng internet xuất hiện dòng chữ "Lenovo không phải là nhà tôi" của các nhân viên bị sa thải.

Năm 2004, Lenovo đã không còn đường thoái lui. Họ phải quyết một trận sống mái để lấy lại thể diện của người dẫn đầu trong thị trường PC. Năm 2004, ông Dương Nguyên Khánh không còn sự lựa chọn nào khác hơn là phải cổ vũ tinh thần của nhân viên, tái hiện lại hào khí xâm chiếm thị trường PC năm xưa. Vì đối thủ là những công ty đa quốc gia mạnh hơn Lenovo gấp mười lần, thậm chí là mấy mươi lần như HP, Dell, IBM.

"Để chiến thắng đối thủ mạnh hơn mình, chúng ta càng phải tàn nhẫn hơn với chính mình. Nếu mỗi một tế bào, mỗi một cá thể của chúng ta đều không có ý thức cạnh tranh thì doanh nghiệp còn có sức để chống chọi lại không?" Lãnh đạo cấp cao của Lenovo đã nhìn thấy được vấn đề trước mắt này.

Mấy năm nay, Dell phát triển rất rầm rộ. Sản xuất bình quân đầu người của Dell tương đương với hơn 8 triệu tệ, còn Lenovo chỉ có 3 triệu tệ. Nhân viên của Lenovo cần phải làm quen với phép tắc của rừng già: tốt thì được tồn tại, xấu thì bị đào thải. Ở đó chỉ có đối thủ, không có bạn bè. Ở đó chỉ có sự tôn trọng, không có tình hữu nghị. Lenovo đưa ra chính sách này chính vì họ đã ý thức được nguy cơ đang tồn tại.

Nhìn từ góc độ cá nhân, mỗi người phải đề cao cảnh giác với nguy cơ, để có thể ứng phó với bất kỳ sự thay đổi nào. Ở phương diện nhận thức thì ý thức sinh tồn của loài sói mạnh hơn nhiều so với con người, vì chúng luôn phải đương đầu với những nguy cơ nghiêm trọng hơn con người.

Chỉ riêng việc săn mồi đầy khó khăn của loài sói cũng đáng để chúng ta cảm thán. Dù là trên thảo nguyên, trong rừng rậm hay trên cánh đồng tuyết, để có được thức ăn, chúng phải trải qua quá trình nỗ lực đầy gian nan, thậm chí phải đánh đổi cả tính mạng. Loài sói hiểu được giá trị của thức ăn, việc cướp đoạt thức ăn của chúng cũng giống như cướp đi sinh mạng chúng. Chúng bảo vệ thức ăn cũng chính là bảo vệ sinh mạng của mình.

Loài sói thường áp dụng chiến thuật phục kích để bắt dê. Ngược lại, chúng cũng gặp sự phục kích của thợ săn hoặc những động vật ăn thịt khác. Vì vậy, nếu sói không cảnh giác cao đối với nguy cơ, thì chúng rất dễ trở thành thức ăn của địch hoặc chết dưới nòng súng của thợ săn. Trên thảo nguyên, những mục dân thường đào những hố sâu bên cạnh xác chết của gia súc, bên trong có bố trí bẫy sói. Một con sói lỡ sa bẫy sẽ bị kẹp gãy chân, thậm chí là gãy lưng, nên sẽ không còn đường thoát thân. Nhưng sự hấp dẫn của thức ăn khiến chúng không thể kháng cự được. Vì vậy, chúng sẽ luôn cảnh giác cao độ. Chúng luôn rất thận trọng ở những nơi gần khu dân cư. Chúng thường dùng miệng cắp một số vật đến vứt xung quanh xác gia súc, xem có bẫy hay không. Sau khi xác định rõ là không nguy hiểm , chúng mới yên tâm đi qua, nhưng cũng không cắn xé con mồi ngay lập tức, mà còn dùng cái mũi nhạy cảm của mình để ngửi con vật. Nếu có mùi khác thường, chúng cũng sẽ không ăn, vì có thể mục dân đã rắc thuốc độc lên đó.

Trong mắt loài sói, khắp nơi đều ẩn giấu nguy cơ, sự lơ là sẽ là nấm mồ chôn chính mình. Trong kinh doanh cũng vậy, thiếu ý thức về nguy cơ sẽ khiến cho doanh nghiệp ngày càng suy thoái.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#kinhdoanh