Tứ Phương Quán không phải phim chuyển thể của Tây Vực Liệt Vương Ký

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Phim Tứ Phương Quán lấy cảm hứng từ bối cảnh và câu chuyện gốc của Quyển 2 – Tây Vực Liệt Vương Ký trong bộ sách "81 Án Tây Du" của Trần Tiệm. Tuy nhiên, Tứ Phương Quán lại là một tác phẩm hoàn toàn độc lập, không phải là bản chuyển thể trực tiếp của Tây Vực Liệt Vương Ký như nhiều lời đồn đoán trước đó.

1. NGUYÊN TÁC TÂY VỰC LIỆT VƯƠNG KÝ


Nguyên tác Tây Vực Liệt Vương Ký kể về hành trình tây du của đại sư Huyền Trang, xuất phát từ Đại Đường. Trên hành trình này, Huyền Trang phải đối mặt với vô vàn nguy hiểm khi băng qua sa mạc Hạ Diên. Vô tình, Huyền Trang bị cuốn vào các âm mưu phân tranh quyền lực giữa các gia tộc và quốc gia lớn nhỏ trên con đường tơ lụa ở Tây Vực. Tương truyền, trong chiếc bình của vua Đại Vệ, vật trấn quốc của Tát San Ba Tư suốt 400 năm, có ma quỷ ẩn náu. Nó có thể giúp người sở hữu đạt được ba ước nguyện nhưng đổi lại phải trả tự do cho nó sau khi ba điều ước được thực hiện. Điều này đã làm dấy lên lòng tham và dã tâm của nhiều người, khiến Tây Vực rơi vào cảnh hỗn loạn. Huyền Trang vừa phải đối mặt với các âm mưu đen tối, vừa phải chứng kiến sự bi ai của những con người bị giam trong chiếc lồng mang tên vận mệnh mà không thể thoát ra được. Trên con đường này, Huyền Trang cũng lần lượt gặp ba đệ tử của mình là A Thuật, Khúc Trí Thịnh và Đạt Ma Chi.


Tâm nguyện cả đời của Huyền Trang là dùng Phật pháp vô biên để cứu rỗi chúng sinh. Với trí tuệ, sự kiên định và lòng dũng cảm, Huyền Trang đã phá giải được bí mật về chiếc bình của vua Đại Vệ do con người tạo ra để thao túng lòng người. Trên đời này, không có chuyện quỷ thần, mọi bí ẩn đều bắt nguồn từ tham vọng của con người. Lòng người sâu hơn biển, lạnh hơn tuyết, là điều khó đoán nhất. Đồng thời, Huyền Trang đã giúp A Thuật, đứa trẻ bị giam cầm trong chiếc bình của vua Đại Vệ, thấy được chút ánh sáng của cuộc đời. Nhưng hào quang Phật tử của Huyền Trang hay ánh sáng mãnh liệt của mặt trời cũng không thể xua tan sự lạnh lẽo chết chóc và bóng tối vĩnh hằng của cuộc đời A Thuật. Bản thân y không thể thay đổi được dòng chảy của lịch sử, cũng không thể cứu vớt được những con người bị mắc kẹt trong số phận nghiệt ngã. Vì thế, quyết tâm đi đến Thiên Trúc thỉnh chân kinh để cảm hóa chúng sinh của đại sư Huyền Trang càng thêm mãnh liệt hơn bao giờ hết.


2. KHÁC BIỆT GIỮA TỨ PHƯƠNG QUÁN VÀ TÂY VỰC LIỆT VƯƠNG KÝ


Nguyên tác mang một màu sắc bi thương của số phận và khắc họa sự phức tạp về lòng dạ con người khi bị tham vọng quyền lực làm mờ mắt. So với nguyên tác, phim Tứ Phương Quán lại là một câu chuyện ấm áp, nhân văn, đặt niềm tin vào thuyết "nhân chi sơ tính bản thiện".


Nguyên tác khắc họa rõ nét các yếu tố lịch sử và văn hóa, miêu tả số phận đau thương của những nàng công chúa bị đem ra làm vật hi sinh hay công cụ chính trị vì vinh nhục của dân tộc. Tứ Phương Quán lại đề cao tinh thần độc lập và tài năng của nữ nhân. Nếu nguyên tác tập trung vào các vụ án ly kỳ để lột tả quyền mưu, thì Tứ Phương Quán lại khéo léo phản ánh các vấn đề xã hội thông qua quá trình phá án, từ gian lận thi cử, lừa đảo, hối lộ, mê tính dị đoan, đến môi trường làm việc và các vấn đề khác.


Sự khác biệt rõ nét cũng nằm ở các nhân vật. Trong nguyên tác, Công chúa Sương Nguyệt Chi xem thường và lợi dụng tình yêu của tam hoàng tử Khúc Trí Thịnh để đạt được mục đích. Trái lại, A Thuật của Tứ Phương Quán, trân trọng tình yêu của Nguyên Mạc và xem tình yêu đó là ngọn lửa ấm áp của cuộc đời mình. Trong một câu chuyện yêu hận tình thù khác của nguyên tác, có người vì yêu và muốn cứu công chúa vong quốc, Ngọc Ba, thoát khỏi số phận sống không bằng ch**, mà dùng cả đời bày mưu tính kế, không ngại hủy hoại ngàn vạn con người khác. Để rồi, cả nàng và hắn đều không có kết thúc tốt đẹp. Ngược lại, những con người ở Tứ Phương Quán, sẵn sàng vì những nạn nhân đáng thương không quen biết mà xả thân, không ngại nguy hiểm đi vào Hồng Liên Các để cứu họ, cho họ một cuộc sống tốt đẹp hơn.


Nếu nguyên tác là hành trình đi tìm chân lý tối thượng của Huyền Trang để cứu rỗi và dẫn dắt chúng sinh, thì phim Tứ Phương Quán lại lấy yếu tố ngoại giao làm trọng tâm, truyền bá văn hóa và sự nhân văn khắp tứ phương để mang lại cuộc sống an lạc cho người dân. Huyền Trang mang trên người sứ mệnh cao cả, cầu chân kinh để mang lại hạnh phúc cho tất cả chúng sinh. Nhưng bản thân y lại phải chứng kiến cảnh tàn sát đầy tội lỗi và oán khí ngập trời giữa các quốc gia và tôn giáo ở Tây Vực. Ranh giới giữa đúng và sai, thiện và ác trong cuộc chiến quyền lực trở nên mờ nhạt đến mức khó phân định ai là kẻ tội đồ và ai là nạn nhân, vì không ai thực sự vô tội. Trong khi đó, nhân vật chính Nguyên Mạc của Tứ Phương Quán không có sự uyên thâm, phong thái thoát tục nhìn thấu hồng trần hay một tấm lòng cao cả chứa đựng cả thiên hạ chúng sinh như đại sư Huyền Trang. Tuy nhiên, Nguyên Mạc lại sở hữu trí thông minh, sơ tâm nhân hậu, tinh thần lạc quan và sự trưởng thành của một thiếu niên giữa đời thường. Những phẩm chất này được thể hiện qua những câu chuyện và cuộc gặp gỡ với các nhân vật khác trong Tứ Phương Quán. Chỉ riêng sự khác biệt trong thiết lập và điểm xuất phát của hai nhân vật chính này đã khiến mạch truyện thay đổi hoàn toàn.


3. NGUYÊN NHÂN ĐOÀN LÀM PHIM CHỌN TẠO RA TỨ PHƯƠNG QUÁN THAY VÌ CHUYỂN THỂ TÂY VỰC LIỆT VƯƠNG KÝ


Nguyên tác Tây Vực Liệt Vương Ký là một tác phẩm sâu sắc, đan xen nhiều triết lý nhân sinh cùng các yếu tố phức tạp về lịch sử, chính trị, địa lý và tôn giáo. Trong câu chuyện giả tưởng của tác giả, có nhiều chi tiết được lấy cảm hứng từ sự kiện có thật, tạo nên một bức tranh đầy chiều sâu và sắc màu. Chính vì sự phức tạp này, việc chuyển thể tác phẩm thành phim là một thách thức lớn. Chỉ riêng việc tái hiện bối cảnh Đại Đường thịnh thế, kinh phí đã là một vấn đề nan giải đối với đoàn làm phim. Có lẽ vì những khó khăn này mà đoàn làm phim đã lựa chọn tạo ra Tứ Phương Quán ở Đại Ung, một câu chuyện hoàn toàn khác nhưng dựa trên ý tưởng của Tây Vực Liệt Vương Ký. Mặc dù nội dung của Tứ Phương Quán khác biệt hoàn toàn với các vụ án trong nguyên tác, nhưng bộ phim lại nổi bật nhờ sự sáng tạo và mới mẻ khi chọn chủ đề ngoại giao làm trọng tâm. Các tình tiết ngoại giao trong phim không chỉ thú vị mà còn được xây dựng một cách phù hợp với bối cảnh lịch sử. Triết lý nhân sinh được lồng ghép trong Tứ Phương Quán phản ánh nhiều góc khuất của xã hội tồn tại qua nhiều thời đại. Tuy vậy, bộ phim vẫn giữ vững tính nhân văn, mang đến thông điệp tích cực và hy vọng trong cuộc sống...____Bài viết của Trạm Phim Của Nhím

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro