ngoảnh chào người xưa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thăm người ở cõi điêu linh.

Mấy năm qua thôi, mà mồ mả hoá rêu phong cả rồi.

Hỡi em, đời có ba lần đôi mươi, em đi chưa vẹn quá nửa một lần.

Từ tiền phương ngóng tin, từ hậu phương đợi chờ.

Bấy lâu, bấy lâu người đâu chờ được nữa?

Hôm nay là hoa và hương khói, mai kia trà bánh cùng điếu thuốc tàn, mãi mãi về sau là nỗi niềm thương tiếc.

Thư em vài dòng biên vội cho kịp trăng rằm.

Gửi em, bảy năm biền biệt, nay anh lại về.

Rằm tháng tám

Gửi người yêu dấu, từ cõi hồn có linh thiêng

Cố đô ngả chiều không mưa bay, hẳn trời vẫn biêng biếc xanh lơ . Xanh lơ vì tình cũ, tình cũ vẫn cháy nồng nàn

Anh vừa về hôm kia, về lại nhà em bên kia đồi thông , thật ra không hẳn là về, bởi nhà anh đâu mà về. Cái hình hộp bằng gỗ lim cũ nát của ta có lẽ bị dở đi chục năm về trước rồi, cái thời bọn quan Tây mò tới đất thành đô ấy. Ngõ hẻm giờ chẳng còn đìu hiu, quạnh quẽ như trước kia, hàng quán sát rạt nhau như đống rơm rạ, châm mồi lửa là bốc cháy ngùn ngụt. Anh gặp lại Quốc hồi còn đóng quân Tây Bắc, à, em nhớ Quốc chứ? Cu cậu ngày xưa học chữ ở nhà thầy em đó, hẳn em nhớ mà, cứ đến trung thu là em chia hết phần bánh của mình cho Quốc, thằng nhỏ mù lòa mắt trái rồi, mảnh bom găm ghim thẳng vào một trưa tháng bảy, Quốc lịm đi và mọi người tưởng lại có một chiến sĩ nằm lại đất phương xa, nhưng vì cái nghĩa tình, không ai cho vùi thân em sớm cả, phải làm ma chay, phải được đồng đội tiễn đưa phút cuối, Quốc được đưa về trạm, mảy may ý trời thế nào nửa ngày lại tỉnh, giờ thằng nhỏ về miền xuôi rồi, nghe đâu đi buôn, sống khá khẩm lắm. Tháng sau Quốc lên thăm, mà thăm anh hay thăm em thì anh chẳng biết.

Giờ anh đang ăn nhờ ở đậu nhà anh Trân, lớ ngớ hôm mới về thế nào mà khéo bắt gặp anh đầu ngõ đã từng là "xưa", anh Trân nhất quyết một hai lôi anh về bằng được nhà dù anh đã bảo có thể tìm được hàng trọ, chắc em chưa từng nghe qua anh kể những ngày đầu xuân xứ Viễn Đông, người xa xứ nháo nhào đông nghìn nghịt tràn ra bến tàu về quê, anh nhường lại tấm vé nhàu nhĩ mất nửa ngày chen lấn cho một cậu trai trẻ gầy rộc, nom mặt mũi còn lem luốc những nhọ bấu vào vai anh để đứng vững, một người cùng quê. Duyên trời mới chính là khéo, khéo tha hương từ Nam chí Bắc vẫn quành lại chốn này, khéo người cùng quê năm nào là anh Trân - cậu chạy việc lò than, giờ đã là một nhà văn có tiếng. Nên anh tạm bị giữ lại ở nhờ ít hôm, phụ việc lặt vặt và thỉnh thoảng nhờ anh Trấn mua giúp lẵng hoa viếng, nay mới có dịp dùng.

Nay Tết trông trăng em nhỉ, trăng vắt quá đỉnh đầu, sáng vằng vặc. Trông kìa, thằng Cuội đang ngó xuống bể sao từ đèn lồng trần gian, từ trong cung nàng Hằng. Anh vừa ra phố cách đây ít phút, rồi lại trở vào, rộn ràng quá, đông vui quá, nhưng xa lạ lắm em tôi. Qua rồi, qua thật rồi mùi sáp nến thơm lừng, ấm nóng, chực ngả nghiêng trong chiếc đèn lồng ống bơ đục khoét tỉ mẫn, này những đốm sao, này những nan quạt, này cánh phù dung lả lướt, chiếu lên nền đất bóng hình lập lòe. Mất đi rồi, hương bánh nướng phưng phức mùi hạt sen, hạt dưa và lạp xưởng vừa chín tới, vị đậm đà quả trứng muối tròn trĩnh. Hai mái đầu xanh kề cạnh, rủ rỉ những chuyện không đâu. Em vọc chân vào mặt hồ tĩnh lặng, những gợn nước lăn tăn rung rinh theo đáy mắt em rực sáng. Có lẽ anh đi quá lâu, em say giấc thiên thu cũng ngút ngàn, nên ta vụt mất thuở vàng son vốn chỉ gỏn gọn trong lòng tay gầy guộc.

Đèn đóm giăng khắp phố thị, có lẽ đến xẩm tối anh Trân sẽ kéo anh ra ngắm phố lên đèn dù anh đã lảng vảng ngoài kia ít phút trước, đèn sẽ là màu gì nhỉ? Lục, lam, chàm, tía hay màu mắt người xưa ngả thời xa vắng? Là những nụ cười đoàn viên bên ánh mắt ngời thơ dại, hay anh cúi đầu giấu đi vành mắt hoe đỏ vì em chẳng ở đây, ở xa hay ở nhân thế.

Sáng anh đến thăm em, sáng cố đô trong vắt và em nằm giữa những u hoài. Bên cạnh những lẵng hoa ngời ngợi và hương nhan khói nghi ngút, sao em tôi lặng lẽ, phủ bám rêu phong cô quạnh. Trân Ni của anh, anh thực sự đi lâu quá rồi sao em? Bia mộ đề tên em, tên thật đẹp và em cười quá đỗi dịu dàng, chân thực đến độ chỉ như mới nay kia thôi, em còn vùi mái đầu vào lòng anh cười rúc rích, để những nhành tóc tơ rơi lả tả vào hồn anh. Bàn tay gầy guộc lộ rõ những khớp xương trắng hếu như làn da em toan rách nát, em đưa tay vuốt mi mắt anh, rằng anh đừng nhìn em sầu thảm như thế, em vẫn đây mà, Dõan Kỳ của em. Gương mặt xanh xao cười những nụ cười dịu dàng với anh nhất. Rồi cắn môi bật máu ngăn cơn ho những ngày trở gió vì sợi thừng vô hình bện chặt quặn thắt lồng ngực em rỉ máu.

Người chiến binh, người đi thời chiến chinh, mấy người đi trở lại?, em cười rằng anh rồi sẽ về thôi, về toàn vẹn với mảnh tim em ký gửi nơi anh. Vì em vẫn đây, nơi hậu phương đợi chờ, chờ một ngày quê hương giải phóng, anh chắc chắn về - em biên trong những tờ thư trao tay người chiến sĩ. Ôi những tờ thư em gửi, vẫn im lìm trên mảnh đất quê hương, dẫu có bom đạn xé tan tác, vẫn hằn rõ ngời ngợi niềm hy vọng.

Chiều đông lâm râm mưa phùn, anh được tin em mất. Quốc chạy vào trạm và khuỵu người xuống ôm lấy tờ điện báo đã loang vệt nước.

Chị Ni mất rồi, chị mất thật rồi, anh Kỳ ơi.

Chị ấy yếu từ hai tháng trước, chị Ni không cho em nói anh.

Chị Ni đi hai ngày trước, đến hôm nay người ta mới thấy xác chị nằm im lìm bên xấp thư chị gửi về.

Em xin lỗi. Em xin lỗi. Em xin lỗi đã không nói anh.

Quốc khóc lả đi đến khi trời hửng nắng lần hai. Về sau, Quốc cũng không nhắc chuyện tờ điện báo giờ ở đâu, có lẽ lần gặp mặt tới anh nên hỏi.

Thời chinh chiến qua rồi em ơi, anh đi biền biệt mấy năm, người tiền tuyến không chết dưới mảnh bom găm hay nòng súng đạn, người hậu phương chết trên chiếc giường kỷ niệm cùng những bức thư tay mang hoài nhung nhớ. Anh về, thăm mả mồ em hiu quạnh, trả cho em người em thương cả xuân xanh, anh về, vẫy chào em đôi mươi quá nửa sống mãi, ngoảnh đầu quên chuyện cũ nặng lòng.

Trăng rằm của anh, của em, của đôi ta, từ đây khép lại.

Em sống vẹn thuở tàn hoang, mãi bất tử với tuổi hai mươi.

Em đi an yên quá đỗi. 

Thương em vẹn thuở nồng nàn

Doãn Kỳ của em

Trân Ni của anh

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro