Phó Thám hoa -18-

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sau tết Đoan ngọ, Kỷ Yến tranh thủ lúc đi thỉnh an lén chạy đến gặp Hầu gia kiêm bác cả. Nhưng mà Kỷ Hầu gia không chịu nhận tiền, lại còn rất hiền lành mà rằng, Kỷ Yến ngày ngày đi học, giờ cũng bắt đầu đến tuổi phải qua lại xã giao với bạn học chứ, làm sao có thể rỗng ví thế được. Hai mươi lượng bạc với người lớn cũng chả đáng là bao, cứ an tâm mà cầm.

Ông ấy chỉ dặn dò cậu phải cẩn thận đừng nói cho ai kẻo người lớn khác trong phủ nghi ngờ không đâu.

Lúc về, Kỷ Yến kể cho Giai Lam nghe, rồi thì im lặng nguyên một ngày. Cậu cảm thấy trong đầu loạn cào cào, vừa như khó chịu, lại vừa có chút sợ hãi... ừ thì... có cả một chút xíu vui sướng, nhưng cậu lại cảm thấy không nên.

Trước nay cậu vẫn chỉ ngóng trông được người lớn quan tâm để mắt tới, mãi tới khi lòng nguội lạnh như đống tro tàn, ép mình đối mặt với thực tế, ép mình dập tắt thứ hi vọng vớ vẩn đó. Ai dè bác cả chi trưởng lại bỗng nhiên mang lại điều mình vẫn mong cầu, khiến cho cậu bối rối không biết làm sao.

Thật ra thì giờ mới nhớ lại, bác cả mà cho Chiêu ca nhi cái gì, cậu cũng có cái đó. Mặc dù số lần không nhiều, bác cả là một người luôn vùi đầu vào sách vở, lúc nào cũng có vẻ mơ màng.

Làm gì bây giờ? Phải làm gì bây giờ? Không biết nữa. Thậm chí cậu làm bài không tốt tí nào, cảm thấy thật có lỗi với bác cả... người đã lo lắng cho mình cả những chuyện nhỏ bé như thế.

Thật là muốn khóc. Nhưng cậu đã tự thề với mình sẽ tuyệt đối không rơi nước mắt nữa.

Mỗi lần cậu cảm thấy mệt mỏi, nản chí, muốn lười biếng một chút, là lại nghĩ tới sự quan tâm lo lắng âm thầm của bác trai... Cảm thấy mình thật không tốt, như thể có lỗi với ai đó vậy.

Bởi vì... chỉ có bác cả mới quan tâm mình đi học thế nào. Cho dù không thể làm vẻ vang, cậu cũng không muốn bác cả nhìn mình thất vọng.

Mặc dù cảm thấy dạo này Kỷ Yến tích cực học hành có vẻ hơi quá mức, gần như tẩu hỏa nhập ma, nhưng Giai Lam vẫn im lặng. Khi trẻ con có động lực học hành, vẫn nên kệ cho nó lao đầu vào học. Nếu lúc này người lớn lại ngăn cản ép nó nghỉ ngơi, thường là sẽ khiến cho năng lượng đó bị chặn lại và xẹp lép.

Thế nên ngoài việc uốn nắn tư thế ngồi và khoảng cách từ mắt đến sách cho cậu ta, lúc nào thấy cậu ngồi học lâu quá, cô cũng chỉ nhẹ nhàng rằng. "A Phúc bị xích ngoài sân cả ngày rồi." Đứa trẻ dễ bị hù dọa này sẽ lập tức nhảy dựng lên. "Lại là ai xích nó lại thế? Ta đã bảo không được xích nó kia mà? Mấy cô cũng lười quá thể, sao không chịu dắt nó đi dạo cho rảo chân chứ?"

Sau đó thì cậu ấy sẽ vừa lầu bầu vừa chạy đi tìm A Phúc, rồi lại không nhịn được lôi nó đi dạo trong vườn với mình, vừa chơi đuổi bắt vừa cười sung sướng, hoàn toàn quên hết phong độ của một vị công tử thế gia.

Giai Lam cảm thấy mình không đi làm cô nuôi dạy trẻ thật sự là một tổn thất lớn lao của cấp mẫu giáo ở thế kỷ hai mốt. Một cậu ba, bốn nhóc Quả thêm một con chó, dưới sự dạy bảo huấn luyện của cô ai nấy cũng đều phục tùng nghe lời cun cút.

Càng nghĩ càng cảm thấy bùi ngùi thay, từ mới đầu phải dẫn dắt cả đội ngược gió mà đi cho tới bây giờ có thể coi là thuận gió hơn một chút. Tình trạng bóc lột lao động trẻ em của cô với bốn nhóc Quả giờ cũng tính là kết thúc, sân vườn đã giao cho đội ngũ chuyên nghiệp xử lý, tuyệt vời nhất là không còn ai ngăn cản mấy chị em đổi hoa quả thu hoạch được lấy quả khô hay làm mứt, các loại xã giao quà cáp quan hệ xã hội có thể tính là thu chi cân bằng và tiết kiệm vô cùng.

Các thứ đồ dùng hàng tháng đưa tới cũng không còn là mấy đồ thứ phẩm rách nát khiến người ta hết chỗ nói, vải vóc may mặc đều là loại bền chắc dùng được lâu dài, không cần phải chịu phòng khâu vá làm tiền, đã đưa toàn những vải vụn đầu chỉ mà vẫn còn phải cười tươi giả lả lấy lòng cầu ông cầu bà. Quy định được phát cái gì là có cái đó, không cần phải khổ sở gom tiền mua ở bên ngoài.

Các chị em cũng không cần phải nhín chút thời gian rảnh rỗi sau cả ngày bận rộn để vá áo vá quần cho công tử, giờ đã có thể thoải mái từ tốn ngồi nghĩ cách làm giày làm tất mới hay là cắt may quần áo mới - dù sao thì con trai tới tuổi đang lớn, quần áo giầy dép chưa dùng được vài lần đã chật là bình thường.

Thậm chí Giai Lam còn có thời gian lẫn tâm trí để dạy chữ dạy tính toán cho bốn nhóc Quả, trong đó Đào Nhi là chăm chỉ học hành nhất - cô nhóc vẫn chưa thôi lý tưởng cao siêu là chờ chị Giai Lam đi lấy chồng để trở thành chị cả tổng quản trong phòng.

Cô mơ hồ biết nguyên nhân có những thay đổi này... Hẳn là thầy giáo và Kỷ Hầu gia chiếm vai trò quan trọng nhất. Và lý do rất có thể là tiếc kẻ có tài, là Kỷ Yến, hay chính là mình.

Nhưng bất kể thế nào cô cũng thực sự biết ơn họ. Thế nên cô rất cẩn thận giúp cậu ba tính toán tiết kiệm tiền nong và ghi chép sổ sách rõ ràng, đồng thời vô cùng nghiêm túc học với thầy giáo.

Mặc dù thật ra cô cảm thấy ở triều Đại Yến này đã có khóa học từ xa như thế này, quả thực là tân tiến lắm lắm.

Đúng vậy. Giờ thì cứ dăm bảy hôm thầy giáo sẽ viết thư cho cô, giảng kỹ những chỗ sai sót sơ sảy trong cách cô dùng điển cố dẫn chứng hay chọn luận điểm luận chứng. Mặc dù cũng có phần nào do thời đại này khác lạ, nhưng thường thường có thể kích thích cô suy luận rộng hơn, có nhiều không gian để liên tưởng hơn. Dần dần cô cũng bắt đầu viết thư nhờ cậu ba đưa cho thày giáo để khiêm tốn nhờ thầy chỉ bảo thêm... Có được một người thầy thật sự bác học, nhìn xa trông rộng về văn hóa nước nhà như vậy, ở thế kỷ hai mốt thật sự chỉ tồn tại trong mơ mà thôi.

Nhưng có một điều cô không biết, mỗi lần thầy giáo đọc thư mình gửi xong đều phải thở vắn than dài hồi lâu, Kỷ Hầu gia còn cướp thư để đọc.

"Tôi có đứng từ xa nhìn con bé này hai bận." Kỷ Hầu gia nhíu mày không hiểu. "Thật sự chỉ là một cô nhóc lùn mãi không lớn. Không lẽ thật sự có cái gọi là thiên tài trí tuệ bẩm sinh ư?" Nếu không biết thân phận của cô nhóc, thật sự đọc văn ai cũng có cảm giác đây là một vị tài tử đã trưởng thành, cử chỉ phong thái nho nhã, dáng vững vàng như cây ngọc đón gió, hơn nữa phải có xuất thân từ một gia đình tài hoa văn hóa lâu đời nào đó.

Thầy giáo thổn thức chấm khóe mắt. "Nghe cháu của ông kể, cha cô bé từng là một nhà nho có tài nhưng xui xẻo, sau này lại dính phải mấy thói xấu xa nên cuối cùng phải bán vợ đợ con... Rặt là bại hoại gia phong! Rặt là uổng phí một đời tài năng! Thật không biết nên hận ông ta hay là cám ơn ông ta đã nuôi dạy ra một cô con gái thông minh tót vời như thế, nhưng lại khiến cô bé lưu lạc khổ sở nỗi này..."

"Nhà tôi cũng đâu có khổ tới thế?" Kỷ Hầu gia phật lòng. "Nghe ông nói cứ như nhà tôi là mấy chỗ ngõ liễu tường hoa không bằng..."

"Thôi đi!" Thầy giáo khinh bỉ. "Nếu không phải vợ ông có mấy chiêu để giữ gìn nhà cửa, hồi trẻ ông cũng đâu thiếu phong lưu, thậm chí suýt nữa thành hạ lưu chứ. Em trai ông, cháu trai ông... Hừ, tôi đếch thèm nói nhé!"

"Này này." Kỷ Hầu gia tái mặt. "Đánh người không vả mặt! Đấy cũng là hồi còn trẻ chưa biết gì... Mà khoan, không lẽ có lời ra tiếng vào gì đó hạ lưu à?"

Thầy giáo không trả lời chính diện. "Có rảnh thì ông cũng nên chú ý nhà mình một chút. Con trai con dâu ông dù gì cũng là lứa trẻ nhất, đừng có khơi khơi mà chọc phải tổ ong vò vẽ là mệt lắm. Để cho người ngoài nói Kỷ Hầu phủ chỉ có hai con sư tử bằng đá là còn sạch sẽ, tôi đây mang họ Kỷ cũng phải xấu hổ thay. Thôi thôi, tôi nói với ông mà làm gì? Tóm lại đừng có liên lụy đến hai học sinh của tôi. Mấy chục năm nay mới phát hiện được hai mầm non đáng đồng tiền bát gạo như thế đâu có dễ!"

Kỷ Hầu gia còn đang mặt cau mày có lập tức chuyển lo lắng thành hớn hở. "Hai đứa? Cả Yến ca nhi cũng tốt à?"

Thầy giáo thở dài. "Nói đúng hơn, bây giờ nếu so với Phó Giai Lam đương nhiên là không thể bằng. Nhưng mà nó chăm chỉ từng ngày, đầu đá giờ cũng trở nên thoáng đạt hiểu biết, rõ rành rành là thế. Cái gọi là đã không lên tiếng thì thôi, một khi mở miệng một lời vang xa. Nói ra thật xấu hổ, Yến ca nhi không phải thành tài dưới sự dạy bảo của ta mà là do Phó Giai Lam kích thích mới bộc phát tiềm năng."

Lại nữa. Hầu gia nâng chén trà lên nhấp. Ông bạn cùng trường ngày xưa này là một kẻ có tài năng đủ nhìn đời bằng con mắt kiêu ngạo, hoàn toàn là một đấng lương sư. Khuyết điểm duy nhất chính là trước mặt người thân bạn tốt thích diễn sâu mà thôi.

Còn may là học sinh ông ta không biết điều này, bằng không e là dáng vẻ uy nghiêm của người làm thầy sẽ bị đập nát bét.

Giai Lam và Kỷ Yến hiện giờ vẫn không hề hay biết nguyên do bỗng dưng được giúp đỡ chăm sóc. Cô chỉ cảm thấy trong hoàn cảnh đấu tranh nội trạch đầy áp lực nặng nề không thua gì rãnh biển Marianna kia, sự quan tâm của thầy giáo và Kỷ Hầu gia thật sự ấm áp như ánh dương mùa đông vậy.

Hai vị người lớn đó thật ra chỉ mong ngóng một điều duy nhất, là hai đứa học hành cho tử tế mà thôi.

Việc này đối với Giai Lam còn dễ hơn cả uống nước ăn cơm, mà Kỷ Yến thì cũng dần dần cảm thấy không khó khăn đến thế. Chỉ có điều cậu Ba Yến vẫn không tránh khỏi việc thường xuyên bị hầu gái của mình đả kích tối mày tối mặt.

Chờ đến khi Kỷ Yến phát hiện giờ khi biện luận trực tiếp với bạn bè trong lớp, mình đã có thể dễ dàng thắng vị đàn anh có tài học giỏi nhất trường, lúc ấy đã lại vào đông. Nhưng cậu vẫn khiêm tốn, vẫn nhã nhặn điềm đạm như cũ. Đám bạn cùng trường xưa kia coi khinh cậu là con vợ lẽ mà không muốn cùng chơi với cậu, giờ ai nấy đều nhìn cậu bằng con mắt khác, ai nấy đều khen cậu một tiếng khiêm khiêm công tử.

Không phải thế đâu. Kỷ Yến rầu rĩ nghĩ bụng. Mình thì có gì mà giỏi kia chứ... chẳng qua là do Giai Lam không thể đi học mà thôi. Nếu cô ấy mà đi học...

Thật không dám tưởng tượng luôn, tàn nhẫn lắm thay.

***

Tuần này nhân viên xếp chữ có tí bận nên không làm được nhiều mong bạn đọc thông cảm nha hic hic. Cuối năm rồi nhiều việc quá xá!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro