Phó Thám hoa -2-

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mặc dù ngày đầu tiên nhận việc đã bị màn gào rú như sư tử rống của cậu ba Kỷ dọa cho tái mặt, nhưng cũng may trong sân của câu ba đã có sẵn hai chị a hoàn bậc nhất chuyên hầu hạ bên người cậu chủ, lại thêm hai chị a hoàn bậc nhất mười sáu mười bảy tuổi đó lại đối xử với Giai Lam một cách hiền hòa thân thiết bất ngờ. Nhiệt tình không tưởng tượng nổi, cái gì cũng đồng ý dạy dỗ cho cô từ đầu tới cuối.

Ngay cả bà vú Tiết của cậu ba cũng hoàn toàn không cậy già lên mặt bắt nạt trẻ con, ngược lại rất là đon đả nể trọng Giai Lam, vừa tới không được mấy ngày bà đã đề nghị với bà chị quản gia trong phủ nâng Giai Lam lên làm a hoàn bậc hai.

(Những chỗ in nghiêng trong ngoặc là chú thích hoặc chém gió của người xếp chữ)

Mặc dù tính ra số người làm trong phòng cậu ba ít hơn hẳn so với cậu hai, khiến cho kế hoạch làm chân chạy vặt sau màn của cô hơi khó thực hiện, nhưng ít ra không cần hầu hạ ăn ở cho cậu ba tính tình như thùng thuốc nổ kia mà chỉ cần nghiêm túc làm việc là được. Giai Lam nghĩ bụng màn chuyển công tác này cũng không tệ lắm, đỡ phải chơi trò mưu mô đấu đá chèn ép lẫn nhau với đám trẻ con kia, chỉ mệt thân không mệt đầu, rất hợp để ngồi một chỗ an hưởng đến già...

... toàn là chuyện bố láo!

Chỉ hơn một tháng sau, hai cô a hoàn bậc nhất đồng thời về nhà chuẩn bị lấy chồng, vú Tiết cũng được nghỉ hưu an dưỡng đầy vinh quang. Trong phòng của cậu ba lập tức ít hẳn một nửa số người hầu hạ. Đã thế sau đó lại có thêm vài vụ thuyên chuyển nhân sự nữa, đến cả đám a hoàn bõ già chuyên làm việc nặng cũng bị chuyển đi, chỉ còn lại vài mống vừa già vừa yếu vừa tàn vừa phế.

Tàn phế mức độ nào ư? Này nhé bốn bõ già chuyên khuân vác việc nặng, một bà lãng tai, một bà bị thấp khớp đi lại khó khăn, một bà đục thủy tinh thể sắp lòa, còn lại bà cuối cùng lụ khụ tám mươi tuổi. Mà cũng không cách nào bảo các bà ấy thôi nghỉ đi đừng làm nữa vì gia cảnh nghèo đói, họ chỉ trông chờ vào chỗ tiền công ít ỏi hàng tháng để cầm hơi.

Bốn đứa a hoàn làm việc tay chân, đứa nhỏ nhất chưa đầy bảy tuổi, đứa lớn nhất mười tuổi còn chưa tới. Mặc dù chúng nó rất nghe lời nhưng mà sai bảo chúng nó khiến cô cảm giác tội lỗi vô cùng như đang nô lệ trẻ con vậy.

Khổng phu nhân vẫn tự hào làm mẹ cả nhân từ, nên nói về diện tích thì vườn Ủng Thúy của cậu hai với lầu Gia Phong của cậu ba sàn sàn như nhau. Nhưng nếu tính đến nhân sự hai nơi thì đúng là không cách nào so, chỗ cậu hai vượt chỉ tiêu quá đà: ba mươi sáu kẻ; chỗ cậu ba đã thiếu càng thiếu: sáu người.

Rành rành tỷ số 6:1, cậu hai giành thắng lợi áp đảo.

Trong số người hầu đi theo cậu ba, chỉ có hai a hoàn bậc hai là Giai Lam và một cô khác tên là Chanh Nhi. Nhưng ngày đầu tiên vào nhà trong để hầu hạ, cậu ba nổi khùng lên hất thẳng chậu nước rửa mặt lên người Chanh Nhi rồi gào rống đuổi cả hai ra ngoài.

Đã tới đây gần hai tháng, đã nếm trải đủ cấp độ gầm thét của cậu ba, Giai Lam cũng thấy khó chịu nên định qua an ủi cô bé Chanh Nhi đang khóc thút thít. Nhưng cô phát hiện ra, gương mặt Chanh Nhi đang khóc thút thít kia, dưới tấm khăn vải, khóe môi lại hơi cong lên.

Là đang cười!

Mùa xuân tiết trời rét mướt, nhưng nước rửa mặt của cậu ba lại lạnh như băng. Cô vốn bảo phải chuẩn bị trà nóng, ai dè lại bị tráo đổi thành tách trà pha từ đêm hôm trước với toàn là vụn trà cuống trà. Mà cơn giận dữ của cậu ba, kết quả khiến cho cậu ta bị nhốt vào Phật đường để "tĩnh tâm" và bị phạt chép kinh Phật cả ngày.

... Cái gì thế này? Một cách bắt nạt tinh vi hơn chăng?

Còn chưa hiểu rõ đâu vào đâu, Chanh Nhi và anh họ cô ta tằng tịu với nhau bị cậu ba bắt gặp, đột ngột bị đuổi ra ngoài. Chuỗi sự kiện liên tiếp xảy ra này khiến cho cô nàng hiện đại Giai Lam xui xẻo xuyên đến đây chỉ thấy đầu óc bùng nhùng.

Nhà trong, a hoàn bậc nhất hầu hạ ăn ở, ghế trống. A hoàn bậc hai còn mỗi một mình Giai Lam. A hoàn bậc ba, chưa bao giờ tồn tại. A hoàn làm việc chân tay, chỉ có bốn đứa loắt choắt như vịt con.

Sơ đồ công nhân viên chức vô cùng sơ sài thiếu thốn, tương lai là một màu xám xịt.

Thế nên cậu ba hếch mặt cười gằn. "Trước sau gì tao cũng đuổi mày ra ngoài như thế!"

Giai Lam chỉ đơ mặt nhìn cậu ta, tay vẫn không ngừng hầu hạ giúp cậu ta mặc quần áo.

Bởi vì trong đầu cô chỉ vẫn đang tua đi tua lại câu hát "Đợi rồi đây thu dọn núi sông xưa", giọng bi tráng kiểu Mãn giang hồng. Khắp nơi đều rách nát, chỗ nào cũng bị bó chân bó tay, thật tình cô không biết nên bắt đầu "thu dọn" từ đâu.
(Nguyên văn: Đãi tòng đầu thu thập cựu sơn hà, câu thơ trong bài Mãn giang hồng của Nhạc Phi, vị tướng nổi danh thời Nam Tống, bị gian thần Tần Cối vu oan mà chết)

Cô phát hiện ra, đám tác giả chuyên viết thể loại xuyên qua thời không hầu như chỉ có một cliché về khái niệm "a hoàn", cho rằng a hoàn chỉ cần biết gào khóc "Tiểu thư!!!" hoặc là chỉ cần tỏ ra trung thành thẳng thắn là xong.

Thật sự là sai bét nhè!

Làm a hoàn muốn hợp lệ đạt chuẩn, khó lắm phải đâu chuyện đùa, mà khó nhất là ở việc tất tần tật đều phải tự học hoặc học trộm. Nhìn xem, khâu vá thêu thùa phải biết làm, làm đẹp, nhưng mà các cô tiểu thư còn được mời tú nương (thợ thêu) có tay nghề đến dạy dỗ, ai nấy học lên học xuống cho vui. A hoàn thì học cách nào? Chỉ có cách bảo nhau, học lỏm của nhau, mặt dày học trộm lẫn nhau. Cũng như thế, các cậu chủ cô chủ còn được mời thày giáo, mời người tới dạy vỡ lòng, còn a hoàn chỉ có thể học lén lúc theo hầu chủ mà thôi.

Vương Hi Phượng có thể không cần biết chữ, nhưng mà a hoàn theo hầu nếu cũng không biết chữ, thật tình không hiểu sổ sách thu chi chị ta quản lý thế nào. Nhưng mà có ai nghĩ xem đám a hoàn nên học chữ ở đâu không? Triều Đại Yến này làm gì có lớp tập huấn a hoàn giỏi giang kia chứ?

Từ đó chứng minh, kỹ năng học trộm mà không được chuẩn bị đầy đủ, e là không cách nào biết chữ thông thạo tính toán giỏi giang khâu vá thêu thùa... Làm một a hoàn hợp lệ đạt tiêu chuẩn khó lắm phải đâu chuyện đùa!!!

Một mặt Giai Lam vui mừng vì bản thân biết chữ biết tính toán lại còn biết đan dây thắt dây kiểu Trung Quốc, đã thế lại còn là người hiện đại xuyên về cổ đại thường là sẽ được cốt truyện ưu ái. Mặt khác cô lại tiếc nuối hồi còn ở thời hiện đại lúc bị mẹ bắt chọn môn học quản lý kinh doanh, cô không chịu học hành tử tế mà chỉ làng nhàng trung bình cho qua môn, thế nên bây giờ phải cố vắt óc ra mà nhớ lại các kỹ năng quản lý hầu như chẳng còn sót lại mấy trong đầu.

Ai mà ngờ được, môn quản trị kinh doanh ngày xưa mình học ba chớp ba nhoáng làng nhàng cho có, phần lý thuyết cỏn con rối tinh rối mù còn trong ký ức giờ lại trở thành vũ khí giúp cô sinh tồn ở Đại Yến... Mỗi lần nghĩ tới là một lần lệ rơi.

Cho dù tương lai sáng sủa đấy, nhưng cô vẫn ngu ngốc sử dụng phương pháp kém cỏi nhất, là kiểm kê toàn bộ tài sản còn lại của cậu ba - cuối cùng củ khoai lang nóng bỏng tay là chùm chìa khóa tủ cũng đến được tận tay Giai Lam, chứ còn đám sổ sách thu chi ngoằn ngoèo như giun bò vẽ bậy nhiều hơn viết chữ của vú Tiết thì đố ai hiểu được.

Kết quả là không có thảm nhất, chỉ có đã thảm còn thảm hơn.

Quần áo bốn mùa, chỉ còn lại có vài bộ không ra làm sao, nên hoàn toàn có thể hiểu được Giả Hoàn lúc nào cũng có vẻ lôi thôi nhếch nhác từ đầu tới chân. Thử nhìn số người biết khâu vá làm tất làm quần làm áo trong phòng cậu ba so với số người biết thêu thùa làm áo làm giày trong phòng cậu hai xem... khác biệt như trời với đất.

Cái gì, bạn bảo ra hỏi phòng may vá trong phủ ư? Đùa à, phòng may vá sẽ chịu chuẩn bị quần áo tử tế cho cậu ba con vợ lẽ sống mờ nhạt như người tàng hình trong phủ ư? Làm xong có được xơ múi gì thưởng tiền gì không? Chưa nói đến việc cậu ta đang tuổi ăn tuổi lớn nhanh phải thay liên tục, chỉ nói đến việc thời này quần áo còn được coi là hàng hóa có giá trị mua bán, e là hơn nửa chỗ quần áo của cậu ba đã bị bà vú ỉm đi hồi còn trông coi chìa khóa tủ rồi.

Đến quần áo còn bị ỉm đi thì mấy người còn trông chờ gì vào tiền tiêu hàng tháng có thể nguyên vẹn tồn tại cho chủ nhân? Ngây thơ nó vừa thôi, trong hộp chỉ còn mấy chuỗi tiền đồng lẻ, đến một viên bạc vụn còn chẳng có. Ai mà ngờ được đường đường cậu ba của Hầu phủ lại nghèo khổ tới mức này.

Còn thì đồ đạc bày biện trong nhà, đừng nghĩ nhiều, đã hoàn toàn bội chi rồi. Đúng là cậu ba nóng tính thích đập đồ đạc, nhưng mà có thể đập vỡ đồ nhiều đến mức bội chi tận từng đó, e là phải đủ sức đập hết nguyên một phòng chứa đồ toàn gốm sứ mới đủ... Khó lắm đó!

Sổ sách kiểu gì cũng không cách nào cân bằng nổi. Giai Lam không còn nước nào khác nên đặc biệt xin nghỉ một buổi đi tìm vú Tiết mới ba mươi sáu tuổi đã xin về hưu nghỉ dưỡng lão. Ai dè bà vú trở mặt không nhận, đã thế còn bị bà ta giơ nanh múa vuốt chửi bới cho tối mắt tối mũi, nên cô đành ỉu xìu rối bù mà quay về.

Quả nhiên, mình vẫn còn non tay lắm, Giai Lam thê lương thầm nghĩ. Một cô gái lương thiện xuyên về từ thời hiện đại công bình liêm chính làm sao mà đấu nổi với người Đại Yến bản địa đã quen xảo quyệt gian trá này.

Phép vua còn thua lệ làng! Chơi như này ai chơi lại chứ? Ai chỉ cách cho cô đi...

Chạy hộc cả hơi vì việc nhiều mà người không đủ, thế nhưng lầu Gia Phong vẫn dần dần trở nên um tùm cỏ dại. Khắp phủ bao nhiêu là người kèm theo bao nhiêu lễ lạt quà cáp, nhưng ngân sách thì thâm hụt trống rỗng. Cậu ba thì tính nóng như lửa, không phải, như bom nguyên tử, thích đập bát quăng chén tăng mạnh chỉ số bội chi.

Quả nhiên là rảnh rỗi khiến người ta mất cảnh giác, an nhàn khiến người ta chết mòn. Sắp chết đến nơi rồi!

Việc nào việc nấy dồn đống dồn cục chờ xử lý, cũng như đống lâu Gia Phong này, chờ mãi chờ mãi chờ sắp đến lúc hít thở không khí trong lành mà sống rồi.

Thử thách đầy khó khăn, độ khó thật sự đã vượt xa cái hồi mới xuyên qua chỉ bị đói chỉ bị đánh chỉ bị hành hạ thể xác kia.

Phải lội ngược dòng thác như thế này... có nút nào là nút Đầu hàng, có lựa chọn nào tên là Bỏ cuộc không nhỉ? Rất tiếc, không có.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro